Rank: Advanced Member
Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 9,291 Points: 11,028
Thanks: 758 times Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
|
SỬA SOẠN CHO BA NGÀY TẾT.
TRẦN VIẾT MINH THANH
Tết đối với một người Việt tha hương mang nhiều gợi nhớ, nhớ đêm giao thừa, pháo nổ đi đùng, nhớ khói nhang trên bàn thờ nghi ngút, nhớ vẻ trịnh trọng của cha mẹ, ông bà đứng thấp nhang khấn vái, nhớ đòn bánh chưng, bánh tét, phẩu dưa hành, nồi thịt kho, nồi canh hầm, nhớ sáng mồng Một được lì xì, nhớ cảnh gia đình hàng xóm, cả vợ chồng con cái đèo nhau trên xe honda, ai cũng quần áo mới toanh, khác thường ngày, nhớ lần chơi bầu cua, cá cọp trên hè phố bị lột hết tiền ... và nhiều nhiều nữa ... Nhưng có lẽ chúng ta nhớ nhất là không khí trước tết, từ những cửa hàng tràn ngập hoa quả, bánh mứt, đến vẻ rộn rịp, đông đúc của phố phường, chợ búa, cả thành phố tưng bừng đón xuân sang. Giờ đây tại hải ngoại, chúng ta cũng lần lượt có các thức ăn ngày Tết, gần như không thiếu thức gì, nhưng cái rộn ràng, nhộn nhịp, sửa soạn cho ba ngày Tết, có lẽ cái mà người Việt tha hương thiếu. Xin mời độc giả đi lại từ đầu (chớ đi vội về sau), của quá khứ ngày tết năm nào, bắt đầu từ tháng chạp, khi các sạp báo, tiệm sách bắt đầu bày bán báo xuân, và đài phát thanh đã ngân nga: "Anh cho em mùa xuân, nụ hoa vàng mới nở ...."
Nhà cửa
Trước tết cả tháng, thường hai vị chủ gia đình bàn bạc với nhau là có nên làm đẹp ngôi nhà không, có nghĩa là quét vôi lại mặt tiền nhà. Cũng tuỳ túi tiền cho phép, cứ độ vài năm ngôi nhà được thay lớp sơn mới, thường là vào dịp Xuân về. Tục lệ ngày xưa dùng vôi để trừ tà ma, vì vậy quét vôi nhà vào dịp tết không những để làm đẹp cho nhà, mà còn giữ một phong tục xưa nữa. Nếu trong xóm có một nhà quét vôi, thì hầu như mấy nhà chung quanh cũng theo đó sơn phết lại nhà mình, vì nom thấy nhà hàng xóm với lớp vôi mới trông sáng và khang trang hẳn ra.
Chuyện quét vôi làm gợi nhớ người viết một kỷ niệm trong xóm. Năm ấy có hai cu cậu choi choi trong xóm bị quỳ vị cái vụ quét vôi nhà. Số là nhà hai cu cậu này sát nhau, cả hai nhà cũng vừa mới quét vôi xong, hai cậu nghịch, xịt nước vào nhà nhau. Quét vôi sợ nhất trời mưa, vì lớp vôi chưa khô, tường sẽ loang lỗ khó coi vô cùng! Đàng này hai cậu xịt nước thì còn quá hơn trời mưa, vì có chỗ đậm, chỗ nhạt, chỗ lem, chỗ lết, coi rất khủng khiếp. Tối đó cả xóm nghe tiếng la rầm rầm của hai ông bố đi làm về, và sáng ra thấy hai cậu phá nhất xóm, quỳ trước hiên nhà, trong lúc hai ông thợ sơn đang kiên nhẫn phết lại hai ngôi nhà. Lũ con nít chúng tôi đợi hai ông bố đi làm, bèn lượn ngang nhà thè lưỡi trêu hai cậu.
Mứt
Tới thăm nhà ai cũng có hạt dưa đỏ và mấy thẩu mứt để đưa câu chuyện. Mứt tượng trưng cho sự ngọt ngào, vì thế mứt là một món phải có ngày đầu năm, không nhà nào thiếu khay đựng mứt xoay xoay, hoặc hai ba phẩu mứt để dọn khách. Các bà nội trợ khéo tay bỏ rất nhiều thì giờ vào mứt, thật sự là để phục vụ lũ con nít trong nhà hơn là khách khứa tới nhà. Nhiều loại mứt được chuộng vì cái tên của nói, nghe rất hên cho năm mới, mứt thơm chẳng hạn, mọi chuyện thơm tho đẹp đẽ, mứt dừa, tiền bạc vào “dừa dặn”..., mứt mãn cầu, cầu cho mọi chuyện suông sẻ, mứt đậu xanh - đậu và màu xanh tươi mát, cho nhà có học trò đi thi, được thi đỗ, quả hồng - màu hồng cũng như màu đỏ là màu hên.
Thật là một niềm thú vị được xem mẹ làm mứt. Có loại mứt làm giản dị nhưng có loại phải chuẩn bị công phu! Mẹ tôi hay làm mứt gừng, mứt thơm, mứt rối, mứt dừa, mứt hạt sen, mứt đu đủ, mứt kim quất, mứt cà chua, mứt cà rốt ... Tôi thèm các mứt mà nhà không thường làm, như mứt mãn cầu, xoài, me, chùm ruột...v.v., các món mứt miền Nam, mẹ tôi không rành. Mứt thơm rất ngọt, vì thơm đã ngọt sẳn rồi, mẹ tôi hay làm loại ướt, tức mứt thơm dẻo, chứ không phải như mứt thơm khô bán ngoài tiệm. Mứt cà chua, bà cũng làm loại ướt, cà chua ra màu đỏ chót nên trông bắt mắt vô cùng, nhưng lúc ăn hơi phiền phứt, phải cho vào đĩa, còn lũ con nít, chỉ thích mở phẩu, nhót miếng mứt vào miệng thôi. Mứt dừa dễ làm nhất. Dừa cạo ra, cắt từng lát mỏng, và chỉ việc bỏ đường vào, xào tới xào lui, cho đến khô, thì được. Dừa thuộc loại cứng nên không sợ gãy, thành ra tôi chuyên môn được mẹ giao cho song mứt dừa, tay làm nhưng mắt láo liêng nhìn sang mẹ đang làm món mứt công phu khác, chốc chốc lại bị nhắc chừng: “Coi, không thôi cháy!". Cứ năm phút, con bé lại dừng tay hỏi mẹ: “Mẹ, như ri được chưa?" .
Mừt gừng làm rất công phu, một loại mứt mẹ tôi làm đến mức tuyệt hảo. Tại hải ngoại, tôi chỉ được biết một, hai bà cụ người Huế còn làm được mứt gừng đúng cách "thanh tao" của đất Thần Kinh. Gừng phải lựa củ lớn, xắt lát lớn và mỏng, ngâm trong nước chanh, sau đó vớt ra phơi khô ngoài nắng thì gừng mới trắng. Khi gừng khô ráo thì bỏ gừng vào nồi luộc, rồi xả nước để cho gừng bớt cay, sau đó mới bỏ đường vào rim. Rim mứt, động từ diễn tả cách nấu mứt với lửa thật nhỏ, không thì mứt cháy . Rim mứt gừng nói lên sự nhẫn nại của bà nội trợ, từ từ đẩy gừng lên hai bên thành của nồi, chính giữa tạo thành một cái giếng bé trong có nước đường, và cứ thế múc nước đường rưới lên các lát gừng chồng chất hai bên thành. Khi nước đường bắt đầu cạn, cầm cả thau xóc lên, cho gừng rời ra, và khô đều . Đó là cách mẹ tôi làm mứt gừng. Còn có cách khác, thì khi trông gừng gần khô, vội vàng đổ gừng ra khay, và nhanh tay gỡ từng lát gừng ra, trải thẳng để gừng đừng bị cong . Lát mứt gừng vì mỏng nên khi ăn có vị cay vừa phải, ngọt ngọt, thanh thanh. Lát gừng dầy quá, ăn rất nồng, không ngon. Ăn phải cắn từng miếng nhỏ, với tách trà sen, mới đúng cách. Tuyệt vời lắm!
Mứt kim quất cũng là loại mứt ướt, nếu làm cho khéo thì ra quả vàng ngậy, ngọt cộng thêm vị chát đặc biệt của quất, các cụ chuộng lắm, vì còn thông cổ nữa! Mứt sen cũng được mẹ tôi trân quý, vì sen phải nhờ người gởi từ Huế vô mới được loại sen mềm, khi ngào đường sẽ không bị cứng. Mứt sen để cúng bàn thờ Phật trước khi thỉnh xuống ăn. Mứt rối là mứt mà lũ con nít chúng tôi khoái nhất vì dễ ăn. Mọi thứ phải được cắt nhỏ, nào là cà rốt, gừng, kim quất, thơm ... hòa với đường ướt ướt, vị ngọt lẫn chua, cay, mọi thứ hoà lẫn với nhau, nên có cái tên mứt rối, có những nơi khác gọi là mứt dẻo .. Năm nào mẹ tôi cũng phải dấu bớt đi, không thì lũ chúng tôi thanh toán xong trước ngày Tết.
Nấu bánh chưng
Trong văn chương, nồi bánh chưng được tả là nấu vào đêm ba mươi, người trong nhà quay quần chung quanh nồi bánh chưng, và nghe kể chuyện xưa, đợi đón giao thừa, thật là một cảnh thú vị! Trong thực tế, ít ai nấu bánh chưng trong đêm ba mươi. Bánh thường được nấu trước ít nhất là ba, bốn ngày trước, không thì một tuần hoặc mười ngày vì còn phải “đi sêu tết” bà con, bạn bè và các quan trên trong hãng nữa. Trừ các tiệm nấu bánh chưng sớm, vì phục vụ rất nhiều khách hàng, các bà nội trợ tránh nấu bánh sớm, sợ tới ngày Tết bánh hơi cũ, không được ngon.
Mấy ngày trước ngày dự định nấu bánh, các bà nội trợ đi chợ lựa mua lạt, nếp, đậu xanh, lá chuối, thịt heo. Một ngày trước khi gói bánh, mọi thứ phải được chuẩn bị cẩn thận. Lạt và lá chuối phải được ngâm nước, sáng sớm mai, lạt mới mềm và dễ vót. Lạt dùng để cột bánh. Lá chuối phải tước theo cọng của lá, thành những mảnh lá chuối lớn nhỏ, miếng nhỏ dùng để xếp vào lớp trong, chồng xéo lên nhau, miếng lớn dùng để gói ra ngoài. Đậu xanh, nếp ngâm đêm qua, phải được đổ ra cho ráo nước. Người Bắc thường nấu đậu xanh, giã nhỏ rồi mới gói chung với bánh. Theo cách của mệ nội của mẹ tôi, đậu chỉ cần ngâm qua đêm, mệ nói, nấu như vậy giữ mới lâu, khó thiêu. Có nhà người Nam còn ngâm nếp với nước dừa, đòn bánh chưng béo và thơm mùi nước dừa. Thịt heo xắt từng miếng dài có mỡ, nạc, dày vừa phải. Có nhà ngâm thịt với nước mắm, có nhà chỉ ngâm muối, tiêu, hành thôi.
Tôi còn nhớ như in hình ảnh mẹ tôi và các chị người làm ngồi gói bánh trên phản lớn trong phòng giữa của nhà. Chung quanh họ nào là những rá đựng nếp trắng, đậu vàng, nào là chậu thịt heo hồng tươi với từng khúc mỡ trắng, rồi lá chuối xanh, dây lạt dài một sải tay ... Thật là một cảnh vui mắt, làm nao nức lũ trẻ chúng tôi! Người thì tuốt lạt, kẻ thì chùi lá, chất thành chồng, cho tiện tay người gói bánh. Thường người gói bánh dùng khuôn để bánh thành hình vuông, trông mới đẹp mắt . Đòn bánh tét thì phải dài và tròn trịa. Bánh gói xong, buộc bằng lạt vài vòng cho bánh khỏi bung. Bánh được nấu trong một nồi lớn, cao và to xấp ba, bốn nồi thường ngày dùng nấu xúp. Nồi bánh đặt trong vườn nhà trên cái lò có ba viên đá chụm lại, củi lửa về đêm tí tách thật vui mắt. Ban đêm, trời hơi lành lạnh, cả nhà thay phiên nhau ra canh nồi bánh, xem chừng nước vơi, đổ đầy thêm nước vào, chụm thêm củi, cho bánh chín, đều. Lũ trẻ chúng tôi nhất định không chịu đi ngủ, ngồi chong mắt nghe các cô chú kể chuyện cổ tích, rồi xay qua chuyện ma, đợi tới giờ vớt bánh ra. Đứa nào đi ngủ trước thì mất cái thú xem vớt bánh.
Hoa
Ngày Tết phải có hoa, cây, nhà trông mới vui mắt . Bàn thờ Phật thường có bình hoa Huệ, bàn thờ ông bà là hoa glaieul (Lai Ơn đỏ), ngoài hiên nhà được trang hoàng với cặp cúc đại đóa, cây kim quất, trái vàng nho nhỏ thật xinh, trên bàn ăn là hoa thủy tiên cánh trắng, nhụy vàng, hương tỏa nhẹ nhàng, hay cây lan hồ điệp tím trang nhã. Nơi huy hoàng đẹp đẽ nhất của căn phòng khách phải được ngự trị bởi chậu mai vàng rực rỡ, hay cây đào màu hồng phấn nhẹ nhàng. Tôi nhớ có năm ba tôi được ông bạn biếu một cành đào từ Đà Lạt về, cành cây dáng thật thanh nhã, màu hồng phơn phớt. Từ dạo đó tôi yêu dáng dấp cây đào, tuy hoa anh đào không rực rỡ bằng hoa mai nhưng lại mang vẻ đẹp đẹp nhè nhẹ, tựa như dáng tố nữ mảnh khảnh, thanh tú, sang cả. Chợ hoa cũng là một nơi được nhiều viếng nhất, các bác bỏ rất nhiều thời giờ để lựa một cành mai, cành đào về chưng diện nhà cửa, còn các cô các cậu chỉ có việc đi lo ngắm hoa và ngắm nhau. Không nơi nào rực rỡ nhiều màu sắc bằng chợ hoa.
Dưa món
Dưa món phải được sửa soạn từ cả tháng trước. Làm một phẩu dưa món ngon rất tốn công và cần sự khéo léo của người nội trợ. Nấu nước mắm ngâm dưa là một công trình! Nước mắm không được sánh, đặc quá, mà cũng không được lỏng, dưa món mới để lâu được. Ngoài ra người nội trợ còn phải canh ánh nắng mặt trời. Vào tháng chạp ta, trời hay âm u, xam xám, ít nắng, mà dưa món cần phải được phơi nắng, khô queo mới dễ thấm, thành ra mọi thứ phải được cắt, tỉa sơm sớm, để còn phơi cho kịp chàng nắng. Phẩu dưa món thường có cà-rốt, củ cải trắng, su hào xanh, vỏ dưa leo với một tí thịt trắng, ớt đỏ, củ kiệu ... Tất cả được cắt lát mỏng, nhưng không được quá mỏng, tỉa hoa cho đẹp, cũng là để dễ thấm nước mắm, sau đó trải ra phơi nắng trên những cái mẹt hay mâm. Có khi phải phơi hai ngày để nó thật teo khô, rồi mới đổ nước mắm nấu vào. Các thứ dưa từ từ nở dần ra, chen chúc trong một cái phẩu. Một phẩu dưa món ngon, nhìn là đã thấy ngon mắt rồi. Nước mắm trong vắt, chen lẫn với nhau nào là củ cải trắng, cà rốt đỏ, dưa xanh, mấy quả ớt nho nhỏ, đỏ xanh, cắn vào một miếng tận hưởng chất dòn dòn, mằn mặn, ngọt ngọt. Dưa món dùng để ăn với bánh chưng, bánh tét.
Các bà nội trợ còn làm các món dưa chua khác, như cải bẹ xanh chua, củ kiệu, hành hương. Ôi nhớ làm sao thẩu hành hương màu hồng, ngâm dấm, qua bàn tay khéo léo của mẹ, ăn mới dòn, chua chua, ngọt ngọt, ngon biết bao ... Cái vị đặc biệt đó mấy chục năm về trước, nằm trong trí nhớ, trên đầu lưỡi, mà tới bây giờ người viết chưa được thưởng thức lại ...
Báo xuân
À, à, báo xuân ... Không phải tục lệ từ ngàn năm, nhưng cũng là một dấu hiệu của xuân sang, thời miền Nam rộn ràng với muôn hoa đua nở trong làng báo. Từ khi người viết lớn lên, và biết đọc, mỗi khi báo xuân muôn màu sắc xuất hiện trên các sạp báo, trong các cửa tiệm sách, thì đó là một trong những hình ảnh nhắc nhở xuân đã về, dù ngoài trời nắng chang chang, không có mưa phùn bay bay. Tờ báo xuân ngày nào thường lớn hơn tờ tuần báo thường ngày, đẹp rực rỡ với hình cây mai, có treo túi lì xì màu đỏ, với phong pháo dài, ngòi đang cháy, có em bé bận áo dài, khăn đóng, có cụ đồ già ngồi viết câu đối, hay có hình nữ tài tử Thẩm Thúy Hằng xinh như mộng, tươi như hoa, hay nữ tài tử Kiều Chinh, các tài tử cải lương Thanh Nga, Bạch Tuyết, và sau này là ca sĩ Thanh Lan ...Mua báo xuân đọc là cái thú của những ngày trước tết, vì báo thường có nhiều bài vở lý thú hơn, những câu chuyện đặc biệt cho con giáp của năm đó. Các anh chị trung học lại lo làm báo học trò, thi đua viết lách, vì vậy đang tuổi học trò chờ đợi đọc báo xuân, là một thú vị của những ngày trước Tết.
Cúng ông Táo
23 tháng chạp đưa ông Táo về Trời. Cúng ông Táo là tục lệ xưa lắc, người ta còn giữ như là một tục lệ cho vui, không mấy ai tin là ông Táo về mách lẻo chuyện góc bếp cho Thiên Đình nữa. Cúng ông Táo chỉ cần nhang, đèn, hoa quả và để gần bếp. Có nhà cúng với cá chép nữa, nhưng thời đại sau này tục lệ được giảm bớt. Chỉ có những người nội trợ mới phải cúng thôi .
Cỗ Cúng rước Ông Bà về
Ngày ba mươi Tết đường phố vắng lặng. Người nào phải đi làm cũng ráng về sớm. Tới 12 giờ trưa, phần đông các tiệm đều đóng cửa để lo cho mâm cúng ông bà, cũng như buổi ăn tất niên. Ngoài đường im vắng, nhưng trong nhà thì không khí rất bận rộn. Chủ gia đình lo xếp bàn thờ, chùi lư hương, chân đèn, kê bàn, cắm hoa vào bình, sửa soạn bàn thờ cúng ông bà. Trong bếp mới thật là rộn rịp. Người lo luộc thịt, làm canh giò hầm nấu bóng, người lo bằm thịt, ráy cua, lột vỏ tôm làm chả giò, bé con thì phải lo làm rau sống ăn với chả giò. Hoặc chực sẵn trong bếp để được sai vặt! Món ăn ngày Tết thường có giò thủ, vịt hầm thuốc bắc, thịt đông ăn với dưa giá, thịt luộc ăn với tôm chua, giò chả, gà luộc, gà bóp rau răm, hay gà cà ri... v.v.... Không thể thiếu cá, hoặc hấp, chiên hay kho, thịt heo kho tàu ... ê hề. Làm nhiều thế, vì còn để dành ăn trong ba ngày Tết nữa. Mấy ngày đầu năm các bà nội trợ phủi tay đi thăm bà con, bạn bè, chơi tam cúc, tứ sắc. Tới mồng ba thì cúng đưa ông bà, lại rộn rịp nhưng không bằng cúng cỗ tối ba mươi. Thời chưa có tủ lạnh, tôi nhớ làm nhiều món kho vì để được lâu. Chả giò, canh hầm, cá thì ăn ngay hôm ba mươi.
Cúng Giao Thừa, Đi chùa Hái Lộc...
Thường thì vào giờ giao thừa bố mẹ tôi thắp nhang đèn, nấu trà cúng ông bà, và có dành sẳn một mâm trái cây để cúng Trời Đất. Nhà không có tục lệ tự xông đất mình, hễ ngày mồng một ai tới nhà trước là người đó xông đất nhà. Nhiều người còn đi chùa hái lộc, nơi tụ hộp đông đảo người, rất vui.
Xuân Tha Huơng
Từ ngày dọn về Cali, chúng tôi tổ chức Tết rộn rịp hơn thời ở tiểu bang lạnh lẽo. Tuy vậy Tết tha hương những năm đầu cũng khó quên. Những gia đình Việt Nam trong thành phố cùng các sinh viên, đều có tổ chức Tết. Các sinh viên lo mượn chỗ, lo trang hoàng với băng “Cung Chúc Tân Xuân”, mượn tranh Tết về treo, làm câu đối giả. Các gia đình chung nhau đem bánh chưng và các thức ăn Việt Nam tới, không khí thật là đầm ấm. Có năm trời ở ngoài phủ một màn tuyết trắng xóa. (Tết thường vào tháng Hai, và tháng Hai thật ra là tháng lạnh nhất trong năm). Các bà, các cô sinh viên choàng lên mình một cái áo coat thật dầy, nhưng khi bỏ cái áo ra là những tà áo dài, đơn sơ nhưng rất đẹp. Tự nhiên có không khí Tết ngay! Cái áo dài nhét vội khi chạy loạn, thế mà hay! Mấy năm sau, có người chịu khó gởi về Cali may chiếc áo dài mới, mặc vào ngày Tết thật là có ý nghĩa. Tự nhiên nhìn chiếc áo dài, mọi người thấy phấn khởi và vui hơn. Những năm đó, mẹ tôi làm bánh chưng gói bằng giấy bạc, bỏ food color cho ra màu xanh. Nấu một lần 2, 3 cái trong cái nồi lớn, nhưng nấu lửa ga nên lửa đều mau chín hơn lửa củi. Tặng ai một cái bánh chưng thôi là họ quý vô cùng!
Các anh chị sinh viên rủ nhau làm bánh chưng, cũng vui đáo để. Người này thúc người nọ, gọi các bác hỏi, vì cứ làm xong là quên ngay, mà năm nào cũng hỏi thành ra cũng hơi ngại. Rồi rủ nhau làm văn nghệ, đàn hát suốt đêm, mặc ngoài trời tuyết rơi phủ lạnh lùng, và bài thi chồng chất.
Tại quận Cam, mỗi độ xuân về, cứ tới viếng phố người Việt là lại thấy không khí Tết . Các chợ hoa càng ngày càng nhiều và lớn hơn. Bánh mứt, bánh chưng ê hề ... Trong chợ vang vang bài hát đón mừng xuân ... Tại các tư gia người Việt thì có lẽ không có không khí rộn rịp như bên nhà, nhưng dù bận rộn bao nhiêu, các bà mẹ vẫn không quên lo cho cái tết đầu năm, cho con cháu hưởng chút không khí ngày tết ....
Dù ở tiểu bang xa xôi hẻo lánh, hoặc ở gần khu đông đảo người Việt, mẹ tôi không bao giờ quên ngày tết, bà loay hoay phơi cải, cà rốt làm dưa món, lại đi mua nếp, đậu, nấu bánh, mua quà biếu bạn bè, người thân, đã từng giúp mình năm qua, loay hoay từ gói chả giò đến nồi canh hầm... nấu cỗ cúng ông bà ... Hình ảnh đó đã in sâu vào trong trí tôi, để rồi khi có gia đình, khi không còn mẹ nữa, tôi cũng theo lệ, chạy đôn, chạy đáo mua hoa, mua thức ăn về nấu cỗ. Năm nào cũng vậy, đứng nơi cửa hàng bà Rồng Vàng, hay tại chợ Việt Nam, tôi cũng dừng tay, trầm ngâm mất mấy phút, ngắm các bà, các cô, các ông nữa đứng lựa hoa, lựa các loại mứt, các đòn bánh chưng. Đó là hình ảnh xuân về, và tôi cảm thấy mình thật may mắn, được là một phần của quang cảnh đông đảo trong khu phố người Việt.
Từ những góp nhặt kỷ niệm của thời thơ ấu, những chi tiết mình tưởng quên không ngờ ào ạt trở về ... Một vài chi tiết về làm mứt, làm dưa món phải gọi hỏi bác suôi gia của ba mẹ tôi, người Huế, năm nào cũng được bác gọi qua ăn Tất niên, hưởng lại hương vị Tết. Tôi đang ngẩm nghĩ chắc phải học bác món vịt hầm, năm ngoái bác làm tuyệt hảo, phải học làm món mứt gừng kiểu Huế, từng lát mỏng cay cay ngọt ngọt, để mai một rất uổng ....
Một cái Tết nữa lại về, sáng nay nắng xuân chan hòa, và tôi như thấy lại hình ảnh mẹ hiền lui cui trong bếp, với nồi mứt, xoay qua thì bà đã đi ra xem xét mâm cải phơi ngoài sân...
|