Rank: Advanced Member
Groups: Registered, Editors Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 5,044 Points: 3,390 Location: Lục điạ hình trái táo Thanks: 340 times Was thanked: 45 time(s) in 44 post(s)
|
Về Một Tiếng Chuông – Mai Kim Ngọc
Tôi được nghe một tiếng chuông đẹp đã nửa thế kỷ, bây giờ vẫn chưa quên. Nó có một bối cảnh đặc biệt. Đó là một đêm về sáng. Trăng sắp lặn trên bến sông. Tiếng quạ thảng thốt kêu, đánh thức một du khách đang chập chờn giấc điệp trong con thuyền neo gần cầu. Rồi mọi vật yên tỉnh trở lại nhưng khách đã thức hẳn để đối diện với chứng mất ngủ bấy lâu đã thành mãn tính. Khách nhìn ra ngoài khoang chỉ thấy xa xa bên bờ phong mấy ngọn lửa chài leo lét buồn hiu trong sương…
Kỳ diệu thay, chính lúc ấy tiếng chuông chùa vẳng tới. Khách sững sờ như được nghe chuông lần đầu. Chuông ngân nga trong đêm xoa dịu tâm hồn làm mọi phiền não bổng tan biến. Dạt dào thi tứ, khách ngôì dậy lấy giấy bút chép lại baì thơ mà hơn 12 thế kỷ sau vẫn còn nguyên vẻ đẹp tinh khôi. Tiếng chuông ấy là tiếng chuông chùa Hàn San, du khách là Trương Kế, bài thơ tuyệt vời là “Phong Kiều Dạ Bạc.”
Lần nghe chuông ấy là một giờ Hán tự, khi giáo sư Hán học diễn giải Đường thi. Tuy không cần thiết với nhiều độc giả, tôi cũng xin chép lại bài thơ nguyên bản của Trương Kế (diễn âm Hán Việt), và bản dịch của Trần Trọng Kim như một khơỉ điểm cho câu chuyện.
Phong Kiều Dạ Bạc
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên Giang phong như hỏa đối sầu miên Cô Tô thành ngoại Hàn San Tự Dạ bán chung thanh đaó khách thuyền
Bản dịch:
Đêm đậu thuyền ở bến Phong Kiều
Quạ kêu, trăng lặn, sương rơi Lửa chaì, cây bãi, đối người nằm co Con thuyền đậu bến Cô Tô Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.
Tôi nhớ mãi bài thơ, có lẽ vì cảnh thơ giống một cảnh thật tôi được chứng kiến cũng khoảng thời gian trung học ấy. Đó là cảnh sông Huơng gần Kim Long khoảng quá cầu Bạch Hổ. Đêm ấy tôi thức giấc lúc gần sáng, không phải vì có tâm sự gì mà vì mới vào hướng đạo nên chưa quen cảnh ngủ lều. Cũng có bến nước, có tiếng quạ kêu đêm, có ánh trăng mờ trong sương, có lửa chài leo lét bên phía Nguyệt Biều đối diện và có mất ngủ. Và tôi đã được nghe tiếng chuông chùa Linh Mụ vào khoảng thời gian, không gian tịch mịch đó... Tôi đem cảnh theo vào lớp học và “Phong Kiều Dạ Bạc” tả dùm tôi cái đẹp, cái buồn, cái thanh thóat mà mình đã mục kích mà không tả lại được.
Về sau tôi đựoc đọc nhiều bản dịch khác của Phong Kiều Dạ Bạc (PKDB), bằng Việt ngữ, Anh ngự và Pháp ngữ. Tôi xin chép lại trong phần Phụ lục* để tiện bàn về bài thơ. Nói chung các bản dịch thường sai biệt rất nhiều so với nguyên tác. Hai bản Anh và Pháp ngữ đều lầm "Hàn San" là tên ngọn núi và ngôi chùa bị đặt lên ngọn núi lạnh lẽo ("montagne froide" trong bản Pháp ngữ), hay lên chính ngọn núi Hàn San ("Cold Mountain" trong bản Anh ngữ). Xem ra người dịch không biết Hàn San là tên chùa, lấy từ tên nhà sư Hàn San. Tất nhiên là họ cũng không biết sự việc phức tạp hơn, đó là Hàn San lại cũng không phải là tên thật của nhà sư. Trước khi đến chùa quy y, sư đã là đạo sĩ tu tiên trên đỉnh Hàn San của rặng Thái San.
Đáng lưu ý là mức độ sáng chế rất bạo của hai bản Anh và Pháp ngữ. Về cụm từ "ngư hỏa", khi các bản Việt ngữ còn rón rén giữa "lửa chài" "đèn chài", "trên thuyền" hay "trong thôn" thì dịch giả Tây phương không ngần ngại đưa vào thơ Trương Kế một ngư phủ bằng xương bằng thịt và cho y quơ bó đuốt dưới bóng hàng cây phong ("Under the shadows of maple-trees, a fisherman moves his torch," và "Sous les ombres des érable-arbres un pêcheur se deplace avec sa torche"). Nhân vật ngư phủ này không có lý do gì được cấp hộ khẩu trong bài thơ “PKDB”. Còn nữa, ngọn đuốc trong tay y là nguồn sáng mạnh nhất trong cảnh trăng lặn sương mờ, lại chiếu từ thấp lên cao, nên hàng phong sẽ không có bóng.
Tôi cũng được đọc lời bình giải của các bậc văn nhân Trung quốc về “PKDB” nhờ Nguyễn Quảng Tuân đã tóm lược lại. Những lời bình giải ấy nêu lên khá nhiều vấn đề, từ sơn danh, địa danh cùng địa hình địa vật của bài thơ... Phần lớn những địa danh ấy có lẽ là do các văn nhân đã không mục kích tận nơi cảnh chùa Hàn San và bến Phong Kiều. Cụm từ "ô đề" bị hiểu là sơn danh, và "nguyệt lạc, ô đề" thay vì là "trăng lặn, quạ kêu" lại có nghĩa là "trăng lặn trên núi Ô Đề". Cụm từ "sầu miên" bị hiểu là núi Sầu Miên và núi được đặt đối diện với chùa Hàn San.
Đến đây, cảnh Phong Kiều đã nhận được ba trái núi. Phong Kiều còn được thêm trái núi thứ tư là núi Cô Tô, nơi có Ngô Phù Sai xây đài vinh hiển nàng Tây Thi mấy thế kỷ trước Công nguyên. Ngoài núi lại còn thành lũy. Trong một bản dịch Việt ngữ, "lũy Cô Tô" xuất hiện, làm công sự phòng thủ thành Tô Châu cách đấy mấy chục cây số bay về đậu sát hàn San Tự.
Có lẽ phải khẳng định ngay đây, là cà thành lũy này và bốn ngọn núi kia đều là hoang tưởng. Với du lịch TQ trở nên dễ dàng, chúng ta chỉ cần đến Tô Châu đứng nhìn phong cảnh 360 độ quanh mình tại năm ba địa điểm khác nhau quanh cầu Phong Kiều và chùa Hàn San sẽ không thấy ngọn núi nào trong tầm mắt.
Về tương quan giữa Trương Kế và tiếng chuông, sự sai biệt cũng không nhỏ từ tác giả sang dịch giả, hay từ dịch giả này sang dịch giả khác. Trong nguyên bản, tiếng chuông làm chủ từ và chủ động "đến" thuyền khách. Ngược lại, trong nhiều bản dịch Việt ngữ, thì tiếng chuông được "nghe" và trở thành thụ động.
Rồi có người còn bất đồng với Trương Kế về chuyện quạ không kêu đêm và chuông không đánh ban đêm. Tôi nghĩ những thắc mắc này có thể bỏ qua vì bản thân đã được nghe quạ kêu đêm và chùa có thỉnh chuông khuya, nhất là khoảng 4 giờ sáng, lúc tăng ni bắt đầu tọa thiền hay tụng niệm.
Mặc dầu có những vấn đề trầm trọng từ phiên dịch đến chú giải như trên, bài thơ vẫn tới người đọc như một bài thơ hay. Người Tây phương đọc các bản dịch “PKDB” xem ra vẫn thú vị và người Hoa vẫn thấy nguyên bản như một báu vật của đất nước với mấy chục thế kỷ thi ca. Và chúng ta đọc các bản dịch tiếng Việt, thường vẫn xúc động vì cái buồn và cái đẹp của “PKDB”.
Hiện tượng đáng suy ngẫm, vì thường tình trong một bài thơ hay, mỗi từ, mỗi tứ đếu quan trọng, thay đổi một chữ có thể lảm phương hại đến toàn bộ. Làm sao giải thích hiện tượng “PKDB” vẫn hay dù bị bạc đãi thậm chí xâm phạm đủ điều bởi các dịch giả. Phải chăng giá trị của “PKDB” không dựa vào từ hay tứ đã bị tổn thương. Nó không dựa vào việc chùa có nằm trên núi hay không. Nó không lệ thuộc vào việc "như hỏa" là ngọn đèn le lói hay bó đuốc bập bùng, ánh lửa trên thuyền hay ngoài bến hay trong xóm chài. Núi Sầu Miên hay núi Ô đề có hay không cũng không làm bài thơ dở đi.Núi Cô Tô với Cô Tô đài của Tây Thi mười thế kỷ trước có bay về tọa lạc ngay bên chùa Hàn San, thì bài thơ vẫn giữ được gần như toàn bộ khả năng dựng lên cái đẹp và tạo ra xúc cảm.
Cốt lõi nào thoát khỏi sự tha hóa để giữ được vẻ đẹp của bài thơ được nguyên vẹn? Có hai điều đã được dịch giả và bình giả tôn trọng, là Trương Kế mất ngủ và gần sáng ông nghe được tiếng chuông chùa.
Tôi nghĩ cốt lõi này đã bảo tồn giá trị của bài thơ. Nên muốn lãnh hội hết cái hay của bài thơ, tôi nghĩ phải lãnh hội được nguyên do và mức độ trầm trọng của căn bệnh mất ngủ của Trương Kế. Cái tâm càng khốn khổ, trằn trọc, dầy vò bao nhiêu thì cái an lạc khi hồi phục được lại càng sảng khoái bấy nhiêu.
(còn tiếp)
|