Đi tìm giống Lạc Hồng
Ỷ Lan "Trường hợp Ỷ Lan kể cũng lạ! Làm sao một cô đầm, sống trên đất Pháp, lại nói tiếng Việt và còn tranh đấu cho Việt Nam?"
Từ ngày qua Pháp làm việc tại tòa soạn Quê Mẹ, Ỷ Lan được nge không biết bao nhiêu người Việt kêu lên câu hỏi này, với đôi mắt kinh ngạc lúng túng! Nếu mỗi lần nghe câu hỏi đó Ỷ Lan ăn được một đồng bạc, chắc giờ này Ỷ Lan đã thành triệu phú rồi! Chứ không còn loay hoay vất vả trên "xứ người" như hôm nay!
Lúc đầu, khi có người Việt đặt câu hỏi ấy, Ỷ Lan chỉ mỉm cười một cách kín đáo cho có vẻ huyền bí, và đáp liền một câu ngắn gọn:
- Thế mới hay chứ !!
Nghe Ỷ Lan trả lời nhanh như chớp, không do dự, ai cũng sợ, tưởng Ỷ Lan chắc phải giỏi kinh khủng, lại còn làm bộ khiêm nhường theo lối "nói là bạc, nín là vàng" của người Đông Phương, chọn chữ gọn gàng chính xác để đáp lại họ. Nhưng họ càng sợ thì Ỷ Lan lại càng khỏe, vì thật sự thưở đó, Ỷ Lan ít nói không phải vì khôn ngoan khiêm nhường, nhưng vì mình mới bắt đầu học tiếng Việt, chưa có đủ chữ để giải thích dài dòng !!
Nhưng sau đó, với thời gian làm việc tại cơ sở Quê Mẹ, Ỷ Lan được đọc thêm một ít sách báo Việt ngữ, tiếp xúc với rất nhiều người Việt tỵ nạn ba miền thuộc đủ thành phần xã hội. Dần dần học được một ít "vốn" chữ nghĩa để trao đổi ý kiến với người Việt.
Nhờ những năm dài tiếp xúc đó, sau này, khi có ai hỏi Ỷ Lan vì sao mình tranh đấu cho Việt Nam, Ỷ Lan đã có thể tuôn ra một tràng lời nẩy lửa, pha lẫn đôi chút chuyện cổ, vài câu ca dao tục ngữ cho thật oai ! Có lần, Ỷ Lan kể rằng, chắc ngày xưa tổ tiên Ỷ Lan nằm chung trong bọc trứng của Mẹ Âu Cơ cho nên trong người Ỷ Lan mới có một chút máu Rồng Tiên, làm cho kiếp này không rời với "mệnh nước nổi trôi" của người Việt. Một anh bật cười nói :
- Trời ơi, nếu tổ tiên chị Ỷ Lan vóc cao như người Hồng Mao, làm sao có đủ chỗ cho 99 quả trứng người Việt mình kia kìa ??
Nghe ngộ quá! Dù sao, Ỷ Lan vẫn thích câu chuyện Âu Cơ và Lạc Long Quân. Trong những buổi họp với những người Việt hải ngoại, khi có dịp phát biểu, Ỷ Lan hay xin phép dùng chữ "đồng bào" để nối mình với người Việt. Vì Ỷ lan cảmthấy rằng niềm vui lớn nhất của đời mình là được chia cùng nguồn gốc với giòng giống Lạc Hồng (tức Lạc Việt và Hồng Mao !!! -- theo ý nghĩ của Ỷ Lan !!) để cùng đi về tương lai đầy tình nghĩa Việt Nam.
Thường thường, Ỷ Lan thích nghe người khác (nhất là người Việt Nam) kể chuyện, nhưng lại ghét kể chyện về riêng mình. Nhưng hôm nay, để đáp lại những câu hỏi chân thành và yêu mến, Ỷ Lan xin kể chuyện "Ỷ Lan Hồng Mao" (chứ không phải là Ỷ Lan Hoàng Hậu của thế kỷ XI thời Lý) để thính giả nghe cho vui. Bởi vì, không riêng người Việt Nam ở hải ngoại, mà còn có nhiều người bên nhà, có lẽ đang nghe đài hôm nay, đã viết thư cho Ỷ Lan cách đây 2 năm, sau khi nghe Ỷ Lan đọc 6 truyện ngắn trên đài BBC. Rất nhiều người viết, hoặc qua đài nhờ chuyển, hoạc viết thẳng về tòa soạn Quê Mẹ ở Paris để làm quen với Ỷ Lan và hỏi vì sao Ỷ Lan quyết định học tiếng Việt và tranh đấu cho Việt Nam.
Khi nhận được những bức thư đó, Ỷ Lan vô cùng xúc động. Cầm bức thư trên tay, lòng Ỷ Lan xót xa cho những người đang sống thiếu thốn mà vẫn dám hy sinh nửa tháng lương mua tem gửi thư cho Ỷ Lan. Và Ỷ Lan cảm đưọc, qua những lời chân tình đơn sơ ấy, sự cảm thông huynh đệ sâu xa, dù hai bên chưa hề biết nhau hay gặp nhau.
Một trong những bức thư gửi từ miền Nam làm Ỷ Lan đạc biệt cảm động. Người gửi là một anh thương phế binh. Anh đã tiết kiệm một năm trời mới mua đủ tiền tem. Đòi sống của gia đình anh, với 2 đứa con thật là khó khăn, khiến anh viết trong thư : "Tôi là một thương phế binh chế độ cũ. Năm nay tôi 45 tuổi. Năm 1969 tôi bị thương, vết thương làm tổn hại đến tủy xương sống. Nên tôi bị tê liệt hết hai chân. Bây giờ tôi chỉ còn sử dụng được 2 tay, suốt đời ngồi trên xe lăn tay di chuyển trong nhà mà thôi ... Với đòi sống mà những người còn đủ chân tay cũng đành chịu đói hoặc phải làm những nghề bất lương ..."
Có những bức thư viết từ miền Trung trên giấy đen điu, với nét chữ "Bic" cạn mực khi đậm khi nhạt, có cả thư từ miền Bắc gửi qua cho Ỷ Lan qua Tòa Lãnh Sự Anh Quốc tại Hồng Kông !! Nhận thư này Ỷ Lan hoảng hồn, vì mở ra toàn thấy chữ Hán. Ỷ Lan dốt chữ Hán lắm, thấy chữ "chữ tác đánh chữ tộ", nhưng may thay, đó chỉ là bản dịch bên Hồng Kông, trong phong bì kèm theo bản chính bằng "tiếng ta" cho Ỷ Lan !!
Nhận được thư nào, Ỷ Lan trả lời hết. Ở đây dễ quá, một con tem gửi về Việt Nam chỉ tốn 4 quan 30 xu. Ở Pháp, số tiền này có thể mua được nửa ký gạo thơm, một ký lô đường, một lít sữa tươi hay hai ổ bánh mì, mỗi ổ dải bằng một cánh tay người lớn. So ra rẻ quá. Vì tiền lương tối thiểu của một người lao động không rành nghề là 4.600 quan Pháp một tháng. 4.600 quan, mà một bức thư chỉ trả 4 quan 30 xu thì rẻ thiệt. Nhưng Ỷ Lan có cảm tưởng mình gửi đi như chim ngàn cá biển, chẳng biết có đến tay người nhận không ? Cho nên, nếu quý vị thính giả cho phép, hôm nay Ỷ Lan xin kể lại như một bức thư bằng âm thanh, nói rõ nguyên do vì sao Ỷ Lan học tiếng Việt, sống với người Việt, và làm báo Quê Mẹ trên đất Pháp.
Hồi xưa, khi Ỷ Lan còn thưở học trò ... Nói vậy thôi, chứ hồi đó cũng không đến xưa lắm đâu !! Thưở đó ở bên Anh, Ỷ Lan như hầu hết mọi sinh viên và học sinh những năm 65, rất bị xúc động khi thấy những hình ảnh của chiến tranh Việt Nam chiếu hàng ngày trên đài truyền hình. Chiều nào đi học về cũng xót ruột xem hình ảnh các em bé mồ côi ngồi khóc bên xác cha mẹ, hay ngược lại, cha mẹ ôm xác con nức nở, các làng xóm bị đốt cháy, mẹ già chạy loạn, không biết thoát ngã nào ... Từ nhỏ, Ỷ Lan luôn luôn cảm thấy phẫn nộ trước sự bất công. Không thể chấp nhận sống an nhàn trong khi, bên kia địa cầu, những người Việt Nam cùng tuổi với mình đang chết chóc, khổ đau dưới bom đạn chiến tranh. Ỷ Lan không hiểu gì nhiều về Việt Nam, nhưng cảm thấy mình có bổn phận phải lên tiếng, hay đóng góp theo khả năng nhỏ nhoi của mình cho hòa bình Việt Nam.
Lúc đó, muốn hiểu rõ vấn đề Việt Nam cũng rất khó. Báo chí loan tin một cách rất"chính trị", dựa theo khuynh hướng này, khuynh hướnh nọ, nhưng không ai nói lên tiếng nói thật sự của người dân Việt bình thường đang đau khổ như một nạn nhân. Do đó, Ỷ Lan nhất quyết đi tìm con đường hoạt động để giúp cho người Việt. Mít-ting nào họp mặt, Ỷ Lan cững đi, bất cứ biểu tình nào xuống đường, Ỷ Lan cũng theo. Một hôm, rất may mắn, Ỷ Lan nghe đến ông Võ Văn Ái thuyết trình trại thành phố York, nơi Ỷ Lan ở. Ông Ái thuyết trình bằng những lạp luận và thông tin mới, làm Ỷ Lan giật mình lắng tai nghe từng lời. Vì thường khi, trong các buổi diễn hành xuống đường, Ỷ Lan chỉ được nghe những điều rất đơn giản. Nào là ... "Đế quốc Mỹ gây chiến !!". Nào là .."Nhân dân Việt Nam anh hùng chiến đấu cho hòa bình, dân chủ, trung lập". Lập luận đon giản này làm cho mình dễ chọn lựa giữa phe thiện, phe ác, phe lành, phe dữ. Ỷ Lan đâu dè trong thực tế, vấn đề Việt Nam bị lệ thuộc với vấn đề quốc tế và rất phức tạp. Ngay người dân Việt Nam cũng không bao giờ được hỏi ý kiến, hay được quyền chọn lựa.
Những lời ông Ái nói hôm đó đi thẳng vào trái tim của Ỷ Lan. Ông càng giải thích, Ỷ Lan càng thấy tình hình Việt Nam không giản dị như mình tưởng, hay như báo chí truyền thanh, truyền hình đế cập. Sau buổi thuyết trình, Ỷ Lan chạy tới gẳp riêng đến ông Ái để hỏi : - Thưa ông, Ỷ Lan không có tiền nhưng rất muốn đóng góp chút gì có ích lợi cho dân tộc đau khổ của ông. Làm sao đây ?
Ông Ái đề nghị : "Việc quan trọng nhất là cô thông tin cho dân chúng ở Anh biết rõ thực trạng Việt Nam. Biết rõ sự thật thì mới không sai lầm trong việc ủng hộ. Hai là, nếu cô có thi giờ dịch giúp các tài liệu cho văn phòng chúng tôi ở Paris, để thông báo cho thế giới ..."
Ỷ Lan đồng ý liền, và hứa, khi xong năm học, sẽ qua Pháp làm thư ký không lương trong vòng một năm.
Lúc đó, làm sao Ỷ Lan ngờ rằng cuộc gặp gỡ với ông Ái nhờ duyên may hay vì số phận sắp đặt, và những lời đề nghị của ông tại một thành phố khỉ ho cò gáy nơi xứ sương mù Hồng Mao, sẽ đưa dẫn Ỷ Lan vào một thế giới rực nắng văn minh và ténh nghĩa Việt Nam ; dẫn đưa Ỷ Lan vào một cuộc đời mới. Cuộc đời thật. Và ai ngờ rằng, 1 năm làm việc không lương sẽ kéo dài thành trên chục năm làm việc -- vẫn không lương !! Ở đây, sống chung với người Việt cùng một lý tưởng, như bầu bí chung giàn !! Rồi dần dần, từ tiếng Hồng Mao, Ỷ Lan sẽ chuyển qua tiếng sông Hồng, vượt sóng thành tiếng sông Hương luôn, làm cho các bạn trong đài BBC lắc đầu, sợ không ai hiểu !! Các anh ấy nói : "Phát âm tiếng Huế, thì ..." Họ cứ thì ... thì .. lơ lửng chết người như vậy, làm Ỷ Lan ngày đêm lo sợ !!
Nhưng hỡi ơi, bao năm đã trôi qua, Ỷ Lan không quên được ngày đầu tiên qua làm việc tại Paris. Hôm đó, anh Ái đưa một xấp thư, nhờ Ỷ Lan, như người thư ký, trả lời dùm. Và anh Ái nói một cách rất tự nhiên : "Cô đánh 10 ngón, phải không ?"
Ỷ Lan đỏ mặt, xấu hổ. Trời đất !! Mình qua Pháp làm thư ký, nhưng có bao giờ bận tâm về việc đánh máy đâu !! Tự nhiên cảm thấy mình đúng là "điếc không sợ súng" !! Nhưng vì tự ái dân tộc, và tánh "phớt tỉnh Ăng-lê", Ỷ Lan cầm xấp thư, nói ngon lành : "Dạ, biết đánh máy chứ !!" Rồi Ỷ Lan quyết liệt ngồi trước máy đánh chữ, trong lòng run sợ. Đánh một ngón chưa xong, đánh tới 10 ngón thì biết để vào đâu chín ngón kia !!
Anh Ái là người trí tuệ, tinh mắt lắm, Ỷ Lan "múa rìu" qua mắt anh sao được ?? Nhưng anh để cho Ỷ Lan yên, không nói một lời. Sau một ngày dài nghe tiếng máy lóc cóc chậm chạp như ngựa què gõ vó, Ý Lan đứng dậy bên thùng rác đầy nghẹt giấy viết thư hỏng, và hãnh diện đua ra bức thư cho anha Ái ký. Anh liếc qua bức thư đánh ... gần sạch sẽ, và nhẹ nhàng, mỉm cười, hỏi :
- Ký ở đâu, cô ?
Ỷ Lan nhìn kỹ -- mặt lại đỏ như gấc !! Thư vừa đúng trang, nhưng không còn khoảng trống ký tên ! Phải đánh lại !! Và hình như lúc đó càng đánh càng hỏng, y như cụ Phan Khôi đã nói :
Sửa sai rồi lại sửa sai
Sửa thì cứ sửa, sai thì cứ sai
Riêng Ỷ Lan thì lắc đầu tự thán :
Càng trông càng đánh càng rầu
Hai tay chụm lại cái đầu muốn điên
Nhưng rồi như Quốc Văn Giáo khoa Thư dạy : "Có chí thì nên" ... Sau một thời gian đằng đẵng "lao động vinh quang" như ngựa quen đường cũ, Ỷ Lan đã có thể đi thuê in danh thiếp, không phải với chức "tốt nghiệp trường Mẫu giáo", mà là Ỷ Lan, "đả-cơ-khí-tự-viên" của tòa soạn.
Nhưng có lẽ lý do khiến Ỷ Lan ý thức và quyết định học tiếng Việt là do một chuyện cười sinh ra. sao lạ thật !! Hình như hầu hết biến cố quan trọng trong đời Ỷ Lan luôn luôn khởi đầu từ một chuyện vui !!
Chuyện ấy xẩy ra một hôm thứ bảy. Ỷ Lan đang ngồi ăn cơm tối với các anh chị trong văn phòng, thì có anh Thôi đến chơi. Anh Thôi là người Mỹ Tho, mạnh khỏe to xác. Anh là em út trong gia đình 14 con, toàn là con trai !! Mấy anh lớn nđều được cha mẹ đặt tên nghe du dương hay oai hùng, đầy ý nghĩa như Anh, Hùng, Hào, Kiệt, Tiến, Quốc ..., nhưng sau bao nhiêu năm "sản xuất vượt chỉ tiêu" (đông con quá xá!), cha mẹ vừa mệt mỏi vừa cạn ý, đặt tên mấy đứa sau là "Út anh, Út em, Út ít", khi tới phiên anh thì chỉ còn lại chữ "Thôi" là hết !!
Đến chơi, ngồi uống trà, anh thôi kể một câu chuyện bằng tiếng Việt, nghe có vẻ hấp dẫn lắm, ai nấy đều ôm bụng cười, cười hăng hắc muốn rụng răng luôn ! Ỷ Lan quê quá, chẳng hiểu gì hết. Câu chuyện gì kỳ vậy, Ỷ Lan chỉ bắt được mấy chữ "oa oa, oa oa" nói hoài, nói mãi, mỗi lần nói là gây vang tiếng cười to lớn. Bực quá ! Ỷ Lan ra hiệu cho anh em, hy vọng người nào dịch dùm câu chuyện. Nhưng ai cũng cười, chịu thua. Họ nói rằng Ỷ Lan không hiểu được, vì dịch ra chả có gì đáng cười hết ! Ỷ Lan tức quá, tưởng anh em giấu cái gì đây ! Mình đoán chắc là anh Thôi đang kể chuyện một bầy vịt, hay mấy em bé khóc vì cứ nghe mãi mấy chữ "oa oa, oa oa" ! Cuối cùng anh Ái dịch nghĩa cho Ỷ Lan, và thật sự, Ỷ Lan chẳng hiểu vì sao mọi người đều cười bể bụng ! Không hiểu, vì không nghe được giọng rặt Nam ... của anh Thôi nói câu đơn sơ mà cà chớn : "Hôm qua qua nói qua qua mà qua hổng qua !! Hôm nay qua hổng nói qua qua, mà qua qua !!"
Nhìn anh Thôi kể chuyện, dù không hiểu đề tài anh nói, Ỷ Lan thấy rỏ rằng từ khi anh nói tiếng Pháp đến khi chuyển sang tiếng Việt, anh Thôi thành hai con người khác nhau. Khi nói tiếng Pháp, anh rụt rè, lễ phép, trịnh trọng, và chậm chạp. Nhưng khi anh nhẩy vào ngôn ngữ Việt, anh như cá vào nước. Vắt vẻo tận mây xanh một cách thú vị. Tiếng nói, tiếng cười, và ngay cả ánh mắt trong anh hoàn toàn khác. Hình như anh chỉ sống thật sự khi anh nói tiếng Việt. Có lẽ quê hương không là lãnh thổ, quê hương là tiếng nói, là ngôn ngữ.
Và Ỷ Lan chợt hiểu rằng, muốn giúp người Việt Nam thì phải tìm hiểu họ, trước hết bằng cách học tiếng Việt. Vì tất cả sinh hoạt phong phú, triết lý nhân đạo của người Việt nằm trong ngôn ngữ, vừa thi vị vừa thực tế. Nếu không, Ỷ Lan chỉ có thể đứng ngoài giúp vô, và nhiều khi cách giúp đó còn làm hại người, làm hỏng việc, như một số lớn người ngoại quốc qua ý thức hệ tây phương, đã làm hại dân tộc Việt, đã nô lệ hóa con người Việt trong lịch sử cận đại.
Ỷ Lan bỗng thấy rõ con đường của đời mình. Học tiếng Việt, tìm hiểu tâm hồn và ngưỡng vọng của người Việt, để từ đó làm hết lòng theo khả năng bèo bọt của mình, giúp cho những ước mơ đó thành hình, và tiếng nói thực của người Việt có tiếng vang khắp thế giới.
Ỷ Lan cũng muốn trở-thành-người-Việt, để có thể sử dụng chữ "đồng bào". Trở thành người Việt bằng cách tranh đấu cho "Quyền làm Người Việt Nam" cho chính mình, và cho mọi người khác !
Quý vị thính giả thấy không ! Chuyện "Ỷ Lan Hồng Mao" sống trên đất Pháp, nói tiếng Việt và làm báo Việt ngữ sơ sài thế thôi, không có gì lạ lùng đâu ! Vì Ỷ Lan chỉ là 1 trong 60 triệu đồng bào đang sống, đang nhất tâm giữ gìn trái tim Việt, theo nhịp đập của tiếng trống đồng từ một thưở Vua Hùng xưa.
Bibliographie :
Quê nhà, truyện ký Ỷ Lan, Quê mẹ xuất bản, Paris, France 1988