Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Hoàng Thị Bích Ti
Phượng Các
#1 Posted : Friday, November 12, 2004 4:00:00 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)



Hoàng Thị Bích Ti



Sinh ngày 01.05.1959 tại Sài Gòn.
Ðịnh cư tại Hoa Kỳ từ 1975.
Cùng Nguyễn Sao Mai, chủ trương tạp chí Sóng Văn (1996-1997)

Tác phẩm đã xuất bản:

Người Ðàn Bà Sau Lưng Tấm Quảng Cáo (tập truyện Văn Mới 1996)




Phượng Các
#2 Posted : Saturday, November 13, 2004 7:15:20 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
TAY VIN NHÀNH QUÝT

Hoàng Thị Bích Ti

1
Khí ra khỏi tiệm bán nữ trang, anh vùng vằng hỏi tôi: "Tay anh lớn, tay em nhỏ, mà hai chiếc nhẫn cùng bằng giá tiền. Sao không trả giá?" Tôi ngớ ngẩn, làm thinh. Sau ngày cưới, anh hỏi tôi: "Cây đàn tranh đó ở đâu mà có? Sao không thấy em đàn?" Tôi ấp úng trả lời: "Đàn của một người bạn gửi mua từ Hà Nội cho. Lõng dây rồi, không đàn được nữa!"
Lấy nhau gần nữa năm, một đêm khi anh đã ngủ say, tôi lôi cây đàn tranh dưới gầm giường ra, gãy nhẹ lên những sợi đàn. Xê. Xàng. Côùng. Líu. Vuốt ve những con nhạn nằm xấp ngữa lên nhau và những vết nứt mới nguyên do bàn tay thô bạo của anh. Tôi bỏ đàn vào hộp, lẳng lặng đem ra thùng rác. Anh thức dậy, xin lỗi tôi và hỏi tại sao. Tôi trả lời bằng một cái nhìn dửng dưng.
Có lần anh hỏi tôi "Sao lâu nay em không đeo nhẫn cưới?" Tôi lạnh lùng, trả lời: "Đeo nhẫn sợ trầy da con mỗi khi ôm ấp nó." Anh baœo tôi: "Em đem con về nhà ba má chơi một thời gian. Sẵn đang thất nghiệp, anh ghi danh đi học thêm ngành điện tưœ. Cái bằng xã hội học cuœa anh bây giờ coi như vất đi!" Tôi lặng lẽ thu xếp đồ đạc, taœ, sữa.
Hôm đưa mẹ con tôi ra phi trường, anh ngồi ôm khư khư mấy gioœ hành lý chờ giờ bay,nét mặt khẩn trương như ông thần giữ cuœa. Tôi nắm tay con đi loanh quanh mấy gian hàng "duty free", nghĩ đến căn nhà tràn nắng ấm cuœa ba mẹ tôi, và đêm quay quần bên nồi bánh tét cuœa gia đình mà thấy lòng vui như ngày nhoœ dại. Trước khi bước lên phi cơ, anh hoạnh họe nhìn tay tôi, hỏi: "Nhẫn em đâu?" Tôi buông tay con, lục lọi túi xách, lôi trong cái ngăn nhỏ nhất lấy cặp nhẫn ra, bình thản thả vào ly cà phê đen anh đang cầm trên tay, nói nhỏ: "Anh giữ đi " rồi xoay lưng đi.
Ngồi trên phi cơ nhìn xuống thành phố lần sau cuối, lòng bảo lòng: "Tôi sẽ bỏ anh!"
2
Chị và ông anh cả đón tôi ngoài sân bay. Anh tôi bế cháu, xoa đầu em gái như ngày xưa: "Ba nó vẫn thường chứ!" Tôi trả lời nhát gừng: "Vẫn thế.".. Ôm lấy tôi, chị thơœ dài:"Em ốm đi nhiều lắm rồi!Lấy chồng sớm mà làm gì. Cứ như hoa lài cắm bãi cứt trâu!" Về đến nhà, mẹ ôm lấy cháu, xúyt xoa: "Thằng bé kháu quá! Nhà có mười bảy cháu nội, ngoại nhưng chỉ có nó là đẹp nhất!" Ba tôi nghe chàng rể muốn đi học thêm, vẻ mặt mừng hẳn ra: "Tốt! Học được chừng nào tốt chừng ấy! Có bằng cấp mới nuôi nổi vợ con". Tôi buột miệng sắp nói, nhưng vội vàng dừng lại kịp. Mẹ bỉu môi, hứ : "Đi học cả đời như ông, bằng cấp đầy mình mà nuôi ai chưa? Gần tám mươi mà cũng rán lấy cho được cái bằng rốt cuộc để làm gì? Cả đời hết chữ Nho rồi tới tiếng Tây, tiếng U. Không giống ai!..." Ba cười hì hì: "Cho dzui mà!" Mẹ nguýt: "Già rồi! Lo mà tu đi cho con gái nó nhờ! Ở đó mà bằng này với bằng nọ, tranh hơn tranh thua với ba đứa con nít!" Tôi cười, xách va-li đi vào trong. Bốc điện thoại gọi anh báo tin mẹ con đã đến nơi. Giọng đàn bà nũng nịu bên kia đầu giây. Tôi cười một mình, cúp máy. Lòng bảo lòng: "Tôi sẽ bỏ anh!"
Buổi sáng, gà gáy ó o. Tôi nằm trên giường, ngỡ như mình đang còn ở Việt nam. Con tôi mở mắt ra, ôm quíu lấy mẹ. Tôi vỗ về: "Đừng sợ! Gà gáy đó con." Bên ngoài, tưng bừng tiếng cười nói. Mùi gừng đang sên trong bếp thơm ngọt. Giọng Huế trầm trầm của chị Song, chị dâu tôi, chen lẫn giọng cười trong veo của mẹ. Cả nhà đang vây quanh bếp. Ba mẹ cười vui bên đàn con cháu. Thấy tôi, chị Song kêu lên: "Úi chao! Có o là đông đủ hết cả nhà rồi! Năm ni nhà mình ăn Tết vui ghê hỉ!" Tôi hỏi ông chồng chị đâu sao không tới chơi. Chị dẫy nẫy: "Phiền lắm nì! Cho ổng tới đây làm chi." Mấy đứa cháu bu lấy con tôi, dắt ra xem bầy gà của ông Cuba hàng xóm. Mẹ lấy tay lùa vô rỗ mớ đậu xanh vàng thắm trong thau, bảo tôi: "Mẹ pha trà sẵn rồi, uống đi con!" Tôi rót tách trà, ngồi xuống bên mấy chị, lặng lẽ ngắm bàn tay đã trổ đồi mồi của mẹ. Nhà có năm chị em gái, tính luôn cả chị Song, chưa kể bốn bà chị dâu khác và sáu cô cháu gái xinh như ngọc nữ. Chị em, cô, dì, cháu ngồi lại với nhau là vui như hội. Chị Song nhìn tôi không chớp mắt: "Răng mà lấy chồng xa rứa o. Về với ba mạ sướng chết đi! Ở chi trên nớ lạnh chết!" Tôi cười, nghiêm trang: "Em về ở luôn mà! Chị nuôi em nghe!" Chị xí dài: "Ở luôn răng mà luôn. Ván đã đóng thuyền rồi. Chồng mô thì vợ nớ." Chị Gấm cười: "Ván đã đóng hòm thì đúng hơn!" Chị Nga nghiêng đầu, ê a phụ họa: "Đào tiên đã bén tay phàm, thì vin nhành quýt mà cam sự đời." Cả nhà phì cười. Chị Song quay sang mẹ, thở dài: "Lúc anh con còn sống, ảnh thương o nớ nhất. Úi cha! Lúc mô cũng nói về o thôi. Sinh đứa con đầu lòng cũng lấy tên o đặt cho nó!" Tôi quay đi, chớp mắt; chạnh lòng khi nhớ đến chị Song và những đứa cháu không cha. Nhìn sang chị Gấm, vẫn đẹp như ngày nào. Mỗi lần có người ngấm nghé, chị vẫn lắc đầu cười trong khi mẹ thở dài: "Đi thêm bước nữa thì có thêm một giòng con. Làm đàn bà mà có tới hai ba giòng con như con Song thì cơ cực lắm!" Ba hậm hực: "Tại nó lụp chụp, mới qua chân ướt chân ráo đã vớ ngay thằng Cuba. Mấy đứa nhỏ thật vô phước!" Và mẹ lần nào cũng gắt lên: "Nó còn trẻ mà! Con ông chết bộ ông đòi gã dâu nữa à?" Ba cố vớt vát: "Con không cha như nhà không nóc!" Mẹ lại cau mày: "Sao lại không? Còn mẹ nó vất đi đâu?’ Có lần chị Song giọt vắn giọt dài:"Trong đời con chỉ có anh là người con thương nhất! Không người đàn ông nào có thể thay thế được. Lâu nay ba mạ vẫnï thương con như con gái. Có thương thì thương cho trót, xin ba mạ đừng trách con, tội nghiệp! Bây chừ có làm vợ ai, khi mô con cũng coi gia đình ni là gia đình của con. "
Bên cạnh mẹ, chị Song vẫn cười nói líu lo: "Càng lớn, o càng giống mạ ghê!" Mẹ nhìn lên bàn thờ, giọng buồn buồn: "Không, nó giống bà ngoại. Giống như gương mặt cắt để qua. Nhưng bà ngoại sướng hơn nó." Ba đang ăn bánh in, chen vào: "Ôâng ngoại là quan mà. Lấy chồng làm quan thì cả họ được nhờ." Chị Song nhăn nhó, kêu lên: "Thôi ba ơi! Chồng con cũng quan nhưng chết thảm đó tề!" Tôi cầm tách trà lẳng lặng đứng lên đi ra sân sau. Anh tôi ngồi trầm ngâm trong khói thuốc, thỉnh thoảng đưa mắt trông chừng đám cháu. Sợi dây trầu do chính tay anh trồng, leo quanh co bên hàng đu đủ. Hai bên bờ đê, hàng dừa xanh như lá mới. Con tôi chỉ bầy vịt con vàng như tơ trên con kinh kêu lên: "Mẹ ơi! Hai, ba, bốn con vịt nè!" Tôi ngồi xuống bên con, dịu dàng: "Không phải! Một con vịt con, hai con vịt con, ba con vịt con, bốn con vịt con , năm con vịt con. Nè! Đếm theo mẹ đi! Thằng bé đưa ngón tay bụ bẩm ra chỉ chỏ, đôi môi thơm mùi sữa xuýt xoa đếm tới, đếm lui. Nó cười sằng sặc mỗi khi thấy vịt mẹ chổng mông kiếm mồi cho con. Tôi bơi chơi vơi trong tiếng cười của con. Những cánh hồng sa mạc trong cái chậu sứ dưới chân anh tôi như đang cười theo nó. Chưa bao giờ, tôi thấy con cười vui như thế!
3
Sáng mùng ba, khách đến nhà. Những người đàn ông ngồi với nhau trong khi mấy chị em tôi bu quanh mẹ, xem bói Kiều. Mấy chị tôi thay phiên nhau nâng sách ngang mày, thành khẩn khấn vái. Kẹp cây nhang vào giữa trang sách, mẹ bảo đến phiên tôi. Chìu mẹ, tôi cũng bói. "Bắt phong trần phải phong trần. Cho thanh cao mới được phần thanh cao." Đọc xong hai câu bói của tôi, mẹ cười tươi nhưng mắt buồn rười rượi. Tôi đẩy cuốn Kiều ra giữa bàn, ôm vai mẹ cườiï: "Nhảm! Mẹ đừng lo! Không ai "bắt" con được đâu mẹ ơi".
Ba mẹ giữ khách lại dùng cơm. Thịt kho. Dưa giá. Mứt hột sen. Mứt gừng. Mứt quất. Món nào đối với tôi cũng đều mặn đắng. Chỉ có tiếng cười của con tôi trong veo và ngọt mướt. Khách hỏi tôi: "Em về từ bao giờ? Chồng em có khỏe không?" Tôi lí nhí trả lời: "Vẫn thế!" Mấy cô cháu của tôi xí xọn đem đàn tranh trong nhà ra, ép khách đàn. Khách miễn cưỡng so dây. Xế. Xự. Hò. Xang. Xê. Xàng. Cống. Líu. Tôi đứng lên, dắt con ra bờ đê. Không nghĩ gì hết ngoài mùi thuốc gội đầu rất thơm trong tóc con!
Sau tết, khách đến nhà thường hơn. Lần nào cũng có anh tôi tiếp. Nhiều khi, tôi đem con ra biển ngồi đến chiều; về đến nhà, thấy khách vẫn ngồi đó. Mấy ngày tết qua mau, thấm thoát mà đã hết mấy tháng. Tôi sống những ngày tháng yên lành, êm đềm như con đê sau nhà. Trừ hai ngày cuối tuần, các chị của tôi ai về nhà nấy. Căn nhà của ba mẹ chỉ còn lại anh cả, chị Gấm, tôi và bốn đứa cháu. Căn nhà, từng là nơi trú ẩn của một người đàn ông góa vợ, hai người thiếu phụ góa chồng , và người sắp bỏ chồng là tôi. Đêm, anh tôi ngồi một mình trong căn nhà mát bên bờ đê, cô đơn như oan hồn nhưng hoàn toàn ung dung, tự tại. Bầy đom đóm lập lòe dưới chân anh. Tiếng sáo của anh bay vút lên những tàn lá dừa vàng thắm ánh trăng. Tiếng sáo quyện xuống lòng kinh, vỗ về nỗi hung hãn oan khiên của những con sấu hoang. Thỉnh thoảng, ba lê đôi dép lẹp xẹp đứng bên cửa nhìn ra phía anh ngồi, cằn nhằn, rồi chép miệng thở dài: "Đêm nào cũng thổi sáo, nghe muốn điên luôn! Ở ngoài đó, rắn không...".
Mỗi đêm, khi con tôi ngủ say - còn lại một mình, tôi giằng co trong muôn vàn ý nghĩ. Gần sáng, tôi vẫn bảo với lòng: " Tôi sẽ bỏ anh!"
4
Buổi sáng thơm mùi hoa bưởi. Mẹ sai tôi với chị Gấm ra vườn hái hoa bưởi để mẹ nấu chè. Chị Gấm vừa hái hoa vừa ngâm nho nhỏ: "Trèo lên cây bưởi hái hoa, bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân. Nụ tầm xuân nở hoa xanh biếc. Em lấy chồng anh tiếc lắm thay". Quay sang tôi, chị bần thần nhăn mặt: "Nụ tầm xuân nó ra làm sao hả em?" Tôi cười: "Thì...hoa nó màu xanh.. biếc!" Chị thừ mặt ra, chắc lưỡi: "Mấy ông văn, thi sĩ cứ hay phịa chộ người ta! Quái gì mà có nụ tầm xuân với lá diêu bông gì đó!" Tôi trêu: "Họ còn phịa nhiều thứ nữa chị ơi! Nhất là ba cái ái tình vớ vẩn."
Nhắc đến chuyện "ái tình", chị ghé vai tôi, thì thầm: "Vợ chồng em lại cãi nhau nữa phải không?" Tôi lắc đầu: "Chị biết em đâu phải là người ưa chuyện cãi cọ." Chị tròn mắt, ngắt nhanh: "Nhưng chị biết em gàn. Gì cũng để trong lòng, không chịu nói. Và cứ tự làm khổ mình". Tôi nói nhỏ: "Em đang sống rất vui vẻ, có gì phiền khổ đâu!" Chị gắt nhỏ: "Em có khổ hay không chị không biết sao? Vừa làm khổ mình, vừa làm khổ "người ta". Biết chị ám chỉ "người ta" là ai, tôi lạnh lùng: "Hắn đau khổ hay không chẳng mắc mớ gì đến em!" Chị cau mày, âu yếm mắng: "Bạc như vôi! Em biết không, ngày em đi lấy chồng, người ta như là người điên." Thở dài, chị nói tiếp: " Em dư biết vì ai hắn đến đây mỗi ngày mà! Lớn hết cả rồi, cư xử với nhau như người lớn đi!" Tôi buông cành bưởi quay đi. Chị Gấm nghiêng người tiếp tục hái hoa, miệng lại nho nhỏ ngâm:
"Em phụ anh rồi đấy biết không?
Chao ơi! Má đỏ với môi hồng
Những loài đá gỗ vô tri ấy!
Đâu biết tình ta như núi sông."
Tôi quay lại lườm chị. Chị cười, giã vờ gắt lên: "Gì? Thơ mà lại!"
Cuối tuần tôi đi biển. Cây cầu Key West nằm một mình giữa eo biển lớn. Nước hai màu xanh. Bên trong. Bên đậm. Những người con gái Cuba để vai trần, khoe những hình xâm mời gọi trên lớp da nâu hồng khỏe mạnh. Ngừng chân ở sạp sách bên đường, xéo trước nhà của Hemmingway, khách mua cuốn "Ngư Ông Và Biển Cả" tần ngần đưa cho tôi. Suốt mười năm quen nhau, chưa bao giờ chúng tôi có được một ngày vui như thế!
Buổi chiều về đến nhà, con tôi nhào ra mếu máo. Đôi mắt sưng đỏ vì khóc. Mẹ tôi cười, trấn an "Nó đi lủm chủm thế nào mà đạp trúng con ong. Mẹ mới bôi thuốc đấy!" Tôi ôm con vào lòng. Nhìn bàn chân mụ mẩm đỏ tấy lên của con, tôi tự trách mình khôn xiết. Đêm hôm ấy thằng bé sốt hơn 103 độ. Tôi đem con vào emergency. Người ta chườm nước đá cho nó từ đầu đến chân. Tôi ngồi bên con, ủ rũ như con cò lã. Hơn một giờ sáng, khách đến bệnh viện tìm tôi. Tóc lòa xòa, đẩm hết nước mưa. Chúng tôi ngồi bên nhau, không ai nói với ai tiếng nào. Ra đến thềm bệnh viện; một tay khách bồng con cho tôi, tay kia đưa ra: "Em mệt rồi! Đường trơn ướt lắm! Vịn tay anh mà đi nha!" Tôi nhìn khách, lắc đầu: "Em tự mình đi được." Khách thở dài, nói như trách: "Chỉ ra tới xe thôi!" Tôi cười lặng lẽ, mệt mỏi bước. Trèo lên cây bưởi hái hoa. Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân. Đào tiên đã bén tay phàm. Thì vin nhành quýt cho cam sự đời. Ú. Xề. Cồng. Líu. Líu. Cống. Líu. Bắt phong trần phải phong trần. Tôi vin lấy tôi mà đứng dậy. Cứ gì phải có quýt, cam, tùng, bách hở tôi ơi!
Suốt đêm nằm ôm con trong lòng; tôi nghĩ đến chị Song, chị Gấm, nghĩ đến những ngày tháng một mình phải che mưa nắng cho con, và tôi nghĩ đến anh. Lòng bảo lòng: "Ngày mai thức dậy, tôi sẽ bỏ anh!"

Tháng giêng,2002.

Hoàng Thị Bích Ti
Phượng Các
#3 Posted : Saturday, November 13, 2004 7:18:51 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)



YELLOW MAMA


HOàNG THị BÍCH TI

Tôi rời nhà khi con phố đã qua cơn trăn trở và bắt đầu đi dần vào mộng mị. Vầng trăng vòi või. Non nớt. Bầu trời vần vũ vì cơn mưa chưa tròn lúc nãy. Những cụm mây chờn vờn quanh mặt trăng như bầy beo xám. Gió thổi nhẹ. Đám mây ùa tới như lũ cuồng dâm cắn hết một mảng trăng,nuốt chững chút ánh sáng vàng non,trinh nguyên của vầng trăng mới lớn. Những giọt trăng leo lét còn lại rớt xuống thinh không, làm nên một màu đêm tê tái.

Xe tôi đậu cuối cuối bãi, cạnh gốc phong già cỗi. Tiếng giầy vang lên những âm vang rã rời, mệt mõi. Gió mơn man. Mùi hoa Lavender trong vườn nhà ai thoang thoảng như mùi thuốc gội đầu. Những chùm lá phong ướt rượt trên đầu tôi lung lay, oằn lên từng hồi theo những cơn dậy tình của gió. Giọt mưa trong đám lá rơi xuống da thịt tôi,đem đến một cảm giác dịu dàng, mát rượi. Tôi rùng mình khi cảm nhận ra nỗi dịu dàng ấy. Trời hỡi! Sao tôi lại thế này? Tôi có thể có mớ cảm xúc như vầy ư khi biết rằng lát nữa đây người ta sẽ giết Kim?

Trong mấy tiếng đồng hồ nửa thôi khi mặt trăng tắt hơi dần trong đám mây mù tối kia, mặt trời sẽ bừng lên, hàng loạt máy cà phê sẽ vắt từng giọt đắng trong bình ra đổ vào giòng máu của con người, ông thống đốc sẽ ra khỏi giừơng,ngồi vào bàn điểm tâm vừa ăn sáng vừa lăm le tờ báo mới trong tay với hàng tin thật lớn:"Kẻ sát nhân đã đền tội". Ông sẽ thở phào nhẹ nhỏm,sẽ cảm thấy mình cao bằng thượng đế và sẽ biết ơn mớ bằng cấp đã cho ông cái quyền sinh sát ấy biết bao nhiêu. Lúc ấy thì Kim của tôi sẽ không còn nửa,... vĩnh viễn không còn nữa.

Tôi ngồi bất động sau tay lái. Lại nghĩ đến Kim và những điều tôi muốn nói với Kim trong lần gặp nhau cuối cùng.
Thật ra, hôm ấy tôi đã nói nhiều lắm. Nhưng tôi không tài nào mở miệng bảo rằng tôi tin Kim, biết là nàng vô tội, mặc dù tôi thừa hiểu Kim chờ nghe tôi nói điều đó hơn gì hết.

Đôi tình nhân dùng dằng chia tay nhau trước lối đi. Người con gái úp mặt lên vai người yêu. Cột đèn bên cạnh lắng nghe lời thì thầm của hai người. Đôi giày cao gót cuống quýt nhướng lên trên khoảng sân còn ướt đẩm nước mưa. Hơi thở tìm nhau. Môi tìm nhau. Người con gái vụt xoay lưng, cười khúc khích. Cánh tay vươn ra nuối tiếc. Mắt gọi tình ơi ới giữa đêm khuya. Da thịt nồng nàn. Tiếng cười dòn như ly vỡ.

Đôi trai gái đuổi theo nhau vào chung cư. Đêm yên lành. Đêm tuyệt vời. Đêm tình nhân...

Khi tôi đến nhà lao thì đã hơn mười hai giờ khuya. Trời đen đặc.
Người ta đưa tôi vào bằng lối đi riêng. Ông cảnh sát già mở rộng
cánh cửa, khe khẽ chào:"Good morning!". Tôi sật sừ muốn hỏi:"What's so good about that?", nhưng rồi thôi.
Căn phòng tối mờ. Tôi len lỏi giữa mấy hàng ghế lạnh câm và chọn chổ ngồi sát vách tường, khuất trong bóng tối. Tôi có cảm tưởng như mình đang đi xem một cuốn phim dâm đãng; và chúng tôi, những người khán thính giả đều biết nó sẽ có những pha tục tĩu như thế nào nhưng tất cả đều phập phòng hồi hộp, nửa muốn những màn gây cấn đó diễn ra thật nhanh cho cơ thể bùng vỡ, nửa muốn duy trì những phút giây căng thẳng đầy thú tính của trí não. Không khí rờn rợn, khó tả. Tiếng máy lạnh chạy rì rì. Y hệt một rạp hát. Chỉ thiếu những nụ hôn thơm mùi bắp rang. Có tiếng khịt mũi sụt sịt từ phía hai người đàn bà ngồi trước mặt tôi. Tôi không dám nhìn những gương mặt của đám người ngồi chung quanh. Tôi sợ mình sẽ khám phá ra cái gì không ổn trong những đôi mắt hăm hỡ kia. Tôi sợ phải suy nghĩ về những đường gân máu đang căng ra và mấy thớ thịt cương cứng rung lên từng hồi trên gương mặt họ. Thật ra tôi có khác gì họ đâu?, những phán quan muôn đời của loài người. Tôi cũng có mặt tại đây và đang ngồi chong mắt vô bức tường bằng kính trong của căn phòng trước mặt. Chờ đợi. Chờ đợi... Tấm màn màu xanh đậm được kéo qua một bên sẵn sàng cho chúng tôi góp phần vào buổi hành hình
sáng nay. Căn phòng có vẻ hâm hấp nóng. Chu vi vừa đủ. Chiếc băng ca màu đen nằm dài trong một góc. Cái điện thoại nổi bật, đỏ tươi như chiếc máy lọc máu. Đồng hồ đen trắng tròn xoay. Hai cây kim thời gian quay hoài không biết mệt. Ngọn đèn néon vàng hực như chão dầu nóng, treo ngược trên trần nhà. Ngay giữa phòng là cái ghế gỗ màu vàng tươi như nghệ. Thoạt nhìn, trông nó giống như một ngai vàng chễm chệ với chiếc lọng tròn là cái đèn néon chụp xuống trên cao. Nhìn kỹ, nó có hình thù của một người to lớn đang ngồi co tay lên, hai chân đặt xuống vững vàng trên nền gạch.

Những sợi dây trói đen bóng đang bò ngoằn ngoèo trên tay ghế, chân ghế, lưng ghế như bầy rắn nhỏ. Hai ba người cảnh sát lặng lẻ coi lại những công cụ giết người mà lát nửa đây sẽ được xử dụng trên thân thể bé nhỏ của Kim.

Có lần Kim đã nói với tôi bằng giọng bỡn cợt:" Ê, Trâm Anh! Tớ sắp được diện kiến 'yellow mama' rồi!". " Yellow mama?". Kim rít liên miên hai ba hơi thuốc thật dài. Nàng kẹp điếu thuốc hờ hững giữa hai đầu ngón tay. Bàn tay xanh xao, che hết nửa khuôn mặt. Những ngón tay thon dài như đang run lên sau làn khói mõng.
Nàng gật nhẹ: " Ừ! Yellow mama là Má Vàng, là ghế điện đó nhỏ!". Tôi bàng hoàng: "Kim, chắc chưa? Sao bảo là đang đệ đơn lên thống đốc tiểu bang xin ân xá tử hình?". Kim cười khẫy: " Lão luật sư của tớ thiệt là biết bắt địa! Rốt cuộc đơn cũng bị bác. Thằng cha thống đốc lại một phen sướng rân vì được làm thượng đế, nắm quyền sinh sát trong tay. Mẹ nó! biết thế, tớ đách thèm đi làm đĩ! Tớ đi học, đi làm thẩm phán, thống đốc cho bỏ ghét. Lúc ấy, mỗi ngày đem một chục thằng gian trá ra vừa thiêu vừa chém! Nói vậy chứ, nếu không có những người đàn bà chịu ra làm đĩ thì lấy chổ nào cho chúng nó xả hết thất tình lục dục,... rữa mình trước khi về nước Chúa được?". Quái! sao người ta lại lên án những người đàn bà đi làm đĩ nhỉ? Đó chỉ là một cái nghề kiếm cơm như bao nhiêu nghề khác. Sòng phẳng. Không lừa gạt. Không bòn rút. Tiền trao cháo múc. Cái gì bọn nó cũng buôn được. Buôn từ cái xương người. Bán từng giọt máu. Đổi từng cái nhân phẩm của chính mình bằng cách này hay cách nọ.
Nói cho tớ biết đi! chúng nó nhân danh cái gì để chưởi vào mặt những người đàn bà chỉ bán thân xác của họ thôi! không bóc lột của một người nào hay cướp giật miếng ăn của người khác! Ai sẽ là người có can đảm đứng lên nhìn nhận rằng những con điếm cũng có sứ mạng, có góp phần vào việc 'cải cách xả hội'nhỉ? Không có những người bán phấn buôn hương ấy thì bọn quỷ râu xanh đội lốt con người kia sẽ hiếp dâm hết bất cứ 'cái gì' có tí... nhan sắc. Xã hội sẽ hổn loạn biết chừng nào?. Nhà tù sẽ mọc lên như nấm dại! Vui biết mấy!...".

"Ai mà chẳng chết? Trâm Anh đừng lo, tớ không sợ chết đâu! Chỉ mong... được chết như một con người. Sống mới khó, làm ma thì dễ ợt. Sống như tớ thì sống làm cái gì? Tám năm rồi còn gì nửa? Tám năm mang cái án tử hình trên lưng. Cái chết nó hiện ra mỗi khi nhai từng miếng ăn và trong từng hơi thở. Trâm Anh có hiểu cái tâm trạng ấy nó kinh khủng như thế nào không?". " Nếu bé Linh còn sống thì bây giờ nó đã tám tuổi rồi Trâm Anh nhỉ? Cũng may nó đã chết! Chứ không nó phải có một bà mẹ như tớ thì tội nghiệp cho nó quá! Sống như tớ, như bé Linh thì đừng thèm sống! Nhất định...,nhất định đừng thèm sống!..".

"Dù sao hình phạt đó cũng là một vinh hạnh cho tớ đấy chứ!".

"Kim!". Giọng đùa cợt,bạt mạng của Kim vẫn còn dai dẵng: "Tớ sẽ là người đàn bà thứ nhất lên ghế điện trong suốt hơn ba mươi năm nay! Đã lâu lắm rồi người ta chưa xử tử một người đàn bà nào, trong khi bọn tù đàn ông thì bị giết không chút thương xót. Bây giờ bắt được tớ, làm sao tha được? Thời buổi này nam nữ bình quyền mà! Không giết tớ, chính phủ sẽ mang tiếng là... kỳ thị! Người ta không thẳng tay với những người đàn bà như tớ vì lý do...nhân đạo! Dù sao đi nửa chúng tớ cũng là những bà mẹ. Loài động vật có vú. Là những người cưu mang và đẻ ra những đứa con, cưu mang sự sống cho nhân loại. Ai lại làm việc phản đạo đức, nỡ giết đi những bà Eve đẻ ra nhân loại bao giờ?".

"Yellow mama! cái tên cũng hay đáo để phải không Trâm Anh? Tại sao không là Má Đen hay Má Đỏ Trâm Anh nhỉ? Ối, Má Đỏ thì nghe có vẻ khát máu quá phải không? Chẳng có tí gì nhân bản cả! Trâm Anh hảy tưởng tượng đi! Tớ sẽ được chết trong lòng Má Vàng như một đứa con ngoan. Nghe nói ngày hôm ấy tớ sẽ được cởi trói. Không xiềng. Không xích. Tớ sẽ được rữa sạch hết tội lỗi. Được ăn một bửa ăn cuối cùng như Chúa và ra khỏi đời sống này với hai bàn tay không. Không tình. Không còn bé Linh và không còn Tony nửa. Phủi hết! Phủi sạch...".

Nước mắt tôi ứa ra, muốn nói với Kim rằng tôi tin nàng vô tội nhưng không tài nào mở miệng ra được. Có một cái gì đó đang xiết chặt lấy cổ họng tôi. "Cái gì đó" hẳn nhiên là nỗi nghi ngờ đã có sẵn trong tôi từ khi phiên tòa bắt đầu! Mối hoài nghi ấy vẫn nằm trong đầu tôi như một quái thai. Tôi nuôi nó hết năm này sang năm khác bằng xương máu, bằng những đêm dài không ngủ, bằng trí óc đã không còn trong sáng của tôi. Có khi tôi muốn thu hết can đảm nhìn vào mắt Kim và thẳng thừng hỏi Kim có giết người yêu, giết con như người ta nói không? Thẳng thừng như bao lần thẳng thừng khác, nhưng tôi không làm được! Tôi sợ gì chứ? Hoặc tin Kim hoặc không. Đơn giản thôi, có gì đâu? Tôi chỉ ủng ẳng như con chó với cái niền sắt trên mõm. Kim biết rất rõ những dằn vặt trong lòng tôi. Bởi vì, Kim thật sự lo lắng mỗi khi nhìn thấy tôi cố giấu giếm những cơn vật vã của nội tâm. Lúc ấy, đang thao thao nói về một cái gì đó và trông thấy nét mặt thờ thẩn của tôi, Kim lặng lẻ ngừng lại. Mắt nhìn tôi chăm chăm với bằng cái nhìn bao dung, vừa đau đớn vừa thông suốt. Nàng như muốn nói với tôi:" Trâm Anh muốn biết phải không? Hỏi đi! Hỏi đi! Tớ đang chờ đây...".

Nhưng tôi không bao giờ có đủ can đảm. Có lần Kim nói như khóc:"Không có nỗi cô đơn nào kinh khủng hơn khi phải sống trong sự nghi ngờ của những người thân yêu." . Nhìn nét mặt buồn bã của Kim lúc ấy, tôi cứ ngồi chết dí một chổ và câm như hến. Tôi hèn quá! Hèn với chính tôi, hèn với Kim và cả với Phú. Có bao giờ tôi nhìn vào mắt Phú và hỏi rằng:"Anh có yêu em không? Và vì lý do gì?". Tôi chỉ bỏ chạy. Bỏ chạy vì sợ những câu trả lời không đúng với ý tôi. Bỏ chạy vì sự hoài nghi của tôi có thể làm đau lòng người tôi yêu.

Tôi thật sự thấy mình quá bé bỏng trước mặt Kim. Tay chân tôi bải hoải. Mồm miệng tôi lắp bắp trong khi Kim vẫn nói đều đều những lời kinh khủng:"Người ta sẽ bịt mắt và mặc tã cho tớ,vì Trâm Anh biết không? khi những luồng điện cực mạnh kia chạm vào thân thể thì da thịt sẽ cháy đen từng chổ rồi rớt ra nhiều mảnh dòn tan. Tròng mắt sẽ văng ra trên vách tường, phân sẽ vãi xuống làm ô uế hết sàn gạch. Úi chao! hy vọng họ sửa soạn máy móc cho đàng hoàng,lỡ ba cái giây điện thổ tả ấy nó hỏng,tớ phải dỡ sống dỡ chết như con bò thui chưa chín tới thì phiền lắm!"

"Buồn cười! Vậy mà hay Trâm Anh ạ! Tớ từ trong bụng một người mẹ chui ra thì bây giờ có cái bụng của một bà mẹ khác để chui trở vô. Cái bụng gỗ! Cái bụng gỗ của Má Vàng. Ôi! những bà mẹ với tâm hồn gỗ đá, không có trái tim. Chào đời với manh tả trắng,bây giờ chết cũng có tả trắng! Có mấy ai có một cái chết đầy ý vị như vậy hả Trâm Anh?

Tôi run rẩy. Hai bàn tay nắm chặt, cố dồn hết nghị lực để bứt tôi ra khỏi cơn điên cuồng của Kim. Tôi hét lên:" Thôi đủ rồi! Đủ rồi Kim, câm họng lại đi!".

Kim sựng lại nhìn tôi. Đôi mắt thoáng ngạc nhiên, thoáng buồn bã.

Tôi lao ra khỏi phòng thăm nuôi, bỏ mặc Kim ngồi đó.

Tôi nhớ ngày hôm đó là một ngày nắng đẹp lắm! Tôi chạy băng băng qua mấy bãi đậu xe. Lệ mờ mắt nên tôi chẳng nhìn thấy xe tôi đâu. Tôi đứng lại bên hàng rào kẽm gai, khóc ngất. Thật là tồi! Tôi lại chạy trốn nửa rồi! Tôi kinh tỡm con người tôi, vì tôi biết, tôi đang bỏ rơi Kim như bao người đã bỏ rơi Kim. Nỗi cô đơn ùa đến lạnh người. Tôi thèm vòng tay vỗ về của Phú. Tôi thèm cái nhìn chia xẻ của Black Tim. Nhưng Phú không có ở đây và Black Tim thì mịt mù âm tín từ trước ngày Kim bị bắt. Tôi muốn quay trở vô nhưng đôi chân vẫn ngoan cố, đứng ì một chỗ.

Người cảnh sát đứng trên vọng gác thổi một hồi còi lanh lảnh, khoát tay. Khẩu súng dài trên tay hắn bật ra hàng loạt tiếng răn đe. Tôi bước chập choạng về hướng bãi đậu xe. Trái tim hụt hẫng chỉ vì một câu hỏi đang xoay vần trong đầu óc: " Kim ơi! Kim vô tội mà, phải không Kim? Phải không Kim?".

Tôi quen Kim vào những ngày đầu tiên mới dọn đến thành phố. Hai đứa ở cùng một chung cư. Đó là những ngày tôi vừa rời bỏ Phú, chạy trốn khỏi cái bẫy hôn nhân mà cho đến giờ phút này tôi vẫn không biết là may hay rủi. Một buổi chiều đi làm về đang loay hoay mở hộp thư ở sát chân cầu thang thì Kim đến sát bên tôi. Mùi nước hoa trên người nàng ngây ngất.

Kim đẹp lắm! Đẹp như một nàng tiên. Đẹp như tài tử cine'. Nàng tuôn ra tràng tiếng Tàu thánh thót làm tôi lúng túng: " Tôi không hiểu bạn muốn nói gì?". Nàng hỏi lại bằng tiếng Anh:"Không hiểu tiếng Quan Thoại hả? Chắc bạn nói tiếng Quãng Đông chứ gì?". Thế là nàng mau mắn tuôn ra thêm một tràng tiếng Quãng Đông líu lo. Tôi xua tay lia lịa, trong bụng đã thầm phục và 'ái mộ' nàng quá xá:

"Không, không, tôi là người Việt nam". Mặt nàng chưng hửng. Đôi môi chu chu rót ra mấy câu tiếng Anh với giọng Ăng-lê nhẹ hẫng: "Ồ! xin lỗi. Vậy mà tôi tưởng... Tôi tên Kimberly, gọi tắt là Kim.

Tôi vốn khổ sở vì cái màn giới thiệu tên mình với người ngoại quốc. Hai chử Trâm Anh "đài các" thế ấy mà lúc nào cũng được phiên âm thành "tramp Anne". "Tramp", một danh từ rất ư khiếm nhã dùng để chỉ những con "chó cái". Tôi cẩn thận đánh vần từng chữ cho Kim, nhưng vừa dứt lời thì nàng đã buột miệng mau mắn:"Trâm Anh phải không?". Tôi thở phào trong bụng. Miệng nở nụ cười thật tươi:" Ừ, Trâm Anh! Nice to meet you!".

Chúng tôi thân nhau từ đó. Phòng của Kim đối diện phòng tôi. Trước khi gặp tôi không lâu, Kim là một hoa khôi có tiếng của những hộp đêm ở Nữu Ước. Các cô gái đứng đường thèm cái địa vị của Kim và mấy tay anh chị thì nuông chiều Kim như trứng mỏng.
Black Tim là gã ma cô duy nhất vẫn còn hay lui tới thăm Kim. Lúc nào hắn cũng thương yêu và che chở cho Kim hết lòng và ngược lại Kim cũng thương hắn như anh em. Kim kể, có lần Black Tim đã tìm đến tận sở làm của một tên khách và dần cho lão một trận nhừ tử ngay tại chổ chỉ vì trong cơn động cỡn đêm hôm trước, hắn đã để lại mấy dấu tay đỏ ửng trên đôi má của Kim. Kim không hề bưng bít cái quá khứ không đẹp của nàng. Kim là một đứa con hoang. Trong cơn mây mưa của một người đàn ông và một người đàn bà, con đực và con cái, nàng được kết tinh thành hạt giống không tên tuổi, tình cờ rơi xuống cõi người ta, nẩy mầm, ngoi ngóp lớn lên như loài cỏ may trên vùng đất khô cằn, độc địa. Nàng thuộc thành phần di dân bất hợp pháp. Từ thuở nhỏ, Kim đã ở với hai vợ chồng người bà con lạ hoắc nào đó. Họ sống lây lất trong vũng bóng tối đầy tội ác của thành phố Nữu Ước dưới những căn hầm lúc nào nước cũng lút đến mắt cá, chuyên làm giá sống cho mấy tên Tàu tài phiệt gốc Hồng Kông.
Nàng trốn chui trốn nhũi với lũ chuột cống trong bóng tối. Khi cặp vú đã bắt đầu lu lú dưới làn áo lúc nào cũng ươn ướt và da thịt đã bắt đầu thơm mùi con gái thì "thằng bà con" trong một đêm cùng đường nản chí bèn quyết định mang con bé ra xổ xui. Đứa con gái bị hy sinh cái màn trinh để cứu nguy "gia đình". Lễ tế thần diễn ra hằng đêm trong khi bà thiếm ngủ vùi sau mỗi ngày làm việc quần quật. Cũng may ông chú già thuộc loại "liệt âm,liệt dương" nên những hạt giống ung thối gieo trong cửa mình con bé đều chết tiệt. Đứa con gái trốn đi đứng hết ngã tư này đến ngã ba nọ.

Đôi lúc Kim có vẻ như bằng lòng về cái dĩ vãng u tối đó. Vì nhờ những bài học đó mà nàng nhận chân được mớ giá trị 'căn bản' nhất của con người và đời sống. Nhất là nàng đã đo lường được lòng yêu thương mà Tony dành cho nàng. Tony,người đàn ông có học thức sinh trưởng trong một gia đình giàu có và phong kiến ở Hồng Kông. Là người dám đạp đổ hết những luân lý và đạo đức rỡm để đến với nàng bằng tình yêu chân thành và rộng lượng. Sự yêu thương của Tony hoàn toàn biến nàng thành một con người khác.

Nàng chối bỏ hết những gì liên quan đến quá khứ. Kim xin một chân thư ký, lương ba đồng ba cọc ở hãng du lịch, mỗi ngày đi làm tám tiếng như hầu hết mọi người. Nàng học nấu ăn, học đan, học móc, học từng cách cười cách nói, học làm một con người khác để làm vui lòng Tony. Nàng xa rời những tiệc rượu, những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng,co lại trong nếp sống mới. Tự rạch cho mình những ranh giới bất khả xâm phạm ,chuẩn bị cho những ngày thật sự về làm vợ của người đàn ông mà nàng yêu kính. Tony ở cùng thành phố với Black Tim, dăm tháng bay về thăm nàng đôi ba ngày cuối tuần. Kim vui vẻ làm người vợ dịu dàng, gương mẫu của Tony. Vui vẻ như chưa bao giờ được vui vẻ. Hạnh phúc như chưa bao giờ được hạnh phúc.

Tôi không hề bận tâm về cái quá khứ của Kim. Với lý do bình thường, giản dị là tôi không quen biết Kim trong khoảng thời gian đó. Thỉnh thoảng những ngày cuối tuần, hai đứa kéo nhau ra phố mua sắm quần áo, giành nhau từng mẫu bánh "prezel" nóng hổi chấm với mù tạt, vừa ăn vừa khoái chí với ly cappuccino mới mua thơm phức nơi quán cà phê có anh chàng bán hàng người Hy Lạp với nụ cười rất đĩ trai. Những dịp Black Tim từ Nữu Ước xuống chơi, cả bọn kéo nhau ra phố Tàu mua thức ăn về lục đục học nấu, bắt Black Tim ăn gần chết.

Nàng hay nói tới Tony như một thần tượng. Tôi hay kể về Phú với nổi hoang mang. Thật ra, cuộc tình của tôi với Phú cũng chả có gì đáng nói. Phú là một người đàn ông giản dị và thực tế. Thực tế đến độ làm tôi rất bực mình. Có lẻ tôi là một con bé đòi hỏi nhiều quá! Tôi hay mơ mộng viễn vông, trong khi Phú lại ồn ào tính toán. Tôi muốn vẽ vời tình yêu của chúng tôi bằng bao giấc mơ tuyệt đối của những người yêu nhau, nhưng Phú chỉ hình dung tình yêu là một cái gì cụ thể hơn. Cụ thể như cái nhà bằng đá hoa với hai chiếc xe đắt tiền đậu trong sân. Sau nhà có hồ bơi,và chàng sẽ thả tôi trong đó, bơi qua bơi lại. Bơi chán, tôi sẽ đẻ cho chàng một đàn cá lăng quăng khác. Chúng sẽ lớn lên để trở thành những kỹ sư,bác sĩ. Và những đứa con của chúng nó khá hơn, sẽ là các vĩ nhân tài ba lỗi lạc.

Phú hái ra tiền dễ dàng như người ta hái rau,cắt cỏ. Phú hãnh diện vì những đồng tiền đó và điều ấy làm cho tôi rất khó chịu. Một hôm, Phú hí ha hí hửng đến tìm tôi:

"Trâm Anh! Anh quyết định lấy em làm vợ". Tôi ngỡ ngàng chưa kịp nói gì thì chàng đã huyên thuyên:
"Em nhớ ông Lâm không cưng".

Tôi nhíu mày, bực bội:

" Lâm nào anh?".

"Ông bạn già mà anh đưa em đến gặp tuần rồi đó! Ông ta coi tướng hay ghê lắm! Ổng nói anh phải lấy người đàn bà tuổi Thìn, có tướng như em. Có như thế vợ chồng mới ăn nên làm ra,trong tương lai tiền vô như nước! Nếu em có thêm nút ruồi son nào trong người nửa thì nhất".

Trời đất! Chàng coi tôi có khác gì cái giường,cái bếp hay cái đòn giông của nhà chàng đâu. Một ngày nào đó lấy nhau về, mặc tình chàng sẽ xoay tôi theo bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc cho hợp với phong thổ nhà chàng. Chàng cóc cần tôi cho phép. Chàng 'nhất định' sẽ lấy tôi mà. Lấy tôi như lấy bao thuốc lá, ly cà phê, hay cái máy cày ở chợ. Sợ ngày nào đó chàng sẽ "khẩn trương" hỏi:

"Nốt ruồi của em ở chổ nào trên thân thể? Đen hay đỏ?", nên tôi vội vàng bỏ đi. Thế là chia tay nhau! Có sao đâu? Phú có tiền mà; thời buổi này khoa học đang tiến bộ, Phú có thể bỏ tiền ra mua giống và làm ra những vĩ nhân như người ta đã làm ra một con cừu nhỏ.

Nhưng Phú không hề bỏ cuộc. Chàng lùng kiếm tôi. Hăm hỡ như người thợ săn. Tôi không thể làm vợ Phú khi không đo lường được tình yêu của Phú. Kim bảo tôi nên nghi ngờ tình yêu của tôi dành cho Phú thì đúng hơn. Có lẽ, tôi không yêu Phú nhiều như Kim nói. Yêu hay không yêu, tôi vẫn thấy mình khổ sở. Nỗi hoài nghi như con dao hai lưỡi, có khi nó làm chính tôi chảy máu nhiều hơn. Tôi càng chạy trốn, Phú càng đuổi theo tôi như một mối ám ảnh. Hoàn toàn không phải vì tình yêu. Không phải vì hạnh phúc. Sự cuồng si của Phú khiến cho tôi không còn nhận diện được cả chính tôi. Quả tình, Phú đã làm tôi bối rối. Tôi là ai trong cuộc đời này? Phú yêu tôi hay yêu cái tướng vượng phu ích tử của tôi? Phú yêu từng tấc da thịt trên người tôi vì những tấc da thịt này đã tạo nên hình hài tôi hay yêu cái nút ruồi bá vơ nào trên thân thể tôi?

Kim có mang được bảy tuần. Nàng vui sướng như đứa bé con sắp được thổi những ngọn nến hồng trên chiếc bánh sinh nhật xinh xắn. Tôi hối thúc Kim báo tin mừng cho Tony biết, người đàn ông mà tôi chưa bao giờ được nhìn tận mặt. Nàng bí mật, ỡm ờ bảo muốn dành cho Tony một ngạc nhiên khi họ gặp nhau trong hai tuần nữa.
Hai cái cuối tuần trôi qua lặng lẻ. Tony không đến. Tôi bù đầu với mớ projects trong sở nên chẳng có thì giờ gặp Kim. Một buổi tối, tôi vừa về đến phòng thì Kim gõ cửa. Gương mặt xanh lướt. Đôi mắt trũng sâu, buồn bã. Cái bụng vun vun dưới lớp áo mong manh. Nàng mệt mỏi, ngồi co trong ghế. Tôi ồn ào: " Trời ơi! Bụng bắt đầu lớn rồi đó Kim! Kim khỏe không? Có bị cái thai hành không?". "Chắc Tony mừng lắm phải không? Chàng nói sao hả Kim?".

Kim ngẫng mặt lên nhìn tôi, chậm rãi nói: " Tony nói không thể cưới một con điếm về làm vợ! Hơn nữa, hắn đã có gia đình rồi!"

"Cái gì?". Kim nở một nụ cười lạnh ngắt:

"Thật đó! Gần hai tháng nay không liên lạc được, mình nhờ Black Tim kiếm Tony. Khi Tim tìm tới tận nhà thì gặp... vợ hắn. Bà ta là một cô giáo!".

Kim cười khanh khách. Chuỗi cười man dại của người đàn bà nửa điên nửa tỉnh đêm hôm ấy vẫn còn ở lại trong tôi mãi đến bây giờ.

"Xui quá hả Trâm Anh? Đúng là tai nạn nghề nghiệp! Bây giờ biết nắm áo ai đây? Thôi thì đi xin 'Workman's comp.' vậy nhé?"

Tôi đứng há hốc miệng, chưa kịp nói câu nào thì Kim đã bỏ đi. Tôi đuổi theo ra hành lang nhưng cửa phòng Kim đã đóng ập,vội vàng.
Từ hôm đó, mỗi buổi tối đi làm về tôi vẫn lóng ngóng trông Kim. Nhưng hình như dạo ấy Kim hay đi ngủ sớm. Mới hơn tám giờ mà đèn trong phòng nàng đã tắt tối om. Đêm đó, tôi gõ cửa rất lâu mới thấy Kim ló đầu ra. Tóc tai bù rối. Quần áo lếch thếch. Đôi môi hình trái tim nhạt nhẽo. Kim lè nhè bảo nàng đang ngủ. Mùi rượu Vodka thoang thoảng. Tôi vội vàng xin lỗi, rồi rút lui. Hình ảnh ảo não của Kim làm tôi lo lắng không ít. Trở về phòng, tôi không tài nào lên giường nhắm mắt được. Tại sao Kim lại đẩy tôi ra khỏi đời sống nàng một cách thô bạo thế kia? Trong khi chính trong giây phút này là lúc Kim đang cần tôi nhất..

Đêm hôm đó khi Kim chuyển bụng thì nàng đang say khướt. Mớ thuốc ngủ đang uống dở và nửa chai rượu Vodka không làm Kim chết. Trên đường đến bệnh viện, nước ối trong người nàng tuôn ướt hết băng ghế trong xe tôi. Chưa kịp lên bàn đẻ, đứa con đã rớt ra. Hơi thở của nó còn thơm nồng mùi rượu. Nó nhỏ bé quá. Người y tá quấn đứa bé gái còn bê bết máu,run bần bật như cánh lá; không dằn được lòng căm phẩn ném cho người mẹ đang nằm thiêm thiếp một cái nhìn cay nghiệt:

"Khốn nạn quá! đứa nhỏ cũng say mèm như mẹ nó!".

Người ta rửa ruột cho Kim, đem đứa bé sơ sinh vào phòng cấp cứu trong khi Kim ngủ vùi. Ngủ bình yên như không hề biết mình vừa sinh ra một đứa con. Ngủ như con gà mái vừa rặn ra cái trứng nhỏ.
Khi Kim tỉnh rượu, bác sĩ báo cho nàng biết đứa nhỏ đã không được bình thường. Nếu sống, nó sẽ vĩnh viển là kẻ phế nhân. Y nói:

"Đó là hậu quả của những cơn say túy lúy của một người mẹ vô trách nhiệm".

Kim không vắt ra được giọt nước mắt nào trước mặt ông bác sĩ kia. Khóc đi Kim ! Khóc cho nhẹ tội. Những giọt lệ sẽ là bao lời biện hộ mạnh mẻ nhất. Nhưng nỗi đau khổ tận cùng của bạn tôi đã được vén khéo trong nét mặt lạnh lùng, gần như độc ác. Bác sĩ hỏi Kim có muốn thăm con nàng không. Kim lắc đầu từ chối.

Một buổi chiều, khi tôi dìu Kim đi ngoài hành lang,nàng níu tôi đứng lại trước căn phòng bằng kính có những cái nôi màu xanh, hồng xinh xắn. Đôi mắt nàng nhìn chăm chăm vô đứa bé nằm trong lồng kính, một mình, khuất trong góc. Con bé èo uột và xấu xí như chú mèo ướt. Mớ tóc đen mướt xoắn xuýt trên cái đầu nhỏ bằng trái cam. Dây nhợ quấn quýt trên người càng làm cho nó có vẻ nhỏ bé hơn. Từng ngón tay mò mẫm. Kim tìm kiếm gì trên ô cửa vô tri lạnh giá đó? Da thịt của mình đang nằm trong kia đó Kim. Hãy mở cánh cửa và bước vào đi! Một vài sải tay thôi thì thịt sẽ liền da và da sẽ liền thịt.

Đứa bé đang cần mẹ. Và mẹ nó đang cần nó. Tôi cảm nhận được nỗi đau quắn quíu của người mẹ khi con bé uốn cong cả thân hình choắt cheo rồi giật lên từng hồi từng hồi như điện giật. Tôi biết, nàng đang muốn ôm con vào lòng ghê lắm! Nhưng Kim bổng quay phắt đi, bước từng bước chậm rãi về phía phòng mình trước đôi mắt giận hờn, sững sốt của tôi...

Có một điều tôi không biết là suốt một tuần lễ ở bệnh viện, mỗi đêm Kim đều ngồi hàng giờ bên chiếc nôi của con mình trong khi cô y tá trực lặng lẻ làm việc quanh những em bé khác. Đêm cuối cùng, khi cô y tá quen thuộc đang thay tả cho một đứa bé, ngẩng đầu lên vì tiếng kêu hoảng hốt của cái máy đo nhịp tim phát ra từ góc phòng thì bé Linh vừa tắt thở. Mẹ nó, ngồi bên nôi. Bàn tay đang thò vào lồng kính. Những ngón tay run run úp lên má nó. Cô y tá khai Kim không nhỏ một giọt lệ nào và có vẻ hài lòng khi biết con mình mới chết. Người ta xuất viện cho Kim liền khi đó và đưa nàng đến ty cảnh sát. Sáng hôm sau trong phòng hỏi cung, gã thám tử ném xấp hồ sơ xuống bàn, dí bức ảnh vào đôi mắt khô ngắt của Kim.
Người đàn ông trong hình bị treo tòn teng trên trần của một căn nhà bỏ hoang. Chân tay trói gô. Hắn chính là Tony. Những đường gân sau hai gót chân và nơi cườm tay bị cắt đứt đoạn. Đôi mắt mở to đầy tròng trắng và gương mặt co rúm. Vì đau đớn? Vì khoái cảm? Vì nhìn thấy tí ánh sáng le lói cuối đường hầm? Hắn có nét căng thẳng của thằng đàn ông liệt dương đang chơi đĩ! Vũng máu pha với bùn đất dưới chân hắn muốn đọng lại và đã ngã sang màu bầm bầm như ly cà phê đen sánh không đủ sữa. Lúc ấy, hắn chết được một tuần lễ. Nửa năm sau đó, người ta hằn học tặng cho Kim cái bản án tử hình trong phiên tòa có sự chứng kiến của vợ con, cha mẹ của Tony, và cả tôi.

Tôi đã từng chứng kiến một buổi hành hình tương tự năm tôi vừa tròn chín tuổi. Buổi sáng hôm ấy tôi dậy sớm lắm! Suốt đêm hôm trước tôi không ngủ được vì tiếng rên ư ử của con chó Ki Ki vọng lên sau bếp. Mẹ tôi thức sớm còn hơn tôi. Bà quỳ lặng lẻ bên nó. Vuốt ve. Thương xót. Con vật nằm lả trên sàn gạch đau đớn rên
xiết. Bàn tay dịu dàng của mẹ tôi không làm giảm được cơn đau dai dẵng. Mớ quần áo cũ lót quanh chỗ nằm của nó bầy nhầy thứ nước vàng sóng sánh. Nó đau đẻ đã mấy hôm. Xế trưa, người đàn ông cuối xóm đến mang con Kiki đi. Mẹ tôi bảo chú ấy sẽ làm cho nó hết đau. Tôi thương con chó Ki vô kể nên mừng rỡ lắm! Trưa hôm ấy, tôi lần mò đến nhà ông hàng xóm tìm thăm nó. Tôi đứng bên hàng rào dâm bụt ngó vô. Con Kiki nằm kiệt sức trên vạt đất trống.

Người đàn ông hàng xóm lăng xăng chạy vào, chạy ra bên nó với bao với búa, với dao với thớt. Ông ta ngồi chồm hổm, xăng xái trùm cái bao bố lên đầu nó. Một nhát búa! Hai nhát búa! Ba nhát búa!... Thôi rồi! Còn gì con Kiki của tôi. Tôi chạy về nhà nắm áo mẹ khóc như mưa bấc:

"Mẹ nói láo! Mẹ nói láo! Mẹ nói ổng làm nó hết đau mà!". Mắt mẹ rưng rưng. Bà ôm tôi vỗ về an ủi:

"Có như vậy nó mới hết đau con à! Con không nhớ nó đau đớn vì đẻ không ra cả mấy ngày sao? Con Ki nó chết thì nó mới hết đau!".
Tiếng đằng hắng của người cảnh sát trước mặt khiến tôi giật mình. Hắn cho chúng tôi biết là buổi hành hình sắp bắt đầu. Giọng nói của hắn trầm trầm vừa chân thành vừa kịch cỡm đến khó chịu. Hắn tỉ mỉ giải thích từng chi tiết một, nào là những cỡ luồng điện nào sẽ được xử dụng và ở khoảng thời gian bao nhiêu lâu. Nào là bức tường trước mặt chúng tôi làm bằng thứ kính đặc biệt, chỉ nhìn thấy được một chiều. Có nghĩa là người bên trong không nhìn thấy chúng tôi. Và chiếc ghế tử hình có tên là "Má Vàng" kia đã xử tử biết bao nhiêu tội nhân rồi. Hắn giảng giải, liệt kê ra những tốn kém mà nhà nước phải trả cho mỗi cuộc hành hình là bao nhiêu, có mấy tiểu bang xử dụng ghế điện, chích thuốc độc, hơi độc, tiểu bang nào vẫn còn áp dụng lối treo cổ đến bây giờ. Và bao nhiêu cuộc hành hình đã được hũy bỏ vì tìm ra được thủ phạm.
Mọi người im lặng lắng nghe....

Tôi ngồi chơi vơi giữa đám người ta mà không biết mình đang lạc vào cõi nào? Thiên đàng hay địa ngục? Tôi cảm thấy kiệt sức vì bất lực. Hình ảnh Kim nhảy múa trong tôi theo từng giai đoạn, lúc cười lúc nói, khi buồn rầu khi lãnh đạm. Đầu óc tôi chao đão, ngây ngây như con đồng vừa nhập bóng. Hơi thở ngoi ngóp. Miệng tôi khô khốc. Tôi có cảm tưởng như những giọt máu trong người cạn dần...cạn dần; cơ hồ như đang tuôn chảy ra thành giòng theo từng hơi thở.

Tôi như con cá sắp bỏ mình trên bãi cát nóng. Nghẹt thở. Trời ơi! nghẹt thở. Đầu óc tôi xây xẩm. Cảm giác buồn nôn thôi thúc... thôi thúc từng chập. Tôi đứng chồm dậy như cái lò xo. Những bước chân đuổi nhau ra khỏi căn phòng ghê gớm đó. Khốn nạn cho tôi! Tôi lại muốn chạy trốn nửa rồi. Tôi thèm được khóc hơn bao giờ hết. Một giọng nói nhẹ nhàng cất lên sau lưng tôi:

"Miss, cô không sao chứ?". Tôi nhẹ lắc đầu:

"Tôi muốn ra đây cho thoáng một chút!"

"Tôi hiểu...".

"Ông có vẻ quen với những đêm như vầy?"

"Đó là bổn phận của tôi! Đã gọi là bổn phận rồi thì phải quen thôi...!". Tôi nhếch môi, mệt mỏi:

"Vậy sao?"

"Cô có trở vô không? Sắp đến giờ hành quyết rồi! Tôi phải vào ngay." Người cảnh sát chậm rãi xoay lưng đi.

Tôi quay phắt lại, gọi giật ngược:" Này ông! Ông vào phòng xử tử hả?"

"Vâng." Tôi nói nhanh một hơi không kịp ngừng thở:

"Ông làm ơn giúp tôi đi! Làm ơn nói với bạn tôi rằng tôi tin cô ấy! Tôi hoàn toàn tin cô ấy vô tội!...". Người cảnh sát ngần ngừ làm thinh. Tôi níu tay ông ta van lơn. Giọng vô cùng tuyệt vọng:

"Tôi xin ông! Bề gì bạn tôi cũng sắp chết rồi! Cô ấy cần biết rằng trong cõi đời này còn có một người tin mình. Thương mình. Một người bạn. Mà không... , tôi mới là người có nhu cầu phải thố lộ điều đó cho cô ấy biết! Nếu không... tôi sẽ chết mất! Có những điều dấu quanh co, không nói ra sẽ làm khổ nhau đến đời đời kiếp kiếp. Ông có hiểu không? Giúp tôi đi! Tôi van ông...".

Người đàn ông nhẹ nhàng gỡ tay tôi ra, lẳng lặng bỏ đi. Tôi bàng
hoàng đứng chết lặng rồi bước từng bước chập choạng trở vô căn phòng tối đó. Tôi loáng thoáng bắt gặp những gương mặt hả hê của gia đình Tony nơi hàng ghế đầu tiên. Một người đàn ông ngồi xéo trong bóng tối có vóc dáng to lớn khiến tôi chạnh nhớ đến Black Tim. Black Tim, anh đang ở đâu? Anh có biết chuyện gì đang xảy ra cho Kim không? Tôi buông mình ngồi xuống ghế, muốn khóc một lần cho cạn queo đi hết tất cả những giòng lệ nhưng đôi mắt vẫn khô và mở trừng trừng như đã bứt lìa ra khỏi mớ dây thần kinh rối nùi của cảm xúc tự bao giờ...

Người ta áp giải Kim ra tới. Bộ đồ tù màu cam chói chan thường ngày được thay thế bằng cái áo thun hở cổ khoe vùng ngực hảy còn thanh xuân và chiếc váy da đen ngắn củn cởn ôm cái mông tròn lẳng. Cả thân hình lả lơi trong đôi giày cao gót đỏ chói. Chiếc cằm xinh xắn hất lên. Bước chân trầm tỉnh. Màu son óng ánh. Tóc rũ ngang vai. Kim vẫn đẹp như ngày đầu tiên tôi đã gặp. Những tiếng xì xào cay nghiệt:

"Con này láo thật! Đến giờ này mà vẫn ăn mặc như con đĩ!"

Tôi suýt bật ra một tiếng cười khoái chí khi nhận ra sự tức bực trong câu nói miệt thị kia. Kim đi giữa bốn người cảnh sát. Ông linh mục lẽo đẽo theo sau với quyển thánh kinh đang mở ra trên tay. Miệng lảm nhãm đọc những tràng kinh cho người sắp chết. Người đàn ông mặc veston hình như là bác sĩ, bước trầm ngâm với cái ống nghe tim đeo vòng trên cổ. Mọi người kín đáo đưa mắt nhìn về phía cái điện thoại đỏ. Nó vẫn im lìm.

Giờ này, có lẻ ông thống đốc đã ngủ vùi bên vú vợ. Họ dìu Kim ngồi xuống lòng "Yellow mama". Nàng khoan thai từ tốn, đặt hai tay mình lên thành ghế. Uy nghi, dịu dàng như bà hoàng hậu. Những cái niềng sắt được mở ra, khép cứng lấy đôi cổ tay thon thon. Ông cảnh sát nói chuyện với tôi khi nãy loay hoay siết cái niền sắt vô đầu Kim. Mọi việc đều diễn tiến như một đoạn phim câm, chúng tôi ở ngoài này không nghe được. Hai người khác đang quỳ mọp dưới chân Kim, cột thắt. Trông họ rộn ràng và trang trọng như đang cử hành một buổi lể tấn phong. Đôi mắt Kim nhắm nghiền, chờ đợi.

Người cảnh sát cúi xuống thì thầm. Kim mở mắt hướng về phía khung cửa tìm kiếm. Những giọt lệ chực trào ra. Người đàn ông lại cúi xuống nói nhỏ với Kim điều gì đó. Kim nhẹ nhếch môi.

Một giãi dây đen được đưa tới. Bàn tay thoăn thoắt buột những gút thật chắc, bịt kín đôi mắt đẹp. Hai người cảnh sát đứng nghiêm chỉnh bên hàng nút điện. Những con mắt đổ dồn về phía cái điện thoại. Những con mắt ngấm ngầm nhìn nhau. Mọi người cùng đứng giạt ra. Kim đồng hồ quay quay. Chiếc băng ca sẳn sàng cho một chuyến đi. Người linh mục cắm đầu vô quyển thánh kinh. Cái điện thoại vẫn đỏ tươi như màu máu.

Tôi ôm lấy ngực. Trái tim quặn thắt từng cơn. Tay chân bủn rủn. Hàm răng đánh vào nhau lập cập. Mồ hôi rịn ra trên sóng lưng. Mắt căng lớn. Những ngón tay bấu chặt lấy thành ghế. Những ngón tay buông xuôi. Những ngón tay lạnh ngắt. Những ngón tay đưa lên nút điện. Hàng loạt tia điện xẹt ra...
Phượng Các
#4 Posted : Saturday, November 13, 2004 7:30:57 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)

KHI LOÀI SÂU BIẾT KHÓC

Hoàng Thị Bích Ti

(trích Truyện Dài cùng tên)

lấy ra theo lời yêu cầu của tác giả.

Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.