Rank: Advanced Member
Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 9,291 Points: 11,028
Thanks: 758 times Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
|
NỖI KHỔ Trong đời sống vợ chồng, yếu tố tình cảm nhiều lúc cũng thay đổi như mưa và nắng. Chính vì thế, một tác giả trên báo Phụ Nữ Chủ Nhật đã so sánh theo kiểu dự báo thời tiết như sau :
Vợ giận : Biển động mạnh, gió giật trên cấp 12.
Đưa hết tiền lương cho vợ : Ngày nắng, đêm không mưa.
Vợ khóc nhè : Mưa rào rải rác.
Chồng đi nhậu về muộn : Trong vùng tâm bão.
Vợ nhăn mặt : Gió Lào.
Không chở vợ đi chơi : Áp thấp nhiệt đới đang hình thành.
Vợ im lặng : Đợt không khí lạnh tràn về.
Chồng có bồ nhí : Bão.
Vợ đi siêu thị : Lốc xoáy.
Vợ chồng ngủ riêng : Đợt nắng nóng dài ngày.
Vợ mỉm cười : Nhiệt độ lý tưởng.
Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy từ trong lục phủ ngũ tạng, cũng như từ trong tim gan phèo phổi, dường như ai cũng ước ao một cái gì lý tưởng, ai cũng mong muốn một cái gì hoàn hảo. Thế nhưng, mong ước này quả thực là khó khăn, giống như chuyện mò kim đáy biển, và hơn thế nữa còn là chuyện viển vông, bởi vì làm gì có cái lý tưởng, cái hoàn hảo ấy trên cõi đời này.
Có một ông già cô đơn đã kể lể về những thăng trầm, ba chìm bảy nổi và chín cái lênh đênh trong tình yêu của mình như sau :
Tôi đã dành trọn thời gian của tuổi thanh xuân để tìm kiếm một người đờn bà hoàn hảo. Tại Cairô, thủ đô nước Ai Cập, tôi đã gặp một người đờn bà vừa trẻ đẹp lại vừa thông minh, nhưng rất tiếc người đờn bà này chẳng có được một chút dịu hiền, nàng hung dữ như bà chằng lửa.
Tôi đành bỏ Cairô mà tìm đến Bagdah, thủ đô nước Irak, với hy vọng tìm ra người đờn bà lý tưởng của lòng tôi. Tại đây, tôi đã gặp một người đờn bà đúng như lòng tôi mong ước. Nàng vừa trẻ đẹp lại vừa thông minh, vừa quảng đại lại vừa dịu hiền. Chỉ kẹt một nỗi, đó là hai đứa chúng tôi chẳng bao giờ nhất trí được với nhau về bất cứ chuyện gì. Hễ ngồi tâm sự với nhau là bắt đầu cãi vã, ông nói gà bà nói vịt, trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Vì thế, tôi đành phải chào thua.
Và như vậy, hết người đờn bà nọ tới người đờn bà kia. Kẻ được điều này, người mất điều khác. Tôi như kẻ đốt đuốc đi tìm người yêu lý tuởng, mà dường như chẳng bao giờ thấy.
Thế rồi một hôm tôi gặp được nàng, người đờn bà của mơ uớc. Nàng đã kết hợp được tất cả những đức tính mà tôi thầm vẽ ra trong đầu óc. Vừa trẻ đẹp lại vừa thông minh, vừa quảng đại lại vừa dịu hiền, vừa tế nhị lại vừa ăn ý với tôi ngay cả trong những điều nhỏ mọn nhất. Nhưng cuối cùng, tôi vẫn cứ phải gân cổ lên mà ca solo, cam chịu cảnh gối chiếc suốt đời. Các bạn có biết tại sao không ?
Trong lúc mọi người suy nghĩ, ông già cô đơn đáng thương khẽ kéo một hơi thuốc lá, rồi kể tiếp :
- Sở dĩ như thế là vì người đờn bà ấy cũng đang đi tìm một người đờn ông lý tưởng. Và thật chẳng may cho tôi, bởi vì dưới mắt nàng, tôi chỉ là một thằng đờn ông tồi với biết bao nhiêu thói hư tật xấu.
Rồi ông già cô đơn đã khuyên nhủ cánh trẻ với một cung giọng hơi bị cay cú :
- Đi tìm một người yêu lý tưởng, một người tình hoàn hảo chỉ là một việc làm hão huyền và vô ích mà thôi, bởi vì người yêu lý tưởng, người tình hoàn hảo ấy làm gì tồn tại được trên trái đất này.
Đúng thế, người xưa đã từng xác quyết :
- Nhân vô thập toàn.
Đã là người thì ai cũng có những sai lỗi và khuyết điểm, bằng không thì tất cả chúng ta đã là những thánh ông, thánh bà rồi còn gì.
Mẩu đối thoại sau đây do Võ Tấn Thục ghi nhận và đăng trên báo Phụ Nữ Chúa Nhật số ra ngày 4.12.2005 sẽ giúp chúng ta nhận ra sự thật ấy :
Mấy chị em xóm tôi những lúc rảnh rỗi thường hay tụ lại để tán gẫu. Thôi thì đủ thứ chuyện trên đời, nhưng vui nhất là chuyện các chị em đem đức lang quân của mình ra so sánh và ước ao : chồng mình giống như chồng…người ta.
Chị Ân có ông chồng là “bà con với Lưu Linh” than rằng :
- Trên đời này không gì chán bằng ở với chàng say.
Chị tuyên bố hùng hồn rằng :
- “Chả” muốn gì tôi cũng chiều, miễn là đừng say xỉn.
Và chị còn cho rằng nếu chồng mình được như “cục cưng” của bà Ba thì sung sướng quá sức, bởi lẽ ông xã bà Ba không biết rượu bia là gì.
Thế nhưng chị Ba lại trề môi :
- Đừng thấy vậy mà ham. Không rượu bia nhưng cứ vé số, cá độ thì quá cha cái khoản rượu bia.
Vậy thì chị Châm là người tốt số rồi, chồng chị còn “trên cả tuyệt vời” vì anh ta không chơi cá độ và cũng chẳng rượu bia. Nhưng lạ thay, chị lại lắc đầu nguầy nguậy :
- Mấy bà thấy dzậy chứ không phải dzậy đâu.
Và chị đem căn bệnh đào hoa, ong bướm của chồng ra than thở :
- Có được người chồng chung thủy như mấy chị là hạnh phúc nhất đời rồi, còn ba cái vụ kia thì nhằm nhò gì.
Thế là chị Ân và chị Ba liền nhao nhao phản đối, rồi so sánh, làm cho cuộc “trao đổi tù binh” thêm phần hào hứng. Sau cùng, các chị bỏ phiếu bình chọn chồng chị Tâm là người…hoàn hảo nhất. Thế nhưng, có “người trong cuộc” lại phê bình :
- Lấy nhau mấy năm rồi mà trong nhà có sắm sửa thêm được cái gì đâu, chả bằng con nhỏ Xuân, chồng nó làm ra tiền như nước, nó muốn cái gì cũng được.
Và bởi vì không có mặt nhỏ Xuân ở đây, người may mắn có ông chồng “làm ra tiền như nước”, nên sự so sánh chấm dứt và các chị cứ tíu tít hỏi về người đờn ông lý tưởng kia. Nếu như có mặt nhỏ Xuân ở đây, chắc nhỏ ấy cũng than rằng mình tuy được sống trong nhung lụa, nhưng lại không được hạnh phúc và luôn ao ước một cuộc đời thật đơn giản như cuộc đời của các chị, thì không biết các bà con đem ai ra mà so sánh và ao ước nữa đây ?
Kết thúc bài viết, tác giả đã kêu gọi :
- Hỡi các bà vợ yêu quí! Hãy bằng lòng với cuộc sống, hãy cố gắng uốn nắn những khuyết điểm của đức lang quân và vun đắp cho tổ ấm, chứ “đừng đứng núi này trông núi nọ” bởi trên đời này làm gì có con người nào hoàn hảo.
Lâu lắm rồi, các đài truyền hình ở Việt Nam có trình chiếu bộ phim nhiều tập mang tựa đề là “Người giàu cũng khóc”. Xem xong những tập phim này, gã bèn ngộ ra rằng thì là : người nghèo có niềm đau của người nghèo và người giàu cũng có nỗi khổ của người giàu, bởi vì khổ đau là như một cái gì gắn liền với thân phận của con người và không miễn trừ cho bất cứ một ai, đúng như một câu danh ngôn đã bảo :
- Bông hồng nào mà chẳng có gai, cuộc đời nào mà chẳng có những đắng cay chua xót của nó.
Trong cuộc sống lứa đôi cũng vậy, ngay cả khi tìm được một người chồng hay một người vợ tương đối lý tưởng, tương đối hoàn hảo, thì nhiều lúc chính cái lý tưởng, chính cái hoàn hảo ấy lại là nguyên nhân gây ra nỗi khổ cho bản thân mình, bởi vì cuộc đời thường có những chuyện chéo cẳng ngỗng, thường có những điều hết sức nghịch lý, khiến cho mình dù có tức anh ách, vẫn cứ phải vui vẻ chấp nhận. Gã xin đưa ra một vài trường hợp điển hình.
1.- Người chồng đàng hoàng đứng đắn.
Khi đi lấy chồng, chị đờn bà nào chẳng mơ ước chồng mình là một người đàng hoàng đứng đắn. Và như thế, có được một người chồng đàng hoàng đứng đắn thì thật là tuyệt vời. Tuy nhiên, trong cái đàng hoàng đứng đắn ấy lại chất chứa biết bao nhiêu cái bực bội tức tối, như lời tâm sự sau đây của Tô Thị Hà.
Chồng tôi không rượu chè hay trai gái, cũng chẳng mê chơi. Anh là một người rất đứng đắn mẫu mực, nghiêm túc trong mọi chuyện…Tóm lại là rất đàng hoàng, vậy mà tôi vẫn phải chịu một nỗi khổ tâm khó nói.
Từ khi làm chồng, anh luôn tư vấn, dạy bảo tôi đủ thứ chuyện : từ đi đứng nói năng sao cho nhẹ nhàng, đến nấu nướng giặt giũ sao cho an toan và tiết kiệm.
Nếu trước đây tôi ăn mặc thế nào cũng được, miễn thoải mái là xong, thì giờ đây tôi luôn nhận được những “nhận định” đại loại : áo này không được vì mỏng quá, hơi hở cổ, nút đơm quá thưa, không kín đáo…Mặc rộng thì anh bảo “mập”, mặc ốm thì anh bảo đẹp nhưng “dễ gợi lòng tà của mấy cha đồng nghiệp”! Mặc kín đáo thì anh chê “già”, theo “mốt” cho trẻ trung thì anh bảo “nhố nhăng, không hợp”. Tôi trang điểm thì anh cho là vụng về và không tự nhiên, mà không son phấn thì anh chê là da nhăn, nổi mụn…
Từ ngày có cục cưng, tôi càng khổ. Trước đó, tôi phải ăn uống, ngủ nghỉ theo “kế hoạch” của anh để tăng cân đúng “chuẩn”. Thương con, tôi cố gắng nuốt những món ăn mà trước đây chỉ ngửi mùi, đã khiến tôi “lợm giọng”. Tôi còn phải xem cả chồng sách do anh ôm về, để biết cách nuôi con đúng phương pháp…
Mỗi khi con ói, con bệnh, tôi vừa xót, vừa cực vì con quấy khóc, vừa điên đầu vừa nhức óc với vô số lời vặn vẹo, tra hỏi để tìm nguyên nhân của anh. Con khỏe mạnh, tôi cũng chẳng thấy “giảm tải” là mấy, khi anh “lên lịch” rất chặt chẽ : mấy giờ con thức, mấy giờ uống sữa, mấy giờ ăn dặm, mấy giờ tắm táp, mấy giờ ngủ trưa…Anh cứ như một cái đồng hồ, không sai lệch. Con muốn ngủ nướng một tí cũng không được. Muốn vui chơi với mẹ, “phá rào” một chút cũng không xong.
Con thì không được cãi cha mẹ. Còn tôi thì phải phục tùng chồng, suốt ngày quay cuồng với đủ loại sữa, đủ loại thức ăn, còn giờ giấc thì cứ răm rắp như nhà binh. Mệt bở hơi tai và lúc nào cũng căng thẳng vì sơ suất là bị “nhắc nhở” và “khiển trách”.
Trước đây, tôi cũng “phản kháng” đôi ba lần. Nhưng lần nào cũng vậy, nếu anh “áp đảo” thì lại vẫn…y như cũ. Còn nếu tôi “cãi” đến cùng, thì anh im luôn từ sáng cho đến chiều. Hỏi gì anh cũng bảo : “Mệt”. Mặt mũi chằm vằm, chẳng nói chẳng cười, chẳng ăn chẳng uống và cũng chẳng chịu hợp tác…Cuối cùng, chịu không nổi bầu không khí nặng nề u ám đó, tôi đành “chuyển thắng thành bại” cho xong. Kết cục, coi như anh lại “thắng”. Tình hình vẫn không thay đổi.
Đọc tin có bệnh dịch, thế là phải ba chân bốn cẳng lo đi mà chích ngừa cho con. Đọc tin có cúm gà, thế là anh cấm vợ con không được đụng tới rơm rạ, không được xài chổi lông gà, không ra ngoài trời nếu không đội nón “bảo hộ” vì sợ chim “ị” trúng là…tiêu đời. Đọc tin có heo lở mồm long móng, thế là anh cấm ăn thịt hẹo, lạp xưởng, pa tê…Rồi chả lụa, mì, phở…cũng cấm luôn vì sợ có hàn the, phọc môn…
Người mê nhậu còn có lúc tỉnh táo. Người đèo bòng bồ nhí còn có hy vọng “sau cơn mưa trời lại sáng”. Chứ như tôi thì chắc chắn phải chịu đựng suốt đời mà thôi, vì “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”.
Trước mắt tôi sẽ là “những tháng năm bất tận” trôi qua trong niềm khao khát về một cuộc sống thoải mái hơn, phóng khoáng hơn, tươi tắn hơn, rộn rã hơn. Nhưng điều đó có vẻ quá viển vông. Tôi vẫn cố phấn đấu, sửa mình để “hòa hợp” với anh, nhưng sao vẫn thấy nặng nề và mệt mỏi quá!
Vậy đó, lấy chồng đàng hoàng, đứng đắn vẫn khổ như thường. (Phụ Nữ Chủ Nhật, số 6, ngày 12.2.2006).
2.- Người chồng thành đạt.
Chồng thành đạt, có địa vị, sự nghiệp vững vàng cũng là ước mơ của nhiều chị đờn bà. Cuộc sống sung túc phong lưu, chẳng phải lo lắng tới cơm áo gạo tiền. Ra đường có xe hơi đưa đón, về nhà có ô-sin phục vụ. Thỉnh thoảng sánh vai cùng chồng tham dự tiệc tùng, chiêu đãi, quan hệ với giới thượng lưu…là những gì mà thiên hạ thường nghĩ đến, khi hình dung cuộc sống của những người vợ có chồng làm giám đốc.
Thế nhưng, có “ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Không phải người vợ nào có chồng thành đạt đều hạnh phúc cả đâu. Một chị bạn đã chia sẻ nỗi cô đơn của mình như thế này :
Có những lúc tôi chỉ muốn anh ấy là một người bình thường để có thời giờ chăm sóc cho gia đình và bản thân không phải chịu cảnh có chồng…hờ hững cũng như không. Dù tiền bạc vật chất không thiếu, nhưng đó không phải là tất cả những gì mà một người đờn bà mong đợi ở chồng.
Anh ấy là người chịu khó, không bồ bịch lăng nhăng, nhưng nỗi đam mê làm giàu đã chiếm trọn cả thời gian.
Khi công việc làm ăn phát đạt, thắng lợi hết phi vụ này đến phi vụ khác, vừa ăn mừng “trúng mánh” tuần này, thì tuần sau lại “vô mánh”, rồi nhậu nhẹt liên tiếp khiến anh ấy hầu như cả tháng chỉ về nhà ngủ được dăm ngày, mà lần nào cũng say bét nhè, gõ cửa lúc trời gần sáng.
Còn khi công việc làm ăn thua lỗ, anh ấy lo lắng chạy vạy khắp nơi, không còn thời gian để ăn uống ngủ nghỉ, đành ở lại công ty hết ngày này qua ngày khác.
Tóm lại, dù việc làm ăn thắng hay bại, thì anh ấy cũng có lý do chính đáng để phó mặc mọi việc trong nhà cho vợ. Nói không ngoa, nhiều lúc hỏi thằng con trai đang học mẫu giáo bao nhiêu tuổi, anh ấy cũng không nhớ chính xác, chứ đừng nói đến sinh nhật vợ hay kỷ niệm ngày cưới.
Chị rất thông cảm với anh ấy : Do lúc nhỏ nhà anh ấy rất nghèo, nên nung nấu ý chí làm giàu, khao khát kiếm thật nhiều tiền, đến độ quên hết mọi việc khác trên đời. Tôi biết anh ấy yêu thương vợ con lắm, nhưng nói hoài anh ấy cũng chẳng chịu nghe. Tiền bạc và công việc đối với anh ấy là như một thứ ma túy gây nghiện, chẳng thể nào rứt ra được.
Và thế là cô vợ trẻ mới chỉ ngoài ba mươi, xinh đẹp và đảm đang, đã phải đóng vai “hòn vọng phu” bên mâm cơm mỗi buổi tối.
Nhiều bà vợ khác lại quay quắt và héo hắt khi thấy bên cạnh ông chồng giám đốc của mình có biết bao nhiều bông hồng kiều diễm : Đối tác có, bè bạn có, “em út” có, thậm chí cả nữ trợ lý hay nữ thư ký cũng không ngoại lệ. Họ đều là những cô gái hiện đại, trẻ trung, xinh đẹp và “bản lãnh” đầy mình.
Rồi những chuyến công tác dài ngày của người chồng và các đồng sự là những cô gái trẻ trung đầy sức sống, thêm vào đó là những cuộc vui thâu đêm suốt sáng với mục đích “ngoại giao và công việc”…Tất cả đều làm người vợ ở nhà thắc thỏm lo âu, để rồi đi tới kết luận : Nỗi khổ của người giàu cũng trần ai lắm. Không phải hễ có tiền là có hạnh phúc ngay đâu. Khổ nhất là người chồng vừa thừa tiền, lại vừa có thói trăng hoa, thì làm sao mà giữ cho được. (Phụ nữ Chủ nhật, số 10, ngày 12.3.2006).
Người đời thường bảo :
- Sau lưng anh đờn ông thành công, đều có bóng dáng chị đờn bà.
Hay ngược lại :
- Sau lưng chị đờn bà chạy theo thời trang, đều có bóng dáng anh đờn ông đang lom khom kéo cày.
Từ những kinh nghiệm xương máu kể trên, gã cũng có thể đi tới một kết luận :
- Sau lưng anh đờn ông đầy tham vọng và thành đạt, đều có bóng dáng của chị vợ nhiều cô đơn hơn là hạnh phúc.
Thành thử sống trên nhung lụa với tiền bạc rủng rỉnh và được trang bị đủ mọi thứ tiện nghi, nhưng “quí vị phu nhân” này lại ao ước một cuộc sống rất bình dị, lại khao khát một hạnh phúc rất đơn giản, chẳng hạn như một bờ vai để tựa đầu, một lời nói để cảm thông và an ủi, một bữa cơm xum họp theo kiểu :
- Canh tôm nấu với ruột bầu,
Chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon.
3.- Người vợ có một sắc đẹp thuộc vào hàng…nghiêng thùng lệch nước.
Đối với phe đờn ông con giai, thì sắc đẹp của cánh đờn bà con gái vốn là một cái gì lôi cuốn và hấp dẫn. Có người bảo rằng tình yêu đến với anh đờn ông con giai bắt đầu từ cái bao tử, bởi vì họ thường thích ăn ngon và khoái khẩu. Tuy nhiên, theo gã thì tình yêu đến với họ bắt đầu từ đôi mắt, bởi vì ngay cái nhìn đầu tiên, vẻ đẹp “chim sa cá lặn” của chị đờn bà con gái đã khiến cho họ chết mê chết mệt, chết đứ chết đừ, đúng là cái đẹp đã đè bẹp cái nết.
Vì thế đối với một số anh đờn ông con giai, cái tiêu chuẩn đầu tiên để chọn vợ là phải đẹp cá đã, còn những thứ khác thì…hạ hồi phân giải. Có anh đã tuyên bố một cách hách xì xằng :
- Gì thì gì, vợ tớ sau này ít nhất cũng phải thuộc hàng hoa khôi trở lên. Thông minh, tài giỏi và học thức…có thì tốt, còn chẳng có cũng không sao.
Thế nhưng, sau khi đã chấm được một cô nàng đẹp hết ý và đưa nàng về dinh rồi, lúc đó anh chồng mới sáng mắt ra và nghiệm thấy những rắc rối và những nỗi khổ do chị vợ quá đẹp của mình gây ra.
Cái rắc rối và cái nỗi khổ đầu tiên đó là mỗi khi chị vợ đi ra ngoài đường, thì nhiều cặp mắt…cú vọ hết nhìn rồi tới ngó, hết lườm rồi tới nguýt, khiến anh chồng tức hộc máu mồm mà vẫn cứ phải nín khe, chẳng dám nói một lời, một tiếng. Rồi ngày cũng đêm lại còn lo canh cánh, chỉ sợ một tên đểu cáng nào đó, tiền nhiều hơn, quyền nhiều hơn bỗng xuất hiện và…phỗng tay trên mất, thì đúng là uổng phí “công anh xúc tép nuôi cò”.
Trong cuộc sống, người được cái này thì lại mất cái kia. Chẳng ai được vẹn toàn trăm phần trăm. Có khi đẹp về thân xác, nhưng lại nhếch nhác về công ăn việc làm, bởi vì các nàng vốn là những tiểu thư, quen được chiều chộng, cung phụng từ tấm bé, nên chẳng biết phải làm gì, ngoài chuyện đi học, đi chơi và làm…đẹp. Sau đây là lời tâm sự của một vị giám đốc có vợ đẹp, nhưng lại rất đoảng về những công việc đời thường.
Đường đường là một vị giám đốc đương độ ăn nên làm ra, thế mà khi về nhà, anh chồng phải tự thay tã cho con, lại còn phải vào bếp nấu ăn, giặt giũ, làm những công việc của một bà “nội trợ bất đắc dĩ”. Đó là những lúc chị vợ nổi giận, bỏ về nhà ngoại hay đang còn bận rong chơi đâu đó.
Bạn bè thắc mắc sao không thuê người giúp việc, thì anh chồng lắc đầu ngán ngẩm :
- Cô ấy khó tính khó nết, người kiên nhẫn nhất cũng chỉ ở được hai tháng là xin nghỉ.
Con gái anh mỗi tháng gửi nhà ngọai hết 29 ngày, lý do là mẹ bé quá vụng về, không biết chăm sóc con mà cũng chẳng cho “người ngoài” đụng đến bé vì sợ không sạch sẽ. Cứ thế, mọi việc lớn nhỏ đều trút lên đầu ông bố trẻ…
Tại những buổi tiệc sang trọng cùng với đồng nghiệp và đối tác, anh nhận được những lời trầm trồ thán phục dành cho người may mắn sở hữu được một bông hoa đẹp. Tất cả chỉ có vậy mà thôi, còn sau đó là những vất vả, cực nhọc âm thầm và không tên, nào ai biết đến. Phụ nữ Chủ Nhật, số 10, ngày 12.3.2006).
Để kết luận, gã xin kể lại một mẩu chuyện đã được đọc từ lâu, đại khái như thế này : Trong một giấc mơ, anh chồng có chị vợ vừa không đẹp lại vừa không hiền, được ông tiên cho ba lời ước. Anh hí hửng nói lên điều ước thứ nhất :
- Xin ông tiên cho vợ con được trở thành một người đẹp cỡ hoa hậu quốc tế.
Ông tiên bèn quơ chiếc đũa thần và chị vợ xấu xí bỗng trở thành một người đẹp hết ý. Ông tiên hỏi :
- Còn điều ước thứ hai ?
Anh chồng trả lời :
- Xin ông tiên cho vợ con được trở thành một người đạo đức, để nàng cư xử với con vừa có tình lại vừa có lý.
Ông tiên cũng quơ chiếc đũa thần và chị vợ vốn hung dữ trở thành một “em hiền như ma sơ”.
Tuy nhiên sống với người vợ vừa đẹp lại vừa tốt lành chẳng được bao lâu, thì anh chồng vội vã đi gặp ông tiên và nói lên điều mơ ước thứ ba :
- Xin ông tiên cho vợ con được…y như cũ.
Ông tiên còn đang trố mắt ngạc nhiên, thì anh chồng liền giải thích :
- Số là từ ngày trở thành đạo đức và ngoan hiền như ma sơ, tối ngày bà ấy đọc kinh cầu nguyện và nhất định không chịu chung sống với con nữa. Bà ấy bảo : ta là người thánh thiện đạo đức thì làm sao có thể chung sống với một thằng quỉ như ngươi trong cùng một căn nhà!!! Hãy bằng lòng và chấp nhận cái chưa hoàn hảo, để rồi cùng nhau cải tạo cho nó được trở nên tốt đẹp hơn, chứ đừng được voi đòi tiên nhé
Gã Siêu
|