Rank: Newbie
Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 1,837 Points: 0
|
:..Thư Cho Người Tình..:2092005 Anh, Đã từ lâu em muốn kể cho Anh nghe về cái chết rất "ANH HÙNG" của Ba em. Nhưng khi chúng mình gặp nhau thì bận rộn công việc quá nên em chưa kể... Hôm nay em có thời giờ rỗi rảnh em soạn lại gởi cho Anh... Em còn nhớ, cũng nhiều lần Anh ôm em vào lòng ấu yếm và nói : "Anh hy vọng sẽ có một ngày, Anh được đặt chân lên đất Bình Chánh để nhìn tận mắt nơi chôn nhau cắt rốn của em. Cảm ơn Bình Chánh..." Bây giờ thì sao ? Thôi, để yên đó đi. "Chuyện gì đến rồi sẽ đến". Bây giờ Anh hãy lắng nghe em kể đây...: "Nợ Nước Trước Tình Nhà" Phỏng theo lời của Mẹ em kể. Cha em, tên Nguyễn Huê Hùng, sanh năm 1912 (Nhâm Tý), tại Bình Trường- Bình Chánh (Chợ Lớn). Cùng anh-em đứng lên chống Pháp vào giữa thập niên 1940. Cha em đã hy sinh vì Tổ Quốc, ngày 26-04-1950 (mùng 10 tháng 3 năm Canh Dần).
((_)) Lối chín, mười giờ sáng cuối tháng Tư, năm 1950. Mặt trời đã lên mấy sào, ánh nắng vàng chói chan khắp bốn phương. Ngoài vườn sương mai còn đọng trên lá trúc, cành tre, nhánh ổi, đọt chuối, tàu dừa... và đàn chim bay nhảy, hót líu lo... ... Tiếng gõ cửa phía nhà sau và gọi nhỏ : "Chú Hùng ! Chú Hùng ! Có Tây bố. Chú mau thoát thân, nhanh lên nhanh lên đi Chú... !’’. Đó là tiếng của ông Ba Trượng, người Tá-điền của ông Nội em (Cả Hạnh), Ông Ba Trượng rất thương quý Ba em. (Đến nay, hễ ai về Tân-Bửu phải đi qua chợ Bình-Chánh, quẹo tay mặt mà người ta vẫn thường gọi "Ngã Ba Tân-Bửu", trước khi đi qua cầu "A-Thàng" phía bên tay trái, người ta vẫn nhớ, "vườn dừa ông Cả...". Người trong xóm-làng cũng thường còn nhắc nhở về ba em: "Chú Bộ Hùng rất thương người. Còn ông Cả thì... !". Thật sự Ba em rất giàu lòng nhân ái. Để trở lại lời ông Ba Truợng kêu ba em tẩu thoát... Nhưng tiếng của ông Ba vừa dứt thì chung quanh nhà đã bị bao vây. Cả chục Việt Gian tháp tùng với một ông Tây râu-xồm. Trong nhà chúng em có đào hầm trú ẩn dưới đít giuờng ở trong phòng, ngụy trang làm chỗ chất gạo và củi lên trên miệng hầm. Hết đường tẩu thoát, Ba em phải lánh thân nơi ấy. Tuy khi đào hầm rất kín đáo và bí mật. Nhưng vẫn có người biết điềm chỉ. Trong đám Tây bố, có một ông Tây trên mặt lộ ra nét dữ tợn, bởi bộ râu-xồm của hắn, trên đầu đội nón cối, mặc quần cụt, áo ngắn tay bằng vải "trây-vi" màu vàng vàng, bên hông mang cây súng lục (hay súng sáu). Hắn xông vô nhà, theo sau có bốn năm Việt-gian, họ trâm tiếng Pháp với nhau, rồi người cận vệ của ông Tây đi thẳng vô cửa phòng, quát to : "Hùng ! Mầy chui ra khỏi hầm mau lên. Nếu không thì có lệnh thảy lựu đạn xuống sẽ nát thây mầy đó !". Chắc trong đầu Ba em nghĩ : "Tụi này, nó sẽ thực hiện, chớ không phải hâm dọa đâu !". Bất chợt, chị Duyên chạy lại cửa phòng dan hai tay chận lại. Ba em tự biết mình tới ngày mạc vận ! : "Thôi, xong rồi ! Tụi nó phát giác ra rất rõ ràng rồi !’’. Ba em không cần suy nghi nữa. Người đẩy mạnh những gì chất trên miệng hầm, từ từ chui đầu lên. Vừa ra khỏi phòng thì cả chục họng súng trực chỉ nhắm vào, cả bọn đều quát to : "Đưa tay lên ! Nếu nhúc nhích thì bắn nát óc mầy đó. Đưa tay lên mau !". Ba em đứng yên với nét mặt điềm tĩnh, đôi mắt nhìn vào từng người. Chắc chắn lúc ấy, trong lòng Ba em tràn đầy khí-phách hào-hùng, chẳng hề nao núng trước những họng súng. Lý tưởng duy nhứt, chỉ muốn hy sinh thân trai để cứu dân, cứu nước ra khỏi ách đô hộ của Thực-dân Pháp, nên máu Anh Hùng càng sôi sụt dâng tràn bao bọc tâm hồn lẫn thân xác Ba em. Nên Người trầm tĩnh, rút chân bước nhè nhẹ để nhắm hướng tìm đường thoát lưới, thì có tiếng nói nho nhỏ : " Hùng ! Hùng ! Mầy đưa tay lên đầu hàng đi. Sau đó có Bác Cả sẽ lo cho mầy ra liền...". Đó là tiếng nói của Thường, người cận vệ của ông Tây kia, mà cũng là bạn học đồng lớp với ba em khi còn nhỏ. Ý chí bất khuất, lại cộng thêm tiếng bảo Ba em đầu hàng, (chắc chắn không bao giờ có chuyện đầu hàng rồi) lời nói của Thường càng làm máu anh hùng của Ba em dâng cao thêm. Ba em vì dân tộc, vì tổ quốc quê hương, Ba quên mất người vợ trẻ đẹp và năm đứa con thơ trước mặt... Ba em mạnh dạn đưa thẳng hai cánh tay đẩy thằng bạn học không đồng lý tưởng,... bốn năm tiếng súng đồng nổ "bùm-bùm-bùm" ầm lên. Một viên đạn vô tình ghim ngay ngực trái của Ba xuyên qua sau lưng máu phung vọt ra - khủng khiếp, thật khủng khiếp ! Em lại chứng kiến cảnh ấy... Khi trúng đạn, Ba em chết đứng... rồi từ từ ngả quỵ bên cạnh bồ lúa cao 3 từng. Trước mắt em, lúc em là một đứa bé lên năm, em hét lên vì sợ điếng nguời, anh Hà, anh Hữu, chị Duyên (anh-chị em) cũng sợ khóc thét lên, bé Phúc, đứa em út mới năm tháng, Mẹ em bồng trên tay. Rồi tất cả bị giữ ở một góc nhà. Trong lúc lộn xộn, Hai Tần, người kèm giữ Mẹ và anh-chị của em, bỗng dưng chẳng biết trong lòng Hai Tần nghĩ gì...? Ông bảo Mẹ : "Thím Hùng, thím tải mấy đứa nhỏ ra khỏi nhà nhanh lên, sẽ có người chia ra mỗi đứa mỗi nơi. Vì tôi thoáng nghe, có lệnh thủ tiêu vợ con của chú Hùng luôn đó !". Mẹ em vừa nghe Hai Tần nói, trong lòng lo sợ điếng lên. Trên tay Mẹ nách bé Phúc, rồi đùa đùa anh Hữu và chị Duyên ra theo. Còn anh Hà và em được ông Ba Trượng dắt đi. Xem như chúng em và Mẹ đã thoát thân. Còn Ba em ! Thật tội nghiệp ! Ba em ngả gục nằm trên vũng máu đào. Ông Thường từ từ đến gần, cúi xuống xem coi Ba bị thương hay chết. Nhưng hỡi ơi ! Ba em chết thật rồi. Nhưng đôi mắt Người vẫn mở trừng trừng như đang còn căm thù, oán hận lắm. Ông Thường đưa tay vuốt mắt Ba, nhưng không nghĩa lý gì, đôi mắt Ba em vẫn mở trao tráo. Thường quay lại nhìn đồng đội và lắc đầu, ông trâm tiếng Pháp với ông Tây : "Il est mort" (Nó chết rồi !). Dường như có sự xúc động tận đáy lòng của Thường chăng ? Tất cả mọi người đều im lặng vài giây. Sau đó, ông Tây nói nhỏ với Thường lời gì không biết ? Thường ra lệnh mấy người kia bằng một giọng nhè nhẹ : "Thằng Hùng, nó chết rồi ! Các anh em muốn lấy gì cứ lấy đi. Còn riêng tôi, tôi chỉ muốn nó bị thương thôi ! Nhưng... điệu này Bác Cả sẽ...". Thường thở ra... đứng dậy bỏ đi ra ngoài sân ngồi dấn thuốc rê hút. Trong nhà, bầy tùy tùng của ông, chúng xông vào, kẻ lục lạo, moi móc, người dành bộ ghế trường kỹ, kẻ giựt khiêng bàn thờ... Họ chia nhau hai bộ ván gỗ mung, kẻ xúc lúa, người bắt heo, lùa gà, rượt vịt..., giống như một bầy quạ đói. Thật là một cảnh thảm thương ! Tậu đồ đạc xong, có lệnh đốt nhà luôn. Thương thay cho Ba em ! Người còn nằm trong nhà, không một ai có chút từ-tâm kéo ra, nên ngọn lửa vô tình thiêu xác Ba em cháy đen co quặp. Xem như Ba chết tới 2 lần ! Khoảng ba bốn giờ chiều lửa đã tàn, chỉ còn chút khói. Ông Nội em (Cả Hạnh) nghe tin dữ lòng chết lịm, nhưng Ông không làm gì đượcc. Vì lúc đó, ông là đương kiêm Ông Cả, nên chẳng dám nhìn con. Riêng bà Nội em (bà Cả Lớn) thiểu não đến nơi. Bà nhờ hàng xóm dập tắt lửa thang còn nghi ngút khói, và xới đống tro tàn tìm xác con. Xác Ba em cháy đen thu nhỏ lại như con heo quay. Có vài người hàng xóm đến nhìn, họ cho mượn hai chiếc ghế mây kê giao nhau để xác ba em nằm lên, và lấy một tấm chăn nhỏ đủ phủ trên cái xác bị cháy đen thui nhỏ xíu. Trong khi đó, ông Ba Truợng cõng em trở về nhà. Vì vậy mà em được chứng kiến thân xác Ba em chết bắn, rồi bị thiêu cháy, thật là thảm cảnh ghê rợn... Tuy còn nhỏ, nhưng cảnh xẩy ra quá kinh hoàng - khủng khiếp trước mắt một đứa trẻ mới lên 4, 5 tuổi. Nên trong trí óc của em vẫn còn ám ảnh và ẩn hiện lờ mờ cái chết thê thảm của Ba em từ ngày tháng năm ấy đến nay. Lúc bấy giờ, sự tang chế, chôn cất cho Ba em cũng không được đàng hoàng. Thân xác chỉ quấn chiếu đem chôn giữa đêm khuya. Vì ông Nội em sợ Thực-dân Pháp làm khó dễ. Bây giờ nấm mồ đất vẫn còn nằm bên cạnh và chung quanh những ngôi mộ "mả vôi" khá khang trang trên đất nhà "hương quả" của giòng Họ Nguyễn... đã hơn 55 năm qua. .............
|