Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Lê Minh Hà
khanh
#1 Posted : Wednesday, October 27, 2004 4:00:00 PM(UTC)
khanh

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 24
Points: 0

Lê Minh Hà



Sinh ngày 24 tháng 8 năm 1962 tại Hà Nội.
Tốt nghiệp khoa ngữ văn Ðại học Sư phạm Hà Nội năm 1983 (dạy học tại Hà Nội 1984 - 1994). Hiện sống tại Limburg Ðức

Tác phẩm đã xuất bản :

Trăng Góa ( truyện 1998 Thanh Văn USA)
Gío Biếc ( truyện 1999 Văn Mới USA )


tienmacdoa
#2 Posted : Thursday, October 28, 2004 7:07:27 AM(UTC)
tienmacdoa

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 189
Points: 0

Có chồng

Lê Minh Hà

Vậy là ả có chồng. Chồng - ấy là cái mà từ thuở hai mươi ả không bao giờ mong có. Một đôi giày cao gót kiểu mới đua chị đua em; một thỏi son có thể kín đáo quẹt lên môi cho môi hồng lên mà mọi người không biết... Ả có thể mong có những thứ ấy, thiết tha mong trong một ngày xa xôi nghèo khó nào đấy. Nhưng chồng, muốn có chồng, tuyệt nhiên không! Ấy là vì ả biết mình. Gái ngoại thành, từ bé đã phải cấy phải gặt phải gánh phải gồng, người cứ bè bè. Nhớn nhao một chút, thoát ly đi làm ở xí nghiệp dệt khăn mặt khăn tay, cũng suốt ngày đi. Có ai đó đã tính rằng một công nhân đứng máy dệt như ả mỗi ngàyđi hết một đoạn đường ba mươi hai ki-lo-met. Đi thế, bắp chân to ra, bàn chân cũng to ra. Tướng người ấy giá đi với một gương mặt tròn tròn, ưng ửng hồng từng lúc thì có khi còn được coi là có dáng phúc hậu. Đằng này... Những ai ai mỏng mày hay hạt, chứ còn ả, mặt đã mỏng, lại choắt như hai ngón tay úp chéo. Cái vệt duy nhất đầy đặn trên mặt ả là cái mũi. Sao mà nó to!
Khi còn trẻ, mười tám đôi mươi, ả cũng có lúc mong thầm cho mình có duyên có phận. ừ! Biết đâu! Biết đâu! Nồi méo vung méo xoay quanh cũng vừa. Nhưng chẳng thấy ai là đàn ông trêu ả, trừ mấy ông làm công đoàn ở xưởng. Mà họ đùa thế nào chứ! "Cô Hoài bao giờ báo cáo với tổ chức để công đoàn đứng ra đấy? ấy, đám cưới của cô thì chắc là đông lắm!" Một thằng thợ đi qua ngứa mồm: "Chứ lại chả đông! Con em lúc đó khéo cũng có con rồi. Thế nào em cũng bảo nó đưa con đến mừng bà trẻ". Ả tủi lắm. Nhưng vẫn cười: "Ừ! Khi nào chị có phúc có phận, chị mời hết cả ngũ đại đồng đường nhà em".
Vào xí nghiệp từ hồi mười tám, nhoáng cái nhìn quanh đã chẳng còn mấy người để ả gọi anh xưng em. Ả biến thành "chị ấy", "bà ấy" nơi cửa miệng thiên hạ lúc nào không biết. "Bà ấy tính cũng quái như người". "Người đâu xấu người, xấu nết, xấu đến cả c...". Người ta cứ nửa đùa nửa thật nửa thương nửa ghét ả như thế. Nào ả có làm gì ai! Một thân một mình ở giữa một khu tập thể quanh năm suốt tháng ồn ào tiếng mẹ trẻ réo con, tiếng chồng đay vợ ban ngày, tiếng rúc rích ban đêm sát liếp, ả đâm thù ghét cái hạnh phúc thực ra rất lem nhem mà thiên hạ bày trước mắt. Ả thành người đi sớm về muộn; thành chiến sĩ thi đua năm này qua năm khác. Người ta đâm ngại ả. Cái sự chăm chỉ quá đáng của ả, cả cái mác chiến sĩ thi đua kia nữa làm cho người ta mất thoải mái lúc tranh thủ uống ấm chè hay hóng hớt nhau trong giờ làm việc.
Nói vậy chứ cái mác chiến sĩ thi đua đã giúp ả một cú quyết định. Ấy là vào lúc xí nghiệp lấy danh sách đi hợp tác lao động quốc tế. Đi Đức hẳn hoi. Ả lên gặp giám đốc, nài: "Anh ưu tiên em vào danh sách đợt này". Ông giám đốc - ngườI đã có thâm niên hai mươi năm ngồi ở nhà máy trên cái ghế này, người vẫn bị phó giám đốc dè bỉu một cách có vẻ đầy thiện ý: "Hơ. Ông ấy trông đúng là trẻ thật, chứ tuổi thì... chỉ hơn sáu mươi chứ sáu mươi thì làm gì đến" - cười: "Cô là nòng cốt ở xí nghiệp này, phải phấn đấu trở thành cán bộ kế cận chúng tôi chứ. Để cô đi thế nào được". "Em chữ nghĩa bổ túc ban đêm chẳng có là bao. Mà em tính đã làm cán bộ kế cận thì chỉ kế cận anh thôi. Nhưng làm sao thay được người như anh". Thêm đôi lần quà cáp nhỏ to với bà vợ ông giám đốc lúc đó đang là phụ trách nhà ăn, thế rồi ả lên đường.
Thánh nhân đãi kẻ khù khờ. Ả nghiệm ra các cụ thật chí lý. Người ta mất hết của cải, liều thân chôn mình trong hàm cá trên đường vượt biển. Ả chỉ một bước là đã thoát sang bên kia, sang hẳn Tây Đức. Cũng là dòng đời đẩy đưa. Bức tường Berlin sụp đổ, đầu tiên là bọn ả đi xem, nhân thể mua về bên Đông những là gạo là nước mắm là bánh phở - những thứ người Việt đi hợp tác lao động quốc tế phải chịu thèm chịu nhạt. Rồi thì sang tị nạn, "xem nó ra sao", "ngồi không trong trại lĩnh tiền tiêu vặt còn hơn lương cu li ở Đông Đức trước chả hơn à". Và khi có chế độ mới cho tỵ nạn vốn xuất thân thợ khách thì ả xin nhận lại Pass, ra khỏi trại đi làm.
Những ngày làm thợ ở Đông Đức, những ngày tỵ nạn bên Tây, ả đã dự bao nhiêu là đám cưới của anh chị em người Việt. Có những đôi đúng là đũa lệch, chồng trai tơ vợ nạ dòng, chồng thành phố vợ nhà quê một cục ăn cơm mắm môi cầm đũa và suỵt soạt. Ả chẳng mong ước gì, nhưng có lúc cũng lạ lùng thấy mình chờ một câu đùa nhạt của chị em: "Đến bao giờ bọn em được giúp chị Hoàiđây?" rồi, "Ông ấy... ông ấy cứ hỏi thăm chị mãi"...
Rồi thì vẫn thế. Ả vẫn một mình trong cái Wohnung hai phòng sau mỗi buổi từ hãng trở về. Một thân một mình, phải tự lực tất tần tật. Phải có ô tô. Thì ả đã có ô tô. Thỉnh thoảng đến nhà mấy đứa cùng chạy từ Đông Đức sang, nhìn chúng nó hú hí với chồng con và nghe những câu đùa nhạt như sữa dành cho người ăn kiêng, lại muốn về nhà bật ti vi cho có tiếng người... Ả vẫn như xưa, chẳng ai để ý, chẳng ai muốn giúp đỡ dù ả đúng là đàn bà.

* * *

Nhưng bây giờ ả đã trở thành cần thiết cho một người. Chồng ả. Một tấm chồng ra chồng. Có bằng bác sĩ ở nhà. Cái ấy là đồ trang sức tuyệt vời cho mấy anh đàn ông tỵ nạn đang phải rửa bát trong quán Tàu. Chàng trước đã vợ con và chẳng thể nào lo nổi cho vợ con bằng đồng lương bác sĩ bệnh viện huyện. Chàng quyết làm kinh tế. Nước Đức thống nhất là vùng kinh tế mới tuyệt vời. Đời phải có lúc hèn. Thì đã hèn rồi. Không sợ. Đời phải có lúc liều. Thì đã liều rồi. Vợ chồng chàng bàn nhau, vợ chàng đem con về bên ông bà ngoại, cái nhà cấp 4 của hai vợ chồng thì bán lấy tiền chạy cho chàng. Chàng dặn vợ: "Về ông bà có thể lâu lâu rồi các cậu các dì xì xèo, hai mẹ con gắng chịu. Vài ba năm anh về rồi đổi đời. Đổi đời. Mình sẽ xây nhà ba tầng. Để hẳn tầng một anh mở phòng khám. Phục vụ tận tình, trang thiết bị đàng hoàng, giá rẻ, chẳng hút hết bệnh nhân từ bệnh viện huyện ấy à. Vào đó nào có ít tiền đâu mà bị hạch cho lên bờ xuống ruộng. Mình có làm thế thì mới để được phúc lộc cho con..."
Cái sự toan tính của người đang hy vọng thật dễ nghe. Nhưng cả người ở lẫn người đi đều không biết rằng sự làm giàu ăn vào cái số. Tốt số hơn bố giàu. Chàng sang Đức, về định cư ở một làng heo hút, ra ga phải mất nửa tiếng chạy bộ, còn đi Bus thì một chuyến một ngày. Hai năm trời, chàng chưa hòa vốn vé máy bay cộng tiền cho dịch vụ đưa người. Chàng không thể ngồi tính toán lẩn thẩn như anh bạn cùng phòng: "Thế này còn hơn chán vạn ở nhà. Ăn uống tiết kiệm, mỗi tháng cũng để dư ra được trăm rưởi mác. Hòm hèm cũng là một triệu ở nhà. Bằng vợ tớ nuôi lợn thành công cả năm giời". Trong trí chàng, còn nguyên vẹn hình ảnh căn nhà ba tầng chưa xây mà tầng dưới sẽ là phòng khám.
Ả gặp chàng vào dịp ấy. Sau đó thì ả biết là chàng lúc đó đã sắp phải lên máy bay hồi hương lúc nào không biết. Sau đó thì một cô em họ của chàng thầm thì: "Hay là chị giúp anh ấy. Khổ! Hồi đi, thật anh ấy cũng chỉ nghĩ đi cứu vợ cứu con. Nay tiền vào không thấy mới chỉ thấy tiền ra. Mà về thì sợ. Gì thì gì cũng là thằng trí thức vượt biên, khéo về đã chẳng lo gì được cho vợ cho con mà vợ con còn bị lụy".
Cái sự "giúp" ấy ả nghe hiểu ngay. Nghĩa là làm đăng ký kết hôn với nhau và chàng sẽ được ở lại. Ấy là một dịch vụ đang sôi nổi trong cộng đồng người Việt, giá dao động từ mười bảy đến hai mươi ngàn mác.
Cô em họ của chàng lại thầm thì: "Anh ấy ở ngần ấy năm không có việc làm, cũng chẳng móc đâu ra tiền. Nếu chị có lòng, bọn em sẽ dồn tiền giúp anh ấy theo giá chị định. Rồi khi có Pass anh ấy được chuyển vùng, được đi làm thì cũng chả mấy nỗi... Mười bảy ngàn được không chị?"
Ả không nhận đồng nào của chàng. Thành thử cuộc hôn nhân giữa ả và chàng đâm ra làm cho cả hai bối rối. Nó chẳng ra thật chẳng ra giả. Nó thiếu cái sòng phẳng cần có trong mọi dịch vụ, nó thừa cái lương tâm thời buổi này chẳng ai tin. Mà ả thì thật lòng. Ả nghĩ tới cái tương lai gần của một gia đình sắp sum họp: Chồng bác sĩ mất việc; vợ giáo viên cấp hai kiêm bán xôi sáng; Thỉnh thoảng công an tới gọi chồng lên đồn hỏi về những việc đã làm khi ở lại nước ngoài trái phép; người vợ và đứa con sẽ nhớn nhác; người chồng thì buông xuôi...
Ả nhận lời kết hôn với chàng. Biết là một trò chơi. Vậy mà lúc đứng trước nhân viên của Standesamt (1) ả bất chợt bồi hồi... Rồi ả mơ màng. Dù thế thì cũng rấr ít khi ả dám nghĩ về đêm đó. Chàng xách vali về Wohnung của ả. Ả đã tính với chàng như thế. "Anh cứ ở tạm nhà em. Vùng này dễ kiếm việc, có Pass rồi thì xông đi làm ngay. Rồi anh kiếm chỗ ở khác sau. Làm sao cuối năm có một khoản gửi về cho chị ấy nuôi cháu. Rồi cũng phải có một khoản khác để chị ấy mua lấy một căn nhà, bằng cái nhà cũ đã bán đi cũng được. Chứ lấy chồng rồi mà lại mang con về nhà cha mẹ đẻ khi các em đã nhớn thì cũng rách việc lắm". Chàng nhìn ả biết ơn. Hôm đó đi làm về, ả không đi loăng quăng cửa hàng cửa họ mà về làm cơm ngay. Cơm cá kho, rau muống luộc qua rồi xào tỏi, nước vắt chanh. Ả ăn ngon như chưa bao giờ ngon thế.
Đêm đó, ả trở thành đàn bà. Đàn bà khi ả ba bảy tuổi...
...Chàng không dám nhìn thẳng ả từ đêm đó. Đôi lúc ả có cảm giác ánh mắt chàng lướt qua mình. Ả không hiểu nổi chàng nhờm tởm ả vì ả quá xấu? Hay chàng nhờm tởm chính bản thân chàng? Chàng ân hận?
Nhưng "chuyện đó" thỉnh thoảng vẫn tái diễn. Và không hiểu sao, lòng ả muốn thế mà ả không thấy diệu kì như lần đầu. Lần đầu tiên, ả muốn rống lên như một con bò cái. Lần sau, những lần sau nữa, ả như một bó rạ. Chàng vần ả như một bó rạ, ghì siết ả như một gã nhà quê ghì buộc một bó rạ.
Một hôm, ả đi làm về đã thấy chàng cơm nước xong xuôi. Chàng ngồi bên bàn chờ ả. Dọn xong bát đũa, chàng nói ngay, bứt dứt, bình tĩnh, về sự chàng sẽ ra đi. "Tôi biết ơn Hoài vô cùng. Hoài đã cứu cả tôi lẫn vợ con tôi. Xin Hoài đừng hận tôi. Tôi đã xin làm tả chạp, ăn ở luôn tại quán. Nếu kiếm ra, tôi xin gửi dần Hoài số tiền lo giấy tờ mà trước Hoài đã có lòng..."
Ả há mồm. Muốn nói. Rằng chàng tính thế là tính vội. Rằng chàng có thể ở rốn thêm mấy ngày. Rằng có Pass chàng có thể kiếm việc ở hãng, chẳng nhàn gì nhưng cũng không đến nỗi đầu tắt mặt tối như làm quán. Nhưng ả không nói được. Ả cứ há mồm ra. Chắc lúc đó trông ả đã xấu càng thêm xấu. Và chắc là nhìn đần độn lắm.
Chồng ả không về nữa. Đôi lúc ả nghĩ tới vợ con chàng. Không ân hận. Chỉ thấy thương người đàn bà kia và thương thân hơn. Chị ta và ả đều đã từng được cưới.
Tính ra ả cũngđược tới hơn mười lần gần gũi. Nhưng từ hôm kia, ả hốt hoảng vì cảm giác mình sắp có kinh.
Thiên hạ sao vô tâm. Gặp ả, có người hỏi: "Thế nào, tiền cưới chồng đã đủ mở Imbiò(2) chưa?"

Lê Minh Hà


Chú thích:

1. Standesamt: Phòngđăng ký kết hôn
2. Imbiss: Quầy ăn nhanh




Tác giả AnhMy
Gởi: Wed Oct 20, 2004 9:18 pm

Viết khá lắm. Mà Ác!! Ả khổ đau vì duyên phận thì ít, mà sống dở chết dở vì những người quanh mình không ai có tình yêu thì nhiều. Đời thật xấu xa đến thế sao?

Tác giả linhvang
Gởi: Thu Oct 21, 2004 3:11 am

Bác AnhMy cũng đồng ý truyện này LMH viết khá há! Vậy mà bên ĐT có 2677 lần đọc, có 30 người cho điểm...một sao thôi.Big Smile

Tác giả AnhMy
Gởi: Thu Oct 21, 2004 5:17 pm
Tiêu đề: Có lẽ người ta so sánh với những tác phẩm lớ

Có lẽ bên ĐT người ta so sánh với những tác phẩm lớn của thế giới.
Tôi chỉ đơn giản so sánh với những tác phẩm ViệtNam đã quen thuộc với làng văn Việtnam. Truyện này cũng ngang ngửa với những tác phẩm đó về cách viết. Duy có điều tác giả không có tình thương yêu mấy. Điều đó thể hiện không những ở giọng văn, mà còn ở cách xây dựng truyện, xây dựng nhân vật chính và các người xung quanh. Kể một chuyện buồn bằng một giọng lạnh lùng, phải chăng là ác? Đó cùng là lý do người ta đánh giá thấp giá trị của tác phẩm.

Tác giả PC
Gởi: Thu Oct 21, 2004 9:08 pm
linhvang viết:
Bác AnhMy cũng đồng ý truyện này LMH viết khá há! Vậy mà bên ĐT có 2677 lần đọc, có 30 người cho điểm...một sao thôi. Big Smile

Chời ơi, chị LV, chị tin cái count đó sao? Nhiều khi tác giả họ vào đọc rồi họ count túi bụi đó chị. Còn có nguời đọc thấy hay nhưng có bao giờ cho điểm đâu! PC thuộc trong số đó đó.

Tác giả linhvang
Gởi: Fri Oct 22, 2004 2:35 am

Nếu tác giả vào click túi bụi thì trong trường hợp cái truyện Có Chồng của bà Lê Minh Hà, không lẽ bả cho điểm bả tệ như thế? Sao không có những người bênh bả mà cho điểm cao hơn để ít ra cũng được hai, ba sao?

LV nghĩ cái truyện này tả chân quá, sống sượng quá, nên độc giả ghét, vì không muốn nhìn thấy một sự thật như thế. Nhà văn cũng có loại thấy sao viết vậy, mình đâu bắt họ phải biểu lộ tình yêu thương chi đó trong tác phẩm họ viết, như bác AnhMy đòi hỏi.

Tác giả PC
Gởi: Fri Oct 22, 2004 2:43 am

Không, PC đâu có nói là tác giả LMH vào cho điểm và click bài của bà đâu, mà là nói chung sự cho điểm và đánh giá. Một khi một độc giả có thể click vào bài đọc mà làm cho số count tăng thêm thì có gì ngăn một tác giả tự click vào bài của mình để cho người khác nghĩ rằng bài họ đuợc chiếu cố đông đảo.

Tác giả AnhMy
Gởi: Mon Oct 25, 2004 3:42 am

Tôi không đòi hỏi người viết phải theo ý tôi. Tuy vậy, viết văn không có giọng thì cũng là một nét khác thường, và là một nét xấu.
Về việc đếm: nhiều người đọc mà không cho điểm vì họ ngại cân nhắc (Tôi thuộc vào lọai này). Nhiều người bỏ dở không đọc hết.

Tác giả PC
Gởi: Mon Oct 25, 2004 8:48 pm

Tôi không đồng ý với bác Anh Mỹ, với tôi tác phẩm này hay ở cái chỗ lạnh lùng của nó. Tôi vẫn nghĩ là nhà văn hay nên để cho các tình tiết tự nói lên mặt thật của cuộc sống. Còn viết văn mà cho người đọc thấy rõ cái ý đồ, quan điểm của tác giả quá thì làm cho người ta có cảm tưởng bị xỏ mũi.

Đọc truyện này ta thấy thương xót cho thân phận những người phụ nữ không có được cái điều mà họ hay mơ ước, đó là một cái đám cưới, một người chồng, một hạnh phúc gia đình. Bác có thấy vậy hay không? Trong xã hội có thành phần đó hay không? Nếu có, thì sao bác lại cho là ác? Hay bác muốn nhà văn phải đưa ra được một giải pháp? Như vậy thì bác máng cho nhà văn một nhiệm vụ nặng nề rồi. Chính độc giả phải tự tìm cho ra giải pháp chớ không phải nhà văn. Gợi mở được những vấn đề nhức nhối của cuộc sống và bắt độc giả phải thao thức đi tìm giải pháp, theo tôi, đó là tài năng của một nhà văn.

Tác giả AnhMy
Gởi: Mon Oct 25, 2004 9:35 pm

Tôi cũng nghĩ không nên đưa "đọc thấy rõ cái ý đồ, quan điểm của tác giả" cố lèo lái người đọc, nhưng "lạnh lùng" trước nỗi đau của nhân vật thì ác chứ chẳng không. Ít ra thì cũng không nên làm giảm cảm xúc của người đọc trước những sự thực người viết kể ra.
Phượng Các
#3 Posted : Friday, November 26, 2004 6:06:59 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Phỏng vấn nhà văn Lê Minh Hà

Lê Quỳnh Mai


Phát thanh 27-5-2001 trong chương trình Văn Học Nghệ Thuật, Đài Tiếng Nói Việt Nam FM 103.3 Montreal - Canada



Lê Minh Hà sinh năm 1962 tại Hà Nội.

Tốt nghiệp khoa Ngữ Văn, Đại Học Sư Phạm Hà Nội I năm 1983

Dạy học tại Hà Nội từ 1984-1994

Định cư tại Limburg, Đức.

Cộng tác: Văn Học, Văn, Hợp Lưu, v.v...



Tác phẩm:

Trăng Góa ( Thanh Văn xb 1998),

Gió Biếc (Văn Mới xb 1999)

Thương Thế Ngày Xưa (Văn Mới xb 2001)






1 .- Lý do nào nhà văn Lê Minh Hà rời bỏ quê hương để định cư tại Đức?

- Lý do rời quê hương: rất riêng. Vâng. Rất riêng. Nhưng nghĩ cho cùng, có gì thực sự là riêng đâu khi mình là người Việt. Tôi nghĩ tôi có chung câu trả lời với bất kể ai là người Việt đã ra đi khi được hỏi câu này.



2 .- Nhà văn Lê Minh Hà có ý kiến gì về nền văn học hải ngoại từ ngày định cư tại nước ngoài?

- Trong bản chất của nó, VHHN của mọi dân tộc là VH lưu vong. VHHN Việt Nam là tiếng nói của một tập hợp người có quan điểm phi chính thống và vì thế mà phải rời khỏi quê hương. Nhưng cũng trong bản chất, VHHN chỉ xứng với tên gọi khi nó đáp ứng được những yêu cầu khắc khe của nghệ thuật, mà nó là một hình thức đặc biệt, thuộc về... Tôi chưa đọc được một cách có hệ thống VHHN, cho nên còn quá sớm để tránh khỏi hời hợt và bất cập khi đưa ra một nhận xét riêng. Nhưng tôi nghĩ rằng, những tác phẩm chỉ được viết ra dưới sự định hướng của một chủ đích chính trị sẽ khó đứng được với thời gian nếu nó không hàm chứa một liều lượng nghệ thuật, nếu qua đó, người ta không thấy được tầm nhìn và bản lãnh sáng tạo của người viết. Bỏ qua những tác phẩm như thế, cái còn lại của VHHN là rất nhiều, và sẽ có một ngày VHHN trong nghĩa đó sẽ dành được một chỗ xứng đáng trong lịch sử VHVN hiện đại. Tôi đã tham gia vào sinh hoạt chữ nghĩa ở đây. Đấy có thể là một câu trả lời cho câu hỏi của chị chăng.



3 .- Hàn Dũ (768-824) cho rằng người ta bất đắc dĩ mới viết văn làm thơ bởi: "bất bình tắc minh" (mọi vật không được thế quân bình thì kêu lên). Chị có đồng ý với quan niệm này không? Và nhà văn Lê Minh Hà bắt đầu viết từ lúc nào?

- Lịch sử văn học đã ghi nhận sự hình thành và phát triển của đủ kiểu trường phái, trào lưu. Nhưng sáng tạo thực sự bao giờ cũng là một quá trình riêng, duy nhất, dù rằng gnười viết vẫn có thể trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ với nhau những quan niệm nghệ thuật, những kinh nghiệm ... Vâng, vâng, Hàn Dũ cũng có thể tìm được nhiều lời tán đồng của người cùng thời hay đời sau. Nhưng mà nghe câu trên, thấy sự viết mới tội nghiệp làm sao. Riêng tôi, tôi nghĩ ý muốn sáng tạo là định mệnh dành cho những người không biết sống đơn giản, không biết hài lòng với những điều người đời đã quy ước là cần và đáng hài lòng. Bản thân cái sự không biết ấy ở nghệ sĩ đã là cái được rồi. Với tôi điều này bắt đầu hơi bị sớm. Nhưng người đọc chỉ biết tôi khi không còn trẻ nữa, tóc khô khô đốt ngón tay tố cáo tuổi ba mươi, nghĩa là có cơ hội dành vương miệng hoa hậu của tuổi sáu mươi.



4 .- Trong truyện ngắn OPA, Con Chó Và Tôi, Lê Minh Hà viết "tôi nhớ nơi tôi đã từ đó ra đi. Thành phố của những mùa hoa hạ đỏ, của mùi hoa sấu chua, và bao chiều bạt gió. Thành phố của bồn chồn hương hoa sữa cuối thu và của âm thầm heo may đầu đông"(1). Có phải đó là thành phố Hà Nội thân thương đã làm nền cho nhiều truyện ngắn của chị? Nhà văn Lê Minh Hà có thể tả về hoa sữa được không?

- Vâng, đúng vậy. Tôi thật may mắn có được thành phố ấy để nhớ, để viết về, không phải với tình yêu chung chung của hầu hết người Việt chúng ta khi nói về Hà Nội, mà là tình yêu riêng của kẻ đã sinh ra, đã lớn lên, đã từ đó ra đi. Hà Nội là thành phố duy nhất mà tôi tường tận. Nên dễ hiểu vì sao tôi hay nhắc tới thành phố ấy. Bao giờ tôi cũng chỉ viết khi cảm được đã có một điều gì chạm vào phía tối tâm hồn mình. Mỗi người có một Hà Nội của riêng. Với tôi Hà Nội là một phần là như chị vừa đọc lại đôi câu trong truyện của tôi. Làm sao có thể tả được hoa sữa hả chị. Nói về hoa sữa, là nói về mùi hương lạ lùng của những đêm đầu Đông Hà Nội. Dọc ND, QT, quanh quanh Hồ Thiền Quang. Se se, sóng sánh, đôi lúc ngột ngạt, đôi lúc thấp thỏm, đôi lúc khắc khoải bồn chồn, những ngày hanh, đôi lúc dịu đi cơ hồ mất hẳn sau những cơn mưa cuối Thu dầm dề. Không ai nói về sắc hoa, dáng hoa. Từng chùm li ti trắng ngà ngà, gần cuống lại hơi xanh lẫn trong vòm lá rộng thật cao. Không phải là thứ hoa để bày hay nâng niu trong nếp áo. Chỉ là để nhớ, để làm sống dậy hồi ức mơ hồ. Vào Saigon, tôi thấý có một con đường toàn cây sữa. Có phần còn cao hơn cả ở Hà Nội. Nhưng chưa khi nào tôi đọc thấy, nghe thấy về hoa sữa Saigon. Cây sữa trong đó không nở hoa chăng? không thơm chăng? Hay Saigon không có những đêm Thu kiểu như Hà Nội để mùi hương ấy có thể trở thành một đeo đẳng.



5 .- Độc giả được thưởng thức thơ tự do của chị như bài Hồi Tưởng, Ghen (2) , Bốn Mùa, Gởi Một Cây Anh Đào Cùng Tuổi (3) . Hoặc nhiều câu văn chị viết như thơ "mưa rất nhẹ, mưa như sương phản phất, ta quá hiền không cảm hết hơi mưa. . ." (4) Nhà văn Lê Minh Hà cho biết ý kiến về thơ tiền chiến và thơ cổ điển .

- Xin cải chính ngay, không dám nhận vơ. Hai bài sao là của Đỗ Quang Nghĩa. Chúng tôi hay bị nhầm tên như thế. Chả hiểu sao. Tại vì cách cảm và cách biểu hiện của chúng tôi rất khác nhau. Thơ với tôi không phải là thơ tự do hay có niêm luật. Thơ là thơ, là tự do. Tôi bất lực trước thơ, nên nghĩ thế có cái tiện để mà hạ bệ thi ca thành một hình thức ghi chép những gì riêng tư, một thứ nhật ký riêng tư. Chị xếp mấy từ?tôi viết là thơ, xin cám ơn, thơ tự do. Đấy là cách định danh một hình thức thi ca không giống, ít ra là từ thơ mới trở về trước. Đấy là bước phát triển tất yếu của thơ ca trên con dường hiện đại hóa để khỏi tiêu biến. Nhưng mà, có cái gì mới mà đoạn tuyệt với cái cũ đâu. Trong nghĩa đó, thơ tiền chiến và cổ điển VN, có thể không cần đối với những nhà thơ Pháp hay Trung quốc, nhưng với những nhà thơ Việt, phải làm một thứ hành trang, có thể không cần phải tha theo, có thể bỏ lại bên đường sáng tạo, nhưng không thể không biết, không cảm, không trân trọng. Tôi không phải là nhà thơ như vừa thưa với chị, nhưng là một người mê thơ và phải tự nhận là mình bất lực trước thơ. Là một người mê thơ, tôi đang dị ứng nặng với những cái gì từa tựa ca dao, thơ cổ hay thơ tiền chiến, bởi vì tôi cực quý bản chính. Thế hệ chúng ta vẫn là thế hệ khá gắn chặt với thế giới tiền chiến mà chị.



6 .- Truyện ngắn của chị có nhiều chữ lạ như ngõi, ngẫn ngẫn, to hó, nhảo, nhuôm nhuôm (5) , chỉn chu (6) . Như thế, có cần một chú thích cho các độc giả miền Nam và hải ngoại?

- Không có từ nào thật lạ, thật sáng tạo của riêng tôi trong số những từ chị vừa dẫn. Những ngõi, nhảo nhuôm nhuôm, tôi học từ các bà các chị ở quê tôi thời chiến tranh đánh phá lan rộng ra Hà Nội. To hó, từ này tôi mược của ông Tô Hoài từ trước năm 45. Ngẫn ngẫn tôi học được từ mấy anh chị đi từ miền Nam. Chỉn chu thì có trong tự điển. Và nói chung, nhiều chữ tôi dùng hiện vẫn được sử dụng hàng ngày ở VN, chỉ không thông dụng ở hải ngoại. Vậy thì đâu có cần chú thích. Chúng ta phải tự làm giàu có vốn từ cho mình bằng cách đọc và học. Vả chăng, ngôn ngữ văn học không phải là ngôn ngữ thống kê học. Mỗi từ lấp lánh những nét nghĩa riêng trong từng văn cảnh cụ thể, và có thể xác định nghĩa từ thông qua văn cảnh. Nếu người đọc không làm được điều đó thì có thể là tôi đã không thành công khi chọn từ rồi.



7 .- Trong truyện của nhà văn Lê Minh Hà có những câu: "Tốt số hơn bố giàu, Một năm đi Pháp bằng một giáp đi Nga, Dân bụi chẳng dám bắc bếp nấu ăn, nằm lăn đánh bạc"(7). Có phải hồi nhỏ nhà văn Lê Minh Hà ảnh hưởng tiếng ru bằng ca dao tục ngữ của mẹ và bà?

- Mẹ tôi mất rất sớm. Nên nếu nói tới những ảnh hưởng của mẹ thì tôi chỉ nhớ rằng nhờ mẹ tôi mà tôi biết nhạc tiền chiến, nhạc vàng, theo cách định danh kỷ quặc hàm ý phê phán ở miền Bắc lúc bấy giờ. Nhưng có thể là tôi thừa hưởng gien lạnh từ ông Nội bà Ngoại thật. Bà Nội tôi không biết chữ, nhưng nói mười câu là phải ba bốn câu ca dao tục ngữ. Ông ngoại tôi chịu ảnh hưởng sâu sắc thơ tiền chiến, và cũng làm thơ rất nhiều, thuộc thế hệ "thanh thản một gia tài vơi nửa mộng" thời kháng chiến. Tuy nhiên, tôi cũng phải nhắc đến những bà lão nhà quê mà tôi có dịp ngồi hóng chuyện khi đi sơ tán với bà tôi, những hàng xóm của tôi trong khu tập thể mà tôi đã sống 30 năm. Họ là một kho từ ngữ đầy biến ảo.



8 .- Truyện của nhà văn Lê Minh Hà có nhiều tiếng nước ngoài được phiên âm ra tiếng Việt, ví dụ: Đonkihote, Lep Tolxtoi, Xanh Petecbua (8) . Theo nhà văn Lê Minh Hà, việc phiên âm này có lợi và hại thế nào trong quá trình đọc và nghiên cứu ?

- Hại. Theo tôi. Trong sáng tác, phiên âm thế này còn thôi thở dài phẩy tay bỏ qua cho, chứ ở một tác phẩm nghiên cứu thì ... sẽ là đại thảm họa. Nhưng chúng ta đang gặp một khó khăn: Chưa có sự thốnh nhất ở phương diện ngôn ngữ về cách ký tự các từ nước ngoài. Ghi đúng như cách gọi nước sở tại ư? Vậy sẽ lổn nhổn đủ thứ tiếng. Mà nếu dùng một cách phiên âm duy nhất của một nước nào đó thì cũng không khoa học. Do đó tôi cố giữ nguyên cách phát âm và không Việt hóa tên nước ngoài bằng cách thêm bằng trắc. Nói chung, tôi trông chờ sự chỉ giáo của các nhà ngôn ngữ học.



9 .- Trăng Góa trang 113 có câu "Cô gái Hà Thành xưa tóc cặp lửng sau lưng đi guốc phi mã mặc áo kép bên ngoài áo dài Lơ-Muya". Chúng tôi được biết áo dài Le Mur do họa sĩ Nguyễn Cát Tường, thành viên của nhóm Tự Lực Văn Đoàn vẽ kiểu. Xin chị tả về đôi guốc phi mã ra sao?

- Tôi đã nhìn thấy bao giờ đâu chị. Nhưng như tôi được nghe tả lại thì gót guốc phi mã không nhọn mà tù, hơi loe ra một chút, nghĩa là rất mốt ngay cả với thời bây giờ, và được đóng quay nhung. Áo dài vạt bầu, tóc kẹp lửng hay búi lỏng rồi lộn vào trong, xòe che ơ hờ hai vai và đi guốc đó. Bố tôi kể vẫn thấy các bà các cô trong trang phục như thế trong mấy năm đầu hòa bình lập lại, dáng đi cứ như múa vậy.



10.- Nhà văn Lê Minh Hà có lời khuyên rất thâm thúy "Có những điều không bao giờ nên nói thật với đàn bà. Nói thật là xúc phạm, là chuốc vạ vào thân suốt đời" (9) . Theo chị lời khuyên này có nên áp dụng với đàn ông không?

- Đấy là nhân vật của tôi nói, không phải là tôi ! Cho nên không thể có một lời khuyên nào. Thưa chị, mà chắc chị định hỏi có nên áp dụng với đàn ông trong các quan hệ riêng tư thôi phải không ạ? Cứ như kinh nghiệm bản thân, tôi nghĩ có thể im lặng, nhưng đã nói thì phải nói thật. Về điều này, tôi đã hơn một lần nghe các bà các cô chê là dại, và mấy bậc nam nhi bám trụ ở nhà tôi khi chị tôi chưa đi lấy chồng ngày xưa thì lên án tôi là ích kỷ, khô hơn ngói, cứng hơn đá. Cơ mà chưa thấy ông chủ nhà tôi than phiền.



11.- Trong một bài viết về một tác giả mà chị nghĩ rằng "đã đưa văn học Việt Nam tới tầm nhân loại bằng sáng tạo của mình" (10) . Độc giả nhận ra đó là nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Theo nhà văn Lê Minh Hà, hiện nay nhà văn nữ nào đạt được tiêu chuẩn đó?

- Tôi chưa đọc hết, cả trong nước lẫn ngoài nước. Nhưng nhiều tác giả nữ tôi từng được đọc đã để dấu ấn sâu đậm với tôi. PTH nửa trong nửa ngoài, DL, LMK, PTVA, LL, DTHoàn, NTMN trong nước, PTTT, MN, MIÊNG... và gần đây tôi có dịp đọc TTNGH. Hay thật. Nhưng nếu có quyền đòi hỏi, tôi sẽ nói rằng nếu để đạt tới tầm nhân loại, mỗi tác giả còn phải tự vượt qua mình nhiều. Tôi nói tác giả, bởi vì kết quả của sáng tạo là tác phẩm, có thể căn cứ vào tác giả để hiểu một tác phẩm, nhưng đó tuyệt nhiên và không được phép là căn cứ duy nhất để định giá. Nói một cách khác, vấn đề phái tính ở đây không nhiều ý nghĩa. Tôi vẫn giữ nguyên nhận xét của mình về NHT, ngay cả khi NHT đổi phận làm chị em chúng ta được.



12.- Trong tác phẩm, nhà văn Lê Minh Hà thường nhắc đến các tên tuổi trong văn học Nga như Aitmatop, Lep Tolxtoi, Sôlôkhôp. . . (11) , nhưng không thấy hai nhà văn lừng danh Boris Pasternak (Nobel 1958) và Aleksandr Soljenitsyne (Nobel 1970). Có phải vì tác phẩm của hai vị này không được lưu hành trong khối xã hội chủ nghĩa?

- Không hẳn thế, Boris Pasternak có được dịch in ở VN và tôi rất mê tác phẩm của ông. Quần đảo Gulak chưa được in ở VN nhưng Soljenitsyne cũng có được giới thiệu rải rác. Nhưng tôi hay nhắc tới mấy ông Op Ep On Oi kia vì họ gắn chặt với một Lê Minh Hà đã được tôi thể hiện qua Trăng Góa hay Gió Biếc, Một LMH buồn thảm và có vẻ rất lành. Còn có những LMH khác, nếu cần mô tả chị ta, rất có thể tôi sẽ lôi hai ông đại văn hào này vào truyện



13.- Từ 1765 dưới triều đại của Nữ hoàng Nga Cathérine đệ nhị, cung điện mùa Đông ở St Petersburg trở thành viện bảo tàng Ermitage. Tập truyện Trăng Góa trang 158 có nhắc đến tên này. Nhà văn Lê Minh Hà đã có dịp đi thăm viện bảo tàng đó hay chưa?

- Nhờ văn học Nga và văn học Xô Viết đã được dịch và giới thiệu một cách có hệ thống, bởi những dịch giả tài hoa như VTH, PMH, CXH, PHG ở miền Bắc trước đây, nhờ nhiều bạn bè quen thân từng học ở Nga, nên tôi vô cùng thân thiết với đất vĩ đại này. Nhưng thật tiếc, tôi chưa từng đến đó, chưa từng lang thang ở Ermitage. Dù sao thì cũng có thể ước mong



14.- Nhà thơ Phạm Thiên Thư thường bị ám ảnh bởi hoa vàng. Nhà văn Somerset Maugham bị ám ảnh bởi những cơn mưa vùng nhiệt đới. Hình như nhà văn Lê Minh Hà bị ám ảnh bởi ánh trăng (những đoạn viết về trăng tuyệt đẹp như trong truyện Trăng Góa). Có phải ánh trăng gợi nơi nhà văn Lê Minh Hà nỗi cô đơn bất tận như nỗi cô đơn của mỗi con người?

- Chị hãy thử hình dung, một con bé con ngồi thâu đêm nhìn trăng sáng rồi mờ, câm lặng và cam chịu ký hiệp ước hòa bình hai bên với bệnh tật. Không phải một đêm, không phải một mùa. Tôi đấy. Năm hay sáu tuổi gì đó, cho mãi đến sau này, tôi hay viết về trăng là vì thế. Trăng không gợi gì cả. Trăng và tôi chia nhau đêm, đêm cô độc và khốn khổ của riêng tôi, của riêng tôi thôi. Không còn ai trong đó.



15.- Độc giả xót xa và ngậm ngùi khi đọc những câu văn của Lê Minh Hà " Đàn ông thời này chẳng còn biết phấn đấu cho lý tưởng gì, bạt xứ vì nợ vợ nợ con, cũng là xong một kiếp. Đàn bà lơ ngơ ở đất người, tội quá!" hay "Một bầy kiến lăng xăng, lo kiếm tiền như lên cơn đồng và có dịp là tụ bạ để ăn uống, nói xấu nhau và nói phét" (12) .

- Đây có phải là ước vọng của nhà văn chuyên chở nỗi khổ đau của con người để mong tận diệt được nó? Chuyên chở?nỗi khổ đau của con người, có vẻ Nghệ Thuật Vị Nhân Sinh quá nhỉ. Nếu những trang viết của tôi có chứa chỡ điều đó thì thú thực với chị đấy không phải là ý định của tôi khi viết. Tôi không viết về ai ngoài tôi. Nên sẽ vui hơn nếu bạn đọc có thể đọc ở tôi những gì không đau khổ. Khổ đau là định mệnh, mà cũng là tặng vật của trời dành cho chúng ta. Chẳng cách này thì cũng cách khác. Vậy thì mong tận diệt nó làm gì, và làm cách nào cơ chứ? Đằng nào thì cũng không tránh được, nên nếu có thể mong, tôi mong được biết tới những đau khổ có khả năng giải phóng tinh thần của con người, và được miễn dịch với những cái hàng ngày làm bận lòng mà chúng ta cứ nói phóng lên là đau khổ: chuyện áo cơm, chuyện được yêu hay yêu được. Ví dụ như thế



16.- Các truyện ngắn của Lê Minh Hà trước đây thường quanh hai đề tài: những mảnh đời tại quê nhà và những mảnh đời tha hương nơi đất khách. Giờ đây, độc giả thấy xuất hiện những truyện ngắn của chị dựa theo cổ tích và lịch sử. Có phải đây là vấn đề sinh tử: hiện đại hóa nghệ thuật ?

- Hiện đại hóa, trong bất kể thời khắc nào là vấn đề sinh tử của nghệ thuật, cũng là vấn đề sinh tử của mỗi người viết. Nhưng đây là một vấn đề lớn, đòi hỏi phải có sự tham gia đồng thời của lý luận và sáng tác. Nhưng việc tôi viết các truyện ngắn có màu sắc cổ tích và lịch sử lại không có vẻ dính dáng gì tới ý thức hiện đại hóa nghệ thuật cả. Mục đích ban đầu của tôi là viết lại vài ba truyện cổ tích để tặng con, cũng là một cách thưa thốt với học trò cũ. Tôi hình dung đời người như một con sông, mà lưu lượng phụ thuộc vào những giòng chảy hợp thành nó. Tôi đã đi qua vài ba quãng đời mình, và giờ lại muốn phát hiện mình ở những khía cạnh khác. Vậy thôi. Đã nói tới hiện đại hóa nghệ thuật là phải nói tới ý thức của người viết về VHQK và đương đại, là quan niệm riêng về VH... Nhưng khi viết về những truyện lấy đề tài từ cổ tích, tôi không biết và cũng không tìm biết ai đã viết gì trước mình. Viết xong Trương Chi chẳng hạn, tôi mới nhớ ra đã có một TC của Nguyễn Huy Thiệp, mới biết trong nước vừa có một cây bút trẻ cũng viết TC. Không rõ quá trình sáng tạo ở các tác giả khác thế nào. Ở tôi thì thật sự là một bước giật lùi: Còn bé, mới viết thì chăm chăm viết sao cho giống ai mà mình thích, sau thì cố viết không giống ai, còngiờ, tôi không quan tâm tới chuyện đó nữa, chỉ muón viết sao thể hiện được con người mình rõ nhất, bằng phương tiện gì cũng được. Nên như đã kể cho chị đấy, tôi ăn trộm từ của cả ông Tô Hoài, mà nếu bới câu chữ ra thì tôi còn đạo văn vô khối. Nhưng cũng chả sao phải không ạ. Điều cốt yếu với người viết người ta nhận ra đó là ai. Và tôi nghĩ vấn đề hiện đại hóa nghệ thuật không phải là một vấn đề đột biến, chỉ có thể giải quyết từ từ, bằng những tác phẩm mà ở đó tác giả cho tahý mình là một cái gì không sao chép được, nếu mà chính người viết cũng không sao chép được mình thì còn tốt hơn nữa.



17.- Tác phẩm "Chuyện Kể Năm 2000" của Bùi Ngọc Tấn vừa ra mắt độc giả đã gây nhiều tranh luận. Xin nhà văn Lê Minh Hà cho biết ý kiến về tác phẩm này?

- Nói về một tác phẩm được viết bằng cả một cuộc đời đau khổ và cái chính là hay đến thế mà chỉ có vài ba câu thì e không phải. Về tác phẩm này, tôi đã có dịp trình bày cảm nghĩ của mình cùng với ĐT, NHL, VTH, DQN ở BBC. Chỉ xin nhấn mạnh rằng không phải tác phẩm văn học nghệ thuật nào cũng tạo nổi một chấn động chính trị như CKN2000 nhưng cái làm cho tác phẩm này có được một sự sống đặc biệt lâu dài trong đời sống văn nghệ nước nhà, điều này không thể nghi ngờ, chỉ có thể cắt nghĩa bằng chính nó, như một chỉnh thể nghệ thuật kêu gọi yêu thương chứ không phải là chứa chở một thông điệp chính trị nào. Nhấn mạnh tác động chính trị của tác phẩm mà không quan tâm đúng mức nghệ thuật của nó có thể là xúc phạm người đã sinh thành tác phẩm vô giá này của văn học VN đương đại.



18.- Chị có thường xuyên liên lạc, gặp gỡ những người làm văn học nghệ thuật hiện nay tại Tây Ấu hay không?

- Rất tiếc là không dù rất muốn.



19.-Lê Minh Hà có ý định cư tại Bắc Mỹ nếu có cơ hội hay không?

- Đã chọn một cuộc sống ngoài tổ quốc mình thì ở đâu mà chả như nhau, miễn yên thân khi mình mong yên phận. Nhưng tôi mong có một ngày được tới Bắc Mỹ, tới Canada, để xin xem mặt và nghe giọng những anh chị mà tôi là bạn đọc thường xuyên và khắt khe: NQT, LH, HDN... đông anh chị em mình bên đó lắm phải không chị.



20.- Truyện ngắn Những Ký Họa Dang Dở có nhắc đến Khánh Ly và Trịnh Công Sơn. Cảm tưởng của nhà văn Lê Minh Hà ra sao khi nghe tin người nhạc sĩ này đã ra đi vĩnh viễn vào đầu tháng Tư năm 2001 vừa qua.

- Vậy là ông đã vĩnh viễn thành một cõi đi về đối với chúng ta. Là người sáng tạo, hỏi gì hơn thế nữa. Nhưng là người mê Trịnh Công Sơn qua chỉ một Khánh Ly, thú thực là tôi bàng hoàng. Đừng tuyệt vọng tôi ơi đừng tuyệt vọng. Riêng bài này tôi chỉ thích nghe qua chính giọng TCS.



Lê Quỳnh Mai
thực hiện



Chú thích:

(1) : Gió Biếc, trg 110

(2) : Văn số 32, trg 66, 67

(3) : Văn số 40, trg 28, 29

(4) : Trăng Góa, trg 152

(5) Trăng Góa, trg 108, 111, 134, 157

(6) : Gió Biếc, trg 37

(7) : Trăng Góa, trg 73, 45, 32

(8) : Gió Biếc, trg 18, 71, 42

(9) : Gió Biếc, trg 81

(10) : Chân Dung Nhà Văn Trong Một Thế Nhìn, Văn Học 169, trg 29

(11) : Gió Biếc, trg 71

(12) : Gió Biếc, trg 18, 54

nguồn: tạp chí Hợp Lưu
Phượng Các
#4 Posted : Friday, November 26, 2004 6:10:33 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
mùa này rau cỏ...


lê minh hà



'... Những ngôi nhà bom xô tốc mái...

nay ta về dựng lại...

Mùa hè ơi nắng tràn về thành phố đẹp tuyệt vời...'

Nhạc Cát Vận - phỏng thơ Lưu Quang Vũ



Tháng năm rồi đây. Đã thôi vương vất cái hiu hiu rời rợi của những ban mai ngày chớm hạ. Buổi sáng rỗi rãi đủng đỉnh ra cái chợ nhỏ gần nhà, tha hồ rau cỏ. Còn tươi nõn, xanh hơn hớn. Rau cải, cải Mơ nấu cua ăn bữa chiều mát ruột. Rau dền tía luộc nước đỏ màu vang quý, bìa đậu phụ rán vàng rồi om với mấy quả cà chua hồng đã trái mùa nên được bàn tay phụ nữ nâng niu đặt lên hạ xuống hơi kĩ hơi nhiều. Rau ngót vò kĩ nấu với thịt nạc vai băm nhỏ, phải là thịt băm chứ không phải là mấy miếng sườn đã bị các bà hàng thịt lạng cho đúng là chỉ còn trơ xương. Rau muống luộc lên vớt ra đánh dấm bằng mấy quả sấu tươi, vỏ còn xanh nõn, cùi đã dồn nắng gió đủ chua nhưng cái hạt bên trong còn chưa thật cứng. Hay xào tỏi nhỉ, thêm mấy miếng tóp mỡ còn lại từ hôm kỉa hôm kia. Đĩa rau xanh, bát nước chấm dầm thêm mấy quả sấu hấp cơm chín nục, đĩa thịt kho tàu, hay vài ba con rạm rang khô, và mấy quả cà chưa ngấu hẳn, thế cũng đủ cho bữa trưa giản dị trong một gia đình sống đời giản dị. Bữa quê nhà, không bao giờ được phép quên bát cơm xới đầu tiên, đôi khi là cơm hấp lại, là mì, và ở nhà quê ngày khó thường là bát sắn bát khoai khô gần như toàn phần, người ngồi đầu mâm đừng đưa cho người khác. Bà với mẹ vẫn hằng dặn thế. Nao nao mùi thơm nồi cơm chạm hơi còn nguyên vết mấy quả sấu non vừa hấp, mầu nâu đỏ, chua chua. Nhớ mùi, không nhớ vị, bởi bát cơm đầu nồi ấy, dẫu con gái đã nhanh tay xới trước, cha tôi vẫn dành lại cho mình. Tình thương âm thầm của người cha nóng tính tôi đã cảm được bao nhiêu ngày tháng ấu thơ mồ côi mẹ chính là từ những bữa ăn nghèo trong cái thời khốn khó không của riêng ai.



Bây giờ, đã chẳng còn trẻ nữa, dẫu chẳng khá như ai đất đất cát cát công nọ ti kia thì chí ít ở thành phố miếng ăn cũng đã không còn làm bận trí bận tâm như cái thời xa xôi ấy. Nhưng làm cha làm mẹ thì có bao giờ hết lo toan. Những bậc phụ mẫu đang vào tuổi luống lại nhọc mệt với những điều bận tâm khác. Lo cho con tiền mặc sao cho không lạc mốt để chúng không tủi cùng bè bạn, lo cho con tiền học thêm học nếm không nhỡ ở lớp chúng bị thầy cô 'đì' cho đến chột tinh thần ham học rồi không vào nổi một cái trường nào cho ấm phận về sau. Không mấy ai nỡ lòng kêu gọi con cái so sánh cái tuổi thơ ngây của chúng với cái tuổi thơ ngây của mình. Chao ôi là những lo toan của dân mình. Bao nhiêu đời rồi, lo rạc người, bạc tóc, toàn những cái lo vụn mọn, làm cùn mòn tâm trí. Bao nhiêu đời rồi nghiến răng mà sống chỉ để cho thế hệ sau hơn mình. Không mấy người bình thường dám nghĩ xa hơn về ngày mai. Không mấy người nhận ra sự phi lí trong việc chuyển giao cho thế hệ sau không phải là một thực tại đáng sống mà là một hi vọng vào tương lai. Đấy chắc chưa phải là cội nguồn bi kịch, nhưng đấy chẳng phải là biểu hiện của một bi kịch đằng đẵng phần số dân mình hay sao?



Chao ôi là tương lai! Tương lai ở đâu những ngày buổi chiều tan tầm Hà Nội người xe nháo nhác. Tan trường, từ ngoại ô vào thành phố, thấy những cái xe mải mốt lăn phía trước xe nào cũng chằng thêm bó rau to vật, tả tơi. Rau muống mậu dịch dĩ nhiên chẳng ngon chẳng đẹp như hàng rau ở chợ, nhưng bán rẻ nên được chờ được đợi được mua nhiều. Người ăn một phần, một phần dành cho chị ỉn trấn trong toa lét hay góc bếp. Hỏi sao mua nhiều rau thế là một câu hỏi vô duyên, chẳng khác câu hỏi thăm sức khoẻ cửa miệng dân tây, hay câu hỏi đi đâu đấy vừa đi vừa quăng lại của dân mình. Mà nếu có hỏi, thì câu trả lời đã sẵn rồi, nhái lời một bài hát đã từng được nữ ca sĩ đủ thanh đủ sắc Ái Vân mang đi thi thố một thời và giật giải cao nhất hẳn hoi: 'Cho ngày nay, cho ngày mai, cho hai ngày sau.' Giá có hát đúng lời bài hát đó để trả lời nhau 'Cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau' thì có lẽ cũng chẳng mấy ai nghĩ là ngoa ngoắt quá trong thời buổi ấy.



Nghĩ đi nghĩ lại, lại thấy phục thế hệ mình. Cơm tù Sơn La Côn Đảo các cụ ngày xưa nếm có lẽ cũng chẳng kém ngon hơn cho lắm so với bữa cơm của người dân có độc lập tự do buổi ấy. Thì cũng gạo hẩm và sạn nhai văng cả răng ra khỏi miệng. Xếp hàng ít nhất hai lần trong tháng mới đong được đủ tiêu chuẩn 13 cân một đầu người. Tối tối nhà nào nhà nấy trong khi con lớn đã long rong ngoài phố hẹn hò nhau, con nhỏ thì ú tim ú òa quanh gốc me gốc sấu hay đuổi nhau trong những hầm công cộng mênh mông mãi chưa được lấp, các bậc ông bà cha mẹ kính trễ mũi vừa nghe chương trình ca nhạc vừa cắm cúi nhặt gạo ra khỏi thóc và sạn chuẩn bị cho bữa mai. 'Đi dọc Việt Nam theo bánh con tàu quay...' '...Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay...' Toàn những âm giai nức hồn thời đại. Đấy là chuyện có thật, và nói thật là có ích cho chúng ta thuở ấy. Không có những bài ca như thế, lời thật hay lời nhại thì khó mà chống chèo nổi với ngày tháng gian truân, với những bữa ăn chỉ nghĩ đến cái lúc mở vung nồi cơm ra đã ngại. Gạo chả biết ông nhà nước mói từ cái kho nào của cục Dự trữ quốc gia mà vàng ệch, mùi thì... Và để chống cái mùi kinh khủng kia thì chỉ có một cách cho đẫy muối vào rá gạo mà xát. Cũng có nhà có cách riêng để đánh lừa thính giác. Nhớ có lần ghé thăm cô bạn nhà ở khu tập thể trường Đảng cao cấp, lên tới đầu cầu thang đã thấy mùi xôi nếp thơm lừng. Mẹ bạn đem khoe một cây lá nếp mà bà nưng niu hơn cả nhà buôn bán nưng niu cây tài lộc bây giờ. Cây ấy, bố bạn đi công tác vùng cao bê về tặng vợ và con gái, mỗi bữa cơm chỉ cần một lá nhỏ đặt lên chốc nồi, đậy vung lại là cơm gạo hẩm hóa thành xôi mới nếp cái hoa vàng. Đánh lừa được cái mũi, nhưng đánh lừa cái lưỡi ra sao? Câu hỏi trong tôi đến giờ còn nguyên đó. Gạo đấy, ăn với chủ yếu là rau, thế mà vẫn học, vẫn ao ước, vẫn trông chờ, vẫn tin tưởng vào tuổi trẻ của mình, dẫu bụng rỗng và áo vá. Kì diệu thay là tuổi ấy. Kì diệu thay là sức chứa chở khổ ải của dân mình. Nhà thơ Phùng Cung đã nhẫn nhịn trầm ngâm 'trứng nhà ai rán thơm mùi thiếu mỡ' hay 'mùi tép rang hàng xóm thơm nghiêng' chính trong những tháng năm này, có lẽ.



May mà có rau. Phải! May mà có rau. Những như rau lại bán đắt hơn cả thịt ở đất này thì chắc chết. Ở Berlin hay những vùng đông người Việt thì thế nào cũng có người khéo tay khéo chân khéo tính lo việc tự cung tự cấp cho đồng bào. Chứ như cái nơi tôi đang ở đây, thì cũng là thành phố, xứ này chỗ nào chẳng đáp ứng tiêu chuẩn đô thị của dân mình, có muốn thỏa lưỡi và mũi bằng, chẳng hạn, một bữa đậu phụ luộc còn hôi hổi nóng bẻ ra chấm mắm tôm thơm mùi chanh cốm với ớt chỉ thiên, cũng chả mói được ở đâu ra. Cái thứ đậu phụ đóng gói bì bì mặt càng rán càng quắt đen lại ăn vào đâm bực mình. Còn rau tươi? Thì cũng có trong mấy cái tiệm nhỏ của người Ần và người Thái. Cũng cải cũng muống, nhưng tả tơi vàng úa chả khác gì rau mậu dịch quăng từ xe ô tô xuống vỉa hè của cái thời nào. Mà lại đắt. Chẳng bằng cứ xông ra siêu thị, có gì ăn nấy, ê hề.



Tôi có niềm tự hào hôm nay mới ngỏ: Nhờ liều mạng lấy chồng mà đâm ra chăm chỉ khéo tay. Nhưng mà dù có kính con yêu chồng bao nhiêu cũng chả thế nào thật lòng vui thú khiêu vũ cùng xoong chảo mỡ dầu thịt thà rau cỏ. Tuy thế, mùa này, mùa xuân nơi đây chứ chưa phải là mùa hè, chiều chiều đưa con dạo ra phía bờ sông, tôi hay nhòm ngó cây cỏ bên đường. Hoa dại ôm về nịnh ông nhà thì đã hẳn rồi. Còn rau nữa. Ngải cứu, cải soong, chua me đất, vài ba hôm nữa lại có rau dền chen chúc giữa cánh đồng ngô. Bảo là ngon thì chắc chả ngon bằng rau cỏ sáng nay ở bao nhiêu chợ cóc chợ xanh Hà Nội. Nhưng mà tươi lắm, nhiều lắm. Bát canh rau vặt bên đường đã chẳng làm dịu đi nỗi quê nhà mà lại còn làm cho nó thiết tha hơn, nóng ruột nóng gan hơn. Đã hẳn nơi này mở tivi hay computer ra là có thể có ngay cảm giác đang sống tại Việt Nam. Nhân dân điện tử đầy những tin những bài đọc lên cứ có cảm giác lội ngược thời gian về lại thời vặn hay bàn tay mà tin tưởng ông nhà nước. VTV4 với những người dẫn chương trình trẻ, lắm điều và lẫn lộn một cách tuyệt vọng loại từ tiếng Việt như cái chương trình 'Vườn cổ tích' tôi mới được xem cũng làm thỏa nỗi thương nhớ của vô khối người. Kĩ thuật số đã phát triển đến độ quả thật thế giới là làng, quốc gia là xóm. Nhưng những báo những đài những ti vi ấy đã thực là Việt Nam chưa?



Vào những ngày xuân ngày hạ đẹp trời, trên cánh đồng cỏ bên sông, cứ từng quãng lại thấy nổi lên lúc là cái khăn vuông hoa hệt khăn các nữ nông trang viên Liên xô một thời chít trên mái tóc khi vắt sữa khi đảo cỏ và cả khi chơi hội, lúc lại thấy bành bành một cái mông phụ nữ căng muốn rách tấm váy hoa cũng mốt Liên xô trong họa báo phát không ngày xưa ở Việt Nam. Họ đi tầm rau đấy. Lá chua me đất, vàvô thiên lủng những loài rau khác mà với tôi hay với thổ dân thì đều là cỏ dại. Họ là người gốc Đức trở về cố xứ từ nhiều nước cộng hòa, chủ yếu là Trung Á, thuộc Liên xô cũ. Nhìn đám đàn bà loay hoay bới tìm rau cỏ và đám đàn ông lặng lẽ đợi một con cá động cần, chạnh lòng không dám hỏi có phải họ đang tìm lại quê xưa, là một vùng Trung Á nghèo xơ nào đấy chứ không phải đất Đức cái gì cũng nhiều không dám nói nhưng ít thì vô khối này.



Và tôi, khi lang thang cùng con hái vài ba ngọn rau dại mọc bên đường, tôi biết tôi cũng đang trở về. Ra đi là trở lại. Dù muốn hay không. 'Và sẽ thấy Tổ quốc trong một chiều kích mới'. Mới đây, một cậu học trò cũ đánh đường từ Úc sang thăm cô giáo ngày xưa đã nhắc với tôi dòng thư mà tôi không nhớ dù mình là tác giả. Có phải thế thôi đâu em! Ra đi, ta thấy được chiều kích có thể của tâm hồn mình (và nhiều hơn, chán quá, còn là chiều kích cơ thể mình.)



Cải soong trộn thịt bò, dền luộc hay nấu suông với vài ba lá tía tô, ngải cứu thì đúc trứng. Còn rau bí? Thật kém tắm: tôi chưa kể ngay món rau bí quê nhà ở đất này.



Không phải là rau bí thật. Bí đỏ xứ này to như cái thúng, ngọn mập mạp, lá non cứ mỡ ra, nhưng vô duyên vô vị, là thứ rau cho bò chứ quyết không thể là thứ cho người. Nghe nói ở Berlin chợ người Việt bây giờ có rau bí Việt Nam mình thật. Nhưng mà xa xôi quá. Chẳng bằng về với thiên nhiên.



Thằng con bốn tuổi chân tay lúc nào cũng như lắp thêm động cơ có hôm trời mưa tầm tã vẫn hùng dũng dận ủng xỏ đôi găng cũ của bố mời mẹ đi hái lá han về làm món rau bí. Lá han thật, đầy ra ở những triền đê quê xa. Cũng gợi lắm lúc xôn xao hoa trắng tím khiêm nhường nở rồi còn nép kĩ trong nách lá. Nhưng sơ ý rờ phải thì da đỏ ngay lên như phải bỏng, rát chết thôi, đã là nỗi vui cười ra nước mắt của đôi bà đôi chị một thời tung hoành bán thuốc bán quần áo lẻ ở Berlin, những lúc không thể cầm lòng vậy dầu lòng vậy ở chốn thương trường và đành phải ôm bụng liều mình như chẳng có xông vào bụi rậm. Thế mà thứ lá này ăn được, rất ngon. Tôi có tâm hồn ăn uống, song mắc thói lười, nên bây giờ cứ phải chép miệng tự trách mình thiếu máu mạo hiểm, không thử xơi lá han từ bấy lâu nay.



Mà cái giống rau han thì mùa này đến lắm, ngùn ngụt mọc sau mấy ngày xuân mưa lạnh thành từng vầng trên đồng cỏ, dọc bờ sông, nơi xó vườn. Tốt tươi, ngợp mắt, non cứ bấn ra. Hái về mà xào với cà chua và tỏi, chẳng khác gì món rau bí quê mình. Cái món này đáng phải coi là phát hiện mới dành cho đồng bào Việt Nam xa Tổ quốc.



Bạn có nhớ rau bí quê mình? Đấy là món rau nhiều người thích ăn mà đành chịu, vì không có thì giờ ngồi nhặt, hoặc giả vì không biết nhặt. Có lần tôi đã ăn món rau này ở một gia đình người Mường, biết là đặc sản mà không nuốt được. Không hẳn vì không quen. Rau bí nấu với ốc suối để vỏ, hẳn là ở thành phố không thể có, nước ngọt, là lạ mùi tanh mát. Nhưng rau thì cô chủ nhà không tước, vác nguyên con dao bầu chặt thành khúc, tống thẳng vào nồi mà ninh lên. Rau bí mà ninh thế thì cũng chả khác kiểu mấy anh sinh viên da đen luộc trứng vài ba tiếng. Không thể nào nhừ được.



Ngày tôi còn bé như cái kẹo mút dở thì chiến tranh đánh phá. Tôi theo bà tôi đi. Làng xóm thanh bình lắm, mà chẳng may vắt ngang con sông chảy ven làng lại có cây cầu Pháp xây từ đời tám hoánh nào, nối Hà Nội với Hoà Bình. Nên lại thêm một lần bà cháu bỏ nhà lếch thếch kéo nhau vào đồng sâu gần về chân núi. Ông hàng xóm cùng mấy chú con trai dựng giúp cho một cái, không thể gọi là lều, vì lớn hơn lều, quê tôi gọi là chuộn. Vài ba cái chuộn quây lấy nhau giữa đồng không mông quạnh, mấy bà già và dăm ba đứa trẻ dáo dác với nhau. Nước dùng là cái hố bom sát đó, dấu vết trò chơi ác của mấy ông phi công Mỹ không bay được tới mục tiêu hoặc giả không còn mục tiêu oanh tạc. Quanh cái ao bom, bà tôi đặt mấy dây bầu ngô, cắm thêm dàn mướp. Bao nhiêu năm qua rồi, sao vẫn ngụt ngạt thế này trong tâm trí cái mầu nước đỏ sục lên dưới bàn chân những chiều xách gầu theo bà đi tắm rồi nhân thể tưới rau. Màu hoa mướp hoa bầu vàng tin cậy... Màu hoa muồng muồng vàng dại rười rượi nỗi buồn nhớ trẻ con... Và cái màu cam lộng lẫy chớp lên theo cánh bầy chuồn chuồn ngô báo bão dọc đường đồng đến lớp men theo bãi dâu xanh mê man dưới trời trưa cao vắng...



Có cái năm bầu vừa ra quả bằng cái chén thì bão thật. Đến là to. Đêm, chị em nằm chui trong cái chiếu sực mùi nắng bà vừa kéo đắp cho, túm hai dải vú bà, thấy yên ổn qúa, chẳng biết đến nỗi bà lo sau những lần chép miệng nghe tiếng gió hút qua ống nứa đầu hồi. Chỉ hơi hơi sợ cái lúc bão tốc mất nửa mái. Bão vừa tan cơn, trời còn chưa rạng, trong làng đã có người thình thịch chạy ra xem mấy bà cháu Hà Nội thế nào. Đồng mùa rạp mình dưới bão. Nhưng bầu bí của bà thì gió giật quăng lung tung cả. Những ngọn bầu dập, những quả bầu con con bà nhặt nhặnh về tước xơ thật kĩ, luộc lên chấm muối vừng mời mấy ông người làng ra sửa giúp cho có chỗ mấy bà cháu hui hút cùng nhau. Vị bí ngô non ngày ấy mãi còn bùi ngọt. Không thể nào quên. Đến nỗi sau này lớn hơn, đã được về lại phố xưa, đã được bố mẹ tin tưởng giao tiền lo cơm nước hàng ngày, có lúc nào mua rau bí thế nào tôi cũng chọn lấy một mớ già già, để kiếm dăm ba quả bầu non bé bỏng.



Rau bí, tuổi con gái đến mà tự dưng giữa bữa cơm bố lại chép miệng bảo lâu rồi chưa ăn lại thì ngại lắm. Nhặt đến là lâu. Móng tay còn bị đen sì nữa. Chỉ duy nhất một lần tôi hào hứng ngồi bên mớ rau bí. Chiều ấy tháng năm thành phố thiếp đi trong cơn nóng. Chiều ấy có tiếng gõ cửa ngập ngừng mà tôi phấp phỏng chờ. Chiều ấy có ngưòi con trai vốn được mẹ nuông hì hục ngồi nhặt rau bí cho tôi. Và tôi đã im thin thít trong bữa cơm lúc bố chê rau bí hôm nay còn nhiều xơ quá. Đúng thế thật. Vừa bùi vừa bã, chả khác gì món rau bí của người Mường.



Chiều ấy cơn gió nóng, chiều ấy câu chuyện chẳng ra đầu ra cuối bên mớ rau bí nhặt dở, không bao giờ trở lại, dù tôi theo người đến bây giờ. Bây giờ, rau bí của tôi là món lá han non xào cà chua và tỏi. Không phải là món rau ăn tạm theo kiểu lấy Spinat giả làm rau dền của họa sĩ Võ Đình thời sinh viên xóm học Paris đâu.Thật vị rau bí quê mình, chỉ một nỗi là toàn lá. Xin lấy tên tôi làm chứng. Bạn hãy thử đi.



Tháng năm này nhiều khi bận bịu. Nhưng mà khi thằng cu con bốn tuổi của tôi vòi mẹ đi hái lá han, tôi không muốn ngần ngừ. Biết đâu, những ngọn lá han rau bí hôm nay sẽ chẳng trở thành nỗi nhớ, có thể là buồn, nhưng chắc chắn là kì diệu, như những bữa cơm rau ngày cũ của tôi. Biết đâu, nỗi nhớ tơ non ấy chẳng là một chút men thơ, ủ ấp con tôi, làm lung linh trong chú bé của tôi khao khát về những ngày chưa sống.



Lê Minh Hà
Phượng Các
#5 Posted : Saturday, November 27, 2004 8:04:13 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Chuyện Kể Ngàn Năm Sau

Lê Minh Hà


Buổi chiều mẹ mèo trốn con thì buổi tối chú mèo của chúng ta được bọc cẩn thận đặt vào trong làn. Mèo con đã bắt đầu cuộc di cư như thế trên một chiếc xe máy. Run rẩy trong chiếc làn bị rung thật lực, mèo con cố gắng nhận đường. Thật không thể. Chỉ có những tiếng gào rú ầm ào và một cái mùi khen khét ở đâu đó bên ngoài.

Ông bà chủ mới của mèo con là một cặp vợ chồng từ châu Âu tới. Ông chồng, một người đàn ông có hàm râu sang trọng mà những người đàn bà bản xứ vẫn thường nhìn đầy vẻ hãi sợ vì thèm muốn được mời tới đất nước này làm chuyên gia. Ở trong một ngành mà dĩ nhiên chú mèo của chúng ta dẫu có sống hết đời mình cũng không thể hiểu một mảy may, và cả tôi, người đang kể chuyện cho các bạn đây, cũng không hiểu dù rất quan tâm. Nghe nói, ngành ông ta sáng chế ra những thứ ngôn ngữ mới, và chúng đã dẫn tới những thay đổi vĩ đại còn hơn cả những cuộc chiến tranh lớn nhất từng diễn ra trên thế giới này vào thế kỷ cuối cùng trước thiên niên kỷ của chúng ta. Bà vợ ông đi theo chồng, và để làm một người có ích, bà dạy tiếng nói của xứ sở bà ở nơi này. Đấy là một ngôn ngữ tuyệt vời, đã được nói cả ngàn năm trước và sẽ được nói cả ngàn năm nữa sau thiên niên kỷ mà chúng ta đang sống.

Ông bà ở đất nước này đã đủ lâu để quen với việc lạng lách xe máy nghĩa địa trên phố và vô số món ăn đặc biệt của xứ sở này. Họ chỉ không ăn được mỗi thịt chó mặc dù đã từ bỏ nỗi kinh hoàng khi được biết những người xung quanh họ ai cũng từng hơn một lần ngồi gật gù trước món ăn từ thân xác loài vật này. Còn thì họ nếm tất. Lại còn biết ăn phở thì không gia thêm thứ nước xốt có cái mùi đặc biệt hung hãn như khi ăn cái món cũng lõng bõng toàn nước như phở, ở một thành phố mưa ruỗng cả thời gian. Lại còn biết chỗ nào rẻ và ngon. Tiêu chuẩn vệ sinh thì họ cười xoà khoái chí từ lâu khi có ai e dè nói tới.

Tuy thế, họ vẫn nuôi mèo con theo kiểu thường nuôi ở chốn quê nhà. Nghĩa là bằng đồ hộp và các loại vi - ta - min tổng hợp dành riêng cho chó mèo, bán đầy ở những cửa hàng mà dân bản xứ không bao giờ bén mảng. Cũng phải thôi. Nhà họ ở được xây giữa một khu đất trống mới loáng thoáng dăm ba nhà, sạch tinh tươm đến mức còn hơi lạnh lẽo, không đồ ăn thức dùng và đủ các thứ lỉnh kỉnh ở gầm giường như nhà dân bản địa, lấy đâu ra chỗ cho chuột lui tới cung cấp lương thực thực phẩm cho mèo. Chuột nếu có ở nhà này có gãy răng cũng không thể gặm được cửa tủ lạnh. Còn cái chuyện ông bà chủ mua cá về cho mèo ăn gỏi lại càng không thể có. Vậy là từ lúc bị mẹ hất ngược, tụt thẳng vào cái làn và bị mang làm quà, mèo sống cuộc đời xuất khẩu tại chỗ. Nó không hình dung nổi đời còn gồm những cánh cửa không thể mở được, còn gồm những kẻ phải thèm nhạt miếng ăn và luôn run rẩy trước những bất trắc có và không có, cũng như không hề biết tới những thú ăn chơi khác, do đó cũng chẳng hiểu gì về cung cách cư xử giữa các giống loài, mà ngay cả cách cư xử với đồng loại mèo ta cũng không rành. Nó sống no đủ, kín cổng cao tường, hàng ngày tập các môn vồ nhảy trườn hoàn toàn vì lý do thẩm mỹ. Đêm nó thức theo quy luật giống nòi, nhưng không phải vì lo kiếm ăn, cũng chẳng phải vì bồn chồn trước những băn khoăn tình ái. Một ông bác sỹ thú y đã lo liệu để chú mèo của chúng ta được miễn dịch trước cái bệnh yêu khó chịu này. Thức ăn của mèo ngày nọ qua ngày kia đã được lập chương trình: Đồ hộp. Cái vỏ hộp đồ ăn của mèo, một hôm có người đàn bà bản địa nhà gần đó bới được đem kì cọ sạch để làm bơ đong gạo. Bà không biết tiếng gì khác ngoài thứ tiếng vẫn nghe và nói hàng ngày. Thế là xung quanh ồn ã cả lên chuyện Tây cũng ăn thịt mèo, và thịt mèo tây đóng hộp thơm y như thịt hộp các nước viện trợ cho dân xứ này hồi xứ sở này còn chiến tranh. Người bản xứ thì dĩ nhiên ăn thịt mèo tươi. Khi đã sắp được an táng thẳng vào dạ dày người, dân xứ này - vốn nổi tiếng về truyền thống trọng ngôn từ - còn đặt cho mèo tên thụy là hổ đất. Thịt mèo, tức hổ đất chẳng rẻ gì. Nhưng có thể cường dương bổ âm hay là có tác dụng giải xui gì gì đó. Mèo bị săn đuổi ngày đêm bởi những người dân ở đất nước này. Đấy là sự truy tầm tuyệt vọng của những thống khổ và khao khát. Nên đã có lúc loài mèo đã phải đứng trước nguy cơ tuyệt chủng và phải âm thầm chịu đựng cảnh loài chuột giỡn mặt mình...

Thế nên chú mèo của chúng ta hầu như không có bạn quanh nhà. Mà bọn mèo còn sống sót cũng chẳng ưa gì nó. Chúng thường nhìn chú mèo đồng loại ngồi trên bậu cửa sổ buồn phiền đón và tiễn mặt trời mỗi bình minh và hoàng hôn, thẳng thừng phê phán. "Béo quá thể là béo! Chỉ tổ làm trò cười cho bọn chuột mất dậy." "Lười quá thể là lười. Họ nhà mèo ngày càng thưa thớt. Chuột thì hoành hành. Thế mà cái thằng cha này chẳng chịu động đậy móng vuốt gì. " "Lại còn làm ra vẻ ưu tư phiền muộn. Tưởng thế là sâu sắc lắm." "Thằng cha này chẳng bao giờ thấy đi kiếm ái tình. Khéo mà là 'ái'." Những tiếng thì thào cố tình để cho kẻ bị chê bai nghe thấy vọng qua các mái nhà và các bờ tường. "Cứ tỵ đi tỵ đi! Các cậu thích ăn thích yêu thì cứ việc lần mò. Đây việc gì mà rộn!" Mèo làm ra vẻ phớt. Nhưng trong lòng thì quặn lên một niềm gì lạ lùng, tâm trạng lắm.

Ngày tết của dân bản xứ, họ nhà mèo trong xóm bận bịu và phấn khởi. Đồ ăn thức dùng nhiều cần coi giữ. Kế hoạch phòng chống chuột đã được hội đồng mèo thông qua và đưa xuống các cấp triển khai thực hiện. Dĩ nhiên trong danh sách phân công nhiệm vụ của họ mèo ở xóm không có tên chú mèo của chúng ta. Nó không buồn. Quen rồi. Nó đang có một mối quan tâm dễ chịu.

Áp lưng nhà mèo người ta mới xây một ngôi nhà mới. Gọi là mới nhưng hết sức tuềnh toàng, mái lợp tôn nhựa. Chắc chủ nhà chẳng phải chỗ dư ăn dư để, xây cốt ở không cốt cho thuê. Cửa giả cũng khác bên nhà mèo. Mèo chỉ cần trèo lên mái nhà mình, vượt tường sang nhà hàng xóm là có thể đi về cuối xóm. Nơi ấy có một cái ao. Chủ ao là một ông già gàn tính mấy đời làm nghề trồng hoa. Các nhà xung quanh lên tầng làm vườn ông cớm nắng, không tiếp tục được nghề cũ nhưng ông vẫn cứng đầu không chịu gật bán ao bán vườn. Mèo ta rất thích đến nơi này. Ở đó có nhiều cá con bơi lội.

Trưa mồng một tết, mèo mang qùa ra ao tính chuyện chúc tết mở rộng quan hệ trong khu vực. Qùa biếu là đồ ăn sẵn đã làm mèo ngấy tận cổ, nhưng chắc chắn là của lạ miệng với các giống loài khác và ngay cả với họ nhà mèo quanh vùng. Nó thả viên thịt hộp xuống ao, nóng ruột chờ. Tăm nước nổi như sôi. Những con cá từ đâu rùng rùng bơi lại và hoảng hồn: Bóng một con mèo béo núc ních dang lắc lư trong nước. Viên thịt rã ra, tan dần. Mỡ nổi sao trên mặt nước. Không một con cá nào đợp rỉa. Bầy cá bu lại, rồi rùng rùng tản đi, rồi lại quày qủa bơi lại, quay vòng vòng, nghi hoặc và phẫn nộ. Bỗng một con mèo khác ở đâu nhảy vọt tới. Hai bóng mèo in xuống nước. Con mèo còm cất tiếng gừ ma quái làm chú mèo của chúng ta cũng rợn mình. Bầy cá tung mình lên khỏi mặt nước. Nỗi ngờ vực bay biến, chỉ còn sự hằn học và ý muốn trêu ngươi. Chú mèo của chúng ta đờ người, lúng túng đưa chân trước vuốt râu. Trong một phút, trông chú giống hệt bác mèo ngồi ở góc trên bên phải bức tranh Đám Cưới Chuột. Bỗng chốc mặt ao trong veo, chỉ còn bóng xuân gợn dịu dàng sóng nhỏ...



Một ngàn năm sau.

Đời sống loài người đã thay đổi. Ngay ở nơi tôi đang kể, người nuôi mèo không còn là để bắt chuột mà chỉ là để đỡ buồn và đỡ rắc rối hơn nuôi trẻ con. Người cũng nuôi chó mèo bằng đồ hộp và vi-ta-min tổng hợp, là cái thứ thức ăn mà trước chỉ có độc chú mèo của chúng ta biết mùi vị. Loại thức ăn này ăn mãi thì dĩ nhiên là chán, nhưng nó lại làm cho loài mèo không còn thích thú với việc săn đuổi chuột để tăng gia cải thiện, cũng không còn phải thèm nhạt ăn cơm với cá. May mà tiến bộ khoa học lúc này, trong khi làm suy giảm đáng kể những hưng phấn sinh học tích cực của loài mèo thì cũng cho phép con người kiểm soát chặt chẽ mức độ tăng trưởng và sinh sản của loài chuột.

Kinh tế phát triển. Hàng năm loài mèo đều tổ chức đại hội đồng hết sức trọng thể. Nhiều ủy ban được thành lập. Nhiều vấn đề trọng đại được loài mèo đưa vào nghị trình để bàn bạc và bỏ phiếu. Chẳng hạn: Chương trình ăn kiêng để bảo vệ sức khoẻ giống loài; Phục hồi truyền thống thể thao thượng võ của loài mèo, đặc biệt các môn nhảy cao, nhảy xa, vồ, chụp; Giải pháp cấp bách trong vấn đề duy trì mức sinh sản cho giống nòi ...Và mọi đại hội đồng của loài mèo đều kết thúc bằng việc bàn tới tính khả thi của các kế hoạch được đề xướng.

Nhưng có một vấn đề chưa một lần được loài mèo đưa vào chương trình nghị sự trong các kỳ họp của đại hội đồng: Vấn đề bang giao với các giống loài vốn vẫn coi loài mèo là kẻ thù truyền kiếp. Của đáng tội, ở một vài địa phương, loài mèo và loài chuột cũng đôi lần ký được hiệp ước. Nhưng với loài cá thì chưa bao giờ. Trong sách giáo khoa lịch sử của loài mèo, tái bản nhiều lần, lần gần nhất là vào năm 3001 có in lại câu chuyện xảy ra giữa chú mèo và bầy cá vào một mùa xuân xa lắc. Duy trì quan hệ đối đầu với loài cá, dù không còn thèm ăn cá vẫn là chính sách ngoại giao của loài mèo lúc này. Bọn mèo ngại làm thay đổi thế quân bình hiện tại, ngại đánh mất vai trò lịch sử gần như vĩnh viễn của chúng. Hoặc giả, chúng không thích nhớ lại nỗi bẽ bàng xưa.

29.1. 2000
Phượng Các
#6 Posted : Saturday, November 27, 2004 8:05:48 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Ao Ước

Lê Minh Hà


Nếu bây giờ tòa án gọi ta tới và tuyên bố cấp cho ta Pass, một cái Pass tỵ nạn chính hiệu chứ không phải mảnh giấy Duldung [1] có hình ảnh con đại bàng dữ tợn và kiêu hãnh cho phép tạm dung từng tháng trong điều kiện nửa đêm cũng có thể bị lôi cổ dậy tống lên xe dông thẳng ra sân bay ấn lên khoang một cái máy bay nào đó quy cố hương thì ta sẽ làm gì? Đầu tiên là ngủ. Sẽ lên giường từ tám giờ đêm hôm trước, ngủ, thức, ngủ cho tới tám giờ đêm hôm sau. Rồi sẽ dậy, đánh răng rửa mặt, đóng bộ. Nhất định không phải là bộ đồ đen có đầy đủ nơ gilê vét mà nhiều thằng vẫn diện vào chụp ảnh gửi về nhà làm cả nhà lác mắt vì vẻ sang trọng của thằng con đương kim bồi bàn quán Tàu. Và sau đó?

Sau đó tôi sẽ gọi taxi đưa tới nơi hôm trước tôi vẫn còn làm việc - một cái quán Tàu có tên là Hoàng Gia viết bằng tiếng Việt. Sẽ đi thẳng vào bếp, ung dung, cởi mở và không có vẻ gì định giúp đỡ đám đồng nghiệp cũ. Sẽ bình tĩnh đứng nghe gã chủ quán vốn là người Tàu chính cống nhưng không biết tiếng Tàu lắp bắp một hồi những câu chửi rủa đầy tức giận vì sự chậm trễ của tôi và vì sự trơ tráo của tôi. Rồi tôi tuyên bố tự Kăndigung. Đòi nốt số tiền tháng nào gã chủ cũng tươi cười bảo vay "thì cậu vẫn làm ở đây, tiền của cậu cũng ở đây chứ có đi đâu". Tôi, bao lâu rồi vẫn biết tiền của tôi đi đâu, nhưng vì không thể để mất chỗ làm chui dù sao cũng không dễ kiếm này nên đành tươi cười lại. Lần này thì đừng hòng! Tôi sẽ về nhà sớm hơn mọi ngày. Mọi ngày, thường phải một rưỡi hai giờ sáng tuỳ mùa đông hay mùa hè tôi mới lần mò về được đến nhà. "Con mèo nhỏ của tôi", trọng lượng nay chừng xấp xỉ bảy mươi cân chia cho chiều cao một mét năm ba đang say sưa ngủ. Chưa bao giờ nàng có ý định rời bỏ cái gối ôm để thức dậy ôm tôi và mang ra đặt trước tôi một cái gì đó. Một cái đĩa chẳng hạn. Tôi đã bao nhiêu lần thèm thấy một cái đĩa như thế, nguội lạnh cũng được, để được tin rằng ‘con mèo nhỏ’ của mình không trong quá trình phát triển thành cáo. Để được tin rằng... thèm ước bao giờ cũng là một thứ tự do không phải đóng thuế. Nàng cứ ngủ. Ngày hôm sau thức dậy coi như là tôi cũng đã ngủ, nàng đánh thức tôi bắt tôi đánh thức cái xe cà khổ để đưa nàng đi mua bán, đi thuê phim chưởng và phim tình cảm Hồng Kông. Nàng luôn luôn rời xe trong bộ dạng của một người chỉ nhân tiện có người mời thì đi cùng chứ không phải là đồng chủ xe với tôi. Nàng nói rất to ở những chỗ tôi chỉ muốn không ai để ý tới mình và gia đình mình. Điều đó không biết vì sao lại làm tôi đau đớn.

Nhưng bây giờ thì đừng hòng. Việc nàng có được ở lại cùng tôi không phụ thuộc hoàn toàn vào cái Pass của tôi. Vậy thì tôi phải là chủ nhà như lẽ ra đã là. Vậy thì tôi có quyền quyết định. Cho em Urlaub [2] ở nhà. Anh sẽ làm một chuyến đi xa!

Tôi sẽ sang Hung, sẽ tìm xem mặt cậu trai vợ tôi vẫn thường thư đi từ lại. Tôi biết cậu ta đồng hương phố với tôi, cận thị như tôi, và ngoài ra, trong cộng đồng người Việt tại đó, đẹp trai nhất nước cộng hòa. Và tôi sẽ mời cậu ta, mời cả bồ cậu ta (nếu có) đi khắp nước Hung. Thành Eghe. Cánh đồng Mô-hat. Những ngôi sao trên bầu trời Budapest. Chúng tôi, tôi tin chắc thế, sẽ trở thành những người anh em tuyệt vời. Và khi trở lại Đức, chính tôi sẽ thư đi từ lại với cậu ta - cái việc mà bấy lâu nay tôi giao phó hoàn toàn cho vợ vì mệt quá buồn quá chán quá.

Tôi sẽ đi Mỹ. Sẽ dọc ngang ở phố Bôn-sa. Sẽ xem mặt những ông bà người Việt nổi tiếng. Chẳng hạn như cái ông viết những lá thư từ Hoa Thịnh Đốn. Ông liến thoắng với ‘bạn ta’ sao mà tài. Ông đã làm tôi có lúc bị vợ tưởng là ngớ ngẩn khi ngồi cười hớn hở vào đúng lúc nàng sắp bão nổi lên rồi. Nàng im bặt, nhìn tôi chằm chặp đầy vẻ đau đớn kinh hoàng. Tôi thích vẻ đau đớn ấy của nàng và không giải thích rằng tôi vừa nhớ tới một lá thư ông ấy gửi ‘bạn ta’. Bi hài kịch gia đình ông ấy vẽ ra nhân một câu hỏi liên quan tới tình yêu của mẹ cháu sao mà đúng với hoàn cảnh của tôi từ khi trót dại với nàng đến thế!

Thời gian dài nhất và phần tiền to nhất tôi sẽ dành cho chuyến sang Liên-xô. Liên-xô. Chứ không phải là nước Nga của ông tổng thống chiêu hồi mặt bị xị vì rượu bây giờ. Liên-xô - Đất nước mênh mông vĩ đại; Tổ Quốc xã hội chủ nghĩa của nhân dân ở tất cả các nước xã hội chủ nghĩa trước đây. Tôi biết bao nhiêu điều về Liên-xô. Dòng sông Ne-va. Ôn-ga Bec-gôn. Thành phố chín trăm ngày bị phong tỏa. Bức tượng Pi-e Đại đế. Những vườn hoa lặng lẽ và những pho tượng trắng lặng lẽ. Như thời gian. Những hàng rào gang tuyệt xảo. Tấm biển "Tránh đừng động vào cây mùa lá rụng" [3]... Thật lạ lùng là tôi có một ấn tượng sâu đậm như thế với Lê-nin-gơ-rat. Nơi tôi chưa đến bao giờ.

Tôi sẽ đi Daghextan để xem ‘con người và những ngôi sao xa’ [4] ở đấy có gì khác từ khi Liên-xô vỡ vụn. Tôi sẽ tới Kiêcghidi ngắm núi đồi và thảo nguyên, thử thở mùi ngải cứu héo trong gió và nắng của xứ sở này, và sẽ nhớ, sẽ ước ao một người phụ nữ. Không bao giờ là vợ tôi. Mà là nàng Gia-mi-li-a kiêu hãnh, cam chịu, tha thiết và liều lĩnh. Từ ngày cái ông viết Gia-mi-li-a làm chính trị, nhảy vào rồi lại nhảy ra khỏi bộ sậu của Yeltsin chả thấy viết được một cái gì hay như thế.

Nhưng ở Liên-xô còn có mộ Dũng.



Anh thấy khó thở và vùng dậy. Sắp sáu giờ. Vậy là mình ngủ được có một tí. Trán, cổ, vai toát mồ hôi lạnh. Tay vợ anh âu yếm choàng qua ngực anh. Chị sẽ co mình, thở dài. Hơi ấm từ tấm thân mỡ màng của vợ làm anh dễ chịu. Anh sẽ sàng ngồi dậy, lần mò trong bóng tối về phía bếp, tự pha cho mình một cốc chè. Những hình ảnh trong giấc mơ đứt đoạn, không thể chắp nối và đã mất hết vẻ quyến rũ. "Nhưng đúng là mình có mơ về nó. Sao mà buồn!"

Dũng chết rồi. Đã mười lăm năm. Như thế là đã mười tám năm anh không thấy bạn. Anh bây giờ bốn mươi. Dũng thì vẫn hai hai. Vẫn trẻ, vẫn tươi, vẫn tài hoa và quyến rũ.

Dũng quyến rũ cả anh. Đúng hơn là cuộc sống của gia đình Dũng quyến rũ anh. Đã có một thời anh luôn luôn phải dẹp bớt lòng ghen tị ngấm ngầm với Dũng.

Anh học giỏi như Dũng. Nhưng anh không biết chơi phong cầm, không biết hát những bài tiếng Nga thịnh hành những năm tháng ấy - những năm tháng hai đứa cùng học phổ thông. Bao giờ anh cũng đến trường trong bộ quần áo lùng phùng và may lắm là chưa bị rách mà hai ông anh ban phát và ép buộc phải mặc để được tự do dùng phiếu vải bốn mét của anh. Còn Dũng, dép nhựa Tiền Phong màu trắng, quần simili, cặp da thật, và nếu không thì là đồng phục của câu lạc bộ thiếu niên thành phố.

Không thể so sánh với Dũng, nhưng không thể không tị hiềm tủi thân ngấm ngầm. Ba Dũng là cán bộ giảng dạy đại học, lại đã đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Mẹ Dũng là cửa hàng trưởng một cửa hàng bông vải sợi. Dũng lại là con một. Bốn bà chị ở trên, đốt út là Dũng. Cái lúc anh vào cấp một và chẳng mấy khi dám mếu máo mách mẹ tội gì của hai ông anh để phòng thân những khi không có mẹ thì Dũng chẳng bao giờ phải nghĩ ra một mong muốn gì. Mọi ao ước đều chỉ được nhận ra khi bà mẹ và các bà chị chiều em làm cho trước.

Những buổi chiều hè Dũng đi sinh hoạt câu lạc bộ thì anh thường đang ôm một cuốn sách ngồi trong bóng râm cứ mỗi lúc một co bé lại của một mái hiên nào đó, từng lúc lại phóng ra dãy mê rổ bìa các tông gạch cục để xem có đứa nào vứt cục gạch của mình đi chen ngang không. Đôi khi Dũng cũng đi cùng anh, cũng bê giúp anh bao gạo, xách hộ can dầu hay mớ rau mậu dịch tuỳ mùa. Nhưng đó không phải việc thường ngày của Dũng, nên Dũng rất phục anh khi anh bày ra bao nhiêu tem phiếu tính tính toán toán thoăn thoắt tháng này phải mua bao nhiêu mỡ bao nhiêu nạc tháng này được mấy lạng đường đổi phiếu gì lấy phiếu gì để tháng sau mua thêm mấy cân đậu phụ cho anh chị học trường xa về bồi dưỡng. Nhà một gái ba trai. Các anh chị đã nhót đi đại học, bố mẹ còn đi làm, bao nhiêu việc nhà dồn hết vào anh. Cũng nhiều khi anh với Dũng đi với nhau mà không phải bê xách gì. Dũng có một cái xe đạp thiếu niên Liên xô, không thể đèo nhau và Dũng hay nổi hứng đi bộ cùng anh. Đường từ nhà tới trường có thể đi qua Lò Đúc lên Phan Chu Trinh, cũng có thể rẽ ra Yecsanh qua Tăng Bạt Hổ lên Lê Thánh Tông. Học buổi chiều. Trưa đánh xong bát ô tô cơm nguội mẹ để phần trước lúc đi làm là đến giờ đi. Dũng kể đủ thứ chuyện ở câu lạc bộ. Còn anh thì nhìn trời, nhìn cây, nhìn phố, nhìn đám học sinh học buổi sáng đi ngược lại đoán mò đứa nào chiều về sẽ phải đâm dặm đâm dụi như mình. Rất dễ đoán. Không biết vì sao.

Gần chỗ rẽ vào trường trước cửa sứ quán Angiêri có hàng cây phượng non. Lá phượng trong nắng và gió trông dễ thương làm sao. Như Hoài Thư - cô bạn cùng học từ hồi cấp hai, lên cấp ba lại cùng lớp mà chưa bao giờ bắt chuyện. Thư xõa tóc ngang môi, mỗi lúc ngoái lại đằng sau tóc lại tung lên, xoay xoay. Êm ái và mướt mắt. Và khi Thư viết, cái cổ rất trắng với đuôi tóc mọc dài sau gáy cúi xuống, thơ ngây và bướng bỉnh. Có lần thi văn nghệ ở trường, Thư mặc một cái áo rất bà già, cổ tròn, màu sẫm. Khuôn mặt Thư thon nhỏ trong bồng bềnh tóc như một búp sen vươn trên chiếc bình men rạn đã làm anh muốn ngừng thở. Anh hiểu cảm giác muốn đưa tay vuốt gáy Thư, muốn lùa tay vào mái tóc như lụa của Thư là gì. Và xấu hổ. Khi đó anh và Dũng mười sáu tuổi. Khi đó là lớp chín.

Mùa hè năm đó thành đoàn tổ chức đội thiếu niên đi dự trại hè Arơtech. Dũng học giỏi, vừa chia với anh giải nhất học sinh giỏi toán toàn thành, chơi đàn từ bé, nói tiếng Nga choanh choách. Dũng là Liên đội trưởng Đội thiếu niên Hồ Chí Minh ba năm liền. Dũng là phó bí thư Đoàn trường. Dũng được đi. Ảnh Dũng đăng trên báo Tiền Phong và báo Thiếu niên. Ngày khai trường, bao nhiêu đứa chẳng biết mặt chẳng quen tên nhìn Dũng thì thào. Dũng hoàn toàn bình thản. Lúc đi qua hàng cây phượng non lấp lánh xanh như được rắc nhũ trong nắng sáng, Dũng hất đầu: "Cái Thư kìa!" Thư đi trên hè đường bên kia, nhìn sang, cười bối rối. Khi ấy, lần đầu tiên anh biết buồn. Khi ấy, anh không biết rằng những nỗi buồn như thế, nỗi buồn của người lớn, sẽ đeo đẳng anh nhiều năm sau.

Thi đại học, hai đứa thừa điểm đi nước ngoài. Cả nhà anh không hi vọng nhiều. Bà chị và hai ông anh mấy năm trước đã bị gạt lại rồi. Lý lịch của ông bố thời kháng chiến hoạt động trong thành có một khoảng thời gian không xác minh được.

Nhưng rồi anh được đi. Hạnh phúc không chờ đợi đến lúc thành thực làm người ta mệt mỏi. Dũng và anh mỗi đứa đi một nước. Ở Thanh Xuân [5] anh thân với Quyên, "Quyên đẹp trai", tính ngang tàng làm bọn con trai bất ngờ và hãi sợ đối với anh đầy quyến rũ. Sinh nhật Dũng, anh rủ Quyên cùng đi. Anh nhìn Quyên trao bó hoa hai đứa mua chung cho Dũng, giật mình. Dáng vẻ bối rối đó không phải là dáng vẻ của Quyên. Và Dũng, hào hoa như vẫn từng, nhưng hình như không bình thản.

Nhà anh trở thành binh trạm tình yêu của Dũng và Quyên trong mùa hè cuối cùng còn ở trong nước. Anh sang Đức, quen và thân nhiều cô bạn. Vì anh đã thôi không còn rụt rè. Có cô bạn thích anh vì vẻ điềm đạm ít có ở một thằng con trai cùng tuổi ấy. Có cô lại ghét anh vì những câu hài hước độc địa mà ít thằng con trai tuổi anh nghĩ ra. Anh thản nhiên. Trong một cuốn vở của anh có câu này: "Tôi không xếp em vào con số thứ tự nào - Sao lại có điều kinh dị thế." Cuốn vở mới viết vài trang. Anh không ghi tiếp bài vào đó. Anh cất đi cùng những lá thư của Dũng và Quyên. Trong những lá thư đó có có những thông số về tình yêu của người này đối với người kia. Bây giờ anh không phải làm binh trạm trưởng binh trạm tình yêu cho họ. Nhưng anh vẫn là người thứ ba cần thiết và quan trọng. Bao giờ người ta cũng cần có một người nào đấy để có hai cái tai nghe và một nụ cười đồng tình.

Quyên đã lấy chồng và ở lại nước ngoài. Từ đó tới nay anh bặt thư Quyên. Dũng đã chết. Mười lăm năm trước, trước ngày tốt nghiệp không lâu. Anh về nước, đến thăm nhà Dũng. Nhà Dũng đã chuyển khỏi khu tập thể. Dũng trên bàn thờ nhìn anh làm anh bứt rứt. Trong ảnh, Dũng không có cái vẻ bình thản tự tin đã làm anh mất tự tin vào mình nhiều năm. Dũng nhìn anh đau đáu. Cái nhìn của người đang kiếm tìm.

Dũng kiếm tìm gì? Nếu một cuộc đời đích thực phải là không khổ thì Dũng đã không khổ, trong một nghĩa nào đó. Dũng không có một tuổi nhỏ vất vả đầy thèm nhạt như anh. Dũng không bao giờ là người trong hàng như anh. Dũng luôn luôn đứng ngoài hàng, được mọi người nhìn ngó. Dũng đã có Quyên, đã yêu và được yêu. Trong tình yêu, đưọc thấy cái mình ao ước đã là sung sướng, được có nó, đấy là hạnh phúc. Sung sướng và hạnh phúc cứ như là hai cánh của một vị thần bảo trợ vỗ bên đời Dũng.

Như thế là Dũng đã sống hết cuộc đời phải sống rồi. Nghe nói là Dũng chết không đau đớn lắm. Phát bệnh trong hai tuần. Thầy bạn lũ lượt đến thăm. Quyên bên cạnh cho tới phút cuối cùng. Một giấc ngủ dài. Rồi đi.

Vậy thì tại sao anh lại nằm mơ thấy Dũng buồn như thế này?

Anh nhớ buổi chiều tháng mười anh đến nhà Dũng sau hôm về nước. Trời chưa lạnh. Nhà Dũng đóng kín cửa. Nắng vàng óng hắt những vệt sáng đắm đuối qua cánh cửa chớp hơi vênh vào căn phòng âm thầm. Ba mẹ Dũng đã về hưu. Ông bố lê từ phòng trong ra, người cứng ngắc một cách kì cục, nụ cười ngây ngô, chỉ có bờm tóc bạc dợn sóng là cái còn sót lại của phong thái đường bệ cũ. "Bác trai không nghe được gì nữa đâu cháu ạ. Năm trước, bác nằm liệt tưởng không qua nổi. Đến lúc dậy được thì chỉ đi lại lệt bệt như thế này thôi." Mẹ Dũng bình tĩnh kể. "Như thế từ hồi nhận được tin Dũng. Hai bác muốn đưa Dũng về. Điện qua điện lại. Sứ quán bảo để Dũng bên đó tốt cho tình hữu nghị hai nước. Bạn cũng bảo thế, hứa chăm sóc phần mộ Dũng chu đáo. Thôi thì đành vậy. Bác muốn thu xếp sang Nga một chuyến thăm mộ Dũng. Nhưng bác trai ra thế này. Lại còn bà nội Dũng, chín mươi rồi, mấy chục năm tập kết ra đây không lo được cho bà, nay chỉ sợ đi thì nhỡ ra..."

Hình như Dũng thừa hưởng của mẹ khả năng luôn luôn bình tĩnh này. Nhưng còn ánh mắt kiếm tìm kia? Hai đứa thân nhau, nhưng hai nhà khác cảnh nhau. Anh bao giờ cũng giữ vẻ lễ độ xa cách khi đến nhà Dũng. Anh chỉ gần với bà chị trên Dũng nhưng cũng hơn Dũng đến mười tuổi.

"Chị Mai thế nào rồi bác? Chắc chị đã có gia đình?"

"Chị về bây giờ đó cháu. Chị ấy tốt nghiệp trước giải phóng mấy năm. Cả khóa tăng cường cho chiến trường. Chị ấy ra trước khi cháu với Dũng đi nước ngoài một năm cháu nhớ không?" Giọng mẹ Dũng đột nhiên cạn hết sinh lực. "Bác giục chị ấy lấy chồng bao lâu rồi mà chị ấy cứ cười bảo các chị chồng con bận rộn chị ấy phải ở nhà trông nom hai bác. Hôm vừa rồi lại nửa đùa nửa thật hỏi bác có bằng lòng cho chị ấy nhận một đứa bé về làm con nuôi không? Cung cách này đến thành bà cô thôi cháu ạ. Không thì lẽ mọn. Ba chín tuổi rồi..."

Vậy là chị ấy không quên anh Hoàng. Anh chị cùng một khóa. Cùng đi chiến trường làm bác sĩ quân y. Anh Hoàng hi sinh ngay trước ngày giải phóng. Anh Hoàng tóc quăn, chơi ghi ta, nhà ở khu tập thể bộ Y tế kề bên. Gần nhà xa ngõ. Ai cũng nghĩ anh Hoàng và chị Mai chỉ thân nhau. Nhưng Dũng và mình toàn đưa thư giúp anh Hoàng...

Anh muốn đứng lên nhưng không đủ can đảm cắt ngang lời thổ lộ đầy tin cậy của mẹ Dũng. Ngày xưa bà luôn bận rộn, quả đoán và tự tin. Ngày xưa bà làm bên thương nghiệp, cả khu tập thể nhờ bà mua vải, công đoàn trường ba Dũng cũng phải nhờ hàng năm để cải thiện cho anh em. Ngày xưa bà ít khi cởi mở, nếu có thì mọi chuyện cũng chỉ bắt đầu và dừng lại ở Dũng.

Lúc anh về thì trời đã tắt nắng. Căn phòng nhá nhem và nồng mùi người ốm làm anh khó thở. Anh xin phép thắp một nén hương cho bạn, suýt chảy nước mắt, lại giật mình vì lời mẹ Dũng:

"Cháu lúc nào rỗi rãi thì lại nhà chơi. Chị Mai nghe cháu về thì chắc mừng lắm. Có mấy đứa học cùng Dũng ở Liên xô trước bao giờ cũng có mặt vào ngày giỗ Dũng. Hôm vừa rồi có cả con Quyên..."

Quyên đang ở Hà Nội ư? Quyên có biết anh đã về?

Giữa anh và Quyên có một mối tình sâu đậm, công khai của Dũng và Quyên, có một tình yêu say đắm và không thể công khai của riêng anh dành cho Quyên.

Và có một người đàn ông nước ngoài xa lạ.

Không bao giờ anh gặp lại Quyên.

Và có lẽ không bao giờ anh còn có thể đến nhà Dũng. Anh đi làm. Rồi cơ quan giảm biên. Rồi đi xuất khẩu lao động. Thực ra anh không nằm trong danh sách dôi dư. Nhưng anh xin đi. Chính phủ vừa ban hành nghị định cấm tuyển người có bằng đại học và cao đẳng đi lao động xuất khẩu chống chảy máu chất xám. Chẳng khó gì. Năm chỉ đổi lấy một hồ sơ thật từ tên đến tuổi, chỉ ghi sai mỗi nghề nghiệp. Rồi anh thành người tị nạn nơi này.

Anh có một người đàn bà cho riêng mình. Một người đàn bà đơn giản đến bất ngờ, thực tế đến bất ngờ, thường nhầm lung tung tên các nhà thơ nhà văn và có lần đã nổi khùng suốt mấy ngày trời chỉ vì anh trót cười sằng sặc khi cô hỏi ai là Lưu Quang Vũ ai là Vũ Trọng Phụng và than thở "sao mà lắm Vũ thế không biết!" Cô đi tất cả các đại nhạc hội, mua đủ bộ Thúy Nga Paris, mê phim bộ và thích hát. Khi cô đề vào băng là "ca nhạc thiện chiến" và réo rắt "cô bán giềng ơi" rút kinh nghiệm anh chỉ cười dịu dàng. Anh có với cô hai đứa con. Một đứa âm thầm giống anh. Một đứa sôi nổi vụng về giống mẹ. Tiếc là nó lại là con gái.

Cốc chè đen ngai ngái đã nguội ngắt. Ở Tây bao năm rồi mà anh vẫn không thích được vị chè đen. Đã bảy giờ hơn. Sáng nay phải đi gia hạn Duldung. Anh liếc nhìn vợ ngủ say sưa, lẳng lặng mặc quần áo, lẳng lặng ra khỏi nhà. Hè đường đóng băng trơn trượt. Hơi lạnh xộc thẳng vào mũi làm trán anh nhức buốt. Anh đứng bên cái xe cà khổ, xốc cao cổ áo, ra sức cạo băng đóng trên kính xe, không nhận ra mình đã không còn nghĩ về bạn. Chỉ thấy thèm vợ, thèm được ôm lấy cái thân mình mỡ màng, nóng hôi hổi như một cái bánh mì mới ra lò, nồng nồng mùi hôi nách pha lẫn mùi thuốc chống hôi bôi không đều đặn ấy mà ngủ lịm đi.

Có thể, trong giấc ngủ, giấc mơ đêm qua lại cùng anh trở về.

_________________________

[1]Duldung: Giấy gia hạn tạm dung chuẩn bị trục xuất dành cho người tị nạn tại Đức.

[2]Urlaub: nghỉ phép

[3]Thơ Onga Becgon

[4]Tên một tập thơ của Megiêlaitis và Rasun Gamsatốp

[5]Thanh Xuân: Trường đại học ngoại ngữ Hà Nội, trong có các lớp dành cho lưu học sinh, đóng tại Thanh Xuân, nơi tiếp giáp Hà Đông Hà Nội. Lưu học sinh thường gọi thời gian học ngoại ngữ ở đây là học ở Thanh Xuân. Cách gọi này khác cách gọi của sinh viên cùng trường nhưng học trong nước.
Phượng Các
#7 Posted : Saturday, November 27, 2004 8:07:13 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Mùa Đi

Lê Minh Hà



Khánh tới vào lúc Nhã đang mồ hôi mồ kê chúi mũi vào đống áo dài chưa vén gấu. Ngọn đèn bàn nhỏ hắt từ sau vai xuống tạo thành những vũng tối sáng không đều nơi Nhã ngồi khiến mắt Nhã dường như sâu xuống.

Thảo em Nhã chặn trước:

"Bọn anh lại định rủ chị Nhã đi đâu đấy?"

"Sầm Sơn. Bọn anh chuẩn bị hết rồi. Em có..."

Thảo tru tréo:

"Không được đâu! Hàng một đống thế này một mình em làm sao kịp! Đứt lưỡi người ta mới giao mình gia công, không trả đúng ngày mất mối như bỡn."

Khánh nịnh nọt:

"Chị Nhã sẽ thức khuya làm đỡ em. Thế Nhã nhé. Em cố một tý hộ chị ấy. Đại hội thường niên của bọn anh lần này đấy. Về anh kính biếu... Cháu chào bác ạ! Hôm nay oi quá bác nhỉ? Về anh kính biếu hai chục bánh đa. Được rồi! Một buồng dừa tươi. Tha hồ cho bọn em ‘đập phá’!"

Mẹ Nhã thu xếp xong chỗ ngồi khâu ở đầu giường, loay hoay tìm kính:

"Kính mẹ đâu rồi hai đứa? À đây. Được rồi! Các anh các chị cứ đi đi. Một mình tôi xoay xở cũng kịp. Hè này dân tình đi Sầm Sơn sớm nhỉ! Nhưng trời oi thế này khéo mai vào đó là động biển. Thảo có định đi cùng chị Nhã không con?"

"Dạ không mẹ! Để khi nào chị Nhã về đỡ mẹ thì con rủ hội con đi. Đi với mấy chị... ấy sợ lắm!"

"Ranh con vênh váo. Xem có vui vẻ trẻ trung được mãi không!” Nhã nghĩ, thờ ơ. Rồi hờ hững quay qua Khánh:

"Thì đi. Mai mấy giờ xe chạy?"



Chuyến đi biển do công đoàn cơ quan Khánh tổ chức. Khánh ghi tên cho cả lũ bạn còn chưa vợ chưa chồng và còn thích bìu ríu nhau. Rủi ngay từ đầu. Bảo sáu giờ xe khởi hành mà mãi tám giờ xe mới tới. Bát phở ăn từ lúc bảnh mắt đã tan thành nước từ lúc nào, cứ chốc chốc lại phải e dè đứng lên đi vào toa-lét, lại phải cười cầu tài trước cửa toa-lét với mấy bà cùng cơ quan Khánh mặt mũi đầy vẻ khinh khỉnh và ăn mặc ra vẻ trẻ trung đến ngứa mắt. Và rồi ra lại phải sà vào hàng nước ngoài cửa cơ quan tán gẫu cho đỡ nóng ruột.

Hà Nội. Sầm Sơn. Có trên hai trăm cây số mà đi hết gần sáu tiếng đồng hồ. Xe chuyển bánh vào lúc mặt trời đã lên. “Ở nhà quê khéo giờ này người ta đã cày xong một sào rồi đấy nhỉ?” Cười nói một hồi rồi cả xe lơ mơ ngủ trong cái nóng như rang. Nhã lì lợm chiếm chỗ sát cửa sổ, tỉnh bơ trước những cái lườm nguýt đầy vẻ ngạc nhiên của mấy bà mấy cô cơ quan Khánh. Khánh ngồi bên, quàng tay lên thành ghế của Nhã. Đúng tầm gáy Nhã khi ngả đầu. Trong giấc ngủ nhọc nhằn, một ý nghĩ dễ chịu cứ râm ran lan tỏa: Thích thật. Thích thật. Thích thật...

Lúc xe dừng, cảm giác ấy không tan, không loãng. Tự dưng Nhã thấy mình muốn làm nũng. Với bất kỳ ai. Tiện nhất là với Khánh. Biết nhau quá rồi. Đứa bàn trên đứa bàn dưới suốt ba năm cấp ba. Từng bao che cho nhau làm việc riêng trái giờ. Từng can tội cho nhau quay bài. Từng quáng quàng đuổi theo những mối tình đại học cứ tưởng là lãng mạn trong sáng tuyệt đối, cứ tưởng là vĩnh viễn rồi lại bò về tụ tập trong một hội. Ở nhà mà tự dưng lại đâm dịu dàng với nhau thế này thì đúng là dở chứng. Nhưng cách Hà Nội hẳn hai trăm cây, trước biển, ai cũng phải nhỏ lại và mọi sự đều có thể.

Buổi tối, cả lũ kéo nhau ra bãi. Trời âm u. Mây biển đen rầm. Sóng như một đàn rắn đen ngoi ngóp trườn vào bờ, vỗ những nhịp đều và nặng nghe tức ngực. Trăng khó nhọc trồi lên trên sóng, to và xanh. Trăng lên, nhìn mây càng thấy đen rầm.

Một cô bạn thì thào:

"Nhìn sợ nhỉ! Sao mà nó to thế không biết! To và nặng. Trông như sắp rụng vào trong sóng ấy. Giá mà trời quang..."

Vĩnh vươn vai

"Bà định tắm đêm à? Liều nhỉ? Nhưng thế là lãng mạn tiếp tục được. Tôi đọc từ sách đấy. Đúng ra là thế này: 'Sự lãng mạn đòi hỏi can đảm.' À, còn một câu nữa hồi xưa tôi mê đến phát rồ: 'Vinh quang thay sự điên cuồng của những người dũng cảm!'" [1]

Và Vĩnh đứng lên:

"Nhưng nó chẳng liên quan gì tới việc tắm đêm cả. Đã bảo rồi. Mấy ngày vừa rồi trời oi thế thế nào cũng có áp thấp nhiệt đới. Khéo mai trời mưa thì nẫu! Tớ đi đây. Cậu nào đi với mình không? Đi không Khánh?"

Vĩnh đi về phía cái quán nhỏ ở đằng kia bãi cát sát rừng phi lao. Ở đó có đủ thứ. Như Hà Nội. Bia. Coca Cola. Kẹo cao su. Và có những cô gái, tóc xơ xơ, mặt to và tròn, tô vẽ kỹ và vụng.

Cả bọn cười nói ồn ào. Làm như không để ý tới Vĩnh. Khánh nằm sóng soài trên tấm nệm mỏng và rộng, hóng về phía biển, tự dưng nhích ra, mắt không nhìn ai:

"Nằm không Nhã? Nằm thế này này. Nghe thấy cả tiếng đất và tiếng sóng."

Hai người nằm chống cằm nhìn trăng, từng lúc kiêu hãnh lộ ra, từng lúc bị dìm khuất đằng sau những tảng mây đen to tướng. Nhã mỏi, xoay mình nằm nghiêng. Hơi biển mặn và lạnh.Cát cũng bắt đầu lạnh. Từ phía Khánh tỏa ra một mùi gì nồng gắt và rất ấm. Nhã phải cố cưỡng không nhích gần hơn, không hít mạnh. Bỗng dưng sống mũi cay xè, nước mắt dâng mọng cả mí. Nghe tiếng nói cười của đám bạn trôi xa. Nghe tiếng sóng lùi xa. Chỉ còn gió, ngang tàng hào hiệp thổi. Và mắt Khánh. Rất gần. Rất gần. Tràn ngập. Nhã nhắm mắt, cảm thấy hạnh phúc giống như là đau đớn.

Ngày hôm sau trời mưa thật. Không tắm được. Vĩnh đi suốt đêm, giờ ngủ vô tư. Còn cả lũ thì sốt ruột. “Đã cất công vào tận đây mà lại về Hà Nội ra chợ Hôm mua quà biển thì thật dấm dớ!” Linh Vũ Tuấn Phong Huyền Thủy tính toán một hồi rồi quyết định đội mưa đi chợ. Nhã cười cợt quay qua Khánh:

"Thế nào? Dừa thì dọc đường về mua được rồi. Nhưng còn bánh đa? Hứa với con Thảo nhà Nhã mà không làm là nó đay cho “đến hẹn lại lên” đấy. Hay là mình cũng ra chợ? Biết nịnh có khi được làm em Nhã không chừng!"

"Bánh đa mua ngày mưa này ấy à? Kệ dân tình chợ với búa. Bọn mình ra biển đi!"

Hai người đội mưa đi ngược đường đám bạn. Biển duỗi mình chịu trận dưới mưa, trông dịu dàng khác hẳn hồi đêm. Bãi vắng ngắt. Gió cũng dịu dàng, từng lúc lại quạt nước vào mặt hai người. Mặt Khánh rạng rỡ. Mắt Khánh âu yếm. Nhã đờ đẫn. Gần như là tình yêu...



Áp tết, Nhã ngồi bên bàn làm việc cầm bút di vô định trên bản kết toán địa phương mới gửi lên lơ mơ nghĩ cớ chuồn khỏi phòng. Ông trưởng phòng cười hiểu biết:

"Cô Nhã có việc phải đi hẳn? Nếu có sang Tổng công ty thì tiện đường tạt qua Ngân hàng hộ tôi luôn việc này..."

Chị Phượng cười cười:

"Hôm qua tao nhảo lên Hàng Ngang Hàng Đào, nhân thể tạt qua Đinh Liệt. Trên giời dưới hàng..."

Chuông điện thoại reo. Ông trưởng phòng kéo cặp kính trễ khỏi mũi chờ đợi. Chị Phượng mau mắn phóng tấm thân màu mỡ về góc phòng, nơi đặt máy điện thoại, miệng vẫn liến thoắng:

"Hàng len năm nay đẹp kinh khủng Nhã ạ. Len lông Trung Quốc. Lộng lẫy. Nhưng con em dâu tao bảo phải mỗi tội giặt một nước là biết nhau ngay. Alô. Ai? Nói to lên nào. Vâng. Anh chờ cho một chút. Này Nhã!"

Nhã đón ống nghe, bụng mở cờ có cớ:

"Nhã đây. À Khánh..."

Giọng Khánh đầy vẻ công việc:

"Có việc phải giúp nhau đây! Bà biết hàng bánh cốm Nguyên Ninh, đặt giùm tôi hai trăm chiếc. Hàng Than dạo này mấy số nhà bung ra lập lờ đánh lận con đen bánh cốm Nguyên Ninh chính hiệu. Ăn nhão nhoét. Tôi sợ đặt nhầm cụ ông cụ bà lại kêu ca. Tôi bảo Vũ đến chở bà đi. Được không?"

Trái tim đập hẫng một nhịp:

"Được chứ! Nhà có việc à?"

"Ừ. Ăn hỏi. Loăng quăng mãi rồi. Ba mươi đến nơi rồi. Cũng đến cái lúc cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Thôi! Xong sớm nghỉ sớm."

"Yêu bao giờ mà đùng đùng...?"

"Mới quen. Nhưng các cụ hai nhà biết nhau từ lâu. Mẹ bé dạy cùng trường cụ bà ngày xưa. Giờ lại là bạn hàng với nhau. Các cụ nhất quyết phải cưới trong năm nay. Định hai sáu ăn hỏi, hai tám cưới. Bé có vẻ ngoan. Còn chưa ra trường. Nhưng phải cưới để hợp lý hóa chuyện xin việc. Cụ ông nhà này năm sau về rồi. Thế nhé! Nhã giúp Khánh việc ấy nhé! Tối Khánh sẽ đặc cách đưa bé tới trình diện Nhã trước, với lại đưa tiền."

"Ừ tối nhé!"

Nhã buông máy, quên bẵng ý định mua sắm cho ba ngày tết. Cả phòng đã lại ai việc nấy. Nhã cầm bút, nhìn ra ngoài cửa sổ. Mưa phùn giăng giăng. Lá cây cơm nguội chưa trở màu bánh tẻ, xanh nõn nà. Một chiếc xe máy vọt qua. Người ngồi sau ôm cành đào trông rất hầm hố. Tâm trí chìm trong những ý nghĩ không đầu không cuối. Miên man. “Hai tám tết. Hai tám tết. Bánh cốm hai trăm chiếc. Hai trăm bánh cốm. Hai trăm cau. Hai cân chè. Hai trăm thiếp mời. Hai cây. Hay hai chỉ? Hai triệu tiền mặt. Mồng hai tết sẽ tụ họp bạn bè. Khánh sẽ đi cùng vợ. Lại mặt sau đám cưới luôn." Lúc nãy giọng Khánh thế nào nhỉ? Như là hối tiếc. “Bé có vẻ ngoan.” Chưa ra trường... Còn ít tuổi hơn cả con Thảo. Mười năm trước... Như mình. Đan áo có kịp không?...”

Chị Phượng cười ròn rã làm Nhã giật mình:

"Lại có trát truy nã à?"

"Vâng. Thằng bạn phổ thông với em. Chẳng biết xem ngày lành tháng tốt thế nào mà ăn hỏi rồi cưới ngay. Cập rà cập rập."

Chị Phượng mở vòi:

"Tao giờ cứ nhận thiếp mời là hãi. Đi tong một góc lương. Đấy là đám thường đấy. Anh Toàn hôm qua về kể có ông giám đốc sở gì vừa làm đám cưới cho con. Có khi to nhất từ đầu mùa cưới năm nay đến giờ. Ăn ở những ba điểm nhé. Nhà khách bộ Năng lượng này. Câu lạc bộ quân đội này. Câu lạc bộ gì ở chỗ Tăng Bạt Hổ nữa. Ngày xưa gọi là câu lạc bộ Lao động ấy. Môn đăng hộ đối. Mới chỉ là nhà gái thôi đấy. Cô dâu chú rể với hai bên thông gia lồng từ điểm nọ sang điểm kia. Anh Bình bảo gì cơ ạ? À là vì ai đi đám cưới cũng phải tìm mọi cách mà trình diện người đứng tên mời. Chẳng ai biết ai mừng bao nhiêu đâu, nhưng chắc là nhiều kinh khủng. Vô phúc cho ai lại bị cả hai nhà trai nhà gái cùng mời. Mà cũng chả biết. Có khi được mời lại là vào cầu lửa. Chẳng bù cho nhà mình. Cuối tuần chồng cầm về một thiếp mời vợ cầm về một thiếp mời là run. Bố mẹ đi ăn cưới chẳng lẽ lại chỉ để cho con ở nhà ăn su hào luộc với đậu phụ rán hay lạc rang. Thành thử cứ mùa cưới là ngân quỹ thâm thủng. Ăn vàng cũng chả ngon. Thời buổi cưới chạy sô. Nghĩ buồn cười. Một tháng bốn tuần được mời ăn cưới cả bốn tuần thì cầm bằng số tận. Mày chưa chồng con, chắc nhận 'trát' mệt nghỉ?"

"Thì tính đổ đồng cũng như anh chị - Và Nhã dẹp luôn tinh thần cởi mở của chị Phượng - Trời ấm thế này chỉ chết hàng hoa. Em vừa thấy bao nhiêu người vác đào về. Mới hai mốt mà đào đã nở toe toét thì mồng một chắc toàn là lá. Chị bảo len lông đẹp lắm à?"

Nhã liến láu. Lòng âm thầm một ý nghĩ bơ vơ: “Hè sang năm còn ai cùng đi Sầm Sơn không?”

_________________________

[1]Trích “Bài ca chim báo bão” (Gorki)
Phượng Các
#8 Posted : Sunday, November 28, 2004 2:20:39 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
bánh trôi, bánh chay và bánh trôi tàu

lê minh hà


Thế nào cũng phải có bánh chưng, dù có phải chạy xe cả nửa trăm cây số để rước bánh mới luộc về, dù đắt tắc cổ, và cái bánh thì dày có dễ chỉ hơn lưỡi mèo, gói bằng giấy bạc. Của đáng tội cũng có chạy qua hàng lá. Ngày trước, đi học và làm ở các nước xã hội chủ nghĩa, chuyện bánh trái tết nhất này thì chịu đấy. Nhưng bây giờ, thể nào cũng...

...Phải có một cặp đặt lên bàn thờ cúng người âm nhà mình. Ngay dù có phải làm hùng hục vào đúng giao thừa. Năm tận tháng cùng, không thế, không đành lòng, mà ông bà ông vải có về theo khói hương cũng tủi cho con cháu.

Rồi cái bánh ấy sẽ được ngả ra, trịnh trọng mời nhau sau mấy ngày tết nhất xứ người. Bánh đã lại gạo, chắc hẳn là như thế. Xiên một góc bánh đặt vào bát, lòng ngùn ngụt một nỗi ngùi ngùi.



Tôi hay tránh những ngùi ngùi không dưng ấy bằng một nỗi xôn xao. Tôi nghĩ về những ngày một chạp giêng hai trước tết sau tết. Tôi nghĩ về những bánh trôi, bánh chay và... Những thức quà ấy, thân thương lắm, mà sao chẳng mấy người nhắc nhở.

Có thể là vì ở nơi này người ta cũng dễ rủ rê nhau làm để ăn chăng. Bột gạo nếp, đường thẻ, đậu xanh đã xát vỏ, gừng tươi, lạc, dừa... Sẵn quá. Nên một đĩa bánh trôi, hai ba chiếc bánh chay không thể thành sự kiện như ở quê nhà, ngày mồng ba tháng ba, tiết hàn thực, bà kể cháu nghe trong lúc gò lưng trên cái cối đá xay bột làm bánh, dù ngay với bà, nước Tàu chỉ là một khái niệm xa xôi.

Ở Hà Nội thì không hẳn vậy. Những thứ bánh này đã trở thành một trong những thức quà rất lành, ăn lúc nào cũng được. Người ta bán chúng khắp nơi. Đầu một ngõ phố, trước cổng một khu tập thể nhà cửa đã xuống cấp... Có khi mấy đứa con gái lớn chưa kiếm được việc làm bên nhà hàng xóm một hôm bê cái bàn uống nước bằng gỗ tạp của bố ra đặt bên tường, rồi cái bếp dầu, rồi chiếc tủ kính con trong bày đều đặn những đĩa bánh trắng trắng, xinh xinh, đon đả mời chào láng giềng. Thế cũng đủ để có thể thành một chốn ăn 'chơi' cho bọn trẻ, hoặc giả thành nơi tụ bạ của mấy bà về mất sức trông trẻ kiếm thêm dăm ba ngàn rau cỏ cho mấy miệng ăn trong nhà.



Lên đời thành một thức quà, bánh trôi Hà Nội quả có khác thứ bánh trôi người quê hay làm vào dịp mồng ba tháng ba. Vài ba mảy vừng trắng rang vừa chín, xát sạch vỏ, rắc lên những chiếc bánh trôi tròn tròn bày trên đĩa men trắng bé xiu xiu. Những sắc độ trắng, của bánh, của vừng rang, của men sứ gợi bao nhiêu an bình trong hồn người? Tôi không biết. Nhưng tôi đặc biệt thích ăn thức quà này vào những sáng xuân. Chị bán hàng đầu ngõ nhà tôi, có cái nhẹ nhõm, nhanh nhảu, kỹ càng, sạch sẽ của một cô giáo dạy bậc tiểu học làm bánh bán thêm. Nhà chị phố bên, và chị không để bánh vào tủ kính mà sắp đĩa thành lớp trong thúng nhỏ, trên phủ một lớp vải màn may chập đôi lúc nào cũng trắng tinh. Mở lớp vải màn, sẽ thấy loáng thoáng trên thành đĩa những cánh hoa bưởi trắng ngà, thơm như là không thật. Trong khoảng khắc đó, khi thành phố vừa tắt đèn đường, sương tan, và trong nỗi xuân lành lạnh nhiều khi đã chơm chớm cái thoáng đãng mát mẻ của ngày chớm hạ, ra ngõ, kéo cái ghế con ngồi bên thúng bánh, đợi người bán hàng dọn chỗ, nói dăm ba câu với những người bán hàng quen mặt khách đang lục tục xếp gánh, nổi lửa cho nồi nước dùng sôi lại, hay chuẩn bị tráng những cái bánh cuốn đầu tiên cho những người thích ăn miếng nóng đầu ngày, và cầm đũa, khêu viên bánh trôi thứ nhất từ cái đĩa mà chị bán hàng đã cẩn trọng lấy từ thúng ra với vẻ mừng rỡ của người bán hàng gặp được khách mở hàng nhẹ vía, thú vị vô cùng. Mùi sương, mùi đất ngoại thành thoang thoảng từ những cánh hoa bưởi thanh khiết, mùi hoa dâu da xoan mong mỏng, mùi than tổ ong bắt đầu đượm trong lò, vừa ấm, vừa mát, và trên hết, là mùi bột gạo pha lẫn mùi đường phên len lỏi từ vòm miệng lên xoang mũi, ăn như thế, nhìn phố phường đông dần lên, và những tia nắng vàng ướt rượt đầu tiên đã nhún nhảy trên ngọn cây sao mọc bên hè... Nhớ một thời khó nhọc nào đã xa xôi gì lắm, nhà nước cấm bán tất cả những thức quà làm từ lương thực. Cái thú ăn quà sáng đầu ngày của người Hà Nội đã phải vờ vĩnh mồ yên mả đẹp. Đã ngỡ bao nhiêu là thư thả... Và đã tiếc... Này những ai ai người đất ấy, có khi nào về, hãy thử dậy thật sớm ra phố ghé xuống một hàng quà để cảm giác này lan trong thân thể, và lại mang theo khi ra khỏi đất quê, biết đâu, sẽ được yên tâm dù nỗi nhớ quê sẽ, có thể, càng day dứt.



Chị bán hàng bán bánh trôi và bánh chay, và bán kèm cả xôi chè. Xôi chè nhiều người nhắc nhớ rồi. Tôi chỉ xin lan man tiếp tới những thứ bánh đã hô hoán ngay từ đầu bài.

Bánh chay Hà Nội, quê tôi lại gọi là bánh trôi. (Còn bánh trôi thì có tên là bánh thủy.) Bánh chay làm cầu kỳ hơn bánh trôi, có nhân đỗ trộn đường trắng. Và đặc biệt, ở Hà Nội, người ta ăn kèm với chè đường, quấy bằng bột sắn dây, trong vắt, thoang thoảng mùi hoa bưởi ướp từ mùa trước. Thường một bát bánh chỉ có hai chiếc, chìm trong chè đường quấy lỏng, rắc thêm vài ba sợi dừa nạo, nổi vân vân. Ắn bánh này thì phải có thìa nhỏ. Xắn một miếng, đừng to, đưa lên miệng, sẽ thấy tất cả cái lành hiền của ngũ cốc quê nhà, cái dịu dàng khó tả của bột sắn, và, có thể, còn thấy cả những ngón tay nhợt nhạt, nhăn nheo vì ngâm nước lạnh nhặt từng mảy vỏ đỗ của những người chị, người em, phố nhỏ. Sau này, không bao giờ tôi ăn lại thức quà này mà thấy ngon như thế, chẳng biết có phải vì thế không?



Bánh trôi bánh chay có thể ăn buổi sáng, buổi trưa, mà cũng có thể, bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Chỉ cần đi ngang, nghe cô bán hàng mời, hay một đứa bạn ngồi sẵn đó rủ rê. Ắn, vào một bình minh đầu hè mới rạng, một xế chiều nắng nhỏ, hay một ban trưa mưa phùn rảnh việc, đủ làm dịu một nỗi cồn cào không đâu khi những nắng mưa kia gợi tới, mà không đến nỗi chê cơm nhà. Đấy là những thức quà ăn hương ăn hoa. Nhưng bánh trôi tàu thì không thế. Dù người ta chẳng ai lại đả một lúc vài ba bát, dẫu đói lòng.

Thạch Lam xưa không có ý kiến (nghĩa là chê?) thức bánh này. Nhưng tôi thì thích, mặc dù tạng tôi không mê lắm của nếp và đường. Bánh trôi tàu không có cái chân chỉ của bánh chay hay bánh trôi nhắc tới ở trên. Bánh trôi tàu không ngọt phao phảo mà ngọt sắc. Không nặn dẹt mà thuôn thuôn. Không đơn vị mà đa vị. Không phải tiện thì ghé ăn chơi mà được thèm nhạt thật, được tìm ăn thật. Không ăn nguội mà phải ăn lúc nóng bỏng mồm bỏng miệng. Và đặc biệt, riêng tôi, không thể ăn lúc ban ngày nực nội tối tăm mặt mũi vì công việc. Mà hình như thứ bánh này cũng không thấy bán ban ngày, mùa nực.

Cũng là bột nếp, nhân đỗ, nhưng ở giữa lớp bột đỗ xanh rất mịn kia là một miếng cùi dừa bánh tẻ xắt vuông vuông. Cũng có hàng thay miếng dừa này bằng dừa nạo trộn cùng đỗ. Đảm bảo được vị bùi nhưng ăn không duyên bằng. Phải có miếng dừa kia, hàm răng phải tê đi trong cái nóng thơm lừng của nước gừng với đường, bịn rịn trong cái dẻo của bột nếp, lưu luyến với vị đôn hậu của đậu xanh, rồi đột ngột 'cấc' một cái khi tiếp cận miếng dừa. Trong ngọt có cay, trong mềm có rắn, trong cong có thẳng, thật khó tả. Mà đường để nấu nước dùng cho thức bánh này không thể, không bao giờ được là đường trắng, dù có là đường Cuba. Phải là đường phên, còn giữ được mùi nguyên ủy mía, có màu nâu đỏ. Đường ấy, tan trong nước gừng đập dập sôi sình sịch trên bếp lò, đổ ngập cái bánh nóng từ trong nóng ra nóng từ ngoài nóng vào, và rắc thêm lạc rang hơi quá tay giã dối. Ngọt. Thơm. Bùi. Béo. Cay...

Mà phải ăn lúc nào kia chứ? Cơ chừng ngon nhất là vào khoảng chín mười giờ đêm mùa lạnh. Sau khi đã đạp xe lòng vòng hết phố nhỏ phố to phố vắng phố đông. Đi, chẳng để tới đâu. Cái thú xê dịch trước khi ăn này phải có thêm điều kiện. Vô duyên nhất là ăn bánh trôi tàu, một mình, lúc đêm vào khuya, giữa toàn những đôi những cặp. Ít ra thì cũng phải có một đứa bạn đi kèm.

Còn nếu có một người yêu đi cùng thì nói làm gì. Lang thang trên phố chán, sắp đến giờ trao trả cô nàng theo hiệp định ký kết miệng với hai đấng sinh thành, mời nàng vào quán bánh trôi tàu đang đỏ lửa góc phố. (Dự định từ lúc chiều với kỳ lương mới nộp mẹ một phần.) Nhìn con gái nhà người ta nhỏ nhẻ với thìa nước đường nóng bỏng, mắt dường như đen hơn trong ánh than hồng, sướng mãi trong lòng. Mà em, sau này đã chịu đầu tư thời con gái cho mình, có lần thú thật, ăn nửa cái bánh thứ ba do mình sẻ từ bát mình sang thấy ngon bàng hoàng. Không biết những anh những ả mình đã gặp ở quán bánh trôi tàu độ ấy có ai như chúng mình không nhỉ? Có ai còn nhớ cơn gió lạnh bời bời mới đổ về thành phố lúc chập tối? Có ai nhớ hơi mưa nhẹ, nhẹ như sương, mà thắt ruột như em? Cái rét mướt kỳ lạ của những đêm Hà Nội, làm người ta thèm ăn một thức nóng, đã đành, còn khiến thèm cầm một ngón tay se giá, còn làm cho lòng cứ bừng bừng một cảm giác lạ lùng suốt đời không quên vì chẳng biết vì sao...



Bánh chưng, bánh trôi, bánh chay và bánh trôi tàu với người Hà Nội bây giờ đều đã thành những thức quà lành và ngon. Bánh chưng ở nơi tôi đang sống đây thì hiếm dịp được bóc lắm. Hiếm hơn là bánh trôi, bánh chay và bánh trôi tàu. Ở đất này, khi bánh mì, xúc xích, sa lát đã thành quen miệng như cơm, như vừng như lạc, như rau luộc, thì những thức quà thi thoảng mới xơi lại kia phải làm lạ miệng nhiều hơn chứ! Mà không.

Miếng ăn thành thơm thảo vì bao nhiêu linh kiện tinh thần đi kèm. Miếng ăn thành miền hồi niệm. May sao!

Cho những người đi biết còn nơi ấy. Để thương về.

Lê Minh Hà
11. 1999
Phượng Các
#9 Posted : Saturday, February 12, 2005 1:27:33 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)


Khoảng Gió

Lê Minh Hà


Chỉ có chàng trai và người đàn ông rời ga lúc tàu tới. Tàu đêm không có mấy người. Một bà cụ già và một cô bé chừng mười một mười hai tuổi. Cô bé háo hức rời mắt khỏi khung kính lấp loáng những vũng tối những khoảng sáng, chú mục vào hai người đàn ông á Châu vừa bước lên tàu. Một đôi trai gái ngồi quay mặt vào nhau, cặp chân dài của cô gái vắt qua đùi chàng trai, bốn bàn tay bận rộn. Một cặp có vẻ vợ chồng ngồi trong góc rộng, hờ hững nhìn. Bất giác chàng trai cảm thấy gần gũi hơn với người đàn ông tóc đen da vàng cùng lên tàu đã tới ngồi một mình bên khung cửa sổ phía phải. Hình như cũng có chung cảm giác đó với chàng trai, người đàn ông kéo chiếc ba lô đặt ở ghế đối diện về phía mình và hơi thu đầu gối lại -động thái của mời chào.Tàu chuyển bánh. Bà cụ già và đứa cháu thiu thiu ngủ. Ðôi trai gái hoạt động cật lực hơn. Người đàn bà nhìn ơ hờ qua khung cửa tối đen. Chắc ngoài kia là cánh đồng. Người đàn ông da vàng ngồi trước mặt chàng trai đều đặn lật từng trang sách chẳng biết tiếng nước gì. Chàng trai lúng túng một hồi rồi cũng móc từ túi áo khoác ra một cuốn sách mỏng nhàu nát. Ngườiđàn ông liếc qua bìa sách trên tay chàng trai, gấp cuốn sách của mình lại trong mộtđộng tác dứt khoát:
- Anh người Việt?
- Vâng! Anh..? Tôi... Em... cứ tưởng anh là Nhật hay Tàu.
- Ðồng hương nước Việt chính tông với cậu. Nghe giọng cậu chắc người Hà Nội? Phố nào nhỉ? à màđể mình tự giới thiệu trước. Mình là... dân Phù Ðổng Thiên Vương.
- Thế thì anh em mình gần như là đồng hương phố rồi. Em ở Triệu Việt Vương. Giờ nghe nói các cụ nhà em mua nhà dưới khu Thành Công. Nhưng em chẳng biết nó thế nào. Hồi emđi, khuđó còn là bãi rác to vật. Nhớ nhà, em chỉ biết nhớđộc phố cũ thôi.
- Hẳn cậu đi lâu lắm rồi. Khu Thành Công giờ mở rộng lắm. Cóđường to nối sang Láng Hạ, men gò Ðống Ða qua chùa Bộc. Vợ mình dạy học ngay khuđó mà...
Câu chuyện bâng quơ mà đậmđà hơn nhiều câu chuyện bắtđầu từ những cuộc tụ bạ có hẹn hò trước. Chàng trai thăm dò:
- Anh sang Ðức kiểu gì? Mà giờ anh tớiđâu?
- Ðortmun. Mình sang đây bằng máy bay. Theo kế hoạch hợp tác giữa trường mình và một trường ở München. Mình đi Ðortmun cũng vì công việc. Hỏi khí không phải, nghe câu hỏi mìnhđoán cậu là tường nhân hay từ Ðông Âu chạy qua, chẳng biếtđúng không?
- Em từ Tiệp sang. Emđi Koblenz. Vậy là em sẽ xuống tàu trước anh...
- Nơi có một cô gái...
Mắt ngườiđàn ông tinh quái, nhưng nụ cười thật hiền. chàng trai thích chí:
- Sao anh biết? Cũng đồng hương với anh em mình đấy anh ạ! Dân Bùi Thị Xuân. Phố có mấy hàng bánh cuốn nóng bánđêm. Ðắt như thuốc cọp nhưng hết ý. Toàn con gái ngồi tráng... Hay anh xuống Koblenz với em maiđi tiếp tới Ðortmun!
Bạn em sẽ mừng lắm!
- Cảm ơn cậu. Nhưng mình có Termin, không thể trễđược...Cậu với cô ấy tớiđâu rồi?
- Chẳng tới đâu cả - Chàng trai ngượng ngập - Bọn em cùng trường cấp ba. Cô ấy từ Nga sang. Em từ Tiệp. Gặp nhau, nhận ra nhau, cùng cảnh tỵ nạn đã bị bác đơn, sống cách nhau mấy trăm cây. Em hayđi thăm Ngân, trước tiên làđể nghe giọng Hà Nội thôi anh ạ. Anh nghe chắc buồn cười?
- Sao lại buồn cười? Mình cũng có những ngày ngẫn ngờ như cậu chứ. Ðôi khi thấy tiếc vì nó đã qua mất rồi. Những điều như thế thường ám người ta cả đời. Ðến nỗi có lúc tưởng chừng vợ con hình như vẫn chưa phải là thân yêu nhất. Cậu không biết nhỉ. Mình cũng có một cô bạn ở gần Ðortmun. Tàu sẽ quađóđấy.
- Anh...
- Không! Mình tới Ðortmun vì công việc. Và sẽ không tới thăm cô ấyđâu. Bạn chắc cho tuổi bọn mình rắc rối. Nhưng rồi thế nào cũng có ngày cậu hiểu. Có những khoảng cách không bao giờ nên bước qua, dùđó chỉ là những khoảng gió.
- ?
- Bao giờ mình cũng thấy cô ấy là thân thiết nhất, hiểu mình nhất, dù thật ra khoảng thời gian bọn mình có thể không giấu nhauđiều gìđã qua lâu lắm rồi. Cô ấy có chồng, có con. Chưa bao giờ cô ấy là của mình. Sẽ không bao giờ.
Mình cũng vợ con rồi. Thếđấy!
- Anh và chị ấy không yêu nhau à?
- Có chứ. Nhưng chỉ là mình thôi. Người yêu cô ấy là bạn mình. Nói thế nào nhỉ? Anh ấy và mình không phải là bạn thân. Nhưng nếu như có thể có một người bạn thân, mình sẽ coi anh ấy là ngườiđó. Bọn mình rất hiểu nhau và bọn mình biết thế.
- Và anh tự rút dù trước chồng chị ấy bây giờ?
- Cậu đã gặp thằng con trai nào chịu nhường người yêu cho bạn chưa? Họa chuyện phường chèo. Vấnđề không phải bọn mình thằng nàođến muộn mà là cô ấy chọn thằng nào.
- Anh... thế này mà chị ấy còn chê. Thế thì chị ấy...
- Thế này với lại chả thế thì. Thế này là thế nào? Cậu đã bao giờ tự hỏi vì sao lại phí tiền lặn lội cả mấy trăm cây số để nghe một giọng nói chưa? Chưa ư? Khôngđược! Yêu không phải làđược phép mụ mẫm. Cậu phải biết mình muốn gì và phải làm gì. Nhưng mà trước hết là phải biết người mình yêu muốn gì.
- Thế chị gì ấy của anh muốn gì?
- Muốn đúng cái người không phải là thằng mình. Mình là thằng may mắn, ít nhiều có thể coi là thành đạt. Nhưng anh ấy thì không. Có thể chính vì thế mà anh ấy nhạy cảm hơn mình chăng! Mình không biết. Nhưng khi cô ấy chọn rồi thì mình nể cô ấy vô cùng. Cô ấy đã chọn một số phận không dễ dàng. Thếđấy! ... Bây giờ cô ấy và giađình cũng là tỵ nạn như cậu.
- Nhưng anh...đã bao giờ anh ngỏ lời với chị ấy chưa?
- Chưa - người đàn ông bất chợt thở dài - Ðể làm gì? Ba đứa bọn mình chơi trong một hội. Có rất nhiều dịp để bọn mình tự bóc vỏ trước nhau. Cô ấy biết mình nghĩ gì. Mình biết điều đó. Cậuđã trải nghiệmđiều này chưa nhỉ? -
Chỉ có một tình bạn vô tư giữa trai và gái khi cácđiều kiện cần vàđủ là thế này: Cô gái phải cực xấu, cực tốt. Cô bạn của mình không phải là một cô gái xấu người, không chỉ trong mắt mình.
Chàng trai rụt rè:
- Em hỏi thật anh, hồi ấy anh có buồn không?
- Rất buồn. Nhưng lạ lắm,đôi khi mình thấy hạnh phúc. Vì cô ấy hạnh phúc. Nghe có vẻ giả dối nhỉ? Nhưng mà đúng thế đấy. Nếu người ta yêu thật. Hạnh phúc vì cô ấy đã chọn người không khác mình. Hạnh phúc vì cô ấy đúng như là tình yêu mình aoước. Nhưng hạnh phúc ấy chỉ dập dềnh bênđời mình... mười mấy năm rồi... sẽ thế.
- Anh hay nhỉ...
- Ai? Mình ư? Nghĩa là thế nào nhỉ? Bao dung? Cậu định nói là bao dung? Không, người bao dung là cô ấy, là chồng cô ấy. Anh ấy hiểu hết. Ba chúng mình hiểu hết nhau. Họ sống rất lận đận. Mười mấy năm rồi lậnđận. Nhưng anh ấy không bao giờ hoài nghi bản thân hay hoài nghi vợ. Mình chưa thấy ngườiđàn ông nào " khôn" thế.
- Tin vợ quá thì có là dại ấy chứ!
- Cậu bao nhiêu tuổi rồi nhỉ? Hai tám. Thua bọn mìnhđúng một giáp. Nhưng cậu có vẻ trẻ nhỉ. Cậu chẳng biết quái gì.
Một ngườiđàn bà như cô ấy người ta chỉ có thể giữđược khi biết trọng và biết tin thôi, biết tin mình và biết tin nhau.
- Rắc rối. Bọn em bây giờ ấy à... mộtđêmđại nhạc hội... ba lần thăm nhau... lần thứ tư là có thể... không là " phắn" . Có mỗi em là bị thế này.
- Hơi ngẫn ngẫn chứ gì? Cậu bị chòng thế hẳn? Ðừng sợ. cái khó có thì thường biết tiếc lâu. Với bọn mình thì rất giản dị. Có những lúc gian nan người ta phải tìmđến nhau. Nhưng cả mình và cô ấy hiểu rất rõ rằng chỉ cần một phút yếu lòng bọn mình sẽ bị một người khinh: chồng cô ấy, nhiều người khinh: bạn bè. Nhưng cáiđó không quan trọng.
Mình sợ cô ấy khinh mình. Và một lần mình nghe cô ấy nóiđâuđó rằng tệ hại nhất là mình phải khinh mình.
- Chị ấy nhà anh có biết không?
- Mình lấy vợ hơi muộn. Ba tư tuổi. Tuổi ấy thì trừ mấy ông đơđơ từ bé có ai lại không có mối tình vắt vai nào. Vợ mình hiểu điều ấy, hiểu nhưng không biết. Có những điều không bao giờ nên nói thật với đàn bà. Nói thật là xúc phạm, là chuốc vạ vào thân suốt đời - Người đàn ông cười - Trái tim đãđập chân thành - Xin yêu ngày tháng chưa dành cho nhau... Chị ả nào viết như thế là bố láo. Khéo cảđời xin lỗi không xong.
- Chị ấy có giống chị " gì" không anh?
- Hoàn toàn không. Hồi đó mình quyết định rất nhanh. Ðó là khi cô bạn mình có mang, tháng thứ ba thứ tư gì đó. Mình con trai con đứa, chẳng biết tý gì, vẫn đùng đùng đến chơi, có vẻ rất vô tư. Nói thế này không hiểu cậu hiểu không? Cô ấy có chồng rồi, cưới ba bốn năm rồi, nhưng vẫn chân son mình rồi. Và mình không hiểu sao cứ có cảm giác cô ấy còn son là vì mình. Một buổi trưa chủ nhật mình tới nhà,ăn cơm xong, chồng cô bạn mình về bên nội có việc, cô ấy nói với mình... Thú thật là mình choáng. Cô ấy nhìn mình... Không thể nào tảđược cho cậu bây giờ... Nhưng mình hiểu rất nhanh mình phải làm gì. Mình công bố với tất cả bạn bè là có người yêu và khi cô bạn mình sinh conđược ít ngày thì mình cưới. Một cô học trò rất quyến luyến mình.
- ... Như thế có ác không anh?
- Mình ... không biết. Nhưng người ta có quyền yêu hết lòng với những tình yêu khác nhau chứ. Ðấy là còn chưa nói... Cậu biết không... đôi khi mình nghĩ thế này... chính tình yêu kia đã buộc mình sống nghiêm túc hôm nay đấy, cho mình, cho các cụ nhà mình, cho vợ con mình. Cậu biết không, từ khi cô bạn mình theo chồng sang tỵ nạn bên này, mình chưa hề nhận được thư cô ấy. Mà ba đưá bọn mình gần nhau thế. Nhưng bao giờ cũng vậy, sau một ngày có thể hài lòng với mình vì đã làm việc cật lực, mình cứ có cảm giác rằng ở đâu đó... bây giờ thì mình biết nơi ấy rồi... có một người vẫn nghĩ về mình, yên tâm về mình, và sẽ mỉm cười, sẽ lặng lẽ sống tiếp hạnh phúc khó khăn đã chọn. Khoảng cách giữa chúng mình mãi mãi là thế. Là gió...

***

Tàu tới Koblenz. Chàng trai bước xuống sân ga sau khi chia tay người đồng hương. Cũng đầy đủ màn bịn rịn trao đổi địa chỉ gia đình ở Việt Nam và ở Ðức và chúc nhau mọi sự tốt lành. Nhưng không hiểu sao chàng trai cứ có cảm giác những lời hẹn gặp vừa nói với nhau kia sẽ chẳng bao giờ thành thực. Có cần không? Khi người ta đã mở lòng trước nhau như người đàn ôngđã, trên chuyến tàu rập rình xuyên quađêm nước Ðức. Trongđời, người ta thường chỉ có thể thành thực và cởi mở như thế với những người gặp bâng quơ và không sợ một lần gặp lại.


Bình minh trên sân ga xámđục, lạnh buốt. Vắng teo vắng ngắt. Gió thổi tung hai vạt áo khoác chàng trai chưa kịp cài khuy khi tàu lướt qua. Ngườiđàn ông vừa chuyện vãn với chàng trai giơ một bàn tay lên thay lời từ giã cuối cùng. Chàng trai xốc ba lô lên vai, bướcđi. Và bất chợt bàng hoàng. " Khoảng gió" . " Hạnh phúc là thế sao, giản dị, kỳ quặc, quyến rũ?
Nhưng có cần chăng? Một khoảng gió. Như thế. Trong đời" .

19. 1. 1997
Lê Minh Hà
Phượng Các
#10 Posted : Tuesday, March 8, 2005 9:52:44 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Châu Long

Lê Minh Hà


“... Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu

Nghe dịu nỗi đau...”

Tạ Hữu Yên



Châu Long bước mãi. Bóng xiêu xiêu theo chiều nắng hắt. Cái thúng cắp bên hông, nhẹ tênh. Còn nhẹ hơn cả cái ngày nàng từ nơi ấy ra đi. Ngày ấy, nơi ấy, nàng đã lẳng lặng nghe lời chồng dặn, lẳng lặng đặt vào giữa mớ xống áo trong thúng mấy nén bạc lưng vốn ban đầu.

Châu Long bước mãi. Gió ngược. Đôi vạt thắt quả găng luấn quấn bay. Càng gần tới nơi bước chân Châu Long càng chậm lại. Như kiệt lực. Dấn tới gốc đa đầu làng, Châu Long buông người, kéo cái thúng nhỏ sát vào mình, bỏ nón. Chiều muộn. Người làm đồng đã về hết cả rồi. Chỉ còn đôi bóng bò gặm nắng xa xa. Phía con sông đào xưa. Phía xưa nàng còn được ngày ngày tằm tang cùng mẹ và chiều chiều xuống sông gánh nước, cúi mặt soi bóng mình, biết phía cuối dòng trong đám trai làng đang hò hét ngụp lặn om sòm kia có một đôi mắt... những đôi mắt...

--------------------

Có con bê nào gọi mẹ. Nghe rối cả lòng. Nước mắt nàng ứa ra. Châu Long điên dại nhìn trời. Chao ôi! Mười năm khốn khổ! Chao ôi! Nàng sẽ nói gì đây với thầy mẹ khi trở về vào lúc nhập nhoạng này như một cái bóng tha hương?

*

Châu Long đi từ lúc non trưa, sau khi đã ngồi lặng lẽ cả nửa buổi nghe ông lý cùng mấy vị quan viên bàn bạc cãi vã. Họ hỏi gì Châu Long cũng bằng lòng. Dựng rạp đãi đằng làng nước? Nàng gật. Lên phủ rước Lưu Bình? Nàng gật. Khi tất cả hỉ hả ra về, nàng thu vén xống áo bỏ vào thúng, cẩn thận kéo tấm rào rấp ngõ, rồi đi. Chồng nàng đã dặn nàng như thế ngày ấy. Mười năm có lẻ. Đến bây giờ.



Mười năm. Mười năm nàng thức khuya dậy sớm chạy chợ nuôi Lưu Bình đèn sách. Sau này, người đời sẽ thi vị hóa quãng thời gian trớ trêu ấy của đời nàng. “Châu Long quay tơ. Lưu Bình ngâm thơ. Vườn sau chim giục giã. Nhìn ra hoa vừa nở” (1). Không phải vậy. Không có gì là thi vị trong cảnh những người đàn bà dặm dụi nuôi chồng. Không có gì là thi vị khi nàng gồng gánh ra đi từ tối đất mong mua may bán đắt. Không có gì là thi vị khi nàng bấm mười ngón chân tê dại trên những con đường sống trâu ngày mưa, đổi gánh trên vai. Không có gì là thi vị khi nàng đi như bị lôi về phía trước bởi đôi quang nặng chùng sát đất giữa trưa ngày xuân cạn. Ai biết được nàng nghĩ gì khi ấy? Mà biết, liệu người đời sau này có kể không?



Nàng đi sâu vào cái ngõ nhỏ kẹp giữa bờ rào ruối. Có mùi nước đọng. Mùi đất vườn dưới sương. Cả nhà đã xong bữa lúc nàng chạm tay vào dại cửa. “Ô chị Phủ!” Đứa em gái buột miệng ngỡ ngàng. Châu Long về bất ngờ quá. Cung cách về cũng lạ lùng. Ông đồ đưa mắt cho vợ với đứa con gái út. Cái nhìn ấy làm Châu Long chua xót. Nàng không thuộc về thế giới này. Nàng thuộc về đâu?



... Đứa em gái đã hạ cái nia kê đòn thái dâu cho tằm ăn đêm. Bà đồ ngồi nhai miếng vỏ quạch, nhặt thêm mảnh cau khô bỏ miệng, thở dài. Bà thuộc tính chồng, không dám gặng gì con. Châu Long run run: “Nhà con dặn về ngay khi được tin mừng... Tiện đường con tạt về thăm thầy mẹ. Vài hôm rồi con xin phép thầy mẹ con về...” Về đâu? Về đâu? Người mẹ không thể nào biết được tiếng gào đau khổ ấy trong lòng đứa con. Xuất giá tòng phu. Nàng sẽ về lại với Dương Lễ, ông quan huyện năm xưa đã từng làm bà hết sức đẹp lòng về món tiền cheo nộp làng lúc xin đón Châu Long. Bà hiểu thế và mừng cho con, biết phận rồi sẽ qua những ngày vất vả. Tình thương con của những người mẹ bao giờ cũng đơn giản thế.



Người cha nhìn đứa con mới về, đau thắt cả lòng. Nó đấy, đứa con gái mỏng mày hay hạt nhất làng. Ông đã bao lần ngồi trên bộ phản này nhìn ra ngõ nơi nó tha thẩn trông em và chốc chốc chạy ra chạy vào xua đàn gà lười kiếm ăn xa chỉ chực bới tanh bành bếp núc. Ông đã bao lần bần thần trong niềm tiên cảm về số kiếp khốn khổ của đứa con này. Lông mày dài. Đôi mắt mới tý tuổi đầu đã có cái nhìn xa vắng. Cánh mũi thanh. Môi mong mỏng hồng hồng. Cái cổ cao. Có cái gì quá mong manh ở nó, một đứa con gái nhà quê.

Khi Dương Lễ cho người đem giầu cau đến hỏi Châu Long, ông đã ngần ngừ rồi gật. Ừ thì con ông làm thiếp, nhưng dù thế thì có lẽ vẫn tốt hơn cho nó. Ông biết dáng dấp tính tình con ông có cái gì đó lệch nhịp đời thường những người đàn bà nơi vườn ruộng. Chịu phận thiệt thòi này để được yên ổn về sau. Đâu có ngờ...



... Một bận ông đồ khoác tay nải đi thăm bạn cũ, sững sờ thấy con gái dọc đường về chợ. Sau đó, bao lần ông kiếm cớ đi chơi, đứng nép ở một cái lều chợ từ xa nhìn con gái tíu tít giữa một lô thúng mủng bán bán mua mua, mà mắt vẫn nguyên cái nhìn xa vắng. Đã bao lần ông dừng sững giữa đường... Cặp thúng chồng đôi trĩu hai đầu quang lắc theo mỗi bước Châu Long, lôi giật con ông nhao về phía trước. Ông không thể giáp mặt con. Ông không thể giúp gì nàng. Con ông đã làm đúng chữ “tòng phụ tòng phu” ông dạy. Bây giờ, Châu Long ngồi trước mặt ông. Ông cảm được cái nhìn cầu khẩn của con, dù nàng khuất mình trong vũng tối, nhẹ lời:

“Con về chơi thế này thầy mừng lắm. Giờ thì thu xếp đi nằm sớm cho đỡ mệt. Đêm em nó còn phải dậy cho tằm ăn”.

*

Đứa em gái mừng có chị về, nhưng chả biết nói gì. Ngày Châu Long về nhà chồng, nó còn bé tý. Giờ Châu Long hỏi gì nó trả lời câu đó, rồi cười. Nó sẽ cười được đến bao giờ?

Châu Long không tài nào ngủ được. Hơi ấm từ tấm thân con gái mười sáu tuổi của đứa em làm nàng rưng rưng ngột ngạt. Lâu lắm rồi nàng không nằm chung với ai. Châu Long rón rén ngồi dậy, lại bàn nước của cha khêu ngọn bấc lụi rồi bước nhẹ về phía buồng tằm. Nàng vén tấm mành mành. Từ những nong tằm đặt trên giá nổi dần lên tiếng gì rất khẽ. Tằm thức. Châu Long kéo cái thúng đại đựng đầy lá dâu đã thái, rắc đều. Tằm này sắp lên né được rồi. Đời tằm... Cũng hệt đời nàng... Rút ruột...

------------------------

Tiếng chó sủa sương vọng lại từ đầu ngõ, cấm cảu, khan khan. Châu Long sực tỉnh. Đĩa dầu lụi bấc từ bao giờ chỉ còn như hạt đỗ chập chờn. Nàng đã ngồi trong buồng tằm lâu lắm rồi. Cữ này chắc làng nước đã cờ quạt võng lọng rậm rịch. Cữ này chắc ông lý đã dẫn quan viên tới nhà xin rước nàng lên võng đi đón Lưu Bình. Phải, dân làng ai cũng biết Lưu Bình đã mười năm ăn ở với nàng. Chắc tất cả đang ngỡ ngàng trước tấm rào rấp ngõ.

Chắc chàng Lưu cũng sẽ như người đứng trên tổ kiến khi không thấy người vợ tấm mẳn trong đám võng lọng đón đưa. Ôi Lưu Bình! Người đàn ông nàng đã chăm bẵm suốt mười năm như chăm chồng. Người đàn ông đã răm rắp nghe lời nàng hẹn “Anh chưa thi đỗ thì chưa động phòng”. (2) Người đàn ông mà nàng đã đêm đêm cố thức xay giã giần sàng để giục thầm đừng buông sách. Nàng sẽ nói gì với người đàn ông ấy, với chàng Lưu khi gặp lại nhau? Chữ nghĩa là cái gì mà có thể giữ tay chàng bao nhiêu đêm chỉ vịn vào khung cửa buồng nàng rồi dừng ở đó. Là cái gì mà nó có thể trói chàng trên ghế lúc nàng dội nước ùm ùm ngoài giếng, dưới ánh trăng rười rượi, mong dập đi hơi nóng hừng hực bồn chồn thiêu đốt thân nàng. Chữ nghĩa là cái gì mà buộc nàng phải ngần ấy năm cơ cực? Là cái gì mà có thể làm Dương Lễ xa nàng dễ dàng đến thế?

Nhưng Dương Lễ có phải là chồng nàng? Chàng đã cưới nàng về làm thiếp. Làm thiếp nghĩa là không phải làm vợ. Chỉ để chàng say mê? Nàng không có sức vóc của người vợ thứ của chàng. Nàng không có cái đoan chính sắc sảo của người vợ đầu của chàng. Nàng có nét gì từa tựa một loài lan quý. Chàng đã nói thế với nàng. Nhưng chàng không giữ nàng lại để chăm chút cho nàng như thường ngày chăm chút vườn lan. Chàng đã cậy nàng đến với Lưu Bình. Nàng là một thứ phương tiện đẹp và sẵn để chàng bày tỏ tình bạn với đời.



... Người ta sẽ kể về tình bạn cao cả của chàng và về tình chồng vợ thánh thiện giữa chàng và nàng. Liệu có ai biết rằng niềm tự hào vì được chồng tin cậy đến nhường ấy nàng đã để mất rất nhanh sau đó. Thay vào đó là nỗi ngờ vực đắng cay, là phẫn nộ. Ôi những người đàn ông! Người đời! Tại sao họ lại phải tự khẳng định mình bằng nỗi đau của người khác. Dương Lễ là một bến nhiều thuyền. Nhưng nàng, nàng chỉ một thuyền một bến. Nàng chỉ có một chàng. Tại sao chàng không giúp Lưu Bình một cách bình thường. Không có con đường giản dị nào để cho cảm thông và yêu thương có thể từ tấm lòng này tới với một tấm lòng khác hay sao? Tại sao chàng phải nghĩ ra cái việc sỉ nhục Lưu Bình trước khi chìa bàn tay đỡ bạn. Không, chàng cũng không phải chìa tay. Chàng chỉ đơn giản đẩy nàng ra. Tại sao chàng nỡ đặt lên đôi vai mảnh của nàng cái nghĩa vụ nhọc nhằn đến thế, nghĩa vụ của tình chồng vợ, bạn bè, nghĩa vụ phải trở thành huyền thoại cho những kẻ rỗi việc thích trầm tư và đúc kết các bài học ứng nhân xử thế.

*

... Người đời sau sẽ kể rằng nàng thức đêm thức hôm xay giã giần sàng chuẩn bị hàng họ đi chợ sớm để nuôi Lưu Bình. Ngần ấy năm ròng. Để thúc giục chàng Lưu kiên tâm đèn sách sớm khuya. Có thật. Nhưng người ta sẽ không kể rằng nàng đi nằm muộn chẳng qua còn để trốn những giấc mơ đàn bà. Những giấc mơ ấy hành hạ nàng, làm nàng khủng khiếp khi nghĩ về mình. Trong mơ nàng đã quằn quại giữa vòng tay Dương Lễ, giữa vòng tay Lưu Bình, hệt như cái cảnh nàng đã thấy vào một chiều xa xưa đi hái dâu, hồi còn con gái, còn được ở nhà cha mẹ. “Tình trong giấc mộng”. “Muôn vàn cũng không”(3). Biết bao đêm giật mình tỉnh giấc, nghe trống ngực đập muốn vỡ cả màng tang, nàng đã nhận ra mình ơ hờ với mọi sự, mọi giác quan chỉ chú mục vào tiếng trở mình của người đàn ông đang nằm ở gian ngoài. Giá chàng cứ đẩy cửa buồng nàng... Giá chàng trằn trọc nhiều hơn... Thì có lẽ... Thì nàng đã tung hê tất cả.

------------------

Nàng đã thổi xôi luộc gà lên đình cầu khấn cho chàng thi đỗ, cho nàng có ngày được buông gánh đời mà sống tiếp những ngày tháng cũ. Nàng đã tìm thuê người đỡ gánh cho chàng trên đường ứng thí, đã dốc tất cả lưng vốn đời mình ký cược vào chàng. Và chàng đã đỗ kỳ này. Kỳ này, nàng sẽ được trở về làm vợ lại. Kỳ này, chàng sẽ áo mũ xênh xang đến thăm Dương Lễ trả hận bát cơm cà muối khi xưa. Cái hận bị người sỉ nhục có thể tan. Nhưng lúc đó, chàng sẽ phải biết tới một nỗi hận khác, hận chịu ơn người. Hận ấy, liệu có khi nào chàng trả nổi? Ôi Lưu Bình! Ôi Dương Lễ! Tại sao các người phải hành hạ mình hành hạ nhau để bày tỏ bản thân với người đời? Tại sao phải sỉ nhục nhau để làm cái việc hoàn toàn vô nghĩa là tăng giá sự hy sinh? Tại sao phải chờ người sỉ nhục mới cố công vượt lên mình để tự mở mày mở mặt. Người đời sau sẽ kể chuyện này với biết bao khâm phục và ngưỡng mộ. Nhưng ích gì? Những huyền thoại có ích gì?

------------------

Ngoài trời sương rụt rè tan. Ông đồ đánh tiếng với con bằng tiếng ho thúng thắng. Châu Long hạ tấm mành mành che buồng tằm, bước ra sân. Mùi buồng tằm ngai ngái khai khai tan loãng vào trong hơi đất vườn ban sớm, hơi rơm ẩm còn chưa đánh đống ở đầu hồi. “Giờ này chắc người ta đã sắp lên tới tỉnh rồi”. Như thế chỉ trưa nay Lưu Bình sẽ biết chuyện vợ bỏ nhà đi. Ngày mai thì Dương Lễ sẽ biết. “Ta còn có thể ở lại nhà thầy mẹ đến bao giờ'? Những tính đếm tỉnh táo làm lòng Châu Long tê dại.

*

Liền mấy chiều oi ả. Bà đồ kêu đau đầu không cất mình dậy nổi. Đứa em gái còn ở ngoài bãi hái dâu. Châu Long bần thần dừng bước trước cửa buồng mẹ... Nàng chẳng bụng dạ nào giáp mặt ai vào lúc này. Làng xóm đã loáng thoáng đồn thổi chuyện cô Châu Long con ông bà đồ về âm thầm như bị chồng đuổi. Bạn gái ngày xưa con bồng con dắt, chẳng thấy ai đến thăm nàng. Đã hẳn. Khi nàng chưa tới thăm ai. Dù gì thì với họ nàng vẫn đang là “chị Phủ”. Ôi chao là cái nông nỗi của kẻ được người tưởng hơn người.

Tiếng cái giường tre bà đồ nằm cọt kẹt khiến Châu Long không thể chần chừ. Nàng với cái nón ngần ngại bước ra sân định đi hái nắm lá cúc tần về sao vàng cho mẹ bóp trán. Thì vừa lúc từ đầu ngõ ruối đưa vào râm ran tiếng thưa tiếng dạ. Châu Long bước giật vào buồng. Ông đồ tay cầm cái xe điếu nhìn ra nắng, sẽ giọng với con: “Anh Phủ Dương Lễ. Ai như... Kìa...Quan Hoàng giáp Lưu Bình”.



... Hai người đàn ông áo mũ chỉnh tề tiến vào đứng chắp tay bên cửa. Dương Lễ cung kính và rành mạch: “Con xin thầy mẹ đến đón nàng Châu Long trở lại nhà”. Ông đồ cúi nhìn cái điếu bát, khó nhọc gật đầu. Phải! Nơi đấy mới là nhà của con ông.

Châu Long bước ra, trang nghiêm và xa vắng. Hai người đàn ông chợt hoang mang. Lưu Bình vừa từ oi ả vào mà mặt tái. Lần đầu tiên Châu Long nhìn thẳng vào mắt Dương Lễ. “Đây là chàng”. Lần đầu tiên Châu Long nhìn thẳng vào mắt Lưu Bình. “Đây là chàng”. Có đáng gì không? Mười năm sống ấy? Ôi những người đàn ông! Nàng đã làm cho họ nổi tiếng với muôn đời ở đất nước này. Nhưng tình bạn kỳ quặc của họ cũng làm nàng nổi tiếng. Châu Long biết rằng cái gánh đời đã nâng lên vai sẽ không bao giờ nàng có thể buông. Nàng sẽ phải gồng vai gánh tiếp cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Bởi vì người đời muốn thế. Nàng biết nàng đã trở thành một biểu tượng. Không cần trầm mình. Không cần hóa đá. Mười năm trớ trêu của đời nàng sẽ trở thành huyền thoại để người đời kể sau này.

*

Vào cái lúc cúi chào cha mẹ rồi lặng lẽ đi qua hai người đàn ông bước ra sân nắng để lại ra đi, thật thì lòng Châu Long hoàn toàn trống rỗng. Nàng không ý thức được rằng với những kẻ buộc phải trở thành biểu tượng huyền thoại kể về mình chỉ là một niềm an ủi vô cùng bé nhỏ, tràn đầy đau đớn...



... Đêm đầu tiên sau mười năm có lẻ cách xa, Dương Lễ đã hết sức thất vọng về nàng. Nỗi thất vọng nhanh chóng trở thành mối ngờ vực dai dẳng. Ngờ vực tàn phá chàng, đến nỗi chàng không nhận ra niềm căm giận ở Lưu Bình không hề mất đi mà còn được chàng Lưu gia cố bằng tất cả những bẽ bàng của một mối tình chua chát. Dương Lễ cũng không hề nhận ra nỗi tuyệt vọng cay đắng ở Châu Long. “Ê chề đời thoảng vị cơm ôi” (4). Nhưng chính nàng, Châu Long, nàng cũng không gọi tên được cảm giác của mình, mà cũng không còn muốn biết rằng cái ê chề ấy cũng đầy ứ trong lòng hai người đàn ông đã đi qua đời nàng.



Tuy nhiên, vào lúc đó, người đời đã bắt đầu kể về tình bạn cao cả và cảm động giữa hai chàng. Và vì không dễ gì được người đời buông tiếng nên cả Dương Lễ lẫn Lưu Bình đều không ai đả động đến những chán chường tuyệt vọng hay phẫn nộ của mình. Lưu Bình được bổ về một huyện thuộc quyền trị nhậm của Dương Lễ. Hai người đàn ông thường gặp nhau, tương ái và tương kính đúng như người đời chầu chực để kể tiếp huyền thoại về họ.

Chỉ có điều Dương Lễ thôi không mê mệt lan quý như xưa. Nếu không có Châu Long để mắt vườn lan của chàng chắc đã chết hết. Ngày ngày Châu Long vào ra vườn lan. Ai cũng yêu quý nàng, kể cả hai người vợ cùng nàng chia sẻ một tấm chồng chung. Ở nàng đã dần dần hiện rõ cái vẻ heo héo thường có ở những người đàn bà không chồng hay tuyệt đường sinh nở. Nhưng nàng lúc nào cũng tươi cười, lặng lẽ, dịu dàng. Dáng dấp của nàng làm ai thoạt gặp cũng thấy lòng không dưng mà tái tê.

---------------------------

Huyền thoại không kể rằng Lưu Bình ít lâu sau đó cưới hai chị em con gái một nhà phú hộ. Hai người vợ của chàng Lưu người nào cũng đảm và đều sinh cho chàng mấy mặt con. Huyền thoại cũng không kể rằng sau đêm đoàn viên Dương Lễ không bao giờ bước chân vào buồng Châu Long nữa. Nhưng đó là sự thật.

Ai có thể ân ái với một biểu tượng?

Ôi Châu Long!


Lê Minh Hà
Tháng 2-Tháng 6/2000



Chú Thích:


1. Thơ Lưu Trọng Lư: Tôi quay tơ - Chàng ngâm thơ - Vườn sau - chim giục giã - Nhìn ra - hoa vừa nở...

2. Thơ Nguyễn Bính.

3. Chinh phụ ngâm

4. Thơ Huy Cận.

Phượng Các
#11 Posted : Saturday, July 23, 2005 12:28:05 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì


TT - Có lẽ nếu cần thêm một lời đề từ nữa cho cuốn tiểu thuyết mang tên Gió tự thời khuất mặt của Lê Minh Hà thì lời một bài ca của Trịnh Công Sơn thật là thích hợp. Không phải chỉ vì chị đã trích dẫn quá nhiều lời ca của Trịnh trong khi viết, mà còn là vì chị đã dành khá nhiều chương trong cuốn sách của mình để viết về ảnh hưởng của nhạc Trịnh trong đời sống tinh thần của lớp trẻ Hà Nội ngày đầu gặp gỡ văn hóa Bắc -Nam.

Và đặc biệt hơn nữa, vì ca từ ấy hợp một cách lạ lùng với những gì mà Lê Minh Hà viết về tuổi hoa niên của một thế hệ đi qua chiến tranh mà chưa kịp tham chiến, một thế hệ chưa phải đổ máu nhưng đã phải đổ bao nhiêu nước mắt, vì nhớ thương, vì yêu, vì đau đớn...

Những con người sinh vào những năm 1960 trên đất nước đẹp đẽ, gian lao, buồn bã này. Hôm nay, họ đang là những người thành đạt nhưng nỗi buồn tự thuở nào vẫn lang thang trong mỗi góc khuất tâm hồn họ, vì ngọn gió ngày nào vẫn thổi…

Chắc chắn, những người chờ đợi một sự cách tân triệt để về cấu trúc, về bút pháp, cách kể chuyện, ngôn ngữ... sẽ chê văn chương của Lê Minh Hà là... “sến” vì nó không mới, thậm chí còn hơi cũ, đôi khi thả mình theo cảm xúc, chị để cho văn mình chảy tràn đi như một cô bé mới lớn ghi nhật ký về mối tình đầu. Rất nhiều hình dung từ, nhiều điệp ngữ, nhiều câu hỏi láy đi láy lại, da diết, khắc khoải.

Nhưng biết làm sao khi người ta viết về tuổi thơ của mình, thời thiếu nữ của mình, gia đình của mình, tình yêu của mình, góc phố nhỏ của mình, và nhất là về Hà Nội của mình. Một Hà Nội cần lao, lầm lũi trong xóm lao động nghèo, một Hà Nội thanh bình, ngọt ngào qua từng tán sấu rụng, một Hà Nội ốm đau nghèo khổ, lầm lỡ nơi cửa nhà hộ sinh, nơi quầy gạo, quầy thực phẩm bán theo tem phiếu, Hà Nội xấu xí bẩn thỉu mỗi xó tối cầu thang, mỗi nhà vệ sinh công cộng thiếu nước, Hà Nội ngột ngạt đêm hè mất điện, Hà Nội rét tê tái chiều mùa đông đạp xe dọc triền đê, Hà Nội đặc quánh yêu đương mỗi gốc cây, cột đèn, mỗi mét vuông mặt hồ.

Tất cả muôn mặt Hà Nội ấy được trái tim run rẩy - mãi mãi vẫn là thiếu nữ - của “người đàn bà trẻ con”- nhân vật chính của Lê Minh Hà - ghi nhận và khuếch đại hay thu nhỏ qua lăng kính của mình tùy độ lùi thời gian và mức độ va quệt của chúng với cuộc đời của người đàn bà.

Cho nên tất cả những nhân vật trong Gió tự thời khuất mặt đều buồn, nỗi buồn như đã mang từ thuở trong bụng mẹ: cả Ngân - người đàn bà trẻ con, cả Vĩnh, cả Phan, cả người cha, người mẹ, cả bé Hằng An, cả cô Tam, bác Thản..., cả cái nhà hộ sinh trước ngõ và cây đa cõng trên mình bao nhiêu khói hương cầu nguyện, thậm chí đến anh công an khu phố dung túng cho những kẻ mê tín mải hương khói ở gốc đa cũng chung một tâm trạng.

Nhưng cũng chính nỗi buồn ấy mang đến vẻ đẹp quyến rũ và trong sáng cho tác phẩm của nhà văn nữ vốn là một cô giáo chuyên văn này.

Và như thế thôi cũng đủ cho ta tìm đọc, và nhớ.

THU HÀ
khanh
#12 Posted : Thursday, October 13, 2005 1:29:04 PM(UTC)
khanh

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 24
Points: 0

Lê Minh Hà

Mộ




Ông biết rõ gia đình tôi lục đục thế nào. Tự tôi khai ra. Khi đó tôi còn chưa quen ông, chỉ mới biết mặt ông qua những giờ chôn mông ở thư viện. Tôi ở đó tối ngày. Ông cũng thế. Có lần, lúc sâm sẩm tối, từ thư viện bước ra, ông hỏi tôi: "Cậu có vẻ bị vợ chê, hả?". Ông nói đầy vẻ tự tin. Mà đúng quá, mà không ra dáng thầy bói. Từ hôm đó, tôi thường qua lại nhà ông. Cái cõi đi về của tôi, hay cái gọi là nhà của ông lúc đó mới thê thảm làm sao. Nó chỉ là một cái chái, vẩy ra từ một cái chái khác. "Rộng đúng sáu mét, tớ đo rồi!" - ông bảo thế. Chái bên kia hình như nhỉnh hơn, thông sang phố bên, thuộc về sở hữu của vợ cũ và con trai ông. Hai chái được ngăn cách bởi một tấm liếp thủng, cao hơn đầu người. Sát liếp trước ông kê một cái giát giường, kề với giường chị vợ cũ bên kia liếp. Sau ông bỏ. "Cho nó rộng!" Nhà ông như thế chỉ có hai bức tường, tự xây trát nên lồi lõm khiếp lên được, nhất là vào lúc bật đèn. Ông rải trên nền nhà mấy mảnh chiếu, cắt ra từ một cái chiếu rách nào đó, nhưng vuông vắn, sạch sẽ và có cạp vải quanh mép cẩn thận. Ðấy là thảm của chúng tôi. Chúng tôi có thể đến nhà ông bất cứ lúc nào, vì cửa chỉ buông cái mành mành. Ngại mỗi nỗi là vào đó thì phải đi qua hai căn phòng: một của cụ thân sinh ra ông; một của gia đình anh trai ông. Song vượt qua đó và mảnh sân mảnh sân chung có máy nước là chúng tôi tự do.

Hồi đó vợ chồng tôi hay cãi nhau lắm, song không đứa nào nghĩ đến chuyện ly dị. Gì thì gì chúng tôi cũng đã từng rất yêu nhau. Một lần, đêm trước vợ chồng hục hặc, trưa sau gặp ông, ông rủ tôi về ăn cơm. Ông dặn tôi đứng ngoài trông xe, vào chợ mua hai lạng thịt bò, một mớ rau muống. Nhìn ông cắp nách mấy cuốn sách, tay cầm mớ rau như cầm bó hoa khi chen trong chợ hoa ngày Tết, tôi buồn cười. Nghĩ mình chưa khổ. Lại ngạc nhiên không biết ông nấu nướng thế nào. Về nhà, ông gọi chõ sang chái nhà bên: - Dũng! Thằng Dũng đâu rồi? Xem mẹ mày có tỏi mang cho bố mấy nhánh, nước mắm nữa nhá! à, mà cả dầu nữa, dầu hỏa ấy. Chiết cho bố hai chai dầu. Bếp bố cạn dầu rồi. Tôi phì cười. Ông cũng cười, bảo: - Mẹ cu Dũng nhà mình dễ tính lắm. Bỏ nhau rồi mình lại thấy cô ấy đáng yêu. Cậu không tin sao? Nhưng bảo mình cưới lại chính cô ấy thì mình chịu. Rồi ông hỏi, và tự trả lời: - Này! Vợ cậu là người yêu đời thứ mấy của cậu? Ðời đầu à! Cũng hay! Cơ mà chắc cậu thất vọng lắm, hả? Ðúng không? Chắc cậu huyễn hoặc cô ấy lên đấy thôi! Mình trước cũng thế. Với mẹ thằng Dũng ấy. Chán chê mê mỏi rồi mới lấy được nhau. Bà nhạc nhà mình ghét bọn văn sĩ. "Rởm đời!", cụ nhiếc thế! Nhưng mà hồi ấy mình còn chưa thành được cái mà cụ ghét cơ. Mình nghe xúi dại. Tại cha Bùi Minh Quốc cả. "Cái tuổi hai mươi khi hướng đời đã thấy, dù xa xôi mấy cũng lên đường". Nó viết thế đấy. Hay ghê! Thế là bò lên tận Nghĩa Lộ làm đường. Ðến lúc về được thì thành thằng vô tích sự. Không điên, cũng không liệt giường liệt chiếu để nhà phải nuôi. Mình khỏe chân, mạnh tay, ăn nhiều, nhưng lại không được ăn. Trót ra đi, cắt hộ khẩu Hà Nội. Về, mãi không nhập lại được. Không hộ khẩu thì không xin được việc, không có tem phiếu mua bán, kể cả loại tem phiếu nhân dân tháng bánh xà phòng, hai lạng đường ướt cũng không! Vậy mà mẹ cu Dũng cứ nhất định lấy mình. Chấp hết. Tất nhiên va chạm thực tế, chán nhau, rồi bỏ nhau, cũng đúng thôi! Mà cô ấy không phải là người yêu đầu tiên của mình đâu nhé. Nhưng dù đầu hay cuối gì thì kết cục chắc cũng vậy. Mình biết có tay biên tập viên chỗ mình, có bà người yêu. Yêu cứ gọi là đắm là chìm. Chẳng rõ vì sao không lấy nhau. Bà ấy có gia đình; rồi chồng chết; con cái giờ cũng ra đầu ra đũa cả. Năm ngoái lại gặp nhau. Cưới. Năm nay sắp bỏ đấy. Hà, giá cứ xa nhau mãi thì đời vẫn đẹp, đỡ phiền toái, đỡ nghĩ ba lăng nhăng. Ông cứ nói toang toang. Phần vì tính ông vậy, phần vì quan hệ của ông với người vợ cũ. Hồi đầu nghe ông nói, nghĩ chị ấy cũng đang nghe, tôi ngại lắm. Giờ thì hiểu. Từ hồi bỏ nhau, chị không ghen, có vẻ lại có khả năng cảm thông nhất với ông, cả trong những chuyện tình ái vụn của ông với những cô chỉ đáng cho cu Dũng gọi là chị. Chị chăm nom cả việc nhà cho ông, quát lác từ việc giặt chiếu đến rửa bát. Như là bạn, như là em. Thực ra chị nghĩ gì, tôi không biết. Nhưng tôi thích kiểu quan hệ này. Bữa cơm của chúng tôi ngoài món thịt bò xào rau muống còn có bát canh chua và mấy miếng cà muối xổi. Cũng của mẹ cu Dũng cho, đưa qua lỗ liếp thủng. Vừa ăn, ông vừa bảo tôi: - Thấy cậu đang chán đời mình mới khao đấy. Chứ nghề mình cứ no cơm tức cật là không viết được. Cậu cười à? Cụ Tú Xương tổng kết từ lâu rồi ấy chứ. Ăn cho lắm vào thì con tự không có chỗ mà thòi ra. Quy luật muôn đời đấy. Hì! Tôi ăn. Không cãi. Tôi là dân ngoại đạo đối với giới ông. Còn ông thì im lặng ngay sau đó. Ông có tin lắm điều ông vừa nói? Tôi không dám hỏi. Song thực lòng, đôi khi nhìn ông và bạn bè tụ tập phét lác, tôi bùi ngùi. Có tay ngồi trên một manh chiếu, một manh khác kê sau lưng, áp lên bức tường trốc lở, luôn luôn ẩm vào trời nồm. Lúc ông ta cúi đầu về phía trước say sưa nói, manh chiếu rủ ngay trên đầu, rung rung, trông kỳ cục không chịu nổi. Cái giới nghệ sĩ buồn cười thật. Chả hiểu họ muốn gì trong đời. Vợ ơi! Em mà gặp họ trong nửa buổi thôi, chồng em sẽ thành "người trong cõi mộng" của em ngay. Chả hiểu ông nghĩ gì về quan hệ kỳ cục của ông và tôi nữa. Chúng tôi biết rất rõ về nhau. Lại hình như chẳng biết gì. Mà cũng chẳng định tìm biết thêm gì. Hồi đầu, tôi nghĩ ông lấy tôi làm mẫu nghiên cứu tâm trạng gì đó. Tưởng bở! Ðôi khi có những người ngẫu nhiên quen nhau, biết chắc không bao giờ gặp lại hoặc biết chắc không có một người quen chung nào khác, người ta có thể dốc ruột dốc gan mà không sợ. Không sợ bị hiểu đúng. Tôi và ông là những người như thế. Ðúng hơn là tôi thôi, trong sự hiểu biết lẫn nhau này.

Từ hồi quen ông tôi mở rộng phạm vi đọc. Tôi có một cái thú riêng khi xem sách của ông và mấy ông nhà văn bạn ông. Ngoài đời họ hình như gàn dở, còn hơi tầm thường nữa. Họ khác hẳn trong sách của họ. Khác chứ không hẳn là hay. Kể cả truyện của ông. Nghe đâu hồi tôi còn học phổ thông ông đã ăn cái giải nhất trong cuộc thi sáng tác đề tài công nhân trí thức gì đó. Truyện ấy tôi xem thấy nhạt lắm. Ông hỏi, tôi thú thật. Tưởng ông cáu. Nhưng ông cười: - Có thế mình mới được giải. Cậu tưởng! Quan trọng lắm! Sau đận ấy mình được mời đi nhà nghỉ sáng tác, ăn không mất tiền, chẳng phải ơn ai. Mấy tháng chứ đâu phải bỡn. Về, lại được vào nhà xuất bản. Thế mới có hộ khẩu, mới được làm dân Hà Nội lại. Ðâu có như cậu, mang tiếng dân Hà Nội chẳng qua vì được phân công công tác ở đây. Cậu ấy à, có lột ba lần da thì nhà quê vẫn hoàn nhà quê. Này! Có lần mình đi với bọn Phạm Tiến Duật, bọn Nguyễn Ðình ảnh, chúng nó cũng chịu đấy. Mà chúng nó giờ như ma xó ở đất này chứ đâu có ù lì như cậu. Có vẻ như ông không muốn nhìn lại tác phẩm ăn giải đó của mình. Nhưng tôi cứ "chì": - Chả lẽ anh định viết như thế mãi? Hỏi. Rồi tự trả lời: - Thế thì cũng như bọn em. Là kỹ sư mà không đề tài, không công trình, không tiền. Mà lại làm ở viện, "viện sĩ" chứ không phải chơi đâu. Nhưng bọn em thì chẳng ai biết đấy vào đâu, chẳng dối ai, ngoài ông nhà nước. Như thế có khi còn tử tế hơn. - ... - ...

- Này! Ðọc đi! Và khép miệng lại! Ðừng nhiếc nữa! Ông nhét vào tay tôi một tập giấy đánh máy, rồi bỏ đi. Chắc ông quên không cúi người, đầu va đánh cộp vào cái khung trên cửa. Nhưng ông cứ thế đi thẳng. Tôi đọc. Rồi tôi để cẩn thận lên mảnh ván kê mấy viên gạch ông dùng làm chỗ viết. Rồi về. Tôi không nói gì lại với ông. Ông cũng không hỏi tôi.

***

Dễ tới gần mười lăm năm... Từ lâu, ông đã rời căn phố nhỏ luôn âm vang tiếng chuông nhà thờ. Ông vào Sài Gòn, làm báo, lấy thêm hai ba đời vợ. Tôi thì đã ly dị vợ cũ và cưới vợ lần hai. Vợ tôi giờ cũng chẳng khác gì người vợ trước. Cũng tần tảo, bẳn gắt, có bằng đại học song không nhớ gì chuyên môn, vì đã ghi trong đơn xin việc: "Sẵn sàng làm bất cứ công việc gì tổ chức phân công". Song tôi đã thôi không thất vọng nữa về đàn bà. Tôi còn thấy mừng: đương kim vợ cũng giống cựu vợ. Không có các cô ấy dễ là tôi cũng giống như ông hồi còn qua lại nhà ông. Mà tôi thì chỉ thích đứng ngoài nhìn dân nghệ sĩ sống thôi. Bảo sống như họ, tôi vái. Mấy thằng như tôi chỉ thích đủ sống bằng lương, đi thư viện, xin được kinh phí làm đề tài, đề tài được ứng dụng. Ðấy là ban ngày, còn tối thì được về nhà, với vợ. Vợ tôi thích đọc lắm. Có rất nhiều thứ hợp tạng cô ấy. Cũng không đắt. Báo nào cũng ra phụ trương, chữ lòe nhòe, mù mịt, nhưng bán lại chạy. Nhà tôi đầy loại đó: "Hạnh phúc gia đình", "Công an Hà Nội", "Công an thành phố Hồ Chí Minh", "Tuổi xuân"... Tôi cũng nhiễm thói ham đọc những sách báo mang tính phổ cập toàn dân này của vợ. Ðọc chúng để còn nói chuyện với nhau.

Buổi tối, trước khi mở máy chữ - công cụ lao động chính và phụ - vợ tôi bảo: - Có bài "Làm thế nào để giữ gìn hạnh phúc gia đình khi các con đã lớn". Anh phải đọc đi! Tôi đọc. Bài ấy. Xong. Giở trang: "Mộ - Ðặng Hoàng - Truyện ngắn". Ðấy là cái truyện dạo nào tôi đã đọc. Tập giấy đánh máy ấy còn nhiều chữ viết tay khác: "In ngay" - Thế Hải - Biên tập viên - Tác giả "Ði Bước Nữa". "Hay" - Tô Ngọc. "Ðưa in rồi chuồn"... Một chữ ký loằng ngoằng. Ðại loại là những câu nửa nghiêm túc nửa cười cợt. Người viết là bạn bè cùng giới với ông, có nhiều người dân "ngoại đạo" chúng tôi cũng biết tên. Ðọc truyện, tôi nổi da gà. Dữ dội. Và buồn quá. Chẳng giống với những gì tôi học thời phổ thông hay những cái in ra hàng ngày. Tôi không nói gì lại với ông. Tôi đủ hiểu rằng truyện ngắn ấy không thể in được. Bạn văn cảm thông với ông, mừng với ông vì những dòng ông viết được. Nhưng lòng can đảm của họ, và của ông chỉ đến thế. Ông không dám đưa in. Mà cũng chẳng ai dám cho in một tác phẩm như vậy: Người cha - Ðứa con bị chối bỏ - Sự vô nghĩa của những lời kêu gọi - Sự phản trắc và đạo đức giả - Cái chết của đứa con và nỗi kinh hoàng của người cha khi nhận ra con mình - Sám hối - Nấm mồ và ký ức về tội lỗi - Không thể quên vì quên có nghĩa là tự tha thứ...

... Giá mà ngày ấy truyện của ông được in ra. Chắc sẽ lắm ồn ào. Những tác phẩm như thế, tôi tin là các ông vẫn âm thầm viết, âm thầm giữ cho mình. Ai? Trong số những nhà văn tôi đã gặp ở nhà ông? Ai? Trong số những nghệ sĩ tôi chưa gặp? Tôi hiểu vì sao giờ "Mộ" của ông được in ra. Nhưbg tôi không hiểu vì sao ông lại đưa in. Muối mặn để lâu tan thành nước chỉ còn vị chát. Mà sao ông lại cho in ở một tập san lá cải đến như vậy?

Có lần vào Sài Gòn tôi gặp ông. Công ty tôi tổ chức lễ báo cáo thành tích cuối năm, mời cả nhà báo. Ông cũng tới. Hỏi ông chuyện nghề, ông không cười, bảo: - Giờ mình dừng viết truyện, làm báo linh tinh thôi. Cậu nhớ có lần mình bảo thà đừng gặp lại người yêu đầu đời không? Thiết tha lắm mà đến lúc được sống chung thấy nhạt hoét, đâm bực mình. Chỉ tại mình đuối rồi. Mình viết truyện ngày trước cũng thế. Viết mãi, viết mãi, cuối cùng chỉ để đôi ba thằng đọc với nhau, khen rồi muốn khóc với nhau. Giữ bản thảo mãi đến lúc được in thì chả muốn nữa. Ðọc lại, rồi đọc bọn trẻ bây giờ, thấy họ tinh, sắc hơn mình, cũng dũng cảm hơn lũ chúng mình, cả lúc này, cả trong thời trẻ như họ. Vậy là "dụt" luôn cho xong. Tôi rụt rè hỏi ông về truyện "Mộ". Mặt ông méo đi: - Vợ mình nó gửi. Nó bảo hết tiền chợ. Rồi ông cười.

Hà Nội,1991

Users browsing this topic
Guest (3)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.