Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

2 Pages12>
Mây Trắng Chiều Hôm
Sonk
#1 Posted : Friday, July 3, 2015 6:55:31 AM(UTC)
NguyenSonK

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 7/9/2012(UTC)
Posts: 172
Points: 516
Location: thơ

Thanks: 10 times
Was thanked: 6 time(s) in 6 post(s)
Sonk
#2 Posted : Sunday, September 6, 2015 7:04:53 PM(UTC)
NguyenSonK

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 7/9/2012(UTC)
Posts: 172
Points: 516
Location: thơ

Thanks: 10 times
Was thanked: 6 time(s) in 6 post(s)


Tập Thơ đầu tay
Sonk
#3 Posted : Wednesday, September 30, 2015 6:37:47 PM(UTC)
NguyenSonK

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 7/9/2012(UTC)
Posts: 172
Points: 516
Location: thơ

Thanks: 10 times
Was thanked: 6 time(s) in 6 post(s)

TỰA NHỎ


Một chút phân vân , một chút ngaị ngần khi nghe Thy Lan Thảo ngỏ ý nhờ tôi viết cho anh một tựa nhỏ .Tôi không biết phải làm thế nào để không phụ lòng anh , người đã tìm đến với thơ tôi từ thuở tôi hãy còn là một cô bé con vừa ngậm ô mai , vừa thút thít khóc khi làm những bài thơ tình cho lính gửi đăng trên các báo .
Tưởng chừng như mới đó đã mấy mươi năm ...
Thăng trầm , biển dâu với đời lưu lạc .Niềm đau mất nước , nỗi buồn quặn thắt của kẻ lưu vong , nợ núi sông nửa đời cung kiếm gãy nhưng vẫn sáng rực niềm tin hẹn một ngày về và hình ảnh người mẹ hiền trải dài trong suốt thơ anh đã cho tôi trân trọng một tấm lòng . Người lính chiến Cộng Hòa khẳng khái , trung kiên tuyên thệ trước khi rời trường Mẹ , mang phương châm "Cư An Tư Nguy "Vùng vẫy bốn phương trời :
" Đêm vũ đình trường Tăng Nhơn Phú
Ngàn cánh tay thề giữ núi sông
Ra đi đáp lại lời sông núi
Nhiệt huyết đời trai trọn ý lòng "
( Mẹ hiểu lòng con )
Và dấn thân vào cuộc chiến là trách nhiệm của kẻ làm trai khi quê nhà binh biến :
" Tự nguyện hiến dâng đời gió bụi
Diệt thù dành lại chữ tự do
Bốn vùng chiến thuật chân không mỏi
Lòng vẫn yên xây mộng hải hồ "
( Oan Khốc Sông Ba )
Nhưng chí trai không thỏa , tháng tư đen như một cơn địa chấn bạo tàn đã vùi dập tất cả ước mơ tuổi trẻ , chỉ còn đây là nỗi tủi nhục , hờn căm của một người lính bị bắt buộc phải giã từ vũ khí :
"Nhưng mộng đời trai tủi bước lầm
Đầu quân dưới trướng - tướng vinh thân ...
...Niềm tin đã mất trời cao rộng
Ngăn bước đời trai ,nhục núi sông "
( Oan khốc Sông Ba )
Ngày anh buông súng trở về trong nỗi tuyệt vọng khôn cùng của một người lính không còn chỗ đứng , vòng tay người mẹ hiền đã là một điểm tựa bền vững để an ủi , xẻ chia tiếp tục nâng đở bước anh đi :
" Tan cuộc chiến , ta nhớ màu mắt mẹ
Khi ta về buồn tủi khóc ôm ta
Thương con trẻ lỡ đời cung kiếm gãy
Đất nước vô tình , ai thấu nỗi xót xa "
( Quê hương rồi sẽ đẹp )
Dù bị gông cùm trong tay kẻ thù, người lính Cộng Hòa vẫn nêu cao gương kiên cường . kiêu dũng , giữ vững sắt son như ngày nào ngôi trường mẹ đã hun đúc chí trai :
"Ta thân chiến bại trong tù ngục
Mắt vẫn ngời sao ý buổi đầu
Lửa nghĩa trung đài đêm mãn khóa
Lòng ta giữ mãi có quên đâu "
( Đôi mắt ngày về )
Và thật xót xa của một kiếp người tù tội , anh vẫn không quên một cuộc tình xưa, nhưng có còn cần thiết không khi thực tế đời anh cháo rau mới chính là nhịp thở , nên thơ anh chỉ còn lại đau đớn ngậm ngùi :
" Cũng có lúc núi rừng sâu ta nhớ
Mắt thật buồn trong dáng của em xưa
Nhưng ở đó ta cần khoai để thở
Như ngày xưa ta cần mắt của em mơ "
( Về trên xe quốc lộ )
Nhưng khi thoát được vùng đất lưu đày, đến bến tự do, thì quê hương đã nghìn trùng cách biệt:
"Chiều nay chút lạnh giao mùa đến
Em có buồn không , em Việt Nam
Một chuỗi ngày thơ xưa luyến mến
Nghìn trùng xa cách buốt con tim "
( Chuyển mùa )
Anh ấp ủ Gò Công , nơi chôn nhau cắt rốn của anh , như chiếc nôi êm đềm của một thời niên thiếu .Thị trấn có những ngôi nhà mái ngói âm dương , hoang sơ cổ kính , có những con phố nhỏ tình thân như phố Tàu ở mãi Hội An .Anh nhớ từng địa danh , từng món ăn quen thuộc của một vùng quê nghèo : hoa so đũa luộc ăn với mắm tôm chà , những trái cerise chua chua , ngọt ngọt trên đường về Hòa Nghị , những mùa xuân đoàn tụ yên vui đã mất với bồn mai tứ quý , với mắm tôm chua ... Ở đó anh có một người mẹ vẫn ngồi trên ván gõ, tựa cửa trông con , nhưng đã bao lần xuân qua , quê người , đất khách anh vẫn chưa một lần về thăm lại ...Ăn miếng canh rau mà nhớ về quê Mẹ , những tháng ngày đạm bạc nhưng thắm đượm tình quê :
" Canh tập tàng nêm thêm chút muối
Đọt bầu, đọt bí ,lá mồng tơi
Ngan ngát rau dền bông bí đỏ
Mẹ húp , con chan - ngọt ý đời "
( Canh rau tập tàng )
Từ giọng hát nào đã đưa anh về bãi bờ yêu dấu cũ : Những tà áo bay trên cầu Long Chánh , vị ngọt ngào của cam Vĩnh Hựu giữa buổi trưa hè , Tháng sáu trẻ con Vàm Láng khoe áo mới trong lễ đón ngênh Ông...
" Rau dền xanh lá hương ngan ngát
Đất tạm dung vẫn tưởng quê nhà
Nhạn Trắng Gò Công cao tiếng hát
"Nỗi buồn gác trọ " ngút đường xa "
( Nhớ Mẹ )
Và anh nhắn gởi nỗi nhớ thương về quê cũ :
" Cuối tháng em về cho ta gởi
Tấm lòng thương nhớ của riêng ta
Gặp em nếu mẹ ta thăm hỏi
Em bảo ta ngàn đêm xót xa "
( Nhắn gởi )
Thy Lan Thảo xót thương quê nghèo đắm chìm trong đêm dài Việt Nam tăm tối , mất mùa hạn hán trong cơ trời , ách nước , ngàn nỗi tai ương ở một thư gửi chị :
" Chị kể Gò Công trời hạn hán
Dân nghèo bỏ xứ kiếm ăn xa ..."
( Cờ vàng sẽ bay )
Anh cũng ghi khắc ân nghĩa thâm sâu của Mẹ già, của người chị hiền đã thăm nuôi anh trong những tháng năm tù tội từ Nam ra Bắc, trong cảnh đời cơ cực :
" Hôm nay ăn bát cơm thơm dẽo
Nhớ Mẹ ru con nát cả lòng "
( Nghĩa ân còn nhớ )
" Chị vẫn âm thầm đời đạm bạc
Hàng ngày hai buổi đến trường xưa
Chữ nghĩa văn chương nào thấy sáng
Cuộc đời dạy học chẳng tròn mơ "
( Chút ý ngày về )
Nhưng đậm nét nhất trong thơ anh vẫn là hình ảnh người mẹ hiền rạng rỡ, như biển Thái Bình, như vầng dương muôn thuở:
" Trong suốt đời ta chỉ một người
Dáng tiên hiền diệu dẫu xa xôi
Mẹ luôn dõi mắt theo chân bước
Của đứa con trai đến cuối đời "
( Đau xót đời ta )
Thảo ngay , tình nghĩa của một người con chí hiếu với ray rứt khôn nguôi khi không về được để thọ tang trong ngày mẹ mất, cũng không làm thơ anh bi lụy, khi thắp lửa tin yêu với giấc mơ hồi hương :
" Chừng đó mùa xuân thắm ý mai
Anh dìu bước muội ngọt tình say
Trong đôi mắt muội ngời tha thiết
Anh thấy hình anh chất ngất đầy "
( Sẽ có mùa xuân )
Trái tim người lính Cộng Hòa với chan chứa yêu thương, khẳng định niềm tin ở một ngày mai tất thắng :
" Hồn quốc tổ sẽ cười vang sông núi
Đường quê hương sẽ rợp bóng cờ vàng
Đổi năm tháng nhọc nhằn đầy hận tủi
Bằng tình thương dấu ái ngát trời hương "
( Quê hương rồi sẽ đẹp )
Tôi quý trọng cái khí khái của một người lính Quốc Gia , với lý tưởng Tổ Quốc , Danh Dự , Trách Nhiệm như một hoài bão mà anh vẫn còn ấp ủ - tình nghĩa gia đình gắn bó, bền chặt- tình chiến hữu thâm sâu...Ngần ấy thứ đã nói lên nhân cách sống của anh giữa một cảnh đời chao đảo.Chúng ta hãy giang tay cho Thy Lan Thảo buớc tới , để thơ anh còn có dịp bay cao , bay xa hơn thế nữa về với những rặng tre , bờ cỏ ở quê nhà , những hình ảnh nồng đượm , đơn sơ , nhưng một Việt Nam tự do vẫn luôn làm ấm lòng người xa xứ .

Minneapolis tháng 6/2001

M.H.HÒAI LINH PHƯƠNG
Sonk
#4 Posted : Monday, October 12, 2015 7:01:24 PM(UTC)
NguyenSonK

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 7/9/2012(UTC)
Posts: 172
Points: 516
Location: thơ

Thanks: 10 times
Was thanked: 6 time(s) in 6 post(s)
Cảm nghĩ của một đồng hương về thơ Thy Lan Thảo



Trước tháng 11/2002 tôi còn chưa biết Thy Lan Thảo là ai,và thơ văn của anh như thế nào, mặc dù có nghe tên anh.Vậy mà bây giờ, chỉ sau một thời gian ngắn,tâm hồn tôi dường như thay đổi hẳn, tim óc tôi lúc nào cũng vương vấn một vài ý thơ đẹp đẽ, chân tình và đầy xúc động của anh.
Bài thơ đầu tiên của anh mà tôi đọc là bài ‘Nghĩa Tình Vẫn Nhớ ‘. Chính lời đề tặng ‘Gửi Minh Kẽm... ‘ đã gợi sự chú ý của tôi,vi`đó là hỗn danh của một người cùng quê Gò công. Thật là môt sự ngạc nhiên thích thú :
..Lá sả, lá gừng, lá me chua
Luộc mấy trự ốc bươu làm mồi
Ớt hiểm chanh đường pha nước mắm
Ba thằng ngồi nhắc kể sự đời...
Tôi đã email bài thơ này cho chị tôi ở xa cùng đọc . Từ hôm ấy,hai chị em chia nhau tìm thêm thơ Thy Lan Thảo để chuyển cho nhau xem, vì đối với chúng tôi,thơ anh có một sức thu hút lạ lùng. Chúng tôi thường tự hỏi người này là ai mà có những sở thích, kỷ niệm, tâm tư và cả thời niên thiếu nữa cũng giống hệt như một người trong gia đình mình vậy.Những bài thơ của anh làm cho chúng tôi tự nhiên cảm thâý gần gũi với tác giả mặc dù chưa hề quen biết hay gặp mặt.
Thy Lan Thảo làm thơ dễ dàng, tự nhiên như ăn, như thở, nhưng lời thơ rất đẹp, rất dễ thương, đầy ắp kỷ niệm và cảm tính nên rất dễ làm xao xuyến, rung động lòng người .Thơ như ve vuốt, như vỗ về, an ủi những tấm lòng thương nhớ quê hương:
-Canh chua so đũa, tôm xóm Cội
Muối ớt tươi màu, gạo Sóc Nâu
Em nhắc cho anh thèm muốn khóc
Đất lạ quê người tìm nơi đâu…
-Đây Thung lũng Hồng xác bạn ta
Chia nằm rải rác súng chen hoa
Mắt cay ướt nhớ Tăng nhơn Phú
Mà mộng thanh bình thật xót xa
Tâm hồn mẫn cảm của anh nhìn thấy cái hay,cái đẹp trong những cái rất tầm thường.Trong thơ anh,những vật vô tri, hèn mọn cũng có linh hồn.Anh thổi vào chúng một làn hơi ấm áp, thương yêu, làm chúng hồi sinh, khởi sắc,sống động:
Trái đậu rồng xanh tươi nét non
Bên gìàn mới hái, gạo hương thơm
Mắm tôm chà béo tình quê mẹ
Ớt hiểm bên vườn cay rất ngon
Thy LanThảo có biệt tài diễn tả các món ăn quê hương bằng lời thơ kích thích vị giác, nhắc cho người đọc thèm nhớ hương vị quê nhà, gợi lại nỗi nhớ nhà,nhớ gia đình,làng quê yêu dấu.Tình quê trong thơ anh đậm đà quá,thiết tha quá khiến cho người ta lắm khi trào nước mắt vì nhớ:
Con cá rô mề kho củ cải
Dĩa rau dền luộc, ớt sừng trâu
...Trời mưa ướt đất cây đơm trái
Cơm buồi chiều hôm ấm ngọt ngào
Nhà thơ ra đi đem theo vớí anh cả quê hương xóm làng.Niềm thương nhớ của anh vẫn luôn canh cánh bên lòng không phút nào nguôi.Mười năm sống trên đất ngườI là mười năm trăn trở, hoài vọng về quê hương .Trong từ điển thơ của Thy Lan Thảo không có chữ ‘định cư ‘ hoặc ‘ quê hương thứ hai’.Đối với anh, có lẽ Houston mãi mãi chỉ là đất tạm dung, một nơi tạm dừng bước chân lữ thứ, là một thứ sân ga mà ở đó, con tàu vẫn náo nức bồn chồn không yên , chỉ mong ngóng cái phút giây được hú còi, lăn bánh trở về chốn cũ:
Nhiều lúc muốn quên,yên đời xa xứ
Nhưng tâm tình đâu dễ xóa như mây
Ai dễ quên,lòng của ta vẫn nhớ
Lối cũ đường xưa,mưa gió tháng ngày
Thơ Thy Lan Thảo có những bài rất buồn,rất não nuột,nhất là những đoạn cực tả thực trạng đất nước,nhưng không phải vì đó mà thành bi lụy ,yếm thế.Trái lại, thơ anh luôn ánh niềm hy vọng,tin tưởng vào một ngày vui sẽ tới,ngày Việt Nam quang phuc:
Anh hẹn em anh sẽ trở về
Một ngày nắng đẹp ấm tình quê
Cờ vàng phất phới bay kiêu hãnh
Mình sẽ bên nhau trọn ước thề
Đọc thơ Thy Lan Thảo,ta thấy trái tim nhà thơ dàn trải trong từng lời thơ.Nhưng rõ nét và cảm động nhất là trong những bài viết về Me..Một bà mẹ mà tình yêu đã tưới đẫm lòng anh ,theo anh khôn lớn ra đời,ra nơi trận mạc, vào cả chốn lao ngục tối tăm cũng như dõi theo anh nơi xứ người, ngay cả sau khi bà khuất núi .Bà mẹ hiền ấy chắc đã không thể ngờ tình yêu dấu nồng nàn của bà đã đóng một dấu ấn sâu đậm vào tâm hồn đứa con từ lúc hãy còn thơ dại. Cậu con trai út bé bỏng tối ngày quẩn quanh lúc thúc bên bà đó,hơn nửa thế kỷ sau vẫn còn nhớ như in từng lời nói ,cử chỉ,việc làm của mẹ,vẫn mãi hoài tiếc nuối,khát khao được sống lại chuỗi ngày thơ bé thần tiên bên người hiền mẫu,được nếm lại những món ăn ngon thắm đậm tình cảm gia đình:
-Hình như có chút hơi tay mẹ
Trăn trở con khô giữa nắng hè
-Bây giờ đất lạ trờ xa lạ
Đủ mặc đủ ăn chỉ thiếu tình
Thương yêu mà mẹ dành cho trẻ
Hiểu được lòng con, mẹ hiển linh...
Có người trách sao Thy Lan Thảo sau 10 năm lưu vong vẫn còn cứ đắm chìm trong nỗi nhớ nhà,nỗi đớn đau mất nước,không hướng về tương lai.Riêng tôi chỉ thấy nhà thơ đang làm những chuyện phải làm,kể những chuyện cần được kể lại ,để nhắc nhở chính mình cũng như mọi người đừng bao giờ quên nỗi khổ ải oan khiên của dân tộc Việt Nam qua cuộc đổi đời bi thảm.Tâm sự của anh là tâm sự của Câu Tiễn ngày xưa mỗi đêm nằm trên tấm nệm gai và mỗi ngày mỗi nếm túi mật đắng treo trong nhà để cho mình không quên được mối thù phải trả.Thơ Thy Lan Thảo chính là túi mật đắng của anh và của chính chúng ta nữa,của tất cả những người Việt Nam còn dòng máu Tiên Rồng luân lưu trong huyết quản.Những vần thơ đáng được trân trọng,được ưu ái cất giữ trong mỗi người chúng ta:
-Nay đất hình cong chữ S còn
Phần tư thế kỷ nát giang sơn
Giặc cày hoang phế bao đền miếu
Đói khổ bần dân trí kiệt mòn
-Trong tay giặc ,cuộc đòi và sinh mệnh
Rẻ như bèo ai xa xót tiếc thương
Tiếng than van - uất nghẹn nỗi căm hờn
Quên sao được - hận thù cao chất ngất
-Mẹ biết lòng con rực lửa thù
Mắt nhìn cờ đỏ hận nghìn thu
Quê mình nghèo lắm nên xơ xác
Tổ quốc lầm than cảnh ngục tù
Nhà thơ là nhân chứng sống của những ngày cuối tháng Tư đen,của cuộc triệt thoái tan hàng oan ức của một quân đội nức tiếng anh dũng,kiêu hùng .Anh đã tận mắt chứng kiến bao nhiêu cảnh thảm tử của đồng đội trong trận chiến sau cùng,cũng như của vô số thường dân vô tội trước họng súng cùa quân thù tàn độc dã man.Làm sao mà xóa nhòa trong trí nhớ những hình ảnh bi thảm tận cùng đó ?
Là nhà thơ,anh chỉ còn cách ghi lại từng nỗi đớn đau,ức uất,căm hờn trong những dòng thơ bi tráng :
-Từng tấc đầt,mất dần từng tấc đất
Máu căm hờn ướt đẫm bước lui binh
Tướng với quân quyết một còn một mất
Giữa trận tiền thề quyết tử hi sinh...
--Đại lộ kinh hoàng không bút mực
Văn chương nào kể hết đau thương
-Giặc xem sinh mạng dân như kiến
Người chết đạn vương cả chục lần ...
Từ niềm cảm thông vói nỗi tiếc thương quá khứ tươi đẹp hào hùng bên bạn đồng đội của tác giả,người đọc khó ngăn được giọt nước mắt tiếc thương ,tủi hận khi đọc những dòng thơ bi thiết này:
-Vai xưa ta móc dây ba chạc
Súng thắt lưng,tay giữ bản đồ
Hôm nay vai gánh đầy đôi nước
Áo vá quần tưa thân xác xơ
-Cũng gọi giờ cơm,biết goị sao
Bo bo mì bắp đắng lòng nhau
Gánh gồng lao động như trâu ngựa
TớI bữa ăn đói nhục lệ trào
-Chữ nghiã vội vàng nhai chưa nuốt
Thì tóc tai đẫm ướt gió mưa
Tuổi mùa xuân ngắm trăng Việt Bắc
Tám năm tù nằm nhớ chuyện xưa...
Nỗi ám ảnh đau thương trong những năm dài đọa đày trong ngục tù Cộng sản vẫn còn theo mãi nhà thơ ra nơi xứ người .Cuộc sống yên lành nơi đây không đủ làm cho anh quên đi quá khứ.Anh nhớ mãi nó cũng như nhớ mãi chốn quê nhà nay đã cách biệt muôn trùng :
Đất tạm dung bước đời như đại mộng
Nắng tự do ấm áp đẹp tình người
Nhưng trong lòng anh được mấy khi vui
Vẫn nhớ mãi quê nhà còn đen tối...
Ngày thường đã vậy,những ngày cuối năm,giáp Tết lại càng là thời khắc đau đớn,xót xa nhất với Thy Lan Thảo .Cũng như đối với mọi người tha hương,nỗi nhớ nhà càng trở nên quặn thắt,mãnh liệt trong lòng nhà thơ hơn bao giờ hết trong đêm giao thừa:
-Đêm cuối năm lòng như chợ tan
Xuống ca bước rảo rất vội vàng
Lên xe lòng hướng về quê cũ
Lăng lắc trời xa tiếng thở than...
-Nghe làm sao được pháo giao thừa
Trời chuyển mùa xuân lại gió mưa
Nửa đêm biết có ông bà đến
Hay chỉ mình ta nhớ chuyện xưa...
Không đâu,không phải có mình anh mà còn rất nhiều đồng hương của anh qua những lời thơ anh ân cần nhắc nhở sẽ cùng anh ngậm ngùi nhớ về quê hương dấu yêu,nơi chất chứa bao nhiêu là kỷ niệm buồn vui,nơi cất giữ thời xuân xanh thơ mộng của mọi người,.Một nơi mà tất cả chúng ta,những người con xa lìa xứ sở đều thiết tha mong muốn,đợi trông có ngày được trở về đường đường chính chính để hưởng hạnh phúc đoàn viên, trùng phùng và nối lại những thân tình bấy lâu cách biệt.


PHAN THỊ DIÊN HỒNG
CANADA-Tháng giêng ,2003
Sonk
#5 Posted : Monday, October 19, 2015 6:36:51 PM(UTC)
NguyenSonK

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 7/9/2012(UTC)
Posts: 172
Points: 516
Location: thơ

Thanks: 10 times
Was thanked: 6 time(s) in 6 post(s)
CẢM NHẬN TỪ THƠ THY LAN THẢO
*




Gần mười năm qua, đôi khi tôi được đọc những bài thơ giàu tình cảm quê hương và đẫm tính cách đấu tranh trên một số báo chí, dưới ký tên Thy Lan Thảo, một bút hiệu có vẽ của một nữ sĩ.
Nhờ một duyên may hôm nay tôi nhận được thi tập Thơ Thy Lan Thảo xuất bản năm 2003. Quả là một tình cờ đáng yêu, đáng nhớ và rất bất ngờ. Tập thơ nầy có bìa màu xanh láng và bức tranh màu vẽ khá đẹp, giàu ý nghĩa, phù hợp với nội dung của họa sĩ Trần Cang.Trong tập thơ nầy cũng có hai bức tranh mầu và phụ bản cùng thư họa của họa sĩ Vũ Hối
Có hai bài giới thiệu của Hồng Phan và M.H Hòai Linh Phương như phần tựa và trích đọan thư gửi của Hòang Châu như bài Bạt.Thi tập dày trên 170 trang, chữ khổ đậm đọc rõ và rất ít lỗi chính tả.
Tôi nghĩ các bạn anh đã viết giới thiệu tưởng quá đầy đủ và thơ anh thể hiện một cách giản dị và trực tiếp nên hầu như chẳng còn gì nói thêm. Nhìn chung thấy chỉ có hai thể thất ngôn tứ tuyệt phân đọan và thể tám chữ vần liền mà sau thập niên ba mươi của thế kỷ hai mươi ở nước ta có nhiều người gọi là thơ mới sau bài Nhớ Rừng của Thế Lữ.
Riêng tôi nhận thấy có thể chia làm năm mạch thơ của trường giang thi tứ Thy Lan Thảo. Các dòng suối ấy hay những nhánh sông con nọ hợp thành một dãy vận hà chuyên chở ý tình của anh. Đấy là Lý Tưởng Chiến Đấu, Tù Đày, Quê Hương Gò Công, Tình Bạn và Thân Nhân của anh.
Tôi xin trích giới thiệu theo chủ quan một số câu để bạn đọc có một ý niệm khái quát nội dung tư tưởng thơ Thy Lan Thảo mà sợi mạch xuyên suốt của thi phẩm chứng tỏ anh vẫn là một chiến sĩ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa kiên cường và sắc son hy vọng.
LÝ TƯỞNG CHIẾN ĐẤU
Tấm lòng của Thy Lan Thảo luôn luôn ngời ánh lửa sáng ngời nhiệt tình từ huy hiệu của quân trường và phân biệt rõ ràng ta địch dù đang cầm súng hành quân hay trong các trại tù gian khổ hoặc đang sống nơi xứ người
Ngay như đối với thân nhân, bằng hữu nhiều khi anh vẫn phơi tỏ can tràng và nêu lên lý tưởng hết sức tự hào. Anh có nhận thức qua lịch sử bi hùng của dân tộc:
…Trải bao tai biến người dân Việt
Vẫn vững niềm tin trọn ước mơ
( Có Phải Là Mơ )
Trong bài Cờ Vàng Sẽ Bay, tôi thích chữ trắng vì vừa nói được tấm lòng trong trắng thanh sạch lại nói được cụ thể là cái đói rỗng trong bụng của những người lam lũ bần cùng trong xã hội:
…Mảnh chai giấy vụn như nghề sống
Nắng gió buồn hiu, trắng cả lòng…
Tác giả mhớ lại cuộc hành quân rút lui của Quân Đòan 2 theo tỉnh lộ 7B từ Pleiku qua Cheo Reo rồi tới Tuy Hòa mà anh là chứng nhân:
…Hai mươi năm rồi lộ 7B
Sắt son ai giữ được câu thề
Bao giờ rửa được hờn sông núi
Hay vẫn chìm quên trong lãng mê?
( Hai mươi Năm Rồi Tỉnh Lộ 7B)
Niềm tin của anh vào chính nghĩa trở thành vàng đá của đời sống sau năm 1975 và được tôi luyện thử thách bất cứ ở đâu và lúc nào:
“Vững niềm tin mưa gió của trời đông
Cũng phải nhường nắng ấm mát xuân hồng
Cờ máu kia thay bởi lá cờ vàng
Trả nắng ấm cho miền Nam nước Việt
( Không Thể Quên)
Đại bi kịch của cuộc triệt thóai Tây Nguyên trở thành nỗi ám ảnh không dứt:
…Tự nguyện hiến dân đời gió bụi
Diệt thù dành lại chữ tự do
Bốn vùng chiến thuật chân không mỏi
Lòng vẫn yêu say mộng hải hồ…
( Oan Khúc Sông Ba)
Nhiều khi đọc thơ Thy Lan Thảo tôi có cảm tưởng tác giả là khách chinh phu đã từng Thét roi cầu Vị ào ào gió thu và niềm lạc quan tin tưởng của anh như hai vầng nhật nguyệt mùa xuân:
Hơn nửa đời dù xác thân mục nát
Một chút lòng ta gửi gió bốn phương…
( Quê Hương Rồi Sẽ Đẹp)
Như con chiến mã xông pha trăm trận nay phải ở trong chuồng hẹp luôn nhớ lại thảo nguyên, lam sơn và thanh tuyền, vó gõ gộp cộp vào đường khuất vườn nhà và lạnh lùng hí lên giữa mùa đông tuyết trắng xóa chân trời. Tráng sĩ không còn mài kiếm dưới trăng mà bụi thời gian che khuất tầm nhìn, nên lòng tràn hòai niệm:
Cung kiếm rỉ hoen sầu viễn xứ
Bao giờ trở lại với quê hương
Dặm xa tóc đã phai màu nắng
Áo vẫn còn hoen vết bụi đường.
( Tuổi Vẩn Còn Buồn )
THÂN PHẬN TÙ ĐÀY
Như tên một cuốn sách của Tạ Tỵ, những ngày sống trong lao tù của Cộng Sản đúng là trong đáy địa ngục.Chúng hành hạ về thể xác, bóp méo nhận thức, hết sức vu cáo, lý luận thì ấu trĩ và võ đóan theo chủ quan và nhản quan chánh trị một chiều và triệt tiêu cả đời sống tình cảm và tâm linh.
Mời các bạn đọc vài trích đọan:
Nắng ngã bên kia triền núi dựng
Thu gom củi đốn kéo về thung
Bứt lá vang rừng nhai thấm giọng
Hướng mắt trời Nam đắng cả lòng…
( Đốn Củi Nam Hà )
Bây giờ đất lạ đông băng giá
Không thấy rét lòng như thuở xưa
Trời Hà Tây mùa đông kéo cá
Da bọc xương, sẫm tím gió đùa
( Lạnh )
Buổi tối xe tù chuyển ra Tân Cảng
Mỹ Phước Tây, từ giã Mỹ Phước Tây
Địa ngục trần gian trói chân phiêu lãng
Rũ cờ buồn đau xót mắt vương cay…
( Trên tàu Sông Hương )
Cho tù ăn giống như chuyện giởn
Bắt tù làm như máy vô tri
Đêm đêm kiểm điểm ngối bắt ớn
Một thuở hoa niên tuổi xuân thì…
( Xanh xao Tuổi Buồn (
QUÊ HƯƠNG GÒ CÔNG
Theo tôi, Thy Lan Thảo thành công hơn cả khi anh viết về quê hương và gia đình. Đó là những câu dung dị, chân chất và phong phú nhất.Thể hiện được ý tình về nơi sinh thành và bày tỏ tình cảm đằm thắm, thiết tha với thân nhân như anh đã khiến lòng tôi xúc động.Mảng tình cảm nầy thật đa dạng và cụ thể. Viết như vẽ ra, bầy ra và chứng tỏ có kiến thức cao về sinh họat miền quê.
Anh cho biết tỉnh Gò Công là một tỉnh cũng trù phú và chiến tranh hầu như không có mặt tại miền nầy dù hai tỉnh kế cận luôn luôn có những trận chiến ác liệt. Tác giả yêu quê hương mình qua cánh đồng, những rau gia vị, các món ăn:
Nhớ đến quê mình sau vụ lúa
Đất đồng hoang nẻ, nắng lung linh…
( Chuyển mùa)
Con cá rô mề kho củ cải
Dĩa rau dền luộc, ớt sừng trâu
Trời mưa mát đất cây đơm trái
Cơm buổi chiều hôm ấm ngọt ngào…
( Nhớ Cơm Nhà )
Miếng đất quanh nhà rau quê hương
Ớt chỉ thiên, ớt hiểm, ớt sừng
Thêm ít giá, cà chua, xà lách
Bia uống sao bằng đế Gò Công…
( Thấm đậm lòng Con)
Và đây cũng là một chủ quan dễ thương:
Đầu năm thắm sắc mai vàng nở
Thương nhớ Gò Công đâu riêng ta…
( Thư Xuân Gửi Muội )
Tình yêu của Thy Lan Thảo cũng phảng phất, pha trộn với tình quê hương dằng dặc:
Em trưa mùng một, anh giao thừa
Xuân muộn mà xuân đã đến chưa?
Gió chướng Gò Công em có nhớ?
Một mùa xuân cũ rất xa xưa
( Xuân Tha Hương )
TÌNH BẠN VÀ TÌNH ĐỒNG NGŨ
Tác giả có hai lớp bạn: bạn quê hương và bạn cầm súng. Ý thơ của anh dàn trải, nhắc nhớ kỷ niệm và nhớ thương không cùng làm chúng ta xúc động về một thế hệ trong bối cảnh chiến tranh kéo dài mười lăm năm. Kẻ ra đi vĩnh viễn người ở lại với niềm tưởng vọng triền miên. Nỗi xa cách thêm nặng cảm hòai. Tân Thành như một điểm linh tưởng chan chứa sầu thương.Mời bạn đọc tiếng lệ vừa vang lên trong tâm cảm của một chàng trai nặng tình nghĩa:
Bích ơi! Nhắc nhớ làm sao hết
Đất khách quê người gặp thấy vui..
Ta ở nhà ta mà đất khách…
( Đất Người Gặp bạn )
Mấy đứa bạn trai, đứa còn, đứa mất
Thằng Đỉnh,thằng Tòan chết tuổi hai mươi
Thằng Hùynh, thằng Sơn…tù đày Việt Bắc
Đứa vượt biên, đứa ở lại ngậm ngùi…
( Hôm nào thăm lại trường xưa)
Thật là một cuộc điểm danh đầy ảo não! Rồi anh tuôn lệ cho ngày tử biệt:
Mỗi lần tin bạn đau buồn đến
Tao khóc riêng tao, ứa tủi đời …
( Nghĩa Tình Vẫn Nhớ)

Rồi anh hẹn ước với các người bạn đang sống mòn mỏi ở quê hương song chưa có nhật ký hồi hương chắc chắn vì tổ quốc vẫn còn bị tòan trị bởi một Đảng tự cho mình cái quyền lãnh đạo mãi mãi:
Kẽm ơi, mai mốt tao về lại
Khô cá sặt rằn mày đãi tao

Rượu Gò Công xóa buồn oan trái
Cụng ly mày cho thỏa lòng nhau
( Nhớ lắm bạn xưa)
Gò Công là miền đất mơ và Tân Thành là khung trời viễn mộng luôn luôn hiện hình trong tâm thức dẫu cả ban ngày:
Về Tân Thành, tôi mê hay tôi tỉnh
Anh đừng buồn tôi nhắc chuyện trong mơ
( Sao Vẫn Là Mơ )
THÂN NHÂN
Một phần nội dung của tập thơ để mô tả cảm nghĩ về thân nhân mà anh rất coi trọng. Tấm lòng hiếu để, trái tim chung thủy và sự tôn kính chân thực được thể hiện khá xuất sắc. Tuy có ước lệ song sự thành thực làm người đọc thông cảm, dễ dàng chia sẻ cùng anh. Phần nầy tôi trích dẫn hơi dài vì muốn người đọc biết anh nghĩ ngợi và rung động ra sao đối với từng người:
May mà em đợi từ tiền kiếp
Thuở đất trời chưa nổi hôn mê
Chút ấm mắt đời tươi tha thiết
Tình em ý đẹp nghĩa phu thê…

Em thêu lành áo năm xưa rách
Trọn ý tình ríu rít đôi chim
( Em Thêu Áo Mặc Ấm Đời Anh )
Chị ơi! Em vẫn chưa về được
Chị gắng thay em chuyện cửa nhà
( Lòng Em Gửi Chị )
Vẫn Mong Gặp mẹ trong thương nhớ
Đất tạm dung buồn tím cả lòng…

Buồn quá xứ người nuôi thương nhớ
Tin ba nằm xuống con trong tù
Được tin mẹ mất trời đông giá
Mất hết đời con đen tháng tư…
( Mẹ Đến Trong Mơ )
Hình như có chút hơi tay mẹ
Trăn trở con khô giữa nắng hè
Tất cả tâm lòng cho con trẻ
Mẹ chờ mẹ đợi bước con về…
( Thâm Tình Con Nhận)
Ngọai với mẹ luôn là thơ là nhạc
Con chỉ còn tìm trong kỷ niệm xưa
Năm mươi mấy tuổi nghe lòng tan nát
Ngọai, mẹ bây giờ xin hỏi gió mưa
( Vẫn Thực Lòng Ta )
Mai về thăm lại quê hương cũ
Lối bước năm xưa, cỏ vệ đường
Mắt em chắc sẽ mờ sương lệ
Bởi thấy quanh mình cảnh cũ vương
( Vết Cũ Còn Vương)
Ngày vào lính ba buồn nhưng ý khác
Con đi xa đời trắc trở chênh chông
Ba rõ hiểu đời trai là gan mật
Phải gió sương mới rõ nghĩa phiêu bồng…
( Viết Cho Ba Ngày Father’Day)
Như tôi đã viết nội dung thơ Thy lan Thảo chia làm năm nhánh. Chúng ta cũng có thể gọi đó là đóa hoa mai hay là năm cánh của một ngôi sao. Hoa thì rực rỡ ngát hương trong tân xuân, còn ngôi sao lấp lánh trên bầu trời trung thu.
Về kỷ thuật dựng của Thy Lan Thảo quả có công phu. Sự sắp đặt niêm vần khá tự nhiên nên có nhạc tính. Rất ít vần thông mà thường là chính vận. Song đôi khi có hơi lạc vần như Rưng rưng vần với tình thân trong bài Nhớ Bạn Ngày Xưa.
Tôi biết anh sáng tác khá nhiều thể thơ khác. Tôi không thấy anh cho biết sẽ in trong thời gian tới các thi tập mới. Rất mong anh lại cho ra mắt sớm các tập thơ nữa mà tôi tin sẽ được hoan nghênh. Tôi lại nghĩ: Anh nên đặt tên cho tập thơ như thi tập nầy. Chỉ trong trường hợp anh in tuyển tập thì anh lấy tên giản dị như Thơ THY LAN THẢO.
Xin tri ân anh đã gửi tặng tôi thi tập nầy. Cảm phục ghi nhận một ý chí kiên cường của một chiến hữu. Thích thú biết bao một tâm hồn quê hương thắm thiết! Hân hạnh được làm quen với anh, một nhà thơ đầy triển vọng ở hải ngọai. Và mong chiến sĩ tiếp tục lên đường với nguồn nghệ cảm và sẽ thành công rực rỡ hơn nữa…


HÀ TRUNG YÊN
Thành Tân Cơ bang Lê Gia Hoa Kỳ thu Giáp Thân 2004


Sonk
#6 Posted : Tuesday, November 3, 2015 7:55:12 PM(UTC)
NguyenSonK

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 7/9/2012(UTC)
Posts: 172
Points: 516
Location: thơ

Thanks: 10 times
Was thanked: 6 time(s) in 6 post(s)
NHỮNG BÀI THƠ VỌNG ÂM VÀO CUỐI THẾ KỶ
*

HỒ TRƯỜNG AN


Cái tên Thy Lan Thảo chắc cũng không xa lạ gì với các đọc giả kiều bào ở California ( Hoa Kỳ), nhất là những đọc giả trung thành với tờ nguyệt san Hồn Việt.
Thy Lan Thảo không phải là bút hiệu của một nữ sĩ. Đây là bút hiệu của một cựu chiến binh. Anh đã từng là sĩ quan ngành Chiến Tranh Chính Trị thuộc Tiểu Đoàn 50 CTCT ( Sài Gòn) và Tiểu Đoàn 20 CTCT ( Pleiku).Sau ngày 30 tháng 4 năm 75, anh là tù nhân qua các trại cải tạo Huyện Tây( Gò Công), Mỹ Phước Tây ( Cai Lậy), Hà Tây ( Hà Sơn Bình), Nam Hà ( Hà Nam Ninh)
Tôi đã cùng Thy Lan Thảo cộng tác tờ Hồn Việt. Tôi chỉ đọc thơ anh trên tập san. Và vào xuân năm 2000, qua nhà thơ nữ Dư Thị Diễm Buồn, tôi nhận được một số thơ của anh đã từng đăng báo vào năm 1999 và một bài thơ độc nhất trước tác vào ngày 2-1-2000( bài " Đau Xót Đời Ta")
Thơ anh tuy nhiều nhưng chưa có cơ hội xuất bản thành thi tập. Nhưng trong giới thơ văn gốc người Nam Kỳ, tên anh cũng đã khá quen thuộc rồi.
Thy Lan Thảo là nhà thơ sống rất nhiều về dĩ vãng hơn là đối diện với hiện tại. Anh ra hải ngoại theo diện HO 14. Từ thuở tác giả vào đời cho tới năm 1999 cũng không phải là lâu lắc gì. Cuộc sống hiện tại của anh trên đất tạm dung chẳng có gì đáng nói. Trong khi đó, cái dĩ vãng thơ mộng thuở thiếu thời ở Gò Công và ở Sài Gòn cùng thuở bước vào quân ngũ và thuở bị tù đày đã đưa anh từ cơn mộng đẹp trên thiên đường hạnh phúc rơi tàn nhẫn xuống cơn ác mộng nơi địa ngục trần gian, đã ghi vào nội giới anh những vết son không phai và những vết thương không thể lành lặn. Cho nên thơ của anh luôn ám ảnh bởi dĩ vãng. Dĩ vãng đó có hai khuôn mặt hạnh phúc và khuôn mặt khổ đau.
Nhưng khuôn mặt hạnh phúc quá mờ nhạt chỉ được ghi ở một bài thơ " Đếm lá me bay - Tuổi học trò "
Anh vẫn nhớ tình yêu ngày mới lớn
Tuổi mười lăm - Áo trắng ngọt sân trường
Của một thời vụng dại biết nhớ thương
Đôi mắt ướt- Hàng mi che cong vút
Lòng rộn rã mỗi lần tan lớp học
Theo em về bóng mát lá me bay
Bước theo sau nhìn đôi bóng ngã dài
Gió e thẹn đùa reo trên tóc rối
Sẽ lúng túng nếu tình cờ em hỏi
Nhà hướng Đông sao về ngõ hướng Tây?
Trời mùa thu - nhiều lắm lá me bay
Em e thẹn nên vô tình im lặng
Vàng lá úa đùa reo trên áo trắng
Chiếc cặp da ôm sát ngực thẹn thùng
Vậy mà đêm không ngủ nhớ vô cùng
Sáng đến lớp- thầy kêu bài không thuộc
…..
Trở về dĩ vãng thuở học trò, tức là nhặt nhạnh lại kỷ niệm thơ mộng trên thiên đường ký ức. Công việc nầy đã có nhiều nhà thơ đã làm rồi. Bài thơ tuy không đặc sắc nhưng vẫn cho đọc giả tìm lại thuở xôn xao của tuổi biết yêu lần đầu. Âm điệu du dương cùng vóc dáng nhung tơ mượt mà của bài thơ vẫn có một nét gợi cảm riêng.
Bài thơ" Đếm Lá Me Bay- Tuổi Học Trò" mà tác giả trước tác ở hải ngoại vào ngày 23 tháng 4 năm 99, tới đây đã trở thành một đoạn phim chuyển cảnh. Hình ảnh cô nữ sinh đã trở thành bà mẹ đã có ba đứa con đến tuổi trưởng thành, còn chàng trai tân chính là tác giả đã trở thành người bại binh nơi đất khách ngồi nhớ sa trường xưa, nhớ luôn người tình đầu. Cảnh trước và cảnh sau đã xảy ra ở rất nhiều hoàn cảnh của kiều bào chúng ta. Nó không phải chỉ ở trong các quyển tiểu thuyết diễm tình hay trong phim ảnh tình yêu thuộc loại lãng mạn qua câu thơ " Tình chỉ đẹp khi còn dang dở" nữa. Nó đã đi vào cuộc sống tình cảm của nhiều đôi tình nhân không phải đợi tới ngày chung cuộc miền Nam, mà ngay từ khi cuộc nội chiến giữa Quốc-Cộng bùng nổ.
Ba mươi năm- chuyện đời không biết được
Vẫn vô tình- trăn trở ý ăn năn
Đất tha hương tuổi tác có muộn màng
Vẫn rạo rực nhớ đường xưa áo trắng
Anh và em đã nhuốm nhiều mưa nắng
Ba đứa con em nay đã trưởng thành
Riêng anh thì chút ước quá mỏng
manh
Của một thuở đầu tiên tim rung động
Đôi mắt em vẫn hằng theo cuộc sống
Vào chiến chinh rồi vào tận ngục tù
Suốt tám mùa anh ngắm lá vàng thu
Tự an ủi vuốt ve đời giam cấm
Tiếng trong phone vẫn êm đềm trong ấm
Nếu vô tình chắc khó cảm nhận nhau
Thoáng bóng gương- tóc trắng vẫn ngọt ngào
Em một thuở mười lăm tình thơ dại
Thơ của Thy Lan Thảo phản ánh nguyên vẹn tiếng nói chung của một thời đại mất mát hạnh phúc, một giai đoạn đen tối lầm than của dân tộc. Tiếng thơ anh là tiếng thơ chung. Tiếng than van của anh là tiếng than van của đồng bào suốt hậu bán thế kỷ 20. Một loại tiếng thơ buồn, đóng góp vào nỗi buồn chung của chủng tộc, của tổ quốc chúng ta.
Xin cùng đọc bài thơ " Gửi Người Yêu Dấu" ( 14-7-99):
Vạn lý tình xa vạn lý nào
Để buồn để nhớ buổi xa nhau
Tình quên có dễ như trời nắng
Chợt chuyển màu mây…đậm sắc màu

Không thể tình cờ như bão giông
Đò ngang thuận nước gió xuôi giòng
Phẳng im như chuyện tình tha thiết
Chợt nổi ba đào tỏa trắng sông!

Ta bước dần theo cát bụi bay
Lòng ta đang tỉnh ướm men say
Ta đi trong đất trời tha thiết
Thì biết làm chi chuyện tháng ngày?

Mắt vẫn ngàn xa đêm vẫn riêng
Trong mơ vẫn rõ dáng kiều duyên
Em cười mà lệ hoen đôi má
Ta tỉnh- ngục tù lạnh gió đêm

Vạn lý tình xa em dấu yêu
Kìa em xỏa tóc đón mây chiều
Mắt xưa em có còn tha thiết
Xa lắm em ơi- Nhớ thật nhiều!

Anh ở Hà Tây- Em Sài Gòn
Yêu buồn, thương nhớ biết ai hơn
Tình xa xôi quá đôi tay ngắn
Đâu giúp em lau giọt lệ buồn.
Người yêu dấu trong thơ Thy Lan Thảo là ai? Có thể là người vợ trẻ của anh. Hoặc cũng có thể là người tình tuyệt vời của anh. Nhưng dẫu là ai đi nữa, nhưng chắc chắn đó là thần tượng tình yêu của anh,cái đối tượng để anh gửi gấm tình yêu, nỗi nhớ nhung,những dòng tâm sự của anh trong cảnh cá chậu chim lồng. Trong cõi thơ của anh, nàng đẹp hẳn lên, không phải nàng được tác giả miêu tả chân dung cùng tấm lòng tốt đẹp cao quý của nàng.Nàng sở dĩ đẹp là nhờ lời thơ tác giả du dương ngọt ngào. Là nhờ tấm lòng hoài vọng của anh được diễn tả bằng một ý thơ trong sáng thiết tha. Cõi thơ được kết hợp và hình thành bằng lời thơ đẹp như thế phải là một môi trường, một bối cảnh dành cho tiên nữ Giáng Hương của Từ Thức và dành cho tiên nga Giáng Kiều của Tú Uyên. Óc liên tưởng sa đà dòng mường tượng phong phú vẫn có thể đưa đẩy những tâm hồn lãng mạn phác họa chân dung người yêu dấu của Thy Lan Thảo trong cõi ấn tượng và trong vũ trụ tưởng tượng của họ những hình ảnh tuyệt vời như thế. Nhưng " người yêu dấu" ấy không phải chỉ dành riêng cho Thy Lan Thảo đâu. Loại " người yêu dấu" ấy cũng đã từng xuất hiện trong thi văn của rất nhiều nhà thơ nhà văn đồng cảnh ngộ với Thy Lan Thảo. Nàng vẫn là mẫu số chung, đối tượng chung của rất nhiều nhà thơ nhà văn ở hải ngoại.
Thơ của Thy Lan Thảo không có vóc dáng riêng biệt, nhưng vẫn là loại thơ đẹp. Nó khá đơn giản, không cầu kỳ, không chuốc lục tô hồng quá đáng. Tuy nhiên nó không quá bộc trực đến độ thô tháp cục mịch, vụng về. Tác giả vẫn có cái tinh xảo riêng để làm cho vóc thơ óng ả như lụa và sáng dịu như trăng để đi thẳng vào tâm hồn và trái tim người đọc bằng những rung động êm ái, bằng những thoáng bâng khuâng dịu dàng.Xin đọc bài "Thư Gửi Chị"(16-6-1997)
Chị ạ! Nhận thư từ Việt Nam
Chiều nay mây rất ít màu đen
Sao lòng em bỗng nhiều thương nhớ
Năm tháng dù xa…rất khó quên!

Chị hỏi từ khi sống tạm dung
Dù xa nhưng nắng chắc tươi hồng
Mẹ thương em lắm- khi chiều đến
Hướng mắt trời xa ướt lệ trông

Chị bảo mẹ rằng nếu mẹ thương
Đứa con trai út sống tha hương
An tâm xin mẹ thôi buồn nhớ
Về đứa con từng chịu gió sương

Chị hỏi thăm về sinh kế em
Về hai đứa cháu nhỏ thân yêu
Trời xa có nhớ về quê cũ
Đủ ấm bình minh- mát gió chiều

Chị ạ! Cuộc đời em trôi nổi
Kể từ khi xếp chiến bào xưa
Tám năm em sống trong lao cấm
Đời vẫn thường quen với gió mưa!

Chị hỏi bạn bè em tới Mỹ
Có còn nhớ lại khúc quân hành
Có còn nhớ lúc cờ thay hướng
Hay đã quên rồi chuyện chiến chinh!?

Chị ạ, xa rồi chuyện tháng tư
Tuổi già, đất lạ sống bơ vơ
Có thằng bưng phở nuôi con dại
Có đứa sớm quên kiếp sống nhờ!

Chị hỏi bao giờ em trở lại
Bạn bè viễn xứ có thương nhau
Có mơ đến chuyện thay gươm mới
Hay vẫn âm thầm trong tủi đau?

Chị ạ, đã làm thân viễn xứ
Chị hỏi, em buồn lắm chị ơi!
Đọc lại ít dòng trang cổ sử
Lạc Long chia cách mẹ Âu Cơ

Chị ơi, nhắc mẹ giùm em với
Gắng sống vài năm sẽ có ngày
Một sáng cờ vàng bay phất phới
Em về ôm mẹ trọn vòng tay…
Ở trường hợp nhà thơ Thy Lan Thảo, chúng ta nhận thấy vài điều then chốt về thi ca:
*Ngôn ngữ đơn giản của thơ vẫn làm đẹp cho thơ
* Xen lác đác vào ngôn ngữ đơn giản đó một vài ngữ pháp (tournures) chẳng những làm thơ đẹp thêm mà còn làm tình ý thơ nổi bật hơn, chẳng hạn những cặp câu thơ sau:
Chị hỏi từ khi sống tạm dung
Dù xa nhưng nắng vẫn tươi hồng
hoặc:
Có còn nhớ lúc cờ thay hướng
Hay đã quên rồi chuyện chiến chinh
*Ngôn ngữ thơ đơn giản nhưng đải lọc trở nên trong sáng và chải chuốt. Nó phơi bày tình ý của tác giả hiện lồng lộng và rạng ngời trong thơ để đi trực tiếp vào cảm nhận người đọc.
* Thơ đơn giản, tình ý dịu dàng đằm thắm dễ làm rung cảm cho những kẻ đồng cảnh ngộ với tác giả, gây một sự hòa điệu hồn nhiên,không chút khó khăn ngăn ngại.
* Ngôn ngữ thơ nhờ đơn giản nên thế giới thi ca và đề tài của tác giả trở nên quen thuộc với đa số quần chúng độc giả. Đề tài của thơ Thy Lan Thảo vốn thật gần gủi với đa số độc giả đã trải qua bao cuộc thăng trầm của tổ quốc, bao vận nước nổi trôi từ cuộc chiến tranh Đông Dương giữa Pháp và Việt Minh, kinh qua cuộc nội chiến giữa Quốc Cộng, qua thời gian sau ngày miền Nam thất thủ cho tới ngày sống tha hương nơi hải ngoại. Dĩ nhiên chúng đã được các nhà văn nhà thơ lưu vong vốn ưu thời mẫn thế của chúng ta khai thác trên 20 năm qua. Nhưng mỗi người khai thác một cách khác nhau, bằng thái độ,bằng góc độ cái nhìn, bằng khía cạnh nhân sinh quan khác nhau. Ở Thy Lan Thảo là thái đột dịu dàng, đôn hậu, dằm thắm. Anh không hung hăn với kẻ thù, anh không rền rĩ quằn quại với số phận cay nghiệt. Anh cũng không phóng mắt vào hoàn cảnh nào khác ngoài những hoàn cảnh và những biến cố kế tiếp nhau xảy đến cuộc đời anh. Anh không phóng chiếu cái nhìn vào viễn tượng lộng lẫy ở chân trời thi ca nào khác. Anh nắm bắt những gì anh cảm xúc, những gì anh hiểu biết, không để tham vọng lôi cuốn anh vào những cuộc phiêu lưu sa đà khi sáng tác thơ. Thơ anh do đó tuy không tân kỳ và lộng lẫy, nhưng được cái tình khiêm tốn và chân thật.
Thy lan Thảo là một cựu chiến binh, đã đi khắp bốn vùng chiến thuật( Từ năm 1968 đổi tên là quân khu).Anh đã có mặt trên hai con đường máu: Đại Lộ Kinh Hoàng và Tỉnh lộ 7B trong những ngày ở KonTum di tản về Nam. Khi sang định cư ở Houston ( Texas) anh vẫn chưa nguôi được những ám ảnh, những ác mộng trong cuộc đời quân ngũ. Do đó anh nhớ thời oanh liệt xưa, nhớ bạn đồng đội trong tình huynh đệ chi binh lớn rộng và thiết tha. Xin đọc bài " Ám Ảnh ", trước tác vào ngày 15-5-1999 mà nhà thơ dành riêng tặng Lê Ngọc Thiện Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 20 CTCT
Vẫn còn âm ỉ cuông phong cũ
Dậy ở trong tâm buổi cuối mùa
Một thoáng tha hương đời lữ thứ
Nhớ đường kiếm bạc diệt thù xưa

Sông Dakpla về tây ngược sóng
Ta vẫy tay chào- Ôi xót đau
Kontum rực lửa hè thiêu nóng
Đôi mắt em nhìn nghẹn ý trao

Về Nam từng bước mờ giông bụi
Rời rã dìu nhau giữa đạn thù
Súng gươm uất nghẹn buồn rưng tủi
Máu đẫm rừng hoang thân xác khô

Đêm Củng Sơn mờ sương tối tâm
Tướng quân đâu thể tính sai lầm
Sao không ngăn bước quân thù tiến
Mà lại tan hàng uất nghẹn căm?

Sao chọn đường đi lộ 7B
Quan san đâu dễ bước quay về
Sông Ba sóng máu loang hờn oán
Cán chính dân quân quá não nề!

Đói khát nhục nhằn sá quản thân
Dân nương bước sống với toàn quân
Quân vương sao nỡ lầm than quá
Từng xác tan thây chết mấy lần

Trời tha hương đất người lập xuân
Tháng ba giổ hội của toàn dân
Ta quên sao được con đường máu
Từng bước về Nam đất mất dần

Bao giờ quang phục quê hương lại
Về đập Đồng Cam đến Sông Ba
Lập đàn cầu độ hồn oan trái
Giải bớt niềm đau của nước nhà.

Nhà thơ chẳng những ngậm ngùi cảnh ngộ sinh ly của gia đình, cảnh nhiễu nhương đã qua của đất nước. Anh còn hướng cái nhìn về đồng bào Huế còn kẹt lại sau bức màn tre, chẳng những lầm than dưới ách bạo quyền Cộng Sản mà còn hứng chịu cảnh thiên tai thủy họa. Do đó trong tiếng than hờn oán còn thấm nhuần niềm nhân đạo, trong ngọn lửa hận thù còn sáng rực ánh thiên lương. Xin cùng đọc bài " Một Chút Lòng Xin Gửi Quê Hương"( 19-12-1999)

Biển oán hờn ai dậy sóng trào
Miền Trung oan khốc nổi ba đào
Thê lương đâu chỉ riêng đền miếu
Mà cả trời Nam khóc thảm đau!

Đất tự ngàn năm vốn cỗi cằn
Dân cày sỏi đá chẳng no ăn
Trời đày lũ lụt hàng năm đến
Dậy sóng miền Trung- tựa thác ngàn…

Thiên tai đe dọa hoang mầm sống
Bạo đảng đâu cần nghĩ tới dân
Chỉ biết gom tiền chăm sóc đảng
Rượu ngon gái đẹp- rất ân cần

Cùng giống da vàng nguồn Lạc Việt
Bạo quyền hoang dã tựa hùm beo
Sói lang nhìn đảng còn kinh dị
Đất nước thê lương- dân khổ nghèo…

Sông Hương một thuở dòng xanh mướt
Núi Ngự mơ màng ẩn đế kinh
Thọ Cương vẳng tiếng gà xao xác
Vỹ Dã hương cau ngập ý tình

Hôm nay nước bạc reo đầu sóng
Cuồn cuộn âm binh dáng tử thần
Núi đá ngàn năm hoang lở sụp
Sá gì đền miếu với nhà dân!

Hương Giang chắc hẳn buồn cay đắng
Bởi lượn nước xanh đã trở dòng
Bao xác thân trôi đùa nước trắng
Lệ buồn vét cạn khóc dòng sông

Tìm đất nào chôn được xác cha
Mẹ nằm không chiếu đắp thân già
Tuổi thơ ngơ ngác không nơi tựa
Đảng có nhìn, có thấy xót xa?

Vạn dặm tình xa một giống giòng
Mù khơi đục mắt khóc miền Trung
Thê lương trời hỡi sao dành cả
Con cháu Âu Cơ, đất Lạc Hồng?!

Một giọt máu đào vạn xót xa
Non sông ngàn dặm vẫn quê nhà
Xác trôi rã xác tan nhà cửa
Người sống lạc thần xương bọc da!

Một chút lòng riêng xin gửi đến
Đau buồn chia xẻ với quê hương
Nước ơi đã tạo cơn hồng thủy
Sao chẳng dìm sâu lũ giặc cuồng?

Bài thơ nầy không đằm thắm như những bài thơ trước. Cảm tính của nhà thơ bắt đầu bung ra. Tình cảm của anh sắc đậm hơn. Tiếng than của anh não nuột hơn. Nhưng cái bung ra, cái sắc đậm, cái não nuột ấy vẫn không trở thành tiếng rên siết, tiếng kêu la trầm thống. Chúng vẫn giữ cho nhà thơ cái đôn hậu, cái kín đáo dịu dàng căn bản. Chúng chỉ giúp cho ý thơ thấm sâu vào nội giới của người đọc chứ không phải là tiếng gào thét của công việc đả kích bạo quyền và công việc lạc quyên cho các nạn nhân vì cơn lũ lụt.
Trong những bài thơ mà tôi vừa kể, trừ bài "Thư Gửi Chị" và bài"Một Chút Lòng Xin Gửi Quê Hương" đều là những dấu ấn của một chuỗi biến động nằm trong chặng đời dĩ vãng kéo dài gần 40 năm. Số đông đọc giả chúng ta có thể soi vào chặng đời đó để tìm gặp lại khuôn mặt mình cùng những khuôn mặt đi qua và ghé lại cuộc đời mình. Cũng vậy, chúng ta được đối diện lại chân dung các cuộc tình của mình, từng chặng lịch sử oai hùng của một miền Nam Việt Nam đã can trường chống Cộng cứu nước cho tới ngày chung cuộc 30-4-75. Chúng ta có thể nhớ lại những người chiến binh cũ, xa xưa.Giờ đây những người chiến binh ấy có những kẻ vùi xác ở đâu đó trên 4 vùng chiến thuật, có những người chết trong lao ngục, và có những người gánh nốt cái hệ lụy thảm khốc cùng căn phần lầm than trên đất nước.Và cũng có những người như Thy Lan Thảo âm thầm sống nơi một góc trời hải ngoại, đêm đêm chong đèn viết lại cái hồi ký đẫm đầy nước mắt máu xương. Hay là còn có những người vượt biển không thành, thịt xương chìm dưới đáy biển đông thăm thẳm
Trong số các đôc giả, đã từng yêu đời lính trong cuộc nội chiến cách đây 35 năm có thể tìm lại ở thơ Thy Lan Thảo những hình bóng một chặn lịch sử, hình bóng một thế hệ hiến dâng cuộc đời cho tổ quốc. Tất cả đã trở thành một ngọn lửa thiêng để họ nuôi bền bĩ trong quảng đời còn lại của mình, để giữ gìn cái ý nghĩa cao quý cho lý tưởng mình
Thơ Thy Lan Thảo đặc sắc là những bài gửi về mẹ hoặc nói về mẹ.Tôi xin viết Mẹ khởi đầu bằng chữ M hoa. Vì Mẹ trong thơ anh không phải chỉ riêng của anh, mà là một bà Mẹ điển hình cho cả những người cùng thế hệ của anh.Ai đó có một bà Mẹ còn kẹt ở lại sau bức màn tre đang bủa vây khắp quê hương, khi đọc những bài thơ của Thy Lan Thảo chắc sẽ có cảm tưởng Mẹ của mình sẽ nhập làm một với Mẹ của tác giả và sẽ hoá thân thành một bà Mẹ Tổ Quốc, hoặc thiêng liêng hơn thành hoá thân của Đức Mẹ Đồng Trinh Maria hay Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Đức Mẹ Đồng Trinh là Mẹ của nhân loại, Đức Quán Thế Âm Bồ Tát là Mẹ của mọi chúng sinh trong cõi Ta bà nầy, còn bà Mẹ Tổ Quốc là Mẹ riêng của dân tộc Việt Nam chúng ta,cả ba đều có chung tấm lòng từ ái bao la với lũ con
Thy Lan Thảo xa Mẹ, nhưng chưa về Việt Nam thăm Mẹ, bị người chê trách anh không thương Mẹ. Nhưng Mẹ anh là người biết trưởng chí một thằng con yêu nước như anh. Theo truyền thống các anh thư, liệt nữ, tiết phụ, từ mẫu dũng cảm từ ngàn xưa, Mẹ anh muốn ngày anh về là ngày lịch sử sang trang, anh không còn khúm núm cúi đầu dưới bạo quyền để được đổi lấy một chuyến về thăm nhục nhã. Xin đọc bài thơ" Bài Thơ Trả Lời"( 9-8-99)mà anh dùng để trả lời" người gửi bài thơ hỏi tôi ( tức tác giả) sao không về thăm Mẹ"
Người viết bài thơ gửi đến tôi
Bằng lời chua chát trách trêu đời
Bài thơ nhớ Mẹ tôi thường viết
Là lúc lòng tôi vắng tiếng cười

Nỗi nhớ khôn nguôi ngày xa xứ
Lòng tôi tan nát buổi ra đi
Người ơi có biết từng câu chữ
Phân tấm lòng tôi- bước viễn ly!

Lòng tôi trân quý thương và nhớ
Nhưng buổi thay cờ- loạn nhiễu nhương
Tôi vẫn không quên lời minh thệ
Trước nghiã trung đài tỏa khói hương...

Tổ quốc điêu tàn trước bạo quân
Toàn dân nghèo đói khổ trăm lần
Uổng đời chiến sĩ không tròn ước
Chịu tiếng ươn hèn- sống nhục thân

Người trách tôi thương tôi nhớ mẹ
Sao lại không về thăm Việt Nam
Nhỡ mai nhang khói buồn cô lẻ
Bóng mẹ bơ vơ khuất nẻo trần!

Ta hiểu người ơi! Trung với hiếu
Một thân nhiễu loạn xẻ làm đôi
Tôi về mẹ có tăng thêm tuổi
Hay để giặc kia ngạo nghễ cười?

Mẹ tôi, tôi hiểu lắm người ơi!
Người đã cho tôi cả cuộc đời
Mẹ vẫn khuyên tôi ngày trở lại
Là lúc cờ xưa ngập cả trời

Quê hương quang phục người sẽ thấy
Bước giữa rừng cờ có bóng tôi
Giặc thù trả lại ta sông núi
Mắt mẹ lòa mây vẫn rạng ngời

Bài thơ nầy có thuyết phục được niềm tin của người đọc hay không, điều đó không phải là điều tôi mong mỏi. Đọc giả có tin lòng thành thật của Thy Lan Thảo hay không, đó cũng là điều mà tôi không thích nêu ra đây. Anh không về thăm Mẹ có phải vì không muốn để " giặc kia ngạo nghễ cười", có phải lý do thật sự hay vì lý do nào khác, tôi vẫn không tìm hiểu.Tôi chỉ biết bài thơ nầy làm tôi sống lại thuở 13,14 tuổi đã từng chiêm ngưỡng các bà Mẹ trong truyện Tàu, bị giặc bắt làm con tin để dụ người con trai yêu quý của họ về hàng giặc, nếu không họ sẽ bị giặc giết.Những bà Mẹ dũng cảm can trường ấy thà chịu chết dưới tay giặc, chứ không cho con mình hàng giặc.
Thế hệ của tôi( tức thế hệ trưởng thành vào 3 năm cuối của thập niên 50) đã un đúc tấm lòng yêu nước ngay khi còn học ở lớp nhất và ở 4 năm trung học qua các bài thơ của Phan văn Trị,Huỳnh Mẫn Đạt,Nguyễn Đình Chiểu, Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân, Phan Bội Châu,, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh...Những bài thơ xiển dương lòng yêu nước và những bài thơ chống đối chủ nghĩa Cộng Sản của Bắc Phong, Vũ Kiện ở hải ngoại là nhịp cầu nối dài, là con đường tiếp tục con đường truyền thống của người xưa. Cho nên giờ đây, gặp các bài thơ yêu nước của Thy Lan Thảo, của Dư thị Diễm Buồn tôi không bỡ ngỡ. Cả hai vẫn có mối thù sâu sắc đối với Cộng Sản, dù thái độ vì nước quên tình nhà của họ bị một số độc giả ngờ vực đi nữa. Và bà Mẹ của họ có thật hay không, có chỗ đứng vững trong nghệ thuật thi ca hay không vẫn là điều không mấy cần thiết cho những kẻ có lập trường chống Cộng vững chắc. Lập trường đó củng tấm lòng chân thành yêu nước vẫn còn có những bà Mẹ như bà Mẹ cuả Thy Lan Thảo trong thi ca để có thể vinh danh bà Mẹ tổ quốc của chúng ta.
Thy Lan Thảo đã phân bua với" người gửi thơ hỏi tôi sao không về quê thăm Mẹ" kia.Anh còn tâm sự với Mẹ anh khi anh nhập vào quốc tịch Mỹ ở bài " Mẹ Hiểu Lòng Con "( 1-6=-99):
Mẹ ơi! Con viết thư cho Mẹ
Giữa lúc lòng con...nỗi hỗn mang
Trái đất nửa vòng quay vẫn nhẹ
Đời tha hương... thoáng giấc kê vàng

Đâu dễ gì quên chuyện bão giông
Máu loang Bến Hải, nước chia dòng
Mấy trang nhục sử- nghìn năm hận
Rửa sạch thù xưa- máu mấy sông?!

Con vẫn âm thầm đất tha hương
Sống vay cơm áo- gió pha sương
Bắc Nam sông máu chia thù hận
Nay Thái Bình Dương cách biệt đường

Đêm vũ đình trường Tăng Nhơn Phú
Ngàn cánh tay thề giữ núi sông
Ra đi đáp lại lời sông núi
Nhiệt huyết đời trai trọn ý lòng...

Mẹ ơi ! Xa xót lòng con lắm
Một thuở đăng trình uổng chí trai
Mấy năm đất khách còn in đậm
Rừng núi, sơn khê, tủi nhục đày!

Hôm nay đất lạ con minh thệ
Nguyện sẽ trung thành với núi sông
Mẹ ơi! Đau buốt lòng con trẻ
Sông núi tha hương- nhớ Lạc Hồng!

Con ngồi học lại từng trang sử
Sử của người đâu giống sử ta
Lòng con nhớ dáng Trưng Vương quá
Nhớ sóng Bạch Đằng- Chiến thắng ca!

Hôm nay chối bỏ công dân Việt
Mang quốc tịch người Mẹ nghĩ sao?
Nhưng giữa lòng con- Con rõ biết
Quê hương chữ S vẫn ngọt ngào ...

Sẽ có một ngày con trả lại
Ta Việt Nam- Quang phục trở về
Bắc Nam thôi hết điều oan trái
Tủi nhục qua rồi thoát cõi mê.

Cái đau xót của tác giả khi nhập quốc tịch mới chưa hẳn là tâm trạng chung cho những kẻ ngơ ngác trước cảnh ngộ mới, thân thế mới. Thường thì tâm trạng đó không đến nỗi đậm đà thành một nỗi đau; trái lại nó còn là niềm vui sướng cho những kẻ tính chuyện làm ăn lâu dài trên đất nước định cư. Tâm trạng của tác giả nếu ta nhìn về phương diện thực tế thì khá đặc biệt , gần như không thật. Song đứng về vị thế của đứa con an ủi Mẹ thì đối với kẻ lưu vong như chúng ta là một việc nên làm.Và nếu ta nghĩ sâu hơn, nhuyễn hơn một chút: đã bao năm chúng ta phụng sự tổ quốc của chúng ta, giở bỗng bị" quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh"( nói theo Vũ Hoàng Chương) để trở thành công dân nước mới, thì sẽ trung thành với tổ quốc mới và không còn tổ quốc thật sự để trung thành, để phụng sự. Đó là một điều đáng ngậm ngùi, đáng đau xót chứ, Cái đau xót, ngậm ngùi đó chỉ dành cho một số tối thiểu những kẻ có tâm hồn đẹp, có trái tim đập theo vận nước nổi trôi, có tấm lòng ái quốc thiết tha như Thy Lan Thảo.
Nếu không phải vì không muốn cúi đầu trước kẻ thù để được về thăm Mẹ già ở quê nhà, mà vì một lý lẽ nào khác, Thy Lan Thảo vẫn muốn gặp lại Mẹ trong một hoàn cảnh thích hợp với anh. Tấm lòng mong mỏi Mẹ anh sống đến ngày anh trở lại quê nhà vẫn là tấm lòng chân thành. Những dòng thơ mà anh viết ở bài "Mẹ Sống Chờ Con"( 26-11-99) vẫn là những giọt máu ép vắt từ trái tim anh, những mảnh vụn của trái tim do anh xắt ra để rải vào thơ:
Nhấc nhẹ phone lên xót cả lòng
Run run tay bấm số thương mong
Mẹ ơi! Đất nước ngàn xa cách
Một chiếc thuyền nan- sóng chập chùng.

Ngày tiễn con đi- mắt Mẹ buồn
Tuổi già tóc bạc- trắng như sương
Tám mươi ba tuổi còn đưa tiễn
Mẹ khóc- con đi ướt bước đường...

Đắng tủi lòng con- Mẹ của con
Biển Đông dậy sóng- oán căm hờn
Giặc về hoen ố niềm mơ ước
Con biết từ đây... Mẹ héo hon!

Bảy năm đất khách buồn xa xứ
Mẹ vẫn mỏi mòn theo tháng năm
Con vẫn âm thầm đời lữ thứ
Tình quê- tình Mẹ- Buốt hờn căm

Chị gởi cho con vội mấy dòng
Mẹ già mòn mỏi đợi thương trông
Tháng rồi trở bệnh nằm mê sảng
Mẹ gọi tên con- mắt đỏ tròng...

Mẹ ơi! Chua xót lòng con quá
Đọc vội thư nhà buốt nhói tim
Tám mươi chín tuổi thân còm cõi
Đời Mẹ vẫn buồn... như bóng đêm!

Hôm nay con gọi phone cho chị
Run rẩy tay con- ý phập phồng
Cầu nguyện xin đừng nghe tin dữ
Đời con mất Mẹ- Tím chiều không!

Mẹ ơi! Gắng sống chờ con Mẹ
Sẽ trở về quê buổi nắng hồng
Một sáng cờ xưa bay rạng rỡ
Con về ôm Mẹ- thoả chờ trông.
Thơ của Thy Lan Thảo tuy trong sáng, đơn giản, mà vẫn có vóc dáng chải chuốt của câu văn hay của câu thơ lấn át cái chân tình. Ở đây, thơ anh vừa đơn giản trong sáng vừa chải chuốt mà lại đạt luôn cái chân thành. Dường như khi viết về Mẹ hoặc đưa Mẹ vào văn chương, nhà thơ lẫn nhà văn như được thấm nhuần dòng suối thiêng liêng ngọt ngào ở tâm hồn, cho nên câu văn có cái đẹp chải chuốt nhưng rất truyền cảm mà họ không ngờ.
Đọc tới bài nầy, đọc giả nào hay ngờ vực tấm lòng chân thành của tác giả cho thế mấy cũng phải nhận thấy tình cảm thiết tha của tác giả đối với Mẹ là dường nào.Chưa hết đâu bài " Đau Xót Đời Ta" mới có thề phản ánh nguyên vẹn nỗi đau đớn của anh khi anh hay tin Mẹ mình đã qua đời. Đọc giả có thể theo dõi trào lưu tình cảm và những đột biến của cảm xúc anh qua cuộc điện đàm viễn liên giữa chị ruột của anh ở quê nhà và anh ở Houston( Hoa Kỳ) hai nơi cách nhau nửa vòng trái đất. Bài thơ nầy được ghi viết vào ngày 2-1-2000
Giọng chị run run - nấc nghẹn lời
Ngàn xa quê Mẹ vẫn xa xôi
Tay ghì chặc lấy phone lo lắng
Mẹ của mình sao? Chị chị ơi!

-Em ạ! Bình tâm chị nói đây
Tuổi già trở bệnh mấy tháng nay
Trưa qua mắt Mẹ như tìm kiếm
Rồi khép vầng mi- nước mắt đầy!

-Chị ạ! Mẹ nhìn, Mẹ tìm ai?
Tìm em? Mẹ nhớ đến con trai
Ngàn xa biền biệt không về lại
Thương Mẹ nhớ em giọt vắn dài!...

Em ạ! Mẹ nằm yên thật yên
Thoáng trên khuôn mặt chút ưu phiền
Mẹ thường nhắc nhở thằng con út
Đời lính- ngục tù lắm truân chuyên!

Chị ơi! xa xót lòng em quá
Một tháng tư đen...dậy thảm sầu
Bỏ nước ra đi lòng vẫn nặng
Mẹ già nay ốm lại mai đau

Em ơi! Đừng khóc mà nghe chị
Vẫn biết em thương Mẹ rất nhiều
Trong cõi thế nhân từ hoa mỹ
Nào bằng chữ Mẹ rất thương yêu?

Mẹ đi đến cõi vĩnh hằng xa
Trời tháng mười hai- nắng nhạt nhoà
Lạnh gió mùa đông- lòng thấm lạnh
Mẹ về cõi ấy sống gần Ba

-Chị ơi! Nước mắt nào cho đủ
Để rửa thương đau, rửa ngậm ngùi
Làm con mà phút lâm chung chẳng
Được cạnh kề vuốt mắt Mẹ yêu

Trong suốt đời ta chỉ một người
Dáng tiên hiền dịu dẫu xa xôi
Mẹ luôn dõi mắt theo chân bước
Của đứa con trai đến cuối đời

Trời tháng mười hai đất tạm dung
Con nghe rét buốt cắt trong lòng
Trong cõi vĩnh hằng Ba gặp Mẹ
Riêng con mỏi mắt ...ngó từng không

Có kẻ bảo rằng Thy Lan Thảo nếu chường mặt trên thi đàn hồi từ hai mươi năm về trước thì là đóng góp vào tiếng thơ thời đại chung nói lên cái thống khổ mất mát chung của dân tộc ta.Khốn nổi, hai mươi năm trôi qua, biết bao nhà thơ hải ngoại nổi tiếng hay chưa nổi tiếng đã khai thác bấy bầy cái thống khổ mất mát ấy, cho tiếng thơ của anh bớt đi hiệu lực truyền cảm và chỉ còn một sức thuyết phục yếu ớt đối với đọc giả.
Song nếu chúng ta bình tâm suy nghĩ lại vấn đề then chốt như sau: hai mươi lăm năm qua, quân thù còn thống trị quê hương đất nước , đồng bào chủng tộc hãy còn oằn oại dưới ách thống trị ấy thì tiếng thơ của các thi sĩ đã từng ưu tư với Tổ Quốc và Dân Tộc vẫn còn nhắc nhở kiều bào rằng cái hiện diện của địa ngục trên quê hương do quân thù tạo ra hãy còn sờ sờ đó.Tiếng thơ của họ vẫn còn tiềm lực nuôi ngọn lửa thiêng trong lòng kiều bào để kiều bào còn có một điểm tựa trên xứ lạ quê người. và chúng ta chắc cũng nhận thấy, những quân dân cán chính nào trót sa vào tù ngục của Cộng Sản, dù sau đó được phóng thích thì cũng chỉ là trở lại cái tù ngục vĩ đại hơn: Đó là cả một đất nước được vây bọc bởi bức màn tre. Xin cùng đọc bài " Ý Của Ngày Về " mà tác giả sáng tác vào ngày 29-9-1999 để kết thúc bài viết về thi ca Thy Lan Thảo:
Ta về gió vẫn còn mê loạn
Đất buồn thiếu vắng tiếng vó câu
Hơn tám năm dài trong tâm tối
Bạc nửa đời ta- Trắng mái đầu

Cũng vẫn phố phường im cảnh cũ
Sài Gòn...ngọt ý rõ trong tâm
Cưỡng chiếm miền Nam quân giặc dữ
Hòn Ngọc Viễn Đông...bụi cát lầm

Sài Gòn xưa mắt em thơ mộng
Tà mỏng tung bay quyện gió chiều
Tên giặc lấy thay tên thành phố
Đôi mắt mờ che...bụi hắt hiu...

Áo lụa Trưng Vương tan buổi học
Thắm màu quai nón... ấp e duyên
Gia Long trắng cả con đường nắng
Đôi mắt hồn nhiên ngó thật hiền

Xưa phượng hồng rơi đường Cường Để
Mùa thi- Ý nhớ dáng Văn Khoa
Trời ơi! Giặc dữ hơn hoang thú
Tuổi trẻ miền Nam lệ ướt nhòa

Ta về bước lẻ thân xa lạ
Cảnh đổi đau thương quyện đất trời
Cũng giống Lạc Long nhưng man trá
Miền Nam nhuộm đỏ- sóng ngàn khơi

Tám năm ta sống trong tù ngục
Vẫn biết ngày về cuộc bể dâu
Thực cảnh chỉ làm sôi ý sống
Miền Nam rồi sẽ phải về đâu??...


Hồ Trường An












Sonk
#7 Posted : Saturday, November 21, 2015 8:01:02 PM(UTC)
NguyenSonK

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 7/9/2012(UTC)
Posts: 172
Points: 516
Location: thơ

Thanks: 10 times
Was thanked: 6 time(s) in 6 post(s)
THƠ THY LAN THẢO
*



MIÊN THỤY

Đó là tên tập thơ của nhà thơ Thy Lan Thảo, mà tôi vừa nhận được vài hôm, khi bất ngờ anh có nhắc đến anh Thái Tăng An trong Cộng Đồng Người Việt tại Hoà Lan nơi tôi đang cư ngụ . Nói đến Thái Tăng An không ai là không biết nhất là chốn sinh hoạt của những người đã và đang là những người đóng góp và xây dựng cộng đồng qua các nhiệm kỳ vừa qua . Anh An đã đóng góp không ít cho nền văn hoá tại Hải Ngoại nhất là tại Hoà Lan, anh là một hoạ sĩ , Tuyển Tập Mùa Đất Thấp gồm gần 20 thi văn sĩ đã góp mặt chung do Cái Đình xuất bản vào năm 1998 đã do anh vẽ bìa và giúp trong việc ấn loát .

Bỗng dưng câu chuyện tự nhiên quen biết nhau qua Thái Tăng An và một người bạn là anh Nguyễn Toàn bên Lê văn Duyệt , chúng tôi có cảm giác như cũng đã quen nhau đâu từ trước đó rồi . Tưởng cũng nên nhắc lại với anh TLT là tôi biết anh khi anh có mặt trên trang web của Cộng Đồng Hoà Lan ở nhiệm kỳ trước, tôi đã thấy hình ảnh của Thy Lan Thảo và trang thơ riêng mà Cộng đồng Hoà lan đã dành đặc biệt cho anh với giòng tiểu sử và một loạt bài thơ ở một vị trí trang trọng . Ngoài Thy lan Thảo và còn vài người khác như Lưu Thái Dzo , thơ Ý Nga v..v. Cho đến khi anh đóng góp mục thơ trên Trinh Nữ , tôi bỗng giật mình vì tôi không ngờ mình lại gặp nhau và cùng sinh hoạt dưới mái nhà Trinh Nữ.

Sau đó anh TLT có nhã ý tặng tôi tập thơ để đọc, thường thì thi văn sĩ chúng tôi là vậy , lắm lúc như cảnh trao đổi tù binh, người này có cái khác hơn thì mang ra trao đổi . Câu này tôi nghe trước đó anh NMC nói với tôi, lúc đó tôi chỉ cười thôi , nhưng bây giờ nghiệm lại thì thấy quả đúng không sai

Tôi nghĩ chắc anh TLT cũng như tôi thôi khi làm tập thơ hay làm một CD để gọi là để kỷ niệm lai cho mình sau này , thì phần lớn đều tự chúng tôi hoàn thành tất cả từ A đến Z , cho nên với tôi, tôi rất trân trọng những đứa con tinh thần vừa mới phôi thai , vì cả hai đều cân nặng và giá trị từ tinh thần lẫn vật chất như nhau.

Cầm quyển sách in từ hải ngoại nó vẫn khác với một vài quyển sách in từ trong nước nhất là về phẩm, không như có một lần tôi nhận đuợc một tác phẩm in từ trong nuớc, sách và tên tác giả thì hay nhưng sách chỉ lật chừng mươi trang nó lại bung keo dán, rớt từ tờ một ra ngoài , nên đừng ham rẻ mà về VN in sách thì chỉ có nước phí công . Tôi dở trong dở ngoài cuốn sách xem thử một loạt, chọn bài nào ưng ý nhất sau đó xem tiếp, tính tôi là vậy ít có xem từ đầu chí cuối ngoại trừ đó là truyện dài .

Bài đầu tiên tôi đọc là bài *Nỗi Đau Còn Mãi * , có lẽ cái tiêu đề nó giống hoàn cảnh của tôi nên tôi đọc trước , vì thật sự trong tôi cũng còn một nỗi đau mà cho mãi đến bây giờ vẫn chưa nguôi , bài thơ diễn tả cái đau xót của người con khi mất mẹ mà hoàn cảnh lại lạc lỏng trên xứ người . Chỉ thế đó thôi , nhưng mỗi câu thơ như có gì xoáy buốt trong trái tim tôi với hình ảnh Mẹ tôi tưởng như ngày nào chờ tôi về để vuốt mắt lần cuối cho bà trước khi lìa đời
------------
Hơm năm mươi tuổi ngồi khóc Mẹ
Đấng diệu hằng đã bỏ đời ta
Mẹ đi mắt Mẹ mi buồn khép
Hay vẫn hé chờ dáng con xa
-----------------------

Mẹ ơi có hiểu lòng con Mẹ
Vẫn nhớ luôn thưong ủ kín lòng
Sao Mẹ sớm lìa đời dương thế
Lòng con rét buốt gió mùa đông

--------------------------

Mai này quang phục quê hương lại
Con về vắng mẹ mất niềm vui
Đời con luôn gặp nhiều ngang trái
Dáng Mẹ bên con trọn bước đời

Tôi đã đọc nhiều những bài thơ viết về Mẹ, nhưng không phải thơ ai cũng cho mình được sự cảm nhận một cách chân thành , lời và ý tác giả chỉ ngần ấy thôi không diễn tả màu mè hơn nhưng trong mỗi cấu mỗi chữ là mỗi tiếng nấc nghẹn ngào của riêng tôi . Tôi yêu Mẹ tôi nhiều lắm, nhưng thơ viết về cho Mẹ có là bao đâu.

Ngoài việc thưong kính Mẹ , tác gỉả còn có một tấm lòng chung thủy đối với bạn bè, tôi đọc được sự chung thủy đó ở một bài thơ *Tin Bạn Tha Hương* , khi hay tin bạn mất ...như sau

Tin mày nằm xuống tao nghe lạnh
Buốt rét tận lòng nghẹn nhớ thương
Tháng mười hai suơng mờ mỏng mảnh
Tao khóc hay mưa giữa cõi thưòng

Mười năm, ừ nhỉ nhanh hay chậm
Mày tiễn đưa tao tận phi trường
Hăm mấy năm trời cờn in đậm
Kỷ niệm quân trường buổi gió sương

-------------------------------

Đất trời xa lạ tình ấm lạnh
Tao vẫn viết thư thăm bạn bè
Mầy kể cho tao nhiều tin tức
Thằng nghèo thằng khá giữa trời mê
--------------------------

Hôm nay nhận được tin mày mất
Tao tiếc cho đời lắm bể dâu
NHÃ ơi phút cuối yên say giấc
Mày hiểu làm người lắm khổ đau
_________________________

Nói về tình yêu thì không ai mà không có nhất là qua áng thơ, mỗi người có một tình yêu thầm kín và được suy tôn theo ngòi bút của riêng mình . Riêng TLT đã diễn tả tình yêu qua vẽ đẹp của cái thưở còn bụi phấn vướng sân trường, cái buổi còn chân sáo tung tăng và một Sài Gòn yêu dấu qua bài thơ Chiều Nam Hà, khi tác giả đang còn ngồi tù trong tại giam trên đất Bắc, ngồi đây nhưng lòng vẫn tưởng nhớ đến Sào gòn thất thủ, nghĩ đến tuổi thơ còn sót lại trên quê hương nhục nhằn, mái trường ngày xưa với bao kỷ niệm không chỉ là riêng cho chính tác giả đâu mà trong đó tôi như sống lại ngày nào còn mực tím và trang giấy học trò, ôi đẹp sao tà áo trắng bay bay trong gió mỗi khi chân sáo với đôi guốc mộc dịu dàng hàng ngày ném qua phố thị .

Bên chân đồi anh đứng
Sông Đáy im rất buồn
Núi Nam Hà hoang vắng
Mây chiều vương cô đơn

---------------------

Một chút tình than thở
Bởi tượng đá biết buồn
Sài Gòn em có nhớ
Chiều nhạt nắng vấn vương

(Buổi chiều anh trước cổng
Em chân sáo sân trường
Tuổi học trò hoa mộng
Em ươm đầy yêu thương )

--------------------------

Sài Gòn em có nhớ
Hay ý vẫn vô tình
Chiều Nam Hà im sợ
Giữa núi rừng lặng thinh


Câu hỏi còn lại là tại sao tôi lại viết về giòng thơ TLT và chịu khó đọc thơ TLT như thế, lý do đơn giản thôi là trong giòng thơ TLT đã nói lên những điều mà tôi nuốn nói, tôi muổn suy nghĩ... lời thơ chân thật viết từ trái tim thi nhân chỉ , mà sứ mệnh của thi nhân là làm sao mang đến cho người đọc một cảm thông khi nỗi niềm trong chúng ta cần được chia sẻ ...chỉ bao nhiêu đó thôi cũng đủ cho tôi yêu thích thơ người

Bài thơ cuối cùng của TLT đã cho tôi sự thẳng thắng để tôi chọn thơ TLT mà đọc và mong được phổ biến thơ anh cùng khắp trên mọi nẻo đường .

Như bài thơ *Có tháng Tư nào không xót đau * dài lắm, tôi xin trích một vài đoạn mà tôi đọc với cảm xúc còn rưng rưng như mỗi năm khi nhắc nhở đến *Tháng Tư Về *


Tháng tư đọc mấy gòng tin tức
Nhắc nhở kinh thành phút tử vong
Hăm mấy năm trời luôn ray rức
Đau buồn hận tủi xót trong lòng

---------------------------
---------------------------

Tháng tư đâu dễ cờ thay hướng
Dưới trướng quân binh lắm tướng hùng
Chỉ tiếc quân vương đem tình nước
Dễ dàng dâng giặc chẳng nao lòng

Tháng tư Vẫn cứ xoay vần đển
Vẫn nóng trời xanh của nắng hè
Ta vẫn âm thầm mong muốn lắm
Cờ xưa bay lại , gió xuân về

Cuối cùng tôi cảm ơn đến Thy Lan Thảo đã cho tôi tìm lại những hình ảnh Mẹ tôi và nỗi nhớ muôn đời, khi biết tin Mẹ nằm xuống mà tôi chưa về được , cảm ơn đến người tình thơ áo trắng một đời làm tôi vấn vương và cảm ơn Mẹ Việt Nam còn những người con mang dòng máu Mẹ và trái tim tự hào trước sau chung thủy
Mẹ của con (trang 179)

------------------------------

Ngày con đi Mẹ buồn nhưng không khóc
Lòng Mẹ vui - mừng con thoát gông cùm
Tuổi chất chồng nắng xế bóng hoàng hôn
Vẫn thương nhớ vẫn nặng lòng lo lắng

Mẹ nhắm mắt có được yên tròn giấc
Hay vẫn còn trăn trở nghĩ về con
Đất tha hương vẫn thương nhớ mỏi mòn
Ngày phục quốc con về thăm mộ Mẹ



Miên Thụy

07/15/2007
Sonk
#8 Posted : Sunday, January 3, 2016 3:10:04 PM(UTC)
NguyenSonK

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 7/9/2012(UTC)
Posts: 172
Points: 516
Location: thơ

Thanks: 10 times
Was thanked: 6 time(s) in 6 post(s)
Vài Ghi Nhận Bất Ngờ Về thơ Thy Lan Thảo
*



Võ Ý đứng

Dẫn Nhập

Tôi đọc Thy Lan Thảo mười tháng sau khi tập thơ đầu tay của anh chào đời. Trước đó, tôi cũng có dịp đọc thơ anh đâu đó trên các tạp chí hay các bản tin. Nhưng phải đọc hết một công trình 10 năm mới thấy rõ ruột gan nỗi niềm và mơ ước của một con chim tận Gò Công miền Nam nước Việt thân yêu bỏ xứ lưu lạc tận Houston miền Tây nước Mỹ ngan ngát...
Cô Hồng Phan, đồng hương của tác giả và nữ sĩ M.H. Hoài Linh Phương trong phần Cảm Nghĩ...và Tựa Nhỏ đã lần lượt đưa tác giả lên bàn mổ và quý anh chị ấy đã tìm thấy trong tận cùng Thơ Thy Lan Thảo cái dễ dàng, cái tự nhiên như ăn như thở, cái chân thành rất dễ thương rất dễ làm xao xuyến rung động lòng người.
Xin được chia sẻ những nhận xét trên và chúng tôi xin mạo muội phác họa lại bóng dáng của tác giả bằng cách hệ thống những ý tình của Thơ Thy Lan Thảo hiển hiện trong tim gan phèo phổi của anh.
Bóng dáng đó thật bình thường nhưng không phải là không khác thường...
- Thy Lan Thảo là một người con đạo hiếu với bậc sinh thành và là một người em thuận thảo với các anh chị trong gia đình,
- Thy Lan Thảo là một người bạn chí tình và một người yêu trung hậu,
- Thy Lan Thảo là một chiến sĩ QLCH trung dũng khí phách với Đất nước Quê hương.


Dẫn Chứng
Trong phần ghi nhận thô thiển này, chúng tôi xin đề cập đến cái bất ngờ mà cũng có thể là điều khác thường phất phới hiên ngang trong suốt tập thơ 174 trang, đứa con nhà tông đầu lòng của Thy Lan Thảo, không giống Tâm cũng giống Ý!
Cái khác thường phất phới hiên ngang đó chính là Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ, một biểu tượng của Tự Do Dân Chủ của Việt Nam Cộng Hòa và của hàng triệu người Việt Tự do lưu vong trên hoàn vũ. Quả vậy, chúng tôi thật bất ngờ nhìn thấy lá cờ Tổ quốc thân yêu tung bay trong suốt tập thơ, tung bay trong suốt thời gian quê nhà, tung bay trong các ngục tù cộng sản từ Nam ra Bắc, tung bay trong suốt 10 năm lưu lạc và sẽ tung bay trong tâm tưởng suốt cuộc đời của người Sĩ quan trẻ trung dũng khí phách Thy Lan Thảo.
Chúng tôi xin trích từ Tập Thơ những vần thơ Cờ Vàng (in chữ hoa trong phần trích), dựa theo thứ tự số trang và dựa theo bóng dáng phác họa tác giả nêu trên đây.

- Cờ Vàng với người con đạo hiếu và người em thuận thảo:
Chị ơi! quỷ dữ cùng ma quái
Cũng phải vì dân thuận ý Trời
Ngày mai nắng đẹp trời Nam phải
Phất phới Cờ Vàng bay khắp nơi
(Cờ Vàng Sẽ Bay, TTLT, trang 34)

Em bảo một ngày tươi nắng đẹp
Cờ Vàng rực rỡ gió tung bay
Ta về với Mẹ vui như Tết
Quê cũ từ đây hết đọa đày
(Nhắn Gửi, TTLT, trang 79)

Đói khát nhọc nhằn nhiều lần tưởng chết
Xương bọc da lê nặng bước chân đời
Mắt vẫn sáng và tấm lòng vẫn nhớ
Lá Cờ Vàng Ba Sọc nét hùng tươi...!
(Viết Cho Ba Ngày Father’s Day, TTLT, trang 151)

- Cờ Vàng với người bạn nghĩa tình và người yêu đôn hậu
Anh hẹn em – anh sẽ trở về
Một ngày nắng đẹp – mát tình quê
Cờ Vàng phất phới bay kiêu hãnh
Mình sẽ bên nhau trọn ước thề
(Gò Công Ơi Ta Nhớ, TTLT, trang 51)

Ngày nào tao bước chân về lại
Nhìn lá cờ xưa lộng gió bay
(Nghĩa Tình Vẫn Nhớ, TTLT, trang 77)

Một ngày nào quê mình thôi cát bụi
Cờ Vàng bay, nắng sớm ngọt vàng hanh
Bao thương nhớ tháng năm dài mệt mỏi
Tôi theo anh- về thăm lại Tân Thành...!
(Sao Vẫn Là Mơ, TTLT, trang 97)

Muội ơi ! Ta chúc gì cho muội
Năm mới quê mình nở thắm mai
Cờ Vàng sẽ bay tươi nắng ấm
Muội cười, vang dội pháo bên tai...
(Ta Chúc Gì Cho Muội, TTLT, trang 108)

Em ơi mai mốt quê mình sẽ
Rợp bóng Cờ Vàng rực rỡ bay
(Vẫn Còn Ý Nhớ, TTLT, trang 141)

Mầy thường tâm sự thân lưu lạc
Mất nước mong gì bước lối xưa
Gắng chờ quang phục trời tươi mát
Cờ sẽ bay - trời tạnh giông mưa...
(Viết Vội Bài Thơ, TTLT, trang 157)

Mười năm đất lạ luôn ray rứt
Nhìn lá cờ xưa dựng xứ người
Đất tổ quê cha không ở được
Thì đời em hởi mấy khi vui
(Ý Đến Đầu Năm, TTLT, trang 167)

- Cờ Vàng với người chiến sĩ trung dũng
Mười năm đất lạ lòng mơ ước
Cờ sẽ vàng bay giữa tháng tư
(Chút Ý Tháng Tư, TTLT, trang 28)

Một dãy giang sơn gấm vóc xưa
Vua Hùng dựng nước thắm màu cờ
Trải bao tai biến người dân Việt
Vẫn vững niềm tin trọn ước mơ...
(Có Phải Là Mơ, TTLT, trang 31)

....
Của một thời ngang dọc bước chân xưa
Mang chiến công dâng trọn dưới lá cờ
.....
Mấy ngàn đêm ray rứt chiến trường xưa
Vẫn âm thầm trang trọng sống trong mơ
Ngày quang phục dựng cờ xưa kiêu dũng
......
Cờ máu kia thay bởi Lá Cờ Vàng
Trả nắng ấm cho miền Nam nước Việt
(Không Thể Quân, TTLT, trang 62, 63, 64)

Hồn Quốc Tổ sẽ cười vang sông núi
Đường quê hương sẽ rợp bóng cờ vàng
Đổi năm tháng nhọc nhằn đầy hận tủi
Bằng tình thương dấu ái ngát trời quang
(Quê Hương Rồi Sẽ Đẹp, TTLT, trang 92)

Tháng sáu vào tù- lòng ta vẫn nhớ
Lá Cờ Vàng tơi tả ướt gió mưa
(Tháng Sáu...Lòng Ta, TTLT, trang 113)

Hơn mười năm cảnh Nam Hà vẫn rõ
Mắt tướng quân tha thiết đậm trong lòng
Trời phương Nam bao giờ trăng rạng tỏ
Cờ Vàng bay kiêu hãnh thỏa chờ mong!!...
(Xót Xa Ngục Tù, TTLT, trang 160)

Tạm Kết
Khi xếp tập thơ lại, trí kia còn lãng đãng, lòng nọ còn bồi hồi. Thì ra, Thy Lan Thảo đã giúp tôi thấy lại Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ mà tôi từng đội trên đầu (Tổ Quốc Danh Dự Trách Nhiệm), từng đeo bên ngực trái (Tổ Quốc Không Gian), từng thề dưới ngọn Lửa Nghĩa Trung Đài đêm mãn khóa, lòng ta giữ mãi có quên đâu...! (Đôi Mắt Ngày Về, trang 40).
Vâng, lá Cờ Vàng cũng là biểu tượng của Chính nghĩa Tự Do Dân Chủ mà mỗi một người dân miền Nam còn ở lại trong nước hoặc đã bỏ nước ra đi đều mang theo trong lòng mình hình ảnh thiêng liêng nầy. Từ đó, Cờ Vàng được biết như là ước vọng của toàn dân trong đó có người Chiến sĩ QLVNCH. Giữa biểu tượng của Chính nghĩa Tự Do và xương máu của người Chiến sĩ Cộng hòa đổ ra dưới lá cờ này, đã chung hòa và quấn quyện vào nhau tạo nên màu cờ linh thiêng truyền thống...
Và lá cờ thiêng liêng nầy đã thấm nhập vào trong máu huyết và trong hơi thở của người Việt Nam Tự Do trong đó có chinh nhân Thy Lan Thảo.
Ngày nay, đã có trên 60 thành phố trên toàn nước Mỹ công nhận Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ như là biểu tượng Tự Do của Cộng đồng Người Việt tị nạn. Đây không hẳn là điều thiếu ý nghĩa.
Nhưng không phải người chiến sĩ quốc gia nào cũng ấp ủ và quý trọng biểu tượng thiêng liêng nầy một cách liên tục và son sắt như Thy Lan Thảo đã từng biểu lộ qua ước vọng của riêng mình (mà cũng là ước vọng chung của đàn chim xa xứ), thốt lên từ ruột gan của mình, qua đứa con đầu lòng của mình là tập Thơ Thy Lan Thảo xuất bản tháng 08 năm 2003:

Hồn Tổ quốc sẽ cười vang sông núi
Đường quê hương sẽ rợp bóng Cờ Vàng
Đổi năm tháng nhục nhằn đầy hận tủi
Bằng tình thương dấu ái ngát trời quang...
Bằng tình thương dấu ái ngát trời quang...

Ôi cao cả thay tấm lòng dung dị chơn chất của người Chiến sĩ Cộng hòa Thy Lan Thảo đối với quê hương đất nước. Vâng, tôi đã học ở Thy Lan Thảo lòng trung dũng khí phách nhưng cũng thật nhu hòa chơn chất nầy.
Tôi muốn nói với anh lời chân thành: chúng mình là bạn tù từ những năm 80, nhưng mãi đến hôm nay, nghĩa là hơn 20 năm sau, tôi mới tìm gặp ở anh một chiến hữu nghĩa tình!
Dù muộn màng nhưng vẫn còn hơn không, có phải không Mỏng?!

St Louis, 19/06/2004
Bắc Đẩu võ ý



Sonk
#9 Posted : Sunday, February 7, 2016 1:01:59 PM(UTC)
NguyenSonK

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 7/9/2012(UTC)
Posts: 172
Points: 516
Location: thơ

Thanks: 10 times
Was thanked: 6 time(s) in 6 post(s)
chút ý tình xuân
-sLs-


UserPostedImage

Sương lạnh quê người có ướt mi?
Có làm vơi bớt nỗi sầu bi
Của người viễn khách nhìn xuân đến
Gợi nhớ tình quê ý muốn về...!

Hăm mấy lần nhìn đào nở hoa
Mai ở đâu? Tình quê xót xa
Tết nhứt ta đứng làm trong hãng
Mắt cứ nhìn xa nhớ cảnh nhà

Chị bây giờ tuổi hạc lá lay
Anh bây giờ khó biết ngày mai
Thân ta cũng úa thu cằn cỗi
Lặng ngắm xuân sang tiếc tháng ngày ...!

Năm nào mùng một cũng đi làm
Ra xe buốt lạnh nặng trong tâm
Tại ai ? Ta sống đời ly xứ
Cờ đỏ bay bay bụi cát lầm...

Tết ly hương, tết ở trong tù
Tết nào buồn nhớ cũng như nhau
Ai vui, ai đón chờ xuân đến
Lòng ta lạnh lắm đợi gì đâu?

Nhớ lắm những ngày xuân đơn vị
Tình huynh nghĩa đệ cạnh kề nhau
Tuy vẫn vui xuân mà cảnh giác
Ôm súng chuyền ly uống ngọt ngào !!

Giấy hồng điều lấy than làm bút
Viết hai câu đối, một chút tình
"Xuân khứ xuân lai xuân bất tận
"Nhân hoà, nhân quý nhân trường sinh

Năm nay cầm bút ta thương chúc
Đất nước quê hương sớm đổi cờ..


thylanthảo

kỳ đà động 1-2-2016
Sonk
#10 Posted : Thursday, April 7, 2016 6:46:07 PM(UTC)
NguyenSonK

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 7/9/2012(UTC)
Posts: 172
Points: 516
Location: thơ

Thanks: 10 times
Was thanked: 6 time(s) in 6 post(s)


Tập thơ thứ 2 của Thy Lan Thảo... để có thơ đọc, lien lạc thylanthao@gmail.com
Sonk
#11 Posted : Thursday, May 5, 2016 4:46:49 PM(UTC)
NguyenSonK

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 7/9/2012(UTC)
Posts: 172
Points: 516
Location: thơ

Thanks: 10 times
Was thanked: 6 time(s) in 6 post(s)
THY LAN THẢO và VẦN THƠ LỤC BÁT
*


* TRẦN KIM BÁU
.....




THAY TRÂU KÉO CÀY


Một hôm đang kéo ách bừa
Chợt vui với ý mới vừa thoáng qua
Em đừng nghĩ ngợi xót xa
Bước anh vẫn vững mặn mà mồ hôi
Xin em đừng tiếc nụ cười
Cho đời khinh bạc cho người đổi thay
Năm xưa tay súng miệt mài
Bây giờ anh thế trâu cày ruộng

***

Tôi biết Thy Lan Thảo rất ít làm thơ lục bát.Hiếm hoi lắm.Có lẽ cũng xúc động lắm anh mới dàn trải tình cảm mình bằng lối thơ nầy.Thơ 6-8 như một bình nguyên rộng, như dòng sông dài âm điệu trầm thắm.Nếu giữa đêm khuya, chìm sâu vào tĩnh lặng đọc khúc thơ buồn 6-8.Ôi, tình ta phiêu dạt về đâu! Mỗi chữ, mỗi câu là mỗi nhịp phách gõ mạnh hồn mình.cảm giác đó tôi đã gặp khi đọc bài thơ trên của Thy lan Thảo.
Lời thơ bình dị lắm mà ý tình cũng sâu thẳm lắm.Ai từng “thay trâu kéo cày” sẽ dễ dàng cảm nhận hình ảnh bi phẩn nhưng hào hùng nầy. Bởi vì người tù Trại Mỹ Phước Tây đã trở thành con trâu kéo. Phần vì con người đã bị giáng cấp một cách phủ phàng, tàn nhẫn. Vậy mà vẫn hùng. Vậy mà “bước anh vẫn vững”.Kẻ thù muốn anh ngã quỵ để vỗ tay vui.Kẻ thù muốn anh phẩn nộ để có cớ hành hạ thêm thân xác. Nhưng anh “ Chợt vui với ý mới vừa thoáng qua”.
Anh không cho biết “ý mới” là ý gì và dường như chúng ta cũng không phải tha thiết bận tâm về ý nầy, miễn sao anh “ vui” là được.Vui là thắng, thắng kẻ thù một cách oanh liệt. Vui để nâng đôi bàn chân anh đứng vững đi tới.
Tôi cũng đã “thay trâu kéo cày”nơi đó.Nhưng tâm tình thua anh nhiều bậc.Tôi đã không vui.Tôi đã ngước mặt lên trời nghiến răng thù hận.kể như tôi bại trận, kể như kẻ thù đã thành công trên bản thân tôi. Vì lẽ đó, lần đầu tiên trên đất khách , tôi gọi điện thọai cho anh để Thy Lan Thảo biết rằng bài thơ lục bát nầy hay lắm.Tôi cũng muồn cảm ơn anh đã cho tôi nhớ lại một hình ảnh – tưởng đã quên-“thay trâu kéo cày”
Em đừng nghĩ ngợi xót xa
Bước anh vẫn vững mặn mà mồ hôi
Thy Lan Thảo cũng không cho biết em là ai. Có phải là một tri âm nào đó. Hay “em” chính là những ánh mắt lóe lên niềm xót xa, thương cảm của những người dân quanh vùng. Không phải dân chúng bên ngoài của trại tù đều khinh ghét tù nhân. Chúng tôi thường nhận được những cái nhìn xẻ chia, chúng tôi thường nhận được những củ khoai ném vội và người cho quay mặt về hướng khác như không có gì. Tất cả những quen thuộc đó xãy ra bằng sự câm nín và âm thầm. Nếu không, dân bị tội liê
n hệ, tù bị kiểm điểm. Như vậy thì cho dù”em” là ai đi nữa, em vẫn là người đứng cùng giới tuyến với chúng tôi.và em hãy cất dấu những “ xót xa” thật sâu trong cõi lòng, đừng cho tôi bắt gặp, đừng cho kẻ thù nhìn thấy.bắt gặp, tôi sẽ yếu lòng, bắt gặp, kẻ thù sẽ trù dập em.Nhưng thế nào đi nữa, tôi vẫn biết ơn em,,,
Em thấy mà, anh vẫn vững với những bước chân ngạo nghễ trước mặt quân thù. Và em biết không. Anh “năm xưa tay súng miệt mài”. Anh tự hào đã làm như vậy. Bạn bè anh cũng rất tự hào đã làm như vậy. Chỉ tiếc một điều, trên chiến trường anh đã thua. Anh đã trở thành tù nhân của giặc, nên” bây giờ anh thế trâu cày ruộng hoang’.
Nhưng cuối cùng, em thấy đó, Anh vẫn thắng.
Cám ơn Thy Lan Thảo đã cho tôi được một dòng nhớ và một tự hào vì anh.hoang…

( Trích trong bài:TRẠI TÙ MỸ PHƯỚC TÂY , trong tập thơ" Vết Khắc Nửa Đời")

ĐÔNG QUYÊN
Sonk
#12 Posted : Wednesday, May 11, 2016 6:37:49 PM(UTC)
NguyenSonK

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 7/9/2012(UTC)
Posts: 172
Points: 516
Location: thơ

Thanks: 10 times
Was thanked: 6 time(s) in 6 post(s)
VẾT KHẮC HẰN SÂU TRÊN NỬA ĐỜI THY LAN THẢO
*




Gò Công! Gò Công!...Tiếng gọi mộc mạc thân thương của vùng đất mầu mỡ xanh tươi.Vùng đất của những người dân miền Nam thật thà chất phác, với cuộc sống thật thanh bình đạm bạc…chỉ cần ăn một chén cơm với cọng rau hái sau hè hay miếng cá kho vừa vớt được ngoài ao cùng một ngụm rượu đế cũng đủ để con người ta có một cảm giác vừa thỏai mái, vừa sung mãn…
Ruột nghêu xào sơ với tỏi
Lá me non, cà, giá, ngò om
Tháng năm mùa mưa vừa mới tới
Canh chua nghêu, rượu đế Gò Công.!

Cá kèo tháng mười đem kho chỉ
Chút hẹ nêm vừa thêm chút tiêu
Cơm gạo Sóc Nâu thơm lúa mới
Mẹ ơi! Con nhớ mẹ thật nhiều…!
( Tình Xa Xứ)
Dĩ nhiên nơi đất lành thì chim đậu…chính đó đã là nơi nhà thơ Thy Lan Thảo được sinh ra và lớn lên trong vòng tay êm ấm của người mẹ hiền…trong nâng niu chiều chuộng của những người chị khà kính.Mẹ và chị đã hy sinh cả một đời mình để lo…để uốn nắn người con trai út…người em út được thành nhân.Từ sau biến cố 1975 mẹ và chị lại lần nữa bôn ba trên sóng đời tủi nhục để chăm sóc cho người con tù tội trong chế độ hà khắc của lũ vô thần.Hình ảnh của mẹ và chị đã được vinh danh trong dòng thơ chan hòa ưu ái của Thy Lan Thảo.” Vết Khắc Nửa Đời” phải chăng là những âm vọng từ nhớ nhung quắt quay gửi về người mẹ quá cố đáng kính và người chị thân thương sống còn trong tủi nhục…
Mẹ nhắm mắt có được tròn yên giấc
Hay vẫn còn trăn trở nghĩ về con
Đất tha hương vẫn thương nhớ mỏi mòn
Ngày phục quốc con về thăm mộ mẹ…
( Mẹ CủA Con)
Tuổi chị lớn dần trong chinh chiến
Điêu tàn khói lửa khắp muôn nơi
Chị đành bỏ học trong buồn tiếc
Phụ mẹ trông em, chuyện đổi đời
( Viết Cho Chị Hai)
Ngoài tình thương gia đình, giòng thơ Thy Lan Thảo còn triền miên trên quê hương, uốn khúc với bạn bè, thiết tha cùng chiến hữu.Tình đồng đội được mô tả sống động qua sự hồi tưởng của những ngày lội suối băng rừng xông pha giữa những cơn mưa đạn thù để giữ gìn màu cờ sắc áo…
Sông Ba nước vẫn tươi màu sóng
Cắt lối xuôi Nam giữa đạn thù
Mắt ướt cay nhìn quân đoàn trống
Pleiku, Phú Bổn…khóc tạ từ
( Đêm Sông Ba )
Nửa đời Thy Lan Thảo đã trôi theo những thăng trầm của mẹ Việt Nam. Căm hận vì sự bất công và tàn nhẫn của chế độ độc tài Cộng Sản, thương tâm đau xót khi quê hương yêu dầu tơi tả lầm than, nghẹn ngào khi hay tin từng người bạn thân thương oanh liệt hay uất ức vĩnh viễn ra đi giữa cuộc đời bi đát, bùi ngùi cho gia đình sống tủi nhục trong gông cùm của loài quỷ đỏ v.v…
Đây là những vết khắc thật sâu đậm trong tâm khảm Thy Lan Thảo để từ đó những giòng thơ bật nứt mãnh liệt vươn lên.hãy lắng hồn và trầm mình trong “ VẾT KHẮC NỬA ĐỜI “cùng Thy Lan Thảo để thẩm thấu tình yêu quê hương dân tộc, tình gia đình nồng nàn, tình đồng đội thân thương bằng những lời thơ thống thiết…


XUÂN THỤY
Houston, August 2004)
Sonk
#13 Posted : Saturday, May 21, 2016 7:05:23 PM(UTC)
NguyenSonK

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 7/9/2012(UTC)
Posts: 172
Points: 516
Location: thơ

Thanks: 10 times
Was thanked: 6 time(s) in 6 post(s)
Chút Ý:





Đất đai thời nầy đắc đỏ, mình mua đất cất nhà Có ngõ đề rõ cái gì bên trong cho người ta biết nên vào hay không... Tiền dư chiếm quá nhiều đất, miếng nào cũng giống miếng nào , khách biết cài gì bên trong , vô đại chỉ thấy có 1 món đồ... vài lần dễ chán hết muốn vô... Chuyện nầy người bình thường đều nhận biết
Thôi thì có chút ý kiến gọi là...( Ảnh con Kỳ Đà)
Sonk
#14 Posted : Monday, May 30, 2016 12:59:04 PM(UTC)
NguyenSonK

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 7/9/2012(UTC)
Posts: 172
Points: 516
Location: thơ

Thanks: 10 times
Was thanked: 6 time(s) in 6 post(s)




Chỉ cần 1 cái nhà, nhưng đồ đạc bên trong có giá trị, người ta thích thú khi vào xem... Cất nhiều nhà quá, mà đồ đạc bên trong tệ quá, coi không ra làm sao cả
Sonk
#15 Posted : Saturday, June 4, 2016 7:08:02 PM(UTC)
NguyenSonK

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 7/9/2012(UTC)
Posts: 172
Points: 516
Location: thơ

Thanks: 10 times
Was thanked: 6 time(s) in 6 post(s)
VẾT KHẮC TÌNH XƯA
*



Một chút buồn thương, trời xa xứ
Làm sao quên được mắt năm xưa
Màu nâu ươn ướt tình nhung nhớ
Một thuở đời ta ướp gió mưa…
Mười mấy năm, lòng vẫn thương quê
Trong mơ bước rối lối quay về
Nủa đêm tỉnh giấc ta buồn lắm
Một cảnh hai đời ý mỏi mê

Em ướp đời ta chút dị hương
Chiếu chăn chia xẻ ấm canh trường
Đôi môi tìm ngọt hương trăng mật
Ta siết vòng tay đậm luyến thương…
Tóc xõa rối đùa phủ lấy thân
Em cười đêm tối ấm tay trần
Run run vuốt lấy niềm ân ái
Một chút mê đời buốt rẽ phân

Ta trải đời ta cảnh tội tù
Mùa xuân đang thắm bỗng vàng thu
Ta đi, lối bước đường vô định
Từ đấy tình chia cách mịt mù
Trở giấc đời em chăn chiếu đơn
Trách đời, ta biết nói gì hơn
Làm sao giữ bước em im được
Phận mỏng riêng đau nuốt tủi hờn

Nhung nhớ lòng ta vẫn giữ riêng
Chữ ân, chữ ái nát ưu phiền
Thôi thì tình ý con đò lỡ
Sóng chuyển đò xa, bến rũ yên,!!
Em lỡ tình em, ta xót xa
Làm sao nối lại ý tơ ngà
Ta quay lưng bước lòng chua xót
Đôi mắt em buồn héo cánh hoa

Đời đã vào thu, tình vẫn nhớ
Trời xa vạn dặm rẽ uyên ương
Nửa đêm choàng tỉnh nghe em thở
Ta vẫn mê- bờ môi ngát hương …
Chữ duyên, chữ phận buồn cho số
Bước lẻ chia lìa, thương nhớ thêm…

THY LAN THẢO

23-7-04
Sonk
#16 Posted : Saturday, June 11, 2016 8:39:09 AM(UTC)
NguyenSonK

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 7/9/2012(UTC)
Posts: 172
Points: 516
Location: thơ

Thanks: 10 times
Was thanked: 6 time(s) in 6 post(s)


Tập thơ thứ 3 của Thy Lan Thảo
Bìa trước của Họa sĩ Trần Cang Nguyên Trưởng ban ấn họa TĐ 50 CTCT

Sonk
#17 Posted : Thursday, June 16, 2016 6:09:50 PM(UTC)
NguyenSonK

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 7/9/2012(UTC)
Posts: 172
Points: 516
Location: thơ

Thanks: 10 times
Was thanked: 6 time(s) in 6 post(s)
HOÀNG DŨNG ĐỌC THƠ THY LAN THẢO
-*- Kính thưa quý thi hữu

Hoàng Dũng xin trân trọng giới thiệu đến quý thi hữu tập thơ :" Dấu Bước Chân Đời " của thi hữu Thy Lan Thảo . Đây là tập thơ mới nhất do thi đàn Hoa Tiên xuất bản , tập thơ kỳ trước :" Chút Tình Chút Ý " cũng do thi đàn Hoa Tiên xuất bản , cả 2 tập thơ trên đều mang nặng tình quê hương , gia đình và bạn hữu .




Đọc thơ Thy Lan Thảo , người đọc có cảm giác thấy hình như mình cũng hiện hữu trong thơ anh , lời thơ anh da diết gói ghém niềm thương nỗi nhớ trong từng câu , tình bạn " mầy tao " rất thân thiết của anh như lời tâm sự mà những ai từng khoát aó lính trên vai đều cảm nhận , bồi hồi ..

Hôm chia tay mầy về tao ở
Buổi tiễn đưa nào không xót xa
Trong chốn tù đày đầy man rợ
Bạn bè chung cảnh nhục sơn hà ...
...................
Hai mươi năm bây giờ liên lạc
Giọng nói năm nào vẫn thân quen
Đất Úc xa xôi mầy bệnh hoạn
Houston tao ray rứt muộn phiền ( bài Viết Cho Thăng Bạn )

Hoàng Dũng thì rất gần với anh hơn vì cũng nhớ .... áo trắng

Áo em trắng , mi cong hồng má
Sài Gòn của thuở tuổi hai mươi
Ta về áo trận vui đường phố
Tay bé trong tay - nắng gió cười
..................
Vậy mà thoáng chốc vèo trong mắt
Áo trắng năm xưa đã bạc màu
Áo trận đời anh , cây lá khóc
Nhìn cờ tơi tả tháng Tư đau .... ( bài Tha Thiết Tình Xưa )

Thy Lan Thảo là người Gò Công cho nên tập thơ nào anh cũng nhắc đến Gò Công một cách thân thương , trong tập thơ nầy anh nhắc nhở đến người chị qua những lời thăm hỏi mộc mạc ..

Chừng nào em mới quay về lại
Thăm đất Gò Công , kỷ niệm xưa
Mẹ mất đi rồi nhà trống trải
Thương em, chị biết nói sao vừa
...................
Cờ sẽ vàng bay vui chị ơi
Em về cảnh cũ đổi thay đời
Tay ôm chặt chị- nhìn con cháu
Rạng rỡ lòng em ... vạn sắc tươi ( trong bài Em Về Thăm Chị )

Nhưng có lẻ bài mà Hoàng Dũng thích nhất là bài anh viết về Mẹ

Xem phim nhìn thấy cảnh nhà xưa
Dáng Mẹ trong con vẫn chẳng mờ
Con phải làm sao cho trọn lẽ
Tình quê , tình nước. trọn vần thơ ..!?
...............
Mẹ ơi ! Con sẽ về bên Mẹ
Đẹp nét cờ vàng , đậm ý quê
Trong vòng tay Mẹ thân thương quá
Đất Việt , trời Nam thoát cõi mê .. ( trong bài Xem Phim Nhớ Mẹ )

Gần 100 bài thơ , biết bao cảm khái theo từng lời thơ . Hoàng Dũng rất cám ơn tác giả đã gởi tặng và trân trọng giới thiệu đến quý thi hữu thi phẩm :" Dấu Bước Chân Đời " của thi hữu Thy Lan Thảo , lời tựa do thi hữu Hồng Phúc viết và thi đàn Hoa Tiên xuất bản . Quý thi hữu muốn có thi phẩm của Thy Lan Thảo xin L/L về Email : Thuylanvy@yahoo.com

Kính chúc quý thi hữu một đêm ngủ ngon ...

Hoàng Dũng
Sonk
#18 Posted : Tuesday, June 21, 2016 6:28:44 PM(UTC)
NguyenSonK

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 7/9/2012(UTC)
Posts: 172
Points: 516
Location: thơ

Thanks: 10 times
Was thanked: 6 time(s) in 6 post(s)


Tập thơ thứ 5 của Thy Lan Thảo
Sonk
#19 Posted : Wednesday, June 29, 2016 5:59:28 PM(UTC)
NguyenSonK

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 7/9/2012(UTC)
Posts: 172
Points: 516
Location: thơ

Thanks: 10 times
Was thanked: 6 time(s) in 6 post(s)
TÌNH MẸ TỪ THI TẬP DẤU BƯỚC CHÂN ĐỜI của THY LAN THẢO
*


Làm thơ để gửi gấm, truyền đạt. Đọc thơ để nhận, để cảm, để say. Mấy mươi năm trôi dạt, tôi đã nhận, đã cảm rất nhiều tâm tình của anh Thy Lan Thảo, nhà thơ xứ Gò. Tôi thấy mình nợ nần anh, nợ những sợi tơ quấn quít, giăng dọc, trãi dài.
Chúng ta, ai cũng tất bật lăn mình vào cuộc sống, chăm lo bản thân, gia đình, tương lai con cái…Bận rộn đến nỗi không thể viết trọn một lá thư đủ ý, đủ tình gữi về quê cũ thăm lại người thân. Lạ lùng gì đâu! Đó chỉ là mẫu số chung trong bài toán đời lưu lạc nên tôi vừa khâm phục vì ý thơ vẫn dạt dào trong trái tim anh, tình thơ vẫn mênh mang trong cõi lòng anh - Bốn năm, bốn tập thơ được ấn hành - hãnh diện vì anh là nhà thơ Gò Công, có liên quan ruột rà với đất mẹ.
Do vậy, tôi sẽ không viết bất kỳ chữ nào để khen thơ anh hay giống như những nhà bình thơ hay làm cho những tác giả cùng phe nhóm.
Ngàn sao, ý tỏ mây che
Ở trong sương dáng rụt rè dễ thương
Mắt môi tròn nụ thu hường
Hình như đêm xuống còn dư hương thừa
(Thương quá đêm tù – Dấu Bước Chân Đời)



Mượt mà, trao chuốc, chỉ dùng để đánh bóng. Thật ra trên bình diện ngôn ngữ, mỗi chữ đều có giá trị ngang nhau. Nói chữ nầy mượt mà hơn, trao chuốc hơn chữ kia là bậy. Nếu phân biệt được thì bao nhiêu chữ không mượt mà, không trao chuốc sẽ bị lãng quên.

Chừng nào em mới quay về lại
Thăm đất Gò Công, kỷ niệm xưa
Mẹ mất đi rồi lòng trống trải
Thương em chị biết nói sao vừa…!
(Em về thăm chị - Dấu Bước Chân Đời)
Ngắt rời những chữ ở đọan thơ trên: chừng nào, quay về lại, thăm đất Gò Công, mẹ mất đi rồi …. Các chữ đều bình thường như nhau, ai viết cũng được, ai nói cũng được. Nhưng đọc một câu thơ, đọc một đoạn thơ và cả bài thơ, tự nhiên, ta lại du ta vào một cõi trời xa xăm nào đó.
Chị ơi em muốn quay về lại
Kỷ niệm, quê nhà đâu dễ quên
Đất nước vẫn đỏ cờ oan trái
Lối về quê cũ vẫn buồn tênh…
Xứ người gửi nhớ thương về chị
Đừng mãi buồn thương sinh ốm đau
Em đọc thư nhà nghe chị kể
Máu của tình thâm vẫn ngọt ngào
(Em về thăm chị)
Có sự kết nối kỳ diệu giữa chữ nầy với chữ kia tạo thành một cấu trúc đặc biệt để mỗi thi sĩ tự xây cho mình một lâu đài riêng mà đi vào thế giới thơ. Sự kết nối đã làm các chữ trong câu có âm bậc, giai điệu, từ đó, tình thơ, ý thơ mới tóat lộ được, mới phô diễn được và giúp cho người đọc cảm nhận những gì tác giả muốn gửi gấm.
Thy Lan Thảo đặt cõi lòng bao la của Mẹ vào trong trái tim của chị. Mẹ đã mất. Biển Thái Bình tưởng ngưng sóng, nhưng âm ba vẫn đầy, lao xao vẫn dồn vỗ, vì dòng sông đã vượt gềnh, sông đã ra khơi và trở thành biển lớn. Sự tiếp nối của thế hệ đàng sau.
Em ơi! Tuổi chị giờ leo lét
Đêm đã về khuya, sắp cạn dầu
Muốn gặp lại em, hai đứa cháu
Mai nầy ai biết sẽ ra sao …?!
(Em về thăm chị)
Chị ngày xưa là Mẹ bây giờ. Chị là Mẹ của em, của tình em. Lòng chị cũng ngút ngàn như Mẹ, cũng thương, cũng buồn, cũng âu lo, chắt chiu tình nghĩa. Chí cũng có những ngày tháng đợi mong.
“Mẹ vẫn ngồi đan một nỗi buồn
Bên trời tạt gió với mưa tuông
Con đi góp lá nghìn phương lại
Đốt lửa cho đời tan khói sương”
Tôi không nhớ rõ đọan thư nầy của ai, dường như Trần Trung Đạo, cũng thắm thía, mịt mờ. Đó là điểm gặp trong thơ, chỗ hẹn của những đứa con biết dừng lại, nhìn ra biển cả mênh mông, nhìn sóng bạc đầu trắng xóa, nhìn mây nỏn như bông gòn để nhớ về Mẹ.
Mẹ già tóc trắng chiều tựa cột
Mắt buồn lơ đãng cánh chim bay
Nước mắt lăn dài dù không khóc
Nhìn trời mẹ nhớ, nhớ thương ai

Mâm cơm nhiều, cửa nhà hiu quạnh
Ngọn đèn dầu lửa, chiếc bàn tròn
Hạt gạo quê nhà, cơm dẽo trắng
Mẹ ngồi ăn mà nhớ thằng con…
( Ngọt ngào tình Mẹ - Dấu Bước Chân Đời)
Dường như hầu hết các bà Mẹ Việt Nam đều mang nặng nỗi buồn và có chung khỏang đời gian truân đau khổ như nhau. Phải chăng, vì quê Mẹ nghèo mà lòng Mẹ lại canh cánh niềm thương! Phải chăng, cuộc đời của mẹ, thế hệ đàn con bị nhận chìm trong cơn quốc biến!
Hơn 30 năm mà như mới hôm qua, “lệnh hèn ban” như vết chém sau lưng, xương da đau buốt, vết thương vẫn hành hạ Thy Lan Thảo một cách đắng cay.
Năm tháng chết mà tình người vẫn nhớ
Tám năm tù chưa đủ trả núi sông
Nợ của kẻ buông gươm khi giặc đến
Vương mang canh cánh, hèn nhục trong lòng
(Hoa bằng lăng tím – Dấu Bước Chân Đời)
Chính “lệnh hèn” đó mà Thy Lan Thảo và rất nhiều người trong chúng ta không được gặp lại Mẹ mình lần cuối. Niềm đau thương nầy mãi mãi là niềm đau thương vô tận, mãi mãi là nỗi ngậm ngùi, cay đắng khôn nguôi.
Thy Lan Thảo còn là một quân nhân. Mang trong mình bầu nhiệt huyết, chí mong vẫy vùng để trả nợ núi sông. Nhưng
Một lệnh hèn ban … quân đòan tan tác
Ngang Chư Pao nghe ớn gió oan hồn
Chiến hữu năm nào đồi nầy phơi xác
Đạn lên nòng, chiều xuống lạnh hòang hôn
(Lòng ta – Bạn hiểu – Dấu Bước Chân Đời)
để giờ đây, Thy Lan Thảo vẫn là người trai đang đi tìm TỔ QUỐC. Mong, tôi có dịp viết về người trai nầy.

- - -- - - - - - - - - - - - - -- -
• Xin ân cần giới thiệu đến: Những Người Yêu Thơ và Chưa Yêu Thơ,
Thi Tập DẤU BƯỚC CHÂN ĐỜI
• Xin ân cần giới thiệu đến: Những ai còn bỏ lại sau lưng mẹ cha, anh chị, tình yêu, bạn bè
Thi Tập DẤU BƯỚC CHÂN ĐỜI
• Và cũng ân cần giới thiệu đến: Những ai từng khoát áo trận, nửa đường gãy gánh
Thi Tập DẤU BƯỚC CHÂN ĐỜI của THY LAN THẢO, nhà thơ lính, sẽ phát hành vào mùa xuân ĐINH HỢI – 2007

Đọc DẤU BƯỚC CHÂN ĐỜI của Thy Lan Thảo để nghe tiếng dội lạ lùng từ tâm ức, để nhìn lại khung trời kỷ niệm lừng lững trở về, để đón nhận những cơn sóng vỗ cho lòng bỗng nao nao, để được đồng cảm với tác giả vì thơ anh là những tinh huyết trào ra của người con đi tìm TỔ QUỐC.


Đông Quyên
Sonk
#20 Posted : Thursday, July 7, 2016 5:13:22 PM(UTC)
NguyenSonK

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 7/9/2012(UTC)
Posts: 172
Points: 516
Location: thơ

Thanks: 10 times
Was thanked: 6 time(s) in 6 post(s)


" Vết Hằn Kỷ Niệm" Bút Ký và thơ, tập thứ 6 của Thy Lan Thảo
Bìa Họa sĩ Phạm Thông vẽ- Thụy My trình bày
Users browsing this topic
Guest
2 Pages12>
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.