http://www1.thanhnien.co...oe/2007/8/13/204830.tno
Phụ nữ sẽ bị ung thư vú vì ăn bưởi?
18:44:35, 13/08/2007Thanh Tùng
Loài bưởi chùm - ảnh: C.T.V
Mới đây, một số tờ báo nước ngoài cho rằng phụ nữ ăn bưởi mỗi ngày sẽ có nguy cơ bị ung thư vú. Sự thật về bưởi trồng trong nước có gây ung thư vú hay không?
Ăn 1/4 trái bưởi mỗi ngày sẽ bị ung thư vú?
Ngày 16.7 vừa qua, BBC News và Báo Daily Mail (Anh) có đưa tin gây sự chú ý rất lớn đối với phái đẹp, đó là cảnh báo "Phụ nữ ăn nhiều bưởi sẽ có nguy cơ bị ung thư vú". Sau đó nhiều báo trong nước cũng đã dẫn nguồn các báo nước ngoài để thông tin lại vấn đề này. Các bản tin dựa trên kết quả khảo sát của hai trường đại học là Nam California và Hawaii (Mỹ) trên 50 ngàn phụ nữ ở lứa tuổi đã mãn kinh. Theo kết quả khảo sát trên, thì những phụ nữ ăn từ 1/4 trái bưởi trở lên mỗi ngày sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú lên đến 30%. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng cho rằng, cần phải có thêm những nghiên cứu để khẳng định những điều nói trên.
Giống bưởi Tân Triều (tên gọi quen thuộc là bưởi Biên Hòa, Đồng Nai) - ảnh: C.T.V
Trước đây, cũng từng có vài công bố của nước ngoài về tác dụng không có lợi của trái bưởi qua những cuộc khảo sát, nghiên cứu ngắn hạn trên một nhóm người. Và phần lớn các báo đưa tin cũng chỉ nói về bưởi chung chung, chứ không nói rõ là loại bưởi gì, điều đó đã khiến nhiều người không dám ăn bưởi!
Các nghiên cứu trước đó cho rằng, trong trái bưởi có chứa chất làm bất hoạt một loại men gan, mà men này có tác dụng làm phân hủy các loại thuốc điều trị cholesterol hoặc các thuốc tương tự nhóm statin.
Ngoài ra, cũng có khuyến cáo không nên uống các loại thuốc chống dị ứng cùng lúc với uống nước ép từ trái bưởi hay ăn bưởi sau đó, vì các chất trong bưởi sẽ "cạnh tranh" với sự chuyển hóa của các loại thuốc này...
Bưởi trong nước có gây ung thư?
Bưởi trồng trong nước có khoảng 9% acid citric, 14% đường, ngoài ra, còn có lycopin, các men amylaza, peroxydaza, vitamin A, B1, vitamin C (trong 100gr nước ép bưởi có 50mg vitamin C)... Theo y học cổ truyền, nước ép bưởi dùng chữa bệnh tiêu khát (đái tháo đường), thiếu vitamin C, làm nguyên liệu chế acid citric thiên nhiên. Theo lương y Nguyễn Công Đức, nếu dùng bưởi thường xuyên sẽ giúp chắc xương, chắc răng, tăng đề kháng, giảm cholesterol xấu trong cơ thể...
Theo lương y Nguyễn Công Đức (giảng viên khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược, TP.HCM): "Thông thường khi nói đến tên của cây thuốc hay vị thuốc thì ngoài tên thường dùng, tên địa phương, tên của các nước, cần phải xác định lại bằng tên khoa học. Chẳng hạn, khi gọi cây "náng" thì có náng hoa trắng, náng hoa đỏ, náng lá rộng...
Cùng là náng, nhưng người ta chỉ thường sử dụng náng lá rộng để trị bệnh, còn náng hoa trắng và náng hoa đỏ thì không được dùng trị bệnh".
Trở lại thông tin về ăn bưởi gây ung thư vú, loại bưởi mà báo nước ngoài đưa tin gây ung thư vú là giống bưởi chùm, có tên khoa học là Citrus Paradisi.
Các múi của bưởi chùm dính liền nhau
Giống bưởi chùm này hoàn toàn khác với giống bưởi đang có ở Việt Nam như bưởi Năm Roi, bưởi da xanh, bưởi long... có tên khoa học là Citrus maxima (Burm) hoặc Citrus grandis Osbeck. Trong nước không có trồng giống bưởi chùm tuy có cùng họ là Rutaceae (họ Cam).
Loài bưởi chùm không có nguồn gốc ở châu Á. Bưởi chùm còn gọi là bưởi đắng, chúng có cành lá nhỏ, là loại cây lai giữa cam và bưởi, xuất hiện ở vùng Caribê từ thế kỷ thứ 18 - 19; ruột của trái bưởi chùm khi cắt ngang rất giống trái cam, đặc ruột, các múi dính liền nhau... Bưởi chùm được trồng và tiêu thụ nhiều ở Mỹ, Brazil, Mexico, Argentina, Israel... Người châu Âu và Mỹ thường dùng loại bưởi chùm, vì chỉ cần cắt đôi trái bưởi ra và dùng muỗng múc ăn hay vắt lấy nước như cam. Trong khi bưởi trồng ở trong nước thì trái bưởi có ruột rỗng, tách rời các múi bưởi dễ dàng... Trước đây người Pháp cũng đã có lần mang giống bưởi chùm vào trồng thử ở nước ta, nhưng do bưởi chùm có vị đắng, múi bưởi dính liền nhau, khi tách các múi thì bị chảy nước và dập nát, nên không ai thích trồng giống bưởi này. Giống bưởi được trồng trong nước là giống bản xứ có nguồn gốc từ Đông Dương, Ấn Độ và Trung Quốc...
Từ việc phân tích về sự khác nhau giữa những giống bưởi của lương y Nguyễn Công Đức như trên, thì chúng ta có thể an tâm dùng trái bưởi trồng ở trong nước - một loại trái cây rất ngon và có nhiều vị thuốc mà không phải lo lắng gì!
Thanh Tùng