New England vào Thu
Khi ngày trở nên ngắn hơn, muỗi không còn rền rĩ vo ve, trời trong hơn và không khí lành lạnh là lúc nàng thu đang lướt nhẹ gót hài, đang tung đôi cánh mỏng trên núi đồi New England.
Mùa thu, mùa lý tưởng cho người đi núi ở New
England. Không gì thú vị bằng được đi lang thang trên các con đường mòn ngập lá vàng trong một ngày thu có nắng hanh. Xuyên qua vòm lá muôn màu lung linh hoa nắng, rừng trở nên huyền ảo lạ thường. Đâu đó tiếng chim gọi nhau âu yếm, xa xa âm vang tiếng suối reo, chợt có tiếng xào xạc của lá trở mình dưới bước chân một con gấu đen nào đó, và hươu nai ngơ ngác giữa lá muôn màu đang hờ hững rơi.
Giống như người Việt với “Saigon nhỏ”, người Anh khi rời bỏ quê hương tìm đất hứa, họ có “New England” một hoài niệm về quê mình. Chuyến viếng thăm New England này tôi sẽ được đi trong các vòm lá đủ màu trên rặng Appalachian, một trong các rặng núi cổ nhất trên thế giới, đã có lần là rặng núi cao nhất như rặng Himalayans ngày nay. Rặng núi này chạy dài trên mười tiểu bang miền đông bắc Hoa Kỳ. Nhưng nhóm chúng tôi chỉ đi vào những con đường mòn của rặng White Mountains bang New Hampshire trong chuyến xem lá thu.
Tôi và chàng đến Boston ngày 04, tháng mười, một ngày có nắng hanh, có sương thu, nhưng màu thu chỉ thấp thoáng trên đỉnh các cây phong cổ thụ. dọc hai bên đường.
07/10/2006 nhóm chúng tôi ba mươi mốt người bang Washington hẹn gặp nhau tại phi trường Logan, Boston tiểu bang Massachusetts lúc 8:15 sáng. Đúng 9:00 giờ sáng xe rời Boston. Trời trong nắng nhè nhẹ và xe cứ phăng phăng trên xa lộ giữa các rừng cây. Màu thu trên các cánh rừng New Hampshire về hướng nam còn như luyến tiếc cái nóng nực mùa hè vừa qua cho nên cảnh rừng hiền hoà mơ màng như các tấm voan mỏng phơn phớt các màu rất nhẹ làm dịu mắt người nhìn. Càng về hướng bắc các cánh rừng có các màu sắc rực rỡ hơn: vàng cam, màu rỉ sắt, đỏ tăng gô tràn làn đó đây.
Xe ngừng ở phía bắc Conway cho chúng tôi ăn trưa. Lá cây đã ửng màu thu, đang rộn ràng các điệu luân vũ theo gió nhẹ hay lười biếng hờ hững rơi trong không gian lạnh. Tôi muốn quay vòng vòng theo lá, giang tay đỡ nhẹ một chiếc lá nào đó để được thì thầm … thu đẹp quá…Quãng đường chỉ có một dặm qua thành phố Conway thôi mà xe tôi mất cả tiếng đồng hồ mới tới được điểm ngừng, chặng chót cho những ai quên không mua các vật dụng cần thiết cho một người đi núi. Xa xa đằng sau các đỉnh núi tròn tròn, đỉnh núi Washington đang mỉm cười cùng thu hay đang chờ đợi cái đám đi núi hăm hở nói cười không ngừng này Dưới mắt tôi, một người Việt đi núi năm mười lần trong ba tháng hè, Washington hiền lành cao khoảng 6250 ft và không có gì nguy hiểm.
Khi đọc chút ít về ngọn núi tôi rùng mình với thời tiết bất thường trên cao độ. Nghe đâu rằng trong nhiều năm qua, đã nhiều lần trời nắng đẹp cho nên nhiều người chỉ mặc quần cụt áo may ô leo núi. Tự nhiên gió đổi chiều, mây vần vũ, tuyết rơi. Mạng nào mạng đó đang leo lên hay ở trên đỉnh ngọn Washington cũng phải chạy thục mạng xuống núi, chạy khỏi vùng tử thần, chạy cho tới khi tới vùng có các cây cao may ra thoát chết.
Ngọn Washingston là điểm hẹn của ba luồng gió của địa cầu, trong lịch sử, có lần trên đỉnh gió thổi hơn 200 miles một giờ. Washington như một cô gái duyên dáng để các chàng háo hức chinh phục(cách đây hơn trăm năm chỉ có quí tộc, khoa bảng và nhà giàu mới dám làm cái chuyện lạc vào vùng cấm địa này). Có lần không biết vì giận dỗi hay vì thách thức, cô nàng hiền lành Washington này đôi khi thành mụ phù thủy giết người không gớm tay. Tôi không nhớ năm nào( bệnh lười chưa đi thư viện hay ra hiêu sách mua cuốn sách nói về các cái chết dọc đương lên ngọn núi thấp lè tè này), có lẽ khoảng sáu bẩy chục năm trước, Boston có ba anh chàng rất giỏi nhưng bị bỏ xác trước cửa phòng họp hay trên đường lên điểm hẹn vì tuyết rơi bất thình lình; tuy rằng cả ba là những người biết rõ về Washington và là hội viên của hội leo núi thời bấy giờ .
Rời Conway, xe chạy êm trên xa lộ ngoằn ngoèo giữa các triền đồi với các vòm lá tỏa lan, kề cận nhau trầm mặc trong nắng hanh, như đám đông say mê âm nhạc đang chiêm ngưỡng, đang lắng nghe những hoà âm tuyệt vời của thu. Những cánh rừng bạt ngàn với các màu sắc đẹp mắt trên triền núi cao thấp đang thả hồn trong tiếng thu. Ước gì tôi có được hạt trai thần của anh chàng thư sinh năm xưa, hóa thân của dã tràng, trong một truyện thần tiên nào đó cho tôi nghe tiếng thu. Tôi mường tượng, có lẽ, sẽ nghe được thu thì thầm rằng hãy yên lặng nhìn, hãy lắng nghe, hãy cảm nhận bằng trực giác, vì bạn ơi, thu của New Hampshire là thế và thu của bạn là thế. Bạn không phải leo cao cho bầm tím thân thể, không phải lội bộ cho đau đớn đôi bàn chân nhỏ hay các vết dộp trên các ngón chân làm bạn khóc, không phải thở đứt hơi leo cao xuống thấp mới có thu. Đừng tìm thu, vì thu sẽ đến với bạn trong những giấc nồng khi tiếng gió hú ngoài song, tiếng xào xạc của lá trở mình, tiếng suối reo của muôn triệu các con suối nhỏ, một hoà âm tuyệt vời toả lan trong không gian vô tận.
Nhưng tôi muốn hơn thế, tôi muốn được bước nhẹ trên thảm lá khô, muốn được nằm dài dưới gốc cây nhìn nắng, nhìn lá cuốn trong không hay đuổi bắt nhau, đùa rỡn quanh tôi. Tôi muốn nhìn các đôi mắt trong thơ ngây với vành mắt tím đen nhìn tôi như nói nhỏ…thu đẹp đấy, nhưng cẩn thận nha không thì toi mạng đó … của các nàng hươu nai đang lẩn thẩn ngơ ngác ngắm thu. Tôi muốn nói nhỏ cùng thu… ừ biết là thế nhưng tôi phải tìm thu cho thân thể mệt lừ, cho mắt môi tái lạnh, cho đôi chân đau đớn một lần cho biết thế nào là thu ở New England.
Tuy ngồi trong xe đông người, tôi lạc vào thu từ lúc nào chẳng biết cho tới khi xe thả chúng tôi xuống Joe Doger Lodge. Căn nhà gỗ ba tầng lầu xây từ 1920 đặc biệt cho các người yêu thú đi núi. Căn nhà này ẩn mình dưới chân ngọn núi Washington, kế Pinkham Notch Visitor Center, trung tâm cung cấp tin tức cho du khách. Đây cũng là nơi có các lối mòn đưa người mê đi núi vào thế giới nổi danh của rặng White Mountains. Các rặng núi trùng điệp bao quanh căn nhà với lá đổi màu như ôm choàng bạn vào lòng. Ngủ qua đêm nay, ngày mai chúng tôi sẽ có bẩy ngày làm quen với các con đường cao thấp, làm quen với thu của New England
O8/10/2006, chàng và tôi cùng hai người bạn có ý định leo ngọn Washington. Chúng tôi khởi hành 8:20 sáng. Hai người bạn tôi đi rất nhanh, chẳng bao lâu họ biến mất trong các rừng cây. Chỉ còn tôi và chàng. Rồi chàng của tôi cũng không đợi con rùa tôi được nên tôi đi một mình. Trên đường lên núi, tôi chỉ kịp uống nước trong cái bịch plastic mang tron ba lô đeo sau lưng và thở; tuy rằng thỉnh thoảng chàng khen tôi để cổ động tinh thần.
Lối mòn lên ngọn Washington này thật khổ với các tảng đá dựng đứng và các con dốc thẳnng lên cao thay vì ngoằn ngoèo. Sau ba giờ đau khổ tôi cũng bò được đến điểm nghỉ trong khi vợ chồng người bạn thân có lẽ đang nhấm nháp champagne trên dỉnh rồi. Mở ba lô tìm thức ăn tôi mới nhớ rằng chàng của tôi giữ gói thịt bò khô, món chính cho bữa ăn trưa, mấy cái kẹo và gói đậu phụng rang muối. Thế là đi đong bữa ăn trưa, thôi đành uống nước trừ cơm nhưng khi sờ tới nước thì tôi uống hết từ lúc nào mà không hay. Tôi nằm dài trên lối mòn, đầu tựa lên đá, giận thân. Chỉ còn 700 ft nũa là tới đỉnh ngọn Washington. Nhìn dễ hụi à. Tôi mới chẳng vừa chinh phục 3400ft chiều cao để nằm đây sao. Nhưng tôi đổi ý vì quá mệt trong lúc lạng quạng leo lên chốn này ba mươi phút trươc và toán của tôi khoảng mười mạng ai cũng mong cho mau về tới nhà trọ cách xa gần sáu dặm trường. Chàng của tôi giao tôi cho Patti người tổ chức chuyến đi, Còn chàng thay Patti dẫn cô bạn trẻ trong nhóm khi cô ta ngỏ ý muốn cùng tôi đi leo lên đỉnh.
Chàng leo núi nhanh như vượn, quên mất rằng con rùa tôi cần nước, cần thức ăn. Chàng giữ cái lọc nước làm sao tôi có nước uống. Tôi mới leo núi có ba tiếng mà hai lit nước đã biến mất, tôi cần it’ nhất hai lit nữa cho con đường dài sáu dặm đau khổ tới . Tôi cho mình cái ảo giác tôi có thể gặp chàng sau khi chàng leo lên đỉnh trở về. Tôi quên mất trên núi có bao nhiêu con đường mòn đưa đến nhà trọ Mizpah(Mizpah hut), và phải có mặt lúc sáu giờ chiều cho đúng giờ cơm. Nếu không đến đúng giờ thì nhịn.
Tôi biết mùa thu ngày rất ngắn, và mụ Patti sẽ không cho tôi ngừng nghỉ cho lại sức, mụ sợ tôi khờ khạo lạc đường. Tôi vừa đi vừa thở và lo rằng tôi sẽ chẳng lê được cái thân gần năm mươi ki lô này về nhà trọ. Vừa đi vừa giận thân, tôi nhìn con dốc dài ngao ngán, lúc ngửng lên nhìn trời chiều tôi thấy Patti đang đứng đợi tôi. Mụ đứng thẳng trong màu trời chiều trông rất lạ, mụ tuy gầy như con tép nhưng giọng nói rất nhẹ, nụ cười rất tươi, mụ ra lệnh cho tôi đưa mụ cái ba lô và hối tôi bước nhanh cho kịp giờ. Tôi thở phào, trút gánh nặng. Mụ vừa đi vừa ca còn tôi thì chạy. Con đường mòn này dễ ghét thật, nó làm tôi đứ đừ, khi lên cao khi xuống thấp. Patti mang cái ba lô đuợc hai tiếng, mụ trả lại tôi. Patti cho tôi biết chỉ còn hai dặm là tôi khỏe ru. Tôi nghĩ, mặc kệ mọi người, tôi không thèm ăn. Tôi chỉ muốn ngủ một giấc cho lại sức rồi đi tiếp. Có lẽ tội nghiệp con rùa này, Ray mang cho tôi cái ba lô. Ray tuy lớn tuổi nhưng còn gân lắm, như con mèo rừng với đôi mắt tinh anh. Appalachian dạy cho tôi biết thế nào là đi núi. Chân tôi rát và đau không tưởng. Giá thường ngày tôi sẽ nhỏ nước mắt để chàng mủi lòng, nhưng bây giờ giữa hai con mèo rừng tôi chỉ biết xuýt xoa vì đau. Tôi đi mà như chạy vì khi xuống dốc, đá lớn đá nhỏ lởm chởm, tôi muốn bước nhẹ nhàng cũng không được thành thử cái thân thể nặng nề của tôi giống như trái bóng xẹp hơi cứ nhảy từ hòn đá này qua tảng đáng nọ. khi ôm cây tuột xuống, khi ôm cành leo lên. Nhìn lại đằng sau Patti và Ray vẫn cách tôi mươi bước. Còn chừng một dặm tôi lấy lại cái ba lô. Con dốc dẫn đên Mizpah thật là nguy hiểm, toàn là các tảng đá dốc trơn trượt , dề gẫy chân vỡ mặt. Không hiểu sao tôi bước lên được các bậc thang nhà trọ Mizpah và chỉ còn năm phút là sáu giờ chiều.
Lẫn trong đám đông lờ mờ ngoài hành lang, tôi nghe chàng gọi tên tôi, và bàn tay ai đó kéo tôi vào phòng. Tôi quăng ba lô, ngồi phịch xuống giường ngủ mệt nhoài. Chàng săn đón, hỏi gì tôi cũng chẳng trả lời, mặt sưng như cái trống. Chàng hứa từ nay không rời tôi nửa bước cho dù các đỉnh núi gọi mời. Cơ thể tôi đau như vừa bị ai đánh cho một trận, quần áo ướt đẫm mồ hôi, đầu tóc bù rối như tổ quạ, tôi khoác thêm áo ấm theo chàng vào phòng ăn. Trời ơi! Chín dặm chín giờ khổ hạnh, chẳng nhìn thấy màu thu, vi toàn là tùng lùn xanh ngắt. Ôi đâu rồi các con đường mòn nên thơ của tôi dưới núi. Hai ngón chân cái tôi bị dộp và mọng nước còn hai ngón chân út đỏ tía. Đầu gối tôi lỏng lẻo, chân cứng như gỗ. Tôi nhủ thầm ngày mai sẽ uống ba viên thuốc trị đau.
09/10/2006 hơn mười mạng trong nhóm hồ hởi đi chinh phục hai ba ngọn núi thấp hơn như Jackson hay Speer, đường ngắn nhất cũng mười hay mười hai dặm. Biết ý tôi chàng bỏ đám bạn dẫn tôi đi con đường tắt khoảng ba dặm tới trung tâm Highland. Trời trong xanh, lành lạnh, tôi hát nho nhỏ và bước những bước nhẹ nhàng như mèo rừng nhưng vẫn sợ trượt chân thì hết đi đâu. Chàng lẩn thẩn đi bên tôi trò truyện tôi cũng vui. Tôi mù tịt về thơ nên chỉ nhớ hai ba câu của Đinh Hùng hay Thế Lữ. Đi giữa rừng thu một buổi sáng lạnh buốt, lá rừng ướt sũng sương đêm, rêu xanh phủ đầy thân cây, có lẽ thơ sẽ khác hai nhà thơ kia lắm.
Tới Highland Center, căn nhà trông như còn mới( mới xây năm 2003) ẩn mình dưới chân rặng White Mountains, Crawford Knotch là nơi dẫn người mê đi núi vào thế giới các đỉnh núi tuyệt vời trong rặng Appalachian. Tôi nằm dài trên thảm cỏ công viên trước nhà tắm nắng, đọc truyện.
10/10/2006 buổi sáng, xe trung tâm Highland chở chúng tôi đến địa điểm khởi đầu lối mòn Wester Cliff. Một dặm đầu là con dốc cao phủ lá vàng còn tươi vì trận bão gió tối qua. Cây rừng trơ trọi nhưng cũng còn ít lá lơ thơ trên cành. Tuy mệt nhưng lối mòn đẹp quá, tôi đi giữa rừng thu, lá xào xạc trở mình dưới chân. Sau hơn tiếng đồng hồ mệt đứt hơi, lối mòn như bằng phẳng hơn, tôi có dịp nhìn thu hơn và mường tượng nhiều hơn. Tôi quên cả mệt, xuýt xoa nhìn lá quay mòng mòng trong nắng sớm. Con đường dẫn tôi doc theo bờ con suối, tiếng suối reo hùng vĩ giữa cây rừng hoang sơ không một bóng người chỉ có tôi và chàng. Suối có tên Thoreau, bạn còn nhớ chứ Henry David Thoreau, một triết gia cũng là văn thi sĩ của Mỹ trong thế kỷ mười chín. Tôi mặc nào áo len nào áo gió (windbreaker) nào quần len, thế mà triết gia này mê nơi vắng vẻ này lắm, chẳng lẽ ông là bạn thân của Lão tử chăng. Theo ý nghĩ của con rùa tôi, chắc là phải điên lắm mới sống cả mùa đông tuyết phủ trong cái lều Thoreau tự xây bằng đá nhỏ tí teo bên cạnh hồ Walden trong một khu rừng ở Massachusetts tôi đã phục ông. Tơ lơ mơ ông leo lên tới đây, New Hampshire, lên tận cái thác tôi đang ngồi, để suy nghĩ hay viết ra một tư tưởng mới lạ cho hậu thế tản hồn. Tôi được đọc tác phẩm của ông, thấy nhiều cái cũng có lý nên nhớ tên ông hoài. Thích thôi chứ không làm đệ tử của ông Thoreau được vì tôi sợ lạnh, sợ đói và sợ muỗi lắm tuy rằng muỗi ở đây không to như muỗi Alaska nhưng bạn có thể làm mắm muỗi trong mùa hè ở New Hampshire đấy nhé. Bỏ suối Thoreau, tôi và chàng lang lang trên đường lên nhà trọ Zealand( Zealand hut), rừng thu thật êm đềm và tôi cứ mơ sao đi như thế này hoài. Chắng bao lâu đá hòn đá tảng lại hiện ra cản lối đi. Nhìn lên cao, các hòn đá phủ rêu ướt nước tôi thở dài. Tôi phải chinh phục cái suối cạn với độ cao 2,400ft này mới đuợc ăn bữa cơm chiều ở đây. Lên đến nơi, tôi bỏ ba lô chạy ra suối. Các tảng đá vĩ đại chồng chất lên nhau trải dài từ đỉnh và các giòng nước hiền lành như các giải mây từ từ rơi. Leo trèo quanh suối vài phút, tôi ngồi nhìn các cánh rừng bạt ngàn cao thấp, nhìn mây núi lờ mờ tản mạn nghĩ ngợi mông lung. Mấy đêm nay trăng thu đẹp lạ lùng nhưng vì lạnh và gió rừng tôi chỉ chạy ra ngắm trăng vài giây rồi lại chạy vào phòng mình cho ấm
11/10/2006 chúng tôi rời Zealand xuống núi sớm để xe đưa chúng tôi đến địa điểm đi lên nhà trọ Greenleaf . Con đường đi xuống quá tuyệt vời, chúng tôi lạc vào cảnh rừng thu trơ cành trụi lá, lá vàng phủ khắp lối đi. Trời trong xanh và lạnh kinh hồn.
Trên đường lên nhà trọ, con thỏ chàng và con rùa tôi lại rời bỏ đám đông hay bị đám đông bỏ lại. Đoạn đường hôm nay chỉ gần tám dặm và sau khi xuống con dốc 700 ft, tôi chỉ phải leo lên 2,200 ft. Tôi không ngờ rằng mình có thú đau ..thương… như thế này. Cho dù đã có băng keo cho blisters xẹp xuống, có băng keo cho hai ngón út đừng đau, có ba viên thuốc trợ đau, thế mà tôi cứ xuýt xoa nhăn mặt kiểu …..cười nụ của Nguyễn Du trong Kiều. Gần tới nhà trọ mưa hơi nặng hạt, gió hú ù ù. Tôi vừa đặt chân lên tảng đá cuối cùng của lối mòn, đã nghe tiếng gió hú dễ sợ, rừng tùng rạt thấp, cỏ kêu phần phật, mây dầy từng tảng vụt bay trước mặt. Tôi nghe tiếng chàng hét to, chàng nắm cánh tay tôi lôi đi như gió. Gió xô tôi như người say rượu. Chàng dùng hai tay mở cửa nhưng gió thổi quá mạnh cho nên mấy người bên trong nhà trọ phải đẩy cửa chúng tôi mới có thể lọt vào trong. Tôi như người vừa bị nhúng trong thùng nước đá. Trong phòng mọi người đều mặc áo ấm như đang dò dẫm lên bắc cực. Tôi sẽ có một đêm rất lạ, nằm nghe gió hú chăng? Thấy tôi như con mèo ướt, với kinh nghiệm lang thang trên xứ Nepal, chàng xin cho tôi một chai nước sôi để vào giường cho ấm may ra tôi đỡ càu nhàu.
Tôi ngồi trong phòng ăn nhìn lên núi cao, mù mịt sương mây. Các đám mây bay phần phật đong đầy thung lũng, tiếng gió đập vào tường, tiếng hú lồng lộng ngoài rừng. Cái đám đàn bà thích nói chuyện hay cười khúc khích tối nay quàng chăn ngồi sát bên nhau tìm hơi ấm, trông họ như các thiền sư đang thì thầm một câu kinh nào đó.
12/10/2006 chúng tôi rời nhà trọ lúc tám giờ sáng. Đường xuống núi trơn trượt, lá xanh phủ đầy. Sau năm tiếng dài leo cao xuống thấp gần tám dặm, nhà trọ Lonesome Lake (Lonesome lake hut) hiện ra trước mặt. Tôi nhủ thầm, ngày mai sẽ được tắm nước nóng. Cái anh chàng có tên Lonesome này chọn được một cái hồ lớn, không ma lè nào leo lên tới nơi ngoại trừ gấu, mèo rừng. Anh chàng làm một cái nhà bé tí để được gần thiên nhiên. Không biết Lonesome có viết được cuốn sách nào cho hậu thế, nhưng riêng tôi phục ông quá đỗi. Cái nhà trọ này nhìn quanh đồi núi buồn hiu hắt không biết ông thấy gì.
Gần ba giờ sáng, không ngủ được, tôi mặc quần áo ấm định đi ra ngoài ngắm trăng. Tôi còn đang co mình trong cái lạnh, chàng đã cười tươi cho biết rằng tuyết đang rơi. Tôi đi vội ra ngoài, tuyết phủ trắng mọi cảnh vật và đóng đá. Còn ba tiếng nữa tôi mới có quyền vào nhà bếp. Chui vào chăn nghĩ đến vài giờ nữa tôi sẽ đến trung tâm Cardigan. Đã ba ngày rồi mọi người úm trong quần áo đẫm mồ hôi, đầu tóc như các tổ quạ nho nhỏ và các gương mặt nhăn nhó.
13/10/2006 bỏ nhà trọ Lonesome thật sớm, đường còn đọng đá, tôi và chàng tiên phong xuống núi. Trên đường xuống núi hôm nay tôi là người vui mừng nhất. Lối mòn phủ lá vàng đọng tuyết, đường ướt nhẹp, sương núi lờ mờ. Tôi tung tăng như em nhỏ, cười nói luôn miệng khác hẳn mấy ngày qua. Mặt trời từ từ nhô cao trên các đỉnh núi, thả nắng vằng xuyên qua lá cây trong như hổ phách rung nhẹ trong gió. Tôi quên cả mệt, nhảy chân sáo trên đường xuống núi. Những cánh rừng sồi đang mặc màu nầu tươi quyến rũ xen giữa màu vàng của lá các cây giống như bạch dương( white birch). Khoảng mười một giờ xe đón chúng tôi đi trung tâm Cardigan.
Xe chạy một lèo hơn bốn tiếng. Các cánh rừng trùng điệp rực rỡ màu thu, hai bên xa lộ màu đỏ màu vàng của bạch dương của lá phong khoe màu trong nắng. Con đường vào Cardigan, đẹp mê hồn với các trang trại, hồ lớn và các cánh rừng chưa rụng lá.
Tôi thích trung tâm Cardigan ngay khi vừa nhìn thấy căn nhà hai tầng xinh xinh. Trung tâm cho các người mê thú trượt tuyết, đi núi được bao quanh bởi các cánh rừng, hồ nhỏ trước trung tâm và nhiều suối. Nghỉ giây lát chúng tôi tản mạn quanh một con đường mòn ngắm thu. Tôi thơ thẩn mặc kệ chàng và cặp vợ chồng bạn, tôi đang ở giữa rừng thu có lá vàng phủ ngập lối đi, có tiếng chim gọi nhau và tiếng suối reo đâu đó. Trên đường về tôi nằm dài trên ghế kế hồ nhìn trời xanh, nghe lá hờ hững rơi quanh mình.
14/10/2006 hai đứa tôi chinh phục núi Cardigan, đường đi chỉ có ba dặm thôi. Cùng vẫn lên cao với các tảng đá trơn nước hay đóng đá. Tới đỉnh, gió thổi mạnh, lạnh ghê hồn. Tuy trời thật trong và đẹp nhưng tôi chỉ có thể đứng giữa trời nắng gió này năm phút cho dù tôi mặc một áo len, một áo gió và một áo ấm khi trượt tuyết. Tôi rời núi Cardigan không luyến tiếc. Tôi mê các con suối, các cánh rừng lá đang thay màu , các cây câù gỗ bắc ngang suối phủ đầy lá khô, tiếng gió reo, tiếng lá sào sạc dưới mỗi bước tôi đi. Nắng thu huyền ảo, màu nhiệm la thường, hoa nắng lung linh dưới vòm trời trong xanh, hay trên các dòng nước trôi nhanh với lá vàng. Tôi chưa bao giờ có những giờ tuyệt vời với thu như ở Cardgan. Lá vàng e ấp trải thảm các lối mòn ngoằn ngoèo như thu gọi mời người vào thế giới êm đềm của thu. Ước gì tôi biết làm thơ nhỉ, để nói cùng thu những ước mơ. Ước gì tôi biết làm thơ nhỉ, để nhốt hồn thu trong cõi thơ. Ước gì tôi biết làm thơ nhỉ, để đưa người vào thế giới thu. Ước gì tôi biết làm thơ nhỉ. . .
15/10/2007 xe trả tôi vê Boston, lá thu tưng bừng rộn rã trên các cây phong già, rơi từng đợt dạt dào trong gió. Boston đẹp quá trong thu. Tôi tự nhủ lòng sẽ không dại gì đi theo đám Mountaineers này đâu. Về lại Seattle tôi sẽ làm cô Điệu, đi giầy ủng cao gót, đeo kính mát, dắt con chó xù nho nhỏ, lang thang Capitol Hill. Madison, dạo arborateum cùng cô nàng thi sĩ họ Vương, chụp hình mấy cây phong lá đỏ đang thì thầm trong nắng hay đang mỉm cười trước ống kính.