Những cảm nhận khi đọc
Sang mùa của Ngọc Tuyết
Tác giả: Phạm Nguyên Nhung
Viết những dòng này gửi thi nhân vào một đêm cuối thu trời trở gió. Heo mây se lạnh xạc xào khua lá rụng vườn khuya. Một ngọn đèn thao thức dưới mái tranh nghèo cuối ngõ sâu, một tập thơ Sang mùa trang nhã trên bàn với một niềm tiếc nuối sâu xa trong lòng của một độc giả quý trọng thơ Ngọc Tuyết. Tôi đang cố hình dung lại buổi giao lưu giữa các bạn thơ Xuân Hòa với các bạn thơ thành phố Hồ Chí Minh hôm ấy. Gạn lọc ra từ những sắc màu rực rỡ, những âm thanh rộn rã, những gương mặt hân hoan : hình ảnh Một Người.
Tôi vẫn bấy lâu khao khát tìm được một người bạn mà mình mến phục tài thơ, quý trọng tấm lòng, song tiếc rằng: Quân tử tri âm đã không mà hồng nhan tri kỷ lại càng chẳng có! Là một độc giả yêu thơ nên rất quý trọng các nhà thơ nhưng phải là Nhà Thơ đích thực.
Ít ngày sau khi các anh chị rời Xuân Hòa, tôi có đến thăm các bạn thơ có mặt trong buổi giao lưu để hỏi về những trang thơ song người thì chưa đọc, người mới đọc lướt vài bài, người đã tặng lại cho người khác như một món đồ trang sức! Những bạn thơ, yêu thơ là như vậy!!! Cũng chẳng đáng trách nhưng thật đáng buồn! Tôi tuyệt nhiên không có ý phê phán ai vì mỗi người yêu thơ và đến với thơ bằng những tình cảm khác nhau, bằng những con đường không giống nhau theo cách riêng và cũng còn tuỳ thuộc ở trình độ và tấm lòng. Có lẽ tôi là một kẻ cầu toàn và chính vì vậy tôi đã để mất một dịp may muôn một vuột qua không sao níu giữ được nữa! Bởi không muốn thêm một người chen chúc ào đến để chào hỏi để xiết chặt đôi tay, nồng nàn ánh mắt, để vồn vã làm quen, để nghe và nói vội vàng một đôi điều xã giao với bạn, để cuối cùng tất cả chỉ như một làn gió thoảng, một giọt nắng xế chiều. Không một dòng địa chỉ để gửi gắm, không một nét thân thương để nhớ, để mong. Tôi lặng lẽ ra về trong cảm giác lạc lõng và cô độc.
Nhưng thôi!
Đó là chuyện đời!
Xin quay về với tập thơ Sang mùa.
Tôi bàng hoàng khi đọc bài Sang mùa.
- Nắng vô tình đốt vàng khô mái tóc: Một câu thơ bình thường, một hiện tượng thời tiết bình thường tác động đến con người. Có chăng gợi lên một chút cảm thông của người đọc về một ai đó vất vả giữa đường trần chang chang nắng lửa.
- Gió vô tình nhiễu động một bờ môi: Vẫn chưa có gì đặc biệt ngoài hình ảnh một đôi môi se lại bởi gió hanh hao khi khuya sớm đi về. Tuy vậy người đọc đã chớm dự cảm về một tâm tư không yên ả khi tác giả dùng hai từ nhiễu động rất nhiều gợi mở tuy đã ẩn hiện báo trước nỗi buồn.
- Mưa vô tình xối hạt buồn lên mắt: Câu thơ đã dạt dào ưu tư nội tâm. Từ xối đã gieo vào lòng người đọc một niềm thương cảm về hình ảnh một người thiếu phụ nghiêng nghiêng trong mưa gió cuộc đời. Dù mưa tầm tã hay mưa nhẹ lất phất thì cũng xối lên đôi mắt đẹp dường kia, gương mặt thanh tú ấy xối xả nỗi buồn đau. Mỗi hạt mưa là một hạt buồn và người đọc như nhìn thấy, cảm thấy trong dòng nước mưa có hòa cả nước mắt. Lúc này không chỉ có gió nhiễu động bờ môi mà cả mưa cũng thấm vào đôi môi vị nhàn nhạt đầy xa xót.
Ba câu thơ dung dị đã đủ sức để người đọc cảm thương với hình ảnh một người con gái, một thiếu phụ bươn chải đang đi ngược chiều giông gió giữa đời.
- Ai vô tình nội trú góc hồn tôi! Tôi sững sờ đưa vội bàn tay ấp lấy con tim, đang xa xót thổn thức.
Bài thơ được tác giả viết tài tình quá!
Phải là một thi nhân tài thơ uyên bác mới viết được một bài thơ tình hay đến vậy. Phải là một tình yêu tuyệt vời mới viết được sâu sắc, lắng đọng và yêu thương đến vậy. Hai từ “nội trú” đủ thay thế cho hàng chục từ khác ở ý nghĩa diễn đạt cho một tình câm. Dắt dẫn độc giả từ những hình ảnh tưởng chừng rất đơn sơ đến với góc sâu kín nhất của lòng mình chỉ bằng câu kết. Các câu 1,2,3 là những nấc thang dẫn đến đỉnh điểm của tình cảm: ai oán, xót xa, thương yêu và nuối tiếc, là từng cung bậc bổng trầm dìu dặt rồi bất chợt ngân lên thăm thẳm cao vút tiếng tơ yêu.
Sự hoà quyện của bốn câu thơ là một chỉnh thể hoàn bích. Anh là nắng đốt vàng khô mái tóc tôi, là gió nhiễu động bờ môi tôi, là mưa xối hạt buồn lên mắt tôi, là niềm vui, là nỗi buồn, là đau đớn ngọt ngào là yêu thương và cay đắng. Suốt đêm ngày anh nội trú trong góc thẳm hồn tôi. Thương không đặng, nhớ thôi đừng, trong cánh rừng chiêm bao thảng thốt. Yêu anh biết dường nào sao anh nỡ vô tình đến thế! Một tiếng yêu ngọt ngào và ai oán không nói thành lời nhưng bóng hình anh luôn hiện hữu, một giọt buồn lặng lẽ rơi thấm vào đôi môi mọng khát thèm run rẩy gọi tên nhau !
Hồn tôi như chiếc lá mỏng manh rung lên trước làn gió tràn đầy thanh sắc, hương vị của dòng thơ dào dạt yêu thương, quặn đau nhung nhớ lúc dịu dàng ve vuốt khi ào ạt dữ dội, tôi bị cuốn vào vòng xoáy mãnh liệt của; Dấu hỏi, Vỗ về, Đêm tìm lại bóng ngày, Sảy thời gian, Gom nhặt, Ngược gió, Tự nhiên, Tầng ký ức, Lạc, Vũ điệu, Thương không đặng nhớ thôi đừng, Góc khuất, Tự họa, Em đong … Những tứ thơ thật lạ khiến người đọc bất ngờ, ngôn từ trau chuốt và tinh tế, giàu hình ảnh và âm điệu vừa thanh thoát tao nhã vừa góc cạnh sắc sảo. Thi trung hữu họa, thi trung hữu nhạc là vậy !
Nghẹn ngào đọc nhiều lần “ Sáng mai là tết” với niềm giao cảm đắng lòng! Hình ảnh một thiếu phụ ưu tư trong đêm trừ tịch, ngoài kia phố phường rộn rã đèn hoa, lung linh âm thanh và ánh sáng. cả đất trời đang giao hoà trong hương xuân ngan ngát hương trầm, còn ta đơn côi thấy bóng mình đang lẻ loi rơi vào vùng miên man hoài niệm, không cùng ai chia sẻ. Ta khao khát biết dường nào được hòa vào dòng sông rạo rực niềm vui của cuộc sống đang sôi sục ấy, ta khao khát được dốc cạn ly rượu đời hoan lạc ngất ngây vậy mà ta vẫn chỉ phải âm thầm phơi ngược chiều gió thổi, thổn thức với bao điều khôn dại đã qua và sẽ đến của kiếp người! Phía chân trời, trên quãng đường còn lại vẫn thấp thoáng tiềm ẩn bão giông, ta vẫn phải bước tiếp, phải bươn chải song ta chỉ có một mong mỏi mưa gió ngừng ngôi nhà nhỏ sẽ bình yên.
Một nỗi niềm giao cảm với thi nhân, giống như người soi gương để tìm, tìm lại trong ký ức bóng dáng lạc lầm đã đi qua, hình bóng ngọt ngào đã nhạt nhoà của quá khứ. Có chăng chỉ còn lại trên gương mặt vết rạn của loài chim di trú để lại đấu chân trên những luống cày do thời gian đào xới.
Với tôi, đã, đang và sẽ là những đêm giao thừa như thế dẫu ngày mai, hay sáng mai là tết.
Hầu hết những bài thơ các thể loại trong tập Sang mùa là những bài thơ hay, mỗi bài hay mỗi vẻ khác nhau bởi tứ thơ và ngôn từ không hề trùng lặp. Nhưng gấp tập thơ lại cảm giác chung của độc giả là: Một tập thơ buồn!
Nỗi buồn dằn dặc đầy ưu tư hoài niệm về những điều tốt đẹp đã qua đi nhưng không nhạt nhoà theo thời gian mà đọng lại trong sâu thẳm tâm hồn để bất cứ một lúc nào đó dù ngày hay đêm, trước một khung cảnh thiên nhiên nào đó: Chiều vắng nắng chiều…, đồi quỳ nở vội, sợi khói quê nhà, đều bật lên cung bổng cung trầm cây đàn muôn điệu. Nỗi buồn xiết bao thân thuộc với độc giả mà điều đáng quý là thi nhân đã nói với độc giả, nói hộ cho độc giả như nói với mình. Không phải tài thơ nào cũng được người đọc ngưỡng mộ và quý mến như vậy, đánh giá cao như vậy.
Tôi đặc biết xúc động khi đọc những bài thơ lục bát của Ngọc Tuyết. Mượt mà, uyển chuyển, duyên dáng và bay bổng là những đặc điểm của lục bát nhưng vượt lên trên những nét thông thường đó rất khó, thơ Ngọc Tuyết có một nét riêng, một điệu riêng, một cách thể hiện rất riêng khiến người đọc mến phục và suy ngẫm: Đó là nghệ thuật sử dụng ngôn từ.
Là thể thơ bắt nguồn từ âm hưởng ca dao, gần gũi với người dân Việt nên ai cũng có thể làm thơ lục bát từ người bình dân thôn dã đến trí thức học giả song thực sự thơ lục bát hay không có nhiều! Luôn tồn tại hai khả năng trong thể loại thơ này : Hoặc là thật hay hoặc là thật dở!
Hồn thơ lồng lộng, tình thơ tha thiết, kiến thức uyên bác, ngôn từ chắc lọc tinh tế thì lục bát là Kiều ngược lại sẽ là những câu có vần, nội dung sơ lược nghèo nàn, lời thơ mòn rỗng, tứ thơ nhàn nhạt chung chung như những bài vè trên báo tường hoặc đọc lên vào những dịp hiếu hỷ nào đó, không gợi lên cho độc giả hoặc thính giả mảy may xúc động. Tôi nghĩ: tuỳ thuộc vào trình độ kiến thức của người làm thơ, đặc biệt là khả năng cảm thụ và diễn đạt.
Không phải là người bình thơ, với nhận thức hạn hẹp của một độc giả, tôi thực sự mến phục khả năng sử dụng ngôn từ trong thơ lục bát vừa súc tích vừa cao sang của Ngọc Tuyết.
Lá vàng cuốn lối chiêm bao
Dìu nhau trả nợ ngọt ngào - cho nhau
Trước mắt độc giả hiện lên một bức tranh trữ tình đầy màu sắc thi vị: Một lối mòn nho nhỏ trong rừng thu xạc xào, lá vàng rải trên lối đi như tấm niệm vàng mềm mại, một đôi tình nhân tay trong tay, vai kề vai, dìu nhau ngây ngất hương tình đến căn lều chiêm bao bấy lâu mơ ước, trao và nhận hết mình cho món nợ ngọt ngào âm ỉ nuôi nấng tự khi nào. Chỉ hai câu lục bát thôi mà đã gợi cho người đọc biết bao tưởng tượng để rồi:
Mây chiều ôm núi ngủ vùi
Rùng mình trời đất bật nôi thiên đường.
Còn có gì trọn vẹn hơn, say đắm hơn, khi cả đất trời cùng họ đã rùng mình - cực điểm hoan lạc - khiến cánh cửa thiên đường bật mở phút giây này. Thiên đường, căn lều chiêm bao trong rừng thu lá vàng êm rơi như hơi thở, nhưng niềm vui ngắn ngủi, hạnh phúc thoảng qua như giọt nắng xế chiều, chỉ còn lại:
Lắng nghe câu lục gọi chiều
Tình về ở trọ dưới lều chiêm bao
Lắng nghe câu bát khát khao
Tình tôi cút bắt lạc nhau mất rồi!
Thế đấy! Rừng thu đã khép, cánh cửa thiên đường đã khép bởi tình cũng chỉ trọ lại dưới lều chiêm bao rồi lại như làn gió bay ngang như trò chơi cút bắt kiếm tìm, cứ: Tự nhiên tình bước qua đời … tự nhiên.
Cũng biết rằng:
Biết rằng nắng nhạt sau chiều
Bốn mùa chống chếnh quá nhiều nghĩ suy
Xin trời nghiền nhỏ chia ly
Không gian xích lại từng ly … muộn màng.
Cố níu kéo dẫu chỉ một lần xin trời nghiền nát sự chia ly cho không gian xích lại dù chỉ một ly dầu rằng vẫn biết muộn màng! Đêm đêm bàng hoàng tỉnh giấc trong giấc mơ ngot ngào thuở ấy nhưng ngay giấc mơ cũng:
Giấc mơ mài bén lưỡi dao
Rạch qua lồng ngực bật trào giọt đêm.
Đêm không yên bình, vỡ tan như những mảnh băng ,như những giọt buốt giá siết lấy con tim hiu hắt:
Trăng về phía ấy trăng rằm
Em về phía ấy nếp hằn thêm sâu.
Nhìn trời xanh tốt thiên nhiên trong cõi bao la hương sắc chỉ riêng ta:
Cõi trời cõi đất cùng xanh
Cõi em ngọn sóng bồng bềnh trầm luân.
Trong bể trầm luân của kiếp người, còn lại với ta chỉ là:
Đêm qua nhặt những giấc mơ
Sáng nay dầm dãi vần thơ nỗi đời
Thôi thì:
Vay nghìn kỷ niệm thương yêu
Mượn trăm thương nhớ để liều với thơ.
Qua một số bài thơ lục bát trong Sang mùa, thi sĩ đã khắc họa trọn vẹn chân dung một cuộc tình với niềm vui và nỗi buồn đều lớn lao và sâu sắc đấn vậy.
Cũng chỉ có một tình yêu đẹp đến thế khi mất đi mới đớn đau đến thế và mới sản sinh ra những vần thơ hay lạ lùng đến vậy! Không than vãn, không quằn quại, không giằng xé, chỉ sử dụng những hình ảnh tưởng chừng như gián tiếp mà làm rỉ máu con tim người đọc. Giấc mơ mài bén lưỡi dao. Chao ôi! Tài thơ kỳ diệu đến mộng mị bàng hoàng! Một thi sĩ đa cảm, đa tài trách chi ông xanh không đa đoan cho được.
Trong làng thơ Việt Nam, những người làm thơ lục bát hay không có nhiều, tôi không hề có ý định so sánh tài thơ của Ngọc Tuyết với Nguyễn Duy, Đồng Đức Bổn hay những thi sĩ khác, mỗi người có một vẻ riêng , song thực tình Ngọc Tuyết là thi nhân đích thực để những độc giả tâm huyết và am hiểu phải mến phục.
Trong thi đàn thường lưu truyền câu:
Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán
Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường.
Văn tài như Nguyễn Siêu, Cao Bá Quát thì dẫuvăn thời Tiền Hán hay như vậy cũng thua. Thơ hay như Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương thì ngay đến cả đỉnh cao thi ca thời thịnh Đường cũng kém.
Số lượng những bài thơ Đường trong tập Sang mùa không nhiều nhưng lại mang những nét đặc biệt: Sâu sắc về nội dung, nhiều phẩm chất đẹp về hình thức.
Tôi rất tâm đắc với bài “Ngược gió” chứa chan nỗi niềm tâm sự. Mong nhớ chợt ào đến khiến ta muốn hỏi rằng ai đó có khoẻ không nhưng rồi lại ngần ngại bởi có một nỗi xót xa đắng, đốt trong lòng. Sự trống vắng thiếu hụt khiến mây buồn trắng vì mây vắng gió. Mây gió vốn khắng khít, gió đưa mây trôi bềnh bồng đến khoảng trời vô định hư ảo nhưng vắng đi người tri âm (gió ấy) ta chỉ còn là một đám cô vân! Người đọc chợt thấy trước mắt mình một màu nắng khó bật lên sắc hồng ấm áp và còn đâu nữa những yêu thương kỷ niệm trên con phố cũ hẹn hò, có còn chăng nhớ nhung để ấp ủ tháng ngày khắc khoải mỏi mong. Tình lỡ rồi dù ta vẫn nâng niu mà người thì quên nhặt, ta lững thững một mình đi ngược gió, đông giá lại tràn về!
Nghệ thuật câu chữ thật tuyệt vời, chỉ một từ “đan” đã thể hiện tài năng thi sĩ. Bốn câu thực, luận sắc sảo đối ý, đối lời chặt chẽ hơn nữa rất tài hoa khi sử dụng điệp ngữ, điệp từ: hai từ “mây”, hai từ “nắng” trong một câu hoàn chỉnh. Sẽ là rất khó cho bạn thơ muốn họa.
Đêm khuya trời càng lạnh, cái lạnh từ mười năm trở lại đây mới xuất hiện trên miền Bắc khiến những người sinh ra và trưởng thành tưởng như đã quen với mùa đông ẩm ướt nơi đây cũng khó chịu đựng. Tôi mê mải viết những dòng này gửi một thi sĩ đang ở miền ấm nắng xa xôi phía Namvới tình cảm trong sáng và chân tình của một độc giả mà không phải e ngại về cảm nhận của mình với tập Sang mùa có làm Ngọc Tuyết vui lòng hay không? Tôi chỉ nói đúng những điều mình suy nghĩ, có thể đúng, có thể sai, có thể sơ lược và non yếu về lý luận nghệ thuật nhưng đó là sự chân thành.
Phạm Nguyên Nhung – 27/01/2008