(tiếp theo)
Trước tiên là cái tựa đề của quyển sách: Tìm về nguồn gốc VĂN MINH VIỆT NAM Dưới ánh sáng mới của khoa học.
Không phải lần đầu tiên chúng tôi đọc được một tựa sách như thế. Trước đây chúng tôi đã thấy có những tựa đề tương tự như vậy rồi chẳng hạn như Việt Nam Văn Minh Sử của Lê Văn Siêu, La Civilisation annamite (tạm dịch: Văn Minh người An Nam) của Nguyễn Văn Huyên, Việt Nam Văn Hóa Sử Cương của Đào Duy Anh, Việt Nam Văn Học Toàn Thư của Hoàng Trọng Miên. Những sách nầy dù tựa đề có thay đổi một vài chữ nhưng tựu trung đều cùng hướng về một chủ đề là đi tìm chứng cớ cho một nền Văn Minh thuộc về một chủng tộc có thật mà ngày nay gọi là người Việt Nam. Và bởi vì nếu không có con người Việt Nam thì sẽ không bao giờ có một nền Văn Minh Việt Nam cho nên truy tìm chứng cớ cho một nền Văn Minh của bất cứ một sắc tộc nào cũng phải kèm theo công tác truy tìm nguồn gốc xuất phát chủ thể của sắc tộc tức là phải có bằng chứng sờ được, nhìn thấy được về sự hiện hữu của con người thuộc sắc tộc đó, phải nhờ đến các kỹ thuật "đào mồ cuốc mã" đễ khai quật các di chỉ bị chôn vùi dưới lòng đất rồi quan sát, tìm hiểu theo phương pháp khoa nghiên cứu truy tìm của ngành khoa học thực nghiệm. Trong các tựa sách vừa kể- những sách phát hành trước sách của tác giả CĐT- nhất định phải có đề cập tới các phương pháp khoa học "đào mồ cuốc mã " đó nhưng dưới ánh sáng khoa học của gần một trăm năm qua - ánh sáng cũ của khoa học - tung tích và gốc gác của người Việt Nam vẫn còn rất mù mịt.
Bầy giờ có ánh sáng mới của khoa học do tác giả CĐT đề ra qua tựa sách của Ông thì những người đọc bình thường như chúng tôi, những người Việt Nam muốn thấy ngay kết quả mà không cần phải đọc hết cuốn sách, đã mừng rỡ mà nghĩ ngay rằng tung tích của mình đã được soi sáng rồi! Tuy nhiên, theo sự hiểu biết của chúng tôi thì ánh sáng khoa học mới nhất có vẻ có liên hệ tới nguồn gốc dân tộc Việt Nam là sự khám phá gần đây của nhà khoa học người Hoa J.Y. Chu và các đồng nghiệp của ông về nguồn gốc của người Trung Hoa chứ không đá động gì tới lý lịch thực sự của người Việt Nam và cho tới lúc nầy, nhờ sự khám phá của ông Chu, người Việt Nam của chúng ta cũng chỉ mới cảm thấy hơi nhẹ mình hơn lúc trước một chút vì từ nay người Trung Hoa không còn có thể bô bô cái miệng vỗ ngực xưng tên họ là tổ tiên của người Việt Nam nữa với điều kiện là chúng ta cũng phải công nhận thủy tổ Phi Châu của loài người cũng là thủy tổ của người Việt Nam. Chỉ có thế.. Vấn đề ta là ai nếu ta không phải là người Trung Hoa thì ngày nay vẫn còn dây dưa chưa có gì gọi là chắc chắn dứt khoát
*
Cũng cái tựa đề đó chúng tôi lại thắc mắc: tại sao tác giả CĐT chỉ tìm về nguồn gốc Văn Minh Việt Nam? Có hay không có một nền Văn Minh cổ xưa riêng biệt của người Việt Nam song song với các nền văn minh cổ xưa khác trên khắp các lục địa? Thế nào gọi là Văn Minh? và nếu tìm được rồi thì để làm gì?
Để trả lời câu hỏi tại sao, tác giả CĐT đã phát biểu trong một cuộc phỏng vấn của một đài phát thanh tư nhân: Ông cho biết rằng có 2 cái tại sao hay, nếu muốn lặp lại cho thật đúng lời của tác giả CĐT trong cuộc phỏng vấn đó thì có 2 nguyên nhân thúc đẩy tác giả viết ra quyển sách:
1- Vì sự phát triển văn hoá dân tộc: đây là nguyên nhân mà tác giả CĐT cố theo đuổi từ trước đến nay.
2- Tác giả CĐT cho biết có một nhóm "anh em" cùng với tác giả đang chủ trương một Tủ Sách Nghiên cứu Việt Học do nhiều người ở nhiều phương trời khác nhau trên toàn cõi địa cầu nầy. Và vì muốn tránh tình trạng những người trong nhóm "anh em" ai muốn viết sao thì viết, tránh cảnh huống trống đánh xuôi kèn thổi ngược hay đúng như lời của tác giả phát biểu "kẻ viết xuôi người viết ngược" do đó để cho việc viết lách được phần nào thống nhất tác giả cố gắng ra quyển sách nầy để may ra nếu có sự đồng thuận thì từ đây "anh em" có thể cùng viết về Việt Học do nhiều tác giả thực hiện với nhiều bộ môn khác nhau mà không đến nỗi đối chọi nhau.
Về nguyên nhân thứ nhứt tác giả đề cặp đến sự phát triển Văn Hóa dân tộc, tác giả dùng hai chữ Văn Hoá chứ không phải Văn Minh. Như vậy phải chăng tác giả muốn ngầm nói rằng nền Văn Minh của một Dân tộc là một trong những yếu tố cấu thành Văn Hoá dân tộc? Hay Văn Minh và Văn Hoá chỉ là một?
Tác giả đã đưa ra nhiều nguồn định nghĩa về Văn Hoá. Trong đó tác giả có nêu lên một định nghĩa đơn giản của giáo sư Trần Ngọc Ninh, một người hoạt động văn hóa suốt cả cuộc đời. Giáo sư Ninh nói: "Văn hoá là cái mà ta khác họ. Nếu như thế thì chỉ nhìn cái mũi lỏ hay mũi toẹt, cái tóc đỏ hay tóc đen, cái da nâu hay da vàng người ta cũng biết được sự khác biệt văn hoá, không cần phải tìm chứng cớ nào khác để chứng minh sự khác biệt đó hoặc để chứng minh sự hiện hữu của một nền văn hoá. Do đó nếu gặp một người Hoa tóc đen, mắt một mí và một người Việt Nam cũng tóc đen, mắt một mí ở Hà Nội hay ở Bắc Kinh thì chúng ta có thể kết luận là hai người nầy có chung một nền văn hoá chăng? Một người Việt Nam bình thường phải hiểu chữ cái của g.s Ninh như thế nào? Người Việt Nam ta ăn cơm, người Nhật ăn cơm, người Trung Hoa, người Thái Lan, người Kampuchea, người Ấn cũng ăn cơm nhưng không vì thế mà nói rằng các nước ấy có chung một nền văn hoá với Việt Nam. Hay là trong chữ cái của g.s Ninh còn bao gồm nhiều, rất nhiều chữ cái phụ khác và tổng hợp lại đễ trở thành cái của ta khác biệt với cái của người khác. Ôi thôi, tưởng là đơn giản nhưng quả thật không đơn giản chút nào!
Tác giả CĐT dưa ra các định nghĩa về văn hoá từ các quyển bách khoa tự điển ngoại quốc, một quyển tiếng Anh, một quyển tiếng Pháp. Coi chừng! Không khéo chúng ta lại bắt chước theo họ mà lơ đi hay quên đi nền văn hoá cổ truyền của chúng ta đó. Bởi vì không có ai có thể định nghĩa dùm thế nào là văn hoá cho một nước khác: Ăn thịt chó tại nhiều nước ở Á Châu là một nét văn hoá đặc biệt mà các nước Âu Mỹ cho là không có văn hoá. Người Pháp treo đùi thịt bò lên cho đến khi thịt rửa ra thành sâu rớt xuống tràng đựng bột mì rồi mới đem đi chiêng giòn để ăn thì đây cũng là một nét văn hoá về ẩm thực mà khó tìm thấy có định nghĩa nào trong các quyển tự điển của Việt Nam.
Và đây là những định nghĩa về văn hoá mà chúng tôi đã đọc được trong một quyển Từ Điển Tiếng Việt xuất bản từ trong nước năm 1995:
Văn hóa:
1- Tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử. Kho tàng văn hóa dân tộc. Văn hoá phương Đông. Nền văn hoá cổ.
2- Những hoạt động của con người nhằm thỏa mãn nhu cầu đời sống tinh thần (nói tổng quát). Phát triển văn hoá.. Công tác văn hoá.
3- Tri thức, kiến thức khoa học (nói khái quát). Học văn hoá. Trình độ văn hoá.
4-Trình độ cao trong sinh hoạt xã hội, biểu hiện của văn minh. Sống có văn hoá. ăn nói thiếu văn hoá.
5- (chuyên môn). Nền văn hoá của một thời kỳ lịch sử cổ xưa, được xác định trên cơ sở một tổng thể những di vật tìm thấy được có những đặc điểm giống nhau. Văn hoá rìu hai vai. Văn hoá gốm màu. Văn hoá Đông Sơn.
Trong các định nghĩa vừa liệt kê trên, định nghĩa số 1 và số 5 có vẻ ăn khớp với công trình biên soạn của tác giả CĐT nếu tác giả dùng hai chữ Văn Hoá thay vì Văn Minh. Tuy nhiên, nếu như thế thì quyển sách của tác giả CĐT không thể nào chỉ có bấy nhiêu đó bởi vì cũng theo g.s Ninh thì văn hoá là cái gì bao trùm hết cả cuộc sống có nghĩa là sẽ có vô số cái không đơn giản để mà đào xới bới tìm!
Cũng theo định nghĩa số 1 kể trên thì văn hoá là toàn thể giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử nhưng theo tác giả CĐT thì người ta phân biệt thứ nhứt văn hoá là những sinh hoạt có tinh thần, còn văn minh là những sinh hoạt trên bình diện vật chất. Chỗ nầy lại gây thắc mắc cho chúng tôi: người ta là ai? Một bên thì giá trị vật chất và giá trị tinh thần đều nằm trong hai chữ văn hoá. Còn một bên thì sinh hoạt vật chất nằm trong hai chữ văn hoá, sinh hoạt tinh thần nằm trong hai chữ văn minh. Biết phải nghe theo ai đây?
Tác giả CĐT không định nghĩa hai chữ văn minh nhưng lại cho biết rằng (theo như người ta nói) thì những gì thuộc khoa học, về kỹ thuật thì thuộc về văn minh. Phải chăng tác giả CĐT đã theo lời nói nầy để đặt tựa đề cho tựa sách của mình?
Chúng tôi cũng nêu lên đây ý nghĩa hai chữ văn minh trích ra tư quyển từ Điển đã dẩn chiếu ở trên:
Văn minh:
I- (danh từ). Trình độ phát triển đạt đến một mức nhất định của xã hội loài người, có nền văn hoá vật chất và tinh thần với những đặc trưng riêng. Văn minh Ai Cập. Ánh sáng của văn minh. Nền văn minh của loài người.
II-
1- (tỉnh từ). Có những đặc trưng của văn minh, của nền văn hóa phát triển cao. Một xã hội văn minh. Nếp sống văn minh.
2- (chuyên môn). Thuộc về giai đoạn phát triển thứ ba, sau thời đại dã man, trong lịch sử xã hội loài người kể từ khi có thuật luyện kim và chữ viết (theo phân kỳ lịch sử xã hội của L.H Morgan). Lịch sử thời đại văn minh.
Định nghĩa I (danh từ) trên đây có lẽ phù hợp hơn hết với đề tựa quyển sách của tác giả CĐT. Tuy nhiên nếu theo định nghĩa nầy thì khi đã tìm ra được rồi một trình độ phát triển đạt đến một mức nhất định của một xã hội loài người, có nền văn hóa vật chất và tinh thần với những đặc trưng riêng thì người ta còn phải chứng minh rằng trình độ phát triển đó (kim tự tháp, tháp Babylon, thành Troy, đền Angkor, trống đồng Đông Sơn, di chỉ Hòa Bình . . ) là thuộc về của ai nhưng rồi sau đó sẽ còn phải làm gì nữa? Thí dụ nếu bây giờ trống đồng Đông Sơn, di chỉ Hoà Bình được mọi người trên thế giới công nhận là phát xuất từ trên đất Việt Nam, là do chính những người cổ xưa sống trên đất Việt Nam đã tạo ra, vậy thì sao nữa? Được công nhận rồi, bây giờ phải làm gì với cái trống đồng đó? Sẽ chỉ cái trống đồng đó rồi bảo với con cháu rằng đây là niềm hãnh diện của ta và bắt đầu dạy cho con cháu ta biết cách đúc trống đồng và biết cách xử dụng trống đồng đó hay sao? Nếu quả đúng như thế thì có phải là ta đã bảo tồn nền văn hóa và nhờ đó phát triển thêm lên hay là ta đi thụt lùi ?
Cho nên cái nguyên nhân thứ nhứt mà tác giả CĐT nêu ra mới nghe thì tưởng rằng nó rất ăn nhịp với tựa đề của quyển sách vừa mới phát hành của ông nhưng theo trí khôn suy nghĩ của một người bình thường như chúng tôi thì cái lý do thứ nhứt hay cái hoài bảo thứ nhứt đó của tác giả CĐT khó thể thực hiện được vì nó lớn, quá lớn mà tác giả lại đi một hướng khác có liên hệ đến sự phát triển, tiến bộ và phúc lợi cho tương lai của đất nước hơn là mục đích bảo tồn và phát triển văn hoá dân tộc.
*
Trả lời trên đài phát thanh về nguyên nhân
thứ 2 thúc đẩy tác giả CĐT cho xuất bản quyển sách nó ăn khớp với bài viết Lời nói đầu của tác giả từ trang 13 đến trang 20 của quyển sách.
(còn tiếp)