Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Năm Kỷ Sủu & Truyện về con Trâu
viethoaiphuong
#1 Posted : Sunday, January 25, 2009 4:00:00 PM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
Con Trâu

Bàng Bá Lân

Nước ta là nước nông nghiệp, nên con trâu là con vật rất quen thuộc của người dân quê nói riêng, của toàn thể người Việt Nam nói chung. Hình ảnh con trâu gắn liền với hình ảnh đồng quê, với bờ tre ruộng lúa.

Cũng như hầu hết các dân tộc ở Á Đông, dân tộc Việt Nam cũng có những thoại để giải thích những sự vật quanh mình như sấm sét thì có Thiên Lôi, mưa ngâu do tích Ngưu Lang Chức Nữ, rồi sự tích tu hú đẻ nhờ tổ bồ các, chim chèo bẻo đánh quạ v.v...
Dĩ nhiên trâu cũng phải có thoại. Và thoại như sau: "Thuở xa xưa Thượng Đế phái một vị tiên đem hai bao hạt giống xuống trần: một bao đựng hạt giống ngũ cốc để nuôi loài người, một bao đựng hạt giống cỏ để nuôi súc vật và dặn phải gieo hạt ngũ cốc trước, sau mới gieo hạt cỏ. Chẳng dè vị tiên lơ đãng nhầm lẫn đem hạt giống cỏ gieo trước... Cỏ mọc dữ quá lấn hết cả đất, làm cho ngũ cốc giao sau bị hạn chế. Hạ giới thiếu thực phẩm, bị đói lại phải vất vả nhổ cỏ. Tiếng kêu than thấu trời, Thượng Đế nổi giận bèn biến vị tiên lơ đãng thành con trâu, đày xuống trần để gặm cỏ và giúp nhân loại canh tác ngũ cốc. Vì thế, con trâu ta suốt ngày nhai hoài và hì hục kéo cày để ... chuộc tội !"

Quả thật trâu làm việc quần quật giúp người ta, mà nuôi trâu lại không tốn kém, nên trâu được coi là con vật hữu ích vô song, nhất là ở những xứ sống về nông nghiệp mà kỹ thuật canh tác còn thô sơ.

Trâu xứng đáng đứng đầu hàng gia súc. Trâu xứng đáng là bạn quý của nông dân. Ở những nước nông nghiệp bán khai, thiếu trâu là thiếu tất cả.

Trâu không những giúp người ta cày bừa mà còn giúp người trong những việc chuyên chở nặng nhọc: Trâu kéo mật, trâu chở củi, trâu kéo gỗ v.v...

Trong một quyển sách ấu học của người Trung Hoa, bài nói về trâu ít học sinh nào không biết: "Ngưu lực đại, năng canh điền năng vãn xa" (nghĩa là: Trâu có sức mạnh, hay cày ruộng hay kéo xe).
Cũng như mấy chục năm trước đây, trong "Quốc Văn Giáo Khoa Thư", bài tập đọc nói về con trâu là bài được các em học sinh tiểu học thuộc nhất. Và cho đến bây giờ lớp rẻ ấy đã có con cháu đầy đàn mà nhiều người vẫn còn chưa quên: "Ai bảo trăn châu là khổ ? Chăn trâu sướng lắm chứ! Đầu đội nón mê như lọng che, tay cầm cành tre như roi ngựa, ngất nghểu ngồi trên mình trâu, tai nghe chim hót trong chòm cây, mắt trông bướm lưọn trên đám cỏ …"

Cũng vì thế mà trâu đã được đưa vào ngạn ngữ ca dao, những vần thơ của dân tộc. Trâu đã thành một đề tài thường được nhắc nhở trong thi ca Việt Nam.

Với nông dân con trâu được coi như một sản nghiệp, nên tục ngữ có câu "ruộng sâu, trâu nái" để chỉ người khá giả trong làng. Và anh chàng kia muốn cho người đẹp xiêu lòng, đã tự khoe rằng:

Nhà anh chín đụn mười trâu,
Lại thêm ao cá bắc cầu rửa chân.

Làm ruộng mà không có trâu thì đừng hòng nói mạnh, cũng như làm dâu mà không có chồng bên cạnh thì thật là cô thế bơ vơ:

Làm ruộng mạnh có trâu,
Làm dâu mạnh có chồng.

Vì trâu đóng vai quan trọng như thế, nên nhà nông không nói mua trâu, mà nói "tậu trâu". Và việc tậu trâu là một việc vô cùng trọng đại:

Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà,
Trong ba việc ấy lọ là khó thay!

Sai một ly đi một dặm! Mua lầm phải trâu xấu thì có khi khuynh gia bại sản, nên người ta phải xem khoang khoáy trâu rất kỹ, phải dày công nghiên cứu sách coi tướng trâu, vì:

Con trâu là đầu cơ nghiệp, và:

Lộn con toán, bán con trâu.

Nhà nông mà phải bán trâu là mất nghiệp, là đời tàn!

Hầu hết các làng quê miền Bắc đều có lệ phạt vạ những ai vi phạm thuần phong mỹ tục của làng, nên cô gái quê đa tình và nhẹ dạ kia đã phải khóc than với mẹ cô rằng:
Phình phình lớn giữa lớn ra,
Mẹ ơi, con chẳng ở nhà được đâu !
Ở nhà, làng bắt mất trâu !

Sợ làng bắt vạ mất trâu mà phải bỏ cha mẹ, bỏ nhà cửa, xóm làng ra đi, thì đủ biết - đối với dân quê Việt Nam – con trâu quý giá như thế nào !

Nuôi trâu còn là một cách làm giàu dễ dàng mau chóng không thua gì nuôi cá (thứ nhất thả cá, thứ nhì gá bạc), nên tục ngữ có câu :

Muốn giàu thì nuôi trâu cái,
Muốn lụn bại thì nuôi bồ câu.

Nói đến trâu, không thể không nói đến lực điền, người bạn thiết của trâu, có khi từ lúc là mục đồng tóc còn để chỏm đến khi thành một lão lực điền đầu hói trán nhăn. Trâu với lực điền luôn luôn sống sát bên nhau như hình với bóng, và lời nói của nông phu nói với trâu mới dịu dàng, trìu mến làm sao :

Trâu ơi, ta bảo trâu này,
Trâu ra ngoài ruộng, trâu cày với ta.
Cấy cày vốn nghiệp nông gia,
Ta đây trâu đấy, ai mà quản công.
Bao giờ cây lúa còn bông,
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.
(ca dao)

Vì liên hệ mật thiết như thế, nên trâu được mặc nhiên trở thành một phần tử trong gia đình nông dân, cộng tác đồng lao, chung lưng đấu cật:

Rủ nhau đi cấy đi cày,
Bây giờ khó nhọc, có ngày phong lưu …
Trên đồng cạn, dưới đồng sâu,
Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa.
(ca dao)

Trên đây là những hình ảnh con trâu trong văn chương bình dân. Bây giờ chúng ta hãy đi tìm hình ảnh trâu trong văn chương bác học.
Bà Huyện Thanh Quan – trong bài thơ "Chiều Hôm Nhớ Nhà" có hai câu:

Gác mái ngư ông về viễn phố
Gõ sừng mục tử lại cô thôn.


Không nói đến trâu mà thấy trâu, không tả tiếng hát mà nghe có tiếng hát (bằng hai chữ gõ sừng). Ý tại ngôn ngoại, thật tài tình !

Nguyễn Khuyến có hai câu thơ tuyệt hay tả cảnh trưa thôn quê qua hình ảnh con trâu già, con chó nhỏ :

Trâu già nấp bụi phì hơi nắng;
Chó nhỏ ven ao sủa tiếng người.


Cũng tả cảnh "trưa hè" ở thôn quê và cũng có trâu, một nhà thơ đồng quê đã gợi lên được cái tịch mịch êm đềm nơi thôn dã một buổi trưa hè oi ả, quạnh hiu :

Dưới gốc đa già, trong vũng bóng,
Nằm mát đàn trâu ngẫm nghĩ nhai.
Ve ve rung cánh ruồi say nắng,
Gà gáy trong thôn những tiếng dài ...


Nhà thơ của đồng ruộng này còn có nhiều bài thơ tả cảnh quê, trong đó đều có hình ảnh con trâu quen thuộc. Như bài "Chiều Quê" sau đây:

Khói chiều nhuốm bạc đầu cau,
Đường quê thưa thớt tiếng trâu gọi đàn.
Buồn thiu trong mảnh ao làng,
Bè rau rút ngủ lá vàng héo hon.

Hay như bài "Đổi Thay" này :

Ngõ tre lối cũ ta về,
Thăm cô yếm lụa hái chè trên nương.
Người đi cây nhớ hoa vàng,
Đàn trâu gặm nắng bên đàng quạnh hiu.


Với thời gian, tất cả đã thay đổi, đã khác xưa ! Duy hình ảnh con trâu thì bao giờ cũng như bao giờ, bất biến.

Qua mấy câu ca dao ở đoạn trên, chúng ta đã nghe người nông dân ngày xưa nói với trâu, giờ ta hãy nghe người nông phu ngày nay "nhủ trâu":

Gà thôn vừa gọi vừng đông,
Ta cùng trâu đã ra đông cày chiêm.
Nước nhà bao lúc ngả nghiêng,
Nhà nông vẫn chẳng hề quên ruộng vườn.
Mồ hôi tầm tã mưa tuôn,
Cho xanh ngọn lúa, cho thơm cánh đồng.
Cho dân ấm cật no lòng...
Đồng quê bát ngát vẫy vùng đôi ta!
(Tiếng Võng Đưa 1957)

Và bây giờ xin mời bạn đọc thưởng thức bài thơ "Con Trâu" của nhà thơ quá cố Phạm Ngọc Khuê, bài thơ mà thuở sinh thời nhà văn Lê Văn Trương rất ưa thích:

Nay là lúc mang sức trâu mãnh liệt,
Kéo lưỡi cày rạch vỡ hết ruộng nương,
Khơi mạch sống từ trong lòng đất chết,
Mở đường lên cho hạt thóc đang ươm.

Nay là lúc gặm cỏ khô rơm cứng,
Dẫm bùn lầy và chọi với nắng mưa,
Lấy chí ngang tàng và lòng quyết thắng,
Làm hơi rượu mạnh để say sưa ...

Cho mặt đất lung linh như biển cả,
Gió ngả nghiêng đùa ngọn lúa xanh tươi,
Cho nắng lửa gay go và tàn phá,
Phải bó tay thua sức sống muôn loài...

Trâu là biểu hiệu của sức mạnh dẻo dai, bền bỉ, là hình ảnh của sự nhẫn nại, cần cù. Trâu là phụ tá đắc lực của nhà nông, đã góp nhiều công sức sản xuất thóc gạo nuôi dân tộc ta trường tôn qua bao nhiêu thế hệ. Không có trâu, nhà nông không đành bó tay thì tất phải vô cùng khổ cực như cảnh tả trong bài thơ sau đây:

Trời xám thấp, rặng tre già trút lá,
Đầy ngõ thuôn hun hút gió chiều đông.
Sương mù bay phơi phới tỏa đầy đồng,
Hơi lạnh cắn vào làn da cóng buốt.
Trong thửa ruộng chân đê tràn ngập nước,
Đôi bóng người đang chậm bước đi đi...

Người đàn ông cúi rạp bước lầm lì,

Người vợ cố đẩy bừa theo sát gót.

Họ là những nông dân nghèo bậc chót,

Không có trâu nên người phải làm trâu.

Họ bừa ngầm một thửa ruộng chiêm sâu,
Nước đến bụng, ôi, rét càng thêm rét !
Áo rách tướp, hở ra từng mảnh thịt,
Tím bầm đen trong gió lạnh căm căm.
Hì hục làm, thỉnh thoảng lại dừng chân,
Véo và ném lên mặt đường từng vốc...
Nhác trông ngỡ là nắm bùn hay đất,
Nhìn lại xem : ô, đống đỉa đen sì !...
Ta rùng mình, quay mặt bước chân đi,
Lòng tê tái một mối sầu u ám.
Trời càng thấp, tầng mây chì càng xám,
Mưa phùn gieo ảm đạm khắp đồng quê,
Gió chiều nay sao lạnh buốt, lê thê ?
(T.V.Ð. Người Trâu)

Hình ảnh con trâu quả là một phần hình ảnh xứ sở ta. Nói đến Quê Hương là phải nói đến trâu. Người Việt Nam xa quê hương, nhớ quê hương có thể tìm thấy hình ảnh Đất Nước qua hình ảnh con trâu. Con trâu là một hình ảnh vừa hiền lại vừa hùng, cái hiền hòa và hùng mạnh của dân tộc Việt ...

Bàng Bá Lân
viethoaiphuong
#2 Posted : Monday, January 26, 2009 2:28:26 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)


Con Trâu Cộ Của Cha Tôi

Vinh Hồ

Tôi không hiểu tại sao làng tôi sau năm 1975 nhà nào cũng nuôi bò, nhưng những năm 50, 60 khi tôi còn nhỏ nhà nào cũng nuôi trâu.
Lúc ấy nhà tôi có bốn con trâu mà Cộ là con trâu cầm bầy khôn ngoan, dũng cảm nhất nên cả nhà ai cũng thương quý nó, nhất là cha tôi.
Khi sang Mỹ định cư nhớ về làng cũ, nhớ về cha tôi đã già râu tóc bạc phơ suốt đời vất vả trên đồng ruộng, tôi có làm một bài thơ về cha tôi lâu lâu giở ra đọc, xin trích hai câu đầu:
"Cả đời chôn chặt với dòng sông
Yêu mến con trâu, quý ruộng đồng"

Cha tôi làm nông, trước nhà gần cổng ra vào dưới tàng cây vú sữa rợp bóng mát có một chuồng trâu khá rộng lợp bằng lá dừa về sau thay bằng tôn. Ngay tại đầu sân có một giàn rơm hình vuông cao tới bụng, chính giữa trồng một cây trụ lõi cao thẳng đứng, gọi là trụ rơm hay nọc rơm. Trên giàn, rơm rạ được vun thành đống xây tròn chung quanh nọc rơm, trên đầu nọc rơm úp một cái gầu che mưa, là lương thực dự trữ của trâu bò. Làng tôi, đại đa số là nhà nông, hầu như nhà nào cũng có chuồng trâu và nọc rơm. Họ coi rơm rạ như là một vấn đề sinh tử quan trọng ưu tiên hàng đầu của họ. Bước vào làng nổi bật những nọc rơm vươn cao dưới ánh mặt trời.
Tháng Ba đồng lúa chín vàng, bầu trời xanh lơ, nắng đẹp, nông dân mang bồ ra đồng cắt gốc đập bồ. Rạ thải ra được xếp ngay hàng thẳng lối trên ruộng, mỗi trưa chủ nhà cho người đến trở rạ, phơi chừng hai ba nắng là khô. Chủ nhà huy động toàn nhân lực trong nhà ra đồng cuốn rạ, bó lại thành từng bó, dùng chàng gánh về nhà. Kẻ trên giàn, người dưới đất dùng cây có chảng hai đưa từng chàng rạ lên cao cho người vun, phải vun cho xong ngay trong buổi chiều, không để lại ngày mai vì sợ mưa rào bất thình lình.

Vụ Tám là vụ mưa, ruộng ngập nước nên khi lúa chín được gặt bằng những cái vòng hái đưa tới đưa lui thoăn thắt, nhịp nhàng bởi các bà và các cô thôn nữ lành nghề. Lúa gié được bó lại thành từng bó chất lút chàng gánh về nhà là phần việc nặng nề dành cho các ông và các chàng trai lực lưỡng. Lúa bó được chất thành từng đống cao trên sân. Sáng hôm sau thức dậy, sân lúa đã thấy đầy người nói cười vui vẻ, kẻ đạp lúa, người kĩu thóc... Khi thóc sạch được chia thành tám đống bằng nhau, nhóm gặt chọn một, rồi chia đều ra cho các bạn gặt mỗi người nhận một phần khoảng chừng nửa giạ. Thành quả của một ngày công quá ít ỏi, nhưng chịu khó đi gặt mướn mãn mùa cũng được mười, mười lăm giạ thóc, bán lấy tiền may áo quần mới cho con, và mua sắm một vài thứ:
"Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ.
Nêu cao, tràng pháo, bánh chưng xanh"
- Trần Tế Xương

để vui Xuân đón Tết cùng bà con chòm xóm.
Rơm thải ra được chủ nhà rải đều trên sân phơi, khi khô sẽ được vun thành nọc rơm.
Gặp năm mưa bão, rơm rạ bị ướt hết hay bị nước cuốn trôi là cả một nỗi lo âu "ăn không ngon, ngủ không yên" của bà con nông dân vì năm tới sẽ không có lương thực cho trâu bò. Tiền đâu để thuê mướn người cắt cỏ ròng rã suốt cả một mùa cày? Cuối vụ nếu mùa màng bị sâu bọ phá hại, bị hạn hán hay lụt lội làm mất trắng, thì nhà nông coi như phá sản, con cái phải nghỉ học ở nhà chận trâu hay đi ở đợ ở mướn cho người. Những nỗi cơ cực của đời nông dân trong đó có con trâu không có bút mực nào tả xiết. Xin hãy đọc vài câu ca dao, tục ngữ chuyên chở những nỗi buồn mênh mang đã từng vang lên giữa đồng không mông quạnh:

- Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày...
- Trông trời, trông đất, trông mây
Trông mưa, trông nắng, trông ngày trông đêm
Trông cho chân cứng, đá mềm
Trời im, bể lặng, mới yên tấm lòng
- Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Trâu cày vốn nghiệp nông gia
Ta đây, trâu đấy, ai mà quản công?

Mỗi buổi chiều tà, khi lùa trâu về chuồng đóng cổng xong xuôi, thằng Lường đâu đã hết nhiệm vụ? Nó phải rút rơm rạ vô chàng, gánh ra bỏ đầy máng ở đầu chuồng cho trâu. Nửa đêm, cha tôi còn phải dậy bỏ rơm rạ cho trâu thêm một lần nữa. Khi sao Mai mọc ở đằng đông chừng nửa cây sào, cũng là lúc tiếng chuông chùa Thiên Bửu ngân lên từng tiếng boong boong... là cả nhà tôi thức dậy. Người nấu cơm nước, kẻ học bài, kẻ lùa trâu, người vác cày ra ruộng, kẻ đi cấy. Cả người lẫn trâu đều làm việc cật lực cho đến khi mặt trời đứng bóng mới trở về nhà. Ðúng là:

Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa

Công việc của mục đồng vẫn chưa hết, sau khi bỏ rạ rơm cho trâu xong, phải cào phân trâu khô cùng rạ rơm ẩm mục gom thành đống sẵn sàng đâu đó, để đến khi trời chạng vạng tối bầy muỗi xuất hiện bay vo vo như ong vỡ tổ là châm lửa un khói để đuổi muỗi cho trâu. Khắp xóm làng khi chiều xuống có đủ mọi thứ khói: khói bếp, khói rơm rạ, khói un muỗi... đây đó, hòa lẫn, bay là là trên cành cây mái rạ đã được các văn sĩ gọi là "khói lam chiều" nghe thanh bình, thơ mộng và nhàn tản lắm. Công việc un muỗi tầm thường như vậy, nhưng lại là một công việc tối quan trọng của nhà nông. Nếu thằng Lường vì lý do nào đó mà không làm thì tôi phải tức tốc dẹp bỏ hết mọi chuyện học bài, làm bài, để nhảy vào thay nó. Nếu cả hai đều không làm, thì đêm hôm đó dù đi làm về nhà có muộn cách mấy, cha tôi cũng vào xách cây đèn bão ra treo tại đầu chuồng, lúi húi cào phân khô, rạ mục un muỗi cho trâu đàng hoàng đâu đó xong xuôi rồi mới chịu vô nhà tắm rửa, ăn cơm, nghỉ ngơi. Và sau mỗi lần như vậy, bọn tôi đều được ông nghiêm nghị gọi đến để... nghe ông "ca" một bài ca con trâu:
- "Tao nghe nói ở Cà Mau, người ta quý trọng con trâu còn hơn cả con người. Bởi vì con trâu phải đi cày bừa nặng nhọc vất vả suốt ngày ở ngoài đồng để nuôi con người. Nhờ nó mà con người có cái sống, cái ăn, cái mặc, cái học hành... Chính vì thế mà ở trong đó ban đêm người ta giăng mùng cho trâu ngủ. Thiệt là nhân đạo hết chỗ nói! Còn ở quê mình, nông dân nhà nào cũng nghèo xơ nghèo xác, mùng màn còn không có cho người, lấy đâu cho trâu! Cho nên chiều xuống nhà nào nhà nấy cũng đều phải lo un muỗi cho trâu. Nay chúng bay chỉ có mỗi công việc như thế mà cũng không làm, thì tao chẳng biết chúng bay muốn gì? Hay là chúng bay muốn ăn roi cày? Suốt đêm đàn muỗi sẽ tha hồ đốt, sẽ thi nhau hút máu, như thế thì mấy con trâu làm sao ngủ được? Ngày mai chúng còn hơi sức đâu nữa để mà đi cày? Tại sao chúng bay còn nhỏ tuổi mà lại không biết thương yêu con vật?"

Làng tôi ba mặt là sông nên rất thuận tiện cho việc nuôi trâu. Con sông Lốt có nhiều bến sông cát trắng, nước chảy trong vắt thật lý tưởng cho trâu nằm như bến Ông Năm Xanh, bến Ông Gần gần nhà tôi. Có nhiều ruộng rộc nằm dọc theo con sông Ðục thích hợp cho trâu cày bừa hơn bò, như rọc Bà Xã Ba, rọc Quẹo, rọc Biền Cát, rọc Ông Bảy Chuyển, rọc Ông Năm Son, rọc Bà Xã Năm... Sau vụ Tám, hầu hết những ruộng rọc đều ngập nước lênh láng, mọc nhiều cỏ lùng, cỏ lác, lúa chét, lúa rài... hấp dẫn bầy trâu lội nước để ăn.
Tôi chăn trâu từ lúc còn nhỏ ở bậc tiểu học, đến khi lên đệ Thất, đệ Lục, đệ Ngũ ở trường Trần Bình Trọng, vẫn còn phải tiếp tục chăn trâu vào các ngày cuối tuần, những ngày nghỉ lễ, nghỉ hè để thay cho thằng Lường về nhà thăm má thăm em nó.
"Con trâu là đầu cơ nghiệp" của nhà nông. Suốt bao năm làm việc cực nhọc "trên đồng cạn, dưới đồng sâu" cha má tôi đã dành dụm chút "vốn liếng" để mua về một con trâu nghé cái đặt tên là Én.Lớn lên nó sinh được ba con con. Gần ba năm nó mới sanh một lần, sanh như thế gọi là sanh thưa, ít ai muốn nuôi vì không có lợi, nhưng cha tôi vẫn cứ nuôi. Cả ba con trâu con đều rất to con tốt tướng: con đực, ông đặt tên là Cộ, hai con cái tên là: Bầy, Lũ. Con Cộ rất mau lớn, khi mới được bốn tuổi thì nó trổ mã trông đã oai vệ rồi: cổ rô, ức to, lưng phẳng, da đen bóng, hán rộng, hai đùi sau to bành ky, hai con mắt đen lay láy nằm dưới cặp sừng cong đen như mun nhọn hoắt. Giữa hai cái sừng có một cái xoáy màu đen sậm là những sợi lông đen óng ánh mọc cuốn tròn theo hình trôn ốc trông rất đẹp. Nghe nói chính cái xoáy trâu này mà trâu con nào cũng gan bẫm, lầm lì, dữ tợn, cọc cằn. Do đó khi thấy người nào có đóng một vài cái xoáy trâu trước trán thì người ta nói những người đó cọc tánh. Cha tôi cưng con Cộ như con. Ông thường vuốt ve, chăm sóc, tắm rửa nó mỗi ngày nên trông nó sạch sẽ càng thêm dễ thương, dễ mến. Ông thường khoe:
- "Con Cộ này cày rất chiến, lại nhẹ roi".
Tôi thấy trên ruộng, ông cày dễ dàng, khỏe khắn, không vất vả cứ phải la hét om sòm như nhiều ông cày khác. Lâu lâu mới nghe cha tôi cất lên hai tiếng ngắn ngủn như Cộ tới (đi tới), Cộ dí (quẹo phải), Cộ thá (quẹo trái), Cộ dò (đứng lại) chỉ nhỏ nhẹ thôi nhưng con Cộ đều thi hành răm rắp đúng theo ý ông. Ðứng trông con Cộ kéo cày mà thương cho nó. Một mình nó thủ bên dí là bên nặng (hai con Én, Bầy thay phiên nhau đi bên thá) nhưng nghiệt thay mỗi lần cày nó đều bị sang nài suốt cả vụ như vậy. Cái sợi dây nài không đặt ở chính giữa của cái quải mà lại đặt lấn sang phía bên nó, cho nên bao nhiêu sức nặng của đường cày phần lớn đều đè trên vai nó, nó phải gánh thay cho con trâu cái đi bên cạnh, nhưng không bao giờ thấy nó có thái độ vùng vằng bất mãn, phân lê phân bì, sợ khó sợ khổ hay "mánh" gì hết. Nó luôn luôn trong tư thế sẵn sàng, luôn luôn tỏ ra mình là kẻ cả, lúc nào cũng hùng dũng, mạnh mẽ lướt tới trước. Cày suốt một buổi ruộng sình lún gần tới đầu gối, bốn chân lê lết bước hết muốn nổi, nhưng hễ mở cày ra thì cái đầu nó cứ nghinh nghinh lên trời, cái chân nó cứ rượt rượt tới trước, bước xăm xăm đi theo cái từ đồng này sang đồng khác. Tìm được nó để dẫn về là cả một vấn đề trầy vi tróc vảy của hai cha con tôi: mệt phờ người. Vậy mà cha tôi chẳng bao giờ đánh nó, ông chỉ giá giá cái roi cày trước đầu nó rồi mắng yêu:
- "Cày thì thở, mở thì theo cái, chết đó nghe con!"
Hình như hiểu được lời ông nói nên cái đuôi của nó cứ ngo ngoe phe phẩy như muốn tỏ ra rằng nó đã biết lỗi. Tôi không hiểu tại sao suốt ngày trững mỡ "đi theo người yêu" hết con này đến con khác chẳng thiết gì đến việc ăn uống như thế mà nó vẫn cứ mập mạp khỏe mạnh như thường?

Khi nó được sáu bảy tuổi thì trong làng không có một con trâu nào xịt lại nó. Con trâu Chảng của Bà Xã Ba cầm bầy các năm qua có đôi sừng cong dài cả thước, mục đồng đôi khi không cỡi trên lưng mà ngồi trên đầu nó, hai chân gác lên hai cái sừng dài ca mấy câu vọng cổ khi nó cà rịch cà tang đi trên con đường làng, nhưng nay già rồi đành phải chịu thua con Cộ của cha tôi sau hai trận đụng nhau bán sống bán chết.
Bến Ông Gần, nước chảy trong leo lẻo, rộng rãi là chỗ nằm nghỉ ngơi quen thuộc của đàn trâu xóm tôi, cứ đến 11 giờ trưa hay 5 giờ chiều là chúng tự động kéo xuống nằm. Ðàn trâu nằm yên trong nước trông giống như những tảng đá đen sì lúc ngúc, thỉnh thoảng đầu cút xuống nước một chập thật lâu rồi từ từ ló cái mõm lên thở phì phò văng nước ra trông khoái chí lắm, như thể chúng muốn khoe với nhau về làn hơi dài vô địch của mình. Cả đàn đang nằm im như vậy nhưng khi con trâu Cộ của cha tôi xuống bến, dừng lại tại mé nước, rướn cao cổ lên ù một hồi dài thì cả đàn trâu đều đồng loạt đứng dậy nhướng mắt nhìn về phía con Cộ, đầu gật lên gật xuống như thể chúng đang làm động tác "chào kính" vị chúa tể xếp sòng của mình. Và sau khi con Cộ khịt khịt mấy tiếng ra hiệu "an tọa" gì đó thì cả đàn đồng loạt nằm xuống. Những lúc ấy, tôi thấy con Cộ thực sự có quyền uy tột đỉnh đối với bầy trâu chẳng khác gì các bậc vua chúa thời phong kiến xa xưa của xã hội loài người vậy.

Cũng nhờ bến sông này mà tôi biết nhiều kiểu bơi như: bơi ngửa, bơi chó, bơi sãi. Nhớ có lần đi học về ngang qua bến Chùa Kỳ gặp nước lớn, một tay cầm sách vở, một tay bơi nhưng tôi vẫn qua được bên kia sông an toàn. Sau này vào Nha Trang học, tôi lại thêm một phen mê biển. Mỗi lần tắm, tôi thường nằm ngửa trên biển nửa tiếng đồng hồ mới bơi vào bờ.

Mỗi buổi trưa tại bến Ông Gần, sau khi thấy đàn trâu nằm yên đâu đó rồi, chúng tôi bèn cỡi hết áo quần ra giặt phơi trên bãi cát, xong nhảy ùm xuống sông bơi ra chỗ "bụi tre lở" là nơi nước sâu ngập lút đầu có hai dòng nước xoáy lòng chảo ở hai bên và một dòng nước vận xà bang ùng ục ở giữa thật nguy hiểm có thể nhận chết người như chơi. Bao nhiêu câu chuyện kể về ma Da nắm chân người tắm lôi vào lổ tre chết đuối ba ngày nổi lên đều xuất phát từ bụi tre lở này. Nhưng mục đồng chẳng sợ, trưa nào cũng vậy, chính tại bụi tre lở này là điểm tập trung để thi bơi. Khi nghe đếm một hai ba là chúng tôi cả chục đứa, có cả con gái nữa, thi nhau bơi sãi xuống tận bến nhà ông Tám Trạc ở phía dưới xa tới 200 mét, đứa nào ôm được gốc sao tại đó trước nhất sẽ thắng. Ba đứa thắng nhất nhì ba sẽ được chúng tôi thay phiên làm trâu để cỡi đi vòng vòng trên bãi cát. Tuy nhiên, thú vị nhất vẫn là đi mò tôm và cá trầu tại khúc sông sau lưng nhà ông Hai Nhì là vùng nước đứng và sâu tới nửa cây sào. Dọc theo hai bờ sông tua tủa những gốc tre, có những gốc tre khô chặt ngắn lởm chởm chìm dưới nước lâu đời là nơi cư ngụ của loài tôm càng. Con nào con nấy to bằng cổ tay có hai càng dài nằm ẩn trong các ống tre cứ việc thò tay nắm đầu kéo lên. Còn cá trầu thì nằm im trong các hang hốc ven bờ cỏ dùng hai lòng bàn tay úm thật nhẹ và dùng mười ngón tay lừa thế tóm gọn. Tôm cá bắt được, có khi có cả mấy chục con, được mang hết lên bến đốt lửa dùng ghim tre xỏ dọc nướng trui, nhất là tôm con nào con nấy trông vàng rực thơm phức, chấm với muối ớt nặn chanh ăn mê thôi. Chúng tôi thường có những bữa tiệc mục đồng đơn giản mộc mạc đầy tiếng cười hồn nhiên vô tư như vậy. Lúc bấy giờ mặt trời không còn đứng trên đỉnh đầu mà đã đi lệch qua cây gáo trên bến đến một gang tay mà đàn trâu vẫn còn mê dòng nước mát cứ nằm im chưa muốn dậy. Trước niềm vui ấy nếu có ai đến hỏi chăn trâu sướng hay khổ thì chúng tôi sẽ trả lời rằng:
- " Ai bảo chăn trâu là khổ? Không, chăn trâu sướng lắm chứ, ngồi mình trâu…"
Con Cộ yêu đồng ruộng, bến sông, đường làng giống như người, đi đâu nó cũng nhớ đường trở về nhà. Về mặt này tuy là cùng chung một họ nhưng bò lại thua xa trâu, nên người ta mới chê là "ngu như bò" và khen con trâu, con chó:
- "Lạc đường nắm đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu"
Khi vụ Tám cày cấy xong xuôi, Cha tôi và tôi lại lùa mấy con trâu lên Tân Trúc gần Dục Mỹ để gởi cho một người quen chận trâu lãnh tại đó, đến sau Tết mới lên lùa về để chuẩn bị cho mùa trồng thuốc lá, gieo đậu xanh, hay mè... Tân Trúc là vùng cao, cách một dãy núi Ðèo Cạnh, xa trên 10 cây số, vậy mà sáng hôm sau tôi lại thấy con Cộ có mặt tại chuồng, chắc nó đã băng rừng lội suối đi suốt cả một đêm không ngủ. Ba tôi gãi gãi hai cái tai nó và nói bằng một giọng trìu mến:
- "Con đừng về nhà kiểu này nữa chỉ khổ cho chủ mà thôi. Vì sáng mai chủ lại phải mất công dẫn con đi lên trên đó. Ở trên đó cao ráo, tháng Chín tháng Mười không bị ngập lụt, lại có cỏ non cho con ăn, con biết không? Con cứ ở lại trên đó rồi sau Tết chủ sẽ lên lùa con về."
Hình như nó hiểu lời cha tôi nên các năm về sau nó không còn bỏ về nhà theo cái kiểu "ba gai" ấy nữa.
Cha tôi lúc nào cũng thương nó nhất là vào mùa cày, bất kể vụ Ba hay vụ Tám ông đều bắt tôi dắt riêng một mình nó đi lẻ ăn trong các vườn tược, trên những bờ sông bờ ruộng hay gò đống sau khi mở cày ra. Còn ông sau khi mở cày ra ăn vội ba hột cơm trưa xong là mang đôi giỏ trạc mạ chạy te te lên vùng Vạn Thiện, Phú Sơn xa hàng năm, bảy cây số để cắt cỏ... để rồi mỗi chiều về trên vai ông lúc nào cũng có một gánh cỏ mật cỏ bắp nặng trĩu là món cao lương mỹ vị đặc biệt dành riêng cho đôi trâu cày.

Một ngày kia Ba tôi vô cùng đau buồn. Một trận đụng độ kinh hồn bạt vía giữa con trâu Xe của ông Tám cuối làng và con trâu Cộ của cha tôi. Con Xe còn trẻ, to con, mập mạp mới mua từ đồng Tân Lâm, Tân Tứ đem về nổi tiếng cày hay, bán lộn giỏi. Hai con vật đụng nhau suốt một tiếng đồng hồ. Con Xe có lợi thế hơn ở cặp sừng. Cặp sừng của nó là loại "sừng cúm" trời cho, không quá dài mà cũng không quá ngắn, thật vừa vặn để khi nó lảy qua lảy lại thì hai cái mủi sừng của nó cứ khoét chính xác như để vào ngay hai con mắt của đối phương, nếu không móc được mắt thì cũng móc hầu, móc tai, móc hàm thật hết sức nguy hiểm! Vì thế mà con Cộ nhà tôi bị thương nhiều chỗ máu chảy ra ướt mặt, chịu không nổi, đành phải quay lưng bỏ chạy. Nhưng con Xe thuộc loại vua gan bẫm không chịu dừng lại mà cứ hối, cứ rượt nà theo sau, lúc thì chém vào mông, khi thì lảy vào hai chân sau. Từ cuối làng Ðiềm Tịnh hối lên tận các làng Phú Lễ, Bình Thái, Phú Văn. Người ta thấy tội cho con Cộ quá nên chạy ra dùng gậy gộc la hét thị uy và cản đường, nó mới chịu thôi. Cha tôi phải bỏ cả việc gánh mạ rải ruộng cấy chạy lên Gò Dinh tại làng Phú Văn để dẫn con Cộ về thì trời đã tối xẩm. Ba tôi khóc ròng vì thấy trên đầu nó bị thương nhiều chỗ còn rỉ máu tươi, mông cũng bị chém mấy đường sâu rướm máu. Ðem Cộ về nhà, cả nhà xúm lại soi đèn xem vết thương của nó ai cũng khóc mếu máo. Má tôi đi nấu nước muối, tôi và chị tôi bưng đèn chạy ra các hàng rào kiếm hái lá dũ dẽ non. Cha tôi lấy nước muối rửa vết thương, lấy lá dủ dẻ giã nhuyễn rịt vết thương cho nó. Tôi thấy hai con mắt nó long lanh ươn ướt như cảm động trước hành động nhân từ của người chủ đã tận tình chăm sóc, thương yêu và chia xẻ nỗi đau buồn thất trận của nó. Từ đó cả hai gia đình đều cố gắng cách ly chúng. Suốt nửa tháng nó được nghỉ việc. Ngày nào cha tôi cũng đi cắt cỏ tươi gánh về cho nó ăn. Má tôi thì lấy cám gạo lức trộn với chuối cây giã nhỏ đem ra cho nó tẩm bổ. Còn tôi thì dẫn nó lẻ ăn trên các bờ ruộng mọc đầy cỏ non, chiều về tắm rửa kỳ cọ cho nó. Hơn một tháng, vết thương lành lặn, sức khỏe sung mãn trở lại, trông nó hùng dũng phong độ như xưa. Ngày nào nó cũng chém rầm rầm vào gốc me gốc gạo. Nếu không báng vào các bờ ruộng cao thì cũng san bằng mấy cục gò mối, húc bụi đất tung bay mù mịt. Hình như nó đang âm thầm toan tính chuyện "võ công khổ luyện" để chờ ngày tái đấu?

Buổi trưa hôm ấy trời trong vắt không một gợn mây, bầy trâu nhà tôi đang ăn cỏ tại Gò Dền gần Ðập Ðiềm Tịnh. Trong một phút lơ là của mục đồng, con Cộ một mình đi xăm xăm băng qua Ðất Lớn, ruộng Mả Khách, Gò Lẫm, ruộng Ðồng Ba - Ðất Sét, Gò Găng, ruộng Hạn Ngũ, nhảy qua mương cái, băng qua viên gia bà Hai Lô - ông Ba Khuôn, vượt qua hương lộ, băng qua viên gia ông BaYếu, ruộng Ông Xã Nhì, rồi leo lên gò Ông Trịnh ngổn ngang mồ mả. Khi phát hiện con Xe đang gặm cỏ ở phía cuối gò giáp ruộng Bờ Thềm, con Cộ lặng lẽ chẳng nói chẳng rằng, cũng không thèm nghinh chiến, từ khoảng 50 thước xa, trong thế chủ động bất ngờ, nó cúi gầm cái đầu xuống, gồng cái cổ rô bành ky lên, chạy một mạch như cuồng phong lao thẳng vào chỗ con xe đang đứng, đánh một cái "rầm" dữ dội khủng khiếp vào đầu con Xe. Thừa cơ hội con Xe trong một giây thất thần, chới với, nó dùng đôi sừng dài tấn công tới tắp chém vào đầu vào hàm con Xe, đẩy con Xe lùi ra sau mấy bước. Hình như nó rút kinh nghiệm lần trước nếu để con Xe lấy lại được thế cân bằng trận đấu, hai bên mặt đối mặt đánh trực diện với nhau thì sớm muộn gì nó cũng bị thua đau trước cặp sừng cúm là vũ khí lợi hại của con Xe. Cho nên với thế thượng phong thần tốc, nó chớp lấy thời cơ và cơ hội bằng vàng đã "xốc cáng" được con Xe, vô hiệu hóa hoàn toàn cặp sừng cúm thần sầu quỷ khóc ấy. Và bằng tất cả lòng thù hận nung nấu trong lòng từ bấy lâu nay, vận dụng hết toàn lực nó đẩy tới, vừa đẩy vừa chém túi bụi. Con Xe bị lâm thế độc, đầu nghiêng hẳn về một bên trong tư thế cố hết sức vùng vẫy để gỡ ra nhưng không cách nào gỡ ra được. Thất thế, nó cứ lui dần, lui dần để tìm cơ hội. Nhưng hễ con Xe lui một bước thì con Cộ lại nhấn tới một bước, cố bám sát nút nhất định không chừa một khoảng hở nào. Khi lùi đến cuối gò, hai chân sau của con Xe không còn điểm tựa nên bị hỏng chân, toàn thân của nó mất thăng bằng ngã nhào xuống đám ruộng sình nằm ngửa chinh hinh thì con Cộ nhào theo sử dụng cặp sừng dài như đôi song kiếm tha hồ chém vào đầu, vào bụng, vào chân con Xe.

Cũng may khi trận đấu vừa diễn ra đã có nhiều người ở lối xóm, những người đi chợ về, kể cả các bà, các cô thôn nữ cấy gần đó cũng chạy đến, cùng trẻ mục đồng đứng xem đông như ngày hội và khi thấy tình thế nguy kịch cho tính mạng của con Xe, người ta mới ùa đến để can ra, kẻ dùng roi cày, gậy gộc, đòn gánh, người lấy rơm rạ bó lại thành cây đuốc, con Cộ vừa bị đánh vào lưng vào đầu vừa bị đốt vào đít hoảng quá bỏ chạy để lại con Xe nằm thở dốc trên bãi chiến trường đầy bùn sình trộn lẫn máu tươi.

Chiều hôm ấy cha tôi trở về nhà, má tôi lo lắng hỏi:
- "Sao, nghe đám trẻ nói con trâu Xe của Chú Tám bị thương nặng lắm phải không? Ông không xuống thăm chú xem sao? " Cha tôi trả lời vui vẻ:
- "Từ chiều tới giờ tôi ở dưới nhà chú để giúp chú săn sóc cho con Xe, nó bị thương nặng nhưng không đến nỗi nào. Tình trạng của nó cũng tương tự như con Cộ mình bữa trước, chắc phải mất cả tuần mới đi cày được.
- Đang thời vụ mà nghỉ cả tuần thì mạ già hết?
- Chú nó cũng than như vậy, nhưng tôi có hứa với chú là sẽ sẵn sàng cày giúp cho chú nếu ruộng chú bị bê." Má tôi đăm chiêu:
- "Ông thấy chưa? Nuôi trâu đực đã không sinh lợi mà còn cứ phải hồi hộp, lo lắng và khổ dài dài như vậy… Sao ông không thử tính lại xem cái nào có lợi thì làm?
-Ý má mày nói sao? Có phải ý má mày muốn bán con trâu Cộ đi có phải không? Không! Không được! Không dễ gì có một con trâu đưc khôn và cày tốt như vậy đâu. Chủ và Vú đã từng nuôi một bầy trâu có cả chục con đực mà đâu có con đực nào khôn và cày hay như con Cộ của mình. Con trâu mà hay thì người cày cũng đỡ mệt. Má mày an tâm, bắt đầu từ ngày mai tôi sẽ treo một cái trống có gắn lục lạc ngay cổ của nó y như hai con trâu của chú Bốn Hích và chú Hai Máy vậy, thì nó sẽ chịu phép không còn cách gì đi theo cái và đi bán lộn nữa."

Một năm sau tôi khăn gói vào Nha Trang để học. Kể từ đó tôi xa nhà, xa dòng sông, bến nước, xa cánh đồng, xa những bờ ruộng mọc đầy cỏ non mà tôi và con Cộ đã từng có một quảng thời gian dài khắng khít như một đôi bạn. Rồi sau đó tôi lại bước vào đời quân ngũ miệt mài trên khắp các nẻo đường thập tử nhất sinh, tôi đã không có một dịp nào để trở về thăm lại con trâu Cộ của cha tôi nữa.

Nhưng tôi vẫn còn nhớ như in cái buổi chiều thắng trận của nó. Hôm ấy dù không được mục kích tận mắt trận đấu vẻ vang oanh liệt của nó, nhưng tôi đã được đám bạn mục đồng kể lại thật đầy đủ chi tiết. Tôi vô cùng nể phục nó. Dù không phải là con người nhưng nó cũng đã có một ý chí bất khuất quật cường và đầy mưu trí dũng cảm. Tôi chạy xuống gò Ông Trịnh mà lòng tràn ngập niềm hân hoan vô bờ bến. Tôi đã la hét lên như một người điên để mừng nó thắng trận. Tôi thấy nó đang đứng trên một gò đất cao vươn vai, đầu ngẩng lên, lưng thẳng, mặt mày rạng rỡ, hai con mắt sáng trưng đen lay láy, trông nó thật là hiên ngang oai hùng! Nhìn đầu cổ mình mẩy nó còn ướt đẫm mồ hôi và lấm lem những bùn đất, tôi biết là nó mới vừa trải qua một cuộc hỗn chiến cam go. Tôi dang rộng hai tay ôm nó vào lòng. Tôi vòng cánh tay qua cái cổ rô to bự sư của nó nhưng vẫn không ôm hết, Tôi mân mê, rờ rẫm, và hôn hít nó. Nó vẫn đứng yên không một chút nhúc nhích cử động. Đối với tôi nó vẫn tỏ ra hiền lành, trầm tĩnh như vậy. Tôi biết rằng không chỉ một mình nó đang vui mà cả tôi, cả nhà tôi, nhất là cha tôi cũng đang vui mừng hớn hở. Cha tôi đã cho nó nghỉ cày ba ngày để dưỡng sức, và mỗi ngày ông đều đi cắt cho nó một gánh cỏ, coi như đó là phần thưởng danh dự mà nó phải được nhận lãnh. Trong ba ngày, tôi như người phục dịch túc trực bên nó, tắm rửa nó, đập muỗi mòng cho nó, dẫn nó đi lẻ ăn ngoài đồng ruộng, bờ sông. Mặt trời đã ngã bóng, nắng chiều đã nhuộm tím trên dãy vúi Vọng Phu xa, nhưng tôi vẫn còn nấn ná chưa muốn dẫn nó về. Bên kia sông những lô ruộng mới cấy, mạ non chưa bén rễ vẫn còn một màu vàng hoe. Một đàn cò trắng bay lượn qua lượn lại trên bầu trời xanh rồi cùng một lúc sà xuống đậu trắng cả ngọn cây gáo trơ vơ đứng giữa cánh đồng. Con Cộ ngước cao cổ nhìn theo màu ráng chiều đỏ sẫm tận trời tây rồi ù lên một hồi dài như tiếng gọi đàn, như muốn nhắc nhở đàn trâu còn đang say sưa gặm cỏ trên Đất Lớn, Gò Lẫm, Gò Găng hãy mau mau cất bước trở về chuồng.

Đó là những hình ảnh sau cùng đầy huy hoàng và ấn tượng của con trâu Cộ cầm bầy của cha tôi, còn lưu trong ký ức của tôi ngày nào.

Vinh Hồ
2/7/09
viethoaiphuong
#3 Posted : Wednesday, February 4, 2009 2:27:19 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
Năm Sửu cà kê dê ngỗng về trâu!

Tết Kỷ Sửu năm nay, ngày Mồng Một Tết lại nhằm ngày thứ Hai, 26 tháng 01 năm 2009, vì là trâu ở xứ người nên phải đi cầy như thường chứ đâu có được như trâu ở xứ mình nằm nhà thảnh thơi nhơi cỏ ba ngày Tết như cái “thuở thanh bình” ba mươi lăm năm trước còn ở quê nhà, một quê hương miền Nam muôn ngàn yêu dấu.

Hóa ra cái kiếp trâu đi đâu, ở đâu cứ vẫn phải khổ. Có đấu tranh cách mấy cũng vẫn bị đánh trâu! Buồn thật! Sầu đời thật!

Dục phá thành sầu chi dụng tửu!

Thôi thì để phá nỗi buồn của ba ngày Tết tha phương, chúng ta hãy cùng nhau “ngày Xuân nâng chén” rồi đem cái năm Kỷ Sửu này ra tán chuyện trâu cho đỡ buồn. Biết đâu cũng có đôi điều thú vị!

Trước tiên là cái tuổi Sửu “di động”. Ngày mới qua Mỹ, bỗng dưng ai cũng tự mình đổi qua tuổi Sửu hết trơn, dù cho mình trước đó là tuổi Tý hay tuổi Dần, Ngọ, Mùi… Đi làm hùng hục một ngày 2 job, 16 tiếng đồng hồ liên tục, về đến nhà là lăn ra ngủ như chết không biết trời đất là gì. Thức dậy, ăn vội ba hột cơm, hay gói mì rồi lại hối hả đi làm. Chẳng khác gì con trâu đi cày. Được ngày nghỉ, hỏi muốn gì? - Muốn ngủ! Câu trả lời ngắn gọn, dứt khoát. Quả thật, cái xã hội thực dụng làm cho con người buộc phải quay cuồng theo nó để mà thích nghi và sinh tồn. Nếu không thì cái lũ giặc “bill” hè nhau đánh tới tấp, tối tăm mặt mũi, từ chết đến bị thương, không trốn tránh đi đâu được. Vậy chẳng phải “ô tô ma tích” đổi thành tuổi Sửu là gì?

Thế rồi chừng năm, bảy năm sau, thi đậu vào quốc tịch, trở thành công dân Mỹ, đã tậu được nhà, tậu được xe mới, trong “băng” có tí tiền “xe vin” thì lại đổi tuổi một lần nữa thành tuổi Dậu, làm con gà trống có cái đuôi cong vòng ngũ sắc, gáy vang trời.

Lúc này hăm hăm hở hở xênh xang áo gấm chuẩn bị về làng.

Cầu trời cho mấy con gà trống này đừng có dại mà nghe lời con cáo trong truyện ngụ ngôn của ông Tây Cà lồ Lã phụng Tiên, nhắm mắt lại mà gáy.
Con cáo của ông Lã phụng Tiện đem miếng phó mát ra dụ xem ra ít nguy hiểm. Còn con cáo của ông Hồ thì đem chùm khế ngọt với “em bé chân dài” ra dụ thì đáng sợ hơn nhiều. Nó rất “ép phê” đối với mấy con gà trống mới mọc lông đuôi, gọi là giầu nẫy, xưa nay chưa hưởng mùi đời, nên khi nghe con cáo Hồ ca bài ca con cá ngọt như đường phèn thì hai mắt cứ nhắm tít lại mà gáy. Lúc con cáo Hồ nhảy lên nhe hai hàm răng chơm chởm, nhọn hoắc ngoặm vào cổ, lúc đó mới mở mắt ra thì ô hô! ai tai! việc đã rồi.

Đó là chuyện giả tỉ thôi. Thực ra người Việt tị nạn cộng sản đã bỏ của chạy lấy người, mười phần cầm chắc chết hết chín thì không ai dại mậu gì mà nghe lời dụ dỗ của bầy cáo đã thành hồ ly tinh mà bị mắc bẫy một lần nữa.

Có chăng là chỉ mấy anh chị “Vịt kìu” yêu nước ham danh, ham lợi, kéo nhau về nhận bằng khen, nhận khăn quàng đỏ để rồi bị ngoạm cổ không kêu lên được một tiếng.

Cũng là đáng đời và đáng với cái giá phải trả cho sự tham lam và ngờ nghệch.
Bây giờ chúng ta hãy cùng nhau cà kê dê ngỗng về chuyện trâu để uống rượu thưởng Xuân chơi, cho nó dzui dzẻ cái cuộc đời!

Địa danh Trâu

Từ cái thời Đông Chu, ông Khổng Khâu người nước Lỗ, tức Đức Vạn thế sư biểu Khổng tử còn dẫn học trò đi lang thang khắp nơi để truyền bá tư tưởng thì đã đi qua nhiều nước trong đó có nước Trâu, nước Quắc, nước Đồ…

Ngày nay tra cứu không còn biết các nước đó nằm ở đâu trên cái xứ Trung Hoa rộng mênh mông.

Trong binh thư của Tôn Vũ tử có ghi chép mưu kế “Dĩ Đồ diệt Quắc” nghĩa là giả vờ mượn đường của nước Đồ để diệt nước Quắc. Khi quân binh lọt được vào nước Đồ rồi thì trở mặt cướp luôn nước Đồ. Tích này nhắc lại hai địa danh Quắc và Đồ, không thấy sách nào nhắc đến nước Trâu cả.

Đất nước Trung Hoa rộng vậy mà bọn vua chúa Tàu vẫn cứ còn tham, luôn có ý đồ xâm chiếm nước khác. Chúng đã chiếm một phần đất, mười mấy ngàn thước vuông sát biên giới và mấy quần đảo ngoài khơi của Việt Nam rồi, mà cái bọn cầm quyền Việt Nam hiện tại cứ ngậm miệng êm ru bà rù, lại còn cấm cản và bắt bớ tất cả những ai lên tiếng hay biểu tình chống đối sự xâm chiếm ấy. Người dân trong nước có ý ngờ rằng hình như bọn cầm quyền đã có ý
đồng lõa bán, nhượng lãnh thổ cho giặc.

Ở Việt Nam, Hồ Tây, một thắng cảnh của Hà Nội, trước khi mang tên Dâm Đàm (hồ mù sương) ở thời Lý, Đoái hồ, Tây hồ dưới thời Lê, đã từng mang tên là hồ Trâu, hồ Trâu vàng. Một câu thơ cổ còn nhắc nhở:

Ngưu hồ dĩ biến tam triều cục
Long đỗ nhưng lưu bách chiến thành
(Hồ Trâu đã trãi ba triều đại
Thành (bách) chiến còn lưu đất Rốn Rồng)

Họ Trâu

Cái họ Trâu này người Việt chắc không ai có. Ngày xưa ở bên Tàu, cũng thời Đông Chu, chỉ có một người duy nhất. Đó là Trâu Kỵ. Ngoài ra xưa nay chưa nghe nói tới người thứ hai. Con cháu ông này cũng không thấy sách vở Tàu nói tới. Chuyện ông Trâu Kỵ này cũng lý thú lắm. Xin chép lại đây để làm mồi uống thêm đôi ba ly nữa cũng đậm đà. Truyện như sau:

“Tề Uy vương từ khi lên làm vua, say đắm tửu sắc, lại ham mê âm nhạc, không nghĩ gì đế quốc chánh. Trong khoảng 9 năm, các nước Hàn, Ngụy, Lỗ, Triệu đều đem quân đến đánh. Quân Tề thua luôn. Một hôm có người thư sinh, xin vào yết kiến tự xưng họ là Trâu tên Kỵ, có biết gẩy đàn cầm, nghe nói vua Tề thích âm nhạc nên tìm đến. Tề Uy vương cho mời đến và đưa cho cây đàn cầm. Trâu Kỵ lên dây đàn mà không gẩy.

Uy vương hỏi:
- Tiên sinh đã là người khéo gẩy đàn cầm thì nên cho ta nghe một bài. Nay tiên sinh lên dây mà không gẩy dễ thường cây đàn không được tốt hay là chê ta không biết nghe đàn chăng?

Trâu Kỵ đặt cây đàn xuống rồi nghiêm nét mặt, đáp rằng:
- Tôi biết là biết cầm lý, còn như tiếng chỉ, đường tơ là của bọn nhạc công, tôi dẫu biết cũng không đáng gẩy hầu đại vương làm gì.

Uy vương nói:
- Cầm lý thế nào? Xin tiên sinh cho nghe!

Trâu Kỵ nói:
- Cầm tức là cấm, tức là cấm chỉ những sự dâm tà thì mới giữ được chính đạo. Vua Phục Hi đời xưa chế ra đàn cầm có năm dây. Dây lớn là vua, dây nhỏ là bề tôi. Đến đời Văn vương, Vũ vương mỗi ngài lại thêm một dây nữa, để hợp cái tình ý vua tôi. Xem thế đủ biết rằng vua tôi có tương đắc nhau thì chính lệnh mới hòa hợp, cái đạo trị nước chẳng qua như thế mà thôi.

Uy vương nói:
- Tiên sinh nói phải lắm! Nhưng tiên sinh đã biết cầm lý thì tất biết cầm âm, xin tiên sinh hãy gẩy chơi một khúc

Trâu Kỵ nói:
- Tôi học nghề đàn thì phải biết cái phép chơi đàn. Đại vương lo việc nước, há lại không biết cái đạo trị nước hay sao? Nay đại vương bỏ nước mà không trị có khác gì tôi ôm đàn mà không gẩy hay không? Tôi ôm đàn mà không gẩy thì đại vương không được thỏa lòng, thế thì đại vương bỏ nước mà không trị, chắc là muôn dân không được thỏa lòng vậy.

Uy vương ngạc nhiên nói rằng:
- Thế là tiên sinh mượn cây đàn cầm để can ta đó. Ta hiểu rồi.

Uy vương mời Trâu Kỵ lưu lại ở hữu thất. Ngày hôm sau, Tề Uy vương tắm gội sạch sẽ rồi triệu Trâu Kỵ vào bàn việc nước. Trâu Kỵ khuyên Tề Uy vương tiết bớt những sự tửu sắc, tin dùng người trung lương, trừ bỏ đứa gian nịnh, sai luyện tập binh mã. Tề Uy vương bằng lòng lắm. Tức khắc cho Trâu Kỵ làm tướng quốc. (Thủ tướng). Nhờ có tài của Trâu Kỵ mà nước Tề trở nên bá chủ. Các nước Sở, Ngụy, Hàn, Triệu, Yên đều chịu kém và hàng phục không còn dám đem quân xâm chiếm bờ cõi nữa.

Con trâu với nhà nông.

Việt Nam là nước nông nghiệp. Chín chục phần trăm người dân sống nhờ ruộng đồng. Con trâu là bạn thân thiết của nông dân. Thuở nhỏ học tiểu học, ai ai mà chẳng thuộc lòng bài học thuộc lòng: Trâu ơi!

Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Ta đây, trâu đấy ai mà quản công
Bao giờ ngọn lúa còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn

Hoặc là:

Trên đồng cạn dưới đồng sâu
Chồng cày, vợ cấy con trâu đi bừa

Hay gần gủi, thân thương như trai với gái như một câu thành ngữ của người Thái:

Nhinh chăm trai, quai nhăm cả
(Gái gần trai, trâu gần mạ)

Trâu đen ăn cỏ, trâu đỏ ăn gà.

Thuở xưa cái cảnh êm đềm giữa người và trâu giúp đỡ nhau trong công việc đồng án là vậy. Nhưng kể từ ngày “Bác Hồ” cõng rắn Cộng sản vào cắn gà nhà với chính sách “Cải cách ruộng đất” rồi tiến tới Hợp tác xã thì nhân dân miền Bắc đói khổ triền miên. Cái cảnh cha chung không ai khóc, gọi là “làm chủ tập thể”, người dân trắng tay, ruộng tư hữu của mình bỗng dưng bị trưng thu làm của chung nên chẳng ai tha thiết gì công việc một nắng hai sương trên đồng ruộng. Do đó, hồi xưa ruộng tư hữu, trồng lau ra lúa, bây giờ Hợp tác xã, trồng lúa lại ra lau, là do chẳng ai buồn làm cỏ lúa.

Vừa mất mùa do thiên tai, vừa mất mùa trên sân phơi. Người dân đói quá bèn làm ca dao để lâu lâu nhai lưỡi nuốt nước miếng cho đỡ đói:

Hợp tác rồi lại hợp te,
Không còn miếng vải để che “Bác Hồ”

Khi cưỡng chiếm được miền Nam, việc đầu tiên của kẻ thắng trận là cướp lấy hết máy cầy của dân chúng đồng bằng sông Cửu Long chở về Bắc, tuyên truyền rằng “dùng chiến lợi phẩm của địch để công nghiệp hóa nông thôn ta”.
Rồi đặt tên cho máy cầy miền Nam là “Trâu đỏ” có lẽ vì màu sơn đỏ hay cái gì vào tay cộng sản phải đỏ như máu mới gọi là cách mạng chăng?

Khổ nỗi, máy cầy thì chất đống ở ngoài trời thi gan cùng mưa nắng ngày này qua tháng nọ, không ai biết xử dụng con trâu đỏ cày bừa ra làm sao. Phải năn nỉ mấy ông nông dân “ngụy” dạy cho biết cách điều khiển. Học xong rồi, cán bộ ta về Bắc lái máy cầy cứ vênh mặt lên trời, trổ mòi “cách mạng chuyên chính”. Hợp tác xã nào chịu đút lót thì mới chịu đến cầy, nơi nào không của đút thì đồng ruộng ta cứ nằm đó … chờ cho đến hết thời vụ.

Nông thôn miền Bắc lại xãy ra cảnh: Trâu đen ăn cỏ, trâu đỏ ăn gà”.
Khi nào trâu đỏ được ăn gà thì máy mới chạy được. Dầu cặn, dầu nhớt trâu đỏ ăn thiếu dinh dưỡng máy không chịu chạy.

Chỉ mấy năm sau, máy móc hỏng hóc, không ai biết sửa, không có phụ tùng thay thế, trâu đỏ biến thành đống sắt vụn bán đồng nát. Cốt khỉ vẫn hoàn cốt khỉ. Hợp tác xã thành tan tác xã. Nhà nước ta xấu hổ nhưng không dám công nhận đành len lén nhắm mắt cho “khoán chui”, tức là cho nông dân làm ruộng lại y như cũ. Rõ là “mèo lại hoàn mèo”.

Huyền thoại Trâu vàng và nguồn gốc dùng trâu cầy ruộng.

Hồ Trâu và dòng sông Kim Ngưu, một nhánh sông Tô chảy bao quanh phía Nam Hà Nội, từ Tây sang Đông, còn gợi lại một huyền tích của thời kỳ thần thoại Việt Nam:

Ở vùng đầm lầy chân núi Tiên Du (Bắc Ninh) có con trâu vàng náu mình. Một pháp sư dùng tích trượng yểm lên trán trâu. Trâu lồng chạy xuống phía nam, quần nát cả một vùng Khoái Châu lầy lội, vùng ấy sau gọi là Vũng trâu đầm. Chưa hết cơn giận giữ, trâu lại bơi qua sông Cái rồi chạy ngược lên phía bắc, đường do vết chân trâu dẫm lún thành sông Kim Ngưu. Rồi trâu chạy vòng vo làm sụt cả một vùng thành đầm hồ và ẩn kín dưới nơi ấy. Đó là hồ Trâu Vàng.
Những chỗ trâu quậy nát mọc lên một loài lúa dại. Người dân hái lúa dại để làm thực phẩm rồi dần tiến tới việc trồng lúa. Ban đầu, người dân chưa biết cách cầy bừa. Mãi đến khi thái thú Sĩ Nhiếp đem kỹ thuật làm cày, bừa và cách dùng trâu để vỡ đất, cày ruông dạy cho dân, lúc đó việc canh tác mới phát triễn rộng rãi.

Lúc đầu người dân sử dụng trâu vào việc dẫm nát cỏ, sục bùn trong ruộng để sửa soạn đất đai trồng lúa. Lề lối canh tác này sách cổ gọi là “thủy nậu”. Lối làm ruộng này kéo dài cho đến trước và sau cái gọi là Cách mạng mùa Thu vẫn còn phổ biến trong các thung lũng Thái, Mường miền Tây Bắc.

Chuyện ngụ ngôn: Cái khôn mày để ở đâu?

Câu chuyện này, người viết học từ cái thời còn để chỏm, lớp ba trường làng, cách đây hơn 60 năm nên quên gần hết nguyên bản, chỉ nhớ lỏm bỏm đại ý câu chuyện, vậy xin được kể theo cách viết hình sự của báo Công An Nhân Dân trong nước, như sau:

Cái thuở đất trời còn nguyên thủy cộng sản, người và vật sống chung hài hòa với nhau trong thế giới đại đồng, làm tùy sức, ăn tiêu tùy cầu, chẳng ai có máu lạnh hay khát máu. Duy chỉ trong cánh rừng kia có con cọp ỷ mình mạnh bạo, thường hay hiếp đáp kẻ yếu, làm điều xằng bậy, nên tự xưng là Hổ Mạnh Đại Vương, thỉnh thoảng mò ra làng trộm chó, bắt trâu ăn thịt, dân làng đã kịch liệt phản đối nhiều lần. Đại Vương Hổ Mạnh lần nào cũng đem luật rừng xanh có 4 điều ghi chép ra thề thốt, hứa hưu, hứa nai, xin khắc phục, nghiêm khắc kiểm điểm và rút kinh nghiệm. Nhưng chứng nào vẫn tật ấy.

Cạnh bìa rừng có một lực điền trai trẻ tên là Tấn Lực sống cùng với con trâu khoẻ mạnh, dễ bảo. Anh Lực đặt tên nó là Doãn. Mỗi lần đánh trâu ra ruộng, anh chỉ vỗ nhẹ lên đầu nó và nói: “Doãn ơi! Ta bảo Doãn này!” là trâu vâng lời anh Lực một cách ngoan ngoãn nên anh Lực chẳng cần dùng đến roi mây bao giờ. Trâu Doãn có đặc tính là luôn luôn đi lề bên phải. Có lúc anh Lực lơ đảng ngó lên trời xanh, lắng tai nghe chim họa mi hót trên đầu, quên bẵng việc lái lưỡi cày mà trâu Doãn cũng cứ theo quán tính “lề bên phải” mà đi đúng luật, nên đường cầy cứ thẳng băng y như ông sĩ phu họ Hà nhắm mắt “dắt tay nhau đi dưới tấm bảng chỉ đường…” vậy.

Một hôm, anh Lực cùng trâu Doãn đang mãi mê cầy ruộng nên không để ý đến Đại vương Hổ Mạnh đã ngồi rình trên bờ ruộng từ lâu. Khi cầy ngang qua chổ Đại vương Hổ Mạnh ngồi, trâu Doãn nhe răng ra cười cầu tài với Hổ Mạnh. Hổ Mạnh cất tiếng hỏi:
- Này đồng chí Doãn! Đồng chí to xác khoẻ mạnh như thế kia cớ sao lại cứ sợ thằng người nhỏ bé như thế? Tại sao cứ để cho nó bóc lột sức lao động của mình mà không chịu vùng lên theo cách mạng để cướp lại quyền làm chủ tập thể của mình hử?

Trâu Doãn lại nhe hàm răng trắng nhỡn lớn quá khổ ra cười cười trả lời rằng:
- Báo cáo đồng chí Đại vương nắm! Thằng người tuy nhỏ mà nó có trí khôn!
- Trí khôn là cái gì vậy, đồng chí Doãn!
- Hãy hỏi thằng người thì khắc biết.

Đại vương Hổ Mạnh tò mò muốn biết trí khôn là cái củ gì mà thằng người lại có thể sai khiến được con vật to lớn hơn nó đến mấy lần mà không cần đến điều 4 luật rừng xanh và móng vuốt sắc bén của mình nên quay sang hỏi nông dân Tấn Lực:
- Này thằng nông dân kia! Cái khôn của mày để ở đâu đưa cho tao coi thử!
- Thưa Đại vương, trí khôn tôi để ở nhà! Anh Lực trả lời.
- Vậy hãy về nhà lấy ra đây cho ta xem mau!
- Tôi về, ở đây Đại vương ăn thịt con trâu của tôi sao?
- Ta xin thề trên điều 4 là không ăn thịt con trâu của ngươi!
- Xin lỗi Đại vương nghe! Đại vượng thề nhiều lần quá nên lời thề hết linh rồi!
- Vậy, mày muốn ta làm sao để cho mầy tin?
- Nếu Đại vương chịu để cho tôi trói vào gốc cây kia tôi mới yên tâm về nhà.
- Được! Mầy cứ trói ta lại.

Sau khi trói chắc Hổ Mạnh vào gốc cây trên bờ ruộng xong, Tấn Lực xuống ruộng tháo quải ra cho trâu Doãn đi ăn cỏ, anh lấy cái bắp cầy đến quất túi bụi vào lưng Hổ Mạnh. Vừa quất, anh vừa quát:
- Trí khôn của tao đây này!

Đại vương Hổ Mạnh đau đớn vô cùng, vừa khóc vừa van xin tha mạng rối rít.
Người viết không nhớ đoạn kết anh Lực này đánh chết Hổ Mạnh hay vì lòng nhân đạo mà tha cho Hổ Mạnh về rừng. Nhưng sau gần một thế kỷ, người viết đoán chừng rằng, có lẽ anh Lực vì lòng nhân (đàn bà) đã tha cho Hổ Mạnh nên con cháu đời sau mới bị cái hậu quả khôn lường “thả hổ về rừng”, khiến cho 80 triệu dân phải điêu linh đồ thán vì nạn hổ vồ.

Công lao của trâu.

Trong truyện “Lục súc tranh công” của tác giả “Vô danh”, trâu đã kể công như sau:

Trâu mỏi nhọc trâu liền năn nỉ
“Một mình trâu ghe nỗi gian nan
Lóng canh gà vừa mới gáy tan
Chủ đã gọi thằng chăn vội vã
Dạy rằng: đuổi trâu ra thảo dã
Cho nó ăn ba miếng đỡ lòng
Chưa bao lâu thoắt đã rạng đông
Vừa đến buổi cày bừa bua việc
Trước cổ đã mang hai cái niệt
Sau đuôi thêm kéo một cái cầy
Miệng đã dàm, mũi lại dòng dây
Trên lưng ruồi bâu, dưới chân đĩa cắn…

Làm không kịp thở
Ăn không kịp nhai
Tắm mưa trãi gió chi nài
Đạp tuyết dày sương chi sá…

Từ đồng cạn đến đồng sâu, trâu bao thầu hết mọi việc cày bừa. Đến mùa gặt, xe trâu lại lo chuyên chở lúa về nhà. Hết vụ mùa, trâu lên rừng kéo gỗ, kéo củi, kéo tranh tre lá về cất nhà, cất trại…Quả thật thân trâu vất vả một đời chẳng có lúc nghỉ ngơi, làm quần quật cho đến ngày sức tàn, lực mỏi. Rồi bị đem đi xẻ thịt.

Về công trận, trâu ngày xưa được xử dụng như đoàn chiến xa bây giờ. Trâu được buộc gươm nhọn trên sừng và cho uống rượu say sau đó lùa xô vào húc, chém phá đội hình quân địch. Trâu cũng dùng trong trận hỏa công bằng cách buộc mồi lửa sau đuôi rồi lùa vào dinh trại của giặc.

Trong thời Chiến quốc bên Tàu, quân Yên đã hạ hơn 70 thành của Tề, chỉ còn sót lại mỗi thành Cừ Tức Mặc. Tướng nước Yên là Điền Đan dùng mưu bắt 1000 con trâu đực khỏe mạnh, mình khoác áo đỏ vẻ nhiều màu sặc sỡ, sừng buộc gươm nhọn sắc. Đuôi buộc sẵn một bó cỏ khô tẩm dầu. Khi xuất trận quân Tề xua đàn trâu đi trước rồi đốt những bó cỏ khô buộc đuôi. Trâu bị nóng cuống cuồng chạy xông vào trận địch, khiến quân Yên hoảng sợ, rối loạn hàng ngũ, hoảng loạn xéo lên nhau mà chạy, chết rất nhiều. Thừa thắng Điền Đan chiếm lại được những thành trì đã mất.

Tác giả Khuyết danh có làm bài thơ nhắc đến tích này:

Con trâu già

Một nắm xương khô một nắm da
Bao nhiêu cái ách đã từng qua
Đuôi kia biếng vẫy Điền Đan hỏa
Tai nọ buồn nghe Ninh tử ca
Sớm thả đồng đào ăn đủng đỉnh
Tối về chuồng quế thở nghi nga
Có người đem dắt tô chuông mới
Ơn đức vua Tề lại được tha.

Bài thơ có nhắc thêm mấy sự tích như Ninh tử tức Ninh Thích lúc chưa gặp thời, đi chăn trâu thường nghêu ngao gõ sừng trâu mà ca lên chí lớn của mình. Sau gặp được vua Tề Hoàn công biết đến và trọng dụng. Sự tích tô chuông, ngày xưa khi đúc xong một quả chuông thì phải giết một con trâu làm lễ Hấn Chung tức Bôi Chuông. Lấy máu trâu bôi vào chuông, tiếng chuông đánh lên mới ngân nga và vang xa. Bài thơ trên nhắc đến việc vua Tề Tuyên công thấy người ta dắt trâu đi để giết lấy máu tô chuông, liền tỏ lòng thương và ra lệnh tha cho con trâu này khỏi bị giết.

Trong Việt sử có ghi chép chuyện Đinh Bộ Lĩnh cùng trẻ mục đồng cưỡi trâu tập trận trong thung lũng Hoa Lư. Lê Đại Hành lùa trâu cùng quân sĩ dàn dày đặc ở bờ sông Hoàng Long để chào đón và dọa dẫm tinh thần sứ thần nhà Tống.

Công dụng của trâu

Trâu là con vật rất quí đối với nhà nông nên ít ai đem ngã thịt để làm thức ăn, trừ khi trâu đã già yếu, mắt mờ, chân chậm, chưa ra sức đã “thở hồng hộc như… trâu” thì mới đành lòng đem đi mổ.

Thịt trâu màu hơi tái, không thơm ngon bằng thịt bò nhưng có vị mát rất tốt cho những người vượng hỏa. Da trâu dùng bịt trống. Bong bóng trâu sau khi tẩy mùi dùng làm bình đựng nước hay rượu rất tốt trong việc đi xa. Xương trâu dùng để nấu…xì dầu.

Sừng trâu có thể làm tù và và các vật trang sức như lược, hoa tai, tiện con cờ, mõ, cái hộp, tỉa cán quạt, cán dao.

Sừng trâu cũng có thể thay sừng tê giác làm thuốc. Hiện nay tê giác là loài động vật quí hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng, đã đưa vào danh sách đỏ và cấm săn bắt. Y học hiện đại đã có nhiều công trình nghiên cứu về tác dụng chữa bệnh của sừng trâu và kết quả cho thấy sừng trâu và sừng tê giác thành phần các chất hữu cơ và vô cơ tương đồng. Theo Đông y, sừng trâu vị đắng có tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc lương huyết dùng chữa ôn bệnh sốt cao, hôn mê nói nhảm, kinh phong điên cuồng, các chứng xuất huyết như thổ huyết, nục huyết, ban xuất huyết…

Cũng vì sự quí hiếm của sừng tê giác nhất là đặc tính kỳ lạ của nó, người ta đồn nhau rằng con tê giác có khả năng giao cấu từ 2 đến 4 giờ đồng hồ và khả năng ấy đều dồn lên cái sừng của nó. Một ít bột mài từ sừng của nó cũng đủ khiến cho người nhược dương trở thành người đàn ông phi trường trong việc “phòng sự”, Viagra phải chào thua!

Giá một ký sừng tê giác giao động từ 50.000USD đến 20.000USD.

Các đại gia kháo nhau “ lúc trẻ bỏ sức kiếm tiền về già dùng tiền mua sức”, để vớt vát lại tuổi thanh xuân, các đại gia đua nhau lùng mua “thần dược” này để dùng cho bản thân và dành để chiêu đãi các quan lớn trong triều.

Chính vì vậy mà các ông bà trong các tòa đại sứ của Nhà nước ta ở Nam Phi ham làm giàu mau chóng bằng cách buôn lậu sừng tê giác mang về nước bán cho các quan lớn. Vừa mới đây, bà Vũ mộc Anh, Bí thư Thứ Nhất tại Nam phi bị bắt quả tang lúc mua bán sừng tê giác ngay trước Tòa đại sứ mới gọi là gan cóc tía coi pháp luật Nam Phi không ra cái thá gì. Khi bị giới truyền thông Nam Phi lên tiếng chỉ trích, bà Mộc Anh liền thi thố ngón võ gia truyền của bà Thúy Thanh và ông Lê Dũng là dài lưỡi ra chối lia, chối lịa rằng thì là em chả.
Và luôn thề rằng: “Em mà có buôn lậu thì cho Bác Nông vật ngữa em ra đi! Mỗi tháng em bị hộc máu một lần!”. Cả một đống người trong tòa đại sứ cũng
hùa nhau chối phăng, chối phắt rằng nhân viên chúng tôi đã được học tập rất kỹ đạo đức của “Bác” là thật thà, dũng cảm, không bao giờ làm chuyện xấu hổ nhục nhã như thế đâu. Đề nghị các ông chớ hồ đồ loan tin “trước khi mọi việc được điều tra rõ” mà làm mất đi sự hợp tác thân thiện đẹp đẽ của hai nước.

Đến khi truyền hình Nam phi chiếu trên ti vi cái mặt bèn bẹt của bà Mộc Anh hai năm rõ mười thì, theo tờ Tuổi Trẻ tường thuật, Ông đại sứ CSViệt Nam mới “lấy làm hối tiếc” dù “đã nhắc nhở nhiều lần” nhưng “vẫn xãy ra” và cho rằng hành vi của bà Mộc Anh là “hám lợi”. Về phần bà Mộc Anh thì cứ cương quyết không chịu nhận mình là buôn lậu và không chịu viết bản kiểm điểm nhận tội, cứ một mực nói là chỉ cầm dùm cho “người khác” thôi. Đến đây thì báo Tuổi Trẻ không dám nói rõ “người khác” đó là ai mà có quyền to có thể sai khiến bà Mộc Anh Bí thư Thứ nhất của Tòa đại sứ cầm dùm?

Cái gương bị mất chức và đi tù của PV Chiến cứ lù lù trước mặt.

Đây không phải là lần đầu nhân viên toà đại sứ CSVN bị bắt. Hai năm trước một nhân viên thương mại của toà đại sứ CSVN tên là Khánh Toàn cũng bị bắt về vụ buôn lậu sừng tê giác và bị “xử lý”.

Hiện nay bà Mộc Anh đã bị triệu hồi về nước để điều tra làm rõ để tìm cách… ngừa đẻ.

Thật là đẹp mặt cho cái chế độ ưu việt.

Con trâu trong ca dao tục ngữ

Trong hàng gia súc, có lẽ con trâu là được người nông dân thương yêu trìu mến nhất, ngay cả loài chó vốn được yêu quí vì đức tính trung thành cũng chưa được bằng. Trâu được nhắc nhở nhiều qua ca dao, thành ngữ.

Trong cách chọn lựa mua trâu phải chọn loại: Sừng cánh ná, dạ bình vôi, mắt ốc nhồi, Mồm gàu dai, tai lá mít, đít lồng bàn.

Và nên tránh những con: Xa rừng mắt lại nhỏ con, Vụng đàn chậm chạp ai còn mua chi

Áp dụng trong đời sống hàng ngày: Mua trâu xem vó, lấy vợ xem nòi - Muốn giàu nuôi trâu cái, muốn lụn bại nuôi chim bồ câu – Trâu năm sáu tuổi còn nhanh, Bò năm sáu tuổi đã tranh cõi già. – Trâu quá sá (quá tuổi) mạ quá thì – Trâu trắng đi đâu, mất mùa đến đấy. – Trâu he (gầy) cũng bằng bò khỏe. - Con trâu là đầu cơ nghiệp - Tậu trâu, lấy vợ cất nhà, trong ba việc ấy thật là khó thay…

Có những thành ngữ dùng trâu để ám chỉ về người như: Trâu chậm uống nước đục dùng để chế diễu những người chậm chạp nên thường bị thiệt thòi. Những người hiềm khích hay ghen ghét nhau thì có câu trâu cột ghét trâu ăn.
Câu trâu lấm vấy quanh dành để chỉ những người làm sai nhưng hay đổ lỗi cho người khác. Những ai hay mơ làm chuyện hảo thì bị chế diễu là dắt trâu qua ống. Ngày xưa mấy anh lái trâu ưa có thói lường gạt theo kiểu mua trâu vẻ bóng. Vì vậy, cảnh mẹ chồng nàng dâu luôn xích mích thì câu thật thà như thể lái trâu, thương nhau như thể nàng dâu mẹ chồng thiệt thích hợp.
Ca dao tục ngữ về con trâu rất nhiều kể không xuể. Chừng nào hết cảnh trâu tìm cột chứ có bao giờ cột lại tìm trâu thì lúc ấy họa may dân gian mới hết nói về trâu.

Một chuyện tiếu lâm về trâu

Để độc giả xả hơi, thư giãn đôi chút vì từ nãy tới giờ theo dõi ba cái chuyện khô khan nhức đầu, người viết xin kể một chuyện tiếu lâm dân gian nơi chốn đồng quê có con trâu đi cầy để quí vị nghe chơi cho vui tí chút.

Một hôm nọ, anh sui trai góa vợ băng đồng sang làng kế cạnh để thăm đứa con gái đang làm dâu cho bà sui cũng đang góa chồng. Nhằm lúc hai vợ chồng đứa con còn đang ở ngoài đồng cấy lúa chưa về, bà sui đem rượu ra mời anh sui vừa nhâm nhi vừa nói chuyện để chờ bọn trẻ về rồi ăn cơm luôn thể.

Hai anh chị sui nói chuyện râm ran hồi lâu, tâm tình coi bộ vui vẻ lắm. Bỗng chị sui cao hứng đố anh sui:
- Nè anh sui! Đang lúc vui tui đố anh một câu để anh đoán thử nó là cái gì nghen!
- Ừa! Chị cứ đố để tui ráng đoán để trả lời chị. Anh sui cũng vui vẻ đáp lại.
- Vậy chớ đố anh, cái gì bằng bàn tay, xung quanh có lông, chính giữa có cái lỗ. Chị sui vừa nói vừa ra điệu bộ, dơ bàn tay khum khum, dứ dứ trước mặt anh sui. Anh sui nghe thấy vậy mới miệng cười chúm chím, trong bụng nghĩ thầm:
- Chà! Đố cái điệu này chắc chị sui có ý thả câu thòng mở đường sẵn cho mình trổ mòi “dê” đây.

Nghĩ xong, anh sui tằng hắng một cái để lấy giọng, rồi nói:
- Tui biết ý chị muốn đố cái gì rùi. Nhưng trước khi trả lời câu đố của chị, tui đố lại một câu trước đã, chị chịu hôn?
- Cũng được, anh đố đại đi.
- Ừa hén, chị nghe đây. Đố chị cái gì bằng cườm tay, nằm ngay cái của chị.

Anh sui cũng vừa đố vừa ra điệu bộ như chị sui lúc nãy. Anh đưa cánh tay mặt lên rồi co lại hình thước thợ, dứ dứ về phía chị sui. Miệng thì cười cười ra vẻ đắc ý. Không ngờ nghe xong, chị sui nổi giận đùng đùng, mắng như tát nước vô mặt:
- Nè anh sui! Tui tưởng anh là người đứng đắn đàng hoàng tui mới đố giởn với anh cho vui. Dè đâu anh là người mất nết, ba trợn, anh lại ăn nói bậy bạ với tui như vậy. Anh có muốn ăn chổi chà lên đầu không?

Anh sui đang hí hửng trong bụng dè đâu bị bà sui trở mặt mắng nhiếc tàn tê như vậy, đưa tay bợ miệng không kịp, mặt mày xụi lơ, cố chống chế mà không biết nói năng ra sao. Đúng lúc ông Lý trưởng trong làng đi ngang qua nghe hai người đang lớn tiếng bèn ghe vô coi thử chuyện gì. Được dịp, bà sui nhờ ông Lý phân xử dùm ai phải, ai quấy. Hai người theo ông Lý trưởng về đình làng để xử kiện.

Khi yên vị, Lý trưởng kêu bà sui kể lại đầu đuôi câu chuyện. Nghe xong, ông Lý cũng tức cười, bèn hỏi:
- Vậy chớ cái mà bà đố ông ấy là cái gì?
- Dạ thưa nó là cái lỗ tai trâu!
- À há! Phải! Bằng cái bàn tay, xung quanh có lông, chính giữa có lỗ. Đúng là cái lỗ tai trâu. Ông Lý gật gù thích chí, quay sang hỏi anh sui:
- Còn anh kia! Cái anh đố nó là cái gì?
- Dạ thưa ông Lý, cái tui đố là cái sừng trâu ạ.
- Phải! Phải! Bằng cái cườm tay, nằm ngay cái của chị! Đúng là cái sừng trâu rồi chứ là cái gì nữa mà chị lại đi thưa ảnh? Thôi, tui xử huề. Hai người làm hòa với nhau, về nhà đi. Lấy câu “dĩ hoà vi quí” cho nó vui vẻ , đừng để mất tình sui gia.

Chi sui có vẻ chưa bằng lòng, vùng vằng bỏ đi te te một nước. Anh sui lật đật chạy theo, vừa thở hổn hển vừa gọi với:
- Chị sui ơi! Chờ tui với! Cám ơn chị nghen! Cám ơn chị lắm lắm!

Chị sui quay lại sắc mặt hãy còn giận, nói lẫy:
- Anh ngon rùi mà! Còn bày đặt nói mỉa, cám ơn tui làm chi cho má nó khi.
- Không phải như vậy đâu chị sui ơi! Tui cám ơn thiệt lòng mà. Hồi nãy mà chị nói cái lỗ tai ngựa thì chết tiá tui rùi!!!

Đầu trâu mặt ngựa

Cái loài thú có cái đầu trâu mà cái mặt lại giống ngựa này chúng ta chỉ nghe nói trong chuyện Mục Kiền Liên đi tìm mẹ ở dưới chín tầng địa ngục Âm phủ. Đó là thứ ngạ quĩ, lính của Diêm Vương, chuyên canh gác hỏa ngục và tra tấn trừng phạt những kẻ làm ác, làm bậy hại người lương thiện, ăn hiền ở lành lúc còn sống ở trần gian.

Mặt mày lũ đầu trâu mặt ngựa đều lộ vẻ hung quang, tay cầm đủ thứ binh khí
nào là chỉa ba, cào cỏ, gươm giáo…

Thực tế, từ xưa đến giờ, chưa có một ai thấy chúng.

Nhưng kể từ ngày “Bác Hồ” đem cái “bàng môn tả đạo” của mấy lão phù thủy bên Nga La Sát về thì cái đám âm binh đầu trâu mặt ngựa này “ăn theo” kéo về đông đảo. Nhờ môi trường “máu và đầu lâu” của mấy trăm ngàn người vô tội chết oan ức trong vụ “Bác” thi triển đạo bùa “Cải cách ruộng đất”, sái đậu thành binh, để cào bằng xã hội theo phép bá đạo của hai lão đạo sĩ Giáo Mác và Ăn Ghen mà chỉ trong có mấy chục năm đã sinh sôi nẫy nở lên đông đảo vô cùng. Thường thường, bọn âm binh đầu trâu mặt ngựa này sống lén lút trong bóng tối vì chúng rất sợ ánh sáng mặt trời. Nhưng dạo sau này, chúng ngang nhiên xuất hiện nghênh ngang khắp nơi, tha hồ tác yêu tác quái, nhũng nhiễu dân lành, coi phép nước như cái củ thìu biu của chúng. Đó là do chúng được nuôi dưỡng và đặc biệt o bế của cái Tổng cục 2 hay 3 gì đó, có quyền “tiền trảm hậu tấu” rất ghê gớm. Nhà nước cộng sản Việt Nam sở dĩ còn tồn tại đến ngày hôm nay đều do cái đám âm bình này phò (độ) và hộ (trì).

Đặc điểm của loài đầu trâu mặt ngựa này là cái đầu không có óc để suy nghĩ phân biệt đúng sai, tốt xấu. Chúng chỉ biết nhắm mắt, cúi đầu triệt để thi hành mệnh lệnh của chủ. Loài này còn có đặc điếm nữa là trước mặt chủ thì đi bốn chân. Khi ra ngoài thì đi bằng hai chân, mặt thì cứ nghếch lên trời.
Quí độc giả muốn biết rõ mặt mũi và hành động của đám âm binh đầu trâu mặt ngựa này ra sao cứ xem mấy đoạn phim quay cảnh Nhà nước cộng sản Việt Nam dàn binh bố trận đánh cướp đất đai của ấp Thái Hà và Tòa Khâm Sứ Hà Nội trong mấy tháng vừa qua, hoặc cảnh dàn chào thanh niên, học sinh, sinh viên đi biểu tình chống giặc Tàu ô cướp nước hay cảnh dân oan kéo nhau đi khiếu kiện đất đai, sẽ được mãn nhãn.

Sấm ký của Học Lạc

Chúng ta thường nghe nói tới Sấm Trạng Trình lưu truyền trong dân gian. Lời sấm tiên đoán nhiều biến cố lịch sử mà có khi cả chục năm, trăm năm sau người dân mới thấy ứng nghiệm.

Chẳng hạn như câu:
Bao giờ lúa mọc trên chì, voi đi trên giấy tây thì về tây.

Lúc đương thời không một ai có thể hiểu và lý giải được vì sao lúa lại có thể mọc được trên chì và voi đi trên giấy. Còn tây về tây là nghĩa gì. Câu sấm này ám chỉ việc gì? Thật là bí ẩn.

Sau khi nước ta bị thực dân Pháp đô hộ suốt gần 100 năm, nhiều phong trào yêu nước nổi lên khắp nơi để đánh đuổi giặc Pháp, trường kỳ kháng chiến, mãi cho đến năm 1945 (?) Ngân hàng Đông dương chung của ba nước Việt, Miên, Lào cho phát hành đồng bạc bằng chì, mẫu tròn, một mặt có in hình nổi bụi lúa và tờ giấy bạc mệnh giá một trăm đồng, trên in hình con voi thì Pháp thua trận Điện Biên phủ, buộc phải rút quân về nước.

Lúc đó người ta mới vỡ ra cái ý nghĩa của câu sấm Trạng Trình.

Nhắc qua câu sấm của Trạng Trình, người viết muốn giới thiệu với quí độc giả một người khác cũng có tài tiên tri mà lâu nay ít người lưu ý. Người này cũng có sấm ký lưu lại gần cả trăm năm, tiên đoán rằng nước ta sẽ dần dà suy thoái về mọi mặt chính trị, quân sự, kinh tế nhất là về văn hóa bị biến thành một nền văn hóa nhai lại, giống như trâu, nhai 70 năm một chủ thuyết lỗi thời bị vất bỏ vào giỏ rác lịch sử, không biết mệt và chán, kéo lùi cả dân tộc trở về thời sơ khai.

Đó là Học Lạc. Học Lạc là ai vậy?

Học Lạc tên thật là Nguyễn văn Lạc (1842-1915) biệt hiệu là Sầm Giang, người làng Mỹ Chánh, thuộc tỉnh Mỹ Tho, nay là tỉnh Tiền Giang. Học Lạc tuy nhà nghèo, nhưng nhờ có trí thông minh nên được tuyển thẳng vào ngạch học sinh, ngạch do triều đình nhà Nguyễn đặt ra, được cấp lương và được học tại trường của quan đốc học địa phương. Do đó, người ta mới gọi là “học sinh Lạc”, dần dần bỏ mất chữ “sinh”, còn lại hai chữ “Học Lạc”. Học Lạc học giỏi nhưng thi mãi vẫn không đậu, sau đó triều đình Huế phải ký hòa ước 1862 nhường đứt ba tỉnh miền Đông cho Pháp, nên Học Lạc bỏ thi luôn, bỏ làng Mỹ Chánh, dời nhà về chợ Thuộc Nhiêu (Mỹ Tho) chọn nghề dạy học và bốc thuốc để sinh sống cho hết đời.

Ông thường làm thơ trào phúng, châm biếm như Chu Mạnh Trinh, Trần Tế Xương, Nguyễn Khuyến..

Ví dụ như bài “Thằng Lạc”, khi bị các quan viên đình làng bắt phạt chỉ vì không có danh thiếp gắn trên các phẩm vật của mình mang tới cúng đình. Ai ai cũng có tấm danh thiếp đề tên như: Đại Hương Cả, Hương Trưởng, Hương Chủ, Hương Thân… còn trên mâm xôi của ông chỉ có mảnh giấy ghi hai chữ “Thằng Lạc”. Làng bắt vạ, phải làm bài thơ tạ lỗi, lấy ngay hai chữ “Thằng Lạc” làm đề tài. Ông ứng khẩu đọc ngay:

Vành mâm xôi tên đề Thằng Lạc
Nghĩ mình ti tiểu không đài các
Văn chương chẳng phải bọn mèo quào
Danh phận không ra cái cốc rác
Đã chẳng bơ phờ thẹn núi sông
Dám đâu vút vắt ngạo cô bác
Sự tình ai có thấu cùng chăng
Trong có ông Thần, ngoài cặp hạc.

Hội đồng Hương ai cũng chịu là bài thơ hay lại gieo vần trắc rất ác nên bằng lòng tha tội.

Hiện nay ở Sài Gòn vẫn còn có con đường mang tên ông: Học Lạc.
Trở lại với tài tiên tri của Học Lạc, người viết xin đan cử ba bài sấm ký sau đây để làm đề tài “Đố vui có thưởng” gửi đến quí vị ngẫm chơi trong ba ngày Tết tha phương, nhớ nhà buồn thúi cái “khúc ruột ngàn dặm”.

Bài 1.

Con Tôm

Chẳng phải vương công chẳng phải hầu
Học đòi đái kiếm lại mang râu
Khoe khoang mắt đỏ trong dòng bích
Chẳng biết mình va cứt lộn đầu…

Bài 2.

Chó chết trôi

Sống thời bắt thỏ, thỏ kêu rêu
Thác thả dòng sông xác nổi phều
Vằn vện sắc còn phơi lẩn dẩn
Thốt tha danh hỡi nổi lêu bêu
Tới lui bịn rin bầy tôm...
Users browsing this topic
Guest (2)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.