Xin hãy hỏi cụ Đào Duy Anh
thanhnien báo
Ít có người Việt Nam trưởng thành nào lại nghĩ rằng mình có thể nói sai tiếng Việt. Nói sai tiếng Việt hay nói nghe - không - ra - tiếng - Việt họa chăng chỉ có đám du khách tây, bản tính hồn nhiên, không bao giờ ngượng miệng khi sử dụng một ngôn ngữ khác với tiếng mẹ đẻ của mình. Vậy mà trên thực tế lại có ối người Việt nói sai tiếng Việt. Và lại không phải người bình thường. Là dân làm báo hẳn hoi.
Ai vậy? Xin thưa, chính là các MC, những người dẫn chương trình của rất nhiều cuộc thi, nhiều show, nhiều sự kiện... trên ti vi.
Sai ở chỗ nào vậy? Xin thưa, sai ở nhiều chỗ: cách dùng từ, cụm từ, cách ghép câu...
"Thí sinh A đã hoàn thành xong phần dự thi của mình". Đó là câu chúng ta phải nghe lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong các cuộc thi trên ti vi. Có gì đó rất không ổn. Hoàn thành, trong từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh được định nghĩa là: công việc xong xuôi. Như vậy, cụm từ hoàn thành xong đã sai vì dùng thừa từ. Đã hoàn thành, chỉ cần nói vậy là đã đầy đủ và đúng, tại sao lại phải sử dụng cụm từ hoàn thành xong. Dài dòng hơn, và còn khiến câu nói trở thành vô nghĩa trong tiếng Việt.
"Chúng tôi xin cám ơn phần biểu diễn của ca sĩ B". Lại một cái sai khác. Chúng ta có thể thưởng thức phần biểu diễn của ca sĩ B, nhưng khi cám ơn thì phải cám ơn ca sĩ, sao lại cám ơn phần biểu diễn? Cám ơn phần biểu diễn mà không cám ơn ca sĩ, về mặt giao đãi trên sân khấu là không lịch sự. Ca sĩ là chủ thể của hành động hát, chính ca sĩ phải được tán thưởng, được cám ơn, chứ không phải là phần biểu diễn của ca sĩ.
"Bây giờ, chúng ta còn lại duy nhất ba thí sinh". Từ điển Hán Việt Đào Duy Anh định nghĩa: Duy nhất nghĩa là: chỉ có một. Như vậy câu "Còn lại duy nhất ba thí sinh" sẽ được diễn giảng là: Còn lại chỉ có một ba thí sinh. Thế là thế nào? Quá lủng củng và phản nghĩa. Đã thừa mà lại còn sai quá xá là sai...
Hầu hết MC hiện nay của chúng ta đều là những người trẻ tuổi, vừa rời khỏi ghế nhà trường. Không được học chữ Hán trong chương trình trung học nên khả năng sử dụng từ Hán Việt của họ rất hạn chế. Ngay cả chương trình ngữ pháp tiếng Việt trong nhà trường cũng không cung cấp cho họ khả năng sử dụng tiếng Việt một cách hoàn hảo. Dù vậy, nếu đã trở thành người điều khiển chương trình trên những sân khấu có rất đông khán giả, các MC không thể cho phép mình mắc những lỗi sơ đẳng trong ngôn ngữ thông thường như vậy.
Nhiều khán giả thiếu niên vẫn xem, nghe và học tiếng Việt từ những chương trình ti vi mà các em theo dõi hằng ngày. Các nhà báo, các MC, nếu không được đào tạo bài bản và đầy đủ, phải tự hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp của mình, để không trở thành những người Việt nói sai tiếng Việt một cách rất vô lý như thế.
Camera