Như Quỳnh Trường KỳNỗi cơ cực thời niên thiếu " Gia đình phải lột cả cái lớp gạch bông ra bán từ từ, rồi những cái furnitures trong nhà cũng lũ lượt đi ra luôn ".
" Bên Việt Nam gia đình em khổ lắm, đến độ có lần mẹ em nghĩ là thôi, không có điều kiện nuôi con được đến nỗi mẹ em nghĩ là phải mua một cái gói thuốc chuột cho 3 con ăn, nấu cháo cho nó chết với mình là khỏe nhất"
Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên gặp Như Quỳnh. Đó là một buổi tối mùa thu năm 94 khi cô cùng phái đoàn nghệ sĩ của trung tâm Asia sang Montreal thực hiện chuơng trình video " Tác Giả Và Tác Phẩm " để tung ra vào đầu năm sau. Như bất cứ ai lần đầu tiên được tham dự trong một chương trình video của một trung tâm nhạc lớn, nhất lại là một người mới từ Việt Nam sang Mỹ cách đó vài năm, Như Quỳnh đã tỏ ra nhút nhát và còn rất nhiều bỡ ngỡ khi tiếp xúc với giới truyền thông. Tối hôm đó qua một vài trao đổi, tôi chỉ biết được một vài chi tiết về một thiếu nữ còn mang dáng dấp của một nữ sinh này với một khuôn mặt thật trong sáng. Lần thứ nhì, cũng tại Studio C 42 của hệ thống truyền thông CBC ( Radio Canada ), vào năm 95 tôi lại có dịp gặp Như Quỳnh sau khi qua lần xuất hiện đầu tiên, tên tuổi cô đã được rất nhiều người biết đến. Chỉ một thời gian ngắn sau, Như Quỳnh đã trở thành một ngôi sao sáng chói. Đến nay đã hơn 5 năm kể từ khi Như Quỳnh đến với những sinh hoạt ca nhạc hải ngoại. Sự nổi tiếng của cô đã đưa đến cho cô nhiều sóng gió và những lời đồn đãi không hay. Nếu không có những sự tiếp xúc gần gũi với Như Quỳnh, tình cảm đối với cô nơi những người bàng quan rất dễ dàng bị lung lay do ảnh hưởng của "miệng tiếng thế gian ". Sau những lần gặp gỡ hoặc liên lạc qua điện thoại với Như Quỳnh, tôi đã có dịp tìm hiểu thêm về một người ca sĩ, mà đối với tôi rất thành thật và dễ mến. Sự thành thật của cô - mặc dù đã trải qua những năm tháng va chạm với thực tế - vẫn giữ nguyên như những ngày đầu, tuy rằng có pha đôi chút e ngại. Sự dễ mến và hồn nhiên của cô - mặc dù với kinh nghiệm đã trở nên dè dặt - nhưng vẫn không che đậy được những nét tự nhiên bẩm sinh của một tâm hồn trưởng thành trong sự bình dị...
Có thể nói chưa từng có ca sĩ nào trở thành nổi tiếng mau chóng như Như Quỳnh. Và nếu coi cô là một hiện tượng cũng không phải là quá đáng trước một sự thành công khó người sánh kịp trong suốt hơn 5 năm qua. Tiếng hát của cô chưa có thể gọi là đặc sắc trên phương diện âm nhạc, nhưng tiếng hát đó bao gồm nhiều sắc thái đặc biệt với một sự rung cảm, dễ đi vào lòng người nghe qua những nhạc phẩm tình cảm nhẹ nhàng hoặc những ca khúc đượm màu sắc quê hương rất được ưa chuộng tại hải ngoại.
Như Quỳnh tên thật là Lê Lâm Quỳnh Như, sinh ngày 9 tháng 9 năm 1970 tại Đông Hà, Quảng Trị. Cô là con gái đầu lòng của một gia đình gồm 3 người con. Hai người em trai của cô là Tường Duy, mới tốt nghiệp kỹ sư điện toán vào khoảng giữa năm 2000, và Tường Khuê là một thanh niên rất đam mê về ngành thiết kế y phục, từng may nhiều kiểu áo dài rất đẹp cho người chị ca sĩ của anh mặc khi xuất hiện trên video hoặc trên những "live show". Những năm tháng đầu đời, Như Quỳnh rất khó nuôi, có lần tưởng đã nguy đến tính mạng khi bị sốt xuất huyết vào năm 71, sau khi cả gia đình cô di chuyển vào Sài Gòn theo thân phụ cô - một người gốc Quảng Trị - là một thiếu tá ngành an ninh quân đội. Vì quá thương đứa con gái đầu lòng, mẹ cô đã phải quì xuống đất năn nỉ những bác sĩ và y tá ở bệnh viện Nhi Đồng cứu chữa. Và may mắn, Như Quỳnh đã được cứu sống.
Qua những nhạc phẩm mang mầu sắc quê hương thường trình bầy, Như Quỳnh cho biết là cô cảm
thấy như có một sự gắn bó với nơi cô đã chào đời, do đó luôn ao ước có dịp về thăm ngôi làng Đông Hà nhỏ bé khô cằn sỏi đá của cô, dù trong đầu óc không hề mang một chút hình ảnh nào ngoài những gì do mẹ cô kể lại. Theo lời truyền tụng cũng do thân mẫu cô kể thì hầu hết những thiếu nữ ở Đông Hà thường gặp phải chuyện lận đận về vấn đề chồng con như gặp trắc trở hoặc có hai đời chồng. Vào năm 12 tuổi, Như Quỳnh đã có lần ra tới Huế, nhưng không có dịp ghé về nơi chôn nhau, cắt rốn của mình, nhưng" nếu điều kiện cho phép...Cái điều kiện nói đây là nghĩa rộng thì em muốn về lại cái làng chỗ mình sinh, nơi mà mình sinh ra để mình coi cái đời sống nó ra làm sao. Có thể nó có nhiều thay đổi lắm ". Sau khi vào Sài Gòn năm 71, Như Quỳnh cư ngụ trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm và theo học cấp 1 tại hai trường Nguyễn Bỉnh Khiêm và Đinh Tiên Hoàng trước khi học tiếp cấp 2 ở trường Trần Văn Ơn và cấp 3 ở trường Trưng Vương để sau đó chiếm được mảnh bằng Trung Học Phổ Thông. Trong thời kỳ học sinh, Như Quỳnh là một học sinh rất nhút nhát, thường hay ngồi một chỗ, ít giao thiệp với bạn bè. Cô thích sự yên tĩnh và thường sống về nội tâm trong một thế giới riêng biệt, mà theo cô đến từ sự khó khăn của gia đình. Sự kiện này đã được Như Quỳnh cho là hoàn cảnh đã tác động đến vấn đề tâm lý của cô. Sau khi tốt nghiệp trung học Phổ Thông, Như Quỳnh với một tấm lòng rất thương mến trẻ thơ đã tình nguyện cộng tác với một nhà Văn Hóa Thiếu Nhi để tập múa và tập hát cho các trẻ em.
Khi mới là một cô bé học sinh lớp mẫu giáo của trường Bà Lê Chân, Như Quỳnh đã xuất hiện trước ống kính thu hình để hát ca khúc đầu tiên trong đời cô là " Em Yêu Trường Em ":"Hồi bé là hồi 5 tuổi em học ở trường mẫu giáo. Lúc đó mới là năm 75 thôi, thì vừa hết giờ học xong một cái là có một nhóm của đài truyền hình tới quay chương trình mẫu giáo, thì em cũng được hát một bài đầu tiên lúc mà 5 tuổi"
Do đó nhiều lúc Như Quỳnh tự hỏi phải chăng đó là điềm báo trước cho sự xuất hiện của cô 20 năm sau trước ống kính thu hình của các chương trình video tại hải ngoại với những thành công mà ngay chính cô cũng không ngờ tới...
Cũng do lòngï đam mê ca nhạc mà Như Quỳnh có dịp phát triển khả năng thiên phú của mình mặc dù không được học "chính quy" mà chỉ học lóm qua những bạn bè hoặc theo học miễn phí một thời gian ngắn với một vài nhạc sĩ muốn nâng đỡ một người mà theo họ rất có triển vọng tiến xa sau này. Nhờ đó Như Quỳnh đã có được một chút ít căn bản về ký xướng âm. Và cũng do dự đam mê ca hát, cô đã tích cực tham gia vào rất nhiều hoạt động văn nghệ trong khi còn trong lứa tuổi thiếu nhi vì" Thực ra trong cái thời gian dó thì em mê hát nên chắc chắn không thể nào thoát khỏi những sinh hoạt văn nghệ...không thể nào bỏ qua những lúc đi hát, những hội hè hoặc những lúc có những cái party nho nhỏ cho thiếu nhi...Sẵn sàng nhào vô là hát liền thôi "
Nhưng lý do chính yếu đã khiến Như Quỳnh không thể theo học nhạc đến nơi đến chốn là hoàn cảnh rất khó khăn về kinh tế của gia đình cô sau biến cố tháng Tư năm 75, cũng là thời gian thân phụ cô bị vào tù cải tạo. Như Quỳnh không sao quên được một buổi sáng cùng với bố đứng bên cửa sổ nhà, sau đó chứng kiến cảnh ông ra đi không kịp thu xếp quần áo. Mất đi người cột trụ của gia đình cùng với sự đổi thay của thời cuộc, gia đình Như Quỳnh lâm vào cảnh túng thiếu có thể nói là cơ cực khi đồ đạc trong nhà lần lượt được bán đi để cầm cự qua ngày: " Gia đình phải lột cả cái lớp gạch bông ra bán từ từ, rồi những cái furnitures trong nhà cũng lũ lượt đi ra luôn ". Không những thế, những cái mùng ngủ cũng phải vá víu đến cả trăm mảnh và lớp "tôn" trên mái nhà còn bị mục nát " Đến nỗi tối nằm ngủ tụi em đếm được sao trên trời đó ". Ruột bánh xe đạp của mẹ cô cũng " không còn chỗ vá được nữa ". Cũng từ sự thiếu bàn tay người đàn ông trong nhà, Như Quỳnh mới cảm thấy thương cho người mẹ đã cố gắng chịu đựng và gánh vác mọi việc nặng nhọc trong nhà như sơn xe, sửa điện, sửa mái nhà, vv...
Không những thế, Như Quỳnh lúc đó ngoài giờ đi học cũng đã phải phụ mẹ cô buôn thúng bán bưng rất vất vả trước cửa Thảo Cầm Viên Sài Gòn trong một thời gian dài với một sự thu nhập rất khiêm nhượng. Tình trạng kinh tế của gia đình cô càng ngày càng trở nên bi đát đến nỗi có lần mẹ cô đã nghĩ đến chuyện quyên sinh:" Lúc đó gia đình em khổ lắm. Bên Việt Nam khổ lắm, đến độ mà có lần mẹ em nghĩ là thôi không có điều kiện nuôi con được đến nỗi mẹ em nghĩ là phải mua một cái gói thuốc chuột cho 3 con ăn, nấu cháo cho nó chết với mình là khỏe nhất. Khổ đến như vậy, nghĩa là không còn một cái tia hy vọng gì để mà mẹ em nghĩ là có thể nuôi con được nữa đó".
Qua những lời tâm sự của Như Quỳnh, người ta khó tránh được những xúc động để bùi ngùi thương cảm cho hoàn cảnh cực kỳ khó khăn mà gia đình cô đã gặp phải do hoàn cảnh xã hội tạo nên. Cũng do sự vắng bóng người cha trong gia đình, Như Quỳnh đã dành cho mẹ cô một tình thương sâu đậm, trước sự nhẫn nại và hy sinh của bà để nuôi nấng 3 con nên người trong suốt gần 13 năm. Và riêng Như Quỳnh đã đạt được một sự thành công to lớn tại hải ngoại như một sự bù đắp xứng đáng cho những gì cô đã trải qua trong thời kỳ từ thơ ấu cho đến niên thiếu. Cũng nhờ đó cô đã có dịp đền đáp công ơn sinh thành của mẹ. Nhìn về quá khứ thời niên thiếu, Như Quỳnh không ngại ngùng khi xác nhận về sự mặc cảm của sự cơ cực của gia đình, nhưng chính nhờ đó cô đã "nhận ra được một điều là phải trải qua những khó khăn như thế , có được thời gian khổ cực thì mới hiểu được cái giá trị của đời sống bây giờ"
Do sự khuyến khích của mẹ cô và bạn bè, Như Quỳnh ghi tên tham dự cuộc thi Tiếng Hát Truyền Hình được tổ chức lần đầu tiên tại Sài Gòn vào năm 91. Với một bản tính khiêm nhượng, Như Quỳnh đưa ra nhận xét vì là năm đầu tiên tổ chức nên thể lệ chấm thi chưa khắt khe nên cô đã may mắn đoạt giải nhất vì cô không bao giờ hy vọng mình sẽ đoạt được giải đầu. Và cũng với bản tính nhút nhát, khi đứng trên sân khấu dự thi cô đã quá hồi hộp và run sợ nên đã nói lắp bắp không ra lời cũng như hát quá nhỏ khiến ban tổ chức phải nhắc nhở hát lớn hơn. Ngoài ra Như Quỳnh thường hay chảy mồ hôi tay nên đã xém bị điện giật khi cầm micro trong tay. Nhắc về lần dự thi đó, Như Quỳnh cho biết là một kỷ niệm đáng ghi nhớ của cô...
Là một tín đồ Phật Giáo, Như Quỳnh tuy không thường đi lễ chùa nhưng cô cho biết là rất tin tưởng nơi đấng tối cao để chủ trương luôn luôn sống theo đường phải vì theo cô như vậy những sự cầu xin của mình mới được ứng nghiệm:" Dạ, trời ơi, em nghĩ nếu mà mình có tin là có thể có ứng nghiệm.Tại vì mình có lòng tin với cái đạo của mình đó. Em nghĩ là mình xin là được, nhưng mà em nghĩ cái điều quan trọng hơn là mình sống phải đó thì mình được những cái tốt. Em quan niệm như vậy"
Điều quan trọng hơn hết đối với cô là sống theo lương tâm của chính mình" Cái lương tâm, nếu mình cảm thấy mình không có làm gì trái lương tâm và mình không hại người khác ...Dù mình có lừa dối hay mình có lừa dối người ta nhưng mình đâu có lừa dối được những người mà khuất mặt khuất mày và bề trên đâu anh. Thành ra cái chuyện đó em tin lắm. Nhưng mà nếu mình làm điều gì mà sai trái cũng phải gánh cái hậu quả, cái đó là cái chắc rồi"
13 năm sau thân phụ Như Quỳnh từ trại tù cải tạo trở về, cuộc sống tình cảm của song thân cô sau đó đã không được êm xuôi, lý do đến từ những biến chuyển về mặt xã hội và tâm lý mà theo như nhận xét của Như Quỳnh là " quan niệm và cái nhìn của hai người cũng khác rồi". Tuy nhiên sau khi được nhận sang Mỹ theo diện HO, thân phụ cô vẫn đứng ra bảo lãnh cho mẹ cô cùng các con...Và cuộc đời Như Quỳnh đã hoàn toàn đổi thay sau một thời gian ngắn ra đến hải ngoại...
Trường Kỳ
2001