Rank: Advanced Member
Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 9,291 Points: 11,028
Thanks: 758 times Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
|
PHONG TỤC NGÀY TẾT
Ai cũng biết câu tục ngữ: "Có lửa mới có khói" mà tổ tiên đã nói sau biết bao suy niệm và kinh nghiệm dựa theo luật Càn Khôn của Trời Đất Vũ Trụ, đó là cái luật "giá sắc" tức luật "gieo gặt" hay "nhân quả" như mọi người đều biết. Để nói rằng phong tục tập quán của người mình, cũng là khói của hương thơm, là những điều hay ý đẹp mà mình phải đem áp dụng vào đời sống để thể hiện cái Tính con người, nên tổ tiên mới gọi là thuần phong mỹ tục. Vì không có gì trong vũ trụ thoát ra khỏi cái Thường Hằng siêu việt mà người ta còn gọi là Vô Cực, Vô Thường, Hư Vô, Hư Linh, hay là Như Lai, là Diệu Hữu, là Chúa, là Thượng Đế,... hay là KHÔNG, là ĐẠO. Vì như tổ tiên đã nói: "Đạo là Đạo (mà mình) không thể xa lìa giây phút" (Đạo dã giả bất khả tu du ly dã). Vì Đạo là Không Thể diễn tả, vì là siêu việt vượt khỏi sức tưởng tượng của lý trí; nhưng lại chứa đựng cả vũ trụ và nếu phải định cái nghĩa thì chỉ có thể nói được là "một âm một dương" như câu: "nhất âm nhất dương chi vị Đạo"(H.T.), và đó là chân lý nền tảng của mọi biến dịch của thiên địa vũ trụ vạn vật, nên không có gì thoát khỏi Đạo. Vì vậy mà văn hoá dân tộc với phong tục tập quán đều phát xuất từ gốc Đạo và cái phong tục mà người mình vẫn giữ đến nay trong đời sống vào những dịp lễ gia tiên: quan, hôn, tang, tế, cũng như vào dịp các lễ Tết, đó là mâm "ngũ quả". Ngày nay, qua kỹ thuật thời đại với phương tiện truyền tin toàn cầu (internet), nghĩa là chưa tới một giây thì tin tức ở VN đã qua tới Mỹ và đi khắp thế giới, vì vậy mà "văn hoá cội nguồn" đã trở thành "văn hoá toàn cầu" nghĩa là khỏi cần "thận tư", tức là khỏi cần suy nghĩ: đọc sao hiểu vậy, nghe sao nói vậy, sai bậy không màn, miễn sao là mình biết tin tức để cho mình biết cách cư xử giống người ta cho mình khỏi bị cười chê ! Với "văn hoá toàn cầu" thì ý nghĩa về phong tục tập quán cũng đã được toàn cầu hoá theo kiểu hứng chí "xuất khẩu thành văn", mà đâu biết "văn" là nhân, là cội, là nguồn để "hoá" thành "nhân". Cho nên "văn hoá toàn cầu" có thể nói là văn hoá kiểu "google" với "wikipédia" nên cứ tưởng những gì tìm thấy trên internet là đúng, nhất là khi có người thêm vào những chữ để cho đúng thêm như: thừa thãi, lỗi thời, lạc hậu, hủ tục, phong kiến,... thì làm sao mà không đúng được, nếu khi mình không có nền tảng để thận tư ? Nên mình mới nông cạn để tin theo suy luận tưởng tượng của lý trí rồi cứ tưởng thiệt cắm đầu đi "copy & paste"(copier & coller), vô mục văn hoá của trang web mình hay của diễn đàn người Việt, để cho bà con hiểu biết mà thật ra chính mình có hiểu biết gì đâu ! Vì vậy mà "văn hoá toàn cầu" có thể nói là như "mì ăn liền" còn gọi là "mì gói", mà mì gói thì có đủ vị, đủ loại, đủ hiệu... và được đặc biệt sản xuất tứ tung ở Á châu từ Tàu, Nhật, Ấn, Thái, Hàn, Đài (Loan), Hồng (Kông), Việt (Nam),... Tương tự, ý nghĩa văn hoá cội nguồn với phong tục tập quán Việt Nam cũng được diễn giải đủ kiểu bởi trí thức vong bản, giống như là biến chế mì ăn liền vậy ! Để dẫn chứng cho điều tôi vừa nói, sau đây là một trong những ví dụ về "mâm ngũ quả" được cắt nghĩa theo "văn hoá toàn cầu": Mâm Ngũ Quả Mỗi năm, cứ vào dịp Tết Nguyên đán, trên bàn thờ mọi gia đình người Việt đều bày mâm ngũ quả. Với màu sắc rực rỡ, hình dáng độc đáo cùng những ý nghĩa sâu xa, mâm ngũ quả làm cho ngày Tết sinh động hơn, thiêng liêng hơn... Theo quan niệm của người phương Đông xưa, thế giới được tạo nên từ 5 bản nguyên - gọi là "ngũ hành": kim (kim loại), mộc (gỗ), thuỷ (nước), hoả (lửa), thổ (đất). Tư tưởng cùng hình ảnh "ngũ hành" xâm nhập sâu sắc vào đời sống văn hoá vật chất và tinh thần của các dân tộc phương Đông với rất nhiều biểu hiện - một trong số đó là tục lệ thờ mâm ngũ quả ngày Tết của người Việt Nam Mâm ngũ quả truyền thống của người Việt thường chỉ gồm 5 loại quả, được xếp kiểu hình tháp lên đĩa to hoặc mâm, đặt trên bàn thờ. Ngày nay, cuộc sống hiện đại cùng sự giao lưu phong tục làm cho mâm ngũ quả ít nhiều biến đổi: số quả có thể nhiều hơn 5, cách xếp tự do hơn, trang trí hoa lá, cắm nến để tạo ánh sáng, kết những dây đèn điện tử nhiều màu xung quanh... Tất cả các loại quả trong dịp Tết đều có thể đem bày: chuối, bưởi, phật thủ, dưa hấu, cam, quýt, dừa, na, trứng gà, hồng xiêm, táo v.v... Mỗi loại quả mang một ý nghĩa riêng: nải chuối, phật thủ như bàn tay che chở; bưởi, dưa hấu căng tròn, mát lành hứa hẹn năm mới đầy ngọt ngào, may mắn; hồng, quýt rực lên màu sắc mạnh mẽ, tượng trưng cho sự thành đạt... Mâm ngũ quả ở miền Bắc nhìn chung nhỏ hơn mâm ngũ quả ở miền Nam và không thể thiếu 3 loại quả: chuối, bưởi, quýt (hoặc cam). Mâm ngũ quả miền Nam thì khó có thể thiếu cặp dưa hấu và 4 loại quả: mãng cầu (na), dừa, đu đủ, xoài, bởi vì cầu - dừa - đủ - xoài theo tiếng người miền Nam có nghĩa là "cầu vừa đủ xài" - mong ước phổ biến nhất của họ trong năm mới ! Một số nhà lại bày thêm trên mâm ngũ quả bình thường một chùm sung và quả đu đủ với ngụ ý cầu mong cuộc sống gia đình sẽ luôn "đầy đủ, sung túc". Mâm ngũ quả làm cho quang cảnh Tết và không gian thờ cúng thêm ấm áp, rực rỡ mà hài hoà với màu xanh mát của dưa hấu, đỏ rực của hồng, nâu mịn của hồng xiêm, vàng tươi của bưởi, cam, dứa... Nó thể hiện sinh động ý nghĩa triết học - tín ngưỡng - thẩm mỹ ngày Tết cùng những ước vọng lạc quan mà mỗi gia đình mang theo khi bước vào năm mới. (http://www.dainam.net/forums/showthread.php?t=39870)
Những ý nghĩa mà mỗi người diễn tả theo mơ ước, sở thích, tình cảm hay tin tưởng của mình, nhân dịp đầu năm như "cầu vừa đủ xài" hay "đầy đủ, sung túc, tròn đầy",... thì nói chung đó là khát vọng hạnh phúc của mọi người chớ không chỉ vì "Tư tưởng cùng hình ảnh "ngũ hành" xâm nhập sâu sắc vào đời sống văn hoá vật chất và tinh thần của các dân tộc phương Đông với rất nhiều biểu hiện". Vì Ngũ Hành không phải là "tư tưởng hay hình ảnh với 5 bản nguyên: Kim, Mộc, Thủy, Hoả, Thổ, để tạo thành thế giới", mà là cơ cấu chân lý nền tảng của Minh Triết Việt tộc, còn gọi là Đạo. Vì Đạo như đã nói ở trên là Vô cực nhưng lại là Thái cực (vô cực nhi thái cực) sinh ra lưỡng nghi, là càn khôn, là trời đất, là thiên hạ, là âm dương, với âm là Không dương là Có, nghĩa là Không mà Có như ngôn ngữ mỗi ngày mà người Việt mình luôn nói trong câu để hỏi là "có không"(?) và đáp lại trong câu trả lời là "không có" (!). Đó là nền tảng âm dương của Đạo mà mình sống qua tiếng nói thường ngày, nhưng đâu có mấy ai nhận thức để mà ý thức Không là Có ?! "Xin xem lại bài Nét Song Trùng ở quyển Kinh Hùng để biết đó là nét đặc trưng của Việt lý, nó khó vô cùng: vì tính cách hàm hồ căn bản của nó là có-không, không-có. Nếu chỉ hẳn "có là có" như triết Tây, hoặc "không là không" như triết Ấn Độ thì là sự thường. Còn có mà lại không, không mà lại có thì chỉ thấy cách hệ thống nơi Việt tộc với nền siêu hình gọi là "Đạo Trống". Chữ Trống bao hàm cả Có lẫn Không, tức phải Có cái gì mới Không được: cái hang trống, cái nhà trống. Nói Đạo Trống phải hiểu là tâm trí phải được trống trơn không bận tâm đến những gì xảy ra tới hay nghĩ ngợi về những gì đã xảy ra. Đó là điều kiện rất tốt để đạt tâm linh. Nguyên Nho đã công thức nổi Đạo Trống trong hai chữ âm dương: âm là Không, dương là Có. Về sau Không và Có được mở rộng trong câu nói thời danh là "vô cực nhi thái cực" vô cực mà vẫn thái cực. Đó là dấu Nguyên Nho bảo tồn nổi tính chất hàm hồ của Việt Đạo. Hãy đọc lại câu sách trên sẽ rõ: "bất biến nhi chương, bất động nhi biến, Không, nhưng Không mà lại Có, vì Có mới chương ra được. Bất động là Không, nhưng lại biến được nên là Có. Vô vi là Không nhưng Không mà lại thành, nên là Có: vì Có mới Thành được chứ. Chính từ trong tư tưởng Có mà Không, Không mà Có này mà nảy ra câu ngạn ngữ "chân không diệu hữu", để sửa lại lối hiểu không là không có gì, mà phải hiểu rằng cái Có với Không đang nói đến ở đây phải hiểu trên đợt siêu hình tâm linh, chứ không được hiểu ở đợt hiện tượng, nơi đây có là có, không là không phân minh rành rọt. Cái có với không này mọi người đều biết và phải dùng hằng ngày trong cõi hữu hình. Muốn đạt "Có Không" kiểu siêu hình phải đi ngược chiều. Muốn Có lại phải đi tìm Không, tìm cho tới cái Chân Không mới trông đạt Diệu Hữu." (Kim-Định, trích tác phẩm "Trùng Phùng Đạo Nội") Vì vậy Một là thái cực mà cũng là (một) mình với Hai là âm dương, là càn khôn, là trời đất, nên Một với Hai mới là Ba (1+2=3), ở đây xin đừng hiểu theo nghĩa toán học với giá trị tuyệt đối mà phải hiểu với nghĩa huyền số, nghĩa là nghĩa siêu linh, tức một cũng là nghĩa hai ba bốn năm... hay là ngàn với vạn, vì là "vạn vật nhất thể". Cho nên cũng là nghĩa con Người với Trời và Đất là ba ngôi vị, còn gọi là Tam Tài mà là Nhất Thể. Nên từ nền tảng Âm Dương (2) với Tam Tài (3) mới thành ra Ngũ Hành (2+3=5). Chính từ gốc vũ trụ quan đó mà tiếng Việt mình nói "vài ba, lưỡng tham" còn Nho nói là "tham thiên lưỡng địa"; nên đem áp dụng Đạo vào đời qua ngôn ngữ, mới nói là "hai ba" thứ, hay thường nói là "vài ba" cái, nghĩa là nhiều hơn hai... Nên: "Ngũ hành thành bởi bộ số "vài ba, tham lưỡng". Số 2 là số đất đã rút nhỏ lại cho đỡ duy vật: từ 4 rút xuống 2, còn gọi là vài để chỉ sự biến hóa hầu gảy ra ngoài vũ trụ quan cố định (fixisme). Số 3 Nhân chủ là nhờ con người có nhân chủ tính mới giữ được hai thái cực như trời cao đất thấp. Nhờ đó người có thể và phải giữ vai trò chủ nhân ông trong tiểu thiên địa của mình, thì mới đáng lên bậc là một Tài trong Tam Tài. Trời là vua, Đất là vua, thì rồi Người cũng phải là vua. Phải như sách Trung Dung (câu 10) nói "trung lập nhi bất ỷ" là tự lực không được ỷ lại vào đâu. Số 5 là tâm linh ở tại việc đưa linh thiêng xưa kia vốn ở ngoài con người để đem đặt cả vào lòng mình gọi là "thiên lý tại nhân tâm", biến con người thành thần linh "homo homini deus" người là thần linh cho người (chống homo homini lupus: người là chó sói cho người). Đem chữ Lễ vốn dành riêng cho Thượng Đế áp dụng vào cả con người nữa: khi sống cũng như khi chết: sống là hai lễ quan, hôn, chết là hai lễ tang, tế gọi gọn là lễ gia tiên. Thành thử chọn Trời cũng là Con Người, chọn Người cũng là chọn Trời. Bởi thế bên Việt Nho không có vấn đề hữu thần với vô thần."(Kim-Định, trích TPĐN) Vì vậy Ngũ Hành là cơ cấu của triết lý nhân sinh với quan niệm con người là trung tâm của vũ trụ (vũ trụ chi tâm) không phải theo nghĩa "tôi" (ego) là cái rốn của vũ trụ, mà phải hiểu với nghĩa hai chiều đó là Tâm tôi là của vũ trụ và vũ trụ là Tâm tôi (ngô tâm tiện thị vũ trụ). Hay nói cách khác nếu không có tôi thì làm sao có vũ trụ (của tôi) và nếu không có vũ trụ thì làm sao có tôi ? "Bởi thế Lục tượng Sơn là một Việt Nho mới nói. "Ngô tâm tiện thị vũ trụ". Xin đừng coi đó là một câu văn chương sáo ngữ, nói lên để tự quan trọng hóa mình; nhưng cần phải hiểu những hệ quả của nó, tức là với quan niệm này, con người coi muôn vật đều bắt rễ nguồn nơi mình "vạn vật giai bị ư ngã" như thế có nghĩa ta lớn vật nhỏ, nên ta mới chứa nổi chúng. Nếu con người đã lớn hơn sự vật thì con người cần sai sử sự vật, bắt sự vật phụng sự mình, nếu để mình bị vật sai sử là tiểu nhân (Đại nhân sử vật, tiểu nhân sử sự vật - Tuân Tử). Quan niệm người sai sử vật là hệ luận của quan niệm Nhân chủ mà hậu quả lớn hơn hết là tâm trạng vui sống và tổ chức cuộc đời có sinh thú tao nhã. Sinh thú nói đây phải hiểu tự thấp lên cao, từ sinh lý đến tâm thức. Vì "vũ trụ tiện thị ngô tâm" nên nếu điều hợp được tâm tình tức là vũ trụ có hướng. Đời sống cũng vì đấy mà có hướng, là cái gây nên cảnh vui sống. Đó là nét đặc trưng nhất trong nền văn minh Việt nho. Đặc trưng và sâu đậm đến nỗi tuy là miền bị cái nghèo dày vò nhất mà cũng không phá nổi cái "lạc thú ở đời". Tất nhiên đây nói về vũ trụ quan truyền thống của tiên tổ chúng ta. Còn hiện nay thì người Viễn Đông đang bị xâm chiếm bởi những ý hệ coi đời là vô nghĩa, đầy phi lý… làm bằng khắc khoải lo âu, tâm thần bất an, cám cảnh với cái sống thừa mứa không nơi trú ngụ, không chốn hướng về… Những cảm nghĩ về đời sống đen tối kiểu đó, những quan niệm về con người ti tiện nhỏ nhen đó dù mang tên bất cứ ý hệ nào thì đều bắt nguồn từ quan niệm không gian thời gian đứng độc lập bên ngoài sự vật, kể cả con người. Lẽ tất nhiên vì bị chứa đựng nên con người trở thành bé nhỏ hơn không thời và bị không thời đóng cũi. Và như thế là bị khuôn đúc theo mô dạng (forme) của sự vật, hoặc nói như nhóm "cơ cấu luận" ngày nay thì "không phải tôi nói, nhưng là sự vật nói qua tôi" (je ne parle pas, je suis parlé). Nói khác đi tôi là bồi cho sự vật bởi vì khi dùng óc điện tử thí dụ để suy nghĩ thay cho con người thì con người chỉ còn việc thu nhặt tài liệu, làm các thống kê đưa nạp cho máy và ngồi chờ kết luận. Lý luận máy kiểu đó có thể hay cho việc làm cơ khí xây nhà lập xưởng buôn, nhưng đem áp dụng cho tình người là đẩy xa thêm đà nô lệ, làm sâu đậm thêm thảm trạng con người bị vong thân." (Kim-Định, trích tác phẩm Chữ Thời) Từ vũ trụ quan với chân lý nền tảng bất dịch (âm dương) nhưng biến dịch với cơ cấu tam tài và ngũ hành, đó là triết lý Nhân của Đạo, nên khi áp dụng vào đời sống (sinh) con người thì phải cho thành quả, là ý nghĩa của thành Nhân. Cho nên mâm "ngũ quả" phải có trên bàn thờ gia tiên vào mọi dịp Lễ Tết là để nhắc cho mình và mọi người trong gia đình cái nghĩa "khắc kỷ phục lễ" đó. Vì Lễ không phải là nghĩa lễ lạy để cầu xin khấn vái, cho an khang thịnh vượng với hạnh phúc tràn đầy, vì khấn xin gì nữa khi Trời Đất đã phú cho mình cái Tính bản nhiên với Thiên Mệnh rồi, nghĩa mình cũng là Trời Đất với "đầu đội Trời chân đạp Đất" rồi, có cả vũ trụ cho mình rồi còn đòi gì nữa ?! Nên nếu mình còn khấn còn xin thì là tại mình không có Tính vì mình không biết Tính, nên mình chưa phải (là) Tài mà mình chỉ là tài phiệt, tài xế, tài xỉu... chớ không phải là tài nghệ với tài đức, tài ba (trí-nhân-dũng). Nên "Lễ" phải hiểu với nghĩa "tế tự" là nghĩa quy tâm để nhận thức và ý thức cái đức Nhân nơi mình để tự kính, tự trọng, tự chủ để làm cho lớn cái đức Nhân mà đem lòng thương yêu mọi người. Đó là cái đích tối cao của Lễ vì: "Giáo dân tương ái, thượng hạ dụng tình, lễ chi chí dã" (Kinh Lễ 21.3), hay nói cách khác Lễ nghĩa là có ý cho dân biết hỗ tương yêu quý nhau, trên dưới dụng tình hơn lý. Ngoài ra những phong tục như đón giao thừa, trồng cây nêu, đốt pháo, mừng tuổi, lì xì, xuất hành, xông đất,... thì tôi thiết tưởng từ nay mọi người có thể tự suy diễn thêm ra theo ý nghĩa nền tảng và cơ cấu của Đạo vừa nói trên, là ý nghĩa Thái Hoà với sự tương giao, thông hiệp, hoà đồng tiết nhịp giữa con người với vũ trụ vạn vật (thiên địa vị yên, vạn vật dục yên). Nên tất cả hành động phải đều quy về đối tượng và cứu cánh là con người với vũ trụ là Một, chớ không có chuyện bái vật với khấn lạy thần linh và cúng vái bất cứ thần nào, hay là xua tà ma đuổi quỷ nào hết; vì Minh Triết xây trên con người lấy minh Tâm làm đường đi, lấy thành Tính làm chỗ đến là đã vượt qua giai đoạn bái vật và ý hệ, nên cũng là gọi là Đạo, tức là phải: "chu tri hồ vạn vật nhi đạo tế thiên hạ, cố bất quá": biết vạn vật đến chỗ tròn đầy thì mới là con đường tế thế mà không rơi vào quá đáng. Nên Đạo mới là thuốc cứu, là ngải, là bùa cho con người vượt lên khỏi những tư tưởng mê tín dị đoan làm ngãng bước tiến hoá mà tận cùng là nhân tính tức là tiến đến chỗ làm con người cho hết các chiều kích của người để đáng gọi là "nhân linh ư vạn vật". Vì vậy mà tôi mới nói những diễn giải ý nghĩa văn hoá phong tục theo dư luận tin tưởng của quần chúng với suy luận biện chứng của lý trí là văn hoá "mì ăn liền", nghĩa là muốn nói sao nói thì đó chỉ là chân lý đúng với, chân lý của... hay còn gọi là chân lý đối tượng. Vì là chân lý là Chân Không, nghĩa là "Không Có" gì hết, không có đối với cũng không có đối tượng.
Đón Giao Thừa Chữ Giao viết với bộ thủ chữ Hán là (âm) Hào (như 2 dấu nhân, trên nhỏ dưới lớn) tức là "giao nhau" theo nghĩa câu trong Kinh Dịch: "Thiên địa giao nhi vạn vật thông, thượng hạ giao nhi kỳ chí đồng", nghĩa là "Trời đất giao mà vạn vật thông, trên dưới giao mà chí giống nhau". Giao ở đây cũng có nghĩa là khoảng trước và sau giao tiếp với nhau, tức là thời điểm cũ và mới giao tiếp nhau để nối tiếp (nghĩa chữ thừa) việc "sinh sinh hóa hóa" của trời đất vũ trụ vạn vật. Chớ không phải là nghĩa giao lại năm cũ rồi tiếp (thừa) nhận năm mới, thì đó mới chỉ là nghĩa ở vòng ngoài theo lý trí con người, chứ Trời Đất nào đâu có cũ với mới, có đầu với đuôi, có năm với tháng,… nghĩa là "vô thủy vô chung": không có đầu không có cuối. Nên ở đây phải hiểu với nghĩa con người là Giao của chỉ Trời đức Đất để thành hình Người, rồi tiếp tục biến đổi và sinh hóa theo luật biến dịch và bất dịch của Trời Đất, bằng cách hành (động) nghĩa là tài tác với tài đức cho tài nghệ. Vì chữ Thừa cũng được viết với bộ thủ (tay) ở giữa, là nghĩa con người muốn tài tác thì phải dùng tới tay và tất cả động tác để thành công đều do tay làm ra, và như vậy mới là tài. Vì ý nghĩa (tương) Giao này là nền tảng của Đạo Trời, như bài thơ sông Tương sau đây : Sông Tương chảy hai chiều Quân tại Tương giang đầu Thiếp tại Tương giang vĩ Tương tư bất tương kiến Đồng ẩm Tương giang thủy.
Hình ảnh sông Tương nói lên ý nghĩa tương giao hai chiều của vạn sự và vạn vật trong trời đất. Như Quân là chàng ở đầu sông, và Thiếp là nàng ở cuối sông. Chàng và nàng nhớ (nghĩ đến) nhau nhưng không thấy mặt nhau, mà lại cùng nhau uống nước giòng sông Tương. Chàng và Nàng ở đây là Âm Dương, là lưỡng cực, lưỡng nghi, là con Người với Trời Đất Vũ Trụ, nhớ nhau nhưng không thấy nhau, tức là con người từ khi hiện hữu đến lúc tan biến, luôn đi tìm về với nhau để cùng nhau uống nước, tức để sống với nhau, là ý nghĩa con người với Trời Đất là tương đồng, tương xứng,... nên cần có nhau để tương giao hoà hợp. Vì sông là Nước, "Thủy vi vạn vật chi nguyên": Nước là nguyên thủy của vạn vật... Tương là tương giao, tương sinh, tương đối, tương khắc, tương đồng, tương hợp, tương kiến, tương tư,… và ý nghĩa đó cũng đã thể hiện vào đời sống của Việt tộc từ ngàn xưa qua ca dao như : Miếng trầu là nghĩa tương giao. Muốn chờ đây đấy duyên vào hợp duyên. hay : Đôi ta là nợ là tình, Là duyên là kiếp đôi mình kết giao Em như hoa mận hoa đào Cái gì là nghĩa tương giao hỡi chàng hay : Bao giờ tài sắc tương giao Thì ta mở khóa động đào đón nhau
Tương tự, ý nghĩa Hành là tài tác với hai tay để xách nước, để bắt cá, đề hái dưa, hay để lạy, để xá… cũng đều được diễn tả một cách tài tình qua ca dao như : Đi ngang nhà má, Hai tay con xá, Hai cẳng con quì Lòng thương con má Xá gì thân con. hay Hai tay xách nước tưới trầu, Trầu bao nhiêu lá, dạ sầu bấy nhiêu. hay Chợ chiều nhiều khế ế chanh Nhiều con gái quá nên anh chàng ràng Chàng ràng bắt cá hai tay Cá kia sẩy mất, chim bay về rừng hay Hai tay cầm bốn trái dưa Trái ăn, trái để, trái đưa cho chàng Tay cầm cuốn sách bìa vàng Sách bao nhiêu chữ, dạ thương chàng bấy nhiêu
Và đó là nghĩa của "giao"… để cảm (giao cảm), để thông (giao thông), để đồng (đồng giao), để ước (giao ước), để hòa (giao hòa), để kết (giao kết), để hợp (giao hợp), để hoan (giao hoan), để tụ (giao tụ) về một điểm (giao điểm),… là Nhất Thể, là Thái Cực, là Tình Yêu, là Hạnh Phúc.
Cây nêu Là cây tre đã tỉa lá thường cao năm thước (ngũ hành) dựng thẳng đứng (nét dọc=trời) ở sân đất (nét ngang=đất) trước nhà hay đầu hè như ca dao còn nói:
Dựng nêu thì dựng đầu hè Để sân gieo cải, vãi mè ăn chung
ở trên chóp đầu cây thường gắn một vòng tròn để luồn sợi dây rồi treo những biểu tượng có ý nghĩa thông hiệp với Trời Đất lên như hình cá chép (ý nghĩa hoá rồng) cho ông Táo quy thiên (về Trời), hay lá ngải (và mời bạn chịu khó đọc tiếp phần trích dẫn dưới đây để hiểu ý nghĩa lá ngải là gì để đừng có tin kiểu u mê nữa thì chỉ là mê tín rồi phản loạn đi chê mỹ tục là hủ tục):
"Còn bên triết Việt Nho thì Thôi Vĩ rơi xuống hạng sâu đã được con rồng chở lên mặt hang rồi đi lấy được một vợ rất đẹp như Minh triết. Câu chuyện như sau: Một nàng tiên đánh vỡ bình, được Thôi Vĩ cởi áo đền thay cho. Tiên đền ơn cho Thôi Vĩ bằng cho một lá ngải bảo giữ cẩn thận vì chữa được bệnh nhục ảnh. Đến sau Vĩ bị người ta bắt để tế cho thần Xương Cuồng, trong khi đi trốn nhỡ chân rơi xuống một cái hang sâu không lên được, ở trong có một con rắn trắng dài trăm thước mỏ vàng miệng đỏ, vảy bạc, dưới cằm có một cái bướu thịt, trên trán có ba chữ "Vương tử xà" bò ra ăn thạch nhũ ngửa mặt thấy Vĩ thì muốn nuốt đi, Thôi Vĩ sợ quá quỳ xuống thưa: "thần bị nạn rơi xuống đây, đói bụng nên có ăn trộm vật, thực là có tội. Dưới cằm Vương có một cái nhọt, thần xin lấy ngải cứu lành. Bạch xà lập tức ngẩng đầu lên cho Vĩ cứu cái nhọt liền tiêu ngay, rắn khom mình bảo Vĩ cỡi lên lưng rồi bò ra khỏi hang để Vĩ lên bờ. Vĩ trở về lấy được vợ Tiên và được ban cho viên ngọc Long Toại, trở nên giàu sang… (xem chi tiết trong Việt Tỉnh, Lĩnh Nam). Câu chuyện đầy ý nghĩa và rất dễ đọc ra, chỉ cần ghi ít lời chú thích như sau: 1) Thôi Vĩ: Thôi là lớn mạnh. Chữ Vĩ làm liên tưởng đến cái gì tế vi, hoặc là đuôi tức cái gì cùng cực. Hai chữ Thôi Vĩ chỉ người chú ý đến cái tế vi, chú ý đến Đạo. Đạo là chỗ chí cực của vật (đạo vật chí cực). 2) Ngải cứu: ai cũng biết là một vị thuốc mà tự dạng lại gồm có chữ nghệ tức là nền tảng kinh Dịch và là hai nét Trời và Đất giao thoa. Có lẽ vì lá ngải là vị thuộc rất hay và có tính chất phổ biến nên người xưa đã viết cách cao trọng như vậy. Có điều chắc là từ rất lâu xưa đã có niềm tin rằng lá ngải hái lúc gà vừa gáy ngày mồng 5 tháng năm rồi cho vào cái túi treo trước cửa nhà thì tránh được sét đánh (Danses 532). Chúng ta dễ nhận thấy những tin tưởng dị đoan này có thể phát xuất do biểu tượng lá ngải là đất có số 2 gặp trời số 3 là 5 tức là tinh hoa của nền Minh triết nông nghiệp (bộ thảo) nhờ nó mà chữa được cái bệnh nhục ảnh. 3) Nhục ảnh: là những ý nghĩa tai hại che khuất lý trí không cho thấy sự thực, nó có hại một là cuồng tín gọi là Xương Cuồng và hai là như ý hệ, gọi là rơi xuống hang. 4) Thần Xương Cuồng: hay nữa là ý tưởng của lũ đông, tức những tin tưởng dị đoan, những vu tưởng, những ý nghĩ của lưu tục. 5) Rơi xuống hang: có thể chỉ những ý hệ hay cả những dư luận suy tưởng của lũ đông nó làm nên một thứ hang giam giữ tâm trí con người. Thôi Vĩ cũng tin theo như ai nhưng may mắn thóat được là nhờ có lá ngải và do đấy làm quen được với con rắn. 6) Con rắn: dài trăm thước mỏ vàng miệng đỏ là vật tổ Long của Bách Việt, có màu cờ của Si Vưu nền vàng có miếng tròn đỏ ở giữa. Đó cũng là cái Long đức của Kinh Dịch, ai hiểu được thì có thể cỡi sáu rồng mà đi lên trên đường tiến hóa tâm linh để đạt Minh Triết nói bóng là lấy được vợ và được ngọc Long Toại. Đó là câu truyện Việt Tỉnh, là một trang huyền sử của nước ta. Huyền sử kể truyện hôm qua để nói về hôm nay cũng như về mai hậu. Vì nó vượt thời gian nên đầy tính cách thời sự: nó nói tiên tri bi trạng nước ta hiện nay. Nhưng nó cũng là Việt Nho không bao giờ chịu thúc thủ, nên cũng chỉ luôn ra phương thuốc để chữa bệnh, bệnh là nhục ảnh, thuốc là ngải cứu tức Kinh Dịch. (Kim-Định, trích tác phẩm Dịch Kinh Linh Thể)
Đốt pháo Ai cũng tưởng đốt pháo là để xua đuổi tà ma quỷ ác để cho năm mới mình đừng bị ma nhập quỷ ám hay phá rối công chuyện của mình. Nói như vậy là ma quỷ bỏ chạy hết mỗi lần nghe tiếng pháo nổ, rồi khi nào hết pháo nổ thì ma quỷ trở về lại hay sao? Như vậy thì phải đốt pháo mỗi ngày như tụng kinh gỏ mõ mới đúng chứ ? Cũng có học giả cho rằng tiếng pháo nổ giống như tiếng sấm sét là để cầu Trời cho mưa xuống vào đầu mùa Xuân cho cây cỏ tươi phát khi đâm mầm nứt lá; nghĩa lý này nghe cũng tạm được đối với một dân tộc sống nghề nông nghiệp, nhưng theo tôi nó không có đượm ý nghĩa Thái Hoà. Vì với quan niệm con người là: Ở đâu mà chẳng biết ta Ta con ông Sấm, cháu bà Thiên Lôi Xưa kia ta ở trên Trời Đứt dây rơi xuống làm người thế gian (ca dao) nên khát vọng mà cũng là cứu cánh của con người là trở về với chính mình, tức là trở về nguồn như hình ảnh ông Táo quy thiên (hay E.T. go home), đó là ý nghĩa của "lá rụng về cội". Thì với tiếng pháo nổ như sấm chính là niềm vui và hạnh phúc khi nhận thức và ý thức được mình là con ông Sấm và cháu bà Thiên Lôi, tức con người là giao chỉ của đức Trời đức Đất, là Nhân với Tính Thiên Mệnh.
Vì chữ "pháo" qua chữ Hán viết với bộ thủ là Hỏa (ở trước) ghép với bộ "bao" là bao bọc (ở trên) với bộ "kỷ" (ở dưới) là thân mình, chứ không hẳn là bộ tiết là nghĩa dấu ấn, vì bộ "kỷ" với bộ "tiết" viết rất giống nhau, nên theo tôi chữ Pháo phải hiểu theo với nghĩa Nhân Tài. Nhưng tại sao pháo nổ mà là nghĩa nhân tài ?
Thưa, như trong bài "Ông Táo là ai" tôi đã cắt nghĩa chữ Hỏa được viết bằng chữ "nhân" với hai nét nhỏ hai bên (như hai tay), tức ý nghĩa con người là cái đức của trời đất, là giao điểm của âm dương, là nơi quỷ thần tụ hội, là cái khí tinh tế của ngũ hành.
Theo vật lý ai cũng biết là điện âm với điện dương ở một cường độ nào đó mà giao (chạm) nhau thì nổ như sấm sét, và đó là hiện tượng tự nhiên của thiên nhiên. Tương tự, Pháo là ý nghĩa con người như thuốc súng là Tính Khí của Trời và Năng Lực của Đất, được pha trộn với nhiều chất là Ngũ Hành, và được bao bọc bởi cái vỏ lốt người, để khi con người sống quy tâm, thành Đại Ngã, tức là làm sao cho đạo Trời đức Đất quy tụ nơi tâm mình, lòng mình để thành quả, thành hạt (nguyên tử, với nghĩa "nguyên con") là Nhân, là Đức (énergie spirituelle), là ngòi nổ (Hoả), thì sẽ cháy sáng và nổ tung với chiều kích vô biên, đó là Đại Ngã Tâm Linh. Sống được như vậy mới là Tài, là Đức, là Nghệ thì đúng là Nhân tài. Vì bản Tính mình giống sấm, giống pháo cho nên khoái "nổ"(!), nhưng tại vì mình chưa biết "khắc kỷ" để biến cái tiểu ngã của mình thành đại ngã để "nổ" như sấm với chiều kích vô biên, thì lại theo luật bù trừ nên mới đi làm pháo, làm bom, làm đạn để cho nổ đở ghiền…, nhưng quên mất là khói pháo làm cay mắt, mùi pháo làm ngộp thở… thì nói gì đến biết bao tang tóc… của bom đạn do con người chế tạo ra, thì cũng chỉ vì khoái "nổ" !
Mừng Tuổi (hay chúc Thọ).
Vì Tết là lễ sinh nhật của con người cùng với vũ trụ, là ý nghĩa Tam Tài với thiên-địa-nhân, nên nhân cũng là nhân tài là con người biết tài tác, với tài đức và tài nghệ, nghĩa là tự "sắp đặt" vũ trụ vạn vật để dành cho mình một chỗ đứng quan trọng. Đây là một quan niệm nhân sinh thuận lợi cho cuộc sống của con người, mà ngôi vị của con người được sánh ngang hàng với Trời Đất, nên mới gọi là Nhân Hoàng như Thiên Hoàng, Địa Hoàng, và trong vũ trụ con người lại giữ vai trò then chốt nên gọi là "vũ trụ chi tâm" (trái tim của vũ trụ). Và đó là nền tảng trong Nhân Chủ, và cũng là điều đã bị quên lãng, nên gọi là vong thân, tức là nói vong đi, quên mất, làm mất chiều kích vô biên đó của Tâm Linh.
Cho nên muốn "sắp đặt" vũ trụ con người phải "khắc kỷ phục lễ", tức phải quy tâm (sống nội tâm) để nhận thức ra chiều kích vô biên đó và ý thức mình cũng là tâm của vũ trụ, để nuôi dưỡng cho chiều kích đó lớn lên mãi, lớn tới cái mức của vũ trụ, để thành Đại Ngã tức thành Nhân, thành Thánh. Quan niệm này đã làm cho người mình được: "ăn với đất vui với trời" như câu "giao thực hồ địa, giao lạc hồ thiên", vì có "trời che đất chở" nên không phải lo lắng quá sức, mà chỉ lo hành không vì bắt buộc (cưỡng hành), nhưng là tài cho nghệ, cho hay mà không hề chờ được khen, được thưởng, được lợi (lợi hành), mà vì là chuyện đáng làm cho thỏa chí say mê vui thích (an hành). Đó là triết lý sống của Việt tộc mà triết gia Kim-Định đã khôi phục lại và đặt tên là triết lý An-Vi.
Nên với nhân sinh quan đó, con người là giao chỉ của đức Trời và đức Đất, nên Việt tộc mới thờ người (đạo ông bà), vì con người là Nhân, là Đức, là Tính của Trời Đất. Nên để biểu lộ Nhân Đức đó cách cụ thể thì phải sống hai đức Hiếu và Đễ, vì Hiếu là trọng cái nguồn gốc sự sống là Trời Đất, tức cha mẹ là những người đã truyền sinh cho mình, và Đễ là trọng kính sự sống nơi con người nào đã bảo toàn được sự sống lâu hơn mình, hầu để học hỏi kinh nghiệm sống. Cho nên ca dao đã có những câu rất hay để chỉ dạy cho mình cách sống cho Hiếu cho Đễ, như :
Thờ cha kính mẹ hết lòng Ấy là chữ Hiếu dạy con luân thường
Chữ Đễ nghĩa là chữ nhường Nhường anh nhường chị lại nhường người trên
Ghi lòng tạc dạ chớ quên Con em phải giữ lấy nền con em
Nên phong tục Mừng Tuổi hay chúc Thọ là để "Cung Kính", tức là để Trọng mình và Kính người. Vì "Tu kỳ dĩ kính. Tu kỷ dĩ an nhơn. Tu kỷ dĩ an bá tánh" (LN. XIV.45), nghĩa là: "Tu thân mình bằng lòng kính tôn người. Tu thân như thế là cách an hòa với người khác với mọi người." Do đó người quân tử phải "hành đốc kính"(LN. XV.5), nghĩa là phải hết lòng mở mang đức kính trong mình.
Lì Xì Còn "lì xì" là tiếng Hán nói trại ra từ chữ "lợi thị" với nghĩa là lợi lộc, tiền của, hay giàu có với sự mua bán đổi chác… vì người ta hay hiểu theo kiểu vật chất bề ngoài. Nhưng chữ "lợi thị" chữ "thị" ở đây viết với bộ thủ (âm) "kỳ" mà bộ kỳ là nghĩa thần đất, như vậy theo tôi phải hiểu theo nghĩa "thiên thời, địa lợi, nhân hòa", tức là nghĩa thuận lợi và tốt đẹp bền vững cho mọi chuyện (mỹ lợi), là nghĩa hòa hợp những cái thích nghi cân xứng ("lợi" là 1 trong 4 đức tính của quẻ Càn: nguyên, hanh, lợi, trinh), và đó là nghĩa may mắn mà người mình thường chúc cho nhau. Vì vậy bao lì xì luôn luôn là màu đỏ tức màu Hỏa, vì Hoả biểu tượng ánh sáng hoả châu soi cho "tâm thức" con người để biết đường sống Đạo. Nên người ta hay nói "số đỏ" là số hên, là số có lợi với ý nghĩa biết hoà hợp để thích nghi và tiến hoá, để thành Tài thành Nhân. Vì vậy mà giấy bạc (tiền) mới trong bao lì xì là ý nghĩa cầu chúc cho mình có "lợi" lộc trong năm mới.
Xuất Hành Như đã nói ở trên Đạo Việt không có mê tín vì tất cả đều phải Biết vì: "tri nhân tất tri thiên tri địa", nên nếu tin tưởng vào ý nghĩa xuất hành theo hướng, theo tuổi theo mạng là để đón thần tài, thần lộc, thần mộc, thần kim, thần hoả, thần thủy, thần thổ, thần may hay thần sầu đi nữa, thì đều là mê tín ! Nhưng phải hiểu "xuất hành" ở đây là ý nghĩa "suất Tính", tức là phải noi theo Tính thiên mệnh để mà sống Nhân Tính nghĩa là Hành. Như trên đã nói tức là Hành động mà không có đối tượng để tránh cho lòng khỏi chấp vào đâu cả, đặng thong thả tiến lên cõi Đạo là cái toàn thể bao la gồm cả Trời Đất Người chứ không quy hướng vào một đối vật bé nhỏ nào hết.
Xông Đất Xông đây là chữ Xung đọc trại, mà Xung (chữ Nho) viết với bộ "hành" có nghĩa là xông thẳng lên, dựng thẳng lên, xông ra, sấn thẳng vào, đụng vào, chạm vào, hướng về, con đường lớn thông ra chung quanh. Còn Xung viết với bộ "thủy" ghép với chữ "trung" là nghĩa trống rỗng, tức nghĩa Đạo là nghĩa hoà hợp sâu thẳm (chí trung hoà). Nên phong tục xông đất phải hiểu với nghĩa là mình phải quy về, hướng về, xông vào, sấn vào tận sâu thẳm để hoà hợp với vũ trụ, đó là nghĩa Chí Trung Hoà để đạt Thái Hoà với Trời Đất vạn vật. Nói một cách cụ thể nghĩa là phải mừng đón Chúa Xuân với hết ý tình chí để mình được An Vui Hạnh Phúc ở đây và ngay bây giờ. Chớ không phải chờ ai có phước đức hay mang tên phước đức, hạnh phúc, giàu sang để dậm đất nhà mình như vậy là xông đất đâu, thì đó rõ là dị đoan mê tín ! Còn nhiều thói tục khác trong ba ngày Tết như không quét nhà ra ngoài hay không đổ rác, vì sợ quanh năm tiền của ra khỏi nhà mất, hay không xách nước vì động giếng, không sát sinh, hay không la hét to tiếng, v.v... thì đó là những dị đoan mà người ta tưởng tượng rồi gán ghép không nền tảng. Nhưng thiệt ra tất cả những kiêng kỵ mà người ta bày vẽ ra trong ba ngày Tết đặc biệt là ngày mồng một cũng tự nhiên thôi, vì trong tiềm thức với sự kính trọng Nhân Tính mà Trời phú cho con người, bắt đầu ở tất cả những gì mới phát sinh (thiên sinh ư tý) từ nơi mỗi người đến toàn vạn vật. Vì vậy không nên quét nhà, đổ rác, xách nước, v.v... là để kính trọng mầm khí mới sinh của vạn vật vũ trụ mà con người cũng thuộc về; vì vậy mà mới nói là người quân tử phải "hành đốc kính"(LN. XV.5).
Đó là những ý nghĩa từ cội nguồn văn hoá và phong tục tập quán là phong cách và tập tục để sống Đạo làm người, nên còn gọi là mỹ tục và vì đã là mỹ tục thì không đời nào có thể biến thành hủ tục. Nhưng vì mình bị mất nguồn, mất gốc nên vong bản đâm ra vong thân rồi mới đi chê phong tục tập quán và cho là hủ tục, lỗi thời hay đị đoan mê tín thì tại vì mình u mê mà thôi. Nên tôi hy vọng từ nay mỗi người Việt mình nhận thức được cái dân tộc tính qua những phong tục ngày Tết, để sống ý thức với nhân tính bằng cách thông giao hoà hợp với Trời Đất trước bàn thờ gia tiên, nhân dịp Tết Nguyên Đán và cũng là lễ sinh nhật con người, để vui với Trời và ăn với Đất qua cái bánh chưng, bánh dầy, bánh tét,... bằng cách sống chia sẻ ý nghĩa này với con cháu cho vuông tròn, hầu mong cho một ngày gần đây, con cháu mình sẽ hãnh diện để trở về xây đắp lại quê hương trong tinh thần dân tộc đó là: Ta về ta tắm ao ta Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn (!)
Viết xong ngày 22/01/2009 (tức 27 tháng chạp năm Mậu Tý)
Tác giả...
|