+d kính chào SLtt và chư vị
được bạn chuyển cho bài này, xin chia sẻ, không biết nguồn từ đâu
Tạo Nhàn
Khi còn trẻ, ông Tư là một người lý tưởng, cầu toàn, bởi vậy, nên khi nào cũng tự dằn vặt khổ sở. Nhìn chung quanh, thấy toàn khuyết điểm, bực mình. Ngay cả đàn bà, con gái, ông chẳng thấy cô nào tạm gọi là đẹp. Cô nào cũng có cái khuyết điểm riêng. Cô thì dung nhan sáng sủa, nhưng dáng đi lúc lắc xiêu vẹo, cô khác giọng nói không được thanh tao, cô khác nữa thì hơi ngu. Ngoài xã hội, thì thấy bất công, tham nhũng, nhiều thiếu sót. Bởi vậy cho nên ông Tư thấy khổ tâm, nghĩ là mình "sinh lầm thế kỷ".
Ðến khi ông Tư được sống chung với cộng sản tại miền Nam Việt Nam sau 1975, ông như người ngủ mê thức dậy, cảm thấy những dằn vặt nội tâm của mình trước đây là điều lố bịch, ngây thơ, tội nghiệp. Bởi sống trong chế độ mới chỉ mong cái xấu xa nó bớt phần xấu đi cũng đã quá mừng, đừng nói chi đến cầu toàn, lý tưởng. Như người tu nhìn thấy bến giác, ông Tư quay hẳn đường lối suy tư, cho hợp lý, hợp tình, nhìn sự vật bằng con mắt thực tiễn hơn, chấp nhận sự vật có mặt trái, mặt phải, có tốt có xấu.
Khi thoát ra được xứ tự do, ông Tư đón nhận cuộc đời với một tinh thần lạc quan, cởi mở, cho nên ông dễ dàng tìm được hạnh phúc chân thực trong cuộc sống mới.
Ðể được nhàn nhã, mỗi ngày ông Tư thức dậy sớm hơn một giờ trước khi rời nhà. Khi đồng hồ báo thức reo, ông cứ tự nhiên nằm nướng trên giường thêm chừng năm mười phút, và để đầu óc thảnh thơi, nghĩ đến một chuyện vui trong ngày hôm trước, hoặc một câu chuyện tiếu lâm, nằm cười một mình, đôi khi ông lay bà dậy, kể cho bà nghe, hai vợ chồng cùng cười. Mở đầu một ngày bằng một miềm vui, bằng nụ cười, ông Tư thấy khỏe khoắn hơn từ tinh thần đến thể xác. Trong lúc thong thả làm việc vệ sinh buổi sáng, ông Tư mở nhạc êm dịu nhẹ nhàng từ chiếc máy hát nhỏ để trên bàn trong phòng tắm. Không việc gì mà gấp gáp, còn nhiều thì giờ chán...
Sau khi vệ sinh xong, ông ngồi vào bàn điểm tâm nhẹ, vừa nghe tin tức buổi sáng, vừa uống trà, với tâm hồn thư thái, tự nhiên. Rồi ra xe đi đến sở. Cứ từ từ mà lái, không việc gì mà gấp gáp, nhanh được vài ba phút mà có thể trễ cả một đời nếu gặp tai nạn. Thói quen đi sớm hơn giờ làm việc chừng mười lăm phút, cho ông có cái nhàn nhã khỏe khoắn hơn những người khác. Cái nhàn và khỏe nó lan tỏa, làm tinh thần cũng như thể xác cảm được cái sảng khoái của trời đất trong một ngày mới chớm. Trong lúc các xe khác nôn nóng, lo lắng trễ giờ, lách qua, chuyển lại, bấm còi, thì ông thản nhiên như ngồi thiền.
Khí hậu thời tiết nào cũng làm ông vui vẻ, sung sướng. Hôm nay trời trong sáng, đẹp đẽ, khí hậu mát mẻ, thì ông mở lòng ra vui đón cái ân huệ của đất trời, ngắm nắng hồng đang ẩn hiện sau đám mây, trên nóc phố, đầu ngọn cây. Nếu trời mù mịt tối thui, mưa gió dầm dề, thì lòng ông cũng mênh mang vui thú, thả cái lãng mạng ra mà hòa cùng mưa gió, ngâm một vài câu thơ, hát một đoạn nhạc. Thấy mưa giăng đẹp như kỷ niệm thơ ấu. Thấy tuyết trắng đẹp như niềm ước mơ. Nắng cũng hân hoan, mưa cũng thú, và bão tuyết cũng vui. Ông biết hòa mình với trời đất với cỏ cây, với hoàn cảnh, để tạo niềm vui cho mỗi ngày. Tiếng nhạc reo vui buổi sáng trong xe như đổ thêm sức sống, tăng niềm tin yêu đời....
Ðúng giờ làm việc, ông Tư nhất định rời tờ báo, bắt tay vào việc. Dù hôm nay công việc có chất chồng, có gấp gáp đến đâu, thì ông vẫn bình tĩnh, lập một bản kê khai thứ tự ưu tiên, việc nào cần làm trước, việc nào làm sau. Cứ từ từ theo đó mà làm, không việc gì phải hốt hoảng. Nếu có công việc khẩn cấp, thì liệu thì giờ mà làm, liệu phương pháp mà theo. Có thì giờ nhiều thì làm kỹ càng hơn, ít thì giờ thì làm sơ sài hơn, ngắn gọn hơn, hoặc yêu cầu gia hạn thời gian hoàn tất. Không phải lo lắng, quýnh quáng. Cũng không chết chóc gì ai. Cũng không ai dám động đến sợi tóc mình. Nếu có ai hỏi tại sao thiếu chi tiết này, thiếu chi tiết kia, thì ông Tư cho biết thời gian giới hạn, chỉ cho phép chừng đó kết quả thôi, không ai có thể làm hơn được. Công việc làm thì cứ từ từ, bình tĩnh làm, hấp tấp thì có khi sai sót và càng mất nhiều thì giờ hơn.
Trong lúc làm việc, nếu thấy mệt nhọc, ông nghỉ ngơi năm ba phút, đi một vòng, thở sâu vài hơi, nói vài câu khôi hài cùng bạn làm việc ... Mỗi ngày có hai lần nghỉ xả hơi, mỗi lần mười lăm phút, ông Tư ra khỏi sở đi bộ vài vòng cho giãn gân giãn cốt, nhìn nắng lung linh trên đầu cây ngọn cỏ. Khi thì đi quanh đường phố, nhìn sinh hoạt thiên hạ; khi thì đi bộ quanh hồ, nhìn hoa nở muôn màu, nhìn nước xanh long lanh trong nắng, có những chiếc thuyền nhàn nhã bơi. Nhìn bầy chim trời ríu rít cả ngàn con chạy theo du khách xin ăn. Nắng trong lành ấm áp, khí trời dịu dàng mát mẻ thông qua buồng phổi, làm cho tinh thần và thể xác thấy mạnh khỏe, khoan khoái. Không một ưu tư lo lắng. Tâm trí thảnh thơi. Mỗi ngày hai lần, mỗi lần mười lăm phút như thân thể được nạp thêm điện, thêm sinh lực.
Khi đi bên hồ, đón nhận một luồng gió mát hây hây, làm sống lại trong ông Tư một miền quê hương yêu dấu, tưởng như mình đang sống tại bên nhà, một ngày đi qua sông Tiền, sông Hậu. Những khi đó, thì trong lòng vang vọng niềm vui, yêu đời hơn, yêu nhân loại hơn, yêu những bạn bè, đồng nghiệp nhiều hơn., nhất là thấy công việc đang làm dễ dàng hơn, thích thú hơn.
Cũng có khi, ông dùng mười lăm phút xả hơi để cùng uống cà phê, bàn chuyện phiếm với bạn bè, ngồi quanh bàn nói chuyện vui vẻ, cười đùa trêu ghẹo nhau. Sau đó, về lại ngồi vào bàn giấy, ông Tư thấy mình sáng suốt và tinh tấn, giải quyết công việc mau hơn, dễ dàng hơn. Nhất là tinh thần thấy thư giản, khoan khoái...
Ông không cần ai khen, cũng không buồn khi bị chê. Không phải ông thiếu tự ái, nhưng ông chấp nhận lời chê như một kinh nghiệm, để thấy mình, soi rọi mình. Mình dở thì người ta chê, cũng là sự thường, không thể dở mà mong được khen. Ông chấp nhận lời chê để thay đổi, để biết rõ mình hơn. Ðối với bạn đồng nghiệp, ông không cần tranh đua hơn thua. Ai muốn tự coi là giỏi hơn ông, ông chấp nhận ngay, không việc gì phải tranh luận, giỏi hay dở là sự việc khá hiển nhiên, nhiều người thấy, không cần phải xác định. Theo ông, thì hơn cũng chẳng được cái khỉ gì, mà thua cũng chẳng thiệt hại chút gì. Việc chi mà tranh hơn thua, nếu có hơn người ta, thì chỉ bị thêm ganh ghét mà thôi. Thua thì không chừng người ta để yên, có ai muốn đá một con chó vô hại làm gì...
Mỗi buổi trưa, ông Tư hoặc đi bộ xuống phố, tìm một quán ăn mới, thưởng thức một món lạ miệng. Thường ông hỏi và yêu cầu dọn cho ông món đặc biệt nhất của quán... Trong khi ăn, ông để ý quan sát chung quanh, từ thực khách đến chủ quán, tìm những đặc điểm, những kỳ dị, và thường thấy tội nghiệp cho nhân sinh, quay quắt trong đời sống, cả đến khi ăn uống cũng không được thảnh thơi, tận hưởng hương vị.
Khi chờ món ăn thì bồn chồn nhìn quanh, lâu lâu liếc mắt về phía bếp, hoặc thấy hầu bàn bưng món ăn ra, nhìn chằm chặp, hy vọng là món ăn của mình.Khi ăn thì cũng gấp gáp, có người như nuốt vội ra đi cho kịp thì giờ, làm cho xong cái bổn phận với bao tử.
Cũng có những buổi trưa, ông Tư ngồi quán có bàn kê bên hè phố, vừa ăn uống vừa nhìn thiên hạ đi qua, nhìn những bà đầm mông vĩ đại như lăng lãnh tụ, những cô con gái kiêng ăn giữ gìn thân thể ốm o như ma đói lảng vảng, những ông Mỹ mông teo rí bụng thì thề lê trong lúc hai vai xuội lơ, những bước chân lóc cóc vội vã, những khuôn mặt chảy xệ vì sức căng của đời sống. Ông Tư muốn thét to lên với mọi người rằng: "Hãy thong thả, buông lỏng tâm trí, tạm gác qua các lo lắng muộn phiền, không tội chi mà phí đi một buổi trưa nắng tươi đẹp đẽ như thế này. Quên đi và vui lên". Ông chỉ nghĩ thầm, không dám thét to, vì sợ người ta cho rằng ông bị bệnh tâm thần. Ông ngồi thong dong nhìn mây bay trong đáy cốc, nhìn hơi cà phê uốn éo như khói sương, gỡ một cánh lá rụng trên bờ vai, nhìn vào xác lá mà như nghe được âm thanh huyền diệu của đất trời. Rồi lửng thửng ra về, nghe nhịp giày nhàn nhã của mình vang vọng trên hè phố.
Cũng có những hôm, ông Tư cùng bạn bè xuống phố ăn chung, gần chục người, kêu một bàn ăn chừng chục món. Ðôi khi còn ngon hơn tiệc tùng, hoặc ăn cưới. Vừa ăn, vừa bàn chuyện trời đất, nắng mưa, toàn chuyện phù phiếm, vui vẻ, mua được những phút thanh thản, quên đời. Có những buổi trưa, trời tốt, ông Tư mua một bao thức ăn, ra công viên, đi dạo cùng một vài bạn Việt Nam, bàn chuyện thời sự, chính trị, văn chương, có khi cao hứng ngâm sang sảng vài ba câu thơ đắc ý. Cứ ngâm to, mặc kệ thiên hạ qua lại, có ai hiểu gì đâu mà ngán. Cũng có khi bên bờ hồ nằm ngửa dưới bóng mát tàng cây, vừa ăn vừa nhìn mây bay, nhìn vòm lá xanh ngắt, nhìn những tàng hoa long lanh trong nắng, nhẹ rung gió vờn, tiếng chim ca líu lo, cảm thấy cái thảm cỏ như tấm nôi êm ngập tràn hạnh phúc, trong lòng sảng khoái thênh thang. Có khi gió hây hây mát, làm mắt nặng trĩu mơ màng, và thiếp đi trong một giấc ngủ ngắn, thật say, thật ngon. Khi tỉnh dậy giật mình biết mình đang nằm trên thảm cỏ, chỉ có năm mười phút chợp mắt mà tưởng như đã ngủ được một giấc dài mấy giờ liền. Nằm lơ mơ nhớ đến giấc mộng mà sảng khoái, rồi lửng thửng ra về. Thấy mình nhàn như tiên, thảnh thơi như thần thánh, nhẹ nhàng như có mọc cánh bay cao.
Ðời sống sao mà dễ thương và quí hóa quá. Tại sao sẵn đây, mà có nhiều người không chịu đón nhận, thụ hưởng, mà lại để cho những mối lo âu, phiền não ám ảnh, làm băng hoại cả một ngày vui. Có chi đâu, hãy tạm gác lại những việc chưa tới và quên đi những bực bội khó khăn đã qua. Gác quá khứ về cho quá khứ, để dành tương lai cho tương lai. Hiện tại không giải quyết được chuyện quá khứ, cũng chưa đến thời điểm để thanh toán chuyện tương lai, thì tạm quên đi. Có được một giờ vui, thì vui đi kẻo uổng ...
Buổi chiều tan việc, ông Tư buông bút, để lại công việc sở tại sở. Quên hết việc sở, không chút vướng bận, không chút âu lo suy nghĩ.
Ông có thói quen không đem việc nhà đến sở, cũng không đem việc sở về nhà. Rõ ràng, phân minh. Ði làm để kiếm sống. Về nhà để sống, để vui thú gia đình, vui với vợ, với con, hướng dẫn cho con học hành trong tinh thần thoải mái, dễ dàng...
Ông đã có con đường tiến thoái rõ ràng, không việc gì phải lo lắng mất công. Tiến, thì cứ cuộc sống này, mà thoái thì thu hẹp cuộc sống lại, bớt chi tiêu, ở cái xứ này, thì không phải sợ đói, sợ lạnh. Cùng quẫn lắm thì ăn cơm thịt gà kho, dưa mắm thì không chừng lại được mạnh khỏe hơn, vệ sinh hơn. Mạch máu bớt nghẹt ứ chất mỡ. Cứ nhìn gương người Lào sống trên đất Mỹ, họ sống chung cả mười mấy người trong chung cư một phòng, cứ trải chiếu ra mà nằm ngủ trên thảm, rau thì trồng xanh tươi trong vùng đất trống của chung cư, nuôi gà làm thịt, đi câu cá chất đầy thùng lạnh. Chỉ tốn tiền mua nếp và muối mà thôi. Mỗi tháng họ chỉ tốn mấy chục đô la là phong lưu không thua ai. Nhưng họ có cái ham là đi xe hơi đắt tiền, xe hơi sang trọng. Và ông nghĩ rằng, ngày mới đến định cư, trên người chỉ có bộ áo quần sờn rách, nghề nghiệp chưa biết ra sao, ăn nói ấm ớ tiếng được tiếng mất, thế mà còn chưa ngán, nay thì đã ăn nói khá thông thạo, nghề nghiệp kinh nghiệm vững vàng, thì sao lại sợ. Người Mỹ có câu rằng "cửa này đóng, thì cửa khác sẽ mở".
Nhiều người lầm tưởng nhàn nhã là sự biếng nhác, trây lười. Tưởng cứ ỳ xác ra, không làm chi cả là nhàn. Nhàn là một trạng thái tâm linh, cảm nhận được sự thanh thoát nhẹ nhàng trong ý nghĩ, trong hành động. Nhàn là cởi được sức căng, sức ép của đời sống tốc độ. Nhàn nhã muốn tìm là có, muốn có là được, nó tiềm tàng trong đời sống, sẵn đó, nhìn thì thấy, mà không để tâm nhìn, thì nó thành xa xôi. Như cụ Nguyễn Công Trứ viết, đại ý rằng, biết đủ thì thấy đủ, biết nhàn thì thấy nhàn.
Không cần phải về hưu mới tìm được nhàn, có nhiều người về hưu rồi mà vẫn thấy bận rộn vô cùng, không có thì giờ để gặp bạn bè, họp mặt anh em, không rảnh rang để viết thư cho ai. Thế thì về hưu làm chi cho bận rộn, cho khổ thân? Không cần vào núi xa vắng vẻ mới tìm được nhàn. Sống ngay tại phố thị, và còn phải mưu sinh, nuôi vợ, nuôi con, bị vợ cằn nhằn, bị con đòi hỏi, muốn nhàn thì vẫn tìm được nhàn. Không cần vào chùa tu, đọc kinh kệ, cứ ở ngay giữa thế gian. Cứ tạo cho mình cái thanh thoát trong ý nghĩ, trong cuộc sống, trong sinh hoạt hàng ngày, sao cho đừng bận rộn với những chuyện chưa tới, và quên đi những bất bình trong quá khứ, có được phút vui nào , có được thời gian ngưng nghỉ nào thì nắm chặt lấy mà khai thác, thì tự nhiên thấy được nhàn.
Ðối với công việc làm ăn, nhiều người ví von rằng, đi làm là "trả nợ áo cơm" hoặc là "đi cày", chỉ mới có cái ý nghĩ đó thôi, dù là nói cho văn vẻ hoặc pha chút khôi hài, thì cũng đã làm cho công việc trở nên nặng nhọc, khó chịu và mất vui. Phần ông Tư thì cảm thấy mỗi ngày còn có sức khỏe, còn có công việc làm thì đã là một nguồn vui lớn. Có khối người chạy vắt giò lên cổ để tìm cho ra một công việc làm mà không có.
Ngoại trừ những khi có hẹn, từ nhiều năm nay, ông Tư không đeo đồng hồ tay, để thấy mình thảnh thơi hơn, nhẹ nhàng hơn. Cứ thấy nắng lên, là trời sáng; thấy tối sập xuống, là hết ngày. Thong dong, khi buồn ngủ thì đi ngủ, ngủ không được thì nằm đọc sách cho đến khi rớt sách thì thôi.
Nếu ý nghĩa của đời sống là đi tìm hạnh phúc chân thực trong kiếp người, và nếu hạnh phúc là những niềm vui nho nhỏ gom góp lại cộng với những sảng khoái của ngày tháng, thời gian, thì có thể nói ông Tư đã đạt được phần nào cái hạnh phúc chân thực mà không phải tốn nhiều công sức, nhiều tiền bạc.
Ai cũng có thể tìm được cái nhàn, cái hạnh phúc chân thực của kiếp sống như ông Tư, thế mà có khối người lãng phí thời gian, lãng phí cơ hội.
Tràm Cà Mau