Già Mà Ngớ
Trưa nắng chang chang, không nón bảo vệ, không khăn che miệng, không găng tay cao gần sát nách, không vớ; chỉ võn vẹn cặp kính mát, tôi gồng mình chịu… cháy. Hôm nay là ngày thứ ba tôi có mặt ở Việt Nam thế mà tôi vẫn chưa làm quen lại những thủ tục trước khi ra đường. Đó là nón, khăn che miệng, nếu che cả cổ càng tốt, găng tay cao quá cùi chỏ, kính mát. Khăn che miệng, chỉ miệng mũi thôi và kính mát thì tôi chấp nhận, còn những thứ kia thì… no thanks! Ấy cho nên cái trán, bàn chân, bàn tay và hai cánh tay đã bắt đầu thành than. Chỉ sau hai ngày! Ơi… nhớ thủa nào cùng nhỏ bạn thân trên chiếc PC thong dong đường phố, tóc thả dài lay lay trong gió chiều, khoái chí giả bộ làm ngơ những aii ngoái đầu nhìn lại… Bây giờ thì các cô chẳng được có người ngoái đầu nhìn lại vì cô nào chạy xe cũng trang phục như sắp sửa đi cướp nhà băng. Nét thơ mộng biết sao tìm được trong lòng Sài Gòn của tôi!
Tôi không ngờ chú công an trẻ măng gật đầu ngay khi tôi trình bày lý do muốn đi vào phía trong, nơi chỉ dành cho nhân viên và hành khách đang chờ qua đợt kiểm tra hành lý, hoàn tất thủ tục nhập cảnh. Tôi đưa passport cho một nhân viên sau quầy, trình bày, xin được gặp ngưòi có thẩm quyền giải quyết chuyện này.
Vừa lật trang đầu của sổ passport, ông ấy kêu to:
- Đây rồi, đây rồi, chính ông này rồi, ông có tóc dài cột túm phía sau nên dễ nhớ. Ông ta đến trả lại cái passport của chị mấy ngày nay rồi. Sao bữa nay chị mới đến?
Mừng húm, tôi trả lời:
- Cũng may là tôi cần passport nên mới khám phá ra hôm nay. Còn không, đến ngày đi, đến phi trường mới biết không phải passport của mình, chừng đó mới quýnh quýu. Anh có passport của tôi đây không?
- Chúng tôi không có ở đây, chị phải lên công an hải quan. Công An Hải Quan giữ. Sao chị lại lấy passport của ông ấy?
- Các anh đưa cho tôi chứ làm sao tôi tự lấy được. Nhưng làm sao lộn được khi công an hải quan giải quyết từng người?
- Lộn là lộn ở đây.
À ra thế! Thôi nhớ rồi! Khi đưa va ly cho chạy qua dây cuốn, người kiểm soát cứ nhận passport, chờ hành lý đi qua khỏi rồi trả lại, không cần ngó mặt người nhận có phù hợp hình hay không. Mà người nhận cũng hấp tấp, va ly qua cửa ải cuối cùng được an toàn nên cứ dơ tay nhận passport màu đỏ giống in hệt của mình, nhét vô giỏ, xong, thủng thẳng ra cửa. Vậy mà tôi nghi ngờ công an hải quan mưu mô làm khó dễ kẻ “làm lơ”. Xin lỗi! Xin lỗi!
- Anh chỉ dùm tôi đường lên phòng công an hải quan.
Đúng là nơi tôi đã làm thủ tục nhập cảnh! Lại phải trình bày lần nữa, vấn đề coi bộ lạ với những người đang có ca này. Quang cảnh nơi đây có vẻ nghiêm khắc, lạnh lùng. Tận tâm, họ phải gọi điện thoại đi nhiều nơi. Cuối cùng, một cậu rất trẻ, đến, nói, giọng nam:
- Chúng tôi đang quản lý passport của cô.
Giật mình, hơi khớp khi nghe chữ quản lý. Tôi hỏi liền:
- Quản lý là gì?
Đôi mắt còn trong xanh của anh chàng công an mở to, hơi bất bình vì câu hỏi vừa ngơ ngáo vừa vô duyên của người đàn bà đáng tuổi mẹ mình. Cậu ráng lấy vẻ ôn hoà, nhìn thẳng vô mắt tôi, đo lường xem tôi hỏi thật hay đùa, nói:
- Là chúng tôi đang giữ pass port của cô.
Lòng nhủ bụng: Sao không nói giữ mà nói là quản lý, hừm… háng rộng!
Tôi hỏi tiếp:
- Vậy em cho cô nhận lại được không?
- Cô phải xuống phòng tiếp dân để nhận. Người giữ passport của cô không có ca làm bây giờ, cháu đã gọi điện cho anh đó, anh trên đường đến đây.
- Phòng tiếp dân là phòng gì?
Lại hỏi ngu ngơ! Lại mở to mắt nhìn! Anh chàng công an hải quan kiên nhẫn hướng dẫn đường xuống phòng tiếp dân. Miệng lẩm bẩm… phòng tiếp dân… phòng tiếp dân… xuống hết cầu thang cuốn, đi ra khỏi khu vực, quẹo phải… chết bà… phòng gì ta… phòng gì ta? Chạy ngược lên, hỏi:
- Hồi nãy em nói cô sẽ tới phòng gì?
Mặc kệ những đôi mắt nửa trêu cợt nửa tội nghiệp, tôi lại lẩm bẩm… phòng tiếp dân… phòng tiếp dân… gần lối đi vào của hành khách sẽ lên máy bay… phòng tiếp dân…
- Chị đưa passport cho tôi.
Giật mình, tôi quay lại. Cậu thanh niên mặc thường phục, cũng rất trẻ, cũng nói giọng nam, hơi hối hả, vừa nói vừa như muốn giựt cái passport tôi đang cầm trên tay. Một ý tưởng bén ngay trong đầu tôi: tiền trao cháo múc. Tôi lắc đầu mà trong bụng hơi hơi tự xấu hổ vì cử chỉ nghi ngờ của mình, trả lời:
- Chú em phải đưa passport của tôi.
Quả thật, cậu ta hơi bực mình vì tôi tỏ thái độ nghi ngờ. Nhập gia tùy tục mà! Phải biết nghi ngờ, phải biết đề phòng mới mong sống sót! Hay cậu ta bực mình vì tôi không xuống giọng? Giọng cậu ta khó chịu rõ ràng:
- Chị đừng lo, không ai lấy passport của chị làm gì đâu. Tôi kiếm nhà chị hai ngày nay mà không ra, chị khai địa chỉ nhà sai, chị khai gian.
Nghe hai tiếng “khai gian”, các đường gân mặt bắt đầu căng, nóng, tôi cáu, trả lời dấm dẳng:
- Tôi không khai gian, đó là số cũ, địa chỉ thay đổi số mới nên tôi không biết.
- Đáng lý chị phải trả tiền xăng cho tôi.
Không khí bỗng dưng căng thẳng giữa tôi và cậu công an này. Nhận được cái passport của mình, chắc ăn, tôi “trở mặt”, trả lời:
- Chú em cần bao nhiêu? Vài trăm đô? Rõ là giận mất khôn, lỡ hắn ta ừ thì sao?
Anh chàng công an trẻ, người nam lắc đầu, bỏ đi, chắc chán cái bà Việt Kiều đanh đá này.