LOÀI CHIM CÚM NÚM
ĐỜI GẶT MƯỚN
Kiếp du cư
Sáng 22/9, trên cánh đồng chín vàng ở ấp E1, xã Thạnh An, TP Cần Thơ, tôi gặp bầu đoàn thê tử của ông Mười gồm : vợ, con trai, gái, dâu, rể và bốn cháu đang kẻ gặt, người bó, vác. Hai tháng trước, bầu đoàn này bắt đầu cuộc du cư gặt vụ hè thu tại An Giang, từ huyện Chợ Mới đến Thoại Sơn; rồi về Cần Thơ từ Thốt Nốt đến Vĩnh Thạnh. Đầu tuần này, ông Mười sẽ về quê nhà Kiên Giang cũng để … gặt mướn. Quỹ đạo du cư của ông cố định hàng năm như vậy, vì vụ hè thu ở vùng thượng nguồn sông Cửu Long được gieo sớm để né lũ, lúa An Giang chín trước, lần lượt chín sau ở các vùng xuôi về hạ lưu.
GS – TS Nguyễn Văn Luật (cựu Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL) cho biết, theo thống kê của tỉnh Kiên Giang, có 50% nhân công cắt lúa mướn trẻ, khỏe đã lên thành phố làm công nghiệp, khiến gia tăng tình trạng “phụ nữ hóa – già hóa nông dân”, dẫn đến năng suất kém mà tiền công gặt lại tăng từ 1 lên 2 triệu/ ha. Chỉ mới cách đây 15 năm, nông dân nhiều nơi còn dùng đinh/ cọc sắt chôn dưới ruộng để phá máy gặt cướp công gặt của họ, thế mà nay tìm công gặt không ra !
Năm nay, các tỉnh buộc gieo sạ đồng loạt để thu hoạch cùng lúc, cho đầt nghỉ 2 tháng cho rầy nâu không còn…lúa dung thân, nên thợ gặt phải đánh nhanh rút gọn, thời gian nông nhàn kéo dài hơn năm ngoái. Bù lại, nhờ lúa chín rộ nên thiếu nhân công trầm trọng, giá gặt “nhảy” như giá vàng, từ 120.000đ – 180.000 đ/ công (1.000m2 – tùy lúa đứng hay ngã) gấp đôi năm trước. Hồi đầu vụ, ở vùng sâu và xa kênh mương, giá gặt lên đến 200.000đ/công nhưng ông Mười cũng không vui vì : “Vụ gặt ngắn hơn một tháng mà kiếm gấp đôi, cả nhà được 5 – 6 triệu đồng, nhưng giá cả đắt đỏ, tiền xe, đò cao, nên cũng chỉ đủ đong gạo ăn, chờ dài cổ đến vụ đông xuân”.
Phần lớn các nhóm thợ gặt đến từ Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang cất lều ven kênh hoặc trên gò sống tạm, lót rơm hay dùng nóp để ngủ. Ngoài đại gia đình ông Mười dồn về đây, đang có nhóm “ vợ chồng”: Danh Sang (42 tuổi) – Thị Nha dẫn theo hai con trai 12, 10 tuổi đến từ Sóc Trăng; nhóm “bà cháu”: bà Hai Sẹo (70 tuổi) và cháu gái tên Thảo (17 tuổi) cũng đến từ Sóc Trăng. Cũng đến từ Kiên Giang có nhóm “ba chị em” : Thị Thừa (17 tuổi), Thị Thân và Thị Danh (cùng 15 tuổi); nhóm “hai người bạn” : Danh Chạc Đa và Danh Sa (cùng 17 tuổi)…
Người trong nhóm luân phiên cắt và bó để đổi tư thế cho đỡ mỏi. Năng suất thợ gặt giỏi một công/ ngày. Thợ cắt phải gỡ lúa rối, túm bụi, cắt ngang 2/3 thân, xếp dọc. Thợ bó phải xiết dây cột chặt, rồi thợ vác chất thành đống lên bờ. Chủ ruộng đứng canh, nếu ai giẫm lúa ngã, không vén lúa để rối, hặoc bung dây bó sẽ bị trừ tiền công. Nhưng dù bị phạt hay không, chủ ruộng vẫn “boa” nhóm gặt 2 lít gạo/ công theo văn hóa ứng xử “người quê chỉ có tấm lòng”, nên các nhóm thường không mang theo lương thực, trừ có cái bếp dầu, vài cái nồi móp méo và các mớ chén bát mẻ sứt.
Bốn đứa cháu ông Mười đi bắt cá rô, cá sặt ở các nơi mới gặt, được gần một ký làm tăng vị “tươi sống” cho mâm cơm đại gia đình. Hai con anh Danh Sang lo phụ công bó, nên thức ăn của 4 người chỉ có 6 con cá khô và ca trà đá thay canh. Nhóm Thị Thừa tranh thủ hái bông điên điển, rau ngổ, bông súng, ngó lục bình luộc ăn, lấy nước làm canh.
“Sàn giao dịch chùa”
Anh Nguyễn Văn Quang ở xã Thạnh An, Vĩnh Thạnh, Cần Thơ có sáng kiến lấy khỏang sân rộng sau nhà mình cho 60 – 100 nhóm thợ gặt dựng lều ở không lấy tiền, đổi lại, anh mở “cửa hàng tiện ích” kiếm lời từ việc bán bột giặt, bột ngọt, nước mắm, khô, mì gói, dầu hôi…cho họ. Từ đó, nhà anh biến thành “sàn giao dịch công gặt”. Các chủ ruộng chỉ “a lô, tui cần 10 công” là anh Quang điền thêm lên bảng thông tin : “ngày… ông A ở ấp.., xã… cần 10 công”. Các nhóm chọn chủ, nhờ anh Quang điện “ khớp lệnh”, anh không thu phí và mở “tài khoản giao dịch” như sàn chứng khoán !
Hỏi sao không lập công ty dịch vụ gặt ? Anh Quang nói “ Mỗi vụ gặt có 50% gương mặt mới tụ về. Họ không có số nhà, số điện thoại, chỉ có tên ấp, xã. Công nhân toàn là chim trời cá nước, ai lập công ty phá sản là cái chắc! Tôi chứa họ là vì thương kiếp lang thang. Họ là nông dân nhưng không có miếng đất cắm dùi, học ít, đa số lớn tuổi; là những gái quê kém sắc không dám lên thành phố bon chen, những trai làng tự ti không dám ra tỉnh lập nghiệp. Nhiều gia đình cần kiệm, tối mở đài nghe cải lương rồi ngủ, khi về có dư chút tiền nhưng chỉ đủ ăn hết mùa nông nhàn, đến vụ sau cũng trắng tay, mua chịu. Ngược lại, có một số ông nhậu, đánh bài; con trai, con gái hát karaoke, đến ngày về có khi không đủ trả nợ cho tôi”
BÁN MẶT CHO ĐẤT – BÁN LƯNG CHO TRỜI
Bà Hai Sẹo, 70 tuổi, ở Rạch Sến, Sóc Trăng than thân “Tôi bán lưng cho trời – bán mặt cho đất 54 năm chưa được nghỉ. Lom khom cả ngày, tối nhức lưng thấu xương, nhờ con Thảo có hiếu, đấm bóp cho, bà ngoại mới ngủ được. Tội nghiệp, nó theo tôi cắt mướn miết, làm sao lấy chồng?”
Bệnh tật, thất học
Nghe ngoại nói, Thảo, 17 tuổi, học hết lớp 2, chữa thẹn “Con chỉ mong hai chân bớt sưng để mai ra đồng” Hai bà cháu dựng lều cạnh bụi tre sau nhà chủ ruộng. Mấy hôm nay Thảo không ra đồng vì lúa cắt sướt chân, nhiễm trùng sưng tấy. Cô bé không hiểu nước dưới ruộng mùa gặt là dung dịch cô đặc dư lượng phân bón, thuốc trừ sâu, nhất là thuốc diệt ốc bươu vàng cực độc. Bà Hai Sẹo ngâm mình hàng ngày dưới nước, nên mắc bệnh phụ khoa triền miên, lại thêm bệnh tim mãn tính. Thảo không dám mua kháng sinh chữa chân, dành tiền mua thuốc cho ngoại. Kết quả sau hai tháng gặt, bà cháu chỉ dư được 800.000 đ. Có bao giờ được đoàn tự thiện khám bệnh? Bà Hai lắc đầu “Thợ gặt rày đây mai đó, lâu nay có thấy đòan khám bệnh nào đâu. Nếu ở gần, tôi ra trạm xá, còn xa quá, thì ghé tiệm thuốc khai bệnh cho họ bán”
Cuối tháng 8 vừa qua, anh Nguyễn Quốc Tịnh ở huyện Gò Quao, Kiên Giang dẫn hai con Nguyễn Thị Trang Đài (6 tuổi) và Nguyễn Quốc Kiệt (4 tuổi) sang gặt ở đồng Kinh Mù U, huyện Giồng Riềng. Chợt nhớ sắp đến ngày khai trường, anh dẫn cháu Đài về Gò Quao xin vô lớp 1, nhưng quá muộn, trường không nhận ! Bi kịch hơn, sáu năm trước vợ anh Thạch Sóc Kha ( Trà Vinh) chuyển dạ trên đồng, anh đưa đến trạm xá sinh trong tình trạng lấm lem.
Chào đời đã vậy, thằng con lớn lên lại chỉ biết cái mui ghe của cha mẹ gặt mướn. Tháng 7 năm nay, anh định đưa cháu về nhà ngoại để ra lớp 1 nhưng chưa đi được vì cháu sốt. Chiều hôm đó gặt xong, vợ chồng anh về không thấy cháu trên ghe, chỉ thấy nồi cơm đổ vương vãi. Sinh nghi, anh tri hô cả xóm lặn mò, vớt được xác cháu còn cầm chặt cái chén trên tay ! Từ đó, trên ghe anh mọc lên một kệ thờ nhỏ không có ảnh, vì cháu chưa từng được chụp hình.
Đổi tình lấy lúa!
Hỏi thăm gia cảnh, tình cờ chị Sơn Thị H. 40 tuổi, người cao ráo, quê ở Sóc Trăng, kể đời mình đi gặt mướn từ thuở 15, đến năm 18 kết nghĩa vợ chồng với bạn gặt – anh Danh S., sinh liền năm một, đủ trai, gái. Bốn năm sau, anh S. lở loét khắp người, tưởng bị nhiễm thuốc trừ sâu, mua thuốc uống, uống mãi không hết. Đến khi đi hết nỗi, chị mới đưa anh vào bệnh viện huyện, phát hiện anh nhiễm HIV đã chuyển sang AIDS. Anh chết ba tháng sau đó. Chị dẫn hai con đi gặt tiếp.
Hai năm sau, chị H. tái giá với anh V. cũng là bạn gặt. Vẫn chu kỳ bốn năm hương lửa, anh V. lại chết vì AIDS. Khi đó, bênh viện lấy máu chị H. xét nghiệm, mới thấy dương tính HIV. Tôi hỏi Trung tâm y tế dự phòng (TTYTDP) huyện có lập sổ theo dõi, tư vấn, điều trị cho chị không? Chị H. nhớ lại, khi chồng trước nằm viện, bác sĩ có khuyên chị xài bao cao su, nhưng chị không biết nó là cái gì.
Ở An Giang, gái mại dâm giải nghệ từ Camphuchia về khá đông, mưu sinh bằng cách bám theo các nhóm thợ gặt nam để “đổi tình lấy lúa”. Tháng 7/2007, tại Hội nghị phòng chống HIV/AIDS, BS Trần Mỹ Hạnh – PGĐ Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS & Lao tỉnh An Giang báo động “Có một thực tế là tình trạng mua bán dâm đang diễn ra trên đồng ruộng vào mùa thu hoạch lúa, nhưng công tác tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS dường như bỏ sót đối tượng này”
TTYTDP huyện Chợ Mới báo cụ thể “Có 85 nông dân trong huyện bị nhiễm HIV/AIDS, là đối tượng nguy cơ thứ hai sau nhóm ma túy – mại dâm” . Bí thư Tỉnh đoàn Trần Thanh Nhã liền có sáng kiến mở chiến dịch đưa bao cao su ra đồng
Trong mười ngày đầu tháng 8, 80 tuyên truyền viên chia thành 4 đội, ra tận các cánh đồng thuộc 4 huyện: Châu Thành, Phú Tân, Chợ Mới, Thoại Sơn giải thích tác hại, chỉ cách phòng ngừa, phát 10.000 bao cao su và 15.000 tờ bướm cho hàng ngàn thợ gặt mướn. Cô Thu Tâm – tuyên truyền viên ở Thoại Sơn, kể lại “ Họ đều biết HIV/AIDS nguy hiểm nhưng không hiểu rõ cách phòng tránh”.
Hai triệu ha lúa bát ngát ở miền Tây là nơi mấy chục ngàn thợ gặt mướn kiếm sống, cũng là chốn loài chim cúm núm kiếm ăn, nhưng không còn nguyên nghĩa là chốn “đất lành chim đậu” như thời mở cõi đất phương Nam
Mai Bá Kiếm – Báo Phụ Nữ