Tác giả hc
Gởi: Fri Jun 11, 2004 6:17 pm
Chương 6
Vi Văn mới đến, độ đường đất đi cũng chưa xa, chàng liền phi ngựa đuổi theo, mãi đến chiều tối, cũng chưa tìm ra tung tích, đối ngọn rừng xanh, rơi hàng lệ trắng, mà phải lui bước, về đến nhà ngã ngất người ra, mê mẩn tâm thần, ba bốn ngày cơm cháo ăn không đặng, chàng tự vấn tâm, ăn năn không kịp, tình thâm cốt nhục, thảm thiết biết bao, thân hành đến cửa thượng ty minh oan cho em, nhưng đã trót tháng mà không ra mối, chàng tức giận đầy ruột, buông lời đê xúc, nhiều tiếng bất bình, lại phải quan trên quở trách một phen rất nặng.
Còn như việc nàng Tú Cầu khi trước, thời xét ra mới biết, không phải nhà họ Kim thiếu chi thế lực, mà đến nỗi một nàng con gái như vàng như ngọc; mà lại vợ một ông quan danh giá như kia, đến khi người của đều mất, há kẻ thân thuộc cam tâm bỏ qua đi hay sao, song vì không thể làm sao cho đặng. Người mình xưa nay đã không có cái tư cách trinh thám, việc lại ưng làm lấy rồi lần cho qua, chỉ lấy việc trước mắt mà nói, có người bảo rằng: Việc nàng Tú Cầu, là bởi nàng quá tin người, nên họ mới lừa cho, tuổi tác còn non, không cam phận ở góa, nên thâu tóm tiền của trốn đi, giả vu cho trộm cướp cũng có, một đồn thành hai, năm đồn thành mười; bởi vậy mà song thân nàng tin ngờ không nhất định, bối rối thương con, buồn rầu thành ra ốm nặng, kế thứ từ trần. Việc nhà họ Kim bây giờ đã thấy sa sút, vì hai người con trai là Kim Hậu và Kim Lộc, từ khi được hưởng cái di sản để lại, ăn chơi phá tán, không bao lâu mà cửa nhà tan nát, vườn ruộng sạch sanh, mỗi cậu còn lại một bệnh là bệnh phong lưu, ăn thuốc phiện, và nghiền rượu.
Trong khoảng vài ba năm, bần cùng vô sở y ỷ, phải tìm phương xa mà lánh mình; còn khi trước những nhà thân thuộc với nhà họ Kim, sang trọng như thế, mà nay mười nhà đã đến bảy tám nhà đạo bạc như thế cả. Chỉ có một người ngoại thích là chàng Ngọc Lan, thời hiện nay sang quí lạ thường, thi đỗ cử nhân, sung chức hàn lâm, vẻ vang mày mặt, vinh hiển mẹ cha.
Duyên vì cái lòng phẫn khích của chàng, mà gây nên cái sự nghiệp ngày nay.
Hồi ở Quảng Nghĩa, được cái tin đau đớn của nàng Tú Cầu phân trần với mình, thời nghĩ thầm phận mỏng cánh chuồn, không thể lấy tình nghĩa mà địch lại với kim tiền cho nổi, làm sao rồi cũng bị thế lực kim tiền lấn phần hơn; nên chi chàng không oán trách chi nàng; vì cha mẹ nàng ép uổng nàng mà sinh ra nông nỗi thế, nhưng xót lòng nóng ruột, chỉ muốn ra cho thấy mặt người yêu lần cuối cùng mà thôi, nhưng hiểm thay! Nửa đường lại gặp lễ thân nghinh, sự uyên bay thúy rẻ, chẳng đặng một lời, trách nào mà chàng chẳng khô héo từng lá gan, căm tức ông trời xanh kia, sao ở hậu bĩ, bạc thử chi lắm tá! Ở đời thế ra chỉ có hai chữ thế lợi là mạnh hơn hết, bà con không có thế lợi, thời không mặn nồng, tình duyên không có thế lợi, tình duyên không gắn bó, cho đến khi giao thiệp với ai, mà không có thế lực kim tiền, câu nói cũng tựa hồ vô vị kia nữa mà.
Ôi! Ta sinh ra đời, chưa được bao lâu mà đã trót vì hai chữ thế lợi làm hạn chế ta đến như vậy, nếu đã phải thù với thế lợi, tất lấy thế lợi trả thù mới xong.
Trong khoảng hai ba năm trời, lao thần tiêu tứ, có công dùi mài, đeo đuổi về đường tiến thủ, khi đã thành danh, thiếu chi kẻ đến cầu hôn, chàng thảy chối từ, sinh lòng ghét bỏ hết thảy mọi người đàn bà trong thế gian.
Năm ấy nhân quan Kinh lược ra Bắc Kỳ, chàng được tạm bổ tùy phái; đi đường bộ ra kinh qua tỉnh Nghệ An, thời ngài có lưu lại đó mấy hôm, thừa dịp rảnh rang, bèn rảo bước ra chơi phường phố, phong cảnh xứ Hoan Châu cũng là một nơi đô hội thị trường, đủ các hạng người, ngựa xe qua lại như thoi dệt, như tên bay, tối lại lộ đăng sáng choang, chẳng kém trăng trời, người du khách, nam thanh nữ tú, tụm ba, tụm năm, chen chúc dưới bóng liễu dương, hai bên vệ đường đi lại không dứt. Chàng Ngọc Lan đương thơ thẩn nhìn sau ngó trước, bỗng có người vỗ vào vai nói rằng:
-Anh lâu ngày còn nhớ tôi chăng? Ngọc Lan quay đầu lại, thì là một người bạn đồng song với mình thuở nhỏ, là chàng Vi Văn. Hai người bèn bắt tay nhau mừng rỡ.
Ngọc Lan hỏi:
- Hiền khế nghe như ở Thanh Hóa, nhân sao lại hạnh ngộ chốn này?
Vi Văn nói:
-Thưa anh, từ chia tay Nam Phố, gian quan luống những ngậm ngùi, riêng tưởng công đèn sách mấy thu dư, thì đường danh lợi cũng nên nếm mùi chua ngọt với người ta chớ, nào ngờ bể hoạn sóng to gió cả, bao phen gắng gổ tay chèo, nhưng không địch nổi cuồng đào nộ lãng, thôi thì đành phận phải cuốn dây từ đó, cuộc đua chen xin gác ngoài vòng, nay em đã mảng vui theo thú yên hà, mai làm bạn tác, hạc làm người quen, tệ xá cũng gần đây, xin nhân huynh chiếu cố. Ngọc Lan vâng lời theo bạn.
Nhà Vi Văn thanh tịnh u nhã, bài trí một cách đạm bạc vô cùng, gian giữa treo bốn bức cổ họa thủy mạc, trên giá sách đủ các thứ tạp chí, nhật báo đông tây; bên tả bích, huyền mấy cây đàn, nào nguyệt, nào tranh, nào tỳ, nào nhị, vài cặp ống: địch có, sáo có, tiêu có; bên hữu bích có cửa nguyệt động, trông ra vườn hoa, đồng bọc vài đứa pha nước châm đóm, trông cũng ra chiều phong lưu.
Ngọc Lan nói: Anh đã định bề gia thất chưa?
Vi Văn nói: Thưa chưa, vì việc nhà còn bận chút chưa xong, bèo mây tan hợp, sớm ở chiều đi, công việc không làm, buôn bán không có, thời còn cưới vợ về mà làm gì?
Ngọc Lan nói: Thế ra anh cũng không định ở đây lâu, vậy còn kinh doanh nhà cửa làm chi cho phiền.
Vi Văn nói: Thưa anh, em có học nghề làm thuốc bắc, nếu không có nhà thời không tiện chỗ cho quan khách đến chẩn mạch.
Ngọc Lan nói: Hay lắm! Sách có câu: “Bất vi lương tướng, tắc vi lương y”, anh thật là người có ích cho xã hội vậy.
Vi Văn nói: Nhân huynh khéo đặt chuyện ra lắm! Chớ tiểu đệ làm thế này, chẳng qua cũng sự tạm hành công đức, chưa đã thực chi mà quá dự, làm cho thêm phần hổ thẹn.
Ngọc Lan nói: Cớ sao vậy?
Vi Văn thổn thức hồi lâu rồi nói: Em có một sự bí mật đau khổ trong lòng; duyên vì có hai người con gái mắc quân gian tế cướp mất đã lâu ngày, tung tích vắng teo, nên đệ phải ẩn tích giang hồ, mà quyết dò xét cho ra, khi lâm hắc, lúc thị thành, mượn cái nghề làm thuốc, cho quen được nhiều người, mỗi khi đi lại để thám thính tin tức, khỏi ai nghi oan chi mình, việc ấy trừ nơi anh, thì em không dám giấu giếm chút nào, xin anh đừng tiết lộ cho ai biết.
Ngọc Lan nghe nói có hai người con gái mắc nạn, thời vội vàng hỏi tánh danh, để phòng khi có cơ hội do thám giúp cho bạn chăng.
Vi Văn kể ra đầu đuôi câu chuyện chưa xong, chợt thấy Ngọc Lan biến sắc, cử chỉ thất thố, tay chân run lẩy bẩy, đánh rơi cái chén nước trà xuống đất.
Vi Văn lấy làm lạ, bèn hỏi: Sao nhân huynh lại cảm động đến như thế?
Ngọc Lan chẳng chịu nói, gạn mãi, chỉ thấy than thở suốt giờ.
Vi Văn nói: Việc gì bí mật đến đâu, tôi đều không giấu anh, nay anh lại ngờ cho tôi là người không kín đáo, nỡ phụ tấm lòng của tôi lắm ru?!
Ngọc Lan toan mở miệng nói, nước mắt lại trào dầm dề, liền gạt đi mà gượng nói rằng: Hiền khế ơi! Nàng Tú Cầu là người bạn của tôi, là người yêu mến của tôi suốt đời đó, hiền khế ạ, tuy hai chúng tôi không được gặp gỡ nhau, cũng bởi song thân nàng tham tài vụng tính, chớ nàng thì chỉ quyết theo tôi, đinh ninh một dạ, nhưng tôi không muốn để cho nàng trái đạo làm con, nên lúc đó tôi có viết thư phúc lại cho nàng, khuyên nàng phải theo lời sở sinh sở định, bây giờ gương vỡ, bình tan, thật cha làm rối chuyện con, nhưng tôi cũng không phải là không có lỗi, vì bảy thước đường đường nam tử, lại không có can đảm, binh vực được một kẻ yếu đuối phụ nhân, đã trót yêu mình, mà không biết lo toan mưu kế giúp đỡ lẫn nhau, nỡ nào vùi lấp bể ái nguồn ân, làm như khách lộ bàng, thì còn ra gì; Ôi! Cái thân nàng khổ nhục đến thế là cùng, còn tôi, tôi quyết cứu nàng mới thôi. Nói xong vỗ tay vào bàn, khóc dào như mưa.
*******
Chương 7
Vi Văn sửng sốt như mộng mới tỉnh, rồi cũng thiết tha tỏ ra ý chia sầu cùng bạn. Hai người nói chuyện đương mặn nồng, bỗng nghe đồng hồ đánh mười một tiếng. Ngọc Lan đứng dậy cáo từ, Vi Văn đưa bạn ra đến cửa mới lui vào. Còn một mình chàng Ngọc Lan lủi thủi vừa đi vừa nghĩ, nghĩ đến nguồn cơn mà thẹn với trời xanh, tưởng nông nỗi mà giận cùng trăng bạc, tráo trác sinh chi chuyện quái, trước đã muốn dứt đi, nay hóa lại vương mang, là vương mang làm sao rứa hử? Hay thử sinh nó muốn chôn ta vào đám tình thiên hậu hải này mãi hay sao? Một đoạn tư tưởng còn phân vân, chưa giải quyết, thốt nhiên trước mắt ngang qua thấy một cỗ xe song mã hai người ngồi, đèn xe đương sáng choang, thình lình tắt hết một lần, người đánh xe phải bước xuống sửa đèn, trên xe hai người chủ cũng bước xuống đi dạo xem trăng.
Hôm đó chính vào độ rằm tháng tám, cho nên đêm càng khuya trăng lại càng tỏ; Ngọc Lan đầu kia đi lại, xáp mặt hai người nọ, tình cờ ngoảnh mặt nhìn lên, thấy một người tác đã trung niên, còn người thiếu niên trạng mạo tuấn tú lạ thường, và cái dáng điệu hơi quen quen, nhưng không nhớ ra là ai, hình như mình đã có gặp nhiều lần thì phải; chàng mới định thần chú mục người thiếu niên, người thiếu niên cũng như có ý hội; cặp mắt rất tinh thần, lóng la, lóng lánh, lại nghiễm nhiên như một người con gái, làm cho chàng hồn xiêu phách lạc, nửa ngờ nửa tin, thời xe đã đốt đèn, hai người chủ đều lên xe, đánh ngựa đi thẳng.
Ngọc Lan luống cuống kêu lên rằng! Đó chẳng phải là nàng Tú Cầu, thời là ai nữa? Chao ôi! Cái gì lạ vậy! Có phải là tôi ở trong ảo tưởng mộng mị, cớ sao cảnh tượng lại mê ly đến dường này. Chàng cúi đầu nghĩ thầm một mình lại nói rằng: Không, không phải mộng mị, đào say thắm đã in thú vị, liễu hờn xanh lại giống phong quang lắm nữa mà! Chà, chà dẫu người thiếu niên này mà là con gái, thời cũng không phải là nàng Tú Cầu, vì nàng Tú Cầu đã trải phong trần đày đọa, có đâu lại còn được tươi tốt như xưa, mà không phải nàng nữa, thời còn là ai? Ai mà được nhan sắc tuyệt vời như vậy, nếu quả là nàng, thì người đi theo đó, chẳng phải là đứa thù nghịch của nàng chăng? Sao ta chẳng bắt lấy mà hỏi, thật tiếc, tiếc làm sao là tiếc.
Đương câu nghĩ chưa xong, bên tai văng vẳng lại nghe có tiếng Vi Văn kêu: Có cái quạt ngà của anh quên lại nhà em, xin dừng bước mà lấy. Ngọc Lan giơ tay tiếp lấy cái quạt ngà; nguyên hồi nãy lật đật ra đi, nên bỏ rơi lại, bèn nói cám ơn anh, vậy chớ hiền khế còn có đi đâu nữa không? Chớ sá chi vật mọn, mà anh phải lật đật như vậy. À! Vừa rồi tôi thấy cái xe song mã đi qua, anh có gặp chăng? Ai ngồi trong xe thế?
Vi Văn nói: Phải, tôi cũng gặp, song không nhận biết là ai.
Ngọc Lan bèn thuật lại cho Vi Văn nghe, Vi Văn cười nói rằng: Thiên hạ người giống người cũng thường, lẽ nào lại có việc quái lạ như thế.
Ngọc Lan nói: Người này dẫu đàn ông, thì Liễu Trương Tự hình kia cũng khó ví, mà xem Xương Tôn mặt nọ cũng khôn bì, tôi quên đi anh ạ; có một điều là dễ nhận ra lắm, khi hoảng hốt lại bỏ qua đi mất, số là nàng Tú Cầu có một nốt ruồi son bên cạnh tai, thuở đồng niên chơi đùa với nhau, tôi cợt nàng, gọi là “nhất điểm hồng”, có ý ví nàng như hoa lang nhất điểm hồng vậy, nếu bây giờ gặp mặt, thử hô nhất điểm hồng xem người ấy có ứng không thời biết ngay.
Vi Văn nói: Trước mặt lại để lầm qua một việc rất đáng tiếc; thôi vậy hãy để vậy đã, anh về ngụ sở, tôi còn phải đến thăm người bệnh đã hẹn, cũng ở gần dẫy phố cửa đông đây.
******
Chương 8
Ngọc Lan cùng dắt tay nhau đủng đỉnh đi, lần hết ngõ hạnh, lại ngang qua vườn đào, trông đám cây cối im lặng, tờ mờ những ngọn đèn xuyên qua cửa mạch các dãy nhà gạch, thực vắng vẻ lạnh lùng, một đôi chỗ còn có tiếng học trò học, nhưng cũng đã nghê nga ra cảnh đêm khuya mỏi mệt, còn những tiếng gió thổi reo reo, dế ngâm thoãng thoãng, trong bụi tre già, thì càng thêm sầu uất nữa. Trên con đường cái quan, chỉ có hai người vừa đi vừa khảo chuyện đó mà thôi; đoạn lại rẽ ra ngã ba cửa đông mới, phố xá trùng điệp, lầu trà quán rượu bây giờ cũng vắng khách lại qua, phố dọc hàng ngang, đều thấy cửa gài then đóng.
Vi Văn nói với bạn rằng: Quá canh rồi, e em đến thăm nhà kia không tiện nữa, vậy anh có muốn em đưa anh về ngụ sở luôn thể, em xin theo hầu. Ngọc Lan nói: Vâng, hiền khế sẵn lòng tôi cám ơn lắm; Vi Văn lại dắt tay Ngọc Lan rẽ qua con đường vào thành, đi chưa mấy lúc, chợt thấy một cỗ xe ngựa để sẵn bên vệ đường, nhà ấy cửa mở, đèn thắp sáng choang, người nói xôn xao, hình như yến tiệc gì vậy. Khi hai người đi ngang qua trước cửa, thời Ngọc Lan chú ý nhận kỹ, thấy có bốn người ngồi ăn uống vừa xong, đày tớ đương dọn dẹp, đoạn Ngọc Lan nhìn cỗ xe, thì ra cỗ xe mình mới gặp ở chặng đường khi nãy, bèn bấm tay Vi Văn mà nói thầm, anh có biết cái phố này của ai không?
Vi Văn nói:Đó là một hiệu buôn của người Trung Hoa.
Ngọc Lan nói: Cỗ xe để bên đường, chính là cỗ xe em mới gặp mà nói với anh đó, chúng ta nên đứng lại đây, chờ xem động tĩnh ra thế nào anh hè!
Vi Văn nghĩ trong bụng rằng: ta đã nóng về công chuyện ấy, coi ra anh này lại gấp bằng ba, chốc lại thấy Ngọc Lan bấm Vi Văn mà nói rằng: Ấy! Ấy quả nhiên tề, gã thiếu niên, gã thiếu niên!
Vi Văn chăm nhìn vào trong nhà, chỉ thấy có bốn người đều trạc lớn tuổi hết thảy, có ai là gã thiếu niên đâu, vừa toan muốn hỏi, thì Ngọc Lan lại nói:
- Ôi! Coi như gã ốm thì phải, mặt mũi dàu dàu ra thế này.
Vi Văn hãi hùng nói:
- Quái lạ! Hay anh này mơ ngủ chăng? Chớ nào có gã thiếu niên đâu.
Ngọc Lan nói:
-Gã đau đớn lắm! Tội nghiệp chưa.
Ngọc Lan lại kề miệng vào tai Vi Văn nói:
- Kìa! Kìa! (tay chỉ vào nhà).
Vi Văn quay đầu chăm mặt Ngọc Lan xem có phải chàng phát cuồng lòa mắt đi chăng;
Ngọc Lan nói:
- Vậy thì anh quáng thật, không trông xa được hay sao? Kìa trông bức cửa kính trên gác, có phải gã thiếu niên đó không?
Vi Văn mới ngẩng đầu trông lên thì dưới ngọn đèn sáng choang, quả có một người thiếu niên xinh đẹp làm sao, đương nằm trên một cái ghế phô tơi ở trên nhà gác trông ra ngoài đường, song dáng người có vẻ buồn rầu, chốc chốc lại nhăn mày, nước mắt như còn ướm đượm chảy quanh tròng, thời kêu lên một tiếng, phải rồi! Ôi! Phải rồi! May! May! Đó rồi chớ còn ai.
Tiếng nói vừa dứt, bỗng có một người xồng xộc trong cửa chạy ra, lại tiếp nghe có tiếng người trong nhà kêu trở lại;
- Lão Đại, chủ nhân còn dặn người phải lấy thuốc nữa. Nghe!
Khi ấy thời thấy mọi người trong nhà xôn xao, kẻ bước lên thang gác, kẻ sắp sửa dọn bàn ăn.
Người tên là lão Đại băn khoăn chạy vào rồi lại chạy trở ra, miệng lẩm bẩm nói thầm rằng: Bây giờ thầy bà ở đâu, mà biểu mời biểu rước, rộn tinh rộn tang, thực bực mình quá sức!
Vi Văn nghe lọt mừng rỡ khôn xiết, nói nhỏ với Ngọc Lan rằng: Cơ hội khả thừa rồi, bèn gọi lão Đại lại mà hỏi rằng:
- Có phải chủ nhân khiến người tìmthầy thuốc chăng? Ở quí hiệu có ai cảm mạo?
Lão Đại thấy Vi Văn, thời nhận ngay là ông thầy thuốc, mừng mà nói rằng: Thế ra tiên sinh ở đây, châu ôi! May cho tôi quá! Số là người bạn với chủ nhân ở phương xa lại chơi, ngẫu cảm phong sương, cũng không lấy gì làm nặng, nhưng không có thuốc chữa gấp, đặng đi bây giờ.
Vi Văn nói:
- Được, tôi xin giúp cho, liền bảo lão Đại vào thông tin trước, để chủ nhân có triệu tôi sẽ ứng hầu.
Lão Đại bước vào trong phòng, giây phút liền trở ra đưa hai người vào, thời thấy người chủ mặt mũi vậm vạp, trạc độ bốn mươi bước ra tiếp khách, trà nước tiếp đãi xong, thời để Ngọc Lan ngồi lại gian giữa mà chơi, còn chủ nhân tự một mình đưa Vi Văn lên gác thăm bệnh, chủ nhân vừa đi vừa nói: Người bạn tôi bẩm chất bạc nhược, không khác gì đàn bà con gái mấy chút, y là con một nhà giàu có sinh bình không từng đi chơi đâu xa, nay nhân theo tôi du lịch các tỉnh, vừa mệt nhọc lại trở nước, vậy nên sốt lắm, nhiệt độ lên đến bốn mươi, nhờ tiên sinh châm chước chữa cho mau khỏi, tôi xin hậu tạ.
Vi Văn nói:
- Vâng, vâng.
Trong lòng lấy làm nghi hoặc, nhưng vẫn làm bộ trấn tĩnh; kịp đến tầng gác trên, chủ nhân vặn khóa cửa bước vào, thời có một người nữ tỳ cầm cây đèn sáp đưa đường, hai người dắt tay đi quanh cạnh phòng, chợt thấy bên cạnh phòng kia có một cái giường treo bức trướng bố vi trắng, ngoài có mấy cái ghế bành ngồi, người thiếu niên đương nằm trên cái ghế phô tơi, sắc mặt xanh nhợt, mắt nhắm thiu thiu ngủ.
Chủ nhân se sẽ đi đến bên cạnh, giơ tay vuốt ve một hồi, đánh tỉnh giấc dậy, xem dáng chủ nhân trân trọng người thiếu niên một cách lạ thường.
Vi Văn lòng càng thêm nghi nữa, khi chàng thiếu niên mơ màng mới tỉnh, thì nghe hỏi rằng:
-Làm cái gì thế! Khó chịu trong mình lắm, thôi, La Vinh, đi ra đi.
Chủ nhân cười mơn nói rằng:
- Không hề chi, công tử cứ yên tâm, tôi đã cho mời tiên sinh đến điều trị đây, trong một vài hôm thì khỏi bệnh.
Thiếu niên nghe nói bèn mở bừng mắt nhìn lên, rồi ríu ríu nhắm lại.
Chủ nhân lấy tay vẫy Vi Văn ra một bên, bảo xem mạch thử ra làm sao, lại dặn nhỏ bảo đừng cho bệnh nhân biết, và đừng nói chuyện gì, đừng hỏi han gì.
Vi Văn gật đầu, y như phép chẩn mạch, lại quan sát hình sắc một hồi, rồi liền ghé qua bên kia mà đứng, chủ nhân rón rén lại hỏi nhỏ, Vi Văn gật đầu tỏ ra ý có cách chữa được.
Chủ nhân hỏi:
- Bây giờ định khai phái, hay là lấy thuốc tại nhà tiên sinh?
Vi Văn nói:
- Có thuốc linh đơn rất hay, bây giờ cần nước nóng lập tức, uống xong trùm chăn kín sẽ bớt.
Chủ nhân bảo đứa thị tỳ đi đun nước nóng, và dọn giường nằm, còn tự mình cũng băng xăng sửa cái này cái khác, mở cửa phòng bên cạnh đi vào, còn Vi Văn một mình ngồi trên ghế bành, bắt mặt trông qua chàng thiếu niên, một lát lại thấy chàng rên rỉ, chốc lại trở mình; trong lòng Vi Văn hồi ấy mừng sợ bối rối, nghĩ người này còn đương tỉnh, muốn dò thử câu chuyện, bèn mượn chữ vô tình mà nói; dầu ai nghe cũng chẳng can gì; Vi Văn chú mục vào chàng mà nói rằng: “Nhất điểm hồng”, “Nhất điểm hồng”! Kìa! Kìa! “Nhất điểm hồng”!
Chàng thiếu niên thất kinh, hoảng hốt ngồi phắt dậy, trong phòng chủ nhân lại bước ra, chủ nhân thấy thiếu niên đã tỉnh, mừng lắm! Vội vàng bước tới đỡ chàng thiếu niên vào giường nằm, nói rằng: Hãy khoan dậy, để uống thuốc đã.
Thiếu niên không nói gì, cứ nằm yên, bây giờ đôi mắt trừng trừng không chớp, mồ hôi toát ra như mưa, thần sắc sớn sác, như ngây như dại, làm cho chủ nhân cũng phát hoảng theo, trông Vi Văn mà hỏi rằng: Sao công tử sửng sốt như thế, có điều gì nhờ tiên sinh bảo cho.
Vi Văn nói:
- Thưa không, xin ngài phải gấp gấp cho nước nóng mau thì tốt hơn.
Chủ nhân nói:
- Được, được, tôi xin đi ngay bây giờ.
Vi Văn nghe tiếng giày đi đã xa, bèn se sẽ tới gần chàng thiếu niên mà hỏi rằng: “Nhứt điểm hồng” Than ôi! “Nhứt điểm hồng”.
Chàng thiếu niên bỗng trào nước mắt lai láng, tay chân run cầm cập.
Vi Văn càng tin là thật, mừng quá, nhưng sợ chủ nhân thấy tình cảnh thế sinh nghi, bèn hỏi nhỏ rằng: Thưa nàng, sự tình đau đớn, trót mấy năm thừa, bây giờ một lời kể sao cho xiết, Vi Văn tôi dám hỏi lai lịch Thố Nhi ra làm sao? Xin quí nương bảo giúp.
Thiếu niên lau nước mắt mà nói rằng: Ngài vẫn mạnh giỏi, tôi vì người em ngài mà nhục nhã không biết bao cơ, nay đoạn trường sẽ rút tên ra, có chăng là cũng nhân cơ hội này. Nhà ngài có gần đây không? Hiện tại Ngọc Lan cũng có ở đây nữa phải không?
Vi Văn nói:
- Thưa phải, câu chuyện mới đáp được một tiếng, thời nghe dấu giày đã giậm sạt sạt ở từ cầu thang dưới bước lên, hai người khoác tay nhau bảo im lặng.
Vi Văn lại cứ ngồi như chỗ khi trước.
Chủ nhân cùng đứa thị tỳ xách nước đi vào phòng, Vi Văn trách sao chậm chạp như thế, làm bộ vội vã mở túi lấy thuốc, hòa nước, băng xăng vừa nghiền vừa tán, rồi đưa chủ nhân bưng đến cho thiếu niên uống. Vi Văn nói: Phải nên để công tử tĩnh dưỡng vài ba hôm, đừng cho ra gió, và người thăm viếng vãng lai cũng nên cấm chỉ đi, thời nhiên hậu bệnh mới giảm.
Chủ nhân cảm tạ, đưa Vi Văn xuống gác, hẹn tối mai đúng chín giờ sẽ lại đây, và có cho thuốc gì cũng xin bảo trước, kẻo tôi còn bận nhiều việc, ban ngày không có ở nhà.