Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Mộng Tuyền
Việt Dương Nhân
#1 Posted : Tuesday, October 23, 2007 4:00:00 PM(UTC)
Việt Dương Nhân

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,837
Points: 0

Mộng Tuyền ra CD ở quê nhà







Nghệ sĩ Mộng Tuyền, tên tuổi lớn của sân khấu cải lương và điện ảnh miền Nam, sẽ tái ngộ khán giả Việt Nam, sau 20 năm định cư tại Pháp, qua CD "Nhớ mãi mưa rừng" - tác phẩm đầu tiên thực hiện và phát hành trong nước của chị.

CD do công ty LQTT Product thực hiện, trung tâm băng đĩa nhạc Lạc Hồng phát hành cuối tháng 9. Trong album, nữ nghệ sĩ Mộng Tuyền gửi tới người hâm mộ các ca khúc tân cổ giao duyên làm nên tên tuổi của chị như: Mưa rừng của soạn giả Viễn Châu, Sầu lẻ bóng, Lan và Điệp (Hoa rơi cửa phật), Thầm kín, Kim Vân Kiều, Nghe vọng cổ nhớ quên hương, Sau cánh màn nhung ...

Mộng Tuyền, tên thật Kim Loan, sinh năm 1947 tại Cần Thơ. Từ năm 1963, cô gái của vùng sông nước này chính thức gia nhập đại ban nhạc Thanh Minh - Thanh Nga. Nhờ sắc đẹp hiếm có và tài ca diễn bẩm sinh, chị được giao vai quan trọng trong nhiều vở tuồng và từng nhận Huy chương vàng giải Thanh Tâm cùng Bạch Tuyết, Tấn Tài, Diệp Lang...

Mộng Tuyền còn là một ngôi sao điện ảnh đầu thập niên 1970. Chị từng tham gia bộ phim Ôi, quê hương tôi, do Đài Loan và Hàn Quốc sản xuất, cùng với tài tử Hàn Quốc là Kim Bak. Sau ngày nữ nghệ sỹ Thanh Nga mất, Mộng Tuyền lại vụt sáng khi thay thế hầu như tất cả các vai của kỳ nữ này trên Sân khấu đoàn Thanh Nga. Với vai Vân trong vở Bóng tối và ánh sáng (một vai diễn thành công của cố nghệ sĩ Thanh Nga), chị đoạt HC vàng Hội diễn sân khấu toàn quốc tại Hải Phòng.

Trong gần 20 năm định cư ở Pháp, Mộng Tuyền nhiều lần về thăm quê, nhưng gần đây, chị mới thật sự "tái xuất" trong các chương trình liveshow của nghệ sĩ Lệ Thủy, Thanh Sang. Chị cũng vừa trở lại với điện ảnh qua vai bà Hạnh trong phim Tôi là ngôi sao của đạo diễn Hồng Ngân. Dự kiến tháng 12 năm nay, một liveshow dành riêng cho Mộng Tuyền sẽ được thực hiện.

Đạo diễn Lê Quang Thanh Tâm, người thực hiện CD đầu tiên của Mộng Tuyền tại Việt Nam cho biết, sau các DVD phim tư liệu cuộc đời, sự nghiệp cố nghệ sĩ Thanh Nga và CD nghệ sĩ Mộng Tuyền, anh đang thực hiện DVD về người đẹp Thẩm Thúy Hằng và tiếp tục chặng đường thu thập tư liệu thực hiện CD tôn vinh những giọng hát cải lương vang bóng một thời như Phi Anh, Diệu Hiền, Kim Hương ...

ST
PC
#2 Posted : Wednesday, October 24, 2007 3:01:57 PM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
Mộng Tuyền có một giai thọai về vụ đổi tên. Trước kia chị lấy tên là Kim Loan (nay đọc đây mới biết đó là tên thật của chị). Sau khi ca sĩ tân nhạc Kim Loan nổi lên thì chị bèn đổi lấy tên Mộng Tuyền. Lúc đó PC nghĩ thấy coi bộ chị .....yếu bóng vía, vì Kim Loan ra sân khấu sau chị, hà cớ gì chị lại phải đổi tên?

Trước kia ít ai lấy tên trùng với những người nổi tiếng, nhưng sau này thấy nhiều ca sĩ lấy tên trùng với các ca sĩ trước 75 hơi nhiều, nào là Lệ Thu, Thanh Thúy .....Shocked



Việt Dương Nhân
#3 Posted : Thursday, October 25, 2007 10:02:58 PM(UTC)
Việt Dương Nhân

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,837
Points: 0

Bởi vậy, có lần khán giả tưởng chị Lệ Thu (lớn) qua hát Paris - Ai dè chừng xem bích chương thật ngỡ ngàng là "Lệ Thu nhỏ" hay "Lệ Thu VC"ShockedSmile. Vì cô ra khỏi nước sau khi mất SG gần 20 năm. Nay cô đã được ở lại nước Pháp luôn rồi. VC hay QG gì bây giờ chỉ có trời biết thôi. Nghị Quyết 36 của CSVN có trăm mưu ngàn kế để "trá hình"...
@ Kim Loan Cải Lương đổi tên Mộng Tuyền, không phải sợ tên Kim Loan tân nhạc nổi hơn - Mà là chuyện khác... (xin miễn bàn) Rose.
PC
#4 Posted : Friday, October 26, 2007 5:27:41 PM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
quote:
Gởi bởi Việt Dương Nhân
@ Kim Loan Cải Lương đổi tên Mộng Tuyền, không phải sợ tên Kim Loan tân nhạc nổi hơn - Mà là chuyện khác... (xin miễn bàn) Rose.



Em không nói là Mộng Tuyền sợ tên Kim Loan tân nhạc nổi hơn. Em chỉ nói là MT đổi tên vì bên tân nhạc có ca sĩ Kim Loan lấy tên trùng.

Sau khi ca sĩ tân nhạc Kim Loan nổi lên thì chị bèn đổi lấy tên Mộng Tuyền

Chính em đã đọc hoặc coi phỏng vấn Mộng Tuyền hồi trước 75, sau khi MT đổi tên, chớ không phải em nghĩ ra . Nếu chị ở bên Pháp và có dịp biết là lý do khác thì là có sự khác nhau giữa hai nguồn tin.
Việt Dương Nhân
#5 Posted : Friday, October 26, 2007 10:08:06 PM(UTC)
Việt Dương Nhân

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,837
Points: 0

7 thì nghe tin (chuyền miệng) trước 75.
Rose
xv05
#6 Posted : Thursday, September 10, 2009 9:24:20 AM(UTC)
xv05

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,044
Points: 3,390
Woman
Location: Lục điạ hình trái táo

Thanks: 340 times
Was thanked: 45 time(s) in 44 post(s)
“HOA KHÔI CẢI LƯƠNG” MỘNG TUYỀN
Lê Quang Thanh Tâm

Mộng Tuyền là một nữ nghệ sĩ tài sắc vẹn toàn với vẽ đẹp thanh khiết, tự nhiên và phong cách dịu hiền của người phụ nữ sông nước miền Tây Nam Bộ, Mộng Tuyền chẳng những chinh phục được sự ái mộ nồng nhiệt của khán giả bốn phương, cô còn được sự thương yêu chân tình của các thế hệ nghệ sĩ đàn em khi có dịp được cộng tác cùng cô trên các sân khấu.

Khi đã bước qua tuổi 60, Mộng Tuyền vẫn còn rất đẹp, nụ cười vẫn tươi mát và thu hút như ngày còn son trẻ. Mộng Tuyền sống một mình, chưa một lần làm Mẹ trong đời. Trong gần 20 năm qua, đã hơn 30 lần cô trở về thăm quê, gia đình, nhưng âm thầm, lặng lẽ, đi và về như một người bình thường. Mộng Tuyền vẫn giữ được vẻ đẹp ngày xưa….

Mộng Tuyền khởi nghiệp cải lương bằng tên thật là Kim Loan. Trong lĩnh vực cải lương, cô là một “Hoa khôi”. Mộng Tuyền có một nhan sắc tươi trẻ, “đập” ngay vào mắt người đối diện. Khán giả ấn tượng nhất ở Mộng Tuyền là nụ cười rạng rỡ và khả ái…Mỗi lần Mộng Tuyền cười luôn để lộ ra hai bên má lúm đồng tiền rất xinh tươi.Cô từng là một đào hát hội đủ những tiêu chuẩn lý tưởng của nghệ thuật là: Thanh và sắc…

Mộng Tuyền sinh năm 1947 tại Cần Thơ. Năm mười tuổi, Mộng Tuyền theo gia đình lên Sài Gòn và học tại trường dòng Bà Phước thuộc khu vực Cầu Ông Lãnh. Gia đình nghèo, Mộng Tuyền phụ giúp kinh tế gia đình bằng chất giọng thiên phú của mình nên cùng cha theo những đoàn hát nhỏ rong ruổi tìm vận may trên bước đường nghệ thuật. Năm cô 13 tuổi, Mộng Tuyền cùng gia đình về lại Cần Thơ theo học cổ nhạc được hơn một năm với sự chỉ bảo và dạy dỗ của thầy Ba Cứ. Sau đó dưới sự hướng dẫn của thân phụ là ông Huỳnh Hương Vị, Cô tham gia Ban Cổ nhạc Kim Loan, thường trình diễn giúp Ty Thông tin Cần Thơ và Hội Khuyến học ở tỉnh nhà.

Mộng Tuyền lên Sài Gòn để theo đoàn Thủ Đô trong ba tháng tập luyện ca diễn cải lương. Năm 1961, Mộng Tuyền chính thức bước chân vào nghề hát và đầu quân cho đoàn Hoa Sen của ông bầu Bẩy Cao. Khi ấy Mộng Tuyền còn nghệ danh là Kim Loan đã nắm bắt được cơ hội với vai Huyền trong vở “Nhà chợ một đêm mưa”- vai diễn này đã đưa cô gái xinh đẹp với cái tên Kim Loan bước ra ánh sáng sân khấu.Năm 1962, Mộng Tuyền đầu quân cho đoàn Phương Nam trong 4 tháng. Ở sân khấu này Mộng Tuyền đã thủ vai Xuân Hoa trong tuồng “Đông về lạng xác hoa” và vai Phương Loan trong vở “Nửa kiếp oan thù”.

Từ năm 1963, Mộng Tuyền chính thức gia nhập đại ban Thanh Minh - Thanh Nga của bà bầu Thơ. Nhờ tài nghệ đã tiến triển cả về ca lẫn diễn, Mộng Tuyền thường được giao những vai quan trọng trong các vở tuồng trên sân khấu này như vai sơn nữ Mộng Tuyền (vở Mùa xuân còn mãi), Công chúa Ái Liễu Thi (vở Phương Dung hoàng hậu), Tống Vân Trang (vở Bao Công xử án Trần Thế Mỹ của soạn giả Nhị Kiều và nhóm Bông Lau)…Chính nhờ khả năng trình diễn xuất sắc khi thủ vai vũ nữ Thu Lan trong vở “Phu tử tòng tử”, Mộng Tuyền(Kim Loan) đã được trao tặng Huy chương vàng giải Thanh Tâm năm 1963, cùng năm với Bạch Tuyết, Trương Ánh Loan, Tấn Tài, Thanh Tú, Diệp Lang.

Sau hơn 2 năm ở sân khấu Thanh Minh – Thanh Nga, từ năm 1965, Mộng Tuyền gia nhập công ty Tiếng chuông vàng Thủ Đô- Kim Chung 1. Vừa về công ty Kim Chung, Mộng Tuyền đã tạo được ấn tượng qua vai Tô Ánh Tuyết trong vở “Mạnh Lệ Quân” của soạn giả Ngọc Văn, sau đó là Bạch Phù Dung trong “Thượng phương bảo kiếm”… Năm 1967-1968, Mộng Tuyền có một vai diễn đã tạo tiếng vang cho cô trên sân khấu Thanh Minh- Thanh Nga khi trở về cộng tác lại, đó là vai Nhã trong “Chuyện Tình-Chuyện Tiền”(tức “Bọt Biển 3” của soạn giả Nguyễn Phương).

Khả năng ca diễn của Mộng Tuyền thật đa dạng, cô có thể đảm nhận được nhiều loại vai từ đào mùi, đào lẳng cho đến đào độc. Với làn hơi ca truyền cảm nên Mộng Tuyền hát được những bài bản cổ nhạc lẫn tân nhạc. Thường thường khi nhận thủ một vai nào, Mộng Tuyền luôn luôn gắng tìm hiểu tâm lý vai trò và cố gắng đảm nhận vai đó một cách hoàn hảo. Về diễn, cô diễn rất hết mình nên hể khóc là nước mắt nước mũi chảy “tùm lum” khó điều khiển cho cầm lại…

Trong giai đoạn ở đoàn Thanh Minh - Thanh Nga. Mộng Tuyền từng cùng Thẩm Thúy Hằng chia nhau vai diễn vũ nữ Cẩm Lệ trong tuồng “Bóng chim tăm cá ” cùng Thành Được, Thanh Tú, Ngọc Nuôi…

Khán giả mê cải lương cũng từng xem Thanh Nga và Mộng Tuyền cùng nhau thể hiện vai diễn Dương Quý Phi trong vở tuồng An Lộc Sơn, vai cô con gái trong vở Mẹ- Kỳ quan vũ trụ trên sân khấu đoàn Tiếng hát dân tộc năm 1974…

Thời gian cộng tác với đoàn Thanh Minh - Thanh Nga là giai đoạn dài nhất trong cuộc đời diễn viên cải lương của Mộng Tuyền. Sau khi hết giao kèo hợp tác với bà bầu Thơ, Mộng Tuyền không ký bất kỳ giao kèo nào nữa với các đoàn hát trong một thời gian dài nhưng cô lại rực sáng trong lĩnh vực đĩa nhựa. Với bản tân cổ giao duyên “Thầm kín”, cô đã ghi kỷ lục về doanh số bán ra thời bấy giờ, sau thành công này, Mộng Tuyền đã trở thành “Nữ hoàng trẻ” của làng đĩa nhựa. Giai đoạn 1967-1968, Mộng Tuyền là giọng ca tân cổ giao duyên ăn khách nhất.

Tham gia điện ảnh qua các vai thành công trước năm 1975 như 11h30(năm 1967), Loan trong phim Chân trời tím (năm 1970), cùng La Thoại Tân, Huy Cường, Thanh Lan xuất hiện trong Gánh hàng hoa (vai Lựu năm 1970), diễn cặp với Thanh Tú trong Phận má hồng(năm 1972), ngoài ra cô còn xuất hiện trong các bộ phim khác như: Còn gì cho nhau, Bẫy ngầm, Thương Muộn, Bốn Thủy Thủ Sợ Ma, Thân gái dặm trường…Thành công trong điện ảnh đã giúp Mộng Tuyền trở thành một ngôi sao điện ảnh ở giai đoạn đầu thập niên 1970. Những ngày cuối năm 1974, Mộng Tuyền được Thẩm Thúy Hằng - giám đốc hãng Vilifilms mời sang Thái Lan đó trongng bộ phim Em về giữa hoàng hôn do Lưu Bạch Đàn đạo diễn.

Mộng Tuyền còn tham gia bộ phim Ôi, Quê Hương Tôi do Đài Loan và Hàn Quốc sản xuất, diễn cùng với tài tử Hàn Quốc Kim Bak và diễn viên Huy Cường.

Chính đạo diễn Lê Hoàng Hoa còn nhận xét: “Vẻ đẹp trong sáng của Mộng Tuyền chính là một làn gió mới tươi mát, là con suối nhỏ nên thơ cho màn ảnh Sài Gòn”.

Trên Truyền hình, Mộng Tuyền cũng thành công trong rất nhiều vai diễn khác như vai Thúy Kiều trong “Trăng Thề Vườn Thúy”, Klai trong “Mưa Rừng”…Những năm 1974- đầu năm 1975, Mộng Tuyền sáng chói trên màn ảnh nhỏ Truyền Hình qua các vở cải lương khác như: Đường Gươm Nguyên Bá, Hồi Trống Vân Lâu, Kiều Phong A Tỷ, Người Trên sông Cẩm, Bụi Đời, Mưa Rừng….
Khán giả màn ảnh trước năm 1975 còn có dịp yêu thích Mộng Tuyền trong các vở kịch trên Truyền Hình của ban kịch Mộng Tuyền như vở: Phi Vụ Cuối Cùng.

Giai đoạn 1975-1985 Cô vẫn là một gương mặt sáng của nền điện ảnh trong nước. Mộng Tuyền tham gia đóng phim truyền hình “Cô Nhíp”(năm 1976) của cố đạo diễn Khương Mễ, trong vai bà vợ của đại tá Hoàng (Lý Huỳnh đóng vai đại tá Hoàng), sau đó cô tham gia vai Kỷ sư Tuyết Anh trong “Trang Giấy Mới”(năm 1979) của đạo diễn Lê Dân. Mộng Tuyền qua vai Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng trong bộ phim “Tình Yêu Của Em”(năm 1982)của đạo diễn Lê Mộng Hoàng, một trong những bộ phim mầu đầu tiên của điện ảnh lúc bấy giờ, là một trong những dấu son tô điểm cho tài năng diễn xuất ở lỉnh vực điện ảnh của Mộng Tuyền khi cô được trao tặng giải nữ diễn viên xuất sắc nhất của Liên hoan phim Việt Nam..

Sau ngày nữ nghệ sỹ Thanh Nga mất, Mộng Tuyền lại vụt sáng khi thay thế hầu như tất cả các vai Thanh Nga đã diễn trên Sân khấu đoàn Thanh Nga. Mộng Tuyền từng là một trong những gương mặt thủ diễn thành công vai Thái Hậu Dương Vân Nga, rồi Tấm Lòng Của Biển, Truyền Thuyết Về Tình Yêu, Thọai Khanh Châu Tuấn…. Về đoàn Trần Hữu Trang, Mộng Tuyền hóa thân làm nàng Kiều Nguyệt Nga cũng rất ấn tượng. Trên sân khấu Minh Tơ, cô diễn vai Thái Hậu- Mẹ của Thái tử Long Xưỡng trong vở “Tô Hiến Thành Xử Án” cũng rất thành công…Và với vai Vân trong vở Bóng tối và ánh sáng (một vai diễn thành công của cố nghệ sĩ Thanh Nga), Mộng Tuyền đã đoạt HCV Hội diễn sân khấu toàn quốc tại Hải Phòng.

Khoảng thời gian những năm cuối thập niên 1980, Mộng Tuyền cùng bé Phi Khanh xuất hiện trên đài truyền hình rất thường xuyên trong các bài hát tân cổ.

Tháng 9/1988 Mộng Tuyền định cư ở Pháp. Trong hoàn cảnh sống mới mẻ, cô ít có dịp tham gia sân khấu và điện ảnh. Tại xứ lạ quê người thời gian đầu Mộng Tuyền có tham gia ca hát. Mộng Tuyền kinh doanh và làm chủ một nhà hàng, một cửa hiệu bán đồ mỹ nghệ…thỉnh thoảng xuất hiện trong các buổi họp mặt văn nghệ với các văn sĩ, ký giả. … Cô từng xuất hiện trên Thúy Nga Paris trình bày nhạc phẩm Sầu lẻ bóng, cùng với một số nghệ sỹ tại Hải ngoại tái diễn những vở cải lương, như tại Thụy Điễn cùng với Bạch Lê, Hà Mỹ Xuân, Hữu Phước, Kim Chi, Phương Thanh diễn vở “Hàn Mạc Tử”, rồi “Cô gái đồ long”, “Tiếu ngạo giang hồ”, “Người đẹp Bạch Hoa Thôn”, “Mái tóc Dạ Hương Huyền”, “Chiêu Quân Cống Hồ”…quay lại video vở “Mưa Rừng” cho Thúy Nga….


Chuyện tình cảm:

Về chuyện tình cảm, Mộng Tuyền cũng nhiều phen lận đận và đoạn trường. Vì trời cho một sắc đẹp lộng lẫy và khả năng diễn xuất rất đa dạng, Mộng Tuyền là thần tượng của rất nhiều khán giả. Trong số những khán giả hâm mộ chị không thiếu những vương tôn công tử, giàu có khét tiếng bấy giờ nhưng thân phụ chị canh chừng con gái rất dữ, thành ra tất cả các cây si đều bị “bứng gốc tuốt luốt”. Chồng của Mộng Tuyền là một sĩ quan , yêu nhau trong tình yêu nhiều sóng gió là “tiêu đề” trên báo chí tại Sài Gòn thời bấy giờ

Hãy nghe nữ nghệ sỹ Mộng Tuyền tâm sự:

“Năm Mậu Thân 1968, thiết quân luật, 6 giờ chiều đã đóng cửa không cho ra đường, Mộng Tuyền không đi hát được đành phải lấy chồng để có tiền nuôi đại gia đình mấy chục con người. Nghệ sĩ hồi đó không khôn lanh như bây giờ, làm hôm nay, tiêu hết hôm nay, nghỉ hát bữa nào đứt tiền bữa đó, dù cát-xê đóng phim và đi hát được rất nhiều tiền.

Chồng của Tuyền là một quan chức, trước khi cưới, ông ta đã cho Mộng Tuyền một cặp táp Samsonite tiền, tới 10 triệu đồng. Vàng hồi đó có 3.000 đồng một lượng, nói vậy mới hình dung 10 triệu đồng lớn tới cỡ nào.Tuyền để tất cả tiền bạc lại cho cha, mẹ, kéo theo cả đàn em qua sống nhà chồng. Tuyền và ông lấy nhau trong tình nghĩa vợ chồng nhiều sóng gió…Tuyền không có tình yêu nhưng có lòng biết ơn. Ông đối xử với gia đình vợ rất trọn đạo. Trong đời sống riêng, Tuyền ít quan tâm đến tình cảm có lẽ vì vậy mà Tuyền rất thanh thản. Tuyền lấy chồng khi chưa có mối tình đầu nào vươn vấn trong Tim . Tuổi trẻ vẫn còn bồng bột và nông nổi…Tuyền chia tay với chồng cũng là do định mệnh đưa đẩy, có lẽ là do ý trời. Nhưng thật tâm trong lòng, Tuyền cũng như bao người phụ nữ khác rất quý trọng hai chữ hạnh phúc và gia đình…

Cũng có lúc Tuyền cảm thấy chạnh lòng vì không có con, nhưng rồi Tuyền cũng an ủi xem như đó là định mệnh. Bởi Mộng Tuyền suy nghĩ có con như “gà ấp trứng”.Cái khó không phải là cảnh vượt bể muôn trùng mà chính là nuôi dạy con thế nào cho tốt.Nếu như con cái trở thành hữu dụng trong xã hội thì đó là một điều hạnh phúc nhưng nếu như nó trở thành một kẻ xấu thì đó là một bất hạnh lớn…Giáo dục mới khó. Không có thời gian lo cho con cái hay không làm tròn bổn phận làm Mẹ thì không nên…”


“Ba tôi” là người cha tuyệt vời"

Nhìn lại những bước tiến thành công của nữ nghệ sỹ Mộng Tuyền, bóng dáng và công lao của Ba rất lớn :

Ba của Tuyền chính là điểm tựa lớn trong cuộc sống và trong nghệ thuật.Chính nhờ Ba mà Tuyền đã theo đuổi và thành danh với nghề. Ba rất thương và bảo vệ Tuyền rất kỹ .Từ ngày Tuyền theo nghề đến giờ, cái dỡ nhất của Tuyền là vấn đề cátxê, Tuyền không khéo ăn nói và rất ngại việc này, chính Ba là người lo lắng và đỡ đần cho Tuyền.Những năm theo đoàn Thanh Minh hoặc đoàn Kim Chung đi lưu diễn, thời đó các gánh diễn nơi thôn quê hẽo lánh không có khách sạn hay nhà trọ thì thường giăng mùng ngũ ở dưới sạp sân khấu.Ba Tuyền thường giăng võng nằm “canh” cho Tuyền ngũ cả đêm, ông lo lắng cho sức khoẻ của Tuyền….Việc lo lắng cho con của ông đến nổi bị giới nghệ sĩ tạo nên những giai thoại xung quanh như giai thoại “ông già đa”….Nhưng đối với Tuyền, đó là một hạnh phúc lớn…Lúc đó Tuyền rất “con nít”, chẳng hề biết gì ngoài ca hát, kể cả chuyện yêu đương…Tuyền nhớ có những lần các anh tỏ tình cũng đi “méc” với Ba, Tuyền nhớ nhất là lần anh Hà Triều gởi thư tình cho Tuyền, Tuyền cũng không dám đọc, đem đến đưa cho Ba xem….(cười).Thời trước năm 1975, Xã hội chiến tranh các gia đình nào có con lấy tá, tướng là rất “ngon lành”, Tuyền cũng không mấy quan tâm mặc dù có rất nhiều “vị” trồng cây si mình…Tuyền nhớ có cả “ông tướng” vì “để ý” mình mà đậu trực thăng ở gần rạp hát Hưng Đạo ngày nay đểâ bước vào cái xóm nhỏ Sài Gòn nơi Tuyền đang ở, ông xin Ba được gặp Tuyền nhưng ba không bao giờ cho….rồi Trung tá quân y Nguyễn Văn Lộc cứ 3h chiều là cho người nhà đem đến nơi Tuyền ở một đóa hoa hồng…Tuyền cũng chẳng bận tâm lắm…vì luôn gặp “ông thần giữ cửa”….Ba mất năm 1993, Tuyền không về kịp, đến 10 ngày sau khi chôn cất Ba xong, Tuyền mới về đến Việt Nam…Ba mất đi, Tuyền mất một điểm dựa tinh thần không sao bù đắp nổi….”

Những kỷ niệm với cố nghệ sĩ Thanh Nga:

Trong số các nữ diễn viên có dịp gần gũi với cố nghệ sỹ Thanh Nga, thì Mộng Tuyền là một trong những người bạn diễn, đàn em (Tuyền nhỏ hơn nữ nghệ sỹ Thanh Nga 4 tuổi) gần gũi nhất trên sân khấu và trong cuộc sống:

“Trong đoàn Thanh Minh- Thanh Nga Tuyền thân với Phương Ánh và chị Thanh Nga nhất…Đối với Tuyền, chị Nga là một nghệ sỹ tài danh và dễ thương. Hai chị em có rất nhiều kỷ niệm với nhau bởi vì Tuyền là một trong những diễn viên trụ lâu dài ở đoàn Thanh Minh và sau này là Thanh Nga.Hai chị em thường xuyên tâm sự với nhau những khi đoàn đi lưu diễn. Hồi trước, Tuyền và chị Nga cùng nhau diễn các vai chính trong đoàn Thanh Minh- Thanh Nga rồi đoàn Tiếng Hát Dân Tộc…Nên cả hai có sự cảm thông rất sâu sắc. Tuyền làm Dương Qúy Phi hai màn đầu thì chị Nga là Dương Quý Phi hai cảnh chót….trong vở “An Lộc Sơn”, Tuyền và chị Nga còn đồng diễn chung nhiều vai khác như Klai trong “Mưa Rừng”, Vũ nữ Cẩm Lệ trong tuồng “Bóng chim tăm cá”…Trong cuộc sống thường ngày, chị Nga thường thích nói chơi, nói đùa!Chị Nga rất hiền lành, nhưng khi giận dữ thì chị cũng “rất dữ”.Đôi mắt của chị cũng rất lạ lùng khi hiền thì buồn vời vợi nhưng khi dữ thì sáng quắc và nhìn rất sợ!Chị Nga có tật hay hờn mác nhưng không bao giờ giận lâu!Hai chị em có nhiều kỷ niệm thân thương và rất gắn bó….Sinh hoạt lâu năm trong đoàn Thanh Minh, tôi là một người diễn viên gần gũi với chị cũng là điều dễ hiểu.Chị là con bầu gánh nhưng tính tình rất thật thà và hiền lành.Chị sống rất tốt với mọi người, chị là một người con rất hiếu thảo và rất nghe lời Má.Nếu như trong nghề nghiệp chị luôn gặt hái những thành công thì trong tình cảm chị gặp nhiều lận đận, nhưng chị Nga là một người sống vì gia đình, luôn nghe theo những an bài của Má”.

LQTT:Nghệ sĩ Mộng Tuyền nghĩ gì về đời sống tình cảm của nghệ sĩ Thanh Nga mà báo chí đã từng đăng tải thời gian qua?

Mộng Tuyền: Nghệ sỹ cũng là một con người. Có tình cảm và hỉ nộ ái ố. Những mối tình trôi qua trong đời, chị Nga cũng nghe nhiều theo sự sắp bày của Má (bà Bầu Thơ).Chị và anh Thành Được là một cặp tình nhân đẹp trên sân khấu nhưng trong đời thường nhiều sóng gió do tính tình cả hai không hợp nhau.Tình yêu ngoài chuyện hy sinh còn cần hai tâm hồn đồng cảm.Chia tay anh Thành Được đối với một người con gái hiền lành sống hết lòng cho tình yêu như chị là điều không hề đơn giản, anh Thành Được cũng vậy!Rất yêu thương chị nhưng khó lòng hòa hợp vì bản tính anh rất là bay bướm, qua loa…Những tháng ngày chị Nga chia tay anh Thành Được, Má Thơ đưa chị qua đoàn Thanh Minh- Thanh Nga 2( tức là đoàn Dạ Minh Châu).Tuyền là người thay chị đóng cặp với anh Thành Được trong những vở diễn mà chị Nga đã diễn. Anh Thành Được rất buồn bã…Chị Nga cũng đau khổ!.Nhưng thà một lần đau khổ còn hơn day dứt cả cuộc đời…Lập gia đình và cuộc hôn nhân tan vở với người đàn ông tên Mẫn.Chị Nga càng buồn bã nhiều hơn.Chính tình yêu nghệ thuật và tình yêu thương Má và các em đã giúp chị vững vàng vượt qua bao sóng gió!Giai đoạn này, chị xuất ngoại liên tục để diễn cải lương và chính trong những lần xuất ngoại sang Lào, Nhật, Pháp đó…chị đã có dịp gần gũi và hiểu hơn về anh Lân …Chị và anh Lân yêu nhau và được sống cùng nhau cũng phải qua nhiều sóng gió, nhiều thử thách để cùng nhau tạo dựng hạnh phúc gia đình đơn sơ, mộc mạc và nếu không thể nói là rất nghèo.Có ai hình dung một diễn viên nổi tiếng như chị lại nghèo không?Có đó!Chị rất nghèo về kinh tế nhưng rất giàu về tình cảm…Những năm chị ở đỉnh cao của vinh quang với mức lương là từ 10 đến 20 đồng nhưng anh và chị rất hạnh phúc.Tình yêu của họ vượt qua biết bao sóng gió và định kiến để đến được với nhau, cùng chung tay xây dựng gia đình.Anh Lân đến với chị lúc anh trắng tay không còn của cải gì cả, nhưng anh lại là một người đàn ông rất mực thương cô vợ nghệ sỹ của mình.Anh thương và thông cảm nghề nghiệp của chị, rất ân cần an ủi và khuyến khích chị an tâm theo nghề.Chị Nga cũng vậy, chị cũng rất thương anh.Đối với chồng chị nghĩa tình sâu nặng thì đối với con chị cũng rất thương yêu!Tuyền còn nhớ, có lần chị Nga nhịn ăn và hà tiện để dành tiền để mua một nhẫn hột soàn 4 ly, chị nói mua để dành sau này Cúc Cu lớn, chị sẽ dùng nó hỏi vợ cho Cúc Cu…Sau năm 1975, Tuyền không có dịp diễn chung với chị nữa, Tuyền theo các đoàn tỉnh lưu diễn xa, hai chị em ít có dịp gần gũi nhau như trước nhưng mỗi khi về lại Sài Gòn Tuyền đều đến thăm chị và chị Thẩm Thúy Hằng.Tuyền còn nhớ rất rõ, có một lần Tuyền mời chị Nga và anh Lân đi ăn khuya, chị em tâm sự với nhau rất nhiều về tình đời và cuộc sống…Dạo đó cô Ba Thanh Loan (một trong những người đã hướng dẫn cho chị Nga rất nhiều trên sân khấu) mới mất,chị Nga cũng rất buồn.Chị nắm lấy tay Tuyền và nói rất khẽ: “Chị sợ ngày mình phải chôn anh Lân lắm!(anh Lân lớn tuổi hơn chị Nga rất nhiều) nghĩ phải chia tay nhau chị rất buồn.Chị ao ước làm sao anh và chị cùng được chết với nhau….” .Ngày chị Nga mất, Tuyền đang diễn ở Long Xuyên, nghe hung tin từ người em gái báo về, Tuyền tức tốc đi xe đò về Sài Gòn….Vào tới nhà xác bệnh viện Sài Gòn, lúc bấy giờ nghệ sỹ và khán giả bao kín ở ngoài…Khó khăn lắm, Tuyền mới vào được bên trong… Tuyền thấy xác chị Nga đã được trang điểm lại, gương mặt chị vẫn đẹp như đang ngủ, chị đẹp như một thiên thần trong trang phục áo dài màu đỏ.Chỉ có anh Lân, nhìn rất tội…Tuyền quá đau lòng và ngất xỉu….Năm 1980, Tuyền trở về diễn cho đoàn Thanh Nga.Tuyền diễn những vai mà chị Nga đã đóng trước đó.Về đoàn, Tuyền nhờ chú Nhánh (nhân viên trong đoàn) đóng một bàn thờ trang trọng tưởng nhớ chị Nga. Mỗi ngày, Tuyền nhờ chú ấy mua hoa, quả để cúng chị Nga. Tình chị em thương nhau như ruột thịt…Không khí của đoàn Thanh Minh- Thanh Nga rất buồn vì mọi người đều thường nghĩ và nhắc đến chị Nga…Dạo này bé Cúc Cu (tức Phạm Duy Hà Linh) còn quá nhỏ, nên Má Thơ dẫn theo đoàn.Cúc Cu lúc nhỏ thường hay đi theo Tuyền, nó cũng gọi Tuyền là Má Ba…có lẽ vì nó nhớ chị Nga nên mỗi khi Tuyền ngồi vào bàn trang điểm, Cúc Cu thường đứng sau lưng nhìn, rồi nó ôm cổ Tuyền hôn liên tục.Ngay cả khi Tuyền diễn, nó thường ra cánh gà đứng nhìn rất chăm chú…tội nghiệp lắm! . Có lần Tuyền còn đánh bạo xin Cúc Cu đem về nuôi, nhưng Má Thơ khóc và nói:“Làm vậy đâu được!Người ta cười Má”…Má Thơ dường như đã chết cả cuộc đời khi chị Nga ra đi…Má chỉ còn xem cuộc sống là nghĩa vụ….Khi diễn những vai chị Nga từng diễn thành công như Quỳnh Nga, Trưng Trắc, Thái Hậu Dương Vân Nga… Tuyền không cảm thấy một áp lực gì cả, rất tự tin, lửa chị Nga đã truyền qua Tuyền và Tuyền đã nhận được huy chương vàng tại hội diễn sân khấu toàn quốc tại Hải Phòng với vai Vân trong vở “Bóng Tối Và Ánh Sáng”…

Những bộ phim tiêu biểu của nghệ sĩ Mộng Tuyền:

11 GIỜ 30 PHÚT (1967)
Phim 11 Giờ 30 do Trung tâm điện ảnh Sài Gòn sản xuất, đạo diễn Lê Hoàng Hoa thực hiện, với các diễn viên Lê Quỳnh, Đoàn Châu Mậu, Mộng Tuyền, Trần Đỗ Cung, Minh Đăng Khánh…. Đây là một bộ phim hành động theo kịch bản của Hoàng Anh Tuấn. Nội dung phim nói về hai người bạn Minh và Hùng chơi thân với nhau từ thưở nhỏ. Lớn lên mỗi người đi một con đường : Minh hoạt động trong đội biệt động thành, Hùng làm giám đốc một cơ sở điện lực ở Sài Gòn. Một hôm, hai người bạn gặp lại nhau, mừng mừng tủi tủi, tin tình bạn cũ, Hùng để Minh dắt con mình đi chơi. Rồi người cha nhận được một trái mìn, kèm theo một lá thư buộc anh phải phá sập nhà máy điện vào đúng 11 giờ 30, bằng không con anh sẽ chẳng bao giờ trở về. Đau khổ, nhưng quyết làm tròn bổn phận, Hùng không ngần ngại báo cho cơ quan an ninh. Giữa lúc ấy, con anh may mắn thoát khỏi nơi giam giữ. Cơ sở của đội biệt động thành bị phát giác, Minh bị tử thương…

CHÂN TRỜI TÍM (1970)
Phim do Liên ảnh công ty sản xuất, dựa theo tiểu thuyết của Văn Quang. Đạo Diễn: Lê Hoàng Hoa. Phim màu, màn ảnh đại vĩ tuyến. Kinh phí thời đó là 7 triệu đồng. Diễn viên trong phim gồm: Hùng Cường vai Phi, Thanh Lan vai Phượng, Kim Vui vai Liên, Ánh Nga vai Loan, Bảo Ân vai Điền, Mộng Tuyền, Hà Huyền Chi, Khả Năng…Và hơn 200 diễn viên quần chúng. Bộ phim này đoạt ba giải vàng về Văn học nghệ thuật trước năm 1975, kịch bản phim được chuyển thể từ tiểu thuyết Chân Trời Tím của nhà văn Văn Quang - sĩ quan tâm lý chiến Sài Gòn. Nội dung phim Chân Trời Tím nói về hạ sĩ Phi có biệt tài bắn súng máy, do bị thương nên được thuyên chuyển về lái xe cho trung tá Trung đoàn trưởng. Cô con gái đẹp của trung tá thầm yêu Phi. Nhưng Phi lại yêu Liên, một ca sĩ phòng trà. Sống giữa đô thành với người yêu, anh vẫn bất mãn với công việc mình làm, bất mãn với chính anh. Vết thương đã lành, anh xin trở lại mặt trận, đóng tại tiền đồn hẻo lánh. Ở nhà, cô ca sĩ bị ép phải sống chung với một lái buôn giàu và hung hãn. Cuộc đảo chính 1-11-1963 xảy ra. Đơn vị của Phi được điều về tham gia đàn áp các đơn vị đảo chính. Anh nghĩ rằng súng anh cầm chỉ nhả đạn vào kẻ thù, không thể bắn vào những người cùng hàng ngũ. Bị thương, Phi lết đến nhà Liên. Gặp lại nhau sau biến động, hai người quyết ra đi đến một chân trời mới, gây lại hạnh phúc. Nhưng tay buôn lậu xuất hiện, nhân lúc Phi vắng mặt. Trong cơn ghen, hắn giết Liên.

Lúc đầu Liên Ảnh công ty mời Kiều Chinh đóng vai Liên và đạo diễn được chọn là Hoàng Vĩnh Lộc, nhưng từ khi chuẩn bị đến lúc quay kéo dài gần 2 năm nên hai nhân vật này bận rộn với những dự án khác phải từ chối. Phim Chân Trời Tím đạt được doanh thu rất cao thời bấy giờ với số thu gần 50 triệu đồng.

Cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh cũng viết và cho trình làng bản nhạc “Chân Trời Tím” và thành công nhất với giọng ca Minh Hiếu trước khi phim quay vào hai năm sau, hãng phim Liên Ảnh mới được ông Tổng giám đốc Quốc Phong tập hợp lại để làm phim. Bản nhạc của Trần Thiện Thanh ra đời được mấy năm nên đã trở thành cũ. Trong khi Liên Ảnh có tới 7 ông chủ hãng phim nên mỗi người một ý, nhiều ông muốn có một bản nhạc mới cho cuốn phim CinemaScope đầu tiên ở VN nên họ quyết định nhờ Phạm Đình Chương làm nhạc chính cho phim. Bởi vậy mới có chuyện tréo ngoe là bản nhạc “Chân Trời Tím” thì không phải là nhạc chính cho phim, thay vào đó là “Nửa Hồn Thương Đau” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương.

GÁNH HÀNG HOA (1971)
Thái Dương Phim sản xuất năm 1971. Diễn viên: Mộng Tuyền vai Liên, Thanh Lan vai Nhung,La Thoại Tân, Huy Cường …Đạo diễn: Lê Mộng Hoàng. Phim trắng đen. Dựa theo tiểu thuyết “Gánh Hàng Hoa” của Khái Hưng và Nhất Linh.

Minh tốt nghiệp trường sư-phạm, được bổ nhiệm giáo học để có thể kiếm cơm nuôi thân và nuôi vợ. Mỗi lúc nghĩ đến cái đời lam lũ khó nhọc của vợ, Minh lại lấy làm áy náy và xấu hổ. Không phải chàng cho rằng cái nghề bán hoa của vợ là hèn hạ vì nghề ấy vẫn là nghề của ông bà, cha mẹ chàng khi xưa. Nhưng chính vì nhờ vào công việc của một người đàn bà mới có thể có tiền ăn học, chàng lấy đó làm một sự kiện đáng thẹn thùng, đáng bị khinh bỉ. Liên là người vợ đảm đang, tão tần bán hoa nuôi chồng ăn học thành tài…Nhưng cuộc đời có biết bao sóng gió, mà họ phải đương đầu và vượt qua, vẫn có những tấm lòng thương yêu và giúp đỡ họ như Văn, Nhung…Cuối cùng một cuộc đời mới trong nếp nhà tranh đầy hoa và ánh sáng cũng đến với họ.

Gánh Hàng Hoa là một trong những phim màu màn ảnh rộng, hình ảnh và chất lượng thuộc hàng tốt của Miền Nam Việt Nam. Gánh Hàng Hoa thực hiện in rửa cắt ráp đều tại Hồng kông. Phim được ra mắt khán giả Sài Gòn khoảng đầu năm 1971, và sau thời gian đi chiếu ở các tỉnh thì được gởi đi tham dự Đại Hội Điện Ảnh vào tháng 9-1971. Rất nhiều người hy vọng Gánh Hàng Hoa sẽ được giải này giải nọ, bởi trong số các phim tham dự Giải Điện Ảnh trong kỳ đại hội 1971 này có những phim kém xa Gánh Hàng Hoa nhiều mặt.Nhưng do chủ trương ủng hộ các phim hoàn toàn thực hiện mọi công đoạn trong nước nên bộ phim này đã bị loại khỏi vòng tranh giải.
Đây là một bộ phim ghi điểm son cho Mộng Tuyền trong nghề điện ảnh. Vai diễn trong bộ phim này đã giúp cô trở thành ứng cử viên nặng ký của giải Tượng Vàng trước năm 1975. Huy Cường diễn một vai phản diện rất ấn tượng. Vai Nhung của Thanh Lan cũng là một vai có nội tâm phức tạp và khó diễn, nhưng Thanh Lan diễn rất sống động và tự nhiên. Ấn tượng nhất của Thanh Lan trong phim này chính là nụ cười rất tươi của cô.

VÀ…MỘNG TUYỀN CỦA HIỆN TẠI:
….Khán giả vẫn chính là người bạn, người tình thân thương nhất của nữ nghệ sỹ Mộng Tuyền.Mọi người vẫn thương và vẫn nhớ đến vóc dáng tài hoa và xinh đẹp thuở nào của một “Hoa khôi Cải lương”, “Minh Tinh Điện Ảnh”….Tuyền chan hòa với họ, họ sưỡi ấm lòng cô….Từ anh hậu đài, cô soát vé, chị bán hàng, ông bác sĩ, cô chủ tiệm vàng….Họ vẫn nhớ và vẫn yêu thương Mộng Tuyền và vì thế…mới có CD “Nhớ Mãi Mưa Rừng” và một Live show kỷ niệm sau bao nhiêu năm trời xa cách “Về Với Quê Hương” cùng chương trình DVD phát hành toàn thế giới trong cộng đồng người Việt.

Cũng trong dịp này, Mộng Tuyền giới thiệu người bạn đời mới chung vai, sát cánh với mình là ông Lê Quang Vinh – một vị giáo sư danh tiếng trong cộng đồng người Việt tại Úc.
Sau những hoạt động như đóng phim, diễn cải lương, ca tân nhạc… nhất là sau vai diễn trong phim truyền hình Tôi Là Ngôi Sao, Mộng Tuyền nhận được nhiều lời mời tham gia các bộ phim truyền hình, nhưng cô phải từ chối vì theo chồng về sống tại Úc.
Công việc hiện nay của ngôi sao một thời là bán hàng tại tiệm trái cây và rau cải của người em gái ở Úc.

LÊ QUANG THANH TÂM

Nguồn VietLuan 4/9/2009
Phượng Các
#7 Posted : Sunday, July 12, 2015 2:11:40 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Chuyện đào cải lương Mộng Tuyền và ông bầu Xuân

Ngành Mai

Suốt một thập niên 1960, đào Mộng Tuyền được kể là một cô đào đẹp nhứt, trong hầu hết các cô đào cải lương thời bấy giờ.
Mộng Tuyền từng đoạt giải Thanh Tâm 1963, lúc ấy còn mang tên Kim Loan, rồi cũng do rắc rối cái tên với ca sĩ Kim Loan bên tân nhạc, nên đào ta đổi tên Mộng Tuyền. Cô nói rằng cô nổi tiếng là do nhờ sắc vóc, tài nghệ chớ đâu phải do cái tên Kim Loan. Thật vậy, sau thời gian đổi tên thì Mộng Tuyền tiếp tục nổi danh, không những ở cải lương mà luôn cả điện ảnh.


Ðào cải lương Mộng Tuyền. (Hình: Bộ sưu tập của Ngành Mai)

Ông nhà binh tốt số đã lọt vào mắt xanh Mộng Tuyền là Thiếu Tá Nam, và một đám cưới linh đình tổ chức ở nhà hàng Bát Ðạt trong Chợ Lớn. Khoảng 1, 2 năm sau Thiếu Tá Nam lên trung tá nhưng lại bị Mộng Tuyền cho ra rìa, và dĩ nhiên một cô đào đẹp nổi tiếng cả 2 lãnh vực cải lương và điện ảnh thì nhiều chàng trai sẵn sàng xáp vô, nhưng hình như chẳng chàng nào được diễm phúc chính thức thế chỗ Trung Tá Nam.
Sau 1975, Bầu Xuân thành lập đoàn Dạ Lý Hương Sông Bé, mời Mộng Tuyền về nhận vai chánh, và từ đó bắt đầu là đề tài cho thiên hạ bàn tán liên miên. Ông Bầu Xuân là nhà tư bản, ông chẳng biết tí nào về cải lương, do tình thế đưa đẩy cho ông làm giám đốc đoàn Dạ Lý Hương, một trong 3 đoàn cải lương được coi như lớn nhứt thời bấy giờ. Bầu Xuân là một trong số những người đưa nghệ thuật cải lương lên đỉnh cao, nên được Tổ nghiệp đãi ngộ, thưởng công cho ông bằng một món quà thích đáng: Một người đẹp! Ðào Mộng Tuyền trao trái tim cho ông, tha hồ mà hạnh phúc. Vậy là nhứt ông rồi còn gì! Làm cải lương lời lỗ không biết, vì ông quá giàu, nhưng đây kể như là món lời to rồi vậy!
Lúc bấy giờ ai cũng tưởng đâu bầu Xuân hạnh phúc nhứt đời, sớm hôm có người đẹp nâng khăn sửa túi, Bồng Lai tiên cảnh, non bồng nước nhược cũng chẳng hơn. Thế nhưng may mắn quá nhiều, mà xui xẻo thì cũng không ít. Năm 1978, đoàn đang hát ở Vĩnh Long thì bầu Xuân bị bắt đi cải tạo vì cái tội tư sản. Ðoàn hát đương nhiên rã gánh và Mộng Tuyền ôm cầm sang thuyền khác mà còn ôm theo cả trăm cây vàng.
Sau đó một thời gian thì Mộng Tuyền cũng có hát cho đoàn 2-84, và đến năm 1988 Mộng Tuyền đi Pháp, nghe nói thì đi theo chồng, và cô có một cửa hàng bán đồ lưu niệm ở Pháp, cuộc sống bình thường, thỉnh thoảng vẫn có hát cho các hội từ thiện gây quỹ mà thôi.
Mộng Tuyền thường về Việt Nam, nhưng về trong lặng lẽ, không có hát nên chẳng mấy người biết. Năm 2007 Mộng Tuyền cũng về và lần này thì làm sô, hát chung với Thanh Sang, Bảo Quốc, Lệ Thủy, Tú Trinh, Ánh Hồng, Hùng Minh, Kiều Mai Lý, Thanh Tuấn...
Rồi tiếp đó Mộng Tuyền cũng đóng phim và nhận vai bà Hạnh, mẹ của 2 chị em sinh đôi trong phim “Tôi Là Ngôi Sao.” Coi như nghỉ xả hơi 20 năm, Mộng Tuyền trở lại sân khấu, trở lại đóng phim.
Riêng về phần ông bầu Xuân thì sau ngày ra trại, ông lập gánh hát lần nữa, nhưng tình hình cải lương không khá, ông cho rã gánh và giải nghệ luôn cái nghiệp làm bầu. Mấy năm nay ông thay thế Má Bảy Phùng Há, với chức vụ chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị chùa Nghệ Sĩ ở Gò Vấp.
Thật ra thì ngôi chùa này là của ông, do ông đứng tên làm chủ trên giấy tờ từ thời trước 1975. Lúc bấy giờ do Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu khủng hoảng sao đó nên Má Bảy Phùng Há kêu bán ngôi chùa. Nhiều người khuyên ông bầu Xuân nên mua và giữ lại cho nghệ sĩ có nơi thờ phượng, và ông đã bỏ tiền ra mua.
Nghe Mộng Tuyền về hát trở lại, mấy người biết chuyện năm xưa, trà dư tửu hậu tán gẫu với nhau, rằng không biết bầu Xuân có tái lập đoàn Dạ Lý Hương, và mời Mộng Tuyền về giao vai chánh? Bởi ông còn ngôi nhà khá lớn ở đường Bùi Thị Xuân gần Lăng Cha Cả, mà thời này trị giá cũng vài trăm cây vàng?
Nhưng có điều là khi xưa Mộng Tuyền tương tợ Giáng Kiều người đẹp trong tranh. Sau 20 năm tuy nét đẹp vẫn còn, nhưng lên cân thấy rõ, vòng số 2 cũng chạy nước rút gần bắt kịp vòng số 1. Do đó mà Mộng Tuyền chỉ còn đóng vai đào mụ. Người ta không biết có phải do vậy mà bầu Xuân chẳng tha thiết gì mà lập lại đoàn hát.
Thiên hạ tán gẫu cho vui, chớ bầu Xuân đã chán ngán sự đời, mỗi ngày ông lên chùa Nghệ Sĩ điều hành công việc. Coi như ông đã đi tu vậy.
Users browsing this topic
Guest (5)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.