Con Tôi Đi Đóng Quảng Cáo Chiều, nhận được lời nhắn từ người đại diện (agent): "Trianh has casting call tomorrow afternoon at 4pm, please check your email and call to confirm", đại khái nghĩa là: "Trianh được gọi đi thử việc chiều mai 4 giờ, xin vào đọc email và gọi xác nhận." Tôi vào đọc email, phá lên cười rồi bắt điện thọai gọi người đại diện:
- Anh thật sự muốn gửi Trianh đi? Trianh chẳng giống Tây Tạng chút nào.
- Tôi biết chứ, nhưng họ gọi thì chị cố gắng dẫn nó đến đi. Không phải đứa nào cũng được gọi, tôi gửi hình của tất cả những đứa nhỏ Á Châu mà tôi có nhưng họ chỉ muốn gặp có vài đứa.
- Thật sao! Tôi tưởng đứa nào cũng được kêu đi thử việc.
- Không đâu, khi thân chủ gọi đến cho họ gặp lần đầu, nghĩa là họ đã cắt xuống một phần ba qua hình. Sau đó họ sẽ cắt xuống nửa hoặc một phần ba cho lần gặp thứ hai (call back), rồi mới chọn lại một hoặc vài đối tượng cuối cùng.
- Vậy à. Thôi được ngày mai tôi dẫn Trianh đến.
Tôi vào xem lại chi tiết của vai trò đang cần tuyển người. Cần các em bé 4-8 tuổi, nam và nữ, có nét Tây Tạng. Xin mặc trang phục tương tự như của trẻ em Tây Tạng, hoặc ít nhất là mặc áo thụng (some kind of robe). Cơ hội làm việc với đại tài tử. Đây là quảng cáo cho xe Lancia Delta. Quảng cáo chỉ dùng ở Âu Châu. Thật ra tôi đã thấy mẩu tin tìm người này trong trang web LACasting (dành cho giới làm việc trong ngành giải trí, vào tìm việc và tìm người) mấy ngày trước nhưng bỏ qua vì nghĩ rằng Trianh làm sao giả làm Tây Tạng cho đặng. Dù sao thì một khi đã được kêu đi thử việc mà không đi thì... uổng vì bỏ lỡ một cơ hội có thể được mướn đóng quảng cáo. Bạn hãy thử tưởng tượng đi, bạn bước vào cửa tiệm Target, thấy ngay một tấm bích chương lớn hình một cô bé đang làm dáng thật dễ thương, và bạn sẽ vui đến mức nào nếu cô bé đó chính là cô con gái cưng của bạn. Cho nên dù mỗi lần đi thử việc đều rất mất thời gian, tôi vẫn cố gắng đưa Trianh đến, biết đâu một ngày nào đó tôi sẽ có dịp "vui đến mức nào", ít ra là một lần.
***
Chuyện "đi đóng quảng cáo" bắt đầu vào một ngày xuân đẹp trời năm 2007 gia đình chúng tôi đi hội chợ tết. Đang lang thang thì có một người Mỹ đến đưa một cái thiệp có hình những đứa bé dễ thương và khen rằng: "Con chị thật có cá tính, nên cho nó đi đóng quảng cáo, có thể liên lạc ở số điện thoại này để biết thêm chi tiết". Tôi cầm cái thiệp bỏ giỏ không để ý mấy, hôm nay không biết bà ta đã lập lại câu khen đầu lưỡi đó đến bao nhiêu chục lượt.
Mấy tuần sau tôi nhận được điện thoại từ trường chuyên đào tạo diễn viên có tên là ICA mời đến tham quan trường. Tò mò, tôi dẫn Trianh đến trường xem. Trường ở tận thành phố Lake Forest, cũng nhỏ thôi, có phòng đợi (lobby), hai phòng học, một phòng họp rộng và thêm chừng năm phòng làm việc khác. Sáng thứ Bảy, tháng Hai trời nắng ấm. Người đông chen chúc trong ngoài. Những phụ huynh đưa con đến học ngồi chờ ở hành lang trong lúc theo dõi sinh hoạt trong lớp vì phòng học toàn là cửa kính. Những phụ huynh đến tham quan trường tập trung ở phòng họp nghe trình bày về vai trò của các trẻ em trong thế giới giải trí, những điều cần biết, những điều cần chuẩn bị, v.v. Theo sự trình bày của trường thì số trẻ em đi vào lãnh vực giải trí rất đông nhưng nhu cầu cần người cũng cao, nên bất kỳ em nhỏ nào cũng có cơ hội thành công, và sự thành công đó tùy thuộc vào sự chịu khó của cha mẹ lẫn các em nhỏ. Nói như thế, có thể hiểu rằng muốn thành công không phải là dễ và có lẽ sẽ mất rất nhiều thời gian cũng như tiền bạc, mà cả hai thứ tôi đều không có nhiều.
Đã dẫn Trianh ra cửa định đi về rồi thì một nhân viên của trường gọi lại "dụ khị", ráng chờ chút đi, nói thật con của chị rất có triển vọng, thế là lại... bùi tai ở lại. Sau đó lần lượt mọi em nhỏ đều vào gặp người đứng đầu trường để được lượng định khả năng và có lẽ em nào cũng sẽ được khen câu "rất có triển vọng". Tuy nhiên, có lẽ vì muốn cho phụ huynh có cảm giác rằng con của mình có khả năng thật nên các em không được đề nghị vào chương trình học ngay mà cho về nhà chờ với lời hứa, nếu được gọi trong vòng ba ngày, nghĩa là các em được nhận vào chương trình đào tạo của ICA.
Mấy ngày sau Trianh được gọi trở lại trường. Tôi có bàn với ông xã, chuyện đi đóng quảng cáo thì sau này hãy tính, nhưng con bé Trianh, lúc đó gần năm tuổi, tính tình thật nhút nhát, đi đâu cũng khóc cũng mếu, nếu chương trình này có thể giúp nó dạn dĩ hơn thì tốn chút thời gian và tiền bạc cũng coi như là có kết quả. Trước đó tôi đã từng dẫn Trianh đến sinh hoạt thử với một nhóm múa hát trong cộng động Việt Nam nhưng mấy cô bé của nhóm này quá lanh, ngày đầu tiên con bé bị bắt nạt, về than "no fun". Hy vọng khi Trianh lớn thêm chút nữa, tôi có thể cho nó tham gia hướng đạo hay thiếu nhi thánh thể. Còn bây giờ thì chương trình này có vẻ là thích hợp với nhu cầu của chúng tôi cho Trianh.
Về trường ICA thì tôi có nhận xét đây không phải là một trường bịp bợm dựa vào những câu chuyện... nghe lóm được giữa các nhân viên và thấy rằng họ thật sự quan tâm đến việc đào tạo cũng như tìm được người đại diện cho các em nhỏ. Dựa trên hình ảnh, thư từ trưng bày tại trường cũng có thể thấy được là một số học sinh của ICA cũng đã có được một sự thành công tương đối mặc dù chưa thấy có một tài tử tí hon nổi tiếng nào cả. Tuy nhiên, trong môi trường cạnh tranh gay go của thế giới giải trí, những thành quả như thế cũng đã là khả quan lắm rồi. Ví dụ, một em trai được đóng quảng cáo cho hãng Kodak được dùng trong lúc chiếu thế vận hội mùa đông. Em này sau đó cũng được xuất hiện trên phim truyền hình Monk và một số phim màn hình lớn khác. Có em được đóng quảng cáo cho Hallmark, Mazda, Kellog's, Toys r us, v.v.
Thế là Trianh bắt đầu đi học làm... diễn viên, một tuần ba ngày, tối thứ ba, tối thứ năm và nửa ngày thứ Bảy. Hầu hết đứa nhỏ nào cũng có vẻ thích giờ học vì toàn là các sinh hoạt vui chơi. Mỗi giáo viên có một cách riêng để tạo sự hào hứng cho đám nhỏ, giúp bộc lộ cá tính qua sắc mặt, cử chỉ, lời nói, v.v. Những bài học đều được lồng vào các trò chơi nên khá có hiệu quả trong việc giúp các em trở nên dạn dĩ và sôi động. Các em còn được thay phiên làm người điều khiển trò chơi, “đạo diễn” phim trường và đứng trước lớp để được đặt câu hỏi. Các em cũng được dạy học thuộc lòng và diễn tả khoảng ba quảng cáo để sau này có thể đi gặp người đại diện. Cuối cùng là phần đóng những đoạn kịch ngắn vài dòng đối thoại, nhưng các em sẽ được quay phim và xem lại vào cuối giờ học cùng với phụ huynh trong khi giáo viên sẽ có nhận xét về sự thể hiện của các em.
Có một cô giáo luôn chú trọng về mặt luyện cách phát âm, một yếu tố rất quan trọng cho các trẻ em ở độ tuổi 4 đến 6 như Trianh. Cô giải thích là bất kể tiếng Anh có là ngôn ngữ chính tại nhà hay không, khi trẻ em bắt đầu học theo những chữ mà chúng nghe được xung quanh thì chúng cần được hướng dẫn để bắt chước đúng chữ nghe được, nhấn đúng, phát âm đúng và tròn chữ mà không bị mất âm cuối. Nếu tập được từ nhỏ thì khi các em bắt đầu tập viết và tập đánh vần sẽ cảm thấy dễ dàng hơn. Riêng về mặt này thì tôi thấy Trianh có tiến bộ rõ rệt. Ban đầu khi cô giáo nói “McDonald’s”, Trianh sẽ lập lại McDonald (thiếu âm “s” ở cuối) hoặc khi cô giáo nói “Shout takes away every stain”, Trianh sẽ lập lại “Shout take away everything”. Dần dần Trianh mới có thể nghe và lập lại rõ ràng hơn cũng như không bỏ mất âm cuối.
Một cô giáo khác lại chuyên về luyện giọng và dạy các em múa hát. Cô giải thích là ở bất cứ trường hợp nào, ngay cả sau này khi các em đi học trường thường, mỗi khi được hỏi phải có thể trả lời to và rõ ra\àng, nếu không thì các em chỉ biết “to mồm” ở nhà mà ra ngoài đường thì lại… câm như hến. Cô cũng tin rằng nhiều em được cha mẹ hướng vào lãnh vực điện ảnh nhưng lại có khiếu về kịch nghệ, do đó nếu trong lớp của cô mà các em bộc lộ sở thích này thì cha mẹ nên chuyển hướng, biết đâu một ngày nào đó các em sẽ xuất hiện trên sân khấu Broadway cũng không chừng.
Sau hơn một tháng theo học, tôi đưa Trianh đi chụp hình chân dung để chuẩn bị đi gặp người đại diện. Trianh cũng có một resume đính kèm với hình và một địa chỉ email riêng. Mỗi thứ Bảy, những người đại diện sẽ xuống tận trường tuyển người. Có hàng hà sa số những công ty đại diện lớn nhỏ, do đó phụ huynh được khuyên nên gặp càng nhiều người đại diện càng tốt để có thể chọn được người tốt nhất. Trong chuyện này cũng không nên miễn cưỡng, phải tìm cho được người mà mình có thể làm việc được và họ cũng thật sự thích con của mình thì mới có thể làm việc với nhau lâu dài và hài hòa. Khi gặp người đại diện, các em sẽ phải tự cầm hình chân dung của mình vào phòng “phỏng vấn” một mình, phải có thể trả lời các câu hỏi cũng như diễn tả một đọan quảng cáo một cách rành mạch và tự tin. Các em có thể bộc lộ bản tính nhút nhát nhưng không thể tỏ ra sợ sệt. Tuy cuộc phỏng vấn chỉ kéo dài khoảng một phút, nhưng nếu không có sự tập luyện trước thì tôi chắc rằng một đứa nhỏ nhút nhát như Trianh sẽ chẳng dám tự bước chân vào phòng phỏng vấn một mình với một người lạ.
Cũng vì môi trường của thế giới giải trí luôn đặt các em nhỏ trong tình huống phải gặp gỡ, “làm việc” với người lạ, mặc dù cha mẹ luôn theo sát, các em cũng cần phải biết cách nhận biết và phản ứng khi có người muốn lợi dụng các em. Và điều này cũng được nhắc đến trong các giờ học. Ngoài ra, các em cũng được tập dượt các bảo vệ chính mình phòng khi có tai nạn xảy ra trong lúc quay phim và cách phản ứng khi tai nạn xảy ra cho những người đồng diễn. Nói chung, các lớp học tại trường ICA chuẩn bị cho các em khá kỹ để sẵn sàng bước vào thế giới giải trí Hollywood. Ngay cả nếu khi các em sau này không đi vào con đường này thì vẫn có thể áp dụng những điều học được ở các môi trường khác trong đời sống. Nếu ghi danh học chương trình VIP tại ICA, các em sẽ được tiếp tục theo học cho đến lớn vì qua mỗi độ tuổi, vai diễn sẽ khác đi và các huấn luyện cũng sẽ phải thay đổi nhiều.
Mỗi thứ Bảy Trianh đều gặp hai người đại diện, liên tục cả tháng, gặp hơn chục người đại diện khác nhau, đến hồi được trả lời thì có ba văn phòng muốn gặp Trianh lại lần thứ hai tại văn phòng của họ. Tôi đi gặp ACME đầu tiên. ACME có nhận xét là Trianh còn hơi chút nhút nhát, nên bắt đầu bằng việc chụp hình quảng cáo. Thế là tôi được giới thiệu cho người đại diện của Tag Models chuyên trong lãnh vực chụp hình quảng cáo và họ ưng thuận đại diện cho Trianh. Bước kế tiếp là ghi danh vào trang mạng LA Casting; nơi đây sẽ lưu trữ hình và chi tiết cá nhân của Trianh để người đại diện có thể gửi đến những nơi cần tìm người. Đáng lẽ ngày hôm sau tôi đi gặp hai văn phòng đại diện còn lại, nhưng vừa hoàn tất việc đưa hình Trianh lên LA Casting thì văn phòng đại diện gọi lại, Trianh được gọi đi thử việc ngay ngày hôm sau. Tôi nhủ thầm, thôi chắc là chỉ có duyên với Tag Models rồi.
Những trẻ em bước vào lãnh vực giải trí còn cần chuẩn bị hai thứ khác nữa, đó là trương mục ngân hàng và giấy phép làm việc. Trương mục ngân hàng dành cho các trẻ em trong ngành giải trí, nghệ thuật có tên là Coogan account, ấn định ít nhất 15% thu nhập của các em phải được giữ trong trương mục này và cha mẹ không được đụng đến. Luật này được thiết lập năm 1938, từ trường hợp của tài tử tí hon nổi tiếng đầu tiên Jackie Coogan. Thu nhập của Jackie trong việc đóng phim vào những năm 1920 ước tính lên đến 4 triệu Mỹ kim, khiến cậu bé trở thành triệu phú trẻ tuổi nhất trong lịch sử qua nhiều thập niên. Tuy nhiên, vì không có luật bảo vệ quyền lợi của trẻ em, Jackie không những không giữ được "lợi tức" của mình, mà còn bị đối xử không công bằng tại nơi làm việc (ví dụ như bị đạo diễn hăm bắn con chó cưng của em để em có thể khóc cho một cảnh quay). Năm 1938, Jackie buộc lòng phải đưa mẹ và cha ghẻ ra tòa, nhưng tòa đã phán quyết em không có quyền hạn gì trên tiền mình kiếm được vì tuổi còn nhỏ. Điều này đã dấy lên sự bất bình trong công chúng, dẫn đến việc ra đời của đạo luật mang tên Coogan.
Giấy phép làm việc của trẻ em có thể được xin ở văn phòng chuyên lo về vấn đề này của chính phủ. Đối với các trẻ em trong độ tuổi đi học cần phải được nhà trường chứng nhận là điểm học của các em không dưới trung bình. Giấy phép có hiệu lực trong sáu tháng, sau đó phải xin lại, hoàn toàn không mất tiền. Ngoài ra, mỗi tiểu bang đều có luật lệ riêng để bảo vệ quyền lợi của trẻ em khi đi làm việc, chẳng hạn như ấn định số giờ làm việc theo độ tuổi, nếu làm việc nguyên ngày và nhiều ngày liên tiếp thì cần phải có phụ giáo tại nơi làm việc để kèm bài học cho các em, v.v.
Trở lại câu chuyện của Trianh. Từ khi có người đại diện, mức độ đi kiếm việc của Trianh rất thấp so với những đứa trẻ khác, chỉ chừng một lần mỗi tuần, có khi vài tuần không đi đâu cả, trong khi có nhiều em nhỏ đi thử việc đến ba bốn lần mỗi tuần. Hầu hết cha mẹ khi đã cho con mình vào thế giới này thì thường là họ rất xông xáo. Họ không chỉ đợi được người đại diện gửi đi, mà còn tự kiếm cơ hội cho con mình, đôi khi chấp nhận cho các em làm việc không lương (chỉ được tặng một tấm hình hay một cuốn DVD) để đổi lại kinh nghiệm, sự quen biết, và một cái resume nặng ký. Thường thì cha hoặc mẹ là người không đi làm hoặc có việc tự do, nói chung có rộng rãi thời gian. Riêng tôi thì luôn bị thiếu thời gian, nên việc đi tìm việc của Trianh chỉ vào hàng thứ yếu, đúng theo tinh thần làm việc... tài tử.
Trianh đã từng đến các buổi thử việc chụp hình quảng cáo cho Farmer Insurance, Allstate, Wells Fargo, Osh Kosh, Stride Rite, AT&T, Gap, H&M, Cigna, Land's End catalog, Honda, Mitsubishi, Mattel (công ty chủ của Barbie), Disney, và Lancia Delta (hãng xe của Ý). Theo kinh nghiệm của người trong nghề thì tỷ lệ trung bình là 1/50, nghĩa là đi xin việc 50 lần thì mới được 1 lần, khá hơn thì ở mức 1/30 hoặc 1/20, còn nếu được 1/10 tức là thuộc vào hàng... vô cùng may mắn. Nếu theo tiêu chuẩn này thì Trianh có thể được xếp vào hàng hết sức may mắn, vì đi kiếm việc rất ít lần mà lại được "trúng tuyển" đến hai lần, một cho hãng giày trẻ em Stide Rite, một cho hãng xe của Ý Lancia Delta.
Nói thêm một chút về các buổi thử việc. Thông thường mỗi đợt thử việc là hai ngày, hầu hết là vào ngày thường bắt đầu từ sau 12 giờ để tránh giờ học, đông nhất là sau 3 giờ. Các em luôn có giờ hẹn nhất định nhưng thường là ai đến ghi tên trước thì vào trước. Khi đến, cần mang theo hình chân dùng, resume, và điền một số chi tiết cá nhân. Họ chỉ gặp các em trong phòng riêng chừng vài phút để chụp hình thử hoặc quay phim thử. Các em cũng có thể được hỏi vài câu ngắn hoặc làm vài động tác như chạy nhảy, làm mặt buồn, mặt vui, v.v. xem các em có mau mắn tự tin hay không. Sau đó họ sẽ chọn lại một lần nữa và gọi các em gặp lại lần thứ hai, có khi lần thứ ba, cho đến khi họ chọn được em vừa ý. Họ có thể chọn một hoặc nhiều em, cũng có thể chọn theo từng độ tuổi, và chọn làm dự bị (nghĩa là họ cũng sẽ mướn các em thực hiện quảng cáo và trả tiền nhưng có thể sẽ không dùng cho mẫu quảng cáo cuối cùng).
Chưa bao giờ Trianh đi thử việc mà gặp ít hơn 100 em cho một ngày (căn cứ trên số thứ tự ghi danh), đông nhất là những lần thử cho các công ty quần áo như Osh Kosh, Gap hay H&M. Có một lần đi tử việc cho H&M, Trianh đến lúc khoảng 3 giờ rưỡi mà số thứ tự đã lên hàng 900, trong khi các em nhỏ vẫn nườm nượp đến, và đó là ngày thử việc thứ hai, nghĩa là ước tính sau hai ngày, công ty này đã gặp ít là 2000 em. Đó là chỉ tính các em gái mà thôi. Lần đi thử việc cho Stride Rite cũng rất đông. Thiên hạ ngồi la liệt ngòai phòng đợi (sẽ nói riêng về Stride Rite ở một dịp khác). Hầu hết các studio thử việc nằm ở vùng Los Angeles và Santa Monica, nên tôi đi từ Orange County bao giờ cũng phải trừ hao, đi sớm hơn giờ hẹn hai tiếng và chuẩn bị tinh thần kẹt xe thêm hai tiếng nữa mới về đến nhà. Đường xá ở hai vùng này thì khỏi nói, đi lạc dễ như chơi, nên hầu hết các ông bố bà mẹ trước khi bắt đầu đưa con đi thử việc đều phải sắm máy chỉ đường GPS. Chỗ đậu xe lại là một vấn đề khác. Hầu hết các chỗ thử việc đều chỉ có vài chỗ đậu xe cho nhân viên, còn thì người đến thử việc phải tự đi tìm nơi đậu xe, có khi là đậu trong các bãi giữ xe công cộng, có khi là đậu ở cột dưới đường. Hôm nào đi vội mà tôi quên mang theo tiền lẻ hoặc mấy đồng 25 xu thì đến khổ, phải lật đật đi tìm chỗ đổi tiền.
Ngọai trừ những lần họ tìm trẻ em Á Châu thì đến toàn gặp... đầu đen, hầu hết là mở ra cho mọi sắc dân. Các công ty đặc biệt chú ý đến những em mang nhiều dòng máu vì các em này thường có thể đại diện cho nhiều sắc dân khác nhau, nên đừng ngạc nhiên khi thấy mấy em nhỏ mắt xanh tóc vàng mà lại đi với bà mẹ Á Châu hoặc ngược lại.
quote:
gởi bởi tonka
Quế Anh siêng ghê há, mà cả Trianh nữa cũng ngoan quá. Thường thì trẻ con mà bắt chúng chờ lâu như vậy thì thế nào cũng có cái màn mè nheo, chỉ dăm bữa là phải bỏ cuộc
Có lần TK đi chợ, cũng có người chặn lại đưa cho danh thiếp nói là "con cô trông có nét hay lắm, bữa nào cho nó đến thử làm quảng cáo nha, chỉ mất 30' thôi." TK cũng ừ hử rồi cầm tấm danh thiếp (và sau đó quăng thùng rác) vì biết mình không có đủ kiên nhẫn để đi tới đi lui như vậy
gởi bởi xv
Nghe QA kể con nít đi xin việc làm mẫu quảng cáo mà cơ hội trung bình là 1/50, nghe sao oải quá. Liệu như vậy có làm các em nhỏ bị ảnh hưởng (như tress, mệt mỏi, chậm việc học hành...) không vì đâu phải em nào cũng may mắn như Trianh đâu? Ít nhiều, mình nghĩ các em ít cơ hội này cũng không được sống vô tư như những trẻ con khác.
Trong thời gian đó mặc dù tôi còn phải "vác" thêm Trimy
(trong bụng), nhưng nói chung là rảnh rỗi, nên mới có thời gian dẫn Trianh đi, chứ bây giờ thì hết rồi. Cái cảnh mè nheo ở chỗ thử việc xảy ra như cơm bữa, nhất là với những ông bố, bà mẹ mới "nhập cuộc", chưa có kinh nghiệm chuẩn bị. Nếu đã quen thì thường là có chuẩn bị, có đứa thì ngồi làm bài tập, đứa thì tô màu, chơi game, v.v. Nhiều đứa đi hoài gặp nhau rồi cũng quen nên cũng có thể tụm lại tán dóc hay bày trò chơi. Nói chung con nít thì cũng dễ thích nghi, nhất là khi gặp nhiều đứa nhỏ khác, tụi nó tự biết... giải trí. Điều này cũng giúp mấy đứa nhỏ khi vào phỏng vấn được tự nhiên hơn. Tuy nhiên, có khi lái xe xa, gặp lúc đói bụng hay buồn ngủ thì mấy cô cậu nhỏ cũng... làm giặc chứ chẳng vừa. Có nhiều bà mẹ dẫn con đến mà nó giở chứng, đành phải ngồi đợi cho nó... hết cơn rồi mới vào phỏng vấn (còn hơn là dẫn con về).
Việc con nít đi xin làm mẫu quảng cáo có ảnh hưởng tinh thần đứa nhỏ hay không đều tùy thuộc vào cha mẹ. Có nhiều đứa nhỏ thật sự mê làm diễn viên thì tụi nó rất chịu khó, và cũng sớm hiểu chuyện. Nhưng cũng có nhiều người ép con quá đáng, lúc đó mới làm cho đứa nhỏ bị căng thẳng. Đi thử việc nhiều hay không, đi vào giờ nào là tùy vào cha mẹ quyết định. Nếu đi nhiều hoặc đi sớm thì có khi đứa nhỏ phải nghỉ học. Khi đi thử việc ngồi nói chuyện với những bà mẹ khác mới thấy có nhiều người "chịu khó" hết biết. Có một cặp vợ chồng đã dọn sang Las Vegas rồi mà vẫn dẫn con đi thử việc ở Los Angeles khá đều đặn. Sau khi tan học vợ chồng con cái nhảy lên xe, lái từ 2 đến 3 tiếng đến LA cho hai đứa nhỏ đi thử việc, sợ luôn. Có người thì ở San Diego lên, người thì từ Santa Barbara xuống. Vào những dịp thử việc lớn, ví dụ như chọn gương mặt đại diện mới cho BabyGap, có người đã bay từ San Francisco xuống hoặc từ tiểu bang khác sang.
Cách cha mẹ hướng dẫn các em nhỏ cũng có thể làm cho các em bị căng thẳng nếu như uốn nắn các em quá mức, bắt phải làm theo ý mình, mỗi lần các em làm sai thì la rầy nó, làm cho nó xuống tinh thần, ví dụ như "
sao nói hoài mà không nghe, bởi vậy chẳng ma nào thèm mướn con" hay là
"sao con khờ vậy, coi mấy đứa khác mà bắt chước kìa, đúng là mất thì giờ vô ích vì con!"... Với Trianh thì tôi cứ để tự nhiên, chỉ nhắc nhở sơ sơ (vì tính con nhỏ hay lo ra), nhớ trả lời to và rõ, đừng có nhút nhát, và nhớ cười. Vào thời gian Trianh hay đi thử việc, quá lắm thì cũng chỉ hai lần một tuần. Đến lần thứ ba nếu nó nói không muốn đi thì tôi cũng không ép.
Mỗi lần thử việc người đại diện thường chỉ gọi trước một hoặc hai ngày và họ mong muốn mình sẽ dẫn con tới, nếu lượng sức đứa nhỏ không muốn đi nhiều, nên cho người đại diện biết sớm, đừng nên nhận lời rồi phút chót hủy bỏ, đứa nhỏ bị... mất uy tín. Theo đúng nguyên tắc, không phải trả tiền cho người làm đại diện cho đến khi đứa nhỏ được trả tiền. Nếu người nào nói rằng,
"nếu chị mướn tôi trả tiền hàng tháng, thì tôi chỉ chú trọng đến con chị mà thôi, như vậy con chị sẽ được gọi đi thử việc nhiều hơn", nghĩa là người này đang muốn... moi tiền của mình. Nếu đứa nhỏ được mướn chụp hình, tiền huê hồng là 20%, trong khi nếu được mướn đóng phim, tiền huê hồng là 10%.
Đứa nhỏ được trả bao nhiêu thì còn tùy vào công việc và... hầu bao của ông chủ. Sinh viên làm phim hay các nhiếp ảnh gia đang cần hình làm trang web có thể chỉ trả công bằng sản phẩm. Những hiệu quần áo nhỏ hoặc cá nhân có thể chỉ trả $50, $100 cho một ngày làm việc. Được mướn đóng background cũng có thể được trả khoảng chừng đó mà thôi. Xuất hiện trên các chương trình giữa giờ của các đài như Disney, Noggin, Nick... chỉ chạy loanh quanh không nói tiếng nào, có thể được trả chừng $200-$300 cho một lần quay. Các công việc chụp hình thường được mướn theo giờ, trong khi các công việc đóng phim được mướn theo ngày. Hầu hết họ chỉ trả tiền một lần và được quyền dùng sản phẩm bất cứ cách nào họ muốn (nhưng thường là giới hạn trong 1 năm). Chỉ có khi nào xuất hiện trong một quảng cáo lớn chiếu nhiều lần trên truyền hình thì người đóng quảng cáo mới được nhận phần trăm trên số lần quảng cáo được sử dụng. Đóng phim cũng vậy, nếu được vai quan trọng thì diễn viên sẽ được nhận huê hồng trên thu nhập của phim. Tất cả những quyền lợi này đều phụ thuộc vào sự điều đình giữa người đại diện và ông chủ.
Cách làm việc của mỗi người đại diện đều khác nhau. Có người gửi các em nhỏ đi bất cứ công việc nào mà họ tìm được, trong khi người đại diện của Trianh chỉ chủ trương gửi các em đi thử các việc được trả hơn $500. Ban đầu Tag Models là một phần nhỏ của ACME. ACME nhận làm đại diện trong mọi lãnh vực: chụp hình quảng cáo, đóng quảng cáo, điện ảnh, kịch nghệ, và văn chương; Tag Models chuyên về chụp hình quảng cáo. Khoảng giữa năm 2008, Tag Models tách ra hoạt động riêng, nhưng có lẽ vì mới thành lập chưa tạo được uy tín nhiều như ACME, nên số lần đi thử việc của Trianh giảm xuống rõ rệt. Phần khác là do ảnh hưởng của các cuộc đình công đòi tăng lương và quyền lợi của các thành viên SAG (Screen Actors Guild), công đoàn của giới diễn viên, thành lập từ năm 1933 và hoạt động rất mạnh. Với người khác, chắc là họ đã bỏ văn phòng đại diện này đi tìm chỗ khác rồi. Với tôi thì đây lại là điều tốt vì tôi bắt đầu đi làm lại, nếu Trianh có được gọi đi thử việc thường xuyên như trước, tôi cũng không thể nào kham nổi.
Có người hỏi, Trianh đi đóng quảng cáo chừng nào mới làm giàu? Thử làm một bài toán xem sao nhé. Nếu Trianh được trả một lần chụp hình quảng cáo là $500, mất hết 5 tiếng, thì "lương" của Trianh tính ra là $100/giờ (gần gấp đôi lương của má nó, mà đâu có làm cực bằng má!). Nhưng muốn tính kỹ, cộng trừ tiền học đóng cho trường ICA, tiền xăng, tiền sắm quần áo, lại thêm công đưa đi thử việc hết lần này đến lần khác, thế thì má Trianh lỗ nặng, mơ gì đến chuyện làm giàu!
Trianh bây giờ lâu lắm, phải đến vài tháng mới được gọi đi thử việc. Mộng cho Trianh làm "star" tôi cũng như chị tonka, chẳng ôm. Nhưng nếu tính kỹ hơn nữa thì xem ra chẳng lỗ gì cho mấy. Tiền học đóng ở ICA, Trianh muốn quay lại học lúc nào cũng được cho đến lớn (nếu trường giữ đúng lời hứa trong hợp đồng
), có thể coi là một môi trường học hỏi. Đổi lại tôi và Trianh có những kinh nghiệm khá lý thú, sau này có thể kể chuyện hầu thiên hạ (như các anh chị của PNV
). Mà nếu Trianh có "giải nghệ" bây giờ đi nữa cũng chẳng có gì để tiếc nuối, vì nó đã có một tấm poster từng được bày ở cửa kính tiệm Stride Rite bự gấp ba cái bằng mà má nó phải tốn hết 4 năm mới khiêng nổi về nhà (mà còn chưa có thì giờ treo lên
), lại còn có hình chụp với Richard Gere và chữ ký nữa chứ, mấy cái "bửu bối" này thì má Trianh chẳng thể nào có được!!!
[hết phần 1]