Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

NỮ TƯỚNG BÙI THỊ XUÂN
Hạt Cát
#1 Posted : Thursday, October 28, 2004 4:00:00 PM(UTC)
Hạt Cát

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Moderator
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 80
Points: 18

Was thanked: 1 time(s) in 1 post(s)
Tác giả hc
Gởi: Tue May 11, 2004 6:40 pm

NỮ TƯỚNG BÙI THỊ XUÂN

Lãng Nhân - Hương sắc quê mình

Bà quê ở thôn Xuân Hoà, xã Bình Phú, quận Bình Khê, tỉnh Bình Định, Trung Việt, bà bẩm sinh thông tuệ và sức vóc hơn người, thêm cử chỉ đoan trang, nên được chung quanh kính nể. Thuở nhỏ theo đòi nghiên bút, lớn lên ham tập binh đao và nhất là học điều khiển voi trận.

Ngoài hai mươi, kết duyên cùng tướng Trần Quang Diệu của nhà Tây Sơn, chiêu mộ người làng cùng theo giúp chồng, lại lập riêng một đoàn nữ binh tinh nhuệ nức lòng theo vì phục tài thao lược và cảm mến đức tính cao quý của bà: không bao giờ ra lệnh giết những người đối phương đã bị bắt.

Trung thành với anh hồn vua Quang Trung sớm băng, hai vợ chồng đem hết lòng dũng cảm phò tá vua con Cảnh Thịnh trong lúc triều Tây Sơn suy yếu vì triều thần ganh tị nhau, chia bè kéo cánh, nguy hại cho thể thống.

Bấy giờ, nước ta chia làm hai phần: từ tỉnh Khánh Hoà miền nam Trung Việt ra Bắc dưới quyền triều Tây Sơn. Từ Khánh Hòa vào miền Nam do Nguyễn Ánh cai quản. Từ Khánh Hòa tới Qui Nhơn, vua Quang Trung dành quyền cho con Nguyễn Nhạc là Nguyễn Bảo chấp chính. Không ngờ Bảo mắc mưu Ánh, đầu hàng. Vua Cảnh Thịnh cho Vũ Văn Dũng cùng Trần Quang Diệu đem đại quân vào đánh Qui Nhơn, vây hãm hai mặt bộ và biển: hai tướng giữ thành, Ngô Tòng Châu uống thuốc độc tự tử, Võ Tánh nhảy vào đống lửa tự thiêu.

Thừa lúc đại quân Tây Sơn bận ở Qui Nhơn lại nhân có gió mùa đông bắc, Ánh cho một đạo quân ra tập kích Phú Xuân. Phò mã Nguyễn Văn Trị đóng quân ở núi Linh Thái không ngăn nổi quân Ánh do Lê Văn Duyệt chỉ huy đổ bộ chiếm cửa Tư dung. Vua Cảnh Thịnh đích thân đem binh ra kháng chiến, nhưng không nổi, phải chạy ra Nghệ An. Phú Xuân vào tay Ánh. Dừng lại Nghệ An, vua Cảnh Thịnh cử em là Nguyễn Quang Thùy cùng bà Bùi Thị Xuân tiến quân vào Quảng Bình đẩy lui binh Ánh. Hai tướng liên tiếp uy hiếp lũy Trấn ninh và Đâu mâu, song không thắng được ngay. Vua Cảnh Thịnh nóng ruột, muốn lui quân. Bà Bùi Thị Xuân xin tiếp tục chỉ huy cuộc chiến. Có ngày bà thúc quân đánh phá lũy Trấn Ninh từ sáng đến hoàng hôn khiển quân Ánh nao núng.

Rủi ro xảy đến do một tì tướng Tây Sơn làm phản, nên trận Sông Gianh thua, kéo theo sự đầu hàng của một tướng khác ở lũy Động Hải, khiến bà Bùi Thị Xuân phải chia quân cứu ứng hai nơi, thành ra thể quân của bà ở Trấn Ninh suy giảm. Thấy quân Ánh sắp đổ bộ ở sông Gianh, Nguyễn Quang Thùy hoảng sợ rút binh, lui rồi bà Xuân mới biết. Bấy giờ bà đã tràn vào lũy Trấn Ninh, trọng yếu hơn các lũy khác.

Nhưng sự thoái chí của Thùy làm tinh thần binh sĩ sa sút, xin buông khí giới, hùa nhau chạy tán loạn. Cực chẳng đã, bà Xuân phải cùng một số quân trung kiên chạy về Nghệ An.

Ở đây ít lâu bà gặp lại chồng, Thái phó Trần Quang Diệu tuy chiếm được Qui Nhơn song không chống được quân địch từ hai phía, Bắc không chống được địch từ Phú Yên đánh ra và Nam từ Quảng Nam ập vào Phải hợp với Vũ Văn Dũng đỉ xuyên sơn qua Lào về Nghệ.

Rồi Nghệ thất thủ, vợ chồng cùng con gái chạy ra huyện Hương Sơn, sau tới huyện Thanh Chương thuộc miền núi tỉnh Thanh Hóa. Quân Ánh bủa vây nhiều lần không hiệu quả vì không địch lại đàn voi trận của bà Bùi Thị Xuân.

Sau Ánh cho lựa một số người giảo hoạt cải trang thành dân quê thường ngày đem cơm xôi hoa quả tiếp tế và tỏ lòng mến phục trung thành. Mới đầu vợ chàng ngờ vực, dần dần không để ý đề phòng đến nỗi mắc mưu, bị bắt. Ánh muốn dụ về hàng nhưng Trần Quang Diệu trả lời:

- Tôi trung không thờ hai chủ.

Thế là Trần Quang Diệu bị chém ngang lưng. Bà Bùi Thị Xuân cùng con gái 15 tuổi bị voi giày.

Giáo sĩ De la Bissachère mục kích vụ hành hình dã man này, đã kể lại trong cuốn ký sự "Relation sur le Tonkin et la Cochinchine" (tường thuật về Bắc Kỳ và Nam Kỳ) xuất bản năm 1807:

"Bùi Thị Xuân không đổi sắc, tiến đến trước con voi như chọc tức nó. Mấy võ quan ra lệnh bắt bà quỳ xuống. Bà cứ thản nhiên tiến bước. Voi lùi lại. Lính cầm dáo thọc vào đùi voi, con vật đau xông lên giương vòi quắp lấy bà, tung lên trời. Bùi Thị Xuân tắt thở rồi chúng lấy dao cắt lấy tim gan và thịt ở cánh tay, chia nhau ăn sống, ý chừng muốn được dũng mãnh như bà..."

Đời sau có thơ ca ngợi và kính phục vị nữ anh hùng:

Xưa nay khăn yếm vượt mày râu
Bùi thị phu nhân đứng bậc đầu
Chém tướng, chặt cờ, khoe kiếm sắc
Vào thần, ra quỷ, tỏ mưu sâu
Quên nhà, nợ nước đem toan trước
Vì nước, thù nhà để tính sau
Tài đức nghìn thu còn nức tiêng
Non Côn cháy ngọc bởi vì đâu? (1)

(khuyết danh)

Lãng Nhân - Hương sắc quê mình

____________________

Chú thích:

1. Non Côn cháy ngọc: Kinh Thư - Dận chinh – “hỏa viêm Côn cương, ngọc thạch câu phần". Lửa bốc cháy núi Côn, ngọc với đá cùng bị cháy. Sái Trầm tiên sinh đời Tống giải thích: Tám chữ trên chính là chê trách chính sự tàn bạo, không phân biệt kẻ tốt người xấu, đem giết hết, vậy thì còn khốc liệt hơn cả lửa cháy thiêu rụi hết, không phân biệt ngọc với đá nữa. "Non Côn cháy ngọc" thi nhân dùng bốn chữ này có ý nói trong lúc Tây Sơn suy yếu, chúa Nguyễn thừa cơ dấy lên nhưng chính sách quá tàn bạo, trang liệt nữ như bà Bùi Thị Xuân mà đem phanh thây thật là không biết phân biệt đâu là đá đâu là ngọc... (Tá Chi chú)
linhvang
#2 Posted : Friday, October 29, 2004 5:07:40 AM(UTC)
linhvang

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4,933
Points: 1,248
Woman
Location: University Place, Washington State, USA

Thanks: 23 times
Was thanked: 45 time(s) in 43 post(s)
Tác giả linhvang
Gởi: Tue May 11, 2004 10:50 pm
Tiêu đề: Bà Bùi thị Xuân

Xã Bình Phú, chứ không phải Bình Phá, chị HC ơi.
Đọc về tổ tiên của mình, LV thấy hãnh diện ghê nơi!


Tác giả hc
Gởi: Wed May 12, 2004 12:44 am

Chị LV,

Cám ơn chị nhen, để hc sửa lại. Bài đưa lên thường là sửa lỗi nhiều lắm,nhưng địa danh thì hc không chắc nên không dám sửa. Chị nói hãnh diện về tổ tiên vậy chứ chị còn tài liệu nào khác hơn về Bà Bùi Thị Xuân không thì đăng lên cho các chị em mình đọc luôn đi,hi hi, đáng lẽ chuyện thu thập và đăng tải tài liệu về bà BTX thì chị phải...lãnh trách nhiệm đó à Big Smile

hc
PC
#3 Posted : Sunday, May 17, 2009 9:53:10 PM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
Chị Hạt Cát ơi,
Chị Linh Vang là cháu 9 đời của cụ Bùi Đắc Tuyên!

PC
#4 Posted : Monday, May 25, 2009 6:34:30 AM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
Tháng 7 năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Phúc Ánh trở về Phú Xuân, đem Vua tôi nhà Tây Sơn ra báo thù.

Tất cả các võ tướng đều bị tử hình, Trần Quang Diệu bị lột da, các tướng khác bị voi chà, người trảm quyết.

Từ vị đại tướng đến viên tùy tướng, thảy thảy đều giữ bản sắc anh hùng, không một nét sợ hãi, không một lời cầu nhiêu, hiên ngang, khẳng khái.

Riêng đối với Bùi Thị Xuân, Nguyễn Phúc Ánh dùng hình phạt khốc liệt nhất quán cổ kim!

Vốn nghe danh nữ kiệt, Nguyễn Phúc Ánh truyền đem đến xem mặt, Nguyễn Phúc Ánh tự đắc hỏi:

- Ta và Nguyễn Huệ, ai hơn?


Nữ kiệt ung dung đáp:

- Nói về tài ba thì Tiên Ðế ta bách chiến bách thắng, hai bàn tay trắng dựng nên cơ đồ. Còn nhà ngươi bị đánh phải trốn chui trốn nhủi, phải cầu viện ngoại bang, hết Xiêm đến Pháp. Chỗ hơn kém rõ ràng như ao trời nước vũng. Còn nói về đức độ, thì Tiên Ðế ta lấy nhân nghĩa mà đối xử với kẻ trung thần thất thế, như đã đối với Nguyễn Huỳnh Ðức, tôi nhà ngươi. Còn nhà ngươi lại dùng tâm của kẻ tiểu nhân mà đối với những bậc nghĩa liệt, đã hết lòng vì chúa, chẳng nghĩ rằng ai có chúa nấy, ái tích kẻ tôi trung của người tức là khuyến khích tôi mình trung với mình. Chỗ hơn kém cũng rõ ràng như ban ngày và đêm tối. Nếu Tiên Ðế ta đừng thừa long sớm, thì dễ gì nhà ngươi trở lại đất nước này.

Nguyễn Phúc Ánh hỏi gằn:

- Nhà ngươi có tài sao không giữ ngai vàng cho Cảnh Thịnh ?

Nữ kiệt đáp:

- Nếu có thêm một nhi nữ như ta nữa thì cửa Nhật Lệ không dễ gì mà lạnh. Cửa Nhật Lệ không để lạnh, thì nhà ngươi cũng khó mà đặt chân lên đất Bắc Hà. Nguyễn Phúc Ánh hỏi có muốn xin ân xá không? Nữ kiệt đáp:

- Ta đâu có sợ chết mà phải chịu nhục, hạ mình trước một kẻ tiểu nhân đắc thế? Nguyễn Phúc Ánh căm gan, dằn từng tiếng.

- Không chịu nhục? Ta sẽ làm cho mi biết nhục.

Liền truyền lệnh: Ðem Bùi Thị Xuân về Bình Ðịnh, cởi bỏ hết quần áo, cột đứng trên tù xa đẩy đi khắp các nơi thị tứ.

Nhân dân Bình Ðịnh nghe tin, không ai bảo ai, mà mỗi lần xe nữ kiệt đi qua, thì nhà hai bên đường đều đóng kín cửa, người đi đường, người nhóm chợ, đều ngoảnh mặt bỏ tránh xa.

Xe đến vùng Ðập Ðá là nơi dệt lụa, thì những tấm lụa tinh khôi bay tung vào xe. Lớp bị bọn tướng sĩ hộ tống vung gươm chém đứt, theo gió bay lên không trung, lớp rơi vào xe phủ kín châu thân nữ kiệt.

Nữ kiệt lại bị giải về Phú Xuân, Nguyễn Phúc Ánh hỏi:

- Ðã biết nhục chưa?

- Nhục nào có vương vào thân ta, mà chính đổ lên đầu nhà ngươi, con người tánh độc hơn sài lang, lòng nhớp hơn cẩu trệ.

Nguyễn Phúc Ánh tức giận, truyền bắt mấy người con của nữ kiệt đem ra giết trước mặt nữ kiệt: Mấy người con nhỏ thì sai lực sĩ bỏ vào bao vải, đánh nát thây. Còn người con gái lớn thì cho voi xé xác. Thấy voi đến, người con gái hoảng sợ kêu lên:

- Mẹ ơi! Cứu con với!

Nữ kiệt hét lớn:

- Con nhà tướng không được khiếp nhược.

Người con gái liền nhắm mắt thọ hình, không một tiếng rên rĩ. Ðến lượt nữ kiệt.

Chúng trói nữ kiệt để nằm ngửa trên cỏ. Ba hồi trống dứt, một con voi to lớn hung hăng chạy đến, giơ chân toan chà. Nữ kiệt trợn mắt hét một tiếng như sấm nổ. Con voi thất kinh thối lui. Bị nài giục, voi bước tới một lần nữa, nhưng vừa bước tới liền dừng bước ngay, thúc mấy cũng không dám tiến. Lính lấy giáo đâm, voi thét lên một tiếng rồi bỏ chạy.

Nguyễn Phúc Ánh tức mình, sai dùng hình phạt điểm thiên đăng.

Chúng lấy vải nhúng sáp nóng đem quấn khắp mình nữ kiệt, rồi đem cột nữ kiệt nơi trụ sắt dựng giữa trời. Ðoạn châm lửa đốt. Nữ kiệt bình tĩnh, nét mặt không chút thay đổi. Lửa cháy phừng phực từ dưới lên trên, sáng chói thấu mây. Ai nấy đều xúc động.

Riêng Nguyễn Phúc Ánh tỏ vẻ hân hoan!

Lửa cháy hồi lâu. Bốn bề im phăng phắc. Bỗng một tiếng nổ.

Sọ nữ kiệt vỡ. Một lằn thanh quang bay vút lên tầng xanh!

Go` Ke'n
http://goken.free.fr/
Nguyen Giang
#5 Posted : Sunday, June 14, 2009 11:38:44 AM(UTC)
Nguyen Giang

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 37
Points: 0

Đọc bài này em thấy hãnh diện về nước mình quá các chị nhỉ, cám ơn chị Hạt Cát. Chị Linh Vang là cháu 9 đời của cụ Bùi Đắc Tuyên!. Chị Linh vang à, có thiệt không hả chịBig Smile
viethoaiphuong
#6 Posted : Monday, March 8, 2010 10:23:18 PM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
Đô đốc Bùi Thị Xuân,
nỗi ngậm ngùi bên cửa Nhật Lệ


“Nếu có một nữ tướng như ta nữa thì cửa Nhật Lệ không để lạnh. Nhà ngươi khó mà đặt chân được tới đất Bắc hà…”

Triều vua Quang Trung có vài nữ tướng, trong số đó nổi bật hơn cả là Đô đốc Bùi Thị Xuân.
Và theo sách “Tây Sơn lương tướng ngoại truyện” của danh sĩ Nguyễn Trọng Trì (1853-1922) thì Bùi Thị Xuân cùng chồng là Trần Quang Diệu, được người đương thời liệt vào hàng Tứ kiệt (hai người còn lại là Ngô Văn Sở và Võ Văn Dũng).

I.Cuộc đời & sự nghiệp:

Bùi Thị Xuân (?- 1802) quê ở thôn Xuân Hòa, tổng Phú Phong, huyện Tuy Viễn, phủ qui Nhơn (nay thuộc thôn Phú Xuân, xã Bình Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định).

Bà là con gái của Bùi Đắc Chí, gọi Bùi Đắc Tuyên bằng chú, Bùi Thị Nhạn bằng cô.(Bà Nhạn là một nữ tướng trong Tây Sơn ngũ phụng thư. Theo tác giả "Nhà Tây Sơn” là Quách Tấn - Quách Giao thì Bùi Thị Nhạn kết duyên cùng Nguyễn Huệ sau khi bà Phạm Thị Liên, vợ trước của Nguyễn Huệ qua đời)

Sinh trưởng trong một gia đình khá giả, bà được theo việc nghiên bút. Tuy nhiên xem địa đồ người ta thấy, quê hương Bùi Thị Xuân chỉ có phía tây liền với Phú Phong, còn phía đông lấy suối làm ranh giới, nam giáp núi, bắc giáp sông; chính vì được hun đúc bởi đất hiểm, nên bà cũng như nhiều người dân ở nơi đây chuộng võ hơn văn…

Người ta kể, bà là người phụ nữ có nhan sắc, khéo tay, viết chữ đẹp. Đến khi học võ với đô thống Ngô Mạnh, bà cũng rất nhanh chóng thành thạo, nhất là môn song kiếm.

Bởi vậy sau này, bà đã dùng kiếm để giải nguy cho Trần Quang Diệu khi tráng sĩ này bị một con hổ lớn, hung dữ tấn công trên đường đến Tây Sơn tụ nghĩa.

Cũng nhờ duyên cớ này mà hai người kết thành vợ chồng, sau khi ông Diệu đến ở nhà bà để trị thương, rồi cùng nhau về tòng quân dưới ngọn cờ Tây Sơn ở chiến khu Phú Lạc.

Với tài nghệ cộng với lòng dũng cảm, vợ chồng bà nhanh chóng trở thành những tướng lĩnh trụ cột, góp công lớn trong công cuộc đánh đuổi quân Mãn Thanh vào đầu xuân Kỷ dậu 1789 và so tranh quyết liệt với quân Nguyễn Phúc Ánh hơn 10 năm …

Người ta còn kể, khi đến với Nguyễn Huệ, người con gái trẻ đẹp làng Xuân Hòa này không chỉ tòng quân một mình, mà còn dẫn theo một đội nữ binh do mình đào tạo và một đoàn voi rừng đã được bà rèn luyện thuần thục. Trước khi gia nhập quân Tây Sơn, bà đã tự phong là “Tây Sơn nữ tướng”. Sau này bà được hội kiến với Nguyễn Huệ, ông Huệ cũng thừa nhận bà rất xứng đáng với danh xưng đó, và còn ban tặng thêm bốn chữ “Cân quắc anh hùng”.

Giữa lúc Tây Sơn đang rất thành công với các hoạt động chính trị, quân sự, ngoại giao và phát triển kinh tế thì đột ngột vào ngày 29 tháng 7 năm 1792, Quang Trung (Nguyễn Huệ) mất, để lại nhiều thương tiếc.

Cũng từ đấy triều đại Tây Sơn bắt đầu suy yếu do vua Cảnh Thịnh (Nguyễn Quang Toản) còn nhỏ, bất tài nên đã không giữ được việc triều chính, bị họ ngoại chuyên quyền, dẫn đầu số đó là người cậu của bà là Thái sư Bùi Đắc Tuyên.

Từ lúc này, các đại thần thêm kết bè kết phái, quay sang xúc xiểm, giết hại lẫn nhau dẫn đến nội bộ lục đục, triều chính suy vi; khiến lòng dân vốn đã sống quá nhiều năm trong cảnh máu lửa càng thêm oán ghét cảnh phân tranh, loạn lạc...Và đây thật sự là một cơ hội vàng cho đối phương.

Quả thực, Nguyễn Phúc Ánh liền tổ chức ngay việc chiếm lại Quy Nhơn vào năm 1799. Tức khắc, Bùi Thị Xuân cùng chồng một mặt tham gia củng cố triều chính, một mặt chỉ huy quân sĩ giữ lũy Trấn Ninh, chống lại quân Nguyễn. Song trước sức tấn công mạnh mẽ của chúa Nguyễn, các thành lũy của Tây Sơn nhanh chóng bị chiếm đoạt. Bà Xuân cùng chồng con bị quân Nguyễn bắt được ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An…

II. Nhìn lại thế trận lúc bấy giờ và sự việc Bùi Thị Xuân cùng chồng bị bắt như thế nào?

Năm 1800, Quang Diệu và Vũ văn Dũng cùng vào đánh Qui Nhơn. Sau khi nhận thấy hai tướng giỏi nhất và lực lượng quân sự lớn của Tây Sơn đã tập trung cả ở Qui Nhơn, tháng 5 âm lịch năm 1801, Nguyễn Ánh quyết định không giải cứu Võ Tánh - khi này đang cầm cự ở thành Qui Nhơn - để tấn công Phú Xuân.
Biết tin Phú Xuân đang trống trải do quân số không đủ để tự bảo vệ, Quang Diệu điều ngay một bộ phận quân tướng đến cứu nguy nhưng đạo quân này thất bại…

Tháng 5 âm lịch năm 1802, sau khi biết Cảnh Thịnh và Bùi Thị Xuân thất trận khi cố đánh thu hồi lũy Trấn Ninh (tháng giêng âm lịch năm 1802), thêm vào đó, tuy chiếm lại được thành Qui Nhơn nhưng các mặt đều là địch cả, Trần Quang Diệu bỏ thành, đem tượng binh đi đường thượng đạo qua Lào với ý định tập trung với quân của Cảnh Thịnh giữ thành Nghệ An.

Nhưng khi tới châu Quỳ Hợp vào được đất Hương Sơn thì thành Nghệ An đã thất thủ, Quang Diệu và vợ là Bùi Thị Xuân về huyện Thanh Chương. Lúc này, quân của Quang Diệu đã tan rã cả, tướng của Nguyễn Phúc Ánh dùng mưu mua chuộc người chỉ điểm nơi trú ẩn của gia đình của Trần Quang Diệu. Ông và vợ con đều bị bắt…

III.Vì sao rất nhiều người đã ca ngợi oai danh và tiết tháo của bà?

Nữ tướng họ Bùi không những thừa tài cầm binh, mà còn là người giàu lòng nhân.Đến tận hôm nay, người ta còn nhắc chuyện: những khi thắng trận, quân sĩ đắc thế đuổi theo chém giết đối phương, bà thường cản lại:

“Chúng nó đã thua chạy, còn đuổi theo chém giết làm gì…”

Và trong cuộc đời bà có ba sự kiện quan trọng đã xảy ra, và có thể nói, nhờ chúng mà danh thơm của Bùi Thị Xuân được truyền tụng mãi:

1/ sự kiện liên quan với Bùi Đắc Tuyên:

Bùi Đắc Tuyên người làng Xuân Hòa, huyện Tuy Viễn, cậu họ của Cảnh Thịnh.
Còn nữ tướng Bùi Thị Xuân thì gọi ông Tuyên bằng chú.
Theo sử sách ghi lại, sau khi vua Quang Trung mất, Cảnh Thịnh lên ngôi.Vì tuổi vua còn nhỏ nên quyền bính đều ở trong tay Bùi Đắc Tuyên.
Bùi Đắc Tuyên là anh của hoàng hậu Bùi Thị Nhạn, nên dù ít học vẫn được làm Thị lang Bộ Lễ trong triều.Vì được phép vào ra nơi cung cấm, ông Tuyên thường bày nhiều trò vui để mua lòng thái tử Nguyễn Quang Toản (tức Cảnh Thịnh).

Bởi thế khi được lên ngôi báu, Quang Toản liền đưa ông Tuyên lên làm thái sư, bất chấp quan chế đã định sẵn.
Trong cung đã có Bùi Thái hậu, ngoài triều lại có lắm đại thần nghiêng theo chiều gió như Ngô Văn Sở, Phạm Công Hưng, nên thế lực của ông Tuyên rất vững mạnh.
Vì vậy, Bùi Đắc Tuyên mỗi ngày một thêm lộng hành. Các đại thần không về cánh với Tuyên, kẻ thì bị ông tìm cớ giáng chức, cách chức hoặc bị đưa đi trấn thủ nơi xa xôi.

Năm 1795, ông Tuyên bị Võ Văn Dũng giết. Bấy giờ có nhiều người nghi ngại Bùi Thị Xuân, vì bà là cháu ruột của Tuyên. Nhưng khác với gì xầm xì, bà đã không hề thù oán người giết chú ruột mình, cũng như lợi dụng sự rối ren đó mà đi theo đối phương hay tìm nơi cát cứ…

2/ Bùi thị Xuân và trận chiến đấu oanh liệt cuối cùng, hòng cứu vãn vương triều Tây sơn:

Tháng giêng năm 1801, Bùi Thị Xuân cưỡi voi liều chết đánh riết vào lũy Trấn Ninh, nơi Nguyễn Phúc Ánh đang cố thủ, từ sáng đến chiều, máu và mồ hôi ướt đẫm áo giáp. Rồi bà còn giành lấy dùi tự tay thúc trống liên hồi. Lúc bấy giờ, chúa Nguyễn cùng tướng tá đã hốt hoảng vội chia quân vượt sông Linh Giang, đánh bọc hậu hòng mở đường máu thoát thân.
Nào ngờ vua Cảnh Thịnh nhát gan thấy quân Nguyễn tràn qua nhiều, tưởng phe mình đã nguy khốn liền cho lui binh.

Bùi Thị xuân đã nắm áo ngự bào của nhà vua để khuyên cố đánh. Nhưng khi nghe tin Nguyễn Văn Trương phá tan thủy binh của Tây Sơn ở cửa biển Nhật Lệ (Quảng Bình), cướp được hầu hết tàu thuyền và tướng giữ cửa Nguyễn Văn Kiên cũng đã đầu hàng; thì đội quân của bà mới phải bỏ cả vũ khí, đạn dược để chạy thoát thân …
Đây có thể nói là trận chiến đấu oanh liệt cuối cùng của bà để hòng cứu vãn tình thế.
Nhưng ngờ đâu nhà Tây sơn, sau trận này thêm trượt dài trên đà suy vong, không sao gượng lại được nữa…

Cảm chuyện này, trong bài thơ dài Bùi phu nhân ca của danh sĩ Nguyễn Trọng Trì có đoạn:

Xuân hàn lãnh khí như tiễn đao
Xuân phong xuy huyết nhiễm chinh bào
Hoàng hôn thành dốc bi già động
Hữu nhân diện tỷ phù dung kiều
Phu cổ trợ chiến Lương Hồng Ngọc
Mộc Lan tòng quân Hoàng Hà Khúc
Thùy ngôn cân quắc bất như nhân ?
Dĩ cổ phương kim tam đinh túc.

Nghĩa là:

Khí xuân lạnh như khí lạnh nơi lưỡi dao bén thoát ra.
Gió xuân thổi máu bay đẫm tấm chinh bào
Nơi góc thành tiếng tù và lay động bóng hoàng hôn
Có người dung nhan kiều diễm như đóa hoa phù dung
Thật chẳng khác Lương Hồng Ngọc đánh trống trợ chiến cho ba quân.
Và nàng Mộc Lan xông trận nơi sông Hoàng Hà
Ai bảo khăn yếm không bằng người ?
Từ xưa đến nay vững vàng thế ba chân vạc.

3.Cuộc đối đáp ngang ngửa giữa kẻ thắng, người thua và cái chết hết sức hiên ngang của nữ tướng họ Bùi:

Khi nghe bà bị bắt, Nguyễn Phúc Ánh sai người đem đến trước mặt hỏi giọng đắc chí: Ta và Nguyễn Huệ ai hơn?

Bà trả lời: Chúa công ta; tay kiếm tay cờ mà làm nên sự nghiệp. Trong khi nhà người đi cầu viện ngoại bang, hết Xiêm đến Tàu làm tan nát cả sơn hà, cùng đều bị chúa công ta đánh cho không còn manh giáp. Đem so với Chúa công ta, nhà ngươi chẳng qua là ao trời nước vũng.

Phúc Ánh gằn giọng: Người có tài sao không giữ nổi ngai vàng cho Cảnh Thịnh?

Bà đáp: Nếu có một nữ tướng như ta nữa thì cửa Nhật Lệ không để lạnh. Nhà ngươi khó mà đặt chân được tới đất Bắc hà

Theo sách Hỏi đáp lịch sử Việt Nam tập 3 do nhóm Nhân văn trẻ biên soạn (Nxb Trẻ, năm 2007) thì vào ngày 30 tháng 11 năm 1802, gia đình bà bị điệu ra pháp trường tại Phú Xuân để thọ hình (các sách ghi không đồng nhất, có sách ghi 2/ 11, có sách ghi 20/11; riêng con cháu họ Bùi tổ chức lễ giỗ Bùi nữ tướng vào ngày 16/11 âm lịch). Chồng bà bị xử tội lột da, còn bà cùng con gái độc nhất 15 tuổi tên Trần Bích Xuân bị xử voi giày (bãi chém An Hoà, ngoại ô Huế,ở đó khoảng 200 tướng lĩnh của nhà Tây Sơn đã hiên ngang ra pháp trường )

Theo tư liệu của một giáo sĩ phương Tây De La Bissachère viết năm 1807- người có dịp chứng kiến - đã miêu tả buổi hành hình được tóm lược như sau:

“Đứa con gái trẻ của bà (Bùi Thị Xuân) bị lột hết y phục. Một thớt voi từ từ tiến đến .Cô gái biến sắc rồi mặt trắng bệch như tờ giấy.Nàng ngoảnh nhìn mẹ, kêu thất thanh. Bà Xuân nghiêm mặt trách : Con phải chết anh dũng để xứng đáng là con của ta !…
Đến lượt bà, nhờ lớp vải ở bên trong quấn kín thân thể, nên tránh khỏi sự lõa lồ. Và bà rất bình thản bước lại trước đầu voi hét một tiếng thật lớn khiến voi giật mình lùi lại. Bọn lính phải vội vàng bắn hỏa pháo,đâm cây nhọn sau đít con vật để nó trở nên hung tợn, chạy bổ tới, giơ vòi quấn lấy bà tung lên trời…
Nhưng trái với lệ thường, nó không chà đạp phạm nhân như mọi bận mà bỏ chạy vòng quanh pháp trường, rống lên những tiếng đầy sợ hãi khiến hàng vạn người xem hoảng hốt theo”… (Theo Thiên Nam nhân vật chí, bà bị xử lăng trì, thi hài bị thiêu rụi…. Tác giả Đặng Duy Phúc trong sách Việt Nam anh kiệt, Nxb Hà Nội, năm 2004 cho biết thêm chi tiết: Khi voi đưa chân toan chà đạp, bà đã thét lên một tiếng như sấm dậy khiến voi thất kinh phải thối lui, không chịu theo sự điều khiển của quản tượng. Cuối cùng, vua Nguyễn lệnh cho dùng hình phạt: cột bà vào trụ sắt, lấy vải nhúng sáp nóng quấn khắp người bà rồi đốt cháy một cách man rợ…)

IV.Giới thiệu một thơ, một văn ca ngợi Bùi nữ tướng:

Một bài thơ, không rõ người viết:

Vận nước đang xoay chuyển
Quần thoa cũng vẫy vùng
Liều thân lo cứu chúa
Công trận quyết thay chồng.
Khảng khái khi lâm nạn!
Kiên trinh lúc khốn cùng
Ngàn thu gương nữ liệt
Gương sáng hãy soi chung.

-Trích “Còn mãi đến bây giờ”, bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường :

Các gia đình họ Bùi hiện còn ở làng này đều là phái nhánh, còn phái chánh đã bị Gia Long giết sạch.

Bà sanh ở ấp Xuân hòa, nay gọi là Phú Xuân. Lớn lên, bà đi học võ nghệ với một võ sư người việt ở Thuần Truyền. Lò võ đó nổi tiếng từ thời Lê đến nay. Môn sinh rất đông, cả nam lẫn nữ và bà làm trưởng môn. Ít lâu sau ngày Tây Sơn khởi nghĩa, bà dẫn cả đoàn võ sinh đến tòng quân, theo Nguyễn Huệ đánh Đông dẹp Bắc, sự nghiệp lừng lẫy. Ở bên Phú An nay còn một đám đất gọi là Trường Võ, đó là nơi bà mở trường dạy võ nghệ cho các nghĩa sĩ trong quân đội Tây Sơn
Ngoài tài năng võ nghệ, cầm binh, huấn luyện voi rừng (nghe đâu dãy gò Dinh, sông Côn là bãi tập voi của bà) …bà còn giỏi cả việc khai hoang, làm thủy lợi như biến lòng một con suối khô, chỉ toàn là cát đá thành vùng đất màu mỡ “nhất đẳng điền” tên là ruộng Trại, rộng hơn hai chục héc-ta để lấy lúa nuôi quân…
…Chúng tôi đi thêm một quãng đường làng, rẽ vào một xóm nhỏ gồm ba bốn túp nhà xúm xít trên một khu đất chật chội, dừng lại trước một căn nhà hoang vắng .

…Đó là một căn nhà nhỏ, quá nhỏ đến không ngờ, nhà rường ba gian nhưng tất cả chỉ rộng độ 5 mét, nên 2 gian bên bị ép lại thành hai cái chái chật chội chỉ vừa đủ đặt một chiếc chõng đơn cho một người nằm…Đồ đạc không còn lại gì, ngoài một chiếc tủ gỗ mộc, phía dưới có những ngăn kéo, hình như xưa dùng để đựng quầm áo.Tất cả chỉ có thế, từ thế kỷ mười tám cho đến bây giờ !…

V.Lời kết :

Nam nhi bất hướng sa trường tử,
Cao ca nhất khúc khán Thị Xuân.
(Làm trai mà không dám hướng đến sa trường để xả thân,
Hát lớn một khúc ca mà xem gương Bùi Thị Xuân).
(Bùi Phu nhân ca- Nguyễn Trọng Trì)

Thật lòng nếu không đọc được bài bút ký của Hoàng Phủ vừa nêu trên, chắc tôi không có ý định tìm hiểu thêm về Bùi Thị Xuân và soạn lại đề tài đã được nhiều người luận bàn rồi.
Nhưng chẳng hiều sao khi đọc trong sách sử đến đoạn Nguyễn Ánh dụ hàng vợ chồng Bùi Thị Xuân nhiều lần mà không được, khiến tôi nảy ra băn khoăn : Vua Nguyễn có “màu mè” không khi tánh vua vốn là người hay sợ, hay nghi kỵ người tài, nhất là vợ chồng bà đã từng là kẻ khác phía và đã bao lần khiến quan quân nhà Nguyễn phải điêu đứng ?
Và ta nên hiểu chuyện Nguyễn Ánh dành cho gia đình họ những hình phạt quá thảm khốc như thế nào đây?

Bởi lẽ nếu nhà vua sẵn tấm lòng khoan thứ; thật tâm mến mộ hiền tài, nhân cách ấy thì dù không chiêu hàng được, theo tôi vua cũng sẽ lấy cái cớ “Trần Quang Diệu tha chết cho cả bọn tướng sĩ và còn sai người làm lễ liệm táng Võ Tánh & Ngô Tùng Châu tại thành Qui Nhơn vào năm 1801” để dòng tộc họ không bị giết sạch, gia đình họ được chết toàn thây hay chí ít ra cô con gái vô tội vừa vào độ tuổi xuân thì có được một con đường sống…

Và “đó là một căn nhà nhỏ, quá nhỏ đến không ngờ…hai cái chái chật chội chỉ vừa đủ đặt một chiếc chõng đơn cho một người nằm…Đồ đạc không còn lại gì, ngoài một chiếc tủ gỗ mộc…”. Những câu văn giản dị này sao mà có sức gây nhói lòng người . Ngẫm chồng là Thái phó, vợ là Đô đốc, quyền lực nằm trong tay một thời gian dài, ấy vậy mà “nhà cửa, của cải đơn sơ đến không ngờ”, chẵng đáng cho những người hôm nay tìm đọc về bà rồi sống tốt hơn sao ?…

Bùi Thụy Đào Nguyên
Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.