S.A mang về cho chị Ba Tê tham khảo tiếp nè...
Mùa hè Paris Không kênh kiệu cũng chẳng làm bộ làm tịch, tôi từ chối không đi Pháp mùa hè năm nay. Phần vì một số công tác tự nguyện sinh hoạt cộng đồng còn dang dở, phần khác vì giá vé máy bay, theo tôi quá đắt, $750US để đi Air France vào đúng ngày tháng dự trù, dịp nhà tôi đưa cụ nhạc về Pháp. Nhưng cuối cùng, các con tôi dục quá, tôi cũng ráng mầy mò trên Internet, kiếm xem có chuyến bay nào rời Houston cùng ngày, và giá cả chắc chắn phải rẻ hơn nhiều... thì mới chịu đi, cho đúng với câu quân tử nói đi, nói lại, là quân tử khôn chăng(!) Quả nhiên cuối cùng, cũng kiếm ra vé, rẻ được hơn 1/3 tiền dù ngày đi đã cận kề!
Cả hai chuyến bay Air France và Continental khởi hành từ IAH trực chỉ Paris, đi, về cùng thời gian, cất cánh cách nhau hơn 2 tiếng đồng hồ, để đến thủ đô Pháp quốc vào một buổi trưa tháng Tư nắng đẹp. Sau nhiều năm rồi, mới thăm lại Paris, đường sá có vẻ sạch sẽ hơn trước, lưu lượng xe cộ hình như giảm được đôi chút vì métro và bus tăng cường thêm nhiều chuyến, thêm đường mới, và kéo dài thêm thời gian phục vụ. Phải nói ngay, việc chính phủ Pháp phản đối quyết định tấn công Iraq của HK và Đồng Minh bất chấp khuyến cáo của LHQ, chẳng ảnh hưởng gì đến số lượng du khách HK viếng thăm Pháp quốc. Dân bản địa vẫn thân thiện với du khách, dù họ không còn tiêu mỹ kim nữa, phải đổi ra tiền Euro. Trị giá đồng Euro hiện giờ cao hơn tiền Mỹ, 1 Euro ăn $1.3 US, thời vàng son 1 mỹ kim ăn 8 quan đã lùi xa vào dĩ vãng.
Nhân nói đến đồng tiền Mỹ mất giá, là nói đến mức sinh hoạt ở Pháp, giờ đây khá đắt đỏ; không biết công chức ba cọc ba đồng xoay xở ra làm sao? Trước hết là ét xăng, 2 Euro một lít xăng, vậy tính sang tiền Mỹ khoảng gần $10 US một ga lông, thưa quý vị. Bên này mỗi galon chúng ta trả có $2 US mà đã nhao cả lên, kêu trời như bọng; còn nạn kẹt xe và thiếu chỗ đậu xe ở Paris, có lẽ nước Pháp xứng đáng chiếm ngôi vô địch thế giới!
Tô phở "có người lái" ốm nhom ốm nhách cũng phải 10 đồng Mỹ, $2.50 một lon coca. Còn hủ tíu Nam Vang chẳng chịu lép vế, chỉ xin nhẹ lối 9 Euro và free một lon sữa đậu nành. Bánh rán 1 Euro một cái, nhỉnh hơn quả banh tennis. Ba người ngồi vỉa hè, gọi một demi tasse đen đậm đặc nhỏ xíu, một capuccino cũng nhỏ không kém và một sữa súc cù là, thêm một croque monsieur, chỉ tốn có 17.50 Euro chưa kể tip thêm một Euro nữa. Cũng như quà ăn chơi lúc lang thang "chiều hôm tối rồi", thủ 2 bánh crêpe và 2 chai nước suối, ngồi trên thềm ở sân bên ngoài Nhà Thờ Đức Bà, vừa nhâm nhi vừa ngắm nhìn đủ sắc dân, mọi lớp tuổi... đại diện cả thế giới lũ lượt diễn hành trước mắt. Đưa giấy 20 Euro, cô bán hàng nhoẻn miệng cười và merci nhẹ như gió thoảng, thối lại 8 Euro cùng mấy đồng tiền cắc. Lỗi tại tôi đã cao hứng nói nhớ thêm một chút Grand Marnier vào bánh của tôi chăng?
Còn sách, báo ư? đắt khói lên được... ví dụ tờ Paris Match quen thuộc phải 3 Euro, tờ Le canard enchainné $1.50 Euro in 2 mầu cổ điển đen và đỏ với 8 trang khổ nhật trình. Chả bù với tờ C.O, in đẹp, bìa offset mầu, bài vở chọn lọc, còn giá cả đúng là giá văn nghệ. Đó là cảm nghĩ của một cư dân Paris, anh DVL, khi lục tìm tài liệu cho tôi trong chồng sách vở bề bộn. Anh lôi ra tờ C.O số mới nhất và cho biết phải xerox những bài đặc sắc trong báo này để chuyển cho bạn bè, vì cước phí sang Pháp cho mỗi số báo lên tới gần 10 mỹ kim. Cảm động chứ, như tha hương ngộ cố tri, nhất là khi thấy những độc giả chọn lọc ấy trân quý tờ báo...
Ghé thăm ông bà bạn vai đàn anh tôi, ở khu La Défense, thấy trong bếp có mấy xấp quảng cáo chợ Auchan, Castorama cho máy móc, đồ điện tử gia dụng và Conforama giới thiệu tủ, giường, bàn, ghế. Tôi như cái "máy hút bụi siêu đẳng" lượm cho bằng hết, để bảo đảm là nói có sách, mách có chứng rồi đấy nhé. Sau bài học đắng cay của Auchan tại Houston, đóng cửa cuốn gói về nước vì không sao cạnh tranh nổi với những chàng khổng lồ HK cùng ngành như WM, Target. Quảng cáo Auchan chạy chủ đề La Vie. La Vraie Auchan. Tự nhận không phải Mr Mom, tôi lướt qua những trang về rau, cỏ, thịt, cá (sẽ trở lại sau) và bắt đầu bằng máy điện toán cá nhân Compaq Presario S6388 - Atlon XP 3000 - chứ không phải Pentium 4 memory 512, HD 120Gig có DVD và CDRW với giá $1300.00 US. Còn ở Mỹ, khảo giá trên Internet, máy Compaq loại S6000X với những kỹ thuật tương tự chỉ có $510 US. Về máy ảnh digital, mấy ông tây dài dòng văn tự gọi là Appareil Photo numérique, thấy quảng cáo cái Canon Power Shot A70 tính sang tiền Mỹ khoảng gần 400 đô. Trong khi ở HK, chính máy đó với những thông số kỹ thuật như hệt nhau, chỉ có $263 US. Thêm một so sánh khác nữa, máy Plasma Samsung PS42 P3SX bên Pháp giá $4000 mỹ kim, cũng vẫn Samsung PS42 khác sérial # vì khác khu vực, khác hệ thống phát hình và tùy thuộc điện lực quốc gia nhập cảng, giá ở HK dưới $3000 mỹ kim.
Đây rồi, đây rồi Coca Cola bán hạ giá có $6.50US cho 12 lon, gạo hạt dài 1 kilo khoảng hơn 2 lbs bán có $2.75 US, đương nhiên bao gạo 25lbs bên Mỹ... nếu mua ở Pháp, sau khi cộng, trừ, nhân, chia cũng khoảng tròn trèm $30 mỹ kim đấy. Thảo nào tây đầm chỉ ăn bánh mì thay cơm! Bắp đóng hộp cũng vậy, loại chưa tới 100g/hộp, 3 hộp 1.77 Euro tương đương $2.50 Mỹ. Chưa hết, hột gà cỡ trung, mua một tá được tặng thêm 2 trứng (xin đừng nghĩ bậy - tội nghiệp) nguyên văn calibre moyen x 12 dont 2 gratuits, giá 2.25 Euro hay $3.00US. Bước qua hàng thịt bò, steak $8.00US/kilo, faux filet $12.00US/kilo. Cá biển Salmon trung bình $6.00 US đến $8.00/kilo. Tôm nuôi ở Brésil cỡ 30/50 con 1kilo chạy ra $12.00 tiền Mỹ. Scallop cỡ trung $20.00US/kilo. Xin phép bạn đọc cho ngưng việc đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành ở đây, nếu không, cứ tỏ ra thông thạo quá là không được đâu.
Nhưng đã trót nói giá cả, thì nói luôn việc chúng tôi mua biếu cụ nhạc 1 thảm để trên sàn nhà, ngay phía dưới giường, cỡ 1.20m x 0.80 giá 67 Euro + thuế. Độ dầy và phẩm chất ấy bên Mỹ chỉ $25 US là hết mức. Cũng như một radio nhỏ để bàn giá 20 Euro trong khi ở Mỹ chỉ $10.00, dán băng keo vào đúng làn sóng đài RFI, chỉ có việc tắt hay bật để nghe mà thôi. Nhà nào bây giờ cũng vài ba radio, rồi hệ thống âm thanh 3 hay 4 chiều, chưa kể đến nghe nhạc, radio trên Internet nhưng các cụ chịu thua, không sao mở ra nghe được. Những quà tặng ấy không đáng bao nhiêu, nhưng chắc chắn tỏ bầy được sự chăm sóc và quý mến, câu trẻ đồng quà, già tấm bánh vẫn luôn luôn đúng. Trong khi nhà tôi xem xét thật kỹ lưỡng tấm thảm, từ hoa lá cành đến mầu sắc, rồi độ dầy sang đến loại len hay sợi đó có dễ bị bắt cháy hay không, còn tôi loanh quanh trong tiệm Castorama, tương tự Home Depot bên này. Để tìm xem vật dụng nào đắt đến độ không tin được, đó là 4 cục pin AA Duracell giá 4.69 Euro = $6.50 US + tax, bạn đọc nghĩ sao? Một hệ thống báo động DK814X Diagral, gồm có: còi hụ, hai đèn báo vật di chuyển, 1 đèn báo cửa mở, một bàn phím điều khiển nhỏ và một bộ phận nối kết vào đường dây điện thoại, vậy thôi, họ bán tới 1290 Euro tức là $1690.00 US. Trong khi ở HK máy đó free, công gắn free. Còn ở Pháp hay ở Mỹ người sử dụng đều phải đóng tiền hàng tháng cho hãng kiểm soát báo động, làm việc 24/24 để cấp báo gia chủ và cảnh sát sở tại mỗi khi có tín hiệu báo động, đó lại là chuyện khác.
Những máy móc nhỏ thông dụng trong nhà như cưa máy, máy khoan, đánh bóng xe hơi v.v... toàn mang nhãn hiệu ngoại quốc như Black ... Decker, Bosch, Performance Power, dù rằng xuất xứ đều Made in China hết. Nước Pháp nhập cảng đủ thứ, thượng vàng hạ cám từ thực phẩm, trái cây, ngũ cốc, đến vải vóc, tơ lụa, đồ may sẵn, giầy dép, đồ điện tử rồi đến bàn ghế giường tủ. Có thể tôi đã chủ quan, khi nói rằng, từ khi nước Pháp mất hết những thuộc địa giầu tài nguyên, nước Pháp đã trở nên cạn kiệt, héo úa và chỉ còn biết bám víu vào những vang bóng một thời về giá trị văn hóa còn sót lại từ thế kỷ trước để khoa trương. Một nếp sống tuy rõ ràng thắt lưng buộc bụng đấy nhưng vẫn cao ngạo kiểu "giấy rách giữ lấy lề". Bạn cứ tưởng tượng đi, khi vào nhà thờ, chùa, miếu ta thấy một không khí u tịch, cổ kính; khi chen chân giữa dòng người trôi chẩy trên hè phố Élysée, Ginza hay New York ta cảm nhận sức sống cuồn cuộn dâng tràn. Dù cho kinh tế toàn cầu khủng hoảng, nước Mỹ vẫn mạnh dạn vững tin dốc toàn lực bước tới, còn Pháp quốc làm việc lè phè (35 giờ một tuần, vẫn còn muốn rút xuống 30 giờ!). Hỏi làm sao không vêu vao trên đường lão hóa?
Nói đến văn hóa Pháp, ở một góc cạnh nào đó, là nói đến các cây cổ thụ, đại thụ những tư tưởng, triết gia gốc Pháp được cả thế giới tôn vinh, nhưng đặc tính và bản vị con người nói chung của cả nhân loại, để đến với nhân loại là nhờ vào văn hóa. Đến với văn hóa hay hấp thụ văn hóa từ khi chúng ta lọt lòng mẹ. Văn hóa cho chúng ta ngôn ngữ, trí tưởng tượng, tập quán, phong tục, cảm tính và thành kiến, lịch sử, nghệ thuật, khoa học kỹ thuật, vũ trụ quan... Trước hết được thừa hưởng nền văn hóa đặc thù đó, sau lại tiếp nhận thêm những luồng văn hóa ngoại nhập rồi tới khi tự thân cũng được mời gọi để bảo tồn và phát huy nền văn hóa đa dạng đó, nhưng đã được đãi lọc qua tâm thức và hành động của chính bản vị cá nhân và nguồn gốc hay chủng tộc con người ấy. Như vậy, văn hóa cũng chính là lối sống, thể hiện rõ nét trên trang phục, lối ăn uống, nếp suy nghĩ v.v... Từ nhận định này, mới thấy ảnh hưởng khủng khiếp của cái gọi là "nền văn hóa Mỹ" tác động vào người Pháp, nhất là giới trẻ như thế nào. Trên 260 kênh truyền hình qua vệ tinh của Pháp, nếu chia thành những tiết mục chính như thời sự, tài liệu, lịch sử, tuổi trẻ, thể thao, âm nhạc, du lịch, phim hoạt họa thiếu nhi và điện ảnh, phim bộ v.v... ai nấy đều thấy rõ phim ảnh HK góp mặt hơi nhiều trong mọi lãnh vực, nhất là điện ảnh và âm nhạc cũng như phim vẽ cho thiếu nhi của Walt Disney.
Chúng tôi cũng bỏ ra khá nhiều thời giờ viếng thăm họ hàng bên phía nhà tôi, các cháu con cô em và cậu em, chúng lớn cả rồi và đã ra ở riêng. Thăm hai ông bác nhà tôi, một kiến trúc sư và một họa sĩ đã thành danh... nhưng về hưu lâu rồi, nay chỉ còn thú vui trông cháu nội, ngoại và viết lách đôi điều. Thăm một xưởng vẽ, với đúng nghĩa của nó, có nghĩa là khang trang, rộng rãi và đầy đủ tiện nghi. Bà vợ người Pháp cũng là họa sĩ, tốt nghiệp Cao Đẳng Mỹ Thuật, tôi ngỏ ý thích bức vẽ mới nhất của bác, gồm những chuỗi hình tròn, tạo thành những hình ống (rỗng ruột) nhưng lại rất liền lạc, tỏa ra nhiều hướng, thật mềm mại, uyển chuyển, trồng chéo lên nhau nhưng vẫn rõ ràng, riêng biệt từng nhánh một. Tôi tự diễu: "thưa bác, tôi không là thợ đóng giầy, lại đi mocassin bình thường, đế thấp lắm đấy ạ", dĩ nhiên cả nhà đều cười rộ về lối chấm câu và bỏ lửng của tôi.
Dự một phiên chợ nhà quê, cách Paris khoảng 60 cây số, được ăn ốc luộc (bulat) với bia Alsace chính hiệu và tráng miệng với bánh mille feuilles, éclair chính cống. Khu chợ đồng quê ấy, trong nhà lồng chợ bán đủ thứ sản phẩm địa phương nuôi, trồng tại gia như thỏ, gà, hoa quả, rau đậu, nấm tươi, các loại phó mát, thịt nguội đủ thứ. Quanh chợ là những sạp hàng bán quần, áo, đồng hồ, bút máy rẻ tiền hay những thủ công nghệ... như khu chợ Dân Sinh ngày xưa của chúng ta. Anh Đức, một thân hữu lâu năm, từ Hànội vào Sàigòn sau đó ra tới ngoại quốc, anh hiện ở Paris từ 1975c, anh rủ tôi đi Foire de Paris ở ngay Porte de Versailles. Hội chợ này được tổ chức đều đặn hàng năm, và đặc biệt năm nay vừa đúng dịp kỷ niệm 100 năm. Cũng là cơ hội được thăm dân cho biết sự tình khác nữa, trên quy mô rộng lớn hơn. Rộng lớn hơn, vì chỉ riêng khu vực dành giới thiệu phần đồ dùng và trang trí nội thất chiếm ngự 3 từng lầu của khu số 7 có diện tích mặt bằng 70 ngàn mét vuông. Còn toàn thể khu triển lãm gồm 8 quần thể xây cất rộng lớn, riêng biệt như những hangar có thể chứa loại máy bay khổng lồ C5 Galaxy ngày trước. Muốn đi coi cho hết mọi gian hàng, tôi nghĩ phải mất cả tuần lễ. Do đó Hội Chợ Paris năm nay mở cửa từ 29/4 đến 9/5, hàng ngày từ 10g sáng đến 7g tối, thứ sáu 7 tháng 5 mở cửa đến 12g đêm.
Vừa xuống xe bus, một cô gái VN cho biết cô là sinh viên du học, chào mời mua vé vào cửa, rẻ hơn tại guichet. Đó là loại thiệp mời dành cho những người có gian hàng trưng bầy hay buôn bán trong hội chợ. Tôi cũng mặc cả chút đỉnh cho vui, nhưng trả đủ tiền cho cháu, vì mỗi vé rẻ hơn giá chính thức 2 Euro. Tôi chọn khu vực trưng bầy về vườn tược và hồ bơi cho những căn nhà điển hình ở Pháp hiện nay, xem cho biết họ xoay xở ra sao với những khu đất nhỏ hẹp của đô thị đã quá tải số cư dân - bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu. Máy lạnh, máy sưởi thu nhỏ tới tối đa, đặc biệt phải tiết kiệm nhiên liệu, bàn ghế cũng được sắp đặt, xếp, gập lại thế nào cho khỏi choáng nhiều chỗ, hồ bơi cũng chỉ be bé xinh xinh! Quả đúng là khéo ăn thì no, khéo co thì ấm, cũng tốt vậy thôi. Vui nhất là vào thăm các khu 2, 3, 4, và 8 được dành cho các quốc gia nhiệt đới, gian hàng Pháp quốc và các quốc gia Âu Châu, khu những quốc gia trù phú thế giới và khu vực dành riêng cho Liên Đoàn các quốc gia Ả Rập.
Tôi đã ghé thăm nhiều gian hàng bầy bán những sản phẩm địa phương lạ mắt, người bán hàng mặc quần áo theo truyền thống, tiêu biểu cho quốc gia mình. Đông Âu phong phú với những vật dụng bằng pha lê, những ly, tách, bình hoa, những con giống thủy tinh nhỏ bằng hột ngô nhiều mầu sắc, rất bắt mắt. Còn Âu Châu, đúng hơn là Khối Thị Trường Chung đa dạng từ đồ da, vải vóc, đến những vật dụng trong nhà, máy móc, đồ làm bếp bằng kim loại bóng loáng, nhìn quanh chỉ thấy toàn stainless steel, cảnh quan khác hẳn với khu các quốc gia Trung Đông toàn đồ đồng đỏ au và những thảm treo hay trải sàn nhà danh trấn giang hồ hàng ngàn năm rồi. Sách báo đủ mọi thứ tiếng, văn hóa phẩm như băng, đĩa nhạc, tranh ảnh tràn ngập, nhiều nhất là những vật kỷ niệm, thủ công nghiệp, búp bê mang mầu sắc địa phương từ khắp bốn phương trời tụ lại nơi này.
Dù muốn dù không Paris vẫn còn những nét đẹp riêng, rượu vang, phó mát, bánh sừng bò vẫn ngon hơn nhiều nơi và nước hoa vẫn là những xa xỉ phẩm được ưa chuộng vòng quanh thế giới v.v.... Trên đường bay trở lại Houston, tôi nhớ nhiều đến một sáng chủ nhật có nắng vàng hiền hòa trên thông lộ lát bằng đá tảng khu chợ Mouttefar đông đúc người dạo chơi, mua sắm. Cạnh vòi nước phun là đám đông các ông bà già thích thú hát những bài ca thất truyền theo ban nhạc, một vài cặp quay cuồng nhịp luân vũ dồn dập của phong cầm. Ở một góc phố khác, ban đàn dây phụ họa cho cây sáo pan flute dạo lên những đoản khúc tuyệt vời của loại nhạc cổ điển tây phương. Giữa đường phố - cấm xe hơi di chuyển - là ban nhạc kèn đồng đã chơi những bản jaz ồn ào dễ thương quen thuộc. Rất nhiều tiệm ăn đủ mọi quốc tịch, nhiều tiệm bán đồ kỷ niệm giá cả phải chăng hơn những tụ điểm đông khách du lịch khác như Tour Eiffel hay Nhà Thờ Đức Bà, Nhà Thờ Thánh Tâm.
(LƯU BÚT NGƯỜI XA XỨ) posté le jeudi 21 décembre 2006 23:53
Buồn buồn...đọc tiếp thêm ở đây :
http://dulichparis.travelblog.fr/4.php