Rank: Newbie
Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 140 Points: 0
|
* Vừa viết xong bài Tùy Bút này hôm nay, vừa xem truyền hình thấy bên New Orleans bà con di tản tránh bão đã trở về nhà, cơn bão đã qua. Mừng quá !! Coi bên Ấn Độ thì thấy cảnh thê lương khác cả triệu người lội nước trong cơn lũ lụt. Nhìn lại mình mới cảm ơn Thượng Đế !! Ngày nào còn mạnh khỏe còn ngồi đây gõ gõ là biết mình còn hạnh phúc. Chúc an vui. Chiếc khăn kỷ niệm Thời gian qua nghe thấy trong gia đình cũng như trong giới quen biết hay nói đến tuổi Già, một đề tài rất đáng quan tâm làm mình bỗng cảm thấy ngậm ngùi vì tuổi già khi đến có chừa một ai đâu! Có bà chị ruột duy nhất tại Đức, hai chị em ở gần nhau nhất cũng là cách xa nhau bốn năm trăm cây số, lái xe hơi phải mất bốn năm tiếng mới gặp, khi đi còn phải chờ ngày phép hay cuối tuần mới thăm được nhau. Chị ấy chỉ hơn kẻ viết bài có hai tuổi, nhiều khi ước gì hai chị em ở gần nhau hơn chút để có thể chạy qua chạy lại thăm viếng dễ dàng, phòng khi chị té thì em nâng được hoặc là ngược lại cũng đỡ khổ, nếu mà bà chị có té gãy giò còn con em gái nấu cho nồi cháo cá nóng bỏ thiệt nhiều tiêu ăn giải cảm hay pha giùm bà chị ly trà nước chanh với gừng thêm muỗng mật ong quậy lên nóng hổi hay là nấu cho bả nồi lá xông rồi đè bả ra cạo gió bằng gừng rồi bắt bả trùm mền ngáo chờ hết cái bịnh nhõng nhẽo. Mèn ơi mới nghe nhắc tới ba cái thứ đó đã phát thèm „ bịnh bất tử „ rồi. Đời sống an nhàn của kẻ này dù gì còn có chàng CơmÁo, chàng đấm bóp cạo gió massage, hay pha ly trà gừng, đi chợ nấu cơm giúp cho bà xã thì rất là mát tay, trong khi bà chị mình hiện sống cô đơn, con cái lớn hết rồi năm thủa mười thì chúng mới về thăm vài hôm. Nhắc đến con cái đôi khi cũng buồn ( chậc ). Hồi chúng còn bé cha mẹ ẵm bồng đút từng thìa cơm mong cho chúng khỏe mạnh chóng lớn, dè dâu chúng lớn nhanh quá đến khi dọn ra khỏi nhà ở riêng trong ký túc xá ở cùng với sinh viên tứ xứ. Nhiều khi tự hỏi khi về già đứa con nào sẽ ở gần mình ta ? đứa nào sẽ là đứa đi chợ mua giùm mình ổ bánh mì, ký thịt, tý rau, tưới cây nhổ cỏ khi mình lưng còng đầu gối run lẩy bẩy, đứa nào sẽ nhồi bột làm bánh bao bánh da lợn bánh ít trần bánh cam khi mình thèm ha ? Vì ở đây vùng hẻo lánh tiệm Việt không có bán các loại bánh này trừ khi có lễ lộc lớn của chùa hay nhà thờ hay hội NVTN tổ chức Tết mới có bán các loại bánh đặc sản quê hương mà thôi. Câu hỏi dừng lại ngay đấy vì nói nào ngay một trong hai đứa con không có đứa nào có khả năng trả lời cả, vì chính chúng cũng chưa biết khi xong đại học ra trường sẽ đi về đâu? Ở đâu tìm ra việc làm là chúng sẽ dọn về đấy. Trước tiên phải vì miếng cơm manh áo cái đã. Còn hai ông bà cha mẹ về gìa sẽ ra sao ? Nếu nhỡ ông ra đi trước bà, bà sẽ làm gì với cái nhà to đùng sân rộng mấy ngàn thước vuông này ? Mướn người đến cắt cỏ chăm sóc vườn tược có mà chết, tiền hưu trí trả hết cho thợ lấy gì mà ăn xài đi chơi thăm con cháu và qùa cáp cho chúng mỗi khi sinh nhật sinh nhiết nữa, mà ông bà ghé thăm không lẽ cứ quảy mấy quả mướp quả bí tặng liệu nó có thích ăn không hay là thích chút tiền để chưng diện với giới trẻ. Còn nhỡ bà quy tiên trước ông thì sao ? Được trả lại „ đời singles „ liệu ông có can đảm chống gậy dìa VN kiếm vợ nhí không nhỉ ? Thôi nếu ai đó có đi thì ông hay bà làm ơn ra đi sớm sớm chút để tui còn mần ăn trước khi răng rụng xuống cầu vậy nhé.
Hôm qua có nói chuyện với nhà báo Tô Vũ bên Paris, Tô Vũ nay than già và bịnh ho hen ít khi ra khỏi nhà, nghe xong khiến kẻ viết bài này chợt bùi ngùi nhớ đến năm nào mới gặp Tô Vũ đây. Ờ ờ hình như mới tháng hai năm 2001 TT Văn Bút Âu châu có hỗ trợ tổ chức lễ ra mắt cuốn sách đầu tay giùm cho kẻ viết bài này là cuốn Tình Yêu Nuôi Tôi Lớn.
Cuốn TYNTL được anh chủ tịch hội VB TTAC Từ Nguyên chăm sóc chu đáo, layout trình bày thật đẹp, buổi RMS nhân dịp Xuân về năm 2001 phải nói là thành công, vui và cảm động thật là khó quên. Ngẫm nhớ ơn ông anh văn nghệ mãi. Đối với kẻ sống miền quê hẻo lánh được về kinh đô ánh sáng ra mắt sách trình làng trong không khí vui nhộn thật là một hân hạnh lắm.
Khi ấy tuổi đời còn trẻ năng động sau các buổi RMS trình làng ở Đức, Paris, Strasbourg, thì đến tháng tư năm 2001 kẻ viết bài này lại quảy gánh đi tiếp sang Hoa kỳ họp với Hội VBVNHN tại Virginia cũng là dịp RMS trình làng lần đầu tiên tại Hoa kỳ. Hồi hợp ghê. Trong chuyến đi này dự trù sẽ về Washington DC – Virginia, sau đó ra mắt sách tại Houston, tại đây do nhóm bạn thân Hoalư, có cả nhóm Văn Bút Tây Nam Hoa kỳ và nhóm đồng hương Qui Nhơn - Quảng Ngãi tới dự đông đảo thật là vui thân mật và khó quên.
Thời tiết mới đang vào Xuân tháng tư còn lạnh buốt. Như đã hẹn trước khi kẻ viết bài này tới sẽ được các anh nhà văn nhà báo Vũ Thụy Hoàng và anh Từ Nguyên đón tại phi trường International Airport Dulles ( IAD ). Máy bay còn quay mòng mòng trên không trước khi đáp xuống, kẻ viết bài này khi ấy đang bị cảm, chả hiểu hãng máy bay cho ăn cái giống chi, mặt mày tự dưng trở nên xanh lè hết trọi. Bước ra khỏi máy bay, đi theo đoàn người trèo lên xe bus ra chỗ lấy hành lý, chờ hành lý xong mới ra ngoài phòng chờ tìm thân nhân. Biết có hai ông anh văn nghệ sắp đón mình kẻ này lơn tơn kéo vali đi ra mắt nhìn dáo dát, hai ông anh sấn tới bắt tay chào mừng, kẻ này thì mặt nhợt nhạt nhưng cố ráng cười. Anh đã Từ Nguyên qua Mỹ trước mấy ngày, vì cũng là dân AC biết nhau lâu quá rồi trong TTAC, còn anh Vũ Thụy Hoàng viết cho báo Washington Post nghe tên anh đã lâu nay mới diện kiến lần đầu. Lòng bảo dạ „ Ráng tươi cười lên chút coi „, hai anh tính tình cởi mở muốn đưa kẻ này đến nhà hàng chi đó có quý phu nhân của các anh đang chờ sẵn. Kẻ từ xa tới đang chóng mặt nên cứ ậm ừ cho xong chuyện, ngồi sau xe mẹc-xi-đì của anh VTH loáng cóng sang trọng. Nghe hai ông anh bàn chuyện chi đó, kẻ này ráng lấy hơi thều thào khẽ: - Ui sao em ....mắc ói quá hai anh ui... Anh Từ Nguyên quay lại xót xa khuyên nhủ: - Ráng hít vào thật sâu và thở ra thật nhẹ dài, nằm ngã đầu ra sau ghế tĩnh dưỡng, chắc tại em đi đường xa nên mệt, lát ghé nhà hàng ăn món nóng vào là hết liền hà. Nghe lời ông anh kẻ này cũng ráng hít vào thật sâu thở ra thật chậm và ngã đầu ra sau ghế nhắm mắt cố ngủ. Thời gian sao mà trôi qua chậm giết người. Nhưng ...cái bụng bỗng nó kêu rột rột...đầu choáng váng nhồi nhanh người lên phía trước, thấy trời đất tối thui, hai tay bụm lấy miệng, không thể nhịn được nữa, thức ăn từ khi nãy ăn trên máy bay giờ được dịp trào ra thốc tháo, may quá anh Từ Nguyên liền móc trong túi thật nhanh ra cái khăn mu-xoa đưa cho kẻ này chận lại sợ tung tóe ra xe huê kỳ của anh Vũ Thụy Hoàng. Hoảng quá anh VTH tấp xe thật nhanh vào bên lề xa lộ, hình như các xe khác phóng ào ào qua, kẻ này cúi xuống vệ cỏ ói !!! Cái khăn mu-xoa thơm tho anh Từ Nguyên chao ôi nay đã bị kẻ này làm dơ bẩn. Thấy kẻ này bịnh quá mạng nên một ông anh bị dơ xe huê kỳ một ông anh thì mất cha nó cái khăn mù xoa, cả bọn yên lặng lên xe chạy một mạch về nhà anh VTH. Còn chiếc khăn của anh TN kẻ này vứt đâu đó ở ven đường Washington DC rồi biết đâu mà kiếm lại đây hỡi Trời !!
Thay vì đưa kẻ bịnh hoạn mà ham vui này ra nhà hàng nơi mọi người đang chờ đợi như đã hẹn, nó xin anh Hoàng chở về nhà nghỉ dưỡng sức lý do ngày mai còn đi họp VBVNHN nữa. Kẻ này được anh chị dành cho một căn phòng xinh xắn trong ngôi Villa của anh chị, leo lên giường na92m trùm mền thở eo ơi mới hay mình bay từ Âu châu sang đây nằm bịnh, chị VTH nghe tin vội vàng rời nhà hàng về nấu súp cho kẻ bịnh hoạn ăn, bắt đầu lại sức tĩnh táo hẳn ra.
Nhân chuyến về Washington DC họp kẻ này được may mắn hội ngộ nhiều văn nghệ sĩ hải ngoại như anh Vũ Hối, chị Nguyễn thị Ngọc Dung, chị Lê thị Nhị, Lê thị Ý, chị Thi sĩ Quỳnh Anh, bác Hà Bỉnh Trung chủ bút tờ Cỏ Thơm, anh chị Nguyễn Thụy Hoàng, nhà văn Tạ quang Khôi, anh chị Nghiêu Minh và nhà văn Sơn Tùng, thi sĩ Yên Sơn, anh Ngũ Yên và nhiều nữa...
Về sau này mới được anh Từ Nguyên thố lộ rằng: „ Nói nhỏ cho em nghe đừng có tiết lộ bí mật của anh nghen, chiếc khăn kỷ niệm đó là món quà của chị Michiko cô bạn gái người Nhật tặng anh khi anh du học tại đại học Waseda Tokyo năm 1960 đó vậy mà nở lòng nào cô vứt kỷ niệm của tui ! „
Khi nghe anh Từ Nguyên nhắc lại chuyện xưa tháng Tư năm 2001 tại phi trường International Airport Dulles ( IAD ), kẻ viết bài này tự hỏi ôi tìm đâu ra chiếc khăn nào khác để bắt đền thay thế chiếc khăn kỷ niệm của ông anh văn nghệ đã ấp ủ trong lòng mấy chục năm qua ?
Thắm thoát mới đấy mà đã bảy năm qua rồi ( 2001- 2008 ). Kẻ viết bài xúc động khi chợt nhớ đến không khí mùa đông se lạnh của Paris kinh thành ánh sáng, người Việt tiếp đón Xuân tha hương bằng những câu đố Thơ, ngâm thơ và đệm đàn tranh đàn bầu của anh Trần Quang Hải, và thời tiết tháng Tư mặt trời chưa kịp nóng nên hoa Anh Đào chưa nở kịp như mong đợi trong thời gian kẻ này có mặt tại Washington DC, ngồi thẫn thờ bên công viên dọc theo dòng sông Potomac nhìn về bên kia là cổng Pentagon sừng sững.
Kỷ niệm nào dù buồn hay vui cũng là kỷ niệm đẹp khó quên vô cùng. Thời gian ơi xin dừng lại để cho kẻ viết bài này còn có cơ hội gặp gỡ Tô Vũ, anh Từ Nguyên, anh chị Vũ Thụy Hoàng, bác Hà Bỉnh Trung, chị Quỳnh Anh và nhiều khuôn mặt khác qua duyên văn nghệ đã gặp gỡ nhau trong thời gian ta sống tha hương...
Lúa 9 Ngày 04 tháng 9.08
|