Rank: Advanced Member
Groups: Moderator, Editors Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 2,175 Points: 423 Location: San Diego Thanks: 15 times Was thanked: 23 time(s) in 23 post(s)
|
Chồng Mỹ Vợ Việt
Bước vào quán Hoài Huế tôi quét mắt nhìn quanh xem có còn bàn nào trống để chọn chỗ. May thay một chiếc bàn vuông nhỏ kê ba chỗ ngồi hình như vừa mới được lau sạch ở ngay trước quầy thu tiền, xem như sẵn sàng dành cho tôi. Vừa đặt cái bóp lên bàn tôi quay qua order thức ăn ngay. Đây là một quán ăn loại food-to-go nên chỉ có năm bảy chiếc bàn nho nhỏ kê san sát vào nhau trong một khoảng không gian chật hẹp. Ấy vậy mà vào giờ ăn trưa thực khách ra vào tấp nập, ít khi còn chỗ trống.
Trong khi ngồi chờ cô bạn Monica tới, tôi hướng mắt nhìn về phía cửa ra vào. Một người Mỹ da trắng, tuổi khoảng trên dưới bốn mươi, nom rất lịch sự vừa lách qua. Ông ta nhìn quanh tìm chỗ, mắt dừng lại nơi bàn của tôi. Ông ta ghé qua quầy order thức ăn trước. Đó là việc đầu tiên mà thực khách nào muốn có thức ăn, không phải mất công chờ đợi lâu lắc, cũng đều làm như thế. Ông ta quay qua bàn tôi xin chia một chỗ ngồi.
- Vâng, đừng ngại, chúng tôi chỉ có hai người thôi.
Anh ta kéo ghế ngồi ở góc bàn với một chút e dè. Tôi chỉ chỗ bên cạnh ở giữa và bắt đầu gợi chuyện để anh ta tránh bớt bỡ ngỡ.
- Hình như anh thích thức ăn Việt Nam thì phải?
- Vâng. Tôi vẫn thường ghé qua đây ăn trưa đấy ạ.
- Thế hôm nay anh order món gì?
- "Mì Quảng chay". Anh ta nói tiếng Việt khá rõ ràng.
- Oh, tốt lắm. Các món chay rất tốt cho sức khoẻ. Ngoài ra, anh còn thích món nào nữa không?
Anh ta vui vẻ kể cho tôi nghe vài món ăn khác, trong đó có món "bún cha Ha Noại". Vừa lúc nguời phục vụ mang tới cho tôi tô bún thịt nướng với một chén nước mắm pha sẵn. Anh ta đưa tay vừa chỉ vừa nói "nươc mém". Tôi cười và lập lại tên hai món vừa rồi thật rõ ràng: "bún chả Hà Nội", "nước mắm". Thế là câu chuyện của chúng bắt đầu xoay qua chủ đề ngôn ngữ Việt Nam.
Tôi lịch sự xin phép ăn trước trong khi anh ta vẫn còn ngồi chờ. Ăn một mình cũng thấy ngại nên chốc chốc tôi ngưng lại trò chuyện cùng anh ta nên biết được anh ta học nói tiếng Việt qua cô bạn gái ở Việt Nam. Chỉ vào một chiếc phong bì khổ to đang nằm trên ghế trống, có lẽ bên trong chứa giấy tờ hồ sơ gì đó, anh ta mĩm cười. Phần trên đề tên người gửi là Nguyễn Thị D.Th. kèm theo địa chỉ ở đường P.T.H bên Quận 8. Tên người nhận là Mark H. , cư dân Poway, San Diego. Mark, tên anh ta, thú nhận rằng với anh tiếng Việt khó nói cho đúng vì có nhiều dấu giọng khác nhau quá. Tôi nhìn anh lắc đầu, khích lệ :
- Không khó đâu. Thật ra, tiếng Việt là một ngôn ngữ có âm điệu. Chỉ cần chú ý phát âm lên xuống khá đúng là được rồi.
- Vâng, tôi biết. Tôi đang học hỏi đấy .
- Tốt lắm. Muốn nói đúng thì anh phải thực hành càng nhiều càng tốt. Anh không thấy có nhiều người Mỹ nói tiếng Việt lưu loát đó sao ?
Tôi vắn tắt kể cho Mark nghe về một người bạn Mỹ mà tôi quen biết. Hắn có vợ Việt Nam. Để cho vợ ngạc nhiên, hắn âm thầm tự tìm đến học hỏi với những người Việt. Liên tiếp nhiều năm, hè nào hắn cũng lấy vacation cùng vợ đi du lịch Việt Nam để thực hành vốn tiếng Việt của hắn. Sau đó, hắn tự biên ra một cuốn tự điển với hơn ba ngàn chữ. Một kỳ công thật tuyệt vời !
Nghe một người ngoại quốc học nói tiếng nước mình chắc ai cũng thấy vui. Vì thế tôi cố thuyết phục Mark học tiếng Việt bằng một câu khích lệ :
- Cố gắng lên. Chỉ cần anh nói nguyên câu là chúng tôi hiểu ngay cho dù phát âm chưa chính xác. Cũng như một số người Việt chúng tôi nói tiếng Anh vậy mà. Quan trọng là học và hiểu thêm nhiều từ ngữ.
Câu chuyện của chúng tôi đang hào hứng thì Monica, cô bạn trẻ tuổi của tôi tới. Vừa lúc nguời phục vụ mang tô mì Quảng to tổ bố đặt ngay trước mặt Mark. Sẵn dịp Monica order ngay một dĩa bánh bèo. Chúng tôi bắt đầu thủ tục làm quen, tuy với tôi có hơi muộn. Và câu chuyện trao đổi giữa ba người lại càng rôm rả hơn.
Monica mới cùng chồng và con gái nhỏ đi tour từ Hà Nội vào Sài Gòn trong mấy tuần lễ vừa qua. Cô vừa trở về Mỹ được vài hôm nên hẹn tôi ra đây để bàn giao công việc. Chúng tôi vừa ăn vừa chuyện trò vui vẻ và dần dần đi đến chỗ gần như là quen biết tự thuở nào. Câu chuyện từ đề tài ngôn ngữ chuyển sang du lịch rồi bắt quàng qua vấn đề hôn nhân của anh chàng Mỹ sắp có vợ Việt này. Có lẽ "nhìn mặt biết người" hay sao mà Mark tin tưởng vào chúng tôi nên đem niềm vui của mình ra chia sẻ.
Cách đây hai năm Mark theo một người bạn Việt đi du lịch Việt Nam lần đầu. Trong chuyến đi ấy anh được giới thiệu làm quen với một phụ nữ Việt, cô D.Th. Cô gái này có thể nói tiếng Anh đủ cho người nghe hiểu được mình. Họ đã cùng bên nhau trong những cuộc đi chơi lãng mạn ở vài nơi trong miền Nam. Từ Sài Gòn ra Đà Lạt, xuống Nha Trang, rồi Long Hải qua Vũng Tàu. Từ đó hai người tiếp tục liên lạc với nhau bằng đủ phương tiện điện thoại, email ... Tháng mười một năm rồi (năm 2006) Mark lại bay về Việt Nam lần thứ hai để ký vào "bản án chung thân" với cô ta. Nghe đến đây, Monica tròn mắt, hỏi:
- Vậy là anh đang làm thủ tục bảo lãnh cô ta phải không? Theo diện nào?
- Theo diện hôn nhân đấy ạ .
Tôi góp thêm ý kiến:
-Tôi nghe nói theo diện fiancé thì nhanh hơn đấy, chỉ trong vòng sáu tháng thôi .
- Bên gia đình cô ta muốn thế.
Monica nhìn tôi nhướng mày và bồi thêm một câu vô thưởng vô phạt .
- Có nhiều cuộc hôn nhân về sau xảy ra nhiều điều rắc rối.
Mark dường như không để tâm, vẫn tiếp tục kể về cuộc gặp gỡ lý thú với gia đình bên "vợ". Anh nói lúc xuống phi trường cả nhà cô ta ra đón và gọi tên anh inh ỏi trong khi anh chỉ nhìn thấy rừng người và người. Anh diễn tả nỗi vui mừng của những người ấy như thế nào khi nhận được quà anh mang về. Anh còn khen cô "vợ" Việt của anh đếm tiền xoàn xoạt nhanh như mấy người làm việc ở casino. Vừa nói anh vừa ra điệu bộ khiến tôi không kềm được tiếng cười. Anh hỏi chúng tôi những lá bài có bốn màu sắc khác nhau gọi là gì mà những người trong gia đình bên "vợ" anh xoè một cách rất điệu nghệ. Anh đưa ngón cái kẹp vào lòng bàn tay trái, bàn tay phải thì kéo từ trái qua phải trên mấy ngón tay. Thì ra đó là bài tứ sắc của người miền Nam.
- Vợ anh là người miền nào, Bắc hay Nam, anh có biết không?
- Không biết. Cô ta nguời Sài Gòn. Không biết rõ là Bắc kỳ, Trung kỳ hay Nam kỳ.
Monica khoát tay :
- Ấy, anh đừng nói vậy. Chỉ nên nói Bắc hay Nam thôi, đừng dùng chữ "kỳ" sẽ có người không vui đâu.
- Vậy à, cô ta dạy tôi đấy.
Chúng tôi giải thích cho anh hiểu thêm về sự khác biệt giữa "Bắc kỳ 54" và "Bắc kỳ 75". Anh chàng có vẻ thích thú lắm. Đến đây thì mọi người đều "thanh toán" xong thức ăn. Tô bún của tôi còn mứa lại một ít. Tô mì Quảng của Mark và dĩa bánh bèo của Monica đều sạch trơn. Đã đến lúc chúng tôi phải chia tay. Mark nhanh nhẩu bước lại quầy trả tiền, anh trả luôn phần của chúng tôi. Monica nói gì với anh tôi không nghe rõ. Tôi chỉ nghe câu cuối cùng cô nói khi Mark bước ra khỏi quầy :
- Khi nào "vợ" anh qua, nhớ cho chúng tôi biết. Chúng tôi sẽ mời hai người nhé .
Tôi chỉ kịp vẩy tay từ giả và nói vói theo anh ta:
- Cám ơn Mark. Chúng tôi nợ anh đấy.
Trong lúc ra parking, Monica nói với tôi :
- Em nghi anh chàng này bị cái cô kia dụ dỗ rồi chị ơi. Cỡ tuổi của hắn chắc là vừa ly dị xong lại gặp ngay ...thứ dữ nữa rồi.
- Hơi đâu mà em lo. Như vậy mới có thêm một cặp "chồng Mỹ vợ Việt" nữa chứ!
San Diego Tháng 3, 2007
|