Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Nữ Sĩ Đạm Phương
Hạt Cát
#1 Posted : Wednesday, October 27, 2004 4:00:00 PM(UTC)
Hạt Cát

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Moderator
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 80
Points: 18

Was thanked: 1 time(s) in 1 post(s)
Tác giả hc
Gởi: Thu Jun 10, 2004 7:18 pm

Đạm Phương Nữ Sĩ ( 1881 - 1948)

*Thân thế sự nghiệp : Bà xuất thân trong một gia đình hoàng tộc, tên thật là Công Nữ Đồng Canh, con Hoàng Hoá quận vương. Ngay từ tuổi thơ bà đã theo học chữ Hán, chữ Quốc ngữ nên có điều kiện tiếp xúc rộng rãi với nhiều giới. Tuy sinh trưởng nơi một gia đình trưởng giả, nhưng bà vẫn ý thức được giá trị của lao động chân tay và cái học thực dụng. Từ khi tiếp xúc với chí sĩ Phan Bội Châu và các bậc chí sĩ khác (1926) bà công khai đứng ra tổ chức một trường học nữ công có tên là Nữ công học hiệu nhằm giáo dục nữ giới ý thức được giá trị của nghề nghiệp thủ công.

Nữ công học hiệu là một trường học có tính cách chuyên nghiệp về thủ công đầu tiên ở Trung Kì. Với danh nghĩa Nữ công học hiệu, bà và các hội viên còn tổ chức biên soạn và xuất bản một số sách giáo dục thực nghiệp cho nữ giới như : Nữ công thường thức, gia đình giáo dục…Sau ngày kháng chiến chống Pháp (19-12-1946) bà tản cư ra Thanh Hoá cùng với gia đình con trai. Tuổi già sức yếu, bà mất ở Thanh Hoá, thọ 67 tuổi.

* Các tác phẩm tiêu biểu : Bà từng cộng tác với các báo : Nam Phong, Trung Bắc tân văn Hữu Thanh, Tiếng Dân…từ những năm 20 của thế kỷ này. Các tác phẩm như :
- Bàn về giáo dục con gái (1922)
- Lược khảo về tuồng hát An Nam (1923)
- Gia đình giáo dục (1928)
- Kim tú cầu (1928)
Hạt Cát
#2 Posted : Thursday, October 28, 2004 2:47:55 AM(UTC)
Hạt Cát

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Moderator
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 80
Points: 18

Was thanked: 1 time(s) in 1 post(s)
Tác giả hc
Gởi: Fri Jun 11, 2004 4:22 am

KIM TÚ CẦU

BI TÌNH TIỂU THUYẾT

Đạm Phương nữ sĩ

Chương 1


Đêm Trung thu ở chốn đô thành, vừng trăng vằng vặc sáng quắc như ban ngày, gió đưa ngành quế ngào ngạt hương bay; trong một cảnh hoa viên kia; lầu, đài, trì, tạ cây cối riềm rà, cách sang quí hình như bồng lai, lãng uyển, thấp thoáng lại có bóng hồng vào ra; khi vin hoa vít liễu, khi nhắm bóng soi hình, lúc lại dựa mình bên khúc lan can, bắt mặt trông lên chị hằng mà lâm nhâm khẩn niệm mấy điều tâm sự.

Nói thế tuy chưa hiểu thấu nguồn cơn, song đã biết ngay là một người con gái có vương mối tơ tình quyến luyến, bi thu, sầu xuân, chi đây, nên mới tả ra cái cảnh tượng như thế.

Người con gái ấy là ai? Tức là cô Kim Tú Cầu, người chủ động trong chuyện này vậy.

Hồi ba, bốn mươi năm về trước, ở xứ Kinh(1), thuộc về con đường Đông Ba, đi xuống dạng Ao Hồ, ngả Tả Duệ, thời phần nhiều phủ đệ các đức ông đức bà ở rất đông, nhà cửa, lầu đài chồng chập, nào rạp hát, trường gà, đua ngựa, đánh quần; cuộc chơi đầy tháng, thiên hạ nô nức đi xem, hồng đua tía nở, nơi nơi trải gấm phơi là, thiệt là một cảnh thái bình dật lạc biết bao?! Ngoài phương dân điền cư theo đó, thời cũng toàn là phú quí trâm anh hết thảy, chớ nhà tầm thường thôn dã, không bao giờ lẫn vào trong đám phồn hoa đô hội đó mà ở được.

Cô Tú Cầu là con gái một vị hưu quan, nên chi cái thái độ nhà cô cũng có phần đặc sắc trong hàng danh giá lắm; huống chi cái tư dung của cô Tú Cầu không nói nguyệt thẹn hoa nhường, nhạn sa cá nép, mà thành ra lời nói phỏng; chỉ xin độc giả nhận ngay câu chuyện trên này đã kể; cảnh ấy người ấy, có lẽ cũng không khác gì một bức tranh họa nàng Thôi Oanh Oanh, đứng dưới mái tây sương đợi chờ trăng lên vậy. Thế đã rõ dáng con người yểu điệu tài tình, bất tất phải tả ra, vì tả ra thì chỉ sợ nét bút chưa tinh, làm mất cái phong vận của một người giai nhân thời e không đáng.

Tính cô Tú Cầu trầm mặc, ít cười, ít nói, mỗi khi trước gió, dưới trăng, hay ngậm ngùi, tư tưởng, thường lại tỷ mình như một đóa hoa phù dung, muôn ngàn người thấy cũng yêu, nhưng không biết ai là kẻ chung tình, trăm năm dầu tính cuộc vuông tròn, thời cũng phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông.

Người đến dạm hỏi cô thời đông, mà chưa nơi nào là xứng ý cả, chỉ có chàng Ngọc Lan là anh em cô cậu cùng Tú Cầu thời người đã phong nhã thanh tú, mà lại đa tình hơn hết.
Tú Cầu cùng Ngọc Lan từ bé cùng học với nhau một trường; hai cha mẹ đều lấy tình thân qua cát, không tỵ hiềm nghi, cho hai người qua lại chơi đùa với nhau, hơi tiếng quen nhau, ý tứ biết nhau; Kịp đến khi khôn lớn, thì lại càng thân mật bội phần. Khi bài thơ, khi cung đàn, vận hòa tri kỷ, tỏ ý cầu thân, tuy chưa phượng chạ loan chung, song đã tất giao gắn bó; vì thế mà hai bên hôn sự cha mẹ ép nài, nơi nào cũng không chịu lời hết thảy, mà tự hai người nói ra, cũng không dám đường đột; vì hồi bấy giờ còn ở trong phạm vi bó buộc, gia pháp tối nghiêm, quyền sắp đặt ở cha mẹ, con cái chưa dễ bày lời kén chọn mong mỏi của mình đặng.

Sự đâu sóng gió bất kỳ, dịp vừa tiết hạ khứ, thu lai, chàng Ngọc Lan bận vì việc nhà phải đi Quảng Nghĩa, thời nàng Tú Cầu lại có kẻ đến nói hôn sự, phụ thân cô rất bằng lòng, mà cô thời thối thác không chịu, bà mẹ cô phong văn chuyện kín của hai người ít nhiều, bèn mới thuật lại cho thân phụ cô biết, cái nguyên do vì thế mà thành ra ngăn trở, phụ thân cô là người cố chấp bình sinh hay tin thuật số, trước có bói quẻ tử vi cho con gái, sau này định lấy một người chồng vinh hoa hết sức. “Lập công khổn ngoại, phả hữu trọng quyền”, mà bây giờ người đến nói đây, lại là một vị tước quan, chắc ngôi mạng phụ đường đường không sai, vì vậy mà ông quyết định một lời, lấy câu nghiêm huấn dạy rằng:

“Thân con là của cha mẹ, giá kê tùy kê, giá khuyển tùy khuyển, huống hồ là ta đã kén lựa nhiều phen, mới chọn được chỗ xứng đáng, trao tơ phải lứa, gieo cầu vừa đôi; thời không được trái mệnh lệnh của ta, thành ra con bất hiếu đó, con ạ!”

Tú Cầu cúi đầu khóc nức nở không nói năng gì, bà phu nhân biết ý, bèn liệu lời khuyên giải mà nói: Nhà ta đã “mấy đời quan tước linh đình, con gái cũng lấy chồng nhất nhì phẩm hết thẩy, đi võng đều từ trong trứng mà đi ra, cho nên cái nề nếp không thể thay đổi được, nay con muốn kết duyên cùng Ngọc Lan, hắn chẳng qua là một tên học trò danh tiếng, chớ đã làm chi nên nổi, vẻ vang cho nhà ta đặng, phụ thân con thời già rồi, em con còn dại, làm sao cũng cần người giúp đỡ, dìu dắt chúng nó lên vài cấp, mới mong kế nối quan chức về sau; lại chính con đào thơ liễu yếu, cha mẹ nưng niu như hòn ngọc báu trên tay, nay tuy gả cho người quyến thuộc, song cũng không khỏi làm dâu làm con người ta, nay tiếng này, mai tiếng nọ, con chịu làm sao cho nổi, ở nhà với cha mẹ thời không hề nhúng tay làm một việc gì, đến khi chịu khó, chịu nhọc, gánh vác lấy việc nhà người ta, nếu không kham, chi khỏi nặng nhẹ, làm thêm đau lòng cho cha mẹ”.
Tú Cầu nghe lời song thân tái tam cạn tiếng, đinh ninh thời ban đầu nàng nhất định không chịu, song sau cũng phải miễn cưỡng vâng lời, về đến phòng thêu của nàng, một mình khoảng vắng canh chầy, đàng xa nghĩ nỗi may rủi, rủi may, sau này không biết thế nào? Mà đương sợ người đâu gặp gỡ làm chi, để cho tình duyên lăng líu, chưa thẳng đã dùn, mình không phụ bạc người ta, cũng như phụ bạc; thế nào cái tin này cũng lọt vào tai chàng Ngọc Lan, chàng biết cho ta là không thể nào trái lệnh cha mẹ được, mà dung thứ cho ta, chẳng nói làm chi, nếu chàng khăng khăng một niềm đau đớn thảm sầu, trách ta lỗi hẹn, thời ta cũng liều tính mạng cho cam với tình.

----------------



(1)Kinh Thành Huế

Hạt Cát
#3 Posted : Thursday, October 28, 2004 2:49:04 AM(UTC)
Hạt Cát

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Moderator
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 80
Points: 18

Was thanked: 1 time(s) in 1 post(s)
Tác giả hc
Gởi: Fri Jun 11, 2004 4:55 pm

Chương 2

Đoạn chàng Ngọc Lan ở quê nhà nửa năm trở ra, lại chính ngày thân nghinh cô Tú Cầu, vu qui nhà Vương thị, họ hàng đông đủ, kẻ quý người sang, lễ vật uy nghi, trước sau rộn rịp, quân hầu toàn áo đỏ, nón dấu, một đám rước dâu rất linh đình, ai xem thấy cũng tấm tắc khen ngợi; tiếng cười reo, tiếng pháo nổ, vang dậy một vùng trời; trong đám hàng trăm nghìn người đương vui vẻ, bỗng có một tiếng thở dài nghe rất cảm động, ai nấy lấy làm lạ, quay đầu mà nhìn xem, có kẻ nhận ra mặt người thương tâm ảo não, tức là chàng Ngọc Lan vậy; rồi tiếp đến đám rước đi qua, tiếng sanh ca dìu dặt, xe ngựa ồn ào, không còn ai biết kẻ đau đớn ấy đi về đâu mất.

Còn nàng Tú Cầu từ khi đẹp phận thất gia, không bao lâu chi đó, vị quan tước ấy được thiên bổ ra tỉnh ngoài. Dịp đâu may mắn lạ thường! Tiểu Vũ lại bắt được mấy tên giặc cướp, bèn thăng thưởng luôn hai ba trật, danh dự càng nổi, sự nghiệp càng to, chính phù hợp với quẻ bói của phụ thân cô Kim Tú Cầu khi trước, cho nên ông tự phụ lắm, đi đến đâu cũng khoe khoang với chúng bạn rằng: mình tinh thuật số. Ông nguyên có hai người con trai là em cô Tú Cầu, người lớn tên là Kim Hậu, người nhỏ tên là Kim Lộc, tuổi độ 14, 15 hiện nay cũng có cho đi học trường trong thành, nhưng tính hai cậu lười biếng, chỉ ham đua tranh cách ăn chơi sang sướng, nay đàn mai hát, tối rượu sớm trà, lạ chi các nhà thế phiệt, thường nghĩ mình sinh trưởng phú quí, của nước tiền non, chẳng chơi cũng thiệt, còn mình là nhờ cái vinh quang mình rọi xuống, cũng nên cho chúng nó nếm trải các mùi khoái lạc trên đời. “Biết sống đến mai, mà để củ khoai đến sáng”.

Ấy cái tập quán hơi tiếng của nhà sang là thế; ít ai muốn kèm thúc con cái học hành, về đường chính kinh, tập luyện những cách lao động cho quen dầu có một vài người biết lo biết làm đôi tý, thời họ đều cười, cho là bọn cằm cụi điều xá nô. Bởi thế, nên cái sự nghiệp mỗi một đời người trước kinh doanh ra, lại có một đời người khác kế thứ chung lung nhau mà phá đổ, hình như cái thiên chức của người sau, tất phải tuân theo công lệ sẵn, không phải chỉ một nhà họ Kim mà thôi... Trong khoản giữa, chừng mười lăm năm trở về đây, đã thấy một nhà cửa nguy nga như kia, mà nay cái vẻ điêu tàn như thế, khiến người bàng quan đi ngang qua đó, tất phải chạnh lòng cảm kim truy tích, thương tiếc cho ai, “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo, nền cũ lâu đài bóng tịch dương”.

******

Chương 3


Ở núi Hương Sơn Thanh Hóa, có một cảnh chùa sư nữ, làm trên đỉnh núi, hoa cỏ đìu hiu, rừng cây thanh vắng, xung quanh làng xóm đều xa cả, chỉ có con sông nho nhỏ chảy trước cửa tam quan; thường ngày có các chuyến thuyền buôn qua lại đó mà thôi, trong chùa chỉ bốn năm dì vãi, với một bà sư cụ... Một hôm chuông trống mới xong, thì bỗng thấy một người con gái, tuổi chừng 19, 20 gõ cửa bước vào, phục xuống lạy vái khóc kêu cầu cứu, bà sư cụ kinh ngạc, hỏi han sự thể làm sao, nàng nức nở khóc thưa rằng: “Tôi là con gái nhà lương gia, xảy lự sự tai nạn, theo thân phụ đi về quê nhà, đến giữa đường gặp kẻ cướp giật, tiền của lấy hết, xô đẩy xuống sông, khi cha con phân rẽ, thời không hiểu sống chết dường nào? Một mình tôi trôi nổi đến đây, dám nhờ lượng rộng từ bi, thương kẻ cô khổ lưu lạc, may sau trùng phùng dầu họa có khi, ân đức ấy muôn đời ghi tạc”.

Bà sư nhìn người con gái, áo quần lướt mướt, nhưng xem ra dáng con người phết thói, cũng dủ lòng yêu, dạy rằng: “Ở đây cửa phật cũng không hẹp gì, nhưng muối dưa cực khổ, e nàng không kham nổi, thế mà tạm nương náu một vài tuần cũng đặng, rồi dò hỏi tin tức, sẽ nhắn thân quyến đưa về.

Người con gái mừng rỡ, lau nước mắt, theo xuống lều sau mà sấy quần áo.
Bà sư bảo các vãi lấy cơm nước cho người con gái ăn; bát cơm với một quả cà muối, nàng bưng bát cơm ăn, lại nghe có tiếng gõ cửa mạnh, người trong chùa ai nấy chăm mắt nhìn nàng... Người con gái lại phục xuống gối bà sư mà khóc xin nhờ cứu giúp.Người con gái nói: Ấy chúng đuổi theo con đó, trăm lạy bà lấy lời che chở mà cứu sống cho.

Bà sư vội vàng lấy tay khoác nàng vào phòng trong, khóa chặt cửa lại, đi ra mở cửa thiền viện mà tiếp khách. Bà sư nói: Mô phật, đêm hôm tối tăm, các ngài hỏi việc gì? Thời thấy một người đàn ông sồ sộ đứng ngay mình nói to lên rằng: Nhà sư có biết một người đàn bà trẻ tuổi ẩn mặc vào đây không?

Bà sư nói: Thưa không có đến.

Người đàn ông nói: Nó thực vào đây khi nãy, ai cũng nói như vậy, có lẽ nhà sư giấu ta chăng?

Bà sư nói: Mô phật, xin ngài cứ cho người soát thử xem.

Người đàn ông nóng nảy, chạy lui chạy tới mấy bước, rồi nói rằng: Vậy thời ta sang tả ngạn bên kia sông đuổi bắt nó đã, nếu không được, ta lui về nhờ nhà sư chỉ hộ cho, vừa nói vừa chạy ra cửa Tam quan, nghe tiếng người đi theo xát xát rất đông, ồn ào vang dậy dưới bến. Các dì vãi trong chùa đều thất sắc, duy một bà sư già ngồi điềm nhiên không nói câu gì, cũng không hỏi han gì nàng nữa, lần hết chuỗi hạt bồ đề rồi tắt đèn đi ngủ.

Sáng mai dậy sớm, bà cho gọi người đàn bà trẻ tuổi đến một nơi tịnh thất, bà ngắm nghía nàng hồi lâu, quả nhiên xinh đẹp lạ thường, cười mà nói rằng: Sự tình nàng thế nào, thời kể thật tôi nghe, rồi tôi bày kế giúp nàng, chớ như ở đây không được lâu rồi, vì cái người hôm qua vừa đi tìm nàng, đó là chính một tên đại bợm ở tỉnh thành này, hắn gian hiểm lại quá bọn trộm cướp kia nữa.

Người đàn bà trẻ tuổi nước mắt dầm dề thưa rằng: Tôi tên là Kim Tú Cầu, quê ở đất Kinh, vợ kế thất quan đề đốc Mổ. Khi quan tôi thất lộc, thời các ngài đồng liêu đưa ra tạm quyền táng ở làng Thọ Hạc, để đợi người nhà ra hầu linh cữu về; đất khách quê người, chiếc thân bồ liễu; hồi trước còn quan tôi, thì kẻ tới người lui tấp nập, đến bây giờ đều vắng vẻ, không ai là kẻ đoái hoài, nếu có, thời những kẻ dụng tâm trục lợi, bòn hót của cải, khi thời quyến anh rủ én, trò chuyện nhố nhăng, tôi không bằng lòng, mới định làm nhà một bên mộ địa mà ở, nhân thế, lũ ác thiếu khi chỗ vắng vẻ, thường ngày nhũng nhiễu, lắm cách không thể chịu được, bất đắc dĩ tôi phải thưa quan trừng trị, nào ngờ sự kết oán với tiểu nhân, thành ra di họa, lụy đến ngày nay.

Bà sư nói: Sau thời chúng nó làm sao? Bởi bà vụng liệu, không thiên cư về tỉnh, mà nương dựa với các bậc nhân hào, người ta giúp sức cho.

Tú Cầu thở dài mà nói rằng: Thưa cụ, con cũng nghĩ thế; tự quân ác thiếu phá phách, về sau con bèn dọn đồ vật về ở ngụ với hai ông bà phán, dè đâu, quan lớn thì nghĩ tình xưa sau hết sức tử tế; ở được mươi ngày liền thấy ý bà phán đổi khác, lấy lẽ nọ điều kia mà giam cầm đứa ở, con sợ mang điều hổ thẹn với người đời, lại phải lui về chốn cũ, hơn luồn cúi người ta, tất tủi đến chồng nơi chín suối.

Than ôi! Đến đoạn này là cơ nguy hiểm của con đã dồn dập mà tới đây; lúc từ tạ hai ông bà phán, dọn đồ về đến nơi; đày tớ ly tán, tâm tình khác xưa, không theo chỉ cử của mình, tiền của mất mát, đồ vật hao mòn, lấy làm khổ sở quá; có người thích thuộc ở Nghệ An, viết thơ cho con, bảo sang đó mà ở, nấn ná đợi tin, cho qua ngày tháng; hôm ấy con định mướn thuyền đem hết gia tư xuống yên trí mà đi; nào hay bữa cơm xong, thuyền mới xuôi sóng, thời đánh giấc say mê ngủ thiếp không biết, kịp đến khi tỉnh giấc dậy, tớ đầy đâu hết, tiền của đều không, một mình ngồi trong chiếc thuyền con, thấy hai người khách lạ, đương chén thù chén tạc với nhau, lại buông lời trêu ghẹo, lắm tiếng khó nghe, con định thần nghĩ mãi giờ lâu, vẫn mơ màng còn tưởng mình ở trong giấc mộng, bỗng nghe có mấy tiếng chuông chùa, mà nhận ra là sự thật, hãi hùng xiết bao, ngảnh đầu trông lên trời, thấy mấy ngôi sao lấp loáng; quanh mình hiu hắt, gió thảm sông sầu, nghĩ thân phận không sao thoát khỏi tay đứa gian ác, sống nhục thác vinh, bề nào cũng tính cho xong một bề, mới gieo mình giữa dòng nước chảy, ngờ đâu số còn nặng nợ má đào, người dầu muốn thác, trời nào đã cho.
Bà sư nghe lọt mấy lời, cũng động lòng rơi lụy, mà phủ ủy Tú Cầu rằng: Người ta sinh ở đời, tránh sao cho khỏi sự bĩ thái tuần hoàn, mà cũng do bởi nghiệp duyên kiếp trước, nên mới đền bồi ngày nay; bà nên sớm mau sám hối, qui y cửa Phật, rồi cũng được giải thoát tai nạn.

Tú Cầu nghe nói, cũng chắp tay niệm Phật, xin sư dẫn đến trước Tam bảo lễ Phật, rồi cầu thế pháp qui y; hôm sau sư lại vời nàng đến mà nói rằng: Tôi rất yêu bà, nay tôi muốn giúp bà một kế để tránh khỏi tai ương; số là tôi có người đạo huynh tu hành nhiều năm, trường trai khổ hạnh, tính nghiêm giới luật, trụ trì một cảnh chùa rất tĩnh mịch, ít người lai vãng, có lẽ yên lặng hơn đây, nếu sang đó ở tạm ít lâu, rồi sau sẽ liệu đường khứ tựu cũng nên; Tú Cầu cúi đầu thầm nghĩ, trót đã sa cơ lưu lạc, biết đâu họa phúc mà lường, thôi thì nghe đâu mà đặng chốn an nhàn, khỏi nỗi linh đinh là quí, liền ứa nước mắt mà thưa rằng: Nhờ ơn cụ tái sinh đức lớn, phận hèn chẳng dám tự chủ, chỉ xin vâng mạng mà thôi.

Sư nói: Nam mô A di đà Phật, tôi cho tiểu đạo này đưa bà sang bên Linh Ẩn tự mà ở, kẻo đây quân trộm cướp nó đã rình mò, e nay mai không khỏi lậu tiếng chúng nó biết, thành ra sự hiềm khích cho nhà chùa, mà thân bà cũng có nhiều việc không yên ổn nữa.

Tú Cầu cảm tạ ơn sư, rồi nghiêng mình làm lễ, rón rén theo tiểu đạo, nơi con đường nho nhỏ trong rừng mà đi, cây cối um tùm sỏi đá lởm chởm, người tiểu đạo thì đi quen chân, không lấy làm khó nhọc. Chỉ duy nàng Tú Cầu thời mỗi bước mỗi thở than, ngập ngừng đi không nổi, vì xưa nay bàn chân ngà ngọc không từng bỏ giày dép ra khỏi, nay gặp cảnh truân chuyên, trăm chiều thảm não, ruột tầm muốn đứt, bước đường thêm đau.

Người tiểu đạo nói: Thưa bà, gắng tới, kẻo từ đây sang đó còn xa lắm, đủng đỉnh thế này, thì xế bóng mặt trời chưa chắc tới nơi.

Tú Cầu thở dài không nói gì, lại gượng gạo đi, đi được mấy bước, lại đứng rên rỉ hồi lâu.

Người tiểu đạo nói: Kìa cái lều tranh bên đường, chúng ta hãy đi cho mau, tới đó tạm nghỉ cũng đặng.

Tú Cầu nói: Nhà ai thế?

Tiểu đạo cười nói rằng: Lều tranh của bọn làm đất rẫy đấy.

Tú Cầu nói: Ừ, chúng ta vào đó xin bát nước uống kẻo khát lắm.

Tiểu đạo cười sặc sặc lên mà nói rằng: Bà khát nước lắm à? Ở đó làm chi có nước, lều không bỏ trống, tối lại mới có người đến canh thôi.

Tú Cầu ngơ ngẩn hồi lâu, nghĩ lại cũng tự mình buồn cười cho mình, vì không bao giờ bước chân ra ngoài, nên không biết cái thú thôn trang ăn làm, lời nói chẳng dập dạn vào đâu.

Khi hai người vào lều tranh, ngồi trên một cái chõng tre thấp thấp, một bên lại có đống tro, vài ba ống trúc để ngang để ngửa dưới đất.
Tiểu đạo chỉ đống rạ cho Tú Cầu coi, bưng miệng mà cười.

Tú Cầu nói: Cái gì thế?

Tiểu đạo nói: Rạ để đun nước đó.

Tú Cầu nhìn quanh bốn mặt, thấy những cây cao bụi rậm núi non lố nhố, hãi hùng trong dạ, hồi tưởng cái thân thế mình vinh hoa phú quí, như một giấc mộng đêm xuân. Song thân góc bể chân trời, có hay con đến nỗi này gian nan, biết ngày nào thân oan cho hả dạ, biết ngày nào tái hội gia hương, bèo mây tan tác, đất khách bơ vơ, nghĩ thôi sụt sùi lụy nhỏ đôi hàng; trong khoảng yên lặng, bỗng có tiếng ve kêu ríu rít, vượn hát véo von, hòa lẫn với tiếng than tiếng khóc của nàng, cảnh sắc càng thêm thảm đạm.

Tiểu đạo nói: Bà nên bớt cơn phiền não, ráng dậy mà đi, Ở đây đường sá quạnh quẽ, sợ quân phá rẫy nó hỗn hào, không tiện đình trú lâu đặng.
Tú Cầu nghe nói, càng giật mình kinh hãi, như con chim bị ná, sợ quàng mũi tên, chân run lẩy bẩy, bước thấp bước cao theo người tiểu đạo, quanh co dặm nọ, lối kia mồ hôi nước mắt, ảo não không chừng, đi mãi đến khi mặt trời gác bóng chênh chênh, mới trông thấy cửa già lam trước mặt, thời nàng Tú Cầu đã mỏi lụy hai đầu gối, không thể đứng nổi, bèn ngồi xuống gốc cây cổ thụ mà thở, nói với tiểu đạo rằng: Mệt quá, cho tôi nghỉ một lát, rồi sẽ vào chùa.

Người tiểu đạo vẫn còn khỏe sức, chạy lui chạy tới, nói cười như thường, tìm các thứ quả từ trong núi mà ăn, lại đưa ra mời nàng, nàng cũng nể mất lòng cầm lấy, nhưng bấy giờ trong lòng nàng đau đớn từng khúc ruột, phần thì thảm về nỗi phận mình lưu lạc, phần thì khổ nỗi dầm sương dãi nắng, đạp sỏi dầy sành, gót sen lấm láp, phá rách mấy chỗ, máu chảy lềnh lang, xót xa khó nổi đứng ngồi.

Hóa nhi thiệt khéo nỡ lòng, làm chi vò thúy, vầy hồng thêm thương.

Hạt Cát
#4 Posted : Thursday, October 28, 2004 2:49:55 AM(UTC)
Hạt Cát

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Moderator
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 80
Points: 18

Was thanked: 1 time(s) in 1 post(s)
Tác giả hc
Gởi: Fri Jun 11, 2004 5:11 pm

Chương 4

Hai người còn đương ngồi dưới gốc cây, chợt nghe sau lưng có tiếng hỏi rằng: Hai người có biết lối ra đường cái đâu? Xin chỉ cho với, nàng và người tiểu đạo quay đầu lại nhìn, thì là một kẻ du khách phương xa đi đến, người ấy ăn mặc kiểu kinh, đội nón gò găng, chân đi giày dừa, mình mặc áo the đen, trạng mạo cũng phong nhã tuấn tú. Nàng Tú Cầu bấm tay người tiểu đạo, không trả lời ra sao cả.

Khách lại hỏi: Hai chị em cô có biết làng này là làng gì? Chùa ấy của ai?

Người tiểu đạo lấy tay chỉ vào trong dậu tre, nói rằng: Chùa tên Linh Ẩn, sư cụ trụ trì ở đấy cũng người kinh sư.

Người du khách mừng rỡ nói rằng: Có phải sư Đại Thiệu không?

Lời nói chưa dứt, thì thấy một ông cụ già tóc bạc da mồi, mặt mũi phương phi, tay chống cái gậy trúc, lững thững trong cửa chùa bước ra.

Người tiểu đạo vội vàng chắp tay Nam mô Phật, bước tới mấy bước, bạch sư rằng: Tiểu ở am ngoài,vâng lịnh sư trưởng đưa người này vào bái yết Đại sư, và có bức vân tiên trình đặng ngài hiểu, ông sư già cầm lấy cái giấy xem xong, bảo hai người vào chùa.

Người du khách cũng hớn hở lại gần thi lễ, thưa rằng: Tôi tên là Vi Văn, nhân tòng công vụ đến tỉnh lỵ này, gần hai tháng nay, ngày trước ra đi, nghiêm thân có dặn, phải tìm quí thúc mà hầu thăm, cho biết khởi cư cận trạng, kẻo tấm lòng hoài vọng rất lâu.

Sư già lấy tay che ngang mày, nheo lại một con mắt, nhìn người du khách nói rằng: Vi Văn, Vi Văn sao ta lại lửng cái tên Vi Văn đi kìa.

Người du khách lại nói: Thưa chú, cháu là trưởng quan Hàn Vũ sứ đây chú ạ.

Sư cụ cười to bèn nói rằng: Té ra cháu nhà đây! Cháu ôi! Những tưởng núi sông cách trở, không hay hội ngộ có ngày. Tốt a! Cháu diện mạo khôi ngô, giống anh như hệt, năm nay phương niên bao nhiêu rồi?

Vi Văn đáp: Dạ thưa 24 tuổi.

Sư cụ cầm lấy tay Vi Văn dắt về nơi tịnh thất, trò chuyện hồi lâu, mới bày tiệc cơm chay, hai chú cháu ăn xong đi nghỉ.

Khi Vi Văn một mình thong thả, nằm trong phòng khách, chuông lầu mới giục, thỏ bạc dòm sang, tình cảnh đâu đâu, nó xảy khêu ra mối tưởng tượng, bâng khuâng tấc dạ, giấc điệp khôn yên. Cái người con gái ban chiều, là người chi chi, mà xem phong vận thanh tân khác tục, nét mặt dàu dàu như có vẻ bi thảm, sóng thu lai láng, màu xuân ướm đượm, thực có cái vẻ đáng yêu, làm cho người ta không thể nguôi lòng đi được, bây giờ biết tính làm sao cho thấu nổi nguồn cơn, nếu có cơ giúp giùm cho nàng, ta cũng quyết ra tay tháo cũi sổ lồng như chơi, nghĩ thôi lại buồn, buồn lại muốn đi, rảo bước trước thềm, ngắm trông phong cảnh, bốn bề tòng im bóng rợp núi dựng quanh hè, tiếng ve dài dặc nghe thêm thảm, mặt nguyệt tròn um ngắm dễ thương.

Ngay dưới mái hiên nhà hậu, phưởng phất cũng có một người, đương than thân tủi phận bùi ngùi, thấy trăng mà lại thẹn lời non sông, thời cái bóng chàng Vi Văn bỗng liện qua trước mắt, làm cho người ấy phải giật mình trở lại.

Khi chàng Vi Văn nghe tiếng đóng cửa rất mạnh, mới hiểu là người con gái rảo bước ngang qua, trong lòng lấy làm tiếc, vì không ngờ mà bỗng lại gặp, song gặp lại không hỏi han được câu gì, chốc lại phân rẽ, đòi đoạn bức tức, chua xót biết bao? Ngồi suốt canh thâu, trông cho đến sáng rõ mặt để lại yết kiến sư cụ, mà dò hỏi cái tông tích của nàng. Khi sư cụ đã đưa cái thơ của bà sư nữ ra cho chàng coi, thời chàng tâm sinh nhất kế, nói với sư rằng: Người này thật con gái quan Kim thị lang, vốn nhà sang quí, chẳng may gặp bước gian nan, tưởng tình đồng xứ, cũng nên cứu vớt lấy kẻ lưu ly; cứ như lời của vị sư nữ đã giới thiệu nàng cho quí thúc biết, là cốt để tìm lối đưa nàng về Kinh, nay đã gặp cháu đây, cháu xin hết sức giúp cho, thông tin cho song thân nàng biết, để khiến người nhà ra đón nàng về, kẻo chầy ngày lại biến cố khác, chốn am thiền không phải là chỗ những người tuổi trẻ ở được lâu.

Sư cụ cho là phải, mới gọi nàng ra mà bảo rằng: Bà sư Minh Tân muốn giữ nàng ở đây, là cốt chờ đợi tin tức, có dịp nào để đưa nàng về; vậy nhân cháu già cũng người thành thực, biết yêu đãi kẻ đồng xứ với nhau, nàng nên viết một phong thư gởi về quí phủ, hoặc trong một vài tháng may ra có cơ hồi phản cố hương chăng.

Tú Cầu mừng quá, cúi đầu lạy tạ sư cụ và Vi Văn, Vi Văn đứng dậy đáp lễ, Tú Cầu khóc thưa rằng: Nhờ ơn tế độ, vớt người trầm luân, nếu nắm xương tàn mà đặng thấy tử phần có phen, đều là đội công đức của hai ngài hết thảy.

Sư cụ lại bảo người đồng tử đưa bút nghiên cho Tú Cầu, nàng tiếp lấy, đứng dựa bên thư án, tay thảo một thiên gia tín, xếp lại tử tế, bước tới chỗ Vi Văn ngồi, khúm núm trình lên thưa rằng: Trót đã thi ân cứu tử, xin cho trịnh trọng một lời, kẻo tôi đã nhiều ngày đau đớn biệt ly, e không sống nổi mà đợi ngày hậu hội.

Vi Văn tổn tạ đáp lễ, cầm lấy cái thơ bỏ vào túi áo, lại thung dung ngồi xuống. Tú Cầu đi vào hiên sau; Hai chú cháu lại kể chuyện hàn huyên việc nhà, đến sáng hôm sau Vi Văn cáo từ.

******

Chương 5

Nguyên Vi Văn cũng là con nhà dòng dõi thư hương, cha mẹ chàng sinh được hai người con, một trai một gái, chàng là anh trưởng, em gái tên gọi
Thố Nhi mươi mười lăm tuổi, nhan sắc nhã đạm, từ bé thường theo chàng học hành, tinh thông sách sử, tính lanh lợi, biết xem sóc công việc trong nhà; hồi Vi Văn tập ấm thụ, bổ ra làm quan ở Thanh, phụ thân cho đi theo với Vi Văn; vì trong nhà phụ thân chàng còn có người tiểu thiếp hầu hạ; Bà thân mẫu chàng sớm mất, cho nên tình yêu mến của đôi ngành đường đệ rất đỗi đậm đà, bao nhiêu việc gì lớn nhỏ Vi Văn cũng đều cho Thố Nhi biết để thương nghị với nhau.

Hồi Vi Văn biệt cảnh chùa Linh Ẩn, về đến nhà, nhất nhất đều thuật lại cho Thố Nhi nghe, và tỏ ra ý quyến luyến Tú Cầu, khen ngợi tư dung nàng xinh đẹp thế nào, phẩm tài nàng mẫn thiệp thế nào, tay cầm quản bút không phải nghĩ ngợi, viết chữ như bay, cách phỏng trâm hoa, tài phen vịnh nhứ; một đoạn nói như hoa như gấm, làm cho nàng Thố Nhi tức quá, chỉ mong trong giây phút được thấy mặt một phen mới thỏa, Vi Văn lại nói: Nếu tiểu muội muốn gặp nàng thì thậm dễ, chỉ nên tính kế làm sao mà lưu nàng cùng nhau sum họp một nhà, thêm được một người bạn tốt, khi học tập kim chỉ, khi xướng họa văn chương, chẳng là hay biết bao?

Thố Nhi cười rằng: Tục ngữ có câu: “Muốn cho chắc, lại dắt cho người”; cũng phải đó.

Vi Văn nói: Thố Nhi em ơi! Em không nên ngờ lời nói của anh là không đích đáng đâu? Anh không phải mê đắm một người tầm bậy đâu, bản thân xưa nay là một người lân tài tuất nạn vậy.

Thố Nhi nói: Cái lòng lân tài ấy, thời em cũng xin biểu đồng tình với anh, song lân tài là lân tài làm sao kia, chớ như chúng ta mời nàng về đây, sau còn có điều gì biệt ngại nữa không?

Vi Văn nói: Em bất tất phải đa tâm, việc gì đã có anh đây đảm đang hết thảy, chỉ cậy em một điều, không biết em có nhận lời cho chăng?

Thố Nhi nói: Xin anh cứ nói, việc có thể làm được, khi nào em lại dám trái ý anh.

Vi Văn cười nói: Mươi hôm nữa chúng ta cùng nhau lên hầu chú, sẽ nói như thế... như thế...
Thố Nhi cười rồi gật đầu.
Cách độ mươi hôm, hai anh em cùng đi, đi được ba dặm đường, thời phải để cáng võng lại một bên quán trọ, rồi kéo nhau bộ hành một đổi mới tới cửa chùa; sư cụ tiếp đãi hai anh em Vi Văn rất tử tế, mà các người trong chùa cũng đều thành thật hoan nghênh.

Nàng Tú Cầu nghe nói cái thư của mình đã gởi về Kinh rồi, thì thầm cảm thịnh tình của Vi Văn không biết mấy, lại gia dĩ thấy Thố Nhi ân cần luyến ái, một điều xưng chị, hai điều xưng em, ngọt ngào như mật rót vào tai, nhận ngay Thố Nhi là người tri kỷ, bèn đem hết tâm sự mà nói với nàng, không còn giấu giếm chút nào, Thố Nhi biết được cái đoạn nhân duyên trước của Kim Tú Cầu, là xuất ư sự bất đắc dĩ, chớ chưa phải thực kẻ tâm đầu ý hợp của nàng, cho nên mỗi khi nhớ đến nỗi riêng, riêng những ngậm ngùi cho duyên; tuy đã ôm đàn bước qua thuyền khác, mà lòng vẫn còn hối hận đau ngầm hôm mai, kịp đến lúc hoạn nạn, lại càng nguôi hết cái sự phú quí của nhà họ Vương, vì thế mà Thố Nhi ngôn thính kế tùng, ngày hôm sau, Thố Nhi bảo Vi Văn về trước, sửa soạn nhà cửa, rồi hãy lên đón hai chị em về.

Vi Văn mãn tâm hoan hỷ, tưởng là sự đã đầu cơ, cá tràn vào lưới, không dè khi chàng sắp đặt yên rồi trở lên, thời thấy phong cảnh đìu hiu, mọi người trong chùa đều than thở mở miệng không ra hơi, chỉ trông nhau mà gạt nước mắt, có ý sắng sốt lạ thường, đồ vật bỏ nghiêng ngửa đòi nơi không ai dọn dẹp hết thảy.

Vi Văn kinh sợ thất sắc, hỏi ra mới biết một sự kỳ họa, mới xảy ra trong đêm hôm qua, hồi chàng vừa mới bước khỏi sơn tự. Số là quân sơn khấu làm sao dò xét được nàng Tú Cầu là người quốc sắc, và lại là con nhà cự tộc, muốn bắt nàng để sung chức “áp trại phu nhân”, hay là huyền giải thưởng bắt chuộc, cũng có một món tiền to, bởi vậy mà cái dây oan trái lại buộc cho người hồng nhan; khi bọn côn đồ sấn vào lều sau, chủ ý tróc hoạch nàng, may đâu lại được cả nàng Thố Nhi, thời thích quá. Tú Cầu xem thấy cảnh khốn bức, đã không phương đào tỵ cho đặng, toan bề tìm lối quyên sinh, bọn ấy gạt đi mà rằng: Nàng không nên tính quẩn như thế, cái chùa này cũng vỡ tan theo mất lại hại lây đến tính mệnh mấy người trong chùa thời sao? Vì chúng tôi đi có vâng mệnh trại chủ, phải bảo toàn ngọc thể, để đưa về chờ người định đoạt, nhược bằng có sai thất đều gì, thời chúng tôi phải tội lỗi hết thảy.

Tú Cầu nghe nói khóc òa lên, bỗng lại thấy sư cụ và các người trong chùa, đều vái lạy cầu xin đừng phá táng đất già lam, thời nàng rất động lòng, nghĩ lại sinh ra đến cơ sự này, là tại bởi cái oan nghiệp của mình gây nên, tai biến cho cõi thanh tịnh, khiến các kẻ tiểu chúng vô cớ thọ họa, sao cho đành lòng, mới dũng cảm mà nói to lên rằng: Ơi các chú, các chú chỉ bắt ta thôi, thì được, ta cũng bằng lòng mà đi, nhưng trước khi đi, ta xin không được ai quấy nhiễu trong chùa một cái gì hết, vì ta đã liều mình mà bảo hộ cho tất cả tính mệnh tài sản của mọi người đây.

Bọn cướp cười nói rằng: Phải lắm.

Tú Cầu lại thấy Thố Nhi đứng một bên mình, đương run lẩy bẩy, khóc nức khóc nở, bèn vội vàng nói: Người thiếu nữ này là cháu vị lão tăng, xin dung thứ cho, kẻ tội nghiệp quá.

Bọn cướp nói: Phu nhân chớ ngại, trại chủ là người rộng lượng, nếu đã tin cậy phu nhân, thì không có việc gì là không cầu đặng; bây giờ hãy để cho tiểu thư theo cùng cho có bạn, sau nếu có lệnh, chúng tôi xin đưa về trả lại; nói xong lập tức phò hai nàng lên ngựa, một đoàn kéo đi, từ hồi canh ba, cho đến trưa mai.
Hạt Cát
#5 Posted : Thursday, October 28, 2004 2:51:32 AM(UTC)
Hạt Cát

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Moderator
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 80
Points: 18

Was thanked: 1 time(s) in 1 post(s)
Tác giả hc
Gởi: Fri Jun 11, 2004 6:17 pm

Chương 6

Vi Văn mới đến, độ đường đất đi cũng chưa xa, chàng liền phi ngựa đuổi theo, mãi đến chiều tối, cũng chưa tìm ra tung tích, đối ngọn rừng xanh, rơi hàng lệ trắng, mà phải lui bước, về đến nhà ngã ngất người ra, mê mẩn tâm thần, ba bốn ngày cơm cháo ăn không đặng, chàng tự vấn tâm, ăn năn không kịp, tình thâm cốt nhục, thảm thiết biết bao, thân hành đến cửa thượng ty minh oan cho em, nhưng đã trót tháng mà không ra mối, chàng tức giận đầy ruột, buông lời đê xúc, nhiều tiếng bất bình, lại phải quan trên quở trách một phen rất nặng.

Còn như việc nàng Tú Cầu khi trước, thời xét ra mới biết, không phải nhà họ Kim thiếu chi thế lực, mà đến nỗi một nàng con gái như vàng như ngọc; mà lại vợ một ông quan danh giá như kia, đến khi người của đều mất, há kẻ thân thuộc cam tâm bỏ qua đi hay sao, song vì không thể làm sao cho đặng. Người mình xưa nay đã không có cái tư cách trinh thám, việc lại ưng làm lấy rồi lần cho qua, chỉ lấy việc trước mắt mà nói, có người bảo rằng: Việc nàng Tú Cầu, là bởi nàng quá tin người, nên họ mới lừa cho, tuổi tác còn non, không cam phận ở góa, nên thâu tóm tiền của trốn đi, giả vu cho trộm cướp cũng có, một đồn thành hai, năm đồn thành mười; bởi vậy mà song thân nàng tin ngờ không nhất định, bối rối thương con, buồn rầu thành ra ốm nặng, kế thứ từ trần. Việc nhà họ Kim bây giờ đã thấy sa sút, vì hai người con trai là Kim Hậu và Kim Lộc, từ khi được hưởng cái di sản để lại, ăn chơi phá tán, không bao lâu mà cửa nhà tan nát, vườn ruộng sạch sanh, mỗi cậu còn lại một bệnh là bệnh phong lưu, ăn thuốc phiện, và nghiền rượu.

Trong khoảng vài ba năm, bần cùng vô sở y ỷ, phải tìm phương xa mà lánh mình; còn khi trước những nhà thân thuộc với nhà họ Kim, sang trọng như thế, mà nay mười nhà đã đến bảy tám nhà đạo bạc như thế cả. Chỉ có một người ngoại thích là chàng Ngọc Lan, thời hiện nay sang quí lạ thường, thi đỗ cử nhân, sung chức hàn lâm, vẻ vang mày mặt, vinh hiển mẹ cha.
Duyên vì cái lòng phẫn khích của chàng, mà gây nên cái sự nghiệp ngày nay.

Hồi ở Quảng Nghĩa, được cái tin đau đớn của nàng Tú Cầu phân trần với mình, thời nghĩ thầm phận mỏng cánh chuồn, không thể lấy tình nghĩa mà địch lại với kim tiền cho nổi, làm sao rồi cũng bị thế lực kim tiền lấn phần hơn; nên chi chàng không oán trách chi nàng; vì cha mẹ nàng ép uổng nàng mà sinh ra nông nỗi thế, nhưng xót lòng nóng ruột, chỉ muốn ra cho thấy mặt người yêu lần cuối cùng mà thôi, nhưng hiểm thay! Nửa đường lại gặp lễ thân nghinh, sự uyên bay thúy rẻ, chẳng đặng một lời, trách nào mà chàng chẳng khô héo từng lá gan, căm tức ông trời xanh kia, sao ở hậu bĩ, bạc thử chi lắm tá! Ở đời thế ra chỉ có hai chữ thế lợi là mạnh hơn hết, bà con không có thế lợi, thời không mặn nồng, tình duyên không có thế lợi, tình duyên không gắn bó, cho đến khi giao thiệp với ai, mà không có thế lực kim tiền, câu nói cũng tựa hồ vô vị kia nữa mà.

Ôi! Ta sinh ra đời, chưa được bao lâu mà đã trót vì hai chữ thế lợi làm hạn chế ta đến như vậy, nếu đã phải thù với thế lợi, tất lấy thế lợi trả thù mới xong.

Trong khoảng hai ba năm trời, lao thần tiêu tứ, có công dùi mài, đeo đuổi về đường tiến thủ, khi đã thành danh, thiếu chi kẻ đến cầu hôn, chàng thảy chối từ, sinh lòng ghét bỏ hết thảy mọi người đàn bà trong thế gian.
Năm ấy nhân quan Kinh lược ra Bắc Kỳ, chàng được tạm bổ tùy phái; đi đường bộ ra kinh qua tỉnh Nghệ An, thời ngài có lưu lại đó mấy hôm, thừa dịp rảnh rang, bèn rảo bước ra chơi phường phố, phong cảnh xứ Hoan Châu cũng là một nơi đô hội thị trường, đủ các hạng người, ngựa xe qua lại như thoi dệt, như tên bay, tối lại lộ đăng sáng choang, chẳng kém trăng trời, người du khách, nam thanh nữ tú, tụm ba, tụm năm, chen chúc dưới bóng liễu dương, hai bên vệ đường đi lại không dứt. Chàng Ngọc Lan đương thơ thẩn nhìn sau ngó trước, bỗng có người vỗ vào vai nói rằng:

-Anh lâu ngày còn nhớ tôi chăng? Ngọc Lan quay đầu lại, thì là một người bạn đồng song với mình thuở nhỏ, là chàng Vi Văn. Hai người bèn bắt tay nhau mừng rỡ.

Ngọc Lan hỏi:

- Hiền khế nghe như ở Thanh Hóa, nhân sao lại hạnh ngộ chốn này?

Vi Văn nói:

-Thưa anh, từ chia tay Nam Phố, gian quan luống những ngậm ngùi, riêng tưởng công đèn sách mấy thu dư, thì đường danh lợi cũng nên nếm mùi chua ngọt với người ta chớ, nào ngờ bể hoạn sóng to gió cả, bao phen gắng gổ tay chèo, nhưng không địch nổi cuồng đào nộ lãng, thôi thì đành phận phải cuốn dây từ đó, cuộc đua chen xin gác ngoài vòng, nay em đã mảng vui theo thú yên hà, mai làm bạn tác, hạc làm người quen, tệ xá cũng gần đây, xin nhân huynh chiếu cố. Ngọc Lan vâng lời theo bạn.

Nhà Vi Văn thanh tịnh u nhã, bài trí một cách đạm bạc vô cùng, gian giữa treo bốn bức cổ họa thủy mạc, trên giá sách đủ các thứ tạp chí, nhật báo đông tây; bên tả bích, huyền mấy cây đàn, nào nguyệt, nào tranh, nào tỳ, nào nhị, vài cặp ống: địch có, sáo có, tiêu có; bên hữu bích có cửa nguyệt động, trông ra vườn hoa, đồng bọc vài đứa pha nước châm đóm, trông cũng ra chiều phong lưu.

Ngọc Lan nói: Anh đã định bề gia thất chưa?

Vi Văn nói: Thưa chưa, vì việc nhà còn bận chút chưa xong, bèo mây tan hợp, sớm ở chiều đi, công việc không làm, buôn bán không có, thời còn cưới vợ về mà làm gì?

Ngọc Lan nói: Thế ra anh cũng không định ở đây lâu, vậy còn kinh doanh nhà cửa làm chi cho phiền.

Vi Văn nói: Thưa anh, em có học nghề làm thuốc bắc, nếu không có nhà thời không tiện chỗ cho quan khách đến chẩn mạch.

Ngọc Lan nói: Hay lắm! Sách có câu: “Bất vi lương tướng, tắc vi lương y”, anh thật là người có ích cho xã hội vậy.

Vi Văn nói: Nhân huynh khéo đặt chuyện ra lắm! Chớ tiểu đệ làm thế này, chẳng qua cũng sự tạm hành công đức, chưa đã thực chi mà quá dự, làm cho thêm phần hổ thẹn.

Ngọc Lan nói: Cớ sao vậy?

Vi Văn thổn thức hồi lâu rồi nói: Em có một sự bí mật đau khổ trong lòng; duyên vì có hai người con gái mắc quân gian tế cướp mất đã lâu ngày, tung tích vắng teo, nên đệ phải ẩn tích giang hồ, mà quyết dò xét cho ra, khi lâm hắc, lúc thị thành, mượn cái nghề làm thuốc, cho quen được nhiều người, mỗi khi đi lại để thám thính tin tức, khỏi ai nghi oan chi mình, việc ấy trừ nơi anh, thì em không dám giấu giếm chút nào, xin anh đừng tiết lộ cho ai biết.

Ngọc Lan nghe nói có hai người con gái mắc nạn, thời vội vàng hỏi tánh danh, để phòng khi có cơ hội do thám giúp cho bạn chăng.

Vi Văn kể ra đầu đuôi câu chuyện chưa xong, chợt thấy Ngọc Lan biến sắc, cử chỉ thất thố, tay chân run lẩy bẩy, đánh rơi cái chén nước trà xuống đất.

Vi Văn lấy làm lạ, bèn hỏi: Sao nhân huynh lại cảm động đến như thế?
Ngọc Lan chẳng chịu nói, gạn mãi, chỉ thấy than thở suốt giờ.

Vi Văn nói: Việc gì bí mật đến đâu, tôi đều không giấu anh, nay anh lại ngờ cho tôi là người không kín đáo, nỡ phụ tấm lòng của tôi lắm ru?!
Ngọc Lan toan mở miệng nói, nước mắt lại trào dầm dề, liền gạt đi mà gượng nói rằng: Hiền khế ơi! Nàng Tú Cầu là người bạn của tôi, là người yêu mến của tôi suốt đời đó, hiền khế ạ, tuy hai chúng tôi không được gặp gỡ nhau, cũng bởi song thân nàng tham tài vụng tính, chớ nàng thì chỉ quyết theo tôi, đinh ninh một dạ, nhưng tôi không muốn để cho nàng trái đạo làm con, nên lúc đó tôi có viết thư phúc lại cho nàng, khuyên nàng phải theo lời sở sinh sở định, bây giờ gương vỡ, bình tan, thật cha làm rối chuyện con, nhưng tôi cũng không phải là không có lỗi, vì bảy thước đường đường nam tử, lại không có can đảm, binh vực được một kẻ yếu đuối phụ nhân, đã trót yêu mình, mà không biết lo toan mưu kế giúp đỡ lẫn nhau, nỡ nào vùi lấp bể ái nguồn ân, làm như khách lộ bàng, thì còn ra gì; Ôi! Cái thân nàng khổ nhục đến thế là cùng, còn tôi, tôi quyết cứu nàng mới thôi. Nói xong vỗ tay vào bàn, khóc dào như mưa.

*******

Chương 7


Vi Văn sửng sốt như mộng mới tỉnh, rồi cũng thiết tha tỏ ra ý chia sầu cùng bạn. Hai người nói chuyện đương mặn nồng, bỗng nghe đồng hồ đánh mười một tiếng. Ngọc Lan đứng dậy cáo từ, Vi Văn đưa bạn ra đến cửa mới lui vào. Còn một mình chàng Ngọc Lan lủi thủi vừa đi vừa nghĩ, nghĩ đến nguồn cơn mà thẹn với trời xanh, tưởng nông nỗi mà giận cùng trăng bạc, tráo trác sinh chi chuyện quái, trước đã muốn dứt đi, nay hóa lại vương mang, là vương mang làm sao rứa hử? Hay thử sinh nó muốn chôn ta vào đám tình thiên hậu hải này mãi hay sao? Một đoạn tư tưởng còn phân vân, chưa giải quyết, thốt nhiên trước mắt ngang qua thấy một cỗ xe song mã hai người ngồi, đèn xe đương sáng choang, thình lình tắt hết một lần, người đánh xe phải bước xuống sửa đèn, trên xe hai người chủ cũng bước xuống đi dạo xem trăng.

Hôm đó chính vào độ rằm tháng tám, cho nên đêm càng khuya trăng lại càng tỏ; Ngọc Lan đầu kia đi lại, xáp mặt hai người nọ, tình cờ ngoảnh mặt nhìn lên, thấy một người tác đã trung niên, còn người thiếu niên trạng mạo tuấn tú lạ thường, và cái dáng điệu hơi quen quen, nhưng không nhớ ra là ai, hình như mình đã có gặp nhiều lần thì phải; chàng mới định thần chú mục người thiếu niên, người thiếu niên cũng như có ý hội; cặp mắt rất tinh thần, lóng la, lóng lánh, lại nghiễm nhiên như một người con gái, làm cho chàng hồn xiêu phách lạc, nửa ngờ nửa tin, thời xe đã đốt đèn, hai người chủ đều lên xe, đánh ngựa đi thẳng.

Ngọc Lan luống cuống kêu lên rằng! Đó chẳng phải là nàng Tú Cầu, thời là ai nữa? Chao ôi! Cái gì lạ vậy! Có phải là tôi ở trong ảo tưởng mộng mị, cớ sao cảnh tượng lại mê ly đến dường này. Chàng cúi đầu nghĩ thầm một mình lại nói rằng: Không, không phải mộng mị, đào say thắm đã in thú vị, liễu hờn xanh lại giống phong quang lắm nữa mà! Chà, chà dẫu người thiếu niên này mà là con gái, thời cũng không phải là nàng Tú Cầu, vì nàng Tú Cầu đã trải phong trần đày đọa, có đâu lại còn được tươi tốt như xưa, mà không phải nàng nữa, thời còn là ai? Ai mà được nhan sắc tuyệt vời như vậy, nếu quả là nàng, thì người đi theo đó, chẳng phải là đứa thù nghịch của nàng chăng? Sao ta chẳng bắt lấy mà hỏi, thật tiếc, tiếc làm sao là tiếc.

Đương câu nghĩ chưa xong, bên tai văng vẳng lại nghe có tiếng Vi Văn kêu: Có cái quạt ngà của anh quên lại nhà em, xin dừng bước mà lấy. Ngọc Lan giơ tay tiếp lấy cái quạt ngà; nguyên hồi nãy lật đật ra đi, nên bỏ rơi lại, bèn nói cám ơn anh, vậy chớ hiền khế còn có đi đâu nữa không? Chớ sá chi vật mọn, mà anh phải lật đật như vậy. À! Vừa rồi tôi thấy cái xe song mã đi qua, anh có gặp chăng? Ai ngồi trong xe thế?

Vi Văn nói: Phải, tôi cũng gặp, song không nhận biết là ai.
Ngọc Lan bèn thuật lại cho Vi Văn nghe, Vi Văn cười nói rằng: Thiên hạ người giống người cũng thường, lẽ nào lại có việc quái lạ như thế.

Ngọc Lan nói: Người này dẫu đàn ông, thì Liễu Trương Tự hình kia cũng khó ví, mà xem Xương Tôn mặt nọ cũng khôn bì, tôi quên đi anh ạ; có một điều là dễ nhận ra lắm, khi hoảng hốt lại bỏ qua đi mất, số là nàng Tú Cầu có một nốt ruồi son bên cạnh tai, thuở đồng niên chơi đùa với nhau, tôi cợt nàng, gọi là “nhất điểm hồng”, có ý ví nàng như hoa lang nhất điểm hồng vậy, nếu bây giờ gặp mặt, thử hô nhất điểm hồng xem người ấy có ứng không thời biết ngay.
Vi Văn nói: Trước mặt lại để lầm qua một việc rất đáng tiếc; thôi vậy hãy để vậy đã, anh về ngụ sở, tôi còn phải đến thăm người bệnh đã hẹn, cũng ở gần dẫy phố cửa đông đây.

******

Chương 8


Ngọc Lan cùng dắt tay nhau đủng đỉnh đi, lần hết ngõ hạnh, lại ngang qua vườn đào, trông đám cây cối im lặng, tờ mờ những ngọn đèn xuyên qua cửa mạch các dãy nhà gạch, thực vắng vẻ lạnh lùng, một đôi chỗ còn có tiếng học trò học, nhưng cũng đã nghê nga ra cảnh đêm khuya mỏi mệt, còn những tiếng gió thổi reo reo, dế ngâm thoãng thoãng, trong bụi tre già, thì càng thêm sầu uất nữa. Trên con đường cái quan, chỉ có hai người vừa đi vừa khảo chuyện đó mà thôi; đoạn lại rẽ ra ngã ba cửa đông mới, phố xá trùng điệp, lầu trà quán rượu bây giờ cũng vắng khách lại qua, phố dọc hàng ngang, đều thấy cửa gài then đóng.

Vi Văn nói với bạn rằng: Quá canh rồi, e em đến thăm nhà kia không tiện nữa, vậy anh có muốn em đưa anh về ngụ sở luôn thể, em xin theo hầu. Ngọc Lan nói: Vâng, hiền khế sẵn lòng tôi cám ơn lắm; Vi Văn lại dắt tay Ngọc Lan rẽ qua con đường vào thành, đi chưa mấy lúc, chợt thấy một cỗ xe ngựa để sẵn bên vệ đường, nhà ấy cửa mở, đèn thắp sáng choang, người nói xôn xao, hình như yến tiệc gì vậy. Khi hai người đi ngang qua trước cửa, thời Ngọc Lan chú ý nhận kỹ, thấy có bốn người ngồi ăn uống vừa xong, đày tớ đương dọn dẹp, đoạn Ngọc Lan nhìn cỗ xe, thì ra cỗ xe mình mới gặp ở chặng đường khi nãy, bèn bấm tay Vi Văn mà nói thầm, anh có biết cái phố này của ai không?

Vi Văn nói:Đó là một hiệu buôn của người Trung Hoa.

Ngọc Lan nói: Cỗ xe để bên đường, chính là cỗ xe em mới gặp mà nói với anh đó, chúng ta nên đứng lại đây, chờ xem động tĩnh ra thế nào anh hè!
Vi Văn nghĩ trong bụng rằng: ta đã nóng về công chuyện ấy, coi ra anh này lại gấp bằng ba, chốc lại thấy Ngọc Lan bấm Vi Văn mà nói rằng: Ấy! Ấy quả nhiên tề, gã thiếu niên, gã thiếu niên!

Vi Văn chăm nhìn vào trong nhà, chỉ thấy có bốn người đều trạc lớn tuổi hết thảy, có ai là gã thiếu niên đâu, vừa toan muốn hỏi, thì Ngọc Lan lại nói:
- Ôi! Coi như gã ốm thì phải, mặt mũi dàu dàu ra thế này.

Vi Văn hãi hùng nói:
- Quái lạ! Hay anh này mơ ngủ chăng? Chớ nào có gã thiếu niên đâu.

Ngọc Lan nói:
-Gã đau đớn lắm! Tội nghiệp chưa.

Ngọc Lan lại kề miệng vào tai Vi Văn nói:
- Kìa! Kìa! (tay chỉ vào nhà).

Vi Văn quay đầu chăm mặt Ngọc Lan xem có phải chàng phát cuồng lòa mắt đi chăng;

Ngọc Lan nói:
- Vậy thì anh quáng thật, không trông xa được hay sao? Kìa trông bức cửa kính trên gác, có phải gã thiếu niên đó không?

Vi Văn mới ngẩng đầu trông lên thì dưới ngọn đèn sáng choang, quả có một người thiếu niên xinh đẹp làm sao, đương nằm trên một cái ghế phô tơi ở trên nhà gác trông ra ngoài đường, song dáng người có vẻ buồn rầu, chốc chốc lại nhăn mày, nước mắt như còn ướm đượm chảy quanh tròng, thời kêu lên một tiếng, phải rồi! Ôi! Phải rồi! May! May! Đó rồi chớ còn ai.

Tiếng nói vừa dứt, bỗng có một người xồng xộc trong cửa chạy ra, lại tiếp nghe có tiếng người trong nhà kêu trở lại;
- Lão Đại, chủ nhân còn dặn người phải lấy thuốc nữa. Nghe!

Khi ấy thời thấy mọi người trong nhà xôn xao, kẻ bước lên thang gác, kẻ sắp sửa dọn bàn ăn.

Người tên là lão Đại băn khoăn chạy vào rồi lại chạy trở ra, miệng lẩm bẩm nói thầm rằng: Bây giờ thầy bà ở đâu, mà biểu mời biểu rước, rộn tinh rộn tang, thực bực mình quá sức!

Vi Văn nghe lọt mừng rỡ khôn xiết, nói nhỏ với Ngọc Lan rằng: Cơ hội khả thừa rồi, bèn gọi lão Đại lại mà hỏi rằng:
- Có phải chủ nhân khiến người tìmthầy thuốc chăng? Ở quí hiệu có ai cảm mạo?

Lão Đại thấy Vi Văn, thời nhận ngay là ông thầy thuốc, mừng mà nói rằng: Thế ra tiên sinh ở đây, châu ôi! May cho tôi quá! Số là người bạn với chủ nhân ở phương xa lại chơi, ngẫu cảm phong sương, cũng không lấy gì làm nặng, nhưng không có thuốc chữa gấp, đặng đi bây giờ.

Vi Văn nói:
- Được, tôi xin giúp cho, liền bảo lão Đại vào thông tin trước, để chủ nhân có triệu tôi sẽ ứng hầu.

Lão Đại bước vào trong phòng, giây phút liền trở ra đưa hai người vào, thời thấy người chủ mặt mũi vậm vạp, trạc độ bốn mươi bước ra tiếp khách, trà nước tiếp đãi xong, thời để Ngọc Lan ngồi lại gian giữa mà chơi, còn chủ nhân tự một mình đưa Vi Văn lên gác thăm bệnh, chủ nhân vừa đi vừa nói: Người bạn tôi bẩm chất bạc nhược, không khác gì đàn bà con gái mấy chút, y là con một nhà giàu có sinh bình không từng đi chơi đâu xa, nay nhân theo tôi du lịch các tỉnh, vừa mệt nhọc lại trở nước, vậy nên sốt lắm, nhiệt độ lên đến bốn mươi, nhờ tiên sinh châm chước chữa cho mau khỏi, tôi xin hậu tạ.

Vi Văn nói:
- Vâng, vâng.
Trong lòng lấy làm nghi hoặc, nhưng vẫn làm bộ trấn tĩnh; kịp đến tầng gác trên, chủ nhân vặn khóa cửa bước vào, thời có một người nữ tỳ cầm cây đèn sáp đưa đường, hai người dắt tay đi quanh cạnh phòng, chợt thấy bên cạnh phòng kia có một cái giường treo bức trướng bố vi trắng, ngoài có mấy cái ghế bành ngồi, người thiếu niên đương nằm trên cái ghế phô tơi, sắc mặt xanh nhợt, mắt nhắm thiu thiu ngủ.

Chủ nhân se sẽ đi đến bên cạnh, giơ tay vuốt ve một hồi, đánh tỉnh giấc dậy, xem dáng chủ nhân trân trọng người thiếu niên một cách lạ thường.
Vi Văn lòng càng thêm nghi nữa, khi chàng thiếu niên mơ màng mới tỉnh, thì nghe hỏi rằng:

-Làm cái gì thế! Khó chịu trong mình lắm, thôi, La Vinh, đi ra đi.

Chủ nhân cười mơn nói rằng:
- Không hề chi, công tử cứ yên tâm, tôi đã cho mời tiên sinh đến điều trị đây, trong một vài hôm thì khỏi bệnh.
Thiếu niên nghe nói bèn mở bừng mắt nhìn lên, rồi ríu ríu nhắm lại.
Chủ nhân lấy tay vẫy Vi Văn ra một bên, bảo xem mạch thử ra làm sao, lại dặn nhỏ bảo đừng cho bệnh nhân biết, và đừng nói chuyện gì, đừng hỏi han gì.
Vi Văn gật đầu, y như phép chẩn mạch, lại quan sát hình sắc một hồi, rồi liền ghé qua bên kia mà đứng, chủ nhân rón rén lại hỏi nhỏ, Vi Văn gật đầu tỏ ra ý có cách chữa được.

Chủ nhân hỏi:
- Bây giờ định khai phái, hay là lấy thuốc tại nhà tiên sinh?

Vi Văn nói:
- Có thuốc linh đơn rất hay, bây giờ cần nước nóng lập tức, uống xong trùm chăn kín sẽ bớt.

Chủ nhân bảo đứa thị tỳ đi đun nước nóng, và dọn giường nằm, còn tự mình cũng băng xăng sửa cái này cái khác, mở cửa phòng bên cạnh đi vào, còn Vi Văn một mình ngồi trên ghế bành, bắt mặt trông qua chàng thiếu niên, một lát lại thấy chàng rên rỉ, chốc lại trở mình; trong lòng Vi Văn hồi ấy mừng sợ bối rối, nghĩ người này còn đương tỉnh, muốn dò thử câu chuyện, bèn mượn chữ vô tình mà nói; dầu ai nghe cũng chẳng can gì; Vi Văn chú mục vào chàng mà nói rằng: “Nhất điểm hồng”, “Nhất điểm hồng”! Kìa! Kìa! “Nhất điểm hồng”!

Chàng thiếu niên thất kinh, hoảng hốt ngồi phắt dậy, trong phòng chủ nhân lại bước ra, chủ nhân thấy thiếu niên đã tỉnh, mừng lắm! Vội vàng bước tới đỡ chàng thiếu niên vào giường nằm, nói rằng: Hãy khoan dậy, để uống thuốc đã.

Thiếu niên không nói gì, cứ nằm yên, bây giờ đôi mắt trừng trừng không chớp, mồ hôi toát ra như mưa, thần sắc sớn sác, như ngây như dại, làm cho chủ nhân cũng phát hoảng theo, trông Vi Văn mà hỏi rằng: Sao công tử sửng sốt như thế, có điều gì nhờ tiên sinh bảo cho.

Vi Văn nói:
- Thưa không, xin ngài phải gấp gấp cho nước nóng mau thì tốt hơn.

Chủ nhân nói:
- Được, được, tôi xin đi ngay bây giờ.

Vi Văn nghe tiếng giày đi đã xa, bèn se sẽ tới gần chàng thiếu niên mà hỏi rằng: “Nhứt điểm hồng” Than ôi! “Nhứt điểm hồng”.

Chàng thiếu niên bỗng trào nước mắt lai láng, tay chân run cầm cập.
Vi Văn càng tin là thật, mừng quá, nhưng sợ chủ nhân thấy tình cảnh thế sinh nghi, bèn hỏi nhỏ rằng: Thưa nàng, sự tình đau đớn, trót mấy năm thừa, bây giờ một lời kể sao cho xiết, Vi Văn tôi dám hỏi lai lịch Thố Nhi ra làm sao? Xin quí nương bảo giúp.

Thiếu niên lau nước mắt mà nói rằng: Ngài vẫn mạnh giỏi, tôi vì người em ngài mà nhục nhã không biết bao cơ, nay đoạn trường sẽ rút tên ra, có chăng là cũng nhân cơ hội này. Nhà ngài có gần đây không? Hiện tại Ngọc Lan cũng có ở đây nữa phải không?

Vi Văn nói:
- Thưa phải, câu chuyện mới đáp được một tiếng, thời nghe dấu giày đã giậm sạt sạt ở từ cầu thang dưới bước lên, hai người khoác tay nhau bảo im lặng.

Vi Văn lại cứ ngồi như chỗ khi trước.
Chủ nhân cùng đứa thị tỳ xách nước đi vào phòng, Vi Văn trách sao chậm chạp như thế, làm bộ vội vã mở túi lấy thuốc, hòa nước, băng xăng vừa nghiền vừa tán, rồi đưa chủ nhân bưng đến cho thiếu niên uống. Vi Văn nói: Phải nên để công tử tĩnh dưỡng vài ba hôm, đừng cho ra gió, và người thăm viếng vãng lai cũng nên cấm chỉ đi, thời nhiên hậu bệnh mới giảm.
Chủ nhân cảm tạ, đưa Vi Văn xuống gác, hẹn tối mai đúng chín giờ sẽ lại đây, và có cho thuốc gì cũng xin bảo trước, kẻo tôi còn bận nhiều việc, ban ngày không có ở nhà.
Hạt Cát
#6 Posted : Thursday, October 28, 2004 2:52:46 AM(UTC)
Hạt Cát

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Moderator
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 80
Points: 18

Was thanked: 1 time(s) in 1 post(s)
Tác giả hc
Gởi: Fri Jun 11, 2004 7:22 pm

Chương 9

Vi Văn vâng lời, cùng Ngọc Lan cáo từ ra về, hai người thuật chuyện với nhau.
Ngọc Lan nói với Vi Văn rằng:
- Cứ như lời anh nói, em coi ý nàng cũng bất đắc kỳ chí lắm, sợ nhất đón Thố Nhi trở về đến nhà, thời e chúng ta không được gặp mặt nàng nữa thôi.

Vi Văn thời trong lòng mừng rỡ quá chừng, vì bấy lâu đương trông đợi tin tức em mình, mà nay nghe được cơ hội trùng phùng, rất phỉ nguyện ước ao, nay nghe Ngọc Lan nói vậy, thời cũng nói đưa mấy câu rằng:

- Không có lẽ, nàng là người bản tính nhu nhược, chắc không có lẽ lại tiềm đoản kiến đâu, mà anh ngại.

Song nói thế, mà Ngọc Lan vẫn cứ khư khư trông mong cho gặp mặt Tú Cầu một phen mới thỏa; nay nghe câu nói của nàng, đoạn trường sẽ rút tên ra, thế là nàng định quyết tuyệt, không cầu tái hội, cái hy vọng của mình chẳng cũng trôi mất hết ru? Đêm ấy chàng không ngủ được, sáng mai lại phải vào công thự; trông cho tới ngày giờ đã hẹn, mới cùng Vi Văn lại đến hiệu Đồng Lợi. Trông mãi trông hoài, ngày giờ càng dài đằng đẵng, ngồi đứng không yên, chốc lại ra nom bóng mặt trời, chốc lại vào coi đồng hồ, vì cái giờ khắc ấy, mà ai cho một ngàn vàng, biểu hai người ấy đi lấy, quyết không ai chịu đi, chỉ chăm chăm mà đợi cho đến chín giờ tối, khi ấy mới khoan khoái lòng dạ, dắt tay nhau ra phố, hồi vô đến nơi hỏi chủ nhân, thời có người thơ ký ở phố đó, nói đi vắng rồi, hai người đều hỏi: Đi bao giờ về? Có dặn chi chúng tôi không? Bịnh nhân đã khỏi chưa?

Người thơ ký nói:
- Có để lại phong thơ giao lão Đại đưa cho ngài, nhưng mà lão Đại mới đi đâu khỏi, lát nữa tiên sinh đến đây mới có.

Hai người hỏi:
- Thế thì chủ nhân và chàng thiếu niên công tử bây giờ không có đây nữa hay sao?
Người thơ ký nói:
- Không ở đây nữa, y có sở đồn điền trên kia, và buôn bán các tỉnh đường trong, một năm, năm bảy tháng mới về chơi ở đây một vài bữa đó mà thôi.

Hai người nghe nói, như sét đánh vào đầu, tái cả mặt mày; hồi lâu Vi Văn mới nói nhỏ với Ngọc Lan rằng: Chúng ta chờ lão Đại về đây sẽ tính, bây giờ không nên tiết lộ cho bọn họ biết.

Ngọc Lan nói:
- Hay là cái tình cảnh tối hôm qua, anh làm sao không được kín đáo, cho nên hắn nghi, mà đem nàng tránh mặt đi chỗ khác.

Vi Văn cũng nói nhỏ lại rằng:
- Không, tôi quyết rằng hắn không biết, nhưng người chủ nhân đó thật là chính người lạ phương xa mới đến, em ở đây đã lâu, mà chưa từng thấy khi nào, cho nên hoặc giả nó đi đó cũng là sự ngẫu nhiên.
Hai người còn đương thầm thì nói nhỏ với nhau, thời lão Đại đi vào, thi lễ chào hai người, rồi đi lại đường tủ, kéo cái ngăn ra lấy thơ đưa cho Vi Văn mà nói rằng:Ông chủ đồn điền có đưa cái thơ cho tôi dâng ngài.

Vi Văn tiếp lấy thơ xé ra đọc, chỉ có hai hàng chữ, vắn tắt nói rằng: Số bạc 5$ này, tôi xin tạ ơn ngài, dám trông ngài nhận lấy, tôi rất cảm tạ, kỳ sau có dịp rảnh, tôi sẽ đến hầu ngài. Dưới ký tên là Lam Điền chủ nhân bái.

Vi Văn đưa thơ cho Ngọc Lan coi, rồi hai người buồn bực cùng nhau ra về, khi đi đường cứ bức tức không muốn về nhà, bèn đem nhau đến chỗ khoảng vắng để ngồi bàn bạc.

Vi Văn nói:
- Việc đâu tráo trở kỳ dị không chừng, ta gặp nàng, hay là chiêm bao mơ tưởng, người ta hay là ma quỉ, mà điên đảo, đảo điên, làm cho trí khôn mất hết, em ngồi đây mà hình như một đống xương khô, tinh thần rối loạn hết anh ạ, nói xong thì gục đầu bên gốc cây mà thở dài.

Ngọc Lan cũng chứa chan nỗi thảm mà nói rằng:
- Việc đã xoay ra vậy, dầu chúng ta phiền não cũng chẳng ích gì, chi bằng không gặp phương này lại tìm chước khác, cố công tìm sao cho ra manh mối mới nghe.

Vi Văn nói:
- Tôi bây giờ tư tưởng bối rối, chẳng còn nghĩ ngợi đặng điều gì, xin anh có diệu kế chi thì bảo giúp cho.

Ngọc Lan nói:
- Anh có thể kêu lão Đại đến đây được không?

Vi Văn nói:
- Đặng, tôi kêu thì nó đến ngay, vì tháng trước tôi có chữa thuốc cho vợ nó, mà tôi không lấy tiền.

Ngọc Lan nói:
- Thế thì hay lắm! Anh mau mau trở lại gọi lão Đại lại đây, may ra việc này có thành công, cũng phải nhờ sức hắn một phần.

Vi Văn đứng dậy ra đi, không bao lâu lão Đại cũng đến.
Ngọc Lan đưa mắt cho Vi Văn, Vi Văn hiểu ý, liền vỗ về lão Đại một cách tử tế, nói rằng:
- Chúng tôi muốn biết người chủ nhân hôm trước mà ở tại hiệu ngươi làm việc, để nhờ ông chủ ấy một điều, ngươi gắng giúp công thành sự, chúng ta xin hậu tạ.

Lão Đại nói:
- Thưa ngài muốn hỏi điều gì?

Vi Văn nói:
- Chủ nhân ấy tên họ là gì? Quê quán ở đâu? Sở đồn điền và có cần dùng người làm việc, ngươi nên giới thiệu cho người bạn của ta đây, phỏng có chỗ dùng công, quyết không quên ngươi đó.

Lão Đại nói:
- Người ấy quê quán tên tuổi tôi không được rõ, nhưng tôi xin hết lòng dò xem tin tức, sẽ bẩm lại với ngài.

Vi Văn nói:
- này 5$ của chủ nhân tặng cho ta, ta không muốn lãnh, song không biết trả lại cho ai, bây giờ ngươi làm ơn việc ấy, cái quà diên ngân ngươi phải thâu lấy cho bằng lòng ta.

Lão Đại nói:
- Không dám lãnh sự quá hậu như vậy.

Vi Văn nói:
- Nếu ngươi không nhận số bạc ấy, thì ta không dám nhờ cậy việc gì hết.

Lão Đại nói:
- Thưa ngài, nhà chúng tôi rất đội ơn ngài giúp đỡ cho khỏi tật bịnh, công đức chưa chút báo đền, nay ngài đã có việc cần dùng đến, tôi lẽ nào từ chối, nhưng tôi biết đặng chừng nào xin thưa chừng nấy, vả người ấy tôi cũng có biết được nhiều ít tung tích, hình như bí mật lắm, hành tung không định nơi nào, nghe như va cũng bức lo về việc nhà làm sao đó, đôi khi lại thương thuyết với chủ nhân tôi, định muốn đi xa, mà chủ nhân tôi có can đón không cho đi, cho nên chừng năm bảy bữa nữa, va cũng đến tại hiệu, giải quyết cái vấn đề ấy, còn người thiếu niên đồng hành với va, cũng tựa hồ có việc gì lôi thôi ở trong, thường không muốn cho kẻ đồng bạn biết; khi ăn uống cũng biệt đãi riêng ra một phòng, chẳng hề giao tiếp với ai.

Vi Văn nói:
- Lão Đại ơi! Hiện chúng ta có điều hồ nghi về việc đó, vì ta xem gã thiếu niên cử động đã giống người bản xứ, ngôn từ khác hẳn kẻ kiều cư, thế nào không biết tại làm sao, kết giao với ông chủ đồn điền rất là thân mật.
Ngọc Lan cũng nói tiếp đến, phải, con mắt anh thực tinh đời, phù hợp với ý tôi lắm. Nhưng thôi chuyện ấy hãy khoan, bàn bạc làm chi, chỉ nhờ lãoĐại phỏng vấn lần lần rồi đây cũng hiểu.

Lão Đại nói:
- Dạ, tôi xin làm cho hai người thỏa dạ tin cậy.

*******

Chương 10


Vi Văn cùng Ngọc Lan hết sức khen ngợi, hôm ấy không có việc gì, vài ngày sau mới nghe tin báo rằng: sở đồn điền ấy sắp vỡ, ông chủ tên là La Vinh hiện nay đã trốn về Vân Nam, nghe đâu vì người vợ cả ghen tuông làm sao, phóng hỏa đốt nhà, thôn dân liên lụy nhiều chỗ hắn sợ quan bắt, nên đã đào tị. Lại có tin rằng: nhà La Vinh nguyên có hai người thơ ký, nay bỗng thấy một người tự tử ở trong tư thất chàng, còn một người vắng tanh hình dạng, tìm mãi chưa ra.

Vi Văn được tin như thế vội vàng thương nghị với Ngọc Lan, hai người quyết kế đăng trình, trông tới tận chỗ thực tích mà dò xét. Ngựa vừa thắng yên, gót toan nhẹ bước, thốt nhiên trước thềm, một người bước vào, kêu to lên rằng:
- Nhà anh Vi Văn ở đây phải không?

Vi Văn và Ngọc Lan giật mình đều nói:
- Phải, phải.

Người ấy mình mặc áo vắn, chân đi không dép, tuy phục sức nam nhi, mà dáng dịu dàng ẻo lả, có phết thói con gái.
Ngọc Lan sáng tính, đoán ngay là nàng Thố Nhi còn Vi Văn đứng ngập ngừng muốn hỏi, thời người ấy xây mặt vào vách mà hỏi:
- Anh Vi Văn ôi! Có chỗ nào kín đáo cho tôi hỏi một câu chuyện rất cần.

Vi Văn khi ấy mới tỉnh ngộ, ôm đầu người ấy khóc mà nói rằng:
- Chao ôi! Em tôi đã về đây! Trời ôi! Mấy năm lưu lạc, mỗi người một phương, ai ngờ còn đặng có ngày đoàn viên. Hai anh em mừng mừng, tủi tủi, kể lể hàn huyên.

Bây giờ một mình chàng Ngọc Lan trông thấy tình cảnh lại động lòng muốn hỏi han, mà chưa dám hỏi, liền nghe Vi Văn giới thiệu mình cho em gái biết, mới bước tới chào nàng.

Thố Nhi đỏ hồng hai má, trông dáng hổ thẹn, lại nghe Vi Văn nói tiếp, vậy chớ nàng Tú Cầu ở đâu? Quí huynh đây là người quen biết với nàng đó em ạ.
Thố Nhi nghe hỏi, lụy tuông lã chã, nói không ra tiếng, hồi lâu thở dài nói rằng:
- Nàng là ân nhân của em, em mà được miệng cọp sống thừa, toàn nhờ cái trí thức của nàng, than ôi! Đến ngày hoan hội, kẻ mất người còn, trong cơn hoạn nạn thời chung vai thích cánh.

Nói đến đây hai chàng đều nhớn nhác đứng dậy hỏi:
- Vậy ra nàng Tú Cầu đã quyên trần rồi hay sao?

Thố Nhi khóc òa lên, không nói đặng câu gì nữa. Ngọc Lan cũng ngất người té ngã ra bên cái ghế, may sao Vi Văn lanh tay đỡ đặng, mới phò chàng nằm lên trên bức ván ngựa. Chập chờn cơn tỉnh cơn mê, hồn mai phưởng phất, bóng quế mơ màng, chợt thấy người thị giả đưa cái thiếp danh mời chàng.
Ngọc Lan xem tên đề “Phù dung thành chủ” kính bạch, thời ngần ngại không muốn đi, người thị giả thôi thúc năm bảy lần, chàng mới chịu rời gót; đường đi vọi vọi, hết núi lại sông, cầu dài sáu nhịp, cây mọc đôi hàng, đoạn lại lầu đài chồng chập, cửa rộng nhà cao, ngoài tường liễu nhủ thướt tha, tiếng chim gọi bạn như xa như gần.

Khi qua đến đó, người thị giả đứng ngừng lại, mà mời chàng vào, chàng Ngọc Lan bắt mặt trông lên biển đề trên cửa, thấy có ba chữ: “Hội Phương viên”, kinh ngạc nói thầm rằng: Chỗ này là chỗ nào? Mà cái tên lại giống như cái vườn nhà họ Kim khi trước, vả lại cái phong cảnh vừa qua mắt, cũng giống như cái phong cảnh chốn thần kinh, quái thật, ta đi đây là đi đâu? Từ ngày nàng Tú Cầu viễn biệt đến giờ, là mình không mấy khi lai vãng, sợ nữa thấy cảnh nhớ người, vũ kim truy tích, biết bao nhiêu tình thê thảm vì ai, nay cớ gì lại đưa ta vào đây, có khi... Ừ đi thì đi, chớ ngại làm sao. Chàng cứ thong thả bước theo người thị giả, lần lượt đến trước thềm bạch thạch một tòa cổ viện, sáo bỏ sát đất, ba gian thanh vắng nghiêm trang, hai bên có hai dãy hồi lang, lại có huyền các thứ quái điểu trông rất vui mắt, lại các thứ hoa, nở đầy bồn chậu, mùi hương thoang thoảng trận gió bay qua, ngào ngạt êm ái, một cái phong cảnh vật đáng nên thơ, mới biết quê môn cũng nhiều vận sự thật.

Chàng Ngọc Lan cứ đi đi, lại lại, ngó quanh ngó quẩn, nghĩ trước nghĩ sau; chợt trông lại sau lưng, bỗng vắng người thị giả, lấy làm lạ, chưa kịp hỏi han, thời trong rèm như có tiếng người chào thưa, tiếng rất trong trẻo, nói rằng: Tôi kính chào người, đã chẳng sai lời ước hẹn, hạ cố hàn gia, vậy xin cùng nhau cạn chén trà lam, cho thiếp bày lời tâm sự với nào.

Ngọc Lan chưa kịp trả lời, đã thấy người trong sáo bước ra, chính là nàng Tú Cầu vậy, giơ tay đẩy chàng vào nhà, miệng cười tủm tỉm, mặt ngọc vui tươi, mười phần xuân ước gầy một vài phân, mà cái sóng sắc của con người đa tình ở chân mày khóe mắt cũng còn chưa bao giờ phai lạt đi được.

Khi hai người cầm tay dài vắn thở than, bao nhiêu đoạn thảm tình thương, kể không xiết kể,Ngọc Lan nói: Ở đời có lúc tiến, có lúc thường, chấp kinh cũng phải có khi tòng quyền, nàng không nên lấy thế làm phiền, tưởng túc duyên chưa dứt, mới có ngày nay, dầu đem duyên cầm sắt mà đổi ra cầm kỳ, là lòng này cũng vẫn ao ước xưa nay như vậy.
Tú Cầu dàu dàu nét mặt không nói.

Ngọc Lan lại nói:
- Nàng nghi cho tôi phải không? Tôi xin thề cho nàng vững dạ.

Tú Cầu nói:
- Thưa chàng, không phải như thế,thiếp trộm nghĩ: Đã đem vào bật bố kinh, đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu, nay mạng bạc đã không được phục sự quân tử, phong trần lưu lạc lại làm điếm nhục gia phong, sống có danh dự mới mong sự sống, nếu danh dự đã mất, thì dầu người yêu ta bao nhiêu, mà lòng ta xấu hổ lại càng sâu thêm bấy nhiêu. Nghĩ nào còn mong tái hội nữa.

Ngọc Lan nói:
- Thế thì nàng chẳng phụ lòng tôi lắm sao? Vì nàng mà tôi trải trăm cay ngàn đắng, tóc xanh muốn bạc, lòng khổ hóa tro cũng nên, ví ngày nào cũng như ngày nào thế thôi, thà rằng: trước sau thì cũng một lần...

Tú Cầu không để cho chàng nói hết lời, vội vàng ngăn lại mà nói rằng:
- Hay cho người tình lang của tôi chưa? Xưa nay chúng ta yêu nhau một cách rất khác hẳn mọi kẻ tầm thường biết bao? Xin chàng nhớ lại, cái kết quả dở dang đây dầu thế nào, mà cũng vì cái sơ tâm của ta chính đáng, không dám để trái gia pháp, chết với tư tình, tư dục, chết một cách không phân minh, sợ tội với trời đất, mà không dám chết, đến bây giờ thiếp đành thân phận, chớ danh giá chàng sao? Há phải kẻ ăn xổi ở thì, mà không lo sự kiến công thọ nghiệp, lập thân nam tử, nỡ hư sinh nhất thế, tình si ai có khen gì Vĩ sinh.

Ngọc Lan cúi đầu thầm nghĩ mấy lời nhưng cũng không nguôi được tấm lòng luyến ái đối với nàng, bèn nói:
- Nàng Tú Cầu ơi! Tôi yêu nàng, tôi không muốn trái ý nàng chút nào, sao nàng lại nói bạc tệ, còn định bảo tôi đến đây làm gì.

Tú Cầu nói:
- Thưa chàng, thiếp rất cảm thịnh tình lang quân lắm! Không đợi phải cạn tiếng đinh ninh, mới là biết nhau. Tuy tình luyến ái đến cực điểm, mà vẫn đem về đường chính, để cho thiên hạ, si nam, oan nữ, ngõ hầu biết cái chí khuynh hướng của chúng ta, mà đổi cái tà tâm vọng niệm, không nên vì sự cẩu hiệp mà nên gia đạo được. Thiếp với chàng dầu có ái tình, song không phạm đến lễ nghĩa, vận mạng có ghen ghét, mà lương tâm thật không quở trách khi nào; nhưng từ ngộ biến đến giờ, tưởng cái lịch sử ấy, chàng còn chưa rõ, nhân đây kể qua mà nghe cho biết: số là trong chùa gặp lũ cướp bóc, nào phải là ai xa lạ, chính thằng bạc ác Lỗ Thâm, nguyên bọn ác thiếu khi trước, nó thường hay dòm giỏ của cải, những người thất cơ lỡ vận, đàn bà con gái, ai có nhan sắc, tìm mưu hãm hại, như thiếp là đã bao phen khổ sở vì hắn, kết cuộc hắn còn làm nghề bán thịt buôn người; Khi hai chị em tôi đã mắc vào lưới, thì quyết liều mình ba bốn thứ, song chúng giữ gìn rất cẩn mật, không tài nào thoát nổi. Một hôm Thố Nhi bị chúng treo lên hỏi tội, tôi sợ quá, phải lấy mình che chở cho nàng, xin thứ phạt, từ sau không dám trốn tránh, khinh sanh nữa, hắn đắc thế, mới ép gả tôi cho tên Ngô thương 1000 lượng bạc, Thố Nhi làm con nuôi, lấy giá 500. Lão La ấy là một người đắm sắc, còn người vợ thì hay ghen và dữ; lão sợ ở không yên, mới dọn hết gia sản trở về đất đồng bằng; chưa bao lâu, lại phải dời sang tỉnh khác, một năm đổi chỗ có năm bẩy lượt; còn chị em tôi thời phải hóa trang đổi phục, áo quần ra dạng nam nhi; khi trèo non lặn suối, vượt bể qua vời, không định nơi nào là nơi trú tức, ngày tháng dật dờ, lắm lúc cũng buồn cho thân phận, chua chát nỗi tình đời, đã không biết sống là vui, nhưng thương hại cho Thố Nhi, đầu xanh đã tội tình chi, mà phải đày đọa, nên tôi phải dần dà kiếm cách cho nàng thoát thân.

Hồi được tin Vi Văn tại lầu khách sạn, lại gặp dịp con đố phụ hành hung, phá tan cảnh điền gia trang, người trong nhà ấy đều phải tìm phương trốn tránh hết thảy, thiếp mới góp nhặt cho Thố Nhi một ít nữ trang, và đưa cho một phong thơ, dặn ra đến nẻo vắng sẽ mở đọc, còn thiếp thì... nói đến đó thì ngừng lại không nói nữa.

Ngọc Lan giật mình nói rằng:
- Còn nàng thì sao? Thế ra nàng không còn ở chốn nhân gian này nữa phải không?

Tú Cầu ủ mặt buồn thiu, gượng cười nói:
- Phải, nhưng mà không can gì, chàng đừng sợ, thiếp dốc lòng vì nghĩa, dẫu thác cũng vui lòng. Nay vời chàng đến đây, là muốn trao một mối chỉ hồng, cho hai họ đặng phỉ nguyền giai lão lấy vợ không nên chọn sắc đẹp, nết na mới là người hạnh phúc gia đình, Thố Nhi mẫn thiệp thông minh, chắc là giúp cho chàng một tay nội trướng rất vững. Đành đi, để cho thiếp đặng trả chút nghĩa chàng, đôi ta vĩnh biệt, trân trọng mấy lời.

Ngọc Lan cảm động, bèn khóc rống lên một tiếng rất to, chợt tỉnh giấc dậy, thì thấy bên mình ngồi quanh Vi Văn, Thố Nhi cùng hai đứa gia đinh đương thoa bóp tay chân, thuốc thang chực giữ, ai nấy thấy cơn hội tỉnh, mừng rỡ khôn xiết, kẻ gọi người thưa, đổ thang vâng thuốc, giờ lâu nghe khoẻ sức chàng mới ngồi dựa bên ghế, nhớ lại hồi trong mộng ảo, ngắm qua nàng Thố Nhi, thấy đã thay áo đổi xiêm, đoan trang một người con gái, tác trung trung không gầy không béo, tuy không sắc sảo như ai, (ai là chỉ Tú Cầu) song cũng có duyên đằm thắm, đoái coi lại Vi Văn, thời thấy ân cần lo lắng khuyên dỗ hết đều, mà phải nể lòng, đem tình sâu trả tình sâu, thôi thì lấp thảm dập sầu cho qua.

Khi ấy mới cùng nhau sắp đặt hành lý, đều trở về cố hương, muôn ngàn dặm thẳng lòng thêm bận, năm bảy năm dư luống để thương.

Dầu cho lý đổi thay đào. Càng âu duyên mới càng dào nghĩa xưa.

HẾT

LỜI BÀN CỦA TÁC GIẢ


Xét trong một đoạn lịch sử của nàng Kim Tú Cầu, thì không có điều gì lạ, để cho người xem đáng khen hay là đáng chê; Ban đầu thì con gái lớn lên gả chồng, kết cuộc chồng chết, gia sản bị lừa gạt, mà phải lưu lạc đất khách quê người, kịp đến gian nhân cướp bóc, đem bán cho người Hoa kiều, phải tay vợ cả nồng nàng, rồi tự tử; chuyện tầm thường như vậy, tưởng không nên ghi chép làm chi, song có một cái bi quan về phong tục về thời đại, có ảnh hưởng và quan hệ cho phụ nữ nước ta rất nhiều. Vì lấy cái tư cách nàng Tú Cầu, không phải là một đứa con gái lẳng lơ, mà cảnh ngộ tráo chắc, gặp sự ruổi ro cho đáng, thế thì tại ai xui khiến? Chớ như nghe lời cha mẹ là hiếu, cứu giúp bạn bè là nghĩa, sống thác phân minh, chẳng có hối hận đều gì, là chí khí; dẫu cho bậc trượng phu xử trí việc đời, há chẳng phải cũng ngần ấy mà thôi ư?

Giả sử phong tục thuần tuý, giáo dục chính đáng, đâu có những người làm cha mẹ hủ bại đi tin thuật số; trọng sự lợi danh, mà làm rối duyên con; Nếu mà thời đại thanh bình, pháp luật nghiêm minh, đâu có những sự trái phép, diễn ra giữa chốn tỉnh thành, gian cướp tứ tung, mà quan gia không tìm phương nã trị, để một người đàn bà con gái, con nhà trâm anh, vợ người chức tước, mà tiền của mất sạch thân thế phiêu lưu, không ai nhìn đến, có oan mà không chỗ kêu, bơ vơ sóng dập gió vùi, ở trong một cái hoàn cảnh hắc ắm, phần thì gia đình chôn lấp, phần thời xã hội vày vò. Sinh thân người con gái đàn bà hồi bấy giờ, chẳng còn có công lý, tự chủ gì hết thảy, đau đớn thay! Khốc hại thay? Những người làm cha mẹ há chẳng nên lấy đó mà làm gương hay sao?

Nhân nói đến đây, chợt nhớ lại những câu chuyện hôn thú mà cũng thuộc về cái thời đại lúc ấy, như nhà nào có con gái đẹp, mà các bậc quyền môn quí hộ đã dòm dỏ đến, thời dầu gả hầu như mười hai cũng phải gả, bất kể chỗ ấy là thiên đường hay là địa ngục, bất kể đứa con gái có ưng hay không, cha mẹ chỉ nhắm mắt gả liều, cốt là được giữ vững thân danh của mình, lây lất mà hưởng sự sung sướng cũng nên. Tuy không có ý hại con, mà thật là phạm một điều luật giết con vậy. Đê tiện tàn nhẫn không gì cho bằng. So với chuyện Kim Tú Cầu này cũng là một phái người như nhau. Phong tục suy đồi, nhân tình điên đảo chính do các gia đình trong xã hội tạo nhân ra cả. Bởi vậy nên phải kíp mau bỏ hết những cái tập quán xấu xa ấy đi, mới mong vãn hồi vận mạng, mà tạo thành phúc quả cho những nhân loại vị lai vậy.
Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.