Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA
Hạt Cát
#1 Posted : Thursday, October 28, 2004 4:00:00 PM(UTC)
Hạt Cát

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Moderator
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 80
Points: 18

Was thanked: 1 time(s) in 1 post(s)
Tác giả hc
Gởi: Fri May 07, 2004 3:52 pm

Huyền Trân công chúa và vương quốc Chiêm Thành

Ngô Kim Khôi

Công chúa Trần Huyền Trân ra lệnh dừng kiệu. Trên đỉnh đèo Hải Vân, gió mây lồng lộng. Nàng vén tấm màn gấm, nhìn ra xa, mây trắng vẫn hồn nhiên bay ngang qua lưng đèo... Lệ Liễu , người hầu thân tín, đưa Huyền Trân ra khỏi kiệu hoa. Gót sen bước xuống, dáng mai lả lướt, vóc liễu thướt tha.

Bóng chiều bảng lảng ánh tà.
Não nùng tự hỏi quê nhà nơi đâu ?

Công chúa dõi mắt nhìn về phương Bắc, cõi lòng bồi hồi, con tim thổn thức. Hỡi ôi, có ai thấu được nỗi lòng nàng !

Chiều chiều gió thổi Hải Vân,
Chim kêu gành đá gẫm thân em buồn .

Ngắm non nước bao la gấm vóc, Huyền Trân nhìn lại mảnh hồng nhan yếu ớt là nàng mà trên đôi vai đeo nặng trách nhiệm nặng nề với tổ quốc.

Ngoảnh lui cố quốc, ngập ngừng gót ngọc,
Mây phủ kín trời thương, ngơ ngẩn bâng khuâng.
Hoa đang độ thanh xuân, dập vùi, cứu nạn muôn dân,
Không sánh đặng Chiêu Quân, cho trọn đạo thần quân thần.
Vẻ chi một đóa yêu kiều, diễm lệ,
Vàng thau trộn bùn nhơ, xót phận hổ lang.
Gẫm thân bẽ bàng, kiếp hồng nhan,
Duyên nợ dở dang, ôi Phụ Hoàng !
Vì nghĩa giao bang, hiếu trung đôi đàng ;
Thân ngọc vàng đem vùi cát bụi,
Cho rảnh nợ Ô Ly, ngậm ngùi, kẻ ở người đi.
Cơn nước lửa phò nguy, nát thân xá gì !

Nàng sẽ đi về một nơi chốn xa lạ, ở bên kia đèo Hải Vân, trao thân vào vùng đất Chàm xa xôi ấy... Huyền Trân ngoảnh lại một lần, sau lưng quê đã mấy tầng cách xa, nàng bồi hồi tương nhớ, gần một trăm năm về trước...

... Vào triều Lý, Huệ Tông có bệnh mãi không khỏi mà lại không có con trai, nên tháng 10 năm Giáp thân (1224) truyền ngôi cho Chiêu Thánh công chúa (tên là Phật Kim), sau đó vào tu ở chùa Chân Giáo. Chiêu Thánh lên ngôi lúc 7 tuổi, tức là Lý Chiêu Hoàng. Được một năm, vào tháng 12 năm Ất dậu (1225), Lý Chiêu Hoàng kết hôn với Trần Cảnh (lúc ấy mới có 8 tuổi, là cháu của Trần Thủ Độ), sau đó truyền ngôi lại cho chồng.

Từ đấy giang sơn nhà Lý vào tay nhà Trần. Ba đời sau truyền đến Trần Nhân Tông. Nhân Tông thành hôn với Khâm Từ hoàng hậu, có được hai hoàng tử là Thuyên và Quốc Chân, một công chúa là Huyền Trân.

Huyền Trân càng lớn, nhan sắc thêm đậm đà. Tiếng cười nói hay giọng ngâm thơ đọc sách như giọng oanh vàng của nàng vẫn vang lên đây đó ở vườn Ngự Uyển trong Tử Cấm thành. Một hôm, Khâm Từ hoàng hậu cho phép Huyền Trân được cùng bà đi dâng hương lễ Phật nơi chùa Trấn Quốc.

Đoàn xa giá rời hoàng cung trong tiếng lễ nhạc. Lần đầu tiên được rời Cấm thành, công chúa Huyền Trân say sưa chìm đắm trong sắc nước hương trời, nàng không để ý đến cái nhìn sâu kín thầm lặng thỉnh thoảng lại gieo xuống vóc liễu dáng mai của nàng một niềm đam mê không thể nào bày tỏ của vị tướng trẻ tuổi, Trần Khắc Chung.

Từ ngày ấy, mối tình thầm lặng như ngàn cân đeo nặng trong lòng Trần Khắc Chung, nhưng Tử Cấm thành gần gũi mà ôi muôn trùng cách trở...

Sau khi đi đánh Ai Lao trở về, vào năm Quí tị (1293), Nhân Tông truyền ngôi cho Thái tử Thuyên tức là vua Trần Anh Tông. Nhân Tông trị vì được 14 năm, về làm Thái Thượng hoàng, đầu tiên đi tu tại chùa Võ Lâm (phủ Yên Khánh, Ninh Bình), sau về tu tại núi Yên Tử (huyện Yên Hưng, Quảng Yên).

Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục : "Tháng ba năm Tân sửu (1301), hiệu Hưng Long thứ 9, đời vua Trần Anh Tông, lúc bấy giờ đức Thượng hoàng là Trần Nhân Tông đã truyền ngôi cho con, đi tu ở núi Yên Tử, thường muốn lịch lãm núi sông trong thiên hạ, nên mới du phương, rồi sang Chiêm Thành".

Thái Thượng hoàng ngao du sơn thủy, gót chân viễn du đến phía Nam, ngài dừng bước tại vương quốc Chiêm Thành hoang sơ, hoa ngàn cỏ nội nhưng không kém phần tráng lệ hùng vĩ. Trong nét uy dũng của đền đài ảnh hương nền văn minh Ấn độ, Thượng hoàng không khỏi bồi hồi nghĩ đến trang quốc sắc thiên hương đất Chàm, nàng Vương phi Mỵ Ê.

Mỵ Ê là Hoàng hậu Chiêm quốc vào thời vua Sạ Đẩu (Hari Varman III), kinh đô là Phật Thệ (Vijaya) . Vào đời nhà Lý, Chiêm thành và Đại Việt thường dấy loạn can qua. Năm 1044, vua Lý Thái Tông (1028 1054) ngự giá đánh Chiêm, thúc quân tràn vào Phật Thệ, chiếm kinh đô Chàm, bắt được hơn 5000 người và 30 con voi . Tướng Chiêm là Quách Gia Gi chém đầu vua Sạ Đẩu xin hàng . Lý Thái Tông ca khúc khải hoàn, bắt Vương phi Mỵ Ê và các cung nữ đem về. Khi vương thuyền xuôi theo sông Đáy đến sông Lý Nhân, Thái Tông cho lệnh đòi Mỵ Ê sang hầụ Mỵ Ê than rằng "Vợ mọi quê mùa, khôn sánh những bậc Cơ Khương, nay nước mất nhà tan, chỉ còn một thác mà thôị.." Nàng tắm rửa, xông xạ hương rồi quấn chăn gieo mình xuống sông mà chết. Lý Thái Tông cảm kích lòng trinh tiết, phong nàng Mỵ Ê là "Hiệp chánh hộ thiện phu nhân", nay ở phủ Lý Nhân (Phủ Lý, Hà nam) còn có đền thờ .

Từ khi nhà Trần lên ngôi, giữa Đại Việt và Chiêm Thành đã có phần yên ổn. Tại kinh đô Phật Thệ, Hoàng tử Hari Jit lúc ấy đang ở ngôi, tức là vua Chế Mân (Jaya Simha Varman III ). Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vua Chế Mân là người ở Tượng Lâm,thành Điễn Xung, đất Việt Thường.

Biết được người khách viễn phương mang tấm áo cà sa vẫn thường ngày đây đó thưởng lãm nét hùng vĩ của các ngọn Tháp Đồng hay Tháp Bạc ấy là Thượng hoàng nước Đại Việt, Chế Mân bèn tiếp đại nồng hậu trong lễ địa chủ và tình bang giao, ngoài ra còn đưa Thượng Hoàng đi thưởng lãm các Tháp Vàng hay Tháp Ngà ... Cảm kích tấm lòng vị vua trẻ, Thượng hoàng ước gả Huyền Trân cho Chế Mân.

Tiếng đồn về nhan sắc của Huyền Trân làm bồi hồi trái tim người vua Chiêm quốc. Dù Mân Quân đã lập gia thất với nàng con gái xứ Java, Hoàng hậu Tapasi, nhưng vẫn sai bầy tôi là Chế Bồ Đài dẫn theo bộ hạ hơn 100 người, tiến về Thăng Long cống dâng đồ trân quí làm lễ cầu hôn, những mong được người ngọc.

Cả triều đình Đại Việt đều hoang mang, hoàng thân quốc thích lên tiếng phản đối. Làm sao có thể gả nàng công chúa yêu quí nước Việt về xứ Chàm man rợ ? Nhưng Thái thượng hoàng đã trình bày rõ ràng ý định của mình với Trần Anh Tông. Việc gả Huyền Trân về đất Chiêm là một đường lối chính trị có tầm vóc quan trọng ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đại Việt.

Quả nhiên, từ khi Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn tại Vạn Kiếp và trên sông Bạch Đằng đã hai lần, năm 1285 và 1287, đánh tan 800.000 quân Mông cổ của Hốt Tất Liệt (Qoubilai Khan) do con trai là Trấn Nam vương Thoát Hoan (Toghan) cầm đầu , thì Trung quốc vẫn dòm dõ Đại Việt, chỉ chờ khi Đại Việt và Chiêm Thành dấy loạn can qua, sẽ thúc quân tràn sang giữ thế ngư ông thủ lợi. Trong khi Huyền Trân về nước Chiêm, hai nước sẽ có tình hòa hiếu, không còn lo ngại trước cường lực của Trung quốc.

Trước lời khuyên của Thái Thượng hoàng và sự phản đối của triều thần, Trần Anh Tông vẫn còn do dự chưa quyết ý.

Chờ đợi 5 năm trời mà vẫn không thấy tin vui, đến tháng 6 năm Bính Ngọ (1306) niên hiệu Hưng Long thứ 14, vị vua trẻ đa tình Chiêm quốc dâng sính lễ bằng hai châu Ô và Lý. Lúc bấy giờ Trần Anh Tông mới quyết định gả em gái là Huyền Trân công chúa cho Chế Mân.

Huyền Trân công chúa thấy cõi lòng tan nát. Riêng về Trần Khắc Chung nghe tin như sét đánh ngang màỵ Hỡi ôi, giữa con tim của nàng công chúa và vị tướng trẻ đất Đại Việt, ai buồn hơn ai ?...

Trên đèo Hải Vân, một lần nữa Huyền Trân đứng ngẩn trông về Bắc, nhưng nàng chỉ thấy mây trôi chứ có thấy gì đâu ! Từ trong con tim dâng lên một nỗi niềm riêng khôn tả, nàng thổn thức cất lên giọng hát điệu Nam Bình buồn áo não :

Nước non ngàn dặm ra đi.
Cái tình chi !
Mượn màu son phấn,
Đền nợ Ô Ly,
Xót thay vì,
Đương độ xuân thì,
Độ xuân thì,
Số long đong, hay là duyên nợ gì ?
Má hồng da tuyết,
Quyết liều như hoa tàn, trăng khuyết.
Vàng lộn theo chì.
Khúc ly ca,
Sã còn mường tượng nghe gì ?
Thấy chim hồng nhạn bay đi,
Tình lai láng,
Hướng dương hoa Quì.
Dặn một lời Mân Quân :
Như chuyện mà như nguyện,
Đặng vài phân,
Vì lợi cho dân,
Tình đem lại mà cân,
Đắng cay trăm phần...

Nợ nước nặng hơn tình nhà, Huyền Trân cúi đầu, gạt nước mắt, nén lòng sầu oán, quay mình bước lên kiệu hoa, ôm phận lưu lạc đến một nơi chốn muôn trùng không đường về...

Theo nhà cổ học E. Aymonier trong quyển "L''Inscription chàme de Po Sah", công chúa Huyền Trân khi về Chiêm quốc được phong mỹ hiệu Paramecvari.

Chúng ta chỉ biết một cách không rõ ràng về đất nước Chiêm Thành dù vương quốc này đã đóng một vai trò rất quan trọng trong quá trình hình thành lịch sử Việt Nam. Các sử liệu Trung Hoa và Việt Nam, cùng những cuộc khai quật của các nhà khảo cổ thuộc trường Viễn Đông Bác Cổ đã rọi nhiều chùm tia sáng rực rỡ vào vùng quá khứ xa xăm quên lãng ấy, giúp chúng ta biết được đôi điều quí giá về lịch sử của dân tộc Chàm.

Sau khi Hai Bà Trưng gieo mình tự trầm ở sông Hát, Giao Chỉ trở thành phủ quận của nhà Đông Hán (25 - 220) thì theo Khâm định Việt sử : "Năm Nhâm Dần (102), đời vua Hòa Đế nhà Đông Hán, ở phía nam quận Nhật Nam ( Đại Việt tương lai ) có huyện Tượng Lâm, người huyện ấy cứ hay sang cướp phá, bởi vậy vua nhà Hán mới đặt quan cai trị. Cuối đời nhà Hán ( khoảng năm 192 ) có người huyện Tượng Lâm tên là Khu Liên, giết huyện lệnh, nổi lên chống quân Trung Hoa, dựng ra một nước độc lập, tự xưng làm vua".

Theo nhà cổ học L. Aurousseau , người Tàu gọi Tượng Lâm là Siang Lin (nôm na là Rừng Voi), là chữ viết tết của Siang Lin Yi (Tượng Lâm Ấp). Trong vòng 6 thế kỷ (192 - 758), biên niên sử Trung Hoa gọi tên nước ấy là Lin Yi (Lâm Ấp, Chiêm Thành tương lai), tả người Lâm Ấp "da ngâm đen, mắt sâu, mũi lớn và tẹt, môi dày, tóc quăn, xỏ lổ tai... Họ ăn ở rất sạch sẽ, tắm rửa một ngày nhiều lần rồi chà sát lên người hương liệu long não hoặc dầu cẩm quì mùi xạ hương (musc). Đàn ông cũng như đàn bà mặc một loại khăn dệt bằng bông vải (coton) được xông bằng khói các loại gỗ hương, quấn từ trái qua phải phủ từ eo đến chân. Người cã quí mang giày da, thường dân đi chân đất ".

Theo nhà khảo cổ học Jean Yves Claèys, vương quốc Lâm Ấp trải dài từ Đèo Ngang đến Thuận Hải, chia làm bốn vùng : Amarâvatỵ, từ Quảng Bình đến Quảng Nam, Quảng Ngãi Vijaya, từ Bình Định đến Phú Yên. Kauthàra, Khánh Hòa và Panduranga, Phan Rang, Ninh Thuận. Hai vùng phía trên là miền Bắc nước Chiêm (septentrionale), thuộc thị tộc Cau (Kramukavamsa), tiếng Chàm là Pi năng, hậu duệ người miền núi (atâu Chơk). Hai vùng dưới là miền Nam (méridionale), thuộc thị tộc Dừa (Narikelavamsa), tiếng Chàm là Li u, hậu duệ người miền biển (atâu Thik) .

Các nhà ngôn ngữ và dân tộc học xếp người Chàm vào nhóm ngôn ngữ vùng Châu đại dương (Malaỹ Polynésien), thuộc ngữ hệ Nam Đảo (Austronésien). Nước Lâm Ấp ảnh hưởng sâu nặng văn minh và tôn giáo Ấn Độ, chính vì vậy mà tên các triều đại Lâm Ấp vừa là tiếng Phạn (sancrit) vừa là tiếng Chàm, và chữ viết đến nay vẫn còn sử dụng .

Sưu tìm từ nhiều nguồn tài liệu, những dữ kiện lịch sử mà chúng tôi nêu ra sau đây được sắp xếp theo thời gian để việc nghiên cứu về lịch sử Chiêm Quốc có phần dễ dàng hơn, hầu xin cống hiến quí độc giả một cái nhìn sơ khởi về vương quốc Chiêm Thành. Do giới hạn của một bài báo, chúng tôi không đi sâu vào chi tiết và luôn mong đón nhận ý kiến xây dựng.

Khu Liên không có con trai, truyền ngôi cho cháu ngoại là Phạm Hùng. Trong đời Tam quốc (220 - 265) tại Trung Hoa, con Phạm Hùng là Phạm Dật nối ngôi, hay sang quấy phá quận Nhật Nam và quận Cửu Chân. Theo J.Y Claèys, phải công nhận rằng người Chàm không được khôn khéo trong cách sử thế, họ có một thói quen là hay giam sứ và không chịu triều cống. Chính vì vậy mà dân tộc Chàm thường hay bị trừng phạt và không được bảo trợ bởi sự hùng mạnh của Trung quốc. Người Chàm còn nổi tiếng về nghề hải khấu trong khắp vùng biển Đông Nam Á, đã lừng danh trong các trận cướp các tàu buôn ngọc, ngà, gỗ quí hay đồi mồi .

Phạm Dật mất, người gia nô là Phạm Văn cướp ngôi, sau đó truyền cho con là Phạm Phật .

Khoảng năm 400, vị vương Lâm Ấp çri Bhadra Varman (Phạm Hồ Đạt, con trai của Phạm Phật ?), dựng kinh đô ở Trà Kiệu (Simhapura), đã xây tại thung lũng Mĩ Sơn (Quảng Nam) những tháp đền bằng gạch đỏ hùng vĩ, vinh danh thần Siva Bhadreçvara, với lối kiến trúc Chàm đặc biệt. Tiếng Chàm gọi những tháp này là kalan. Theo sử liệu, người Trung Hoa cho rằng người Chàm từ thời ấy đã là bậc thầy trong nghệ thuật xây dựng và điêu khắc với kiến trúc bằng gạch đỏ.

Khoảng năm 446, đời vua Phạm Dương Mại (con trai Phạm Chư Nông), kinh đô Trà Kiệu và đền đài tại đất thánh Mĩ Sơn bị thiêu hủy hoàn toàn bởi tướng Tàu là Đàn Hòa Chi (Tán Hézhi). Cùng thiêu hủy với đền đài là muôn ngàn tài liệu viết về lịch sử Chiêm quốc. Đàn Hòa Chi còn cướp đi một tượng bằng vàng (đem nấu đúc được hơn mười vạn cân), và vô số những đồ vật quí hiếm. Từ đấy người Tàu biết đất Chàm giàu có nên hay sang cướp phá.

Cho đến cuối thế kỷ thứ VI, chúng ta không biết gì hơn về lịch sử Lâm Ấp ngoại trừ những cuộc chiến tranh triền miên với Trung quốc.

Vua çambhu Varman (Phạm Phạm Chí, khoảng 572 - 692, con trai Rudra Varman , 530 570) lại tiếp tục xây những ngôi tháp tại vùng đất thánh Mĩ Sơn, nhưng những ngôi tháp của çambhu Varman cũng không để lại vết tích gì vì vào năm 605, vị tướng tàu Lưu Phương (Liu Fang) tấn công Lâm Ấp, đã tiêu hủy hoàn toàn những đền đài tại Mĩ Sơn. Mãi đến đời vua Prakasadharman (khoảng 653 - 686), những tháp đền tại Mĩ Sơn còn tồn tại cho đến ngày nay , dù chỉ là những phế tích, đã là những biểu tượng hùng hồn chứng minh cho chúng ta thấy nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc điêu luyện của người Chàm.

Vẫn theo " Khâm định Việt sử ", vào thế kỷ thứ VII, vua Lâm Ấp là Phạm Đầu Lê qua đời, con trai là Phạm Trấn Long bị giết nên dân trong nước lập người bên họ ngoại tên là Chư Cát Địa lên làm vua. Chư Cát Địa đổi quốc hiệu là Hoàn Vương.

Vào đời vua Indra Varman II (875 - 898), dưới sức tấn công của người Trung quốc, dân nước Hoàn Vương phải dời đô từ Trà Kiệu về Đồng Dương (Indrapura, Quảng Nam ). Năm 875, xuất hiện lần đầu tiên trong biên niên sử Trung Hoa cái tên Chiêm Thành, viết theo tiếng phạn là Champapura, nôm na là "Thành của người Chàm".

Tại đây, cho đến đời Indra Varman III (918 - 960), dân tộc bất hạnh Chàm luôn bị sự tấn công của người Java, người Khmers và người Trung quốc từ mọi phía.

Vào cuối thế kỷ thứ X cho đến thế kỷ thứ XIII là khoảng thời gian đen tối trong lịch sử vương quốc Chiêm Thành. những cuộc chiến tranh triền miên với Đại Việt và Khmers đã đưa đất nước Chàm vào những đổ nát hoang tàn.

Châu Á vào thế kỷ thứ IV .
Tại An Nam phủ, vào năm 939, Ngô Quyền (897 - 944) dành được độc lập từ tay người Tàu, xưng vương và dựng đô ở Cổ Loa. Năm 968, Đinh Tiên Hoàng dẹp xong loạn Nhị Thập Sứ quân, dựng nước tự chủ, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt. Mãi đến đời nhà Lý (1010 1225) mới đổi tên là Đại Việt và nhà Tống bên Tàu mới công nhận là An Nam quốc.

Năm 982, vì vua nước Chiêm là Parameçvara Varman I đã giam sứ nước Đại Việt nên Lê Đại Hành tiến quân chiếm Đồng Dương, bắt Chiêm quốc phải triều cống. Hari Varman II (988 - 998) lên ngôi, dời kinh đô về Phật Thệ (Chà Bàn).

Bắt đầu từ thời ấy, vương quốc Chiêm Thành không ngừng thối lui trước những tấn công (Nam tiến) liên tiếp của người Việt. Sự hao mòn tổn thất của Chiêm quốc không phải do đất nước kém văn minh mà do thiếu một nền móng kinh tế vững chắc, trong khi Đại Việt có một đồng bằng sông Hồng phì nhiêu.

Sau chuyện bi thảm của nàng vương phi Mỵ Ê trong thời vua Sạ Đẩu (Hari Varman III ), thấy quan quân chém giết người Chàm, máu chảy thành suối, vua Lý Thái Tông ra lệnh cấm không được giết người Chiêm Thành.

Đến đời vua Lý Thánh Tông (1054 - 1072), người Chàm lại sang quấy phá. Năm 1069, Thánh Tông tiến ra Ô Long hải khẩu (cửa Tư Hiền), sáu ngày sau đến Thị Nại (Thị Lị Bì Nại, Cri Banoy, Qui Nhơn), tiến vào đánh tiêu hủy hoàn toàn Phật Thệ, bắt được vua Chiêm là Chế Củ (Rudra Varman III ). Chế Củ dâng ba châu Địa Lý, Bố Chính và Ma Linh để chuộc tội.

Vua Hari Varman IV (1074 - 1080) lên ngôi đã đem lại cho đất Chàm một khoảng thời gian yên bình.

Năm 1103, vua Chế Ma Na (Jaya Indra Varman II, 1081 - 1113) sang đánh Đại Việt đòi lại ba châu Địa Lý, Bố Chính và Ma Linh. Năm 1104, vua Lý Nhân Tông (1072 - 1127) sai Lý Thường Kiệt đi dẹp loạn Chiêm Thành. Chế Ma Na thua trận, trả lại ba châu và xin triều cống như xưa.

Tiếp theo đó là cuộc chiến tranh đẫm máu với người Khmers trong vòng hơn một thế kỷ (1112 - 1220) đã làm Chiêm quốc yếu dần trong mòn mỏi.

Năm 1145, vào đời vua Jaya Indra Varman III (1139 - 1145), nước Chiêm Thành sa vào quyền đô hộ của người Khmers.

Jaya Hari Varman I dành được độc lập từ tay người Khmers, đã xây dựng tháp Po Nagar nổi tiếng tại Nha Trang.

Năm 1177, Jaya Indra Varman IV (1167 - 1190) tiến quân đánh Khmers để trả thù, hỏa thiêu Angkor. những cuộc chiến triền miên giữa hai nước chỉ đem lại những tiêu hủy và tàn phá.

Vào đầu đời nhà Trần, tuy chịu triều cống nhưng quân Chiêm vẫn sang quấy nhiễu để đòi lại đất xưa. Năm 1252, Thái Tông ngự giá đánh Chiêm, thắng vua Chàm là Jaya Parameçvara Varman II, bắt vương phi Bố Gia La và rất nhiều dân quân.

Đến thời Huyền Trân công chúa sang đất Chàm thì Chiêm Thành không còn là một cường quốc.

Huyền Trân ở tại đất Chàm chưa được một năm thì Chế Mân qua đời, Chế Chí (Chế Đa Đa, tức là hoàng tử Hari Jilat Maja) lên nối ngôi. Các biến cố lịch sử dồn dập xảy đến. Năm 1311, vì Chế Chí không giữ những điều giao ước với Đại Việt nên Trần Anh Tông (1293 - 1314) sang đánh Chiêm Thành, bắt được Chế Chí và phong cho em là Chế Đà A Bà lên ngôi.

Đến đời vua Trần Dụ Tông (1372 - 1377), vua nước Chiêm là Chế A Na từ trần, con trai là Chế Mộ và con rể là Bồ Đề tranh ngôi. Chế Mộ sang cầu cứu Đại Việt. Dụ Tông sai Trần Thế Hưng và Đỗ Tử Bình đi đánh Chiêm Thành. Tại Quảng Nam, phục quân Chiêm quốc đã chiến thắng vẻ vang.

Từ đó, người Chiêm thấy binh thế quân Nam suy nhược, nước Chiêm lại có vị vua trẻ tuổi anh hùng là Chế Bồng Nga (1360 - 1390), muốn trả những thù xưa với người Nam. Chế Bồng Nga dời đô về Đồ Bàn (huyện Tuy Viễn, Khánh Hòa).

Tháng giêng năm 1377, Trần Duệ Tông (1372 - 1377) ngự giá cùng Lê Quí Ly kéo quân đánh thành Đồ Bàn. Chế Bồng Nga vẫn nuôi hận trả thù nên ngày đêm luyện tập binh hùng tướng mạnh. Trước cường binh của Chiêm quốc, Duệ Tông tử trận. Tháng sau Chế Bồng Nga kéo quân vào cửa Thần Phù, tiến lên cướp phá Thăng Long.

Vào đời Trần Hiễn (Trần Phế Đế, 1377 - 1388), Chế Bồng Nga bốn lần tiến đánh Thăng Long vào những năm 1378, 1380, 1383 và 1389, đốt cung điện, bắt đàn bà con gái, lấy đồ châu ngọc, làm cho người Nam vô cùng khiếp sợ. Có thể nói rằng trong khoảng thời gian này, Đại Việt hoàn toàn nằm dưới sức mạnh của Chiêm quốc.

Năm 1390, Chế Bồng Nga lại đem quân sang đánh, vua Trần Thuận Tông (1388 - 1398) sai Đô tướng là Trần Khát Chân đem binh chống giữ tại sông Hải Triều (sông Luộc, địa phận tỉnh Thái Bình và Hưng Yên). Một biến cố lịch sử mà trong vòng một ngày đã làm thay đổi vận mệnh của dân tộc Chàm : Trong khi giao chiến, được báo trước bởi một kẻ bội phản, Trần Khát Chân dùng súng dồn quân lực bắn đích thuyền của Chế Bồng Nga, vị vua anh hùng nước Chàm tử trận bởi một viên đạn vô tình.

Quân Nam chặt đầu Chế Bồng Nga mang về Thăng Long trình với Thái Thượng hoàng Trần Nghệ Tông. Được đánh thức giữa đêm khuya, Thượng hoàng hoảng sợ, tương rằng một lần nữa Chiêm Thành lại tiến đánh kinh đô. Khi nhìn thấy chiếc đầu của kẻ thù, Nghệ Tông nói rằng "Ta và Chế Bồng Nga đã trông chừng dòm dõ nhau từ lâu nhưng đây là lần đầu tiên chúng ta gặp nhau ", rồi tự ví mình như Hán Cao tổ lấy đầu Hạng Vũ.

Từ khi Chế Bồng Nga qua đời thì Chiêm quốc càng ngày càng lâm vào sự suy nhược. Tướng La Khải chiếm lấy ngôi vua. Hai người con của Chế Bồng Nga chạy sang đầu hàng An nam, được phong tước Hầu.

Vào đời nhà Hồ (1400 - 1407), Hồ Hán Thương (con Hồ Quí Ly) sai tướng là Đỗ Mãn sang đánh Chiêm Thành vào năm 1402. Vua Chiêm là La Đích Lại (con La Khải) dâng đất Chiêm Động (phủ Thăng Bình, Quảng Nam) và Cổ Lụy (Quảng Ngãi) cầu hòa.

Dưới đời vua Lê Nhân Tông (1443 - 1459), vua Chiêm là Bí Cai (Maha Vijaya) hai lần cướp phá Hóa Châu vào năm 1444 và 1445 nhưng đều thất bại. Năm 1446, triều đình nước Nam sai Lê Thụ và Lê Khả sang đánh Chiêm quốc, lấy thành Đồ Bàn, bắt Bí Cai và các phi tần, lập cháu vua Bồ Đề là Mã Kha Qui Lai lên làm vua.

Năm 1470, vua Chiêm là Trà Toàn cầu viện nhà Minh, sang đánh phá đất Hóa Châụ Năm 1471, vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) tiến chiếm Đồ Bàn, giết 60.000 người, bắt Trà Toàn và hơn 30.000 tù nhân. Tướng Chiêm là Bô Trì Trì sai sứ vào cống xin xưng thần. Thánh Tông muốn cho Chiêm quốc yếu đi, mới chia đất Chàm ra làm ba nước là Chiêm Thành, Hóa Anh và Nam Phan, rồi đặt quan cai trị.

Từ từ, những phần đất nhỏ bé còn lại của Chiêm quốc lần lượt rơi vào tay người Nam. Năm 1611, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng tiến chiếm Phú Yên rồi chia ra làm hai huyện là Đồng Xuân và Tuyên Hòa. Năm 1653, Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần đánh vua Chiêm là Bà Thấm, lấy phủ Diên Khánh (Khánh Hòa) làm biên giới và đặt dinh Thái khang cho tướng là Hùng Lộc làm thái thú. Năm 1693, vua Chiêm là Bà Tranh không tiến cống, Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu sai Tổng binh Nguyễn Hữu Trấn sang đánh tan Chiêm quốc, bắt dân chúng thay đổi y phục như người Nam. Từ đó, vương quốc Chiêm Thành vĩnh viễn biến mất trong lịch sử nhân loạị..

Về số phận nàng công chúa Huyền Trân của nước Đại Việt, một năm sau khi về đất chàm, Mân Quân dựng xong tháp Po Kloong Girai tại Phan Rang thì qua đời vào mùa hạ, tháng 5 năm 1307. Theo Khâm định Việt sử, tháng 9, thế tử là Chế Đa Đa sai bầy tôi là Bảo Lộc Kê sang dâng voi trắng để cáo việc tang.

Theo tục lệ Chiêm quốc, vua mất thì các cung phi phải lên hỏa đàn để tuẫn táng. Trần Anh Tông sai quan Nhập nội Hành khiển Thượng thư Tả bộc xạ Trần Khắc Chung cùng An phủ sứ Đặng Vân đi điếu tang.

Khi thấy Trần Khắc Chung tới, các cung nữ của Huyền Trân hát rằng :

Đàn kêu tích tịch tình tang,
Ai đem công chúa lên thang mà ngồi.

Ngụ ý công chúa sẽ phải lên hỏa đàn. Trần Khắc Chung nói với thế tử Chiêm Thành rằng : "Sở dĩ bản triều gả công chúa cho quốc vương vì hai nước cõi đất liền nhau, nên yên phận để cùng hưởng thái bình hạnh phúc, cũng vì thương dân, chứ không phải mượn má phấn để giữ trường thành. Nay Quốc vương từ trần, nếu đem công chúa tuẫn táng ngay thì việc tu trai không người lo liệu. Theo tục lệ bản quốc, trước hãy đưa công chúa ra bãi bể chiêu đón linh hồn, rồi mới vào hỏa đàn sau".

Người Chiêm Thành nghe theo lời. Khi thuyền công chúa ra giữa bể, Trần Khắc Chung đem thuyền cướp Huyền Trân. Theo Khâm định Việt sử, Trần Khắc Chung cùng Huyền Trân tư thông quanh quất trên bể hơn một năm mới về đến kinh sư. Hưng Nhượng vương Quốc Tăng rất ghét chuyện ấy, hễ trông thấy Khắc Chung thì mắng rằng "Họ tên người này không tốt, có lẽ nhà Trần mất vì hắn chăng !" Bởi vậy Khắc Chung khi trông thấy Quốc Tăng thì tránh mất.

Huyền Trân công chúa về đến Thăng Long ngày 18, mùa thu năm Hưng Long 16 (Mậu Thân 1308), từ đấy sống trọn đời trong hiu quạnh bẽ bàng.

Riêng về mối tình giữa Huyền Trân và Khắc Chung, theo Đại Việt sử ký toàn thư, khi Chế Mân dâng lễ cầu hôn thì "...triều thần nước ta đều nói là không nên, duy một mình Văn Túc vương Đạo Tái chủ trương việc gả ấỵ Trần Khắc Chung thì tán thành". Theo đó, mối tình lãng mạn giữa nàng công chúa và vị tướng quân nước Đại Việt phải chăng chỉ là những gấm thêu huyền thoại ?

Chúng tôi xin trích bài thơ của Hoàng Cao Khải để kết thúc bài biên khảo về Huyền Trân công chúa và vương quốc Chiêm Thành :

Đổi chác khôn ngoan khéo nực cười,
Vốn đà không mất lại thêm lời,
Hai châu Ô Lý vuông nghìn dặm,
Một gái Huyền Trân của mấy mươi !
Lòng đỏ khá khen lo việc nước,
Môi son phải giống mãi trên đời.
Châu đi rồi lại châu về đó,
Ngơ ngẩn nhìn nhau mấy đứa Hời.

Les Lilas, 25/06/2000

Ngô Kim Khôi

------

Thư mục và tài liệu tham khảo :

- Minh họa " Huyền Trân công chúa " do NgKimKhôi phỏng theo tranh của
Phi Hùng trong Bulletin des Amis du Vieux Huế (BAVH, tập san Đô thành
Hiếu cổ), số 2, tháng 4 6/1942.

- Indochine, carrefour des arts, Bernard Philippe Groslier, nxb Albin Michel,
Paris 1961.

- Introduction à l''étude de l''Annam et du Champa, J.Ỵ Claèys, BAVH, năm
thứ XXI, số 1 2, tháng 1 6/1934, trang 1 144.

- Histoire du Việt Nam des origine à 1858, Lê Thành Khôi, nxb Sudestasie,
Paris 1987.

- Huyền Trân công chúa và ảnh hương Chàm Trung hoa trong nền ca
nhạc cổ điển Việt nam, Thái văn Kiểm, nxb Pháp Á, Sài gòn tháng
3/1950.

- La princesse Huyền Trân et sa complainte, chantée sur l''air Nam Bình,
Ưng An, BAVH, năm thứ XXIX, số 2, tháng 4 6/1942, trang 223 228.

- Le Champa, Léopold Cadière, BAVH, năm thứ XVIII, số 2, tháng 1 6/1931,
trang 107 111.

- Littérature Chame, Paul Mus, đăng trong Indochine, Sylvain Lévi, Triển
lãm Thuộc địa, Paris 1931.

- Việt nam sử lược, Trần Trọng Kim, bộ Giáo dục, trung tâm Học
liệu, Sài gòn 1971.
Phượng Các
#2 Posted : Sunday, May 8, 2005 6:05:28 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
VỀ MỘT TƯỢNG ĐÀI CÔNG CHÚA HUYỀN TRÂN



Trần Kiêm Đoàn





Am miếu và tượng đài


Khái niệm tượng đài cổ xưa nhất xuất phát từ bản năng sinh tồn của loài người. Con người dùng thực thể thiên nhiên để ghi dấu chân và kinh nghiệm của mình: Nhớ một ngọn núi cao có nước ngọt và cây trái; ghi dấu mỏm đá có nhiều thú vật dễ săn; để ý một lùm cây có kẻ thù rình mò ẩn núp... Dần dà, khi con người đã thắng được cái ăn thì nhu cầu tinh thần thể hiện. Am, miếu, tượng, đài xuất hiện sớm nhất là những sản phẩm nghệ thuật dân gian phục vụ cho sự chiêm bái thần linh và lên cao một bước nữa là đức tin tôn giáo.

Có lẽ ít người đồng ý với một nhà khảo cứu tượng đài gốc Á Châu, Ronald D. Young, khi ông viết trong “Methods of Modern Sculpture” ( các phương pháp điêu khắc hiện đại) rằng, sự nghèo khổ và lạc hậu của Châu Á đã làm vắng bóng ngành điêu khắc trong kho tàng tượng đài ít ỏi của vùng đất nầy. Young chỉ đứng trên bình diện kinh tế và xã hội để bình luận mà quên đi rằng tượng đài cũng là một phần “thượng tầng kiến trúc” của văn hóa. Tượng đài là cách thể hiện cụ thể mối cảm nhận quá khứ, sự định hình khái niệm nghệ thuật của hiện tại và dự phóng về tương lai theo dòng lịch sư.û

Từ tự nhiên khách quan thuần túy, đến bàn tay nghệ thuật sáng tạo của con người thuần túy là cả một quá trình đầy gian nan và khổ hạnh. Đó là một cuộc hành trình dài thăm thẳm để những nhà nghệ sĩ thay mặt cho nhân loại thổi linh hồn vào đất đá vô tri. Hay nói một cách văn vẻ như Jane Whitney, những người “thổi linh hồn vào thế giới hoang lạnh (the blowers of souls to the cold) là những cánh tay nối dài của đấng Sáng Thế để bắc cầu ký ức từ quá khứ đến hiện tại và về tương lai. Những nghệ sĩ khắc họa tài danh của nhân lọai như Michelangelo, Leonardo da Vinci, Donatello, Bernini... đã “giải phóng” những chân dung, hình tượng, đường nét tuyệt vời ra khỏi những khối đá vô tri.

Tuy nhiên qui mô thực hiện công trình tượng đài, mức độ diễn cảm và nghệ thuật tạo hình tùy thuộc vào tài năng của nhà nghệ sĩ đã đành; nhưng ảnh hưởng tính thời thượng của xã hội, khuynh hướng của quần chúng và sự khống chế của thế lực lãnh đạo đương thời cũng có một tác động sâu rộng trên sự hình thành các mô thức tượng đài. Bởi vậy nhà nghệ sĩ khắc họa tượng đài vừa có tự do, vừa bị khống chế trong sáng tạo. Nhưng chính chân tài mới là đôi cánh vạn năng đủ sức bay đến những chân trời tự do xa thẳm của nghệ thuật. Như Michelangelo cũng đã bị lôi kéo mãnh liệt giữa hai thế lực thế quyền và giáo quyền của Florence và Roma trong bối cảnh tôn giáo và chính trị tác động lên nhau của thế kỷ 16 tại Âu Châu. Nhưng tài năng kiệt xuất của Michelangelo đã giúp ông vượt qua những hệ lụy nhân sinh để bay lượn thênh thang trong cung trời sáng tạo nghệ thuật. Tác phẩm Ngày Phán Xét Cuối Cùng ( The Last Judgement) của Michelangelo trong nhà thờ Sistine ở Tòa Thánh La Mã với hơn 400 hình tượng – từ Chúa Jesus thánh thiện đến kẻ có tội bị đày xuống hỏa ngục – là một sự thắng lợi huy hoàng của nghệ thuật bao la trước sức mạnh của quyền lực và định kiến giới hạn của con người.

Tượng đài là ấn kiếm tượng trưng của một nền văn minh và một bối cảnh văn hóa trong từng thời kỳ nhất định. Từ những dấu tích của người vượn Bắc Kinh 500 nghìn năm trước đến dấu chân của Columbus đến Mỹ châu năm 1492 là một dòng lịch sử chằng chịt vô số mảng văn minh và văn hóa muôn màu muôn vẻ của nhân loại. Nhưng hai cái khung văn hóa lớn nhất vẫn là hai vùng địa lý: Đông và Tây.

Văn hóa Đông Tây khác nhau từ bản chất, nên tính cách thể hiện những công trình văn hóa cũng phản ánh hai thế giới tinh thần và thể chất khác nhau.

Bản chất văn hóa giữa Đông và Tây thuộc về hai thái cực. Văn hoá Đông phương thiên về mặt tĩnh, trong lúc văn hóa Tây phương ở phía động. Đông phương chọn đêm làm mốc thời gian, chọn ngày chết làm ngày tưởng nhớ. Cõi trầm tư và im lặng là cõi vĩnh hằng. Nên người phương Đông cất dấu những hình tượng, danh xưng, gia tài quý báu vào chỗ trú ẩån riêng tư như kiêng tên, cữ họ; phủ mặt những tượng ảnh thờ. Tây phương thì ngược lại, họ lấy ngày làm mốc thời gian, chọn ngày sinh làm ngày kỷ niệm. Khi sùng kính một nhân vật nào đó thì người phương Tây đem ra chốn phồn hoa đô hội; nhận diện, nêu danh để phô trương thanh thế, trưng bày ảnh tượng giữa những công trường. Bởi vậy, khi nói đến nghệ thuật tượng đài, nhân loại vẫn có cái chung là ý hướng ghi khắc để nhớ. Nhưng ghi khắc như thế nào và nhớ theo cách suy tưởng của từng thời kỳ và hoàn cảnh văn hóa cụ thể ở đâu vẫn còn là một câu hỏi và một câu trả lời không đơn giản.

Tại Á Châu, đặc biệt là Trung Hoa, Nhật Bản, Ấn Độ… tượng đài xuất hiện rất sớm, từ nhiều thế kỷ trước Công nguyên. Ở Trung Hoa, đến đời nhà Chu thì việc ghi khắc xây dựng tượng đài đã được thực hiện và hoàn thành đến mức chuẩn mực.

Theo truyền thống cổ điển Việt Nam, mỗi nhà đều có bàn thờ tổ tiên; mỗi xóm đều có am miếu, mỗi làng đều có đình chùa để thờ phụng các đấng tiền nhân có công khai sáng hương thôn và những anh hùng liệt nữ đã hy sinh cho đất nước. Thật ra, Việt Nam và các nước ở phương Đông không thiếu vắng tượng đài như Young nhận định. Nhưng tượng đài phương Đông ở dưới dạng tiềm ẩn trong núi non, hang động; hay chỉ được đặt để ở chốn tôn nghiêm như đình chùa am miếu.

Tượng đài là một công trình nghệ thuật kết hợp cả ba loại hình nghệ thuật: Hội họa, điêu khắc và kiến trúc. Ở các nước Âu Châu mà đứng đầu là Ý, khái niệm tượng đài được thực hiện một cách rõ nét và chặt chẽ. Nét điển hình nhất cho một công trình tượng đài hoàn chỉnh là tượng đứng trên đài. Thường “Tượng” là một tác phẩm điêu khắc và “Đài” là một tác phẩm kiến trúc nghệ thuật minh họa cho bối cảnh lịch sử của tượng. Lý tưởng nhất là khi một công trình tượng đài hoàn chỉnh được dựng lên tại một ngôi đền, trước một cung điện hay giữa một khung cảnh lịch sử. Khái niệm “đền đài, cung điện” trở thành tiêu biểu ở Âu Châu và Mỹ Châu hơn là ở Á Châu. Nếu tượng David không được đặt ở giáo đường Saint Peter ở Florence của Ý; tượng Jeanne d’Arc không đặt ở Paris của Pháp; tượng Churchill không đặt ở công trường Parliament – London của Anh; tượng Nữ thần Tự do không đặt ở cảng New York của Mỹ... thì linh hồn tượng đài sẽ mất đi sự rung cảm vô hình nhưng rất thiêng liêng và mãnh liệt của con người giới hạn đối diện với dòng lịch sử vô cùng.



Xung quanh tượng đài Huyền Trân Công Chúa



Một tượng đài điển hình thường mang ba đặc tính tiêu biểu có thể xếp theo thứ tự ưu tiên như sau:

1. Có giá trị về nghệ thuật

2. Có ý nghĩa về lịch sử

3. Có tính đại chúng

Trong lịch sử khoảng chừng 5000 năm trở lại của nhân loại, tính từ thời kỳ Đồ Đá cổ Ai Cập và Trung Hoa đến nay, đã có hằng hà sa số những tác phẩm mỹ thuật điêu khắc, những tượng đài lớn nhỏ dựng lên từ trong hang động thâm u đến những công trường chói sáng. Vật liệu có thể thay đổi từ dạng đất sét nung, đá, gỗ, đồng, thạch cao và hiếm hoi hơn là vàng hay ngọc. Sự gạn lọc của nghệ thuật cũng rất khắt khe từ phía người đương thời và lớp lớp đời sau. Những tượng đài còn tồn tại trong ký ức nhân loại qua sách vở hay bằng hình dáng hiện thực sống động ngày nay đều là những tác phẩm nghệ thuật thời danh và bất hủ. Đã có biết bao nhiêu tượng đài xuất hiện và mai một vì thiếu vắng công trình và tài năng nghệ thuật tác tạo ra chúng, nên đã bị quên lãng như những khối vật chất nguyên sơ chưa từng được khai phá. Tuy nhiên, khái niệm về tượng đài được phô diễn một cách hòan chỉnh và đại chúng xuất hiện từ khoảng năm 600 trước Tây Lịch tại Ai Cập. Người Ai Cập quan niệm rằng, chân dung của con người là tiêu chuẩn của tất cả thế giới vật lý. Hình tượng Appolo đứng vươn vai, không một mảnh vải che thân hay những bức tượng Nhân sư (đầu người, mình sư tử), Nhân ngư (nửa người nửa cá) trong ngành điêu khắc cổ Hy Lạp thường được xem như là khởi điểm nghệ thuật của ngành điêu khắc sau nầy. Và con đường thiên lý đó kéo dài cả 15 thế kỷ sau mới có những Auguste Rodin, Daniel Amony, Michel Colombe (Pháp); Giovannni Bernini, Michelangelo (Ý)... xuất hiện.

Mỗi tượng đài đều mang theo một dòng lịch sử, dù là thực chất hay huyền thoại, xung quanh. Tượng đài có thể mang nội dung lịch sử thần kỳ của một xã hội, một đất nước, một tổ chức. Hoặc tượng đài để vinh danh, tri ân, tôn sùng một nhân vật lịch sử của một thời kỳ, một xã hội hay một quốc gia hay một tôn giáo nào đó như tượng Phù Đổng Thiên Vương, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng (Việt Nam); David, Moses (Ý); Napoleon, Jeanne d’Arc (Pháp); George Washington, Abraham Lincoln (Mỹ)...

Trong một số trường hợp, tượng đài là một biểu tượng nói lên một cách vừa trực tiếp, vừa gián tiếp nội dung của lịch sử, của một biến cố, một sự kiện hay một nghĩa cử. Như đài kỷ niệm Monument du Lion ở Luzern, Thụy Sĩ là một biểu tượng đầy xúc động về sự hy sinh của những chiến sĩ can trường đã chết một cách anh dũng cho quê hương được tồn tại và hồi sinh. Đến viếng đài kỷ niệm nầy vào một sáng trời mưa, nhìn hình tượng xuyên qua đôi dòng lịch sử “chiến sĩ vô danh” khắc sâu trên đá, tôi cảm thấy xúc động đến lạnh người. Tất cả biểu tượng chỉ là hình ảnh một con sư tử già được tạc ngay trong núi đá, lớn ngang tầm trái núi. Con sư tử nằm chết một cách can trường với vẻ mặt vừa uy nghi vừa đau đớn; chuôi đao còn cắm phập trên lưng. Nét thần kỳ tỏa ra trên bức tượng nầy là dáng gục ngã hào hùng như người xưa thường nói: “Luận anh hùng chớ kể hơn thua!” Có những tượng đài gây một ấn tượng lạ lùng và sâu lắng vì nghệ thuật kiến trúc độc đáo một cách bất ngờ như “Tháp bút chì” – Đài kỷ niệm Washington hay “Bức tường tiếc thương” đen tuyền và lạnh bóng đặt sâu dưới lòng đất – ghi tên 55 nghìn lính Mỹ tử trận trong cuộc chiến Việt Nam được xây dựng tại Washington DC. Hoặc tượng đài chỉ nhằm nói lên một ý niệm như tượng Nữ thần Tự do ở New York.

Tính đại chúng cũng là một nét tiêu biểu không thể vắng bóng trong thế giới tượng đài. Tượng đài rất khác với một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc thuần túy vì đối tượng quan chiêm tượng đài là quần chúng đủ mọi trình độ học vấn, mọi trường phái nghệ thuật, mọi thành phần và giai cấp xã hội. Một tượng đài được xem có tính đại chúng cao khi cái “thông điệp” mà những nhà xây dựng tượng đài muốn nói lên có thể truyền đạt đến được cả tâm hồn và nhận thức của mọi lớp quần chúng từ kẻ mù chữ đến hàng thức giả; từ khách phương Đông đến khách phương Tây. Ngôn ngữ của tượng đài, vì thế, là một loại ngôn ngữ phổ cập và đại chúng vượt ra ngoài biên giới của thời gian, không gian và chủng tộc.

Khi nói đến một tượng đài Huyền Trân Công Chúa có khả năng xây dựng ở Huế, mọi người đều có những ý tưởng vừa rất rõ nét, vừa rất mơ hồ; vữa lãng mạn, vừa thực tế một cách... đáng yêu!

Trước hết là động cơ xây dựng tượng đài có vẻ như đã chín muồi sau một chuỗi thời gian dài suy tư... 700 năm! Những học giả có thẩm quyền như các nhà Huế học, cổ học, sử học, mỹ học và... “tự” học ... đã nhiệt thành nói lên ý kiến của mình qua phương tiện truyền thông đại chúng hay riêng tư đều đồng ý rằng thời gian chờ đợi suốt bảy thế kỷ có... hơi lâu. Từ ý niệm đến hiện thực có thể chỉ là một chiếc cầu ao, mà cũng có thể là chiếc cầu Ô Thước “thấy có mà ngó không” thêm dăm ba thế kỷ nữa không chừng!

Nếu mượn tạm cái đề cương “5W” của chủ nghĩa thực dụng Mỹ mỗi khi lập đề án cho một công trình thì vấn đề được đặt ra là: (1) Cần xác định rõ ràng nội dung, ý nghĩa của công việc sắp thực hiện (What); (2) mục đích và yêu cầu của công trình (Why); (3) ai sẽ là người đứng ra thực hiện và cung cấp tài chánh (Who); (4) khi nào thì mới có thể thực hiện và hoàn thành được (When); (5) công trình sẽ được thực hiện ở đâu (Where).

Một khi chuyện “5W” đã giải quyết rồi thì vấn đề còn lại là công trình sẽ được thực hiện như thế nào để thể hiện được cả 3 mặt nghệ thuật, lịch sử và đại chúng.

Truyền thống Huế là nghèo mà sang, không phải “sang” theo lối kiêu kỳ, hợm hĩnh của “trưởng giả học làm sang” mà chỉ là những nét đơn sơ và đạm bạc trong tinh thần “áo rách khéo vá hơn lành vụng may” thôi! Bởi vậy, Huế sẽ không cưu mang nổi một công trình tượng đài nặng phần trình diễn về hình thức mà nội dung rỗng không và phi nghệ thuật.

Tượng đài thường xuất hiện dưới 3 hình thức phổ biến nhất, đó là: Hiện thực, hiện thực kết hợp với biểu tượng và thuần biểu tượng.

Thật không dễ dàng và đơn giản để chọn lựa một mô thức tượng đài Công Chúa Huyền Trân theo một trong ba dạng ấy.

Nếu theo dạng hiện thực thì nhân dáng của Huyền Trân sẽ như thế nào? Hình ảnh một nàng công chúa tuyệt trần được mô tả trong chuyện thần tiên chung chung chăng? Hay là một khuôn mặt đẹp có dáng vẻ mượt mà, thuần hậu, yêu kiều, đăm chiêu, trẻ trung, cương nghị, lắng đọng, sâu thẳm... của một David mà chỉ có thiên tài Michelangelo mới mong thực hiện nổi? Nếu chọn theo dạng hiện thực kết hợp với biểu tượng đại khái như mái tóc là dòng sông Hương; khuôn mặt là hình ảnh cô gái Huế dịu dàng; gót chân là những đóa hải đường hàm tiếu hay mãn khai; tà áo là dáng mây bay qua núi Ngự... thì liệu có dễ dàng tìm ra một mảnh đất chung cho một khái niệm về biểu tượng hay không?

Nghệ thuật vẫn phong phú và bao la như bầu trời vô tận, nên không ai biết phải đi bao xa và tìm kiếm bao lâu mới tìm ra “bí quyết” để đạt đến vẻ đẹp toàn bích, chân và mỹ, của nghệ thuật. Những nghệ sĩ thiên tài dường như đều tìm thấy cái đẹpï ấy trong chính sự sâu thẳm của mình và trong thế giới riêng tư của mình để diễn đạt vẻ đẹp ấy bằng cảm quan nghệ thuật “tự tại” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Biểu tượng chiến đấu trong thiên hùng sử “David chống Goliath” đã được Bernini dùng những đường nét của khuôn mặt mình để khắc họa nên tác phẩm tượng đài bất hủ này khi nhà nghệ sĩ điêu khắc tài danh nầy mới 21 tuổi. Michelangelo cũng phản ánh hình tượng của chính mình để khắc tượng David. Và Frederic Auguste Bartholdi, người Pháp, cũng đã dùng khuôn mặt của mẹ mình để dựng nên tượng Nữ Thần Tựï Do ở Mỹ. Ước mong sao nguồn suối nghệ thuật để khắc họa một chân dung tượng đaiø Công Chúa Huyền Trân là những chất liệu đang tiềm tàng trong lòng đất quê hương.

Nếu cuộc đời vẫn “suông sẻ” thì thế hệ Chiến Tranh Việt Nam của chúng ta cũng chỉ còn đủ sức kiên gan đợi chờ tối đa là vài ba chục năm nữa rồi sẽ rủ nhau về đất. Chúng ta có được dịp say sưa đứng ngắm một tượng đài Huyền Trân Công Chúa ở Huế hay không là tùy thuộc vào khả năng vận động và kết hợp trong bước khởi đầu đầy khó khăn và trở ngại ngày hôm nay. Ngày xưa, nước non nghìn dặm vẫn không làm chùn bước chân son lịch sử của nàng công chúa họ Trần bẻ quế lên đường. Một ngày đang đến là một ngày đang qua, nước non trước mặt, đâu còn truông sâu và sóng dữ để chúng ta phân vân thấp thỏm đợi chờ một ngày mai lập lại ngày hôm nay.

Rồi ba trăm năm sau – Tam bách dư niên hậu – thời gian mà thi sĩ Nguyễn Du nghĩ rằng đủ dài để nhớ hay quên thì những tóc xanh tóc trắng, yêu thương mơ mộng, mùa Thu và lá vàng… đang bay ngoài cửa sổ hôm nay sẽ còn chi lưu dấu hay còn chăng “một nấm cổ khâu xanh rì”! Những người qua Huế có chăng một chuyến dừng chân lại một nơi nào đó ở Huế ngắm nhìn bức tượng Huyền Trân rêu phong đã ba thế kỷ. Hay vẫn còn nghe vọng âm tiếng chuông lạnh cả hư không từ phía đồi xa mà bâng khuâng tự hỏi rằng: “Một nghìn năm qua rồi mà Huyền Trân còn ai quên, ai nhớ?!”



Trần Kiêm Đoàn

California, Đông 2002




nguồn: khuongviet.com

-
Phượng Các
#3 Posted : Monday, March 26, 2007 6:29:14 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Sáng nay 26-3-2007, Công ty Du lịch Hương Giang đã tổ chức khánh thành công trình đền thờ Huyền Trân Công chúa và tháp chuông Hòa Bình.

Hai công trình xây dựng trên diện tích rộng 28ha, cách thành phố Huế 5km về phía Đông Nam, ngay dưới chân dãy núi Ngũ Phong thuộc thôn Ngũ Tây (xã Thủy An - Huế).

Ngoài đền thờ và tháp chuông Hòa Bình, khu vực này còn có nhiều công trình văn hóa như: Thiền đường, nhà thư pháp, triển lãm phong lan, nhà phục vụ sáng tác âm nhạc, mỹ thuật, văn học nghệ thuật; thư viện tư liệu về Vua Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Huyền Trân Công chúa, Trương Hán Siêu... thiền phái Trúc Lâm qua các triều đại, văn hóa Huế và lịch sử văn hóa kiến trúc Chàm.
PC
#4 Posted : Wednesday, February 27, 2008 8:53:09 PM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
Lễ hội đền thờ Huyền Trân công chúa

Sáng 15.2.2008 (mồng 9 Tết Mậu Tý ), lễ hội đền Huyền Trân Công Chúa tại núi Ngũ Phong thuộc địa bàn phường An Tây, thành phố Huế chính thức khai mạc, mở đầu cho các hoạt động vui xuân, trẩy hội, chào mừng Festival Huế 2008 sắp diễn ra.

Lần đầu tiên, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế kết hợp công ty du lịch Hương Giang tổ chức lễ hội tại Trung tâm văn hóa Huyền Trân, nhân kỉ niệm 668 năm ngày mất của công chúa Huyền Trân - vị liệt nữ có công với đất nước trong việc mở mang bờ cõi; là tấm lòng tri ơn công lao bao lớp người xưa đến khai sơn, phá thạch ở mảnh đất Thuận Hóa (Thừa Thiên - Huế).

Lễ hội có nhiều chương trình nghệ thuật hấp dẫn thu hút hàng ngàn khách du lịch đến Huế sau dịp tết Nguyên Đán, như biểu diễn nghệ thuật “Nước non ngàn dặm, múa hát chầu văn”, hội làng, dâng hương tại tượng đài đền thờ Huyền Trân Công Chúa, tượng đài Di Lạc và thỉnh chuông Hòa Bình sau đỉnh núi Ngũ Phong để cầu nguyện quốc thái – dân an, thế giới hòa bình.


Tượng Huyền Trân bằng đá cẩm thạch phiá ngoài ngôi điện


Trung tâm văn hoá Huyền Trân


Tin, ảnh: Hồ Hương Giang
viethoaiphuong
#5 Posted : Thursday, February 28, 2008 5:47:18 PM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
Hôm qua VHP vô đây tìm "dấu vết" Huyền Trân Công Chúa để tặng hội ĐườngThi của MGP đang có chủ đề về Công Chúa Huyền Trân.
Hôm nay xin tặng lại cho PNV chùm bài ĐườngThi của bạn-thơ MGP, và xin chuyển lời cám ơn của bạn bè nơi ấy tới người khởi xướng topic đặc biệt "Huyền Trân Công Chúa"
http://emavaban.com/foru...thread.php?t=56&page=40
Roseheart
Đa tạ,
VHP
Vi_Hoang
#6 Posted : Tuesday, December 2, 2008 5:15:56 AM(UTC)
Vi_Hoang

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,407
Points: 48
Woman
Location: California, Santa An a

Was thanked: 1 time(s) in 1 post(s)
Vừa rồi VH có ghé Đền Huyền Trận công chúa ở Huế. Ngôi đền thật là vĩ đại và cho đến nay, công trình xây cất cũng chưa xong cho nên ngoài bãi đậu xe còn trống trãi và những dịch vụ thâu tiền vẫn chưa có. Có một số nhân viên phục vụ, có người tiếp đón và hướng dẫn. Người đó nói rằng mọi cống hiến, cúng dường xin bỏ vào thùng phước sương. VH tin rắng, không lâu nữa, khi hoàn tất, sẽ có ban dịch vụ, có bán vé vào cửa và thâu tiền chổ đậu xe.......cũng như bao nơi khác.
Lâu nay mọi người thường nói về chuyện tình của Huyền Trân công chúa và vị" tướng trẻ" Trần Khắc Chung, nhưng đọc qua nhiều sử sách, thì trong đó có ghi là "lão tướng Trần khắc Chung". Chuyện sử sách thì không thể nào biết đâu là sự thật, và cũng có thể chuyện tình đó chỉ là một cách lãng mạn hoá cho một vị công chúa đã hy sinh tuổi xuân xanh và ngay cả một mối tình thơ mộng giữa đôi tai trài gái sắc cho đất nước.
Dứơi đây là tấm bia ghi để ngay trước đền của Huyền Trân Công Chúa:

Và lưu bút của giáo sư Phan Huy Lê, một nhà sử học

Tượng thờ Huyền Trân công chúa trong đền

PC
#7 Posted : Sunday, December 21, 2008 6:07:25 PM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
Ý nghĩa thực của đám cưới Huyền Trân

Lịch sử Phật giáo không có nhiều người từng là vua tu hành đắc đạo như Trần Nhân Tông. Và trong số đó càng không có nhiều vị vua hai lần trực tiếp cầm quân đánh tan xâm lược Nguyên Mông hùng mạnh từng chinh phục cả thế giới. Nhìn ở góc độ nào, thì việc mãi đến hôm nay mới làm lễ kỷ niệm, tưởng nhớ và đề nghị UNESCO công nhận Trần Nhân Tông danh nhân văn hóa thế giới là một thiếu sót và chậm trễ đáng tiếc

Và, cũng sẽ lại thêm một thiếu sót đáng tiếc nữa nếu lần hội thảo khoa học về thân thế và sự nghiệp của vua Trần Nhân Tông này, chuyện gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân đem về châu Ô, châu Lý vì một lý do nào đó lại không được đem ra nhìn nhận một cách thấu đáo.

Trong lịch sử mối quan hệ Việt – Chăm có một thời kỳ vô cùng đặc biệt, đó là giai đoạn cùng nhau hợp tác chống lại quân Nguyên Mông. Sử ký Toàn thư và Cương mục của Đại Việt chép lại thật ít các sự kiện này, thế nhưng trong các sách Trung Hoa, nhất là Nguyên sử, chúng ta tìm thấy nhiều chi tiết thật thú vị để từ đó có thể hiểu hơn việc “Nước non ngàn dặm ra đi – cái tình chi – mượn màu son phấn – đền nợ Ô - Lý...” buồn hiu hắt trong câu ca Huế điệu nam bình.


Không được Đại Việt cho mượn đường bộ, năm 1282 Toa Đô dẫn 1.000 chiến thuyền tới cửa biển Chiêm Thành và chiếm thành Đồ Bàn, vua Chiêm là Indravarman phải rút chạy lên núi để cầm cự, cho đến năm 1285, khi Nhân Tông phản công, đánh bại Thoát Hoan, chém đầu Toa Đô, thì Chiêm Thành mới được giải phóng khỏi sự chiếm đóng của quân Mông Cổ.

Năm 1293, Nhân Tông nhường ngôi cho con là Anh Tông, làm thượng hoàng và quyết chí tu hành. Năm 1301, ông đi vân du Chiêm Thành và ở lại đó đến chín tháng. Cũng dễ để hình dung ông được Chiêm Thành kính trọng như thế nào. Mục đích chính của Nhân Tông là gì trong chuyến đi Chiêm Thành năm 1301 ấy, sử sách chép lại thật ít; thế nhưng cứ suy từ tâm trí của một người đã dứt bỏ cả ngai vàng, quyết chí tu hành thì ta hiểu ông không có mục đích nào khác là tìm đạo. Chiêm Thành lúc này có nhiều tông thừa Phật giáo, thế nhưng theo pháp sư Nghĩa Tịnh trong Nam hải ký quy truyện (thế kỷ 7) thì: “Trong xứ này, nhìn chung những người theo Phật giáo đều theo học kinh tạng Chính lượng và kinh tạng Hữu bộ”. Chính lượng và Hữu bộ là hai hệ phái gắn liền với Phật giáo Nguyên thuỷ (Theravada), Tiểu thừa. Không xác định bức tượng đá được tạc vào lúc nào, nhưng hoa văn bệ tượng cho thấy được làm từ thời Trần.


Mối quan hệ, quan tâm của Trần Nhân Tông với hệ phái Phật giáo phương Nam, qua ngả Chiêm Thành là có thể hiểu được, ông dường như thực sự đã tìm thấy điều gì đó ở giáo lý tu tập hệ phái này. Và qua bài phú Cư trần lạc đạo nổi tiếng, tiêu biểu cho Trần Nhân Tông: “Ở đời vui đạo hãy tuỳ duyên/Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền. Trong nhà có báu thôi tìm kiếm/ Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền” cũng thấm đẫm tinh thần giác ngộ của hệ phái Nguyên thuỷ, đó là đề cao nhận thức vạn pháp do duyên khởi, không đề cao Phật tánh như Đại thừa, tức sự giác ngộ rốt ráo của thân và tâm, sống với sự nhận thức chứ không sống với sự giác ngộ, lấy đối cảnh vô tâm thay thế cho sự viên giác... Ngay trong bài kệ trước lúc nhập niết bàn cũng cho thấy tinh thần Nam tông của ông là rất rõ: “Các pháp vốn không sinh/Các pháp vốn không diệt/Nếu hiểu rõ như thế/Chư Phật thường hiện tiền…”. Phật giáo Đại thừa, hay chính xác hơn là Thiền tông không đề cao sự HIỂU nào cả, mà ngược lại, lìa tri kiến mới khả dĩ nhập đạo.

Dài dòng ra ngoài bài một cái chuyện vô cùng to như vậy không nhằm chứng minh pháp môn chính thức của Trúc lâm Yên Tử là gì mà chỉ để góp phần hiểu mục đích thực sự Trần Nhân Tông trong chuyến vân du đến Chiêm Thành là thực sự vì đạo chứ không phải vì mục đích chính trị, và gả con gái Huyền Trân cho Chế Mân để lấy về Ô, Lý không phải là tâm thức, mục đích của người đã thực sự vì đạo như Trần Nhân Tông lúc ấy.

Và chúng ta hãy xem lại các hiện vật mới được tìm thấy trong các hố đào khảo cổ kinh thành Thăng Long. Theo Huỳnh Ngọc Trảng (trong tạp chí Tia Sáng 5.2004) thì những hiện vật trong lớp văn hoá thời Lý Trần đều thấm đẫm dấu ấn văn hoá Chămpa. Đó là con ngan (vịt xiêm) trên các viên ngói Thăng Long (con vật mà theo truyền thống người Việt là con vật không may mắn, thấp kém) chính là con vịt thần Hamsa, vật cưỡi của Brahma, và cũng là con vật bạn của nữ thần thơ ca Srasvati; đó là cái đầu rồng thời Lý có môi trên cong dài không khác mảy may với con rồng Chămpa Makara; đó là chiếc mặt quỷ giống hệt với các Kala, thần Thời gian, nằm quanh chân tháp G1...! Và cũng năm 2003 ấy, tháp G1 ở Mỹ Sơn – tháp được xây dựng vào thời Nhân Tông vân du Chiêm Thành, các nhà khảo cổ đã lần đầu tìm thấy nhiều chữ Hán (như chữ Trần) được chạm vào các viên gạch, đá trong thân tháp.

Với cái nhìn đồng đại, lúc ấy, đất nước Chiêm Thành và văn hoá Chămpa không hề thua kém Đại Việt, nếu không nói là Thăng Long lúc ấy bị ảnh hưởng phương Nam nhiều hơn phương Bắc. Và việc gả công chúa Huyền Trân vì thế không phải là cái gì quá không hay cho quốc thể.

Việc hứa gả Huyền Trân của Nhân Tông là không kèm điều kiện mà thực sự xuất phát từ sự nhận thấy Chế Mân là khả ái. Theo Masperro, Chế Mân vì thấy triều đình do dự nên đã tự tăng quà sính lễ. Và với hai châu Ô, Lý, Trần Anh Tông đã đồng ý gả em gái.

Nhiều đánh giá khác nhau về cuộc hôn nhân này cho đến tận hôm nay, nhưng cho dù thế nào chăng nữa thì điều đó cũng ở ngoài ý nghĩ của người tạo nên cuộc hôn nhân đó, tức Trần Nhân Tông.

Hồ Trung Tú
http://www.sgtt.com.vn/d...fld=HTMG/2008/1123/43778
viethoaiphuong
#8 Posted : Tuesday, January 6, 2009 6:07:48 PM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA
NGƯỜI CON GÁI VIỆT ÐẦU TIÊN QUA HẢI VÂN SƠN
––––––––––––––––––––––––––––––––––-
MƯỜNG GIANG
Kính tặng những người phụ nữ VN tuyệt vời trong nước, đang vào tù ra khám
vì dám đối mặt với ng?y quyền cộng sản Hà Nội
(Bài được lưu trữ tại website : www.huongvebinhthuan.org và thuvientoancau.com) .


Nhà Trần kể từ Ðức Thái Tông tới vua Anh Tông, là một giai đoạn lịch sử cường thịnh nhất trong dòng sử Việt. Vua thánh tôi thần, nên đã lập được nhiều chiến công hiển hách oanh liệt nhất, qua ba lần đuổi đánh quân Nguyên-Mông ra khỏi bờ cõi Ðại Việt. Năm Tân Sửu 1301, Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông khi du ngoạn tại Chiêm quốc, có hứa với vua Chế Mân là sẽ gã Huyền Trân công chúa cho người nhưng triều đình, nhất là Vua Anh Tôn không tán thành, nại lý do xa xôi diệu vợi lại thêm phong thổ và tập quán khác biệt giữa hai dân tộc, nên không muốn đưa em gái mình tới miền đất lạ. Cuối cùng vua Chiêm phải dâng hai châu Ô và Lý, làm sính lễ mới được chấp thuận.

Tháng 6 năm Bính Ngọ (1306) Huyền Trân lên đường sang Chiêm quốc khi nhà Trần đã tiếp nhận miền đất trên và đổi thành Thuận-Hóa cũng là các tỉnh Quảng Trị,Thừa Thiên và phần đất cực bắc của Quảng Nam ngày nay. Dù thời gian có đổi thay và bia lời nọc rắn của vài kẻ đố kỵ ganh hờn vẫn còn kéo dài chưa dứt, lại không ngớt đặt chuyện trách chê biếm nhẽ, nhưng muôn đời Trần Huyền Trân, cũng vẫn là một anh thư nước Việt và trên hết, câu chuyện tình tay ba giữa Huyền Trân-Khắc Chung-Chế Mân, nếu có cũng là một huyền thoại diễm tình nhất trong những mối tình đẹp có máu lệ, của những phụ nử phi thường đất Việt, mà mở đầu là mối tình đắm đưối của Trọng Thủy-Mỵ Châu,tới nay ai cũng muốn nhắc, cho dù chỉ đề thương sầu và tiếc hận cho tha nhân hay chính mình.

Xưa nay tình là cái gì, chẳng qua cũng chỉ là những niềm đau đứt ruột , nên ta sao dám trách tiền nhân, vì có ai trong chúng ta đã thoát được nợ tình ?

‘ Người đến đó rồi đi vào thiên cổ
bỏ trơ ta với nguyện ước mùa xuân
cuộc tình hờ e ấp lắm bâng khuâng
nay thoáng chốc thành tình sầu cô quạnh ..

Ôi đau đớn trót sinh nhằm thế kỷ
nên cho dù có đắm đuối hiến dâng
người là hoa ta đâu dám lại gần
chỉ vĩnh cửu ôm tình hờ bước vội .. ’ ’

Cũng theo sử liệu còn ghi, thì phần đất ranh giới giữa hai nước Chiêm Việt lúc đó tức là các quận Hiệp Ðức, Ðại Lộc thuộc vùng tây bắc tỉnh Quảng Nam trước tháng 4-1975, nay VC gọi là huyện Hiên, huyện Giằng.. núi non trùng điệp hiểm trở, sông suối thác ghềnh chảy xiết nhưng lại có các đặc sản là trái bòn bon ngon ngọt, rừng quế và bến Giằng (Thạnh Mỹ) với câu chuyện diễm tình liên quan tới Huyền Trân Công Chúa.

Truyện kể rằng trước khi về kinh đô Ðồ Bàn (Bình Ðịnh) để làm lể sánh phong hoàng hậu Chiêm quốc, Huyền Trân cùng đoàn tùy tùng phải tới thánh địa Trà Kiệu (Quảng Nam) để tương kiến với quốc vương Chế Mân đang đợi theo nghi thức tôn giáo. Thuở đó sự giao thông đường bộ rất khó khăn, nhất là trên các thượng đạo chênh vênh hiểm trở. Khi trời sắp vào chiều thì mọi người tới một bến sông nước trong xanh vắt, công chúa muốn dừng kiệu để nghĩ nên mới biết, đây chính là phần đất cuối cùng thuộc hai châu Ô Lý vừa được nhập vào Ðại Việt.

Cảm khái trước cảnh sông núi muôn trùng, càng làm tăng thêm nổi nhớ nhà xa nước. và trên hết làợ phận gái lênh đênh nên nàng đã khóc thầm, làm cho những giọt lệ thương hận sầu tủi kia đã từ trên đôi má phấn vô tình rớt xuống dòng sông. Nhưng cũng thật lạ lùng vì nó đã không hòa tan vào dòng sông mà lại chìm sâu dưới đáy nước, kết tinh thành một viên hồng ngọc, để rồi hằng đêm nổi lên soi sáng một góc rừng lặng vắng. Bến sông này từ đó được gọi là bến Giằng, diễn tả sự bịn rịn thảm thê của nàng công chúa nước Việt, trước khi bước chân xuống thuyền qua sông, coi như vĩnh viễn đoạn lìa cố quốc.

Ngoài ra huyền thoại còn ghi rằng mùi hương từ mái tóc dài óng mượt của công chúa, theo gió ngàn phương bay vào khu rừng mông mênh trước mặt, làm nẩy sinh ra mõr giống cây đặc biệt có hương vị lạ đời nên được gọi là quế. Sau đó Huyền Trân trở thành hoàng hậu Chiêm quốc với mỹ danh Paramervan rất được vua yêu dấu, nuông chìu nên đã cho người ra tận biên giới xứ Quảng đốn gổ quế mang về kinh đô, đẻo thành đôi guốc để nàng mang trị chứng bệnh phong thổ trong suốt thời gian ‘ nước non ngàn dặm ra đi ‘.

Tóm lại từ năm 1306, cũng nhờ có cuộc hôn nhân trên với món sính lễ ‘ vuông ngàn dặm ‘ mà phên dậu của Ðại Việt lên được tới đỉnh Hải Vân Sơn cao ngất sát biển đông. Và Huyền Trân cũng là người con gái đầu tiên của nước Việt đã qua cửa ải ngăn cách giữa hai nước để theo chồng.

1-TRẦN NHÂN TÔNG :

Sinh năm 1258 trong giai đoạn đất nước vừa trãi cuộc chiến th?m khốc lần thứ nhất với giặc Mông Cổ. Ông là con trai của Thánh Tông, được lịch sử đánh giá là một minh quân thánh chúa, tài kiêm văn võ, trí thức uyên bác lỗi lạc nhất là tài ngoại giao uyển chuyển được thể hiện qua bài thơ viết năm 1289 để tặng sứ thần nhà Nguyên tên Lý Tự Diễn ‘ Tịch hiệp thiên hà tẩy chiến trần, thắng như cầm điện ngũ huyền huân ‘.Nhờ vậy nhà vua đã lảnh đạo quân dân đánh bại được hai trong ba cuộc xâm lăng của quân Mông Cổ vào các năm 1285 và 1288. Thắng được quân giặc được xem là mạnh nhất thế giới vào lúc đó, đã là một chiến công kinh thiên động địa của Ðại Việt. Rồi phải làm sao để không làm chạm đến tự ái của đế quốc thực dân phương bắc, thì còn khó hơn gấp vạn lần nhưng cuối cùng vua Nhân Tông cũng xoa dịu được lòng tham của Hốt Tất Liệt nhờ sự mềm mỏng khôn khéo ngoại giao.

Có lẽ trong giòng sử Việt, không có vị vua nào có thể sánh nổi Trần Nhân Tông về lòng Nhân và đức Trí, Dũng song toàn, nhân từ với thần dân trong nước kể cả những người có tội, vị tha với kẻ thù vừa quyết đấu tử sinh nay ngã ngựa. Ngoài ra nhờ đã cùng vào sinh ra tử với quân dân trong hai cuộc chiến, nên nhà Vua cũng đã nhìn thấy sự quan trọng của vùng phên dậu biên giới phía Nam với Chiêm Thành. Vì vậy dù đã nhường ngôi cho vua Anh Tôn giữ chức Thái Thượng Hoàng nhưng Ngài vẫn hết lòng lo toan việc nước, bôn ba khắp nơi để thấu triệt tình hình. Cuối cùng đã nhận lời gã Huyền Trân Công Chúa cho vua Chế Mân để tạo nên mối tình thân như các vị vua đời Lý cũng đã làm từ trước, khi đem các công chúa Việt gã cho các vị tù trưởng Mường, Thái, Nùng.. ở thượng du. Nhờ đó mà vùng này bao đời đã trở thành phên dậu kiên cố của Ðại Việt ngăn chống quân xâm lăng phương bắc.

Lịch sữ Việt đã gọi cuộc phiêu du nam phương của Trần Nhân Tông là bước chân kỳ diệu dù rằng sự hy sinh của nàng công chúa đất Việt là nổi đau rĩ máu nát lòng nhất của vị vua nhân từ . Nhưng tất cả cũng chỉ vì lịch sử mến yêu của nước Việt mà phải hy sinh to lớn để đổi lấy sơn hà, nhờ vậy ta mới có được Huế và Sài Gòn hôm nay. Sau này, Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên cũng noi theo tiền nhân, hy sinh cả hai người con gái cưng là Ngọc Vạn và Ngọc Khoa để đổi lấy con đường an toàn cho dân Việt từ Thuận Hóa tới Mũi Cà Mâu dựng nghiệp và mở nước, công đức được sử xanh truyền tụng và ghi nhớ đời đời.

+ VUA CHẾ MÂN :

Ðọc Việt sử, tới những trang viết về cuộc tình của Huyền Trân công chúa và vua Chế Mân,
thường thấy bên lề câu chuyện chính sử, có kèm theo những câu ca dao không rõ xuất xứ ,

‘Tiếc thay cây quế giữa rừng,
để cho thằng Mán, thằng Mường nó leo
tiếc thay hạt gạo trắng ngần,
đã vo nước đục, lại vần lửa rơm.’

Thực tế không thấy chính sử nào đề cập tới chuyện tình giữa công chúa Huyến Trân và quan Nhập Nội Hành Khiển Thượng Thư Tả Bộc Xạ Trần Khắc Chung, mà toàn là lời đồn bên lề. Chắc là vậy, cho nên thời tiền chiến, đả có một nhà văn viết cuốn tiểu thuyết dã sử ‘ cánh buồm thoát tục’, nói về câu chuyện tình lãng mạn trên. Mới đây trên báo chí VC năm 1995, có Nguyễn Nhân Thống viết bài, nói vua Chế Mân bị bệnh phong lác, nên đã có tên là vua Lác qua tên Chàm là Po Klong Giray (1151-1205). Ðây là một sự lầm lẫn vô tình hay giả vờ quên có ác ý, với mục đích đổ dầu vào lửa, làm sống lại một niềm đau quá khứ mà chẳng ai muốn . Theo sử liệu, vua này sinh trước vua Chế Mân hơn một thế kỷ, và nổi danh là mốt đấng minh quân của Chiêm Thành. Ngài đã xây dựng Ba Tháp và Ðập Nha Trịnh, trên sông Dinh tại Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận ngày nay.

Cũng căn cứ vào sử liệu, ta biết vua Chế Mân có tên là Harijit, con vua Indravarman đệ ngủ, hiện gia phả của dòng họ này, còn thấy khắc trên văn bia Ðông Dương I và II, tại tỉnh Quảng Nam ( Trung Phần ) như sau : ‘ Triều đại UROJA, Paramxvara sinh Uroja ố Dharmaraja ố Rudravarman ố Indravarman ố Jaya Indravarman ố Jaya Sinhavarman, tức thế tử Harijit hay vua Chế Mân ố sinh Chế Chi, Chế Ðà A Bà Niêm và Chế Ða Ða ( con Huyền Trân).

Theo Việt sử, tháng sáu năm Aãt Mùi (1295), Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông đi tu, sau khi nhường ngôi vua cho con là Anh Tôn. Tháng tám năm Kỷ Hợi (1299), Ngài vào núi Yên Tử, sống đời khổ hạnh và trở thành Tổ của Thiền phái Trúc Lâm, đạo hiệu Trúc Lâm Ðại Sĩ. Việc vua Trần Nhân Tông hứa gã công chúa yêu quý nhất của Ngài cho vua Chế Mân, cũng không ngoài việc ‘ anh hùng trọng anh hùng’, qua cái tư cách hào hoa mã thượng của nhà vua trẻ này, đã thể hiện vào năm 1283, vua Chế Mân đã lãnh đạo quân dân Chiêm quốc chống lại quân Mông Cổ khi chúng xâm lăng nước này. Chinh vua Trần Nhân Tông đã tăng cường, 2 vạn quân và 500 chiến thuyền sang giúp Chiêm Thành trong lúc đó.

Do tình cảm gắn bó tốt đẹp trên , nên khi Thượng Hoàng cùng với đoàn tăng lữ sang tham quan và nghiên cứu tình hình tôn giáo của nước này, được dịp chứng kiến hành động của vua Chế Mân, khiến ngài quý trọng mới chịu gã Huyền Trân. Theo sử, thì tháng 2 Aãt Tỵ (1305), sứ bộ nước Chiêm do sứ thần Chế Bồ Ðài tới Thăng Long, dâng lễ cầu hôn, tháng 6 năm Bính Ngọ (1306) thì gã công chúa Huyền Trân. Nói tóm lại, qua con mắt của Trúc Lâm Ðại Sĩ, việc gã công chúa Huyền Trân cho vua Chế Mân là xứng đáng vì nhà vua là bậc anh hùng thời đại, chứ không phải thằng Mường hay Mán, cũng không phải là lửa rơm hay nước đục gì cả. Ngoài ra hiện nay có ít người không biết dựa vào nguồn sử liệu nào, đã kết tội cho nhà Trần là đem Huyền Trần gã cho Chế Mân, mục đích chỉ để chiếm đất đai của người Chàm. Họ quên là lúc đó, Ðại Việt rất hùng mạnh, kể cả đế quốc Nguyên Mông vô địch thế giới, nhưng khi đến nước Nam, cả ba lần đều bi đánh tan. Như vậy lúc đó, trong sức mạnh xẽ núi đó, quân Việt nếu có lòng xâm lăng cướp đất lân bang, liệu người Chiêm chống giữ nổi hay không ?

Về việc bia miệng căn cứ chuyện Khắc Chung cứu Huyền Trân, sau đó gần một năm mới về nước, mà cho rằng hai người đã tư thông. Chuyện này đến nay vẫn là huyền thoại vì chính sử không hề nhắc tới. Theo sử liệu, trong phái đoàn sang Chiêm Thành giải cứu công chúa Huyền Trân lúc đó, rất đông đảo, ngoài Chủ tướng họ Trần còn có An phù sứ Ðặng Vân..

Phương chi, Thượng tướng Trần Khắc Chung là một người rất có danh vọng đời Trần, ông còn là một thiền sư, đã từng đề bạt cho tập ‘ Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục’ do nhà sư Pháp Loa biên tập, vua Nhân Tông hiệu đính. Bao nhiêu đó đủ thấy đạo đức của ông, vì vậy sau khi về triều, Trần Khắc Chung vẫn được từ vua tới dân chúng kính nể ngưỡng mộ, qua các triều Anh Tông, Minh Tông. Sau rốt theo sử, cho biết vua Anh Tông rất nghiêm khắc, nếu quả thật Trần Khắc Chung tư thông với Huyền Trân, làm nhục quốc thể Ðại Việt, liệu ông có thoát được sự trừng phạt của triều đình lúc đó, như thượng phẩm Nguyễn Hưng, chỉ can tội đánh bạc, mà đã bị vua Anh Tôn ra lệnh đánh chết vào tháng ba năm Bình Thân 1296.

+ HẢI VÂN QUAN :

Từng được nổi danh là ‘ thiên hạ đệ nhất hùng quan ‘ và được sáp nhập vào lãnh thổ Ðại Việt vào năm 1306 nhờ cuộc hôn nhân giữa Công Chúa Huyền Trân và Vua Chế Mân. Hải Vân Quan nằm trên cao độ 1192m sát biển Ðông. Sự kiện lịch sữ này đều được ghi trong các tài liệu cổ như Dư Ðịa Chí của Nguyễn Trãi (1438) , Thiên Nam Du Hạ Tập thời Hồng Ðức (1470-1494), Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An (1555) , Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Ðôn (1776) và Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú (1821).. đều mô tả sự hùng vỹ với độ cao tới tận mây xanh và tiếp liền với biển cả, cho thấy tầm mức quan trọng của một biên ải từng ngăn chận bước tiến của quân Việt trên đường về phương nam.

Về địa thế của Hải Vân Sơn, căn cứ vào các bản đồ xưa như Thiên Nam Tứ Chí Lộ Ðồ Thư (1630-1653) , Giáp Ngọ Niên Bình Nam Ðồ (1774) và sách Hoàng Việt Nhất Thống Dư Ðịa Chí (1806) của Lê Quang Ðịnh .. đều có ghi Ải nằm trên đường quan lộ Bắc-Nam. Ðây là nơi đã tạo rất nhiều cảm hứng cho các danh nhân qua nhiều thời đại như Lê Thánh Tôn (1471) , Chúa Nguyễn Phúc Chu (1719).. Tuy nhiên Hải Vân Quan thời trước được xây dựng rất sơ sài, mãi tới năm 1826 đời vua Minh Mạng, ải mới được kiến trúc kiên cố và hùng vĩ. Tất cả đều được ghi lại trong các sách Ðại Nam Thực Lực, Minh Mệnh Chính Yếu và Ðại Nam Nhất Thống Chí của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn.

Thời Pháp thuộc đã cho phá hủy một đọan đường dài trên quan lộ xuyên Việt để làm quốc lộ 1 không còn chạy qua cửa ải theo con đường cũ cao chót vót trên đỉnh núi. Tóm lại Ải Hải Vân Sơn còn lại ngày nay là một công trình được xây dựng từ thời vua Minh Mệnh. Nhưng cái nền cũ của Ải đã có từ bao đời, hằng in đậm bước chân của tiền nhân mang gươm đi mở cõi. Trong số đó có một người con gái Việt mang tên Huyền Trân. Năm 1859 liên quân Pháp-Y Pha Nho do Rigault de Genouilly và Théodore Francois Page chỉ huy, trên đường từ Ðà Nẳng ra Huế, đã bị quân Việt chận đứng tại Ải Hải Vân. Vị tướng chỉ huy lúc đó là Phạm Văn Nghị đã cảm hứng viết ‘ Ải mây trên vách đá sừng sững, công tích ghi truyền muôn đời sau ‘.

+ THÀNH LỒI : Tên gọi một lũy đất nàằm trong địa phận hai xã Thủy Xuân và Thủy Biều lấn sang một phần Phương Ðức, cách cố đô Huế về hướng tây-nam khoảng 7 km. Từ ngày 17.5.1996 VC tại Huế đặt tên cho đoạn đường chạy ngang qua đây là Huyền Trân Công Chúa, còn đường Huyền Trân cũ trước tháng 4-1975 thì đổi thành Bùi Thị Xuân.

Tới nay vẫn chưa có ai giải thích được xuất xứ của ‘ tên thành Lồi ‘ kể cả học giả người Pháp là Léopold Cadière (1892-1955) và sử gia Tạ Chí Ðại Trường qua bài viết đăng trên tap chí Sử Ðịa số 17-18 xuất bải tại Sài Gòn 1970..

Cuối cùng cũng vẫn là miệng đời được lưu truyền trong vùng này tới nay vẫn được người ta nghe qua rồi kể lại câu chuyện có liên quan tới cuộc tình của Huyền Trân và vua Chế Mân bắt nguồn từ năm 1306 với món sính lễ là hai châu Ô và Lý. Miền đất này được Trần Anh Tôn sai tướng Ðoàn Nhữ Hài tới tiếp nhận và đổi tên là Thuận-Hóa năm 1307.

Cũng trong năm này vua Chế Mân đột nhiên qua đời và theo phong tục Chiêm Thành, thì hoàng hậu lẫn phi tần phải lên giàn hỏa để chết theo vua. Do đó vua Anh Tôn đã sai tướng Trần Khắc Chung cầm đầu phái bộ qua nước này mượn cớ phúng điếu và cứu được Huyền Ttân đem về Thăng Long. Ðiều này đã làm cho người Chàm tức giận nên tân vương là Chế Chi (Java Simhavarman IV) cử 5 vạn binh mã do một tướng lãnh tên Lồi chỉ huy đánh chiếm lại hai châu Ô và Lý đã dâng hiến cho Ðại Việt.

Nhưng quân Chiêm đã bị chận lại bên này bờ sông Trong (sông Hương ngày nay) bởi quân Trần do Ðoàn Nhữ Hài chỉ huy. Hai bên cầm cự bất phân thắng bại nên tướng Lồi của Chiêm Thành đề nghị hưu chiến với thỏa ước ‘ mỗi bên phải xây ngay trong đêm một biên thành để chứng minh chủ quyền ‘.Ai thua phải rút quân về nước để tránh cảnh sinh linh đồ thán. Cuối cùng nhờ mưu trí nên chỉ trong một đêm Ðoàn Nhữ Hài đã dựng được một tòa thành đồ sộ cao ngất bằng gạch vôi, có cả cổng chính và phụ với cờ xí cắm đầy. Người Chiêm buồn rầu chấp nhận thua trận và rút quân về nước.

Thật sự thì ngôi thành mà Ðoàn Nhữ Hài đắp vội trong đêm chỉ làm bằng phên tre được sơn phết trang hoàng như thật. Riêng ngôi thành của người Chiêm đắp bằng đất ở mạn nam sông Hương nay vẫn còn dấu tích và được địa phương gọi là thành Lồi, nằm kế bên một hồ nước lớn có ngôi miễu thờ Long Vương hay điện Voi Ré, bên kia là đồi Long Thọ.

Câu chuyện truyền khẩu trên đã được Nguyễn Chí Thành sưu khảo viết bút ký đăng trên tập san Khai Trí Tiến Ðức số 4 xuất bản tại Hà Nội năm 1941 (Gốc tích Thành Lồi ở Huế) . Sau này Nguyễn Ðổng Chi (1915-1984) đã dựa vào tài liệu trên để viết ‘ sự tích thành Lồi ‘ trong tác phẩm ‘ kho tàng truyện cổ tích VN ‘.Theo tài liệu còn ghi trong Dại Nam Nhất Thống Chí ‘ vào năm 1833 vua Minh Mệnh cho xây một ngôi miếu tại Thành Lồi để thờ cúng các vị vua Chiêm Thành, thường niên đều cử các quan hàng tam phẩm tới tế lễ. Ngôi miếu trên đã bị thực dân Pháp phế bỏ năm 1911 khi mở các trục lộ giao thông xuyên qua vùng này nhưng bị dân chúng Việt lẫn Chàm phản đối kịch liệt, nên tòa khâm sứ Huế phải xây lại một ngôi miếu mới cũng gần đó và tồn tại tới năm 1945 ..

2–HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA VỀ CHIÊM QUỐC :

Sử đã kể lại cuộc tiễn đưa Huyền Trân công chúa về Chiêm quốc làm vợ vua Chế Mân, thật long trọng. Từ kinh đô Ðại Việt đến Bến Ðông Bộ Ðầu, cờ xí rợp trời, hai bên đường người đứng xem đông nghịt.

Dẫn đầu là sứ bộ Chiêm Thành, kế đó là kiệu hoa của công chúa, bên tả là kiệu của Văn Túc Vương Trần Ðạo Tải, bên hữu là kiệu của Thượng tướng Trần Khắc Chung, tiếp theo là Trí Khu Mật viện Sự Ðoàn Nhử Hài, Trạng Nguyên Mạc Ðỉnh Chi, Hoàng Giáp Nguyễn Trung Ngạn. Ðoàn tuỳ tùng gồm các quan văn võ và hoàng gia theo đưa tiễn, trên ngàn người. Riêng dân vì lòng mến mộ một vị công chúa vì nước hy sinh, lại có đức hạnh và nhan sắc thiên kiều bá mỵ, nên nô nức rủ nhau đi xem đông không kể xiết.

Dù cố gat lệ trước mặt những người đưa tiễn, nhưng công chúa cũng không sao cầm lòng nổi khi bước chân xuống thuyền, nên nàng chỉ còn biết đưa tay vái lạy,non nước và đồng bào trong giờ vĩnh biệt. Người sau cảm thông nổi niềm cay đắng của một kiếp hoa vì nước quên mình, nên đã trút cạn lòng mình trong lời ca bi thiết của điệu Nam Bình :

‘Nước non ngàn dặm ra đi,
Mối tình chi
Mượn màu son phấn
Ðền nợ Ô Ly
Xót thay vì
Ðương độ xuân thì.. ’ ’

Và rồi một phát pháo hiệu nổ vang, tiếp theo là hàng chục ánh pháo bông tỏa sáng khắp bầu trời. Ðoàn thuyền căng buồm rời bến. Trong khoang thuyền, công chúa ngồi giữa hoa trầm thơm hương ngào ngạt nhưng hồn thì như đã gởi tận ngàn phương. Bên tai, tiếng cha già căn dặn vẫn còn văng vẳng :’ Ðây là cuộc tình ngoại giao, con phải cố làm sao giữ hòa khí giữa hai nước và trách nhiệm làm làm vợ đối với Chế Mân ‘.Thuyền ra khỏi cửa biển Ðại Hoàng vừa lúc hoàng hôn ập xuống bao trùm vạn vật. Người buồn gặp cảnh càng buồn hơn, làm ai có thể ngăn được lệ, huống chi là một công chúa đa sầu ?

Thật ra nhiệm vụ của Huyền Trân hoàn toàn khác xa với lần đi cống Hồ của Chiêu Quân hay Trần Hạnh Nguyên. Công Chúa lấy chồng vì trách nhiệm với đất nước, vừa đem về bờ cõi thêm hai châu Ô-Lý, vừa kết thân với Chiêm Quốc làm thành thế phên dậu, chống giặc Mông-Nguyên phương bắc. Thế nhưng thiên hạ cứ vô tình, mai mỉa, ngay cả hoàng tộc cũng không tha

‘ hoài công mà gã chồng xa,
trước là mất giỗ, sau là mất con.. ’ ’

Sáng hôm sau, trong khi đoàn thuyền hoa còn đang lênh đênh trên biển, thì bổng vang lên một tiếng pháo lệnh thật lớn, thì ra đoàn thuyền rồng của vua Chế Mân ra tận biển rước công chúa. Khi hai đoàn thuyền xáp lại gần nhau, bên thuyền Hoàng gia Chiêm Thành trống kèn, đàn sáo vang lên rộn rã. Trong lúc đó, đoàn thuyền của Ðại Việt cũng đốt pháo mừng, xác pháo theo gió bay đỏ cả mặt biển. Hòa thượng Du Già, trong bộ áo cà sa màu vàng, đội mũ hoa sen, đứng trước mũi thuyền rồng, đại diện cho vua Chế Mân, tiếp kiến Hòa thượng Minh Thái, đại diện cho vua Trần Anh Tôn của Ðại Việt. Sau đó hai đoàn thuyền song song tiến vào đất liền, nơi biên giới giữa hai nước.

Thuyền cập bến, cũng vừa lúc vua Chế Mân từ kiệu vàng tiến lại. Nhà vua cao lớn, mình vận áo bào trắng, quần che cũng màu trắng, ngoài khoắc áo giáp đan bằng sợi vàng, chân mang hia đen thêu chim thần Garuda. Ngang ngực thắt đai ngọc, lung lẳng bên hông là một thanh bảo kiếm khắc hình thần Ganesa đầu voi mình người, võ kiếm bằng vàng, chuồi kiếm bằng ngà voi nạm hồng ngọc. Ðầu đội mũ trụ bằng vàng, chóp nhọn, trên đỉnh nạm một viên ngọc quí to bằng trứng chim sẽ, luôn luôn tỏa ánh sáng bảy màu.

Vua còn trẻ, da màu nâu sạm nhưng cốt cách thanh kỳ, toát lên cái vẽ hào hoa phong nhã của một quân vương đa tình, đa cảm. Bên này, Huyền Trân e ấp chấp tay khép nép chào nhà vua bằng tiếng Chàm, khiến vua sững sờ không ngờ một nàng công chúa Ðại Việt , lại thông thạo tiếng nước mình một cách trôi chảy. Rồi cả hai sóng đôi bước về phía kiệu đang chờ, giữa tiếng hô chào vang dậy của thần dân Chiêm quốc, dành cho một hoàng hậu người Ðại Việt. Trước hương án nghi ngút khói hương nơi vùng biên tái, có sự chứng kiến của Hoà thượng Minh Thái, bên cạnh công chúa Huyền Trân, quốc vương Chiêm Thành là Chế Mân dõng dạc tuyên bố sẽ dâng hai châu Ô-Lý cho Ðại Việt như lời hứa để làm sinh lễ cưới công chúa Ðại Việt, phong cho công chúa Huyền Trân làm hoàng hậu Chiêm quốc, tên hiệu là Paramervan, cùng với hoàng hậu Tapasi, cả hai đều làm mẫu nghi thiên hạ.

Tương truyền, khi còn cầm quyền, vua Chế Mân đã lập vườn Mai Uyển ở Cà Ná, ranh giới giữa Ninh và Bình Thuận. Tại đây, vua cùng hoàng hậu Paramervan (Huyền Trân) dạo chơi và thưởng ngoạn các loại hoa quý trong vườn, nhất là Mai đủ loại, từ bạch mai, hồng mai hai tầng cánh rất lạ cho tới loại hoàng mai cánh vàng mỏng mà ta thường thấy trong những ngày tết.

Trước khi Việt Cộng từ Nga Tàu tràn vào đô hộ VN, thị xã Phan Thiết có một con đường rất dài, chạy dọc theo bờ sông Mường Mán, từ Trường Trung Học Tư Thục Chính Tâm ở Bình Hưng, qua Ấp Hưng Long và Vĩnh Phú, tới tận cửa biển Thương Chánh, mang tên Huyền Trân Công Chúa. Ðây cũng là một trong những con đường diễm tình của Phan Thiết, vì hằng ngày có rất nhiều tà áo dài trắng của các trường trung học xuôi ngược, khiến cho con đuờng đã heo hút vì chiều dài, lại càng thêm gợi tình, khi những cánh hoa đẹp mất hút trong mù sương nhưng vẫn để lại chokhách tình si một mùi hương diễm tuyệt :

‘ Chào em áo trắng giờ tan học
gót ngọc làm mây vỡ cuối trời
phố nhỏ buồn hiu chờ thức giấc
những hàng phượng cũng vổ tay vui ‘

Cảnh vẫn còn đó mà người xưa đâu tá ? kể cả tên đường ‘ Huyền Trân Công Chúa ‘, cũng bị VC xóa sổ và thay vào cái tên lạ hoắc Võ Thị Sáu, không biết đâu mà mò. Ðời nay, gần như những bí ẩn của lịch sử thế giới bao đời, bị văn minh khoa học soi sáng, đào bới tới tận âm phủ, vậy mà vẫn còn không ít người cứ cầm đuốc đi giữa ban ngày để tìm ánh mặt trời, thì trách sao được mấy trăm năm trước, miệng đời nọc rắn ganh tị, thêm bớt lịch sử.

Nhưng sự thật vẫn là sự thật, nên VC ngày nay có tốn cả biển sơn để trét mặt, thì cái tham tàn bạo ngược,bán nước hại dân của Hồ Chí Minh và đảng cọng sản đệ tam quốc tế, vẫn sờ sờ hiện ra trên lớp sơn hào nhoáng trơ trẽn. Cho nên chúng ta cũng đừng bận tâm, khi thấy các nhân vật lịch sử bao đời của dân tộc Việt, thỉnh thoảng bị ai đó ném bùn nhưng có tổn hại gì đâu, trái lại đây là dịp để cho tiền nhân có dịp mĩm cười với nhân thế :

‘ Trong đầm gì đẹp bằng sen
lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng
nhụy vàng bông trắng lá xanh
gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. ‘

Ngậm máu phun người, trước đỏ và thúi miệng mình là vậy đó, vì chắc gì máu dơ dính được ai ? . Bởi vậy không ai có thể lội ngược thời gian để mà xóa bỏ sự thật lịch sử bằng chụp mũ, ngụy biện hay gì gì chăng nữa vì lịch sử vẫn là lịch sử cho dù đó là những câu chuyện rất tàn nhẫn và nát lòng mà bất cứ ai cũng đều không muốn nhắc lại để thêm đau lòng ./-

Viết từ Xóm Cồn Hạ Uy Di
Ðầu năm 2009
MƯỜNG GIANG







viethoaiphuong
#9 Posted : Tuesday, February 24, 2009 7:23:47 PM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
Huyền Trân Công Chúa

Huyền Trân Công Chúa, Người Con Gái Việt Đầu Tiên Qua Hải Vân Sơn

Tác Giả: Mừơng Giang

Giọng Đọc: Hoapensee


xv05
#10 Posted : Friday, February 27, 2009 12:00:56 PM(UTC)
xv05

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,044
Points: 3,390
Woman
Location: Lục điạ hình trái táo

Thanks: 340 times
Was thanked: 45 time(s) in 44 post(s)
Nhân đọc bài:
"Ai về Chiêm quốc hộ Huyền Trân?" (Trần Thị Vĩnh Tường), XV nhận thấy có hai điều mới lạ, không thấy đề cập đến nơi các bài viết của các tác giả khác về công chúa Huyền Trân. Do đó, XV xin phép được trích đăng lại hai điều nói trên, còn nguyên văn bài viết xin mời các ACE vào đọc trong link ở phía dưới.


"Theo sách sử và phong tục Chàm, lên giàn hoả là một điều tự nguyện chỉ chánh cung mới đuợc khẩn nài nếu muốn, và phải đuợc hội đồng hoàng gia duyệt xét. Hoàng hậu Tapasi - gốc người Java – đã đuợc đưa về nước sau ngày vua Chế Mân từ trần. Công chúa Huyền Trân không phải chánh cung, nên không được lên giàn hỏa chết theo đấng quân vương."


"Điều ai oán, sau khi về tới Thăng Long, với sự cay độc của một triều đình ảnh hưởng Nho giáo, Huyền Trân đã vào chùa tu, khi mới ngoài 20 tuổi. Thế tử Đa Da mồ côi bé bỏng, không hề đuợc sử sách nhắc tới, dù chỉ một lần."


http://vietsciences.free...hluan/aivechiemquoc.htm
PC
#11 Posted : Saturday, February 28, 2009 6:07:34 PM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
quote:
Triều Trần cướp công chúa về là bội hôn. Cướp ngưòi nhưng không trả đất là bội ước

Có quá đáng hay không? Nhà Trần đã gả công chúa Huyền Trân để lấy hai châu Ô, Lý. Vua Chế Mân từ trần coi như vai trò Huyền Trân đã xong. Không còn vua thì HT ở lại Chàm làm gì? Nếu một bà vương phi được trở lại cho Java thì tại sao HT không được xử như vậy để đến nổi nhà Trần phải sai người đi "cướp" HT lại.
Voi
#12 Posted : Saturday, February 28, 2009 9:40:13 PM(UTC)
Voi

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 303
Points: 0

quote:
Gởi bởi PC

quote:
Triều Trần cướp công chúa về là bội hôn. Cướp ngưòi nhưng không trả đất là bội ước

Có quá đáng hay không? Nhà Trần đã gả công chúa Huyền Trân để lấy hai châu Ô, Lý. Vua Chế Mân từ trần coi như vai trò Huyền Trân đã xong. Không còn vua thì HT ở lại Chàm làm gì? Nếu một bà vương phi được trở lại cho Java thì tại sao HT không được xử như vậy để đến nổi nhà Trần phải sai người đi "cướp" HT lại.



Nhân nghe chuyện về " Huyền Trân công-chúa " voi bèn nhớ một bài viết lung tung lang tang về người công-chúa Việt nên khiêng về đây cho các A/CE đọc cho vui cửa vui nhà .

"Tiếc !

Nghe vời vợi , nghe xót xa , nghe buồn buồn , nghe mất mát , nghe tiêng tiếc !
Ca-dao An-nam mình thì có hai câu nổi danh về chữ " tiếc " :
" Tiếc thay cây quế giữa rừng
Để cho thằng Mán , thằng Mường nó leo !
"
Câu đó có từ lúc nào ?
Hầu hết mọi người đều nghĩ là hai câu này tả cảnh Huyền trân công-chúa được vua Trần gả cho ông vua Chiêm Thành .
Lịch-sử ( * ) :
Năm Tân Sửu ( 1301 ) , vua Trần Anh tông sang Chiêm - Thành du-lịch , gặp vua Chiêm -Thành là Chế Mân .
Hai ông vua : trò chuyện trên giời dưới đất !
Vua Việt-Nam thuận mồm hứa gả con cho vua Chiêm .
Sau đó vua Chiêm mang lễ-vật sang Việt xin cưới , đa-số các quan trong triều đều không bằng lòng , Vua Chiêm ( hẳn là vua Chiêm có gài người giống dạng Vũ ngọc Nhạ sau này ; làm " thông-tín-viên " cho vua Chiêm ! ) lại xin dâng hai châu Ô và Lý ( bây giờ thuộc Nam Quảng - trị tới Bắc Quảng Nam ) để làm sính-lễ.
Vừa lòng triều-đình VN nhá !
Vua VN : bằng lòng túyt sụyt !
Đổi 1 đứa con gái lấy hai châu ( khi thuộc về Việt thì biến thành : Hóa châu và Thuận châu ) .
Hời quá !
Rẻ chán !
Ôi Huyền trân công-chúa !
Ôi Ô , Lý !

Ôi Chế Mân !
Vua Chiêm cũng thấy hời quá !
Truyện ngày xưa , có khối ông vua đổi cả giang-sơn , cả tính-mệnh để lấy người đẹp , nay chỉ có 2 châu : hời !
( Chả biết có đây có phải là nguyên-do mà phát-sinh ra chữ HỜI để trỏ dân -tộc Chiêm không ??! )
Và từ đó , dân Việt truyền nhau hai câu ca-dao trên.
Ôi thằng Mán !
Ôi thằng Mường !
đổi cả hai châu lấy có 1 công-chúa để được tấn-phong bằng " THẰNG " !
Nghe đâu , chưa được 1 năm , Chế Mân băng-hà ( vua chết thì là băng-hà ? khỉ chết thì là băng gì ?? )
Lý-do băng-hà : nghi-vấn ??
Chả nhẽ công-chúa Việt " hãi " đến thế ư ?? ( nghi-vấn ! )
Liệu cho huynh đệ nào còn muốn ngấp nghé gái Việt nhá !
Đã được cung-kính gọi bằng " thằng " rồi lại bị Việt mang quân vào tận kinh-thành giải-cứu công -chúa trước mũi .
Hời !
Quế cay thật !

Hậu-truyện : lại còn có ông tướng Việt cũng họ Trần , Trần khắc Chung được lệnh mang thuyền sang cứu công-chúa và khi về , thuyền này " lênh đênh trên biển " ( chĩa trong bài Rong rêu của Nguyễn Tâm ) cả năm giời ! dù rằng đường này chỉ cần khỏang 3 tháng thôi !
Đường về cố-lý diệu-vợi thật !
Quế nồng và cay !

Cù tôi nghe chuyện cũng :
Tiếc !

Đấy là hai câu lừng danh về TIẾC !
Ngòai ra còn đầy rẫy " tiếc " trong ca-dao

- Tiếc " bạo-lực " , hung tàn như :
" Tiếc công anh lao lung , lo vun bón cây tùng
Mảng săm soi trên ngọn , dưới gốc sùng chẳng hay
Anh nguyền đưa đó một dao phay
Răn lòng những gái mận đào lang tâm
"
Hãi chửa ?
Kinh không ?
grgrgrgr.

- Tiếc vẩn vơ không có lý :
" Tiếc cái vòng vàng đeo cho con vượn hú ( cái này cạnh lòng Cù há ? )
Tiếc cái kính sáng đeo cho người mù
Tiếc công anh trang điểm mấy thu ( cái này đụng chạm các "công công ")
Bưng trầu ra ngòai bãi , bạn chối từ không ăn "

- Tiếc không không , khơi khơi :
" Tiếc cây cội lớn không tàn
Tiếc vườn cúc rậm có hàng không bông
"
rõ là khơi khơi .
- Tiếc mà lại còn nhát , nên vòng vo Tam quốc :
" Tiếc cây củi quế êm rìu
Rừng nhiều thú dữ nên tiều xa non
Tay cầm ngòi viết đĩa son
Anh muốn vuông tròn ,xiêu lãng tại em
"
nhát rồi còn đổ tội !
Chán nhà thầy !
rồi có khi không thành thì ngồi mà tiếc cay cú
" Tếc cây hoa sứ nở bầm
Tiếc hường nhan bậu lấy lầm đứa ngu
"
hay :
" Tiếc con gái khôn mắc thằng chồng dại
Tiếc bông hoa nhài cắm bãi cứt trâu
"
nói xỏ nói xiên người " tình địch "
Nó ngu nó lấy được nàng
Anh không dám nói nên anh cứ đứng chàng ràng tay không !
Nhưng mà tiếc rồi xỉ vả rồi bán xấu thì chả được làm cù lần chứ nói chi làm người :
" Tiếc cây mía ngọt lại sâu
Tiếc con gái tốt , trọc đầu khó coi
"
Đến nước này thì
Ối anh chàng cù lần ơi !
Vừa cù lần vừa hèn như rắn ( loài bò sát ! ) thế kia !

Còn nhiều về tiếc .
chờ đi .
Gần sáng rồi , Cù chợp mắt một tí chứ !

Thêm về " cây quế giữa rừng " .
Cái này gọi là " hậu quế cay " !
Có huynh tỉ vấn :
" Tại sao vua Trần nhà Việt lại sai quân sang cứu công - chúa ? gả con gái cho người là thành " con người ta " rồi ! mắc mớ gì mà ??! "
Đáp :
Theo tục-lệ Chiêm Thành thì khi vua mất ( băng ?! ) thì các phi-hậu ( hoàng-hậu , phi-tần ) cũng phải lên giàn hỏa chết theo !
Phong-tục này là của hầu hết các dân-tộc theo văn-hóa Ấn Độ thời bấy giờ . Nên khi biết vua Chiêm Chế Mân băng-hà , vua tôi nhà Trần liền bàn kế-hoạch để tướng Trần khắc Chung giong thuyền sang cứu công-chúa Huyền Trân ( Dù bây giờ là hoàng-hậu của quân-vương Chế Mân ! )
Và thế là
huyền-thoại giữa cựu công-chúa cùng danh-tướng Trần khắc Chung đã đi vào lòng dân Việt .

Danh-tướng !
Công-chúa !
đã khiến ca - dao Việt giàu có thêm , hai câu
" Tiếc thay hạt gạo trắng ngần
Đã vo nước đục , lại vần lửa rơm
"
Cũng tại cái thuyền lênh đênh .
Cũng tại Ô , Lý .
Cũng tại
tại ai ??
Huyền-thoại đó còn mãi mãi , chả thế mà ngay cả ông Cử-nhân Hòang - cao Khải ( đời sau , thời Pháp sang Việt Nam ) cũng đã vung tay phóng ra bài thơ Đường :
" Đổi chác xưa nay khéo nực cười
Vốn đà chẳng mất lại thêm lời
Hai châu Ô, Lý vuông ngàn dặm
Một gái Huyền Trân đáng mấy mươi
Lòng đỏ khen ai lo việc nước
Môi son phải giống mãi trên đời
Châu đi rồi lại châu về đó
Ngơ ngẩn nhìn nhau một lũ Hời
! "

Một lũ Hời !
Xót !
Nhược-tiểu quốc là như thế !
Cũng vì mình có " công chúa cao ngời ngợi " nên tự cho mình cái quyền tự - do chà đạp lên " lũ " kiến .
Chả trách Bắc-quốc gọi Việt là " man " !
Nam man !
Rồi cũng từ đó mà tác-giả đã soạn bài ca điệu Nam Bình ( giọng thê thiết theo điệu hát người Chàm ) :
" Nước non ngàn dặm ra đi, mối tình chi
Mượn màu son phấn đền nợ Ô Ly
Đắng cay vì , đương độ xuân thì
Số lao đao hay là nợ duyên gì ?
Má hồng da tuyết , quyết liều như hoa tàn trăng khuyết
Vàng lộn với chì
Khúc ly ca cớ sao mà mường tượng Nghê - thường
Thấy chim hồng nhạn bay đi , tình tha thiết
Bóng dương hoa quỳ
Nhắn một lời Mân quân , nay chuyện mà như nguyện
Đặng vài phân , vì lợi cho dân
Tình đem lại mà cân
Đắng cay trăm phần .....
"

Huyền trân !
Nạn-nhân ?
Vị quốc ??
Cao quý ?
Hy- sinh ?

Cù tôi không biết là phải thương tiếc cho nàng công-chúa hay là xót xa cho thân-phận Hời .

" Để cho thằng Mán , thằng Mường nó leo ! "
" Ngơ ngẩn nhìn nhau một lũ Hời
! "

" Vàng lộn với chì "

Lòng se sắt buồn .


Bây giờ trở lại ca-dao " tiếc " .
Tiếc ngẩn ngơ cả nguời , như một thợ câu quăng câu mà mất cả chì lẫn mồi
" Tiếc công anh đào ao thả cá
Ba bốn năm trời người lạ tới câu
"
Dại nhỉ ?
Đào cái ao cong cái lưng , đau xương sống , chân lấm be bét bùn với đất , tay chai phồng dộp cả ra . Lại còn phải đi mua cá giống về thả .
Giùi ui !
Công !
Của !
Mà nào có được câu đâu , phải chờ phải nuôi cá nhơn nhớn đã .
Rồi một sáng bảnh mắt .
Ơ !
Hay chửa .
Cái " thằng bỏ mẹ " nào đó , chả biết ở đâu , nó lù lù dẫn xác đến và
Giời đất thấu chăng ??
NÓ ( chữ hoa ) , nó đến nó câu mẹ cái con cá mất rồi !
Thế là hốc xịt !
trơ mõm !

Tiếc hùi hụi .
Công cốc !

" Tiếc công đóng giá chờ gàu
Đó nghe ai sợ khó , tham giàu phụ anh
Tiếc công xe sợi chỉ mành
Nói ba bốn lần chẳng đặng , bất thành thì thôi
"
Thôi sao được !
Gàu anh chờ là gàu sòng để tát đôi .
Giá , anh chọn tre thật già , buộc néo hẳn hòi , chắc lắm cơ !
Xe chỉ mành để khi về với anh em muốn làm gì thì làm .
Xe xoăn cả người , rát cả tay .
Anh ỉ ôi năm lần bảy lượt
Vậy mà !
Em lại nguẩy đít em đi .
Em cong mồm em bẩu :
Thôi !

Tiếc !
cay mờ cả mắt !
Giời cao ơi !
Đào ao thả cá chả xong .Thôi thì xoay cái khác nhá ! Nuôi chim đi !
Giã từ cá !
Cá ơi !
Phen này có nuôi chim , anh cũng chả dám nuôi chim quí đâu .

" Tiếc công bỏ yến nuôi cu
Cu ăn cu lớn cu gù cu bay
Cu say đắm nơi mũ cả áo dài
Cu chê nhà anh dột , cu phụ hoài duyên anh
"

Yến oanh dành cho quyền quí .
Thôi thì nuôi cu cho " môn đăng hộ đối " vậy .
Ai ngờ !
Cu ơi ! cu không với cao được những nơi quyền quí , nhưng cu cũng chê nhà tranh vách đất của anh , nên cu lại bay đến ông Xã ông Lý có mũ dài khăn đóng cơ !
Số anh là vậy !
" Tiếc công xúc tép nuôi cò
Cò ăn cò mổ cò dò lên cây
"
Cu Cò Cá ơi !

Tiếc mãi thì cũng chả được gì !

" Tiếc thay cây quế giữa rừng
Để cho cú đỗ chán chường quế thay
Bao giờ con cú nó bay
Phượng hòang đến đỗ , quế nay bằng lòng
"

Ah !
Cái này thì cho anh xin nhá .
Cho anh chắp hai tay anh lạy .
Anh chừa !
Chừa !
Giời !
Quế lăn quế lóc , quế tả quế tơi , vậy mà quế còn mong , còn chờ phượng hoàng đến đỗ .
Chán quế quá !
Phận anh thì , anh xin khăn gói quả mướp
anh về !
Về quê , về lại cái chòi rách nát để chiều chiều có buồn thì ngồi ngâm nga mà tự mình tiếc lấy mình , khỏi phải tiếc người , tiếc công , tiếc của .
" Tiếc xuân ngoảnh lại mong xuân
Than ôi ! bóng đã vân vân xế chiều
"

từ đó
Anh con trai ngồi như phỗng .
từ đó
Anh giai ngồi rù !

Thưa quần xu .
Tiếc còn nhiều , nhưng anh giai nhà mình thành phỗng đá mất rồi .
Hết tiếc !
Cù kính-cẩn xin ngưng bút .


( Voi aka Cù lần lửa )
"
( * ) : Việt sử tân biên của Phạm văn Sơn .


Bài này chả để tranh cãi về công-chúa của " đại-quốc " bị lên giàn hỏa hay không , mà chỉ viết theo cảm-quan riêng của người viết .

Voi lãng mạn !
xv05
#13 Posted : Wednesday, May 13, 2015 4:37:07 PM(UTC)
xv05

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,044
Points: 3,390
Woman
Location: Lục điạ hình trái táo

Thanks: 340 times
Was thanked: 45 time(s) in 44 post(s)
.

Em nhớ có thấy nói Huyền Trân công chúa có chế ra một cây đàn lúc còn ở bên Chiêm Thành mà khg nhớ đàn gì. Em tìm trong đây mà khg thấy. Chị PC và các anh chị, có ai nhớ không?

Đọc sơ lại mục này thấy hay và có giá trị quá!
Users browsing this topic
Guest (3)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.