Kỹ Thuật viết văn của Kathy TRẦN qua tập truyện NGỌC HÂN
VIỆT BẰNG
1.
Trong khoảng năm năm trở lại đây, nền văn học Việt Nam hải ngoại xuất hiện một vài ngôi sao sáng, một trong những ngôi sao ấy là Kathy Trần.
Đọc những tác phẩm của Kathy Trần nói chung, truyện ngắn Ngọc Hân nói riêng, tôi tìm được vài điều tâm đắc:
* Những nhân vật của Kathy Trần được trình bày rất sống động (dynamic).
* Lối diễn tả không những sắc nét, dí dỏm, hóm hỉnh mà còn có sức thuyết phục độc giả.
* Viết truyện có phương pháp.
Truyện ngắn Ngọc Hân là tập hợp của tám truyện:
Chìm Đáy Sông Hồn Cầm, Cho Lụy Đến Nàng, Tình Trúc Nghĩa Mai, Dẫu Lìa Ngó Ý, Ỷ Lan Thái Phi, Ngàn Dặm Ra Đi, Hận Tình Thiên Thu. Ngọc Hân.
Ba truyện đầu là truyện tình dân gian, năm truyện sau là tình sử của một số nhân vật lịch sử.
Hầu hết những truyện ngắn của Kathy Trần, nhân vật được miêu tả thường ở ngôi thứ ba (The third person point of view).
2.
Kathy Trần đã dùng những phương pháp mới để viết truyện bằng những Kỹ thuật mới (Literary Technics):
- Kỹ thuật Chuyển Đổi Tâm Lý Nhân Vật (Character shift.)
Theo truyện cổ, Mỵ Châu gây tội tầy đình làm tan nhà mất nước. Rắc lông ngỗng cho giặc đuổi theo là hành động phản phúc cuối cùng của Mỵ Châu. Trước hành động bất trung bất hiếu như vậy, nàng phải đền tội xứng đáng. Khi thần Kim Quy hiện lên nói:
Kẻ nội thù ở sau lưng bệ ha.
An Dương Vương dừng ngựa và rút gươm chém chết Mỵ Châu rồi nhẩy xuống biển tự trầm.
Với Kathy Trần, nhân vật Mỵ Châu đã có chuyển đổi tâm lý trở nên dễ thương hơn. Vì ý thức được việc làm sai trái của mình với nhà với nước, Mỵ Châu rút gươm của cha già và tự sát trước mặt người.
Trong Văn học Mỹ, sự chuyển đổi tâm lý nhân vật rất thường có trong những truyện Miền Viễn Tây. Những tên tướng cướp (gangsters) sau cùng biết tội đã tự sát để khỏi gây thêm chết chóc cho những nạn nhân vô tội và những người đang truy lùng chúng.
3.
Kỹ thuật sử dụng ngôn ngữ trào lộng, hài hước hay trớ trêu (ironies).
Kathy Trần rất khéo léo dùng sự trớ trêu để giải quyết những chủ điểm quan trọng mở đầu cho khúc quẹo của tình tiết.
Trong truyện Ngàn Dặm Ra Đi, Chế Mân không chết trong trận mạc mà chết vì bị mưu sát khi săn bắn thú rừng để mừng ngày kỷ niệm Huyền Trân về làm dâu hoàng tộc Chiêm Thành.
Còn ba ngày nữa là tới ngày kỷ niệm Hoàng hậu Huyền Trân về làm dâu Chiêm Thành. Triều đình đã chuẩn bị tiệc tùng và hội hè cho toàn dân Kinh đô Chà Bàn cùng tham dự.
Cách đây hai hôm, Hoàng thượng Chế Mân dẫn đoàn tùy tùng đi săn. Ngài muốn tự săn thú về đãi mừng Hoàng hậu vào ngày kỷ niệm quan trọng đó.
Tin sét đánh đưa về, Hoàng thượng bị phục kích và bị thích khách đâm chết.
(Ngàn Dặm Ra Đi)
Tương tự, Văn học Mỹ cũng thường sử dụng kỹ thuật này. R. Hills, trong cuốn Writing the Short Story, Bantam Books, 1989, đưa ra một trường hợp trớ trêu (irony).
J. Glenn, phi hành gia Mỹ, không hề hấn gì trong cuộc du hành vũ trụ nhiều ngày, đầy gian khổ và nguy hiểm. Chỉ một mẩu vẫn thạch nhỏ có thể xuyên qua vỏ phi thuyền đủ làm cho phi thuyền cháy thành tro bụi.
Trớ trêu thay! Khi về nhà anh trượt chân trong bồn tắm, té bị thương và được xe cứu thương đưa đi bệnh viện.
Winston Churchill, Thủ tướng Anh, rất thích lối viết trào lộng. Trong hồi ký, ông viết:
Dân chủ là hình thức chính quyền tệ hại nhất, ngoại trừ phần còn lại. (Democracy is the worst type of government except all the rest).
Câu này nhấn mạnh những hiểu biết bất toàn của con người có thể có trong tiến trình hoàn chỉnh hóa những định chế chính trị.
Ngoài cách sử dụng những trớ trêu, Kathy Trần có thể trào lộng ngay cả khi viết một câu đơn
Những con ngựa rống lên, hí lên
(Ngọc Hân)
Để miêu tả hành động của con ngựa, Kathy Trần đã dùng hai act verbs, động tự hí rất chuẩn xác khi miêu tả về ngựa, động tự rống không dùng cho ngựa mà dùng cho hổ, báo, sư tử hay voi, nhưng Kathy Trần cứ dùng cho ngựa để biểu thị sư trào lộng như khi Kathy nói với con nhỏ của mình: sắp rống lên bây giờ đấy.
Trong buổi ra mắt cuốn Tiếng Vỉ Cầm Xưa của Hoa Hoàng Lan, 1 giờ trưa ngày thứ bẩy, 02/03/2002 tại Thánh Đường Tự Do,2296 Quimby Rd, San Jose, sau khi Chủ Nhiệm Quỳnh Thi phát biểu, một văn sĩ cao niên ngồi bên nói với tôi:
So với Hoa Hoàng Lan, Kathy Trần bản tính nghịch ngợm viết văn cà rởn, cà rởn. Cô ấy lại dùng nhiều dữ kiện lịch sử để viết vậy cô ấy là người viết truyện hay viết sử?
Nhà thơ Song Nhị thấy ồn ào, quay lại mỉm cười.
Tôi trả lời người bạn vong niên:
Kathy Trần viết đúng bài bản, đúng phương pháp viết truyện ngắn. Trào lộng, hài hước, trớ trêu là một trong những kỹ thuật viết truyện ngắn mà nhà văn nên biết để vận dụng trong lúc hành văn. Cho dù Kathy Trần sử dụng 50% hay 100% dữ kiện lịch sử thì cô ấy vẫn là người viết truyện khác với người viết sử dùng phương pháp sử học.
Bất chợt quay lại đằng sau, tôi thấy Kathy Trần đang khúc khích cười với bạn.
Tôi bấm tay, người bạn văn sĩ quay lại nhìn. Từ đó cho đến lúc ra về, người bạn ấy không nói một lời nào nữa.
4.
* Kỹ thuật phân tích và giải quyết xung đột nội tâm (internal Conflict.)
Theo Phân tâm học, có nhiều nhân tố trong xung đột nội tâm, nhân tố nào áp đảo? Ngã (Ego), Siêu Ngã (Super Ego) hay Vô thức (Id). Những xung động, thôi thúc tâm lý đến từ đâu, phải chăng đến từ Bản năng có nguồn gốc vô thức.
Lệ Nương (Châu Long) trong truyện Tình Trúc Nghĩa Mai luôn ở trong trạng thái xung đột nội tâm. Nàng nửa thuận tình chăn gối với Lưu Bình, nửa lại nhớ đến Dương Lễ và không muốn thất tiết với chồng
Lệ Nương thấy lòng bàng hoàng, xao xuyến. Người nàng bừng bừng và hai má nóng rực vì hơi thở Lưu Bình. Nàng nhắm mắt lại tưởng đến ngày nào còn trong vòng tay Dương Lễ, chàng đã gián tiếp đẩy nàng vào cảnh này. Chàng đang yên ấm, nồng nàn bên vợ đẹp, con ngoan. Chàng có thèm nhớ đến nàng chăng?
Những ngón tay Lưu Bình bóp nhẹ vai nàng, chàng thở gấp, rồi đặt nụ hôn phớt lên má nàng, nâng đầu nàng ngả ra sau, Lệ Nương nhắm nghiền mắt lại và môi nàng hé mở, rạo rực, đợi chờ.
"Trời ơi! Sao tâm hồn ta yếu đuối đến thế? Ta không tỉnh táo thì còn gì là tiết hạnh của ta và danh dự chàng?"
(Tình Trúc Nghĩa Mai)
Trai đơn gái chiếc ở chung một nhà trong hai năm trời mà không xẩy ra chuyện gì hẳn họ là thánh hay Siêu Ngã đã làm chủ tâm hồn của họ.
Không phải Kathy Trần không hiểu trường hợp này và Lý thuyết Libido (Dục tính) của Sigmund Freud, trái lại
Kathy rất am tường, nên mới để Dương Lễ nói:
Ta không tin nàng chịu trở về.
(Tình Trúc Nghĩa Mai)
Thực ra, không phải Lệ Nương biết giữ mình mà chính Kathy Trần giữ cho Lệ Nương tiết sạch giá trong để trở về với Dương Lễ. Đó là đường hướng giải quyết xung đột nội tâm theo Đạo lý cổ truyền của Kathy Trần.
Phải chăng với bản chất cô giáo, Kathy Trần không muốn phân tích tâm lý nhân vật một cách triệt để nếu có liên quan tới khuynh hướng dục tính.
Trong Hận Tình Thiên Thu, cùng một đường lối giải quyết như trên, Kathy Trần đã để cho Thị Lộ và Nguyễn Trãi là thủ phạm "thí quân" và không một lời giải thích:
Chỉ biết rằng Hoàng thượng băng hà tại Lệ Chi viên, Thị Lộ là thủ phạm "Thí Quân" và chính quan Đại phu Nguyễn Trãi đã "âm mưu và sai Thị Lộ thừa dịp gần gũi long nhan ra tay phục rượu độc, thí quân!"
Hơn nữa, vì tôn trọng Đạo lý, Thị Lộ thà chết cùng chồng chứ không chịu thất tiết với Vua. Trái lại truyện cổ kể rằng ông Vua háo sắc chết vì "Thượng mã Phong" trong lúc gần gũi Thị Lộ. Cách giải quyết này hợp tình, hợp lýkhông những giải oan cho Nguyễn Trãi mà còn kết tội Vua và triều đình đã giết hại công thần trong vụ án vườn Lệ Chi.
5.
* Kỹ thuật miêu tả tình tiết qua nơi chốn (Setting)
Mọi tình tiết của truyện xẩy ra, thiết yếu gắn liền với nơi chốn, môi trường.
- Nơi chốn có thể là giếng Tịnh Tâm, con thuyền trôi nhẹ trên sóng, cây Ngọc Lan bên ruộng dâu:
Trọng Thủy thong thả đi tới cạnh giếng Tịnh Tâm. Giếng sâu thăm thẳm, nước trong vắt, ngọt và đầy nước quanh năm.
Trọng Thủy cúi nhìn xuống, cúi thấp, thật thấp, sâu mãi vào lòng giếng.
(Dẫu Lìa Ngó Ý)
- Con thuyền trôi trên sông
Từ con thuyền nan mong manh đang nhẹ trôi trên sông, giọng hát và tiếng đàn Trương Chi thoáng nhẹ, quyến rũ, ngọt ngào làm rung động hồn nàng rồi tất cả tan loãng vào đêm dài thơ mộng.
(Chôn Đáy Sông Hồn Cầm)
- Cây ngọc lan ven ruộng dâu
Một cô gái đang đứng cạnh cây Ngọc Lan ven ruộng dâu bát ngát, mùi hoa lan thoang thoảng tới tận chỗ ngài. Nhà vua tiếp tục bước tới, ngài ngạc nhiên thấy một vầng mây che lơ lửng, rợp mát hẳn một vùng cô gái đứng.
(Ỷ Lan Thái Phi)
Nơi chốn cũng có thể là một cảnh trí nội tâm trong tâm lý nhân vật:
Không gian và lời ca như ẩm hơi nước và tâm hồn Mỵ Nương cũng chìm xuống nặng trĩu niềm bâng khuâng , nhớ nhung, mộng mị.
"Phải chăng chàng hàn sĩ trong chiếc thuyền nan đang ngỏ bày tâm sự cô đơn với người tri kỷ? Lời chàng sao mênh mang buồn? Ý chàng sao chơi vơi, và giọng hát chàng sao ngọt ngào mê đắm?"
(Chôn Đáy Sông Hồn Cầm)
- Nơi chốn có thể là một bức tường.
Văn học Pháp đề cập dến J. Paul Sartre qua tác phẩm Bức Tường (The Wall). Bức tường là một cấu trúc do xã hội tạo ra. Trước bức tường, các tù nhân xếp hàng và đợi xử bắn.
Bức tường không những là một nơi chốn (setting) mà còn là một ẩn dụ (metaphor) về một nơi mà sự sống con người bị hủy diệt.
6.
Viết truyện ngắn có nhiều phương pháp. Ngay cả những người không dùng phương pháp có thể viết theo kinh nghiệm. Cách này đòi hỏi nhiều thời gian lần mò trước khi tìm được một lối viết thích hợp. Cũng có thể viết theo cảm hứng nhưng đợi cảm hứng bao giờ mới đến, e không viết được nhiều. Tốt hơn hết là chọn một phương pháp thích hợp như Kathy Trần đã chọn.
Kathy Trần viết theo phương pháp nên lối văn nào cũng là sở trường của Kathy cho dù là phiếm luận hay truyện tình sử. Tuy nhiên trong "Ngọc Hân", Kathy Trần cũng để lại một vài điểm thiếu chính xác về vị trí địa dư của thành Chà Bàn và tôn giáo của người Chàm - Bà La Môn giáo chứ không phải
Phật giáo.
7.
Chúc Kathy Trần thành công hơn nữa trong tác phẩm kế tiếp, vàtôi cũng có đôi điều muốn gợi ý:
* Quan tâm đến phẩm nhiều hơn, cuốn truyện có thể mỏng đi đôi chút nhưng hàm chứa một nội dung sâu sắc.
* Phân tích tâm lý nhân vật sâu hơn không ngại miêu tả những hành vi bạo hành, xung động, dồn nén, ẩn ức đến từ khuynh hướng dục tính.
Được như vậy, trong vài năm nữa, tôi không ngạc nhiên khi thấy những tác phẩm của Kathy Trần được giảng dạy ở
các trường Đại học Âu Mỹ như những tác phẩm của Lệ Lý Hayslip (1), Dương Thu Hương (2), Nguyễn Ngọc Ngạn và Nhất Hạnh (3).
VIỆT BẰNG
GHI CHÚ:
(1). Lệ Lý Hayslip nổi tiếng với hai tác phẩm Child of War, Woman of Peace và When Heaven and Earth Changed Places. Cuốn sau đã được kỹ nghệ diện ảnh Hollywood quay thành phim với tên "Heaven and Earth" (Trời và Đất).
(2). Dương Thu Hương với tác phẩm Thiên Đường Mù đã được nhiều người ở hải ngoại biết đến.
(3). Nhất Hạnh được dánh giá cao với tác phẩm Nẻo Về Của Ý và những bài khảo luận về Triết Học Tây Phương và Triết Học Thiền viết bằng tiếng Anh và Pháp.