Chị Huệ đã cho ra thêm về manh mối của trái hạnh!

Nếu tuồng cải lương cho gánh Thanh Minh Thanh Nga thì chắc tác giả người miền Nam. Vậy là có trái hạnh trong Nam và người ta trồng nó tới thành vườn. Và chùa lại có cái vườn hạnh (trừ phi chùa nằm kế bên nhà hàng xóm có cái vườn hạnh). Hy vọng là vườn cây hạnh chứ không phải là vườn tên Hạnh (kiểu vườn Thúy của nhà họ Vương trong truyện Kiều).
Lạ một điều là bao nhiêu năm là dân Saigon, PC lại chưa hề nghe tới trái này. Không muốn trái như vậy tuyệt chủng. Về VN mấy lần, PC có để ý tìm lại nhiều cây trái hồi xưa mình từng thấy (để làm chi, níu lại một thời xanh chăng?) nhưng không sao tìm thấy như ô môi, hoàng quân, trâm, me keo, bùm xụm, v...v...Chưa kể có những trái không hề được thấy, chỉ nghe....vọng cổ mà biết, như trái gùi (có ai nhớ Trái Gùi Bến Cát: Con chờ xe lửa thúc còi, Ra ga đón mẹ lấy gùi ăn chơi...).
Có thể nào vì trái hạnh giống trái chanh cho nên dân chúng không nhận ra chăng? Chớ nếu có thì sao họ lại chẳng dùng nó để chưng trong ngày Tết. Hay là có một lý do nào khiến họ phe lờ cái trái có cái tên hay ho như vậy? Chị Huệ, ở Mỹ PC cứ nói là lemon và lime cùng được gọi là chanh, dùng thay thế cho nhau, vậy mà người Mỹ họ không chịu, họ bảo hai trái hoàn toàn khác nhau!
Có lần đi ra Huế chơi, ngang qua chợ gần sông Hương thấy có trái lạ lạ, hỏi thăm thì biết đó là trái vả. Bèn nhớ câu tục ngữ: "lòng vả cũng như lòng sung". Trái sung nhờ có cái tên cho nên ngày Tết được dân Nam tìm chưng trên bàn thờ, trong khi chị em của nó lại bị thờ ơ, chỉ vì không ai muốn bị vả .... cả năm!
