Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Về Một Tiếng Chuông – Mai Kim Ngọc
xv05
#1 Posted : Monday, January 14, 2008 4:00:00 PM(UTC)
xv05

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,044
Points: 3,390
Woman
Location: Lục điạ hình trái táo

Thanks: 340 times
Was thanked: 45 time(s) in 44 post(s)
Về Một Tiếng Chuông – Mai Kim Ngọc


Tôi được nghe một tiếng chuông đẹp đã nửa thế kỷ, bây giờ vẫn chưa quên. Nó có một bối cảnh đặc biệt. Đó là một đêm về sáng. Trăng sắp lặn trên bến sông. Tiếng quạ thảng thốt kêu, đánh thức một du khách đang chập chờn giấc điệp trong con thuyền neo gần cầu. Rồi mọi vật yên tỉnh trở lại nhưng khách đã thức hẳn để đối diện với chứng mất ngủ bấy lâu đã thành mãn tính. Khách nhìn ra ngoài khoang chỉ thấy xa xa bên bờ phong mấy ngọn lửa chài leo lét buồn hiu trong sương…

Kỳ diệu thay, chính lúc ấy tiếng chuông chùa vẳng tới. Khách sững sờ như được nghe chuông lần đầu. Chuông ngân nga trong đêm xoa dịu tâm hồn làm mọi phiền não bổng tan biến. Dạt dào thi tứ, khách ngôì dậy lấy giấy bút chép lại baì thơ mà hơn 12 thế kỷ sau vẫn còn nguyên vẻ đẹp tinh khôi. Tiếng chuông ấy là tiếng chuông chùa Hàn San, du khách là Trương Kế, bài thơ tuyệt vời là “Phong Kiều Dạ Bạc.”

Lần nghe chuông ấy là một giờ Hán tự, khi giáo sư Hán học diễn giải Đường thi. Tuy không cần thiết với nhiều độc giả, tôi cũng xin chép lại bài thơ nguyên bản của Trương Kế (diễn âm Hán Việt), và bản dịch của Trần Trọng Kim như một khơỉ điểm cho câu chuyện.

Phong Kiều Dạ Bạc

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong như hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San Tự
Dạ bán chung thanh đaó khách thuyền


Bản dịch:

Đêm đậu thuyền ở bến Phong Kiều

Quạ kêu, trăng lặn, sương rơi
Lửa chaì, cây bãi, đối người nằm co
Con thuyền đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.


Tôi nhớ mãi bài thơ, có lẽ vì cảnh thơ giống một cảnh thật tôi được chứng kiến cũng khoảng thời gian trung học ấy. Đó là cảnh sông Huơng gần Kim Long khoảng quá cầu Bạch Hổ. Đêm ấy tôi thức giấc lúc gần sáng, không phải vì có tâm sự gì mà vì mới vào hướng đạo nên chưa quen cảnh ngủ lều. Cũng có bến nước, có tiếng quạ kêu đêm, có ánh trăng mờ trong sương, có lửa chài leo lét bên phía Nguyệt Biều đối diện và có mất ngủ. Và tôi đã được nghe tiếng chuông chùa Linh Mụ vào khoảng thời gian, không gian tịch mịch đó... Tôi đem cảnh theo vào lớp học và “Phong Kiều Dạ Bạc” tả dùm tôi cái đẹp, cái buồn, cái thanh thóat mà mình đã mục kích mà không tả lại được.



Về sau tôi đựoc đọc nhiều bản dịch khác của Phong Kiều Dạ Bạc (PKDB), bằng Việt ngữ, Anh ngự và Pháp ngữ. Tôi xin chép lại trong phần Phụ lục* để tiện bàn về bài thơ. Nói chung các bản dịch thường sai biệt rất nhiều so với nguyên tác. Hai bản Anh và Pháp ngữ đều lầm "Hàn San" là tên ngọn núi và ngôi chùa bị đặt lên ngọn núi lạnh lẽo ("montagne froide" trong bản Pháp ngữ), hay lên chính ngọn núi Hàn San ("Cold Mountain" trong bản Anh ngữ). Xem ra người dịch không biết Hàn San là tên chùa, lấy từ tên nhà sư Hàn San. Tất nhiên là họ cũng không biết sự việc phức tạp hơn, đó là Hàn San lại cũng không phải là tên thật của nhà sư. Trước khi đến chùa quy y, sư đã là đạo sĩ tu tiên trên đỉnh Hàn San của rặng Thái San.

Đáng lưu ý là mức độ sáng chế rất bạo của hai bản Anh và Pháp ngữ. Về cụm từ "ngư hỏa", khi các bản Việt ngữ còn rón rén giữa "lửa chài" "đèn chài", "trên thuyền" hay "trong thôn" thì dịch giả Tây phương không ngần ngại đưa vào thơ Trương Kế một ngư phủ bằng xương bằng thịt và cho y quơ bó đuốt dưới bóng hàng cây phong ("Under the shadows of maple-trees, a fisherman moves his torch," và "Sous les ombres des érable-arbres un pêcheur se deplace avec sa torche"). Nhân vật ngư phủ này không có lý do gì được cấp hộ khẩu trong bài thơ “PKDB”. Còn nữa, ngọn đuốc trong tay y là nguồn sáng mạnh nhất trong cảnh trăng lặn sương mờ, lại chiếu từ thấp lên cao, nên hàng phong sẽ không có bóng.

Tôi cũng được đọc lời bình giải của các bậc văn nhân Trung quốc về “PKDB” nhờ Nguyễn Quảng Tuân đã tóm lược lại. Những lời bình giải ấy nêu lên khá nhiều vấn đề, từ sơn danh, địa danh cùng địa hình địa vật của bài thơ... Phần lớn những địa danh ấy có lẽ là do các văn nhân đã không mục kích tận nơi cảnh chùa Hàn San và bến Phong Kiều. Cụm từ "ô đề" bị hiểu là sơn danh, và "nguyệt lạc, ô đề" thay vì là "trăng lặn, quạ kêu" lại có nghĩa là "trăng lặn trên núi Ô Đề". Cụm từ "sầu miên" bị hiểu là núi Sầu Miên và núi được đặt đối diện với chùa Hàn San.

Đến đây, cảnh Phong Kiều đã nhận được ba trái núi. Phong Kiều còn được thêm trái núi thứ tư là núi Cô Tô, nơi có Ngô Phù Sai xây đài vinh hiển nàng Tây Thi mấy thế kỷ trước Công nguyên. Ngoài núi lại còn thành lũy. Trong một bản dịch Việt ngữ, "lũy Cô Tô" xuất hiện, làm công sự phòng thủ thành Tô Châu cách đấy mấy chục cây số bay về đậu sát hàn San Tự.

Có lẽ phải khẳng định ngay đây, là cà thành lũy này và bốn ngọn núi kia đều là hoang tưởng. Với du lịch TQ trở nên dễ dàng, chúng ta chỉ cần đến Tô Châu đứng nhìn phong cảnh 360 độ quanh mình tại năm ba địa điểm khác nhau quanh cầu Phong Kiều và chùa Hàn San sẽ không thấy ngọn núi nào trong tầm mắt.

Về tương quan giữa Trương Kế và tiếng chuông, sự sai biệt cũng không nhỏ từ tác giả sang dịch giả, hay từ dịch giả này sang dịch giả khác. Trong nguyên bản, tiếng chuông làm chủ từ và chủ động "đến" thuyền khách. Ngược lại, trong nhiều bản dịch Việt ngữ, thì tiếng chuông được "nghe" và trở thành thụ động.

Rồi có người còn bất đồng với Trương Kế về chuyện quạ không kêu đêm và chuông không đánh ban đêm. Tôi nghĩ những thắc mắc này có thể bỏ qua vì bản thân đã được nghe quạ kêu đêm và chùa có thỉnh chuông khuya, nhất là khoảng 4 giờ sáng, lúc tăng ni bắt đầu tọa thiền hay tụng niệm.


Mặc dầu có những vấn đề trầm trọng từ phiên dịch đến chú giải như trên, bài thơ vẫn tới người đọc như một bài thơ hay. Người Tây phương đọc các bản dịch “PKDB” xem ra vẫn thú vị và người Hoa vẫn thấy nguyên bản như một báu vật của đất nước với mấy chục thế kỷ thi ca. Và chúng ta đọc các bản dịch tiếng Việt, thường vẫn xúc động vì cái buồn và cái đẹp của “PKDB”.

Hiện tượng đáng suy ngẫm, vì thường tình trong một bài thơ hay, mỗi từ, mỗi tứ đếu quan trọng, thay đổi một chữ có thể lảm phương hại đến toàn bộ. Làm sao giải thích hiện tượng “PKDB” vẫn hay dù bị bạc đãi thậm chí xâm phạm đủ điều bởi các dịch giả. Phải chăng giá trị của “PKDB” không dựa vào từ hay tứ đã bị tổn thương. Nó không dựa vào việc chùa có nằm trên núi hay không. Nó không lệ thuộc vào việc "như hỏa" là ngọn đèn le lói hay bó đuốc bập bùng, ánh lửa trên thuyền hay ngoài bến hay trong xóm chài. Núi Sầu Miên hay núi Ô đề có hay không cũng không làm bài thơ dở đi.Núi Cô Tô với Cô Tô đài của Tây Thi mười thế kỷ trước có bay về tọa lạc ngay bên chùa Hàn San, thì bài thơ vẫn giữ được gần như toàn bộ khả năng dựng lên cái đẹp và tạo ra xúc cảm.

Cốt lõi nào thoát khỏi sự tha hóa để giữ được vẻ đẹp của bài thơ được nguyên vẹn? Có hai điều đã được dịch giả và bình giả tôn trọng, là Trương Kế mất ngủ và gần sáng ông nghe được tiếng chuông chùa.

Tôi nghĩ cốt lõi này đã bảo tồn giá trị của bài thơ. Nên muốn lãnh hội hết cái hay của bài thơ, tôi nghĩ phải lãnh hội được nguyên do và mức độ trầm trọng của căn bệnh mất ngủ của Trương Kế. Cái tâm càng khốn khổ, trằn trọc, dầy vò bao nhiêu thì cái an lạc khi hồi phục được lại càng sảng khoái bấy nhiêu.

(còn tiếp)

xv05
#2 Posted : Tuesday, January 15, 2008 12:37:41 PM(UTC)
xv05

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,044
Points: 3,390
Woman
Location: Lục điạ hình trái táo

Thanks: 340 times
Was thanked: 45 time(s) in 44 post(s)
Về Một Tiếng Chuông – Mai Kim Ngọc

(tiếp theo)


Chuyến đi Giang Nam cuối xuân 2004, tôi có may mắn đi chung với Trần Chính. Anh am thông văn học TQ, trình bày chuyện gì cũng thứ tự mạch lạc. Riêng tại Tô Châu, tức là thành Cô Tô cũ của “PKDB”, T.Chính lại có thêm người phụ tá họ Từ. Người Hoa này văn hóa cao, vốn liếng Anh ngữ thâm hậu. Qua hai người, tôi được biết về tiểu sử Trương Kế nói chung và tâm sự nhà thơ khi ghé Tô Châu vào năm 776 nói riêng.

Trương Kế tài cao nhưng sinh chẳng phùng thời. Ông đậu tiến sĩ thời Đường Minh Hoàng. Ông chưa kịp hưởng bổng lộc gì thì loạn An Lộc Sơn bùng nổ. Vua và triều đình chạy về Tứ Xuyên, bản thân Trương Kế dạt về Giang Nam để một đêm định mệnh ghé thuyền lại bến Phong Kiều.
(...)

Một năm chạy loạn, vị quan nhỏ chưa có dịp tích lũy tài sản gì đáng kể thì đã thầy những tàn bạo chém giết, vất vả nhục nhã, đã nếm những bạc bẽo của nhân tình thế thái lúc đổi đời. Hiện tại đen tối, tương lai mù mịt, thế sự ngả nghiêng, bản thân bơ vơ làm chứng mất ngủ của Trương Kế khác cái mất ngủ thông thường.

Ngoài khoang vẫn là trăng lặn trong sương nhưng nỗi lòng thấm vào cảnh, và những đốm lửa chài lấp lánh dưới hàng phong xa không chỉ còn buồn hiu mà trở thành những con mắt mất ngủ đang trằn trọc trong thần thức khắc khoải của chính ông. Và ngày mai khi ông giương buồm lên dường, sự bất an này sẽ theo ông tới những bến nước mới để tạo ra những cơn mất ngủ mới...

Chính lúc đó tiếng chuông chùa Hàn San vẳng đến thuyền. Tiếng chuông bây giờ không chỉ là một âm thanh đẹp mà còn tuyệt vời và mầu nhiệm. Tôi không nghĩ nó đánh thức Trương Kế ra khỏi giấc ngủ thể xác như một chiếc đồng hồ báo thức. Thật ra, tiếng chuông đánh thức ông ra khỏi một cơn mê trừu tượng bấy lâu đã trói buộc ông vào sự thèm khát vật chất của triều đình. Cũng cơn mê này hiện tại đang trói buộc ông vào nỗi khốn khổ vì đã mất quyền lợi lẽ ra đã được hưởng nếu không có loạn ALS. Cơn mê tan theo tiếng chuông ngân trong đêm tĩnh mịch và cái tâm bất an của con người lưu lạc lắng xuống. Tiếng Chuông là sự giải thóat và ông nghe trong tâm hồn cái vui an bình của niềm an lạc mới...
(…)


Nhiều người đã thất vọng vì kích thước khiêm tốn của cảnh thật tại Phong Kiều. Hàn San Tự không là gì cả về mặt kiến trúc. Con kênh trước chùa nơi Trương Kế ghé thuyền cũng vậy. Một chi nhánh tầm thường trong mạng thủy lợi chằng chịt của Giang Nam, kênh rộng không qúa 6 hay 7 thước, khó tiếp nhận cảnh sông nước mênh mông ta có sẵn trong đầu.

Tôi không bận tâm về những điều ấy. Có thể thời Trương Kế con sông rộng hơn. Có thể đêm trong “PKDB” sương mù đầy trời làm cảnh nhỏ trông cũng bao la và ảo giác. Sau cùng và quan trọng hơn hết, đã đặt cốt lõi vẻ đẹp của bài thơ ở tiếng chuông và nỗi lòng thi nhân một đêm mất ngủ, thì Hàn San Tự có nhỏ, bến Phong Kiều có hẹp cũng không còn quan trọng nữa.

Trái lại, tôi nôn nóng muốn xem chiếc đại hồng chung của chùa. Tôi vẫn ao ước được thấy chuông, giờ lại càng nôn nóng hơn. Tôi thất vọng được biết chuông đã bị quân đôị Nhật thời chiến tranh Trung-Nhật lấy mang đi từ lâu, hiện giờ không biết ở đâu. Tôi không nghĩ chuông đã nấu chảy ra để đúc đạn, người Nhật dù sao cũng không phí phạm văn hóa như vậy. Giao thừa hàng năm, họ thường truyền thanh trên đài những hồi chuông đón năm mới của các đại hồng chung nổi danh trên xứ Phù Tang. Nghe chuông chuà cuối năm là một nghi lễ cũng như một thú vui vừa đẹp vừa trang trọng của Nhật. Nguời Nhật lại còn mê thơ và cái chuông lại còn liên hệ đến “PKDB” nên đã trở thành một bảo vật có một không hai.

Lần đánh Tô Châu trong vụ cướp chuông, quân đội Nhật hiền như bụt dù họ mới vừa tàn sát xấp xỉ 300,000 ngàn người ở Nam Kinh. Phải chăng vì trân trọng chiếc chuông mà họ tạm chuyển ác làm thiện trong cuộc hành quân. Yêu chuông như vậy, người Nhật chắc khó mà trả lại chuông, và đại hồng chung Hàn San Tự chắc không có ngày châu về hiệp phố.

(còn tiếp)

xv05
#3 Posted : Tuesday, January 15, 2008 12:42:05 PM(UTC)
xv05

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,044
Points: 3,390
Woman
Location: Lục điạ hình trái táo

Thanks: 340 times
Was thanked: 45 time(s) in 44 post(s)

(tiếp theo)


Sau cùng, một huyền thoại rất đẹp liên quan đến chuà Hàn San làm tôi lại mong chuông không bao giờ trở về Tô Châu. Phát biểu như vô lý này bắt nguồn từ sự tích sư ông Hàn San và chú tiểu Thập Đắc, và tình bằng hữu hiếm có của họ. Sự tích có nhiều dị bản, thanh có, tạp có. Tôi chọn dị bản đẹp vì không những nó tả lại tình bằng hữu hiếm có của hai người đàn ông mà còn liên hệ đến cái chuông bị mất.

Như đã nói, sư ông nguyên tu tiên trên núi Hàn San cuả dẫy Thái Sơn. Ông có vợ, thích uống rượu, làm thơ. Xem ra tu đaọ ít khắc khe hơn tu Phật. Thập Đắc là một đứa trẻ vô thừa nhận được ông đem về nuôi làm tiểu đồng. Nhiều năm trôi qua, Thập Đắc trưởng thành và trở thành bạn vong niên tâm đắc cuả Hàn San. Vì một sự hiểu lầm, Hàn San tưởng Thập Đắc gian díu với vợ mình. Ông rất đau khổ, không hẳn vì vợ mình không chung thủy hay hư hỏng mà vì mất người bạn tâm đắc, vì một sự cố eo sèo của nhân tình. Hàn San bỏ đi, lưu lạc đến xin quy y ở ngôi chùa bến Phong Kiều mà sau này mang tên ông. Thập Đắc xuống núi đi tìm, sau cùng tới được chùa. Hàn San mừng rỡ vì hiểu lầm đã được đả thông và ông tìm lại được bạn. Tuy nhiên ông quyết tâm ở lại chùa tu Phật và muốn Thập Đắc trở về núi sum họp với vợ cũ của ông. Ông đã nghi oan nàng nên không muốn nàng chịu them cảnh cô đơn hiu quạnh. Vả lại, không ai xứng đáng với người đàn bà đặc biệt ông đã chọn làm vợ bằng người bạn tâm đắc của ông. Thập Đắc không chịu nên ở lại chùa cùng tu Phật với Hàn San. Còn đậm ảnh hưởng của Lão Trang, hai người không buộc mình trong những tiểu tiết của lối tu thông thường. Thi ca cũng như lối sống hàng ngày của họ vẫn phóng khoáng và giữ nét tiên phong thoát tục. Họ được tạc tượng và khắc hình trên bia đá để thờ. Sư ông Hàn San bụng phệ, vú to, mặt tròn, phè phỡn ôm vai bá cổ Thập Đắc. Chú tiểu tay cầm chai rượu, hình tướng cũng bê không kém. Chân dung họ thật phù hợp với những lời đồn đại. Nó cũng phù hợp với những vị thiền định cao siêu, khi cái thanh và cái tục không còn đối đãi nhau.

Nếu chính bàn tay cuả Hàn San hay Thập Đắc đã thỉnh hồi chuông gieo duyên cho niềm an lạc của Trương Kế và gây cảm hứng cho bài thơ bất hủ, tôi cũng không ngạc nhiên. Trong cách nhìn của Thiền, hình tướng thô tạp của đôi bạn không đối kháng với cái thanh tao của “PKDB”. sắc bất dị không, không bất dị sắc. Như đã nói, ở trình độ siêu thoát của các vị cao tăng, xấu hay đẹp, thanh tao hay thô tạp chỉ là hai mặt của cùng một thực thể.

Nhưng sống nhiều thế kỷ trước Trương Kế, Hàn San và Thập Đắc không trực tiếp đánh tiếng chuông cảm hứng cho “PKDB” nhưng đôi bạn lại liên hệ mật thiết đến chiếc đại hồng chung của Hàn San Tự. Tục truyền rằng, thời họ tu tập tại chùa, một hôm có chiếc chuông lớn không biết từ đâu trôi ngửa về bến Phong Kiều. Chuông nặng người thường không ai lay nổi. Thập Đắc nhờ có phép tiên, đứng ra cáng đáng việc mang chuông vào chùa. Bất ngờ chuông lật sấp, úp lấy Thập Đắc rồi cỡi sóng trôi đi. Thập Đắc từ bên trong thỉnh chuông cầu cứu. Kỳ diệu thay, chiếc đại hồng chung của chùa Hàn San rung theo, cho đến khi cái chuông chụp Thập Đắc trôi đi mất. Sau cùng, chuông sang tới Nhật được thỉnh vào một ngôi chùa ở bên ấy. Thập Đắc biệt tâm, không biết thành tiên hay thành bồ tát. Tuy nhiên, hai chiếc chuông tuy cách xa một biển Đông vẫn thỉnh thoảng đối đáp nhau. Quả là đồng thanh tương ứng.

Người Nhật cướp chuông Hàn San mang về nước phải chăng vì muốn cặp chuông được đoàn tụ? Ngày xưa lính Nhật đã thiếu từ bi khi cướp chuông thì bây giờ nếu mang chuông trả lại, họ còn thiếu từ bi hơn vì chia rẽ cặp chuông mà tình bạn Hàn San - Thập Đắc đã thăng hoa để nhập vào. Đó là lý do khiến tôi không muốn chuông Hàn San trở về cố chủ.

Gần đây, nước Nhật đền cho Tô Châu một cái chuông khác, không biết hình dáng kích thước giống chuông cũ bao nhiêu. Tôi không muốn xem cái chuông giả nhưng vẫn thắc mắc không biết khi thỉnh lên nó sẽ kêu như thế nào.
(…)

… Tình cờ chiếc đại hồng chung mới bỗng đổ hồi, tiếng chuông khi nhanh, khi chậm, khi mạnh, khi yếu, không ra khuôn phép gì cả. Anh hướng dẫn địa phương giải thích là họ đang cho du khách lần luợt thỉnh chuông. Tôi cũng được cắt nghĩa là nhà chuà cộng tác với sở du lịch để thỏa mãn tối đa cho du khách.

Tôi thoáng nghĩ một tiếng chuông trong một thế kỷ xa xăm đã gây nguồn thi hứng cho Trương Kế để viết “PKDB”. Còn tiếng chuông huyên náo và vô kỷ luật giữa trưa nắng chang chang bây giờ tạo ra cảm hứng gì trong đám du khách kia? Họ có biết là họ đang gióng cái chuông giả không? Tôi thầm cám ớn Trần Chính và Từ tiên sinh đã chia sẻ với tôi kiến thức về ngôi chuà. Không có họ, chắc tôi đã thỉnh chuông với những tư duy thâm trầm hay lãng mạn vì đã tưởng chuông này, tiếng đồng này là nguồn thi hứng cuả Trương Kế ngày xưa.

Nhưng dù sao tôi sẽ không bao giờ được nghe tiếng mà Trương Kế nghe khi ông làm “PKDB”. Biết mình không phải là một Phật tử thuần thành, tôi sẽ không thể lấy lẽ vô thường để tự an ủi.

Nhưng một tia sáng lóe lên trong đầu tôi. Là tiếng chuông cũ không mất. Nó nằm nguyên vẹn trong bài tứ tuyệt của Trương Kế, để bao giờ con người còn yêu thơ thì tiếng chuông vẫn còn. (…) Tiếng chuông chuà dù ở đâu cũng vẫn còn nguyên vẹn khả năng cứu rỗi cho những tâm hồn thao thức vì đã sống qúa nhiều, đang muốn tìm về laị cõi an lạc ban đầu.

Mai Kim Ngọc

* Phụ lục

(…)

Bản dịch Anh ngữ:

A night-mooring near Maple Bridge
While I watch the moon go down, a crow caws through the frost
Under the shadows of maple-trees, a fisherman moves his torch
And I hear, from beyond Suzhou, from the temple on Cold Mountain
Ringing for me, here in my boat, the midnight bell.

(...)

Hết
xv05
#4 Posted : Wednesday, January 16, 2008 7:33:15 AM(UTC)
xv05

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,044
Points: 3,390
Woman
Location: Lục điạ hình trái táo

Thanks: 340 times
Was thanked: 45 time(s) in 44 post(s)

Các bản dịch Việt ngữ của "Phong Kiều Dạ Bạc"

http://www.phunuviet.org...PIC_ID=4563&whichpage=5
Users browsing this topic
Guest (2)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.