Cổ tích xưa kể, có một bà mẹ sinh ra một đứa con trai không có tay chân. Bà đặt tên cho con là Sọ Dừa. Với người khác, Sọ Dừa là một quái thai, nhưng với mẹ, Sọ Dừa là viên ngọc quý. Với tình yêu và sự nâng niu, chăm sóc của mẹ, Sọ Dừa khôn lớn, trưởng thành như bao đứa trẻ khác. Đó là một bài học về tình thương đối với những đứa con khác thường, nhưng nhiều ông bố, bà mẹ ngày nay vẫn chưa hiểu hết.
Con tội, con nợ !
Cho đến ngày ông Lê H. - trưởng phòng nhân sự của một công ty - bị tai biến, mọi người trong cơ quan đến nhà thăm mới biết ông có ba đứa con.
Trước đây, mỗi lần cơ quan tổ chức đi du lịch hay tiệc tùng, ông chỉ đưa hai đứa con một trai, một gái đến tham gia. Ai cũng trầm trồ khen các con ông xinh đẹp, khỏe mạnh, lại đang là học sinh của trường quốc tế, nói tiếng Anh lưu loát. Hóa ra, ông còn một cô con gái lớn, nói đớt, chân cao chân thấp, dáng đi khập khiễng, đầu óc “lơ ngơ”, chỉ đủ sức học đến lớp 7. So với hai đứa em, cô bé như một con vịt xấu xí.
Biết bố mẹ dồn sức lo cho hai em ăn học với một niềm tự hào, cô con gái lớn tủi thân, an phận trong xó bếp, lo cơm nước. Hai đứa em cũng xem chị như một người có nhiệm vụ giặt giũ quần áo cho chúng. Những lúc cả nhà đi chơi, cô chị xung phong…ở nhà, vì ngại sự có mặt của cô khiến mọi người mất vui. Có người hàng xóm mới đến hay gặp cô những lúc cùng đi đổ rác, ngỡ cô là người giúp việc nên thỉnh thoảng mua cho cô đôi dép, cái kẹp tóc.
Nhìn đứa con gái “như bế nhầm con người khác từ nhà hộ sinh” về, ông bố coi như phải trả nợ kiếp trước. Nhưng, giờ chính cô con gái ấy lại đang tận tình chăm sóc cho bố.
Ông Hòang P. - tổng giám đốc một công ty bất động sản, không chấp nhận việc đứa con trai mắc chứng down. Tuy thằng bé nói được, biểu lộ được chút ít cảm xúc, nhưng ông hoàn toàn thất vọng vì “có chữa cũng chẳng bình thường được, chẳng học hành được”. Ông dành riêng cho con một phòng trên lầu với một người giúp việc. Thằng bé chỉ được ra vườn chơi và biến vào trong phòng khi nhà có khách. Ông không muốn đưa con ra cho mọi người bình phẩm, xầm xì. Từ ngày vợ sinh đứa con trai thứ hai thông minh, lanh lợi như bố, ông mới thấy nhẹ cả người.
Sinh đứa con đầu lòng, chưa kịp hưởng niềm vui làm mẹ, chị Như T. – nhân viên bán hàng siêu thị, đã đối diện với nỗi lo “con không phát triển bình thường” Bé có dấu hiệu của bệnh bại não. Cũng từ lúc đó, chồng chị chỉ muốn ở quán nhậu hơn là về nhà. Bà mẹ chồng cũng buồn rầu. Bà làu bàu trách con trai cứ nhất định cưới người con gái mà thầy bói đã bảo không hạp tuổi.
Bị cô lập trong gia đình, nhìn đứa con khổ sở, chị T. cũng cảm thấy mình như một kẻ vô dụng. Vào cơ quan, chị dò hỏi mọi người địa chỉ chữa bệnh cho con, nhưng giả vờ là hỏi cho người hàng xóm. Một người mẹ luôn lo lắng, sợ hãi, mặc cảm, không thể đủ sức mạnh để cứu đứa con tội nghiệp. Chị lâm vào chứng trầm cảm, theo căn bệnh ngày càng nặng của con.
Tình thương thôi – chưa đủ!
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Bình - Trưởng khoa Giáo dục đặc biệt - trường Đại Học Sư phạm TP. HCM, tâm lý “tốt khoe, xấu che” đã khiến nhiều bậc cha mẹ ngại ngùng việc “giới thiệu” đứa con kém may mắn trước đám đông. Thái độ của cộng đồng cũng khiến họ luôn hoài nghi, lo lắng bất an. Những ánh mắt thiếu thiện cảm, những lời xì xầm, đàm tiếu…khiến nhiều người chọn giải pháp “giấu con tới đâu hay tới đó”. Những đứa trẻ xấu xí, khuyết tật khi không nhận được thái độ hỗ trợ, cảm thông của cộng đồng, khi không thể “cố lên” như mong đợi của cha mẹ, sẽ trốn mãi vào sự yên phận.
Khoa Giáo dục đặc biệt của trường ĐH Sư phạm, với sự phối hợp của Bộ Giáo dục – Đào tạo, đang hòan tất các chương trình hoạt động cho dự án “giáo dục hòa nhập”. Vấn đề này đã được đặt ra cách đây mười năm, nhưng đến nay vẫn chưa đủ các điều kiện cần thiết để thực hiện. Mục đích của “giáo dục hòa nhập” là nhằm thay đổi thái độ cộng đồng, xây dựng một xã hội nhân ái, trong lành và chấp nhận sự khác biệt. Đối tượng được “giáo dục” không phải là người thiệt thòi, khuyết tật mà chủ yếu là những người bình thường để mọi người có cái nhìn “bình thường” đối với những ai kém may mắn.
Dự án đã thực hiện mẫu tại xã Thiện Nghiệp, Phan Thiết. Một sự thật được phơi bày là các cán bộ đại diện cho cơ quan chức năng không hề nắm được số trẻ bị khuyết tật ngay tại địa phương của mình. Một mặt, do họ không quan tâm; mặt khác, do cha mẹ “giấu” con. Người biết nhiều thông tin nhất hóa ra lại là ông…đẩy xe kem bán dạo khắp nơi.
Trong thời gian chờ đợi dự án được triển khai rộng khắp, những đứa trẻ kém may mắn rất cần”dũng khí” của cha mẹ. Dù cho đứa trẻ bị dán nhãn là chậm phát triển thì trẻ vẫn phát triển, chứ không phải là thứ vứt đi. Trung tâm Bảo trợ trẻ mồ côi – tàn tật Thị Nghè (TP.HCM) đã chứng minh điều đó. Không ít những đứa trẻ không xinh đẹp, lành lặn, bình thường đã bị người sinh ra mình không nhìn nhận, nhưng vẫn trưởng thành nhờ sự kiên nhẫn, tình yêu thương của những người chấp nhận chúng. Từ năm 2000, trung tâm đã xây dựng một trang trại tại Bảo Lộc để các em sau 15 tuổi có một nơi sinh sống và làm việc. Có những đứa trẻ tưởng chừng như phải nằm một chỗ cả đời, giờ đã tự nuôi được bản thân mình.
Những đứa trẻ bị “giấu” trong nhà tuy có đủ cha mẹ, nhưng lại thiếu nhiều điều kiện để tồn tại. Tiền bạc để dành cho con sẽ vô ích nếu trẻ không có cơ hội hòa nhập với cộng đồng. Hãy yêu thương đứa con kém may mắn và không phân biệt đối xử. Với nhiều căn bệnh được coi là nan y, nay cũng đã có nhiều giải pháp khả quan, hy vọng. Không bao giờ là bế tắc nếu bạn nghĩ rằng sẽ có một lối thoát và cố gắng làm hết sức mình để cứu con.
Trường Sơn
Nguồn : báo Phụ Nữ