Bạn có biết
Kể từ hạ tuần tháng Bảy 2009, nếu bạn đi đến Tân Tây Lan (New Zealand) từ Úc Đại Lợi thì cuộc hành trình của bạn đã được rút ngắn lại 30cm.
Do đâu vậy? Nhờ động đất đó.
Trận động đất ở vùng Fiordland ở South Island, Tân Tây Lan, mạnh 7.8 độ Richter ngày 16 tháng Bảy vừa qua đã đẩy vùng tây nam Tân Tây Lan nhích lại gần lục địa Úc hơn với một khoảng cách là 30cm.
Úc và Tân Tây Lan cách nhau bằng biển Tasman rộng 2,250km, nên khi vùng tây nam Tân Tây Lan nhích lại gần Úc 30cm thì bề ngoài nó cũng không tạo ra sự khác biệt nào. Tuy nhiên điều này có ý nghĩa rất lớn về khoa học.
Theo nhà địa chấn học Ken Gledhill thuộc viện khoa học GNS của Tân Tây Lan thì sự chuyển dịch này cho thấy sức mạnh to lớn của trận động đất này, là trận động đất có sức chấn động lớn nhất trong năm nay. Ngoài việc vùng tây nam Tân Tây Lan nhích về Úc 30cm thì bờ biển phía đông của Tân Tây Lan lại dịch chuyển 1cm về phía tây. Điều này có nghĩa là về hình thể và diện tích thì Tân Tây Lan đã lớn hơn một chút so với trước đây. Nói một cách khác thì nước Tân Tây Lan đã “nở lớn” ra. Ngoài ra, hệ thống định vị toàn cầu (GPS) cho thấy là thị trấn Te Anau ở vùng Fiordland đã “nhích lại” gần Úc thêm 10cm.
Tại sao New Zealand hay bị động đất?
Lý do là vì nước này nằm ngay trên vành đai lửa Thái Bình Dương (Pacific Ring). Vành đai này gọi là Ando-Japanese-Malayan Ring chạy từ bờ biển Chile ở Nam Mỹ châu, đổ về hướng bắc theo bờ biển phía tây Hoa Kỳ và tiểu bang Alaska, rồi dạt qua hướng tây theo đảo Aleuitian, trổ xuống hướng nam để băng qua Indonesia xuống New Zealand, bỏ qua nước Úc và đó là điều may mắn cho Úc.
Tại sao có động đất?
Chúng ta sống trên bề mặt trái đất và dưới lớp bề mặt là lớp vỏ bao bọc khối dung nham lỏng với một nguồn năng lượng khổng lồ, chỉ chực bung ra nếu vỏ traí đất không đủ sức ngăn chặn. Tuy nhiên, lớp vỏ bọc này không phải là một khối đồng nhất mà được kết thành từ những mảng kiến tạo địa tầng, còn được gọi là thạch quyển (Plate): Âu-Á, Thái Bình Dương, Philippine và Ấn-Úc (Indo-Australian Plate). Những mảng này di chuyển vài centimet mỗi năm, cuỡi trên những lớp đá lửa nóng chảy sềnh sệt ở bên dưới. Mảng Ấn-Úc dịch chuyển về phía tây trong khi mảng Âu-Á chạy về phía đông.
Vì các mảng này có thể dịch chuyển hay co giãn để va vào nhau, hoặc trực tiếp đẩy vào nhau (thrust) hay chỉ di chuyển song song để trượt qua nhau (strike slip), do đó tạo cơ hội cho những nguồn năng lượng khổng lồ dồn nén trong ruột trái đất bùng phát. Nếu năng lượng này được giải phóng ra ngoài thì chúng ta thấy núi lửa, nếu chỉ cọ quậy làm biếng dạng vỏ trái đất, chúng ta bị động đất.