quote:
Gởi bởi tonka
Bánh ướt là kêu theo kiểu người nam và bánh được tráng hơi dầy chút. Còn bánh cuốn Thanh Trì là thường mỏng dính. Mà tại sao lại có cái tên Thanh Trì há? Ở làng, huyện hay xã Thanh Trì à? Cả xóm cùng nhau tráng bánh cuốn? 
Bánh cuốn Thanh Trì
Cụ bà Trần Thị Phượng, 74 tuổi ở thôn Sép, Thanh Trì, người cao tuổi nhất còn giữ được vốn nghề tráng bánh cuốn - Ảnh : Hy Lâm - SGTT
Cuối đường Lĩnh Nam, rẽ phải xuống đê qua Điếm canh 19, đến Nhà máy Sứ Thanh Trì là tuyến phố khá dài: Nguyễn Khoái. Trước, đây là thôn Sép thuộc huyện Thanh Trì, nổi tiếng với nghề làm bánh cuốn.
Cụ bà Trần Thị Phượng ở số nhà 1048 có lẽ là người già nhất trong thôn còn giữ được vốn nghề và tiếp tục làm nghề. Cụ năm nay đã sang tuổi 74, được mẹ truyền nghề từ khi 13 tuổi và đeo đẳng nó cho đến tận bây giờ và “chắc là đến khi nào chết” - cụ cười cười bảo vậy.
Con gái cụ, chị Hợp, cũng khéo tay, nhanh mắt và tinh ý nên được cụ truyền nghề lại với tất cả những gì được gọi là “bí quyết”. Ban ngày, chị đi làm ở một cơ quan nhà nước. Chiều về, lại cùng mẹ mải mê bên những phên bánh trắng ngần, nghi ngút hơi nóng.
Quy trình làm bánh cuốn Thanh Trì kể cũng lắm công phu. Gạo phải lựa mua loại gạo tẻ ngon, ngâm chừng vài ba tiếng rồi vo sạch. Sau đó, gạo được xay thành bột nước. Khi tráng bột bánh trên phên cũng phải thật tinh khéo, lá bánh càng mỏng càng ngon.
Đây là điểm đặc biệt nhất của bánh cuốn Thanh Trì vì nó đã từng được ví là thứ bánh “gió thổi bay”, thứ bánh mỏng và trong đến mức có thể nhìn rõ được mặt người phía sau,…
Sau mỗi lớp bánh tráng nóng hổi vừa ngả xuống, người phụ việc lại nhanh tay rắc một lớp lá hành đã phi thơm bóng mỡ. Mỗi lá bánh mỏng mịn, vàng ngà điểm xuyết màu xanh vàng của lá hành trưng đã tạo nên nét hấp dẫn, độc đáo riêng.
Vì thế, bát nước chấm kèm theo món bánh này không cần cầu kỳ: nước mắm ngon, chế thêm chút nước đun sôi để nguội, chút nước chanh và đường, ớt vừa miệng; bánh được chấm ngập đẫm, đem lại vị thơm mát của đủ vị; thật là một thứ quà dân dã mà không kém phần tinh tế. Nó khiến cho ta phải nghĩ rằng vẻ tinh khéo của người dân các làng nghề ngoại vi đã góp phần quan trọng tạo nên nét thanh lịch cho người Hà Nội…
Nghe nói, bánh cuốn Thanh Trì xưa được rao bán khắp Hà Nội, người ta bán cân, bán lạng, nay không còn những người bán bánh rao nhiều như thế nữa. Người làng Sép hay người phố Nguyễn Khoái hiện tại không chỉ còn làm bánh cuốn mang phong vị riêng của mình nữa. Họ làm cả bún và bánh cuốn nhân thịt để chiều khẩu vị có tính chất “lẩu” của người thời nay.
Bánh cuốn nóng nhân thịt chấm nước mắm pha tinh chất cà cuống đã là một món ăn của rất nhiều hàng quán 24/24 dọc phố Nguyễn Văn Cừ bên huyện Gia Lâm. Trong nội thành, món ăn này cũng có thể được tìm thấy một cách dễ dàng ở bất kỳ con phố ngang hay khu chợ tạm nào… Chỉ có điều, vẻ tinh tế ẩn trong cách làm bánh cuốn Thanh Trì thì hầu như không thể bắt gặp được ở bất cứ đâu.
Bánh cuốn dạng “Thanh Trì” bây giờ được người nơi khác làm dày mình, đan phủ thêm chút mộc nhĩ thái nhỏ, trông mất ngon đi nhiều. Ở chợ tạm trong các khu chung cư, bánh này được bày bán nhiều, nhưng hầu như bạn chẳng thể nào thấy được những lá bánh trong suốt, chực bay trước gió...
Theo Đào Anh - Sài Gòn tiếp thị
Từ link :
http://www.tuoitre.com.v...ID=202056&ChannelID=218
Và theo vào đây có chỉ cách làm nè chị:
http://www.nguoivienxu.v...aamthuc/2004/06/165298/
