Rank: Advanced Member
Groups: Moderator, Registered Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 5,668 Points: 25 Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
|
PC Gởi: Sat Oct 02, 2004 7:10 am
Chương 27
Trung Học Lô Nam
Cả nhà đến Tứ Xuyên rồi đi Trùng Khánh. Khắp nơi hân hoan đón mừng thắng lợi. Qua hơn một năm đi bộ trên đường dài, cả nhà năm người, ngoài gói đồ sờn rách trên vai, thì chẳng còn gì, trông thật thảm hại. May sao, ở Trùng Khánh có người anh em họ của mẹ, như tôi đã viết ở trên, nhà họ Viễn là một dòng họ lớn. Lúc đó, cậu ba và mợ ba đón chúng tôi về ở chung. Các cậu, các dì khác ở Tứ Xuyên cũng đến tiếp tế cho chúng tôi đều đặn. Mẹ tôi là con gái trưởng dòng họ Viễn, lẽ ra là một tiểu thơ quyền quý đáng tôn đáng kính, nhưng giờ đây, trời đất xoay chuyển ra nông nỗi này. Gặp nhau, mọi người vây quanh ba mẹ, hỏi tỷ mỷ quá trình chạy nạn. Ai nấy nghe đều há hốc mồm, không thể nào tin được sao lại nhiều chuyện động trời đến thế, cứ dồn dập xảy ra với chúng tôi!
Người kể đến chuyện buồn, rơi nước mắt, người nghe cũng sụt sùi khóc theo. Ngồi giữa đám đông nghe ba mẹ kể hết lần này đến lần khác, tôi cũng ôn lại những năm tháng phiêu dạt đầy đau thương, khi buồn khhi vui, khi tan khi hợp. Nên chi hồi ấy, tuy tôi mới sáu tuổi, nhưng những sự việc xảy ra đều in sâu tận đáy lòng không sót điều gì.
Chuyện đi lánh nạn đã thành quá khứ. Tương lai rồi sẽ ra sao là chuyện ba mẹ đang phải lo toan. Khi đó, do không biết, ba không xin dạy học tại trường ở đó, mà lại đi dạy ở một nơi tên là Lý Trang. Vì là sau chiến tranh, nên cảnh vật tiêu điều xơ xác, trường không có nhà ở cho gia đình, chỉ có thể sắp đặt chỗ ở độc thân cho ba tôi. Ba tôi thật tình không muốn xa vợ con khi chiến tranh vừa mới kết thúc. Khi cần đoàn tụ thì lại đi dạy học ở Lý Trang! Song xa nhau là chuyện nhỏ, còn thất nghiệp mới là việc lớn đáng lo hơn. Vì thế, ba quyết định đi Lý Trang dạy học. Còn mẹ và ba chị em tôi làm sao đây? Lúc đó, dì Huân đến bảo:
- Chẳng có chuyện gì đáng lo, chị Ba và ba cháu kéo hết đến trong trường trung học Lô Nam của em! Em đang thiếu giáo viên dạy văn, chị Ba chẳng phải đã dạy học ở Hồ Nam rồi là gì? Bây giờ chị lại đi làm giáo viên giúp em!
Dì Huân là em họ của mẹ. Mẹ tôi hàng thứ ba trưởng họ, nên dì Huân gọi mẹ là chị Ba. Khi đó, dì Huân và chồng của dì huyện Lô của Tứ Xuyên, mở trường Trung học dân lập, mọi thứ đều còn mới, thậm chí thiếu cả tiền lương cho giáo viên.
Thế là chúng tôi tạm thời chia tay ba, theo mẹ đến trường trung học Lô Nam.
Trường Trung học Lô Nam (trong cuốn sách tôi viết tựa đề "Tình quê hương không bao giờ dứt", có lược kể về trường này và dì Huân của tôi) là nơi để lại trong tôi những kỷ niệm đầy hứng thú. Nó vốn là một ngôi chùa lớn được sửa thành trường học. Phòng học đặt tại điện chính của ngôi chùa, nên mỗi phòng học đều có Bồ Tát. Nhà mẹ con tôi ở là nơi tu hành của các Hòa thượng trước kia, rất đơn sơ, giản dị.
Trải qua thời gian đi lánh nạn đầy thảm khốc, bây giờ vào ở nơi đây, thật chẳng khác nào đến chốn thiên đường.
Cuộc sống của tôi chẳng mấy chốc thay đổi hết. Tôi nhớ rõ, năm ấy vui lắm. Học sinh của mẹ đều thuộc lớp đàn anh của tôi. (Ở đây tưởng cần thuyết minh một chút, Tứ Xuyên hồi ấy rất bảo thủ, rất trọng nam khinh nữ. Con gái đều ở nhà giúp việc gia đình, không mấy cha mẹ chịu cho con gái đi học. Cho dù con trai đi nữa, cũng là do dì Huân và chồng dì vận động, thuyết phục từng nhà một, tranh thủ cho các cháu đi học. Cho nên học sinh đều là con trai nhưng tuổi rất lớn, những mười tám, mười chín tuổi mà còn học năm đầu cấp trung học. Đã vậy, số học sinh này cũng không được học cơ bản ở cấp một, cho nên mẹ tôi dạy các anh ấy thật vất vả, nhưng được cái các anh ấy đều thành thật, nhiệt tình, chịu khó, đều trở thành anh cả của tôi). Những người anh này thường dẫn tôi đi chơi, bày tôi nuôi dế, cõng tôi trên vai đi hái lá dâu, đưa tôi ra bờ sông nhặt đá cuội... Tuổi thơ ấu của tôi đã sớm bị mất nụ cười và niềm vui, thì tại đây, tôi dần dần lấy lại niềm vui ấy.
Cũng trong thời gian này, mẹ tôi bỗng dưng phát hiện được sức cảm thụ văn học của tôi, lúc vui vẻ, nhàn nhã, bắt đầu dạy tôi đọc thơ Đường. Và cũng lần đầu tiên, tôi nhận ra ma lực của văn học, và bắt đầu tìm được niềm say mê trong văn học.
Phát hiện của mẹ tôi khá ngẫu nhiên.
Nguyên là thế này:
Những học sinh của mẹ tôi tuy tuổi đã lớn nhưng không hiểu sao học không vào, mẹ tôi cứ phải giảng đi giảng lại nhiều lần mà các ông anh ấy vẫn cứ không hiểu nổi. Còn tôi, theo mẹ từ thuở nhỏ, khi mẹ giảng bài, tôi thường ngồi bên bậu cửa "dự thính". Có một hôm, mẹ đang dạy bài "Chim lành hót đêm", trong đó có hai câu thế này:
Đêm, đêm, đêm chim hót
Người nghe nao nao lòng.
Vì là có ba chữ đêm, các ông anh lẫn lộn mãi. Mẹ giảng khô rát cả cổ họng, các anh vẫn lắc đầu không hiểu. Mẹ có phần hoài nghi năng lực giảng dạy của mình. Đang khi bối rối, thấy tôi ngồi trên bậu cửa, mẹ kéo tôi vào lớp hỏi:
- Phượng Hoàng, con có hiểu ý nghĩa hai câu này không?
- Hiểu chứ ạ! Tôi trả lời dứt khoát, mẹ tôi đỡ người.
- Thế thì con trả lời xem nào! Mẹ tôi định hỏi thử vậy thôi.
Tôi giải thích thật rành rọt, chi li, cặn kẽ. Từ hôm đó, mẹ tôi đắc ý lắm, mẹ bắt đầu dạy tôi Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị. Tôi cũng học rất chăm chỉ, tôi học thuộc thơ Đường, bảy tuổi mà tôi đã thuộc lòng "Lương thượng song nhạn", và "Từ điểu dạ thí đề". Tôi nghĩ, sau này tôi mê viết văn ắt có liên quan rất lớn đến những ngày học thơ Đường hồi đó.
Thời gian ở Trung học Lô Nam, nhà chúng tôi lại có chuyện đại sự. Ấy là chuyện em bé gái tôi chào đời. Nguyên là sau khi thắng lợi, mẹ tôi lại có mang, với cái bào thai này, mẹ tôi gởi gắm rất nhiều hy vọng. Chiến tranh đã đi qua, gian khổ cũng phải lùi dần về dĩ vãng. Tuy cuộc sống trước mắt còn gian truân, vợ chồng chưa được đoàn tụ. Nhưng, viễn cảnh vô cùng tươi đẹp. Mẹ tôi cũng thừa nhận rằng, thời kỳ thai nghén em gái tôi, là thời gian mẹ tôi thấy tràn ngập yêu thương ngọt ngào.
Tháng hai năm 1946 em gái tôi chào đời, đứng vào hàng ngũ gia đình. Em càng lớn càng giống mẹ, da dẻ mịn màng, mặt mũi tươi đẹp, không chê vào đâu được. Vừa lọt lòng mẹ, em đã thành cục cưng của cả nhà. Mẹ yêu em, chị em chúng tôi cũng rất yêu em. Năm ấy tôi tròn tám tuổi, con gái tám tuổi rất ham chơi búp bê, tôi không chơi búp bê (và cũng làm gì có búp bê mà chơi), mà là ẵm em gái của tôi. Tôi rất vui mừng vì mẹ tôi sanh em gái chứ không sanh em trai, hồi đó tôi khác những đứa con trai cùng ở chỗ ước muốn có một đứa em gái để kết bạn, nguyện vọng của tôi đã được toại nguyện.
Ông nội tôi ở tít tận Hồ Nam đã theo dõi biết hết đoạn đường đầy gian khổ của chúng tôi. Giờ đây biển yên sóng lặng, nhà lại muốn có thêm cháu nội gái. Chẳng phải em gái sanh đúng mùa xuân đầy trời hoa nở như gấm thêu, nên ông chọn tên Cẩm Xuân, ba thấy tên em chưa hợp ý mình, nhưng ông nội đã chọn, ba cũng chịu vậy. Nhưng, cả nhà đều gọi em là út chứ không gọi tên, cũng giống như gọi em trai út là bé Tam chứ không gọi là Xảo Tam vậy.
Bốn anh chị em nhà tôi đều đủ mặt.
Năm thứ hai, ba được thư mời đi dạy học của đại học Đông Tế, Thượng Hải, cả nhà chúng tôi sum họp. Rời trường trung học Lô Nam, cả nhà dời về Thượng Hải, bắt đầu một cuộc sống khác trước _________________
PC Gởi: Sat Oct 02, 2004 7:13 am
Chương 28
Ở Thượng Hải
Từ vùng thôn dã Tứ Xuyên đến Thượng Hải phố phường hoa lệ, quả là hai nơi cách biệt nhau nhiều quá. Vừa chân ướt chân ráo đến Thượng Hải, nhìn cảnh nhà cao chọc trời, ngựa xe như nước, áo quần như nêm, mắt tôi cứ hoa lên. Bé bỏng như tôi đã đi từ Thành Đô đến Hồ Nam, qua Quảng Tây, vượt Quí Châu, về Tứ Xuyên rồi đến Thượng Hải, đúng là tôi đã đi qua một quảng đường dài dằng dặc! Quãng đường ấy không chỉ dài mà còn đầy chông gai sóng gió.
Đến thượng Hải, những ngày lưu lạc của chúng tôi phải chăng nên kết thúc tại đây! Ba đem bốn chúng tôi về ở trong một ngôi nhà mới.
Ngôi nhà này rất nhỏ, chỉ có một gian phòng trong nhà lầu lớn ở Bạch Độ Kiều ngoại ô Thượng Hải. Nhà lầu lớn này có cái tên nghe rất Tây là Ri-sác. Lầu Ri-sác có năm tầng, có lẽ trước đây là khách sạn. Trong mỗi tầng lầu đều có hành lang chạy dài, một mặt của hành lang trông ra sân vườn, còn mặt kia là từng gian phòng một, mỗi gian mỗi kiểu khác nhau. Mỗi phòng có một buồng tắm nhỏ, có điều kỳ quặc là, trong buồng tắm thì có bồn tắm mà không có bàn cầu, đại tiện tiểu tiện đều phải ra tít tận nhà xí công cộng ở đầu kia của hành lang.
Lầu Ri-sác trở thành nhà ở của giáo viên đại học Đồng Tế. Gian phòng chúng tôi nằm ở lầu bốn. Nhà sáu người, lớn bé đều sống chen chúc trong đó. Phòng có một chiếc giường, một bàn viết, ban ngày ba ngồi sửa bài tại bàn này, ban đêm trải chăn bông lên thành gường, tôi và mấy em trai ngủ trên đó. Còn cái phòng tắm kia, mẹ bắc mấy tấm ván lên bồn tắm, mua lò và nồi nấu cơm, cứ cách vài ngày, dời bếp cho các con tắm tập thể.
Hầu như từ lọt lòng đến giờ, sự nghèo khổ luôn gắn chặt với gia đình tôi. Lần này về Thượng Hải, tình cảnh cũng chẳng khá hơn chút nào. Đời sống Thượng Hải yêu cầu cao, út oa oa đòi bú, sữa bột đắt kinh người. Ba chị em tôi đang lớn như thổi. Ăn mặc, ở, đi lại cái gì cũng cần đến tiền. Đồng lương ít ỏi của ba rõ ràng là không làm sao nuôi nổi sáu miệng ăn. Nhưng ở Thượng Hải, tôi có người cậu bà con và dì Tư.
Hồi đó, ông bà ngoại tôi đều đã qua đời. Anh cả của mẹ tôi làm luật sư sống rất sung túc, ở trong một ngôi nhà đầy đủ tiện nghi trên đường An-be. Hai anh em đã nhiều năm không gặp nhau, vừa mới thấy, đã khóc nức nở. Người cậu cả thấy tình cảnh túng bấn của gia đình tôi, con cái đứa nào cũng ốm yếu, vàng võ, nằng nặc đòi ba tôi chuyển ngành, vì còn dạy học thì lũ trẻ sẽ chết đói mất. Nói một thôi một hồi, người cha cố chấp của tôi chạm tự ái, nổi nóng đưa tay xốc lại cổ áo đứng dậy, nói kiên quyết:
- Mỗi người có ý nguyện riêng của mình, tôi học cả đời rồi, cũng chỉ biết có dạy học thôi. Nghèo là số phận của tôi! Đã là vợ con của tôi thì đành phải sống kham khổ với tôi, làm gì có chuyện chuyển ngành được!
Ba tôi giận dữ bỏ về, từ đó xa lánh dần cậu tôi. Việc cậu khuyên ba chuyển nghề làm tổn thương lòng tự trọng của ba rất dữ. Còn tính khí của người cậu cả cũng chẳng phải vừa, thấy ba tôi vẫn cố chấp, không chịu đổi thay, sợ làm khổ lây đến em gái, nên rất bực bội. Do vậy, nhà tôi với nhà người cậu cả rất ít qua lại nhau. Chỉ có mợ cả thường xuyên đem hết bọc nhỏ, bọc lớn quần áo đến nhà, trong đó gói rất nhiều áo lụa, váy lụa trẻ con, lại cả những thứ bà ngoại sắm khi tôi chào đời mà tôi chưa nhận được, bây giờ thì đứa em gái nhỏ hơn tôi tám tuổi mặt thật vừa vặn. Thấy những áo quần ấy, khỏi phải nói, cũng biết là mẹ tôi khóc mấy ngày ròng.
Chúng tôi rốt cuộc rồi cũng sắp đặt đâu vào đấy, khổ tuy có khổ nhưng được cái cả nhà quây quần đoàn tu. Ba bắt đầu nghĩ tới chuyện học hành của ba đứa lớn. Một hôm, ba dẫn cả ba chị em đến trường tiểu học quốc dân khu mười sáu. Đây là lần đầu tôi bước vào ngưỡng cửa nhà trường ở bậc tiểu học. Năm ấy tôi lên chín, tính theo tuổi thì tôi phải học lớp ba mới phải. Nhà trường sát hạch sơ bộ khi vào lớp, liền sắp tôi vào học lớp ba, Kỳ Lân không theo nổi, xếp xuống lớp hai, em trai út xếp lớp một.
Đến chín tuổi đầu tôi mới được vào trường học, tôi nhớ rõ làm học cực nhọc lắm. Kỳ thực, không chỉ là vất vả thôi mà còn làm một sự đau khổ cực kỳ.
Nguyên do là, từ Tứ Xuyên đến Thượng Hải, tôi nói đặc sệt giọng Tứ Xuyên, mà cả trường, từ thầy giáo đến học trò đều nói toàn giọng Thượng Hải. Ngôn ngữ bất đồng, thầy giáo nói gì tôi cũng không hiểu, bạn học nói gì tôi cũng không hiểu. Chưa hết, tôi lại từ nông thôn ra nên quê một cục, trẻ con Thượng Hải đều nhanh nhẹn khôn ngoan, so đi sánh lại, cái gì tôi cũng thua. Lại còn từ nhỏ, tôi chỉ được mẹ dạy thơ Đường, tôi đọc rất khỏe, nhưng toán
thì đến phép cộng cũng không biết làm, điểm số thua xa các bạn. Do nhiều nguyên nhân, như thế, ở trường tôi rất khổ tâm.
Trẻ con ở Thượng Hải hay làm phách. Ngày đầu đi học, khi sắp hàng trên sân tập thể dục, những đứa đứng trước đẩy tôi ra sau, mấy đứa đứng sau đẩy tôi lên trước, khiến tôi xấu hổ quá đành đứng ra ngoài hàng, chân tay bối rối, không biết làm thế nào. Thầy giáo đến, thấy tôi không sắp hàng, mắng tôi một trận, cả lớp khúc khích cười, còn tôi thì khóc chạy về nhà không thèm học nữa!
Không đi học không được. Ba mẹ muốn tập cho chúng tôi có tính độc lập và khả năng thích nghi với mọi hoàn cảnh. Tôi khóc suốt đêm, lại đành ngoan ngoãn trở lại trường. Dần dần, ngày qua ngày, các bạn học không khi dể tôi nữa. Tôi cũng bắt đầu kết bạn, nhưng do giọng nói, nên kết bạn rất khó.
Tôi đi học cũng chẳng thuận lợi chút nào, hai đứa em trai tôi cũng thế. Kỳ Lân tính khí bướng bỉnh, từ bé thường xuyên đánh lộn với bạn bè. Em trai út càng quấy phá dữ, nó chẳng bao giờ chịu ngồi ngay ngắn trong lớp được vài tiếng đồng hồ, làm thế nào bắt nó ngồi nghe thầy giảng cho được. Không rõ sao, anh chàng nghĩ mẹo vặt, giơ tay lên xin thầy:
- Con xin đi tiểu!
Thầy giáo liền cho nó đi. Kết quả làm mỗi tiết học nó giơ tay lên mười mấy lần xin đi nhà xí. Có một lần, thầy bực quá, giận dữ quát:
- Không được đi!
Em trai út thấy mưu kế không thành, đành ngồi yên chốt lát, rồi nó dọa thầy:
- Thầy không cho con đi, con đái trong quần!
- Đái thì đái đi. Thầy nói: Không cho đi là không cho đi!
Nào ngờ, thầy vừa dứt câu thì cậu ấm "giải quyết tại chỗ" ngay lập tức, làm cho thầy trò cả lớp ai nấy kinh ngạc thất sắc. Lúc đó, trong trường có qui định, học sinh hễ nói tục hoặc là điều sai trái thì dùng bút đỏ vẽ một vòng trên miệng rồi thì rửa mấy ngày cũng chẳng sạch. Thầy giận quá, liền vẽ lên miệng em trai út mấy vòng tròn đỏ liền. Hôm ấy, Kỳ Lân vì đánh lộn và chửi bạn nên cũng bị thầy giáo lấy bút đỏ khoanh tròn lên miệng. Kết quả là, tôi đang học nửa chừng bị thầy chủ nhiệm giám thị chạy lại báo cho biết:
- Hôm nay con không phải học, dẫn hai đứa em về nhà đi, chúng nó đứa thì đái trong quần, đứa thì đánh lộn!
Trường cách nhà tôi một đoạn đường xa lắm. Thường thường tôi phải đưa chúng đến trường và dắt chúng về nhà. Hôm đó tôi dẫn hai đứa về nhà, nhìn những khoanh tròn trên miệng chúng rồi nhìn cái quần ướt của em trai út, tôi thấy xấu hổ quá. Hai đứa lại còn chu mỏ giận dỗi, làm ai qua đường cũng ngoái đầu nhìn chúng nó cười, tôi lại càng muối mặt hơn, nói với hai em:
- Biết thế này, để chúng mày mất tiêu ở Đông An cho rồi, tìm về làm gì cho phiền toái thế này!
Vừa dứt lời, nhớ lại cảnh buồn thảm đau thương sau khi mất hai em ở Đông An, tôi hối hận vô cùng, lòng quặn thắt, nước mắt chảy ròng ròng. Bé út thấy tôi khóc, cũng khóc theo, kéo chéo áo tôi nói:
- Chị đừng khóc, em không dám nữa đâu!
Kỳ Lân thấy hai chị em đều khóc, mắt nó cũng đỏ ngầu. Tôi chợt hiểu ra, mình là "chị cả" trong gia đình, hai em trai dầu sau cũng là em, dầu gì đi nữa, tôi cũng không thể rời chúng nó. Thế rồi tôi nắm chặt tay em trai út, ba đứa vừa đi vừa khóc về nhà. Vừa đến nhà, tôi vội vã giấu hai em vào phòng tắm, ra sức kỳ cọ cho mất tiêu cái khoanh tròn trên miệng hai đứa, kẻo ba mẹ trông thấy, cũng sẽ xót xa như tôi.
Sống ở Thượng Hải là như vậy đó. Tôi nhớ rõ, cái vui đến thì ít. Cái nghèo cái khó cứ ập đến hoài hoài. Thượng Hải mùa đông lạnh không tả xiết, tôi và các em đều thiếu đồ ấm, hai hàm răng cứ đánh vào nhau kêu lập cập. Ngày ngày ba chị em dắt tay nhau đến trường, phải đi qua quán bán hạt giẻ, thèm mua một gói hạt giẻ cầm cho ấm tay, ăn cho ngọt miệng, nhưng đào đâu ra tiền, chỉ lấy mắt nhìn. Các bạn xếp hàng lần lượt nhảy dây thun, bạn nào cũng có một xâu lớn trên tay, chỉ mình tôi là không có. Hồi đó trong bụng ước ao làm sao có một xâu dây thun lớn, vậy mà cho đến khi rời Thượng Hải, nguyện vọng đó vẫn chưa thành.
Nói thật, tôi từng chịu thương chịu khó từ tấm bé. Nhưng chỉ có thời gian ở Thượng Hải mới đặc biệt nhạy cảm về nỗi khổ của mình.
Những ngày sống ở Thượng Hải, lương ba tôi không đủ chu cấp cho cả nhà, (cậu muốn thường xuyên giúp tiền cho chúng tôi, nhưng ba tôi cương quyết cự tuyệt. Chỉ có mợ tôi khéo chuyển thành cái ăn cái mặc thường xuyên dấm dúi cho gia đình tôi). Mẹ tôi cho rằng đó không phải là cách có thể cứu cả nhà, nên đã trở lại dạy ở trường trung học. Thế là tôi càng bận rộn, ngày nào cũng như ngày nào, hễ tan học là đi như bay về nhà trông nhỏ út. Cái bàn lớn trong nhà chúng tôi không đủ chỗ ngủ, chúng tôi xuống nằm dưới đất. Từ đó trở đi, tôi thành cô bảo mẫu bé bỏng của đứa em gái út.
Niềm vui trong cuộc sống chẳng được bao nhiêu. Nhưng cũng từ năm ấy, tôi lại khám phá ra hứng thú viết văn. Tôi viết một truyện ngắn về cuộc sống thường nhật của tôi với tựa đề "tuổi trẻ đáng thương". Đưa ba đọc, ba rất xúc động, sau đó giúp tôi gửi cho trang nhi đồng của tờ Đại công báo. Sau khi được đăng, suốt ngày tôi mân mê tờ báo ấy, sướng hết chỗ nói, đến bữa cơm cũng không nhớ. Tôi đọc truyện ấy ít lắm cũng phải một trăm lần. "Tuổi trẻ đáng thương" viết những gì nhỉ? Đến giờ tôi không nhớ hết. Nhưng, rõ ràng "tuổi trẻ đáng thương" là câu chuyện về đời mình!
Sau khi tác phẩm được đăng báo, tôi bắt đầu mê viết văn. Cứ mỗi bữa đi học về, là cặm cụi viết. Lúc đó, dì Tư của tôi tham gia nhóm kịch nói, diễn vở Người Bắc Kinh của Tào Ngu. Mặc dù không là vai chính, nhưng lại là vai thứ rất quan trọng. Nhờ vậy mà tôi cũng được giấy mời đến nhà hát xem dì Tư diễn kịch nói, tôi sướng lắm. Xem xong về nhà, tôi viết kịch bản. Không biết phân cảnh tôi toàn viết "Kịch một màn". Hễ nhân vật kịch hơi nhiều là tôi quản không nổi nên tôi toàn viết "Kịch hai người". Một thời gian dài, tôi viết không biết mệt mỏi, ba mẹ xem kịch bản của tôi, chỉ tủm tỉm cười. Bởi vì, đề tài của tôi, toàn là những câu chuyện trao đổi giữa ba mẹ, thật chi tiết, thật đầy đủ suốt dọc đường đi lánh nạn.
Số phận những "Kịch bản" của tôi thật hẩm hiu, không được đăng, không được xuất bản, và đương nhiên là chẳng có ai diễn. Rốt cuộc là vào sọt rác hết.
Tôi học ở Thượng Hải được một nănm, dần dà kết thân nhiều bạn, học được cách nói Thượng Hải, cũng thuộc không ít đường ngang ngõ tắt của thành phố to lớn này. Tôi đi một mình đến hiệu sách, tôi mê đọc sách đến nỗi quên cả về nhà ăn cơm tối. Tôi cũng biết ẵm em gái út đi xem đua thuyền trên Bạch Độ Kiều, xem cho đến mặt trời lặn. Cứ đến chủ nhật, tôi cùng các em trai chạy nhảy tung tăng ở công viên ngoài bãi sông để bỏ những ngày sống tù túng trong gian phòng chật hẹp.
Nhưng nét mặt ba mẹ tôi thấy sao không bình thường, không khí ở Thượng Hải cũng không được bình thường. Giá cả tăng vọt, đồng tiền mất giá, các cửa hàng ở Thượng Hải luôn xảy ra những vụ cướp giật... Nhưng điều đó với tuổi nhỏ như tôi, không thể nào hiểu nổi. Cái duy nhất tôi quen thuộc, tôi hiểu được là bầu không khí căng thẳng đang bao trùm. Tôi biết, chiến tranh lại sắp đến gần!
Quả nhiên chiến tranh đến gần. Lần trước là chiến tranh kháng Nhật, lần này là nội chiến. Với tôi, chiến tranh cũng có nghĩa là lưu lạc và khổ đau. Nụ cười không hiện trên khuôn mặt ba mẹ tôi nữa. Ngày nào ba mẹ cũng bàn đi tính lại đủ điều. Cuối cùng, ba quyết định, đưa mẹ và bốn đứa con về quê ở Hồ Nam trước. Ba tiếp tục lưu lại Thượng Hải để dạy cho hết học kỳ. Thế là chúng tôi xa Thượng Hải mới vừa quen thuộc, trở về lại Hồ Nam.
Đây là lần thứ hai chúng tôi trở lại quê nhà, lần thứ hai đoàn tụ với ông nội. Hai lần đều ám ảnh bởi chiến tranh, hai lần Hồ Nam đều là trạm rung chuyển của chúng tôi, chứ không phải là nơi chúng tôi ăn đời ở kiếp. _________________
|