Tin thiệt... cái tình!!!
"Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi."Vua Tự Đức xưa đã khóc Bằng Phi như thế. Ngày nay ông cụ Charles Whiting, 80 tuổi, ở New York không làm thơ khóc vợ như vị vua xứ An Nam xưa, ông cụ để dành tiếng nói của cụ bà quá cố trong điện thoại. Mỗi ngày dù ở đâu, cụ ông cũng gọi điện thoại về nhà để nghe tiếng cố nhân trong máy nhắn tin và cảm thấy cụ bà như vẫn còn nơi cõi trần gian với mình.
Ấy vậy mà cái công ty viễn thông Verizon tà lanh tà lẹt bỗng dưng nổi hứng nâng cấp đường dây điện thoại của cụ Whiting và xóa sạch bách những lời của cố nhân mà cụ để dành trong máy, lại còn tài khôn khuyên cụ hãy thu âm lời nhắn mới làm cụ giờ đây chỉ còn có nước ngậm ngùi ngửa mặt kêu trời...
Một cụ ông khác thì bỗng dưng nổi tiếng như cồn, còn hơn minh tinh màn bạc, chỉ có điều là nổi tiếng sau khi lìa trần. Đó là ông cụ John Lea ở Dorset, Anh quốc.
Sau khi cụ từ giã cõi trần, con trai của cụ, Kevin bỗng dưng muốn cho cha mình được chu du bốn bể giống như câu hát...
tính tính tính tình tang tang tang, cuộc đời mình như chiếc thuyền nan, trôi nó trôi bềnh bồng ... nên lấy tro cốt của cha đem bỏ vô một cái chai kèm theo hình ảnh và những mẫu chuyện phiêu lưu của ông thời còn trẻ. Cái chai được thả xuống eo biển Channel giữa Anh và Pháp và bắt đầu cuộc viễn du...
trôi nó trôi bềnh bồng.... Nhưng "cái chai bềnh bồng" không ghé đến Tokyo, Chicago, Karachi hay Mexico như trong bài hát mà nó ghé vào hòn đảo Texel, Hà Lan. Những người nhặt được đã thả cái chai trở ra biển theo như lời yêu cầu của Kevin và vài ngày sau nó lại tấp vô đảo này lần nữa. Thế là cụ ông John Lea bỗng dưng thành ngôi sao sáng chói ở Hà Lan cùng với... "cái chai bềnh bồng" của mình. Sau đó những ngư phủ đã mang cái chai ra xa ngoài khơi và trả... cát bụi về với... biển khơi.
Bây giờ thì Kevin tin rằng cha mình đang ca bài lãng du một cách mãn nguyện đâu đó ở vùng biển Đan Mạch hoặc Đức quốc.