Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Ước nguyện của một người ÐTLA
tienmacdoa
#1 Posted : Friday, October 29, 2004 4:00:00 PM(UTC)
tienmacdoa

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 189
Points: 0

Tác giả Lữ Khách
Gởi: Tue Jul 06, 2004 12:37 pm
Tiêu đề: Ước nguyện của một người ÐTLA: Yêu Đời và Yêu Người!

nguồn: bài viết của Thy Vân from talawas.org


Tôi rất vui đến được với các bạn trong cuộc thảo luận Bàn tròn về đề tài Ðồng Tính Luyến Ái (ÐTLA) trong khuôn khổ của Talawas.

Chiều hôm kia, đang ngồi canh siêu thuốc bắc thì nhận được điện thư của anh Đỗ Quyên nhắc nhở tôi đóng góp bài khai mở cho thảo luận bàn tròn. Đã hứa thì làm thôi. Khốn nỗi, tôi đã cố gắng lắm, nhăn mày, bóp trán, giựt tóc, moi nặn óc mình mãi mà chỉ ra được vài đề tài rời rạc. Không dễ đâu nhỉ? Tôi cố theo đuổi chúng nhưng rồi lại thấy bí sau vài ba đoạn văn. Tạm gác chúng sang một bên, tôi gắng suy nghĩ thêm, cuối cùng từ trong trái tim tôi chỉ còn vỏn vẹn 2 chữ: Tình Yêu. Thế là thế nào? Làm gì được với hai chữ này?

Suy nghĩ hoài tôi đành phải dùng hai chữ này như là một móc nối để nói về cái tôi muốn nói đến.
Là một người ÐTLA nữ đã "ra mặt" 20 năm qua, mỗi ngày thức giấc tôi không còn tự hỏi "Hôm nay mình có là người ÐTLA không?" Tôi vốn đã là một người đa sầu đa cảm, viết nhiều về tình yêu, hát nhiều về tình yêu, sống cho tình yêu, đau khổ nhiều phen vì bị thất tình. Chẳng thế mà bạn bè đã từng đùa rằng phải đem xô ra hứng tình tôi mới hết. Tôi không còn những đam mê nông nổi lúc trẻ, nhưng tình yêu là cái gì rất gần và thuộc về bản chất của tôi, cũng như tôi là người ÐTLA vậy. Nó là bản chất tự nhiên như hơi thở, như trời mưa nắng, cho dù có sự cho phép của tôi hay không. Nó tiềm tàng trong tôi cho dù người khác có thương yêu tôi hay không. Cho dù tôi mạnh khỏe hoặc đau yếu, khi vui cũng như lúc buồn. Tình yêu mãi mãi đối với tôi là cái tất yếu trong tất cả những gì tôi phải đối đầu. Tôi nói thế không phải để bàn về tôi hoặc ca tụng về tình yêu, mà muốn là nhân danh tình yêu để khai mở những gút mắt khác. (Cộng thêm cái tật lòng vòng trong con người Việt của tôi).

Bố tôi có nói rằng đầu óc khi còn ngây thơ ví như một trang giấy trắng, mình vẽ gì thì vẽ, nhưng nhớ rằng nếu vẽ đẹp thì tốt, còn vẽ xấu để phải tẩy đi mà vẽ lại thì tuy đã tẩy kỹ, nét vẽ trước vẫn còn lại vệt lờ mờ, nên vẫn cho ta một ấn tượng nào đó không được đẹp. Tôi sực nhớ câu này, và vì không biết mình đang nói với ai, viết cho ai đọc những dòng chữ này, cho nên tôi xin khởi điểm như là từ một trang giấy trắng, trên đó tôi mong được phác hoạ vài điều tốt đẹp cho mọi người nhìn.

Điều tiên quyết là tôi mong bài này sẽ giúp "khai mở" một vài đề tài hay và hữu dụng cho một số các bạn. Vẫn biết rằng trên đời không phải cái gì cũng toàn màu hồng, nhưng nếu tôi có viết, tôi xin được viết chừng mực về thực tại, và được nhấn mạnh những điều vui tươi cùng những hy vọng, những cái hay đẹp trong cuộc đời. Tôi sẽ đề cập đến một vài điểm để ta cùng thảo luận, nhưng xin nhớ hộ tôi là một người chuộng hòa bình, không thích la hét ầm ĩ, chỉ thích thương yêu chứ không quen thù hằn ghét bỏ.

Sống ở Mỹ đã nhiều năm, tôi có dịp hấp thụ cái chủ nghiã cá nhân của người Mỹ, và sự khuyến khích người trẻ phát triển về mặt tự lập. Người trẻ ở đây có những sự tự tin rất cao, vì tiếng nói của họ, đúng hay sai, luôn được người khác phổ biến và nghe đến. Người Á Châu, hình như ngược lại, đặt vấn đề gia đình và hàng xóm láng giềng, nói chung là số đông, lên hàng đầu. Cá nhân chỉ là thiểu số, không cần được chú trọng đến nhiều. Vậy mà điều tôi nói sẽ có nhiều tính cách cá nhân hơn là tập thể. Và tôi biết những điều này chỉ là hạt cát trong bãi sa mạc của tất cả những nan đề đang xảy ra trên thế giới.

Tuy không quên đi học, nhưng tôi lại quên học những môn như triết lý, (chỉ biết đúng mỗi câu bất hủ của Descartes: Je pense, donc je suis = I think, therefore I am = Tôi suy nghĩ nên tôi hiện hữu). Cũng quên học môn xã hội học, chính trị, và kinh tế cho nên tôi chỉ nói lem nhem cho vui, chỉ đưa ra đươc một vài nhận xét rất thô sơ về xã hội Mỹ.

Tôi muốn đề cập đến những sự không bình đẳng trong xã hội tôi đang sống. Đây là sự thật cần phải đuợc chấp nhận. Và tôi muốn tranh đấu cho tình yêu của mình. Tôi muốn nhìn nhận rằng ở nước Mỹ đa số những người cầm quyền là đàn ông, Mỹ trắng, người Công giáo, và dị tính. Bạn thấy, chưa gì tôi đã bị ba cái kỳ thị buộc vào mình: Tôi là người đàn bà Á châu, và đồng tính. Không cần nghĩ cao về mình để thấy tự dưng khi không mình đã bị mất giá. Và khi mình chấp nhận đấy là xã hội Mỹ thì mới thấy đỡ bị áp huyết cao, rồi cải thiện nó và từ từ kiếm đuờng leo lên đỉnh của việc mình có thể làm. Chứ tôi không thể chơi trò châu chấu đá voi, không cáng đáng nổi. Tôi không học về xã hội học hoặc chính trị vì tôi không quen đối đáp, và nhất là biết mình không có tài hùng biện. Từ thuở đại học, tôi chỉ có thể học điều khiển những máy vi tính và thảo những chương trình; chúng là những vật vô tri không tình cảm, rất dễ đương đầu, và nhờ thế mới tạo cho con người tôi một thế quân bình, bớt suy nghĩ về thân phận mình. Tuy thế tôi vẫn còn nhiều cái suy nghĩ và nhận xét về mình, về người, về cuộc đời.

Tôi nhận thấy trong những cái tôi muốn đòi hỏi về quyền bình đẳng cho đàn bà chưa gì đã thấy không có bình đẳng trong ấy. Nói về đòi hỏi sự chấp nhận bình quyền này, đòi hỏi nơi ai nếu không phải là nơi số đông tập hợp lãnh đạo có quyền cho tôi sự bình đẳng ấỵ Số đông này lại chính là tập thể đàn ông-Mỹ-trắng tôi đã nêu trên, những nguời mà tôi cho là bất công đối với tôi và tôi muốn chống lại. Thế có mâu thuẫn không? Vậy thực trạng là đã không bình đẳng cho dù tôi muốn đòi hỏi bình quyền. Tôi đã nghĩ phải đi theo ngả khác: ngả công danh và theo đuổi sự nghiệp của mình. Nếu mình cho là mình hay, vậy thì hãy thử so tài trong môi trường mình có thể thi thố, rồi hãy tính sau. Trên phương diện nghề nghiệp, cho những ai có đầu óc, thời gian và sức kiên trì, bạn đều leo đuợc đến nấc thang cao không mấy khó khăn. Tôi đã may mắn leo đến bậc thang quản lý, và đã thấy nhiều người khác thành công hơn thế. Cơ hội ở Mỹ có rất nhiều nếu bạn chủ trương làm giàu. Nhưng rồi cuối cùng lại, sẽ đụng đến một vấn đề khác, ấy là "cái trần kính trong veo" (glass ceiling). Đây có nghĩa là những cái kỳ thị vô hình. Hầu hết những người da màu nào cũng đều đi đến sự chấp nhận sự kỳ thị vô hình này. Nhưng bạn đừng thối chí, rồi thời gian sẽ thay đổi nhiều thứ. Vả lại có công mài sắt có ngày nên kim bạn ạ. Vấn đề cái trần kính lại là một vấn đề hơi ngoài đề ở đây nên tôi không muốn đề cập đến nhiều, chỉ muốn nêu ra là ở đâu trước sau rồi cũng có bất công và bất bình đẳng.

Đòi hỏi bình quyền theo tôi thấy rất phức tạp. Phải cần hiểu rõ muốn đòi hỏi gì, có biện hộ cho điều đòi hỏi ấy được không? Rồi lại phải có tài ăn nói, có sự quen biết rộng - nhất là phía truyền thông báo chí, phải biết về luật pháp và biết nhiều về đường lối chính trị mới hòng đấu tranh. Nhưng trên hết, khi mình muốn đòi hỏi cái gì đó, thì ngược lại, người cung cấp cho mình điều mình muốn sẽ được gì? Có qua có lại mới toại lòng nhau mà, phải không? Đấy là tí thắc mắc tôi muốn nêu lên và mong chúng ta sẽ có dịp thảo luận qua…

Bây giờ nói về ÐTLA nói chung. Tôi đọc lại thấy là từ khoảng 300 năm trước Công Lịch, người Hy Lạp đã xem việc này rất bình thường, là cái tất có trong xã hội của họ. Tôi không rõ vì sao xã hội ngày càng tiến bộ văn minh mà lại đi ngăn chận sự phát triển của người ÐTLA đã xuất hiện từ ngàn năm trước? Có ngăn chận được không, hay chỉ là trong nhất thời ép họ vào tủ kín, họ sinh sôi nẩy nở trong tủ kín ấy, và khi không còn chỗ và có đúng thời điểm, họ lại bung ra quá nhiều đến nỗi đếm không xuể? Có thể nào sự ngăn chận ÐTLA này là do sự không thông cảm nên số đông luôn chống lại cái họ không biết, hoặc do áp lực kinh tế, hoặc vì những người cầm quyền đa số giới dị tính nêu trên?
Tại đây, tôi xin có một số câu hỏi cụ thể nữa cho các bạn trong và ngoài Bàn tròn. Mong được nghe những câu trả lời của các bạn. Khi một người bạn, người thân của các bạn là người ÐTLA "ra mặt" (come out) với các bạn thì các bạn sẽ nghĩ gì, tỏ thái độ gì, và sẽ cư xử với họ ra sao: xa lánh hoặc là muốn tìm hiểu thêm về người đó? Bạn nghĩ người ÐTLA ấy sẽ nghĩ sao khi thấy cách cư xử như vậy của bạn? Bạn có thay đổi quan điểm về người thân quen ÐTLA sau khi họ "ra mặt" với bạn không?

Cái gì sẽ làm cho cộng đồng ÐTLA đi đến đích hữu hiệu hơn? Ðấy là một câu hỏi khó khăn. Vẫn biết là thể chế ở Mỹ là dân chủ, nhưng tôi thắc mắc: Bao nhiêu phần trăm dân số làm chủ tình hình? Vậy là cuộc đấu tranh đòi bình quyền nên nhắm vào người dân ư? Hoặc luôn cả những dân biểu của mình? Tôi muốn biết cái mục tiêu mình nên nhắm vào là ở đâu? Tôi không muốn nỗ lực của mình bị tản loạn phung phí.

Cái mong muốn cụ thể của tôi là: hợp thức hóa hôn nhân của những người ÐTLA. Vì cùng với sự hợp thức hóa hôn nhân là một chuỗi những lợi ích về mặt tài chánh, kinh tế, bình quyền; chưa kể là về mặt tinh thần được thoải mái khi được xã hội công nhận hoàn toàn. Có thể vì ở Mỹ tiền bạc đi đôi (hoặc đồng nghĩa với quyền lực), cho nên người ÐTLA ở đây còn phải tranh đấu nhiều khi tập hợp lực lượng để đòi hỏi sự hợp thức hóa hôn nhân của mình. Nói rõ ra thì khi kinh tế của người ÐTLA càng mạnh, càng làm cho quyền lực của người ÐTLA tăng lên, cho nên đa số cũng như tập hợp cầm quyền dị tính không chịu được thế. Nhưng vấn đề là vì người ÐTLA bị ngăn chận nhiều ở những buớc tiến về mặt pháp lý, những cái có thể đem đến lợi ích căn bản cho giới ÐTLA, nên người ÐTLA như tôi còn cần rất nhiều nỗ lực và thời gian để bảo vệ cho những quyền bình đẳng của mình.

Tôi mong trong cuộc thảo luận Bàn tròn này sẽ có bạn bổ túc thêm những dẫn chứng mà tôi thiếu. (Tôi biết mình thiều nhiều lắm, phần nhiều chỉ nói theo uớc mong, hy vọng, cái cảm nhận và trí nhớ của mình). Con đường tôi đi qua đã có nhiều chông gai và khó khăn, nhưng khổ bao nhiêu tôi cũng chịu được. Tuy xã hội đã cởi mở khá nhiều, tôi chỉ mong mình không phải đợi đến khi lịch sử xét xử để có sự bào chữa (nghĩa là đến lúc đó mình đã… tịch!) Tôi muốn thấy được sự thể chế hoá của hôn nhân ÐTLA và thấy được sự hỗ trợ cụ thể của những người thông cảm tôi và biết xót thương khi nhìn thấy những cái bất công trong xã hội.

Sau cùng, xin chân thành cảm ơn Talawas đã cho tôi cơ hội để nói lên ước nguyện của một người ÐTLA (ở Mỹ). Mong rằng đã đem đến cho các bạn một vài cái nhìn tổng quát; Và, tôi sẽ cố trả lời những câu hỏi nào không quá riêng tư của các bạn về một người ÐTLA.

Mong các bạn vui khỏe để yêu đời và yêu người.
_________________
Nghiệp có, nghề không
Cuộc Lữ long đong
PC
#2 Posted : Saturday, October 30, 2004 4:36:41 AM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
PC Gởi: Wed Jul 07, 2004 9:34 pm

Lữ Khách viết:
Tôi muốn đề cập đến những sự không bình đẳng trong xã hội tôi đang sống. Đây là sự thật cần phải đuợc chấp nhận. Và tôi muốn tranh đấu cho tình yêu của mình. Tôi muốn nhìn nhận rằng ở nước Mỹ đa số những người cầm quyền là đàn ông, Mỹ trắng, người Công giáo, và dị tính..

Tôi nghĩ là Tin Lành thì đúng hơn là Công giáo. Hay ý tác giả muốn nói chung Thiên Chúa giáo?
Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.