Rank: Advanced Member
Groups: Moderator, Editors Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 3,437 Points: 1,167 Thanks: 85 times Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
|
Tôi đọc thấy bài ca dao “Đậu Cành Chanh…” trong bài “v/v PHÊ BÌNH VĂN HỌC (kỳ 1)” của ông Minh Di, do ông Lý Trung Tín (Tạp Chí Dân Văn, bên Đức) đưa lên nhiều diễn đàn, trong đó có DĐ Ngôn Ngữ Việt: Đậu Cành Chanh...... Con chim chích choè, Nó đậu cành chanh, Tôi ném hòn sành, Nó quay lông lốc. Tôi làm một chốc, Được 3 mâm đầy Ông thầy ăn một, Bà cốt ăn hai. Cái thủ, cái tai, Tôi đem biếu Chúa. Chúa hỏi chim gì? Con chim chích choè...... (Ca dao Việt Nam). Tôi không biết ông Minh Di lấy bài ca dao nầy từ nguồn tài liệu nào. Nhưng tôi có thuộc lòng bài ca dao “Con Chim Manh Manh” sau đây. Tôi thuộc vì đã nghe bà xã dạy đám con tôi, hết đứa nầy đến đứa khác (cả 6 đứa), rồi dạy đám cháu nội hết đứa nầy đến đứa khác (cả trên mười đứa). Mẹ con, rồi bà cháu cứ đọc mãi bài ca dao bất tận đó, làm tôi thuộc lòng lây: Con Chim Manh Manh. Con chim manh manh, Nó đậu cây chanh. Tôi vác miểng sành Chọi chim chết giẫy. Tôi làm bảy mâm. Cho ông một mâm, Cho bà một dĩa. Bà ăn hết rồi, Hỏi con chim gì? (Tôi nói): Con chim manh manh, Nó đậu cây chanh, Tôi vác miểng sành.... Chọi chim chết giẫy. Tôi làm bảy mâm. Cho ông một mâm, Cho bà một dĩa. Bà ăn hết rồi, Hỏi con chim gì? (Tôi nói): ....... Đám con trẻ cao hứng cứ đọc nhồi tới nhồi lui bài ca dao, cho đến mệt, cho đến chán, mới ngưng ở câu “Hỏi con chim gì?”, nên tôi gọi là bài ca dao vô tân. Bài ca dao nầy không phải loại ca dao thông thường lục bát (câu sáu tiếng, câu tám tiếng), mà toàn bài, mỗi câu 4 tiếng, giống như bài vè sớ táo quân. Nhưng cuối bài lại có 1 câu 2 tiếng “Tôi nói”. Câu 2 tiếng nầy thật là độc đáo. Nó phân biệt lần trước là kể chuyện chim manh manh, còn lần sau là câu trả lời cho câu hỏi “Con chim gì?” Nguyên thuỷ bài ca dao đã có câu 2 tiếng nầy hay có ai đó định vẹo thêm vào, hoặc do bà xã tôi lý lắc dạy thêm cho đám con đám cháu, tôi không biết. Nếu có quí vị nào, ngoài gia đình tôi, cho biết rằng đã từng nghe thấy bài ca dao có câu đó, thì tôi biết chắc không phải bà xã tôi thêm vào, mà bả cũng học được ở đâu đó. So sánh 2 bài ca dao, tôi thấy ý nghĩa khá giống nhau, mà từng câu, ý tứ lại khác nhau khá xa. Vậy bài nào là đúng, bài nào hay hơn? Tôi so sánh 2 câu mở đầu: “Con chim chích choè / Nó đậu cành chanh” với “Con chim manh manh / Nó đậu cây chanh”, tôi thấy 2 câu mở đầu sau hay hơn. “manh” và “chanh” có vần. Còn “choè” và “chanh” không vần với nhau, mất đi chất ca dao. Hai tiếng “cành chanh” có vẻ “bắc kỳ”. Còn 2 tiếng “cây chanh” có vẻ “nam kỳ”. Vậy Ca dao từ miền Bắc đi vô miền Nam nó bị đổi tiếng chăng? Tôi so sánh 2 câu “Tôi ném hòn sành / Nó quay lông lốc” với 2 câu “Tôi vác miểng sành / Chọi chim chết giẫy”, tôi lại thấy 2 câu sau hay hơn. “miểng sành” đúng chữ nghĩa hơn “hòn sành”. Không ai nói “hòn sành” cả, vì “hòn” thì phải tròn trịa sao đó, mà “sành” thì phải dẹp dẹp. Tiếng “ném” là tiếng gốc Bắc. Tiếng “chọi”, “liệng” là tiếng rặt Nam. Diễn tả cái chết của con chim, tôi thích 3 tiếng “chim chết giẫy” hơn 4 tiếng “Nó quay lông lốc”. Bài ca dao trên dùng tới 8 câu để kể chuyện làm thịt con chim và ăn con chim. Bài dưới chỉ dùng 5 câu thôi, gọn ghẽ, mà lại hữu tình hữu lý hơn. Theo bài trên, nấu nướng chim xong, “tôi” đem cho “thầy”, “bà cốt” và “Chúa” ăn. “Thầy” là ai? Người đọc liên tưởng là “thầy cúng”, vì có 2 tiếng “bà cốt” ở câu kế. “Chúa” là ai? Chắc chắn không phải là “Chúa Trời”. Vậy Chúa Trịnh hay Chúa Nguyễn? Lịch sử Việt Nam dường như chỉ có 2 ông chúa nầy? “Thầy”, “bà cốt”, “Chúa” thật xa xôi, xa lạ, không dính dáng gì tới “tôi”, nên không hợp lý hợp tình. Bài sau, thịt chim “tôi” chỉ cho ông, cho bà ăn. “Ông”, “bà” thật sát một bên “tôi”, nghe sao ấm cúng tình gia đình, hợp tình, hợp lý biết bao! Câu “Cái thủ, cái tai”, nghe sao giống “đầu heo” quá. Chim tuy cũng có tai, nhưng chim không có vành tay để kể ra như là một bộ phận có thể cắt rời ra khỏi cái đầu. Thưa quí vị độc giả, nhứt là quí vị “hội viên” của DĐ Ngôn Ngữ Việt, Tôi bình luận 2 bài ca dao “Đậu Cành Chanh” và “Con Chim Manh Manh” theo nghĩ suy chủ quan của mình. Tôi thích bài ca dao sau, vì tôi đã thuộc lòng nó từ ngày có đứa con đầu lòng. (Đứa con đã trên năm mươi rồi). Tôi thuộc lòng nó trong những năm đầu ngụp lặn với tình yêu gia đình thật nồng thắm. Ngồi soạn bài, chấm bài, mỗi ngày đều nghe 2 mẹ con đùa giỡn hát bài ca dao đó. Một phần, tôi là người Nam, và bài ca dao nầy có lời lẽ miền Nam. Tôi rất mong được đọc bài “bênh vực” cho bài ca dao “Đậu Cành Chanh” Kính, Nguyễn Phước Đáng.
|