Chào mừng anh Camel và những người bạn anh sắp viếng Washinton DC. Traffic từ phía Bắc đến Washington DC đông nhất là vào khoảng 6 giờ rưỡi đến 8 giờ rưỡi sáng, khi xe cộ đã vào đến vùng Maryland trên trục giao thông I-95 hay 295 hay 395 South bound, nơi những cư dân phía Bắc đang hối hả túa vào thủ đô để kịp giờ vào sở buối sáng. Nhưng nó cũng vào cỡ chậm chậm thôi chứ không đến nỗi chậm như rùa bằng chiều phía Nam vào Washington DC (I-95 và 395 South bound). Các viện bảo tàng đóng cửa mỗi ngày lúc 5 giờ chiều, nhưng hầu hết tập trung nằm trên đường Constitution và đường Independence, hai đường lớn chính song song nhau. Chương trình đến Tháp Bút Chì trước là tốt nhất. Từ đó du khách có thể đi bộ qua Jefferson Memorial, Bức Tường Tưởng Niệm Chiến Sĩ, rồi sau đó đi bộ hoặc lái xe tìm chỗ đậu mới để bắt dầu vào thăm các viện bảo tàng. Từ Tháp Bút Chì, ngược với hướng Jefferson Memorial vừa kể, anh có thể nhìn thấy xa xa là Tòa Nhà Quốc Hội, sau khi tham các viện bảo tàng, anh Camel và các bạn có thể ghé vào một chút để xem kiến trúc. Cạnh Tòa Nhà Quốc Hội có Botanic Garden và đi bộ thêm một hai block nữa là Thư Viên Quốc Hội (Library of Congress) cũng hấp dẫn nhiều du khách. Từ Tháp Bút Chì anh cũng có thể đi bộ băng qua đường Constitution đến đường Pennsylvania để ngó The White House, nếu muốn, nhưng phải đi vòng vo vì trạm gác và đường bị ngăn lại cho lý do an ninh. Người ta thường đến để ngó một chút và chụp hình, chứ thật ra cũng chẳng có gì đáng xem ở bên ngoài The White House.. Tất cả các viện bảo tàng đều đáng xem. Trên đường Independence, gần các viện bảo tàng như Viện Bảo Tàng Không Gian, nghe nói hình như có một chỗ ăn trưa mới mở chuyên nấu những món đặc thù của người Da Đỏ rất ngon. Sau 5 giờ, khi các viện bảo tàng đã đóng cửa, anh có thể lái xe vòng vòng các đường phố chính của DC để thấy cái nhộn nhịp của thủ đô và biết cái kẹt xe là do gần hai trăm năm trước, những người thiết kế đô thị đã vẽ ra một đồ hình rất đẹp, đáng khâm phục, nhưng cũng không thể nào dự liệu được sự thay đổi của nhu cầu hai trăm năm sau. Thiết kế đô thị của Washington DC lấy Tòa Nhà Quốc Hội làm tâm điểm rồi tẻ ra hình cánh quạt các công thự của các bộ ra chung quanh, đồng thời chia địa bàn thủ đô ra làm bốn phía Đông, Tây, Nam, Bắc, hay nói cho đúng hơn là Đông Nam, Đông Bắc, Tây Nam, Tây Bắc (South East, North East, South West, North West). Đường phố phía các công thự và phố thương mại không đến nỗi nhỏ hẹp, khá rộng rãi là đàng khác, nhưng vì lấy Tòa Nhà Quốc Hội làm tâm điểm rồi tẻ ra theo hình tròn nên có những góc đường rất khó cho xe cộ của thế kỷ 20 và thế kỷ 21 lưu thông. Người ta đã cố thu xếp bằng cách biến đa số đường thành một chiều, nhưng điều này không giải tỏa nổi sự phức tạp của giao thông thành phố thủ đô hiện giờ. May sao, hệ thống xe điện ngầm (metro) cũng khá tốt và đơn giản (khá hơn Paris - nói thệt không thiên vị nha bà con) nên anh cũng có thể đậu xe một chỗ rồi đi xe điện ngầm mà dạo phố Washington DC. Ngoài những tên đường lớn đặt theo ý nghĩa lịch sử, DC đặt tên đường theo A BC và số, kèm theo hướng, ví dụ 18th Street, NW (North West của Quốc Hội), D Street SW. China Town nằm ở khoảng đường H và G hình như SE, có thể đến bằng metro, trạm National Gallery (không có gì khác các China Town khác). Các tiệm ăn ngon nằm ở khu NW. Ăn tối xong thì nên lái xe về, ra khỏi DC là hơn, đừng la cà ở những khu nhà lá xa vùng thương mại. Nếu muốn dạo phố buổi tối ở DC thì an toàn và nhỏ vừa đủ là vùng George Town, cũng có nhiều chỗ ăn ngon, Việt, Mỹ và quốc tế. Từ George Town lái xe qua cầu là băng qua bên kia sông Potomac và tới Rosslyn, một khu phố thương mại rất hay của Virginia (cũng có nhiều chỗ ăn ngon). Từ Rosslyn hay DC, anh Camel có thể lái xe về lại Baltimore bằng cách đi về hướng bắc (bắt đầu đi 395 North từ DC hay I-66 từ Rosslyn vào DC rồi đi 395 North). Nếu anh Camel và các bạn có mặt ở vùng này vào cuối tuần thì xin mời đến nhà Huệ uống trà. Huệ và gia đình cũng có thể giới thiệu với anh Camel và các bạn của anh một bữa ăn thuần túy Việt Nam mà người ngoại quốc có thể thưởng thức được.