Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

3 Pages123>
Truyện Ngắn Võ Thị Điềm Đạm
oc huong
#1 Posted : Saturday, June 4, 2005 4:00:00 PM(UTC)
oc huong

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,180
Points: 0

EM


Thư đi vội vào giảng đường nhỏ của trường Y Tá nằm phía tây thành phố cảng Hamburg, tìm một chỗ trống ở những hàng ghế đầu để nghe cho rõ. Còn hai phút nữa, mắt nhìn lên đồng hồ trên tường, tay lục tìm cây viết và quyển tập trong giỏ xách để ghi chép, thói quen từ thời sinh viên già, mặc dù Thư biết là tất cả các bài giảng đều sẽ được phát cho từng học viên để làm tài liệu nghiên cứu sau này. Một nhấn tay nhẹ trên vai. Quay lại, Thư reo:
- Anh Thành! Lâu quá!

Thành cũng là đồng nghiệp, làm ở một bệnh viện cách Hamburg hai giờ xe hơi. Hôm nay là khóa tu nghiệp cho y tá vùng bắc nước Đức. Cả vùng chỉ có hai y tá chánh ngạch người Việt nên Thư quen Thành cũng đã khá lâu, hai mươi năm không chừng, qua những khóa tu nghiệp hàng năm. Cả năm sáu năm rồi, năm nay hai người mới chọn cùng khóa. Thành cười rộng miệng, mắt một mí kéo dài như nhỏ lại, giọng Bắc pha tám mươi phần trăm giọng Nam, hỏi một câu dư thừa:
- Cô Thư cũng chọn đề tài này à?
- Nhìn tới nhìn lui, chẳng có đề tài nào hấp dẫn cả nên chọn đại. Lâu lâu được đi tu nghiệp, được bao ăn uống, trốn mấy bệnh nhân cằn nhằn, đòi nói chuyện. Rảnh rang được vài ngày, không đi uổng chết. Anh vẫn làm chỗ cũ chứ?
- Vâng! Già rồi, cũng chẳng muốn thay đổi gì nữa. Còn cô?
- Cũng mõi rồi anh, không muốn bon chen nữa, lúc này Thư có được tám giờ ngồi trực bàn nên nhàn lắm. Thôi tới giờ, chút nói chuyện thêm.


Giờ giải lao, Thành rủ Thư lại ngồi ở một góc canteen để nói chuyện bằng tiếng Việt, cho đã. Thành nhìn Thư chọc:
- Coi cô Thư không có gì thay đổi cả, năm sáu năm rồi còn gì, có cọng tóc bạc nào chưa?
- Năm mươi rồi đó anh, tìm kỹ thì ít nhất cũng chục cọng, bắt Harald nhổ, ổng cằn nhằn hoài.

Đang chuyện trò trăng nước thì có tiếng điện thoại di động kêu, Thành rút máy trong túi, nháy mắt xin lỗi Thư. Thư nhìn lơ đãng ra sân, vô tình mà lại lắng nghe câu chuyện đàm thoại. Nhiều người thường khó chịu khi nghe ai đó nói chuyện trong cellephone, họ khó chịu không vì phải bị nghe chuyện thiên hạ, họ khó chịu vì chỉ nghe một nửa cuộc đối thoại, làm họ không hiểu toàn vẹn, làm trí tò mò vô hình trong họ không được thỏa mãn. Thư cười thầm khi lắng nghe mẫu đối thoại không che dấu của người bạn. Giọng Thành, người đàn ông gần sáu mươi tuổi, tóc muối nhiều hơn tiêu, đổi hẳn, dịu ngọt:
- Em đừng mua gì cho anh.
- . . . . . . .
- Áo len của anh cả chục cái mặc không hết.
- . . . . . .
- Ừ thôi cũng được, nếu em thích màu đó. Em tìm được mua được gì cho em chưa?
- . . . . . .
- Chút ba giờ thì xong, em chờ anh ở cà phê Đà Lạt nha!


Thư đùa:
- Hai ông bà già rồi mà còn tình tứ quá ta, anh với em ngọt sớt.

Thành nhìn Thư như có vẻ thông cảm vì câu nói đùa mang chút sót xa đó, Thành hiểu Thư.

Trở lại giảng đường, Thư thẩn thờ: Tiếng Việt mình hay thật, có những đại danh từ được dùng để xưng hô với nhau thật trìu mến, thật đặc biệt cho người trong cuộc, chớ không như những ngôn ngữ khác, cái gì cũng you với I, cái gì cũng toa với moa, cái gì cũng ich với du, cái gì cũng mich với dich... Tiếng Việt mình, tiếng anh và em thật mầu nhiệm, thật ngọt mật.... Cho đến cuối đời, tóc bạc da mồi vẫn còn giữ tiếng xưng hô thần ái đó. Tiếng anh và em như một chứng nhận tình yêu...

...Trong quán kem cuối đường Nguyễn Du gần tới nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, Hải âu yếm hỏi:
- Anh đặt kem dâu cho em nha?
Tiếng em Hải kéo dài, thật nhẹ, thật êm như hai ngón tay Hải vuốt cẩn thận gò má Thư hồng rám nắng. Giọng Phan Thiết cưng cứng nồng nàng của Hải làm Thư cảm động, nũng nịu:
- Thêm hai cây bánh kẹp nữa, anh quên món tủ của em.

Tiếng em lần đầu tiên Thư xưng với Hải sau ba tháng quen nhau. Tiếng em được giọng con gái Sài Gòn nhão nhẹc kéo dài, đầy thương yêu làm Hải xúc động. Tiếng em mà Hải đã kiên nhẫn chờ đợi. Hải hiểu như đó là dấu hiệu đáp lại tình yêu của anh khi Thư xưng em một cách nũng nịu như muốn áp mặt vào bờ ngực Hải căng cứng, như muốn thu nhỏ trong vòng tay anh. Hải ngồi xuống cái ghế mây bên Thư, vuốt nhè nhẹ cánh tay trần có những cọng lông măng mịn màng, mắt Hải đầy thương yêu:
- Thêm một trái dâu lớn thật lớn?

Thường thì Hải gọi Thư bằng tên Thư ngọt ngào hay "Chó Nâu" đùa nghịch. Cái tên "Chó Nâu" Hải đặt cho Thư vì hình ảnh cô bé Sài Gòn trong cái quần pat nhung nâu xậm, vai đeo cái giỏ da nâu chỗ đậm chỗ lợt vì mớ quần áo ướt vừa đi bơi về, đôi giầy sandal da nâu thấp gót, cái áo thun trắng trên ngực có thêu chữ Dream bằng sợi chỉ nâu mỹ miều ôm sát người, lần đầu tiên Hải quen Thư trên con đường Phan Thanh Giản.... Hình ảnh tươi trẻ đầy sức sống của cô bé Sài Gòn đã là sinh viên rồi mà vẫn con nghịch ngợm như nữ sinh trung học. Cô bé đã làm yếu lòng Hải ngay từ lúc gặp gỡ vì lối nói chuyện không e ấp, vì ánh mắt nhìn trong sáng, nhìn thẳng người đối diện không chút e dè như những cô gái khác khi nói chuyện lần đầu tiên với đàn ông xa lạ. Khi nào Hải và Thư dùng tiếng em, tự nhiên cả hai đều cảm nhận cả làn sóng tình trìu mến cho nhau đậm đà hơn, ngọt mật hơn thường lệ.


Thư ngẩn người, lời giảng viên nghe văng vẳng đâu đây.

Tiếng Hải đầm ấm dỗ dành dưới dàn lan đại năm nào trong đêm Hải trở về để sáng sớm mai xe thiếu tá Vinh đến đón đi Long Khánh. Cái đêm cả hai đều không ngờ là đêm cuối cùng. Lòng Hải hoang mang vì anh hiểu tình hình chiến trận của những ngày cuối xuân năm 1975. Lòng Thư lo âu vì phim Mộng Thường do Thanh Lan đóng, chiếu trên TV, vì giọng Thái Thanh nức nở bài Kỷ Vật Cho Em mỗi ngày trên radio. Hải không kể cho Thư nghe nỗi hoang mang của mình. Thư không kể cho Hải nghe nổi âu lo của mình. Cho nên Thư níu kéo, cho nên Hải chùng chằng:
- Em vô nhà rồi anh mới đi.
- Làm sao anh về?
- Anh đi lang thang.
- Xa lắm!
- Anh đi lang thang để nhớ em.
- Cho em theo anh đi lang thang.
- Không được! Khuya rồi, nghe lời anh, vô nhà đi, ba má la em.
- Em chịu la.
- Chó Nâu hư, anh lớn, anh không để ba má la Chó Nâu.

Thư vùng vằng đi vô nhà, nước mắt lăn dài trên má, nước mắt thấm mặn môi Thư.

Nước mắt rơi trên trang giấy đã ngưng ghi chép từ lâu. Thư giả bộ nhắc cặp kính cận lau mắt, lau mặt, làm như mắt bị vướng hạt bụi nào đó, hạt bụi của những ngày tháng Sài Gòn thơ mộng.

Sau Hải, Thư chưa một lần được may mắn xưng em với những người đàn ông đã có cảm tình với Thư, với những người đàn ông Thư đã có cảm tình. Không phải tiếng em Thư dùng với hai chị mình, không phải tiếng em Thư dùng với hai ông anh rễ, không phải tiếng em Thư dùng với mấy ông anh con cô Ba. Bởi vì sau Hải, những mối tình chưa đến đã tan, những mối tình Thư chưa kịp chuẩn bị cho phép lòng mình xưng tiếng em ngọt mật, tiếng em mang ý nghĩa cho nhau tiếng em từ trái tim nồng. Tiếng em đối với Thư mang đầy ý nghĩa thương yêu gắn bó cho nên Thư không dám dùng khi Thư thấy lòng mình chưa thực sự chín chắn cho chữ em thiêng liêng đó.

Sau Hải, những viên đá tình yêu được ném xuống hồ nước nhưng không tạo được vòng tròn làm chứng tích tình yêu trên mặt hồ bởi hồ nước luôn luôn gợn sóng, bởi lòng Thư chưa yên ổn, bởi những tình cảm của những người đàn ông chưa đậm đà để đủ có kiên nhẫn chờ đợi Thư xưng tiếng em mang đầy thương yêu cho mình.

Harald không hiểu tiếng em mầu nhiệm trong ngôn ngữ tình yêu của người Việt nên anh không cần chờ đợi. Anh yêu Thư và muốn sống đời với Thư mà không chờ Thư nói tiếng em yêu anh, ngay cả tiếng yêu anh bằng ngôn ngữ nước anh. Năm đầu mới lấy nhau, trong cơn nồng ấm vợ chồng, Harald năn nỉ:
- Nói đi Thư! Nói rằng em yêu anh bằng ngôn ngữ nước em đi Thư, nói em yêu anh bằng ngôn ngữ tự đáy lòng em đi Thư.

Thư tảng lờ, Thư im lặng, Thư hôn chồng đậm đà hơn. Thư lẫn tránh. Thư cảm nhận tiếng thở dài Harald cố nén tận đáy sâu. Harald không nài nĩ nữa, lời nài nĩ khônh được đáp lại đã trở thành vết chàm lúc mờ lúc tỏ. Vòng tay trần thơm mềm ấm xiết mạnh hơn không xóa được vết chàm đó trong tình yêu Harald dành cho vợ. Vết chàm chém vào tim Harald, vết chàm luôn quấy phá Harald những lúc hờn vợ. Vết chàm không chịu nằm yên, âm thầm khơi lên những đợt sóng ngầm phá rối đời sống bình an bên vợ.

Năm mươi tuổi rồi, Thư lúc nào cũng xưng tên mình như thời còn đi học với những người đàn ông Thư giao thiệp hàng ngày. Ba mươi năm rồi, ba mươi năm mất Hải, mất bàng hoàng không một dấu tích báo trước. Hai mươi năm rồi, hai mươi năm tình nghĩa vợ chồng vẫn thắm thiết mặc dù không có một đứa con để gắn bó với nhau. Thư chưa một lần được xưng tiếng em thiêng liêng. Thư chôn vùi tiếng em ngọt mật đó dưới lòng đại dương như con ốc khi sợ hãi vội đóng kín tấm phên, thu mình trong lớp vỏ ốc cứng mang màu nâu, trắng mỹ miều, dũi sâu xuống lớp cát trắng mịn xa tận biển khơi.

Nỗi sót sa thỉnh thoảng làm nhói tim Thư vì Thư biết rằng mình không bao giờ có được cái diễm phúc đó, cái diễm phúc được xưng em ngọt mật với người chồng không hiểu ý nghĩa thiêng liêng của chữ em, với người chồng mình thương yêu.

Diễm phúc cho chị, diễm phúc cho em.

Võ Thị Điềm Đạm

Phượng Các
#2 Posted : Sunday, June 5, 2005 1:31:18 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Thì ra chị oc huong ở Đức hén (?). Rose

Nghe chị viết con gái Sài Gòn nói giọng nhão nhẹt mà tức cười quá. Wink Tại vậy mà PC hạn chế tối đa việc trò chuyện trong điện thọai với người chưa quen. Smile
linhvang
#3 Posted : Sunday, June 5, 2005 3:09:03 PM(UTC)
linhvang

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4,933
Points: 1,248
Woman
Location: University Place, Washington State, USA

Thanks: 23 times
Was thanked: 45 time(s) in 43 post(s)
LV cũng nói giọng nhão nhẹt vậy. Big Smile
oc huong
#4 Posted : Sunday, June 5, 2005 3:36:49 PM(UTC)
oc huong

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,180
Points: 0

Hồi OH còn ở Phan Thiết, hai bà chị họ được sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, mẹ người SG, thuờng về thăm quê nội. Hai bà nói giọng nhão nhẹc, bị tụi này chọc, tụi này nhái. Đến chừng OH vào SG học thì bị tụi bạn SG chọc giọng cứng cứng là lạ, trung không ra trung, nam không ra nam. Còn chàng thì khen: Giọng em nồng nàn đậm đà như nước mắn nhỉ.

Ha ha.. PC bị lừa!
Chúc vui
oc huong
#5 Posted : Monday, June 6, 2005 10:31:33 PM(UTC)
oc huong

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,180
Points: 0

CÀNH HOA HỒNG TÍM THẨM


CÀNH HOA HỒNG TÍM THẪM

Tình cờ lang thang vào mấy trang net tìm vài cái gì đó đọc giải trí và tựa truyện ngắn "Ngàn Mây" tự nhiên có vẻ hấp dẫn. Sao có cái gì thân quen, những chi tiết nhỏ trong truyện mang những hình ảnh, những hương thơm tràn ngập nhớ nhung đã nhiều lần hiện về trong những đêm anh trằn trọc không ngủ được. Càng lớn tuổi, anh càng ngủ ít đi và những giấc mơ thủa thiếu thời càng về thường hơn. Những giấc mơ từ căn nhà mái ngói nằm khiêm nhường trong một thành phố miền Trung, từ cái băng ghế gổ dưới gốc cây ngọc lan già, từ ngôi chùa không xa ruộng muối trắng toát trong những tháng nắng khô gay gắt... Anh đọc lại tên tác giả . Thường bút hiệu nào cũng có gốc nguồn mà chỉ có tác giả mới hiểu được bởi tác giả muốn cái bút hiệu sẽ chuyên chở những ước nguyện của riêng mình, một kỷ niệm, một nối tiếp, một nổi niềm.... Có những bút hiệu làm ta tò mò muốn tìm hiểu thêm, có những bút hiệu không đánh thức nổi trong ta một ý niệm nào. Bút hiệu "Thanh Hà" nghe thật bình thường, dòng sông yên bình? Không. Không bình thường! "Hà" là chữ lót và cũng là họ của mẹ anh trong tên anh, Trần Hà Toàn? "Thanh" là chữ lót trong cái tên "Nguyễn Thị Thanh Ngân "? Anh vội đọc lại truyện ngắn " Ngàn mây" một lần nữa. Có phải em đó không, Thanh Ngân? Cô nữ sinh lớp 12B1 trường trung học Phan Bội Châu ở một thành phố cuối miền trung ngày nào, Phan Thiết.

Người lính biệt cách dù bị thương nằm trong bệnh viện quân đội trên tận đồi Căng cuối dãy Trường Sơn, giả bộ nhăn nhó than đau để cô nữ sinh rối rít thương hại, xoa bàn tay mềm ấm quanh vết thương, mong làm dịu cơn đau của anh chàng lính đang chờ được làm thuốc. Cô y tá xoay người trừng mắt dọa dẫm anh chàng lính nghịch ngợm trong ánh mắt ngạc nhiên của cô nữ sinh ngây thơ: Người ta đau mà không cho than thở. Cái khăn trắng thêu hoa của các cô nữ sinh cắm cúi thêu trong giờ nữ công để làm quà tặng cho người chiến sĩ trong kỳ đi thăm ủy lạo thương binh trước Tết này. Định mệnh nào đun đuổi cho anh lính lại được tặng chính cái khăn do cô nữ sinh này thêu. Cái khăn trắng nhỏ xíu được viền tỉ mỉ và ở một góc khăn là một cành hoa hồng nhỏ nhắn với búp hoa bằng đầu ngón tay út của anh lính, hai cái lá như nâng cành hoa, cả hoa và lá đều được thêu bằng cọng chỉ tím đậm. Cánh hoa hồng màu tím nằm khiêm nhường lặng đắm ở một góc khăn. Người lính dùng ngón tay út vuốt ve cánh hoa nhỏ xíu như mu bàn tay ai thoa nhè nhẹ lên đôi má người thiếu nữ nào đó. Niềm cảm xúc trên gương mặt người lính làm cô nữ sinh trông ngỗ nghịch vì mái tóc lưng chừng vừa qua khỏi vai cọng ngắn cọng dài, không thẳng ngọn, có giọng cười khanh khách, cảm động sung sướng. Ba cánh hoa ngọc lan dài mảnh mai đã úa vàng rơi từ lòng khăn. Anh chàng lính đưa khăn lên mũi để hít, một mùi thơm của ba cánh hoa còn vương lại trong khăn, thoáng, ngập. Cả một sự tẩn mẩn ngọt dịu của người xếp khăn. Cô bé hồi hộp hỏi: "Còn thơm không ông?" Người lính nhìn cô bé, nhìn thật lâu... làm những mạch máu trên mặt cô bé như vở tung từng mạch từng mạch, cô bé loay hoay, lúng túng hỏi: "Chút ông ra coi văn nghệ được không?"

Ba cô nữ sinh nhí nhảnh trong cánh áo bà ba đen, đầu chít khăn như ba con quạ xinh xắn, cố giả giọng miền nam vừa hát tung tăng vừa làm điệu bộ, ngón tay chỉ chỏ nhau, mắt liếc lém lỉnh: "Kêu cái màu quạ kêu. Kêu cái mà quạ kêu. Quạ kêu nam đáo, tắc đáo nữ phòng, người dưng mà khác họ, chẳng nọ thề kia, nay dìa mai ở. Ban ngày thì mắc cỡ, tối ở ớ quên dìa. Rằng a í a ra dìa lòng thương nhớ thương. Rằng a í a ra dìa lòng thương nhớ thương". Tiếng vổ tay, đập bàn, đập gập vang cả hội trường giã chiến vì giọng hát nhí nhảnh, điệu bộ trẻ trung của ba cô nữ sinh mỹ miều. Ba cô chạy nhanh vào phía sau tấm màn, bất ngờ, chạy ngược ra sân khấu, xin được hát một bài nữa. Tiếng hoan hô vang ầm, những gương mặt sung sướng, những nụ cười không chút ưu tư vì số phần tật nguyền. Tiếng hát lần này mềm nhẹ thiết tha như lời nhạc, làm mọi người ngẫn ngơ vì sự thay đổi quá đột ngột: "Chiều chiều, chiều chiều, dắt mẹ, dắt mẹ tà là đèo qua đèo tà là đèo qua đèo. Chim kêu, chim kêu, tình như bến nớ. Ỉ, oả, chi rứa, chi rứa, ơi hởi vượt đèo là là đèo qua đèo, tà là đèo qua đèo. Ơi hởi vượt đèo tà là đèo... qua... đèo...." Mắt những người lính cay cay, mũi những người lính ngây ngây nồng nồng, không khí im lặng giây lát, lắng chìm, rồi tiếng vổ tay do người điều khiển chương trình phá tan giây phút sâu xa. Tiếng vổ tay vang vang nhưng lần này không có những giọng cười la hét, không có những gương mặt sung sướng. Cô nữ sinh thoáng lúng túng vì ánh mắt không rời của anh chàng lính trẻ trong cả hai bài hát cô cùng hát với hai bạn.

Anh chàng lính nhảy dù trở về lại thành phố Phan Thiết thường hơn, anh trở thành một trong những người ngóng chờ tiếng chuông trường trung học Phan Bội Châu tan học, mong chờ các cô nữ sinh duyên dáng nghiêng chiếc nón lá quai nhung đen thẫm ẩn hiện mái tóc dài đen mướt sau lưng. Màu tóc đen nổi bậc trên tà áo dài trắng thướt tha đang yểu điệu từng nhóm vài ba cô vừa đi vừa chuyện trò, vừa liếc mắt dòm chừng xem có ai đó đang ngóng mong trên đường Nguyễn Hoàng mỗi sáng mỗi trưa. Thỉnh thoảng một cơn gió vô tình thổi qua, làm các cô vội nắm chặt tà áo trắng như sợ cặp đùi trinh nữ hiện ra dưới ánh mắt nghịch ngợm thích thú của những anh thanh niên đang đứng ngồi đây đó ở các quán nước dọc đường. Hình ảnh đẹp nổi tiếng ngàn đời của thành phố Phan Thiết.
Vết thương nơi đùi không cản được lòng ước muốn đấu tranh của người lính biệt cách dù với đồng đội, anh trở ra chiến trường. Anh trở thành người khách thường xuyên trong ngôi nhà im vắng trên đường Trần Quí Cáp, ngôi nhà chỉ có ông bà nội, người cô đã luống tuổi và cô bé mồ côi châm chút cho nhau. Tiếng cười cô bé trong thanh hơn, tiếng hát ngọt ngào hơn trong những ngày có anh lính nhảy dù về thăm. Rồi một đêm nào đó, dưới gốc cây ngọc lan già cằn cõi, trên băng ghế gỗ, cô bé mắc cỡ ngã vào vai người lính nhảy dù, dấu gương mặt nóng bừng trên vai anh vì lời tỏ tình thiết tha: Anh yêu miệng em cười, anh yêu tiếng em hát, anh yêu ánh mắt em lung linh, anh yêu hương tóc bồ kết ngây ngây, anh... Cô bé vói hai tay quanh cổ anh, rướn người, hôn thật nhẹ lên cổ anh. Cô áp mặt vào cổ anh nóng, vòng tay anh xiết càng lúc càng mạnh. Hương hoa ngọc lan dìu dịu thoang thoảng trên tàn cây, hương bồ kết ngây ngây từ mái tóc bóng mượt mới gội hồi chiều, hòa nhau, mê đắm.


Những tiểu tiết đó, những nũng nịu đó, những hương thơm đó... đã từng trở về trong những giấc mơ của anh, thoang thoảng, lúc rõ lúc mờ. Anh như nghẹt thở, tay anh hơi run đẵm mồ hôi. Anh tìm thêm những bài viết với tác giả "Thanh Hà". Truyện ngắn "Tóc Mai Sợi Vắn Sợi Dài", truyện ngắn "Biết Đâu Bờ Bến", tô đậm thêm những hình ảnh, hương thơm của hoa ngọc lan trong đêm mưa vừa tạnh, mùi nước mắm nồng nồng xông lên từ khu dân chài không xa thành phố bao nhiêu trong trưa nắng oi ả... trong những tối bên ly rượu một mình trong phòng làm việc, trong những lúc lang thang đi dạo một mình trong rừng.

Từ đó vườn chùa Vạn Thiện nằm phía ngoài thành phố lại có thêm đôi nhân tình trẻ. Bên anh lính tay cầm chiếc mũ đỏ, cô bé tung tăng, mái tóc không dài không ngắn lay lay bay trong gió chiều, tiếng cười trong thanh làm xáo động lòng chú tiểu kéo nước sau vườn. Người lính biệt cách dù không về thăm thường siêng gia đình dưới Bến Tre nữa. Ngôi nhà với khu vườn nhỏ phía sau, nằm khiêm nhường trên đường Trần Quí Cáp, không xa ngôi nhà của nữ sĩ Mộng Cầm, ngày xưa đã một lần là người yêu của thi sĩ Hàn Mặc Tử là nơi dừng chân của anh lính nhảy dù trong những ngày phép ngắn ngủi. Món cá nục kho có cái đầu nhét vô bụng cá cay nồng, tô bánh canh chả cá , gỏi cá mai... trong những bữa cơm ồn ào hơn thường ngày vì cô bé quá vui, vì ông nội có người nói chuyện. Những săn sóc nhỏ nhẹ kín đáo. Nhỏ nhẹ như cành hoa bằng ngón út, đầm thẫm ngọt ngào kín đáo như màu chỉ tím được thêu cả cành, lá và nụ hồng mới hé, nằm khiêm nhường bên góc khăn trắng nuốt mang vết nâu không phai của cánh hoa ngọc lan được ép bên trong.

Rồi cô thiếu nữ vào Sài Gòn học, ở nhà người mẹ với người cha của những hai đứa em trai xa lạ. Người mẹ không dám tỏ lòng thương yêu con gái mình trước mặt chồng, người mẹ dấu diếm quà cáp cho con gái làm cô thêm tủi thân. Cô thiếu nữ lạc lòi trong thành phố đông đảo, trong ngôi nhà rộng lớn nhiều khách khứa. Những chiều trống giờ học, cô sinh viên trường Khoa Học lang thang trên con đường Cộng Hòa dưới những tàn cây quỳnh đàn tỏa bóng mát quanh năm, không muốn trở về căn nhà rộng lớn của mẹ. Mùa xuân đầu tiên ở Sài Gòn, chân dẫm trên những cánh hoa vàng khô bị gió thổi tung nằm dồn từng đống rãi rác dọc đường Cộng Hòa, Thành Thái, cô kết từng vần thơ thương yêu cho mối tình vừa tròn một tuổi. Anh lính nhảy dù không được về phép thường xuyên như trước vì tiểu đoàn của anh đổi ra vùng hai chiến thuật, vì chiến trận càng lúc càng dồn dập. Anh lính nhảy dù không còn được những săn sóc thương yêu của gia đình cô thiếu nữ nữa. Những lá thư từ thành phố không còn lời chọc đùa cho anh đỡ nhớ, lời thư mang đầy nước mắt nhớ nhung buồi tủi cô đơn trong gia đình xa lạ làm lòng người lính chết lịm.


Anh tìm kiếm, anh muốn đọc thêm, anh muốn biết quãng đời cô bé từ ngày anh không về lại Sài Gòn, từ ngày anh theo dòng người xuống tàu với gia đình người thiếu nữ đã di tản cùng với những người lính còn sót lại trong những Ngày N+... tháng tư. Gia đình người thiếu nữ săn sóc vết thương nơi đùi anh đang làm độc trở lại, gia đình tranh đấu cho anh được đi theo cùng chuyến tàu với họ. Người thiếu nữ miền trung ấy yêu anh và trở thành vợ anh khi vừa định cư tại thành phố Seattle. Cuộc sống gia đình trôi đi êm đềm lặng lẽ như tất cả những gia đình khác, âm thầm vững chãi, an phận trong kiếp sống tị nạn. Nhưng rồi những đêm lặng lẽ bên ly rượu, những sáng cuối tuần đi dạo một mình quanh khu rừng bên nhà, anh đã để tâm tư trôi dạt tìm kiếm về những níu tay nũng nịu, những lời hát thiết tha, những câu thơ thương nhớ, mái tóc chưa khô đẵm hương bồ kết ngây ngây, hương ngọc lan trong đêm khuya thanh vắng... Hình ảnh người con gái có mái tóc lưng chừng, có nụ cười trong thanh, có đôi mắt dài lonh lanh nét cười...lúc ẩn lúc hiện trong sương mờ khói tím.

Trong vô thức, bất kể không gian thời gian, anh lần tìm những câu thơ thương nhớ, câu thơ cô đơn được gói ghém trong những bức thư giấy perleur xanh nhạt, làm anh ngưng ngang chén cơm trong buổi cơm chiều với gia đình, ngưng ngang ly cà phê bên dĩa bánh thơm nóng vợ vừa nướng, nghẹn ngào đi vào phòng làm việc, ngồi vào bàn, lôi quyển sổ nhỏ, bắt đầu chép lại theo trí nhớ ngày càng thâu nhỏ với tuổi đời, câu nhớ câu quên:
Đôi chân nhỏ dẫm viên gạch vỡ
Đau chân em, với vịn vai anh
Tìm kiếm... lặng im... sao bỡ ngỡ.
Chỉ có cây khô, lặng đứng chờ.
..........
Em ước hàng cây thôi ra lá
Cho em được thấy cánh dù bay
Vươn tay với mãi sao không tới
Anh ơi xa quá, em chơi vơi....
........
Em ước hàng me lá bớt xanh
Cho em được thấy những vầng mây
Biến hình đổi dạng, trời trong ngát
Ẩn hiện trong mây, bóng hình anh.
.........


Trong mùa hè cùng gia đình về thăm Việt Nam, về làng du lịch Mũi Né cách thành phố Phan Thiết 20 km, anh lặng lẽ một mình tìm đến căn nhà ở đường Trần Quí Cáp, hỏi thăm. Người ta kể rằng cha của cô bé đi tập kết từ năm 1954 khi cô bé được 3 tháng, ông trở về với gia đình mới từ Nghệ Tỉnh. Người vợ Bắc này nghĩ rằng chồng mình có công với cách mạng nên chồng mình có quyền chiếm trọn căn nhà. Ông bà nội mất từ lâu, cô bé và người cô già về quê nội ở làng Phú Long, không ai biết thêm gì nữa. Anh bắt xe lam tìm lên làng Phú Long. Lang thang trong khu chợ chỉ họp buổi sáng, lơ thơ vài sạp hàng buồn tẻ. Không ai biết đến tên Nguyễn Thị Thanh Ngân, Nguyễn Thị Minh Tâm.

Anh tìm đọc nhiều truyện ngắn nữa của "Thanh Hà". Truyện ngắn "Vói Tay" làm anh bàng hoàng.

Người phụ nữ với đôi mắt nâu dài, ánh mắt lunh linh cười phải chịu số phần làm lẻ cho một người đàn ông nàng đã gặp trong thời gian ở trại tị nạn Bataan, người đàn ông đã có vợ và 3 con còn ở lại Mỹ Tho. Người đàn ông lừa dối nàng, lừa dối vợ. Nàng và hai đứa con trai phải dọn ra thuê một căn nhà nhỏ ở một tỉnh khác khi người đàn ông bảo lãnh vợ con qua. Nàng tìm cách xa lánh, người đàn ông đeo đuổi, con nàng cần cha, nàng sống trong dằn vặt, nàng sống trong sự ghen tuông của người vợ. Nàng muốn tìm sự an bình nơi cửa Phật, con nàng cần mẹ, nàng cam sống âm thầm với con. Nàng làm thơ, nàng viết văn. Những bài thơ tình lãng mạng trữ tình, những bài thơ ca tụng tình yêu, không một lời oán trách người lính biệt cách dù ngày xưa, không một lời than thở cho số phần lận đận, không một độc giả nào có thể tưởng tượng rằng tác giả của những truyện ngắn ngọt dịu đó, tác giả của những bài thơ trữ tình đó được viết từ người đàn bà đã ngậm nuốt nhiều nổi đắng cay trong ba mươi năm.

Anh quyết định. anh ghi tên vào trang net đó. Anh phải bằng mọi cách liên lạc cho được tác giả "Thanh Hà". Anh quyết bù đắp lại cho cô bé đã cắm cúi thêu cành hoa hồng tím thẫm nhỏ xíu ở một góc khăn, cô bé đã âu yếm hôn lên vết sẹo nơi đùi anh, cô bé đã nũng nịu than: Em nhớ anh nhớ sáng nhớ trưa nhớ chiều nhớ tối, em suýt thi rớt vì nhớ anh...


***


Kính gởi nhà văn Thanh Hà,

Tôi là một độc giả của trang ....net, đang sống tại tiểu bang Seattle, USA. Tình cờ tôi được đọc những truyện ngắn của nhà văn Thanh Hà. Trong những truyện ngắn của nhà văn Thanh Hà, chuyện ngắn Ngàn Mây, Tóc Mai Sợi Vắn Sợi Dài, Biết Đâu Bến Bờ và Với Tay có những tiểu tiết, những hương thơm, những dịu ngọt... làm tôi liên tưởng đến một thiếu nữ, nữ sinh trường trung học Phan Bội Châu Phan Thiết vào năm 1973.
Nếu Ông/bà không coi đây là một sự đường đột, tôi xin hỏi: Cái tên Trần Hà Toàn có đánh thức trong tiềm thức nhà văn Thanh Hà một hình ảnh nào không? Và người con gái mang tên Nguyễn Thị Thanh Ngân có một sự liên hệ nào đó với nhà văn Thanh Hà hay không?
Xin ông/bà dành chút thì giờ để viết vài dòng cho một độc giả đang mang rất nhiều ưu tư về những tiểu tiết trong các truyện ngắn kể trên dầu tôi biết rằng tác giả chỉ mượn một vài hình ảnh, một vài chi tiết hay đôi khi hoàn toàn tưởng tượng khi viết. Nhưng những chi tiết, những hình ảnh vay mượn đó lại trùng hợp với những giấc mơ thường hiện về trong tôi, trong những năm sau này, cho nên tôi ưu tư. Cái ranh giới giữa hư cấu và hiện thực trong những truyện ngắn của tác giả Thanh Hà quá mong manh, đã lôi tôi trở về những ngày tháng thật xa xưa mà tôi tưởng đã chết từ lâu nhưng đang từ sống lại trong tâm thức tôi, lúc mơ hồ, lúc tưởng như thật.

Rất mong

Kính chào!

Đồi Căng

.........................................................

Kính gởi ông/ bà Đồi Căng

Trước tiên tôi cảm ơn ông/bà đã chú ý đến những truyện ngắn của tôi. Tôi xin thú nhận là cô bé Nguyễn Thị Thanh Ngân, nữ sinh trường trung học Phan Bội Châu Phan Thiết là tôi. Và Trần Hà Toàn là một người bạn thân của tôi trong những năm 73, 74, 75.
Tôi cũng mạng phép được hỏi là hai người trên có liên hệ thế nào với ông/bà để đến nổi ông /bà phải mang mối ưu tư vào trong giấc mộng. Và biệt danh Đồi Căng phải có một nguồn gốc. Đồi Căng, ở phía cuối cùng của dãy Trường Sơn, nằm ngoài thành phố Phan Thiết, nơi có bịnh viện quân đội, nơi có phi trường quân đội?

Rất mong điện thư từ ông/bà

Kính chào!

Thanh Hà


***


Thanh Ngân thương,
Anh không thể khách sáo với em được nữa. Dầu em có cho phép hay không thì anh vẫn cứ gọi em là "Thanh Ngân thương" bởi vì hình ảnh con bé Thanh Ngân ngày nào còn nằm mãi trong góc tim anh, còn tiếp tục làm nghẹn tim anh khi anh nghĩ tới căn nhà ở đường Trần Quí Cáp. Dầu cho tiếng "Thanh Ngân thương" có làm em buồn giận hay không thì anh vẫn không thể dối lòng mình mà dùng những từ ngữ khách sáo khác. Anh biết Thanh Ngân vẫn còn ôm ấp rất nhiều những kỹ niệm của tháng ngày nơi thành phố Phan Thiết qua những truyện ngắn, thơ. Nhưng có một điều làm anh phân vân rất nhiều, đã làm anh thao thức và tự dằn vặt mình là anh không hề nghe một lời trách móc giận hờn về nổi mất mát to lớn trong cuộc tình chúng ta mà em là người gánh chịu tất cả. Em không thắc mắc tại sao anh không trở về lại căn nhà ông bà nội khi mà tất cả những người lính đã trở về với gia đình họ dầu cho cái trở về của kẻ bại trận? Em không thắc mắc là hương thơm ngọc lan sau những đêm mưa, hương bồ kết mộc mạc trên mái tóc sợi ngắn sợi dài vừa mới gội không làm anh ngây ngất nữa sao? Em không thắc mắc là những chăm chút kín đáo như cành hoa hồng tím thẫm trên mảnh khăn trắng nhỏ xíu không còn làm anh sung sướng sao? Em không giận hờn oán trách cho cuộc tình bị cắt đứt một cách đành đoạn mà em hoàn toàn đóng vai thụ động?
Tại sao? Thanh Ngân!
Em có muốn nghe lời kể của kẻ đã cắt đứt? Anh muốn nói là lời kể vì đây không phải là lời trần tình, lời biện hộ hay lời giải thích.

Mong thư em.

Em hiểu tại sao anh có cái biệt danh Đồi Căng rồi chứ.
Đây là mơ hay thực hở Thanh Ngân? Ôi sao cứ nghĩ đến em là tim anh nghẹn lại!

Trần Hà Toàn


***


Anh Toàn,
Anh đã làm em khóc, khóc mùi mẫn, em chưa từng khóc như thế này đã lâu lắm rồi. Thư anh đến, lời anh nói, tên anh nằm đó, em tưởng như mơ.
Tại sao em phải trách móc giận hờn cho cuộc tình đứt đoạn. Đẹp quá mà! Em muốn ôm ấp. Em muốn đem những hình ảnh đẹp, những hương thơm ngọt ngào, những ánh mắt trìu mến, những yêu thương câu nói vào truyện, vào thơ để được sống lại trong mơ vì em biết không bao giờ trong đời em, em còn có cái diễm phúc đó nữa. Em viết cho em. Em viết để tô đậm lại trong trí nhớ em, để mai này một ngày nào đó trí nhớ không cho phép em đi lùi xa hơn nữa thì đó là liều thuốc cho em. Em trân trọng những tình cảm ngày xưa ta trao cho nhau. Em không biết tả như thế nào cái tâm trạng chờ đợi tiếng chuông bấm hai ngắn một dài cả tám tháng trời trước khi bị đuổi ra khỏi nhà, căn nhà của ông bà nội. Em chỉ biết chờ đợi và tủi thân. Rồi em nghĩ: Phải có một lý do nào đó để anh không thể trở lại được và cái lý đó chắc chắn ngoài ý muốn của anh, vì em tin rằng em hiểu anh, em hiểu tình anh. Em tin rằng anh cũng không sung sướng gì khi anh phải đi đến quyết định cắt đứt đó. Em sẽ trách móc ai đây? Chỉ có thế thôi.

Bây giờ em muốn biết là vết thương nơi đùi anh có hành anh những lúc trở mùa, nhất là vào mùa đông ở miền Seattle lạnh lẽo không khác gì mùa đông Na Uy bên em. Cái tội anh cứng đầu, đòi ra viện để trở về đơn vị khi vết thương chưa lành hẳn. Nếu chuyện anh muốn kể để cho anh thư thả tâm hồn thì em xin nghe.

Mong thư anh
Thanh Ngân


***


Thanh Ngân thương,
Em có biết cái cảm giác của anh khi anh viết lại ba chữ "Thanh Ngân thương" như thế nào không? Mặc dù không cầm cây viết nguyên tử, không kê tập giấy trên bàn gỗ xiêu vẹo như ngày xưa nhưng cái cảm giác trìu mến vẫn còn Ngân ạ! Anh tự cho phép lòng mình, tự thả lòng mình mà không xin phép em vì màu sắc tình cảm không cần phải xin phép đối tượng, nếu đối tượng chấp nhận là một hạnh phúc nếu đối tượng từ chối màu sắc tình cảm của mình thì mình đành ôm cho riêng mình. Cho nên anh vẫn tiếp tục ba chữ "Thanh Ngân thương".

Bây giờ anh kể cho em nghe những ngày cuối xuân 1975.
Em đã đọc quyển truyện dài Ngày N+... của Hoàng Khởi Phong, nếu không thì em nên tìn đọc vì anh là một trong những người lính trong đoàn di tản đó. Nhưng anh lại không là những người lính bảo vệ dẫn đường cho đoàn người di tản. Vết thương nơi đùi làm độc. Anh nóng mê mang. Một gia đình, thuộc thành phần to lớn, người vợ là em của tỉnh trưởng đã chăm sóc anh trong cơn nửa tỉnh nửa mê đó. Rồi gia đình được tách rời ra đoàn người di tản, được đưa xuống cảng. Người thiếu nữ trong gia đình yêu anh, muốn đem anh theo, gia đình tranh đấu để anh được nằm trong danh sách của gia đình. Anh trong tình trạng nóng sốt nhưng anh vẫn còn đủ sáng suốt để tự quyết định cho cuộc đời mình, anh không dùng sự sáng suốt đó, anh để cho mọi người thu xếp định mạng mình. Khi chiến hạm với hơn ngàn người cập đảo, anh hiểu rằng anh đã mất em. Anh để lại sau lưng mình một mối tình mà anh biết là ngàn năm không xóa được. Anh không ân hận là đã để gia đình người thiếu nữ mà không bao lâu trở thành vợ anh đã đưa anh thoát khỏi cảnh lao tù. Cảnh lao tù khi nghe các đồng đội kể lại sau này làm anh mang mặc cảm là mình không đóng trọn vai trò của người lính bại trận, cảnh lao tù mình không trải qua để lòng oán hận thực tiển hơn, cảnh lao tù để sau này mình hãnh diện kể cho con cháu nghe.

Người thiếu nữ, vợ anh đã đem đến cho anh tình thương, sự bình an, một mái ấm gia đình như mọi người ao ước. Anh không có gì để ân hận. Và bây giờ, viết lại ba chữ "Thanh Ngân Thương" anh mớí hiểu rằng tình yêu với em và tình yêu với vợ anh hoàn toàn khác nhau. Tình yêu anh dành cho vợ anh không giống như tình yêu chúng ta ngày xưa, không có niềm đam mê, không có những nhớ nhung lịm người, không có những giọt nước mắt trong đêm trằn trọc khi nhận được thư em từ căn nhà ở Sài Gòn. Nhưng anh yêu vợ anh, anh yêu gia đình với ba đứa con tất cả đều trưởng thành, tất cả đều tự lập, tình yêu như một bổn phận, không rõ nét. Tình yêu với vợ anh như một thói quen. Đó cuộc đời của anh như thế.

Thanh Ngân, trong truyện ngắn "Với Tay", em viết về cuộc đời một người đàn bà. Người đàn bà có cặp mắt nâu dài, ánh mắt lung linh cười. Người đàn bà có nét mặt chỉ cần một xớ thịt nhích động là cả khuôn mặt như cười. Thế mà nàng phải sống đời làm lẻ vì con cần cha, nàng sống trong sự ghen tuông của người vợ, nàng sống âm thầm với hai đứa con, nàng viết văn, nàng làm thơ ca tụng tình yêu. Người đàn bà ấy có mang chút nào trong cuộc đời của Thanh Ngân? Cho anh biết về đời sống của em sau tháng tư 1975 cho đến bây giờ. Anh xin em, Thanh Ngân.

Hương tóc em có còn mùi bồ kết?
Mong thư em.
Anh
Toàn


***


Anh Toàn,

...Em vui vì anh đang hạnh phúc, cho dù đó là một thói quen. Anh biết, người viết văn thường đem những điều mắt thấy tai nghe từ chung quanh, từ người thân cho đến người sơ rồi thêm thắt, rồi tưởng tượng thêm để tạo thành một cốt truyện, đôi lúc mang một vài chi tiết của riêng mình để tạo một nhân vật, đôi lúc người viết cũng khóc cũng vui theo số phận nhân vật mình tạo ra nữa đó. Anh đừng bận tâm về truyện này.

Em sẽ kể vắn tắc về em từ tháng tư năm 1975 cho đến nay. Em bỏ học trường Khoa Học, về lại Phan Thiết. Anh biết là ba em đi tập kết từ khi em được ba tháng, má lấy chồng khác, em sống trong sự nuông chiều của ông bà nội và cô Tư. Sau tháng tư 1975, ba em trở về lại Phan Thiết với người vợ miền Nghệ Tỉnh và bốn người con. Người vợ này cũng như nhiều người thắng trận lúc đó nghĩ rằng họ có quyền làm chủ bất cứ những gì họ muốn. Ông bà nội, cô Tư và em được cất một căn nhà nhỏ sau vườn, lúc đầu thì có cây ngọc lan cằn cõi chia cắt căn nhà nhỏ sau vườn với căn nhà trước. Nhưng sau đó, ngươi vợ cho rằng cây ngọc lan làm phí đất, bà chặt đi. Bà không biết rằng bà chặt đi cây ngọc lan là bà đã chặt đi tình nghĩa với gia đình chồng. Ba em biết cây ngọc lan được trồng để kỷ niệm người cô thứ ba đã mất khi lên bốn, người cô có tên Ngọc Lan, thế mà ba em để bà ấy chặt. Hình như người cộng sản không biết tôn trọng tình cảm anh ạ! Đối với họ cái cây là cái cây, miếng ăn, cái áo là quan trọng. Ông bà nội buồn rầu và thất vọng về người con trưởng, thay nhau mất không đầy sáu tháng sau khi ba em dọn về căn nhà ở đường Trần Quí Cáp. Cái vui sum hợp với người con trai trưởng tan như bọt bong bóng. Em và cô Tư về Phú Long sống với gia đình ông chú, em của ông nội. Ba em muốn đưa em vào làm việc ở cơ quan. Ông muốn bảo bộc, lo cho em nhưng trong sự dấu diếm vì người vợ miền Nghệ Tỉnh không muốn chia sẻ tình cảm của chồng cho một ai, ngay cả ông bà nội, uống hồ chi em. Số phần em có cha có mẹ nhưng suốt đời côi cút. Cả cha và mẹ không ai dám thương em, lo cho em. Em và cô Tư nhờ có chút vốn của ông bà nội để lại, bày bán hàng vải, quần áo ở chợ Phú Long để sống qua ngày. Nhưng thời đó không cho buôn bán tự do. Bị đuổi tới đuổi lui, bị tụi công an mắng chưởi vì tụi em buôn bán hàng vải do chính công nhân cán bộ ăn cắp từ cơ quan đưa ra (mâu thuẩn anh nhỉ!) Riêng phần em, em bị nhiều dòm ngó của tụi công an vì em có chút học vấn mà không chịu xin đi dạy, đi làm, sinh hoạt thanh niên xã, từ chối không chịu nộp đơn xin được làm cảm tình đoàn... Sau vài năm, em không thể sống trong tình trạng bưng bít này, không thấy một ánh sáng cho tương lai, em và cô Tư tìm đường vượt biển. Cô Tư, anh biết là ốm yếu, không chịu nổi 20 ngày lênh đênh trên biển cả, thiếu thức ăn, thiếu nước, vô vọng vì không tàu nào chịu ngừng, cô mất hai ngày trước khi tàu Na Uy vớt vì họ biết là đêm ấy sẽ có bão lớn.

Em định cư ở Na Uy, lập gia đình. Số phần vợ chồng em chậm trể, hai con mới được 17 và 15. Em đi học ngành Y Tá và hiện đang làm việc cho một bệnh viện nằm vùng ngoại ô Oslo. Đời sống gia đình em thì cũng như mọi gia đình khác, yên vui vớí bổn phận, bảo bộc nhau trong cái gia đình nhỏ bé của tụi em. Anh biết là con bé Thanh Ngân đã từng nằm trong ban báo chí của trường nhiều năm, máu văn nghệ trở về sau ba mươi năm "gát bút nghiên" nên em bắt đầu viết lại từ hai năm nay. Em dùng bút hiệu Thanh Hà vì những gì em viết khởi nguồn từ mối tình chúng ta ngày xưa mà anh là "nhân vật" chính, cho nên chữ lót trong tên anh "được hưởng danh thơm" theo luôn đó.

Bây giờ em thật sự yên tâm. Anh yên vui với gia đình, vợ hiền con thành tài. Em yên vui với gia đình, chồng hiền, con ngoan. Thôi thì coi như cuốn phim tình có được cái kết thúc đẹp. Em lúc này thường nghiên cứu kinh Phật, muốn tìm về cửa Phật, bỏ mọi sân si trong cuộc sống chung quanh, bỏ luôn cái ái trong ta.
Xin anh hãy giữ màu sắc tình cảm ngày xưa như một kỷ niệm đẹp, đừng đào sới vung bón mà nên cất gọn vào một ngăn tủ trong tâm, khi nào muốn nhìn lại thì cứ việc kéo ngăn tủ ra, nhìn ngắm. Đừng ưu tư về những màu sắc tình yêu xưa nữa, đừng tô đậm nữa.
Thư cho em, kể cho em nghe về gia đình anh, cho em được là cô em lâu ngày anh mất tin. Chắc em thôi không còn hứng để viết nữa, cũng có thể em tìm những đề tài khác để viết cho đỡ ghiền.

Thanh Ngân


***


Toàn đọc đi, đọc lại điện thư anh nhận được từ hai ngày nay. Một linh cảm nào đó cho anh thấy là Ngân không kể hết về cuộc đời mình. Tại sao Ngân muốn loại bỏ hết sân, si, ái, hỷ...Tại sao Ngân muốn tìm sự bình an nơi cửa Phật. Đời sống của Ngân không đủ bình an sao? Anh biết, tính Ngân bao giờ cũng dành phần thiệt thòi về cho mình. Cành hoa hồng tím thẫm nhỏ xíu nằm kín đáo khiêm nhường ở một góc khăn trong khi những chiếc khăn của các nữ sinh cùng lớp cùng trường, cái nào cũng thêu cành hoa màu sắc rực rỡ nổi bậc trên khăn trắng để làm quà tặng ủy lạo chiến sĩ. Trong khi những nữ sinh khác sợ hãi cảnh máu me trong bịnh viện thì cô bé Thanh Ngân theo những người y tá, phụ những người y tá săn sóc cho các anh chiếc sĩ bị thương và cô xót xa xoa những ngón tay mềm mại quanh vết thương anh, mong làm dịu bớt cơn đau khi chờ cô y tá đến làm thuốc.

Anh cám ơn cái văn minh tiến bộ của kỹ thuật đã cho anh cơ hội tìm được địa chỉ của Thanh-Ngan Nguyen. Thường thì người chồng đứng tên trong danh bạ sổ điện thoại, hay là đứng tên cả hai người. Thanh-Ngan Nguyen đứng tên một mình trong sổ điện thoại. Khi anh có ngày tháng năm sinh của người anh muốn truy tìm, gọi điện thoại qua Na Uy để liên lạc với phòng hướng dẫn 1881 thì việc ra địc chỉ không còn nan giải nữa. Cái vết thương ở đùi cho phép anh xin hưu trí tàn tật chiến tranh bất cứ lúc nào anh muốn. Con anh đã ra riêng, tự lập. Vợ anh sống đầy đủ trong tình thương đại gia đình bên vợ. Anh quyết tìm ra sự thật. Anh hứa với lòng, nếu cần, anh sẽ bỏ hết, anh sẽ bù đắp. Vợ anh sẽ khổ, con anh sẽ trách. Nhưng có nổi khổ nào so được với những năm bất hạnh của cô bé một thời làm anh chết lịm vì nhớ nhung. Có nổi khổ nào so được với nổi khổ của một cô bé có giọng cười trong thanh, có gương mặt chỉ cần cử động nhẹ là trông như cười. Anh đặt vé máy bay trong sự ngạc nhiên của vợ vì lý do anh tìm gặp một người bà con bên Na Uy mà chị chưa hề nghe anh nhắc tới.

Xe taxi đậu ở một khu phố Furuset. Địa chỉ trong tay, anh đi tìm số nhà Ryenveien 26C. Anh đã dự định, nếu không có ai ở nhà thì trở về khách sạn đã đặt trước, chiều lại đến. Anh đã tiên liệu những gì mình sẽ làm nếu người chồng ở nhà, anh sẽ không đưa Thanh Ngân vào hoàn cảnh khó khăn nếu thật sự anh nhận thấy Thanh Ngân sống đời sống như Thanh Ngân đã kể.
Khu phố với những căn chung cư màu xám u buồn, vườn chơi với vài cái xích đu bằng vỏ xe hơi, cái cầu tuột loang lổ sơn đỏ. Những người đàn bà trùm khăn từ chóp đầu đến tận chân, chỉ chừa một màng lưới mỏng ở khuôn mặt, những người đàn bà thùng thình trong trong cái áo màu sắc rực rỡ dài phủ đầu gối, bên trong là cái quần khác màu, xách bị vừa đi chợ về. Nhìn toàn khu chung cư, anh hiểu ngay đây là khu "nhà lá". Ở đâu cũng thế, những khu vực có đông người ngoại quốc từ Trung đông, Asia, Đông Âu là những khu vực "nhà lá", nếu có người bản xứ thì cũng thuộc thành phần kinh tế không mấy dư dả để có thể sống khu vực khác. Anh tìm đến khu phố 26, cầu thang C. Cửa đóng, lần tìm tên những gia đình được ghi trên những ô chuông hình chữ nhật nhỏ bằng ngón tay cái. Tên Nguyen nằm ở từng lầu ba. Đang phân vân, định bấm chuông thì từ cầu thang, hai người đàn bà , mặt mày hầm hầm đi nhanh xuống cầu thang. Vừa đến cửa, người đàn bà lớn tuổi nói giọng hằn học:
- Lần này là lần cảnh cáo cuối cùng. Nói không nó không sợ. Để coi, nó mà còn dụ dổ lão mò tới nữa thì phải cho ăn đòn mới chừa. Nó dùng hai thằng con trai để níu kéo thằng chả.

Hai người đẩy cửa lánh mình ra, không kịp nhìn anh đứng tránh vội qua. Anh chụp lấy cánh cửa lớn để cánh cửa không đóng lại, lách người vô trong. Khu chung cư không có thang máy, lên đến tầng lầu ba, bốn căn chung cư nằm xoay cửa chính về hướng cầu thang. Một cánh cửa mở hờ, anh đánh liều, gõ cửa, không ai ra mở. Cẩn thận, anh đẩy cửa, bước vô lối đi phía trong, bước vài bước, nhìn bên trái là phòng khách. Người đàn bà đang nằm dài trên sô pha, tay gát che cả khuôn mặt, nghe tiếng động, bà xoay người vô lưng ghế như để dấu mặt, nói:
- Long đó hả? Con coi làm cái gì ăn rồi đi bơi. Má mệt, má nằm nghỉ chút.

Không có tiếng trả lời, không một tiếng động, thât lâu, người đàn bà ngồi dậy. Anh đứng đó, lặng câm. Người đàn bà nhìn anh, hai mắt sưng đỏ, gương mặt không chút son phấn đẫm nước mắt chưa kịp lau. Anh đứng đó. Người đàn bà vuột kêu:
- Anh? anh Toàn?

Võ Thị Điềm Đạm



Phượng Các
#6 Posted : Tuesday, June 7, 2005 12:25:30 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
quote:
Gởi bởi linhvang

LV cũng nói giọng nhão nhẹt vậy. Big Smile


Nhưng chưa biết ai nhiều nước trong giọng nói hơn đây! Smile
Phượng Các
#7 Posted : Tuesday, June 7, 2005 12:33:02 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
quote:
Gởi bởi oc huong

Hồi OH còn ở Phan Thiết, hai bà chị họ được sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, mẹ người SG, thuờng về thăm quê nội. Hai bà nói giọng nhão nhẹc, bị tụi này chọc, tụi này nhái. Đến chừng OH vào SG học thì bị tụi bạn SG chọc giọng cứng cứng là lạ, trung không ra trung, nam không ra nam. Còn chàng thì khen: Giọng em nồng nàn đậm đà như nước mắn nhỉ.

Ha ha.. PC bị lừa!
Chúc vui


Sao PC lại thấy giọng Phan Thiết mềm hơn Phan Rang một chút. Càng trở ra Trung thì giọng càng nặng.
À, mà những tính từ khi chỉ về giọng nói là do thói quen khi người trong Nam trò chuyện rồi đề cập tới, chớ không có ý phê bình giọng của ai hết, xin các độc giả thứ lỗi . Như trong Saigon vẫn kháo nhau là không hiểu sao người Huế nói chữ nào cũng như cho dấu nặng vô vậy. Dĩ nhiên người Huế thì đâu có thấy như vậy, phải không chị Hiền Vy. Wink


oc huong
#8 Posted : Tuesday, June 7, 2005 2:03:35 AM(UTC)
oc huong

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,180
Points: 0

Cac ban co nghe chuyen ong thay nguoi Hue doc chinh ta cho hoc sinh viet khong:...cham cham xuong hang...
Ai muốn thêm dấu thì cứ thêm.
Hien Vy va anh Ton That Phu Si và nhiều bạn nữa ráng cười đi nghen Cooling

Đúng vậy, càng ra trung, giong càng...xuong... hang....

Con trai Nam mà có bồ miền Trung là dể bị gđ cô nàng chê giọng nói "yếu" như bún....thiêu.

Chưởi cha không bằng nhái tiếng! Dead

Chuc vui
Ốc Hương
oc huong
#9 Posted : Wednesday, June 22, 2005 5:20:45 AM(UTC)
oc huong

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,180
Points: 0

THIÊN THANH







Mến tặng các anh Ch. K22, D. K26, T. K26 Võ Bị Đà Lạt với lòng kính trọng và khâm phục những người con đất nước đã chọn binh nghiệp làm con đường tranh đấu cho một Việt Nam tự do dân chủ.

Ngày bao hùng binh tiến lên
Bờ cõi vang lừng câu quyết chiến
Bước oai nghiêm theo tiếng súng đi tung hoành.
Quân Việt Nam đi hồn non nước xây thành




Ngày 08.01.73

Thiên Thanh ơi!
Bốn ngày em xa TT, em có nhiều chuyện để kể lắm, nhiều quá em phải ráng sắp xếp từ lúc lên xe đi Đà Lạt, mang trách nhiệm làm dâu phụ cho chị Hồng con bác Công. Em không thích đi máy bay, chẳng ngắm nhìn được phong cảnh hai bên đường. Ba Má thì lại không muốn cho em đi xe đò. Thế là Ba gởi em cho Chú Hoàng, xe chú có chín chỗ ngồi, chỉ đưa khách quen biết, lâu lâu mới chạy một lần, khi cần giao hàng. Khách trên xe hôm đó có 7 người, hình như toàn là công chức hay nhân viên gì đó. Có mình em là nhỏ nhất. TT biết không, bác Công này dị hợm lắm, chị Hồng có nhiều bạn mà bác cứ viết thư xin phép Má cho em lên nhà bác dự đám cưới, bốn cô dâu phụ, thấy mà mệt luôn. Bây giờ em mới hiểu. Má em và bác Công muốn tạo cơ hội cho em quen anh Chỉnh đang học trường Chiến Tranh Chính Trị. Hai bà Má đâu có biết là anh Chỉnh đang quen thân với một chị học ở Sư Phạm Đà lạt, còn em thì có mộng đi du học ở Canada. TT thấy hai bà Má lo xa quá hở? Hèn gì Má cho phép em nghỉ học đi Đà Lạt. Bác Hồng là bạn thân thời áo trắng của Má mà lị.

Cái ông ngồi kế em trên xe chắc bực mình vì em cứ quay qua quay lại coi phong cảnh hai bên đường. Lần đầu tiên đi xa một mình, lần đầu tiên đi Đà Lạt nên em mới tò mò chớ bộ, khó chịu!; đề nghị đổi chỗ cho em ngồi gần cửa sổ. Em mừng quá, đổi liền. Má gói đủ thứ thức ăn theo cho em, má không cho em mua thức ăn dọc đường, mà em thì thảo ăn, ai ngồi ăn một mình! Em cứ đưa, cứ biểu cái ông kế bên ăn hết món này đến thức khác, chuối khô, bánh bao, kẹo chuối, bánh đậu xanh..., món nào ông đó cũng chia với em và chỉ cám ơn, rồi tiếp tục quyển tạp chí Phổ Thông. Em dòm lén! Ba có báo này! Bỗng nhiên ông đó hỏi:
- Lần đầu tiên cô đi Đà lạt?
- Sao ông biết?
- Thấy cô cứ hết nhìn bên trái đến nhìn bên phải. Rừng cao su có gì đẹp mà cô cứ nhìn miết vậy?
- Đẹp chứ, từng hàng cây thẳng thâm thẩm, ngút mắt, không biết cuối rừng cao su là gì há.
- Rừng.
- Rừng gì?
- Thì rừng cây, rừng lá, rừng rậm, mà cô tên gì? Tôi tên Tâm.

Em nghịch ngợm hỏi lại:
- Tâm ă hay Tâm â?

Chừng đó ông ấy mới cười nói:
- Tâm â, còn cô?
- Sương, Sương S chớ không phải Xương X, Sương này là giọt sương mai chớ không phải xương sọ, cục xương, ha...ha..Sương nói trước.

Thế là em có bạn đồng hành, nói chuyện mõi miệng luôn. Mà TT biết, em già chuyện, chắc có mình em nói, mình em hỏi. Rồi cũng bất chợt, ông đó hỏi:
- Cô thích màu gì?
- Màu xanh da trời lợt, màu thiên thanh, nhẹ.
- Tôi cũng đoán vậy.
- Ô?
- Thì cứ nhìn lại quần áo của cô, cái gì cũng có màu xanh. Hồi nẩy cô nói màu xanh gì...xanh...thiên thanh? Lần đầu tiên tôi nghe có người gọi màu thiên thanh.
- Tại ông nhà quê.
- Tôi nhà quê thiệt đó, quê mùa chất phát, "le nhaque" mà.

Em vọt miệng:
- Tuấn, Chàng Trai Nước Việt. Nguyễn Vỹ

TT biết sao không, ông đó mở to mắt, nhìn em có vẻ ngạc nhiên, rồi nói trống không, như thách đố:
- Ngư Ông Và Biển Cả

Em đâu có chịu thua, trúng tủ, em trả lời ngay:
- Ernest Henningway
- Câu Chuyện Dòng Sông
- Hermann Hesse
- Giải Khăn Sô Cho Huế
- Nhã Ca
- Thềm Hoang
- Nhật Tiến
- Tháng Bảy Thôi Mưa.
- Chờ chút.......nghe có vẻ như Túy Hồng hay Quỳnh Dao...ừm...chịu thua! Bộ ông cũng đọc truyện tình ướt nhẹp của hai nhà văn nữ đó nữa sao?
- Chuyện tình ướt nhẹp hay người đọc mau nước mắt rồi đổi thừa cho truyện?
- Chuyện đó hạ hồi phân giải. Vậy chớ tác giả của Tháng Bảy Thôi Mưa là ai vậy, Sương chịu thua rồi mà.
- Ha...ha...Thua là phải, cái này là tôi tự biên tự diễn.
- Ăn gian! Bây giờ tới phiên Sương, chủ đề nhạc, Cô Láng Giềng!
- Không được, không được, tôi không biết gì về nhạc hết.

Rồi ông đó lại bất chợt hỏi (chuyên môn đổi đề tài!!!):
- Cô đọc Tuấn, Chàng Trai Nước Việt mấy lần?
- Chắc cũng ba, bốn lần gì đó.
- Một lần không đủ sao?
- Mỗi mùa hè, Ba Sương thường bắt Sương dọn dẹp tủ sách cho Ba, thế là Sương vừa dọn dẹp vừa đọc lại mấy quyển hay hay, có khi công chuyện dọn dẹp kéo dài mấy ngày vì Sương mê đọc. Thế ông đọc mấy lần?
- Cũng ba, bốn lần. Nhưng mà tự tôi tìm đọc lại trong những ngày hè dư dã thì giờ.
- Đây là quyển sách đã gây nhiều ấn tượng nhất cho Sương. Ông biết không, cứ mỗi lần đọc lại một quyển sách là một lần Sương thấy mình hiểu sâu hơn, thắm thía hơn, chắc tại Sương chín chắn hơn sau mỗi mùa hè. Ông Nguyễn Vỹ đã tặng cho thanh niên Việt Nam một món quà thật quí báo.

Ông đó quay nhìn em, nhìn khá lâu, làm như em vừa lớn thêm năm tuổi vì câu nói đó. Ông nhỏ giọng:
- Chính quyển sách này đã hung đúc, nuôi dưỡng cái quyết định thi vô trường Võ Bị Đà Lạt của tôi.

Vậy đó, chắc hết chê em còn nhí không biết gì, hết làm bộ nghiêm nghiêm không nói không rằng, em với ông đó nói chuyện mõi luôn. Đến Bảo Lộc, ông đó mua bánh mì, hai bịch trà đá, rủ em vừa ăn vừa đi vòng vòng cho dãn chân. Má dặn không được ăn dọc đường mà em bị ông này dụ dổ mua bánh mì xíu mại ngon quá làm em cầm lòng không đậu.

Và....TT đừng mét Ba nghen, chủ nhật sau khi đưa dâu, em nhờ anh Chỉnh chở em ra quán cà phê Tùng gần hồ Xuân Hương, tại em có hẹn với anh Tâm để anh Tâm đưa đi dạo phố Đà Lạt. Khoe với TT nha, anh Tâm học ở Võ Bị Đà Lạt, sang năm ra trường đó. Chiều nay anh Tâm khác hẳn ngày hôm qua. Bộ quân phục chủ nhật màu nâu đen đậm làm anh ấy có vẻ nghiêm nghị, già dặn hơn và oai hơn. Lúc đầu em hơi ngan ngán, mới sau hai ngày mà em thấy không khí không được thân mật như trước. Mãi đến khi thấy cũng có nhiều anh cũng mặc quân phục giống vậy nên em quen mắt đi, bắt đầu hỏi đủ thứ chuyện, toàn là em bắt chuyện không hà! Chợ hoa tan sớm, nhưng em đã đi với bác Công ra phố hôm qua để mua thêm bông rồi nên chợ có tan sớm cũng không sao. Thế mà anh Tâm cứ tiếc là em không được xem chợ hoa và cảnh những người thượng đem hàng xuống bán. Chợ có hai tầng, TT biết em không thích vô chợ đông người, nên tụi em vòng quanh chợ, vòng quanh hồ Xuân Hương thơ mộng như trong sách tả, đi mấy con đường lên dốc xuống dốc mà em không mõi chân gì hết. Tại mê nói chuyện và mê nhìn mấy cái biệt thự trồng đủ loại hoa. Em thích nhất là những biệt thự có dàn hoa tường vi bò trên tường. Những cánh hoa hồng nhạt nho nhỏ trông như những cô gái Đà Lạt má đỏ au yểu điệu trong chiếc áo dài lụa mềm, khoát hờ thêm cái áo len mỏng, chắc chỉ để làm điệu. Em là dân Sài Gòn, chỉ mặc quần tây với cái áo thun dài tay không có áo ấm gì hết mà đâu thấy lạnh. Nhưng tiếc quá! Em không được đi chơi lâu vì tối đó bên đàng trai tổ chức khiêu vũ, em đã hứa với anh Chỉnh, con bác Công.

Em vẽ hình anh Tâm với bộ quân phục ngày chủ nhật cho TT xem đây, oai chưa? Thôi, em phải đi ngủ, mai đi học, chép bài lại mõi tay chết luôn.

..............

Ngày 17.01. 73

Em được thư anh Tâm từ Đà Lạt! Mừng quá! Cứ tưởng anh ấy chỉ khách sáo lịch sự với một cô gái tình cờ quen trên một chuyến xe đò. Lịch sự dẫn dắt một cô gái Sài Gòn lần đầu tiên lên Đà Lạt. Ai ngờ (em hơi hơi trông thư!) thư anh ấy đến nhà. Cuối thư anh ấy chấm dứt một chữ gọn lõn: "nhớ!", làm em thơ thẩn từ trưa tới giờ. Em kẹp cái thư vô đây cho TT xem nha. Nhưng em không thèm trả lời liền đâu. Con gái ai mà hư vậy.

...........

Ngày 26.01.73

Chưa kịp trả lời cái thư thứ hai được chấm dứt bằng: "nhớ! nhớ!", bây giờ lại được cái thư thứ ba, chấm dứt bằng: "nhớ! nhớ! nhớ!". Sao em sợ tiếng nhớ của chàng vọng loãng trong rừng thông xanh ngát, chìm dần xuống đáy hồ Xuân Hương, bơ vơ quá, tội nghiệp quá! Tội nghiệp chàng! Em làm điệu làm hạnh như vầy đủ rồi nha! Lời thư sao dễ thương, ngọt mật, em không cầm lòng được. Em viết thư cho chàng đây, dĩ nhiên là giấy perleur màu xanh nhẹ thật nhẹ. Mà TT này, em có nên chấm dứt lá thư bằng chữ "nhớ!" không? Em cũng nhớ nhớ nữa. Thôi, xấu hổ lắm! Nhưng em sẽ viết, viết chừng nào mõi tay thôi, rồi em đạp xe ra bưu điện liền.

.............

Ngày 15.02.73

Trong thư chàng nói chàng sẽ về Sài Gòn ngày cúng 49 ngày của ông chú mà chàng đã về chịu tang (kỳ đi cùng chuyến xe với em đó!) và chàng sẽ đến thăm em. Em sợ quá! Ba la chết! Chị Đoan quen anh Thông sáu tháng nay rồi mà anh Thông có dám tới nhà lần nào đâu. Hai người hẹn nhau ở trường, chị Đoan nói dối Ba Má hoài để đi chơi, làm em sợ, bây giờ tới phiên em. Mấy đứa bạn em đứa nào cũng ngán Ba, đứa nào cũng nói ba trông nghiêm quá. Hồi đó giờ em đâu có người bạn trai nào dám đến nhà thăm em . Bạn bè trong lớp thôi. Nhiều người gọi em là búp bê Nhật vậy mà không có ai theo đuổi em, tại nghe tiếng Ba nghiêm khắc. Ba là bạn của mấy ông thầy trường em, Ba là đại diện phụ huynh học sinh, Ba giúp đỡ trường rất nhiều vì trường mới xây dựng. Sáng nào Ba cũng chở em đi học, có khi Ba đón về, có khi anh Hai đón về, có khi ba nhờ mấy người làm cho Ba đến đón em về. Em đâu được đi chơi với bạn nhiều, em đâu có bạn trai mặc dù Ba chưa bao giờ cấm.

Làm sao đây TT? Em sợ Ba la, em mong chàng đến thăm, hay là dặn chàng đến quán cà phê nào đó như chị Đoan hẹn với anh Thông vậy. Em viết thư liền đây.

................

Ngày 24.02.73

TT coi chàng gan ghê chưa. Hồi chiều chàng đến nhà, chị Đoan ra mở cửa. Chị Đoan xanh mặt khi nghe chàng nói: "Tôi đến thăm Sương, Phan Thị Mai Sương, có Sương ở nhà không vậy?" Ngay lúc đó Ba dắt xe ra. Chàng chào Ba: " Chào bác! Cháu đến thăm Sương." Chị Đoan nhảy 5 bước lên lầu, hét um xùm: " Sương, có ông nào lại, đòi thăm mi, đang nói chuyện với Ba ở dưới, mi ngon há!" Trời ơi! Em đứng tim gần muốn khóc. Sao chàng gan quá vậy! Em muốn trốn, biết trốn đâu bây giờ. Chị Đoan hối liên hồi. Em run sợ nhảy xuống giường, lại cầu thang. Chị Đoan gọi dựt lại, bắt em mặc áo ngực vô, ai mà nhớ mấy chuyện đó, cám ơn chị Đoan nghen! TT biết Ba nói sao không khi em ra phòng khách: "Con đi làm nước mời anh Tâm, Ba phải đi công việc." Rồi xoay sang chàng, Ba bắt tay chàng: "Bác phải đi, cháu ở chơi."

Chàng cứ nhìn em hoài, nhìn mái tóc cắt ngang trán thả dài vừa qua vai, nhìn mặt em nóng bừng, nhìn tay, làm em phải dấu tay dưới đùi, rồi chàng nói:
- Sương trông trẻ con quá trong bộ đồ bộ này, dễ thương như con búp bê Nhật.

Em không biết nói chuyện gì hết. Sao hồi trên xe đò đi Đà Lạt, hồi đi dạo phố Đà Lạt em nhiều chuyện lắm, vậy mà bây giờ....chắc tại chàng cứ nhìn em đăm đẳm, làm như muốn ghi hết những nét "dị hợm" trên mặt em đặng giữ cho được lâu trong trí nhớ. Em than:
- Sao anh gan quá, Sương dặn anh...

Chàng nghiêm mặt, nhìn thẳng mắt em, nói một cách nghiêm trọng:
- Chuyện mình quen nhau không có gì phải dấu diếm. Đúng vậy không?

Rồi chàng hạ giọng, nhẹ nhàng hỏi:
- Em không muốn anh làm quen với gia đình em sao?

Em lặng người cảm động vì giọng chàng thật âu yếm, vì tiếng em ngọt ngào chàng dùng lần đầu tiên với em. Chàng còn với tay vén nhẹ cọng tóc vương trên má em ửng hồng. Em muốn giữ tay chàng dừng lại trên má em nhưng em không dám.

TT biết không, giọng chàng hơi ngồ ngộ, cưng cứng. Chàng bảo tại chàng là dân Phan Thiết, ăn cơm toàn với nước mắm dầm ớt xiêm cay nên giọng cứng. Rồi chàng lại đùa: "Nhưng tình anh nồng nàn đậm đà mùi vị nước mắm nhỉ" Xạo chưa?

Nhiều chuyện lắm, em không kể hết được đâu, em buồn ngủ rồi, chắc em sẽ mơ thấy những cành hoa tường vi hồng nhỏ nhắn xinh xinh. Em vui quá! À quên, hồi nẩy Ba còn hỏi em: "Chừng nào anh Tâm về Đà Lạt lại?" TT coi, Ba đâu có la em. Coi bộ Ba mến chàng. Chắc tại chàng thẳng thắng, công khai, dám cả gan đến nhà thăm em, nên Ba quí. Và tại chàng là dân Võ Bị Đà Lạt nữa. Ba học rộng, hiểu biết nhiều, Ba hiểu tại sao chàng chọn học trường Võ Bị, Ba mến chàng là phải. Chàng ngon lành quá hả TT. Chàng còn hẹn ngày mai đến xin phép Ba Má cho em đi chơi phố với chàng nữa. Ngày mai em mặc cái gì đây? Áo dài hay jupe, hay quần tây hay đầm hái nho? Em phải hỏi ý kiến chị Đoan. Ha..ha.. chị Đoan bây giờ thua em rồi, em dám đi chơi với bạn trai mà không cần phải nói dối. Chắc Ba cho phép. Ba quí chàng mà!

................

Ngày 25.02. 73

TT có nghe Ba nói gì khi chàng xin phép Ba cho em đi chơi phố không? Đây nè: "Chiều cháu đưa em Sương về rồi ở lại dùng cơm, nhà thường dùng cơm khoảng 6 giờ." Em sung sướng quá! Chỉ thế thôi, đủ rồi TT nhá! Em đi ngủ đây.

Quên, hồi sáng theo lời chị Đoan, em mặc jupe trắng, áo thun xanh lợt, giầy bata trắng, chị Đoan khen em dễ thương. Má nhìn em âu yếm hãnh diện. Nhưng khi chàng đến nhà với bộ quân phục màu khaki lợt, đeo huân chương (chắc là huân chương!), đội mủ nữa, em đổi ý ngay. Em thay cái áo dài màu xanh lợt thiệt là lợt mà chị Đoan có thêu cành hoa cúc trắng nằm khiêm nhường ở tà áo. Em nghĩ: Chỉ có áo dài mới hợp với bộ quân phục oai nghiêm này. Chàng ngắm em với ánh mắt lạ quá làm em xấu hổ, em chỉ muốn trốn vô phía sau cánh cửa. Vậy chớ mà tới chiều, lúc chàng đưa em về, em dám cả gan vịn nhẹ vô hông chàng, dựa má vào gáy chàng nữa đó. Chàng chạy xe chậm thật chậm, mùi mồ hôi chàng hoà trong gió mát, em hạnh phúc quá! Hồi nẩy, lúc chàng đi về, em theo chàng ra cửa, chàng nắm tay em mạnh quá, chặt quá, rồi chàng đưa lên môi hôn thật mạnh. Em muốn khóc, khóc vì cảm động đó TT. Em muốn dựa vào chàng mà em không dám. Mặt em nóng rồi!

..................

Ngày 20.06. 73

Lúc này em không kể chuyện nhiều vớí Thiên Thanh nữa, TT đừng giận em nha. Em viết thư cho chàng hoài thôi, kể đủ thứ chuyện, em già chuyện lắm. Em dám viết: "Em nhớ anh, anh nhớ hôn trán em mỗi tối chúc em ngủ ngon thì em mới thấy anh trong mơ." Thư nào em cũng viết thêm một câu ca dao thương nhớ, chàng nói những câu ca dao làm chàng cảm động lắm, rồi chàng đòi em viết nhiều nhiều ca dao thương nhớ vô thư cho chàng, nhưng đâu có được, hết sao, vầy nè:

Cô thương nhớ ai ra ngẩn, vào ngơ?
Đêm quên giấc ngủ, ngày mơ trận cười.
Đêm năm canh, ngày sáu khắc chàng ơi!
Chàng cười nửa miệng, thiếp tôi nửa lòng.

và:

Chim xa bầy, thương cây nhớ cội,
Người xa người, tội lắm! người ơi!
Chẳng thà không biết thì thôi,
Biết nhau rồi mỗi đứa một nơi sao đành.

Còn nhiều lắm nhưng em chỉ viết một lá thư một bài ca dao thôi, hồi đó giờ cũng mấy chục bài ca dao rồi chớ bộ.

TT thấy những bức tranh em vẽ đẹp không? Chàng diễn tả cảnh Đà Lạt, cảnh chàng lang thang để nhớ em, con đường em đã đi chơi với chàng, khu rừng phía ngoài trường buổi sáng buổi trưa buổi chiều khu rừng phía đông, khu rừng phía tây, ngọn đồi 1515.... Chàng viết thư hay lắm, nên em vẽ cũng rất nhanh theo lời chàng tả. Em gởi kèm theo vài tấm hình em đã vẽ, chỉ vẽ bằng viết chì màu thôi đó, vậy mà mấy anh bạn chung phòng với chàng khen em vẽ đẹp, chàng hãnh diện, chàng còn khoe: "Tụi mày chưa nghe Mai Sương đàn nhạc classic"
.......................

Ngày 25.12.73

Giáng Sinh năm nay là giáng sinh đầu tiên em đi chơi ở ngoài, dĩ nhiên với chàng, hơn một giờ khuya mới về đến nhà. Trong tiệm Givral góc Tự Do và Lê Lợi có cửa kính, tụi em tìm được bàn nhìn ra đường, ăn chiều, ngắm thiên hạ. Càng về đêm, người ra đường càng đông, nhiều cặp tình nhân tung tăng với nhau trông thật tình tứ. Chút nữa tụi em cũng tung tăng, cũng tình tứ như ai vậy! Phố đêm Sài Gòn rộn rịp, người đi lên, kẻ đi xuống, thường là từng cặp hoặc từng nhóm, hình như không ai đi một mình hết. Nhất là đêm Giáng Sinh, đêm của tình nhân, đêm của tuổi trẻ phải không TT. Tụi em không có đạo nhưng cũng muốn đi xem lễ ở nhà thờ Đức Bà. Chàng phải tìm đậu xe ở sân trường Luật rồi đi bộ dọc Duy Tân là tới. Gần tới mười hai giờ, đông người quá, em ngợp, em không chen vô nhà thờ được, em không chịu được nhiều hơi người, mồ hôi âm ẩm trán em, em níu cánh tay chàng. Chàng hoảng hốt bế xốc em lên, đi nhanh ra khỏi đám đông, khỏi nhà bưu điện. Thoát khỏi nơi đông đảo, em tỉnh hẳn lại, hú hồn! Dọc đường Đồn Đất hơi vắng người, cứ chốc chốc chàng lại nhìn chừng em trên đường tìm ra Hai Bà Trưng, cho tới khi tìm được một quán cà phê ngoài vườn. Lần đầu tiên em uống cà phê, cho tỉnh người, thơm và ngon ghê đi! Và trên ghế xích đu, dưới gốc cây xoài lớn, em dựa ngực chàng, tiếng chuông nhà thờ, nhạc thánh ca, lời chàng ngọt, môi chàng ấm... Ôi đêm Giáng Sinh hạnh phúc.

..................

Ngày 26.12. 73

Em mừng quá! Ba Má cho phép em lên Đà Lạt dự lễ ra trường của chàng, em cám ơn bác Công, em cám ơn Ba má! Chàng xin phép Ba Má đàng hoàng. Chàng khôn lắm, chàng biết tẩy Ba Má, chỉ cần chàng xin phép Ba Má là chuyện gì Ba Má cũng cho, mà chàng có xin cái gì xấu xa đâu! Em phải hứa với Ba là phải học bù, học ngày đêm, chuyện tình cảm phải nhường chỗ trống cho chuyện học hành nữa. Thi đậu là một chuyện mà thi vô Cao Đẳng Mỹ Thuật hay Đại Học Kiến Trúc còn khó hơn. Em không mơ đi du học nữa đâu. Ba Má chiều em, con út mà. Ba Má đâu muốn xa em, tại tự em muốn đó thôi, tại lúc đó chưa quen chàng. Em còn phải tập khiêu vũ vì tối đó có dạ vũ, chị của nhỏ Thu Minh hứa sẽ chỉ cho cả hai đứa, em muốn chàng hãnh diện với bạn bè mặc dù chàng không quan tâm gì đến đêm dạ vũ đó. Còn ba tuần nữa. Em thương chàng quá TT ơi!

.............

Ngày 12.01.74

Thiên Thanh ơi! Còn hai ngày nữa mà em bệnh trầm trọng quá, con bệnh thương hàn hành hạ em đã ba ngày rồi. Mỗi lần tỉnh, nghĩ đến ngày sẽ đi Đà Lạt, em khóc, em sợ mình không khỏe lại kịp. Chị Đoan cũng lo cho em. TT có cầu Phật Bà Quan Âm Thị Kính cho em không? Cho em mau khỏe. Bà bác sĩ Minh Hương đến nhà thăm em mỗi ngày.

.............

Ngày 16.01.74

Anh Hai đã đi đánh điện tín cho chàng, em khóc cả trong cơn tỉnh lẫn cơn mê. Em nghĩ đến lúc chàng nhận được điện tín, đến lúc không có em ngồi lẫn trong số khách tham dự với Ba chàng, đêm dạ vũ...chàng cô đơn... Em cũng không khỏe để có thể viết thư cho chàng nữa. Số tụi em hẩm hiu đến vậy đó TT ơi!

............

Ngày 20.01.74

Chàng không về Phan Thiết sau lễ mãn khóa, chàng về thẳng Sài Gòn. Em thương chàng ghê đi TT ơi! Ánh mắt chàng thiết tha quá! Chàng nhắc cái ghế ngồi bên giường em, cứ xoa tay em hoài. Ba lên phòng thăm chừng em mà chàng cũng không bỏ tay em ra. Ba Má lo cho em, anh Hai, chị Đoan lo cho em nhưng không một săn sóc nào có thể so sánh với những mơn man bàn tay em, những vuốt ve trán em, thơm tay em, thơm trán em, thơm tóc em, vén tóc em, dịu dàng nhẹ nhàng. Em giữ tay chàng lại trên má em, những ngón tay xoa nhẹ môi em. Em thiếp đi trong rừng thông có tiếng cành cây cố cựa mình thật khẻ, có tiếng sáo thông văng vẳng. Em đã bắt đầu ăn cháo thịt, má em hồng từ từ trở lại trong mấy ngày chàng ở Sài Gòn.

TT thấy hình em vẽ chàng lúc chàng ngồi đọc sách cho em, dị quá hả? Vẽ chân dung không phải sở trường của em, em chỉ thích vẽ phong cảnh thôi. Chàng còn đọc mấy bài triết cho em ôn vì em nghỉ học hơn hai tuần nay. Em nằm gối đầu cao, tay nắm tay em, tay cầm cuốn tập, chàng đọc, em thiêp thiếp ngủ, mang theo Platon, Voltaire, Sokrastes... màu áo xanh lợt chàng đang mặc.

.........

Ngày 28.1. 74

Chàng được bổ nhiệm về Long Khánh, tiểu đoàn 43 sư đoàn 18BB, cách Sài Gòn hai tiếng xe đò nên chàng về Sài Gòn hoài thôi. Chàng đã được phép lên phòng em nữa đó! Lần này em đâu có nghe chàng xin phép ba má, chàng lợi dụng hồi em bị bịnh, rồi sẳn đà luôn, ông này khôn lắm đó TT ơi! Nhưng bao giờ chàng cũng để cửa mở rộng và cứ hít hít hỏi: "Sao phòng em thơm thơm cái gi đó, không phải dầu thơm, vì có bao giờ em dùng dầu thơm đâu." Chàng đâu có biết là em với chị Đoan gom hoa khô, dồn may thành một cái túi lớn, để dưới giường cho thơm phòng." Hồi đó năn nỉ em cho lên phòng để nhìn chỗ em ngủ, để nhìn chỗ em ngồi viết thư cho chàng nhưng em đâu có dám, Ba Má la chết. Bây giờ thì tự do hén.

Hồi sáng em lò mò đi xe đò Long Khánh lên thăm căn cứ đóng quân của tiểu đoàn 43 theo như chàng thường kể cho em nghe. Xuống xe đò, về hướng tay trái, em đi hết còn đường chính ngang qua chợ, tới ngã tư, quẹo trái, ngang ty học vụ bên trái, trường trung học Xuân Lộc bên phải, hỏi đường lên tòa tỉnh, căn cứ nằm không xa toà tỉnh mấy, em tìm tới đúng phóc. Nghe người lính gát cổng báo tin, chàng chạy ra, chàng nhíu mày, chàng dậm chân mắng em hư. Em gần khóc, em chỉ muốn cho chàng vui, em muốn thấy cái lều, cái giường bố chàng nằm, vậy thôi mà chàng rày em. Chàng nóng tính lắm. Em tủi, em giận, em đòi về liền. Chàng năn nỉ, chàng nắm tay em kéo em tới căn lều của chàng, chàng dổ dành, em giận lâu lắm. Chàng hôn em giữa ban ngày, không sợ người ta trông thấy, hôn mặt mũi em tèm nhem nước mắt giận hờn. Chàng nói chàng không cho em lên thăm vì đường xá nguy hiểm, chàng đi hành quân hoài, em lên không có chàng thì ai lo cho em. Chàng thấy mồ hôi em chảy ròng trên trán vì em trưa nắng đi bộ xa, chàng xót ruột nên chàng la em. Tức chưa? Lối chưa?

...........

Ngày 20.07. 74

Tiểu đoàn 43, sư đoàn 18BB lại đổi căn cứ ở một nơi nào đó xa Biên Hòa lắm. Không có xe đò, phải chờ quá giang xe nhà binh thôi. Chàng căn đi dặn lại là em không được lên thăm chàng. Chàng không kể đường đi nước biết nữa. Chàng độc đoán lắm, cái gì cũng sợ em ngã bịnh. Em bịnh có một lần mà chàng bị ám ảnh hoài. Tại Má em kể: "Em Sương ít bịnh lắm, nhưng mỗi lần em bịnh là thập tử nhất sinh." Má dọa kiểu đó làm chàng sợ. Em nhớ chàng, em có quyền đi thăm, phải không TT? Tại sao chàng nhớ em, chàng có quyền liều mạng quá giang về thăm em dù chỉ vài tiếng đồng hồ? Bất công chưa?

Mỗi ngày em mân mê bộ quân phục ra trường của chàng mà chàng đã đưa cho em giữ, đủ thứ hết, huy chương, dây nhợ tùm lum... Chàng xếp ngay ngắn cái quần màu xanh có sọc đỏ bên nẹp, cái áo trắng có mấy đường sọc đỏ ngang ngực, để tận đáy tủ áo của em, chàng nói: " Cuộc đời binh nghiệp là do anh lựa chọn. Định mệnh đun đẩy anh trể chuyến máy bay để anh được người quen giới thiệu chuyến xe của anh Hoàng, chuyến xe mình được gặp nhau đó. Cái thông minh, bàn chất con người em đã kết tinh tình yêu trọn vẹn trong anh. Tình yêu chúng ta là sự dung hòa của định mệnh và sự lựa chọn. Bộ quân phục này nằm lẫn lộn trong quần áo em, trong đời sống thường ngày của em, em gìn giữ cuộc tình mình, đời hai đứa mình, em nhá!" Chàng vậy đó, làm sao em không thương chàng được? Em thương chàng đến độ em bắt đầu lo sợ, nếu một ngày nào đó.....em không dám nghĩ tới... nhưng súng đạn... sao biết được. Căn cứ của anh Hai chuyển xuống tuốt Tây Ninh, anh Thông người yêu của chị Đoan học trường Bộ Binh Thủ Đức, được bổ nhiệm ngoài Trung hơn nửa năm nay. Gia đình em không dưng mà bị lôi cuốn hoàn toàn vào cuộc chiến này. TV, radio, báo chí... Ba Má lo âu theo dõi, em và chị Đoan hồi hộp lắng nghe từng địa danh được nhắc trong tin tức, từng tên của các tiểu đoàn, đại đội... Mà chắc không phải chỉ có gia đình em thôi, còn biết bao nhiêu gia đình khác nữa. Em đã biết bận tâm với mọi người chung quanh, với xã hội chung quanh mình, em không còn là cô gái kiều dưỡng nữa.

..........

Ngày 11.02. 75

Sư đoàn 18BB lại di chuyển lên Núi Thị một cách đột ngột, không xa Định Quán mấy. TT nhớ Định Quán nằm ở đâu không? Trên đường đi Đà Lạt đó. Hồi trên chuyến xe đò định mệnh, nơi mà khi em chọc cái tên Tâm của chàng đó, làm chàng bỏ cái bộ mặt nghiêm nghiêm từ bến xe đò ở Ngã Bảy. Hai tháng rồi chàng không về, thư cũng thưa. Em buồn, em giận chàng, em không thèm kèm theo câu ca dao thương nhớ nào vô thư. Em viết thư ngắn ngủn. Rồi chàng lại hờn em, biểu là em không còn thương chàng như trước nữa. Em buồn quá! Sao cả tháng nay em bồn chồn lo lo đâu đâu...nhớ chàng...rồi giận chàng...không ráng về thăm em.

...........

Ngày 04. 03. 75

Chàng về, nhấn chuông hai ngắn một dài. Em phóng từ trên lầu xuống. Vậy mà khi thấy chàng, em làm mặt lạnh, em nhường chỗ cho chàng vô nhà. Không vô hẳn, chàng đứng lại trước mặt em, nhìn em, giọng buồn buồn:
- Em không vui?

Nước mắt em ứa ra, em không chịu đựng được nữa, em dựa lưng vô cánh cửa, tay buông thỏng, nhìn xuống đất, dấu không cho chàng nhìn mặt em, dấu không thèm nhìn chàng. Dùng ngón tay cái, chàng quẹt dòng nước mắt đang chảy dài trên má em. Chàng kéo đầu em sát vào cổ chàng, cúi xuống hít mạnh tóc em, hỏi:
- Em giận anh? Anh về đây mà!

Bao nhiêu giận hờn tiêu tan, người em mềm theo cánh tay chàng kéo em ngồi xuống sô pha, vuốt ve cánh tay em để trần, mơn man đôi môi trên tóc em. Trong vòng tay chàng, em ép mặt vào bàn tay chàng chai cứng, em vuốt ve cánh tay chàng vén tay áo cao khỏi cùi chỏ. Lạ ghê Thiên Thanh nhỉ! Khi người ta yêu nhau, sao người ta lại thích vuốt ve nhau, ngồi sát bên nhau, không chán!

..........
Ngày 17.03.1975
Tin phong phanh cho biết Quân đoàn I I được lệnh rút khỏi Pleiku, lệnh bỏ từ Phú Yên. Anh Thông thuộc liên đoàn 4 Biệt Động Quân còn ở lại phòng thủ Pleime. Chị Đoan từ nhà anh Thông về, mắt xưng húp, nhìn Má, lắc đầu. Chị đi thẳng lên phòng, ngồi bó gối trên giường, em thương chị Đoan quá. Tính chị ít nói, bây giờ chị càng im lìm hơn khi em đem tô cơm Má làm cho chị lên phòng. Em năn nỉ lắm chị mới bưng tô cơm, múc từng muổng, nhai chỉ để nhai. Tối, em qua phòng chị Đoan, hai chị em nằm trở đầu trên cái giường nhỏ của chị, để radio cả đêm. Em ngủ hồi nào không hay.

Ngày 18.03.75

Tin Định Quán bị tấn công rồi Thiên Thanh ơi! Ba Má mở radio cả ngày. Đến chiều thì nghe tiểu đoàn 2/43 đơn độc chống giữ căn cứ. Cả nhà không ai ngủ được. Em ngồi xếp bằng trên giường, em cầu Bà chúa Thượng Ngàn, Phật Bà Quan Âm phù hộ cho tiểu đoàn. Tụi Việt Cộng đâu có tin Phật tin Trời, Trời Phật đâu có thương tụi nó. Em không dám khóc, em sợ điềm sui. Chị Đoan qua phòng ngủ chung với em. Hai chị em không ai dám nhắc tới Định Quán, nhắc tới Phú Bổn. Em mệt, em không viết được nữa.

...........

Ngày 19.03.75

Đài BBC loan tin Định Quán thất thủ. Nhưng rồi radio Sài Gòn đính chánh là tiểu đoàn 2/43 đang chống cự, Định Quán chưa mất. Chắc em không chịu nổi, em đi loay hoay, em ăn chút cơm, em mở tủ rờ bộ quân phục, em không biết làm gì hết. Em không viết được nhiều. Đầu óc em trống rỗng.

.............

Ngày 20.03.75

Ba bỏ văn phòng, Ba về nhà ngay, Ba nói với Má với em với chị Đoan đang lặt rau:
- Định Quán mất rồi.

Trời đất ngã nghiêng, em ngất đi. TT nghe nữa mà phải không?

..............

Ngày 21.03.75
Toàn bộ liên đoàn 4, sư đoàn 25... đang rút về Nha Trang theo liên tỉnh lộ 7. Không tin tức nào đáng tin. Tin truyền miệng, tin gia đình nhận được, tin từ radio...không phù hợp nhau. Chỉ biết thiệt hại rất nặng. Mấy người em của anh Thông cứ vài tiếng đồng hồ, được tin gì mới lại đến nhà, cho chị Đoan biết tin. Nghe nói Việt Cộng định tấn công Tây Ninh để bao vây Sài Gòn, đơn vị anh Hai đóng ở đó. Gia đình em như nghẹn thở. Radio mở từ sáng sớm cho tới tối khuya.

Ba lên Long Bình nghe ngóng tin tức. Tin tức đưa về: 80 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Em không muốn nghe nữa.

..............

Ngày 23.03.75

Xuân Lộc bị tấn công. Định Quán mất, quốc lộ 20 bị cắt đứt. Bây giờ quốc lộ 1 cũng cũng bị cắt đứt.

.............

Ngày....03.75

Xuân Lộc được tái chiến, Sài Gòn hổn độn. Người di tản từ miền Trung, từ Đà Lạt, từ Long Khánh mang những tin tức mà radio không chịu thuật lại, TV không chiếu trên màn ảnh.

.............

Ngày ......04.75

Kkông nghe tin tức gì của anh Hai, anh Thông, chàng.

...............

Ngày 22.04.75
Ba đã liên lạc với vài người của bạn Ba, cả gia đình sẽ xuống tàu bất cứ lúc nào. Anh Hai, anh Thông và chàng biệt tăm làm sao Ba Má nở lòng nào đi di tản. Anh Hai, con trai trưởng của Ba Má. Anh Thông vừa hứa hôn với chị Đoan. Chàng, Ba thương chàng lắm, tại em là con gái cờ của Ba mà.

............

Ngày 30.04.75

Ba, Má, em mỗi người một công chuyện loay quay ở nhà bếp. Lúc này cả nhà cứ quay quẩn với nhau luôn thôi. Ba đi đâu cũng lo về cho lẹ, đọc báo, nghe radio, phụ Má làm cơm, Má cũng không thiết tha làm bánh trái như thường lệ.

Hơn mười một giờ thì phải, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Ba đập bàn, đi thẳng vô phòng làm việc. Chưa bao giờ em thấy Ba giận dữ như vậy. Má, chị Đoan, em, hoang mang, không biết làm gì hết, không ăn không uống, không dám mở cửa, không dám ra đường.

Vậy là sao hở TT? Có nghĩa là hết chiến tranh? Có nghĩa là mình thua trận? Có nghĩa là anh Hai, anh Thông, chàng sẽ về? Chàng sẽ làm gì đây? Quân đội Việt Nam Cộng Hòa không còn nữa sao? Đâu được, chàng đã chọn binh nghiệp mà. Chàng sẽ về? Thân thể có còn nguyên vẹn? Nhưng một điều em chắc chắn là tâm hồn chàng, con người chàng đang bị thương nặng nề, không bút mực nào tả được. Tội nghiệp chàng quá TT ơi! Em lo sợ, đầu óc em lẩn quẩn với những tư tưởng:

"Người lính" trong chàng rồi sẽ mất?
Hay bập bềnh theo vận Nước nổi trôi?

Em mong em đợi chàng về với em, nhưng không phải về trong hoàn cảnh như thế này. Em thương chàng quá Thiên Thanh ơi!

Đầu óc em đen đặc.


Viết cho tháng Tư buồn

Võ thị Điềm Đạm
Vietnamlibrary.net

Tài liệu tham khảo:
- Sư Đoàn 18 Bộ Binh Và Những Ngày Tử Chiến Tại Xuân Lộc - Hồ Đinh - 2005
- Người Ở Lại Định Quán Tháng Ba Năm 1975 - Bảo Định Nguyễn Hữu Chế - 2005
- Triệt Thoái Tây Nguyên - Phạm Huấn - 1987
oc huong
#10 Posted : Friday, June 24, 2005 5:25:31 AM(UTC)
oc huong

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,180
Points: 0


THẢO VỚI ĐÊM THAO THỨC






· Má! Ngày mốt là ngày thầy cô giáo, má có mua quà cho cô giáo chưa?
· Má định mai mua bông tặng cô.
· Không được.
· Sao vậy? Thôi má mua hộp bánh nha?
· Không được.
· Cũng không được? Năm nào mình cũng tặng bánh hay hoa mà. Vậy con thích tặng gì cho cô giáo?
· Con không biết, con thấy năm ngoái đứa nào cũng tặng cô một cái bì thư, có một mình con là tặng hoa.

Thảo nhìn con, đứa con gái út có vẻ buồn. Mái tóc ngắn chấm vai ôm khuôn mặt dài thon, nét thông minh hiện trong đôi mắt sáng. Con bé ngồi trong cái ghế mây rộng, tay cầm quyển sách hình để hờ hửng trên đùi. Thảo đi đến ghế mây, bế con lên, đặt bé Thiên Kim lên đùi mình. Hai má con ngồi trọn lỏn trong cái ghế mây. Thảo hỏi:
· Cô giáo thương con không?

Gật đầu.
Thảo hỏi tiếp:
· Cô thương con như mấy đứa khác?
· Chắc vậy.
· Bạn con có thích con không?
· Dạ, không đứa nào ghét con cả.
· Con biết bì thư mà các bạn con tặng cô giáo là gì không?
· Con nghĩ là tiền trong đó. Con nghe nhỏ Ngọc khoe là má nó sẽ cho cô năm chục ngàn, thằng Tâm cũng nói ba nó sẽ tặng cô năm chục ngàn. Mà má ơi! Tội nghiệp thằng Toàn lắm má. Thằng Toàn bị tụi nó chọc là không cho cô giáo cái gì hết. Thằng Toàn con dì Tám bán xôi má hay mua đó.
· Má biết Toàn. Toàn thường ra giúp má nó bán xôi buổi tối. Con có nghĩ tại sao Toàn không tặng quà cho cô giáo không?
· Dạ, chắc nhà nó không có tiền. Tội nó, năm nào đến ngày lễ thầy cô giáo là nó nghỉ học, không biết cô có để ý không. Hồi trưa đi học về, tụi con trai chạy theo chọc Toàn: “ Ngày mốt mày có đi học không?” Rồi cười ha hả. Con thấy thằng Toàn chạy mau vô con hẽm nhà nó.
· Con nghĩ Toàn không tặng quà cho cô giáo là đúng hay sai?
· Dạ, không đúng không sai gì cả. Nó không có tiền mua đủ sách vở học thì làm sao có tiền mua quà cho cô.

Thảo xiết đứa con gái thông minh vào lòng, hỏi tiếp:
· Con có nghĩ là nếu con tặng cô giáo bì thư thì cô sẽ thương con hơn không?
· Con không biết. Nhưng con không muốn làm khác với tụi bạn.
· Nếu một người bạn nào đó cho con tiền, con có thương người bạn đó hơn những người bạn khác không?

Thiên Kim quay phắt lại, ngạc nhiên nhìn má nó với câu hỏi kỳ cục đó. Nó lắc đầu lia lịa:
- Con thương bạn là vì nó hiền lành dễ thương với con.
- Đúng! Đó là tình bạn bè chân thật. Cũng như khi mình tặng hoa cho cô giáo là vì mình muốn tỏ lòng biết ơn, kính yêu cô giáo, đó là tình thầy trò chân thật.

Bé Thiên Kim dựa mình vào má, suy nghĩ, rồi nắm tay má cười tươi:
· Má! Mình tặng cô bánh nha má. Má cho con tiền, ngày mai con qua rủ Toàn cùng mua bánh với con rồi hai đứa cùng tặng cô. Ý! Mà không được.
· Sao không được?
· Ngày mai con và anh Kiệt anh Kinh có giờ bơi. Hay mấy đứa con rủ Toàn đi bơi luôn được không má.

Thảo sung sướng, thơm lên trán con, thơm thật mạnh, thì thầm :
- Con gái thông minh, biết thương người. Con là con của ba má, Phan Thị Thiên Kim, con là con, con không cần phải làm theo bạn bè nếu con không biết chắc việc làm của bạn đúng hay sai. Con nhớ là người nghèo thường rất nhiều mặc cảm, con phải cẩn thận khi rủ Toàn đi mua quà chung với con. Tốt nhất là để cho Toàn lựa quà và hai con cùng đưa tặng cô giào

Thảo cầm quyển sách hình Thiên Kim đang xem dỡ, nói:
· Mình đọc quyển sách này nha!

Đã gần giờ cơm chiều, hai đứa con trai lớn đi học đàn sắp về. Nhưng Thảo không muốn xuống bếp làm cơm chiều vội. Thảo muốn ngồi với con gái út, con bé nhiều tình cảm, mau nước mắt, nhưng thông minh. Thảo hòa với con hát:

Quí thầy, quí bạn, buổi sáng rơi rơi.
Có hạt bụi nào rơi trên bục giảng.
Có hạt bụi nào rơi trên tóc thầy.
Em yêu phút giây này,
Thầy em tóc như bạc thêm,
Bạc thêm vì bụi phấn,
Co em bài học hay.
Mai sai lớn lên người,
Làm sao có thể nào quên,
Ngày xưa thầy dạy dổ,
Khi em tuổi còn thơ


Hai đứa con trai lớn học Piano về, tranh nhau khoe má
· Thày nói con đánh bài “Petite Melodie” có hồn lắm.
· Thầy nói con chơi bài “Joy” mà thầy muốn bước theo nhịp hành khúc này. Thầy nói con thích hợp với nhạc rock.
· Thầy dặn con mỗi ngày tập ba mươi phút mà thầy đâu có biết là mỗi ngày con tập cả tiếng đồng hồ.
· Thầy nói mình đánh mỗi ngày thì ngón tay mềm dẽo, đánh mới có hồn, tốt hơn là lâu lâu đánh một lúc hai, ba tiếng.
· Thì em tập mỗi ngày mà. Anh dành đàn hoài, em đâu có mà đánh được hai, ba tiếng một lần đâu.
· Mà ba chưa về hả má? Con đói bụng.

Thảo nhớ ra là mình chưa cơm nước gì cả. Thảo cười bảo với các con:
· Má ở tiệm về mệt, ngồi hát chơi với em, má quên luôn chuyện cơm nước. Thôi các con đi rửa mặt, rửa tay, nhịn đói một chút, chờ ba về rồi mình đi ăn phở.

Ba đứa con ngạc nhiên nhìn má. Đi ăn phở? Um... hạnh phúc quá! đứa con trai lớn đề nghị:
· Ăn phở Hiền Vương nghen má, phở ở đó tô to lắm, giá, rau tự do.

Bé Thiên Kim nũng nịu:
· Rồi mình uống nước rau má nha má.

Tánh dắt xe vô nhà. Bốn má con ngồi xem TV, chưa kịp hỏi thì bé Thiên Kim chạy ra:
· Ba! Mình đi ăn phở.

Tánh ngạc nhiên, nhìn vợ. Thảo Gật đầu, không giải thích rồi bảo chồng:
· Anh rửa mặt cho mát rồi mình đi, má con em đói lắm rồi.

Tánh hiểu vợ. Thảo không nấu cơm chiều mà cho cả nhà đi ăn phở vào ngày thứ ba là có chuyện gì đây, thế nào tối Thảo cũng kể. Gì chứ đi ăn phở là Tánh chịu liền.


Nằm gát đầu trên tay chồng, Thảo kể chuyện hồi chiều cho Tánh nghe. Tánh thở dài:
· Nhiều bậc cha mẹ vô tình dạy con thế đó. Dạy con là tiền bạc có thể mua được tình cảm, tiền bạc có thể mua được điểm cao, hạng khá. Sống trong cái xã hội mà đạo đức thoái hóa như thế này không biết con mình bị ảnh hưởng như thế nào đây, có bị xã hội loại bỏ không?
· Em nghĩ còn nhiều người suy nghĩ như mình anh ạ. Họ cũng ráng giữ được phần nào cái đạo đức căn bản, nhưng chắc họ cũng gặp nhiều rắc rối, dồn ép từ nhiều phía như mình. Làm sao giáo huấn được con trẻ như mình mong muốn khi con trẻ lớn lên trong môi trường mà mọi tầng lớp, mọi ngành nghề đã đánh mất đi cái tự tôn nghề nghiệp của mình. Khi học nghề mà không được học đạo đức nghề mình thì cũng chỉ sẽ thành những người thợ người thầy vô lương tâm. Chỉ nói trong ngàng giáo dục này thôi. Anh coi, trường học mà bán bảo hiểm, bảo trường. Thầy cô kết hợp với con buôn tìm mọi cách moi tiền phụ huynh. Cái lớp thầy cô này được đào tạo từ một nền học vấn bèo bọt, chỉ nổi lền bền, chỉ rêu rao thành tích, mà không có cội rễ. Một lớp giáo chức như thế thì làm sao có thể dạy cho con trẻ những môn gọi là công dân giáo dục thật thường ngày, thật giản dị.
· Cũng có những thầy cô tốt em à. Nhưng tội nghiệp cho những thầy cô này. Làm sao sống được trong cái nghề mô phạm lâu dài. Rồi thì cũng như mình thôi, bỏ ra buôn bán, khỏi phải khổ tâm, khỏi phải gây gổ với đồng nghiệp.
· Không phải ai cũng có điều kiện, được cha mẹ giúp vốn ra mở tiệm làm ăn như mình cả. Nếu bà nội không bán căn nhà cho mình vốn làm ăn thì giờ này mình vẫn phải bám cơ quan, bám vào guồng máy tham nhũng vô lương tâm đó mà sống.
· À! Tháng này hai thằng nhóc lớn đứng hạng mấy?
· Anh còn quan tâm đến thứ hạng của con à? Mình đã đồng ý với nhau mà. Chẳng thà để cho con mình đứng hạng thấp trong lớp còn hơn là dồn ép cho con học, hết khóa học này đến khóa học khác, quay con cả ngày. Mình đã đồng ý là thay vì cho con đi học thêm, dùng tiền đó để mua đồ chơi, mua sách cho con. Mình đã đồng ý là cho con phát triển tự do theo khả năng từng đứa trong sự hướng dẫn của mình. Con trẻ cần phả được phát triển nhiều mặt. Lối học từ chương ngày nay làm cho sự suy nghĩ của con trể trở nên thụ động. Trong trò chơi, con trẻ phát triển sự suy nghĩ, óc sáng tạo, sự khéo léo và chơi với những trẻ khác là để học hỏi, để học cách cư sử với nhau. Anh nhớ hôm họp đầu năm, ông hiệu trưởng nói sao không?
· Cha! Lâu quá làm sao anh nhớ nổi.
· Nghĩ mà buồn cười. Khi có một số phụ huynh cằn nhằn là nhà trường đòi hỏi các em học thêm nhiều quá, ông hiệu trưởng nói: “ Năm nay ngành giáo dục khuyến cáo việc dạy thêm ở những trường dạy hai buổi. Còn trường dạy một buổi thì bỏ lơ. Trường mình dạy một buổi, chương trình thay sách giáo khoa nặng nề. Phụ huynh nào có nhu cầu cho con đi học thêm thì đăng ký, không thì thôi, không ai dám ép.
· Nhưng chuyện tế nhị quá, không nói ra, ai cũng hiểu. Lủ trẻ ngày nay bị cù lưng, cận thị nhiều là vì thế.
· Còn chuyện này nữa. Tuần rồi họp phụ huynh, cô giáo giới thiệu hai người đại diện phụ huynh. Em ngạc nhiên hỏi là bầu đại diện phụ huynh hồi nào. Thì mấy người ngồi bên cười mỉa mai nói: “Đâu cần bầu, cô giáo đã chỉ định rồi.” Thì ra là mấy phụ huynh hăng hái đóng góp, có ý kiến cho học thêm thế này, cho con học thêm thế nọ, nên cô giáo cho làm đại diện cho dễ khiến. Em đành ngậm miệng. Nhiều chuyện chỉ tổ cho cô giáo dèm ép, đè con mình thôi.
Tánh buồn ngủ, ôm đầu vợ vổ vổ rồi hỏi:
· Sáng mai tới phiên ai dạy sớm lên chợ mở tiệm đây?

Thảo cười:
· Đến phiên ông đó ông ơi, đừng giả bộ quên.

Một lát sao, Thảo gọi:
· Mà anh này!
Không có tiếng trả lời. Thảo bực mình, xoay lưng , kéo tấm ra, cuộn mình lại. Tánh cười một mình.

Việt Nam, hè 2004

Võ Thị Điềm Đạm
vietnamlibrary.net

oc huong
#11 Posted : Friday, June 24, 2005 5:34:10 AM(UTC)
oc huong

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,180
Points: 0

Vũ Thị Thiên Thư ơi!
Làm sao post cái tựa đề và hình cho "nó" nằm ở giữa đây?
Chúc vui
Ốc Hương
Vũ Thị Thiên Thư
#12 Posted : Wednesday, June 29, 2005 1:16:37 AM(UTC)
Vũ Thị Thiên Thư

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,031
Points: 2,424
Woman
Location: Thung Lũng Lá Rơi

Thanks: 231 times
Was thanked: 87 time(s) in 84 post(s)
quote:
Gởi bởi oc huong

Vũ Thị Thiên Thư ơi!
Làm sao post cái tựa đề và hình cho "nó" nằm ở giữa đây?
Chúc vui
Ốc Hương



Chị Ốc Hương
Xin lỗi chị, Thiên Thư vắng nhà , trở về chưa đọc hết , nên không vào trả lời kịp lúc.
Cảm ơn chị Phượng Các báo tin
Chị Ốc Hương nhìn vào bên trên các bài , trong khung Định dạng có các chức năng chị Hightlight bài định gởi và cho vào centrered [ ô thứ 6 trong khung dó chị ] thì sẽ như ý .
Chúc chị thành công

** Thiên Thư thử đổi laị hai hình dùm Chị<
Đúng như ý cuả Chị chưa??/i>
oc huong
#13 Posted : Tuesday, August 2, 2005 7:39:39 AM(UTC)
oc huong

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,180
Points: 0

HAI MÁ CON NÓ



Đang lui cui nhổ cỏ đám bắp đã bỏ hột mươi ngày, cảm giác trễ nặng, âm ẩm đau càng lúc càng rõ hơn. Cái đau thúc quặn đến càng lúc càng đều, càng nhặt. Hồi sáng vừa húp xong tô cháo, cắn miếng khô cá nướng thơm ngon, cái đau thúc đến làm tay tôi rả rời. Từ đó cơn đau đến càng lúc càng đều đặn. Kinh nghiệm lần sanh Cái Phấn và Cu Nhân, tôi biết lần này Nó cũng đang cựa mình đòi ra khỏi cái khoảng bụng chật hẹp, tối um. Định bụng ra nhổ cỏ cho đám bắp đến chừng nào hay chừng đó, nhờ bà nội xấp nhỏ đi kêu chị Hai Dần đến giúp. Giờ thì chịu thua. Ráng ngắm những thân bắp non xanh đã vươn khỏi mặt đất, cao cũng được gang tay, mượt mà trông thật hứa hẹn. Tay đỡ cái bụng trệ xuống, tôi cố lê vô nhà. Chưa tới sân thì nước bật chảy xuông xả. Tôi có cảm tưởng như hụt chân, mất thế đứng, sức nặng cả người tôi bỗng dưng không còn nữa. Tôi bò lại gốc cây mít, dựa lưng vô thân cây, bàn tay luồn xuống đáy quần, ráng mở rộng bàn tay đầy đất nâu đỏ, bụm cửa mình. Miệng thét to: " Nội ơi! ra phụ tui." Không ai ở nhà hết sao? Đầu óc lờ mờ, tay bụm, cố hết sức mình, tôi lê được đến cửa sau.

Thắt lưng, quặn bụng, tôi cắn răng. Nó không chờ được nữa rồi. Cái đầu tròn trồi ra. Tôi tụt quần, ngồi bệt xuống, lưng dựa vô vách lá. Dang rộng hai chân, hai tay kéo nhè nhẹ cái đầu nhỏ như trái cam, lôi cả Nó ra. Tôi vội bốc lớp nhầy nhựa bao quanh người, quanh đầu Nó. Quẹt chùi bàn tay đầy đất vô ống quần, tôi thọc ngón tay đen vô miệng Nó, móc hết chất nhờn ra. Nó khóc thét lên. Vạch hai chân Nó, nhìn. Con gái mà to giọng! Cẩn thận luồn tay vô cửa mình, luồn sâu vô, tôi cố móc hết những gì có thể móc ra khỏi. Nếu còn sót lại là bịnh chết, người ta nói vậy. Bây giờ làm sao cắt dây nhao lòng thòng đây? Hai chân tôi không đỡ nổi người tôi. Tay ôm Nó, hai cùi chỏ chống xuống đất, tôi trườn lại cái xẻng ai để dựa vách nhà. Một tay ôm Nó, một tay với cái xẻng, cáng xẻng rơi mạnh xuống. May hồn! Cáng xẻng không đập xuống đầu Nó. Cắt Nó ra khỏi dây nhao, tôi nhẹ nhõm. Cột thắc sợi dây nhao, tôi cởi cánh áo vải bụi bậm đang mặc, bao Nó lại. Nhìn kỹ. Con này chắc trắng trẻo đây, da đỏ hỏn. Lạ một điều là khi tôi bao tấm áo quanh người nó thì nó khóc thét lên. Bỏ tấm áo ra thì im re. Tôi đưa vú cho Nó bú. Con này coi háo ăn quá! Miệng Nó chơm chớp, nút không kịp thở. Sang qua vú bên kia, hai mẹ con thiếp dần dưới nắng trưa vô tình đang lên phía sau rặng núi xa xa.

Bà nội tụi nhỏ nấu nước tắm cho nó và rửa mình tôi. Con này khó chịu! Tắm mà khóc la đỏ cả người. Tôi sót ruột, dành tắm Nó. Da Nó sao lạ quá! Đỏ hỏn người, đụng tới đâu, khóc tới đó. Tắm lè lẹ, lấy cái khăn lông lau cho Nó, mặc cái áo vải của Cái Phấn tôi để dành từ khi thằng Cu Nhân biết lẫy. Nó dẫy, Nó thét. "Thôi thì cho mày ở trần ở truồng khỏi tốn tiền quần tiền áo!" Tôi bực mình rủa Nó. Từ đó, tôi không thiết tha đến chuyện tắm rửa thường xuyên cho Nó. Cả tháng trời tôi mới nhớ, mang Nó thau nước. Mấy đứa khác, mỗi lần tắm thì quơ tay quơ chân vui thích, còn con này, Nó dẫy ngược. Khi tôi lấy cái gáo xối nước lạnh lên người Nó, khóc thét. Chà xà bông vô tay cho nổi bọt, tôi thoa vô người Nó. Lại thét to. Bực mình, tôi xối nước lên người Nó, xối luôn một gáo lên đầu. "Cho mày khỏi la, con cóc ở dơ!" Tôi rủa Nó, đặt Nó lên tấm chiếu trong nhà, không quần không áo, nắng gió làm khô người Nó. Không hiểu sao tôi lại kêu Nó là "con cóc". Chắc tại lớp da của Nó càng ngày càng khô, hình như đóng vẩy nữa hay sao đó.

Cặp vú tôi teo lại từ khi tôi bỏ không cho Nó bú. Thì giờ đâu mà ngồi cho bú ngày cả chục bận. Mà sữa tôi cũng không bổ béo gì. Mùa bắp năm đó bị sâu. Trái nào cũng bị sâu không ăn ở đầu thì ăn ở mình. Trái nào trái nấy cũng teo đầu teo bụng. Không bán được bao nhiêu, đành treo trên dàn bếp chờ khô, để dành ăn dậm thêm cơm. Bữa cơm miếng rau miếng muối qua ngày. Hôm nào được tiền công nhiều thì chút cá chút mỡ, tô cơm đầy đặn. Hai vợ chồng và ông nội sắp nhỏ ngày ngày đi làm mướn. Ai kêu đâu làm nấy. Ở nhà, có gì bà nội cho ăn đó. Khi thì nước cháo pha chút đường, khi thì nước rau luộc cho thêm chút mỡ beo béo, không thịt không thà, không cá không đậu. Trên cái chiếu rách tả tơi, Nó nằm lăn qua lăn lại, trần truồng. Da Nó đóng vẩy càng lúc càng dầy. Lớp vẩy khô rơi trắng li ti trên tấm chiếu thâm đen mồ hôi.
Một tuổi rồi mà chưa biết ngồi, cả ngày nằm ngó người qua, kẻ lại, miệng mút ngón tay cái. Một tuổi mà người nhỏ teo như con nít hai ba tháng, chỉ có cái đầu là bự. Cái miệng cười thấy mà thương. Tối ngủ cũng dễ, đắp cho cái mền rách là Nó nằm lăn ra tấm chiếu trải dưới đất ngủ một giấc tới sáng. Cho gì ăn nấy. Đôi lúc thấy tội, tôi ôm Nó, cho Nó nhai cái vú đã teo không còn chút sữa. Bàn tay nhò xíu bấu lấy da tôi, miệng nhay nhay cái đầu vú đen, ánh mắt sáng như cười. Hai chân Nó nhịp nhịp như ráng hưởng thụ giây phút hiếm hoi này. Nó thèm nhay vú. Nó thèm nắm chặc ngón tay cái tôi chai cứng. Nó thèm ánh mắt tôi nhìn xuống Nó... Nhưng làm sao tôi có thì giờ mà ngồi day dưa với Nó? Biết bao nhiêu công chuyện đang chờ tôi. Những lúc đi ngang Nó, ra thẳng bếp, thẳng ra sân, tôi biết là ánh mắt Nó bám theo tôi. Thương đó rồi quên ngay đó.

Hơn hai tuổi, chỉ biết lật, nhỏ tẹo. Bây giờ Nó đã biết bập bẹ "ba... ba... mam...mam..." Cái Phấn coi cũng thương em, la cà lại cười cười nói nói với Nó, tập Nó nói. Nhưng người lớn không cho cái Phấn, cu Nhân lại gần Nó. Nhiều người bắt đầu thắc mắc về lớp da hình như căng căng dưới lớp vẩy khô. Họ biểu Nó bị một chứng phong cùi lở lói gì đó, lây dữ lắm. Người thì biểu đó triệu chứng của phong cùi. Người thì biểu Nó bị phong vẩy, lây mạnh lắm. Chỉ cần mấy miếng vẩy nhỏ li ti rớt trên tấm chiếu bám vô người cũng bị lây. Ông nội biểu tôi đem nó ra trạm y tế cho người ta coi nhưng tôi sợ. Đi ra trạm là tốn nửa ngày làm, tốn tiền này tiền kia. Thôi thì kiếm lá cứt chồn đâm nhuyển, đắp lên người Nó coi có bớt không. Người này bày đắp lá này, người kia bày đắp củ nọ, tôi nghe theo, làm theo, thiết rồi tôi chán, không thèm làm gì nữa. Kệ, tới đâu thì tới. Con nhà nghèo mà có người chỉ vẻ mua kem thoa. Từ thủa cha sanh mẹ đẻ, tôi có biết tới hộp kem gì đâu. Có hôm xuống chợ, ngang mấy quầy hàng bán son phấn, đứng xa nhìn, không dám lại hỏi. Người ta cười cho bẻ mặt. Hỏi mà không có tiền trong túi thì hỏi làm gì.

Thiệt khổ, năm nào không có nạn sâu rày thì cũng hạn nắng khô, mưa lủ... Nhà có miếng rẫy dưới chân núi không đủ nuôi bảy miệng ăn. Cha mẹ chồng, vớí ba đứa con, bây giờ tôi mang thêm cái bầu nữa. Cái bụng tôi càng bự thì tôi càng không dám lại gần Nó, sợ Nó lây. Giờ thì Nó ngồi được rồi. Lạ một điều là Nó có giọng nói thiệt dễ thương, nhẹ như gió. Mà sao Nó biết nói, thiệt tình tôi đâu có biết. Chắc Nó lóng nghe người nhà nói chuyện với nhau. Những lúc đưa cho nó chén cơm, tô cháo, lúc vui thì tôi biểu: "Ăn đi con!", lúc bực bội thì tôi dằn chén cơm xuống trước mặt Nó, biểu: "Ăn đi!" Vậy chớ mà lúc nào Nó cũng cười nói: "Cơm ngon má !", "Canh chua ngon má !", "Khoai lang ngọt má !"... Nụ cười, giọng nói của Nó đôi khi làm tôi mủi lòng, muốn ngồi xuống, ẵm Nó lên, nhưng không dám. Da Nó đóng từng lớp vẩy như lớp nến trắng, trốc khô rơi rãi rác trên cái chiếu thâm đen. Làng xóm cứ nhắc tới nhắc lui mấy chữ phong hủi, phong cùi, vẩy nến... Ai cũng biểu tôi phải cẩn thận hơn vì khi mang bầu, nếu bị lây phong hủi của Nó là không xẩy thai thì sanh thiếu tháng, thì đứa nhỏ trong bụng bị lây theo.

Lúc này người ta không dám lại nhà tôi, cũng không cho con cái lại chơi với cái Phấn, cu Nhân, sợ bị lây. Nhiều người chỉ đứng ở ngoài nói chuyện. Mấy người trong làng biểu đào hố, đổ vôi, rồi chôn Nó, cho chứng phong da hay phong hủi mà tôi không biết là gì nữa khỏi lan trong gia đình, trong xóm trong làng. Trời ơi! Không phải con của họ nên họ nhẫn tâm như vậy. Họ không thấy ánh mắt Nó vui khi có người đi ngang, khi có người cho Nó cái bánh, củ khoai, tô cháo... Họ không thấy miệng Nó cười. Họ không nghe tiếng Nó nói. Họ không nghe tiếng Nó rên hư hử những khi đêm khuya lạnh quá hay đói quá. Họ không nghe tiếng Nó kêu yếu ớt khi nó bị lên cơn nóng... Khi họ biểu như vậy, họ có biết là Nó sẽ ngợp thở trong đống vôi trắng, Nó sẽ vùng vẫy, la khóc. Vôi trắng sẽ tràn vô miệng Nó làm Nó ho, Nó sặc, Nó nghẹt thở, tay chân Nó quờ quạng trong đống vôi trắng, lịm dần... Ba Nó, Bà Nội Nó, Ông Nội Nó ai cũng sót sa khi người ta biểu chôn Nó trong hố vôi. Tối đó, nước mắt tôi chảy hoài chảy hoài, tôi không muốn lau. Tôi thương cái Phấn, tôi thương cu Nhân, tôi lo cho đứa nhỏ nằm trong bụng, sợ cả nhà bị lây. Nhưng tôi biết làm sao bây giờ? Tôi thương Nó đứt ruột. Tôi ngu dốt nhưng tôi cũng biết thương con như bất cứ con vật nào trên thế gian này. Còn đem lên bệnh xá! Nghe đến tiếng bệnh xá là tôi lạnh lưng thắt ruột. Bỏ cả ngày công, tiền xe. Một mủi thuốc là cả ngày gạo. Lỡ người ta biểu ở nằm lại bệnh xá, tiền thuốc, tiền men, tiền ăn , tiền uống... trăm thứ, biết chạy đàng nào. Không có cái gì miễn phí hết. Thôi thì thí mạng cho Phật Trời, tới đâu hay tới đó. Cái Phấn, cu Nhân bệnh hoạn có bao giờ đưa đi bệnh xá đâu, rồi cũng xong, cũng lớn.

Ba Nó làm một cái chòi, trên đường lên rừng, cách nhà chắc chừng hai trăm mét. Phải xa nhà như vậy để gió không thổi lớp da khô, vẩy nến, sợ lây cả nhà, hàng xóm. Căn nhà sàn cất cao độ một mét, dài mét rưởi, ngang hai mét, dưới bóng cây cẩu tàu già. Chung quanh vách tre coi cũng chắc khín, không sợ gió lòn, nắng chiếu. Trải chiếc chiếu, ẵm Nó ra đó, Nó không hiểu gì hết. Được ra ngoài, mặt Nó tươi, miệng Nó hỏi liên hồi: "Má cho em chơi ở ngoài hả má?", "Má cho em chơi lâu nghen má.", "Em muốn ra ngoài".... Tôi không nói không rằng. Thở dài! Bốn tuổi mà chưa biết đi, chỉ biết lết. Con chó Đốm chạy theo, nhảy phóc lên sàn nhà như chờ đón người bạn nhỏ. Đặt Nó lên sàn nhà, dặn: "Con đừng lết ra cửa, té con nhé!" Luẩn quẩn làm công chuyện sau nhà, cố lắng nghe động tịch. Tiếng Nó cười với con Đốm văng vẳng làm tôi nuốt ngược cái cục nằng nặng trong cổ họng, tay quyệt dòng nước mắt chảy ra hồi nào, môi tôi mặn chát.

Chiều tối, mang theo cái mền cũ rách Nó thường đắp, đưa cho Nó chén cơm chan chút nước cá kho và con cá khô nướng, ly nước lạnh, tôi dặn: "Má đóng tấm phên lại, con ăn xong rồi ngủ nghen con! Đừng mở cửa ban tối" Nó không hiểu gì hết, giọng Nó nhỏ nhẹ: "Dạ!" Tôi quay lưng đi nhanh vô nhà. Khoảng cơ thể giữa bụng và lồng ngực thắt lại, đau đớn quá trời ạ! Lạy trời thương con, tha thứ cho con. Con mèo còn biết cắn cổ con, lôi con đi tìm chổ dấu khi nó biết cái ổ của má con nó bị người ta khám phá. Con chó biết ủ con nó trong ổ rơm. Con gà còn biết dang cánh cung cúc kêu đàn con chui dưới bụng để nó ủ khi trời về chiều. Còn con, con cho Nó ngủ một mình trong đêm tối lạnh căm, Nó yếu đuối, Nó không tự vệ được với bất cứ một hiểm nguy nào. Tim con thắt đau trời ạ!

Chồng tôi lăn trở người thở dài, tôi dấu mặt vô vách khóc. Tiếng khóc kêu từ căn chòi phía sau nhà văng vẳng, tiếng bà nội âm ức cố nén ngoài bộ ván, tiếng gió đập vào phên cửa trước, lòng tôi như thiêu như đốt. Chợm ngồi dậy nhưng chồng tôi ấn tôi trở lại. Tôi xoay lưng vô vách, cắn chặt răng, nắm chặt tay, đâm ra giận chồng, giận mẹ chồng, giận cha chồng: "Mấy người bày chuyện đem con tôi ra chòi, mấy người đâu có mang nặng đẻ đau như con này, mấy người đâu có ẵm Nó lần nào đâu, mấy người đâu có cho Nó bú.... Mấy người đâu có thương Nó bằng tôi thương Nó...." Nghĩ đến trời tháng mười tối đen, khí trời căng cắt lạnh, Nó nằm một mình trong cái chòi, tôi ức lên.

Trời tối quá, sao má không ra ẵm em vô nhà? Im quá làm em sợ. Em khóc kêu nãy giờ mà không ai nghe hết sao? Em mệt, em run, em lết lại gần tấm phên. Em không dám đẩy tấm phên, má dặn hồi chiều, lỡ té xuống thì sao. Nhắm mắt, không dám nhìn qua mấy khe nhỏ ở vách. Má ơi! Bà ơi! Ẵm em vô nhà! Em không khóc nữa đâu. Em không than lạnh đâu. Ẵm em vô nhà, em sợ, em đái. Nước đái len qua tấm chiếu, chảy xuống. Em nghe tiếng nước đái nhỏ từng giọt từng giọt. Có ai đi đến gần phải không. Má phải không má? Bà phải không Bà? Không phải má, không phải bà. Tiếng gì vậy? Tiếng chân ông Ba Đìa chuyên ăn thịt con nít hay khóc như chị Phấn thường nhát em? Em không dám khóc nữa. Ông Ba Đìa nghe tiếng em khóc, ông lại, ông bắt em vô núi. Sao em không nín khóc được, tiếng nức nỡ ưng ức cứ tràn khỏi ngực em, tràn ra cổ em, tràn ra miệng em, em ráng ngậm miệng lại. Kéo cái mền má nhớ đưa cho em, em trùm khỏi đầu cho ông Ba Đìa không nghe tiếng em ấm ức. Chắc má ngủ quên, chút má dậy, má ra ẵm em vô.

Sáng sớm, chưa kịp rửa mặt, tôi vội ra ngó chừng Nó. Thấy Nó nằm chèo queo, cái đầu to nằm sát tấm phên, tội con tôi quá! Nắng lên, đem cho Nó tô cơm, tôi nhịn nửa con cá kho để trên tô cơm cho Nó mừng. Nó không nhìn tô cơm, ánh mắt Nó như cầu khẩn, Nó hỏi:
- Má có ẵm em vô nhà nha má? Tối lắm má!

Tôi ứa nước mắt. Tôi đành nói với Nó:
- Từ đây con phải ở luôn trong cái chòi này.
- Sao vậy má? Em sợ lắm!

Tôi dỗ dành:
- Con ráng chịu. Má sợ con lây bịnh phong lỡ cho anh chị, cho em bé.
- Em sợ lắm má. Em không lây cho anh chị đâu má. Má cho em ngủ trong nhà. Em không đái dầm đâu.
- Không được đâu con.
- Em sợ ông Ba Đìa. Ông Ba Đìa bắt em vô núi.
- Không sao đâu con. Má nằm trong nhà nhưng má canh chừng cho con. Má cho con Đốm ra ngủ với con nha!
- Dạ. Em ngủ với con Đốm.

Tiếng khóc âm ử của Nó tiếp tục ám ảnh tôi mỗi đêm, lâu lắm. Ban ngày thì đỡ hơn. Nó lết lại gần tấm phên cửa, ngoái đầu ra cố nhìn vô nhà. Ai đi ngang qua nó cũng hỏi: "Ông đi lên rẫy hở ông?", "Má đi ra ruộng hở má", "Chị Phấn đi đâu đó? Thương lắm! Cho gì ăn nấy, không dám dòi, không dám than, không dám khóc. Thỉnh thoảng nghe tiếng Nó cười với con Đốm, tim tôi như nghẹt lại vì tiếng cười trong thanh vô tư. Nhiều khi tôi muốn ẵm Nó vô nhà chơi chút xíu hay lại dọn rửa cái chòi nhưng không dám, sợ nó lây tôi rồi tôi lây sang mấy đứa khác, nhất là thằng Bé. Thôi! Nó còn ăn, còn khóc, còn cười ngày nào là tôi mừng ngày đó. Không chôn Nó xuống hố vôi là tôi đỡ đau lòng rồi.

Bây giờ thì em không khóc nữa. Em biết là em sẽ ở đây luôn, không được ẵm đi đâu hết. Em ăn ở đây. Em đái ở đây. Em ỉa ở đây. Tấm áo này là tấm áo thứ hai má đưa cho em thay kể từ khi má ẵm em ra đây. Mỗi ngày, có khi bà, có khi chị Phấn, có khi má đem cho em lúc thì củ khoai, lúc thì trái bắp, lúc thì chén cơm, có khi được miếng bánh đa, có khi được một viên kẹo bòn bon... Có hôm chị Phấn đứng ở ngoài hỏi em có khát nước không, tối qua có lạnh không, tối qua mưa có tạt vô không... Mỗi lần có người hỏi chuyện em là em mừng lắm. Còn không là em chỉ nói chuyện với con Đốm. Nó cụp đuôi, nó quẩy đuôi, nó hầm hừ, nó kêu hư hử... làm đủ trò. Mỗi lần em ỉa là nó liếm sạch. Nhưng nó không biết liếm khô cái chiếu em đái nên em phải nằm chiếu ướt hoài thôi. Bây giờ thì em biết rồi, em lết lại một góc sàn để ỉa để đái cho khỏi ướt chiếu, tối ngủ không bị lạnh. Từ từ rồi em cũng quen. Nhưng em còn sợ ban đêm. Em có sợ thì ban đêm cũng tới sau khi em ăn xong chén cơm chiều. Sao chỉ vào ban đêm mới có nhiều tiếng động lạ lùng dễ sợ. Tiếng mèo kêu như tiếng em khóc những lúc em đói, em lạnh, em sợ vào buổi tối. Tiếng chó hú rợn người, như hú kêu ông Ba Đìa, bà Ma Trơi đến bắt em đi. Sao chỉ những lúc trời tối um em mới nhớ má, nhớ bà, nhớ chị Phấn... Em sợ nhất là những đêm mưa. Tiếng mưa rào rào làm em tưởng như mái nhà xụp xuống, đè bẹp em. Tiếng mưa rỉ rả thì làm em chờ hoài mà mưa không chịu ngưng. Tiếng sấm, chớp tóe xuyên qua khe vách làm em sợ đái ướt cả chiếu, ngủ lạnh run.

Gần bốn năm trôi qua, bây giờ Nó tám tuổi rồi mà to không hơn đứa con nít mới lên hai. Cái đầu bự, cặp mắt sáng, cái miệng cười thấy thương lắm. Chỉ phải cặp chân nhỏ tí teo, chắc chắn là không biết đi rồi, chỉ lết. Được cái lúc đầu, con chị Nó, bà nội Nó thường ra rừng, đứng ở ngoài chuyện trò với Nó những lúc rảnh rỗi. Bởi vậy Nó nói năng cũng lưu loát tuy không bằng những đứa con nít trang tuổi. Nhưng rồi cũng không ai dư giờ mà lân la trò chuyện với Nó nhiều. Công chuyện đầu tắt mặt tối, thét rồi không ai nhớ tới Nó mỗi ngày nữa. Có Nó cũng được, không có Nó cũng xong. Nó ăn không bao nhiêu, cho gì ăn nấy, không đèn, không mùng màn, chỉ có tấm chăn mỏng và cái chiếu thâm đen rách tả tơi. Vậy mà Nó cũng sống được cho đến ngày hôm nay, thiệt là trời sanh voi, trời sanh cỏ. Trời thương Nó! Trong nhà, mình tôi và con Đốm là ra vô với Nó. Mấy lần tôi phải làm dữ lắm để chồng tôi không làm thịt con Đốm. Ổng hâm, ổng dọa, hàng xóm nói ra nói vô. Tôi kiên tâm.

Tôi không còn giận dữ khi chồng tôi đòi làm thịt con Đốm lần này. Tôi chỉ tủi thân, thương cho Nó, giận chồng tôi. Ông ấy không biết con Đốm là nguồn an ủi cho Nó sao? Sao ông ấy vô tình đến vậy. Biết là nuôi con Đốm là để làm thịt chớ không phải nuôi chơi cho vui, có được miếng thịt cho cả nhà, trả nợ miếng ăn hàng xóm đã mời hồi trước, bán được chút tiền. Nhưng rồi tối Nó phải ngủ một mình, tội quá đi! Chồng tôi năn nỉ, hứa sẽ mua một con chó con liền. Tôi biết xử làm sao bây giờ đây?

Mùi thức ăn gì mà thơm quá, em thèm chảy nước miếng. Chắc là mùi thịt. Ước gì má đem cho em một tí. Sao bụng em cồn cào, nước miếng cứ ứa ra. Lạy Trời má nhớ đến em, đem cho em chút thịt ăn với cơm.

Nó nhìn tô cơm đầy nhóc, tô canh có hai miếng thịt nâu đỏ ngon lành nằm chênh vênh trên hết, nước béo màu vàng óng, thơm phưng phứt, hỏi:
- Má đem thịt cho em hở má? Thịt ngon lắm má. Bữa nay cơm nhiều má, thịt nhiều má.
Ngực tôi thắt lại, tôi để tô cơm tô canh xuống rồi quay bước nhanh vô nhà, sợ nó hỏi tiếp.

Em để dành cục xương cho con Đốm. Cục xương chỉ còn dính chút mỡ bày nhày em không rứt ra được. Thôi kệ, cho con Đốm. Mà sao cả ngày nay nó đi đâu mất tiêu. Thường đi kiếm ăn ở đâu, lâu lâu nó cũng về quẩy quẩy cái đuôi, liếm mặt em cho em vui rồi lại chạy đi nữa. Hôm nay em chờ nó hoài. Em buồn. Nó đi đâu mất tiêu, cũng không có ai đi ngang cho em nhìn. Không ai ngó đến em hết trơn. Cục xương nằm đó chờ nó. Trời sắp tối rồi, đi đâu nó cũng phải về với em chớ.

Em lạnh. Mọi hôm có con Đốm nằm kế bên, em nằm sát cái thân thể nó ấm áp, đỡ lắm. Gió thổi mạnh. Tấm phên lỏng lẻo cứ đập phành phạch, gió lòn vô từng cơn. Em không muốn kéo tấm phên lại cho kín. Em chừa đủ chỗ cho con Đốm chui vô. Em phải lết lại góc gần chỗ em hay ngồi đái ỉa để tránh gió. Gió mạnh quá làm em không lắng tai nghe ngóng tiếng chân con Đốm được, không đánh được hơi nó. Em không dám khóc. Ngực em nghẹn lại. Không biết nó đi đâu xa lắm hay sao mà không về kịp. Rồi tối nay nó ngủ ở đâu. Tội nghiệp nó. Chắc nó cũng nhớ em như em nhớ nó.

Thôi em biết rồi, con Đốm bị làm thịt ăn rồi. Tô cơm có hai miếng thịt hôm kia má đem cho em là thịt con Đốm. Cục xương nằm kia là xương con Đốm. Không ai ăn cứt em hết. Em buồn quá! Không có con Đốm, không ai liếm mặt em, không ai nằm kế bên cho em ấm, không ai quẩy đuôi với em, không ai kêu ẳng ẳng cho em cười...

Không có con Đốm, không ai chuyện trò với em, không ai giỡn với em, tối ngủ lạnh lẽo một mình. Em buồn quá! Em chỉ có mình nó.



Nhìn gương mặt Nó rạng rỡ khi tôi đem con chó con mới mở mắt ra căn chòi của Nó, tôi biết tiền tôi ráng để dành cả tháng nay không phí phạm. Nó ôm cứng con chó vô lòng hỏi:
- Má cho em hả má?
- Ừ.
- Má cho em hả má. Má cho nó ngủ với em nha má.
- Ừ.
- Nó tên gì vậy má?
- Má không biết. Thôi kêu nó là con Đốm đi nghen.
- Dạ, con Đốm Em.
- Ừ Đốm Em.


Không biết ai kể cho ngoài trạm xá. Chú Tiến tự động lặn lội băng suối, băng đồi, qua biết bao đám ruộng, lên nhà, hỏi thăm chuyện Nó. Chú muốn coi Nó. Chú lắc đầu nói:
- Tội nghiệp cháu quá! Theo tôi nghĩ, cháu không bị phong cùi đâu. Tôi không biết là chứng gì, tôi sẽ về quận, hỏi một vài người bạn coi sao. Nhưng tôi chắc chắn là bịnh của cháu không lây đâu. Anh chị đừng để cháu ở một mình. Chị phải tắm rửa cháu, nhưng đừng tắm cháu ngoài suối. Nấu nước nóng với lá chanh hay lá gừng mà tắm cho cháu. Chị phải tắm cho cháu mỗi ngày để lớp vẩy tróc ra từ từ. Chừng vài tuần nữa là tôi lên lại.

Chú Tiến về rồi. Hàng xóm đến, người bàn thế này người bàn thế kia:
- Nhìn Nó vậy mà chú ấy biểu là không phải phong cùi.
- Đem Nó vô nhà mà chưa có thuốc men gì hết, lỡ Nó lây cho mấy đứa khác là khổ thêm.
- Chú ấy nói chú ấy không biết bịnh gì mà sao chú dám quả quyết là không lây.
- Chú hứa là hứa vậy chớ biết chừng nào chú ấy lên lại. Công đâu mà chú lặn lội lên xuống.
- Hay là chị chờ chú lên lần nữa, coi chú có tìm ra bịnh tình của Nó, có tìm ra thuốc men gì không.
- Ờ! Chị đừng đem Nó vô nhà sớm. Nó ở ngoài đó bốn năm nay rồi, khỏe mạnh như trâu, có sao đâu. Chờ tháng nữa có bao lâu đâu, cho chắc ăn.
- Thấy cũng tội, nhưng ráng chờ chú lên lần nữa.

Cứ thế, tôi chần chừ. Thôi thì chờ cũng được.

Hồi sáng có một người lạ lại, đứng ở ngoài xa xa, biểu em ra ngồi ở ngạch cửa, cởi cái áo ra cho ông coi người em. Xong rồi ông cho em một cái bánh to. Lần đầu tiên em được ăn một cái bánh một mình. Em ráng nhín chút xíu cho con Đốm Em tại nó nhìn em lom lom, cái đuôi nó quây quẩy, em thấy tội. Hôm nay em thấy vui vui lạ. Chắc tại có người hỏi thăm em, nói chuyện về em. Em biết. Tại vì ông đó, ông nội, ba, má đứng nói chuyện với nhau mà cứ quay nhìn em hoài. Gương mặt ai coi cũng vui. Ánh mắt ai coi cũng hiền.

Đứng hóng chuyện hai người đàn ông với ông nội cháu và ba cháu, tôi hiểu là Nó may mắn rồi đây. Tôi còn nhớ như in lời mấy người đó nói chuyện:
- Tôi đã đưa mẫu da khô, vẩy nến hỏi mấy ông bác sĩ, họ bảo không phải phong hủi.
- Chú chắc là không lây?
- Tôi bảo đảm, không lây. Anh chị phải đem cháu vô nhà.
- Chị phải tắm cho cháu như tôi dặn kỳ trước.
- Rồi cháu có đi được không chú?
- Chắc không đâu. Cháu bị suy dinh dưỡng nặng quá rồi. Điều quan trọng là đầu óc cháu phát triển như một đứa bé bình thường. Cháu chỉ cần tiếp xúc với mọi người.
- Cháu bị bịnh này từ hồi mới sanh chú ạ! Lậm quá rồi, không biết trị có dứt hay không.
- Thì cứ ráng. Tôi không bảo đảm là sẽ trị dứt. Nhưng sẽ bớt từ từ. Chúng tôi sẽ nhờ bạn bè tìm cách giúp cháu. Cháu bị như vầy là do hồi nhỏ, da cháu nhạy cảm rồi bị nhiễm trùng. Không tắm rửa, không trị ngay từ lúc đầu nên mới ra nông nổi này.
- Chắc chắn là không lây. Anh chị cứ an tâm đem cháu vô nhà.


Người ta đi hết rồi mà em cũng còn tưởng như em đang nằm mơ. Giấc mơ dài lắm. Có một người đàn ông lạ đi với người đàn ông hôm trước lại thăm cho em nguyên cả cái bánh. Ông nội, ba đi với họ lại gần chỗ em ngồi. Sao mấy người đàn ông lấy tay che miệng che mũi lại khi đến căn chòi của em? Sao mấy người đó không dám đứng gần chòi em? Ông nội phải ẵm em vô nhà. Em cởi áo cho người ta coi cả người em. Một ông lấy cây khều khều cho lớp da khô rớt ra rồi bỏ vô một cái bị nylon. Mấy người đó cho em một cái áo mới, một bị bánh lớn lắm. Mừng quá! Em cũng nhớ cám ơn nữa đó. Chị Phấn, anh Nhân đứng gần đó nhìn bị bánh lớn, coi bộ thèm. Em đưa bị bánh cho chị Phấn. Chị hiền với em. Chị mở bị bánh lấy một cái, cho anh Nhân một cái, cho em bé bà đang ẵm một cái, còn bao nhiêu chị đưa lại hết cho em. Bánh ngon, ngọt, béo, thơm nữa. Nhưng em thích nhất là mấy người đó khen em giỏi, mấy người đó nói chuyện về em thiệt là lâu. Trước khi đi về, một ông đi lại gần em, nói: "Các chú sẽ cố gắng tìm cách chữa bệnh cho cháu, cháu ngoan lắm!" Em nhìn theo mấy người đó cho đến khi không còn thấy màu áo xanh của ông đi sau cùng.

Đêm nay em được ngủ trong nhà, trên chiếc chiếu trải dưới đất kế tấm phản bà nội nằm với chị Phấn và anh Nhân. Cả nhà nói chuyện vui vẻ. Ai cũng cười. Nhất là má em. Má em mắng yêu em: " Con cóc này may lắm đấy!" Em thấy mắt má có chút nước mắt. Má vui sao má khóc?



Lời người viết:

Viết từ nổi xúc động khi đọc bài phóng sự về em bé Nông Văn Phương, tám tuổi, ở Hà Giang, bị cô lập trong rừng từ khi em được bốn tuổi. Vì nghèo, vì kém học, không hiểu biết, ba má em đã cắn lòng đưa em ở trong một căn chòi bên mé rừng để bịnh em không lây mọi người. Bài phóng sự đăng trên điện báo Người Việt Online ngày 23. 05. 2005.
Trong khi bên ngoài thế giới với nền kỹ thuật cao, nền y học rộng rãi vô lường, truyền thông nhanh chóng... thế mà vẫn còn tìm thấy những mẫu chuyện thương tâm như thế này, những mẫu chuyện tưởng như chỉ xẩy ra hơn hai trăm năm trước. Tôi tự hỏi: Tại sao? Có phải vì kém học, có phải kém học vì nghèo? Và cái nghèo của người dân, cái kém hiểu biết của người dân, trách nhiệm ở nơi ai? Chữ "nhân quyền" có được cấp lãnh đạo ở đất nước mà em Nông Văn Phương và nhiều em tương tự đang sống lưu tâm đến hay không? Quyền được ăn đủ no, quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền được giáo dục, quyền được hiểu biết... đó là những quyền căn bản tối cần cho bất cứ một người dân trên bất cứ một lãnh thổ nào, đã được thế giới công nhận và chọn ngày 10.12 làm Ngày Quốc Tế Nhân Quyền.


Võ Thị Điềm Đạm
Vietnamlibrary.net




oc huong
#14 Posted : Friday, October 14, 2005 4:06:36 PM(UTC)
oc huong

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,180
Points: 0

Võ Thị Điềm Đạm

BƯỚC CHÂN LÃNG TỬ






Sau năm ngày ngợp mắt vì cái đồ sộ, to lớn, vĩ đại, hào nhoáng, trăm vẻ, ồn ào, ... (còn chữ nào nữa không nhỉ?), có hết những thứ đã thấy trong phim ảnh của thành phố New York, bốn người chúng tôi, những người Viking Na Uy nhỏ bé hiền hòa (xin nhấn mạnh: không phải bốn chúng tôi nhỏ bé hiền hòa mà là nước Na Uy của chúng tôi nho nhỏ nhu mì: Norway được cái hân hạnh là nơi tổ chức trao giải thưởng Nobel Hoà Bình mỗi năm vì trong lịch sử thế giới, Norway chưa bao giờ gây lộn, đánh lộn với bất cứ một quốc gia nào), chúng tôi đáp máy bay đến Phoenix, Arizona để chuyển máy bay đến Tucson. Ngay từ trong khuôn viên phi trường, những hình ảnh hơi là lạ đã bắt đầu gây ấn tượng nơi chúng tôi: Những hàng hóa bày bán đều mang hình ảnh đủ loại cây xương rồng xấu xí, con kỳ nhông, kỳ đà thiệt là bình thường và nhất là dáng vẻ tự nhiên của mọi người với cái nón "cao bồi" trên đầu. Lúc đầu tôi tưởng vài người nào đó làm dáng (Tôi cười thầm: Hừm...nón cao bồi có gì mà làm dáng !!!) Dần dần, năm, mười phút sau tôi mới hiểu là cái sự đội nón cao bồi trên đầu ngay cả trong phi trường có máy lạnh là một chuyện tự nhiên hết sức tự nhiên của người dân Arizona, xứ nắng khô đồng cháy đã mời chúng tôi đến thử làm cao bồi ở một cái "ranch" trong một tuần lễ. Tôi quan sát các kiểu nón và gật đầu công nhận là cũng có vài kiểu nón phù hợp với cái tính hay làm điệu làm dáng bề ngoài của tôi. Tôi thầm chấm một kiểu: Kiểu nón vẫn mang dáng vẻ cao bồi nhưng được đan bằng những cọng lát mỏng trắng ngà, cánh nón rộng, mịn màn, vừa ngầu vừa mỹ miều. Sẽ mua kiểu này!

Lạ lùng! Cái xứ gì mà 150 km đường xa lộ, từ phi trường Tucson đến Grapevine Canyon Ranch không một tàn cây bóng mát, chỉ toàn là le hoe năm ba cây xương rồng to tướng khô khan. Cứ theo bản đồ, lần đầu tiên lái xe ở Mỹ, thế mà chúng tôi đến nơi trúng phóc, không cần de xe, quay lui một lần nào (Là do người đọc bản đồ giỏi, tôi đó! Và người lái xe nghe lời tôi, biết thân, không bàn lui bàn ngược như thường ngày, lở tôi bàn không lại rồi tôi dở chứng ngậm miệng, giả bộ ngủ, thì chỉ có nước vừa đọc bản đồ vừa lái xe.) Đường xá thẳng tắp, thẳng góc, phẳng trơn, phân minh, rõ ràng như một bàn cờ tướng, dễ chạy xe nên cũng dễ chán. Và cái nắng, cái nóng của Arizona cũng lạ nữa. Cùng một độ nóng vào tháng này ở nhưng nóng ở đây là nóng khô, nóng cháy da chứ không nóng âm ẩm làm cho mình có cảm tưởng người luôn luôn ươn ướt ri rỉ mồ hôi như ở Việt Nam thương yêu của mình.

Chúng tôi bốn người đều mê phim cao bồi, theo phe mọi da đỏ, bực cái chuyện người da trắng ăn hiếm, ăn gian, lợi dụng... những giống dân da đỏ cách đây 500, 400 năm nên đã chọn một tuần lễ được sống như những chàng cao bồi ở quê hương của Apache, một ranch cách xa đường tráng nhựa 20 phút xe hơi, chung quanh chỉ toàn là rừng xương rồng thưa thớt đủ mọi hình dạng, thỉnh thoảng mới có vài bóng mát rộng lớn của những cây oak lảo làng hay một vài cây đầy gai nhọn, những cây gai dài 6, 7 cm. Cả khu vực ranch được bao bọc bởi những đồi, những núi nhìn từ xa tưởng chừng như những cái đầu trọc với vô số mụt nhọt. Cảm giác hảnh diện vì bổng nhiên mình được thấy tận mắt, được hít thở không khí nắng khô của những phim cao bồi, được lang thang trên vùng đất chính một trong những nơi trú ẩn của bộ lạc Apache. Hạnh phúc!

Tôi tự chọn mình vào nhóm đi ngựa dở nhất vì tôi chỉ là một kỵ sĩ thiệt là tơ lơ mơ, còn ba người kia thì phi như gió. Người bạn hiền chung thủy của tôi, không bỏ bạn lúc bạn chưa ngã ngựa nên mặc dù đi ngựa giỏi nhưng cũng ghi tên vô nhóm đi dở cho tôi có bạn và chắc cũng để thông dịch cho tôi khi cần vì cái khả năng tiếng Mỹ hạn hẹp của tôi, lở tôi hiểu lầm, tôi đi đường tôi, một Apache nào đó dụ dổ... Na Uy có giòng họ với hoàng tộc Anh (vua Harald là người thứ tám trong danh sách sẽ thừa hưởng ngôi vua sau nữ hoàng Elisabeth) nên tiếng Anh người Viking chúng tôi nói thuộc loại tiếng Anh Offord Street. Hơn nữa âm hưởng trong giọng người Việt nói tiếng Anh cũng không bay bướm mấy nên tôi đâu dám hỏi tới hỏi lui, cái gì cũng gật đầu cho xong chuyện (Kinh nghiệm cho thấy cứ mỗi lần tôi mở miệng ra nói được một câu là bị hỏi: Where are you from! Quê lắm!). Ấy cho nên tôi không cảm thấy an toàn lắm trong nhóm này, thầm cám ơn bạn hiền biết điều. Và đương nhiên cách thế cưỡi ngựa của chúng tôi cũng thuộc cách thức cổ điển của nước Anh. Từ quần áo, giày nón, yên ngựa, tư thế ngồi, cho đến cách cầm dây cương... nhất nhất đều cứng nhắc, gò bó so với cái giản dị phóng khoáng từ quần áo, giày nón (có gì dùng đó) đến phong thế cưỡi ngựa Western, yên ngựa Western và khung trời nắng khô đồng trống toàn sỏi đá Western, sống hòa mình với những tâm hồn lãng tử của những anh chàng cao bồi Western ngày xưa. Hãy tưởng tượng đi, ngày xưa tù trưởng Cochise, Geronimo... tướng George Crook, Nilson A. Miles, John Butterfiel... đã từng hít thở không khí này, đã từng dong dã chân ngựa trên khoảng đất này, đã từng dừng chân đốt lửa trại qua đêm bên con suối này... làm sao chúng tôi không cảm thấy mình may mắn? Những Vikings từ miền Bắc Âu hoang sơ. Diễm phúc!

Hai ngày đầu, mỗi sáng, mỗi nhóm đi theo tuyến đường của mình, tùy sở thích và tùy khả năng chịu đựng. Mỗi ngày một tuyến đường, một cảnh vật nhưng khí hậu thì vẫn gây gắt như nhau. Trong khoảng ba hay bốn tiếng đồng hồ người trưởng nhóm hướng dẫn cả nhóm băng rừng leo núi, lúc thông thả, lúc bặm môi tưởng như bị hất khỏi lưng ngựa, hết hồn hết vía, lúc cắn môi vì thương cho đôi chân ngựa mảnh khảnh ráng gượng đi từ bước xuống dốc đá lởm chởm. Người dẫn đường giải thích từng cảnh vật trên lộ trình: Mưu cách của những con chim diều hâu lượn bắt mồi, đời sống những cây xương rồng khổng lồ, lịch sử con đường mòn... và tôi cảm thấy tôi thông thái ra chút xíu sau một ngày trên lưng ngựa (Sự thông thái này có còn lưu lại trong đầu tôi lâu hay không là một chuyện khác. Nếu những kiến thức này còn lại chừng 5% trong đầu óc càng lúc càng lười biếng của tôi là tôi hài lòng lắm rồi.) Thật đấy!

Buổi chiều sau cơm chiều là chuyến đi chừng hai giờ. Cũng băng rừng leo núi nhưng lộ trình hiền lành hơn, chắc vì bụng ai cũng no căng, chủ ranch sợ mệt ngựa(?) Đây là khoảng thời gian thoải mái nhất. Nắng dịu dần, đường núi cũng không mấy chông gai, thấy được nhiều thú rừng ra tìm thức ăn. Những con nai xinh xắn dừng chân ngoái cổ nhìn những con thú lạ lùng hai đầu sáu chân làm những con thỏ cụt đuôi chạy nhanh vô bụi cây... Và nhất là ngắm được cảnh mặt trời lặn, cảnh cuối trời ửng đỏ, lặn nhanh, không ngày nào giống ngày nào làm cho lòng người viễn du lâng lâng cảm nhận cái hạnh phúc muôn màu muôn vẻ, lúc gần lúc xa, chỉ cần dừng chân ngựa năm ba phút, vói tay là tới, quay lưng là mất. Lúc này thì ai muốn cho ngựa mình phi lóc thóc thì cứ thử thời vận. Nhưng giống ngựa là giống sống theo đàn, ngồi lưng ngựa nhắm mắt, ngựa cũng theo đàn anh đi trước. Đàn anh chạy, đàn anh phi, thì mấy đàn em cũng chạy cũng phi. Nếu lở người trên lưng ngựa (như tôi chẳng hạn!) hăng máu cao bồi, thúc cho ngựa chạy qua mặt ngựa người đi trước là cả một sự khiêu khích cả người lẫn ngựa, bị ngựa ta co giò, tai vểnh tai cụp tỏ ý bất mãn và bị người dủa thầm: "Bất lịch sự!"

Qua ngày thứ ba là tôi chọn tuyến đường hiểm trở chông gai 8 tiếng đồng hồ vừa đi vừa về, cả mấy người giỏi cũng đi chung (Tôi hảnh diện lắm!). Chuẩn bị thức ăn trưa, hai bi-đong nước đã được để vô tủ đá từ tối hôm qua, lòng tôi hơi lo lo vì được biết là tôi phải đổi ngựa để chịu đựng dẻo dai hơn. Như thế là tôi phải bỏ thì giờ dổ ngon dổ ngọt con ngựa mới này, vuốt ve, nói chuyện với nó, làm thân với nó... và nhất là phải học những thói hư tật xấu của nó để dễ khiển nó đi theo ý tôi. Chúng tôi sẽ lên Stronghold, nơi ngày xưa giống người da đỏ Apache làm căn cứ để chống lại quân đội da trắng vì địa thế hiểm trở, địa thế du kích. Xe chở cả người và ngựa đến chân núi. Từ đó chúng tôi sẽ lên Stronghold. Gọi là đi lên nhưng đường lúc lên lúc xuống , ngoằng nghèo, có những lúc tưởng ngựa chịu hết nổi cái thân không mấy nhẹ nhàng lắm của chúng tôi mà quỵ xuống. Nhiều khúc đường toàn là đá cục tròn nằm lỏng lẻo, chỉ cần ngựa trật chân một cái là lọt hố. Nhiều lúc ngựa ta lóc thóc chạy lách lỏi dưới những tàn cây thấp đầy gai nhọn, không màng gì tới người ngồi trên lưng mình, kỵ sĩ phải lanh lẹ cúi đầu nằm sát lưng ngựa, nghiêng lách người, nếu không là tróc nón, gai móc rách áo, xướt tay... Lúc thúc, lúc kèm vì con Mooni của tôi hay nổi hứng bất tử lắm (Đúng ra là tại tôi không biết khiển nó!) và cũng mơ mộng như chủ nữa. Đang đi, thấy bụi cỏ xanh là ngừng lại nhâm nhi, mặc cho tôi dựt dây, thúc bụng, đôi lúc tức quá, tôi phải quất cho một cái đau điếng, Mooni ta mới chịu tiếp tục. Có khi tự nhiên Mooni rẻ ra hướng khác, và trên lưng ngựa, tôi đang mơ mơ màng màng nghĩ đến một nhân vật trong cuốn tiểu thuyết nào đó, không để ý " ngựa nản chân bon"... Đến chừng người sau kêu, nhắc chừng, tôi mới bừng tỉnh, kéo, thúc cho Mooni đưa tôi về lối cũ. Ông trưởng đoàn bao giờ cũng sắp xếp một vài người đi phía sau tôi. Ma lanh!

Lộ trình quả thật chông gai nhưng bù lại được ngắm nhìn phong cảnh hùng vỉ , bên kia núi xa xa là New Mexico và nhất là đến được nơi ngày xưa bộ tộc Apache ẩn trú kiên trì chống lại đội quân U.S. Ngồi nghỉ ăn trưa, dở gói bánh mì tôi tự làm hồi sáng với thật nhiều thịt và phô mai (Nghệ thật ăn giữ eo: ít bột, nhiều protein), một dòng kem vàng vàng chảy ròng rả từ miếng sandwich duy nhất của tôi, phô mai đó, làm sao chịu nổi cái nóng 40 độ C này trong bốn tiếng đồng hồ. Đoản vị! Phải nhắm mắt mà nhai mà nuốt (Ước chi có tô mì gói con tôm nhỉ! Không cần thêm hành, tôm thịt, rau gì hết!). Đã vậy, ông trưởng đoàn không tâm lý chút nào hết. Hồi sáng chúng tôi được xe chở đến tận chân núi, bây giờ, sau giờ ăn trưa, mệt mõi, thì lại phải lóc thóc cười ngựa về. Đường đi lên ba tiếng đồng hồ, đường đi về năm tiếng đồng hồ, cả một sự tính toán sai lầm!!! Dầu cho trên đường đi về chúng tôi được dừng chân ngựa ngắm cảnh núi non hùng vỉ xa xa dưới bầu trời trong thanh không một cợn mây, cũng không bù lại cái tính toán thiếu sư phạm này đã làm chúng tôi rã rời tê mông khi nhẩy xuống khỏi lưng ngựa, đi thẳng một mạch về cái hut của mình, ngã lăn ra gường, làm một giấc tới khi kẻng cơm chiều gióng kêu leng keng. Cái mệt mõi hài lòng!

Kinh nghiệm chuyến đi lên Stronghold, hôm nay đi lên Fort Bowie, tôi chỉ chuẩn bị vài cái trứng luột, trái cây và dỉ nhiên hai bi-đong nước đong lạnh, mặc dù tôi biết rằng chỉ đến trưa trên đường về là nước trở nên âm ấm nóng, uống đến lợm giọng, nhưng phải uống. Tuyến đường hôm nay tương đối hiền lành, một phần của tuyến đường Butterfiel Overland Mail. Sau cuộc chiến hơn hai mươi năm giữa U.S Army và bộ lạc Chiricahua Apaches, Fort Bowie và Apache Pass trở thành trọng điểm cai quản khu vực. Tất cả những chiếc wagons của đoàn người di dân vào thế kỷ thứ mưới chín, từ St. Louis đến Los Angeles và San Francisco đều phải qua Fort Bowie. Bây giờ khung cảnh toàn trại chỉ còn vài bức tường đã bị đập vở nửa chừng và trạm đón du khách mới được xây sau. Đứng trên ngọn đồi ngày xưa là trạm canh, tôi mới hiểu tại sao quân đội dùng điểm cứ này. Trên đỉnh đồi không cao mấy nhưng ta có thể phóng tầm mắt quan sát, theo dõi được tất cả những gì đang diễn ra trên những con đường mòn xa xa, trên những cánh đồng cỏ cây thưa thớt, trên những đồi núi trọc thâm thấp lững lơ. Nếu đường đi lên Stronghold hôm qua là để du khách được nhìn tận mắt, được cảm tận lòng cái khó khăn hiểm trở cửa địa thế thì đường lên Fort Bowie là ba giờ học trên lộ trình mang đầy di tích lịch sử. Chừng mười lăm, hai mươi phút là có bia đá tường thuật lại một vài sự kiện lịch sử, túp lều Apaches, nghĩa địa những người tử vì... tìm đường sống còn. Và thác nước Apache Spring rơi êm đềm xuống dòng suối lững lờ trôi trong cái mát dịu người của cây cối chung quanh. Một nguồn vui bất ngờ của kẻ lãng tử trên con đường ngập nắng khô cằn. Xuống ngựa, quì gối, cúi vóc một ngụm nước suối trong mát, làm trôi đi lớp bụi "phong trần", tôi mới hiểu cái giá trị cuộc chiến đấu mất còn của bộ lạc Apache ngày xưa để bảo vệ nguồn nước. Apach Spring đã từng là cứu tinh của Indians, của những đoàn lính viễn chinh , của những đoàn xe ngựa đi tìm quê hương lập nghiệp nơi miền biển Tây màu mở, nhiều hứa hẹn.

Bảy ngày dong duổi trên lưng ngựa. Bảy ngày được sống trong lòng đất Apache, chúng tôi đáp máy bay xuống miền biển Key West Florida, một làng quê nghe nói vẫn còn giữ được nét thô sơ của làng chài ngày xưa và cũng để kịp chứng kiến (chứ không tham gia!) ngày Henningway. Rời bỏ quê hương Apache với lòng lưu luyến người dân Arizona thành thực, phóng khoáng từ ngôn ngữ đến cái cười. Sống trong lòng người Mỹ chính thực, chúng tôi những người châu Âu thường tỏ ý coi thường nền văn hóa không quá năm trăm năm, vẫn thường có thành kiến về cái hào nhoáng bề ngoài của đất nước Mỹ, luôn người Mỹ, chúng tôi đã học một bài học quí giá trong đời: Hãy sống hòa đồng và tìm hiểu tường tận trước khi đánh giá. Tiếc là ruột tượng đã cạn, chương trình đã được ấn định, chúng tôi đàng chia tay Arizona một buổi sáng còn mờ tối lên đường trở lại phi trường Tucson với nổi lòng bùi ngùi.

Có một điều tôi tiếc hoài, tiếc hoài. Tôi không sắm cho tôi được cái nón cao bồi đan bằng dây lát trắng mảnh, vừa ngầu vừa mỹ miều mà tôi đã âm thầm chọn khi ở phi trường Phoenix. Phải chọn mua cái nón cao bồi nỉ nâu, tuy cũng đẹp và bảo vệ đầu tốt hơn, tôi vẫn còn ấm ức lắm. Muốn có cái nón như tôi ao ước thì thợ phải đan theo đúng dạng đầu của từng người, phải chờ cả tuần mới xong. Tôi vở mộng làm nữ cao bồi điệu. Thôi vậy, chờ kiếp sau!

"When I was young I walked all over this country, east and west, and saw no other people than the Apaches"
Cochise



Võ Thị Điềm Đạm
Hè 2005
Phượng Các
#15 Posted : Saturday, October 15, 2005 5:46:34 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Oc hương ơi,
Cái món cưỡi ngựa này PC cũng thích lắm. Có lần tới vùng núi Diablo Mountain mướn ngựa cưỡi, giá tiền 2 giờ là $50.00. Chị oc huong cỡi cả ngày như vầy thì phí tổn là bao nhiêu vậy?

Đúng như chị nói, nếu ở các miền khác mà thấy ai đội nón cao bồi thì mình không có mấy cảm tình, nhưng có tới các miền núi của nước Mỹ mới thấy mặc quần jean, nón cao bồi, mang giầy gồ ghề thì mới là hợp thời trang há chị.

Thì ra dân Âu châu nào cũng tiềm tàng cái vẻ khinh thường cái văn hóa Mỹ chỉ có 300 lập quốc!Sad

oc huong
#16 Posted : Saturday, October 15, 2005 7:56:48 AM(UTC)
oc huong

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,180
Points: 0

Thì ra dân Âu châu nào cũng tiềm tàng cái vẻ khinh thường cái văn hóa Mỹ chỉ có 300 lập quốc!

Thiệt vậy đó Phượng Các, nhất là lứa tuổi trên 40, bảo thủ lắm lắm. Theo Ốc Hương nghĩ: Người châu Âu ganh tị với sự phồn thịnh nhanh chóng của Mỹ quốc, trong khi đó các cường quốc như Anh, Pháp, Đức dậm chân. Nhất là sau đệ nhị thế chiến, châu Âu phải xây dựng lại, còn Mỹ quốc thì không bị xứt mẻ gì hết, thẳng đà tiến lên. Mà Mỹ quốc không khiêm nhường chút nào, cái gì cũng muốn mình lớn nhất, cái gì cũng muốn hơn thiên hạ, kiểu trưởng giả học làm sang...
Nhiều người OH quen, nhún vai lắc đầu khi nghe Oh khuyên nên làm một chuyến Mỹ du để thấy cái nhỏ bé của nước mình, để bỏ đi cái thân cóc dưới giếng.
Lớp trẻ thì rộng rãi hơn.
Khi đã chiêm ngưỡng những lâu đài, những di tích ở châu Âu thì quả thực Mỹ quốc còn trẻ lắm, còn ấu trỉ lắm.
Hi...hi...OH nhiều chuyện rồi đây.
Thôi ngưng.
Chúc chị em vui nhiều.
OH
oc huong
#17 Posted : Thursday, January 26, 2006 9:00:45 AM(UTC)
oc huong

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,180
Points: 0

TẾT PHAN THIẾT






Tôi phân vân khi chọn cái tựa cho bài tùy bút này. Tết nhà tôi? Tết Phan Thiết?

Quê hương tôi là Phan Thiết. Cả nội và ngoại đều là gốc Đại Nẩm, không biết bao nhiêu đời. Đại Nẩm, một làng quê cách thành phố Phan Thiết mười lăm phút đi bộ cho đôi chân trẻ con vừa đi vừa chạy trong nỗi lòng náo nức về nhà nội để coi chừng trái ổi mình nhìn thấy hồi ba ngày trước đã ửng chua chưa, có bị thằng Ba Tèo con Hai Ròm hái chưa. Một làng quê không người khoa bảng, không biết đói kém, hiền hòa ẩn mình dưới vườn cây trái xanh mướt quanh năm. Một làng quê sanh dưỡng những thiếu nữ đẹp nổi tiếng của Phan Thiết. Gái Đại Nẫm! Tôi hãnh diện về cái cội nguồn này của tôi, cội nguồn chín mươi chín phảy chín mươi chín phần trăm Phan Thiết. Suy đi nghĩ lại về đường ăn Tết của gia đình tôi, một cảnh Tết mang sắc thái chung chung của Tết Phan Thiết mặc dù mỗi gia đình có một cách chuẩn bị Tết riêng và cách hưởng Tết cũng khác nhau. Nhưng đó là những dị biệt rất nhỏ, rất tỉ mỉ, không thể làm mất đi cái Tết đặc biệt chung của người Phan Thiết chúng tôi. Cho nên tôi mạnh dạn chọn cái tựa: Tết Phan Thiết.

Gia đình tôi nửa quê nửa thành. Nhà ở phố Ba Mươi Căn, đường Hải Thượng Lãn Ông, đường nối từ Đại Nẩm, Phú Hội để xuống chợ Lớn, trên đường nối từ làng quê đến thị thành. Nội gốc Đại Nẩm trên, ngoại gốc Đại Nẩm dưới, ba tôi làm việc ở bên phố, cho nên cách ăn Tết của gia đình tôi cũng mang cái chất nửa quê nửa thành đó, không giống như những nhà ở Đại Nẩm mà cũng không giống như nhà mấy đứa bạn cùng lớp ở bên chợ. Thêm vào đó công việc làm ăn của má tôi đã tạo cho bà cơ hội để chuẩn bị những cái Tết cho gia đình thật chu đáo, đã cho chúng tôi những cái tết nhớ đời. Cho đến khi gia đình vào Sài Gòn lập nghiệp, chúng tôi mới biết tiếc những cái Tết khi còn ở Phan Thiết. Mặc dù trong thời gian ở Sài Gòn, má tôi cũng kho măng khô, cũng gói bánh tét, cũng được bà ngoại đem cốm vô cho và gia đình đầy đủ nhưng những cái Tết ở Sài Gòn mang không khí chấp nối nửa nạc nửa mỡ, không thể nào so sánh được với những ngày Tết ở Phan Thiết. Các em trưởng thành ở Sài Gòn thường phân bì với anh chị lớn khi chúng tôi nhắc đi nhắc lại ngày những ngày Tết xa xưa nơi quê nhà Phan Thiết với tất cả nuối tiếc tìm kiếm. Và bây giờ, mỗi năm tôi cố gắng chuẩn bị cho các con tôi vài ngày vui xuân nơi xứ người càng làm lòng tôi quay quắc, nước mắt cứ chực rơi vì cái gượng gạo giả tạo lẩn quẩn chân tôi, vì bước chân lang thang tìm về những ngày ngập nắng xuân xưa lảo đảo chơ vơ.

Bắt đầu tháng chạp, má mua chừng chục con vừa vịt vừa gà để nuôi cho mập ở sau nhà. Má tôi bắt đầu đặt bánh tráng, loại bánh tráng mè đen không dầy không mỏng để nhúng ướt ăn với măng khô kho. Sau đó là bà đặt mấy mối hàng lúa của bà ở Ngã Hai hay Phú Hội rang lúa nếp thành cốm trắng, gọi là nổ. Thường khoảng hai mươi tháng chạp, người ta đã chở hai bao bố nổ trắng nhẹ tênh đến nhà. Và dĩ nhiên là chúng tôi lén lén ăn vụng, vốc từng nắm nổ trắng thơm thơm beo béo bỏ trọn vô miệng, ngốn ngáo nhai mau. Lần xay lúa cuối cùng trước khi nghỉ Tết để giao gạo cho bạn hàng, má tôi cũng cho xay chừng một xe nếp để bán và để dành gói bánh tét, làm cơm rượu.

Bắt đầu từ hai mươi tháng chạp, đường Hải Thượng Lãn Ông nhộn nhịp hẳn lên vì những nhà vườn ở Phú Hội, Đại Tài và Đại Nẫm gánh những gánh chuối xứ mập tròn, những gánh bưởi to xanh còn đủ lá cành, những gánh cam xanh hấp dẫn, những gánh rau xanh tươi xếp chất thật đẹp, những gánh rau cải nặng trĩu về chợ Lớn để họp chợ đêm. Chúng tôi ngoài giờ học là la cà ngoài đường cả ngày để như hòa nhập vào cái nhộn nhịp tưng bừng của mấy ngày trước tết. Không làm gì hết. Ngồi đong đưa hai chân trên bậc thềm trước nhà để chiêm ngưỡng những gánh trái cây, rau cải tươi mát sặc sỡ đó, để ngắm những gánh hoa cúc trắng vàng, hoa thược dược đủ màu sắc, hoa vạn thọ vàng tươi, hoa mồng gà đỏ thắm của các chị từ quê gánh xuống. Các chị mà chúng tôi tự cho mình là dân thành phố văn minh và đặt cho các chị cái tên mấy chị ”Le NhaQue”, cái từ ” Le Nhaque” chúng tôi học từ ”Tuấn Chàng Trai Nước Việt” của Nguyễn Vỹ. Sở dĩ chúng tôi gọi các chị ”Le Nhaque” là vì mấy chị này chỉ mặc toàn áo bà ba màu hồng nha que chói chang, màu xanh lá cây nha que tươi rực rỡ, màu vàng nha que gay gắt... Các anh, các chú đèo những cành mai nụ còn xanh non trên chiếc xe đạp cọc cạch xuống chợ bán. Nhiều người từ bên phố lên tận đường Hải Thượng Lãn Ông để chận mua những chậu bông tươi đẹp, những cành mai uống cong cầu kỳ và trái cây xanh tươi.

Cũng trên con đường Hải Thượng Lãn Ông này, nơi cung cấp mứt me cho các hàng bánh mứt toàn Phan Thiết. Đầu tháng chạp, đi ngang mấy căn nhà gần chợ Gò, dấu hiệu mùa Tết được nhắc nhở bằng quang cảnh các dì ngồi trên ghế đẩu thấp trước nhà, tỉ mỉ dùng con dao nhỏ, nhọn, khéo léo gỡ từng mảng vỏ me xanh. Bên cạnh các dì là mấy cái thau nhôm lớn có những trái me dài, dẹp, trần trục ngà ngà nằm xếp lớp dưới nước trong vắt ngập đầy. Mứt me là loại mứt mắc tiền nhất vì đòi hỏi nhiều công phu, lắm tiểu xảo.
Thứ nhất: Phải là loại me ván chua, lớn dài, dẹp, vừa già, nghĩa là hàng hột me vừa cứng nhưng thịt me vẫn còn dòn non và lớp vỏ xanh còn dai nên phải ngâm qua đêm mới lột được.
Thứ nhì: Khi lột vỏ me, phải dùng con dao nhỏ bén nhọn, tỉ mỉ gở từng mảng vỏ, gở thật cẩn thận để có được trái me trần láng mướt và những đường dây chạy dài theo trái me cũng như cuống me vẫn nằm nguyên vị trí của nó.
Thứ ba: Cũng dùng con dao nhỏ bén nhọn đó, đôi tay khéo léo xẻ dọc bề trái me cong vào, lấy từng hột me, lấy cả lớp cưng cứng bao quanh hột me.
Thứ tư: Khi xâm me, phải xâm nhè nhẹ, đều tay để chắt bớt chất chua ra mà trái me vẫn còn nguyên vẹn.
Thứ năm: Để chất đường thấm từ từ mà trái me không bị chín nhừ, khi rim me phải trở nhè nhẹ, dùng muỗng múc nước đường rải lên từng trái và nhất là lửa riu riu, phải tính từ hai đến ba tiếng đồng hồ cho một chảo me rim.
Thứ sáu: Chất đường ngọt hòa với chất me chua nên khi chảo đường đã cạn mà trái me vẫn mềm dẻo nên phải phơi vài nắng.
Thứ bảy: Dùng giấy kiếng trắng rộng độ ba centimet, quấn quanh trái me, quấn dần từ đầu xuống tới cuống.
Năm nào hên lắm, dư dã, má tôi đặt vài ký mứt me để dành đãi khách, nhưng chắc chắn là khách chẳng được hưởng nhiều vì khi kể thành tích thì chúng tôi, bốn đứa lớn, đứa nào cũng lén cuỗm được ít nhất vài trái, nhai ngấu nhai nghiến, mút sạch mấy cọng dây mỏng và cái cuống ngắn. Ôi… vừa chua, vừa ngọt, vừa dẻo, vừa sừn sựt.

Nhất là sau khi thi xong cái kỳ thi đệ nhất lục cá nguyệt, thường khoảng ngày rước ông Táo, sau lễ Tất Niên là chúng tôi được tự do la cà cả ngày ngoài đường, ba chẳng hề la, má chẳng thèm cấm. Thỉnh thoảng ông ngoại hay bà nội gởi những người gánh hàng xuống chợ, mang cho chúng tôi rổ trái cây vụn vặt, là cả một hạnh phúc cho mấy đứa trẻ thèm ăn. Và không cần ba má cho phép, trái cây của ông ngoại, bà nội cho là đương nhiên của đám con, được chị Hai Cao chia đều, ngấu nghiến, chớp nhoáng!

Chúng tôi thường hay chấm điểm và cho giá những cành mai tươi, uốn cong thật mỹ thuật, thán phục những ông đón mua mai biết lựa mai, biết chi tiền. Chúng tôi cũng để ý là mấy ông là thường đến khu phố Ba Mươi Căn để đón mua mai, mua bông chứ không mua trái cây rau cải. Tết là cảnh hưởng thụ cho mấy ông, còn chuyện lo ăn lo uống là chuyện của mấy bà. Đương nhiên! Không ai cằn nhằn phân bì. Không! Không đúng lắm, mấy ông phải lau cặp chân chân đèn, cái lư nhang cho bóng loáng, lựa mua phong pháo cho nổ thật to và dòn vì nếu năm đó pháo nổ lẹt đẹt là bị bà vợ cằn nhằn: ”Ông lựa pháo lẹt đẹt không biết năm nay nhà mình làm ăn có nên nổi không”, và canh nồi bánh tét ngày ba mươi.

Nhà tôi có tục lệ là được tiền lì xì hai lần. Lần thứ nhất vào khoảng hai mươi bảy, lúc mà chợ đêm tấp nập nhất, má đã xay xong phiên lúa cuối cùng trong năm. Má lì xì cho tất cả sáu đứa con để đi chợ đêm, tự do ăn hàng, tự do mua sắm. Không nhiều lắm, tôi nhớ là chỉ đủ ăn chén chè, tô bánh canh chả cá thu, mấy bịch kẹo bòn bon chua chua ngọt ngọt, mua cái khăn thêu, mua cái bóp có hình cô đầm, mua mấy cuộn pháo tép để lấy cục đá đập nổ chét chét… Chỉ vậy đó mà làm chúng tôi chờ đợi ngày này cả tuần, chờ từ khi chợ bắt đầu nhóm ban đêm.

Mấy ngày nay đi rảo chợ đêm quanh vườn bông dưới dốc cầu gỗ lớn mà không có một đồng dính túi, thấy cái gì cũng thèm, thấy cái gì cũng ước. Cái sung sướng khi được tiền trong những ngày trước Tết này tôi không thể nào tả được, chỉ biết là má tôi rất sành tâm lý con nít, tiền trong mấy ngày Tết không có giá trị bằng tiền trong những ngày chợ đêm. Còn quần áo mới thì má tôi đã đặt may từ tháng mười một, cho rẻ! Năm nào cũng vậy, mỗi đứa một bộ để đi học, một bộ đồ bộ mặc ở nhà, một đôi dép Nhật, hai người chị lớn thì được đôi guốc trắng quai trong.

Từ khoảng ngày hai mươi tháng chạp, tối nào nhà tôi cũng rộn ràng. Cắt rễ củ kiệu, lột lớp vỏ ngoài, ngâm nước tro, để đó qua đêm. Kiệu cay, mấy chị em đứa nào cũng tránh né, chị Hai Cao lãnh đủ. Đúng là thân phận người làm! Sau đó củ kiệu được phơi một nắng rồi xếp thật đẹp trong mấy cái hủ sành đã rửa sạch, đã phơi khô, ép chặt, chế nước pha với đường, dấm, chút muối, chút hàng the. Để đó, không được dở nấp trước ngày mồng một. Cà rốt và củ cải trắng trông thêm ngon mắt nhờ bàn tay khéo léo của chị Hai chị Ba cắt tỉa hình hoa, hình thú vật. Má chờ đến khoảng hai mươi sáu làm một hủ và hai mươi tám làm thêm một hủ nữa để có ăn suốt bảy ngày Tết mà củ cải không bị chua quá.

Mứt dừa, mứt gừng, mứt gừng dẻo, mứt khế, bánh đậu xanh, bánh bột năng là phần của chị Hai, bà chị khéo léo nhất nhà và cũng kỹ nhất nhà. Đứa nào bị chị Hai sai là thường bị luôn máy cái cú đầu vì vụng về, làm không vừa ý. Trong gia đình tôi, không ai biết làm mứt me, một loại mứt rất cầu kỳ và công phu, mặc dù nhà nội tôi có cây me trái to dẹp rất thích hợp để làm mứt me. Hôm thì nhà thơm phứt mùi vani trộn trong mứt dừa. Hôm thì nhà thơm phứt mùi gừng. Hôm thì nhà thơm phứt mùi đậu xanh rang… Chị Hai làm mứt gừng dẻo cho ông ngoại và bà nội rất nổi tiếng. Chị không dùng chanh mà chị dùng khế chua cắt nhỏ nên mứt mềm dẽo, cay, ngọt là món tủ cho ông ngoại uống trà. Nhưng cái sung sướng nhất của lủ em là được vét chảo đường mà trong đó còn vài miếng mứt vụn bà chị gắp không hết. Mứt phải phơi một vài nắng cho ráo rồi mới bỏ vô hủ. Mấy ngày phơi mứt là chị Hai phải canh chừng mấy đứa em thèm đường, nhưng làm gì chị canh được đám em. Má tôi có cách dạy con thật là sư phạm. Bà không khéo chuyện bánh mứt, không dạy con được, bà cho con tự do làm, muốn làm món gì thì xin tiền, tự đi mua sắm, tự bày ra mà làm lấy và bao giờ cũng được cả nhà khen thưởng không lời bằng cách ăn ngon lành, ăn sạch. Cho nên đứa nào muốn giỏi là tự nó học hỏi hàng xóm, trên trường, dì Út... và má sẵn sàng chi tiền.

Măng khô má đã dự trữ từ mấy tháng trước, cho rẻ! Hai đêm đầu, ngâm nguyên miếng măng trong nước lạnh, hai cái thau giặt đồ được trưng dụng ngâm măng. Mỗi tối phải xả nước, thay nước. Qua ngày thứ ba, xé măng ra từng miếng nhỏ, dài, cắt bỏ phần măng già, rồi ngâm một đêm nữa. Sau đó là nấu, phải nấu hai lần, xả nước, nấu lại bằng nước sạch để măng không còn mùi hăng và cái màu nâu khô trở thành màu vàng tươi hấp dẫn. Đến cái màng làm vịt để kho măng là tôi sợ nhất, không bao giờ tôi làm quen được cảnh cắt cổ vịt, tôi nhát, không bao giờ dám theo dõi nên không biết tả như thế nào. Chỉ biết là sau khi trụng vịt bằng nước sôi là đến phiên tôi và thằng em kế lãnh phận sự nhổ lông vịt. Gọi là tôi với nó, nhưng sau khi nhổ phần bụng và lưng, vì phần đó dễ nhổ, ít lông măng, là nó chạy trốn mất tiêu. Một mình tôi ngồi loay quoay với mấy con vịt, dùng cái nhím nhổ từng sợi lông măng, vừa réo thằng-em-trời-đánh, vừa năn nỉ chị Hai Cao phụ nhổ. Tới màn mổ bụng là hấp dẫn nhất. Chị Hai Cao lôi từng trái tim, bao tử, ruột già, ruột non, rữa sạch, mổ cái bao tử ra cho tôi coi hồi nãy còn sống nó ăn gì, thường là bắp và lúa. Con nào có một chùm trứng là hạnh phúc ngàn đời cho tụi tôi, lủ con háo ăn. Bộ lòng thì xào với hành, cà, ngò tây cho bữa cơm ngày đó. Còn bộ trứng, chị luộc, để chờ má về chia cho chúng tôi. Má tôi kho măng với thịt vịt, hành ta và bao giờ bà cũng để dành một thau măng đã xé nhỏ, ngâm nước lạnh chờ đó. Vì kinh nghiệm mỗi năm, cứ đến khoảng mùng hai là xoong măng hết sạch, nhưng nước lèo còn, thế là bà bỏ măng vô kho tiếp. Xoong măng đến chiều ba mươi bốc khói thơm phức, nhưng chưa đứa nào được động đũa vô, phải chờ cúng trước.

Má nấu một nồi cơm nếp để làm cơm rượu. Nếp để nguội, trải ra cái sàng, má rải một lớp men đã được giả nhuyễn. Bà nhúng tay vô nước, bắt vò từng viên, viên nào viên nấy to bằng cái trứng gà. Sắp xếp từng viên vô cái thố lớn, đậy nấp lại, để chừng ba ngày là cơm lên men. Má thắng đường cát trắng đổ vô thố cơm nếp, đổ cho ngập, cho mấy viên cơm nếp nổi trôi lềnh bềnh, đậy nấp lại, chừng hai ngày là ăn được. Mỗi lần ăn hay mời khách, má dùng loại chén men nhỏ, múc một chén một viên, nước rượu đường ngập chén, dùng muỗng nhỏ, xắn từng miếng, kèm theo nước rượu đường ngọt, đưa vô miệng. Ăn xong viên cơm rượu, lúc nào cũng còn chút nước đường trong chén, bưng lên miệng húp, liếm sạch, ngon không thể nào tả nổi. Còn rượu nếp than, màu tím đậm thật đẹp mắt thì má không tự làm. Má đặt mỗi năm chừng vài lít cho ba đãi các bác các chú. Nhưng chúng tôi nào có bỏ qua, len lén làm một ly đá cục, đổ rượu nếp than vô, làm như nước sirô, uống mát rượi, rồi mặt mày nóng bừng bừng, đỏ ngầu. Nhưng chưa lần nào đi liễng xiễng cả!

Khoảng hai mươi lăm, chú Bảy Ngọng được bà nội cử xuống nhà tôi để đóng cốm. Trước ngày đó, tụi tôi phải đổ nổ trắng ra cái sàng lớn để lượm lúa nếp chưa nở, rang đậu phọng, gọt gừng, cắt gừng từng sợi nhỏ. Má thắng hai xoong đường. Một xoong lớn đường táng, trộn gừng, đậu phọng. Đây là phần cốm dành cho lủ con bảy đứa và lủ cháu từ quê cứ Tết là tập trung về nhà tôi để đánh bài, ăn uống, đi phố, đi xinê vì lúc đó tụi tôi được nghỉ học. Một xoong nhỏ là đường cát trắng, gừng, nhiều đậu phọng. Đây là phần cốm để cúng và mời khách.
Má đổ nổ trắng vô một cái thúng, trộn đường đã thắng lại cho vừa keo, dùng tay trộn đều. Đây là lúc cốm được thưởng thức với tất cả lòng thán phục và biết ơn của lủ con luôn luôn thèm ngọt. Khi bắt cốm từng nắm tay, má cho chúng tôi tham dự và làm lơ cho lủ con ăn vụng. Trên nền xi măng bóng, trước mặt bà ngồi là thúng cớm đã trộn đường, lủ con ngồi quay quanh, tay áo xắn cao.
Bắt cốm từng nắm, kích thước không cần giống nhau. Bóc một nắm cốm đã trộn đường lên tay, những ngón tay mảnh dẻ nhỏ bé đầy nhiệt tình cố ép chặt, ráng ép thêm chút nữa cho nắm cốm của mình không nhỏ hơn nắm của các chị, ép chặt, xoay tròn thành như một trái banh tenis, xếp đều vô cái thúng kế bên, sung sướng nhìn ngắm thành quả mình đã đóng góp với má. Và khi hai bao nổ trắng đã được hóa phép thành những trái banh to lớn khác nhau, chất trong những cái thúng to thì bụng tôi cũng căng đầy cốm ngọt. Bộ ván gõ nâu bóng ở nhà trong đã được lau chùi sạch sẽ, mấy khung cốm, một cái đòn dài, một thau nước lạnh và một cái khăn lau tay, tất cả chờ bàn tay khéo léo của chú Bảy Ngọng.

Cái khung cốm gồm hai phần: Phần ngoài là khung gỗ, dài gang tay, cao cũng độ gang tay, rộng độ mười centimet. Một khối gỗ cũng có kích thước giống như khung gỗ nhưng nhỏ hơn chút xíu để có thể nằm lọt gọn gàng vô khuôn gỗ khi ép cốm. Cả cái khuôn và cái khối gỗ phải được nhúng vô thau nước để khi ép, cốm không dính vô khung, dễ lấy ra.
Chú Bảy Ngọng bỏ từng banh cốm vô khuôn, dùng tay ép đều cốm trong khuôn rồi chú đặt cái khối gỗ lên khuôn đã ép đầy cốm. Chú một đầu đòn, Chị Hai Cao ở một đầu đòn, bắt đầu ép cái khối gỗ xuống. Chú xoay đều cái cái khuôn, ép ngang rồi ép dọc, ép dọc rồi ép ngang... Cho đến khi nào chú thấy cái khối gỗ đã đi sâu xuống khuôn độ năm, sáu centimet và nằm thẳng thớm đều đặn trong khuôn là chú dùng cái chày gõ nhẹ, đều lên khối gỗ và chị Hai Cao rút cái khuôn từ từ lên, nương theo nhịp gõ của chú. Một khối cớm hình chữ nhật thẳng thớp nằm trên bộ ván. Chú âu yếm nâng nhẹ hộc cốm còn ươn ướt đặt cẩn thận lên cái sàng lớn đã để sẵn trên bàn ăn.
Một bộ khuôn thứ hai đã sẵn sàng. Chú tiếp tục đóng hộc cốm thứ hai và chúng tôi mê mẫn theo dõi trong khi cái khuôn cốm thứ nhất được má nhúng vào thau nước rửa, lau bỏ những vụn cốm còn dính trong khung và chuẩn bị cho hộc cốm thứ ba. Cứ thế cho đến tối khuya, chúng tôi mê man ngắm nhìn từng cử động của chú Bảy Ngọng, mê man trong thán phục, mê man thiếp đi, ai ẵm vô giường cũng không hề biết gì cả.
Ngày hôm sau, thức dậy, chú Bảy Ngọng về từ lúc nào. Trên bàn, trên ván, mấy sàng cốm nằm ngay ngắn, để chút nữa được đem lên sân thượng phơi, phải phơi một ngày cho cốm ráo khô trước khi gói.

Và từ đây là chúng tôi phải chờ đến sau khi cúng rước ông bà chiều ba mươi mới được ăn cốm. Cái phần gói cốm là tôi thích nhất. Cốm cho con nít ăn, tức cốm trộn với đường táng thì bao bằng giấy báo. Còn cốm để cúng và mời khách thì được bao bằng giấy trắng. Tôi làm hồ bằng cách trộn bột vô nước rồi bắt lên lò, quậy cho đặt lại.
Sau khi cốm đã được bao bọc sạch sẽ thì lại phải phơi thêm vài ngày nữa để cốm khô ráo, giữ được lâu ngày, có khi đến tháng hai mà cốm không bị mốc. Má cho tiền mua giấy mỏng nhiều màu để tôi và chị Ba tha hồ cắt làm bông. Bông cúc, bông thược dược, bông hippie. Chúng tôi xếp, cắt, dùng kéo vuốt từng cánh bông, lúc vuốt cong lên, lúc vuốt cong xuống, dán lên hai đầu hộc cốm. Có bông được nhiều lớp, có bông chỉ được hai lớp. Tùy hứng!
Đếm đi đếm lại công trình đóng cốm năm nay của nhà mình để chị em tự hãnh diện. Thường thì khoảng bảy, tám chục hộc cớm. Đóng cốm là một công trình đòi hỏi sự sắp xếp tính toán, mà má tôi năm nào cũng tận tâm thực hiện trong sự thán phục của chồng con và hàng xóm. Chừng đến mùng ba, mùng tư là tụi tôi ngán cốm tận cổ. Má cất vô tủ, chờ ra giêng. Ra giêng, cứ mỗi tối, má mang vài hộc ra bẻ chia cho lủ con. Phải bẻ cốm chứ không ai lấy dao cắt cốm! Lúc đó cốm ngon lạ lùng. Có khi tôi xin má hộc cốm đem lên lớp chia cho tụi bạn, mấy đứa bạn cùng lớp tôi cũng mê món cốm ra giêng của má tôi. Nhất là con nhỏ Thanh Bình, Được, Thu và Mỹ Lệ, nhóm bạn ăn hàng của tôi.

Nếp đã được ngâm hai ngày và trộn chút muối, ông ngoại đem xuống một bó dây sóng lá đã được chặt từng đoạn dài, đoạn ngắn, ngâm nước, tướt mỏng. Lá chuối thì ông ngoại cũng đã tướt, gom trong vườn nhà mình. Đậu xanh đãi vỏ cũng đã ngâm qua đêm, trộn thêm chút muối, nấu khô như nấu cơm. Đậu đen cũng đã được hầm chín. Mỡ được cắt thành từng miếng dài cở gang tay, to bằng ngón tay má.
Bà dùng đậu xanh bọc, ép miếng mỡ ở giữa, thành một đòn dài cở gang tay, tròn to bằng cườm tay tôi. Bà sắp những đòn đậu xanh nhưn mỡ đó trên một cái sàng có lót lớp lá chuối. Tôi là phụ tá đắc lực cho má trong công việc gói bánh tét này. Năm nào cũng vậy, chắc tại tôi dễ sai hay là tại tôi thích nên cứ la cà theo má trên bộ ván ở nhà trong. Không cần má sai biểu, tôi dùng một cái khăn ướt lau lá, sắp xếp ngay ngắn, lớn theo lớn, nhỏ theo nhỏ.
Má để một sợi hai sợi dây ngắn nằm thẳng thớm trước mặt, sắp lên đó một lớp lá lớn, rồi một lớp lá nhỏ hơn. Bà lấy cái chén múc một chén nếp, trải đều nếp lên lá, lấy một đòn đậu xanh nhưn mỡ để nhẹ nhàng, chín chắn lên lớp nếp, rồi một chén nếp nữa, đổ phủ lên đòn đậu xanh. Dùng những ngón tay khéo léo, xếp lớp lá chuối nằm dưới, bao quanh nếp, rồi nhanh nhẹn nắm hai đầu dây nằm sẳn ở dưới, bắt chéo nhau, xoáy nhanh, rồi hai đầu dây thứ hai. Sau đó bà dựng đứng dòn bánh tét, thổ thổ cho chắc nếp, xếp lá qua, xếp lá lại, xếp chồng lên, xong một đầu. Bà nhanh tay xoay ngược đòn bánh, thổ thổ, xếp như đầu kia. Bà dùng hai sợi dây dài cột dọc đòn bánh, rồi dùng hai sợi dây ngắn cột ngang đòn bánh, ở đầu đòn, bà còn làm một cái vòng để treo bánh và để làm dấu phân biệt với bánh đậu đen chay với bánh đậu xanh nhưn thịt. Đó là bánh tét nhưn đậu xanh.
Còn bánh tét đậu đen thì đơn giản hơn, chỉ cần trộn đậu đen đã nấu chín với nếp đã ngâm, chút muối là gói.
Không bao giờ bà quên làm cho chúng mỗi đứa một đòn bánh tét nhỏ bằng cườm tay bà, dài độ gang tay, chất lên lớp cao nhất trong thùng bánh, cho chúng tôi hưởng trước vào khoảng trưa ngày ba mươi trong khi nồi bánh tiếp tục nấu cho tới chiều vì bánh tét phải chín để kịp cúng rước Ông Bà cuối năm. Như vậy coi ra là nhà tôi không có cảnh ngồi quanh bếp lửa canh nồi bánh tét đêm ba mươi như sách truyện thường kể.

Ngày ba mươi, ngày trọng đại đang gần kề. Một xoong lớn thịt heo kho nước dừa tươi và trứng vịt luộc được hầm nhỏ lửa từ trưa ba mươi. Thịt bò ướp sả ớt được gói thành từng đòn nhỏ trên lũng lẵng trên bếp. Hai thúng bánh tráng cao cả thước treo lên nóc nhà. Vài chục đòn bánh tét treo cho ráo nước, khiêu gợi tuyến nước miếng mỗi lần xuống bếp. Trái cây chưng bàn thờ thường là do bạn hàng lúa từ Phú Hội, Đại Nẫm, Ngã Hai cho, đã được chưng trong nhiều dĩa lớn nhỏ khác nhau, số còn lại thì để vô mấy cái rổ cho chúng tôi ăn lai rai, ăn tự do. Mấy chậu bông cúc, bông vạn thọ đã chưng bày trong phòng khách. Tôi thích bông đại cúc màu trắng kiêu sa, hơi ưng ửng màu vàng nhạt giữa những cánh hoa nuột nà. Cây mai, ba đã bỏ công mấy ngày lựa chọn cũng đã nằm chễnh vệnh giữa hai ghế sa lông, nụ ưng ửng vàng, hứa hẹn một năm nhiều may mắn.

Chiều ba mươi là buổi chiều được mong chờ, hồi hộp nhất trong mùa Tết. Nhà tôi không cúng rước ông bà thịnh soạn như nhà mấy đứa bạn ở phố mà theo phong tục của Đại Nẩm: Bốn dĩa xôi nếp trắng, hai con gà luột để coi cẳng gà, trái cây, cốm, bánh tét, hai chum rượu trắng, dưa hấu, được chưng trên bàn ông Nội. Năm này qua năm kia, cặp chân gà được ba ngắm nghía kỹ lắm. Ông xem xét, phân tích mấy cái móng chân quặp đều đặn vô lòng bàn chân và năm nào tôi cũng nghe ba khen cặp chân tốt, hứa hẹn một năm nhiều may mắn. Cúng xong, thịt gà xé ra, trộn chút rau húng, hành lá cắt nhuyễn, chấm nước mắm gừng đặc sền sệt, ăn với xôi trắng, mấy đòn bánh tét. Cả nhà quay quần ăn bữa cơm cúng rước Ông Bà, hả hê rộn rã, bắt đầu hưởng một cái Tết đầm ấm vui nhộn. Ly rượu nếp than làm mặt ba người đặt biệt trong gia đình là má, tôi, con em đỏ bừng bừng.

Chị Hai Cao đã về quê ăn tết nên má và tụi tôi phải dọn dẹp, rửa chén. Cả một ngày mệt mõi, má nằm ngủ thiếp trong cái võng treo trên bộ ván gõ dầy cả tấc. Tôi không biết mấy chị làm gì khi chờ cúng giao thừa, chắc ủi quần ủi áo đặng chút nữa giả bộ xin đi chùa hái lộc nhưng để cho mấy anh ngắm. Còn tôi, chưa biết ăn diện, thương má, tôi đi dọn dẹp mấy cái bàn thờ khác. Bưng bàn ra ngoài để cúng Trời Đất, bàn thờ Thổ Thần, bàn thờ Ông Táo, bàn thờ hai đứa em chết non, bàn thờ ông Nội, sắp xếp ly để chút nữa cúng trà. Xuống bếp, chuẩn bị nấu sương sa, pha màu, trộn nước cốt dừa rồi đổ vô mấy cái ly, đổ mỏng mỏng cho mau đặc cứng. Bắt nước sôi để nấu nồi chè đậu xanh mà má đã đãi vỏ hồi sáng, chờ chè sôi lên, bỏ đường vô, bỏ bột báng, nhỏ lửa cho sôi riu riu, chờ. Chừng mười một giờ rưỡi, đã chuẩn bị xong mấy món cúng, pha xong bình trà, tôi kêu má dậy để cúng giao thừa. Má tôi ít khi khen con ra mặt, nhưng nhìn gương mặt má thật tươi khi hỏi tôi: ”Con nấu chè rồi hả? Đánh thức ba dậy rồi lấy nhang cho ba má cúng” là tôi biết má tôi vui lòng lắm. Và cứ như thế, năm nào cũng vậy, tôi lục đục nấu chè, đổ sương sa, chuẩn bị cho má cúng giao thừa, cho đến khi tôi xa quê hương, tôi vẫn thường thắc mắc là đứa em út có lo cho má cúng giao thừa chu đáo như tôi hay không.

Sáng sớm mùng một Tết, chuyện đầu tiên là chị em tôi náo nức ra phòng khách xem chậu mai nở ra sao và tìm kiếm mấy hoa mai sáu cánh, có khi bảy cánh để đoán xem năm nay nhà mình có được nhiều phước lộc. Bữa ăn sáng mùng một rất long trọng. Bánh tét cắt từng khoanh, chung quanh màu xanh lá cây lợt, giữa màu vàng và trong cùng là miếng mỡ trắng, xếp ngăn ngắn lên dĩa bàn lớn. Hai dĩa bánh tét, hai tô măng kho vàng tươi, hai tô thịt kho nước dừa với hột vịt luột, nước vàng nâu lóng lánh mỡ, dĩa củ kiệu, dĩa củ cải trắng trộn với mấy khoanh cà rốt màu cam được cắt tỉa đẹp mắt, hai dĩa bánh tráng dẽo mè đen đã được cắt làm tư nhúng nước, tất cả nằm trịnh trọng trên bàn ăn. Bánh tráng cuốn măng kho, củ cải chua, chấm nước thịt kho béo ngầy ngậy. Bánh tét ăn với thịt kho mềm rụm, nửa cái trứng, củ kiệu cay cay, chua chua, ngọt ngọt, cắt chút ớt ngâm dấm chua ngọt, ngon không thể tả được! Sau bữa cơm sáng no nê, đứa nào cũng lấn cấn ở nhà trong, chờ má lì xì mà mắc cở không dám nói ra. Nhà tôi không có tục lệ chúc Tết cha mẹ, ông bà, cho nên cũng không có tục lệ cha mẹ mừng tuổi con. Ba má tôi ngồi ở bàn ăn, cười hỏi: ” Đứa nào muốn tiền lì xì?” Cả bọn, đứa nào cũng cười lẻn bẻn, đúng tim đen quá mà, lẫn quẫn chờ nãy giờ. Má chia mỗi đứa một bịch đỏ, bề dầy khác nhau tùy theo tuổi, càng lớn tuổi thì bịch càng dầy.

Ba dẫn mấy chị em về nội, về ngoại, làng Đại Nẫm. Má ở nhà nghỉ ngơi sau mấy tuần lo Tết và mùng một ít bạn bè đến thăm. Cả nhà nội và ngoại cũng không có tục lệ chúc Tết ông bà, mừng tuổi con cháu. Thấy tụi tôi lên, bác Xã, bà nội phát cho mỗi đứa một tờ, không cần bao bì gì hết. Mà chúng tôi cũng đâu cần bao bì chi cho rắc rối. Có tiền là đủ rồi! Bà ngoại cũng vậy, phát cho mỗi đứa một tờ, không cần các cháu chúc lại. Cho là cho! Không nghĩ đến sự cảm ơn đáp lại. Người Đại Nẫm chân tình là thế đó. Ông ngoại tôi thì không bao giờ lì xì cho chúng tôi, mà chúng tôi cũng không chờ tiền lì xì của ông ngoại. Hôm qua má đã sai chị Ba đem tiền lên đưa ông ngoại để ông ngoại đi đánh bài mấy ngày Tết cho vui. Lần này thì chúng tôi không chơi lâu. Được tiền lì xì, tự động rủ nhau về trước, để mặc ba một mình đi thăm mấy ông chú, ông bác của ba.

Tụi tôi lo về lẹ để làm sòng bài ở nhà hay la cà đánh tài xỉu, bầu cua. Lúc đó tôi còn nhỏ nhưng cũng cứng rắn lắm. Lúc nào đi đánh bầu cua, tài xỉu là tôi quyết định một số tiền và tự hứa là thua hết số tiền này thì về, không chơi ráng để gở, không chơi hết tiền sạch túi như hai thằng em kế. Ba tôi rất ghét cái tánh bài bạc, nhưng những ngày Tết là tụi tôi được chơi thả dàn. Tội nhất là anh Tánh con trai lớn bác Năm Sang bạn của má, theo chị Hai tôi, tới nhà chơi bị tụi em dụ anh làm cái bài xì dách. Đám tụi tôi đổi bài, dấu bài, chị Hai thấy mà không dám nói, nói ra là tỏ ý cho anh Tánh biết chị bênh anh rồi anh Tánh tưởng chị “chịu” anh thì mất ”danh dự” chết luôn. Anh Tánh thua sạch túi mà không biết có được người đẹp nhìn cho chút xíu nào không, chị Hai làm cao lắm! Trong nhà tôi, tôi và thằng em kế là đánh bài ma giáo nhất, liên kết chặt chẽ. Hai đứa nháy mắt, đổi bài lia lịa, hai bà chị khờ khạo, mấy đứa anh em cô chú ngờ nghệch, sạch túi mà không chút nghi ngờ. Ai đời đánh bài phé, mà cứ được thùng, hay suốt hay ba xì là ngồi rung chân thỏa mãn. Tôi với thằng em nói vẩn vơ vài câu, kéo cho mấy người đó lộ tẩy rồi giả bộ tố, giả bộ rút lui, sợ thua, mấy người đó vô lưới hết. Trời hại thằng em tôi, ăn gian ở nhà, ra đường chắc bị lừa, thường đến mùng hai là thua sạch túi, về dụ tôi cho tiền đi chơi, rủ tôi đi xinê để tôi bao.

Chiều mùng ba, chị Hai Cao lên, tụi tui mừng hết lớn. Có người rửa chén. dọn dẹp nhà cửa, mặc dù sau khi cúng ông bà chiều ba mươi, không được quét nhà, có quét thì túm lại một góc nhà chứ không được đổ rác. Xoong măng thứ hai đã được kho lại. Ba ngày, ngày nào cũng bánh tráng cuốn măng kho và củ cải chua, bánh tét, tụi tôi bắt đầu ngán, nhưng có ai có thì giờ nấu cơm đâu. Có bữa ham chơi, tôi nhúng ướt một cái bánh tráng, măng kho, bánh tét, thịt kho, đồ chua, làm một cuốn lớn to bằng cườm tay ba, dài chắc cở hai mươi centimet, chạy ra đường vừa ăn vừa coi đánh bầu cua. Bởi vì sau bữa ăn sáng mùng một là chúng tôi không ai có thì giờ về nhà ăn cho đúng bữa. Ba má tôi cũng dễ dãi, đứa nào muốn ăn lúc nào thì ăn, hên thì về nhằm bữa, ăn chung với ba má. Chiều mùng ba, má xào mì cúng đưa Ông Bà. Rác được đem đi đổ sau khi cúng Tất. Trưa mồng bốn, chị Hai Cao nấu cơm, mở mấy đòn thịt bò ướp sả ớt treo lủng lẳng trên bếp, cắt từng lát mỏng, chiên cho cả nhà ăn cơm, bữa cơm trắng đầu năm sao ngon lạ lùng.

Trên danh nghĩa là hết Tết nhưng đối với chúng tôi, Tết chưa hết. Còn được nghỉ học, còn được đánh bài thả dàn, nhà còn hột dưa bánh mứt là còn Tết. Chị Hai Cao mê đánh bài không thua gì chúng tôi, tối nào cũng rủ đánh bài. Với chị Hai Cao, không dễ gì qua mặt ăn gian được, bị chị cốc đầu, đòi tiền lại vì cái tội láu cá đều đều. Chị Hai Cao mê đánh bài đến độ có hôm chờ ba má đi ngủ, chị kêu nho nhỏ, chúng tôi lò mò dở mùng, chui xuống nhà bếp, thắp đèn hột vịt, thì thào đánh bài. Chắc ba má biết mà làm lơ. Dễ gì qua mặt ba má!

Tối mùng bảy, ngày mai đi học lại, ba tôi biểu chị Hai Cao đem bộ bài tứ sắc, bộ bài cắt tê bỏ vô bếp đốt. Tối đó, trong tâm trạng thơ thẩn, tôi tưởng như đời hết vui, hết thú nữa rồi vì mấy bộ bài đã ra tro than, lòng tiếc hùi hụi. Nhưng sáng hôm sau, đi học, vui thầy, vui bạn, cơn mê đánh bài cũng tan theo mây khói.

Sau năm Mậu Thân, má tôi sợ không được ăn Tết trọn vẹn như năm đó, má tôi cho gia đình ăn một cái Tết mini vào cuối tháng mười một và chúng tôi cũng như ba tôi, ai cũng ủng hộ rầm rầm. Dĩ nhiên năm đó nhà tôi ăn Tết hai lần. Không chán! Chỉ tội má tôi, phải cực nhọc hai lần.

Võ Thị Điềm Đạm
Phượng Các
#18 Posted : Friday, January 27, 2006 1:29:49 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Đọc bài chị làm xúc động quá, nhớ những cái tết thời thơ ấu đã qua. Không hẹn mà nên, ở VN mình, nhà nào cũng rộn ràng đón Tết với tất cả niềm nỗi như nhau. Giờ đây nơi xứ người, sau vài năm gượng gùng, mình nhất định bỏ, không Tết nhất gì nữa.....
oc huong
#19 Posted : Friday, January 27, 2006 5:34:35 PM(UTC)
oc huong

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,180
Points: 0

Cám ơn PC hen. Hình như ở Cali, quí vị trồng được mai hở? OH nhớ láng máng Ngô Đồng có nhắc một lần. Cái gì Ngô Đồng cũng giỏi hết trơn hà, cầm kỳ thi họa. Có được cành mai ngày Tết là an ủi nhiều lắm quí vị ơi..
Hồi mấy nhóc tì còn nhỏ, Ốc Hương còn làm mai giả cho vui nhà vui cửa. Bây giờ không thích nữa. Chỉ ao ước mình có được càng mai để chưng phòng khách. Biết bao giờ???
Một cách để tụi nhỏ nhớ Tết, mong Tết là LÌ XÌ. Với con nít, tiền là trên hết. Có lần nghe hai đứa con gái ngồi bàn tính năm nay sẽ được bao nhiêu tiền lì xì, dì, cậu, ba, má... mình thấy hơi vui vui. Bây giờ mấy nhóc lớn bự có bồ hết trơn rùi nhưng vẫn còn được bao lì xì, một cách để nhắc nhở đó mà!
Nghĩ cũng tủi hở các bạn, Giáng Sinh tưng bừng nhộn nhịp, con cái náo nức. Lấy hết sinh lực mừng Tết của mình. Còn Tết mình, mình phải nhắc, đưa đi ăn, lì xì để níu kéo sự chú ý của tụi nhỏ.
Ui, cảnh buồn người có zui đâu bao giờ.
Mến chúc các bạn được nhiều an vui đầm ấm những ngày xuân mới.
Ốc Hương
Phượng Các
#20 Posted : Friday, January 27, 2006 6:21:43 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Vâng, chị oc huong, người ta trồng được mai. Bà chị PC có một cây mai mà tưng tiu ghê lắm. Không có mai nhưng bên chị có đào hay không?
Users browsing this topic
Guest
3 Pages123>
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.