Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Benazir Bhutto
PC
#1 Posted : Wednesday, December 26, 2007 4:00:00 PM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)

Bà Benazir Bhutto

Cuộc đời đầy sóng gió của bà Bhutto

28/12/2007


Vụ ám sát cựu Thủ Tướng Pakistan Benazir Bhutto xảy ra sau một cuộc tuần hành chính trị hôm thứ Năm đã kết thúc một cuộc đời có nhiều đặc quyền lồng trong bối cảnh một gia đình đã chịu đựng nhiều thảm họa. Từ văn phòng Nam Á của đài VOA ở New Dehli, thông tín viên Steve Herman điểm qua cuộc đời đặc biệt đáng chú ý của cựu Thủ Tướng Benazir Bhutto.


Đã hai lần ngồi trên chiếc ghế Thủ Tướng Pakistan, bà Benazir Bhutto nổi bật trong vai trò một nhân vật của công chúng, trên nhiều phương diện vì những thảm họa đã xảy đến cho gia đình Bhutto, và với vụ ám sát bà, bà Benazir Bhutto đã để lại một di sản có nhiều điểm tương tự như di sản của phụ thân.

Bà Bhutto là ái nữ của cựu Thủ Tướng Zulfikar Ali Bhutto. Thân mẫu bà thuộc gốc người Kurd và Iran. Cha của bà, Thủ Tướng Ali Bhutto, đã bị treo cổ sau khi bị truất phế trong một cuộc đảo chánh quân sự năm 1977 do Tướng Zia al-Huq thực hiện. Biến cố này đã chấm dứt một trong những chính quyền phi quân sự hiếm hoi tại Pakistan.

Ra đời năm 1953 tại tỉnh Sindh, bà Benazir Bhutto được hưởng một cuộc đời nhiều đặc quyền trong tư cách là ái nữ của một trong các dòng tộc giầu có và có thế lực chính trị nhất tại Pakistan. Bà Bhutto được đào tạo tại các trường đại học nổi tiếng thế giới như Radcliffe College thuộc Đại Học Harvard ở Hoa Kỳ và Trường Đại Học Oxford bên Anh.

Khi còn theo học Đại Học ở Hoa Kỳ, nơi cô sinh viên thường được bạn bè gọi là Pinkie, Benazir Bhutto đã tham gia phong trào chống đối Chiến Tranh Việt Nam. Các bạn đồng môn nói trong thời gian này, bà bắt đầu nổi tiếng là một người có tài ăn nói trước đám đông, và đã từng mạnh mẽ lên tiếng bênh vực phụ thân khi ông Ali Bhutto bị các giáo sư chỉ trích. Bạn bè bà Bhutto nói, trong khi cô sinh viên Hồi giáo trẻ tuổi thích mặc quần jean, bà Bhutto không có bạn trai và nhất quyết không hút thuốc, không uống rượu và không ăn thịt heo.

Sau khi tốt nghiệp từ trường đại học nổi tiếng của Hoa Kỳ, bài tham luận của bà Bhutto, về đề tài “Chủ Nghĩa Ly Khai Hồi Giáo và Nguồn Gốc nước Pakistan”, đã được đệ trình trên giấy viết mầu hồng.

Sau khi hoàn tất văn bằng Thạc Sĩ tại Hoa Kỳ năm 1977, bà Benazir Bhutto về nước và đứng ra lãnh đạo Đảng Nhân Dân Pakistan của phụ thân. Sau khi Thủ Tướng Ali Bhutto bị lật đổ, thoạt tiên bà Bhutto bị tống giam trong khi cha của bà chờ bị hành quyết.

Nói chuyện với đài VOA mới đây, bà Benazir Bhutto đã nhắc lại những lời nói của phụ thân bà vào lúc ấy. Bà kể rằng ông Ali Bhutto tin tưởng vào việc tranh thủ sự ủng hộ của cử tri qua các cuộc bầu cử, bất kể những rào cản đối với một cuộc bầu cử công bằng, theo ông thì dù như vậy cũng vẫn hơn là tẩy chay bầu cử. Bà Bhutto phát biểu về vấn đề này như sau:

"Khi cha tôi bị tống giam dưới chế độ quân sự độc tài trước đây, ông vẫn khuyên chính đảng của ông hãy tiếp tục tranh đấu, nhờ đó chúng tôi vẫn duy trì được guồng máy chính trị trong tình trạng hoạt động tốt, và chúng tôi có cơ hội gặp gỡ với công chúng, gặp gỡ giới cử tri để truyền đạt thông điệp của chúng tôi đến với họ. Thế cho nên, chúng tôi tin rằng có một tiến trình chính trị thì vẫn tốt hơn là cứ để ngỏ tất cả mọi sự."

Bà Benazir Bhutto bị biệt giam trong 5 năm trước khi bà tự ý đi sống lưu vong ở London, mãi cho tới khi được trả tự do hồi năm 1984.

Về nước 2 năm sau đó, bà Bhutto thề sẽ lật đổ người đã lên kế vị phụ thân bà, ra khỏi chiếc ghế Thủ Tướng của Pakistan.

Đầu đội khăn choàng, bà Bhutto đồng ý chấp nhận một cuộc hôn nhân được gia đình dàn xếp, và trích lời Kinh Koran, bà cho trình làng một hình ảnh mới trước công chúng.

Sự chuyển biến này đã mang lại cho bà một tính chính đáng rộng rãi hơn, và giúp đưa bà Bhutto vào chức vụ Thủ Tướng trong hai nhiệm kỳ, nhiệm kỳ thứ nhất trong những năm cuối của thập niên 1980, và nhiệm kỳ thứ nhì vào giữa thập niên 1990.


Thành tích này đã khiến bà Bhutto trở thành một trong các nhà lãnh đạo nữ hiếm hoi được bầu lên một cách dân chủ tại một quốc gia Hồi Giáo, đồng thời bà trở thành một trong các vị nguyên thủ quốc gia trẻ tuổi nhất, và có lẽ duy nhất đã sinh con trong thời gian còn tại chức. Bà Benazir Bhutto sau đó đã hạ sinh thêm hai đứa con nữa.

Bà Benazir Bhutto đã từng nói bà phải đối đầu với nhiều mối đe dọa, ngay từ lúc bắt đầu đi lên trong sự nghiệp chính trị, trong bối cảnh một số tín đồ Hồi Giáo thủ cựu kêu gọi nên giết bà Bhutto bởi vì bà đã chiếm chỗ của một người đàn ông.

Bà Benazir Bhutto bị buộc phải rời chức vụ Thủ Tướng trong cả hai nhiệm kỳ đã nắm giữ, giữa lúc có nhiều lời cáo buộc về tệ nạn tham nhũng được gán cho chồng bà, ông Asif Zardari, một nhân vật vốn gây nhiều tranh cãi. Những người chỉ trích mô tả ông Zardari là một doanh nhân tham lam, đã lạm dụng vị thế của vợ để bòn rút hàng tỉ đôla của ngân khố Pakistan. Mặc dù ông Asif Zardari sau cùng đã được tha trắng án về tất cả những cáo trạng vừa kể, ông đã bị bỏ tù trong nhiều năm.

Bà Benazir Bhutto đã trải qua phần lớn thời gian đi sống lưu vong lần thừ nhì tại Dubai và tại London, tuy nhiên, bà vẫn duy trì tư cách là một nhân vật nổi bật, và trong thời gian sống lưu vong, bà đã từng gặp gỡ quan chức chính phủ các nước trên khắp thế giới.

Không đầy 2 tháng rưỡi trước khi bị ám sát, bà Benazir Bhutto hồi hương sau khi Tổng Thống Pervez Musharraf ra lệnh ân xá cho bà khỏi bị gán ghép các cáo trạng tham nhũng. Vào lúc đó, bà Bhutto đã tỏ ra bất bình về cái hình ảnh của Pakistan như một nguồn của nạn khủng bố toàn cầu.

Bà Bhutto phát biểu về điểm này như sau: "Chúng tôi cảm thấy đau lòng khi có người nói những kẻ khủng bố, dù là những kẻ đã tấn công hệ thống xe điện ngầm ở London, hay nhóm đã lập kế hoạch cho các vụ khủng bố ở bên Đức, hoặc làm gì đó tại các nước khác.. đều xuất phát từ Pakistan,. Bởi đó không phải là hình ảnh trung thực của đất nước chúng tôi."

Hồi tháng 10 tại Karachi, đoàn công voa của bà Benazir Bhutto đã bị một kẻ tấn công tự sát tấn công, giết chết hơn 130 người, bà Bhutto thoát chết trong đường tơ kẽ tóc.

Quy lỗi cho các phần tử ủng hộ al-Qaida, bà Bhutto đã chỉ trích Tổng Thống Pervez Musharraf vì đã không ngăn chận hữu hiệu sự phát triển của chủ nghĩa cực đoan.

Bà Bhutto nói như sau: "Tiến trình chính trị của Pakistan đang bị công kích, các nhà lãnh đạo chính trị đang bị đánh bom, giới hoạt động chính trị tích cực cũng đang bị tấn công, đất nước chúng tôi đang lâm nguy. Đất nước này đang lâm nguy vì chủ nghĩa cực đoan đã phát triển dưới một chế độ độc tài."


Bà Bhutto từ lâu vẫn biết những nguy hiểm mà cá nhân bà phải đương đầu khi trở về nước để vận động tranh dành chiếc ghế Thủ Tướng trong thêm một nhiệm kỳ thứ 3. Bà đã kết thúc cuốn tự truyện với những dòng này: 'chấp nhận rủi ro nguy hiểm vì tất cả những đứa trẻ của Pakistan'.

Theo chương trình dự liệu, cựu Thủ Tướng Benazir Bhutto sẽ được đưa về nơi yên nghỉ cuối cùng tại tỉnh Sindh, nơi bà chào đời, và cũng là địa điểm mà phụ thân bà, cố Thủ Tướng Ali Bhutto, và hai người anh trai của bà, cũng qua đời trong những tình huống thảm khốc, được chôn cất.


http://www.voanews.com/v...ese/2007-12-28-voa2.cfm
PC
#2 Posted : Friday, January 4, 2008 3:12:06 AM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
Sự ra đi của Bà Bhutto để lại lổ hổng to lớn đối với phụ nữ Hồi Giáo thế giới?
Jan 03, 2008

Cali Today News - Chỉ nhìn vào những người có thể thay thế vị trí của bà trong đảng People’s Party, người ta cũng đủ thấy sự ra đi của bà là to lớn dường nào. Cả 4 người có thể thay thế được bà đều là đàn ông, bắt đầu là cậu con trai 19 tuổi và thứ nhì ngay lập tức là chồng bà.

Cách đây đúng 2 thập niên khi bà Bhutto lên nắm quyền thì nhiều người ở phương Tây đã xem bà là hình ảnh thần tượng của thế giới Hồi Giaó phụ nữ, vì thế cái chết của bà là một tổn thất quá lớn cho họ.

Phải nhìn về khu vực Nam Á mới thấy phụ nữ quan trọng ra sao. Bà Indira Ghandi của Ấn Độ, bà Sirimavo Bandaranaike và con gái, bà Chandrika Kumaratanga của Sri Lanka, Hasina và Khadela Zia của Bangladesh và Bhutto của Pakistan.

Bà Bhutto hai lần làm Thủ Tướng (1988-1990 và 1993-1996) lãnh tụ đảng People’s Party do cha bà là ông Zulfikar Ali Bhutto sáng lập. Ông bị xử tử năm 1979 tiếp theo sau một cuộc đảo chánh.

Zareen Almed, Chủ Tịch Hiệp hội British Muslim Forum, nói: “Bà Bhuto thời ấy là thần tượng của chúng tôi. Xúm xích xung quanh cái TV, chúng tôi nhìn bà và thấy hết sức tự hào. Bà là niềm hy vọng của chúng tôi.”

Khi làm Thủ Tướng Pakistan, bà Bhutto đã đặc biệt nâng nữ giới xứ naỳ lên một bậc khi bà ra lệnh nhiều vấn đề, nhiều học viện, nhiều nhiệm sở của chính phủ phải mở cửa ra cho nữ giới.

Nhưng thật ra bà không lo nhiều cho phụ nữ bằng chính quyền lực của đảng của bà. Pakistan không có dấu hiệu cách mạng gì cho nữ giới và giờ đây khi bà đã mất, người ta e ngại là tình trạng còn tệ hại hơn.

Bà Unaiza Malik, 64 tuổi, sinh quán ở Pakistan, giờ đây là thành viên của Muslim Women’s Society ở London, nói: “Thật ra phụ nữ không hưởng gì nhiều từ bà Bhutto, nhưng khi bà chết như thế này, bà sẽ là thần tượng của họ. Họ sẽ nhìn bà như thế hơn là những khuyết điểm của bà.”

Trần Vũ theo AP


Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.