Rank: Advanced Member
Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 18,432 Points: 19,233 Location: Golden State, USA Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
|
Chị LV đọc cái này chưa?
Bút ký.
Nguyễn Ngọc Tùng
'Một góc trời Đông Bắc'.
Chuyến viếng thăm vùng thủ-đô Hoa-Thịnh-Đốn vừa rồi, chúng tôi đã không kịp dủ chị Linh-Vang và anh Ng. cùng đi cho vui, như đã có lần nói chuyện nhân dịp các quí vị văn, thi sĩ của tờ nguyệt-san Kỷ Nguyên Mới qua chơi ngoạn cảnh vườn hồng Buchart Garden ở tỉnh bang của chúng tôi vào dịp Hè vừa rồi.
Vì lý do đó, kể như tôi đã tự tiện qua mặt chị Linh-Vang 'một cái dzù' khi dùng tựa đề "Một góc trời Đông Bắc" cho bài bút ký này. Nghe có vẻ hơi 'chỏi' với cái mục tạp bút 'Một góc trời Tây bắc' của chị đang xuất hiện hàng kỳ trên Kỷ Nguyên Mới tại tiểu-bang Maryland, Hoa-Kỳ.
Thêm nữa, lần này lại có dịp họp mặt 'kỷ niệm 10 năm' của Hội Thơ Tài-Tử VN Hải Ngoại, được tổ-chức vào buổi tối ngày 24 tháng 10 tại Sài-gòn House, Virginia. Cũng vì có sự trùng hợp đó, bỗng dưng chuyến viếng thăm thân quyến và bạn bè ở miền Đông bắc Hoa-kỳ của chúng tôi đã được "ăn ké" cái chủ đề mang chất thơ là 'Đạp trên lá vàng khô' của các thi-sĩ trong hội thơ tài-tử vào dịp này.
Thật không có gì lãng mạn hơn là đem 'chất thơ' vào đời (xin cám ơn quí vị thi-sĩ) để cho cuộc sống có thêm nhiều thi vị!. Cái chủ đề vừa nhắc tới, là một câu thơ được trích trong bài 'Tiếng Thu' của một nhà thơ nổi tiếng thời tiền chiến.
Thi-sĩ Lưu-Trọng-Lư, trong giây phút "ngắm nhìn" đàn nai ngơ ngác giữa cảnh rừng vào mùa Thu, phủ đầy lá vàng, mà nẩy sinh cảm hứng; khiến ông đã để lại những giòng thơ được ghi nhớ mãi...
"...em không nghe rừng Thu
lá Thu kêu sào sạc
con nai vàng ngơ ngác
đạp trên lá vàng khô..."
Có khác chăng ở đây, là ngay giữa một 'siêu' đô thị nổi tiếng của thế-giới văn minh, những quí vị nai tơ tuổi đời "sáu, bẩy hoặc tám bó" vẫn cứ phom phom phóng xế trên 'phi uê' để đi ngắm cảnh mùa Thu lá vàng trên vùng trời Đông bắc Hoa-Kỳ.
Một.- 15 tháng mười lẻ bốn:
Khởi hành vào buổi sáng sớm từ một phi cảng thuộc vùng trời Tây bắc, máy bay của chúng tôi đáp xuống phi-trường Baltimore vào lúc sau bữa cơm tối ngày thứ Sáu. Như đã được điện đàm, sắp xếp từ trước, người địa phương đi đón khách phương xa sau giờ làm việc, kể cũng có được đôi phần thuận tiện.
Suốt lộ trình, tuy không phải chuyển máy bay, nhưng phi-cơ cũng ngừng tại phi-trường Chicago để lấy thêm khách, thay đổi phi hành đoàn và tiếp viên hàng không. Chúng tôi sau đó mới được biết là hãng United Airlines đã chọn Chicago là trạm ngừng chân ở vùng trung tâm (the hub) cho phần đông những chuyến bay từ Đông qua Tây, hay ngược lại, trên lãnh thổ Hoa-Kỳ.
Những ngày đầu được gặp lại thân nhân, đã mang đến cho tôi nhiều thú vị. Chúng tôi rất cảm động cái phút giây hàn huyên tâm sự, sau nhiều năm xa cách. Ông anh lớn trong gia-đình, tất nhiên đã già đi nhiều, vì tuổi tác, vì sự khổ cực của cái đời 'tù cải tạo'. Hơn mười năm, kể từ sau biến cố năm 75, ông liên tiếp được luân chuyển trong các trại giam từ Nam ra Bắc. Sau khi ở tù ra, trước khi vượt thoát đi tìm tự-do, ông lại còn được dịp bóc thêm gần bốn cuốn lịch trong cuộc sống vất vưởng giữa một thiên-đàng cộng-sản của cái 'chế độ mới' làm cho đất nước nghèo nàn thêm và dốt nát thêm.
Những địa danh, một lần nữa ông được áp giải qua trong vùng núi rừng Việt bắc như Yên-Báy, Tuyên-Quang, Hà-Giang, Cao-Bằng, Lạng-Sơn...trong câu chuyện, đã được ông nhắc lại với ánh mắt già nua nhưng vẫn còn tinh anh, phản chiếu nỗi niềm cảm khái; khiến tôi mường tượng đến một nửa quãng đời trước ông đã hăng hái, xông xáo đi qua để sang Trung-Hoa bắt đầu cho một thời kỳ sôi bỏng của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Cuối thập niên 80, khi được phóng thích, bằng mọi cách ông tính chuyện vượt biên vì không còn đủ kiên nhẫn đợi chờ thủ tục bảo lãnh của gia-đình ở Hoa-Kỳ. Sau những toan tính sắp xếp ở trong Nam không thành công, ông đã trở ra ngoài Bắc. Rút cuộc ông cũng đi thoát từ vùng bến Cẩm-Phả, theo lộ trình ven biển đến Hồng Kông.
Trong lúc hai anh em nói chuyện, tôi cố ý hỏi ông:
-" Anh trông già nhiều hơn trước là lẽ tự nhiên, nhưng không thấy ở anh có vẻ 'bi quan, mệt mỏi' của một số các quí vị cựu tù cải tạo em có dịp gặp gỡ trước đây."
Ông vui vẻ với nụ cười xọm xĩnh:
-" Cũng là vì tôi có ngay cái thái độ 'chấp nhận tự ý' lúc phải đương đầu với thực tế. Chú thử tính coi, sau những kinh nghiệm với ViệtMinh cộng sản, tôi đã tự coi như cuộc đời mình chấm dứt ngay lúc đi trình diện 'học tập'. Nếu có may mắn không bị mất mạng thì cá nhân mình cũng vẫn phải cam chịu cái cảnh chung thân khổ sai. Cả hai lý do đều không có lối thoát. Một khi tự coi mình như đã 'chết', thì thử hỏi tôi còn gì phải băn khoăn cho cái thân còn lại. Chắc rằng các bạn tù của tôi, cho đến ngay cả đám cán bộ quản-giáo và nhóm cán binh cũng nhìn thấy được điều đó.
" ...Thiết nghĩ chúng tôi là tù binh của 'phe thất trận', chứ không phải là loại tù thường phạm. Do đó dù bị giam cầm, bị hành xác đủ điều, người tù ải tạo cũng vẫn cố giữ được niềm kiêu hãnh của chính họ. Riêng tôi, nhất là sau lúc nhận cái tin chị và các cháu đã vượt biên qua được Mỹ, tôi lại càng thấy 'khỏe' hơn nữa. Cái khỏe ở đây như chú đã biết, đó là cái khỏe tinh thần. Tôi tự nhủ là cố gắng vững tâm trong mọi hoàn cảnh, để ứng phó với mọi chuyện không may có thể sẽ xẩy ra cho chính mình. Thành thử Cộng sản Bắc việt chỉ có thể trút những uất hận, căm thù bằng cách hành hạ thân xác bọn tù chúng tôi, chứ chúng không thể động chạm được đến cái tinh thần bất khuất của những chiến sĩ miền Nam trong cái cảnh huống thất thế vì phương diện chính-trị sau năm 1975.
-" Thú thật với anh, em rất cảm phục những đồng bào thuyền nhân đã can đảm ra đi tìm tự-do. Có nhiều lúc tự nghĩ, không biết là ở vào trường hợp đó em có gan làm được không?"
-" Ấy chẳng qua là do hoàn cảnh hết. Nó thúc đẩy con người ta phải dứt khoát. Người dân phải quyết định thà bỏ nước ra đi còn hơn phải cam chịu sống với chế độ cộng-sản; mặc dù sự ra đi của thuyền nhân chưa biết sẽ đến một bến bờ tự-do nào? Do đó chẳng thể nói được là ai hay, ai dở chú ạ".
Đúng như sự sắp xếp và mong đợi, sau gần một tuần lễ, ngày thì giong thuyền đi, đêm thì dừng nghỉ dọc theo vịnh Hạ-Long và vùng biển Bắc phần; Thuyền đã cặp được vào một làng đánh cá ở đảo Hải-Nam thuộc Trung-Hoa. Từ đó dân địa-phương chỉ dẫn đường lối để có thể đi được tới Hồng-Kông.
Trong suốt cuộc hành trình, ông là người cao niên hơn cả, nên được đề cử làm đại diện cho tất cả thuyền nhân. Nhờ biết nói tiếng Hoa (đã học và nói tiếng Quan-Thoại trong thời gian lưu lạc bên Tàu) và tiếng Anh, nên đã không gặp khó khăn trong khi phải tiếp xúc với dân địa phương và đội cảnh-sát tuần duyên Trung-Hoa. Do điện tín của trưởng toán biên phòng, một số phóng viên báo-chí quốc-tế đã trực sẵn tại bến cảng để phỏng vấn một thuyền nhân Việt nam. Họ cho biết, đây là một trường hợp đặc biệt xẩy ra, lần đầu tiên một tù nhân cải tạo cấp bậc Đại-tá của quân-đội VNCH, vượt biên cập bến Hồng-Kông.
Sài-gòn, từ sau năm 75, sống thoi thóp trong cái không khí nghẹt thở, đe dọa bắt bớ. Trong cơn quốc nạn, Sàgòn đang phải trải qua cái bệnh sốt xuất huyết, trong cuộc sống trầm kha nghèo đói. Mọi người dân vẫn hàng đêm khe khẽ bu quanh 'đài' để lén lút vặn nghe tin tức phát thanh từ đài BBC và VOA. Bản tin mỗi tối của đài BBC Luân-Đôn, lúc đó do nữ xướng ngôn viên Hồng-Liên, được phát đi vào cùng ngày thuyền ông cập bến Hồng Kông. Cô cũng là con gái của một người bạn tù cải tạo của ông là Trung-tá Vũ-Công-Định.
Những 'mái đầu già' trong số nhóm tù binh được thả về, đêm đêm chụm vào nhau âm thầm theo dõi đài. Sau khi nghe phần tin tức của cô Hồng-Liên, họ đã thở phào nhẹ nhõm:
-" Thế là thằng Chiên đã thoát được rồi..."
-" Bẵng đi một dạo, không gặp nó, tao cứ tưởng nó đã bị đi 'tì' trở lại...Thôi thế là cũng thoát thêm được một đứa".
Bạn đồng ngũ còn ở lại, cũng vừa là bạn tù cải tạo, nhìn nhau mừng rỡ với cái tin vui nóng xốt. Nhưng khi ngẫm lại, họ cũng không khỏi buồn tủi cho ngay chính số phận mình. Người ra đi kể như đã thoát. Kẻ ở lại cũng vẫn còn tiếp tục bị đe dọa trong cái chế độ bảo quản sau thời kỳ mãn hạn cải tạo, và rồi đây tương lai họ không biết sẽ về đâu?
Thời gian kể từ giữa năm 1988 trở đi, thuyền nhân sẽ không còn được sắp vào diện tị nạn chính-trị nữa. Đặc biệt tại Hồng-Kông, họ được nhốt vào một nơi tập trung có hàng rào, cổng khóa và nhân viên trật tự canh gác. Một trong những địa điểm nổi tiếng đã gây nhiều tai tiếng sau này có tên gọi là 'trại cấm' (Closed Centre). Tuy anh tôi không ở trong trường hợp như vừa kể, nhưng cũng phải mất gần hai năm sau ông mới sang Mỹ đoàn tụ với gia-đình, hiện nay đang sống ở vùng Maryland.
Hai.- Chủ Nhật, 17 tháng mười.
Kỷ niệm 55 năm âm nhạc Lam-Phương.
Như mọi lần, trước chuyến bay chúng tôi băn khoăn về chuyện lựa mua quà cho thân nhân. May mắn thay, trong một cuộc điện đàm, chị Lê-Thị-Nhị, nữ văn-sĩ trong ban biên tập của Kỷ Nguyên Mới, đã đưa ý kiến là chúng tôi nên mời vợ chồng ông anh đi coi buổi trình diễn 'Kỷ niệm 55 năm âm nhạc Lam-Phương'.
Có được ý kiến hay, lập tức phải thực hiện. Tôi điện thoại ủy thác cho cháu Nguyễn Tiến-Đạt lo liên lạc, mua vé ngay tức khắc. (Cám ơn chị Nhị, nhờ nói chuyện với chị mà chúng tôi đã 'sắm' được một món quà trang trọng và rất đặc biệt cho chuyến đi này).
Trước đó, vào ngày thứ Bẩy ngày 16, các cháu, con anh tôi đã thay nhau lái xe đưa chúng tôi đi thăm trung tâm thủ-đô Hoa-Thịnh-Đốn. Tuy đã được biết nhiều qua hình ảnh, nhưng lần này mới được thấy tận mắt, bước vào bằng chân ngay tại những công trình xây cất đồ xộ để chiêm ngưỡng. Các quang cảnh cùng những chi-tiết mắt thấy tai nghe sẽ giúp chúng tôi sau chuyến đi này, bổ túc thêm cho bài viết lúc trước với tựa đề 'Dự định một chuyến đi' đã được đưa lên mạng lưới của Quán Gió.
Chương-trình nhạc chủ đề "Một lần cho một đời" của nhạc-sĩ Lam-Phương đã được ghi lại đầy đủ với bài tường thuật đặc sắc của nữ ký-giả Tuyết-Mai trong nguyệt-san Kỷ Nguyên Mới, số 50 vừa qua. Người nhạc-sĩ tài hoa đã đem lại ngạc nhiên thích thú cho khán thính giả, ông đã xuất hiện vào dịp này tại vùng đông bắc Mỹ. Mặc dù phải ngồi trên xe lăn, nhạc-sĩ đã cố gắng chống gậy đứng trước máy vi âm để bầy tỏ cảm tưởng trong buổi trình diễn nhạc của ông...
Nhắc đến giòng nhạc Lam-Phương, khán thính giả thuộc lứa tuổi ông, hoặc một chút hơn kém, không ai mà không biết đến từ một khởi đầu của thời học sinh mới lớn và lớp tuổi trưởng thành vào thời kỳ đất nước bị phân đôi năm 1954. Ngay trong thời gian di cư, chúng tôi cũng đã được nghe những bản nhạc như: "Chiều thu ấy", "Trăng thanh-bình" và "Tình anh lính chiến" của ông hàng ngày trên ra-đi-ô của thành-phố Sài-gòn. Nhất là sau cuộc di-cư vĩ đại năm 54 từ miền Bắc vào Nam, người nhạc-sĩ đã cảm khái sáng tác nên bản "Chuyến đò vĩ tuyến"...
Kỷ niệm tuổi học trò của chúng tôi được gắn liền với giòng nhạc Lam-Phương, đáng nhớ nhất là bài "Chiều hành quân". Chúng tôi đã đồng ca bản nhạc này trên xe hoa của trường trung-học Chu-Văn-An trong suốt đêm diễn hành dọc theo đại-lộ Trần-Hưng-Đạo; có sự tham dự của mọi tổ-chức tư nhân, cơ quan chính-phủ thuộc thủ-đô Sàigòn và ChợLớn. Nhóm ngồi trên xe hoa này cũng lại là bọn 'nhất quỉ nhì ma, thứ ba học trò' của ban vũ "Hội chùa Lim" lúc bấy giờ. Đó là một trong những kỷ niệm rất đẹp của thời còn đi học, cái thời 'hoa bướm ngày xưa' xẩy ra vào năm 58, lúc đó chúng tôi đang học lớp Đệ Tam CVA.
Cuộc diễn hành xe hoa được chấm dứt vào nửa đêm, thầy Lan và thầy Vũ-Tiềm, hai vị giáo-sư chỉ đạo, đã thết đãi bọn chúng tôi một chầu Phở. Tôi còn nhớ cái tiệm Phở này nằm ở cuối đường Phan-Đình-Phùng (gần Lý-Thái-Tổ) còn mở cửa khuya.
Trong lúc ăn, bọn trẻ vẫn không ngưng dỡn, phá phách. Chúng đã dùng những miếng vỏ chanh, sau khi được vắt vào tô phở, để liệng vào nhau. Hai thầy đã có lúc không nhịn được phải la lên:
-" Sư bố chúng mày nhá ! có im lặng mà ăn đi không, còn về chứ ! Khuya rồi.
Hồi xưa tao giậy cả thằng cha chúng bay còn được, nữa là bọn nhãi chúng mày bây giờ thì thấm vào đâu".
Ôi, bây giờ gần năm mươi năm sau, cái lời 'mắng yêu' của bậc sư-phụ sao mà thấm đượm tình nghĩa thầy trò, khiến chúng tôi không thể nào quên được trong suốt quãng đời học-sinh của mình.
Giờ đây thì các thầy hầu hết đã không còn nữa. Đám học trò cũ của các người, thì nay cũng đã thấy kẻ còn, người mất.
Người viết xin được nhấn mạnh ở đây là buổi tổ chức "kỷ niệm 55 giòng nhạc Lam-Phương", theo nhận xét về phía khán thính giả, thực sự chỉ được bộc lộ vào khúc cuối của chương trình qua phần trình diễn sống động của nữ ca, nhạc sĩ Nguyệt-Ánh. Cô đã tự đệm đàn và hát, liên tiếp cống hiến khán thính giả những bản nhạc quen thuộc, có thể nói là tiêu biểu của nhạc-sĩ Lam-Phương; sáng tác từ trong những thập niên 50, 60...
Nhân dịp nghỉ giải lao, như đã hẹn trước, chúng tôi tìm gặp nhau ở khu tiền sảnh tại thính đường của Northern Virginia Community College. Giữa số đông khán thính giả, chúng tôi gặp nhà văn nữ Lê-Thị-Nhị trong ban biên tập nguyệt-san Kỷ Nguyên Mới, một số bạn học cũ như thi, nhạc-sĩ Nguyễn-Đức-Nam, 'ca sĩ' Vũ-An-Thanh, 'ông bầu' Đỗ-Diễn-Nhi v...v. Đâu đó tôi có dịp trao đổi vài câu hỏi thăm với nhạc-sĩ Thiện-lý. Còn Nguyễn-Tường-Cẩm, một bạn học cũ khác cũng đã một thời sống ở Đà-Lạt (Đại học chính-trị kinh-doanh) thì mãi sau hôm đó tôi mới có dịp nói chuyện vắn tắt qua điện thoại. Tôi chắc rằng sẽ còn có thêm một số người quen khác ngày xưa, nhưng vì không có đủ thời gian để tìm gặp.
Ba- .."Một đời nhớ thương".
CD của nhạc-sĩ Nguyễn-Đức-Nam.
.."đường vào tình yêu có vấn vương
có hờn, có giận, lẫn nhớ thương
từ em nghiêng bóng hồ than thở
bên dáng thông gầy trong khói sương..."
Mấy câu trên tôi còn nhớ, mới tập làm thơ "thẩn" lúc tuổi học-trò để ca ngợi cho một thành-phố 'mộng mơ' mà tôi ưa thích. Một thành-phố nên thơ và đẹp nhất của miền đất nước, tọa lạc trên vùng cao nguyên Lâm-Viên. Nơi đó tôi chỉ được may mắn ghé thăm vài lần, và thời gian dừng lại cũng rất là ngắn ngủi.
Dĩ nhiên là trong một cuộc đời có cả mười năm để được gắn bó, để được sống 'trong' và sống 'với' Đà-lạt, nguồn thơ và nhạc của Nguyễn-Đức-Nam chắc chắn đã trải qua những cảm xúc trầm kha, nồng đậm biết chừng nào!
"Một đời nhớ thương" là chủ đề của một trong số CD với những sáng tác gồm ý nhạc và lời thơ của nhạc-sĩ Nguyễn-Đức-Nam; được ra mắt vào tháng tư vừa qua tại Virginia thuộc năm 'hai ngàn lẻ bốn'. Trong buổi văn nghệ trình làng, đã có mặt rất đông khán thính giả của địa-phương yêu chuộng văn nghệ. Tưởng cũng cần phải kể thêm sự hiện diện của các bạn bè thân hữu của nhạc-sĩ tác-giả đến tham dự từ các nơi, bằng đủ mọi phương tiện di chuyển.
Gần một nửa thế-kỷ mới có dịp tìm gặp được nhau ở " Một góc trời Đông bắc" Hoa-Kỳ (ở một nơi chốn không phải trên quê-hương mình), người bạn học cũ vẫn không thay đổi; vẫn cái phong cách của một Nguyễn-Đức-Nam như hồi còn đi học.
Việt-Nam quê-hương chúng tôi dường như chưa từng bao giờ có được một ngày im tiếng súng; do đó đã ảnh hưởng đến cuộc đời của mỗi người, mỗi gia-đình, mỗi đoàn thể. Ở trường học, chuyện lựa chọn 'ban' đưa đến việc thay đổi lớp khiến sau khi hết Đệ Tam chúng tôi đã không còn có dịp học cùng. Mãi sau này tôi mới được biết là gia-đình anh đã dọn nhà sang cư-xá Chu-Mạnh-Trinh, khu Tân-định.
Với tôi, trong số những người bạn của thời học-sinh, Nguyễn-Đức-Nam bao giờ cũng được nhớ đến rõ nét với chiếc xe đạp 'dura' cùng cây đàn guitar của những năm Ngũ, Tứ. Lúc đó gia-đình anh còn ở đường Nguyễn-Bỉnh-Khiêm (gần góc đường Tự-Đức). Kỷ niệm được nhớ đến nhiều nhất là những ngày vui, đi bơi ở hồ tắm O.S.S.U. (hội Thể thao Saigòn) nằm tại ngã tư Nguyễn-Bỉnh-Khiêm và Phan-Đình-Phùng. Kế đó là hoạt động báo-chí sửa soạn cho tờ báo Xuân CVA (Lê-Đình-Điểu lúc đó là trưởng ban văn-nghệ toàn trường); xe Hoa CVA và đại hội học-sinh cuối năm 57-58, với sự góp mặt của tất cả các trường trung-học tại Thủ-đô Sài-gòn. Trường Chu-Văn-An năm đó đã tham dự với một màn ca, vũ nhạc "Hội chùa Lim" gồm những phần hát đối (có khi được viết là hát đố) điệu Quan họ, Trống quân; giữa bên nhóm con trai và nhóm con gái. Màn vũ đã diễn lại cảnh ngày trẩy hội hàng năm tại làng Lim, một làng nổi tiếng của tỉnh Bắc-Ninh.
Để sửa soạn cho màn ca, vũ nhạc, chúng tôi đã phải kéo nhau sang trường Trưng-Vương nhờ các chị hát để thu thanh cho phần giọng nữ. Sau đó, trong lúc trình diễn bọn tôi chỉ việc 'nhép miệng' (lip sing). Còn vai các cô gái Bắc-Ninh, thì bọn nam học-sinh chúng tôi phải tự hóa trang lấy, miễn là phải 'õng ẹo' làm sao cho giống con gái thì thôi.
Cái giây phút vui nhộn nhất, không thể không nhắc tới, là cái lúc giáo-sư hướng dẫn văn-nghệ dẫn chúng tôi 'đổ bộ' vào chợ Bến Thành đi mua xắm xú-chiêng và các cặp mousse để độn ngực, cho giống với chị em. Bọn học-sinh chúng tôi đã khiến khu xạp bán quần áo phụ-nữ của chợ Bến Thành trở nên nhốn nháo như cái chợ vỡ!
Y-phục với khăn vuông, nón quai thao, yếm lụa, áo tứ thân, quần thâm, áo the, khăn xếp, v...v... chúng tôi đã liên lạc mượn được của đoàn Kim-Chung, tiếng chuông vàng thủ-đô, lúc đó đã có rạp hát riêng trên đường Hồng-Thập-Tự, Sàigòn. Rút cuộc mọi chuyện được hoàn tất để sửa soạn cho màn ca vũ của học-sinh CVA tại trường Quốc-Gia Âm Nhạc Sàigòn lúc bấy giờ.
Tôi vẫn còn nhớ rõ, sau khi hóa trang xong, chỉ có "cô" Đinh-Tiến-Dũng (hay Đinh "Bù Loong") là trông giống "gái" làng Lim nhất. Anh vốn có cái khuôn mặt tròn trịa, với làn da khá mịn màng nên sau phần 'độn ngực, dồi phấn, thoa son' trông cũng rất là 'bắt mắt' các chàng trai (trong số có Nguyễn-Đức-Nam) đến trẩy Hội làng Lim! Cho đến bây giờ, hễ mỗi khi được nhìn cháu ca-sĩ Diễm-Liêm trình diễn trên sân khấu, tôi thấy cháu có cái khuôn mặt phảng phất giống anh khi đóng giả 'cô gái Bắc-Ninh' hồi trước.
Chuyện cũ kể như đã qua mau và cũng chóng phai nhạt như mầu thời gian; nhưng không thể không nhắc lại mỗi khi có dịp đề cập đến những kỷ niệm "đi mần" văn-nghệ của tuổi học-trò.
Buổi ra mắt cuốn CD "Một đời nhớ thương" của nhạc-sĩ Nguyễn-Đức-Nam được các nhóm truyền thông và báo chí phổ biến; đã được giới thưởng ngoạn âm-nhạc hải ngoại đón nhận nồng nhiệt. Ngoài ra có một số nhạc-sĩ và các văn nghệ-sĩ thời danh cũng đã bầy tỏ những lời nhận xét, phê bình thuận tiện cho cuốn CD này. Tất nhiên người viết không muốn làm một chuyện dư-thừa nếu lại nhắc đến những điều tương tự trong bài tạp ghi "Một góc trời Đông bắc".
Chúng tôi, ở đây, chỉ xin nói lên mối giao tình bằng hữu khi nhắc đến một người bạn cũ. Bài viết này cũng phải kể là thiếu sót lớn nếu không nhắc đến tên chị Kim-Nga, nữ chủ nhân của Golden Swan production (theo nhạc-sĩ tác-giả của "Một đời nhớ thương", thì đó chính là một loại 'thiên nga vàng' hiếm có).
Xin chúc hai vị sẽ lại tiếp tục phát hành những CD nhạc có giá trị tương tự như "Một đời nhớ thương" trong thời-gian kế tiếp.
Bốn.- Những ngày vui...
tại 'Một góc trời Đông Bắc'.
Sinh sống ở Gia-Nã-Đại đã lâu, nên mỗi lần xuống Mỹ, chúng tôi cảm thấy tối tăm mặt mũi và "ngộp thở" vì nhịp sinh hoạt cao độ của cộng đồng người Việt tị nạn chúng ta ở cái xứ sở này.
Kể từ khi có xuất hiện loại cơm "chỉ" trên thị trường thực phẩm, hầu như mọi gia-đình Việt-nam ở bên Mỹ giảm bớt được cái cảnh nấu nướng tại tư gia. Hội họp đình đám ư? Cứ việc giắt nhau ra tiệm, ăn xong mạnh ai nấy trả. Mừng ngày sinh-nhật, hay lễ mừng tuổi thọ ư? Muốn không phải chợ búa, nấu nướng mà cũng có món ăn, thì cứ việc ra tiệm "chỉ" món nào thích, là lập tức được đóng hộp ngay để đem về nhà. Chén dĩa thì bằng giấy, đũa tre muỗng nhựa ăn xong được tống ngay vào túi rác, chủ nhân khỏi mất công rửa dọn. Ai nấy cũng đều hể hả sau khi chấm dứt cuộc vui, kể cả hai bên, phía tổ-chức và khách được mời tham dự.
Suốt thời-gian ở lại vùng Đông bắc Hoa-Kỳ, khu thương-xá Ê-đen của người Việt tại Virginia được coi là nơi chúng tôi thường xuyên lui tới nhất.
Nhóm bạn hữu đùa coi chúng tôi như một món hàng vừa mới 'nhập nội ', và địa điểm trao đổi chính là nơi thương-xá Ê-đen. Ai nấy nếu có giờ thuận tiện muốn gặp để đưa chúng tôi đi thăm viếng phong cảnh địa phương, cũng đều đến gặp và đón tại Ê-Đen. Tóm lại, chỗ này được coi là điểm tiếp giáp của các tiểu bang bao quanh vùng thủ-đô Hoa-Thịnh-Đốn, cho nên nếu ai có phải mất công tới đây thì ít ra cũng giảm bớt được nửa thời-gian ngồi trước tay lái; đấy là chưa kể gặp phải những giờ kẹt xe trên xa-lộ.
Còn nhớ cũng trong một bữa cơm thân hữu trong khu thương-xá, tôi có vui miệng nói:
- May quá, chúng tôi được gặp gỡ quí vị ở nhà hàng, còn như nếu được thết đãi một bữa cơm tại tư-gia thì chắc chúng tôi cũng phải bắt chước một vị văn sĩ nào đó, cố viết ra một bài để tỏ lòng cám ơn. Chắc là phải khen làm sao để cho nữ chủ nhân vừa lòng...
Một vị ngồi cùng bàn hùa theo:
- Còn thêm nữa chứ bạn; nếu khen đến nữ trang của gia chủ, thí dụ nếu là vàng thì lại phải nhấn mạnh là "dzàng ròng" hay "dzàng trắng". Hoặc lỡ bạo miệng nhắc tới chiếc nhẫn hột soàn đang được đeo trên tay của nữ chủ nhân, thì phải viết rõ ràng là bao nhiêu ka-ra. Một điều nữa cần nhớ để khi khen tới y-phục thời trang thì phải nêu rõ xuất xứ, nơi được thiết kế (design) của nó vì có thể chủ nhân không muốn bị 'đụng hàng'...
Như đã hẹn trước, nhân dịp gặp nhau ở buổi trình diễn nhạc Lam-Phương hôm Chủ-nhật, ngày hôm sau là thứ hai, Vũ-An-Thanh đã đến đón chúng tôi tại Maryland (nơi gia-đình ông anh tôi đang cư ngụ). Vì mọi người chỉ mong có dịp thuận tiện để hàn huyên tâm sự, nên chúng tôi yêu cầu được đến thăm tư gia của hai anh chị, thay vì lại tiếp tục lang thang, đi tham quan chỗ này chỗ kia như dự định.
Sau mấy chục năm qua, hai người bạn học cũ cũng vẫn còn nhận được ra nhau. Tôi chỉ thấy hơi khác ở Vũ-An-Thanh là bộ ria mép và mái tóc muối tiêu. Còn chị Ngọc-Thanh, nhìn cũng không khác thời còn là một nữ sinh Trưng-Vương là bao nhiêu; cho nên tôi đã nhận ra chị ngay khi vừa gặp mặt. Lúc xưa, bạn bè ưa gọi hai người là cặp "song Thanh" cho tiện. Trong bọn, chuyện tình yêu đã đến với Vũ-An-Thanh sớm hơn cả. Hồi đó chúng tôi đang học lớp đệ Tam, cái thời mới lớn, bạn bè còn đang chập chững đua nhau đi kiếm 'bồ', thì Thanh đã nghiễm nhiên có một người đẹp TV bên cạnh.
Nhân buổi lại thăm anh chị tại tư gia, chúng tôi có dịp thưởng thức giọng hát của cặp 'ca-sĩ' Song Thanh tại 'góc trời Đông bắc' Hoa Kỳ. Cả hai đã hoàn tất một CD, được thu thanh những bản nhạc chọn lọc mà họ cùng ưa thích và cùng hát.
Thế là nguyên một buổi chiều hôm đó, lần đầu tiên sau một tuần lễ bận rộn đi thăm viếng, chúng tôi được thong thả ngồi lại với nhau bên ly nước trà nóng để được thưởng thức hai giọng ca êm dịu qua những bản nhạc chọn lọc mà chúng tôi từng được nghe và đã rất thích từ lâu như: 'Gọi người yêu dấu', "Thà như giọt mưa', 'Em còn nhớ hay đã quên', 'Tình cầm', và 'Giòng thời gian' v...v...
Người nghe, ngay thoạt đầu đã tưởng đang được ngồi trước một Quỳnh-Giao và Sĩ-Phú trong một buổi trình diễn nhạc thính phòng nào đó trước đây. Chị Ngọc-Thanh với giọng hát rất trong và cao (khiến chúng tôi liên tưởng đến nữ ca-sĩ Quỳnh-Giao) đã cho chúng tôi thưởng thức những bản nhạc vừa kể. Khi được nghe Vũ-An-Thanh cất tiếng hát, tôi lại tưởng nhớ đến một Sĩ-Phú hồi còn sinh thời. Tuy thế có một chút hơi khác là giọng của An-Thanh có phần ấm hơn so với người bạn nam ca-sĩ đã quá cố, của anh.
Vào dịp này chúng tôi đã yêu cầu hai bạn Song Thanh ghi âm thêm CD kế tiếp, và hy vọng sẽ được dịp nghe vào một dịp gần đây.
Hội các nhà thơ tài-tử VN hải ngoại, như đã giới thiệu ở phần đầu của bài viết, được tổ chức tại nhà hàng Saigon House ở Virginia với số người tham dự lên đến hơn ba trăm. Phải nói phần đông là giới thân hữu và các đọc giả ái mộ đã có mặt buổi hội ngộ đêm đó.
Cùng với bài tường thuật đầy đủ của nữ ký-giả Tuyết-Mai về buổi họp mặt của Hội Thơ trên Nguyệt San KNM trong những số trước, chúng tôi chỉ xin ghi nhận thêm ở đây là sự có mặt của nữ Ca-sĩ Thanh-Lan và nhạc-sĩ Trịnh-Hưng trong số các thi-sĩ của Hội Thơ tài tử. Theo sự nhận xét của số đông khán thính giả và thân hữu thì chương trình văn-nghệ đã thiếu xót phần giới thiệu nhạc phẩm "Lối về xóm nhỏ" của nhạc-sĩ Trịnh-Hưng. Vì đây là một trong những bản nhạc nổi tiếng của ông, được sáng tác vào năm 1955-56, đã khiến khi nhắc đến tên nhạc-sĩ Trịnh-Hưng là người ta không thể thiếu được nốt nhạc và lời ca của "Lối về xóm nhỏ" của ông.
Buổi chiều cùng ngày, đáp lại cuộc thăm viếng của chúng tôi tại tư gia, nhà văn kiêm nhạc-sĩ Nguyễn-Đức-Nam, chủ-nhiệm Nguyệt San Kỷ Nguyên Mới, đã tiễn và đưa chúng tôi đến thẳng Saigon House. Sau đó ông cáo từ các quí vị trong ban tổ-chức để còn phải có mặt trong một cuộc hội kiến quan trọng khác được xẩy ra cùng giờ.
Chúng tôi sở dĩ có mặt trong buổi hội, là vì được hân hạnh mang danh nghĩa thuộc nhóm thân hữu của nguyệt San KNM. Do đó đã được ngồi cùng bàn với hầu hết các quí vị văn, thi sĩ 'chuyên nghiệp' -professional- (đối nghĩa với các thi-sĩ của Hội Thơ 'tài-tử' amateur); thuộc ban biên-tập Kỷ nguyên Mới. Theo như đúng 'lệ làng' những quí-vị ngồi 'chiếu trên' trong buổi họp mặt tối hôm đó phải kể gồm có: văn, thi-sĩ Hà-Bỉnh-Trung, thi-sĩ Vương-Đức-Lệ, nhiếp ảnh gia Phạm-Văn-Tuấn (con trai nhiếp ảnh gia Phạm-Văn-Mùi); các nữ văn, thi sĩ như: Quỳnh-Anh, Lê-Thị-Ý, Lê-Thị-Nhị, Vi-khuê và Ái-khanh.
Nguyệt san Kỷ Nguyên Mới được ra đời vào thời điểm 'bắt đầu' của năm hai ngàn, đánh dấu cho một thiên niên kỷ mới. Sự xuất hiện đều đặn trong thời gian vừa qua chứng tỏ tờ nguyệt-san của vùng thủ-đô Hoa-Thịnh-Đốn, đã phát triển vững vàng và được phổ biến ngày càng rộng rãi đến mọi tầng lớp đọc giả khắp nơi.
Năm.- Đoạn kết của mục bút ký:
Những ngày vui đều dường như qua mau, và mọi cuộc vui nào rồi cũng chóng tàn.
Thời gian của mấy ngày cuối sau hai tuần lễ thăm viếng và tham dự những sinh-hoạt văn-nghệ ở "một góc trời Đông bắc" Hoa-Kỳ, cũng như nhiều lần khác, đã khiến kẻ sắp sửa trở về sao xuyến cõi lòng. Người ở lại, thì có khác gì đâu! cũng không kém phần bồi hồi trước lúc chia tay.
Chuyến bay trên đường về xem chừng như nặng nề hơn với mớ hành trang cá nhân đã được lèn chặt, chứa thêm đầy ắp những tác phẩm văn và thơ; kể như là những món quà văn nghệ trân quí được gửi tặng kèm theo.
..."Hôm nay đây còn vui trông thấy nhau, bên tiếng ca tiếng đàn vượt trời cao.." (nhạc Lam-Phương) mọi người ai cũng nhớ lời của bản nhạc và ai nấy đều cũng đã biết là như thế. Những lời hứa hẹn, những dự định gặp gỡ trong tương lai, thời gian và địa điểm cũng đã được nhắc đến như một giao ước sơ khởi trong lúc tiễn đưa. Tất nhiên dự định nào rồi thì cũng còn tùy thuộc vào nhiều những hệ lụy khác, quanh quẩn trong cuộc đời mỗi người chúng ta. Cho nên lời hứa hẹn sẽ còn phải được xác nhận bằng những cú điện-thoại viễn liên kế tiếp, cũng còn tùy thuộc vào sức khỏe, tùy thuộc vào sự vui buồn và cái tâm trạng (cái mood) của mỗi người trong tương lai.
Có một điều tôi đoan chắc là chuyến thăm viếng kế tiếp ở "một góc trời Đông bắc" Hoa-Kỳ, nếu được thuận tiện, theo như lời nhà thơ Hà-Bỉnh-Trung, chúng tôi nên đi vào đầu Xuân để được có dịp thưởng thức ngoạn cảnh ngắm hoa Anh Đào dọc theo bờ sông Potomac tại thủ-đô Hoa-Thịnh-Đốn, của đất nước Hoa-Kỳ.
Người viết bài bút ký lần này sẽ không quên dủ thêm chị Linh-Vang và anh Ng. cùng đi cho vui. Âu cũng là muốn giữ được cái lần hứa hẹn với hai quí vị tại vườn Hồng Buchart garden hôm nào./
Nguyễn Ngọc Tùng.
(tư, lẻ năm)
|