Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Ỷ Lan (Penelope Faulkner)
tienmacdoa
#1 Posted : Wednesday, October 27, 2004 4:00:00 PM(UTC)
tienmacdoa

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 189
Points: 0


Ỷ Lan (Penelope Faulkner)



Tác giả Ỷ Lan là một thanh nữ người Anh, tên thật là Penelope Faulkner, nói và viết tiếng Việt rất thông thạo. Chị là phó chủ tịch ngoại vụ của Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế. Các bài viết sau đây được trích từ tác phẩm "Quê Nhà" của Ỷ Lan, gồm 19 truyện ký, do Quê Mẹ ấn hành 4 lần vào các năm 1988 & 1989.

tienmacdoa
#2 Posted : Thursday, October 28, 2004 6:03:23 AM(UTC)
tienmacdoa

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 189
Points: 0

Tác giả Pearly
Gởi: Sat Jul 24, 2004 7:40 pm

Câu Chuyện Chè Chuối

Phải công nhận, nói chuyện ăn, không ai kể hấp dẫn bằng người Nam, vì họ thừa mứa đủ thứ!! Rau, trái cây, tôm, cá, cua, rắn, rùa (muốn gắn có gắn, muốn gùa có gùa!)... Kể sao cho hết? Bữa đó, "phái đoàn" người Nam đông nhất, họ chiếm đóng thị trường bằng những câu chuyện đầy chi tiết về cá lóc, cá trê, cá giếc, cá rô, cá bông lau, cá lờn bơn, và nhất là cá chốt. "Hậu giang nước chảy lờ đờ Dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu"... làm cho mấy anh bạn miền Trung, chỉ biết có cá gỗ, phải chịu thua luôn!!

Đề tài nói chuyện khởi từ mặn chuyển sang ngọt. Ỷ Lan thấy ai cũng mơ mộng nhớ lại những kỷ niệm tuổi thơ ấu, khi Mỹ nhắc tới ...chè! Đủ loại chè. Chè bắp, chè bột khoai, chè khoai môn, chè đậu xanh, chè đậu ngự, chè bột lọc bọc tôm thịt, chè chuối... Đúng rồi, chè chuối! Ỷ Lan nhớ đã từng ăn một ly chè chuối (ra nước ngoài hết còn ăn chén?) tại khu Bolsa hồi qua Cali năm ngoái. Còn nhớ hoài mùi thơm phức - vừa chuối, nước dừa, vừa.. đủ thứ!

Ôi, làm sao mình nấu được một nồi chè chuối để ăn nữa khuya trong những lúc làm báo? Có ai biết nấu không hè? Mọi người cùng im lặng một lát, nhìn nhau.. rồi cùng cười ồ. Ai cũng nhớ chè chuối, mang máng đoán ra có những thứ gì trong, nhưng chưa ai nấu bao giờ!!! Làm sao đây? Cách giải quyết hay nhất là áp dụng chính sách "tập thể". Mỹ, người đầu tiên xung phong nghiên kíu:

- Em không biết nấu, nhưng em biết chỗ mua chuối thật ngon, thật rẻ. Phải mua chuối chín muồi, có mật bể ra nấu chè mới ngon. Em nhớ má dặn vậy. Để mai đi giao sách báo vùng 13 em chạy mua luôn.

Nghe câu này, ai cũng cười! Biết tánh Mỹ rõ quá mà! Mỹ tuổi trâu, nhưng Ỷ Lan thấy như tuổi ngựa, vì anh cứ thích chạy hoài, chạy mãi, ngồi không yên. Đi đâu cũng được, miễn sao phải đi!

- Được rồi. Nhớ mua thêm hộp dừa nghe. Chè chuối phải có nước dừa mới thơm. Chị Minh, người Saì Gòn nhắc thêm.

- Và bột bán nữa. Phải thật đặc mới giống bên nhà...

Người can đảm và dám ra tay là anh Thi Vũ.

- Mỹ mua đồ về, anh sẽ nấu cho...

Trong toà soạn, ai cũng biết là điều gì vào tay của anh Thi Vũ đều thành thơ cả!!

Tối hôm đó, anh em ra về, mọi người bùi ngùi nhớ nhà sau mấy giờ ngồi nhắc đến kỷ niệm xưa, trong lòng phảng phất một hương vị thơm tho của tuổi thơ ấu êm đềm...

***

Chiều hôm sau, Mỹ xách chuối về. 3 ký lô chuối chín mềm, vỏ ngã mầu đen mun lấm chấm nốt ruồi. Chị Phương Anh la lên:

- Trời ơi! Chuối này phải nấu liền, chớ không sẽ hư!

Ỷ Lan mừng quá, tưởng sau đó chè sẽ bắc lên bếp. Ai ngờ anh Thi Vũ từ chối. Anh nói:

- Không được. Mình vừa nhớ là chè chuối phải có lá dứa mới thơm. Thiếu lá dứa, nấu không được! Khi nào Mỹ rỗi mua dùm lá dứa cho. Dưới khu Paris 13 có bán.

Khổ quá!! Niềm hy vọng của mình tan thành khói. Mới đây, món chè chuối nghe gần như bàn tay, nay không cánh biến về phương trời xa xăm!! Để đỡ nhớ, Ỷ Lan ăn một trái chuối, cắn thêm viên đường tưởng tượng ra ...chè!!

Trái chuối đó là trái đầu tiên, nhưng không phải là trái cuối cùng mà Ỷ Lan đượcăn trong những ngày tới. Ai cũng bận công việc làm báo, không ai rỗi xuống khu 13 mua lá dứa. Chuyện chè chuối dẹp qua một bên.

Nhưng chị Phương Anh thấy chuối chín quá, sợ hư uổng, bắt mọi người phải ăn cho hết. Những ngày dài mở ra, sáng cà phê chuối, trưa bánh mì chuối, tối ăn cơm chuối, trừ anh Bắc người Quảng, cuốn chuối với bánh tráng ăn ngon lành! Ăn chuối đến muốn đi chui luôn!!

Rồi một hôm, Mỹ chạy về, nụ cười tươi vui, cầm trong tay nắm lá dài như lá phong lan, xanh mướt và rất thơm.

- Đây anh! Em mua lá dưá được rồi! Tối nay ăn chè nhé!

Ỷ Lan nhìn về phiá chiếc rỗ mây mới hôm nào đựng 3 kí lô chuối nơi góc bếp, thấy còn .. một trái chuối lẻ loi đen điu chờ đợi!!

- Trời đất! Có lá dứa, có bột bán, nước cốt dừa, bây giờ lại thiếu ...chuối!

Tội nghiệp Mỹ! Mặt anh ta bỗng nhiên buồn rầu. Chạy hết sức vẫn chưa xong!!

- Rồi, để em đi...

Chị Phương Anh cản lại:

- Kệ, em! Chẳng sao. Khi nào rỗi hãy hay. Bây giờ rán lo xong số Quê Mẹ đã. Báo là món ăn tinh thần của mình!

Ỷ Lan nghĩ thầm, chắc ngoài món ăn tinh thần đêm nay, anh em sẽ cần một chút món khác để lấy sức thức khuya. Riêng Ỷ Lan chỉ nghề có món chè bắp (bắp hộp thôi các bạn ơi. Ỷ Lan không khéo tay như các chị bên nhà, cầm nguyên trái bắp tươi mà lảy từng hột hay bào nhuyễn ra đâu). Ỷ Lan dùng bột bán và nước dừa Mỹ mua hôm trước, nấu nồi chè bắp "vĩ đại" cho cả toà soạn. Đêm khuya mệt mỏi, buồn ngủ và đoi đói, một chén chè này đủ thơm ngọt và tăng thêm sức lực để "trí thức" tới sáng. Nhưng làm sao bă`ng chè chuối được?

Chắc Ỷ Lan không cần kể tiếp, các bạn đã hiểu rồi!! Ở tình trạng lúc nào cũng thiếu một "bộ phận" nên chè chuối chẳng bao giờ thành hình!! Đầu tiên thiếu lá dứa, rồi tới hết chuối. Sau lại thiếu bột bán và nước cốt dừa. Khi có đủ, lá dứa lại héo úa!! Còn bịch đậu phụng chờ giã rắc lên chè cho béo cũng bị các cháu của chị Phương Anh "mượn" chơi nhâm nhi hết!

Đối với Ỷ Lan, thành ngữ "chè chuối" trở thành như "Tết Congo" -- chuyện không bao giờ xảy ra cả.

- Úi cha! Đó là chuyện chè chuối mà. Bụng Ỷ Lan hết còn tin tưởng rồi.

***

Nhưng ai ngờ, một hôm Ỷ Lan đi phố về, bỗng nhiên thấy đặt trịnh trọng trên chiếc khay Nhật bản một bát chè chuối thơm tho đầy những khúc chuối vàng mọng đập đẹp, những hột bột bán lấp lánh như hạt ngọc. Nghe mùi, Ỷ Lan biết rằng hôm nay đã hội đủ các món, tất cả đều "đoàn kết" trong nồi, làm món chè thơm ngát quê hương cho mọi người thưởng thức.

Tối đó, Ỷ Lan biết rằng những bạn ngồi im lặng húp chè ấy, ngoài hương vị tuyệt vời, ai cũng đang trầm ngâm về phiá xa xăm, nơi mảnh đất cong cong bên kia địa cầu. Họ đang sống lại tuổi thơ êm ả.

Mường tượng theo anh em, Ỷ Lan lang thang bước xuống những đường mòn, lối hẻm nơi đồng quê xứ Việt, giữa hai rặng dừa cao vút, với bóng mát trải dài che rợp lối đi. Ỷ Lan hình dung ra đủ loại cây chuối: chuối tiêu, chuối ngự, chuối cau quảng, chuối ba lùn, chuối hột, chuối bà hương... Cả vườn chuối, rừng chuối, muôn nghìn nãi chờ một bàn tay vô hình hái xuống, pha chế, nấu một nồi chè chuối vĩ đại... mời sáu mươi triệu người ăn.
tienmacdoa
#3 Posted : Thursday, October 28, 2004 6:04:18 AM(UTC)
tienmacdoa

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 189
Points: 0




Đi tìm giống Lạc Hồng

Ỷ Lan


"Trường hợp Ỷ Lan kể cũng lạ! Làm sao một cô đầm, sống trên đất Pháp, lại nói tiếng Việt và còn tranh đấu cho Việt Nam?"
Từ ngày qua Pháp làm việc tại tòa soạn Quê Mẹ, Ỷ Lan được nge không biết bao nhiêu người Việt kêu lên câu hỏi này, với đôi mắt kinh ngạc lúng túng! Nếu mỗi lần nghe câu hỏi đó Ỷ Lan ăn được một đồng bạc, chắc giờ này Ỷ Lan đã thành triệu phú rồi! Chứ không còn loay hoay vất vả trên "xứ người" như hôm nay!
Lúc đầu, khi có người Việt đặt câu hỏi ấy, Ỷ Lan chỉ mỉm cười một cách kín đáo cho có vẻ huyền bí, và đáp liền một câu ngắn gọn:
- Thế mới hay chứ !!
Nghe Ỷ Lan trả lời nhanh như chớp, không do dự, ai cũng sợ, tưởng Ỷ Lan chắc phải giỏi kinh khủng, lại còn làm bộ khiêm nhường theo lối "nói là bạc, nín là vàng" của người Đông Phương, chọn chữ gọn gàng chính xác để đáp lại họ. Nhưng họ càng sợ thì Ỷ Lan lại càng khỏe, vì thật sự thưở đó, Ỷ Lan ít nói không phải vì khôn ngoan khiêm nhường, nhưng vì mình mới bắt đầu học tiếng Việt, chưa có đủ chữ để giải thích dài dòng !!

Nhưng sau đó, với thời gian làm việc tại cơ sở Quê Mẹ, Ỷ Lan được đọc thêm một ít sách báo Việt ngữ, tiếp xúc với rất nhiều người Việt tỵ nạn ba miền thuộc đủ thành phần xã hội. Dần dần học được một ít "vốn" chữ nghĩa để trao đổi ý kiến với người Việt.
Nhờ những năm dài tiếp xúc đó, sau này, khi có ai hỏi Ỷ Lan vì sao mình tranh đấu cho Việt Nam, Ỷ Lan đã có thể tuôn ra một tràng lời nẩy lửa, pha lẫn đôi chút chuyện cổ, vài câu ca dao tục ngữ cho thật oai ! Có lần, Ỷ Lan kể rằng, chắc ngày xưa tổ tiên Ỷ Lan nằm chung trong bọc trứng của Mẹ Âu Cơ cho nên trong người Ỷ Lan mới có một chút máu Rồng Tiên, làm cho kiếp này không rời với "mệnh nước nổi trôi" của người Việt. Một anh bật cười nói :
- Trời ơi, nếu tổ tiên chị Ỷ Lan vóc cao như người Hồng Mao, làm sao có đủ chỗ cho 99 quả trứng người Việt mình kia kìa ??

Nghe ngộ quá! Dù sao, Ỷ Lan vẫn thích câu chuyện Âu Cơ và Lạc Long Quân. Trong những buổi họp với những người Việt hải ngoại, khi có dịp phát biểu, Ỷ Lan hay xin phép dùng chữ "đồng bào" để nối mình với người Việt. Vì Ỷ lan cảmthấy rằng niềm vui lớn nhất của đời mình là được chia cùng nguồn gốc với giòng giống Lạc Hồng (tức Lạc Việt và Hồng Mao !!! -- theo ý nghĩ của Ỷ Lan !!) để cùng đi về tương lai đầy tình nghĩa Việt Nam.

Thường thường, Ỷ Lan thích nghe người khác (nhất là người Việt Nam) kể chuyện, nhưng lại ghét kể chyện về riêng mình. Nhưng hôm nay, để đáp lại những câu hỏi chân thành và yêu mến, Ỷ Lan xin kể chuyện "Ỷ Lan Hồng Mao" (chứ không phải là Ỷ Lan Hoàng Hậu của thế kỷ XI thời Lý) để thính giả nghe cho vui. Bởi vì, không riêng người Việt Nam ở hải ngoại, mà còn có nhiều người bên nhà, có lẽ đang nghe đài hôm nay, đã viết thư cho Ỷ Lan cách đây 2 năm, sau khi nghe Ỷ Lan đọc 6 truyện ngắn trên đài BBC. Rất nhiều người viết, hoặc qua đài nhờ chuyển, hoạc viết thẳng về tòa soạn Quê Mẹ ở Paris để làm quen với Ỷ Lan và hỏi vì sao Ỷ Lan quyết định học tiếng Việt và tranh đấu cho Việt Nam.

Khi nhận được những bức thư đó, Ỷ Lan vô cùng xúc động. Cầm bức thư trên tay, lòng Ỷ Lan xót xa cho những người đang sống thiếu thốn mà vẫn dám hy sinh nửa tháng lương mua tem gửi thư cho Ỷ Lan. Và Ỷ Lan cảm đưọc, qua những lời chân tình đơn sơ ấy, sự cảm thông huynh đệ sâu xa, dù hai bên chưa hề biết nhau hay gặp nhau.
Một trong những bức thư gửi từ miền Nam làm Ỷ Lan đạc biệt cảm động. Người gửi là một anh thương phế binh. Anh đã tiết kiệm một năm trời mới mua đủ tiền tem. Đòi sống của gia đình anh, với 2 đứa con thật là khó khăn, khiến anh viết trong thư : "Tôi là một thương phế binh chế độ cũ. Năm nay tôi 45 tuổi. Năm 1969 tôi bị thương, vết thương làm tổn hại đến tủy xương sống. Nên tôi bị tê liệt hết hai chân. Bây giờ tôi chỉ còn sử dụng được 2 tay, suốt đời ngồi trên xe lăn tay di chuyển trong nhà mà thôi ... Với đòi sống mà những người còn đủ chân tay cũng đành chịu đói hoặc phải làm những nghề bất lương ..."

Có những bức thư viết từ miền Trung trên giấy đen điu, với nét chữ "Bic" cạn mực khi đậm khi nhạt, có cả thư từ miền Bắc gửi qua cho Ỷ Lan qua Tòa Lãnh Sự Anh Quốc tại Hồng Kông !! Nhận thư này Ỷ Lan hoảng hồn, vì mở ra toàn thấy chữ Hán. Ỷ Lan dốt chữ Hán lắm, thấy chữ "chữ tác đánh chữ tộ", nhưng may thay, đó chỉ là bản dịch bên Hồng Kông, trong phong bì kèm theo bản chính bằng "tiếng ta" cho Ỷ Lan !!

Nhận được thư nào, Ỷ Lan trả lời hết. Ở đây dễ quá, một con tem gửi về Việt Nam chỉ tốn 4 quan 30 xu. Ở Pháp, số tiền này có thể mua được nửa ký gạo thơm, một ký lô đường, một lít sữa tươi hay hai ổ bánh mì, mỗi ổ dải bằng một cánh tay người lớn. So ra rẻ quá. Vì tiền lương tối thiểu của một người lao động không rành nghề là 4.600 quan Pháp một tháng. 4.600 quan, mà một bức thư chỉ trả 4 quan 30 xu thì rẻ thiệt. Nhưng Ỷ Lan có cảm tưởng mình gửi đi như chim ngàn cá biển, chẳng biết có đến tay người nhận không ? Cho nên, nếu quý vị thính giả cho phép, hôm nay Ỷ Lan xin kể lại như một bức thư bằng âm thanh, nói rõ nguyên do vì sao Ỷ Lan học tiếng Việt, sống với người Việt, và làm báo Quê Mẹ trên đất Pháp.

Hồi xưa, khi Ỷ Lan còn thưở học trò ... Nói vậy thôi, chứ hồi đó cũng không đến xưa lắm đâu !! Thưở đó ở bên Anh, Ỷ Lan như hầu hết mọi sinh viên và học sinh những năm 65, rất bị xúc động khi thấy những hình ảnh của chiến tranh Việt Nam chiếu hàng ngày trên đài truyền hình. Chiều nào đi học về cũng xót ruột xem hình ảnh các em bé mồ côi ngồi khóc bên xác cha mẹ, hay ngược lại, cha mẹ ôm xác con nức nở, các làng xóm bị đốt cháy, mẹ già chạy loạn, không biết thoát ngã nào ... Từ nhỏ, Ỷ Lan luôn luôn cảm thấy phẫn nộ trước sự bất công. Không thể chấp nhận sống an nhàn trong khi, bên kia địa cầu, những người Việt Nam cùng tuổi với mình đang chết chóc, khổ đau dưới bom đạn chiến tranh. Ỷ Lan không hiểu gì nhiều về Việt Nam, nhưng cảm thấy mình có bổn phận phải lên tiếng, hay đóng góp theo khả năng nhỏ nhoi của mình cho hòa bình Việt Nam.
Lúc đó, muốn hiểu rõ vấn đề Việt Nam cũng rất khó. Báo chí loan tin một cách rất"chính trị", dựa theo khuynh hướng này, khuynh hướnh nọ, nhưng không ai nói lên tiếng nói thật sự của người dân Việt bình thường đang đau khổ như một nạn nhân. Do đó, Ỷ Lan nhất quyết đi tìm con đường hoạt động để giúp cho người Việt. Mít-ting nào họp mặt, Ỷ Lan cững đi, bất cứ biểu tình nào xuống đường, Ỷ Lan cũng theo. Một hôm, rất may mắn, Ỷ Lan nghe đến ông Võ Văn Ái thuyết trình trại thành phố York, nơi Ỷ Lan ở. Ông Ái thuyết trình bằng những lạp luận và thông tin mới, làm Ỷ Lan giật mình lắng tai nghe từng lời. Vì thường khi, trong các buổi diễn hành xuống đường, Ỷ Lan chỉ được nghe những điều rất đơn giản. Nào là ... "Đế quốc Mỹ gây chiến !!". Nào là .."Nhân dân Việt Nam anh hùng chiến đấu cho hòa bình, dân chủ, trung lập". Lập luận đon giản này làm cho mình dễ chọn lựa giữa phe thiện, phe ác, phe lành, phe dữ. Ỷ Lan đâu dè trong thực tế, vấn đề Việt Nam bị lệ thuộc với vấn đề quốc tế và rất phức tạp. Ngay người dân Việt Nam cũng không bao giờ được hỏi ý kiến, hay được quyền chọn lựa.

Những lời ông Ái nói hôm đó đi thẳng vào trái tim của Ỷ Lan. Ông càng giải thích, Ỷ Lan càng thấy tình hình Việt Nam không giản dị như mình tưởng, hay như báo chí truyền thanh, truyền hình đế cập. Sau buổi thuyết trình, Ỷ Lan chạy tới gẳp riêng đến ông Ái để hỏi : - Thưa ông, Ỷ Lan không có tiền nhưng rất muốn đóng góp chút gì có ích lợi cho dân tộc đau khổ của ông. Làm sao đây ?
Ông Ái đề nghị : "Việc quan trọng nhất là cô thông tin cho dân chúng ở Anh biết rõ thực trạng Việt Nam. Biết rõ sự thật thì mới không sai lầm trong việc ủng hộ. Hai là, nếu cô có thi giờ dịch giúp các tài liệu cho văn phòng chúng tôi ở Paris, để thông báo cho thế giới ..."
Ỷ Lan đồng ý liền, và hứa, khi xong năm học, sẽ qua Pháp làm thư ký không lương trong vòng một năm.
Lúc đó, làm sao Ỷ Lan ngờ rằng cuộc gặp gỡ với ông Ái nhờ duyên may hay vì số phận sắp đặt, và những lời đề nghị của ông tại một thành phố khỉ ho cò gáy nơi xứ sương mù Hồng Mao, sẽ đưa dẫn Ỷ Lan vào một thế giới rực nắng văn minh và ténh nghĩa Việt Nam ; dẫn đưa Ỷ Lan vào một cuộc đời mới. Cuộc đời thật. Và ai ngờ rằng, 1 năm làm việc không lương sẽ kéo dài thành trên chục năm làm việc -- vẫn không lương !! Ở đây, sống chung với người Việt cùng một lý tưởng, như bầu bí chung giàn !! Rồi dần dần, từ tiếng Hồng Mao, Ỷ Lan sẽ chuyển qua tiếng sông Hồng, vượt sóng thành tiếng sông Hương luôn, làm cho các bạn trong đài BBC lắc đầu, sợ không ai hiểu !! Các anh ấy nói : "Phát âm tiếng Huế, thì ..." Họ cứ thì ... thì .. lơ lửng chết người như vậy, làm Ỷ Lan ngày đêm lo sợ !!

Nhưng hỡi ơi, bao năm đã trôi qua, Ỷ Lan không quên được ngày đầu tiên qua làm việc tại Paris. Hôm đó, anh Ái đưa một xấp thư, nhờ Ỷ Lan, như người thư ký, trả lời dùm. Và anh Ái nói một cách rất tự nhiên : "Cô đánh 10 ngón, phải không ?"
Ỷ Lan đỏ mặt, xấu hổ. Trời đất !! Mình qua Pháp làm thư ký, nhưng có bao giờ bận tâm về việc đánh máy đâu !! Tự nhiên cảm thấy mình đúng là "điếc không sợ súng" !! Nhưng vì tự ái dân tộc, và tánh "phớt tỉnh Ăng-lê", Ỷ Lan cầm xấp thư, nói ngon lành : "Dạ, biết đánh máy chứ !!" Rồi Ỷ Lan quyết liệt ngồi trước máy đánh chữ, trong lòng run sợ. Đánh một ngón chưa xong, đánh tới 10 ngón thì biết để vào đâu chín ngón kia !!
Anh Ái là người trí tuệ, tinh mắt lắm, Ỷ Lan "múa rìu" qua mắt anh sao được ?? Nhưng anh để cho Ỷ Lan yên, không nói một lời. Sau một ngày dài nghe tiếng máy lóc cóc chậm chạp như ngựa què gõ vó, Ý Lan đứng dậy bên thùng rác đầy nghẹt giấy viết thư hỏng, và hãnh diện đua ra bức thư cho anha Ái ký. Anh liếc qua bức thư đánh ... gần sạch sẽ, và nhẹ nhàng, mỉm cười, hỏi :
- Ký ở đâu, cô ?
Ỷ Lan nhìn kỹ -- mặt lại đỏ như gấc !! Thư vừa đúng trang, nhưng không còn khoảng trống ký tên ! Phải đánh lại !! Và hình như lúc đó càng đánh càng hỏng, y như cụ Phan Khôi đã nói :
Sửa sai rồi lại sửa sai
Sửa thì cứ sửa, sai thì cứ sai

Riêng Ỷ Lan thì lắc đầu tự thán :
Càng trông càng đánh càng rầu
Hai tay chụm lại cái đầu muốn điên
Nhưng rồi như Quốc Văn Giáo khoa Thư dạy : "Có chí thì nên" ... Sau một thời gian đằng đẵng "lao động vinh quang" như ngựa quen đường cũ, Ỷ Lan đã có thể đi thuê in danh thiếp, không phải với chức "tốt nghiệp trường Mẫu giáo", mà là Ỷ Lan, "đả-cơ-khí-tự-viên" của tòa soạn.

Nhưng có lẽ lý do khiến Ỷ Lan ý thức và quyết định học tiếng Việt là do một chuyện cười sinh ra. sao lạ thật !! Hình như hầu hết biến cố quan trọng trong đời Ỷ Lan luôn luôn khởi đầu từ một chuyện vui !!
Chuyện ấy xẩy ra một hôm thứ bảy. Ỷ Lan đang ngồi ăn cơm tối với các anh chị trong văn phòng, thì có anh Thôi đến chơi. Anh Thôi là người Mỹ Tho, mạnh khỏe to xác. Anh là em út trong gia đình 14 con, toàn là con trai !! Mấy anh lớn nđều được cha mẹ đặt tên nghe du dương hay oai hùng, đầy ý nghĩa như Anh, Hùng, Hào, Kiệt, Tiến, Quốc ..., nhưng sau bao nhiêu năm "sản xuất vượt chỉ tiêu" (đông con quá xá!), cha mẹ vừa mệt mỏi vừa cạn ý, đặt tên mấy đứa sau là "Út anh, Út em, Út ít", khi tới phiên anh thì chỉ còn lại chữ "Thôi" là hết !!

Đến chơi, ngồi uống trà, anh thôi kể một câu chuyện bằng tiếng Việt, nghe có vẻ hấp dẫn lắm, ai nấy đều ôm bụng cười, cười hăng hắc muốn rụng răng luôn ! Ỷ Lan quê quá, chẳng hiểu gì hết. Câu chuyện gì kỳ vậy, Ỷ Lan chỉ bắt được mấy chữ "oa oa, oa oa" nói hoài, nói mãi, mỗi lần nói là gây vang tiếng cười to lớn. Bực quá ! Ỷ Lan ra hiệu cho anh em, hy vọng người nào dịch dùm câu chuyện. Nhưng ai cũng cười, chịu thua. Họ nói rằng Ỷ Lan không hiểu được, vì dịch ra chả có gì đáng cười hết ! Ỷ Lan tức quá, tưởng anh em giấu cái gì đây ! Mình đoán chắc là anh Thôi đang kể chuyện một bầy vịt, hay mấy em bé khóc vì cứ nghe mãi mấy chữ "oa oa, oa oa" ! Cuối cùng anh Ái dịch nghĩa cho Ỷ Lan, và thật sự, Ỷ Lan chẳng hiểu vì sao mọi người đều cười bể bụng ! Không hiểu, vì không nghe được giọng rặt Nam ... của anh Thôi nói câu đơn sơ mà cà chớn : "Hôm qua qua nói qua qua mà qua hổng qua !! Hôm nay qua hổng nói qua qua, mà qua qua !!"

Nhìn anh Thôi kể chuyện, dù không hiểu đề tài anh nói, Ỷ Lan thấy rỏ rằng từ khi anh nói tiếng Pháp đến khi chuyển sang tiếng Việt, anh Thôi thành hai con người khác nhau. Khi nói tiếng Pháp, anh rụt rè, lễ phép, trịnh trọng, và chậm chạp. Nhưng khi anh nhẩy vào ngôn ngữ Việt, anh như cá vào nước. Vắt vẻo tận mây xanh một cách thú vị. Tiếng nói, tiếng cười, và ngay cả ánh mắt trong anh hoàn toàn khác. Hình như anh chỉ sống thật sự khi anh nói tiếng Việt. Có lẽ quê hương không là lãnh thổ, quê hương là tiếng nói, là ngôn ngữ.
Và Ỷ Lan chợt hiểu rằng, muốn giúp người Việt Nam thì phải tìm hiểu họ, trước hết bằng cách học tiếng Việt. Vì tất cả sinh hoạt phong phú, triết lý nhân đạo của người Việt nằm trong ngôn ngữ, vừa thi vị vừa thực tế. Nếu không, Ỷ Lan chỉ có thể đứng ngoài giúp vô, và nhiều khi cách giúp đó còn làm hại người, làm hỏng việc, như một số lớn người ngoại quốc qua ý thức hệ tây phương, đã làm hại dân tộc Việt, đã nô lệ hóa con người Việt trong lịch sử cận đại.
Ỷ Lan bỗng thấy rõ con đường của đời mình. Học tiếng Việt, tìm hiểu tâm hồn và ngưỡng vọng của người Việt, để từ đó làm hết lòng theo khả năng bèo bọt của mình, giúp cho những ước mơ đó thành hình, và tiếng nói thực của người Việt có tiếng vang khắp thế giới.
Ỷ Lan cũng muốn trở-thành-người-Việt, để có thể sử dụng chữ "đồng bào". Trở thành người Việt bằng cách tranh đấu cho "Quyền làm Người Việt Nam" cho chính mình, và cho mọi người khác !
Quý vị thính giả thấy không ! Chuyện "Ỷ Lan Hồng Mao" sống trên đất Pháp, nói tiếng Việt và làm báo Việt ngữ sơ sài thế thôi, không có gì lạ lùng đâu ! Vì Ỷ Lan chỉ là 1 trong 60 triệu đồng bào đang sống, đang nhất tâm giữ gìn trái tim Việt, theo nhịp đập của tiếng trống đồng từ một thưở Vua Hùng xưa.

Bibliographie :
Quê nhà, truyện ký Ỷ Lan, Quê mẹ xuất bản, Paris, France 1988
Phượng Các
#4 Posted : Sunday, February 13, 2005 11:00:10 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)


Quê Nhà

Ỷ Lan



Cuối năm, tòa soạn quá nhiều việc, Ỷ Lan không được về thăm nước Anh, thăm “quê nhà”. Thường thường cứ đến Noel, Ỷ Lan đều về ăn “Tết Tây” với cha mẹ và gặp lại những bạn học cùng lớp hồi xưa.
Những ngày cuối năm là những ngày Ỷ Lan thích nhất. Những ngày ấy, bên Anh có không khí rất vui vẻ, đợi chờ. Ai nấy đều sửa soạn từ bao nhiêu tuần trước, lo làm bánh kẹo, lo kiếm quà, mua sắm áo quần đẹp, rồi nôn nức đợi Noel đến. Dù nghèo tới đâu, mỗi gia đình tự tìm ra cách cho ngày đó thật vui, nhất là cho các em thiếu nhị.
Ở Pháp, Ỷ Lan không cảm được không khí này. Vào đêm Noel, kẻ có tiền, thì đi ăn tiệm, nhảy “đầm” tới sáng, người không tiền đành cho Giáng Sinh trôi quạ.
Nhớ những năm Quê Mẹ mới ra đời, trong tòa soạn ai cũng nghèo, vì tất cả phương tiện và sức lực đổ hết vào cho tờ báọ Có nhiều lúc đói quá, đi ngang nhà của người Pháp trong xóm, nghe mùi canh thịt hầm (pot-au-feu) đang nấu trong bếp bay rạ. Ỷ Lan đứng dưới của sổ ngửi hương vị thơm phức ấy, thèm hết sức.
Thời đó, gần cuối năm, không có tiền mua quà tặng cho các cháu của anh chị Áị Ỷ Lan nghĩ ra một cách thầm lén, rút bớt tiền mua xăng của tòa soạn giao cho những lần di chuyển đi giao hàng in cho khách. Còn nhớ mỗi lần, chỉ đủ tiền đổ xăng nhỏ giọt, tòa soạn trao cho 10 F, Ỷ Lan mua 9 F xăng, giữ lại 1 F, dồn lại mua vài món quà mọn cho các cháụ. Ỷ Lan còn nhớ mãi khuôn mặt sáng lên của các cháu, lúc nhận các món quà đơn sơ kia, gói kỹ rất lớn (!) trong loại giấy màu lấy ở nhà in.

Nghĩ tới quê nhà, Ỷ Lan bỗng nhớ đến anh chị em người Việt giờ này đang sống cảnh xa nhà.
Quê nhà của Ỷ Lan thật gần, mỗi khi muốn về, quê nhà vẫn y nguyên ở đâu đó. Mỗi bận muốn về, Ỷ Lan chỉ cần ra ga Victoria ở Luân Đôn, một nhà ga Anh quốc, giống hệt mọi nhà ga trên thế giớị Nói như “Quốc văn giáo khoa thư”, “nhà ga là nơi tàu đậu….” Chỉ có một điều riêng biệt khó tả, là sự xúc động trong lòng Ỷ Lan. Vừa bước ra khỏi ga, thấy ngay một thứ hạnh phúc không lời, thứ hạnh phúc đặc biệt mà đơn sơ cho những kẻ nào được giẫm chân trên đất nước quê hương mình. Đây là một may mắn vô giá.

Sống gần người Việt Nam, chọn chung đường tranh đấu cho Việt Nam, Ỷ Lan cũng thấy Việt Nam là quê hương “thứ hai” của mình, một quê hương trong mộng. Nhiều người hay nói , chắc kiếp trước Ỷ Lan mắc nợ với người Việt, nên kiếp này phải “lao động” thật khổ để trả nợ!! Lại có người xem Ỷ Lan như kẻ đồng hương! Một hôm Ỷ Lan đi ăn Tết ở Sarcelles với đồng bào tỵ nạn, có một anh thanh niên, da đen như người Phi châu, nghe Ỷ Lan nói tiếng Việt. Anh ta chạy đến, và vồn vã hỏi Ỷ Lan:” Ủa! chị lai hả ? Lai xứ nào ? Mừng quá, em cũng lai như chị vậy đó!!”

Mỗi lúc các bạn Việt Nam xem Ỷ Lan như người Việt, Ỷ Lan cảm động lắm, và rất hãnh diện để “làm người Việt Nam”.

Nhưng nhiều khi cũng đau khổ lắm! Ỷ Lan không bao giờ quên được buổi tối được mời ăn cơm tại nhà chị Hà Vô Vi với các anh chị trong tòa soạn. Chị Vi là người Huế, đẹp và sang trọng, từ áo quần, tóc tai, trang điểm tới duyên dáng. Chị rất lịch sự, nhiều khiếu thẩm mỹ, và dĩ nhiên, làm bếp rất ngon. Giống nhiều đàn bà người Huế, chị Vi ngang tàng, không sợ ai hết. Nghe chị kể lại cốt cách chị ăn nói đối phó với cán bộ Cộng sản bên nhà, Ỷ Lan nghĩ rằng chỉ cần vài chục phụ nữ như chị Vi, thì chế độ Cộng sản sẽ sụp ngay!!

Bữa ăn tối đó, chị Vi đãi bánh bèo và tôm chấỵ Chị làm rất khéo và ngon. Ai cũng vừa ăn vừa nói chuyện vui vẻ. Nhân đấy, chị Vi kể chuyện rằng, chị có mời vài “con đầm” trong sở về nhà chị ăn bánh bèo, nhưng chị chê các cô đầm nầy không biết ăn nước mắm!! Thôi bọn mi đừng có hòng ta mời tới nhà ăn bánh bèo một lần nữa mô!!!”.

Ỷ Lan nghe nói, sợ chị cũng chê mình “đầm” không biết ăn nước mắm, bèn kéo chén nước chấm gần nhất, đổ thật nhiều trên dĩa bánh bèo của mình, cốt ý cho chị Vi thấy. Rủi thay! Chén nước mắm đó chị pha đặc biệt cho các bạn người Huế trong Quê Mẹ. Cay ơi là cay!! Vừa nuốt vào tới miệng, Ỷ Lan không dám hét lên – sợ bị chị Vi chê, không mời ăn lần khác – đành ngồi yên như con gái nhà lành. Nuốt thong thả bánh bèo, như nuốt từng ngọn lửa cháy vào cổ. Mỗi miếng bánh bèo lúc đó, là một viên than hồng nóng hực. Sau đó, uống bao nhiêu nước lạnh cũng không dập tắt được ngọn lửa này. Tuy nhiên, Ỷ Lan khá thành công, vì chị Vi không hề khám phá ra sự đau khổ của Ỷ Lan. Tối hôm đó về nhà, miệng và cổ Ỷ Lan đau rát, nhưng trong lòng rất hãnh diện đã thi hành nghiêm chỉnh nhiệm vụ của mình tới cùng, và đã làm “người Việt Nam!”

Bao nhiêu hình ảnh còn in nguyên trong trí, sau bao nhiêu năm làm việc cùng cùng người Việt. Có những chuyện vui như chuyện chị Hà Vô Vi, có những hình ảnh khác, những chuyện Vượt Biển do anh em mới qua kể cho nghẹ Họ kể một cách bình thường, mà ngồi nghe, tâm thần mình rúng động, lòng mình dấy lên niềm thương tiếc cho đất nước và dân tộc này, bị chà đạp quá mức, sau bao nhiêu thế kỷ sống với chiến tranh. Chiến tranh đến từ nước ngoài, và chiến tranh giữa những người anh em cùng nòi giống!

Ỷ Lan còn nhớ mãi khuôn mặt hồn nhiên của một em bé Việt Nam, khoảng 12 tuổi, vượt biển một mìh, vì cha mẹ không đủ tiền ra đi cả gia đình, cha mẹ dành dụm tiền bạc cho một mình em đi, vì sợ cho tương lai đen tối của em nếu còn ở lại trong nước chịu cảnh giáo dục độc tài ấỵ Hiện nay em sống tại Pháp. Hôm Ỷ Lan vào thăm em ở trại tiếp cư, em vừa hồn nhiên vừa lo lắng hỏi Ỷ Lan:” Chị nhìn em, chị có biết được em đã ăn thịt người không?”
Chao ơi, em bé đó sẽ suốt đời giữ mãi lấy cảnh rùng rợn man rợ ấỵ Và Ỷ Lan cũng sẽ suốt đời không bao giờ quên mặt mày hình dáng em.

Từ đó, Ỷ Lan tin rằng không có một Người Vượt Biển nào lại có thể quên đi những ngày mình lênh đênh trên đại dương, với những mơ ước và nguyện cầu gì. Không có một người Việt nào lại đem lòng bỏ quên đồng bào của mình đang bị đau khổ, tù đày nơi quê nhà, hay đang trên đường ra đị Chắc không ai có thể ngồi yên mà không đóng góp một phần, dù thật nhỏ, để cứu sống đồng bào của mình trong lúc nguy nan thập tử nhất sinh nàỵ

Con đường tranh đấu còn dài, rất dài …. nhưng đâu phải không có đường ra ?

Những ngày giáp Tết
Ỷ Lan


(tạp chí Quê Mẹ, Giai Phẩm Xuân Giáp Tý 1984)
Users browsing this topic
Guest (2)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.