Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Trương Ngọc Bảo Xuân
viethoaiphuong
#1 Posted : Thursday, April 24, 2008 4:00:00 PM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
Tác giả Trương Ngọc Bảo Xuân đã nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2001, với bài viết "32 Năm Người Mỹ và Tôi". Cho tới nay, bà vẫn liên tục góp nhiều bài viết giá trị cho giải thưởng. Hiện bà cư trú tại Boat City, Marina del Rey, California; Công việc: giám khảo của Bureau of Barbering & Cosmetology (Nha Khảo Thí ngành Thẩm Mỹ) tại Los Angeles, California
viethoaiphuong
#2 Posted : Friday, April 25, 2008 2:51:16 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
Mậu Thân năm xưa.
Trương Ngọc Bảo Xuân

* * *

Anh thương yêu, lá thơ nầy em viết từ ba mươi mấy năm trước, khi anh đang đóng ở Bình Dương, mà rồi chuyện nầy chuyện nọ khiến em còn giữ lại đây.

Một lần nữa, bây giờ là mùa xuân năm Mậu Thân 2008, gợi nhớ lại Mậu Thân đau đớn 1968 của năm xưa.

Em muốn giải thích cho anh hiểu vì sao tình ta đoạn tuyệt, vì sao em đã bỏ anh, bỏ cả quãng đời thơ mộng, giấc mơ thời con gái đánh đổi bằng con đường chông gai.

Anh đang ở nửa trái đất bên kia, nếu còn nhớ đến em hãy đọc thơ nầy và mong anh tha thứ cho em.

...

Mậu Thân, 1968.

Tết.

Cùng với Tết là tang tóc, tang chung cho rất nhiều gia đình, trong đó có gia đình em.

Cộng sản tấn công Sài Gòn hai lần. Lần thứ nhứt vào dịp tết, lần thứ hai vào tháng Năm.

Nhân viên Cảnh Sát được nghỉ ba ngày Tết. Ba ngày đó cả gia đình nằm trong nhà nghe súng nổ ầm ầm. Anh nhớ là trên gác nhà em nhìn rất rõ quang cảnh xung quanh vùng ngoại ô Chợ Lớn. Tụi em leo lên mái nhà với Ba để coi máy bay trực thăng Mỹ bắn rockets xuống, dưới đất thì khói lửa nghi ngút bùng lên. Ba em chỉ: "Kìa kìa có máy bay tải thương nữa, vậy là có người chết hay bị thương. Đánh lớn dữ rồi."

Khu nhà em ở khít bên đài ra đa Mỹ, "Phú Lâm Signal Facility" đó, anh nhớ hôn? cảm thấy nguy hiểm quá, hồi hộp từng giờ.

Mỗi đêm họ bắn hỏa châu sáng rực trời.

Mỗi ngày theo dõi tin tức từ đài phát thanh Sài Gòn và đài quân đội. Ba em đã nói một cách chắc chắn: "Trời ơi. Nó hổng dễ gì lấy Sài Gòn nổi đâu. Biết bao nhiêu sư đoàn bọc xung quanh Sài Gòn."

Tết Mậu Thân ba còn sống. Ba còn cầm máy ảnh đi vòng vòng thành phố chụp hình những thảm cảnh chết chóc và khói lửa. Ba nói chụp hình để đời cho con cháu sau nầy nó biết về chiến tranh! Ba vừa làm việc vừa dạy nghề nhiếp ảnh trong Phòng Giảo Nghiệm ở Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia.

Tháng năm, ngày 28 tây.

Cư xá cảnh sát Phú lâm A, đường Lục Tỉnh, quận sáu, Chợ Lớn.

Đêm đó nghe súng nổ nhiều. Nghe quen rồi cả nhà vẫn nghĩ như trước là ối, cũng như bữa Tết, hổng sao đâu. Rồi lửa cháy sáng trời đêm. Tiếng khóc la nghe văng vẵng. Ba kêu đám con thức dậy, kêu leo lên nóc nhà trên gác chỉ ngọn lửa đang bùng bùng lên trời phía hướng đường Hậu Giang. " Nghe coi tiếng người ta khóc kìa. Chaaa... nó vô tới đây rồi..."

Năm giờ sáng.

Khu cư xá nầy, có hai dãy nhà đối diện nhau, dảy Q dảy P, dành riêng cho nhân viên Cảnh Sát. Phía trong, ngoài những dãy nhà gạch tường xi măng mái ngói, là mấy dãy nhà thường dân và vài cái biệt thự song lập của sĩ quan. Người vợ rất trẻ của cố phi công Phạm Phú Quốc sống trong một trong những biệt thự đó. Phía sâu hơn nữa, luồng tuông qua đường Hậu Giang (song song với đường Lục Tỉnh) là những nhà, những chòi lá lụp xụp dựng tạm bợ của dân, đa số là người tản cư từ dưới miền lục tỉnh lên, họ tự kêu là "xóm nhà lá".

Em thấy từ xóm nhà lá người ta ùn ùn chạy ra, bồng bế gánh gồng. Có một số dân buôn gánh bán bưng, một đầu là gánh gạo hay đồ đạc gì đó, một đầu là một đứa bé con.

Em mở cổng, thấy lửa cháy rất gần. Lòng chưa thấy gì hãi sợ. Ba từ trong nhà bước ra. Em vô nhà rửa mặt, trở ra thì ba mất tiêu.

Trong nhà má biểu mấy đứa nhỏ bận thêm quần thêm áo vô, đưa cho mổi đứa ôm một bọc gì gì đó. Ngó ra ngoài thấy người ta tản cư gần hết, hơi vắng vắng rồi mà ba chưa thấy trở về.

Em chạy vô xóm trong kiếm, tới cuối dãy Q nhìn thấy lấp ló sau những dãy nhà, những tên Việt cộng mặc quần ngắn, áo vàng bồng súng nhìn ra. Rồi gặp anh Thu anh của nghệ sĩ Trang Bích Liễu ở căn số 2 đứng ngó tới ngó lui mặt mày xanh dờn, em hỏi "anh có thấy ba em đâu hông?
Anh nói: "Có. Mới thấy bác Bảo đi xăm xăm vô trong đó bác nói để bác chụp hình tụi nó đào hầm, tui kêu ổng trở ra ổng làm thinh làm như hổng nghe".

Trời ơi ba ơi ba nó đào hầm đào hố gì thì kệ cha nó quý báu gì mấy tấm hình ba ơi...

Rồi anh Thu la em "Trở ra… trở ra. Về nhà lo tản cư đi"

Lo sợ, em chạy về nhà.

Cho tới bây giờ, sau ba mươi mấy năm em vẫn còn bị sự cắn rức ân hận là, phải chi ngay lúc đó em cứ mạnh dạn chạy sâu vô, vừa chạy vừa réo ba ơi ba, may đâu gặp ba. Cha thấy con gái hớt hãi đi tìm, có lẻ ba đã trở về.

Rồi mấy má con cũng phải theo người ta chạy qua bên nhà thờ, cách nhà một con đường để lánh nạn. Đẩy chiếc xe vespa chở đầy đồ không muốn nổi, nhờ một anh hàng xóm đẩy tiếp, lòng tủi ghê. Hổng biết ba đi đâu sao không về lo cho con cái? Người ta chạy ra, tại sao ba đi vô trỏng?

Trong ngôi nhà thờ nhỏ, đứng ngồi không yên. Trời càng sáng tỏ, bụng càng bức rức. Rủ nhỏ em Ngọc Anh trở lại kiếm ba.

Đang băng qua đường, bóc bóc. Hai phát súng nổ. Tự dưng, tim em nhảy dựng lên, đập thình thịch, liên hồi. Trực giác báo có chuyện không hay.

Còn người đang chạy ra. Nghe bà đang chạy ngược chiều nói ... mới có người bị bắn... em chận lại hỏi người đó ra sao? họ nói loáng thoáng ... ổng bận quần đùi trắng áo đen...

Trời đất ơi. Hai chị em nhìn nhau lo sợ.

Hai đứa chạy tới đầu dảy Q thấy chị hai em bồng con hớt hãi chạy ra, mặt mày xanh mét run run "ai giống như ba bị bắn nằm ở trỏng kìa".

Trời ơi Trời.

Cắm đầu chạy tới cuối dảy Q, vài người đứng lố nhố. Thấy xa xa một người nằm dưới đất, xéo xéo tiệm chạp phô Minh Tuấn. Tiệm nầy cách nhà em độ hơn trăm thước.

Cố nhướng mắt nhìn kỷ. Trời ơi Trời. Em chết sửng. Ba. Em bật lên, có phải là tiếng thét? Em vụt chạy hết sức nhanh. Ngọc Anh chạy theo. Hai chị em vừa chạy vừa la Ba ơi ba ơi ba...

Em quỵ xuống. Mắt ba không nhắm, nhìn trừng lên trời. Mặt xanh, rờ thấy lạnh. Nhìn vô mắt ba, hình như ba có vẻ hiểu có em bên cạnh. Chợt nhìn thấy một lỗ sâu nhỏ như đầu đủa ngay dưới hàm. Trời ơi Trời. Đạn bắn từ bên nầy xuyên qua bên kia. Trời ơi vầy làm sao sống nỗi. Nâng đầu ba dậy, máu nóng vọt ra. Em khóc ngất ba ơi ba ba ơi... dở áo lên, rờ lên bụng. Bụng ba màu trắng còn ấm.

Em sững sờ, từ đuôi mắt loáng thoáng dạng mấy thằng Việt cộng bồng súng lấp ló sau lưng tiệm Minh Tuấn.

Ngọc Anh khóc nức lên –ba chết rồi ba chết rồi ba ơi ba...

Em quẹt nước mắt, nạt:

- Nín. Hổng được khóc. Tiếp tao. Đem ba về. Hổng chừng ba bị thương.

Ngọc Anh cứ nhứt định khóc, nhứt định nói qua làn nước mắt:

- Ba chết rồi ba chết rồi. Trời ơi trời...

Em la lên át tiếng nó:

- Nín. Đở chân ba lên. Tao khiêng đầu. Mầy khiêng chân.

Nâng ba lên cao, máu lại vọt ra. Đau lòng em quá anh ơi. Máu ba em chảy như máu em đang chảy. Máu còn đỏ, còn loãng như nước anh ơi...

Sau ót ba bầm dập máu nhầy nhụa trơn trùi. Đầu tuột xuống. Nặng quá. Đở lên mà đứng không nỗi. Hai đầu gối em run lập cập. Luồn hai cánh tay dưới nách ba, ráng sức xốc dậy lần nữa, cao hơn. Gát đầu ba lên vai em, máu tuôn ướt áo.

Ngọc Anh khiêng hai chân ba, rớt lên rớt xuống, khóc kêu ba ơi ba không dứt.

Em không khóc mà mắt cứ mờ đi. Lạng quạng. Xàng xiêng. Hai chị em lệt bệt khiêng lên rớt xuống khiêng lên.

Quỵ xuống mấy lần. Ngọc Anh thụp xuống đất, gần xỉu. Nó thì thào -tui muốn xỉu mệt quá tui tui tui muốn xỉu...

Em lại nạt nó:

- Đứng dậy. Nín. Khiêng lên.

Anh ơi, tội nghiệp nó quá. Em lấy quyền làm chị, em không cho nó khóc. Ba bị bắn chết mà em không cho nó khóc, bởi vì em sợ nếu nó khóc quá, xỉu, làm sao em đem ba về nổi một mình?

Chỗ nào quỵ xuống, chỗ đó máu đọng vủng.

Nhứt định đem ba về.

Vài tiếng súng nổ. Bóc bóc. Bóc bóc.

Kệ cha nó.

Kệ mẹ nó.

Bắn đi. Tao không sợ. Tao khiêng ba tao về nhà.

...

Qua khỏi khoảng đường hơn một trăm thước mới tới đầu dãy Q.

Hàng xóm, bác Cúc, bác Hả,i chị Trang Bích Liễu, chị Mai, và nhiều ngừơi nữa em không nhớ, xúm lại đở tay....

Đem ba vô nhà đặt nằm lên cái ghế bố, trước bàn thờ.

Em ngước lên. Qua màn nước mắt em vái :

"Tổ tiên ơi con đem ba con về được rồi. Ba con không phải nằm chết bờ chết bụi."

Vuốt mắt ba. Vài hột cát vương trong mí. Em lấy tay quẹt ngang. Mắt ba không nhắm khít.

Tiếng các bác hàng xóm, Cúc, Hải và chị Liễu, vừa cởi áo ba ra vừa khóc vừa than:

- Bác Bảo ơi đi đâu cho bị bắn vầy nè bác Bảo ơi...

Khi cổi được cái áo sơ mi, em thấy thêm một lổ đạn. Trời đất ơi vầy làm sao mà sống nổi. Hai viên. Một viên xuyên yết hầu, một viên xuyên từ hông bên nầy qua hông bên kia.

Hai cánh tay ba bị cột lại bằng sợi dây, cánh tay tím bầm.

Ba bận cái áo giáp.
Mấy bữa trứơc, Ba đi thị sát với tướng Loan, ngang qua cây cầu gì đó quên tên rồi, bị Việt Cộng bắn sẻ, may phước không sao. Về nhà Ba than phải chi có cái áo giáp cũng đở...

Nghe Ba nói vậy, chị Hai em nói thôi để chồng con kiếm cho Ba cái áo giáp. Hôm sau anh rể em đem về cái áo giáp cho Ba. Bận vô Ba cười cười :"Có cái này đở quá hổng sợ lạc đạn"

Ba luôn luôn sợ mình chết bất tử bỏ vợ con lại!

Giờ đây Ba nằm đó, Ba đã bỏ vợ con lại rồi. Cái áo giáp chẵng giúp gì cho Ba mà có khi còn hại Ba nữa vì tụi nó đã dở áo lên tìm chỗ thịt da mà bắn! Giáp với chẵng giáp có nghĩa gì!

Em chạy vô buồng kiếm cái áo cái quần để các bác phụ thay đồ cho ba.

Súng bắn ầm ầm. Bắn rát quá. Các bác hàng xóm, bác Cúc bác Hải, chị Mai nói "thôi để bác về lo nhà cửa con lấy khăn lau mặt ba con đi con".
Em nói –con đội ơn bác... con cám ơn bác... cám ơn chị ...

Còn hai chị em. Nhỏ Ngọc Anh ngồi ôm mặt khóc.

Lấy khăn nhúng nước em lau mặt ba. Ba chết rồi mới thấy ba ốm quá. Da mặt xương xẩu, lạnh ngắt. Máu loãng vẫn còn ri rỉ phọt ra mổi lần nâng ba lên.

Em suy nghĩ - làm sao cho má hay - làm sao cho má đừng xỉu - làm sao cho mấy đứa nhỏ nhìn mặt ba lần cuối nếu rủi không đem ba ra được. Đang giặc giả làm sao đem ba ra khỏi cư xá? Đem đi đâu? Bao nhiêu câu hỏi làm cho em bổng dưng khô nước mắt.

...

Chị hai bồng con bước vô nhà bật khóc.

Ai đó qua nhà thờ đưa má với bầy em chạy hộc tốc về nhà. Tiếng má em vừa khóc vừa la hãi hùng:

Anh ơi đi đâu mà để chúng bắn vầy nè anh ơi mình hổng nghe lời tui cứ vô trong đó làm chi mình ơi... tui chết theo luôn cho rồi trời ơi là trời ...

Em đã ôm đầu má nói:

- Má ơi má đừng lo con lo hết cho má đừng khóc quá làm mấy đứa nhỏ sợ má ơi ba chết rồi khóc vô ích lo đem ba ra khỏi cư xá má ơi...

Anh ơi rõ ràng em nhớ. Ngay giây phút thấy bầy em mắt mũi tèm lem, em đã trưỡng thành. Em đã tự bức tử cái tuổi mười chín và giấc mộng con gái. Em đã tự bọc một lớp vỏ sắt xung quanh em và em cũng biết rõ, tình ta chấm dứt. Cắn răng. Không khóc. Ngày mai mới có thì giờ khóc.

Súng nổ ầm ầm.. Nghe tiếng loa phóng thanh kêu gọi vang vang :

- Nghe đây nghe đây đồng bào vùng cư xá Phú lâm A phải tản cư gấp qua trường Mạc Đỉnh Chi vì phi cơ sắp dội bom thanh toán địch quân. Đồng bào hảy tản cư gấp... Nghe đây nghe đây...

Anh ơi em lo lắng quá. Đầu gối cứ run. Bước ra cửa. May mắn gặp một bạn đồng nghiệp của ba vừa bước ngang. Em năn nỉ – bác ơi làm ơn kiếm cách gì đem ba con qua quận Năm nhà của dì con chớ để ba con đây rồi giặc đánh lớn làm sao rủi cháy nhà cháy luôn ba con bác ơi làm ơn giúp con bác ơi. Bác nói –được rồi để bác tìm cách. Bác là bạn của ba cháu mà. Hồi nảy bác cũng trộn lộn trong đó nó đâu biết. Ba cháu bị cầm cái máy ảnh...

Vừa nói bác vừa chạy đi...

Đạn bom nổ ầm ầm em mới nói "thôi chị hai dẩn má với mấy đứa nhỏ chạy trở qua nhà thờ đi tui ở đây coi chừng ba. Nè, Kim Loan ôm gói nầy, Long ẳm con Thúy, Ngọc Anh cầm giỏ nầy nắm tay Phượng, Hoàng, đừng chạy lạc em nghe cưng... má đi đi, con ở đây đợi có bác đó nói để bác kiếm xe đem ba xuống nhà dì Năm."

Cả nhà dắt díu nhau đi rồi. Còn lại em với xác ba nằm trên ghế bố trước bàn thờ.

Tiếng súng đạn ầm ầm nghe dựng tóc gáy. Em run sợ qúa...

Em thầm vái – ba ơi con không bỏ ba đâu. Ba phải phù hộ cho con ba ơi.

Em lấy giấy viết ra ghi vội ngày giờ ba chết. Em sợ...

Nhìn ra cửa thấy mấy người lính Biệt Động Quân núp vô ló ra mừng quá trời mừng em vọt ra hỏi -chừng nào có xe đem ba tui đi- Một người lính thấy em, giựt mình, la:

-Sao người ta tản cư hết cô còn ở đây.

Bom nổ cái ầm, y nói tiếp:

– Ra khỏi nhà mau.

Em nói:

- Ba tui mới bị bắn chết làm sao tui bỏ ba tui nằm đây, tui đợi người ta đem xe tới chở ba tui đi.

Tiếng đạn tiếng bom, véo véo, bóc bóc, .... bùm.... bùm....

Anh lính nói:

- Đó đó nó bắn B 40 đó... Ở đây chết ráng chịu à. Ba cô bị bắn chết hả. Đ.M mấy thằng Việt cộng nầy hổng bắn nát óc nó ra sao được. Tội nghiệp hông, cô năm nay bao nhiêu tuổi? Biệt Động Quân bên dảy P sắp xung phong kìa.

Em thụt vô nhà.

Khoảng chín mười giờ gì đó...

Sau cùng. Người ta cũng có được chiếc xe jeep lui mau tới trước cửa nhà em. Lạ thay, có hai ba người Mỹ cầm máy quay phim, quay cảnh hai người lính ùa vô nhà, lấy chiếc chiếu cuốn ba vô rồi vác ra xe.

Em chạy theo. Lúc đó nước mắt em mới tuôn, trào.

Ba em hiền quá sao chết sớm vậy?

Nhìn lên trời. Mây vẫn trắng. Trời vẫn xanh. Mà ông Trời thì quá xa.

...

Anh thương yêu.

Ba em năm đó mới bốn mươi ba tuổi. Có phải ba em chết vì cái máy ảnh? Sinh nghề tử nghiệp như thế đó.

Trong một năm, bao nhiêu thay đổi. Má đâu còn lương tháng của Ba. Xoay trở với món tiền Quốc Gia Nghĩa Tử nhỏ nhoi, Má ra chợ từ hừng đông tới tối mịt, mua món này bán món kia đấp đổi qua ngày. Em làm lương tháng có ngàn mấy mà lúc đó gạo một bao hơn ngàn đồng. Trời đất ơi làm sao kéo dài sự sống cho đám em?

Đúng một năm sau, ngày hai mươi tám tháng năm, em tự xả tang ba, em lấy chồng.

Vậy thì, anh đã biết rõ vì sao em phụ bạc anh, không một lời. Tha lổi cho em?

Hẹn anh kiếp sau.

Người xưa.

2008 Năm Mậu Tý.


=======

to
PhoNang@yahoogroups.com.au,
nguoivietquocgia@yahoogroups.com,
thailangthu@yahoo.fr,
DienDanQLVNCH@yahoogroups.com
date 22 avr. 2008 15:14
objet MAU THAN NAM XUA
envoyé par free.fr

viethoaiphuong
#3 Posted : Thursday, May 8, 2008 11:27:41 PM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)



Bông Trắng Cho Cha, Bông Hồng Cho Mẹ

TRƯƠNG NGỌC BẢO XUÂN .
Việt Báo Thứ Bảy, 8/5/2006, 7:00:00 AM
Người viết: Trương Ngọc Bảo Xuân
Bài số 1071-1680-393-vb7050806


Lễ Vu Lan năm nay tám chị em chúng tôi vẫn còn may phước để trân trọng gài cái bông hồng trên áo. Má tôi năm nay trên tám chục tuổi rồi mà má vẫn còn khoẻ mạnh, tiếng nói còn sang sảng, tinh thần còn minh mẫn tuy rằng đi đứng đã có phần chậm chạp.
Tại sao chỉ có ngày lễ Vu Lan cho Mẹ mà không có ngày lễ Vu Lan cho Cha?
Ba tôi chết đã lâu, băm mấy năm rồi. Mà lạ, sống trên đất Mỹ mà sao trong đầu tôi toàn thấy hình ảnh quê nhà, thỉnh thoảng tôi vẫn hình dung thấy ba đang ngồi trên chiếc xe Vespa cũ kỹ, bảng số có chữ NAN, tà tà từ ngoài đường Lục Tỉnh quẹo vô cư xá Phú lâm A rồi từ từ ngừng trước cửa.
Tôi vẫn còn thấy ba tôi cười cười dặn tôi ráng học cho đời đỡ khổ nghe con, dặn tôi làm chị phải coi chừng đám em nghe con, dặn tôi ra đời phải biết dùng chữ nhẫn nghe con, dặn tôi đừng có ngu làm kẻ lót đường cho người khôn bước lên nghe con, dặn tôi trước khi ngồi xuống ăn uống xung quanh phải dọn dẹp cho sạch sẽ nghe con, dặn tôi đừng có bước ra đường mà mặt mày xơ xác, quần áo bèo nhèo, đầu cổ chơm bơm giống như mới từ trên giường bước xuống nghe con...
Ôi! Ba dặn tôi đủ thứ...
Nghe con nghe con nghe con...
.... dạ, con nghe, Ba ơi con nghe...

Tôi nhớ những ngày Ba Má còn trẻ.
Má tôi vui vẻ, gương mặt hồng hào, tóc bới đầu kiểu như cô Ba xà bông (hình người mẫu trên cục xà bông thơm hiệu Cô Ba), đứng trước cái bếp chung cho cả năm gia đình ở trong một nhà, vừa cầm cái giá hớt bọt nồi canh bí đao nấu với tôm khô, vừa cầm cái sàng trở con cá chiên, vừa ngân nga trong miệng. Bản nhạc tôi thường nghe còn nhớ mang máng lời ca, in là... "bà Tư bán hàng có bốn người con. Thằng Hai đã lớn ba em hãy còn. Thằng Hai lên đường theo chí người trai. Thằng Ba đã lớn đi theo chiến trường... (tôi hổng nhớ thằng Tư thằng Năm thì làm cái gì?)
Mỗi khi Má tôi ngân nga như vậy thì Ba tôi cười mím mím.
Rồi lần lượt hết đứa nầy tới đứa kia, đứa lấn đứa đẩy đứa nhường với nhau, ra đời tất cả tám đứa lũ khũ . Càng sanh con nhiều gia đình càng nghèo. Càng nghèo càng thương con. Con bầy. Má nói con bầy, tám đứa hổng đứa nào giống tánh đứa nào, mà đứa nào cũng dễ thương hết á. Tôi có em càng nhiều tôi càng thuộc lòng giọng Má ầu ơ:
- Ầu ơ... ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghình khó đi
Khó đi khó đẩy về rẫy ăn còng
Về sông ăn cá về đồng ăn cua...
- Ầu ơ... gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu lời đắng cay...
- Ầu ơ... gió đưa bụi chuối sau hè
Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ...
- Ầu ơ... công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con...
- Ầu ơ... mẹ già như chuối chín cây...
...

Ba tôi là một công chức, một cảnh sát chuyên môn ngành nhiếp ảnh, làm việc cho Phòng Giảo Nghiệm thuộc Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia tại đường Võ Tánh, Sài Gòn.
Ba rất chìu con, thương con. Khi đứa nào đau ốm thì được uống sữa đặc có đừơng, ăn oatmeal đóng hộp nhập cảng nấu lên trộn với sữa cho có chất bổ, uống "li mô nát" cho tiêu chớ hổng có vụ ăn cháo với muối đâu. Bởi vậy đứa nào cũng khoái bị bịnh!
Hổng biết có học hay không và học hồi nào mà Ba biết chích thuốc, lại biết đủ thứ, chích gân chích thịt chích ngừa chích thuốc trụ sinh chích thuốc dầu....
Mỗi năm tới mùa nóng Ba bắt đám con nằm dài sắp lớp trên giường để Ba ra tay chích ngừa.
Tôi thích ngồi coi Ba tôi đổ nước vô cái đồ đựng bằng nhôm, để ống chích với cây kim vô nấu cho sôi sục sục bốc hơi gần hết mới lấy ra, cầm cục bông gòn thấm alcohol chùi chùi lên vai hay lên mông trước khi phóng cây kim vô. Mấy đứa nhỏ uốn éo. Sợ thấy bà. Mấy lần sau, Ba đổi cách, vã cái chách lên trước rồi cây kim vô sau, giựt mình một cái thì đã xong!
Ba tôi là một người có hoa tay. Cái gì Ba cũng lọ mọ sửa được. Từ cái đồng hồ cũ cho tới chiếc xe Vespa. Con đông, đứa nào đi học cũng cần có đồng hồ, Ba mua một lần ba bốn cái, cũ, hư, về mở ra sửa lại. Qua bàn tay khéo léo của Ba, cái nào cũng chạy cũng đúng giờ như đồng hồ mới chớ bộ!
Mỗi tháng ba thường hay bắt mấy đứa con thay phiên nhau leo lên ngồi trên yên xe cho chiếc xe trì xuống đặng ba thay cái gì gì đó trong bộ phận máy móc. Ba nói mấy vụ nầy mình làm được tội gì đem ra tiệm cho nó đập. Aaạa thì ra, lần đầu Ba đem ra tiệm cho người ta sửa Ba ngồi coi, coi rồi để ý biết cách, lần sau có hư y chang vậy thì tự mình mua đồ về nhà tự mình mò lần lần cũng sửa được, mấy chuyện lặt vặt.
Tụi nhỏ cũng như tôi, cho đó là một cực hình khổ ải bị Ba đày! Hễ đứa nào bị Ba kêu "lại đây tiếp Ba con" là ụt mặt xuống liền. Có khi cần thay bóng đèn hay sơn sửa gì đó trên cao, Ba leo lên thang bắt một đứa đứng vịn cầu thang cho đỡ rung rinh... Thay vì chạy ra đừơng chơi đánh chuyền chuyền bắn bi đá dế thì bị bắt làm phụ tá cho Ba, chán thấy mồ, hổng chù ụ sao được?
Ba tôi chết đã lâu. Bây giờ ước gì trái đất quay ngược lại một ngày, để được Ba bắt làm thợ vịn hay leo lên yên chiếc Vespa ngồi chầm dầm một đống! Và để thấy mặt Ba tỉnh bơ, cười mím chi nữa chớ...
Má tôi cực khổ lắm. Suốt cuộc đời. Từ nhỏ mất cha sớm vì năm đó cả làng bị chứng dịch tả, cứ một hơi là nghe có tiếng mõ đánh rầm lên, là có người chết. Má kể, hổng tin cũng phải tin, ông bà ngoại lớn nhỏ cách nhau sáu tuổi.
Ông Bà kỵ tuổi nhau, kỵ cho tới chết.
Ông ngoại chết năm Mẹo là năm tuổi của bà ngoại, sáu năm sau bà ngoại theo chân ông ngoại cũng mất luôn, ngay năm dậu, là tuổi của ông ngoại. Lạ vậy đó.
Má phải sống nhờ với gia đình cậu mợ.
Trước khi gặp Ba, Má với dì Tư có một vựa trầu tại chợ Cần Thơ. Khi bỏ hết công chuyện làm ăn theo Ba lên Sài Gòn thì Má ở nhà nuôi con. Thời gian đó Má cũng có vài năm hạnh phúc.
Năm Mậu Thân 1968, Ba tôi bị Việt Cộng bắn chết, bỏ Má với bầy con tám đứa.
Nửa đường gẫy gánh. Từ đó là khổ là cực là không còn gì nữa. Má đã ốm o gầy mòn, buôn từ cái áo bán từ cái quần con nít, đội nắng phơi sương hoà chung dòng nước mắt, ngoài chợ trời, trên lề đường, nuôi đàn con dại khờ.
Người ta có "Gánh Hàng Hoa" thì Má tôi có "Túm Áo Quần"
Và Má không còn cười nữa.
Cũng hết còn ngân nga trong miệng.
Cuối tháng tư năm 1975 Má đã can đảm dắt díu đám con của Ba chen lên lấn đại nhào vô chíêc xe bus ở toà đại sứ Mỹ, nằm dưới đất trong phi trường Tân Sơn Nhứt hai ngày hai đêm để rồi được lên chuyến bay sau cùng trước khi phi trường bị pháo kích, qua Mỹ làm dân tị nạn.
Qua Mỹ, Má tôi ngồi may trong hãng cũng cả chục năm. Rồi có cháu ngoại cháu nội, má ở nhà giữ cháu cho chị em tôi đi làm.
Hết cực với con tới vương đám cháu!
...
Hơn ba chục năm, má ở vậy nuôi đàn con khôn lớn.
Tiết Hạnh Khả Phong.
Cả cuộc đời Má, Phu Xướng Phụ Tùng, Phu Tử Tùng Tử.
....
Lễ Vu Lan năm nay tám chị em chúng tôi vẫn còn may phước để trân trọng gài cái bông hồng trên áo.
Tại sao chỉ có ngày lễ Vu Lan cho Mẹ mà không có ngày lễ Vu Lan cho Cha?
Vu Lan năm nay, 2006.
Một bông trắng dâng lên hương hồn Ba.
Một bông hồng dâng lên Má của tám chị em tôi.

TRƯƠNG NGỌC BẢO XUÂN

viethoaiphuong
#4 Posted : Tuesday, May 20, 2008 4:30:48 PM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
“phốp”, Chuyện 1/4 Thế Kỷ

Việt Báo Thứ Hai, 2/25/2002, 12:00:00 AM
Trương Ngọc Bảo Xuân & Trương Kim Hoàng Thư
Bài tham dự số: 2-470-vb50214


"Ê Hoàng, còn nhớ chuyện Phốp hông? Viết ra gởi vô dự thi Viết Về Nước Mỹ của Việt Báo đi."
"Xời ơi, chuyện gần 1/4 thế kỷ mà hỏi em còn nhớ hông, chị Xuân làm như em rảnh rỗi lắm vậy. Em qua Mỹ hồi 10 tuổi, chính tả văn phạm chấm phết hỏi ngã gì em đâu còn nhớ bao nhiêu."
"Thì nhớ tới đâu viết tới đó. Chử nào khó dở tự điển ra dò. Tin tao đi. Mầy ngồi viết một hơi là lần lần nhớ lại hà. Viết theo sự thật, chổ nào hổng nhớ rõ thì hỏi lại. Mầy viết phần mầy, tao viết về thời gian tao làm rồi ráp lại là đầy đũ chớ gì."
" Ừa, vậy chị Xuân viết trước đi rồi em dựa theo đó em viết thử."

Hồi mới qua Mỹ đi chợ lựa gà nguyên con hay cầm mấy vỉ gà chặt sẵn tôi thường tự hỏi họ làm sao mà con nào con nấy sạch sẽ đều đặn lành lặn như vầy? Nhờ một dịp may, tôi có biết qua về một hãng gà, để tôi kể lại quí vị nghe.
Năm 1978 chúng tôi dọn xuống thành phố Monroe tiểu bang North Carolina để mở một chi nhánh cho hãng may đồ làm bếp.
Charlotte là một thành phố lớn còn Monroe cách khoảng 25 miles thì nhỏ tí tẹo. Dưới phố chỉ có một cái Monroe Mall với hai dãy phố trệt. Ai chạy xe ngang qua nếu lỡ nháy mắt hơi lâu là kể như... hụt.
Vào năm 1979 hãng làm gà tên Central Soya đã bảo trợ một số thuyền nhân Việt Nam qua làm việc cho họ.
Cùng ra phi trường Charlotte đón nhóm thuyền nhân đầu tiên có tôi và David, chồng tôi.
Hãng gà nhờ tôi theo để thông dịch. Tôi chỉ là một thông dịch viên dịch đại vì lúc đó tại thị trấn nhỏ tí xíu nầy hãng gà mới quen với gia đình tôi mà thôi.
Sau khi chọn nơi ăn chốn ở xong rồi, con nít vô trường người lớn bắt đầu vô hãng gà làm việc.
Hãng có ba ca. Ca sáng từ 7 giờ tới 4 giờ chuyên làm gà trắng và gà tây, ca chiều từ 4 giờ tới 11 giờ chỉ làm gà trắng, ca đêm từ 11 giờ tới 7 giờ sáng thì bốn tiếng làm gà 4 tiếng dọn dẹp.
Gà sống đựng trong những giỏ nhựa có lổ từ trại nuôi gà vùng phụ cận Monroe khoảng 100 miles trở lại được chở tới bằng xe hàng.
Vì là thông dịch viên cho nên khi ông xếp huấn luyện người nào làm việc gì thì ổng phải giải thích cho tôi trước để tôi hiểu rỏ rồi mới dịch lại nên tự nhiên tôi cũng biết nghề, từ bước một.!
Gà từ xe hàng treo ngược giò lên một đường rầy như dây chuyền. Đầu gà thòng xuống chạy ngang qua bộ phận tự động dẫn điện với nước muối gọi là Electrified Salt Water Solution. (Tôi không rành về điện lực, nói theo trí nhớ) .
Gà bị điện dựt tê, xỉu, cần cổ thẳng đơ, từ con chạy ngang qua cây dao quay tròn trảm thủ khứa cái rẹt - đầu lìa khỏi xác- máu tuôn ra chảy vô đường rãnh xuống cống. Con nào quay trật ra ngoài lưỡi dao tự động thì đã có một nhân viên đứng sẵn cầm cây dao bén như dao bào cắt xoạt một cái ngọt. Đôi khi cắt xong máu phun ra tưới ngay vô mặt gớm lắm. Ai làm việc nầy cũng khó giử được lâu.
Tôi còn nhớ tôi đã nằm ác mộng thấy mình kẹt trong cái phòng đầy máu. Máu nhuộm đỏ trên tường, dưới sàn ẩm ướt máu. Tôi đi trên máu, máu nhểu trên đầu máu văng vô mặt máu dính lên môi ối chu choa là kinh khủng. Quí vị hảy tưởng tượng mà cảm thông cho những người phải làm công việc nầy!
Gà mất đầu xuội lơ nhưng đôi khi thân còn cà giựt cà giựt... theo dây chuyền vô thùng nước nóng rồi qua máy tự động rạch bụng nhổ lông sạch trơn. Con nào còn sót lông sót lớp da vàng vàng mõng mõng bên ngoài thì cũng có người đón sẳn vặt lại những lông, da bị sót bằng tay.
Gà trần truồng chạy ngang qua phòng khác có nhân viên đón sẵn hai hàng mỗi bên 10 người cầm dao cắt phao câu thò tay moi chùm ruột ra. Đây là ngả rẽ tâm tình!. Thân một nơi đồ lòng một nẽo. Bộ đồ lòng chạy qua khu khác còn thân gà sẽ được xịt vòi nước rửa thật sạch trong lòng rồi chạy qua khu chặt giò. Đồ lòng gà Tây vô bao cần cổ gan tim mề và phao câu rồi nhét trở vô bụng từng con. Gà nguyên con qua "nhà xác" tức là phòng lạnh để đông lạnh trước khi gởi bán. Gà Tây còn thêm cái mục ràng phần giò trở vô ...hạ bộ. Đồ lòng gà trắng được thẻo riêng tim, mề còn ruột thì (nếu tôi nhớ không lầm) chạy qua thùng nước sôi, luột trước khi gởi bán cho trại nuôi heo có lẻ để chế ra thức ăn nuôi heo.
Đầu và giò hình như cũng gởi bán cho hãng nuôi heo. Lông gà có lẽ bán cho hãng làm nệm làm gối. Ông xếp nói nguyên con gà xài được hết.
Gà nào bị cắt phạm được thải qua khu "thương phế binh" để xả ra từng phần vô vỉ bán chợ địa phương và nhân viên. Món gà "thương phế binh" nầy bán rẽ lắm. Gà nguyên con gởi bán khắp các tiểu bang. Có nơi mua gà về họ mới xả ra vô nhản hiệu riêng của họ.
Mề và tim gà cũng có phần bị cắt phạm hãng bán cho nhân viên với giá rẽ mạt. Đây là lúc chúng tôi ăn mề, tim, gà tươi. Luột chấm nước mắm tỏi ớt hay nhiều quá thì làm phá lấu là món ăn khoái khẩu. Vì còn mắc cở nên không ai hỏi về phần giò gà. Về sau tôi xúi mấy người làm ở đó họ hỏi xin chủ hãng cho họ giò, đầu gà đem về luột ăn. Không ai dám xin ruột vì họ làm thức ăn cho heo. Chẵng lẻ mình cũng dành luôn?
Nhân viên đa số là người da đen và Việt tị nạn. Xếp người Mỹ trắng. Đa số làm lương tối thiểu cho nên khi xếp hỏi ai muốn làm giờ phụ trội là người Việt mình nhận liền.
Đó là đại khái nói về con gà từ lúc sống cho tới lúc vô phòng đông lạnh. Bây giờ để tôi kể từ chi tiết từng giai đoạn.
Việc treo gà
Người làm việc treo gà sống lên là việc lảnh lương cao nhứt. Y phải đeo mặt nạ, bịt mủi miệng, phải mặc áo choàng che kín thân thể. Đeo bao tay dầy. Chổ nầy thúi tàn bạo vì cức gà phẹt tùm lum tá la, bụi lông tung mù mịt, gà kêu en ét. Khi còn trên xe hàng thì gà nằm im rơ nhưng khi bị treo ngược giò lên không biết gà nó có sợ có hiểu đây là giờ tử của nó không mà nó kêu, nó dẩy dử lắm, dẩy vãi cức ra, mổ lia mổ lịa. Nhân viên phải có sức, phải khỏe để móc từng con gà nặng ít nhứt cũng 6,7 cân mổi con, làm triền miên suốt ngày suốt đêm. Gà Tây còn nặng hơn nhiều.
Chàng thanh niên làm ở chổ nầy tên Bạc. Y nói có khi về nhà em vẫn còn nghe mùi gà; nghe tiếng gà kêu, em nuốt cơm hổng vô. Em phải ráng có tiền mau mau, dành dụm một số vốn rồi đi học thêm. Hồi ở Việt Nam y đã có bằng tú tài đôi!
Phòng cắt cổ.
Cái phòng bề ngang 12 dài 12 nầy ai cũng ớn. Nó đỏ màu máu. Không ai giữ việc nầy lâu. Cậu Long chịu trận được một tháng. Sau khi cậu đổi qua khu khác chỉ thấy hãng thay thế bằng đàn ông da đen. Có lần vào giờ nghỉ giaỉ lao cậu ta hổng rửa tay vô phòng ăn dơ hai bàn tay đầy máu nhát mấy cô nhát gan la hét có cô sợ quá ra nước mắt khỏi ăn bánh luôn (nhỏng nhẻo ấy mà!). Còn Long thì từ đó về sau không bao giờ dám đụng vô đĩa tiết canh.
Chổ vặt lông.
Những người nhổ lông sót nầy mặt mày và hai bàn tay có khi bị phỏng vì hơi nước nóng, cũng đàn ông làm.
Người moi đồ lòng.
Đeo bao tay. Cầm kéo cầm dao bén. Đứng trên bụt gổ chân mang giày boot bằng cao su, hai hàng đâu mặt ở giữa là đường rầy có gà chạy ngang. Vì đường rầy làm theo chiều cao trung bình của người Mỹ nên đám tị nạn mình lúc nào hai cánh tay cũng vói cao, về nhà là mỏi rụng rời, mỏi tàn xác. Mấy người nầy ngày nào cũng quất vô hai viên Tylenol chịu trận.
Phòng nầy cũng lạnh gớm ghê. Bận quần áo lạnh, chân mang vớ dầy, đôi boot cao su chồng bên ngoài đôi giày đi trên sàn nhà lúc nào cũng lẹp nhẹp nước. Lạnh nên ai cũng bị chứng sổ mũi trường canh. Người thì tay cầm dao cắt phao câu tay moi chùm ruột ra lòng thòng tòn ten. Người thì cắt, lộn mề gà. Mùi đồ lòng thum thủm bay ra khó chịu lắm. Mỡ gà nhầy nhụa thấm sâu qua lần bao tay dày, rửa rồi cũng còn nhớp còn hôi.
Khi nào cần hàng sản xuất gấp thì ông xếp cho máy chạy mau, gà đi phăng phăng qua hai tay làm mau theo máy chóng cả mặt mày, có khi xỉu, bạn bè đè ra cạo gió!
Làm khu nầy có hai chị em cô Thừa, cậu Dư. ( Thừa có người anh kế tên Út, sau cậu Dư còn ba đứa em tên Nữa, Sót và Mót rồi bà Má mới chịu ngưng. Tụi tui cứ cười hoài về mấy cái tên chấp nhận ngộ nghỉnh); có cậu Phú, Lực, vợ chồng chị Ngà, Long, Đức, Trường và Lương. Về sau có thêm hai anh em Tiến và Lợi, Láng, Phương, Kiếu, Lệ và Thu..
Mấy người làm khu nầy hay nói: " Việc gì mà khổ cực trần ai"
Moi mề móc tim.
Tim thì bóp nặn bỏ cục máu. Mề thì phải xịt nước cho sạch đồ ăn rồi lột lớp màng bọc, Có khi dao cắt trúng vô tay mình. Hai bàn tay lúc nào cũng ướt nước. Cũng trong phòng lạnh.
Nhà xác.
Phòng nầy lạnh kinh khủng. Lạnh thở ra khói. Lạnh teo thịt tóp da. Lạnh cứng mình cứng mẩy. Lạnh tê hai tay lên tới vai. Lạnh buốt hai chân tới đầu gối. Lạnh tới độ lông tóc không mọc nỗi. Lạnh tới nỗi tủi thân muốn khóc mà nước mắt chỉ ứa ra rồi đông cứng lại ngoài vành mi! Lạnh tới ngày nghỉ vừa hơi ấm ấm là lại trở vô làm nửa nên cái lạnh triền miên. Hai tay thì sắp từng con gà vô thùng. Phải có đầy đủ sức khoẻ mới làm nổi chổ nầy không thôi cũng bịnh thương hàn mà đi theo đám gà!
Ngoài các phần vụ trên, việc dọn dẹp trong hãng nầy chỉ có vài người da đen làm ca 3. Họ dùng vòi xịt nước thật mạnh đẩy đi tất cả chất dư thừa máu me xuống hết cống rảnh.
Tôi chỉ giúp hãng buổi đầu thôi vì tôi phải làm việc bên hãng may. Em tôi vô làm thế, sau đây là phần kể của nó.

Khoảng giữa năm 1979. Dạo đó em nhớ TiVi đang chiếu phim Roots. Đó là cuốn phim về người nô lệ da đen thời xưa.
Viết văn khó quá. Hồi rời khỏi Việt Nam em mới 10 tuổi, chưa được bận áo dài đi học mà. Chử Việt em cũng hổng biết nhiều. Em nghỉ thấy mấy người viết văn viết sách... sao hay quá, sao nhiều chuyện quá! Đủ chuyện để nói! Nói "tàn gia đại hải", đủ thứ... Em viết được một trang là phải tốn rất nhiều thì giờ vì em không đủ chử. Thôi kệ, em sẽ ráng nhớ lại...
Lúc nầy, mổi lần nhớ lại những chuyện xưa... hãng gà là nơi làm em 'feel depress' nhứt! nhưng cũng là nơi có nhiều kỹ niệm đáng nhớ nhứt! Có thể vì lúc đó không có nhiều Việt Nam, trong phố Monroe có bao nhiêu người Việt thì quen nhau hết. Có thể ai cũng đang bị một cái gọi là 'cultural shock' (em hổng biết dịch là sao). Đa sốø vượt biên qua. Tốn bao nhiêu cây vàng.. ai bị gạt, gạt mấy lần... có người xui gặp những cảnh không ai muốn nhớ tới, nghỉ tới! Đến khi Mỹ nhận tưỡng mình được qua thiên đàng. Tiền thì trên trời bay xuống. Rồi lúc vô làm trong hãng gà mới thấy ' thiên đàng' là đó!.Tiếng Anh thì không biết. Muốn có một lối thoát, một tương lai hoặc một cái gì đó thay đổi đời sống nhưng không có đường đi, không có ai dìu dắt hay giúp đở.
Một số người nầy đã ở qua những tiểu bang lạnh khác như Minnesota, Chicago... và đã làm qua hãng bò, làm nông trại... những nghề mà hồi ở Việt Nam chắc không bao giờ ngờ là mình sẽ qua bên Mỹ một xứ văn minh, giàu có... để đi làm trong những hãng nuôi và giết bò.
Đang ở Việt Nam, xứ nóng 100 độ sang ở bên nầy vào mùa đông, xứ Minnesota lạnh 20 độ dưới số không. Gia đình chị Kiếu, chị Phương hồi đó hình như làm trong hãng bò ở Minnesota. Sợ lạnh quá nên lúc hãng gà bảo lãnh xuống Monroe họ đi liền. Ở Monroe cũng lạnh nhưng không đến đổi tệ như ở Minnesota. Chị Phương chị Kiếu có nhắc tới thời gian làm ở hãng bò trên Minnesota, 'khiếp lắm'! nếu so sánh với hãng bò thì hãng gà nhàn hạ, sạch sẽ hơn nhiều. Còn so sánh khí hậu thì Monroe ấm hơn Minnesota.
Chiều bửa đó đi học về khoãng 3:30. Lúc đó em đang học lớp 11. Má nói chị Xuân hỏi có muốn đi làm thêm sau giờ học không, thế chổ cho chỉ, 3 tiếng mổi ngày, 3 ngày một tuần. Hình như là 5 đô một giờ. Má nói muốn làm thì gọi cho David hay.
David chở em tới hãng gà " Central Soya". Nó chiếm một khu đất rất là rộng ở Monroe. Khi tới gần hãng thì cái mùi lông gà phân gà rất nặng và khó chịu. Có thể so sánh với khoãng Freeway 605 trước kia là chổ nuôi vịt sống trên đường Garvey nhưng cái mùi hôi thì nhơn lên gấp 70% vì diện tích to hơn.
Lúc đó em mới 16 tuổi đang lúc mơ mộng, tuổi bực bội ... Em còn đang mơ lá vàng rơi thì David lại đưa em vô làm trong hãng... gà!
Cảm giác lúc vừa mới vô trong sân hãng thì buồn lắm ai ơi bởi vì từ nhỏ tới lớn sống ở thành phố chưa bao giờ bước chân vô những chổ như vầy. Cộng với cái mùi gà sống, nó ám ảnh em rất lâu. Gặp ông John, một trong hai ông xếp ca đêm, ông kia ít thấy mặt. David giới thiệu đây là em vợ đang học lớp 11. Ông John nói đại khái về việc làm: Cô thư ký đang có bầu khoãng 5,6 tháng gì đó. Em vô phụ việc lặt vặt trong văn phòng, việc chính là Thông Dịch! Trời! Nghe mất hồn vì tiếng Việt em dịch không được suông lắm. Ông John nói không phải gì khó hết. Ổng nói mấy người nầy không biết một tiếng Anh. Ổng cần thông dịch về những việc thông thường trong hãng, hoặc là những gì người ta cần em cho ổng biết. Người Việt không biết một chút gì về người Mỹ và người Mỹ không biết một chút gì về người Việt. Ổng chỉ biết là hãng ông đang cần nhân công, người Việt tị nạn cần việc làm, em sẽ giúp ích cho người đồng hương. Nghe vậy khoái quá em nhận việc liền.
Em làm từ 6 giờ chiều tới 9 giờ tối, thứ 2,4,6. Có khi làm thêm buổi sáng cuối tuần, những lúc ông John hẹn tới nhà mấy người Việt hỏi coi họ có cần gì thêm không.
Đi học về 3:30 kiếm gì đó ăn, lái xe tới hãng, mất khoãng 10 phút. Vô văn phòng chánh, gặp ông John để biết hôm đó cần hoặc làm những gì xong đi bộ xuống chổ làm việc. Chổ nầy là một cái building khác. Hãng gà lớn lắm. Có nhiều building kế cận nhau. Mới vô là văn phòng chánh chổ nầy có bà thư ký chánh lo việc buôn bán và những chuyện quan trọng khác. Mấy ông xếp lớn hầu hết làm việc ban ngày. Ban đêm không có ai. Chỉ mình ông John trong đó.
Khu #1, chứa gà sống. Khu nầy nằm khuất phía sau, có đường để xe hàng chở gà sống tới.
Khu # 2, "loading live chickens" (treo gà sống)
Khu # 3, điện giựt cho gà xỉu trước khi cắt đầu.
Khu # 4 , cắt đầu gà.
Khu # 5, nhổ lông, rạch bụng.
Khu # 6, moi ruột, cắt phao câu.
Khu # 7, chặt gà ra từng phần.
Khu # 8, đông lạnh.
Khu em làm là khu moi ruột cắt phao câu, chỗ người Việt làm đông nhứt. Em sẽ gọi là khu số 6 cho nghe vẻ thanh lịch một chút. Đây là chỗ sau khi những con gà đã qua khỏi 5 chặng đường.
Xuống gặp cô thư ký. Thấy bụng cổ cũng hơi bự bự. Cô thư ký nầy da trắng là dân "local" ở đây. Chưa bao giờ bước chân ra phố lớn. Đây là đứa con đầu lòng của hai vợ chồng. Nó mới 23 tuổi mà sao lúc đó em thấy nó già quá. Nó chỉ em cách xài điện thoại 3 dây. Khi một dây gọi thì một cái đèn chớp chớp, nhấc lên và bấm cái đèn đó, trả lời. Khi nhấc lên thì nói tên mình cho người gọi biết ai trả lời. Những người gọi vô 3 đường dây nầy toàn là những người trong hãng, hay là thân nhân của nhân công gọi kiếm, nên khỏi phãi nói tên hãng ra.. Khi nào cô thư ký nghỉ hoặc đi đâu đó thì trả lời điện thoại. Nó còn chỉ em cách xài máy "pager" để gọi tên những người ở đâu đó... trong hãng, nhưng em không dám xài vì sợ quá.
Một trong những việc khác em làm là lấy orders mua gà của nhân công Việt Nam. Hãng có bán giá đặc biệt cho tất cả nhân công: mỗi thứ $ 1.00 chẵng hạn 1 bịt đùi gà, 1 bịt đồ lòng gồm có mề, tim, gan, một bịt gà nguyên con... tất cả về gà... mỗi bịt là 10 pounds. Mỗi người chỉ được mua một bịt cho mỗi loại trong một tuần.
Lúc mới vô ông John có dắt đi giới thiệu với mấy người Việt đang làm trong hãng. Đây là nhân công làm ca nhì, từ 3:30 chiều tới 11:00 tối.
Tên mấy người chị Xuân có kể bên trên. Về sau có thêm anh em Tiến, Lợi, người SaiGòn. Tiến lúc đó đang học lớp 11, ở Monroe High. Chị em Lệ, Thu ( người Mống Cái, Hải Phòng) và chị Láng chị Phương chị Kiếu người Triều Châu.
Lúc em vô làm thì mấy chị mừng lắm, nhứt là chị Láng, Phương, Kiếu, Lệ, Thu vì họ nói với em là không biết tiếng Anh đi làm có nhiều uất ức mà không nói được, có cần gì cũng không biết nói cho ông John hoặc mấy người xếp biết nên họ tức lắm. Chuyện quan trọng nhứt lúc đó của mấy chỉ mà em thấy là chuyện mua gà. Em nhớ họ hỏi vụ mua gà trong hãng vì họ thấy mấy người nhân công đem gà về nhà nhiều lắm. Trong hãng nầy đa số là da đen. Vài người da trắng và Việt Nam từ những vùng phụ cận bắt đầu vô đông. Những người Việt nầy không phải do hãng bảo trợ.
Mỗi lần tới ngày mua gà thì ai cũng vui lắm. Đứng sắp hàng ngay cửa sổ, chỗ đó ngăn cách khu số 6 với phòng cô thư ký (cũng là phòng chứa đồ lặt vặt). Phía ngoài cửa sổ là phòng nhỏ cho nhân công vô để bấm thẻ lúc vô làm và lúc về. Có để vài cái ghế. Tuần nào ai cũng mua tối đa. Còn hỏi mua thêm nhưng ông John nói là hãng không cho. Sau nầy có những người độc thân không mua hết phần của họ thì người khác nhờ họ mua dùm thêm những phần còn lại. Dạo đó em bán hàng đắc quá trời. Những lúc đó em thích nhứt vì ai cũng cười nói rất là vui vẻ. Không hiểu sao lúc mới qua, Việt Nam mình ai cũng mê ăn gà quá trời. Có lẻ tại trong hãng bán rẻ quá.
Cô thư ký dạy cho em vụ bán gà cho những nhân công "non-Vietnamese" luôn. Cô ấy nói là cái bụng nó bắt đầu lớn hơn, mỗi lần đứng dậy, nó mệt lắm. Nó chỉ thích ngồi yên trên ghế và trả lời điện thoại thôi. Nó thấy em chịu bán gà nên giao nguyên vụ cho em. Em khoái lắm vì được giử nguyên cuốn sổ order. Mỗi lần ai tới đặt mua gà thì được nói dóc vài câu chuyện.

Thứ sáu là ngày vui nhộn nhứt trong hãng vì đó là ngày phát gà. Ai cũng đứng sắp hàng ngoài cửa sổ để em giao những bịch gà. Mỗi người phải đưa cho em một tờ copy của những gì họ mua. Nhân công đen/trắng thì em phải coi lại tờ copy để giao cho đúng phần. Việt Nam thì dễ ợt vì ai cũng mua giống nhau và mua hết phần của mình. Lúc người Việt tới nhận hàng thì chỉ việc đưa cho mỗi người một bịch, bao nhiêu loại thì cứ việc đưa hết. Ai nấy đều vui vẻ, khệ nệ khiêng ra xe Van đặng hết ca làm đem về nhà. Nấu món gà 7 món... ăn không hết thì đem biếu bạn bè, những người làm việc ở hãng mền, hãng vớ... Những người nầy được khen rối rít là "ối giời ơi 'xao' gia đình chị có phước quá! Làm trong hãng gà được ăn gà mệt nghỉ! Mua gà rẻ quá!. Chả hồ gì ở Việt Nam chỉ được ăn gà vào dịp giổ mà thôi. Ở đây tha hồ mà ăn. 'Xướng' ơi là 'xướng'
Về sau khi có cúng kiến mấy bà còn đòi mua gà sống. Mới đầu ông chủ không chịu bán, họ bắt em năn nỉ giải thích tập quán của người Á Đông khi cúng phải cúng với con gà sống có đũ đầu cùng giò ông chủ mới xiêu lòng bán gà sống mổi con cũng $1.
Có hôm ông John nói em xuống khu 6 để coi người ta làm, hoặc hỏi thăm nầy nọ. Chổ nầy mỗi lần vô thì phải mang giày 'boot' (giày cao ống) và đội nón cối. Nhân công phải mang giày boot cao su cao lên tới đầu gối, tóc phải buộc lên và bao lưới (hair net). Tất cả đều do hãng cung cấp.
Lần đầu tiên vô phòng nầy em sợ té mất hồn. Dưới sàn nhà lúc nào cũng ướt nước vì đây là chỗ moi lòng gà. Tiếng máy chạy liên tục ầm ầm cả ngày. Nói chuyện khỏi được vì sẽ không nghe gì hết. Mới nhìn vào thì tưởng là những cái tượng hay đúng hơn là những người máy vì ai cũng giống nhau hết. Trong phòng nầy hơn 90% là đàn bà con gaí. Có vài thanh niên, đa số là Việt Nam.
Có khoãng 40 người làm, mỗi bên 10 người, đối diện nhau. Đây là kiểu làm theo dây chuyền (assembly line đó). Người đứng đầu hàng thẻo phao câu, thọc tay vô bụng gà (bụng đã được mổ xong trên đường từ khu 5 tới khu 6) và moi bộ đồ lòng để ra ngoài nhưng không được lôi mạnh quá vì bộ đồ lòng phải còn dính trên con gà. Người thứ nhì cũng làm y chang vậy nhưng làm con gà kế. Người thứ ba làm con sau cùng. Cái nhóm kế làm cực hơn. Nhóm nầy cũng ba người. Bỗn phận là rạch cái mề, lật ngữa nó ra ngoài để máy nước xịt mấy chất đồ ăn trong mề ra bỏ. Hôm đó chị Lệ, Thu, Kiếu, Phương và Láng làm ở hàng nầy. Làm việc phải lanh tay vì nếu mình hụt một con thì người kế tiếp sẽ không vui, cự nự vì họ phải chụp làm luôn hai con... Ông xếp cứ đảo vòng vòng canh chừng... Cứ như vậy, khi mấy con gà đi hết một vòng biểu diễn trong khu 6 (giống như thi hoa hậu!) thì tất cả sẽ giống như mấy con gà mình mua ngoài chợ vậy. Em mắc cở lắm khi nhìn mấy con gà đi vòng vòng đưa phao câu ra...
Một hôm mới vô làm thì ông John bảo lại nói chuyện với chị Kiếu chị Phương. Vừa vô phòng thì hai chị đã đứng đợi sẵn ngoài cửa sổ rồi. Chưa kịp hỏi thì cả hai vừa mở bao tay vừa khóc:
" Chị Thư thấy không? Tay em bị lở hết thế nầy. Cho em bao tay khác đi."
Em nhìn thì thấy ở kẻ mấy ngón tay máu đang rỉ ra. Cả hai bàn đều bị lở. Em hỏi tay hai chị bị gì vậy, vừa khóc chị Phương vừa nói:
" Ối giời ơi, thì cứ cầm cái kéo cắt mề, cắt không khéo thì nó phạm vào bao tay, bao tay rách, mỡ gà lâu ngày thì nó ăn vào đấy"
Em xoay qua hỏi cô thư ký có thuốc gì xức không? Cô thư ký bảo hai chị vô văn phòng, lấy thứ gì đó xức vô và kêu em cho bao tay mới. Cả hai chị trở lại chổ làm tiếp. Lúc giờ nghỉ hai chị lại nói với em là xin ông John coi có việc gì khác nhẹ nhẹ, việc nầy cực quá. Lúc nói lại với ông John thì ổng nói trong hãng này chỉ có những việc đó là nhẹ thôi, đâu có việc nào nhẹ hơn nữa.
Nói về hai chị em nhà nầy em nhớ thêm chuyện nữa.
Một sáng thứ bảy ông John hẹn em xuống nhà chị Kiếu. Khoãng tháng 11 Monroe đã lạnh nhưng chưa có tuyết, chỉ có một lớp nước đá đóng trên đường, lái xe sợ mất hồn. Em nghỉ chắc qua để thông dịch giấy tờ cho ông John.
Lúc vô nhà thì ông John đã tới từ sớm, đang xì xồ chỉ cho chị Kiếu, chị Phương cách xài máy giặt máy xấy quần áo. Cảnh nầy nhìn mắc cười lắm vì mặc kệ ông John nói gì thì nói còn chị Kiếu chị Phương thì đang nói chuyện với nhau (nói xấu ông John thì đúng hơn)
Thấy em ông John mừng quá nói là phải dạy cho chị Phương chị Kiếu giặt đồ xấy đồ bằng máy. Hai máy nầy của hội cho từ lâu rồi mà không thấy họ xài. Trời mùa đông không thể phơi ngoài sân nên họ phơi đầy trong bếp, trong nhà tắm cả tuần rồi chưa khô. Ông John hỏi :
" Sao không xài bằng máy mà giặt bằng tay?" Chị Kiếu chị Phương nói là:
'Ối giời ơi ở Việt Nam giặt bằng tay thì có chết ai đâu. Giặt máy không biết xài, mất công quá, tốn điện!'
Ông John nói :
" Tụi bây đâu có phải trả tiền điện đâu mà lo."
Chi Phương nói ông John "lắm chuyện"!!!
Xong phần giặt đồ, tới phiên đồ ăn. Lúc vô nhà thì em ngửi mùi đồ ăn, ngon lắm, nhứt là mùi gà xào gừng, mùi thơm lắm. Lúc đó vào khoãng 9 giờ sáng mà đồ ăn thì đủ mùi không đói cũng muốn ăn. Tội ông John, không quen mùi nước mắm!. Ông hỏi em là tại sao họ nấu đồ ăn xong, không ăn, lại cất vô trong tủ 'cabinet'. Em nhìn trong bếp thì không thấy dĩa đồ ăn nào hết, chỉ thấy mấy chồng chén dĩa sạch đang sắp hàng kế bên cái bồn rửa chén. Chị Kiếu lúc đó mới mở cái tủ đựng chén (cabinet) trong bếp ra. Wao! Đồ ăn trong dĩa, còn bốc khói nghi ngút! Dạo đó trời lạnh đồ ăn thì nóng mà lại để trong tủ đóng kín nên khói rất nhiều. Cũng may, chưa có vụ 'smoke alarm' chớ hông thôi chắc alarm kêu dữ dội lắm. Gà 7 món... nào là một dĩa gà luộc, nguyên con có đầu ( dạo nầy hãng bán gà sống cho nhân viên $1 một con) nào là dĩa lòng gà luột, dĩa gà xào gừng (món nầy em khoái lắm) dĩa miến gà xào với đồ lòng có hànhlá rau ngò trên mặt; tô canh đồ lòng nấu với nấm rơm... còn hai dĩa nữa em không nhận được là món gì, cũng gà... chỉ biết là gà 7 món. Chị Kiếu mời ông John ăn nhưng ông từ chối. Ông John hỏi lại không hiểu tại sao họ để đồ ăn nóng hổi đóng kín mít trong tủ đựng chén, sao không để trong tủ lạnh? Chị Phương nói là tủ nầy kín "nắm", rất tốt, vì ở Việt Nam mình xài tủ 'rạp măng giê' đâu có kín như tủ nầy. 'Nắm núc' chuột nó khỉnh đồ ăn đi mất đấy. Ông John nói tụi bây đâu còn ở Hải Phòng nữa, nên để đồ ăn trong tủ lạnh, không thì đồ ăn nó hư, ăn vô bị 'food poison' tốn tiền bác sỉ (ông John phải lo luôn phần sức khỏe cho những người mà hãng bảo lãnh) Chị Kiếu trả lời là ông John này nhiều chuyện quá, 'nắm mồm!'
Ông John đi về còn em thì bị chị Phương bắt ở lại ăn cơm... 9 giờ sáng!
Tối hôm đó, khi vô hãng gà làm, ông John kêu xuống gặp anh Lực, hỏi coi tại sao hôm qua không đi làm. Em mang giày boot vô, tóc quấn lại trùm bằng cái bao lưới rồi đội nón cối lên. Em tà tà đi xuống chổ gà sống. Em ghét xuống đây lắm vì nó thúi rùm, cộng thêm mấy tiếng gà kêu, hay than thở... trước khi lên máy chém. Chổ nầy rợn người lắm, với lại ban đêm đi một mình em sợ ma.
Lúc tới nơi thì đã có mấy chiếc xe truck đang đậu sẵn, đám gà thì ngồi lê lết trong mấy cái thùng, đợi tới phiên lên máy chém. Em tới thẳng chổ anh Lực, đó là ngay cổng xe hàng ra vô. Nơi đó có một chiếc xe truck đang đậu. Em thấy hai người đang cầm từng con gà từ trong cái rổ vuông, móc con gà lên cái móc. Con gà bị móc ngược, đầu gà thì phía dưới cho nên con gà ráng ngóc đầu dậy, vừa ngóc vừa la làng. Từng con gà đã bị móc, cái máy theo dây chuyền chạy vô trong một cái phòng khác. Phòng đó là chổ điện dựt cho con gà hơi 'tê tê' chứ chưa chết đâu nha, chỉ là chuyện chuẩn bị để qua phòng kế bên là có máy chém đầu gà. Ghê chưa?
Chổ nầy lạnh lắm vì làm ở ngoài sân. Dạo nầy gần Noel nên thời tiết lạnh lắm. Em tới gần phải bịt mủi vì mùi hôi chịu không nổi. Lúc thấy em cà rà lại vừa đi vừa tránh... bãi... anh Lực la um sùm đuổi em:
"Đi chổ khác chơi, chổ nầy dơ lắm." Em nói:
" Ông John biểu em xuống điều tra coi tại sao anh Lực không đi làm hôm qua?"
Anh Lực nói:
"Để làm hết chuyến xe nầy rồi sẽ lên phòng mua gà vì ở đây nói chuyện cũng hông nghe gì được đâu."
Lúc trở về, trên đường đi em nghỉ không ra tại sao mà có nghề gi ø ghê gớm quá. Suốt đêm đứng ngoài đường để móc mấy con gà lên. Ngày nầy qua ngày khác, bảy tiếng một ngày. Em buồn quá trở lên văn phòng làm chuyện khác.
Khoãng một tiếng sau, anh Lực lên kiếm em. Lực có cái hay là lúc nào cũng vui, lúc nào cũng cười, không bao giờ than, không bao giờ trách bất cứ chuyện gì. Có thể vì vậy mà em nói chuyện nhiều với anh Lực nhứt. Lực nói với em là:
" Mới mua căn nhà mobil home, $750 của hội nhà thờ USC. Mới ở khoãng một tháng thì hôm qua, cái máy nước nóng bị nứt bể. Vì trời lạnh quá nó đóng đá, lúc vặn nước nóng bị sức ép nhiều quá nó nổ, phải tốn $500 để thay ống mới."
Thời đó $500 lớn lắm. Em hỏi:
" Anh Lực có thay hông?" ảnh nói:
" Thì phải thay chớ hổng lẽ hổng tắm? mượn tiền của hội USC, trả góp lại. Còn việc không gọi ông John vì không có điện thọai."
Lực phải ở nhà lo sửa nhà vì Lực còn ba đứa em nhỏ ở chung. Đến lúc gần xong thì xe Van (xe tới rước nhân viên cũa hãng gà) đã đi mất rồi nên Lực ở nhà. Ông John dặn kỳ tới có nghỉ thì cho ai đó biết để nhắn lại vì chổ Lực làm chỉ có hai người thôi.
Ông John cho em biết Lực làm được hai tuần rồi, ảnh mới đổi từ khu 6 xuống. Lực làm việc rất giỏi. Lực tự động xin đổi vì chổ nầy làm lương cao nhứt trong hãng. Anh Lực cần tiền vì mới mua nhà, còn nuôi ba đứa em, còn bà mẹ và đứa em út ở Việt Nam lo thăm nuôi cha đang ở tù cải tạo.
Chổ Lực làm dơ nhứt. Trong hãng gọi anh là 'Doctor Lực' vì được mặc cái áo choàng trắng giống như áo bác sỉ mặc. Nhưng áo Lực mặc thì có nhiều màu khác pha vô. Màu cức gà đó! Lúc em gặp Lực thì em chỉ thấy hai con mắt đen thôi. Caí áo choàng trắng thì đầy cức gà, cái nón cối cũng dính cức gà, cái mặt anh Lực thì cũng trắng luôn vì lông gà màu trắng. Em chỉ thấy hai con mắt đen. Hai tay mang bao tay dài lên tới cùi chỏ. Chân mang giày boot cao. Lúc làm thì phải mang " face mask". Làm liền tay vì ngoài nầy chỉ có hai người móc gà máy thì chạy liên tục. Gà mổi con cân nặng khoãng 6, 7 pound. Đó là gà thường, gà lôi nặng hơn nhiều. Con gà thì mập ù, anh Lực thì ốm nhách. Em hỏi Lực:
" Làm sao mà móc gà lên được?"
Lực nói:
" Mấy con gà đã bị trói hai chân lại rồi để lúc di chuyễn không sợ nó bay. Vậy mà nhiều lúc chưa kịp mang bao tay cũng bị nó đá chảy máu tay đó. Còn vụ dựt điện trước khi chém đầu là vì Mỹ nó nhân đạo không muốn con gà bị đau nhiều trước khi chết nên chỉ cho điện dựt hơi nhẹ, cho con gà hơi tê tê thôi để cho mấy ảnh nằm thẳng cẳng, còn cái đầu thì ngã xuống nếu không nó cứ ngóc đầu lên làm sao máy chém trúng, với lại họ không muốn gà nó thấy con dao, muốn nó bị điện dựt gây tê mê, bớt sợ. Khi qua máy chém, chỉ một đường - cái đầu qua một bên, cái mình qua hướng khác. Lúc đó chắc con gà cũng chưa biết mình chết vì còn đang tê mê mà."
Hôm khác vô gặp ông John. Vừa vô thì mất hồn vì văn phòng chứa một phòng đồ cũ. Ông John nói là -của hội nhà thờ cho mấy người Việt Nam, kêu em đem máng trong phòng ăn, ai lấy cũng được. Lúc đang máng thì có nhiều người Mỹ lại lấy còn dặn em là nhớ để dành cái nào size mấy... cho họ. Lúc đầu em để dành, nhưng sau ông John rầy không được làm như vậy vì sợ phiền và sẽ có người giận. Việt Nam mình lúc đó kỵ bận quần áo củ nên ít ai lấy. Chỉ có chị Láng lựa mấy cái quần jean vì chị Láng rất to con. Rốt cuộc đống quần áo cũ cũng về phần mấy người da đen.
Một hôm vô làm gặp ông John trong văn phòng. Ông nói là -có chuyện cần phải giải quyết liền. Ổng nói -có mấy người than phiền người Việt không có tắm. Ngồi gần rất là thúi.!!! Mới đầu nghe chưa hiểu lắm. Em hỏi lại -có phải là mùi thuốc lá hông vì thanh niên Việt hút thuốc nhiều, người không hút ngồi gần thấy khó chịu. Ổng nói -mấy người da đen nói là "Vietnamese don't take bath, they smell bad, body odor, not cigarette smoke!" (người Việt không chịu tắm, nó thúi lắm, mùi thân thể chớ không phải mùi thuốc lá).
Em nghe giận run. Em bảo là chuyện nầy khó nói lắm. Ổng nhứt định bắt em phải nói vì mấy người kia không chịu làm gần người Việt. Cỡ nửa tiếng sau ông gọi tất cả Việt Nam vô phòng ăn họp. Đây là lần đầu tiên em gặp nhiều người Việt cùng một lúc. Ông John nói tiếng Anh, kế tiếp là em dịch. Em thấy ngượng miệng, kỳ quá, nên nói tránh qua là có mấy người xài dầu người Mỹ họ chịu không quen nên ông John không cho xài dầu trong hãng. Nhưng có vài người hiểu tiếng Anh họ nói là em phải dịch đúng nghĩa cho tất cả biết. Lúc đó em mới phải nói thẳng là có vài người trong hãng nói Việt Nam mình không tắm họ không chịu làm gần. Ông John nói là tất cả phải giử vệ sinh chung.
Lúc đó anh Đức nổi nóng lớn tiếng liền:
" Đứa nào nói câu đó tui biết được tui đụt vô mặt."
Ông John nghe thấy lớn tiếng hỏi em mấy người đó nói gì, em dịch nguyên văn. Em còn nói là ai nghe cũng giận ông vì đây là kỳ thị. Tại sao lại nói chung là người Việt hôi, không tắm?
Mấy chị mắc cở đỏ mặt còn thanh niên thì giận xanh mặt và có vài người lớn tiếng, đứng dậy quơ tay quơ chân. Ông John có vẻ mất hồn. Ông đở lại vắn tắt là có thể vài người nào đó chớ ông không có nói chung hết thảy.
Từ lúc nầy về sau không khí trong hãng không còn như trước. Nhiều người đòi đi kiếm việc làm khác. Họ hỏi mấy người làm ở hãng may, hãng làm vớ hãng làm mền... nhờ xin việc dùm. Vài người tự động dọn xuống New Orleans, trở lại nghề củ ở Việt Nam là nghề đánh cá. Cũng từ lúc nầy em cảm thấy người ta không còn thích em như trước nữa. Bây giờ nhớ lại em nghĩ có lẽ quần áo giặt bằng tay phơi trong nhà mùa đông còn y ỷ bận vô mình có mùi thum thủm...
Lại có một hôm ông John gọi Việt Nam lại họp. Ổng kêu người Việt mình đừng nên vô "unions" (nghiệp đoàn công nhân). Nếu có ai tới kêu gọi vô hội thì trả lời là mình không muốn vô. Lúc đó em cũng không hiểu gì về nghiệp đoàn nên không giải thích được. Có người hỏi tại sao không cho vô nghiệp đoàn, ổng nói " unions are for black people, unions only take your money so don't join. They are bad" tạm dịch (nghiệp đoàn là của người da đen, nó chỉ lấy tiền của mình cho nên đừng nên vô. Tụi nó không tốt.)
Rồi cũng chẵng ai màng tới vụ nghiệp đoàn vì ai cũng không thích làm ở hãng gà nữa. Tinh thần nhân viên trong hãng lúc nầy xuống nhiều lắm. Thấy ai cũng chán nản. Giờ ăn không còn nói chuyện ồn ào như xưa. Tất cả ăn vội vàng, hút thuốc... rồi trở lại chỗ mình làm như cái máy. Mấy người Việt không còn vui vẻ với em như xưa. Em thấy buồn, tự nhiên họa lây.
Một đêm, đi làm về buồn buồn suy nghĩ lang mang em chạy lạc vô nghĩa địa. Chừng giựt mình thấy xung quanh mả mồ không em sợ mất hồn. Em nghỉ chắc em bị ma gà nó khiến.
Vài tuần sau em xin nghỉ, qua hãng may làm mùa hè trước khi vô đại học.


Chuyện buồn thì nhớ chuyện vui cũng không quên. Tôi còn nhớ một chuyện chứng tỏ tánh xuề xòa tự nhiên tính gọn của dân tộc Việt.
Một hôm đang ngồi soạn hồ sơ trong phòng, ông xếp hớt hải chạy vô kêu tôi ra thông dịch. Ổng nói:
" Tự dưng trong hãng có một người đàn bà lạ mặt. Bà hãy đi coi cô ta là ai?"
Vô khu mổ bụng gà thì thấy cô Tư vợ cậu Lương đang đứng trên bụt, tay cầm dao cắt phao câu y như nhà nghề. Ngạc nhiên hỏi, Tư trả lời tỉnh bơ:
" Ảnh nhức đầu 'dìa' nhà nằm nghỉ chút, em qua làm thế."
Ông chủ vò đầu:
" Oh my God! Bộ cổ không biết là hãng phải đóng bảo hiểm cho từng nhân viên sao? Cổ không phải là nhân viên đâu có được ngang xương vô làm như vầy?. Lở cổ bị đứt tay trợt té thì sao?"
Tôi dịch lại thì Tư trả lời tỉnh bơ:
" Đâu có sao. Đứt tay thì em 'dìa' lấy thuốc lá đắp 'dô' là cầm máu liền. Té hổng biết ngồi dậy à? Làm thế ảnh một chút, bớt nhức đầu là ảnh 'chở' qua chớ gì đâu? em hổng thế ảnh, ảnh bị 'chừ' lương uổng"
Thôi. Ông xếp cũng chịu thua cái thuyết tự nhiên của cô nàng. Nhưng ổng biểu Tư phải ngưng, muốn làm thì ổng sẽ ký hồ sơ nhận vô đàng hoàng. Tư trả lời tỉnh bơ:
" Hai vợ chồng làm hết thì ai coi con? Thôi cám ơn"
Đả chưa?
Lại có một lần, nữa đêm điện thoại reo. Cậu Dư em cô Thừa kêu qua gấp có chuyện cần chị Thừa bị tai nạn. Hồn vía lên mây vợ chồng tôi choàng áo nhảy lên xe phóng qua nhà y.
Cô Thừa đợi ở cửa tay thì gói trong cái khăn. Dở ra thì không thấy rỏ, chỉ thấy một đống gì nâu nâu nằm trên bàn tay mặt. Tôi hỏi chuyện gì thì y trả lời tỉnh bơ:
" Thì em thọc tay vô rửa cái ly. Quậy mạnh quá...
viethoaiphuong
#5 Posted : Thursday, September 18, 2008 5:14:46 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)


Những Chuyện Con Con (1)

Buổi tối nọ, ngừơi chị bạn dì của tôi biểu tui “ xè tay ra nhỏ” rồi mắt trước mắt sau lén lén nhét gì đó xếp nhỏ xíu vô bàn tay rụt rè của tui. Xè tay ra phải thủ sẵn để có thể nắm lại liền vì bà chị này tánh rắn mắc lắm, tay xè ra mà bụng nghĩ thầm “hổng biết bà này muốn bỏ con gì... vô tay mình đây”.... Nhét xong bà mai bước đi thiệt lẹ, chắc sợ mình trả lại hay sao? còn nói vói “của hoàng tộc gởi đó”
Về nhà vô luôn buồng tắm tui hồi hộp mở ra coi liền. Đó là lá thơ do anh chàng hàng xóm tên Hoàng họ Vĩnh, chàng “hoàng tộc”, nhà ngoài dảy phố đường Bến Chương Dương gởi.
Bây giờ thì nói cho vui vậy chớ lúc đó nào có biết họ nào là dòng vương tộc đâu?
Vài năm về trước nhờ có dịp quen với ông hoàng tộc B.L. cho tui một mớ hình ảnh và tài liệu về các họ của dòng vua, tui mới biết rõ, họ chánh họ thứ... còn lúc đó chỉ biết khoái trong bụng vì được con trai gởi thơ mà thôi.
Lá thơ màu xanh thiên thanh dài đúng hai trang của chàng gởi là tự giới thiệu tên, nhà ở dãy phố ngoài mặt tiền, muốn làm quen và muốn "hai đứa" mình thơ từ qua lại, có thể nào tui làm bạn với H. hông... ? Đại ý là vậy vậy đó...
Trời ơi, tui dấu lá thơ trong tập, hễ có dịp là lén lén hí hí ra đọc, đọc đi đọc lại, đọc thiếu điều muốn thuộc lòng. Đọc thơ bạn trai dễ thuộc biết bao, cần gì nhét "lá thuộc bài " vô.
Phải chi bài vở mà thuộc được như vậy thì có lẽ mình đã học lên tới ... giảng sư !

Tuổi vừa mới biết buồn, có khi vui buồn vô căn cớ, chị Hai tui nói là tuổi mộng mơ. Phải rồi, bả cũng đang trải qua mờ vì tui thấy nhiều lúc bả đọc xong bài thơ hay gì đó, bả ngồi hít mũi rột rột rồi mơ màng nhìn ra cửa sổ.
Tui phải ra tiệm chọn lựa cho được giấy màu hồng cho mơ, viết bằng mực tím cho mộng để trả lời thơ chàng.
Tui nắn nót ráng viết chữ cho đẹp, như rồng bay phượng múa!?.
Tui trả lời là “cũng được (sao mà cũng được hén??? mình đã trả lời thơ tức nhiên là được rồi, sao mà nói là "cũng được" (?. Thiệt tình. Chín hấu mại hơi!) Nhưng tui có dặn Hoàng phải hết sức cẩn thận nếu Ba tui biết được là tui chết!??! và nhứt là phải coi chừng đừng để dì Bảy của tui biết. (Hổng hiểu sao lúc đó cả đám tụi tui sợ dì quá sợ hung thần? có lẽ vì dì hay rảo rảo dòm ngó đứa nào dám đứng nói chuyện với thằng nào... rồi đi méc cha mẹ nó!!!)

Sau vài thơ qua lại được biết Hoàng đang học trường Tây, liếc thấy chàng đi học bằng xe Vespa, màu trắng rất đẹp, ngon chưa? Chưa dám hỏi tuổi chàng. Chắc phải lớn hơn tui nhiều mới được lái xe Vespa chớ.Tự nhiên từ đó về sau ráng tránh, nhưng hể có chuyện bắt buộc phải đi ngang nhà "chàng" tui hết còn tung tăng vừa đi vừa chạy vừa ăn hàng mà hai chân làm như muốn quíu lại, tim hồi hộp đập thùng thùng, hết dám ngó tới ngó lui.
Có lần bắt buộc phải đi ngang nhà chàng, gặp Ba của Hoàng, từ trong nhà đi ra, hết hồn hết vía, giựt mình, ông ngó tui, tui lí nhí trong họng "dạ con chào bác" ông mỉm cười gật đầu.
Tui te te một nước.
Ông bận bộ đồ bà ba trắng, tư cách rất phong nhã, ung dung. Thiệt đúng là “hoàng tộc” Chắc vì gia thế là vậy nên Hoàng cũng có một tư cách rất đáng nễ.
Gần như mỗi ngày hai đứa đều thơ từ qua lại. Mỗi lá thơ là một sung sứơng ngầm, một niềm vui quen thuộc.
Tình bạn như thế đó, chỉ là thơ từ qua lại do trung gian của bà chị họ.
Tết năm ấy, H. mời tui ngày mùng hai đi xi nê. Chọn ngày mùng hai vì mùng một cử, không được ra khỏi nhà.
Đó cũng là lần đầu tiên được bạn con "chai" mời đi chơi đàng hoàng.
Sợ thấy bà nội! Rồi hổng biết làm sao mà đi vì đi thì phải trốn hay dấu cha dấu mẹ.
Nhớ lại hồi xưa ở xứ mình, thiệt là khổ về chuyện nầy. Cái phong tục "nam nữ thọ thọ bất thân" tuy có nhiều phần đúng để bảo vệ tiết hạnh người con gái nhưng cũng đã làm trở ngại biết bao nhiêu trường hợp bạn bè trong sạch rồi từ bị cấm đóan, con cái phản đối dối cha dấu mẹ và xảy ra bao nhiêu chuyện buồn phiền dang dở.

Từ buổi tối nhận lá thơ đầu tiên cho tới Tết cứ hồi hộp, trong nhà ba má hay chị tui, ai ngó tui tui cũng giựt mình, tim đập thình thình, tưởng sự bí mật của mình đã bật mí.
Mà chuyện bí mật đó cũng đâu dám nói cho bạn tui biết.

Ngày hẹn tới. Hổng biết bận đồ gì đi chơi? Bận áo dài trắng? Trời. Tết ai bận áo trắng. Cử. Kiêng. Bận cái áo dài rằn ri? Áo nầy dòm coi... xí xọn quá.
Sau cùng, phải xỏ cái xí xọn vô vì chỉ có cái đó mà thôi. Đã nói nhà nghèo mờ. Rồi dòm ra ngoài trời nắng chang chang, nắng cháy da, đành phải đem cái nón lá theo. Diện xong đội cái nón lên đi ra cửa. Cũng hổng nhớ là dối cha dối mẹ nói là đi đâu hay đi với ai nữa.
Hoàng đã đón sẵn ngoài đầu đường.
Tui có dặn trước hai đứa không được đi chung cho tới khi đi bộ qua khỏi cầu Ông Lãnh.
Vậy đó, đứa trước đứa sau, thập thò lấp ló như hai gián điệp.
Xuống khỏi dốc cầu rồi là Hoàng đón xe tắc xi, chở tới rạp hát. Bây giờ không thể nào nhớ nổi rạp nào. Có phải rạp Đại Nam trên đường Trần Hưng Đạo? hay rạp Rex? Năm đó có rạp Rex chưa cà? In là chưa. Vậy thì, mình đã đi rạp Đại Nam.
Nhưng nhớ rõ ràng cuốn phim. Đó là phim "Gia đình Robinson lạc trên hoang đảo" của Mỹ.
Về sau nầy trên Tivi chiếu phim cũ, có chiếu lại phim đó làm cho tui buồn muốn khóc. Nhớ quá trời nhớ...

Khi vô rạp tui vẫn còn đi sau Hoàng. Chàng ga lăng, tay cầm cái nón lá của tui, chen vô hàng ghế lấy chỗ ngồi.
Trong rạp đèn còn sáng trưng, mắc cở thấy mồ. Nơm nớp sợ gặp ngừơi quen. Nghe đâu đó có tiếng chào tiếng cười của đám bạn Hoàng.
Aaa, thì ra nguyên nhóm bạn Hoàng đang ngồi cùng một hàng ghế. Có mấy cô ăn mặc văn minh, tất cả đều diện jupe “xơ rê", áo đầm, có thấy ai bận áo dài đội nón lá cù lần như tui đâu.
Họ cười nói tự nhiên. Họ nói tiếng Việt xen tiếng Pháp rót rót. Dân học trường đầm trường Tây mờ. Mấy ngừơi con trai nhìn tui rồi nói gì đó với Hoàng bằng tiếng Pháp tiếng được tiếng mất... “mi nhon” và gì đó...
Ai cũng ngó mình, tự nhiên tui thấy ngượng ngùng. Bối rối. Mất tự nhiên. Không giống ai...
Tui ngồi rút trong ghế, lọng cọng với cái nón lá hổng biết để đâu, Trời Phật ơi đi coi phim với bạn trai mà rinh cái nón lá chi vầy nè... Hoàng rất tế nhị, cầm cái nón lá để đâu đó... tui thở phào nhẹ nhỏm.
Cuốn phim màu rất vui và hay. Nói về gia đình ông Robinson bị bão chìm tàu trôi dạt lên một hoang đảo. Họ phải tìm sự sống và dựng lên chỗ ở bằng cây rừng và dây leo. Căn nhà hoang dả nhưng chắc chắn và có nhiều từng trên cây mới hay chớ...
Có suối có hoa có cây trái... Họ đưa lên màn ảnh cái đẹp hoang dại và thơ mộng của hải đảo bên cạnh những nguy hiểm, những trở ngại và sự tranh đấu để duy trì sự sống rất anh dũng.
Thật đúng là tiêu chuẩn sống và đặc điểm hùng mạnh của người Mỹ.
Cả rạp cùng vổ tay, la hét... đúng là một phim thích hợp với không khí Tết.
Trong rạp có máy lạnh mà tui thì khi xuất mồ hôi khi run run, cảm giác lạ lùng quá tuy mọi người xung quanh vui vẻ lắm, cười ồ theo những cảnh vui trên màn ảnh. Còn tui thì ngồi đó như con mèo mắc mưa.
Chỉ một lần đi chơi đó thôi. Sau một hai lá thơ nữa khi Hòang tỏ tình, muốn tui làm bạn gái ruột của Hoàng, tui hiểu. Hiểu và sợ. Có nghĩa là làm bồ của Hoàng.
Sao được. Thiệt tình mà nói tui không mấy gì hạp với Hoàng. Anh có một vẻ gì xa cách với tui quá. Anh giàu, sang, mà lại trắng trẻo đẹp trai theo kiểu công tử bột, còn tui, mới 14, 15 gì đó thôi hà. Và đen hơn anh nhiều. Và cù lần nữa. Và sợ Ba tui không thể tưởng tượng.
Khi có thơ của con trai thì khoái lắm chớ, mà vô “chuyện thiệt, chuyện tình yêu” thì quíu. Nhớ tui có trả lời thơ ấy, nói là thôi mình làm bạn thì hay hơn, tui mới quen anh mờ, cần phải tìm hiểu nhau.... (sao tự nhiên tui biết giữ mình, sợ con trai sở khanh này nọ, có lẽ nhờ Ba má dặn chằng chằng bên tai, sợ làm bồ rồi nắm tay nắm chân, con trai mà chiếm được mình rồi thì nó không bao giờ cưới...)

Tui đọc trong cuốn sách (in là cuốn Rừng Thiêng) dịch từ tiếng Anh qua, có một đoạn nói về cô con gái tới tuổi có chồng, ai đó dạy rằng: ban đêm truớc khi đi ngủ hảy lấy một nắm muối mà ngậm trong miệng. Nếu cô nằm chiêm bao thấy chàng nào đem tới cho cô ly nuớc, người đó sẽ là chồng cô.
Tui làm thử. Tối đó tui cũng lấy nắm muối bỏ vô họng rồi chun vô mùng. Hết nói nổi, tui cứ lồm cồm bò ra uống cả ly nước, chun trở vô mùng một hơi rồi lồm cồm bò ra đi "trút nước trong lòng tui ra" rồi uống ực ực cả ly nước. Chun vô mùng. Rồi thức dậy lồm cồm bò ra đi "trút nước trong lòng tui ra" rồi ực ực một ly nước đầy rồi bò trở vô mùng. Rồi thức dậy uống nuớc và thay vì trút nước tui đã chắt nước, cạn queo mà có chiêm bao mộng mị gì đâu? có thấy chàng nào đem tới cho mình ly nước đâu? (nhứt là H. đã không hiện ra cứu bồ)
Qua bữa sau khô khốc khé cái cổ họng muốn chết luôn. Cái kiểu dạy của cuốn sách dịch nầy thiệt báo hại.
Sáng đó tui xực liền một gói xôi nếp than, thêm bịch chè đậu xanh bột báng nước dừa cho cái bao tử được cân bằng mặn ngọt!
Kể cho nhỏ Hoa nghe nó cười quá trời nói tui ngu.
- Sao hổng theo cách của tao kìa.
Tui hỏi cách của mầy là cách gì? Nó bày:
- Mầy phải tập bùa yêu. Mỗi đêm mầy phải ngửa mặt lên trời ngó ngay vô mặt trăng sáng. Phải ngó đúng ba chục ngày, vừa ngó vừa kêu tên của chàng. Như vậy sau ba chục ngày người mầy thương chắc chắn sẽ theo mầy liền.
Tui hỏi nó:
- Bộ mầy tính làm cho tao lé luôn sao? Vậy chớ trăng ở đâu mà có tới ba chục ngày cho mầy ngó? Mấy ngày hổng có trăng làm sao mầy ngó? Nó nói:
- Sao mầy ngu quá. Ngó tưởng tượng. Vậy ta mới nói là... là... là... bùa yêu.
Tui cười ngất:
- Thôi mầy ơi, mầy ngu chớ ai ngu. Ba má tao nói đừng có bao giờ bầy đặt tin vô ba thứ: bói, bùa, ngải. Mầy đừng dụ tao. Tao thấy rõ ràng mầy xạo mầy ơi. Nếu mầy luyện được cái bùa yêu đó, sao Hiệp hổng theo mầy?
Nghe tui nói tới đó nhỏ Hoa xụ mặt xuống liền. Tui thấy nó buồn tui biết là mình nói bậy, tui quê liền. Tui xin lỗi nó liền.

Hồi còn nhỏ tui có mộng làm ca sĩ, kịch sĩ, nghệ sĩ. Tuổi còn nhỏ quá, chưa hiểu gì về chuyện tình yêu. Hoàng tới chưa đúng lúc.
Tui thấy Hoàng lớn hơn nhiều và có vẻ Tây quá. Rồi tự nhiên một bữa nổi chứng tui viết thơ trả lời thẳng, chỉ muốn làm bạn, không muốn làm bồ, chịu thì chịu hông chịu thì thôi. Dứt khoát.
Thì thôi. Không thơ từ gì nữa. Có lẽ tui chạm tự ái của Hoàng.
Thỉnh thoảng đụng mặt nhau, quê quê đi luôn.
Cả chục năm sau, nghe nói Hoàng trở thành một bác sĩ.
Thiệt tình mà nói, tui cũng tiếc lắm!!!

Tháng nầy ở Cali bắt đầu nóng rồi.
Ngồi nhớ chuyện xưa, thấy mát mẻ tâm hồn.
Những chuyện hồi đó, có nhiều chuyện mình dấu diếm, chuyện tình cảm tự nhiên giữa trai gái, tại sao lại dấu? bây giờ nhiều chuyện xảy ra còn dàng trời kìa, như con gái yêu con gái , con trai yêu con trai, tự nhiên cứơi nhau, còn không ai dám thị phi nữa kìa.
Ôi, những chuyện con con ngày xưa...

TRƯƠNG NGỌC BẢO XUÂN

viethoaiphuong
#6 Posted : Thursday, October 9, 2008 5:34:49 PM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)



Nhỏ Hùng
TRƯƠNG NGỌC BẢO XUÂN .

Việt Báo Thứ Ba, 8/26/2008, 9:03:00 PM

Nhỏ bạn tui vừa mới kể trong vụ bác Tám thầy pháp đó, là con gái mà có tên con trai.
Tên Hùng.

Lúc đó hai đứa cũng cho là thân thân vì lý do, trong xóm tui hạng nhứt nó hạng nhì! "xấu oắc" và "xấu ình"! (lời xầm xì “phê bình ca sĩ” nói lén sau lưng của mấy thằng quỉ sống ôn hoàng hột vịt lộn!)

Có một lần tui với hai đứa bạn, nhỏ Hoa và nhỏ kia quên tên mất tiêu rồi, tới nhà để rủ Hùng đi Sở Thú chơi. Ba đứa diện áo dài trắng đàng hoàng à, nắm tay ngênh ngang đi hàng ba, chớ kể gì tới thiên hạ. Mà ngộ, những ngừơi mua gánh bán bưng, ngang qua ba đứa thế nào cũng mời, ba cô ăn dùm dì chén chè, ba cô mua dùm chị gói xôi đi, xôi đậu xanh dừa nạo ngon lắm mới dỡ ra nè mấy cô... ăn dùm chị đi...

Từ nhà tui qua tới nhà nó có xa xôi gì mà tụi tui cũng mất thì giờ khá lâu vì ngăn lòng không nỗi phải vén áo dài ngồi xề xúông xơi chén chè thưng thơm phứt mùi nước dừa đường cát trắng ngọt ngào phổ tai màu xanh táo tàu màu đỏ hột sen đậu xanh cà màu vàng tươi bột khoai trong vắt, nhớ tới mà thèm. Ở đây muốn ăn món gì cũng có mà sao không có được mùi vị thơm tho như chén chè ăn rồi còn thèm như ngày xưa?

Từ trứơc cho tới lúc đó tui đâu có biết nhà nó làm nghề gì? chỉ thấy nó tối ngày chạy xồng xộc ngoài đường, ăn nói như du côn du đảng. Có khi nghe ai đó nói nó con nhà buôn bán, tui tin tại vì chuyện gì nó kể nó cũng hay dậm mắm thêm muối cân lường trả giá hết á. Hồi nhỏ, có lần nó khoe ba nó có một cục vàng nặng năm ký lô, bực mình tui hỏi nó:

- Xạo! Cục c... chớ cục vàng! Nói thêm!

Nó cãi bướng:

- Đâu có. Mà hổng phải một cục à. Ổng có tới hai ba cục lận. Đứa nào nói láo đứa đó làm con mầy.

Tui trề môi:

- Thôi mợiii... đừng có thề mầy ơiiii...tin mầy tao bán lúa giống! Mầy nói thêm, nói thách! Nhà mầy là dân mua bán, chuyên môn nói thách! Bộ tính nói thách cho tao trả giá hả mậy???

Nó cừơi cừơi mặt mày rất lưu manh dòm muốn bụp!

...

Từ hãng thúôc Basto tới đình Tân Kiển, quẹo vô hẻm là vô nhà nó. Nhà nó ở tuốt trong xóm trong.

Trời! Có ai mà ngờ???

Ngay trên đường Bến Chương Dương, ngoài mặt tiền ngó ra đường là hãng xưởng nhà phố có lầu. Quẹo vô hẻm là chằng chịch nhà là nhà.

Càng vô sâu rồi tui mới nhớ, bị một đứa nhỏ chạy xe đạp xém đụng dơ áo dài tui mới nhớ. Hồi còn nhỏ tui đã tới chỗ nầy mấy lần rồi, tới để mướn xe đạp chạy đua vòng vòng như mấy đứa nầy. Trả năm cắc hay một đồng gì đó, chạy được nửa tiếng hay một tiếng đồng hồ gì đó cho đở ghiền.

Từ hẻm lớn quẹo vô hẻm nhỏ nữa mới tới nhà nó, là một căn rất rộng lớn, hai từng.

Trước sân tráng xi măng rộng cở hơn ba cái nhà. Nghĩa là, ngay giữa cái hẽm mà nhà nó chiếm nguyên một vùng đất rộng, nằm ngay trung tâm là cái nhà, đàng trước là cái sân phơi cá làm cá, ngoài sau còn dư đất nữa rồi mới tới xung quanh là những cái nhà ngói và chen chút lúc nhúc những cái chòi lá!

Mỗi ngày, trong mùa, mùa cá lóc, có cả chục thợ đàn bà ngồi đánh vẩy cá để làm mắm và cả chục thợ đàn ông để làm nhiều công việc nặng khác.

Ba má Hùng làm chủ công xi làm mắm, nhứt là mắm cá lóc. Giàu lắm.

Lâu nay đâu mà dè? Tới chừng lại nhà nó mới biết con nhà làm ăn đàng hoàng chớ bộ.

Tui cũng chưa từng gặp mặt hai bác vì khi lại nhà nó hai bác đi đâu rồi, nhà để cho mấy chị em với hai ba người làm lo liệu. Có lẽ tại vậy mà nó hoang đàng chi địa?

Lần đó tới nhà nó, tui còn ngu si, chưa hiểu giá trị của từng nghề nghiệp, đã có ý coi thường, chê nó là "con nhà làm cá làm mắm!".

Bởi vì, chưa tới đầu hẻm nhà nó đã nghe mùi hôi nồng nặc, tanh ói, tanh tàn bạo, tanh muốn mữa. Cái mùi cá, mùi mắm, mùi cá ương cá sình? hay mùi gì gì khó ngửi lắm. Tanh hôi hết xóm lận. Trời Sài Gòn nóng vừa gì, càng nóng mùi càng nồng nặc hơn gấp trăm lần.

Nhưng cũng nhờ tới chơi kỳ đó mà tui thấy người ta làm cá để sửa soạn làm mắm.

Trên cái sân rộng, trước mặt mỗi người thợ là một đống cá sống cá chết gì đó, cao khỏi đầu. Họ ngồi trên cái ghế chồm hổm, tay cầm cái bàn cào làm bằng một miếng cây dài dài, trên có đóng mấy hàng đinh chừa đầu đinh ló lên một khúc. Thợ dùng phần đầu đinh lồi ra đó để đánh vảy cá. Phần cán dùng để thỉnh thoảng đập cái bốp lên đầu cá nghe long óc!

Những con cá lóc nặng cở ... mấy ký lô, tròn vo mập ú nần. Họ đánh vảy xong có người mổ bụng móc ruột ra để riêng. Vảy cá văng tứ tung lên mặt lên đầu bám vô mái tóc quần áo....

Họ đùa vảy cá thành đống, quét bằng chổi chà, đủ biết có bao nhiêu là tấn cá lóc được nhận vô lu vô diệm vô khạp vô hủ vô keo?

Tui nhìn bàn tay họ, có người hai bàn tay máu không, máu tay hay máu cá? tui hổng dám dòm kỹ.

Những người thợ chắc chắn là phải quen mùi rồi, họ vừa làm việc vừa cười đủa dà chuyện um sùm cười hả hả hả... vui vẻ gì đâu.

Nghe loáng thoáng họ nói đủ thứ chuyện. Ngừơi nầy đang nói chuyện chồng con, chuyện tình tự trai gái, mèo chuột... con mẹ nầy lấy thằng cha kia dựt chồng con nọ bị đánh ghen lột quần!... chuyện mẹ chồng nàng dâu, nói xấu chồng chửi rủa con dâu, than phiền con cái, chuyện bạn bè cà chớn thủ đoạn... ngừơi kia xen vô chuyện hốt hụi nuôi hụi dựt hụi...chuyện thằng du đảng đình Tân Kiển xóm trong bị tụi Cầu Muối cắt gân chân, hồi trứơc như hung thần ai gặp cũng sợ bây giờ nằm một chỗ...

Ôi thôi họ biết đủ thứ...

Những ngừơi thợ làm cá nầy, không biết khi về nhà với vợ chồng con cái rồi, tay chân làm sao mà rửa cho sạch được mùi cá?

Các bạn có biết tại sao người ta kêu là "mắm ruột" hông? tại vì mắm nầy làm bằng ruột cá. Phần thịt làm được nhiều loại mắm. Họ xẻ ra xắt dài dài trộn với đu đủ bào làm mắm thái đu đủ, họ cắt ra khúc khúc thành mắm lóc để chưng với mỡ hành ăn cũng ngon cơm lắm. Có phần họ xẻ ra phơi khô làm khô cá lóc nướng trên lửa than đập dập dập xé ra chấm với dấm ớt ngon tới họng!. Đó là nói tưởng tượng như vậy cho vui thôi chớ lúc đứng coi người ta làm, hết muốn ăn!!!

Lần đầu tiên tới nhà Hùng, là lúc tui mới biết điệu. Điệu hạnh. Ngu!. Chảnh!. Chê tanh chê hôi thành ra chỉ dòm sơ sơ rồi vô nhà. Ba đứa hối nhỏ Hùng thay đồ vọt lẹ lẹ, sợ quần áo bám mùi cá hay lỡ bị văng vài miếng vảy cá lên mái tóc thề (thề yêu chàng tới chết) hay lỡ chàng có dơ bàn tay lên vuốt tóc nàng mà vuốt nhằm miếng vảy cá thì chết bà!

Lên gác nhà nó, thấy giang sơn của nó mà ham. Nó được nguyên căn gác rộng rãi, có Hi-Fi nghe nhạc, có tủ đựng quần áo xếp, tủ đứng có kiếng đựng một hàng áo dài như trong tiệm may. Tui, chỉ có hai cái thay đổi. Ngày nầy bận cái nầy thì giặt cái kia. Ngày mai bận cái kia thì giặt cái nầy.

Con nhà giàu sướng thiệt.

Nhưng, sứơng thì có sướng mà hôi thấy bà!

Như nhỏ Hùng nầy, nhà nó bán mắm như vậy đó, có chàng nào dám tới gần? mà dẩu có bồ đi nữa, hông chừng sợ quá chàng có đường lưu qua xóm khác!

Phần tui vì cái tánh chảnh ngu mà bỏ lỡ dịp ngàn năm một thuở!, rất tiếc không để ý coi cách thức làm mắm ra sao. Uổng hết sức.

...

Nhỏ Hùng năm lên 16, trổ mã con gái, vượt cao lên tui hơn cái đầu.

Tui vẫn còn "xấu oắt", còn nó, hết “xấu ình” mà còn trở nên đẹp hông ngờ.

Hồi nhỏ, nhiều khi nghe loáng thoáng mấy người nhiều chuyện trong xóm nói lén sau lưng Hùng:

- Coi cà. Coi cái đít nó cà. Đít diêu. Con nầy mình xà uốn khúc, nữa lớn dựt chồng người cho coi.

Nó thương anh chàng nhà kế bên, thừa lúc cha mẹ nó hông có ở nhà, anh chàng leo cửa sổ đu vô phòng nó... Khi hay tin nó có bầu, ba nó đập nó một trận thấy lằn roi trên lưng mà phát nóng lạnh. Ba nó nóng tánh dữ tợn quá xá. Về sau cũng không ai nghe nói gì về cái thai ấy nữa. Có lẽ ai cũng ngán ba nó, vừa giàu vừa dữ nên có oai.

Người yêu của nó sợ mất mạng, dọt mất. Nó bị cấm cung luôn. Bạn bè gì cũng sợ ba nó, hết dám tới lui.

...

Mấy năm sau, gặp lại nó đi tà tà trên đường Tự Do với một người đàn ông ngoại quốc to lớn, râu quai nón xanh dờn. Hổng biết tại sao mà nó làm mặt lạ, chỉ ngó tui, cười mĩm gật đầu một cái rồi đi luôn. Lần đó tui thấy nó đẹp quá đẹp. Mái tóc đen mướt dài gần tới chân, thân hình cao dong dỏng manh mảnh, đôi chân dài, dài.

Cái mình Thanh Xà Bạch Xà của nó mà hồi đó thiên hạ hay dèm pha, bây giờ được vạc bớt, trở thành ẻo lã như cành liễu rũ... dáng điệu thướt tha, cái hình dạng nầy theo lời người xưa thường nói, rất quyến rủ đàn ông?

Thiệt tình! không còn một dấu vết gì của con nhỏ Hùng, "xấu ình" của tuổi thơ, chạy xồng xộc ngoài đường, tóc tai hôi mùi cá lóc!

Bây giờ, nó phớt ngang qua lâu rồi, vẫn còn mùi hương thơm phưng phức, đắc tiền.

Về sau, lại nghe tin Hùng đã qua Mỹ, trước năm 70.

Đó là lần cuối tui nghe tin tức về nó.

Con "vượn" con cùng đeo cửa sổ coi ông Tám thầy pháp vẽ bùa trị bịnh với tui đó, qua mấy bữa sau hai đứa còn bụm miệng cười, còn hú hí chọc sau lưng bác Tám, bằng hai câu kinh:

- Mầy bịnh nào mầy chết

Mầy ho lao mầy chết...

Con Hùng "xấu ình" của tui, hông chừng bây giờ đang sống tại đây, tại nước Mỹ nầy???

Nếu gặp lại nó, tui sẽ rũ nó đu lên thành cửa sổ chơi.

Dư sức qua cầu!

TRƯƠNG NGỌC BẢO XUÂN

viethoaiphuong
#7 Posted : Friday, January 28, 2011 8:29:09 PM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)



Chuyện Dài Dài Thẩm Mỹ: Thở Cái Khì Đứt Một Năm...

Trương Ngọc Bảo Xuân

Chị Ngà nói khơi khơi:
-Coi vậy mà chỉ còn có mấy ngày nữa là qua năm mới rồi ta. Thiệt lạ. Hồi mình cỡ amấy giờ học không thích, như giờ toán chẳng hạn, hoặc là khi xa người yêu, nhớ nhung trời sầu đất thảm, giờ khắc tích tắc như rùa bò! Càng lớn tuổi, ngày tháng năm qua càng mau, nhấp nháy là qua một ngày, nhấp nhấp nháy nháy là tới ngày đóng tiền nhà. Thở cái khì là băng đứt một năm. Bắt mệt! Bởi ngưòi ta mới nói thời gian đi mau như "vó câu qua cửa sổ", một cái vù ! (rồi chị đổi đề tài) -nè, mấy người, năm nay có ai đi chợ tết hay hội chợ gì hông?
Kim nói:
-Dạ có chớ chị, năm nào mà thiếu? mà ngộ nha, làm như cái lệ, hễ tết mà hông đi chợ Tết thì suốt cả năm làm như thiếu thiếu cái gì, làm mình cứ bức rức trong bụng…
Thu gật đầu:
-Bà nói hổng sai chút nào, trường hợp đó cũng là của tui. Có năm bụng lớn quá ì ạch mệt mỏi, làm biếng cho nên năm đó tui chỉ nằm nhà để rồi cả năm cứ nao nao trong lòng
Khải liếc vợ:
-Thế, tôi bảo không nghe, tôi bảo em đi chợ anh cầm túi xách cho mà cứ lăn qua trở lại không chịu đi để về sau cứ thắc mắc, bởi vì năm ấy gia đình mình có một gian hàng bán Tết, em cứ thắc mắc không biết mua bán chợ Tết vui như thế nào. Sau đó thì cằn nhằn...
Thanh lắc đầu:
-Trời! chiện từ năm ngàn chín trăm "hồi đó" bây giờ là trên hai ngàn rồi, hai vợ chồng nhà kia còn nhắc còn cắn rức trách móc nhau. Thiệt tình!
Kim nói:
-Bà này hông hiểu gì hết. Người ta cắn yêu chứ bộ cắn thiệt sao. Tui là tui khoái đi coi chợ hoa. Năm ngoái người ta bán hoa Lan tràn đầy. Loại Lan này đó nghe, hoa nở cả hai ba tháng mới tàn. Năm rồi tui rinh về hai chậu Lan bông màu xanh cẩm thạch thêm hai chậu Cúc đại đoá, chưng trong nhà thấy tưng bừng vui làm sao. Khi hoa tàn rồi tui trồng xuống đất, năm nay trổ lá xanh tươi. Mấy chị biết hông bông màu đỏ màu vàng thì tràn lan còn màu xanh rất hiếm, qua mấy gian hàng bán hoa vừa thấy trong một gian đó chỉ có hai chậu bông màu xanh tui chớp liền.
Sương hỏi:
-Chị Ngà, năm nay chị có đóng cửa tiệm ăn tết hông? tính nghỉ mấy ngày? bữa nào khai trương trở lại?
Chị Ngà nói:
-Nghỉ chớ. Cũng đỡ, mùng một tết ngay ngày thứ năm cho nên mình nghỉ ngày thứ tư, tối cúng ba mươi, nghỉ luôn thứ năm là mùng một, mở cửa mùng hai tại vì ngày tốt với lại nhằm thứ sáu thứ bảy khách đông. Nghỉ ngày mùng bốn đặng đi hội chợ ngày chót chớ. Năm nào tui cũng đi hội chợ kiếm mua nhạc với chụp hình, theo dõi cái dung nhan hằng năm! Ừa. Nhớ đầu năm phải cữ kiêng nghe qúi vị.
Thu cười khanh khách:
-Chị Ngà bữa nay nói chuyện có duyên ghê! Dung nhan mà phải theo dõi, có mà theo kịp tui cùi! Đầu năm cữ là cữ cái gì? chị?
Tuấn gặp đúng băng tần, nhào vô tỏ khả năng:
-Này này, chuyện cữ kiêng ai không nhớ thời phải hỏi tôi. Hôm nọ có bạn gửi cho tôi bài thơ này, lấy từ trên mạng, để tôi đọc cho các anh chị em nghe nhé.
Bỗng dưng Láng cất tiếng ca vọng cổ, dặn:
-"Khoan khoan anh ơi chớ vội xuống lưỡi gươm vàng..." anh năm, đừng có nói gì khó nghe nghe, đừng có đem chuyện "chó cán xe, xe cán chó" ra kể, làm phiền bà con nghe anh năm.
Tuấn cười khà:
-Không đâu. Chả dám đâu. Đây là bài thơ có đề tên của tác giả là Phi Bang chứ chẳng phải vu vơ đâu nhá. Nói có sách mách có chứng đàng hoàng minh bạch đấy. Nghe này:

Tết đến nhà kia đủ thứ kiêng
Sắm chi cũng sợ gánh ưu phiền
Mua chuối: sợ làm ăn khó "ngóc"
Mua lê: sợ mách lẻo xóm giềng
Mua bom: sợ suốt năm toàn "nổ'
Mua xoài: sợ thiếu thốn triền miên
Mua cam: sợ âm thầm chịu đựng
Mua táo: sợ rồi… bón cả niên
Ô hô ! đã vậy đừng sắm sửa
Trụi lủi trụi lơ, khỏi tốn tiền.
hahaha! chí lý chí lý!
Vậy thì bàn cúng sẽ trống không
Chỉ cần bình lọ với bó bông
Dưa thì cũng sợ dây dưa mãi
Bánh tét sẽ bị rách cả năm
Xin xâm lại càng nên kiêng cữ
Vì ngại năm mới sẽ bị xiêng
Sầu riêng càng nên không dám rớ
Măng cụt thì bị ngẹt ngõ ra
Ngoài ra cần cữ trái thanh long
Bởi vì vận số sẽ long đong
Trái tắc lại càng nên kiêng đấy
Bế tắc mọi điều xui cả năm
Bánh ít không được ăn ngày Tết
Cữ gì đây nữa hỡi người ơi!!!
Xuân đến Xuân đi , ba ngày Tết
đỡ lo bánh trái, mừng ra phết
thôi thì ta chưng hoa với quả
Cầu cho Đủ Xài khỏi lo xa!
Phi-Bang
(lấy từ internet)


Chị Ngà cười cười nói:
-Hay. Nhưng mà, Tết chưng cây Tắc cành lá xanh mướt trái xum xuê màu cam đỏ tươi rói đẹp thấy mồ nhìn là thấy đầy đủ hên suốt năm, sao lại chê ta? Tết mà hổng có bánh tét thì sao ra Tết? Thôi đi ông. Cữ kiêng cũng phải có lý và thích hợp với gia đình mình mới được. Vậy, bữa chúa nhựt mình rủ nhau đi hội chợ nghe quí vị, đi chung một xe thôi vì sẽ khó kiếm chỗ đậu lắm đó. Nhớ năm ngoái tui đậu xa lắc xa lơ, mua hai bịch nhạc với phim và vài túi đồ linh tinh được tặng không, nặng nề xách xệ vai đi phồng chân luôn lết tới chiếc xe mệt đứt hơi.
Thu nói:
-Vậy mấy người đi chung xe em đi, xe 8 chỗ ngồi đó.
Tuấn cũng nói:
-Phần tôi tình nguyện đến tận nhà rước đi đưa về, ai sẽ đi xe tôi đưa cao tay lên.
Mấy anh chị em đồng nghiệp tính toán như thế là xong mọi bề. Mọi lo lắng u uẩn về kinh tế, khắc khẩu gây gổ cả năm nay như cởi bỏ. Tết đến, theo không khí tết tưng bừng làm lòng người hứng khởi, năm nay bảo đảm sẽ vui như mọi năm.
Cầu Chúc Quí Vị Được An Khang Thịnh Vượng Sức Khỏe Dồi Dào.

Trương Ngọc Bảo Xuân
viethoaiphuong
#8 Posted : Wednesday, March 16, 2011 10:33:41 PM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)


Thương Người - Thương Mình Thương tới muốn khóc
hay 32 năm Người Mỹ và Tôi.


Bài viết thắng giải chung kết Viết Về Nước Mỹ (VVNM) do Việt Báo tổ chức. Đây là chuyện kể 32 năm của một cô dâu Việt, về một chàng trai Mỹ, người bắt Mẹ ký tên cho đi lính trước tuổi, khi anh mới có 17 để sang tận bên kia trái đất rồi “mang tui về trả nợ”, như tác giả Bảo Xuân Abbott nói đùa.

Nhân dịp Việt Báo tổ chức 10 năm Viết Về Nước Mỹ, Blog Mười Sáu hân hạnh được tuyển chọn bài viết độc đáo này mà mỗi lần đọc lại đều rưng rưng nước mắt, đầy cảm động, với những liên quan tới lịch sử, vận mệnh của dân tộc ở từng giai đoạn từ 1968 cho tới nay.

Theo thông tin bên lề thì tất cả những tuyển tập Viết Về Nước Mỹ hàng năm do Việt Báo Nam California xuất bản bằng cách này cách khác đều được in ra bán vô tội vạ tại Việt Nam và được nồng nhiệt hoan nghênh, đón nhận cuả độc giả quốc nội. Tuy nhiên điều đáng nói ở đây là câu chuyên ” 32 năm người Mỹ và Tôi” tác giả Trương Ngọc Bảo Xuân, bài viết thắng giải chung kết đầu tiên của VB. đã được họ cẩn thận lấy ra, không cho in…. điều thắc mắt này 16 xin dành quyền cho quý bạn đọc nhận xét.

*****

Hàng ngàn người. Có thể cả chục ngàn, trăm ngàn, rồi cả triệu không chừng. Những người Việt tan tác khắp nơi, chưa gặp, chưa quen… Lạ thay, khi không bỗng thấy nhau thân thiết. Thân tới mức mang cả chuyện nhà của mình ra kể cho nhau nghe. Toàn những chuyện khổ đau, oan ức, tang thương đã bao năm nuốt xuống. Giải Thưởng Việt BáoViết Về Nước Mỹ hàng ngày cho tôi cảm giác ấy. Khi viết, khi đọc, thấy thương người, thương mình. Thương tới muốn khóc.

Và bây giờ, bạn thân mến,

Đến phiên tôi kể chuyện nhà cho bạn nghe.

Viết về nước Mỹ, được rồi, đang sống ở Mỹ mà. Viết về người Mỹ, tìm đâu cho xa. Tôi muốn nói về người đi bên cạnh tôi 32 năm qua: David, chồng tôi.

Cuộc đời giống như cuốn sách dán hình kỷ niệm. Mấy chục năm gom vô vài trang giấy. Ngược giòng thời gian. Giở lại từng trang…



Tết 1968, hình gia đình cuối cùng, tháng Năm năm này Ba mất

*1968, Năm Mậu Thân

Ngày 28 tháng 5, cư xá Cảnh Sát Phú Lâm A đường Lục Tỉnh quận 6 Chợ Lớn.

Cộng sản tấn công Sài Gòn lần thứ hai, đặt bộ tư lịnh tại khu cư xá Phú Lâm A. Gia đình tôi cư trú tại đây. Ba tôi là Cảnh sát, tùng sự tại phòng Giảo Nghiệm, Tổng nha Cảnh Sát Quốc Gia ở đường Vỏ Tánh, Sài Gòn.

Ba tôi bị cộng quân chận bắt, bắn chết tại chổ. Một viên đứt yết hầu, một viên xuyên bao tử. Hai chị em tôi chứng kiến cảnh Ba bị bắn chết. Tôi nâng đầu, máu nóng vọt ra. Ngọc Anh đở chân, máu nhểu dài xuống đất. Hai chị em lệt bệt, khiêng, rớt… khiêng, rớt… vừa khóc vừa khiêng thây Ba tôi về nhà. Em tôi mới 15 tuổi, mặt đầy nước mắt, hai bím tóc, bộ đồ trắng loang máu. Khoảng đường gần 100 thước đó dài, nặng, đau đớn, uất ức, hận thù, khắc sâu vô tim, vô óc, vô suốt cuộc đời chúng tôi.

1969, Giã Từ Các Bạn

Một ngày tháng giêng anh rể tôi đem về giới thiệu người bạn vừa ra lính Hải quân, David. Mới 20 tuổi, mắt sáng, tóc đen xanh, ốm gọn, nhanh nhẹn, rất lịch sự, đàng hoàng. Tôi thấy cảm tình.

Những người bạn học đã vô lính. Mấy đứa bạn gái vừa có chồng, chồng chết trận, tay bồng con thơ; tôi làm việc lương tháng ngàn mấy không đủ may áo dài bận đi làm, lấy đâu giúp mẹ nuôi đám em?

Khi Ba chết, đám em tuổi từ 15,13,10,7,5 và đứa em út (Thúy Phương) chưa đầy 3 tuổi. Má tôi vợ công chức chỉ biết nội trợ. Người chồng tốt, người cha hiền đã bị bắn chết. Con không cha như nhà không nóc. Là chị lớn của lũ em, thân con gái, biết làm sao đây?

Tôi đã nguyện với lòng sẽ tìm đủ cách để đi khỏi nước Việt Nam, khỏi nơi đầy thù hận, đầy bất công, đầy tủi nhục. Và đó, David tới đúng lúc. Chính y sẽ đem tôi ra khỏi vùng u tối và nhờ đó tôi sẽ tìm cách đem gia đình đi luôn. Thôi, giã từ các bạn, tôi rẽ qua ngả khác từ đây.

Tôi nhận lời làm đám cưới với y.

Đang để tang ba. Đám tang với đám cưới, gần quá. Tôi chọn đúng ngày Ba bị bắn làm ngày cưới. 28 tháng 5. Cho trộn lẫn vô nhau, trong tim, trong óc.

Đâu phải lúc tiệc tùng. Tất cả tại nhà, giản dị trước bàn thờ tổ tiên. Không hột xoàn, không vàng bạc, chỉ có lời vái hương hồn Ba. Xin Ba phù hộ cho ước nguyện của con: đem được Má và mấy đứa em ra khỏi địa ngục nầy. Tôi tự hứa sẽ là người vợ tốt suốt đời.

Chúng tôi ở chung với gia đình, trên căn gác nhỏ. David làm việc cho một ông bầu chuyên đem những dàn nhạc hát cho lính Mỹ nghe.

* 1970, Lần Đầu Tới Mỹ

Tháng 3, tôi sanh đứa con trai đầu lòng, tuổi Tuất , tên Lawrence Long .

Tội nghiệp đứa con so, 7 tháng đã ra đời. Cân nặng có 1 kí 700 gram, nhà thương Đức Chính (đường Cao Thắng) giữ trong lồng kiếng 24 giờ. Giao lại tôi, cô y tá cho hay “bé không biết bú”. Trời đất ơi, tôi biết làm sao?

Má tôi dạy “con nặn sữa ra, lấy cái ống nhỏ thuốc, hút sữa lên rồi nhỏ từng giọt vô miệng nó. Thấy hông, cái miệng nó nhỏ hơn đầu vú, làm sao mà bú bình thường được.”

Nhờ kinh nghiệm và sáng kiến của Má, con tôi qua khỏi mấy tháng đầu hung hiểm.

Lúc đó David làm lương tháng khoảng 3, 4 trăm đô. Một hôm đi làm về, say nhừ, vừa khóc vừa kể:



Hiện trường một vụ đánh bom của quân du kích Mặt trận Dân tộc
Giải phóng miền Nam Việt Nam giữa phố Sài Gòn năm 1965

- Bạn tôi mới bị quân khủng bố liệng lựu đạn, chết rồi. Sống ở đây lúc nầy nguy hiểm quá.

Tháng 11 vừa hết giao kèo y đòi trở về Mỹ.

Chúng tôi đi lo thủ tục đem đứa em trai duy nhứt của tôi theo mà không được. Bởi tôi còn ngây thơ, không biết là đút tiền thì tới đâu cũng tới. Đành cắn răng, gạt nước mắt, ôm con theo chồng. Tôi hẹn ngày trở về vì bổn phận đối với gia đình chưa tròn. Tôi phải tin bên kia đám mây đen vẫn là ánh mặt trời.

Tôi tới Mỹ lần đầu ngày 22 tháng 11 năm 1970, bụng mang thai 5 tháng

Mẹ chồng, chị chồng tên Elaine ra tận phi trường Portland thuộc tiểu bang Oregon đón. Bước xuống phi trường, đèn sáng trưng, rực rỡ. Không khí tưng bừng nhộn nhịp, tôi như con ngáo, thấy mình càng nhỏ bé. Rồi, phố lớn, nhà to, cây đầy trái, rụng đầy sân. Ngồi trong xe hơi rộng rãi tôi cứ lấy mắt mà ngó, mà ước thầm, “phải chi Má với mấy đứa nhỏ qua được!”

Con người ta chỉ một lần sống, tại sao dân Mỹ quá sung sướng , dân mình thì nghèo khổ chiến tranh?

Cầm chùm nho lên ăn, nhớ tới mấy đứa em mà ứa nước mắt !

Cô chồng đãi bữa ăn lễ Tạ Ơn lần đầu tiên. Thịt gà lôi sao mà ngon, ngọt.

Bên chồng thay phiên ẵm Lawrence. Suốt ngày tôi ở ngoài sân sau, hái quít hái bom, vừa hái vừa tiếc hùi hụi mấy trái rụng đầy dưới đất.

Nhà chồng thấy tôi nhỏ xíu, ai cũng thương.

Qua lễ, lái xe xuống thị trấn Coquille thăm người cô thứ nhì. (David có 5 người cô, 5 người chị và hai người chú). Trên đường đi, David ngừng lại thăm mộ của cha; kế bên là miếng đất má chồng đã mua sẵn, dành cho bà.

Ông bà dì dượng chồng cho ở tạm trong cái nhà xe một phòng khoảng hai tuần. Mỗi đêm, leo lên cái giường rộng, không có mùng, trống lốc, trùm liền cái mền điện. Cái ấm nhân tạo không đủ sức ngăn cái lạnh cắt da, cắt thịt.

Nửa đêm nhớ nhà quá, tôi khóc. David ngồi dậy, gởi con cho bà nội, chở tôi ra bờ biển. Biển nầy là biển gì tôi cũng không biết, nhớ nhà quá đâm ra ngu ngơ. Vậy mà y kiên nhẫn, không nói gì, chỉ đem tôi ra biển. Có lẽ y muốn tôi nhìn về hướng Đông?

Một hôm mỏ ác trên đầu con tôi tự dưng nổi phồng lên. Đem vô nhà thương, khi bác sĩ vừa cho biết phải thử nước trong tủy xương sống của nó để định bịnh, tôi ngã cái đùng bất tỉnh. Rốt cuộc cũng không biết bịnh gì. Có thể nó chịu lạnh không quen, cơ thể phản ứng tự nhiên, xương sọ phồng lên để bảo vệ bộ óc bên trong?. Báo hại mang cái nợ gần trăm bạc.

Người anh chồng kêu qua Tucson, tiểu bang Arizona, hứa sẽ giúp cho việc làm.

Nghe nói đó là xứ nóng, tụi tôi đi liền.

Gom va ly quần áo, thùng sách tiếng Việt, hình ảnh, mấy cái nón lá… gọn gàng trong chiếc xe Uhaul loại nhỏ nhứt, còn rộng rinh. Mùa đông trời lạnh thấu xương, quần áo không đủ ấm, ngầy ngật vì phải vặn máy sưởi suốt đoạn đường dài.

Bụng nặng nề, ngồi triền miên, phải để Lawrence nằm dưới sàn xe. Tội nghiệp con tôi, tới nơi mình mẩy nó nổi đầy phong đỏ.
* 1971, Sanh Con Tại Mỹ

Ở tạm nhà cháu Rea, David phải đi làm nghề đổ xăng, lau kiếng xe hết hai tuần rồi mới được vô làm trong hầm mỏ lộ thiên đào chất đồng đỏ, tên Anaconda Copper Mine.

Mỗi sáng đi làm, y vừa tra chìa khóa mở máy xe vừa khấn thầm “Nổ máy. Nổ máy. Nổ máy!” Trời còn tối mò, y mặc bộ đồ đồng phục màu xám đen, đầu đội nón sắt, tay xách hộp đồ ăn trưa, mặt mày còn sáng sủa. Buổi chiều về, sau một ngày trộn lẫn với bụi đất cùng mồ hôi, chồng tôi da trắng trở thành da đen!

Việc làm nầy cứ mỗi tuần là đổi ca sáng tối. Nhiều đêm y phải bận bộ đồ lót giữ nhiệt (thermal underwear) vậy mà vẫn còn lạnh run. Y lái xe đào và đổ đất, thứ xe có cả chục cái cần sang số, y giải thích, nhưng, ngôn ngữ bất đồng tôi cũng không hiểu gì mấy.

Lương một tuần 93 đô, mướn cái nhà hết 90 một tháng. Đây là nghe lời bà má chồng, tiền mướn nhà chỉ nên bằng một phần tư tiền lương tháng thì mới đủ sống.
Tôi đang mang thai, thèm cá kho tiêu, một chai nước mắm kiếm không ra, có khi chảy nước mắt

Chị chồng tên Pat đưa tôi đi thăm thai. Chị phải ẵm thằng lớn ngồi đợi ở ngoài, một mình tôi vô với cô y tá. Cô ta chỉ qua phòng restroom, nói một hơi một tràng. Tôi đoán mò, nghĩ là cổ hỏi mình có mắc đi tiểu hông, tôi liền lắc đầu. Cô ta không chịu, cứ vừa chỉ vừa nói, càng nói tôi càng không hiểu. Khớp quá, tiếng Mỹ văng đâu mất hết trơn. Sau cùng, cô ta chịu thua. Chừng về nhà, bà chị chồng vừa cười ngất vừa kể, David “dịch” lại, tôi mới hiểu ra. Thì ra cô y tá kêu tôi vô tiểu trong cái ly để sẵn, dán giâý lên rồi đề tên mình, đưa cho cổ đặng cổ thử. Quê một cục! Thôi, lần sau.

Thấy tôi gần ngày sanh, chị dặn David sáng trước khi đi làm, đem mẹ con tôi qua nhà, con gái chị, Linda sẽ nấu cho tụi tôi ăn luôn, vừa canh chừng, sợ tôi chuyển bụng bất tử.

Tháng 3 sanh đứa con trai thứ nhì, tuổi Hợi, đặt tên Tommy Phương.

Chỉ sanh thiếu một tháng mà nhà thương giữ nó lại hơn 30 ngày. Nuôi từ 5 pound 3 ounce cho tới đúng 6 pound mới cho về. Thiệt là khác biệt quá đáng giữa nước nghèo với nước giàu. Ở Saigòn mẹ nằm 1 tuần, trả tiền phòng, về là xong. Ở Mỹ, 2 ngày mẹ bị đuổi về, con giữ lại. Sanh xong mắc cái nợ hơn 4000 ngàn đô, trả góp gần 6 năm mới hết.

Được một chuyện hi hữu là hai anh em nó sanh cùng ngày cùng tháng, đứa lớn 11 giờ rưởi sáng, đứa nhỏ 9 giờ 45 sáng, cách nhau 1 năm. Sau nầy, năm nào làm sinh nhựt hai anh em chỉ tốn một cái bánh, đứa phân nửa .

Không biết có phải lúc mang bầu tôi quá buồn phiền, thèm ăn thèm uống, ảnh hưỡng tới bào thai hay không mà Tommy bụng dạ rất yếu. Cứ bú vô là ọc ra.

Má chồng tôi từ tiểu bang Nevada tới nuôi cho hai tuần. David làm lương ít, chỉ đủ sức mua loại tã bằng vải, xài xong bà má chồng tiếp giặt giũ. Bà cũng chỉ tôi mua loại sữa bột tự pha rẻ hơn.

Nhờ bà mà tôi học được cách làm bánh mì, mứt dâu mứt cam. Bà là người rất khéo nấu ăn.. Khi chồng chết (lúc David mới có 9 tuổi ) bà phải mở một quán ăn nhỏ để sinh sống. Bà dạy:

- Con cần nên học một nghề, nghề gì cũng được. Lỡ chồng có chết bất tử mình còn có thể đi làm nuôi thân và nuôi con. Đừng như má đây, chỉ biết nấu ăn cho nên phải làm nghề đứng nấu bếp, cực lắm.

Tôi thấy lời bà rất đúng vì phải khòm lưng ở cái lò nướng mà lưng bà còng hẳn đi.
* Dọn nhà

Khi Tommy được 4 tháng mấy, thấy chồng cực khổ quá sức, chịu không nổi, tôi bàn nên dọn qua thành phố Reno, tiểu bang Nevada. Thành phố cờ bạc, việc làm có lẽ đở cực hơn ở đây; vả lại, có mẹ có dì dầu sao cũng không đến đổi.

Trên đường đi, đồi non, đồi già, núi đồi đầy sỏi đá mà vương lên hằng hà sa số, ngàn trùng rừng xương rồng. Bông đủ màu trắng toát, đỏ tươi, vàng chói, tím ngát, đẹp quá trời là đẹp. Tôi lính quính kêu:

- Ngừng ngừng ngừng Ngừng cho tôi xuống đào một bụi đem theo.

- Cây của tiểu bang. Đào một cây là bị phạt 500 đô !

- Trời ơi, cây cả đồi mà hổng cho đào một cây. Vậy ngừng cho tôi hái một cái bông.

David tỉnh bơ.
- Bông cũng không được hái.

- Ở đây giữa sa mạc ai mà biết.

- Tôi biết, mình biết. Nhiều người cứ tưởng nhân viên kiểm lâm không thấy, chừng bị phạt rồi mới nói sao xui quá.

Anh chồng Mỹ biết tánh cô vợ Việt. Y đánh đòn tâm lý là tôi thua liền. Nghe giá 500 đô là tôi làm toán. (500 mua được nhiều thứ. Mua đồ cũ đầy đủ: tủ+giường, + chén bát, …..tội gì vì cái bông để bị chính phủ ăn.) Vậy là tôi im.

Thiệt xứ sở gì mà luật lệ quá gắt gao. Nhưng, phải đụng vô túi tiền thì thiên hạ mới sợ. Với lại, nếu ai cũng như tôi, thấy bông thì hái, thấy cây thì đào, rừng nào chịu thấu, lấy đâu để lại hậu thế chiêm ngưỡng?

Tới nơi, chúng tôi phải ở tạm dinh thự của nhà triệu phú, Mr. Hardy, nơi má chồng tôi đang làm quản gia cho ông. Ông là người hết sức tử tế. Ngày xưa ông là kỹ sư ngành hỏa xa. Trong phòng khách còn treo một chùm đèn bằng pha lê hình dạng giống như chùm đèn ở Tòa Bạch ốc nhưng kích thước nhỏ hơn, đã được ông cựu Tổng Tống Roosevelt trao tặng.

Đi xin việc làm, ngày nào về David cũng vừa lo lắng, vừa buồn vừa tức tối. Thời buổi đó, dân Mỹ đang cơn sôi động, chống chiến tranh, đòi chồng đòi con . Họ nhìn chúng tôi, một cựu quân nhân về từ Việt Nam và người đàn bà Việt đã chiếm chỗ một công dân của họ bằng những con mắt lãnh đạm. Sự thù hằn, ghét bỏ đó là chuyện thường tình của thế gian. Tôi thường khuyên chồng:

- Tôi hiểu người Mỹ lắm. Họ mất chồng, mất cha, mất con, mất người yêu, sự đau khổ ở nước nào cũng ngang nhau. Đừng nên để tâm. Cứ kiên nhẫn đi xin, thế nào cũng có việc làm.

Đúng như vậy, David được nhận làm người giữ an ninh cho casino tên Nevada Club .

Vài tháng sau tôi kiếm người giữ con, cũng đi làm trong casino The Nugget, nhiệm vụ đổi tiền cho khách. Nếu có sự hiểu biết như bây giờ, tôi đã không bỏ con đi làm như vậy. Tiền kiếm ra có giữ được đâu. Thời gian qua rồi là không trở lại. Các con lớn lên mình không gần gũi nhiều, tiếc thay!

Tuy cả hai cùng có công ăn việc làm, chúng tôi sống như chân không chấm đất. David thường hay uống rượu say sưa, tôi vô cùng buồn bã. Lúc đó, David coi tôi như… không khí, hổng cần giữ cũng chẳng mất đi đâu. Trong vòng mười mấy tháng, dọn nhà mấy lần. Và cũng mấy lần, tôi muốn bồng con đi. Rồi tôi nhớ lời nguyền của tôi trước bàn thờ ngày cưới. Rồi tôi nhớ lời Má tôi hay nói:

- Ba năm là tình, ba chục năm là nghĩa.

- Đồng vợ đồng chồng, chuyện gì cũng xong.

Rồi tôi nhớ lời Ba tôi khi còn sống:
- Nhịn đi con ơi (Thôi được, nhịn một chút cho con có cha có mẹ)

Rồi tôi nhớ lời thầy tôi (soạn giả Lê Hoài Nở, dạy ở trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ , đường Nguyễn Du, Sàigòn). Thầy đã dạy:

Chồng giận thì vợ làm lành

Miệng cười tủm tỉm……rằng anh giận gì ?…

Chồng bước tới, vợ bước lui,

Bước lui một bước, êm xuôi cả nhà.

Tôi tự nghĩ: “Không có trường dạy làm chồng, làm cha, làm vợ, làm mẹ. Ai cũng phải tự học cho nên cần một thời gian hơi…lâu”.
* 1973, Trở Lại Việt Nam

Tháng 2 năm đó, một buổi chiều đi làm về, David hớn hở hỏi:
- Muốn về Việt nam không?

- Muốn chớ, mà sao hỏi vậy?

- Hiệp định Paris. Việt Nam hóa chiến tranh. Không coi tin tức à?

- Tôi coi chương trình Seeseam Street. Đang học tiếng Mỹ mà. Tin hồi nào?

- Mới đây. Mình sửa soạn về Việt Nam.

Mượn tiền má chồng đủ mua ba vé máy bay rưỡi (phải đi trước khi Tommy hai tuổi vì trên hai tuổi phải mua nguyên vé).

Về lại Việt Nam, đọc báo, tôi biết đây là thời gian nhà báo văn nghệ sĩ “xuống đường”. Tôi không hiểu rỏ nghĩa “xuống đường” là gì. Đây cũng là lúc tôi đọc được những sách “Giải khăn sô cho Huế” của nhà văn Nhã Ca và cuốn “Mùa Hè Đỏ Lửa” của Phan Nhật Nam.

Theo lời con em Ngọc Anh, đang là thời gian thi hành hiệp định bốn bên: gồm Mỹ, Nam Việt Nam , Bắc Việt, Mặt Trận Giải Phóng. Mỹ đang từ từ giảm viện trợ, rút cố vấn, rút quân Mỹ, thu xếp trả tù binh.

Vì mừng quá, chúng tôi không cần biết gì về tin tức chiến tranh. Sống gần gia đình ngày nào hay ngày đó.
David được nhận làm cố vấn cho binh chủng Hải quân, ngành truyền tin, với tính cách công tra dân sự, đóng ở vịnh Cam Ranh. Tôi gởi hai đứa nhỏ cho mấy em, theo chồng kiếm nhà ở. Đi mà tôi đã quên một điều: gia đình tôi, chỉ là những người xa lạ đối với hai đứa nhỏ. Tommy vì nhớ cha nhớ mẹ, nó bịnh nặng, nằm thoi thóp, tưởng đâu tiêu rồi. Lúc đó má tôi theo mấy dì buôn bán quần áo con nít ở chợ Cầu Ông Lãnh. Buổi chiều về , má bồng nó đi bác sĩ liền, nó mới còn tới ngày nay. Thiệt tình, tôi làm mẹ quá dở.

Mới đầu, ở sau nhà đại úy Đương (chủ cây xăng gần cây số 9 ngoài cổng căn cứ Cam Ranh) Vài tháng sau dọn vô ở khu Đài Thu (Receiver Site) sát bãi biển, và cuối cùng ở Trung tâm Hải quân (Main Naval Base, Market Time).

Đây là thời gian vui nhứt của đại gia đình. Má với mấy đứa em thay phiên nhau lên chơi. Bãi biển Cam Ranh đẹp vô cùng. Có đảo Bình Ba có chợ Đá Bạc . Nhờ ở đây tôi mới biết và thấy những con rùa biển lớn bằng cái bàn (dân địa phương kêu là con Vích). Cam Ranh cũng là một trong ba chỗ trên trái đất giống rùa nầy lên đẻ trứng. Có một đêm theo mấy người lính rình coi . Nó đào lỗ, rặn một hơi cả trăm cái trứng, móp móp, ướt ướt, rồi dùng hai cái chân lấp đất, dấu xong, bò trở xuống biển. Mấy người lính đào lên đem về. Đôi khi, họ bắt luôn con rùa.

David hay nói :
- Sao người ta không chừa vài cái trứng. Ăn hết như vậy làm mất giống rùa !

Ngoài con rùa biển lớn còn có con kỳ nhông màu đỏ. Sau nầy về Mỹ tôi mới biết người Mỹ khám phá ra loại nầy dùng để chữa bịnh. (bịnh gì quên rồi )

Đám em tôi theo mấy người lính, nói thịt rùa đỏ tươi ăn như thịt bò, kỳ nhông cũng ăn thử, khen, như thịt gà!.
Thiệt, mấy đứa em tôi ăn uống “dã man”. Tôi sợ, không dám ăn. Ở đây, nghe nói cũng là xứ nhiều cọp. Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận mà. Trong khu căn cứ còn có một cái hồ cọp thường xuống uống nước. Mỹ đặt tên là Tiger Lake.

Ngày 9 tháng 8 Tổng Thống Nixon từ chức.

Chúng tôi ngày nào cũng vùng vẫy dưới biển. Ăn món gì cũng ngon. Lúc đó David làm lương tháng chỉ trên 400 đô. Đâu có sao. Cha mẹ vui thì con cái cũng vui.
* 1974, Rút Hết Về Mỹ

Cuối năm, tháng 12, một ngày sửng sốt. David về, hối hả:
- Sửa soạn về Mỹ.

- Cái gì ? Sao vậy?

- Mỹ phải rút hết. Mình có nghe đài Hoa Kỳ không? Nó đệm bản nhạc White Christmas suốt ngày là hiệu báo Mỹ dân sự phải rút hết.

- Trời đất ơi, đi liền sao?

- Đi liền. Về Sài gòn làm thông hành cho con.

Thử thời vận lần thứ nhì, tôi ra Bộ Nội Vụ hỏi cách thức đem thằng em trai duy nhứt theo. Họ cho biết đem em không được, nhứt là con trai, nhưng, con riêng thì được.
Vậy là, tự nhiên tôi có hai đứa con gái riêng (xin chính phủ Mỹ tha thứ cho tôi).

Tin chiến sự cho hay quân Trung Cộng dùng đầu đạn hỏa tiễn (Guided Missle) bắn chìm một chiến hạm Mỹ viện trợ cho Việt Nam (chiếc Destroyer Escort), chỉ sống sót một quân nhân. Trung Cộng ỷ mạnh hiếp yếu chiếm đoạt đảo Hoàng Sa, một cái một!

Ngày 24 tháng 12 năm 1974 chúng tôi trở về Mỹ, tới Louisana ở tạm nhà bà chị.
* Thề thoát cảnh nghèo đói

David xin được việc làm, tài xế lái xe đào đất cho hãng thầu xây cất nhà cửa, loại nhà 25.000 đô một căn. Những tưởng cuộc sống tạm yên, nào ngờ, nền móng xây xong, David bị layoff.

Tôi nhớ ngày đó, sự thất vọng và tức tối hiện rõ trên mặt, nước mắt muốn trào ra của y. Anh rể còn trong Hải quân, chị tôi theo chồng. Chúng tôi trơ trọi.

“Giải pháp Reno” là có nhiều hy vọng. Lại kêu gọi tới má chồng gởi xuống 500 đô.

Bạn hãy tưởng tượng hai người lớn, bốn đứa nhỏ cùng quần áo đồ đạc chen nhau trong chiếc xe nhỏ xíu, trong tay có khoảng 675 đô, vượt hơn 1,500 miles. Nửa chừng xe bị ãy nhíp ngừng sửa, tiêu hơn trăm rưởi. Dọc đường chỉ đậu ở chỗ bãi xe hàng , nghỉ đỡ 1, 2 tiếng. Ăn uống luôn trong xe, David lái một mạch 72 tiếng đồng hồ, xuyên qua mấy tiểu bang, giữa trời bảo tuyết!

Tới Reno 1 giờ trưa.

Đậu xe bên lề đường David đi bộ tới Casino để tìm việc. Ngồi lâu nóng ruột dặn hai đứa em coi chừng cháu , tôi cũng xuống xe đi lòng vòng coi có việc gì làm đại hay không. May mắn tôi được nhận liền chân bồi phòng ở nhà trọ tên Caravan.

Khi trở lại xe đã quá 3 giờ. David đi tới đi lui, tức tối:
- Đi đâu vậy? Tôi có việc làm, phải bắt đầu lúc 2 giờ, bây giờ trễ rồi, ai mà cho vô nữa.

- Không sao, tôi có việc, ngày mai bắt đầu.

Tìm chỗ ở. Motel Atlas, một phòng ngủ, có bếp nhỏ, tủ lạnh

Chiều hôm sau tôi đi làm về, David mặt mày một đống:
- Hôm nay tôi đi nộp đơn lãnh tiền thất nghiệp. Nó làm như mình đi xin vậy. Tôi không trở lại đó nữa đâu.

- Thì cũng phải ráng chớ sao. Lãnh tiền đó trong khi chờ kiếm việc. Chẳng lẽ để mấy đứa nhỏ đói?

Chúng tôi sống chật vật như vậy hết một lúc.

Bạn ơi, đây là thời gian khủng hoảng, xuống tinh
thần nhứt. Lương tôi một tuần 63 đô, trả tiền phòng hết 60, còn lại bao nhiêu? Mỗi ngày dọn phòng, khách để lại cho mấy chục cents, một đô là mừng lắm.

Tôi bán đầu tiên cái kiềng trơn hơn một lượng vàng 24 kara chưa từng đeo, rồi cặp nhẫn vàng Má tôi cho trước khi đi với lời dặn “để dành chừng nào con đói bán lấy tiền cho con ăn”, rồi cặp nhẫn xoàn má chồng cho.

Mỗi tuần mua hai hộp cereal hiệu Captain Crunch loại hột tròn tròn có đậu phọng (thằng con lớn tới bây giờ vẫn còn nhớ mùi vị đó) 1 đô 10 ổ bánh mì, loại bánh mì gần ngày hết hạn , nhưng vì ăn trừ cơm cho nên mau hết, không sợ hư ! hai hộp mứt, hai keo đậu phọng nát, hai hộp cacao pha sữa, một bịch gạo hai cân (chỉ nấu cháo) nhiều bắp cải, có khi 1, 2 con gà là món ăn của 6 người. Cũng may, hai đứa em đi học , được ăn uống đầy đủ, mỗi ngày để dành đem về cho hai đứa cháu mấy trái cam trái bom, vài cái bánh !

Còn nhớ một ngày bà dì chồng mời ăn bữa tối. Thiệt là một bữa ăn nhớ đời, đang đói mà!

Chồng tôi, người Mỹ, sống trên đất Mỹ mà cũng trải qua thời gian đói khổ, cũng như quí vị sau tháng 4 năm 1975.
Tôi lại mắc thêm một lời thề nữa. Tôi thề sẽ không để con tôi đói khổ…

Từ đây, tôi tập nhìn đời bằng con mắt khôi hài, chuyện gì cũng thấy nhẹ bớt đi. Và rồi cái đói khổ không kéo dài lâu.

Tôi xin được việc làm trong một hãng may màn, tấm trải giường, áo gối, đồ làm bếp…

Có biết may vá gì đâu. Có lẽ họ nhận vì cái mặt Á Đông của tôi. Ngày đầu tập sự tôi hỏi việc cho chồng, gặp ông giám đốc tử tế, y đắn đo một hồi rồi nói:

- Thông thường chúng tôi không nhận vợ chồng làm việc chung, nhưng lần nầy tôi phá lệ. Việc gì cũng đủ người rồi nếu chồng you muốn thì vô làm việc sắp đặt máy may, dọn dẹp hãng.

- Thiệt là…. Đội ơn ông.

Mỗi ngày tôi ngồi vật lộn với cái máy. Máy gì chạy lẹ quá trời ! Vừa đặt miếng vải vô nó làm một cái rẹt níu không kịp.

Mỗi ngày nhìn anh chồng Mỹ cầm cây chổi quét hãng mà ứa nước mắt.

Sau một tháng đi làm khi trời còn tối, về nhà thì trời đã tối rồi!, hết việc dọn hãng.

David hỏi ông giám đốc :
- Trong hãng việc nào làm lương cao nhứt ?

- Trừ việc quản lý, chỉ còn việc làm sửa máy may là lương cao.

David nói:
- Tôi có kinh nghiệm sửa máy kéo tiền trong Casino. Ông cho tôi thử nghề sửa máy may trong hai tháng, nếu làm không xong tôi sẽ tự động xin thôi.

Từ nghề sửa máy, David được lên chức phụ tá quản lý.
Ông Harvy, người ân nhân đã mất năm 1977. Chúng tôi không bao giờ quên ơn ông. Ông biết nhìn người, ông đã khởi đầu, hướng dẫn nghề nghiệp, cho chồng tôi có cơ hội xử dụng khả năng, vượt qua cảnh nghèo.
* 1975, Thắt Ruột, Thắt Gan

Bắt đầu từ tháng ba Ngọc Anh gởi thơ với tin tức chiến sự, càng ngày càng sôi động. Miền Nam thật sự trong cơn dầu sôi lửa bỏng. Qua tháng tư , mỗi ngày coi tin tức, thấy bản đồ chữ S bị màu đỏ nhuộm lần lần từ vĩ tuyến 17 xuống miền Nam, ngày nào ba chị em tôi cũng khóc. Sự lo sợ, nóng ruột nóng gan không còn nghi ngờ gì nữa, màu đỏ xuống tới Xuân Lộc, rồi Long Khánh, miền Nam lọt vô tay cộng sản là cái chắc.

Ngồi may mà nước mắt tuôn ra, tới nổi cô bạn nhỏ người Hong Kong, tên Siu Woo, chịu không thấu. Sẵn máy sẵn vải dư, nó may liền một cái túi, đi vòng vòng hãng xin tiền đồng nghiệp cho tôi. Thiệt có gặp cảnh khổ mới thấy người có lòng, nhứt là người nghèo. Nó xin được hơn trăm bạc. Rồi bà má chồng và ông giám đốc tốt bụng, cho chúng tôi mượn tiền gởi chị tôi cùng chồng trở về Việt Nam tìm cách rước gia đình. Nhưng, máy bay chỉ hạ cánh ở Thái Lan vì đã được lịnh không thể đáp xuống Việt Nam. Vậy là hết đường !

Đài truyền hình loan báo chiến hạm Mỹ đang neo ngoài khơi, ai ra tới sẽ được vớt. Lộ trình di tản, người ta chết trên đường lộ, chết chưa ra khơi, chết từ trên không trung rớt xuống. Một máy bay di tản trẻ mồ côi bị Cộng quân bắn hạ, mấy trăm trẻ chết hết???.

Đau đớn biết bao cho những người lính Cộng hòa đã bị bỏ lại. Càng coi càng thắt ruột thắt gan.

Cuối tháng Tư, trong tình trạng vô cùng tuyệt vọng, kể như sẽ không còn nhìn thấy mẹ và mấy đứa em nữa. Thình lình, đêm 29, khoãng 2, 3 giờ sáng, má chồng tôi kêu, nói, có người nào từ phi trường Hawaii cho hay má và mấy em đã rời Việt Nam.

Thủy quân Lục Chiến Mỹ làm hàng rào nhân sự, cầu không vận giờ chót đã bốc gia đình tôi ra khỏi địa ngục. Mừng quính, David liên lạc được với phi trường, nghe tiếng thằng em tôi:

- Cả nhà đi đuợc, chưa biết chắc đi đâu, họ nói Wake gì đó, em hổng hiểu, sợ quá.

David nói :

- Rồi, nó đưa qua đảo Wake, căn cứ quân sự.

Mừng thôi là mừng. Sau cơn mưa, trời sáng sủa hơn..
Mấy ngày sau, biết chắc những người trong chuyến bay đó đang ở trại Pendleton, California. Chúng tôi đi rước về. Gia đình tôi ở trại chỉ có vài ngày.

Về Reno, đài truyền hình Eye Witness News và đài số 2 tới tận nhà phỏng vấn.

Qua ngày sau, má và ba đứa em tôi vô hãng may làm, đài truyền hình lại tới quay phim, báo chí đăng hình, viết bài chúc mừng, gia đình tị nạn đầu tiên. Thiệt đúng là báo có đăng đài có nói đàng hoàng.

David nói với tôi:

- Tôi không tin tôn giáo nhưng đây là lần đầu tôi đã cầu nguyện.

Lúc đó vì mừng quá, đem gia đình ra khỏi trại sớm quá, chúng tôi không hiểu gì về quyền lợi và sự giúp đở bước đầu mà chính phủ Mỹ dành cho dân tị nạn. Chúng tôi chỉ biết có một điều là qua được rồi thì đi làm nuôi thân và trả nợ. Tội nghiệp Ngọc Anh, Kim Loan và Tấn Long thằng em trai mới có 17 tuổi là tuổi có thể trở vô trường, phải đi làm. Chỉ có Kim Phượng, Hoàng Thư và Thúy Phương được tiếp tục đi học.

Dân chúng Mỹ, chồng con về rồi, lòng nhân đạo họ cũng mở ra.

Thời gian nầy là lúc người Việt tị nạn có đủ chuyện vui về việc tự dịch tiếng Mỹ. Hiểu sao dịch vậy, giản dị gọn gàng.

Đưa tay chỉ vợ, chàng giới thiệu với người Mỹ:
- This is my house (đây là nhà tôi)
Ai làm gì sai, lắc đầu, xí xóa:
- No star where (không sao đâu)
- The wind hit him (nó bị trúng gió)
Bạn còn nhớ hôn?
* 1976, Cái Nghèo Đeo Đuổi

Sanh đứa con gái út, tuổi Thìn, tên Elizabeth Xuân. Hơn hai thằng anh, con rồng nầy ở đủ tháng đủ ngày. Nó uốn éo, nó vùng vẫy, nó nhào lộn, nó cân nặng 6 pound 12 ounce, sanh 6 giờ sáng.

Được chuyện nầy mất chuyện kia. Sợ con đói khổ, sợ cái nghèo đeo đuổi, sanh mới hai tuần tôi mướn người giữ con, đi làm lại.

Hai đứa rồi, thêm đứa thứ ba, đứa con gái mà David từ lâu mong đợi, tôi cũng đã bỏ bê nó cho người giữ.

Có phải vì lý do đó mà sau nầy lớn lên có chuyện gì buồn nó chỉ tâm sự với bạn mà thôi. Bây giờ nghĩ lại tôi vô cùng hối tiếc.

Sang năm 1977, dọn qua California. David làm Giám đốc hãng Barth&Dreyfus.

1978, Làn Sóng Thuyền Nhân

Sang năm 1978, Việt Mỹ được thư từ qua lại.

Làn sóng thuyền nhân tràn ngập các đảo nước lân cận. Cuối năm, cả đại gia đình dọn xuống North Carolina mở thêm chi nhánh. Làm ra tiền mà chỗ ở quá buồn.

Cuối năm, dì Năm cho hay chính quyền giải toả nghĩa trang Phú Thọ Hòa, phải lấy cốt Ba. Má tôi dặn đem đốt rồi gởi vô chùa. Dì Năm cho đứa con trai vượt biên, qua đảo Bulabidong an toàn.
*1979, Trận Cuồng Phong David
Năm nầy, thơ dì Năm cho hay cha con tụi tôi sẽ gặp nhau. Đó chỉ là cách nói bóng gió cho biết dì sẽ mang theo tro cốt của ba tôi đi vượt biên. Chừng không nghe tin tức của dì mà chỉ nghe tin thời tiết về trận bão chúng tôi lo lắng vô cùng.

Trận cuồng phong (hurricane ) trớ trêu thay lại có tên là David, khủng khiếp, tàn phá, giết hơn 1,100 dân vùng duyên hải đảo Caribbean. Bão dữ sóng thành nhận chìm biết bao thuyền nhân.

David liên lạc với hội Hồng Thập Tự, họ cho biết tin dữ : chiếc tàu Minh Hải khởi từ Cà Mau đã không tới bến. Hơn 20 người bà con cùng dì Năm ôm bình tro cốt ba tôi, chìm sâu đáy biển. Ba tôi chết lần thứ hai! Một lần vì chiến tranh. Một lần vượt biên.

Nghe tin, không biết phải làm gì. Thấy tôi ngồi chết lặng cả buổi trong xó nhà, David ra xe lái đi. Y đi tìm chỗ làm thủ tục đứng tên bảo lãnh hai gia đình thuyền nhân Việt Nam.

Ở North Carolina, tôi đã gặp nhiều cựu quân nhân, thương phế binh Mỹ trở về từ Việt Nam. Một người da trắng, mặt mày bị cháy bởi bom Napaln, không còn hình dạng mắt, mũi nữa… Một người da đen, tay chống nạng, ông nói:

- Tôi để lại một chân bên xứ của cô.

Bạn nghe đau lòng không?

* 1984, dọn hẳn về California

David nhảy từ hãng nầy qua hãng nọ, chỗ vài tháng, không hài lòng với việc làm. Hùn hạp với một người Đại Hàn mở hãng in vải, lỗ vốn, đóng cửa .

Thất nghiệp. Y bỏ uống rượu. Nhất định không chịu xin tiền thất nghiệp. Năm nầy là năm thất thời thất chí của y. Ngồi trước TiVi, không đổi đài, hồn lạc đâu mất tiêu. Nhiều đêm, y ngồi dậy, lâu lắm, không nói gì. (Sau nầy nghe người ta nói cựu quân nhân Mỹ tại Việt Nam thường bị flashback, có nghĩa bị hình ảnh quá khứ ám ảnh, hổng biết dịch tiếng Việt là gì.)

Tôi cũng không khá hơn. Ở nhà lãnh tiền thất nghiệp. Vừa may em tôi, Thúy Phương, đem cuốn sách dạy về ngành Thẩm Mỹ cho tôi dịch mướn, kiếm thêm chút đỉnh!
* 1987, Má Chồng Mất

Việt kiều bắt đầu trở về Việt Nam thăm nhà.

David làm cho hãng Design Collection (DC) chuyên mua bán, xuất nhập cảng hàng vải. Tôi đậu bằng thẩm mỹ, ở lại dạy cho trường.

Giữa năm, má chồng tôi mất. Trước khi chết bà dặn không được mở nắp hòm.Bà muốn con cháu nhớ lúc bà còn sống chớ không nhớ tới cái xác vô hồn. Thôi rồi!

Bà đi trước khi được thấy sự nghiệp thành công của con trai. Cũng không kịp cho tôi nói lời cám ơn, thưa với bà là đứa con dâu Việt Nam của bà đã có nghề nghiệp chuyên môn, khỏi phải lo đứng bếp như lời bà từng dặn.

Còn đâu nữa những buổi ăn ngon lành thuần túy thức ăn Mỹ. Những ngày lễ lớn, nếu tụi tôi không đi thăm được, bà luôn luôn gởi thùng bánh trái tự tay làm cho con cháu. Tôi nhớ những lúc túng quẫn, bao giờ tụi tôi cũng kêu gọi tới bà. Lòng mẹ thương con dân tộc nào cũng như nhau.

Từ đây, bà đã nằm kế bên ngôi mộ người chồng yêu dấu.
* 1988 – 1990

David lao đầu vô việc làm. Mỗi tháng đi Nửu Ước hoặc South Carolina một tuần. Tôi cũng lo việc của tôi.

Hai đứa con trai tới tuổi vị thành niên, tuổi nguy hiểm. Bắt đầu nếm mùi lo buồn vì con cái. Lỗi chúng tôi phần nào vì đã không biết dạy dỗ tụi nó đúng cách.

1990. Bà chị thứ tư của David mất vì bịnh đứng tim.

1991, David Bị Kích Tim

David bị heart attack (kích tim) vô nhà thương mấy tuần. Hậu quả của gần 30 năm hút thuốc. Hút càng ngày càng nhiều. Việc làm càng khó khăn, căng thẳng, y càng cố gắng, càng cố gắng thì hút thuốc càng nhiều.

Chưa từng biết gì về computer nhưng với kinh nghiệm làm việc, y đã điều hành, kiểm chứng cho chuyên viên lập ra một chương trình để xử dụng trong hãng. Từ lúc hãng mới mở cửa năm 1986, việc ít, người ít, mọi sự đều làm bằng tay. Cơ sở phát triển lên hàng trăm nhân viên, phải điều hành bằng hệ thống điện toán.

Vì trách nhiệm, vì việc làm đòi hỏi sự quan tâm thường xuyên, y đã quên thân mình. Một ngày hai bình cà phê, ba gói thuốc thì thân nào chịu nổi. Bác sĩ cho biết nếu không tự săn sóc lấy mình thì y sẽ không sống tới ngày có cháu!

Sợ chết ,y bỏ hút thuốc. Một cái một. (y nói nhỏ không muốn bỏ tôi lại một mình)

Tôi thi đậu, làm giám khảo ngành thẩm mỹ.

Chiến tranh giữa Kuwai và Iraq bùng nổ.

Hai đứa con trai nói “khi quốc gia cần tụi con sẽ đi lính ” dù ba nó đã cho biết sự sai lầm của chính bản thân. Tôi quá lo sợ, sợ cho tới ngày Tổng Thống Bush rút quân về.
Con gái tôi bắt đầu cãi cha ghét mẹ. Khi buồn nó chỉ tâm sự với bạn mà thôi. Lỗi tại tôi, ham làm việc, ít gần gụi nó.

Diện con lai, gia đình HO bắt đầu qua Mỹ.
* 1992 – 1993

Lawrence vừa đi học vừa đi làm. Đứa con trưởng có tánh tự lập từ nhỏ. Có em sớm, nó cũng sớm biết nhường nhịn, thường ngồi chơi một mình.

Còn nhớ Tommy, lúc mới mấy tháng biết nhìn ai là mẹ rồi, tối nào tôi cũng phải ẵm nó từ 8 tới 9 giờ rồi bỏ vô giường thì nó mới chịu ngủ.

Vậy mà vù một cái, năm 1993, tôi cưới dâu trưởng, gốc Quảng Đông, tên Elaine.
* 1994 –...
viethoaiphuong
#9 Posted : Tuesday, April 19, 2011 8:26:44 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)



Otis, chú két nói chuyện như người ta của má nè
(photo by Ngoc Anh, 17.4.2011)

CON CHIM HỎI CON MÈO


Tác giả:
Trương Ngọc Bảo Xuân

Bài số 3085-28385 vb5010611

Tác giả đã nhận giải chung kêt Viếr Về Nước Mỹ 2001, và từ đó tới nay vẫn liên tục góp nhiều bài viết giá trị. Từ nhiều năm qua, bà là thành viên ban tuyển chọn Giải Thưởng Việt Báo.

***

Má tôi có nuôi một con mèo, sau đó nuôi một con chim biết nói chuyện với con mèo
Năm 1990, Má mua căn nhà mới xây, thành phố Fontana. Dĩ nhiên nhà mới đất mới giống như đất sa mạc nên sân trước sân sau đầy sỏi và đá, nhìn thấy hởi ôi! Thế mà chỉ trong năm đầu, em trai tôi xây hồ thả lục bình, mùa hè đó lá xanh bông tím ngát, lan đầy bồn. Sân sau rộng, nó tráng xi măng làm đường đi ngoằn ngoèo kiểu cọ, chỗ nầy chừa hình vuông chỗ kia dạng hình tròn, chính giữa làm chỗ ngồi chơi, có băng cây thô sơ và mái hiên lợp bằng lá thơ mộng làm chị em tôi nhớ tánh lãng mạn ngày xưa mơ màng đặt tên là Vọng Nguyệt Đài.

Má tôi đã chuyển từ sỏi đá thành một vùng đất màu mỡ, sân trước sân sau trồng đầy bông hoa đủ màu trắng vàng đỏ tím xanh nở rực rở, hương thơm khắp xóm. Những chậu Bonsai được bàn tay khéo léo của em trai tôi uốn cành rất có mỹ thuật, những bụi hoa đẹp hài hòa đến nỗi có phóng viên của tờ báo vùng đã yêu cầu cho phép họ tới chụp hình đăng báo để quảng cáo và kêu gọi dân chúng tới mua nhà cho đông, nhưng, Má tôi muốn sống như ẩn sĩ cho nên đã không cho phép họ chụp hình. Một điều rất đáng tiếc.
Út Thúy em tôi lúc ấy còn sống chung với Má, rất thương thú vật, có nuôi một con mèo lông trắng tinh, đặt tên là Snow White.
Một hôm, sau khi coi phim "Otis and Milo", nói về hai con thú đã có tiếng là kẻ thù truyền kiếp, chó và mèo, rồi sẵn dịp đi Pomona Bird Fair ngày 28 tháng Năm, 1990, em tôi mua một con chim về tặng cho Má.
Nó nói Má dạy cho con chim này nói chuyện với con mèo thì vui lắm
Nó nói riêng với tôi:
-Ơ, má hỏi em mua bao nhiêu, em dấu Má, đâu có dám nói thiệt Má biết Má la. Em nói là cũng rẻ thôi, cho con mèo có bạn (hì hì hì...) Em đặt tên nó là Otis cho giống trong phim, chị coi chưa? Phim trẻ em, nói về tình bạn của con mèo tên Milo và con chó tên Otis. Chị biết là thường thường mèo và chó đâu có thuận nhau nhưng phim đó thì khác, hay lắm. Tại con mèo em lỡ có tên là Snow White rồi hông thôi em cho nó tên Milo luôn.
Rồi không đợi trả lời, nó kể một hơi:
-Ơ ơ ơ. .. con Otis và con Milo ở nhà quê cùng lớn lên trong một trang trại. Hai con làm quen với nhau rồi trở thành hai đứa bạn thân thiệt là thân. Có lần con mèo Milo bị rớt xuống nước sắp chết chìm nhưng được con chó Otis nhảy xuống cưú. Hai con còn sống nhưng bị dòng nước cuốn trôi đi, lạc trang trại quá xa, khó tìm đường về nhưng chúng có đôi nên sẵn dịp hai con rủ nhau đi du lịch luôn. Tụi nó gặp nhiều gian nan trắc trở hiểm nguy vui buồn nhưng lúc nào cũng sát cánh, nương nhau mà sống. Tụi nó gặp đủ thứ con vật khác như con sóc, con gấu, con a a...
Sợ nó kể dài dòng thêm cả chục con nữa mà chưa vô đề, tôi ngắt ngang:
-Ủa? phim nói về tình bạn của con chó với con mèo, có liên hệ gì tới con chim của Má?
Út Thúy cười hì:
-Đâu có sao. Em đi làm mà, nuôi chó thì cực cho má lắm, nuôi chim dễ hơn. Người ta dạy chó mèo thương nhau thì mình cũng dạy chim mèo thành bạn được vậy hi hi hi... đem con chim thế con chó đâu có sao hi hi hi. .. với lại có mèo có chim cho cái sân của má vui thêm. Má ở nhà suốt ngày chắc là dạy con chim nói chuyện được mà hi hi hi. ..

Thiệt đúng là út Thúy, tánh tình trẻ con, giàu tưởng tượng và rất lạc quan.

Con chim này là loại African Grey Parrots. Đây là một trong những chim két có tài bắt chước tiếng người hay tiếng động.
Loại chim két nầy lấy giống từ Phi Châu, nơi chúng sinh sống theo từng đàn rất đông. Mỗi tối chúng tụ lại từng đàn trên cùng một cây to. Chúng ăn những loại hột, trái cây và rau cải. Chúng cũng bị người ta đổ thừa là giống phá hại mùa bắp, nhưng thường thường thì chúng chỉ ăn những trái cây những loại hột trên cành mà thôi.
Khi mới nở chúng là những con chim bé tí, lớn nhanh và có thể lớn hết mức dài cở 13 inches, đôi khi hơi lớn hay nhỏ hơn, tùy loại. Lông chúng màu xám ửng màu bạc của vỏ sò. Lông trên đầu, mặt và hai bên sườn thì màu xám sáng hơn trong khi lông trên bụng ngực và lưng cùng cánh thì màu xám đậm hơn. Đôi khi, tùy vùng nó sinh sống, có thể lông toàn thân cùng một màu xám bạc. Đối ngược với lông trên mình, đuôi nó dài và mang một màu đỏ tươi rất đẹp. Đây là một loại chim có đặc điểm vô cùng quý, nó có thể bắt chước mọi tiếng động và nói được tiếng người. Thêm vào đó, nó có thể sinh ra sự quyến luyến và gần gũi với chủ của nó.

Chim két này rất năng động. Suốt ngày nó có thể nhảy nhót leo trèo huýt gió nói chuyện và chơi giỡn.
Hồi đầu em tôi không chịu cho biết nó đã bỏ ra bao nhiêu tiền để mua con chim, sợ má tôi rầy -sao con xài sang xài hoang quá vậy? Sau này hỏi hoài thì nó mới khai thiệt:
-Em và anh S. hùn nhau mua cho má đó. Tám trăm con chim ba trăm cái lồng hi hi hi... chị đừng có nói má biết nghe. Đó là được bớt tại mua ở hội chợ, mua trong tiệm mắc hơn nhiều.
Lúc đem về nó dặn má là chim mới 6 tuần thôi, cần phải nấu thức ăn mềm cho nó ăn, tới bốn tháng mới cho ăn đồ khô, là mấy thứ hột nầy nọ.
Khi có đủ lông cánh và ăn được đồ cứng, nó thích nhứt là hột hướng dương nhì là hột đậu phọng. Nó cầm hột đậu phọng đưa lên mỏ cắn cái rốp, tách vỏ ra ăn nửa bên nay xong ăn nửa bên kia.
Khôn ghê.
Má tôi đã nấu đậu nành pha với trái cây xay nát, đút từng muỗng nhỏ như cho mấy em bé mới biết ăn thức ăn mềm cho tới khi Otis được bốn tháng.
Lúc con chim còn nhỏ xíu thì con mèo chỉ lờn vờn phiá dưới lồng kêu meo meo..., trong lồng con chim cũng kêu meo meo o o o...
Khi Otis lớn hơn, đủ lông cánh, biết nhảy nhót và biết bay, được ra khỏi lồng rồi thì con mèo lại gần làm quen.
Lần đầu tiên thả con Otis bay ra, chúng tôi hồi hộp theo dõi. Con chim bay vòng vòng trong nhà, con mèo đứng dưới kêu meo meo, con chim đáp xuống. Không chút sợ sệt, nó đi từ bước từ bước trên thảm thì con mèo cũng từ bước từ bước vờn nó. Má tôi sợ con mèo táp nó quá chừng, nhưng không đâu, hai con xáp lại gần, dụi dụi vô nhau như mừng rỡ, con mèo dơ chân lên, đầu con chim cúi xuống, con mèo gãi nhẹ nhẹ lên đầu con chim.
Trong phòng, ai cũng thở cái phào nhẹ nhõm.
Con mèo kêu meo meo..., con chim cũng kêu meo... meo o o o...
Bắt chước Snow White, em tôi cũng gãi đầu Otis, Thúy nói bằng tiếng Mỹ: "come closer, closer, put your head down" thì con chim nhấc chân nhấc chân lại gần và cúi đầu xuống y như lúc nó cúi đầu cho con mèo gãi.
Về sau Má nói hoài bằng tiếng Việt:
-Gãi đầu gãi đầu. Xích đây, xích đây, cúi đầu xuống, gãi đầu.
Thì nó cúi xuống cho má tôi gãi đầu.
Ngộ cái là, nó không bao giờ nói câu này.
Mỗi khi má tôi lau nhà hút bụi thì nó thường đậu trên vai Má, kêu meo meo, dạn lắm.
Lúc đó Má tôi giữ 6 đứa cháu cho mấy em tôi đi làm. Mỗi ngày phải chăn giữ đàn cháu miệng nói chuyện liên miên, kêu đứa này réo đứa nọ, con chim bắt chước nói được rất nhiều câu, có giọng, lên xuống tùy câu, nói chuyện thường hay hỏi han. Thí dụ:
-Tú ơi i i... Tú đâu rồi i i, ăn cơm chưa?
-Huyên, lạnh hông con? nè, ăn đi con.
Khi nói chuyện Otis không phải chỉ bắt chước mà còn nói đúng lúc và đúng nghĩa nữa. Nghe tiếng điện thoại reng reng thì nó trả lời liền, trước khi có người nhấc điện thoại lên:
-Hế lô
Khi chuông cửa kêu "bính boong" thì nó hỏi:
-Ai đó?
Khi ngoài đường sụp mặt trời thì nó réo:
-Tối rồi i i i... đóng cửa lại (nó kéo dài tiếng rồi, y như Má tôi nói)
Khi trời lạnh thì nó nói:
-Lạnh quá. Bận áo vô con.
Ai tới nhà thì nó hỏi:
-Bà Bảy à, má thằng Cù, đói bụng hông?
-Trâm. Hân. Ăn cơm hay ăn mì?
Thỉnh thoảng nó cũng bắt chước giọng của mấy đứa nhỏ. Thí dụ:
-Ngoại ơi i i i con thương ngoại nhiều u u u....
Tiếng nhiều nó kéo dài như tiếng đứa nào đó đang nhỏng nhẻo với bà ngoại
Sáng sáng khi Má tôi ngồi xuống cái bàn trong bếp thì nó hỏi:
-Ngoại ngoại uống cà phê chưa? (là câu cháu tôi thường hỏi)
Nhưng, câu nó thường nói nhứt là:
-Meo meo o o. ..
-Con mèo đâu rồi
-Con mèo đâu rồi
-Meo...meo o o o...
Có vài lần, tự dưng nó bứt cái lông đuôi màu đỏ của nó, cầm coi rồi nói:
-Ố ô!
Nó khôn quá, làm sao mà không nể?
Otis và Snow White là "cặp bài trùng" Chúng giỡn với nhau mỗi ngày khi Otist bay ra khỏi lồng.
Một hôm, con mèo ngã bịnh, nằm một chỗ, vài ngày sau nó chết
Từ đó con Otis không chịu ra khỏi lồng.
Ngày nào nó cũng hỏi:
-Con mèo đâu rồi con mèo đâu rồi... Meo meo o o o...
Con chim được cảm tình của mọi người, từ già đến trẻ. Không thương sao được? Bất cứ ai tới nhà chơi cũng đứng trước cửa lồng, nói vài câu với nó, huýt gió tới nó là nhứt định lần sau nó sẽ bắt chước y chang, ngay cả giọng cười quái đản của em Phượng, á há há há... nó cũng cười được. Thường thường thì nó giữ giọng cười hì hì hì của nhỏ em tên Thư.
Thư kể:
-Hôm bữa em đứng trong bếp, con Mai đứng ngay tủ lạnh đang uống sữa, nó hỏi con Mai "eh, eh..ngon hông?" con Mai cười, nói với nó, "ngon". Con chim này cũng nhiều chiện lắm.
Còn cháu Mai thì kể sáng đó thấy nó tính mở cái khoen ổ khóa cửa lồng, Mai khóa lại, nó giận, cho đồ ăn nó không thèm ăn quay mặt đi chỗ khác, đưa tận tay thì nó liệng bỏ, một lát đói lắm mới lượm lên ăn

Má tôi thường nói:
-Ngày xưa người ta nói thời mới khai thiên lập địa, thú vật biết nói tiếng người, Má tin, con chim này chứng tỏ người xưa nói đúng.
Có thể qua bao nhiêu trận Hồng Thủy, thế giới thay đổi đã hủy diệt nhiều giống giòng đã làm cho thú vật dần dần mất đi khả năng nói chuyện, chỉ còn lại vài giống chim, những loại chim như Két, Nhồng, còn có thể nói được.
Má tôi kể hồi nhỏ nhà hàng xóm có con Nhồng, chỉ nói được câu "mầy chết à Phê mầy chết à Phê" là tiếng mắng chửi của bà mẹ khi bà rược đánh con nhỏ bạn Má tên Phê, nhưng con chim ấy chỉ nói được mỗi một câu đó mà thôi
Ngày xưa, khoảng năm 1964, 65 gì đó, tôi bị chứng dị ứng, nghẹt mũi triền miên, nghe đồn có ông thầy chuyên môn "bắt mạch lươn" trị bá bịnh giỏi lắm, dì tôi đem tôi đi. Tới nơi, hình như chỗ đó gọi là "cổng xe lửa số 6?"
Khi ngồi ngoài sân chờ tới phiên mình thì tôi nghe tiếng ai kêu "xích lô xích lô" ngó quanh không thấy ai, lại nghe "xích lô xích lô" nhìn quanh thêm lần nữa cũng chỉ mình mình. Trưa hè nóng nực, chẳng lẽ có ma? Nhìn kỹ lại, chỉ thấy một cái lồng chim trong đó có con chim lông đen tuyền đang nhảy nhót. Nhìn lại và lóng tai nghe thì rõ ràng tiếng nói phát ra từ cái lồng chim "xích lô xích lô". Khoái quá tôi rề lại gần thì thấy trong lồng chim có đầy ớt, ớt trái đỏ tươi có nhiều dấu chim mổ tanh banh
Thì ra, đó là tiếng con chim nói. Khi dì tôi ra, tôi chỉ dì coi thì dì nói "Ờ, ờ, con chim này biết nói chuyện, bắt chước bịnh nhân kêu xích lô đó mà"

Rồi dì tôi kể:
-Nghe nói ở nhà quê mà bắt được con Sáo, con Cưỡng con Nhồng thì họ cho nó ăn ớt, lưỡi dộp lên họ lột lưỡi nó rồi nhốt trong hũ đào lỗ cho nó sống dưới đất không cho nghe được tiếng chim, người ta lột lưỡi nó rồi người ta dạy nó nói. Lột lưỡi vài lần là nó nói được tiếng người.
Lúc đó nghe vậy tôi thấy cách này sao... ghê quá, tội nghiệp con chim quá
Con African Grey này, đâu cần phải lột lưỡi, cần gì phải dạy, cho nó nghe thôi, nó tự động bắt chước một mình ên.
Lúc sau này Má tôi hay mệt, chị Hai tôi rủ -thôi Má qua nhà con ở đi.
Chị em tôi thấy có lý, chị và em tôi sống chung săn sóc Má.
Nhưng Má lo lắng hỏi -Má đi rồi con chim thì sao?
Nhà chị tôi là nhà xe khu người cao niên nên không có chỗ rộng, tôi lãnh phần đem Otis về nhà tôi nuôi.
Thế là, chồng và con trai tôi mướn người làm một cái chuồng chim thật lớn, bao bọc quanh một cây dừa kiểng cao hơn sáu feet, chỉ làm cái sườn thôi, như cái chuồng khỉ trong sở thú rồi hai cha con mua loại lưới mắt cáo về bao xung quanh, cưa mấy cành cây đem về gắn lên xung quanh để sau này chim có thể bay ra leo trèo. Đem cái lồng chim về sẽ để vào một góc chuồng, xung quanh che bằng tấm tôn màu xanh, phía trên che mấy tấm sáo bằng tre cản gió cản nắng nhưng rất thoáng khí.
Làm xong cái chuồng chồng tôi chụp hình gởi đi khoe cùng gia đình. Khi nhìn thấy hình, em Long đã nói:
-Cái chuồng quá bự há, tha hồ cho chim bay nhảy, tội nghiệp mấy chục năm sống túm rụm trong cái nhà nhỏ xíu.
Em Ngọc Anh nói:
-Không biêt cho ở "nhà giàu" nó sợ hông há
Em Kim Loan nói:
-Ờ, thấy song hơi thưa, sợ nó chun ra được. Con chim nầy khôn lắm

Hôm đem nó về, đặt cái lồng vô góc chuồng, con trai tôi đem nó ra ngoài cho nó đeo trên thành lưới. Nó cứ đeo ở đó cả ngày, đưa gì ăn nấy nhưng không trở vô lồng. Buỗi tối sợ lạnh nó chưa biết vô lồng nên con tôi phải lấy khăn trùm lên đầu nó, bắt nó bỏ vô lồng đóng cửa lại.
Sáng dậy, con tôi bắt nó cho ra ngoài. Nó vẫn cứ đeo trên móc song lưới mà nói chuyện suốt ngày, cũng chưa trở vô lồng. Sau cùng, chồng tôi bỏ nó trở vô, hy vọng khi quen rồi, nó sẽ tự động bay ra ngoài chơi.
Mỗi bữa sáng chồng tôi mở khóa bước vô chuồng lại gần cái lồng chế thêm nước sạch đổ thêm thức ăn, đưa cho nó cầm miếng bôm hột đậu phọng và thường hay hỏi:
-What s up? buddy. Hi Otis
Bây giờ, sáng sáng là nghe Otis nói:
-What s up? Hi Otis.
bằng giọng khàn khàn trầm trầm y chang chồng tôi.
Nó còn bắt chước giọng cười dòn tan của hai đứa cháu nội tôi; giọng cao cao nói tiếng Mỹ của con dâu tôi; giọng ho khọt khẹt của con trai tôi và húyt gió như tôi muốn dạy nó:
-Ù u u ú (là giọng của bài Quốc Ca Việt Nam, "nầy công dân ơi...")
Rồi nó tạo ra tiếng "lanh canh" của cái muỗng đụng vô thành tách cà phê của Má tôi; tiếng "bíp bíp bíp" của xe chở rác; tiếng chó sủa "quâu quâu" của nhà bên cạnh; tiếng chim hót líu lo, tiếng chim bồ câu nghe "rù rù" từ cành cây cổ thụ bên kia tường.
Hôm má tôi lại thăm, má kêu:
-Otis ơi i i con lạnh hông...
Đang gãi lông, nó ngưng lại, nghiêng đầu lóng nghe, một hơi, nó nói:
-Ủa?
Tụi tôi cười quá trời. Má tôi nói thêm câu nữa:
-Bà ngoại nè. Con đói bụng hông...
Thì nó nói thêm lần nữa, bằng giọng như ngạc nhiên hết sức:
-Ủa
rồi nó bắt đầu nói liền liền một dọc giống như thấy má tôi nó mừng quá ôn bài lại vậy:
-Huyên, ăn cơm. Huyên ăn cơm. Tú đâu rồi Tú đâu rồi ngoại ơi con thương ngoại nhiều u u u...
Rồi nó hỏi:
-Con mèo đâu rồi con mèo đâu rồi
Meo meo o o o...
Làm má tôi muốn khóc.

Út Thúy nói chim này có thể sống thọ tới trên bảy, tám chục năm. Má tôi năm nay gần tám mươi lăm tuổi rồi, tôi trên sáu mươi, con chim mới hăm mấy, như vậy, khi Má tôi "đi" rồi, con chim vẫn còn sống. Nó bắt chước giọng nói của má tôi nhiều nhứt, cho nên, chúng tôi có thể nghe Má tôi nói chuyện, dặn dò, những câu chuyện những lời nói hàng ngày, xuyên qua tiếng nói của con Otis. Cũng có thể khi tôi đã "đi" rồi, con cháu chúng tôi sẽ còn nghe được giọng nói của má tôi, của chính tôi, xuyên qua con chim quí này.

Bây giờ thì tôi rất tin khi nghe ai nói:
-Chim chóc, cây cối bông hoa có thể nghe được tiếng ngừơi. Trồng cây trồng bông nói chuyện với nó thường xuyên, cây ăn trái sẽ ra trái, cây bông sẽ ra bông, chim chóc có thể học nói tiếng người và thân thiết như con cháu trong nhà.
Con chim African Grey này, không cần dạy, chỉ nói chuyện với nó thường thường thì nó tự bắt chước. À quên, Má tôi có dặn -cấm bất cứ đứa nào, không được dạy nó nói bậy chửi bậy nghe chưa.
Trời lạnh thấy nó đứng trên cành cây trong lồng, lông xù ra
Trời nóng, Má tôi cầm chai nước, kêu nó:
-Otis. Lại đây. Cúi đầu xuống con, cúi đầu xuống.
Nó nghe lời, đầu cúi xuống, má nói:
-Xích lại chút nữa
Nó nhích nhích chân, rề rề lại gần, Má tôi xịt nước lên bộ lông, nó đứng giũ giũ lông dương hai cánh lên rồi lắc lắc nguyên cái mình, bụi nước tung ra, coi bộ sung sướng, coi bộ khoái lắm.

Có phải nó hiểu ý người hay không?

Có khi Má đưa cho nó nguyên cái đùi gà chiên, nó đưa chân cầm lấy rồi đút vô miệng xé thịt ra ăn ngon lành. Ăn hết thịt, nhai luôn phần có gân xong nó nhai phần sụn rồi cắn cái xương ống một cái "rốp" rồi đút mỏ vô hút chất tủy bên trong mà ăn sạch bách, liệng xương ra ngoài.
Thịt bò nó cũng thích lắm. Một chân bấu vô cành cây, một chân đưa ra quặp miếng thịt đưa lên mỏ nhai nhai ngon lành.
Từ khi cho cái lồng nhỏ vô cái chuồng lớn, vinh hoa" nhà giàu" hơn, nhưng nó cứ không chịu ra. Nó đứng trong lồng, nó đeo bên thành ngoài của cái lồng nhưng nó không dám bay ra ngoài, không dám rời khỏi cái nhà riêng của nó
Hầu như, từ khi mất đi con mèo, nó không còn hứng thú gì mà bay nhảy chạy giỡn nữa.
Gần hai chục năm, nó chỉ đứng nhích nhích chân trên cành cây trong lồng của nó
Ôi con chim tội nghiệp của má tôi. Có phải nó không biết bay nữa rồi?
Nó đứng ngay cửa lồng nhìn ra ngoài, nói ra rả suốt ngày
Tôi cứ nghĩ, thế nào nó cũng bay ra. Vậy mà, cả tháng rồi, dụ khị bằng lời nói êm dịu ngọt ngào bằng thức ăn thức uống, nó khôn ngoan chỉ vói chân cầm lấy, đưa lên mỏ thè lưỡi ra nếm, thích thì ăn không thích thì liệng xuống. Thôi thì, đừng ép nó.
Em Thúy tôi đã đoán đúng. Chim và mèo có thể làm bạn và gắn bó với nhau.
Đời tôi đã nhìn thấy bao nhiêu người phản bội tình bạn. Otis chỉ là một con chim, tại sao nó cứ đứng tại cửa lồng nhỏ, nhìn ra ngoài và hỏi mỗi ngày:
-Con mèo đâu rồi con mèo đâu rồi. Meo meo o o o...

Tại sao, con mèo đã thành cát bụi mười mấy năm, ngay cả tấm hình cũng không có, mà sao con chim vẫn còn nhớ, còn chung thủy nhắc hoài?
Tôi nhìn con chim mà nhớ con mèo xót xa./.

Trương Ngọc Bảo Xuân


viethoaiphuong
#10 Posted : Monday, May 2, 2011 10:10:21 PM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Hôm thứ bảy mấy mẹ con tụ nhà chị tý Xưng ăn bún bò xào , cuốn mắn thái Châu đốc dí rau sống thịt ba rọi luộc
Rùi ra vườn thăm con két Otis của má
Má nói :

- Lại đây con, cúi đầu xuống , ngoại gãi đầu
Otis đu theo mắc lưới, xuống thiệt gần , cúi đầu xuống cho má gãi đầu , sướng chưa



Má cười đẹp quá chừng:
- Otis giỏi quá

Otis đang thay lông, mấy sợi lông tơ phất phớ, coi cô nàng 22 xuân xanh dễ thương ghê chưa
Chỉ có má mới dám vô trong lồng nhà giàu của Otis , ai cũng sợ hỏng dám vô, sợ Otis cắn



Ngọc Anh - Tý Mơ nhà T's, GiaLong - VietBao
posted hôm nay, 3.5.2011
Users browsing this topic
Guest (8)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.