Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Hải Phong
Phố Mây
#1 Posted : Monday, January 24, 2005 4:00:00 PM(UTC)
Phố Mây

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 7
Points: 0

Hải Phong
Tìm đến với những thính giả "công bằng"...


Trường Kỳ



Có nhiều ghi nhận được đưa ra về một tiếng hát mang tên Hải Phong, sau khi chị tung ra liên tiếp 2 CD trong năm 2002 va 2003 với tựa đề "Tình Tự Mùa Xuân" và "Dưới Giàn Hoa Cũ". Có người cho là chị can đảm, khi ngay cả những nghệ sĩ trong giới nhà nghề cũng rất e dè khi thực hiện những CD trong tình trạng khó khăn hiện nay nơi vấn đề tiêu thụ. Can đảm hơn nữa khi hầu hết những nhạc phẩm do Hải Phong trình bày trong 2 CD này đều là những nhạc phẩm tiền chiến hoặc thuộc loại nhạc "sang" như thường được gọi, đã được những giọng ca tên tuổi trình bày trước đó. Hơn nữa, số người thưởng thức thể loại này so ra không được đông đảo bằng số thính giả của những loại nhạc khác.

Ngược lại, có những người đã tỏ ra thích thú với tiếng hát của chị qua một số nhạc phẩm giá trị ít được trình bày trên những sản phẩm được tung ra thị trường hiện nay. Những thính giả đó cảm thấy như đã được sống lại với một vùng trời kỷ niệm ngày xưa. Thậm chí trong nhiều thư từ gửi về khen ngợi chị, có người đã mệnh danh Hải Phong là một "mini Thái Thanh"!

Trước những khen, chê dĩ nhiên xẩy ra với bất cứ tiếng hát nào, bất cứ việc làm nào được phô diễn trước quần chúng, Hải Phong luôn giữ được sự bình thản để chấp nhận. Sự bình thản ấy đến từ sự tự tin ở chính mình một khi đã quyết định đi theo con đường lựa chọn. Cũng bởi vậy, điều người ta gọi là can đảm được chị trả lời khi bầy tỏ quan niệm chỉ muốn thu tiếng hát của mình để coi như những kỷ niệm của một đời người đam mê nghệ thuật. Vấn đề thương mại không được Hải Phong coi là quan trọng khi khả năng vật chất của chị tương đối vững vàng với ngành nghề chuyên môn về kế toán và quản trị tài chánh trong cơ quan thuế vụ của liên bang Canada từ hơn 14 năm qua.

Tuy vậy 2 CD do Hải Phong thực hiện đã có được một kết quả khả quan khi số lượng tiêu thụ được ghi nhận là cao đối với một giọng ca còn mới lạ với người nghe. Thật sự có được kết quả như vậy, Hải Phong đã hoàn toàn nhờ vào bản tính rất khó khăn đối với chính mình để bỏ công sức ra làm việc một cách "cẩn trọng, kỹ lưỡng và không bôi bác" như lời chị nói. Sự kiện đó chắc hẳn đã đến từ một "Hải Phong chuyên viên thuế vụ" để hổ trợ cho một "Hải Phong ca nhạc sĩ".

Hai cá tính tưởng như đối chọi nhau đó trong một con người đã thật sự bổ sung cho nhau một cách thật hài hoà. Cái khô khan của ngành chuyên môn đã mang đến một sự thận trọng và kỹ càng hơn cho con người co máu nghệ sĩ khi muốn gửi đến người nghe những sản phẩm do mình thực hiện, như chị từng nói là đã "mang tất cả những cách thức làm việc chuyên nghiệp đó vào trong nghệ thuật, thành thử ra khi làm nghệ thuật cũng như làm công việc chuyên môn ở ngoài nên rất là có sự chuẩn bị kỹ càng như khi mang một nhạc phẩm ra trình bầy". Trong khi đó, cái ướt át của một tâm hồn nghệ sĩ có khả năng mang đến sự bớt nhàm chán cho một công việc có tính cách nguyên tắc và đều đặn, dễ nhàm chán. Chắc nhờ vậy, Hải Phong đã giữ được thế quân bình với ngành nghề chuyên môn cũng như trong nghệ thuật.

Khi chọn một nhạc phẩm trình bày, Hải Phong quan niệm "không phải chỉ mang ra hát khơi khơi" mà phải luôn nghiên cứu kỹ càng ý muốn của tác giả, được thể hiện qua ký âm ghi trên bản nhạc. Có người từng hỏi chị tại sao không hát bài này theo điệu Rumba cho vui, hoặc bài kia không hát thành Tango cho thay đổi nhịp điệu mà lại cứ hát "theo cái kiểu ngày xưa".

Trước những lời đề nghị đó, Hải Phong đã bầy tỏ một khi đã chọn con đường hát loại "nhạc xưa là những nhạc phẩm tiền chiến hay mang âm hưởng bán cổ điển, thì đã là con đường đi của mình. Và theo chị đó là thể loại nhạc vừa "khó cho người hát cũng như khó cả cho người nghe". Khi hát những nhạc phẩm này, chị muốn trình bày một cách thuần tuý, đúng với ý muốn của tác giả khi sáng tác nhạc phẩm đó. Muốn được như vậy phải tôn trọng tối đa ý của nhạc sĩ, nên chị không muốn thay đổi tiết điệu hay nhịp điệu. Hải Phong tin tưởng ở điều thính giả nào đã nghe và thích loại nhạc này trình bày bởi những giọng ca như Thái Thanh, Kim Tước, Mai Hương, Quỳnh Giao - là những giọng ca chị yêu thích từ khi còn trẻ - thì chắc chắn sẽ đều thích nghe những nhạc phẩm đó một cách thuần tuý mà không tìm đến những tiết điệu hay thể điệu khác.

Về lời ca, Hải Phong dứt khoát tránh sự thay đổi danh xưng hay đại danh xưng từ "anh" thành "em" hoặc ngược lại của một nhạc phẩm. Chị cho là không nhất thiết chữ "anh" phải đổi thành "em" khi người trình bày thuộc phái nữ. Với chị, đôi khi thay đổi như vậy sẽ khiến cho nhạc phẩm trình bày trở thành khôi hài. Hải Phong quan niệm một khi đã chọn một nhạc phẩm nào đó để trình bầy, nên hiểu đó là mình trình bày tâm tình của tác giả "chứ không nhất thiết rằng tâm tình đó phải là tâm tình của mình". Chị đã đưa ra một thí dụ cụ thể về những nhạc phẩm Thái Thanh hát trước kia khi người nữ danh ca này trình bày nhiều bài có lời dành cho đàn ông mà không cần thay đổi hai chữ "anh,em" mà người nghe vẫn cảm được vì biết rằng Thái Thanh trình bầy tâm tình của tác giả, không phải tâm tình của riêng mình.

Việc Hải Phong trình bày lại tất cả những nhạc phẩm tiền chiến hoặc mang âm hưởng bán cổ điển đã do những ca sĩ nổi danh trình bày cũng được coi là một sự can đảm, theo một số người. Về điểm này, Hải Phong đưa ra một số lý do giải thích cho sự chọn lựa của mình. Thứ nhất, trong thời gian theo bậc trung học ở trường Gia Long, chị đã được các giáo sư âm nhạc hướng dẫn về thể loại nhạc này vì nhận thấy hợp với chất giọng của chị. Từ đó trở thành sở thích, theo đuổi chị cho đến ngày nay. Ngoài ra, Hải Phong cho biết muốn tạo cho mình một chỗ đứng riêng biệt từ sự thích hợp của giọng hát mình đối với những nhạc phẩm thuộc thể loại trên mà không nhất thiết phải theo thị hiếu của đại đa số thính giả để hát nhạc mới, nhộn nhịp trẻ trung "vì đã có các trung tâm nhạc làm rồi".

Riêng Hải Phong còn muốn đưa đến thính giả những nét đẹp của nghệ thuật qua những nhạc phẩm giá trị, có chiều sâu trong lời ca lẫn tiếng nhạc là những nhạc phẩm đã được thử thách và tồn tại với thời gian để trở thành bất tử. Đối với Hải Phong, âm nhạc cũng như những bộ môn nghệ thuật khác đều được chia thành những trường phái khác nhau. Trong âm nhạc, chị tự nhận là cùng một "trường phái" với một số ca sĩ đi trước nên việc chị hát những nhạc phẩm đã được những ca sĩ đó trình bày là kết quả của một sự đồng sở thích và quan điểm về nghệ thuật nên không hẳn là một sự bắt chước.

Hải Phong cũng tỏ ra không ngại khi bị mang ra so sánh với những ca sĩ đàn chị đã từng trình bày những nhạc phẩm được thu thanh trên 2 CD Tình Tự Mùa Xuân và Dưới Giàn Hoa Cũ. Thứ nhất, chị cho rằng mỗi giọng hát đều có những đặc điểm riêng, dù trình bày cùng một nhạc phẩm, và chưa chắc giống như những ca sĩ kia. Thứ nhì, với kỹ thuật thâu âm và máy móc tân tiến cùng kỹ thuật hoà âm vượt trội hơn xưa nên có hát lại bài cũ cũng sẽ khác với kỹ thuật đơn sơ ngày trước. Ngoài ra, dù có hát lại những nhạc phẩm đó thì chị cho biết cũng đã áp dụng tất cả những kỹ thuật thanh nhạc, kỹ thuật hát cùng kiến thức học được của ngoại quốc vào những nhạc phẩm này, thí dụ như với bài Mùa Thu Không Trở Lại với câu kết được áp dụng kỹ thuật trong nhạc bán cổ điển mà không hát theo câu kết của nhạc phẩm nguyên thủy. Trong trường hợp này cũng được áp dụng với những nhạc phẩm Riêng Một Góc Trời và Hình Ảnh Một Đêm Trăng.

Vấn đề không ngại khi bị so sánh được Hải Phong cho biết đến từ sự tự tin của mình, "chưa kể là mình làm gì cũng kỹ càng và tận dụng hết sức mình thì tại sao lại cứ sợ bị đem ra so sánh". Hải Phong còn nhấn mạnh ở điểm chị "không sống bằng nghề ca hát, nên ai đem mình ra so sánh tứ là đã "unfair" với mình", hơn nữa "không có một giọng hát nào có thể nói là hơn hẳn một giọng hát khác, hơn mặt này thì kém mặt kia, v.v... cho nên phải mạnh dạn làm những gì mình thích", như chị thẳng thắn nêu lên quan điểm của mình.

Với trình độ thẩm âm của thính giả hiện nay, Hải Phong cho biết không ngại là họ không nhận thức được sự cố gắng của mình. Chỉ cần là một khán giả "công bằng", với một sự đòi hỏi bình thường thì việc nhận thức được sự cố gắng và khả năng của mình chỉ là vấn đề sớm muộn.

Sự nhận thức nơi khán thính giả thật sự đã đến với Hải Phong sớm, rất sớm khi chỉ trong vòng một thời gian CD đầu tay Tình Tự Mùa Xuân của chị đã được tái bản lần thứ hai. CD thứ nhì Duới Giàn Hoa Cũ phát hành vào cuối tháng 5 năm 2003 đã khiến Hải Phong tự tin hơn khi chỉ trong một thời gian ngắn, số lượng tiêu thụ đã bằng số lượng được thính giả tìm đến trong 7 tháng đối với CD đầu tiên. Thu nhận được một kết quả khả quan như vậy, Hải Phong lại sắp sủa tung ra một CD khác lấy tên là "Mẹ Trùng Dương" với phần thu âm đã hoàn tất vào cùng thời gian với
CD thứ nhì.

Tất cả 3 CD do Hải Phong thực hiện đều do Duy Cường hoà âm. Điều đó đã đóng góp một phần rất lớn vào sự thành công của 2 CD đã phát hành, nhờ ở sự kết hợp làm việc rất chặt chẽ giữa một giọng ca và một nhạc sĩ mà cả hai đều đòi hỏi một sự kỹ lưỡng tuyệt đối. Trong lần đến dự một buổi thu âm dài 3 tiếng của Hải Phong, nhạc sĩ Phạm Duy đã đưa ra những nhận xét thuận lợi về tiếng hát cũng như lề lối làm việc của chị nên đã khiến Hải Phong thêm được nhiều tự tin.

Hải Phong tên thật là Nguyễn Lệ Châu, sinh tại Hà Nội trong một gia đình có 7 anh chị em, 4 gái, 3 trai mà chị là người con cả. Một thời gian ngắn sau khi chào đời, gia đình chị di cư vào Nam và cư ngụ tại Sài Gòn. Hải Phong theo bậc trung học ở trường Gia Long, trừ hai năm học tại Vũng Tầu khi cùng gia đình ra ở nơi nhà nghỉ mát ở đây. Các thầy cô hướng dẫn về âm nhạc nhận biết được khả năng của Hải Phong sau khi chú tâm đến việc uốn nắn chị về nhạc lý và thanh nhạc nên có ý định giới thiệu chị vào những ban văn nghệ thiếu nhi như Nguyễn Đức và Tuổi Xanh sau nhiều lần chị tham dự những buổi văn nghệ do trường tổ chức.

Tuy nhiên chị không được gia đình đồng ý và thường nhắc đến lời khuyên của cụ Bùi Văn Bảo trước kia để khuyến khích Hải Phong đi theo con đuờng học vấn. Hải Phong là học trò cưng của cụ Bùi Văn Bảo khi chị theo học bậc tiểu học. Cụ chính là người đã hướng dẫn chị trong lãnh vực văn chương. Khi học đến lớp Nhất vào năm 11 tuổi, Hải Phong đã bắt đầu viết văn. Tình cờ qua một bài luận văn tả "Một buổi tối trong gia đình em", chị đã viết một cách tự nhiên khiến cụ Bảo rất ngạc nhiên để lấy bài đó sửa thành một truyện ngắn đăng trên tờ Tuổi Xanh do cụ chủ trương. Từ đó những bài luận văn của Hải Phong đều được cụ gọi lên đọc cho cả lớp nghe, trong số có những bài được đăng lên tờ Tuổi Xanh.

Sau khi đậu thủ khoa vào Gia Long, Hải Phong cũng được các cô giáo dậy Việt văn chú ý nên khuyến khích chị viết những bài luận văn với một số được chọn lọc để đăng trên bích báo của trường. Sau đó Hải Phong thỉnh thoảng gửi bài cho báo Ngôn Luận và để rồi được mời viết thường xuyên trên các mục dành cho tuổi thơ của tờ báo này. Ngoài ra, chị còn được những nhà văn Duyên Anh và Đinh Tiến Luyện trau dồi thêm cho cách viết sau này "viết lách tương đối dễ dàng" hơn đối với chị.

Hải Phong rời Việt Nam năm 75 và cư ngụ tại Montreal đến năm 89 để rồi cùng gia đình dời về Sherbrooke sau khi được thu nhận vào làm việc cho cơ quan thuế vụ Cananda. Trước đó khi còn cư ngụ ở Montreal chị theo học ngành kế toán và quản trị tài chánh tại đại học Sherbrook. Sau khi tốt nghiệp, chị đi làm tại Baie James trong một năm trước khi trở lại Montreal làm việc cho những công ty tư nhân. Chị có được 3 người con với chồng là một viên chức cao trong thời Đệ Nhị Cộng Hoà. Người con lớn của chị có tên là Hải Phong, cũng là tên chị dùng trong lãnh vực ca nhạc và văn chương, năm nay 22 tuổi, theo học dương cầm từ khi lên 5 cũng như hai người em trai song sinh năm nay 13 tuổi. Khi theo phụ hoạ trong những buổi trình diễn của mẹ, Hải Phong lấy tên là Nam Phong.

Trong sinh hoạt ca nhạc Việt Nam tại hải ngoại, Hải Phong đã có dịp sinh hoạt chung với những nghệ sĩ bán chuyên nghiệp và chuyên nghiệp. Nơi mỗi người, chị đều cố gắng tìm hiểu thể cách trình diễn của họ. Như ca sĩ Đoàn Chính, người chị coi là "một người bạn văn nghệ", đã từng mang đến cho chị nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật nên đã giúp chị vượt qua được một số khó khăn mà tự mình không nhìn thấy trong những lần trình diễn chung. Nhất là trong việc sửa soạn trình bày một bản nhạc, Hải Phong "đã học hỏi được một cách trực tiếp hay gián tiếp nơi người bạn văn nghệ đó", như lời chị nói.

Trong lãnh vực văn chương, tại hải ngoại, Hải Phong từng viết cho những báo của cộng đồng Người Việt tại Ottawa, Montreal và Liên Hội Việt Kiều, vv... trong những năm đầu tiên. Vào năm 97, chị phát hành tập truyện ngắn đầu tay "Vùng Yêu Đương" tại Montreal dưới tên Hải Phong với một số bài thơ của Hải Bình. Chị đã dùng tất cả tiền sách bán được tặng cho quỹ của Liên Hội Việt Kiều Canada trong việc gây quỹ để xây dựng trụ sở cho Liên Hội. Năm 2002, Hải Phong phát hành tuyển tập truyện ngắn "Chị Yêu", được tiêu thụ rất nhanh. Hiện chị cộng tác với tờ Thời Báo và Đi Tới ở Canada. Ngoài ra còn có bài đăng trên tập san Tiếng Sông Hương và Nhịp Cầu Áo Tím của hội Cựu Học Sinh Gia Long ở Mỹ.

Với công việc hiện nay trong cơ quan thuế vụ Canada, Hải Phong thường đi thuyết trình về lãnh vực chuyên môn cũng như thỉnh thoảng viết những bài liên quan đến lãnh vực này, được đăng tải trên những tờ báo về tài chánh của Canada.

Tuy Hải Phong đã quyết định không đi theo con đường ca nhạc cũng như văn chương là hai bộ môn đã thấm vào tâm hồn chị như hơi thở, nhưng "dù mình có đi theo con đường nào thì hai bộ môn ấy vẫn là hơi thở ràng buộc mình trong tất cả những bước đi". Sự ràng buộc ấy vẫn theo đuổi chị, có lẽ đến suốt đời, với tính cách là một người nghệ sĩ tài tử, coi âm nhạc và văn chương như một thú tiêu khiển thanh cao, trên đường đi tìm những thính giả - và độc giả - "công bằng" ...



Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.