Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Tưởng nhớ Anh Cung Đình Thanh
Văn Quân
#1 Posted : Sunday, September 9, 2007 4:00:00 PM(UTC)
Văn Quân

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 57
Points: 15

Was thanked: 1 time(s) in 1 post(s)

Đóng góp một vài cảm nhận đơn sơ

Tìm về nguồn gốc
VĂN MINH VIỆT NAM
Dưới ánh sáng mới của khoa học
Của tác giả: Cung Đình Thanh




Trong một buổi tiệc có tính cách gia đình của một người bạn đồng nghiệp ngày xưa ở Sài Gòn đã ngẫu nhiên đưa đẩy chúng tôi được làm quen với tác giả quyển Tìm về nguồn gốc VĂN MINH VIỆT NAM Dưới ánh sáng mới khoa học.

Sau buổi tiệc chúng tôi tặng người bạn một bộ sách do chúng tôi biên soạn rồi cùng với vài người khách khác có mặt trong buổi tiệc ngồi phiếm bàn về việc viết lách biên soạn và khi chúng tôi đề cập tới tác giả Cung Đình Thanh về những bài viết của Ông trong tập san Tư Tưởng trên mạng lưới Internet thì người bạn chúng tôi đã vỗ tay cho biết tác giả CĐT chính là thông gia của gia đình nầy. Chúng tôi mang theo 5 bộ sách để biếu tặng bạn bè, sách đã cạn, chỉ còn một bộ dự định gởi đi đăng ký nơi thư viện Quốc Gia nhưng lại đổi ý muốn nhờ người bạn gởi bộ sách cuối cùng nầy đến Ông CĐT để biếu tặng và do đó một buổi hẹn gặp gỡ nhau giữa ông CĐT và chúng tôi đã được người bạn và gia đình sắp xếp vào buổi tối ngày hôm sau.

Hình dáng và cung cách chào hỏi theo lối người Việt Nam, rất Việt Nam, của Ông, Bà Cung Đình Thanh khiến cho chúng tôi cảm thấy thoải mái và gần gũi ngay từ những lời nói đầu tiên. Nghe tên không bằng thấy mặt: ông Thanh không già lắm mặc dù mái tóc đã hơi trắng trên vầng trán trợt rộng chiếm gần hơn một phần ba đỉnh đầu. Ông ăn mặc đơn giản, phong thái ung dung nhưng lại phản phất đường nét của các nhà mô phạm thời xa xưa. Bên cạnh ông là Bà Cung Đình Thanh, một phụ nữ Việt Nam đẹp, xứng đôi, mặc dù có vẽ tân thời hơn một chút khi đi cặp song đôi với Ông Thanh. Cách ăn nói của ông Thanh, của bà Thanh thật là Bắc Kỳ: văn vẻ, đón trước rào sau nhưng chúng tôi không cảm thấy xa cách khó chịu bởi vì biết rằng đó là một trong những sắc thái của người Việt Nam chính gốc ở một trong 3 miền của đất nước ta.

Chúng tôi không chuẩn bị trước mà cũng chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ có dịp mặt đối mặt với tác giả Cung Đình Thanh để bàn bạc hoặc tranh luận vì thế trong cuộc hội ngộ bất ngờ nầy chúng tôi không có một phương hướng hay một chủ định nào để "đối phó" với một nhân vật được xem là có hạng trong lãnh vực văn hóa của người Việt Nam ở hải ngoại và cũng bởi vì chúng tôi không xem bất cứ người làm văn hóa nào là đối thủ hay địch thủ mà cũng không phải khớp hay e dè vì mặc cảm kém sút khi thấy quanh Ông Thanh toàn là những "tên tuổi" của các bậc đàn anh đi trước. Chúng tôi đến với ông CĐT theo tinh thần "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu": Ông Thanh đi tìm lý lịch thực sự của người Việt Nam ngày nay; chúng tôi cũng đã đi tìm nguồn gốc thực sự của người Giao Chỉ hay người An Nam ngày xưa: chúng tôi đã chối bỏ thẳng thắn những cái gọi là tục truyền, truyền thuyết, nghe nói, ông bà ta nói như thế, những cái gọi là thần kỳ quỉ quái để tạo cho dân ta có một lý lịch cao trọng giả tạo, để ru ngủ, để ve vuốt lòng tự ái và niềm kiêu hãnh dân tộc vì chúng tôi cho rằng niềm tự hào dân tộc không thể đặt trên căn bản chủng tộc bởi lẽ nó sẽ tạo ra mặc cảm tự tôn siêu đẳng, tự cho mình có quyền đứng trên các dân tộc khác mà hậu quả là gây ra những bối cảnh diệt chủng tàn khốc hoặc những cuộc gây hấn xâm lược bạo tàn. Dân Việt Nam nhất định là phải có một nguồn gốc chủng tộc lâu đời nhưng nhất định không thể là con cháu sinh ra từ các loại huyền thoại phối chủng phản khoa học. Dân tộc Việt Nam tự hào không phải là vì mình được thuộc về chủng tộc cao sang thần thánh lừa phỉnh do vua chúa thời phong kiến ban cho nhưng chính là tinh thần quật khởi đánh đuổi ngoại xâm, ý chí bền bỉ thoát khỏi sự đồng hóa, cùng với bản tính tự lực, tự cường, cùng với nhiều sắc thái đa dạng của một nền văn minh thô sơ nhưng là của riêng mình, đó mới là những yếu tố thực sự hiển nhiên kết tạo niềm tự hào dân tộc. Chúng tôi cũng mạnh mẻ bác bỏ những dư luận cho rằng tổ tiên nguyên thủy của người Việt Nam ta ngày nay là từ nhóm Bách Việt hoặc là con cháu của người Trung Hoa nhưng chúng tôi không chối bỏ là nền văn minh của Việt Nam chịu ảnh hưởng rất nhiều từ văn minh của nhóm Hán tộc. Cái khó ở đây là chúng ta có cách nào để loại ra các ảnh hưởng nầy để có thể thấy được một nền văn minh trinh nguyên khởi thủy của người Việt Nam ngày nay. Thí dụ hiện nay người Việt Nam vẫn còn tục thờ thần Đất và thần Nhà bếp (hay Ông Táo): đây là sản phẩm ngoại nhập từ phương Bắc chứ nhất định không phải là của tổ tiên nguyên thủy của ta để lại. Câu hỏi đặt ra là trước kia tổ tiên có một hình thức thờ phượng nào giống như thế hay không? Nếu có thì có phải là hình thức thờ phượng hiện tại hay không và hình thức nầy đã kéo dài từ bao lâu rồi? Chỉ mới hỏi như thế mà chúng tôi đã thấy "có chuyện lớn rồi!" và lại nghĩ rằng khó có người dám bặm gan đội đá vá trời để đào xới bới móc cho ra lẽ. Vậy mà ông Cung Đình Thanh đã dám gồng mình làm chuyện nầy, khởi đầu bằng những bài viết trên tập san Tư Tưởng rồi bây giờ là quyển Tìm về nguồn gốc VĂN MINH VIỆT NAM Dưới ánh sáng mới khoa học.
*
Ông CĐT trao tặng cho chúng tôi quyển sách kể trên ngay lúc khởi đầu cuộc hội ngộ. Chúng tôi cũng trao tặng cho Ông bộ sách "xấu xí" của mình. Trong buổi nói chuyện nầy còn có nhiều người thân của ông Thanh và của người bạn; tất cả đều ngồi yên lặng theo dõi và nghe hai chúng tôi đàm đạo. Ông Thanh cho biết dự định thực hiện bộ Lịch Sử Tư Tưởng Việt vừa chuẩn bị cho việc viết Bộ Việt Học Toàn Thư và nêu ra những lý do vì sao ông có dự định đó mà bước đầu là Tủ Sách Việt Học và cuốn Tìm về nguồn gốc VĂN MINH VIỆT NAM Dưới ánh sáng mới khoa học là tiếng súng khởi hành. Chúng tôi chỉ ngồi nghe để sau cùng đặt một câu hỏi:

"Thưa Anh có lớn quá không? Anh còn có đủ thời gian không?"

Tác giả đáp lại câu hỏi của chúng tôi bằng một giọng thân thiện, thâm tình:

"Ông ơi, (Ông gọi chúng tôi là ông dù chúng tôi còn trẻ hơn ông nhiều!) mình biết vậy nhưng cứ phải làm, phải ra tay đổ thúng đất đầu tiên để bắt đầu xây đắp con đường, nếu mình không làm thì không biết sẽ còn có ai làm hay không! Mình bắt đầu và bạn bè đóng góp, ông cũng phụ vào cho một tay, bè bạn phụ vào nữa thì chuyện nầy có thể làm được. Mình gặp được ông hôm nay, được ông cảm thông mình thấy được an ủi nhiều lắm!"

Chợt chúng tôi muốn đưa ra một câu hỏi hóc búa: "Anh muốn nổi tiếng phải không?" Nhưng tôi cảm thấy ân hận với ý nghĩ của mình bởi vì nhớ lại cũng có lần chính chúng tôi cũng đã từng tự vấn với câu hỏi hóc búa đó cách nay hơn mười năm khi khởi sự đặt bút biên soạn bộ sách của chúng tôi, cũng độc hành giống như trường hợp của ông CĐT, cũng tự nghĩ rằng nếu mình không khởi sự thì có ai sẽ ra tay đảm đương? Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu là như thế. Cảm thông với nhau là vì thế.

Hai hôm sau chúng tôi lại gặp nhau và cùng ngồi đàm đạo với nhau hàng tiếng đồng hồ nơi một thư viện của thành phố. Chúng tôi lại được Ông mang biếu thêm gần mười tập sách trong Tủ Sách Việt Học do nhiều tác giả biên soạn. Và Ông đã làm cho chúng tôi bối rối quá sức khi Ông đề nghị chúng tôi cung cấp cho hai đề tài để đóng góp vào Tủ Sách Việt Học. Chúng tôi muốn từ chối bởi vì công việc của chúng tôi đang làm chỉ mới được hai phần ba, nay lại nhận thêm 2 đề tài khó nuốt nữa thì không biết có đủ khả năng chu toàn được hay không nhưng nhìn nét mặt thành khẩn của Ông, chúng tôi chỉ nín lặng mỉm cười tỏ dấu tạm thời đồng ý chứ không nhận hẳn mà cũng không từ chối thẳng.

Trước ngày quay về miền Tây nước Úc, chúng tôi gọi điện cho Ông CĐT để từ biệt đồng thời cũng báo cho Ông biết một chỗ sai biệt trong khi trích dẫn mà Ông nêu ra trong sách Tìm về nguồn gốc VĂN MINH VIỆT NAM Dưới ánh sáng mới khoa học. Rõ ràng là chúng tôi đã làm một chuyện tài khôn không đúng chỗ, không đúng lúc để rồi giật mình, bồn chồn chờ đợi sự nổi nóng của tác giả nhưng chúng tôi lại được nghe giọng nói thân thiện điềm đạm từ đầu dây bên kia :

" Chắc là còn nhiều thứ sai sót lắm ông ơi, chứ không phải chỉ có bấy nhiêu đó, mình chưa có thì giờ để xem lại. . .cám ơn ông đã cho biết ."

Chúng tôi thích cái điệu chấp nhận "sửa sai" của tác giả cho nên lại bộc phát hứa hẹn là sẽ cố gắng đọc hết và góp ý về quyển sách nầy, nếu tác giả đồng ý và sẽ không phật lòng về những hiểu biết bình dân cục mịch của chúng tôi.

Và mới ngày hôm qua 27 tháng 5 năm 2004, chúng tôi lại nhận được một lá thư thăm hỏi của tác giả kèm theo Tập San Tư Tưởng số 26 số phát hành tháng 4 năm 2004. Trong thơ, Ông có nhắc lại chuyện đọc sách NGVMVN và hai đề tài đóng góp của chúng tôi.

Thú thật, chúng tôi cứ tưởng Ông đã quên chúng tôi rồi, giống như thói thường của những nhân vật tiếng tâm sau khi tiếp xúc với những kẻ hâm mộ, cho chữ ký một lần rồi thôi. Bởi thế cho nên, dù vẫn dành dụm thì giờ để tiếp tục đọc sách của Ông nhưng chúng tôi cũng không muốn nhớ tới "các công tác" mà ông đã thành khẩn giao phó cho chúng tôi cách nay hơn một tháng. Một tháng tưởng là dài, là lâu lắm nhưng không thấm thía gì cho sự chuẩn bị đưa ra một ý kiến đóng góp vào một quyển sách có tầm cỡ như quyển sách của Ông. Cũng may là mỗi khi đọc sách, nhất là những loại sách tham khảo nghiên cứu, chúng tôi thường có thói quen ghi chú riêng ra một tập giấy những thắc mắc của mình để rồi sau đó quay trở lại để dọc và nghiền ngẫm tìm hiểu thêm và nhờ vậy mà hôm nay chúng tôi mới có thể đóng góp một vài cảm nghĩ thô thiển của mình với tác giả CĐT.


PC
#2 Posted : Wednesday, September 12, 2007 9:07:55 AM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
quote:
Dân Việt Nam nhất định là phải có một nguồn gốc chủng tộc lâu đời nhưng nhất định không thể là con cháu sinh ra từ các loại huyền thoại phối chủng phản khoa học

Tôi nghĩ là trừ bọn trẻ con, ít có ai tin dân Việt ta là một phối chủng giữa rồng và tiên. Đó chỉ là truyền thuyết dân tộc, mang dấu vết của tư duy nhân lọai vào thời kỳ thô sơ. Ai cũng biết con rồng là con vật không có thực, và tiên thì tìm đâu cho thấy, thì làm gì có chuyện rồng lấy tiên để đẻ ra 100 quả trứng và nở thành người. Bây giờ dùng khoa học để chứng minh là truyền thuyết ấy sai lầm thì tôi thấy có vẻ như chúng ta đang đẩy một cánh cửa đã mở sẵn.

Nỗ lực chứng minh dân tộc Việt không bắt nguồn từ Trung Hoa thì tôi còn thấy có ông Bình Nguyên Lộc (Nguồn Gốc Mã Lai Của Dân Tộc Việt Nam).

quote:
Dân tộc Việt Nam tự hào không phải là vì mình được thuộc về chủng tộc cao sang thần thánh lừa phỉnh do vua chúa thời phong kiến ban cho nhưng chính là tinh thần quật khởi đánh đuổi ngoại xâm, ý chí bền bỉ thoát khỏi sự đồng hóa, cùng với bản tính tự lực, tự cường, cùng với nhiều sắc thái đa dạng của một nền văn minh thô sơ nhưng là của riêng mình, đó mới là những yếu tố thực sự hiển nhiên kết tạo niềm tự hào dân tộc


Dùng sử để rút ra niềm tự hào dân tộc thì e là khó có tinh thần khách quan được (điều kiện cần thiết cho một nghiên cứu khoa học), và lại rơi vào chủ nghĩa Chauvin. Đó lại là một căn bệnh trầm kha, ảnh hưởng rơi rớt của thời đại phong kiến, cứ muốn (thấy) mình phải ngon lành hơn dân tộc khác.

Văn Quân
#3 Posted : Thursday, September 13, 2007 8:11:04 AM(UTC)
Văn Quân

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 57
Points: 15

Was thanked: 1 time(s) in 1 post(s)
(tiếp theo)
Trước tiên là cái tựa đề của quyển sách: Tìm về nguồn gốc VĂN MINH VIỆT NAM Dưới ánh sáng mới của khoa học.

Không phải lần đầu tiên chúng tôi đọc được một tựa sách như thế. Trước đây chúng tôi đã thấy có những tựa đề tương tự như vậy rồi chẳng hạn như Việt Nam Văn Minh Sử của Lê Văn Siêu, La Civilisation annamite (tạm dịch: Văn Minh người An Nam) của Nguyễn Văn Huyên, Việt Nam Văn Hóa Sử Cương của Đào Duy Anh, Việt Nam Văn Học Toàn Thư của Hoàng Trọng Miên. Những sách nầy dù tựa đề có thay đổi một vài chữ nhưng tựu trung đều cùng hướng về một chủ đề là đi tìm chứng cớ cho một nền Văn Minh thuộc về một chủng tộc có thật mà ngày nay gọi là người Việt Nam. Và bởi vì nếu không có con người Việt Nam thì sẽ không bao giờ có một nền Văn Minh Việt Nam cho nên truy tìm chứng cớ cho một nền Văn Minh của bất cứ một sắc tộc nào cũng phải kèm theo công tác truy tìm nguồn gốc xuất phát chủ thể của sắc tộc tức là phải có bằng chứng sờ được, nhìn thấy được về sự hiện hữu của con người thuộc sắc tộc đó, phải nhờ đến các kỹ thuật "đào mồ cuốc mã" đễ khai quật các di chỉ bị chôn vùi dưới lòng đất rồi quan sát, tìm hiểu theo phương pháp khoa nghiên cứu truy tìm của ngành khoa học thực nghiệm. Trong các tựa sách vừa kể- những sách phát hành trước sách của tác giả CĐT- nhất định phải có đề cập tới các phương pháp khoa học "đào mồ cuốc mã " đó nhưng dưới ánh sáng khoa học của gần một trăm năm qua - ánh sáng cũ của khoa học - tung tích và gốc gác của người Việt Nam vẫn còn rất mù mịt.

Bầy giờ có ánh sáng mới của khoa học do tác giả CĐT đề ra qua tựa sách của Ông thì những người đọc bình thường như chúng tôi, những người Việt Nam muốn thấy ngay kết quả mà không cần phải đọc hết cuốn sách, đã mừng rỡ mà nghĩ ngay rằng tung tích của mình đã được soi sáng rồi! Tuy nhiên, theo sự hiểu biết của chúng tôi thì ánh sáng khoa học mới nhất có vẻ có liên hệ tới nguồn gốc dân tộc Việt Nam là sự khám phá gần đây của nhà khoa học người Hoa J.Y. Chu và các đồng nghiệp của ông về nguồn gốc của người Trung Hoa chứ không đá động gì tới lý lịch thực sự của người Việt Nam và cho tới lúc nầy, nhờ sự khám phá của ông Chu, người Việt Nam của chúng ta cũng chỉ mới cảm thấy hơi nhẹ mình hơn lúc trước một chút vì từ nay người Trung Hoa không còn có thể bô bô cái miệng vỗ ngực xưng tên họ là tổ tiên của người Việt Nam nữa với điều kiện là chúng ta cũng phải công nhận thủy tổ Phi Châu của loài người cũng là thủy tổ của người Việt Nam. Chỉ có thế.. Vấn đề ta là ai nếu ta không phải là người Trung Hoa thì ngày nay vẫn còn dây dưa chưa có gì gọi là chắc chắn dứt khoát
*
Cũng cái tựa đề đó chúng tôi lại thắc mắc: tại sao tác giả CĐT chỉ tìm về nguồn gốc Văn Minh Việt Nam? Có hay không có một nền Văn Minh cổ xưa riêng biệt của người Việt Nam song song với các nền văn minh cổ xưa khác trên khắp các lục địa? Thế nào gọi là Văn Minh? và nếu tìm được rồi thì để làm gì?

Để trả lời câu hỏi tại sao, tác giả CĐT đã phát biểu trong một cuộc phỏng vấn của một đài phát thanh tư nhân: Ông cho biết rằng có 2 cái tại sao hay, nếu muốn lặp lại cho thật đúng lời của tác giả CĐT trong cuộc phỏng vấn đó thì có 2 nguyên nhân thúc đẩy tác giả viết ra quyển sách:

1- Vì sự phát triển văn hoá dân tộc: đây là nguyên nhân mà tác giả CĐT cố theo đuổi từ trước đến nay.

2- Tác giả CĐT cho biết có một nhóm "anh em" cùng với tác giả đang chủ trương một Tủ Sách Nghiên cứu Việt Học do nhiều người ở nhiều phương trời khác nhau trên toàn cõi địa cầu nầy. Và vì muốn tránh tình trạng những người trong nhóm "anh em" ai muốn viết sao thì viết, tránh cảnh huống trống đánh xuôi kèn thổi ngược hay đúng như lời của tác giả phát biểu "kẻ viết xuôi người viết ngược" do đó để cho việc viết lách được phần nào thống nhất tác giả cố gắng ra quyển sách nầy để may ra nếu có sự đồng thuận thì từ đây "anh em" có thể cùng viết về Việt Học do nhiều tác giả thực hiện với nhiều bộ môn khác nhau mà không đến nỗi đối chọi nhau.

Về nguyên nhân thứ nhứt tác giả đề cặp đến sự phát triển Văn Hóa dân tộc, tác giả dùng hai chữ Văn Hoá chứ không phải Văn Minh. Như vậy phải chăng tác giả muốn ngầm nói rằng nền Văn Minh của một Dân tộc là một trong những yếu tố cấu thành Văn Hoá dân tộc? Hay Văn Minh và Văn Hoá chỉ là một?

Tác giả đã đưa ra nhiều nguồn định nghĩa về Văn Hoá. Trong đó tác giả có nêu lên một định nghĩa đơn giản của giáo sư Trần Ngọc Ninh, một người hoạt động văn hóa suốt cả cuộc đời. Giáo sư Ninh nói: "Văn hoá là cái mà ta khác họ. Nếu như thế thì chỉ nhìn cái mũi lỏ hay mũi toẹt, cái tóc đỏ hay tóc đen, cái da nâu hay da vàng người ta cũng biết được sự khác biệt văn hoá, không cần phải tìm chứng cớ nào khác để chứng minh sự khác biệt đó hoặc để chứng minh sự hiện hữu của một nền văn hoá. Do đó nếu gặp một người Hoa tóc đen, mắt một mí và một người Việt Nam cũng tóc đen, mắt một mí ở Hà Nội hay ở Bắc Kinh thì chúng ta có thể kết luận là hai người nầy có chung một nền văn hoá chăng? Một người Việt Nam bình thường phải hiểu chữ cái của g.s Ninh như thế nào? Người Việt Nam ta ăn cơm, người Nhật ăn cơm, người Trung Hoa, người Thái Lan, người Kampuchea, người Ấn cũng ăn cơm nhưng không vì thế mà nói rằng các nước ấy có chung một nền văn hoá với Việt Nam. Hay là trong chữ cái của g.s Ninh còn bao gồm nhiều, rất nhiều chữ cái phụ khác và tổng hợp lại đễ trở thành cái của ta khác biệt với cái của người khác. Ôi thôi, tưởng là đơn giản nhưng quả thật không đơn giản chút nào!

Tác giả CĐT dưa ra các định nghĩa về văn hoá từ các quyển bách khoa tự điển ngoại quốc, một quyển tiếng Anh, một quyển tiếng Pháp. Coi chừng! Không khéo chúng ta lại bắt chước theo họ mà lơ đi hay quên đi nền văn hoá cổ truyền của chúng ta đó. Bởi vì không có ai có thể định nghĩa dùm thế nào là văn hoá cho một nước khác: Ăn thịt chó tại nhiều nước ở Á Châu là một nét văn hoá đặc biệt mà các nước Âu Mỹ cho là không có văn hoá. Người Pháp treo đùi thịt bò lên cho đến khi thịt rửa ra thành sâu rớt xuống tràng đựng bột mì rồi mới đem đi chiêng giòn để ăn thì đây cũng là một nét văn hoá về ẩm thực mà khó tìm thấy có định nghĩa nào trong các quyển tự điển của Việt Nam.

Và đây là những định nghĩa về văn hoá mà chúng tôi đã đọc được trong một quyển Từ Điển Tiếng Việt xuất bản từ trong nước năm 1995:

Văn hóa:

1- Tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử. Kho tàng văn hóa dân tộc. Văn hoá phương Đông. Nền văn hoá cổ.
2- Những hoạt động của con người nhằm thỏa mãn nhu cầu đời sống tinh thần (nói tổng quát). Phát triển văn hoá.. Công tác văn hoá.
3- Tri thức, kiến thức khoa học (nói khái quát). Học văn hoá. Trình độ văn hoá.
4-Trình độ cao trong sinh hoạt xã hội, biểu hiện của văn minh. Sống có văn hoá. ăn nói thiếu văn hoá.
5- (chuyên môn). Nền văn hoá của một thời kỳ lịch sử cổ xưa, được xác định trên cơ sở một tổng thể những di vật tìm thấy được có những đặc điểm giống nhau. Văn hoá rìu hai vai. Văn hoá gốm màu. Văn hoá Đông Sơn.

Trong các định nghĩa vừa liệt kê trên, định nghĩa số 1 và số 5 có vẻ ăn khớp với công trình biên soạn của tác giả CĐT nếu tác giả dùng hai chữ Văn Hoá thay vì Văn Minh. Tuy nhiên, nếu như thế thì quyển sách của tác giả CĐT không thể nào chỉ có bấy nhiêu đó bởi vì cũng theo g.s Ninh thì văn hoá là cái gì bao trùm hết cả cuộc sống có nghĩa là sẽ có vô số cái không đơn giản để mà đào xới bới tìm!

Cũng theo định nghĩa số 1 kể trên thì văn hoá là toàn thể giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử nhưng theo tác giả CĐT thì người ta phân biệt thứ nhứt văn hoá là những sinh hoạt có tinh thần, còn văn minh là những sinh hoạt trên bình diện vật chất. Chỗ nầy lại gây thắc mắc cho chúng tôi: người ta là ai? Một bên thì giá trị vật chất và giá trị tinh thần đều nằm trong hai chữ văn hoá. Còn một bên thì sinh hoạt vật chất nằm trong hai chữ văn hoá, sinh hoạt tinh thần nằm trong hai chữ văn minh. Biết phải nghe theo ai đây?

Tác giả CĐT không định nghĩa hai chữ văn minh nhưng lại cho biết rằng (theo như người ta nói) thì những gì thuộc khoa học, về kỹ thuật thì thuộc về văn minh. Phải chăng tác giả CĐT đã theo lời nói nầy để đặt tựa đề cho tựa sách của mình?

Chúng tôi cũng nêu lên đây ý nghĩa hai chữ văn minh trích ra tư quyển từ Điển đã dẩn chiếu ở trên:

Văn minh:

I- (danh từ). Trình độ phát triển đạt đến một mức nhất định của xã hội loài người, có nền văn hoá vật chất và tinh thần với những đặc trưng riêng. Văn minh Ai Cập. Ánh sáng của văn minh. Nền văn minh của loài người.

II-
1- (tỉnh từ). Có những đặc trưng của văn minh, của nền văn hóa phát triển cao. Một xã hội văn minh. Nếp sống văn minh.
2- (chuyên môn). Thuộc về giai đoạn phát triển thứ ba, sau thời đại dã man, trong lịch sử xã hội loài người kể từ khi có thuật luyện kim và chữ viết (theo phân kỳ lịch sử xã hội của L.H Morgan). Lịch sử thời đại văn minh.

Định nghĩa I (danh từ) trên đây có lẽ phù hợp hơn hết với đề tựa quyển sách của tác giả CĐT. Tuy nhiên nếu theo định nghĩa nầy thì khi đã tìm ra được rồi một trình độ phát triển đạt đến một mức nhất định của một xã hội loài người, có nền văn hóa vật chất và tinh thần với những đặc trưng riêng thì người ta còn phải chứng minh rằng trình độ phát triển đó (kim tự tháp, tháp Babylon, thành Troy, đền Angkor, trống đồng Đông Sơn, di chỉ Hòa Bình . . ) là thuộc về của ai nhưng rồi sau đó sẽ còn phải làm gì nữa? Thí dụ nếu bây giờ trống đồng Đông Sơn, di chỉ Hoà Bình được mọi người trên thế giới công nhận là phát xuất từ trên đất Việt Nam, là do chính những người cổ xưa sống trên đất Việt Nam đã tạo ra, vậy thì sao nữa? Được công nhận rồi, bây giờ phải làm gì với cái trống đồng đó? Sẽ chỉ cái trống đồng đó rồi bảo với con cháu rằng đây là niềm hãnh diện của ta và bắt đầu dạy cho con cháu ta biết cách đúc trống đồng và biết cách xử dụng trống đồng đó hay sao? Nếu quả đúng như thế thì có phải là ta đã bảo tồn nền văn hóa và nhờ đó phát triển thêm lên hay là ta đi thụt lùi ?

Cho nên cái nguyên nhân thứ nhứt mà tác giả CĐT nêu ra mới nghe thì tưởng rằng nó rất ăn nhịp với tựa đề của quyển sách vừa mới phát hành của ông nhưng theo trí khôn suy nghĩ của một người bình thường như chúng tôi thì cái lý do thứ nhứt hay cái hoài bảo thứ nhứt đó của tác giả CĐT khó thể thực hiện được vì nó lớn, quá lớn mà tác giả lại đi một hướng khác có liên hệ đến sự phát triển, tiến bộ và phúc lợi cho tương lai của đất nước hơn là mục đích bảo tồn và phát triển văn hoá dân tộc.

*
Trả lời trên đài phát thanh về nguyên nhân
thứ 2 thúc đẩy tác giả CĐT cho xuất bản quyển sách nó ăn khớp với bài viết Lời nói đầu của tác giả từ trang 13 đến trang 20 của quyển sách.

(còn tiếp)Rose

Users browsing this topic
Guest (2)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.