Rank: Advanced Member
Groups: Registered, Editors Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 4,945 Points: 1,581 Location: Đông Bắc Gia Trang
Thanks: 1 times Was thanked: 36 time(s) in 35 post(s)
|
MÙA XUÂN VIẾT CHUYỆN VUI
Các chị gặp tôi, vẫn thấy tôi hay cười. Các em gặp tôi, vẫn bảo không bao giờ thấy tôi khóc. Các anh gặp tôi, vẫn e dè sợ sệt cho miệng lưỡi của tôi, nhưng vẫn khoái nói chuyện, vì tôi vui vẻ. Các bác gặp tôi, vẫn bực mình vì tôi hay... cãi, nhưng cũng vẫn nói chuyện với tôi , vì tôi hay hỏi, mà các bác thì... hay nói và khoái... trả lời!
Ấy thế, mà đến lúc viết truyện tôi lại chẳng viết được một chuyện vui, truyện cười, cứ toàn theo trường phái "hiện thực xã hội", nên toàn kể những chuyện buồn. Kể ra, cũng thấy những chuyện vui đấy, nhưng chẳng hiểu sao lại không cho chúng thành truyện được. Thế là, tôi tự bảo mình, viết truyện cười khó quá, thôi không viết chuyện vui, cứ viết chuyện buồn cũng được. Nói đi đâu xa, mới năm vừa rồi, truyện chưa viết, mà đã lắm người hăm he: "Này, đừng viết chuyện buồn nữa nhé." Phải là chuyện vui, happy ending, cái kiểu câu: "Từ đó, họ sống mãi trong hạnh phúc." và... hết chuyện! Tôi lại thấy nhàm chán quá, nên chẳng viết được mấy truyện, cũng bày đặt "nhà văn" như ai, nhưng truyện viết không đếm được hết trên đầu ngón tay, nói chi đến chuyện làm thành sách. Truyện viết ra rồi, đem in với nhiều tác giả khác, tặng chị bạn một cuốn, chị gọi điện thoại bảo: "Sao em viết truyện buồn quá vậy? Năm sau nhớ viết chuyện vui, nghe chưa?" Tới thăm bác tôi, bác bảo, "Sao lại có người khổ đến vậy?" Bác không "bị" sống ở Việt Nam sau năm 75, bác không nghĩ ra có những con người khổ đến vậy. Mà truyện tôi biết đó chỉ là mới có một vài, chứ lắm cảnh đời còn khổ hơn nữa (Xin xem Phụ Nữ Việt 2008).
Người em kết nghĩa cũng gọi điện thoại, xin bài cho báo "lô-cồ", để đăng báo xuân, hứa với em, "ừ để rồi tôi viết chuyện vui cho ngày xuân, chứ tết nhất mà viết chuyện buồn thì chán quá!" Thế là cố gắng, viết rồi xóa, viết rồi xóa, cuối cùng vẫn là trang giấy trắng, đầu óc rỗng tuếch, thấy tội nghiệp mình luôn! Kiếm đại một truyện cũ, không buồn lắm, cũng không vui lắm, đưa cho em để đăng, vì thời hạn cho tết đến rồi, không còn thời gian để suy nghĩ nữa. Nếu em thấy buồn, không cho đăng, thì tôi cũng đành chịu, không viết được là không viết được.
Thế cho nên, tháng Giêng 2009, tôi cố gắng nghĩ một chuyện vui để mà viết. Ngày mồng một tết Tây, cứ lẩm nhẩm "Ngày đầu một năm, ngày đầu một năm... " Thế thôi rồi... tắc tị! Cái mục Tháng Giêng cho ra, đốc với thúc người ta thì hay lắm, đến phiên mình thì lại không biết viết gì hết. Tôi im luôn, không "khai bút" được. Mùa xuân phải viết chuyện vui, chứ luẩn quẩn với những chuyện buồn hoài cũng chán, tôi lại lẩm bẩm "phải viết một chuyện vui, phải viết một chuyện vui" và tôi đang cố gắng viết đây.
Mùa xuân viết chuyện vui nha. Câu chuyện bắt đầu.
NĂM SỬU NÓI CHUYỆN TRÂU
Cái tựa đề này thật quen thuộc, quen thuộc như bản cửu chương, thiên hạ cứ đều đều mỗi năm, năm Tý nói chuyện Chuột, năm Sửu nói chuyện Trâu, năm Dần, nói chuyện Cọp, vân vân... và vân vân, không mảy may khác tí nào, và câu chuyện cũng từa tựa giống nhau. Chắc quý vị đọc đến đây, lại bảo, nghe hoài phát chán, không có gì lạ hơn sao? Không, hôm nay tôi chỉ nói đến một chuyện con trâu thôi, chuyện "Trâu già thích gặm cỏ non".
Trâu nào mà chẳng thích gặm cỏ non nhỉ? Câu nói đó thật thừa thãi, những bó cỏ non, xanh mơn mởn, ngọt ngào, mềm mại, chẳng lẽ không ngon hơn những mớ cỏ già, bã bời bời, héo úa, vàng khè hay khô rang khô rốc sao? Trâu nào cũng thích gặm cỏ non cả, không chỉ có trâu già, ai nói câu đó là ... sai! Trâu già, trâu non gì cũng khoái cỏ non, mơn mởn, có bao nhiêu tiền cũng đều đi mua cỏ non hết, có tiền, dại gì đi mua đồ dở, đồ không ngon, cơ chứ? A, nhưng cái đó cũng không có gì đáng nói, cái đáng nói là, bỏ tiền ra mua đồ ngon về, mà vẫn ăn không được, mới tức chứ.
Ngày nay ca dao có câu:
"Bắc thang lên hỏi ông trời Lấy tiền cho gái có đòi được không?"
Ấy thế mà chẳng có mấy ai hiểu được câu nói đó, vẫn cứ đem tiền cho gái, đổ tiền ra về Việt Nam bao mấy cô, rồi đem rước về hải ngoại, với hy vọng họ sẽ cung cúc nâng khăn, sửa túi cho mình, cho suốt cuộc đời còn lại của mình. Đó là quan niệm sống "thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt", lỡ họ chỉ ở với mình có hai năm để le lói thôi, thì cũng còn lời chán! Đến lúc các cô qua tới đây, những con chim bắt đầu đủ lông, đủ cánh, quay nhìn lại, các cô chợt thấy mình dại, tại sao phải đi sống với những con chim đã rụi cánh, rụi lông, lắm khi còn già lụm khụm, đứng không nổi? Thế là mấy con chim đủ cánh, đủ lông bèn "tung cánh chim tìm về tổ ấm", nhất là ở cái xứ dư thừa bơ sữa này, mấy cái "tổ ấm" đó đầy nhan nhản. Mấy anh đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi, tiếng Anh, tiếng Mỹ nói như gió thiếu giống gì! Mấy con chim trẻ bay đi, bỏ lại những con chim già buồn hiu, buồn hắt, chợt thốt ra câu: "Bắc thang lên hỏi ông trời..."
Có người cẩn thận hơn cho lời khuyên, có về Việt Nam lấy vợ thì lấy cô nào hơi lớn tuổi một chút, các cô không còn nhiều chọn lựa nữa, thì các cô sẽ không bỏ mình. Cái người cho lời khuyên bị đốp ngay một câu: "Lấy mấy cô già quá, mấy cổ chỉ có đái thôi, chứ làm sao đẻ?" Ừ nhỉ, lại còn như vậy nữa, phụ nữ chỉ dễ sinh đẻ từ năm 20 đến 30 tuổi, ra khỏi cái giới hạn đó, là coi như đánh bài, cầu may, mà ai đó đã bảo: "Đường vào casino có 99 lần thua, có một lần huề!" Vả lại, đã lỡ đi xa xôi để lấy được vợ, phải lựa được cô nào vừa đẹp, lại vừa trẻ, lại vừa tướng tốt, mắn con, thì mới nên lấy chứ? Mấy thứ tàn tật, xấu xí ở Đài Loan, hay Đại Hàn, chúng còn lấy được, thì mình cùng là dân Việt, lại đẹp trai, đàng hoàng, chỉ hơi già chút thôi, tại sao lại không được? Tự ái dân tộc nổi lên ngùn ngụt, nhất định phải lấy cái cô, cỡ hoa hậu mới đã. Các ông quên mất một điều, các cô càng trẻ, càng sung sức, thì các ông càng già, càng ỉu xìu, làm sao mà xứng đôi, vừa lứa?
Có anh chàng viết thư hỏi mục Gỡ Rối Tơ Lòng, rằng mua vé số loại nào dễ trúng, lấy con gái loại nào dễ xài? Người giải đáp mục Gỡ Rối Tơ Lòng trả lời rằng, mua vé số loại nào cũng khó trúng, người trúng số độc đắc hiếm như người bị trời đánh trúng vậy, nên con gái cũng thế, kiếm được cô nào vừa trẻ, vừa đẹp, vừa hiền, vừa chung thủy, dễ bảo, thì cũng khó giống như trúng số vậy! Nhưng mà, nói đi, thì cũng phải nói lại, số lượng người mua vé số mỗi ngày mỗi tăng, mà người nào dính vào rồi, lại chẳng bao giờ chịu gỡ ra. Cho nên, đàn ông con trai ở hải ngoại về kiếm con gái đẹp trẻ ở Việt Nam cũng chẳng có gì là lạ!
Khi các ông bị gái bỏ, bèn đi than van, có ai xui như tôi không, gặp cái thứ gì đâu? Mèn đét ơi, cái xui nó chình ình ngay từ đầu, các ông không chịu nhìn, rồi cuối cùng lại bảo mình xui. Xui đâu mà xui, thử tưởng tượng các ông nằm vào vị trí của các cô, các ông thích người trẻ, dẻo dai, hay là thích người già nua, lụm khụm? Ông nào cũng cứ bảo, không, con nhỏ vợ tôi nó biết điều lắm, nó biết lo lắng cho gia đình, nó thương tôi thật tình, chớ không phải vì nó muốn qua đây. À, mà nó có muốn ra nước ngoài thì đã có sao, nó cũng chỉ muốn lo cho gia đình nó, mình tạo cho nó một điều kiện, là coi như mình đã làm ơn cho một gia đình, cũng là một hình thức “từ thiện” đó chớ! Đến khi nó lo cho cái gia đình lớn của nó xong rồi, thì nó phải lo cho cái gia đình nhỏ của nó chớ, ông quá tuổi của cái gia đình nhỏ rồi, nó bỏ ông đi cũng phải, còn trách móc gì nữa? Thôi thì, làm ơn thì làm ơn cho trót, mình giúp đỡ cái gia đình lớn của nó rồi, bây giờ mình giúp luôn cho cái gia đình nhỏ của nó, nó sẽ càng mang ơn mình, không chừng nó quay lại với mình, cũng nên?
Ôi giào! Mùa xuân bảo viết chuyện vui, cuối cùng câu chuyện cũng chẳng vui chút nào. Chuyện này chỉ khiến cho thiên hạ chửi thì có, chứ vui đâu mà vui? Nhất là, mấy con trâu già mà khoái gặm cỏ non thế nào cũng chửi: ai mà không khoái cỏ non?
Bình Nguyên Tháng giêng 2009.
|