Rank: Advanced Member
Groups: Registered
Joined: 7/9/2012(UTC) Posts: 170 Points: 510 Location: thơ
Thanks: 10 times Was thanked: 6 time(s) in 6 post(s)
|
NHỮNG BÀI THƠ VỌNG ÂM VÀO CUỐI THẾ KỶ *HỒ TRƯỜNG AN Cái tên Thy Lan Thảo chắc cũng không xa lạ gì với các đọc giả kiều bào ở California ( Hoa Kỳ), nhất là những đọc giả trung thành với tờ nguyệt san Hồn Việt. Thy Lan Thảo không phải là bút hiệu của một nữ sĩ. Đây là bút hiệu của một cựu chiến binh. Anh đã từng là sĩ quan ngành Chiến Tranh Chính Trị thuộc Tiểu Đoàn 50 CTCT ( Sài Gòn) và Tiểu Đoàn 20 CTCT ( Pleiku).Sau ngày 30 tháng 4 năm 75, anh là tù nhân qua các trại cải tạo Huyện Tây( Gò Công), Mỹ Phước Tây ( Cai Lậy), Hà Tây ( Hà Sơn Bình), Nam Hà ( Hà Nam Ninh) Tôi đã cùng Thy Lan Thảo cộng tác tờ Hồn Việt. Tôi chỉ đọc thơ anh trên tập san. Và vào xuân năm 2000, qua nhà thơ nữ Dư Thị Diễm Buồn, tôi nhận được một số thơ của anh đã từng đăng báo vào năm 1999 và một bài thơ độc nhất trước tác vào ngày 2-1-2000( bài " Đau Xót Đời Ta") Thơ anh tuy nhiều nhưng chưa có cơ hội xuất bản thành thi tập. Nhưng trong giới thơ văn gốc người Nam Kỳ, tên anh cũng đã khá quen thuộc rồi. Thy Lan Thảo là nhà thơ sống rất nhiều về dĩ vãng hơn là đối diện với hiện tại. Anh ra hải ngoại theo diện HO 14. Từ thuở tác giả vào đời cho tới năm 1999 cũng không phải là lâu lắc gì. Cuộc sống hiện tại của anh trên đất tạm dung chẳng có gì đáng nói. Trong khi đó, cái dĩ vãng thơ mộng thuở thiếu thời ở Gò Công và ở Sài Gòn cùng thuở bước vào quân ngũ và thuở bị tù đày đã đưa anh từ cơn mộng đẹp trên thiên đường hạnh phúc rơi tàn nhẫn xuống cơn ác mộng nơi địa ngục trần gian, đã ghi vào nội giới anh những vết son không phai và những vết thương không thể lành lặn. Cho nên thơ của anh luôn ám ảnh bởi dĩ vãng. Dĩ vãng đó có hai khuôn mặt hạnh phúc và khuôn mặt khổ đau. Nhưng khuôn mặt hạnh phúc quá mờ nhạt chỉ được ghi ở một bài thơ " Đếm lá me bay - Tuổi học trò " Anh vẫn nhớ tình yêu ngày mới lớn Tuổi mười lăm - Áo trắng ngọt sân trường Của một thời vụng dại biết nhớ thương Đôi mắt ướt- Hàng mi che cong vút Lòng rộn rã mỗi lần tan lớp học Theo em về bóng mát lá me bay Bước theo sau nhìn đôi bóng ngã dài Gió e thẹn đùa reo trên tóc rối Sẽ lúng túng nếu tình cờ em hỏi Nhà hướng Đông sao về ngõ hướng Tây? Trời mùa thu - nhiều lắm lá me bay Em e thẹn nên vô tình im lặng Vàng lá úa đùa reo trên áo trắng Chiếc cặp da ôm sát ngực thẹn thùng Vậy mà đêm không ngủ nhớ vô cùng Sáng đến lớp- thầy kêu bài không thuộc ….. Trở về dĩ vãng thuở học trò, tức là nhặt nhạnh lại kỷ niệm thơ mộng trên thiên đường ký ức. Công việc nầy đã có nhiều nhà thơ đã làm rồi. Bài thơ tuy không đặc sắc nhưng vẫn cho đọc giả tìm lại thuở xôn xao của tuổi biết yêu lần đầu. Âm điệu du dương cùng vóc dáng nhung tơ mượt mà của bài thơ vẫn có một nét gợi cảm riêng. Bài thơ" Đếm Lá Me Bay- Tuổi Học Trò" mà tác giả trước tác ở hải ngoại vào ngày 23 tháng 4 năm 99, tới đây đã trở thành một đoạn phim chuyển cảnh. Hình ảnh cô nữ sinh đã trở thành bà mẹ đã có ba đứa con đến tuổi trưởng thành, còn chàng trai tân chính là tác giả đã trở thành người bại binh nơi đất khách ngồi nhớ sa trường xưa, nhớ luôn người tình đầu. Cảnh trước và cảnh sau đã xảy ra ở rất nhiều hoàn cảnh của kiều bào chúng ta. Nó không phải chỉ ở trong các quyển tiểu thuyết diễm tình hay trong phim ảnh tình yêu thuộc loại lãng mạn qua câu thơ " Tình chỉ đẹp khi còn dang dở" nữa. Nó đã đi vào cuộc sống tình cảm của nhiều đôi tình nhân không phải đợi tới ngày chung cuộc miền Nam, mà ngay từ khi cuộc nội chiến giữa Quốc-Cộng bùng nổ. Ba mươi năm- chuyện đời không biết được Vẫn vô tình- trăn trở ý ăn năn Đất tha hương tuổi tác có muộn màng Vẫn rạo rực nhớ đường xưa áo trắng Anh và em đã nhuốm nhiều mưa nắng Ba đứa con em nay đã trưởng thành Riêng anh thì chút ước quá mỏng manh Của một thuở đầu tiên tim rung động Đôi mắt em vẫn hằng theo cuộc sống Vào chiến chinh rồi vào tận ngục tù Suốt tám mùa anh ngắm lá vàng thu Tự an ủi vuốt ve đời giam cấm Tiếng trong phone vẫn êm đềm trong ấm Nếu vô tình chắc khó cảm nhận nhau Thoáng bóng gương- tóc trắng vẫn ngọt ngào Em một thuở mười lăm tình thơ dại Thơ của Thy Lan Thảo phản ánh nguyên vẹn tiếng nói chung của một thời đại mất mát hạnh phúc, một giai đoạn đen tối lầm than của dân tộc. Tiếng thơ anh là tiếng thơ chung. Tiếng than van của anh là tiếng than van của đồng bào suốt hậu bán thế kỷ 20. Một loại tiếng thơ buồn, đóng góp vào nỗi buồn chung của chủng tộc, của tổ quốc chúng ta. Xin cùng đọc bài thơ " Gửi Người Yêu Dấu" ( 14-7-99): Vạn lý tình xa vạn lý nào Để buồn để nhớ buổi xa nhau Tình quên có dễ như trời nắng Chợt chuyển màu mây…đậm sắc màu
Không thể tình cờ như bão giông Đò ngang thuận nước gió xuôi giòng Phẳng im như chuyện tình tha thiết Chợt nổi ba đào tỏa trắng sông!
Ta bước dần theo cát bụi bay Lòng ta đang tỉnh ướm men say Ta đi trong đất trời tha thiết Thì biết làm chi chuyện tháng ngày?
Mắt vẫn ngàn xa đêm vẫn riêng Trong mơ vẫn rõ dáng kiều duyên Em cười mà lệ hoen đôi má Ta tỉnh- ngục tù lạnh gió đêm
Vạn lý tình xa em dấu yêu Kìa em xỏa tóc đón mây chiều Mắt xưa em có còn tha thiết Xa lắm em ơi- Nhớ thật nhiều!
Anh ở Hà Tây- Em Sài Gòn Yêu buồn, thương nhớ biết ai hơn Tình xa xôi quá đôi tay ngắn Đâu giúp em lau giọt lệ buồn. Người yêu dấu trong thơ Thy Lan Thảo là ai? Có thể là người vợ trẻ của anh. Hoặc cũng có thể là người tình tuyệt vời của anh. Nhưng dẫu là ai đi nữa, nhưng chắc chắn đó là thần tượng tình yêu của anh,cái đối tượng để anh gửi gấm tình yêu, nỗi nhớ nhung,những dòng tâm sự của anh trong cảnh cá chậu chim lồng. Trong cõi thơ của anh, nàng đẹp hẳn lên, không phải nàng được tác giả miêu tả chân dung cùng tấm lòng tốt đẹp cao quý của nàng.Nàng sở dĩ đẹp là nhờ lời thơ tác giả du dương ngọt ngào. Là nhờ tấm lòng hoài vọng của anh được diễn tả bằng một ý thơ trong sáng thiết tha. Cõi thơ được kết hợp và hình thành bằng lời thơ đẹp như thế phải là một môi trường, một bối cảnh dành cho tiên nữ Giáng Hương của Từ Thức và dành cho tiên nga Giáng Kiều của Tú Uyên. Óc liên tưởng sa đà dòng mường tượng phong phú vẫn có thể đưa đẩy những tâm hồn lãng mạn phác họa chân dung người yêu dấu của Thy Lan Thảo trong cõi ấn tượng và trong vũ trụ tưởng tượng của họ những hình ảnh tuyệt vời như thế. Nhưng " người yêu dấu" ấy không phải chỉ dành riêng cho Thy Lan Thảo đâu. Loại " người yêu dấu" ấy cũng đã từng xuất hiện trong thi văn của rất nhiều nhà thơ nhà văn đồng cảnh ngộ với Thy Lan Thảo. Nàng vẫn là mẫu số chung, đối tượng chung của rất nhiều nhà thơ nhà văn ở hải ngoại. Thơ của Thy Lan Thảo không có vóc dáng riêng biệt, nhưng vẫn là loại thơ đẹp. Nó khá đơn giản, không cầu kỳ, không chuốc lục tô hồng quá đáng. Tuy nhiên nó không quá bộc trực đến độ thô tháp cục mịch, vụng về. Tác giả vẫn có cái tinh xảo riêng để làm cho vóc thơ óng ả như lụa và sáng dịu như trăng để đi thẳng vào tâm hồn và trái tim người đọc bằng những rung động êm ái, bằng những thoáng bâng khuâng dịu dàng.Xin đọc bài "Thư Gửi Chị"(16-6-1997) Chị ạ! Nhận thư từ Việt Nam Chiều nay mây rất ít màu đen Sao lòng em bỗng nhiều thương nhớ Năm tháng dù xa…rất khó quên!
Chị hỏi từ khi sống tạm dung Dù xa nhưng nắng chắc tươi hồng Mẹ thương em lắm- khi chiều đến Hướng mắt trời xa ướt lệ trông
Chị bảo mẹ rằng nếu mẹ thương Đứa con trai út sống tha hương An tâm xin mẹ thôi buồn nhớ Về đứa con từng chịu gió sương
Chị hỏi thăm về sinh kế em Về hai đứa cháu nhỏ thân yêu Trời xa có nhớ về quê cũ Đủ ấm bình minh- mát gió chiều
Chị ạ! Cuộc đời em trôi nổi Kể từ khi xếp chiến bào xưa Tám năm em sống trong lao cấm Đời vẫn thường quen với gió mưa!
Chị hỏi bạn bè em tới Mỹ Có còn nhớ lại khúc quân hành Có còn nhớ lúc cờ thay hướng Hay đã quên rồi chuyện chiến chinh!?
Chị ạ, xa rồi chuyện tháng tư Tuổi già, đất lạ sống bơ vơ Có thằng bưng phở nuôi con dại Có đứa sớm quên kiếp sống nhờ!
Chị hỏi bao giờ em trở lại Bạn bè viễn xứ có thương nhau Có mơ đến chuyện thay gươm mới Hay vẫn âm thầm trong tủi đau?
Chị ạ, đã làm thân viễn xứ Chị hỏi, em buồn lắm chị ơi! Đọc lại ít dòng trang cổ sử Lạc Long chia cách mẹ Âu Cơ
Chị ơi, nhắc mẹ giùm em với Gắng sống vài năm sẽ có ngày Một sáng cờ vàng bay phất phới Em về ôm mẹ trọn vòng tay… Ở trường hợp nhà thơ Thy Lan Thảo, chúng ta nhận thấy vài điều then chốt về thi ca: *Ngôn ngữ đơn giản của thơ vẫn làm đẹp cho thơ * Xen lác đác vào ngôn ngữ đơn giản đó một vài ngữ pháp (tournures) chẳng những làm thơ đẹp thêm mà còn làm tình ý thơ nổi bật hơn, chẳng hạn những cặp câu thơ sau: Chị hỏi từ khi sống tạm dung Dù xa nhưng nắng vẫn tươi hồng hoặc: Có còn nhớ lúc cờ thay hướng Hay đã quên rồi chuyện chiến chinh *Ngôn ngữ thơ đơn giản nhưng đải lọc trở nên trong sáng và chải chuốt. Nó phơi bày tình ý của tác giả hiện lồng lộng và rạng ngời trong thơ để đi trực tiếp vào cảm nhận người đọc. * Thơ đơn giản, tình ý dịu dàng đằm thắm dễ làm rung cảm cho những kẻ đồng cảnh ngộ với tác giả, gây một sự hòa điệu hồn nhiên,không chút khó khăn ngăn ngại. * Ngôn ngữ thơ nhờ đơn giản nên thế giới thi ca và đề tài của tác giả trở nên quen thuộc với đa số quần chúng độc giả. Đề tài của thơ Thy Lan Thảo vốn thật gần gủi với đa số độc giả đã trải qua bao cuộc thăng trầm của tổ quốc, bao vận nước nổi trôi từ cuộc chiến tranh Đông Dương giữa Pháp và Việt Minh, kinh qua cuộc nội chiến giữa Quốc Cộng, qua thời gian sau ngày miền Nam thất thủ cho tới ngày sống tha hương nơi hải ngoại. Dĩ nhiên chúng đã được các nhà văn nhà thơ lưu vong vốn ưu thời mẫn thế của chúng ta khai thác trên 20 năm qua. Nhưng mỗi người khai thác một cách khác nhau, bằng thái độ,bằng góc độ cái nhìn, bằng khía cạnh nhân sinh quan khác nhau. Ở Thy Lan Thảo là thái đột dịu dàng, đôn hậu, dằm thắm. Anh không hung hăn với kẻ thù, anh không rền rĩ quằn quại với số phận cay nghiệt. Anh cũng không phóng mắt vào hoàn cảnh nào khác ngoài những hoàn cảnh và những biến cố kế tiếp nhau xảy đến cuộc đời anh. Anh không phóng chiếu cái nhìn vào viễn tượng lộng lẫy ở chân trời thi ca nào khác. Anh nắm bắt những gì anh cảm xúc, những gì anh hiểu biết, không để tham vọng lôi cuốn anh vào những cuộc phiêu lưu sa đà khi sáng tác thơ. Thơ anh do đó tuy không tân kỳ và lộng lẫy, nhưng được cái tình khiêm tốn và chân thật. Thy lan Thảo là một cựu chiến binh, đã đi khắp bốn vùng chiến thuật( Từ năm 1968 đổi tên là quân khu).Anh đã có mặt trên hai con đường máu: Đại Lộ Kinh Hoàng và Tỉnh lộ 7B trong những ngày ở KonTum di tản về Nam. Khi sang định cư ở Houston ( Texas) anh vẫn chưa nguôi được những ám ảnh, những ác mộng trong cuộc đời quân ngũ. Do đó anh nhớ thời oanh liệt xưa, nhớ bạn đồng đội trong tình huynh đệ chi binh lớn rộng và thiết tha. Xin đọc bài " Ám Ảnh ", trước tác vào ngày 15-5-1999 mà nhà thơ dành riêng tặng Lê Ngọc Thiện Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 20 CTCT Vẫn còn âm ỉ cuông phong cũ Dậy ở trong tâm buổi cuối mùa Một thoáng tha hương đời lữ thứ Nhớ đường kiếm bạc diệt thù xưa
Sông Dakpla về tây ngược sóng Ta vẫy tay chào- Ôi xót đau Kontum rực lửa hè thiêu nóng Đôi mắt em nhìn nghẹn ý trao
Về Nam từng bước mờ giông bụi Rời rã dìu nhau giữa đạn thù Súng gươm uất nghẹn buồn rưng tủi Máu đẫm rừng hoang thân xác khô
Đêm Củng Sơn mờ sương tối tâm Tướng quân đâu thể tính sai lầm Sao không ngăn bước quân thù tiến Mà lại tan hàng uất nghẹn căm?
Sao chọn đường đi lộ 7B Quan san đâu dễ bước quay về Sông Ba sóng máu loang hờn oán Cán chính dân quân quá não nề!
Đói khát nhục nhằn sá quản thân Dân nương bước sống với toàn quân Quân vương sao nỡ lầm than quá Từng xác tan thây chết mấy lần
Trời tha hương đất người lập xuân Tháng ba giổ hội của toàn dân Ta quên sao được con đường máu Từng bước về Nam đất mất dần
Bao giờ quang phục quê hương lại Về đập Đồng Cam đến Sông Ba Lập đàn cầu độ hồn oan trái Giải bớt niềm đau của nước nhà.
Nhà thơ chẳng những ngậm ngùi cảnh ngộ sinh ly của gia đình, cảnh nhiễu nhương đã qua của đất nước. Anh còn hướng cái nhìn về đồng bào Huế còn kẹt lại sau bức màn tre, chẳng những lầm than dưới ách bạo quyền Cộng Sản mà còn hứng chịu cảnh thiên tai thủy họa. Do đó trong tiếng than hờn oán còn thấm nhuần niềm nhân đạo, trong ngọn lửa hận thù còn sáng rực ánh thiên lương. Xin cùng đọc bài " Một Chút Lòng Xin Gửi Quê Hương"( 19-12-1999)
Biển oán hờn ai dậy sóng trào Miền Trung oan khốc nổi ba đào Thê lương đâu chỉ riêng đền miếu Mà cả trời Nam khóc thảm đau!
Đất tự ngàn năm vốn cỗi cằn Dân cày sỏi đá chẳng no ăn Trời đày lũ lụt hàng năm đến Dậy sóng miền Trung- tựa thác ngàn…
Thiên tai đe dọa hoang mầm sống Bạo đảng đâu cần nghĩ tới dân Chỉ biết gom tiền chăm sóc đảng Rượu ngon gái đẹp- rất ân cần
Cùng giống da vàng nguồn Lạc Việt Bạo quyền hoang dã tựa hùm beo Sói lang nhìn đảng còn kinh dị Đất nước thê lương- dân khổ nghèo…
Sông Hương một thuở dòng xanh mướt Núi Ngự mơ màng ẩn đế kinh Thọ Cương vẳng tiếng gà xao xác Vỹ Dã hương cau ngập ý tình
Hôm nay nước bạc reo đầu sóng Cuồn cuộn âm binh dáng tử thần Núi đá ngàn năm hoang lở sụp Sá gì đền miếu với nhà dân!
Hương Giang chắc hẳn buồn cay đắng Bởi lượn nước xanh đã trở dòng Bao xác thân trôi đùa nước trắng Lệ buồn vét cạn khóc dòng sông
Tìm đất nào chôn được xác cha Mẹ nằm không chiếu đắp thân già Tuổi thơ ngơ ngác không nơi tựa Đảng có nhìn, có thấy xót xa?
Vạn dặm tình xa một giống giòng Mù khơi đục mắt khóc miền Trung Thê lương trời hỡi sao dành cả Con cháu Âu Cơ, đất Lạc Hồng?!
Một giọt máu đào vạn xót xa Non sông ngàn dặm vẫn quê nhà Xác trôi rã xác tan nhà cửa Người sống lạc thần xương bọc da!
Một chút lòng riêng xin gửi đến Đau buồn chia xẻ với quê hương Nước ơi đã tạo cơn hồng thủy Sao chẳng dìm sâu lũ giặc cuồng?
Bài thơ nầy không đằm thắm như những bài thơ trước. Cảm tính của nhà thơ bắt đầu bung ra. Tình cảm của anh sắc đậm hơn. Tiếng than của anh não nuột hơn. Nhưng cái bung ra, cái sắc đậm, cái não nuột ấy vẫn không trở thành tiếng rên siết, tiếng kêu la trầm thống. Chúng vẫn giữ cho nhà thơ cái đôn hậu, cái kín đáo dịu dàng căn bản. Chúng chỉ giúp cho ý thơ thấm sâu vào nội giới của người đọc chứ không phải là tiếng gào thét của công việc đả kích bạo quyền và công việc lạc quyên cho các nạn nhân vì cơn lũ lụt. Trong những bài thơ mà tôi vừa kể, trừ bài "Thư Gửi Chị" và bài"Một Chút Lòng Xin Gửi Quê Hương" đều là những dấu ấn của một chuỗi biến động nằm trong chặng đời dĩ vãng kéo dài gần 40 năm. Số đông đọc giả chúng ta có thể soi vào chặng đời đó để tìm gặp lại khuôn mặt mình cùng những khuôn mặt đi qua và ghé lại cuộc đời mình. Cũng vậy, chúng ta được đối diện lại chân dung các cuộc tình của mình, từng chặng lịch sử oai hùng của một miền Nam Việt Nam đã can trường chống Cộng cứu nước cho tới ngày chung cuộc 30-4-75. Chúng ta có thể nhớ lại những người chiến binh cũ, xa xưa.Giờ đây những người chiến binh ấy có những kẻ vùi xác ở đâu đó trên 4 vùng chiến thuật, có những người chết trong lao ngục, và có những người gánh nốt cái hệ lụy thảm khốc cùng căn phần lầm than trên đất nước.Và cũng có những người như Thy Lan Thảo âm thầm sống nơi một góc trời hải ngoại, đêm đêm chong đèn viết lại cái hồi ký đẫm đầy nước mắt máu xương. Hay là còn có những người vượt biển không thành, thịt xương chìm dưới đáy biển đông thăm thẳm Trong số các đôc giả, đã từng yêu đời lính trong cuộc nội chiến cách đây 35 năm có thể tìm lại ở thơ Thy Lan Thảo những hình bóng một chặn lịch sử, hình bóng một thế hệ hiến dâng cuộc đời cho tổ quốc. Tất cả đã trở thành một ngọn lửa thiêng để họ nuôi bền bĩ trong quảng đời còn lại của mình, để giữ gìn cái ý nghĩa cao quý cho lý tưởng mình Thơ Thy Lan Thảo đặc sắc là những bài gửi về mẹ hoặc nói về mẹ.Tôi xin viết Mẹ khởi đầu bằng chữ M hoa. Vì Mẹ trong thơ anh không phải chỉ riêng của anh, mà là một bà Mẹ điển hình cho cả những người cùng thế hệ của anh.Ai đó có một bà Mẹ còn kẹt ở lại sau bức màn tre đang bủa vây khắp quê hương, khi đọc những bài thơ của Thy Lan Thảo chắc sẽ có cảm tưởng Mẹ của mình sẽ nhập làm một với Mẹ của tác giả và sẽ hoá thân thành một bà Mẹ Tổ Quốc, hoặc thiêng liêng hơn thành hoá thân của Đức Mẹ Đồng Trinh Maria hay Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Đức Mẹ Đồng Trinh là Mẹ của nhân loại, Đức Quán Thế Âm Bồ Tát là Mẹ của mọi chúng sinh trong cõi Ta bà nầy, còn bà Mẹ Tổ Quốc là Mẹ riêng của dân tộc Việt Nam chúng ta,cả ba đều có chung tấm lòng từ ái bao la với lũ con Thy Lan Thảo xa Mẹ, nhưng chưa về Việt Nam thăm Mẹ, bị người chê trách anh không thương Mẹ. Nhưng Mẹ anh là người biết trưởng chí một thằng con yêu nước như anh. Theo truyền thống các anh thư, liệt nữ, tiết phụ, từ mẫu dũng cảm từ ngàn xưa, Mẹ anh muốn ngày anh về là ngày lịch sử sang trang, anh không còn khúm núm cúi đầu dưới bạo quyền để được đổi lấy một chuyến về thăm nhục nhã. Xin đọc bài thơ" Bài Thơ Trả Lời"( 9-8-99)mà anh dùng để trả lời" người gửi bài thơ hỏi tôi ( tức tác giả) sao không về thăm Mẹ" Người viết bài thơ gửi đến tôi Bằng lời chua chát trách trêu đời Bài thơ nhớ Mẹ tôi thường viết Là lúc lòng tôi vắng tiếng cười
Nỗi nhớ khôn nguôi ngày xa xứ Lòng tôi tan nát buổi ra đi Người ơi có biết từng câu chữ Phân tấm lòng tôi- bước viễn ly!
Lòng tôi trân quý thương và nhớ Nhưng buổi thay cờ- loạn nhiễu nhương Tôi vẫn không quên lời minh thệ Trước nghiã trung đài tỏa khói hương...
Tổ quốc điêu tàn trước bạo quân Toàn dân nghèo đói khổ trăm lần Uổng đời chiến sĩ không tròn ước Chịu tiếng ươn hèn- sống nhục thân
Người trách tôi thương tôi nhớ mẹ Sao lại không về thăm Việt Nam Nhỡ mai nhang khói buồn cô lẻ Bóng mẹ bơ vơ khuất nẻo trần!
Ta hiểu người ơi! Trung với hiếu Một thân nhiễu loạn xẻ làm đôi Tôi về mẹ có tăng thêm tuổi Hay để giặc kia ngạo nghễ cười?
Mẹ tôi, tôi hiểu lắm người ơi! Người đã cho tôi cả cuộc đời Mẹ vẫn khuyên tôi ngày trở lại Là lúc cờ xưa ngập cả trời
Quê hương quang phục người sẽ thấy Bước giữa rừng cờ có bóng tôi Giặc thù trả lại ta sông núi Mắt mẹ lòa mây vẫn rạng ngời Bài thơ nầy có thuyết phục được niềm tin của người đọc hay không, điều đó không phải là điều tôi mong mỏi. Đọc giả có tin lòng thành thật của Thy Lan Thảo hay không, đó cũng là điều mà tôi không thích nêu ra đây. Anh không về thăm Mẹ có phải vì không muốn để " giặc kia ngạo nghễ cười", có phải lý do thật sự hay vì lý do nào khác, tôi vẫn không tìm hiểu.Tôi chỉ biết bài thơ nầy làm tôi sống lại thuở 13,14 tuổi đã từng chiêm ngưỡng các bà Mẹ trong truyện Tàu, bị giặc bắt làm con tin để dụ người con trai yêu quý của họ về hàng giặc, nếu không họ sẽ bị giặc giết.Những bà Mẹ dũng cảm can trường ấy thà chịu chết dưới tay giặc, chứ không cho con mình hàng giặc. Thế hệ của tôi( tức thế hệ trưởng thành vào 3 năm cuối của thập niên 50) đã un đúc tấm lòng yêu nước ngay khi còn học ở lớp nhất và ở 4 năm trung học qua các bài thơ của Phan văn Trị,Huỳnh Mẫn Đạt,Nguyễn Đình Chiểu, Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân, Phan Bội Châu,, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh...Những bài thơ xiển dương lòng yêu nước và những bài thơ chống đối chủ nghĩa Cộng Sản của Bắc Phong, Vũ Kiện ở hải ngoại là nhịp cầu nối dài, là con đường tiếp tục con đường truyền thống của người xưa. Cho nên giờ đây, gặp các bài thơ yêu nước của Thy Lan Thảo, của Dư thị Diễm Buồn tôi không bỡ ngỡ. Cả hai vẫn có mối thù sâu sắc đối với Cộng Sản, dù thái độ vì nước quên tình nhà của họ bị một số độc giả ngờ vực đi nữa. Và bà Mẹ của họ có thật hay không, có chỗ đứng vững trong nghệ thuật thi ca hay không vẫn là điều không mấy cần thiết cho những kẻ có lập trường chống Cộng vững chắc. Lập trường đó củng tấm lòng chân thành yêu nước vẫn còn có những bà Mẹ như bà Mẹ cuả Thy Lan Thảo trong thi ca để có thể vinh danh bà Mẹ tổ quốc của chúng ta. Thy Lan Thảo đã phân bua với" người gửi thơ hỏi tôi sao không về quê thăm Mẹ" kia.Anh còn tâm sự với Mẹ anh khi anh nhập vào quốc tịch Mỹ ở bài " Mẹ Hiểu Lòng Con "( 1-6=-99): Mẹ ơi! Con viết thư cho Mẹ Giữa lúc lòng con...nỗi hỗn mang Trái đất nửa vòng quay vẫn nhẹ Đời tha hương... thoáng giấc kê vàng
Đâu dễ gì quên chuyện bão giông Máu loang Bến Hải, nước chia dòng Mấy trang nhục sử- nghìn năm hận Rửa sạch thù xưa- máu mấy sông?!
Con vẫn âm thầm đất tha hương Sống vay cơm áo- gió pha sương Bắc Nam sông máu chia thù hận Nay Thái Bình Dương cách biệt đường
Đêm vũ đình trường Tăng Nhơn Phú Ngàn cánh tay thề giữ núi sông Ra đi đáp lại lời sông núi Nhiệt huyết đời trai trọn ý lòng...
Mẹ ơi ! Xa xót lòng con lắm Một thuở đăng trình uổng chí trai Mấy năm đất khách còn in đậm Rừng núi, sơn khê, tủi nhục đày!
Hôm nay đất lạ con minh thệ Nguyện sẽ trung thành với núi sông Mẹ ơi! Đau buốt lòng con trẻ Sông núi tha hương- nhớ Lạc Hồng!
Con ngồi học lại từng trang sử Sử của người đâu giống sử ta Lòng con nhớ dáng Trưng Vương quá Nhớ sóng Bạch Đằng- Chiến thắng ca!
Hôm nay chối bỏ công dân Việt Mang quốc tịch người Mẹ nghĩ sao? Nhưng giữa lòng con- Con rõ biết Quê hương chữ S vẫn ngọt ngào ...
Sẽ có một ngày con trả lại Ta Việt Nam- Quang phục trở về Bắc Nam thôi hết điều oan trái Tủi nhục qua rồi thoát cõi mê.
Cái đau xót của tác giả khi nhập quốc tịch mới chưa hẳn là tâm trạng chung cho những kẻ ngơ ngác trước cảnh ngộ mới, thân thế mới. Thường thì tâm trạng đó không đến nỗi đậm đà thành một nỗi đau; trái lại nó còn là niềm vui sướng cho những kẻ tính chuyện làm ăn lâu dài trên đất nước định cư. Tâm trạng của tác giả nếu ta nhìn về phương diện thực tế thì khá đặc biệt , gần như không thật. Song đứng về vị thế của đứa con an ủi Mẹ thì đối với kẻ lưu vong như chúng ta là một việc nên làm.Và nếu ta nghĩ sâu hơn, nhuyễn hơn một chút: đã bao năm chúng ta phụng sự tổ quốc của chúng ta, giở bỗng bị" quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh"( nói theo Vũ Hoàng Chương) để trở thành công dân nước mới, thì sẽ trung thành với tổ quốc mới và không còn tổ quốc thật sự để trung thành, để phụng sự. Đó là một điều đáng ngậm ngùi, đáng đau xót chứ, Cái đau xót, ngậm ngùi đó chỉ dành cho một số tối thiểu những kẻ có tâm hồn đẹp, có trái tim đập theo vận nước nổi trôi, có tấm lòng ái quốc thiết tha như Thy Lan Thảo. Nếu không phải vì không muốn cúi đầu trước kẻ thù để được về thăm Mẹ già ở quê nhà, mà vì một lý lẽ nào khác, Thy Lan Thảo vẫn muốn gặp lại Mẹ trong một hoàn cảnh thích hợp với anh. Tấm lòng mong mỏi Mẹ anh sống đến ngày anh trở lại quê nhà vẫn là tấm lòng chân thành. Những dòng thơ mà anh viết ở bài "Mẹ Sống Chờ Con"( 26-11-99) vẫn là những giọt máu ép vắt từ trái tim anh, những mảnh vụn của trái tim do anh xắt ra để rải vào thơ: Nhấc nhẹ phone lên xót cả lòng Run run tay bấm số thương mong Mẹ ơi! Đất nước ngàn xa cách Một chiếc thuyền nan- sóng chập chùng.
Ngày tiễn con đi- mắt Mẹ buồn Tuổi già tóc bạc- trắng như sương Tám mươi ba tuổi còn đưa tiễn Mẹ khóc- con đi ướt bước đường...
Đắng tủi lòng con- Mẹ của con Biển Đông dậy sóng- oán căm hờn Giặc về hoen ố niềm mơ ước Con biết từ đây... Mẹ héo hon!
Bảy năm đất khách buồn xa xứ Mẹ vẫn mỏi mòn theo tháng năm Con vẫn âm thầm đời lữ thứ Tình quê- tình Mẹ- Buốt hờn căm
Chị gởi cho con vội mấy dòng Mẹ già mòn mỏi đợi thương trông Tháng rồi trở bệnh nằm mê sảng Mẹ gọi tên con- mắt đỏ tròng...
Mẹ ơi! Chua xót lòng con quá Đọc vội thư nhà buốt nhói tim Tám mươi chín tuổi thân còm cõi Đời Mẹ vẫn buồn... như bóng đêm! Hôm nay con gọi phone cho chị Run rẩy tay con- ý phập phồng Cầu nguyện xin đừng nghe tin dữ Đời con mất Mẹ- Tím chiều không!
Mẹ ơi! Gắng sống chờ con Mẹ Sẽ trở về quê buổi nắng hồng Một sáng cờ xưa bay rạng rỡ Con về ôm Mẹ- thoả chờ trông. Thơ của Thy Lan Thảo tuy trong sáng, đơn giản, mà vẫn có vóc dáng chải chuốt của câu văn hay của câu thơ lấn át cái chân tình. Ở đây, thơ anh vừa đơn giản trong sáng vừa chải chuốt mà lại đạt luôn cái chân thành. Dường như khi viết về Mẹ hoặc đưa Mẹ vào văn chương, nhà thơ lẫn nhà văn như được thấm nhuần dòng suối thiêng liêng ngọt ngào ở tâm hồn, cho nên câu văn có cái đẹp chải chuốt nhưng rất truyền cảm mà họ không ngờ. Đọc tới bài nầy, đọc giả nào hay ngờ vực tấm lòng chân thành của tác giả cho thế mấy cũng phải nhận thấy tình cảm thiết tha của tác giả đối với Mẹ là dường nào.Chưa hết đâu bài " Đau Xót Đời Ta" mới có thề phản ánh nguyên vẹn nỗi đau đớn của anh khi anh hay tin Mẹ mình đã qua đời. Đọc giả có thể theo dõi trào lưu tình cảm và những đột biến của cảm xúc anh qua cuộc điện đàm viễn liên giữa chị ruột của anh ở quê nhà và anh ở Houston( Hoa Kỳ) hai nơi cách nhau nửa vòng trái đất. Bài thơ nầy được ghi viết vào ngày 2-1-2000 Giọng chị run run - nấc nghẹn lời Ngàn xa quê Mẹ vẫn xa xôi Tay ghì chặc lấy phone lo lắng Mẹ của mình sao? Chị chị ơi!
-Em ạ! Bình tâm chị nói đây Tuổi già trở bệnh mấy tháng nay Trưa qua mắt Mẹ như tìm kiếm Rồi khép vầng mi- nước mắt đầy!
-Chị ạ! Mẹ nhìn, Mẹ tìm ai? Tìm em? Mẹ nhớ đến con trai Ngàn xa biền biệt không về lại Thương Mẹ nhớ em giọt vắn dài!...
Em ạ! Mẹ nằm yên thật yên Thoáng trên khuôn mặt chút ưu phiền Mẹ thường nhắc nhở thằng con út Đời lính- ngục tù lắm truân chuyên!
Chị ơi! xa xót lòng em quá Một tháng tư đen...dậy thảm sầu Bỏ nước ra đi lòng vẫn nặng Mẹ già nay ốm lại mai đau
Em ơi! Đừng khóc mà nghe chị Vẫn biết em thương Mẹ rất nhiều Trong cõi thế nhân từ hoa mỹ Nào bằng chữ Mẹ rất thương yêu?
Mẹ đi đến cõi vĩnh hằng xa Trời tháng mười hai- nắng nhạt nhoà Lạnh gió mùa đông- lòng thấm lạnh Mẹ về cõi ấy sống gần Ba
-Chị ơi! Nước mắt nào cho đủ Để rửa thương đau, rửa ngậm ngùi Làm con mà phút lâm chung chẳng Được cạnh kề vuốt mắt Mẹ yêu
Trong suốt đời ta chỉ một người Dáng tiên hiền dịu dẫu xa xôi Mẹ luôn dõi mắt theo chân bước Của đứa con trai đến cuối đời
Trời tháng mười hai đất tạm dung Con nghe rét buốt cắt trong lòng Trong cõi vĩnh hằng Ba gặp Mẹ Riêng con mỏi mắt ...ngó từng không
Có kẻ bảo rằng Thy Lan Thảo nếu chường mặt trên thi đàn hồi từ hai mươi năm về trước thì là đóng góp vào tiếng thơ thời đại chung nói lên cái thống khổ mất mát chung của dân tộc ta.Khốn nổi, hai mươi năm trôi qua, biết bao nhà thơ hải ngoại nổi tiếng hay chưa nổi tiếng đã khai thác bấy bầy cái thống khổ mất mát ấy, cho tiếng thơ của anh bớt đi hiệu lực truyền cảm và chỉ còn một sức thuyết phục yếu ớt đối với đọc giả. Song nếu chúng ta bình tâm suy nghĩ lại vấn đề then chốt như sau: hai mươi lăm năm qua, quân thù còn thống trị quê hương đất nước , đồng bào chủng tộc hãy còn oằn oại dưới ách thống trị ấy thì tiếng thơ của các thi sĩ đã từng ưu tư với Tổ Quốc và Dân Tộc vẫn còn nhắc nhở kiều bào rằng cái hiện diện của địa ngục trên quê hương do quân thù tạo ra hãy còn sờ sờ đó.Tiếng thơ của họ vẫn còn tiềm lực nuôi ngọn lửa thiêng trong lòng kiều bào để kiều bào còn có một điểm tựa trên xứ lạ quê người. và chúng ta chắc cũng nhận thấy, những quân dân cán chính nào trót sa vào tù ngục của Cộng Sản, dù sau đó được phóng thích thì cũng chỉ là trở lại cái tù ngục vĩ đại hơn: Đó là cả một đất nước được vây bọc bởi bức màn tre. Xin cùng đọc bài " Ý Của Ngày Về " mà tác giả sáng tác vào ngày 29-9-1999 để kết thúc bài viết về thi ca Thy Lan Thảo: Ta về gió vẫn còn mê loạn Đất buồn thiếu vắng tiếng vó câu Hơn tám năm dài trong tâm tối Bạc nửa đời ta- Trắng mái đầu
Cũng vẫn phố phường im cảnh cũ Sài Gòn...ngọt ý rõ trong tâm Cưỡng chiếm miền Nam quân giặc dữ Hòn Ngọc Viễn Đông...bụi cát lầm
Sài Gòn xưa mắt em thơ mộng Tà mỏng tung bay quyện gió chiều Tên giặc lấy thay tên thành phố Đôi mắt mờ che...bụi hắt hiu...
Áo lụa Trưng Vương tan buổi học Thắm màu quai nón... ấp e duyên Gia Long trắng cả con đường nắng Đôi mắt hồn nhiên ngó thật hiền
Xưa phượng hồng rơi đường Cường Để Mùa thi- Ý nhớ dáng Văn Khoa Trời ơi! Giặc dữ hơn hoang thú Tuổi trẻ miền Nam lệ ướt nhòa
Ta về bước lẻ thân xa lạ Cảnh đổi đau thương quyện đất trời Cũng giống Lạc Long nhưng man trá Miền Nam nhuộm đỏ- sóng ngàn khơi
Tám năm ta sống trong tù ngục Vẫn biết ngày về cuộc bể dâu Thực cảnh chỉ làm sôi ý sống Miền Nam rồi sẽ phải về đâu??... Hồ Trường An
|