gởi bởi KV - người lặng lẽ ..http://www.youtube.com/v/MrY8Zs-0LwY&hl=en&fs=1 60 Năm Cuộc Đời
Y Vân
Em ơi có bao nhiêu? 60 năm cuộc đời
20 năm đầu, sung sướng không bao lâu
20 năm sau, sầu vương cao vời vợi
20 năm cuối là bao
Ớ là thế! đời sống không được bao
Ớ là bao! đời không lâu là thế
Ớ được bao năm sống mà yêu nhau
Em ơi có bao nhiêu 60 năm cuộc đời
Khi xa em rồi, anh biết yêu thương ai
Nên khi yêu nhau thì yêu cho trọn đời
Em ơi ta sống được bao Ba bản nhạc Twist, một đêm Nhất Dạ Đế Vương 60 Năm Cuộc Đời Nhạc sĩ Y Vân Nhạc phẩm "Lòng mẹ" là sáng tác đầu tay của cố nhạc sĩ Y Vân, nhạc phẩm "Buồn" là sáng tác cuối cùng của người nhạc sĩ quá cố này. Năm 17 tuổi, cố nhạc sĩ Y vân sáng tác nhạc phẩm đầu tay đển tạ ơn người Mẹ đã hết lòng hy sinh vì con, không quản ngại gian lao nuôi con nên người.
Hằng đêm cố nhạc sĩ Y Vân đi làm ở phòng trà về, quần áo dơ bẩn bèn đem ngâm sáng ra sẽ tự giặt lấy, hầu có áo mặc đi làm buổi tối, vì chỉ có một bộ vía để đi làm. Một đêm nọ cố nhạc sĩ Y Vân chợt thức thấy người Mẹ thân yêu đã ngồi giặt quần áo cho mình, nên đã xúc động mà viết nên ca khúc "Lòng Mẹ" .
Bản nhạc "Buồn" được sáng tác trong lúc tác giả buồn cô đơn không người tâm sự lúc tuổi già. Chứ không phải buồn vì say. Bởi vì cố nhạc sĩ Y vân là người không biết uống bia hay rượu. Sở thích của người nhạc sĩ này là thuốc lá và cà phê đen. Điếu thuốc lá luôn luôn ở trên môi người nhạc sĩ, không ngưng nghỉ. Nhất là trong lúc ngồi sáng tác hay điều khiển ban nhạc để thu thanh. Từng điếu thuốc, đã được chính tay nhạc sĩ vấn từng điếu một, rồi bỏ trong hộp để hút dần. Và để chứng tỏ cho bạn bè biết từng điếu thuốc do tự mình vấn lấy, trên mỗi tờ giấy vấn thuốc đều đóng dấu chữ Y Vân.
Ngoài 2 nhạc phẩm nói trên cố nhạc sĩ Y vân còn sáng tác nhiều nhạc phẩm rất hay và nổi tiếng mấy trăm bài. Mỗi nhạc phẩm là mỗi thể loại khác nhau, về tình yêu, về đời lính, thơ phổ nhạc và nhạc chủ đề cho các phim Việt Nam. Nếu có ở gần, hay quen biết người nhạc sĩ tài ba này, có thể nói anh là người sáng tác nhanh nhất, điển hình là khi anh viết nhạc cho phim. Như phim "Thuý đã đi rồi", “Xa lộ không đèn”, “Như hạt mưa sa”, “Như giọt sương khuya”, “Hải Vụ 709” ... cả 3 phim sau đều là sản phẩm của hãng phim Việt Ảnh của cố đạo diễn Bùi Sơn Dzuân. Theo chỗ chúng tôi được biết , cố đạo diễn Bùi Sơn Dzuân và cố nhạc sĩ Y vân rất tâm đầu ý hợp nên bất cứ phim nào do đạo diễn Bùi Sơn Dzuân thực hiện đều mời nhạc sĩ Y vân làm nhạc đệm cho phim của mình. Trước 75 và sau 75. Chính cố đạo diễn Bùi Sơn Dzuân là người đã đề nghị Xưởng Phim Tổng hợp thành phố HCM phục hồi tên tuổi Y Vân, vì sau 75 Sở Văn hoá thông tin của chế độ mới đã không cho những nghệ sĩ của chế độ cũ được sinh hoạt văn nghệ, nếu muốn cộng tác phải đổi tên. Như nhạc sĩ Y Vân phải đổi là Trần Tấn Hậu (tên thật) Bùi Sơn Dzuân thành Lam Sơn, Lê Hoàng Hoa thành Khôi Nguyên. Phải 10 năm sau, chế độ mới, mới đặc biệt phục hồi tên tuổi cho cố nhạc sĩ Y vân mà không dùng tên Trần tấn Hậu nữa.
Trong lần gặp gỡ với cố nhạc sĩ Y vân năm 1986, hai năm trước ngày tôi vượt biên. Tôi có đặt câu hỏi "nguồn cảm hứng nào dẫn đến anh sáng tác 3 bản nhạc " Kim” , “60 năm Cuộc Đời”, “40 và 20” theo thể điệu nhạc twist .
Cố nhạc sĩ Y vân cho biết: “Vào đầu thập niên 60 khi phong trào nhạc Twist từ Mỹ lan tràn đến VN với bản nhạc nổi tiếng "Let's Twist Again, đã được quần chúng khán thính giả VN, nhất là giới trẻ đều ưa thích, và đón nhận một cách nồng nhiệt, và hầu như có bất cứ buổi dạ vũ nào, bản nhạc Let's Twist Again cũng được các ban nhạc đánh để mọi người cùng kéo nhau ra sàn nhẩy.
Để đáp ứng với thị hiếu của giới trẻ VN, ông Nguyễn Quang Oánh giám đốc nhà xuất bản và hãng dĩa Sóng Nhạc đã yêu cầu tôi sáng tác nhạc Việt theo điệu Twist. Và trong tuần lễ không phải đi làm phòng trà, tự nhiên tôi có nguồn cảm hứng để sáng tác các bản "Kim", “60 năm cuộc đời”, “40 và 20 ". Sau khi tự viết hoà âm cho 3 bản nhạc trên, tôi mang đến nhà xuất bản Sóng Nhạc, và ngay trưa hôm đó ông Nguyễn Quang Oánh đã mời nam ca sĩ Hùng Cường để thu thanh ngay 3 bản nhạc nói trên, tôi được trả một số tiền gần một triệu đồng thập niên 60. Ngay sau khi dứt phần thu thanh 3 bản nhạc nói trên, tôi được ông Oánh mời lên xe hơi để vào Chợ lớn ăn cơm tối và tặng tôi một đêm ‘Nhất dạ đế vương’” Tôi có hỏi cố nhạc sĩ Y Vân về “nhất dạ đế vương” ra sao, anh chỉ mỉm cười, ghé tai tôi nói nhỏ thật là thần tiên, đêm đó anh bị mấy cô gái Tàu mặc đồ xường sám quần tơi tả cho đến sáng hôm sau mới thả anh về .
Chỉ một tháng sau khi ba nhạc phẩm nói trên được phát trên Đài phát thanh và được nam ca sĩ Hùng Cường thường xuyên trình bày trên các sân khấu Đại nhạc hội, nhà xuất bản Sóng Nhạc đã phải tái bản nhiều lần để đáp ứng nhu cầu của những người yêu nhạc và tiền lời đã thu vào gấp 10 lần của số tiền trả "Đêm Nhất Dạ Đế Vương". Cho đến nay hơn 40 năm sau, 3 bản nhạc nói trên vẫn được quần chúng khán thính giả ở hải Ngoại hay quốc nội vẫn ưa thích. Đây là một liên khúc nhạc Twist hay nhất, mỗi lần nhạc trổi lên, sàn nhẩy luôn luôn đông người.
Cũng cần nhắc lại ở đây, khi sáng tác bản nhạc "60 năm cuộc đời” , nhạc sĩ Y vân không hề nghĩ rằng mình sẽ giã từ cõi tạm vào năm 60 tuổi. Vâng, nhạc sĩ Y Vân đã giã từ cõi tạm đúng năm 60 tuổi sau một cơn nhồi máu cơ tim. Và nam ca sĩ Hùng Cường người đầu tiên trình bày nhạc phẩm "60 năm cuộc đời "cũng giã từ vợ con và bạn bè vào năm 60 sau một thời gian dài lâm trọng bệnh, do bệnh tiểu đường tàn phá cơ thể anh. Âu cũng là định mệnh.
Nguyễn Toàn