Nếu chưa lạc thì em kể tiếp chuyện này nghe, có chị nào giải thích được giùm em là gì không nha.
Gia đình nào thì trước sau cũng phải có người mất đi, đó là chuyện bình thường, nhưng khi những cái chết có liên hệ đến nhau thì đâm ra làm cho người sống lo sợ. Gia đình bên nội em di cư vào nam năm 1954, có ba người con, một gái và hai trai. Trong hai người con trai, người con lớn đẹp giai, cao lớn, mặt to, tai to, nhưng ông/bà thầy tướng nào đó lại nói là cậu cả vắn số, không sống qua nổi năm 33 tuổi. Ông bà em dù không tin nhưng nghe vậy cũng sợ mất con nên cho cậu cả theo ngành y để tránh ra mặt trận đụng với súng đạn, còn cậu hai gầy người, răng hô, mắt lộ, ông bà chẳng "care", muốn làm gì thì làm, cho nên thời trẻ thì ôm đàn làm nghệ sĩ, sau đó theo đường binh nghiệp, lấy vợ... đẹp
.
Năm 1963, tức năm Quý Mẹo, cậu cả đột ngột qua đời. Tuy không ra mặt trận nhưng lại chết vì bị bắn xẻ, viên đạn trúng động mạch chủ ở hông, mất máu mà chết, đúng năm 33 tuổi.Trong khi đó cậu hai ra mặt trận tứ xứ chẳng nhằm nhò gì, cho đến khi mất nước năm 1975 thì đi tù, thế thôi.
Ông nội ở nhà ngóng con, buồn bã chẳng ăn uống gì, ít lâu sau thì mất một cách cũng khá đột ngột, cùng năm 1975, tức năm Ất Mẹo, 12 năm sau khi cậu cả mất. Sau khi trong nhà có hai cái tang lớn, mà cỗ quan tài được đặt ngay cùng một chỗ ở "đại sảnh", căn phòng chính của ngôi nhà có cửa lớn mở ra sân trước, thì căn phòng này sau đó bị đóng, chỉ dùng làm phòng thờ.
Phòng này cũng có một cửa nhỏ ở chân cầu thang, cửa kiếng có một miếng bể, mỗi lần em đi ngang nhìn vào trong tối thui, lạnh lẽo, lúc nào cũng ù té chạy tuốt lên lầu. Mấy anh chị của em mỗi khi phải vào phòng này đều phải đi hai người, mà vào thì chạy ra ngay chứ chẳng dám ở lâu, bảo rằng lạnh xương sống.
Năm 1985 ba đi tù về, tân trang nhà cửa mới mở căn phòng đó ra bỏ hết đồ đạc cũ, lau chùi bàn tủ làm phòng khách trở lại, phòng mát sáng sủa chẳng thấy gì làm sợ hãi cả.
Nhưng chỉ hai năm sau, bà nội đột ngột qua đời, "đại sảnh" lại là nơi khách khứa đến viếng, và cỗ quan tài lại đặt ngay đúng chỗ mà hai cỗ kia đã được đặt. Đó là năm 1987, tức năm Đinh Mẹo, 12 năm sau khi ông mất.
Năm 1990 gia đình em sang Mỹ, năm Mẹo kế tiếp, suốt năm cả nhà lo sợ không biết có đến "phiên" ai trong nhà hay không, nhưng chẳng có chuyện gì xảy ra. Em ngồi suy nghĩ lại mới thấy rằng có lẽ tại căn nhà.
Căn nhà của ông bà nội em hồi đó địa chỉ là số 444, những căn nhà xung quanh và trong hẻm đều là 444 xẹc hay 444 abcd gì đó chỉ có mỗi mình nhà em là 444 thôi. Em nghe nói khu này ngày xưa hoang dã mồ mả lung tung, rồi dân di cư vào có đất trống thì cất nhà thôi, dần dà thành xóm, nên số là gia chủ tự đặt, không hiểu sao ông bà nội em lại lấy số 444, chắc có lẽ các nhà gần đó là 440, 442 rồi lấy tiếp theo vậy thôi.
Nhiều người nói rằng số nhà 444 xui lắm, nhưng chắc là ông bà nội em người đạo Công Giáo không có tin dị đoạn nên... không sợ. Căn nhà lớn nhưng vẻ như nhiều âm khí (nhưng đó là chuyện khác, sau này mới kể). Riêng về số 444 thì em nghĩ rằng vì tiếng Tàu số 4 là tứ, vần với tử, có lẽ vì vậy mà người ta bảo rằng 444 nghe như tử tử tử. Bốn nhân với 3 là 12, con mèo đứng thứ tư trong số 12 con giáp. Không biết có phải tại như vậy mà mỗi năm Mẹo lại có một người chết, đúng ba lần "tử" thì gia đình mới thoát, ra khỏi căn nhà.
Lúc đi, gia đình bán lại căn nhà cho người khác, không biết gia đình những người chủ sau có bị số nhà 444 nó "ếm" không?